CHIẾC CỔNG

Trong một vương quốc nọ, có một hoàng tử tài năng lập nhiều chiến công, chàng hết sức hãnh diện về mình và tự nghĩ rằng, với tài năng và vị trí của chàng, chàng sẽ lập gia đình với bất cứ ai mà chàng muốn.

Từ ấy trở đi, vua cha ra thông báo đến với mọi người trong vương quốc về ý định tìm công chúa của hoàng tử.  Ngày từng ngày, nhiều cô gái xinh đẹp được tuyển chọn nhằm giới thiệu cho hoàng tử, nhưng xem chừng như hoàng tử vẫn chưa gặp được người mình mong ước.  Cuối cùng, một quan cận thần cho hoàng tử biết, tại một khu rừng hoang vắng, có một cô gái rất xinh đẹp, cô có giọng hát ngọt ngào, dầu vậy cô không chấp nhận đến trình diện với hoàng tử.  Cô cho biết, nếu hoàng tử thật lòng yêu cô, hoàng tử hãy đến tìm cô.

Nghe tin như thế, hoàng tử tỏ vẻ bực tức giận dữ; dầu vậy, chàng cũng đành lòng đi gặp cô gái.  Với một đoàn rước oai vệ, nhiều xe cộ lộng lẫy, hoàng tử tin là chàng sẽ chinh phục được cô gái.  Tới nơi, chàng hoàng tử thấy một toà lâu đài nhỏ gọn, xinh xắn nằm trên một ngọn đồi với tường rào xung quanh.  Ngạc nhiên thay, toà lâu đài và bức tường rào trông rất đẹp, gọn gàng, nhưng chiếc cổng thì rất tồi tệ, cũ kỹ, và rất nhỏ thấp.

Hoàng tử xuống xe ngựa, bước đến trước cổng tòa lâu đài và cất tiếng gọi.  “Hãy mở cổng đón rước ta!”  Một giọng nói ngọt ngào trong trẻo đáp lại, “ngươi là ai?”  “Ta là hoàng tử.  Ta lập nhiều chiến công; ta sẽ là làm chủ vương quốc này trong nay mai; ta sẽ cho nàng làm hoàng hậu.”  Giọng nói ngọt ngào đáp trả, “Xin lỗi, trong toà nhà này chỉ có một phòng, hôm nay không thể đón ngài được!”  Tức thì, mọi người đều thấy chiếc cổng tự hạ thấp xuống sát đất mà không ai có thể chui qua được.  Hoàng tử tỏ vẻ giận giữ bỏ đi.  Dẫu vậy, vài tháng sau, giọng nói ngọt ngào ấy đã thôi thúc chàng trở lại. Nhưng lần này, chàng phi ngựa cùng với vài người bạn.  Đến bên cổng, chàng cất tiếng, “Tôi là dũng sĩ, xin đón rước tôi.”  “Chàng là dũng sĩ ư!  Xin lỗi, hôm nay cũng chỉ có một phòng, không thể đón chàng được.”  Lạ thay, chiếc cổng được nâng lên một chút, dẫu vậy nó cũng chưa cao đủ để cho người ta bước vào.  Hoàng tử nổi giận bỏ đi.

Chàng tự hỏi, tại sao chiếc cổng ấy lần trước nó lại hạ thấp xuống sát đất, lần này nó lại nâng lên một chút!  Sau một thời gian, chàng quyết định một mình quay lại toà lâu đài để gặp cô gái.  Lần này, chàng làm một người nông dân, đi chân đất; đứng trước cổng hồi lâu, chàng cất tiếng gọi, “Tại hạ là hoàng tử, nhưng trước tiên, tại hạ là con người nông dân nghèo như bao ngươi nông dân khác; tại hạ là dũng sĩ, nhưng trước tiên tại hạ cũng là một anh lính nhỏ như bao người lính khác; tại hạ sẽ làm vua, nhưng trước tiên tại hạ cũng là con người biết yêu và muốn được yêu.”  Một giọng nói ngọt ngào cất lên, “xin mời chàng”; tức thì chiếc cổng tự nâng cao lên, rộng mở ra và nhiều hoa lá kết xung quanh cổng.  Hoàng tử bước vào cung điện gặp cô gái; họ yêu nhau, và kết hôn với nhau.

