SỰ SỐNG TRONG CĂN NHÀ CHỜ CHẾT

zzAi muốn làm thiện nguyện chỉ việc gặp sơ phụ trách, sơ viết mấy chữ chứng nhận vào miếng giấy. Không có văn phòng, không thủ tục rườm rà gì cả.  Rồi, đi làm.  Đã hỏi đường, nhưng tôi cũng hồi hộp, xe buýt trong thành phố lèn đầy người.  Chạy nửa tiếng mới tới chỗ tôi xuống, phải chú ý lắm theo dõi nơi ngã ba nào có cái chợ như thế, cây xăng như vậy mà định chỗ xuống xe.  Đây là ngày thứ nhất tôi đi làm.  Mọi người đều phải tự do lấy phương tiện di chuyển.

Từ cuối xe, tôi thấy một cô người Nhật đứng phía trên, cầm chiếc túi ni lon thấy rõ bên trong mấy hộp thuốc. Trong xe không có người ngoại quốc nào. Tôi đoán chừng phải là một trong các cô thiện nguyện của nhà Mẹ Têrêsa. Qủa thế, lúc cô xuống xe cũng là nơi tôi thấy ngã ba, có khu chợ như đã được dặn trước. Vội theo chân cô để khỏi phải tìm nhà. Cô rất vui kho biết tôi cũng là thiện nguyện viên đi làm. Cô không nói được tiếng Anh nhiều, chỉ lõm bõm, thế mà dám đi.

Trong những ngày tháng gần đây, tôi hay suy niệm về sự chết.  Có khi bất chợt trong lúc đi đường, có khi trong giờ cầu nguyện, có khi kéo dài trong những dịp tĩnh tâm. Tư tưởng sống chết, ý niệm đời sau của thế giới bên kia cứ như chờn vờn. Tôi không bỏ qua được. Nó như một hố sâu nhìn thấy đáy. Tìm đâu câu trả lời? Không ai có kinh nghiệm sự chết. Không ai chết rồi hiện về nói cho biết sự chết. Người nào chết rồi cũng mất tích trong thế giới siêu hình. Giáo Hội dạy về sự chết nhưng không có kinh nghiệm sự chết. Tất cả là niềm tin vô hình thôi. Tôi xin Chúa cho tôi cảm nghiệm chứ không phải cứ dục lòng tin những điều không thể chứng minh. Tôi tìm đến nơi đây cũng là vậy.

Trong thành phố Calcutta có nhiều nhà của các sơ. Nhà cho người già bệnh, nhà cho các em bị tâm thần, nghễng ngãng, nhà cho trẻ mồ côi. Tôi chọn nơi “khủng khiếp” nhất. Nhà cho những người chờ chết. Tôi đã nghe nói về căn nhà này, ai không thân nhân sắp chết ngoài đường, các sơ đem về săn sóc cho chết bình an, chết xứng đáng phẩm giá con người. Tôi cứ tưởng tượng nơi ấy đầy bi thương thống khổ. Máu me, dơ dáy.

Qua chiếc cổng có bảng đề không chấp nhận khách tham quan, chụp hình, tôi vào trong nhà. Hai dẫy giường dài trước mặt tôi. Điều trái ý nghĩ của tôi là không máu me, không tiếng kêu la, không dơ dáy, không “khủng khiếp” như tôi nghĩ. Êm đềm, các bệnh nhân nằm im. Sạch chưa từng thấy. Sau này tôi được biết, chính phủ Ấn phải thừa nhận các nhà săn sóc người bệnh của Mẹ Têrêsa sạch hơn tất cả các bệnh viện ở Ấn. Lý do đơn giản là có biết bao thiện nguyện đến làm, họ làm việc với con tim, làm hết mình chứ không vì đồng lương nền nhà cửa gìn giữ rất sạch sẽ.

– Đây là công việc anh sẽ làm.

Một người làm thiện nguyện ở đó lâu rồi phân công các việc cần làm. Anh gọi và phân công cho tôi. Chưa rõ tôi hỏi lại anh:

– Tôi sẽ làm gì?

