DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Trong một trận lũ lụt kia, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc – Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc – Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.

Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.

Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.

Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.

Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.

Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.

Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.

TGM. Ngô quang Kiệt

TỈNH ĐỂ CANH THỨC

zzVòng chu kỳ của thời gian với bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông rồi tiếp tục trở lại Xuân Hạ … nhân gian gọi đó là chu kỳ một năm.  Đối với Phụng Vụ Công Giáo cũng thế cứ khoảng tuần cuối tháng mười một lại một năm Phụng Vụ mới được khai mở khởi sự từ Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng.  Sống theo tinh thần và ý nghĩa trong Mùa Vọng đó là mùa chuẩn bị tâm hồn để đón mừng ngày Đại lễ mừng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu; và cũng để nhắc nhở người tín hữu tỉnh để canh thức chuẩn bị tâm hồn, canh tân lại đời sống, để đón chờ ngày Chúa đến gọi mỗi người kẻ trước người sau về trình diện với Chúa.

Giáo lý Công Giáo hỏi: Người ta sống ở đời này để làm gì? Thưa: Người ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc, và hạnh phúc đích thực chỉ có ở trong Thiên Chúa là cùng đích của mọi loài.  Câu trả lời đã khẳng định mục đích chính của con người khi sống trên trái đất này để làm gì?  Hạnh phúc đích thực đó ông bà nguyên tổ Ađam và Evà đã được tận hưởng từ chính tình yêu Thiên Chúa chúc phúc và ban cho ông bà, trước khi ông bà sa vào bẫy cám dỗ của ma quỷ.  Sau khi ông bà nghe theo lời ngon ngọt của ma quỷ, từ ngày đó Thiên Chúa đã thu hồi lại niềm hạnh phúc ấy nơi con người.  Nhưng không vì thế Thiên Chúa bỏ rơi ông bà, Người đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến để chuộc lại lỗi lầm do hai ông bà đã trót lỗi phạm, để con người tìm lại được nguồn hạnh phúc đích thực của thuở ban đầu.

Vậy vì sao nguyên tổ lại đánh mất niềm hạnh phúc đó?   Vì con người tự bản chất là thân phận mọn hèn, yếu đuối và mỏng dòn, nên đã sa ngã vào con đường mà chính Satan là nguồn gốc muốn lôi kéo con người đi vào con đường tội lỗi giống như chúng.  Thế nhưng Satan thực sự đã không hạ gục được con người, bởi vì con người vẫn còn nhận được lòng bao dung từ tình thương của Thiên Chúa.  Thế nên, Thiên Chúa vẫn để cho con người sống để duy trì nòi giống, sống để chống trả lại mưu mô quyền lực của ma quỷ, và Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Ơn Cứu Độ của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu. Thiên Chúa vẫn để con người tiếp tục được hưởng quyền tự do, Người không tước đoạt và cũng không ràng buộc con người trong khuôn khổ.  Chính vì vậy quyền tự do của con người chính là sự thử thách của Thiên Chúa muốn tôi luyện con người vững vàng hơn để về được bến bờ của niềm hạnh phúc đích thực, như ngày trước ông bà nguyên tổ toàn quyền tự do quyết định chọn lựa.

Con người ngày nay tuy đã được biết và được hưởng ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, nhưng vẫn không làm chủ được cuộc sống mình, và tiếp tục rơi vào tình trạng như ông bà nguyên tổ ngày trước, vẫn tiếp tục đi vào con đường quanh co, lồi lõm, gồ ghề và khúc khuỷu.  Con người vẫn thỏa thuê tự mãn trong hưởng thụ thú vui trần thế; vẫn cố tình sa đọa rơi vào những hố sâu, cạm bẫy.

Tin Mừng khởi sự Chúa nhật I Mùa Vọng (B) câu đầu tiên (c. 33) Chúa nhắc nhở và khuyên nhủ phải biết tỉnh thức, và các câu còn lại (c. 34-37) là để canh thức.

Bài học ngày trước Chúa đã dạy các môn đệ.  Tỉnh để canh thức là bài học Chúa đã căn dặn rất ký càng, nhưng rồi trước giờ Người chịu khổ hình, Người đã đưa các Tông đồ vào trong vườn Giệtximani để cầu nguyện, nhưng các ông đã quên đi bài học Thầy mình đã dạy, mê mải trong giấc ngủ, đến nỗi Người đã phải trở lại ba lần để đánh thức các ông dậy, nhưng đôi mắt các ông lim dim nặng nề, Người vẫn kiên trì nhắc nhở lại bài học đã dạy khi trước: “anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (x. Mc 14,33-41).  Lời Chúa dạy các môn đệ ngày trước đó, cũng chính như hôm nay Chúa đang dạy tôi.

Trong tâm tình của ngày khởi sự năm Phụng Vụ mới, việc làm thiết thực là hồi tâm kiểm điểm lại cách sống trong năm vừa qua, đồng thời phác thảo cho bản thân hướng sống trong năm Phụng Vụ mới.

– Nhìn lại bổn phận mỗi ngày của chính bản thân đối với Thiên Chúa. Một ngày 24 tiếng, tôi nhớ đến Đấng tôi tôn thờ được bao nhiêu giờ?  Bao nhiêu phút hoặc bao nhiêu giây?  Hay tôi chỉ dành tất cả thời gian đó cho công việc, cho cơm, áo, gạo, tiền … ?