***********************************

Vương niệm, huy chương thắng trận không chinh phục được quả tim vàng của cô gái, nhưng chính là lòng khiêm tốn nhận ra căn tính thật con người của hoàng tử.  Điều này quả rất đúng đối với con người chúng ta.  Những “ấn tượng” ban đầu của đôi bạn trẻ khi mới đến với nhau không kéo dài mãi được; chúng không trở thành nền tảng cho tình yêu và gia đình mà họ muốn xây dựng.  Sau một thời gian yêu nhau vì những ấn tượng ấy, họ cần phải đến với nhau bằng bản chất thật trong con người của họ.  Tình yêu bền vững không phải vì những ấn tượng ta dành cho nhau lúc ban đầu, nhưng chính là đón nhận bản chất thật của nhau.  Bản chất thật ấy nó có thể “thấp, nhỏ, bất toàn,” nhưng khi đón nhận nhau với bản chất thật, tình yêu sẽ đơm nở – nó bền chặt, vững chắc.

ZZTình yêu thật là chỗ đó; tình yêu không có giới hạn là chỗ đó.  Con người chúng ta có khuynh hướng tự nhiên đi tìm vẻ đẹp bên ngoài, chức cao, quyền trọng; chúng ta thích được tán dương, thích được biết đến.  Chúng ta nghĩ rằng, những điều “cao quí” ấy là điểm chuẩn cho sự thành công của chúng ta trong đường đời, trong mối quan hệ.  Càng danh tiếng bao nhiêu, tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu.  Tuy nhiên, thực tế thì lại khác.  Những tán dương ca tụng là điều tốt đẹp; những thành công, giải thưởng là điều cần thiết.  Nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào những yếu tố đó để đối xử với nhau trong mối quan hệ thì nó rất nguy hiểm.  Cái nguy hiểm chính là chúng ta đề cao những những thành quả mà mình đạt được để rồi coi thường giá trị thật nơi những con người mà mình đang sống chung trong một mái nhà. Cái nguy hiểm chính là những thành công ấy trở thành tâm điểm cho cuộc đời chúng ta mà quên đi những nhân vị khác đang sống chung quanh chúng ta.

Chiếc cổng trong câu truyện đóng lại khi chàng hoàng tử thể hiện sự phô trương tự đắc, và nó đã mở rộng để đón chàng khi chàng biết hạ mình xuống nhận ra căn tính thật của mình.  Câu chuyện Chiếc Cổng cũng nhắc nhở chúng ta rằng, cách cư xử hằng ngày của chúng ta với nhau có thể sẽ làm cho “chiếc cổng” đóng lại hay mở ra.  Đã rõ, thái độ tự cao, cổng lòng đóng lại; thái độ khiêm tốn, cổng lòng mở ra.  Bạn muốn cổng lòng người đóng hay mở để đón tiếp bạn?

Br. Huynhquảng – http://brhuynhquang.org/

 

KHÔNG LÀM ĐƯỢC PHÉP LẠ

ZZTin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại rằng: Đức Giêsu giảng dạy ở hội đường tại quê nhà. Phản ứng của dân làng là hết sức ngạc nhiên trước sự khôn ngoan trong lời giảng dạy của Ngài.

Nếu họ chân thành tìm kiếm, họ có thể nhận ra khuôn mặt thật của người mà họ quá quen thuộc. Tiếc thay người làng Nagiaréth đã không đủ vô tư. Họ bị ám ảnh bởi quá khứ của Ngài, và họ không sao ra khỏi những định kiến sẵn có. “Ông ta không phải là con bác thợ mộc hay sao?”

Một bác thợ sống bằng đôi tay như bao người. Một bác thợ trong làng, âm thầm và khiêm tốn, sống bao năm ở đây không một chút danh giá gì trong làng; không một chút tiếng tăm.

Họ cũng bị ám ảnh bởi cái hiện tại trước mắt: Mẹ Ngài là bà Maria vẫn đang sống rất đỗi bình thường, như những người láng giềng gần gũi.

Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ,  lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Con Thiên Chúa.

Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ

Hôm nay, không chắc chúng ta đã khá hơn dân làng Nagiaréth xưa kia. Chúng ta vẫn có thể bị đóng khung trong một cái nhìn nào đó về Đức Kitô, khiến chúng ta chỉ nhìn thấy một phần khuôn mặt của Ngài.

Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Chúng ta thường nói đến một Thiên Chúa toàn năng, nghĩa là Đấng làm được mọi sự. Nhưng Đức Giêsu tại Nagiaréth lại cho ta thấy hình ảnh một Thiên Chúa yếu đuối và bất lực. Ngài bó tay trước sự cứng lòng của con người. Đức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào ở đó. Thế mới biết con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, có thể dùng chính tự do Ngài ban để khước từ Ngài.

Phép lạ là quà tặng cần được đón nhận với lòng tin. Phép lạ không phải là phù phép áp đặt trên người nhận.

Có bao điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta, mà Ngài không làm được, vì ta cứng lòng không chấp nhận, nên Ngài đã phải bó tay.

***

Lạy Chúa Giêsu,

Dân làng Nagiaréth đã không tin Chúa, vì Chúa chỉ là một bác thợ mộc bình thường.

Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu chết treo trên thập tự.

Nhiều người đã không tin Chúa, chỉ vì Chúa sống như một con người bình thường.

Cũng có nhiều lúc con không tin Chúa hiện diện nơi tấm bánh mong manh; nơi bàn tay của một linh mục yếu đuối, nơi một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để giúp con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho con, để con biết khiêm tốn nhìn thấy Chúa giữa lòng cuộc sống bình thường hôm nay. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

 

CAFÉ  MỘT MÌNH

            Sáng nay café một mình, Sài gòn chợt mưa chợt mưa
Nhớ Cha bao nhiêu cho vừa, Cha ơi…. Cha ơi…!

zzTôi lẩm nhẩm hát một mình bên ly café buổi sáng và thích thú với lời nhạc chế biến của mình, tự dưng lòng dâng lên một niềm vui thánh thoát bình an.  À mà trong lúc cầu nguyện có được uống café không nhỉ?  Chắc chắn là không rồi!  Ai lại bất kính đến thế!  Cầu nguyện theo nghĩa thông thường hình như phải là nghiêm trang, hai tay chắp lại, khuôn mặt đăm chiêu suy tư, mắt nhắm nghiền tư lự, miệng lẩm nhẩm thì thầm câu kinh gì đó…  Thôi, nếu vậy thì trong lúc uống café có được cầu nguyện không?  Dĩ nhiên là được rồi, tốt quá đi chứ!  Tôi tự hỏi và thích chí với câu trả lời của mình.  Vậy thì mời Cha đến ngồi cạnh con, bên xích đu đong đưa sau nhà, cùng nhâm nhi ly café buổi sáng và cùng ngắm những nụ hoa xuân trong vườn.

Chẳng phải là “Sài gòn chợt mưa chợt mưa”, mà là Cali buổi sáng mùa xuân với làn gió ban mai tinh khiết mát rượi mơn man bờ má.  Ngắm nhìn ly café sữa đá với những giọt nước long lanh đọng ngoài thành ly, con cảm nhận sự hiện diện nhẹ nhàng của Cha bên con.  Hai cha con mình cùng thinh lặng!  Cha vốn dĩ ít nói rồi, còn con cũng chẳng muốn nói gì thêm, chẳng muốn xin gì!  À, không phải con “chảnh” đến mức độ không có gì để xin đâu nhé!  Con lúc nào cũng có sẵn một “sớ táo quân” dài lướt thướt bên mình.  Nhưng giây phút thiêng liêng này dịu dàng và ngọt ngào quá, xin xỏ làm gì để phá hỏng không khí lãng mạn này, phải không Cha?  Có Cha là có tất cả rồi, xin gì hơn nữa bây giờ?  Cha có nghe không tiếng nước róc rách rất nhỏ từ một cái suối bé xíu mà phải im lặng lắm mới nghe được.  Những chú chim bay lạng qua lạng lại bên những nụ hoa đầy màu sắc trong vườn, như tôn trọng không khí cô tịch nên lịch sự cất tiếng hót rất khẽ mà phải lắng tai lắm mới nghe được.  Còn tiếng nhịp đập của trái tim con và trái tim Cha nữa chứ, Cha có nghe thấy không?  Ồ, còn nhiều thứ để nghe quá.  Thôi hãy thinh lặng cùng lắng nghe, Cha nhé!  Con không phàn nàn là Cha ít nói nữa đâu!

Sáng nay mây thấp trên đầu, từng giọt cà phê ngọt đắng
Biết Cha nơi đâu bây giờ, Cha ơi….. Cha ơi…..