– Anh lựa những chiếc quần áo, khăn giường “dơ” để riêng ra.

Tôi nghĩ bụng, cái nào mà không dơ. Hỏi lại:

– Tôi phải làm gì?

Bằng một ngôn ngữ hơi ngại, nhưng anh ta phải nói rõ:

– Những quần áo, khăn giường nào dính phân người!

Bấy giờ tôi hiểu.  Ghê quá.  Nhiều người nằm liệt giường, họ đi tiêu bừa bãi ra quần áo.  Công việc của tôi là lựa riêng ra những thứ ấy.  Tôi thấy lợm giọng vì chưa bao giờ làm công việc này.  Họ là những người đủ thứ bệnh, biết đâu có cả HIV, Sida. Nghĩ tới đó tôi thấy hỏng rồi, sao mình lại chui đầu vào đây.

Trong đám thiện nguyện đang giặt quần áo, anh người Nhật là toát mồ hôi. Tôi thấy anh ta làm hùng hục. Anh ở đấy tám tháng rồi. Tôi hỏi thăm mấy người chung quanh nên biết vậy. Anh ta ít nói. Mới gặp nhau rất khó nói chuyện riêng tư, như vì sao anh tới đây làm công việc này? Cảm nghiệm anh ra sao trước những cái chết đơn côi không người thân? Những tâm tư ấy không biết được. Chỉ vui với nhau và làm việc thôi. Tất cả đều giặt bằng tay. Không máy móc. Đồ giặt to thì bỏ vào bể ximăng, lấy chân đạp như ta đạp nhồi đất sét làm gạch. Sau một ngày tay ngâm nước lâu, vắt quá nhiều vải thô cứng, da tay tôi mềm ra và đau.

Thánh Inhaxiô ngày xưa cùng với nhóm mới thành lập dòng của ngài đều đi bộ hành hương.  Họ xin ăn dọc đường để cảm nghiệm sự cơ cực của con người.  Họ chỉ tín thác vào Chúa.  Có lần săn sóc chân máu mủ một bịnh nhân, ngài rất ngại lây bệnh.  Để chiến thắng, ngài đút bàn tay dính máu sau khi săn sóc bệnh nhân của ngài vào miệng.  Hôm nay không ai làm thế, nhưng thế nào là tin tưởng vào Chúa, thế nào là có khi nguỵ biện cho sự lười biếng của mình?

Trong nhà, bên này bức tường chúng tôi giặt đồ.  Bên kia là giường bệnh.  Anh thanh niên người Đức đang săn sóc một người đàn ông không thể đoán được tuổi.  Có lẽ là ông già.  Người đàn ông nằm lồi hai mắt.  Người chỉ còn da bọc xương.  Lồi lên hai hàm răng.  Gò má như cánh gà xương xẩu.  Tôi hình dung có thể ông bị nhiễm HIV, bệnh Aids chăng. Ông sắp chết. Đầu gối, cánh tay chỉ còn xương. Hai tròng mắt lồi cao như hai quả cau. Tôi biết chắc ông sẽ chết nay mai.

Các thiện nguyện chia nhau, một bên sắc sóc nữ, một bên nam. Lây đồ ăn rồi cho bệnh nhân ăn. Tắm cho họ. Cho họ uống thuốc. Lau nhà. Giờ nghỉ trưa ngồi uống trà lại cười giỡn. Tay thanh niên Canada lúc nào cũng thích hát. Lâu lắm tôi mới lại nghe những bài ca tiếng Pháp. Lõm bõm mấy câu: L’amour. L’amour. Tình yêu. Ôi! Tình Yêu. À thì ra anh ta đang hát một bài chuyện tình.

Cô bé người Nhật thấy tôi mới đến ngày đầu, tới gợi chuyện:

– Ông là người Việt Nam hả?
– Đúng vậy, tôi người Việt Nam.
– Ở đây cũng có một cô Việt Nam.
– Vậy à?  Cô ta đâu?