– Bổn phận đã được Chúa trao phó qua các Đấng Bề Trên, tôi có chú tâm vào công việc đó cách thực sự không? Hay chỉ làm chiếu lệ cho xong… ?

– Chung quanh tôi biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh cần sự quan tâm giúp đỡ, tôi có tận tình an ủi giúp đỡ họ, hay cũng giống như thầy tư tế hay thầy Lêvi trong dụ ngôn người Samaritanô? (Lc 10:25-37)

– Mỗi khi gặp thử thách tôi thường trách cứ, đổ lỗi cho ông bà nguyên tổ đã làm cho con cháu phải đau khổ, mà chưa bao giờ nhìn ra cách sống của chính bản thân; đôi khi lỗi lầm của mình còn lớn hơn lỗi lầm của nguyên tổ gấp bội?

– Mỗi ngày tôi làm được bao nhiêu điều tốt lành để làm gương sáng cho con cái, cho cộng đoàn, cho những người sống quanh ta?

Lạy Chúa, đã biết bao mùa Vọng đi qua cuộc đời con, nhưng con đã làm được gì để canh tân với chính cách sống của con.  Xin Chúa giúp con biết mạnh dạn đổi mới lại, sửa sai những thói quen xấu thành những thói quen tốt trong cuộc sống.  Cho con luôn biết tỉnh táo để canh thức, vì nếu bản thân không tỉnh táo thì chẳng bao giờ canh thức được.  Xin đừng để con mê mải với cuộc sống trần gian mà quên đi Chúa là Đấng con đã nhận để tôn thờ; cho con biết nhìn ra Chúa đang hiện thân trong tha nhân, trong những người khốn khổ, để con biết hành động trong yêu thương.  Đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực mà con đang kiếm tìm.  Amen!

Pet. PBH

TẠ ƠN

zzTôi tạ ơn Chúa vì chồng tôi cứ phàn nàn khi bữa cơm chưa dọn kịp,
bởi lẽ chàng đang ở ngay bên cạnh tôi, chứ không phải bên ai khác.

Tôi tạ ơn Chúa vì con tôi cứ càu nhàu khi phải phụ rửa chén đĩa cho tôi,
bởi lẽ thằng bé đang ở nhà chứ không phải lêu lổng ngoài đường.

Tôi tạ ơn Chúa vì số thuế thu nhập mà tôi phải trả quá cao,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có một công việc tốt để làm.

Tôi tạ ơn Chúa vì có nhiều thứ phải dọp dẹp sau bữa tiệc nhỏ,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi luôn được bạn bè quý mến đến chơi.

Tôi tạ ơn Chúa vì quần áo tôi bỗng trở lên hơi chật,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có đủ ăn,

Tôi tạ ơn Chúa vì cái bóng của tôi cứ nhìn tôi làm việc,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang sống tự do ngoài nắng.

Tôi tạ ơn Chúa vì sàn phòng cần quét, cửa sổ cần lau, màng xối cần sửa,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có một mái nhà để cư ngụ.

Tôi tạ ơn Chúa vì tất cả những lời than phiền về chính phủ,
bởi lẽ như thế nghĩa là chúng ta đang được tự do ngôn luận.

Tôi tạ ơn Chúa vì hóa đơn đóng tiền cho hệ thống sưởi thật cao,
bổi lẽ như thế nghĩa là tôi đang được ấm áp.

Tôi tạ ơn Chúa vì người phụ nữ ngồi phía sau tôi trong nhà thờ hát sai.
bởi lẽ như thế nghĩa tai tôi còn nghe được rất tinh tế.

Tôi tạ ơn Chúa vì đống đồ phải giặt ủi,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi có đầy đủ quần áo để ăn mặc tử tế.

Tôi tạ ơn Chúa vì các cơ bắp của mình thấy mỏi mệt vào cuối ngày,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi có sức để làm việc nhiều.

Tôi tạ ơn Chúa vì tiếng đồng hồ reo to thật sớm ban mai,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi còn đi lại, hít thở và cười nói,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang còn sống.
và cuối cùng… tôi tạ ơn Chúa vì nhận quá nhiều thư từ gửi về,
bởi lẽ như thế nghĩa là tôi vẫn còn có nhiều bạn bè đang nhớ đến tôi…

Tôi gửi bài này để các bạn hiểu rằng :”Thiên Chúa luôn đến với con người bằng một quả tim yêu thương cho dù chúng ta đang ở trong bất cứ tình trạng nào!”

Trần Duy Nhiên dịch

TỈNH THỨC

Mấy năm trước đây,trên hệ thống truyên hình CNN của Hoa Kỳ có nói về một người tài xế xe buýt đã đạt kỷ lục xuất sắc: “Trong 23 năm làm tài xế, anh lái trên 1.500.000 cây số mà không gây ra một tai nạn nào”.  Khi được hỏi, làm sao anh đạt được kỷ lục ấy, anh trả lời rất đơn giản: “Phải tỉnh thức”.