Vừa nhâm nhi vài giọt café ngọt lịm ở đầu môi con vừa lẩm nhẩm theo câu hát.  Sao điệu nhạc thì buồn tan tác mà lòng con lại ngập tràn hạnh phúc?  Ai đã làm cho con vui bên ly café một mình?  Sao cùng là “Café Một Mình” mà hai tâm sự khác  nhau quá Cha nhỉ?  Tại con bên ly café sữa đá và tác giả Ngọc Lễ bên ly café đen chăng?  Tại café, tại khung trời, tại lòng người hay tại cái gì khác nữa?  Con vui vì bất ngờ trong cõi một mình con lại gặp được Cha, tìm về một mình con bắt gặp nhiều ngạc nhiên thú vị.   Ngắm nhìn ly café con thấy Cha như  “từng giọt café ngọt đắng” huyền bí, muôn màu sắc, nhiều hương vị!  Đâu phải lúc nào Cha cũng ngọt ngào mát lạnh như ly café sữa đá làm dịu lòng người.  Đâu phải lúc nào con cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của Cha bên mình như sáng nay.  Có những lúc Cha như café đen không đường đắng ngắt, đầy vị chát.  Uống vào thì đắng, mà không uống thì lờ đờ không sức sống.  Không ai chối bỏ hương thơm vị ngọt của café đen, nhưng cũng không ai phủ nhận chất đắng của café nơi đầu lưỡi.  Nếu “từng giọt café ngọt đắng” mang đến sự tỉnh táo cho một ngày mới, thì những giây phút huyền nhiệm bên Cha mang đến cho đời sống tâm linh con một sức sống dồi dào phong phú.

“Từng giọt café ngọt đắng” trong chiếc phin pha café,  không chảy ào ào xuống, mà là từng giọt…. từng giọt… lách tách rơi xuống ly, như những cay đắng nghiệt ngã của cuộc đời đến từ từ… chầm chậm….. từng biến cố, để không thánh giá nào quá sức chịu đựng của con người.  Sự hiện diện của Cha trong cuộc sống chẳng phải qua một phép lạ kinh thiên động địa, rung chuyển núi non, mà là một sự hiện diện nhẹ nhàng ẩn khuất, từng ngày…. từng phút…. trong từng ngọn gió hiu hiu… qua từng biến cố lớn nhỏ… qua từng giọt café tí tách… để thấm dần… thấm nhẹ vào lòng người.  Trong cõi một mình cô tịch, con thấy giọt café đen lạ lùng, nhiều ý nghĩa…

Sáng nay nghe mưa quanh mình, trời chợt lạnh như mùa Đông
Những cơn mưa rơi ơ hờ,  rớt trên cuộc tình mong manh…..

Sáng nay quanh mình không tiếng mưa rơi, thế vào đó là tiếng nước róc rách ru hồn con trong vòng tay Cha.  Tiếng nước thánh thót nhẹ nhàng, quyện với tiếng nhạc da diết cho con cảm giác phận người mong manh dễ vỡ.  Làm sao để giữ lại những giây phút có Cha bên mình?  Làm sao để xác tín rằng con không một mình bên ly café cuộc đời?

“Sáng này café một mình…”  À, có “Café Một Mình” thì mới gặp được Cha, chứ nếu café với “nhiều mình”, ồn ào huyên náo thì đã không có được cảm giác có Cha ngồi bên để cùng nhâm nhi ly café.  Có dành ra tí chút thì giờ để “Café Một Mình” trước khi đi làm thì mới bắt gặp được Cha cũng đang dạo quanh tìm những “một mình” khác để quyện lại với nhau vẫn chỉ là một mình, nhưng không phải là một mình của cô đơn buồn bã, lo âu sợ hãi, nhưng là một mình của bình an hoan lạc, tin tưởng và cậy trông.  Chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng bắt gặp được Cha bên ly café cuộc đời, nhưng có “Café Một Mình” thì dễ bắt gặp Cha hơn.  Chỉ có vậy thôi, “Sáng nay café một mình”, chẳng có gì đặc biệt cả, ly café vẫn như mọi ngày với đầy đủ hương vị ngọt đắng của nó nhưng tâm tình của “một mình” hôm nay khác hẳn.

Cha ơi…. Cha ơi…!  Cám ơn Cha đã hào phóng cho con những giây phút không một mình bên ly café.  Xin cho con được ghiền Cha như ghiền café buổi sáng.  Xin cho con nhiều hơn những phút giây “Café Một Mình” bên Cha.

Lang Thang Chiều Tím