Nghe vậy, tôi rất ngạc nhiên, không ngờ cũng có người trẻ Việt Nam lần mò đến đây.  Sau này tôi gặp hai cô bé, Tuyết Anh và Lan.  Cả hai cùng đạo, đang học trường thuốc, mới hai mươi hai tuổi.  Tuyết Anh và Lan sống ở Na Uy.

Ý định ban đầu của tôi đến đây là để suy niệm về sự chết.  Tôi muốn nhìn khi người ta chết sẽ ra sao. Tôi đang trăn trở về sự chết và mầu nhiệm thế giới bên kia.  Chết là đề tài bận tâm trí tôi.  Mục đích thứ hai là quan sát, như người đi tìm tài liệu viết bài.  Mới sau một ngày, tôi thấy mình thay đổi.  Tôi không thể là người quan sát được.

Làm việc với các bạn trẻ, bên những tâm hồn giàu quảng đại tươi vui.  Tôi thấy họ tràn đầy sức sống. Nhìn anh thanh niên người Đức săn sóc ông già, tôi thấy mình phải viết về sự sống chứ không thể tập trung về sự chết.  Sự sống quá đẹp.  Hãy nói về những người đang sống, những người đang săn sóc sự sống.  Tôi thấy những người nằm chết không là đề tài gợi sự đau khổ cho tôi viết, mà là sự sống của những trái tim quảng đại kia.

Điều thứ hai tôi thấy mình thay đổi là không thể chỉ đứng ngoài làm người quan sát. Tôi không thể xem họ chết rồi viết bài.  Như vậy tôi sẽ lạc lỏng ở đây.  Chỉ khi nào tôi hoà vào cuộc sống nơi này, với kẻ chết, với niềm vui của các thiện nguyện kia tôi mới thực sự hiểu điều tôi “quan sát”.

Ngày thứ nhất trong ngôi nhà cho người chờ chết đã làm thay đổi hai thái độ của tôi, một là nhìn vào sự sống thay vì sự chết, hai là tôi phải sống thật chứ không thể chỉ quan sát.  Với hai thái độ trên, tôi lưu lại Calcutta một tuần.

Lạy chúa, sống chết là thân phận con người.  Trong cái mỏng dòn của thân phận ấy, nhiều lần tâm trí con hoang mang khắc khoải.  Con dùng trí tuệ con tìm biết về Chúa và con đã khắc khoải vô cùng.  Chỉ khi nào con xin lòng thương xót Chúa con mới được an bình thôi.

Trước cái chết, con không thể dùng trí tuệ phân tách được.  Con đi về đâu trong cõi vô hình kia?  Chắc chắn rồi con sẽ chết.  Sự hiểu biết nào đỡ nâng con?  Ai là người cho con can đảm, bình an, niềm vui? Chỉ có Chúa mà thôi.  Con cần Chúa hôm nay để con hiểu mầu nhiệm chết là tập sống trọn vẹn.  Xin giúp con sống và sống fully alive, sống từng biến cố buồn vui, khó khăn, sống trọn vẹn trong Chúa để thấy đời luôn luôn đẹp.  Amen!

LM Nguyễn Tầm Thường S.J – trích “Những trang Nhật ký của một Linh mục”

 

TRINH NỮ KHÔN NGOAN

Đám cưới là một sinh hoạt bình thường của con người. Chúa đã dùng một sinh hoạt bình thường của xã hội để nói về Nước Trời cho mọi người dễ hiểu. Qua dụ ngôn này, Chúa sánh ví Nước Trời giống như một đám cưới. Chúa chính là chàng rể. Linh hồn là trinh nữ.  Giờ Chúa đến là giờ ta từ giã cuộc đời này. Tiệc cưới là hạnh phúc Nước Trời. Bóng đêm là những thử thách ta gặp trên đường về Nước Trời. Chàng rể đến muộn nói lên tính cách bất ngờ của giờ chết. Qua dụ ngôn này, Chúa hé mở cho ta mấy chân lý về Nước Trời.