***

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mang đến cho ta một lời khuyên: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc.13:33). Tỉnh thức là nhận ra những điềm báo trước để ta có thái độ thích hợp với tình thế mới. Cầu nguyện giúp ta liên kết mật thiết với Đấng Tối Cao, để Ngài ban ơn giúp sức cho ta, để ta tiếp tục bước đi trên đường lữ hành trần gian này

Phụng vụ trong Mùa Vọng luôn luôn là một nhắc nhở ta về “Tỉnh thức và Cầu nguyện”.  Mùa vọng nhắc ta lần đầu tiên Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến trong trần gian cách đây hơn hai ngàn năm về trước.  Mùa vọng cũng là một nhắc nhở cho ta để chuẩn bị cho lần đến cuối cùng của Ngài để xét xử ta và xét xử muôn dân. Ta phải chuẩn bị cho ngày đó ra sao?

Ngày Chúa đến gặp riêng mỗi một người chúng ta, ngày ấy thật bất ngờ, không ai biết trước được.  Đó là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi, nhưng đó cũng là ngày cứu độ cho những ai luôn tỉnh thức và cầu nguyện để được chuẩn bị sẵn sàng.

Tỉnh thức là không quá mê mẩn trong những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng.  Tỉnh thức là tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu ở đời sau.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới cảm nếm được nỗi niềm khao khát mong chờ ngày Chúa đến.  Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh.  Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa.  Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên.  Có tỉnh thức cầu nguyện, ta mới gặp được Chúa trong ngày hôm nay, và nhất là trong ngày cuối cùng của đời ta.

***

Lạy Chúa! Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.  Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con. Chỉ cần một chút cố gắng trong tình yêu là con có thể vào sa mạc với Chúa, có thể trò truyện tâm tình với Ngài.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất: khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư, chờ món hàng đang được gói; Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ..v..v… Thay vì bực bội hay nóng ruột, xin cho con được an bình vì có Chúa hiện diện ngay bên.

Lạy Chúa!  Những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm hơn với Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa “mỗi ngày mỗi hơn” để tim con cùng rung một nhịp đập với Chúa trong sa mạc hằng ngày của đời con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(CN 01 MV-B, BĐ1: Is.63:16b-17; 64:1. 3b-8, BĐ2: 1Cr.1:3-9, PÂ: Mc.13:33-37)

SỰ VÔ ƠN

 Không có câu chuyện nào trong Phúc Âm trình bày sự vô ơn một cách thấm thía cho bằng câu chuyện nầy.  Muời người phong hủi đến cùng Chúa Giêsu với một sự mong đợi có phần nào tuyệt vọng.  Vào thời kỳ đó, bệnh phong hủi có nhiều điểm tương đồng như bệnh AIDS (liệt kháng) đối với chúng ta ngày nay.  Và bệnh phong hủi rất dễ lây lan cũng như bất trị.

zzNhững người phong hủi bị khai trừ, sống biệt lập và ngay cả bị khước từ những quyền căn bản nhất của con người.  Chỉ có phép lạ mới chữa được bênh phong hủi.  Và Chúa Giêsu đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài đã chữa lành, thay đổi toàn vẹn cuộc sống của họ.

Tôi tin chắc mỗi người trong nhóm của họ vô cùng biết ơn Ngài, nhưng có chín người không bao giờ nói lên tiếng cám ơn.  Chỉ hai tiếng “cám ơn” đơn giản thôi đã làm nên điều khác biệt.  Hai tiếng đó được nhìn nhận là những tiếng có thanh sắc nhất trong ngữ vựng chúng ta.  Nhưng khi người ta nghĩ tới sự biết ơn hiếm khi xảy ra, cho dù xem ra như thế, thật khó khăn khi phải nói lên hai tiếng “cám ơn”!

Điều hiếm hoi thì quí hóa 

Thật rất thường tình, người phối ngẫu, anh em, chị em, bạn bè, bạn đồng nghiệp, người lối xóm… làm cho chúng ta đôi việc tốt, nhưng chúng ta không thể đáp trả lại được.  Bi kịch cuộc sống là ngay cả chúng ta cũng không cố gắng đáp trả lại trong hoàn cảnh nầy, như mấy vần thơ sau đây:

“Cứ thổi, thổi đi, hỡi ngọn đông phong,
Ngươi không đến nỗi tàn nhẫn
Như sự vô ơn của con người.”

Thánh Lu-ca không nói cho chúng ta biết là người phong hủi trở lại cám ơn có được Chúa chúc phúc thêm hay không.  Thánh sử cũng không nói điều gì đã xảy ra cho chín người kia, không trở lại cám ơn Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh.  Cũng không chút gợi ý gì, chẳng hạn họ bị phong hủi trở lại hoặc bị phát ra một hình thức bệnh trạng gì khác.

Chúa không hờn dỗi.  Tặng phẩm của Chúa không bao giờ có điều ràng buộc theo sau.  Khi Chúa ban cho, Ngài cho vô điều kiện, không hối tiếc, chỉ vì niềm vui trọn vẹn được chia sẻ thần tính dư dật của Ngài.

Trao đi và nhận lại cách độ lượng

Khi người ta ý thức rằng có ai đó biệt đãi mình thì người ta muốn làm điều gì để đáp lại.  Người ta không nhận quà sinh nhật mà xây lưng đi, không nói lời gì.  Nếu người ta xử sự như thế thì sẽ bị người đời xem là kỳ dị, nhẫn tâm, vô nhân đạo.

Không, điều người ta làm là chấp nhận quà tặng và nói “cám ơn”, không phải vì người ta bắt buộc phải làm như thế, nhưng vì người ta muốn làm như thế.  Đúng thế, khi người ta ý thức là có người biệt đãi mình, người ta muốn làm điều gì tích cực để đáp lại.

Giờ đây, đối với Chúa cũng thế, không khác biệt.  Người ta muốn làm điều đó không phải vì bắt buộc, nhưng vì người ta muốn thế.  Đó là tất cả những gì tôn giáo đề cập tới.  Tôn giáo nói về “Thiên Chúa” và tôn giáo không nói về “cái tôi”.  Tôn giáo đáp lại lòng tốt và sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa.

Người ta cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa.  Người ta thờ lạy Thiên Chúa vì Ngài đáng được thờ lạy.  Người ta yêu mến Thiên Chúa vì Ngài đáng yêu mến.  Người ta ca tụng Thiên Chúa vì Ngài đáng ca tụng nên người ta thường cầu xin: “Lạy Chúa! Con cần đến Chúa.”  Quả thật, ngày mà người ta trở về với Chúa và thưa: “Lạy Chúa! Con cần đến Chúa” thì đó là ngày người ta bắt đầu trở thành một con người trọn vẹn.

Xin nhớ đến tôi

Oscar Wilde đã viết điều mà ông mô tả như truyện ngắn hay nhất trên đời.  Câu chuyện xảy ra như thế nầy: Lần kia Chúa Giêsu đi dọc theo con đường chính băng qua một tỉnh nhỏ.  Ngài đi ngang qua một người say rượu nằm bơ vơ, ngớ ngẩn, bên vệ đường.  Ngài nói: “Anh ơi, sao anh đã phung phí cuộc đời trong rượu chè?” Người đàn ông nhìn Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ôi, Chúa không nhớ con sao? Con là người phong hủi và Chúa đã chữa con lành?

Khi đi xa hơn một đoạn đường nữa, Chúa Giêsu gặp một người đàn ông khác đang đi theo một cô gái giang hồ.  Ngài nói: “Anh ơi, sao anh phung phí cuộc đời trong những tham muốn nhục dục?”  Người đàn ông nhìn Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ơi, Chúa không nhớ con sao? Con là người mù và Chúa đã làm cho con sáng mắt.

Đi thêm một đoạn đường nữa, Chúa Giêsu gặp một người đàn ông thứ ba.  Ông ta già cả và dựa vào tường kêu khóc thảm thiết.  Chúa nói: “Bác ơi, sao bác phung phí cuộc sống, đêm ngày than thân khóc phận?”  Cụ già nhìn quanh, thấy Chúa Giêsu, nhận ra Ngài và thưa: “Chúa ôi, Chúa không nhận ra con sao? Con đã chết và Chúa làm cho con sống lại.

Oscar kết thúc câu chuyện cùng một luận điệu như thế.  Nhưng tôi thiết tưởng còn thiếu sót nếu chúng ta dừng lại nơi đây.  Theo tôi tưởng, chúng ta hoàn toàn tự do thêm vào phần phụ lục của riêng chúng ta.

Giả thiết Chúa chặn một người trong chúng ta lại, có thể Ngài sẽ nói: “Tại sao con phung phí đời con?”  Và nếu Ngài nói cùng làm như thế, chúng ta nên trả lời: “Chúa ôi, Chúa không nhớ con sao?  Con là hư vô và Chúa đã dựng nên con.  Chúa đã dựng nên con giống hình ảnh Ngài.  Chúa nâng con lên phẩm giá con cái Thiên Chúa.  Chúa là lý do tại sao con được làm người, tại sao con được thấy, nghe, đi đứng, nghĩ tưởng, yêu thương, chọn lựa và mơ ước?”  Có thể Chúa sẽ nói: “Vậy thì tại sao con đã quên Cha?  Tại sao con đã không cám ơn Cha?

Phần còn lại 

Một người không có của cải gì hết và Thiên Chúa đã cho anh ta mười quả táo.  Ba quả dùng để ăn nên anh đã ăn ba quả táo đầu tiên.  Ba quả tiếp theo để làm chỗ trú ẩn, che mưa che nắng.  Anh ta đã bán đi để mua chỗ ở.  Chúa cho anh ba quả nữa để sắm áo quần che thân và anh đã bán đi để mua sắm quần áo.  Chúa cho anh quả táo thứ mười để anh ta có gì dâng lại cho Chúa, hầu tỏ lòng biết ơn đối với chín quả táo kia.

Người đàn ông đó cầm quả táo thứ mười lên và ngắm nghía cẩn thận.  Quả táo đó xem ra đỏ hồng và có nhiều nước hơn tất cả những quả táo khác.  Tự trong thâm tâm, anh ta biết rằng đó là quả táo mà Chúa mong chờ anh ta sử dụng như tặng phẩm để biết ơn Ngài đối với chín quả táo kia.

Nhưng quả táo thứ mười ngon lành hơn tất cả những quả táo khác.  Người đó lý luận rằng Chúa có tất cả những quả táo khác trên trần thế nên anh đã ăn quả táo thứ mười và dâng lại cho Chúa cái hột mà thôi.

Vô ơn là một trong những tội gớm ghiếc nhất.  Vô ơn làm cho người ta cảm thấy được quyền sử dụng mọi sự, cho mọi việc xảy tới đều là tự nhiên, tự cảm thấy mình vô dụng và hạ thấp cảm quan tự trọng của mình. Không biết ơn Chúa, không biết ơn người thì cuộc đời trở nên trống rỗng, hời hợt và vô vị.  Không biết cám ơn thì chính cuộc sống trở thành bạc bẽo, chán chường.  Trái lại, biết ơn là một trong những sự việc đẹp nhất trên đời.