Hạnh phúc Nước Trời là được sống với Chúa. Hình ảnh con người sống với Thiên Chúa được diễn tả thật sinh động qua hình ảnh đám cưới. Cưới ai là cho người ấy được ngang hàng, được chung hưởng địa vị, chia sẻ quyền lợi. Chúa đến cưới lấy con người. Cho con người được vào sống trong nhà Chúa, được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.  Được sống với Chúa và được Chúa yêu thương, linh hồn sẽ không còn mơ ước điều gì hơn nữa.

Con người được Chúa trân trọng. Hình ảnh chàng rể đến giữa đêm khuya thật gợi ý. Chúa đến tận nơi tìm ta. Chúa không triệu ta đến như ông vua ra lệnh cho thần dân. Nhưng Chúa trân trọng đến đón rước linh hồn. Và để đến tìm ta, Chúa phải vượt suối băng ngàn, đi trong đêm hôm khuya khoắt. Chúa yêu thương ta biết bao.

Mọi người được mời gọi. Chúa mong ước mọi người được ơn cứu độ. Chúa mong ước cho ta được hạnh phúc. Dựng nên con người, Chúa muốn mọi người được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Nên cả mười cô trinh nữ đều được tuyển chọn để đi đón chàng rể. Cả mười cô được dự kiến sẽ vào dự tiệc vui với chú rể. Chàng rể đến mong cả mười cô đều tham dự vào đám rước dâu và vào dự tiệc cưới.

Nhưng ai có đủ điều kiện mới được vào. Điều kiện được diễn tả như ngọn đèn cháy sáng. Đi rước dâu đòi phải cầm đèn. Đèn ai sáng mới được dự vào đám rước. Đèn tắt bị loại ra ngoài. Những người cầm đèn sáng là những người tha thiết yêu mến Chúa nên chăm lo thực hành lời Chúa, biểu lộ lòng yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể. Còn những người đèn tắt là những người tuy cũng muốn vào dự tiệc cưới nhưng không chịu chuẩn bị. Họ là những người tin theo phong trào, giữ đạo theo dư luận, có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn như người không có đức tin. Có đèn mà không có dầu. Có đèn mà đèn để tắt. Có đạo mà không giữ đạo. Biết luật Chúa nhưng không chịu thực hành.

Có đèn. Không đủ! Đèn cần phải sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ. Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.

Mang danh là Kitô hữu. Không đủ! Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ! Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa. Đòi hỏi lớn nhất là yêu thương.

Ngày nay, vẫn có những cô khôn và cô dại, có những người đèn đã hết dầu từ lâu mà không biết chăm chút cho ngọn đèn đời mình. Cần đổ thêm dầu mỗi ngày. Cần nuôi dưỡng ngọn đèn bằng thứ dầu của tình yêu bao dung, của niềm hy vọng vững vàng, và của niềm tin sắt đá.

Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào. Tỉnh thức không phải là không ngủ… Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.

Chẳng ai biết lúc nào tận thế. Chẳng ai biết giờ chết của mình. Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu, trong biến cố nào, nơi con người nào. Chính vì thế phải tỉnh thức luôn mãi.

***

Lạy Chúa Giêsu, nếu ngày mai Chúa đến, chắc hẳn con sẽ vô cùng lúng túng vì chưa chuẩn bị được gì… Xin Chúa giúp con biết tỉnh thức, luôn chuẩn bị và sẵn sàng cho ngày Chúa lại đến. Amen .

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Kn 6, 13-17 * BĐ2: 1 Tx 4, 13-14 * PÂ: Mt 25, 1-13)

SUY NIỆM HÀNG NGÀY – MƯỜI NĂM NHÌN LẠI

ZZVào những ngày cuối Thu năm 2001, một nhóm bạn trẻ ở Thung Lũng Hoa Vàng đã nhận được những bài suy niệm ngắn gọn được chuyền tay nhau qua email từ người này sang người kia.  Sau đó, vài người bạn bàn nhau thành lập một email-group để chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng và những bài Suy Niệm Hàng Ngày (SNHN) được gởi đến độc giả qua email group này.  Đó là v-sharing@yahoogroup.com.  Lang Thang Chiều Tím, một bút hiệu nhuốm đầy bụi trần, ra đời từ đó để gởi đi các bài SNHN với mục đích không để ai biết tung tích người gởi.