Linh Mục Vincent Travers, OP
Hương Vĩnh chuyển ngữ

KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

zz“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.”  Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.

Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ. Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.

Khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình. Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.

Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay.  Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ. “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,18).

Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết.  Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân… Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó.  Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ, và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn. “Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,16).  Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.

Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng họ có một thang giá trị riêng.  Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng.  Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới.  Họ là nhúm men vùi trong đống bột.  Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột.  Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.

Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây. Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu.  Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá.  Tử Đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại.  Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác.  Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái…

Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta.  Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát, khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.

********************************************

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.  Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.  Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa.  Amen!

Sưu tầm

VÌ XƯA TA ĐÓI

“Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, Hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi… Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

Bạn thân mến! Mẹ Têrêxa Calcutta là người say mê và sống đoạn Tin Mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ.  Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương, mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.

Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau. Vì yêu mến Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.

Hãy “Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa.”

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mô tả Chúa Giêsu được như một vị Vua, có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển. Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân, tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh.  Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.

Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài, mà họ không hề hay biết.

Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc. Ngài ở trong những người cùng khốn. Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Ngài ẩn mình qua con người, qua những người hèn kém đáng thương nhất. Thiên Chúa vinh quang cao cả không ngại nhận họ là anh em.

Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa để dễ gần gũi với nỗi đau của con người, nỗi bần cùng của người nghèo đói. Ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi. Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích. Ngài còn ở gần bên ta. Trong những người khốn cùng, nghèo đói, bệnh tật. Nơi đó ta có thể thực sự gặp gỡ Đức Giêsu.

Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta như vị vua giả trang làm người hành khất.  Ngày phán xét, ta không được giả vờ ngạc nhiên khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng. Ngày phát xét ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài. Những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương, những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ, những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê, những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.

Phải làm một việc gì đó cụ thể để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này. Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ, vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.

***

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa, dù Chúa đã đến trái đất này từ hơn 2000 năm.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.

(Trích trong ‘Manna’)

 

BẢN HOÀ ÂM SINH TỬ

Cô bạn gái của tôi mới qua đời, cô còn khá trẻ, trên cáo phó ở cạnh tuổi cô, có viết hai chữ “hưởng dương”.   Gia đình mới hoả táng cô sáng nay.  Tôi ở xa cô mấy chục ngàn dặm bay, không đến dự, tôi ngồi ở nhà nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn cây cỏ co ro đang từ từ chết trong mùa đông, nghĩ đến cô, nhớ nụ cười, tiếng nói, liên tưởng đến tro than.  Đầu óc tôi trôi bềnh bồng giữa đôi bờ sinh tử, bỗng tôi nhớ đến những lời của đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn.  Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống.  Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại.  Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.”

zz“Tảng lờ với cái chết,” nghe thật lạ lùng.  Một người đang khoẻ mạnh, yêu đời, gia đình êm ấm, công danh thành đạt, bỗng một ngày đi khám sức khoẻ tổng quát, bác sĩ phát hiện ra một căn bệnh hiểm nghèo.  Thế là đất trời bỗng mù sương; mặt trời hình như không sáng nữa, ngày tháng không còn phân biệt thu, đông.  Những âu yếm nghe như gượng gạo, nụ hôn cho người thân nhuốm chút ngậm ngùi.  Đi chụp hình, siêu âm, thử máu, trị liệu, thậm chí nghỉ hẳn công việc đang làm, các giao tế từ từ thưa thớt rồi ngưng hẳn; các chuyến du lịch, đi trong hồi hộp với một vali đầy thuốc rồi cũng phải chấm dứt.  Bây giờ ra khỏi nhà chỉ còn có nghĩa là đi đến phòng mạch hoặc vào bệnh viện.  Liệu ta có “tảng lờ với cái chết” được không?

Cái chết của con sóc nhỏ.  Tôi đi lang thang trên một con đường mòn, đi tản mạn trong buổi sáng, để hít thở trời đất thơm tho vào lồng ngực, hai mắt ngước nhìn những bụi dâu dại bên đường mòn, chân tôi xém chút nữa giẫm phải một con sóc nhỏ nằm giữa lối đi.  Tôi cúi xuống nhìn nó, nó chưa chết, hai con mắt nhỏ trong veo nhìn lại tôi.  Tôi thấy nó có mấy vết thương nhỏ trên lưng, nhưng một vết thương to trước bụng, và cái chân sau của nó hình như đang muốn rời hẳn ra cái thân bé bỏng.  Nó đang hấp hối.  Chắc nó bị một con raccoon (mèo rừng) nào đó tấn công, chạy thoát được ra đến đây thì kiệt sức.  Con đường mòn buổi sáng chưa đông người “bộ hành” lắm.  Tôi ngồi hẳn xuống với nó, tôi muốn cứu nó mà biết không làm gì được.  Tôi cứ nhìn vào hai mắt nó, và nó nhìn tôi.

Chắc nó biết là mình đang chết, chắc nó hy vọng tôi sẽ cứu nó.  Tôi hoàn toàn bất lực.  Tôi ngồi với nó không lâu lắm và chứng kiến nó thở hơi cuối.  Tôi đặt tay lên đôi mắt đã nhắm của nó, giống như ai đó vừa vuốt mắt một người thân, nó có cảm thấy cái chạm tay của một người đang thở không nhỉ?  Tôi tìm được một cái lá to nhất tôi có thể tìm thấy trong những bụi cây, rồi thu hết can đảm kéo được một phần nào cái thân bé bỏng của nó vào chiếc lá, đầu và chân nó vẫn thò ra. Tôi kéo nó thật sát vào gốc một bụi hoa hồng dại, tìm một cành cây, xới một lũm đất nhỏ, đặt nó xuống, lấy lá khô đắp lên cho nó thành một nấm mồ.  Bây giờ đang cuối đông, mưa lạnh, tôi hy vọng thân xác tí teo này sẽ mau chóng tan vào đất . Kiếp sau (nếu có kiếp sau) nó còn còn muốn được làm con sóc bé bỏng nữa hay không? (Tôi tin các con vật đều biết nghĩ).

Cái chết của một dòng sông.  Tôi nhớ lại trong một lần về Việt nam, tôi có qua bên kia sông Bạch Đằng (Sài Gòn), Thủ Thiêm.  Tôi về để tìm lại những kỷ niệm thân yêu thời còn trung học, những lần qua phà sang nhà người bạn gái.  Bạn tôi không biết thất tung phương nào.  Những hàng quán, dấu vết cỏ cây để tìm vào con ngõ nhà bạn ngày trước đã bị xoá sạch, như có ai kéo xuống cả một ngôi làng cũ thân yêu, rồi dựng lên đó một con phố mới, không cây, không cỏ, chỉ với những bức tường gạch, vữa, nhô ra, thụt vào, mầu vàng, mầu đỏ.  Tôi đi lang thang nguyên một ngày, hỏi han tung tích của bạn mình, hỏi tên con hẻm cũ.  Tôi nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt, hoặc có ai đó nói vu vơ rằng cô đó cũng bỏ đi rồi, cô đó hình như chết rồi.  Tôi thẫn thờ tìm đường ra lại bờ sông.  Con sông sao nước bỗng đổi mầu, đen đến thế!  Nó chở trên cái thân mềm yếu, những chuyến tàu máy thả khói nặng nề, những đám rác bốn phương chụm lại, thỉnh thoảng xác xơ, lạc lõng, ngơ ngác một vài cọng lục bình, trôi theo những vật phế thải.

Chao ôi, cô bạn của tôi, cô còn sống hay cô đã chết!  Tôi hy vọng được gặp lại cô, ở đâu đó dù cả hai chúng tôi còn sống hay đã chết.

Chao ôi, con sông Bặch Đằng thân yêu của tôi!  Nó đang sống hay đang đi dần vào cõi chết.  Tôi tin con sông của tôi có linh hồn; nó sống ở đó bao nhiêu năm rồi.  Nó chứng kiến sự sống, sự chết của lịch sử, của cả một quốc gia hưng vong, nó chở qua sông biết bao nhiêu kỷ niệm thanh xuân, bao mảnh đời cơ cực, bao nhiêu lần một chiếc áo quan có phủ quốc kỳ; và con người thay nhau thả xuống lòng nó bao nhiêu dị biệt.  Con sông sống lâu quá!  Thượng Đế cho nó có một đời sống dài quá!  Kiếp sau nó còn muốn làm con sông Bặch Đằng nữa, hay không?

Cái chết của một cây thông.  Tôi ngắt một bông hoa dại bên đường, đặt lên nấm mộ mới.  Ngồi xuống chiếc băng gỗ nghỉ chân, xoa hai bàn tay lạnh vào nhau, một lúc sau, hai bàn tay ấm lại, tôi nhìn xuống gan lòng bàn tay, thấy có mầu hồng hồng, à thì ra máu đã luân lưu vào đó nhiều hơn khi được chà xát. tôi đang sống!  Tôi đang ngồi trên một cái băng gỗ, những thanh gỗ tôi đang ngồi với nó được lấy ra từ một thân cây thông tràn đầy nhựa sống.  Nó đang véo von  ca hát trong rừng mỗi bình minh, hay ngâm bài thơ ngũ ngôn mỗi khi chiều xuống.  Một hôm người ta muốn nó chết, nó chết ngay từ phát rìu đầu tiên chém xuống, nó không tự định đoạt đời sống mình.  Loài người là thượng đế của nó.  Tôi đang ngồi với một đời cây.  Giữa tôi và nó là một bản hoà âm sinh tử.