Mục đích ban đầu của SNHN thật rõ ràng, là “… chia sẻ các bài suy niệm, và cầu nguyện cho các anh chị em Vùng Bay.”  Nhưng Chúa Thánh Thần lại có cách làm việc riêng, Ngài không chỉ làm việc “online” với các tâm hồn ở Vùng Vịnh, mà còn thổi luồng gió mới đến các vùng đất khác.  Khi được đánh động, người đọc đã chuyển SNHN cho bạn bè và người thân để cùng chia sẻ một tâm tư, một rung cảm nào đó mà họ đã cảm nhận được.  Người được nhận cảm thấy cùng chung một nhịp đập, lại tiếp tục chuyển thông điệp đi cho người khác, và cứ như thế!  Rồi những e-mail gởi về xin nhận SNHN như những cánh bướm mang mùa Xuân tới cho chương trình.  SNHN bây giờ không còn là của riêng Vùng Vịnh San Jose nữa, mà cũng chẳng thuộc giáo xứ, hay hội đoàn nào.  Và đâu ai biết rằng trong những e-mail xin nhận bài suy niệm, có cả những Phật tử, những anh em ngoài Công Giáo.  Đúng thật Thiên Chúa chẳng là của riêng ai!

Mười năm nhìn lại, số người nhận bài Suy Niệm từ 100 trong buổi ban đầu, nay đã tăng lên gần 3000 với đủ mọi thành phần: Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, Phật tử, Tin Lành, bổn đạo mới, già trẻ, lớn bé, người Việt trong nước, Việt kiều khắp năm châu bốn bể…  Để đáp ứng với sức sống mới, SNHN đã trải qua ba lần thay đổi email-groups, và đã có nhà riêng ở địa chỉ suyniemhangngay.org

Mười năm nhìn lại, mục đích ban đầu đã được Thiên Chúa biến đổi từ từ.  SNHN bây giờ là tâm tình chia sẻ những cảm nghiệm thiêng liêng trong đời sống đức tin của mọi người, mọi giới, và mọi nơi….  Là những bài ngắn gọn dễ đọc, dễ hiểu, có thể đọc vội vàng hay từ từ suy gẫm bên tách cà phê buổi sáng.  Là những bài sưu tầm lượm lặt đó đây…, là những lời nguyện ngắn gọn, đơn sơ giúp bạn đọc có vài phút lắng đọng hướng tâm tình lên với Chúa trong một ngày làm việc bận rộn.

Mười năm nhìn lại, SNHN cũng trải qua bao thăng trầm như một phận người.  Có những lúc muốn về hưu non vì không đủ sức đi tiếp.  Ban Biên Tập, nghe thật oai nhưng chỉ là hai người, một người tìm và gởi bài một tuần ba lần, còn một người đưa bài lên web, thâu âm mix nhạc, và làm các bài đọc audio file mp3.  Lao đao qua bao tháng ngày vật lộn tìm ý Chúa, tìm người hợp tác… cuối cùng SNHN cũng có lối thoát!  Người thì không có thêm, nhưng công việc được san sẻ, và ơn Chúa lại xối xả tuôn đổ xuống cho những kẻ đang đi giữa phong ba bão táp cuộc đời!

Mười năm nhìn lại, SNHN không chỉ là các bài viết mà còn là các bài đọc dưới dạng audio file mp3.  Từ những bước đầu chập chững của năm 2004 với một giọng đọc nữ, rồi thay kỹ thuật, đổi software, nâng cấp microphone, chuyển cách mix nhạc, chọn bài hát sao cho phù hợp, tìm thêm các giọng đọc nam nữ, v.v…, tất cả là sự cố gắng của những “amateurs” để tạo thêm cơ hội cho Chúa Thánh Thần làm việc.  Cộng tác viên của SNHN dần dần tăng lên con số 6.