Tôi đang sống hay tôi đang chết?  Chắc phải nói tôi đang chết thì chính xác hơn.  Mỗi ngày tôi thức dậy, đặt chân xuống đất chào đón một ngày, tức là tôi đã từ giã ngày hôm qua.  Tôi cộng thêm một ngày vào tuổi, tôi đi dần về phía bên kia sợi dây đời sống.  Khi tôi sinh ra, tôi bắt đầu hao đi từ ngày thứ nhất của sợi dây đời sống, khúc dây đó mỗi ngày tôi lấn một khúc nhỏ.  Tôi không biết sợi dây trời cho dài ngắn bao nhiêu, nhưng biết chắc chắn tôi làm nó ngắn đi từng ngày, vì tôi không đi ngược lại ngày đã qua.  Tôi đi về phía trước như thế, có nghĩa là tôi đi gần đến một chỗ tôi chưa hề biết (ai đó gọi là thiên đàng hay niết bàn).  Tôi không biết tôi sẽ gặp điều gì, gặp ai, ở thành phố nào, quốc gia nào hay chỉ là một cõi mù sương phía trước, nếu tôi không có một tín ngưỡng để tin vào.  Nhưng tôi, giả dụ có là một người vô thần thì tôi cũng biết rất rõ những gì tôi bỏ lại.  Tôi bỏ lại những người ruột thịt của tôi: chồng, con, cha mẹ, anh em, bạn thân, người quen biết, cái nhà đang ở, cái xe đang đi, mảnh vườn nhỏ tôi chăm bón bốn mùa, con chim thỉnh thoảng đậu ở trước hiên nhà, những hàng cây hai bên đường, thay lá từng mùa; người hàng xóm khó tính bên tay phải, người hàng xóm dễ thương bên tay trái.  Tôi bỏ lại những cuốn truyện trên kệ sách, những tác giả tôi thích nhất, những cuốn sách cần thiết như những vị thầy, bỏ lại bài thơ vừa mới viết xong, bài văn đang viết nửa chừng, bỏ dòng nước lững lờ trôi trước cửa, dẫy núi trải dài trên cao, bầu trời nhiều mưa hơn nắng.  Tôi bỏ lại tất cả, bỏ dần, bỏ dần từng ngày, thế mà tôi đâu có lúc nào để ý đến việc mình đang từ bỏ.  Cho đến một hôm “cái chết đến như kẻ trộm.”  Chắc lúc đó tôi mới nhận thấy và hoảng hốt hay điềm tĩnh đối diện.

Bây giờ, người bạn trẻ của tôi, hôm nay đã hoá thành một nắm tro, nằm thinh lặng trong một chiếc bình.  Chị đã đi đến cuối sợi dây đời sống trời trao cho chị từ lúc mới sinh ra, sợi dây không dài lắm. Chị đi như thế nào nhỉ?  Và tôi nữa, tôi tự hỏi: “chúng ta đi trên sợi dây đời sống như thế nào nhỉ?”  Từ lúc sinh ra được cha mẹ thương yêu, nuôi lớn khôn, ăn học, đi làm việc, lập gia đình cho tới khi từ bỏ cuộc đời, chúng ta quay đều như một hạt cát bám vào bánh xe.  Bánh xe đời sống quay đến đâu, chúng ta quay theo đến đó, hình như không có lúc nào nghĩ ra rằng, ta có nên bảo nó ngưng lại cho ta nghỉ trong chốc lát hay không?  Take a break (nghỉ một lát).  Tôi rất thích chữ break (nghỉ) này.  Bẻ thời gian ra thành nhiều mảnh, nhặt lấy một mảnh nhỏ, ngồi xuống thở, chơi.

Tôi chỉ sống có một đời.  Dài hay ngắn đều do cách tôi suy nghĩ, nhưng tôi sống với điều tôi tin là tốt đẹp, dù đôi khi tôi phải trả cái giá tốt đẹp này bằng những giọt lệ.  Một đời như thế, chắc cũng sống đủ lắm rồi.

Có người đã nói:  “Nhìn cái chết là đoạn cuối của cuộc đời, chẳng khác nào bạn nhìn đường chân trời bảo đấy là điểm cuối của đại dương”.

Hôm nay, tôi thở, tôi sống, tôi làm thơ, cùng với người bạn, con sóc, dòng sông, cây thông đã qua đời. Một bản hoà âm sinh tử.

Ngày mai thuộc về ngày mai.

Trần Mộng Tú

TÀI NĂNG CHÚA BAN

– Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây.

– Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi cũng đã gây lời được hai nén khác đây.

“Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc nhỏ mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh trông coi việc lớn. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt.25:20-23).

***

zzBạn thân mến! Trên đây là lời đối đáp và khen tặng của ông chủ dành cho những người đầy tớ tài giỏi và trung thành được nhắc đến trong dụ ngôn “Các nén bạc” của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Lời đối đáp và khen tặng trên đây cũng nói lên nguyên tắc kinh tế căn bản đã không bao giờ thay đổi theo thời gian. Thời nào thì hoạt động kinh tế cũng nhằm dùng vốn để sinh ra lời. Vốn đầu tư càng nhiều thì lợi càng lớn. Đầu tư càng dài hạn thì lợi càng nhiều.

Trong dụ ngôn “Các nén bạc”, Chúa Giêsu cũng mượn các qui luật kinh tế để nói về cách sử dụng và khai thác vốn đầu tư trong cuộc đời chúng ta. Cũng như người chủ mời gọi người đầy tớ dùng vốn là những nén bạc đã được trao phó để sinh lời thêm, Thiên Chúa cũng mời gọi ta dùng vốn là “ơn ban” mà Ngài đã trao tặng cho ta trong cuộc sống, là của cải và tài năng mà ta đã lãnh nhận …Ngài mời gọi ta làm lời ra nhiều thêm, để làm vinh danh Chúa hơn, để giúp ích cho anh chị em chung quanh mình nhiều hơn.

Vốn Chúa trao cho ta là những điều gì ? Trước hết là chính sự sống của ta, là chính cuộc đời của ta. Đó là số vốn đầu tiên, là vốn căn bản.

Ơn làm con Chúa, ơn tái sinh, ơn cứu độ… Đó là vốn qúy giá nhất, lớn lao nhất mà Chúa đã trao ban cho ta qua Đức Giêsu. Cuộc đời này có còn ý nghĩa gì nếu ta đánh mất Ơn Cứu Độ. Ơn Cứu Độ chính là sự thành tựu chung cuộc, là cùng đích mà ta phải nhắm tới trong cuộc đời này.

Mỗi ngày, mỗi việc, mỗi bổn phận, mỗi khó khăn, mỗi cố gắng và ngay cả trong mỗi lo lắng và khổ đau …Tất cả đều có ơn Chúa ban kèm theo. Đây cũng là vốn đầu tư mà Chúa đã liên tục trao ban cho ta trong cuộc sống này để ta mưu cầu hạnh phúc đời đời trong cuộc sống mai sau.

Dụ ngôn “Các nén bạc” đã cho ta một hình ảnh vui buồn lẫn lộn. Vui vì những người đầy tớ tài giỏi và trung thành đã làm sinh lời gấp đôi, và được chủ thưởng công bội hậu. Nhưng lại buồn vì một người đầy tớ lười biếng nhưng có tài ăn nói, biết đối đáp, lý luận, rất nhiều triển vọng thành công trên thương trường, thì lại không làm nên tích sự gì cả. Dù chỉ cần làm lợi thêm một chút thôi, nhưng anh đã không làm, mà đem nén bạc chủ giao đi chôn giấu dưới đất và sau khi chủ về, anh trao lại cũng một nén bạc đó cho chủ mình. Khi chôn nén bạc xuống đất, một cách nào đó anh cũng đã chôn một phần bản thân mình, cuộc sống của anh đã khựng lại với những suy nghĩ rất khắt khe, tiêu cực và sai trái:” …tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy” (Mt.25:25). Hậu qủa mà anh phải lãnh nhận là sự nguyền rủa đời đời, anh bị coi là đồ vô dụng và bị ông chủ quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài (Mt.25:30). Đó cũng là hình ảnh chung cuộc của mỗi người chúng ta trong ngày giã từ cuộc đời này để ra trước toà Chúa, ngày Chúa phán xét công trạng hay tội lỗi của ta, ngày ta được Ngài khen thưởng hay nguyền rủa đời đời.

Dụ ngôn “Các nén bạc” cũng mời gọi bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau tự hỏi lòng mình: Chúa đã đầu tư nơi tôi nén bạc nào, tài năng nào, lợi điểm nào? Tôi đã dùng của cải tài năng và ân huệ Chúa ban như thế nào? Tôi có tích cực phát triển “vốn đầu tư” mà Chúa đã trao cho tôi không? Tôi có biết tạ ơn Chúa vì những tài năng và ân sủng Chúa trao ban cho tôi không? Và tôi đã làm gì để tạ ơn Ngài?

***

Lạy Chúa! Chúa đã trao cho con những nén bạc ơn phúc tự nhiên và siêu nhiên. Xin cho con biết cố gắng nỗ lực để phát triển và sinh lợi những ơn phúc đó vì vinh quang của Chúa và niềm hạnh phúc của bản thân con và của anh chị em con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Cn.31:10-13 * BĐ2:1Tx.5:1-6 * PÂ: Mt.25:14-30)

LỜI THẦM

zz1- Cái chết là một thất bại đối với những người đã chọn trần thế làm quê hương, nhưng là một chiến thắng đối với những người đã chọn quê trời làm quê hương.

2- Người ta sinh ra để chết ở đời này. Và chết ở đời này để sinh vào đời sau.

3- Ta thường nhìn cái chết như là tận cùng của cuộc đời này mà quên rằng sự chết cũng là khởi điểm của cuộc đời sau, nên sinh ra buồn rầu chán nản.

4- Sự sống vĩ đại, nhưng sự chết còn vĩ đại hơn, vì nó đưa ta đến sự sống.

5- Chết là đi vào “mùa Đông hy vọng” để đón chờ một “mùa Xuân phục sinh”.

6- Nhiều người tin rằng:  Chết là hết. Tin Mừng Phục sinh là câu trả lời của Chúa cho riêng họ: Không, chết chưa phải là hết, đúng hơn mới thực sự bắt đầu. Chúa Kitô sống lại trước, ta sẽ sống lại sau.

7- Người Kitô hữu có hai quê hương: quê hương đời này và quê hương đời sau. Họ có thể tạm chấp nhận sống vô quê hương đời này, nhưng không thể chết vô quê hương đời sau.

8- Chết không phải là kết thúc đời này, nhưng là hoàn tất đời này.

9-Ai không chuẩn bị chết, thì cái chết của họ, dù lúc nào đi nữa, cũng vẫn là cái chết “bất đắc kỳ tử”.

10- Tập chết mỗi ngày cũng là một cách sống tốt.

LM. Vũ Xuân Huyên

****************************************

Lạy Chúa,

Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai
Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.
Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,
Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy
Thì con lại chưa làm gì cả.
Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,
Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.
Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình
Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?
Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa
Không biết Chúa có nhận ra con hay không,
Hay là Chúa bảo “đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác”

Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,
Con xin Chúa sự khôn ngoan
Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại
Trong ân nghĩa của Chúa
Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,
Sẽ không như hai người xa lạ
Nhưng là hai người rất thân quen.
Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến
Và giang đôi tay đón con vào lòng.  Amen!