Mười năm nhìn lại, biết bao niềm vui khi nhận những e-mail khích lệ, cám ơn, những lời cầu nguyện, và lời chúc tốt đẹp, xin sử dụng bài đọc MP3, xin được chuyển ngữ bài viết qua tiếng Hoa, xin được dùng bài viết trong trường Việt Ngữ, xin được đăng bài viết lên các tờ thông tin của giáo xứ, và các trang web khác…  Là niềm an ủi thiêng liêng khi độc giả chia sẻ đã nghe đi nghe lại các bài đọc audio file đến thuộc lòng.  Là tâm tình bất lực khi nhận những e-mail xin bài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp để bạn bè ngoại quốc, hoặc con cháu không rành tiếng Việt có thể đọc được SNHN.  Là tâm trạng áy náy khi nhận những e-mail với lời lẽ quá trang trọng như “trọng kính cha…,” “thưa ngài…,” “chào qúy cha, qúy thầy…,” “kính gởi LTCT…”  Biết nói sao bây giờ nhỉ?  Giải thích thế nào cho suông sẻ?  Thôi thì đành lặng im vậy!  Chúa ơi, giờ nào là giờ của Chúa, xin giải thích dùm chúng con, những kẻ phàm nhân mang nhiều bụi trần đang lang thang vật lộn giữa dòng đời!

Mười năm nhìn lại là chuỗi ngày hồng ân cho những giáo dân tầm thường được kêu mời vào công việc mục vụ online một cách bất ngờ.  Những kẻ không có chuyên môn về giáo lý thần học, chưa từng viết bài suy niệm, không rành cách làm web, không biết việc thu âm làm audio file, chẳng hiểu cách mix nhạc…  Nếu Chúa muốn sử dụng thì Ngài phải ban thêm ơn, và ơn mưa móc từ trời cao đã không ngừng tuôn đổ trong suốt 10 năm ròng rã.

Mười năm là một chặng đường dài với một đời người, và càng dài hơn với một công việc mục vụ, một việc đòi hỏi sự trung thành bền bỉ, dù vui hay buồn, dù rảnh hay bận, dù khoẻ hay ốm.  SNHN sẽ còn được bao nhiêu năm trước mắt nữa?  Sẽ có ngày kỷ niệm 20, 25 năm không?  Chẳng ai biết được!  Ngày nào được kêu gọi thì kẻ gieo giống cứ tiếp tục đi, đi trên những cánh đồng online mênh mông vô hình.  Ngày nào tiếng gọi trong lòng bảo dừng, thì xin được dừng lại để người khác tiếp tục nối bước.

Mười năm nhìn lại là lời Tạ ơn nối tiếp lời Tạ ơn.  Lời Tạ ơn đầu dâng lên Thiên Chúa Chí Thánh đã cho chúng con có cơ hội phục vụ trong thế giới online huyền bí.  Tạ ơn Chúa Giêsu Kitô vì cái chết của Ngài đã là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng con.  Tạ ơn Chúa Thánh Thần đã thổi chúng con đi quá xa cái dự định ban đầu.  Tạ ơn Mẹ Maria đã luôn đồng hành, an ủi và nâng đỡ những khi đoàn con gặp khó khăn xuống tinh thần.  Cám ơn tất cả qúy bạn đọc đã mở lòng đón nhận SNHN dù bài hay hoặc dở, dù ngắn hay dài, dù gởi sớm hay trễ….  Cám ơn qúy cha và những cộng sự viên đã gởi bài cho chương trình.  Cám ơn anh chị em ban Tĩnh Tâm Linh Thao đã, và đang cưu mang SNHN trên trang web.  Cám ơn anh chị em trong nhóm đã, đang, và sẽ tiếp tục cộng tác trong mục vụ truyền giáo online âm thầm bé nhỏ này.  Tất cả chỉ để Danh Thánh Chúa được vinh quang hơn, và Lời Chúa được rao truyền đến nhiều người hơn.

Tạ ơn Chúa và cám ơn người!  Xin tri ân tất cả!

Thay mặt Ban Biên Tập,
Lang Thang Chiều Tím
November 2011