THEO BƯỚC CHÂN CÁC NGÀI

Khoảng 60 năm sau khi Chúa Giêsu ra đời, một cơn hoả hoạn khổng lồ đã xảy ra ở thành Rôma.  Đám cháy kéo dài hơn một tuần lễ.  Người ta đồn rằng Hoàng đế Neron đã ra lệnh phóng hoả. Ông ta muốn tiêu huỷ thành phố Roma cổ xưa, xây dựng lại một thành mới và đặt bằng tên của chính ông ta.

Neron đã cố gắng hết sức để ngăn chận tiếng đồn ấy, nhưng nào có được.  Cuối cùng trong cơn thất vọng, ông ta vội tìm một đối tượng để trút lên đó mọi lời nguyền rủa của dân chúng.  Ông ta liền vu khống cho cộng đoàn Kitô hữu ở Roma là đã gây ra cơn hoả hoạn.  Lời tố cáo của Neron khai mào cho cuộc bắt bớ tôn giáo kéo dài gần 300 năm.  Một sử gia Rôma đã mô tả cuộc bắt bớ dưới thời Neron như sau:  “Các Kitô hữu bị đối xử tàn bạo khác thường.  Nhiều người phải khoác lên mình một tấm da thú để rồi bị đàn chó dữ cắn xé ra từng mảnh.  Nhiều người khác bị treo lên thập tự giá và ban đêm bị dùng làm bó đuốc đốt sáng soi cho bóng đêm”.

Để tự vệ và duy trì đời sống tôn giáo của mình, nhiều Kitô hữu đã thực sự chui xuống sinh hoạt dưới lòng đất.  Họ đào được hệ thống đường hầm tỉ mỉ trong lòng đất ở vùng có núi lửa tại Roma.  Một số trong những đường hầm nổi tiếng này dài đến nhiều dặm và được thiết kế như những mê lộ để gây khó khăn cho các nhà cầm quyền đương thời.

Hiện nay, một số những hang động này (được gọi là hang toại đạo), là những trung tâm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách đi đến Rôma.  Chính trong những đường hầm này, các Kitô hữu đã từng tổ chức Thánh lễ, rửa tội các cháu bé và chôn cất những người chết.  Trong các tác phẩm của mình, thánh Jerôme cho biết: Khi còn là một chú bé, ngài và các bạn thường hay chơi trong các hang toại đạo.  Sau thánh Jerôme nhiều thế kỷ, các chú bé Roma cũng vẫn thường vui chơi trong các hang toại đạo.  Một ngày nọ, một nhóm các cậu bé đang đi lang thang qua các mê lộ, dưới đường hầm, đột nhiên chiếc đèn pin duy nhất của chúng bị hỏng.  Các chú hoàn toàn lâm vào bóng tối, không biết lối ra, đang khi cả đám bị kinh hoàng cực độ, thì một chú bé cảm thấy như có một đường rãnh bằng phẳng nơi nền đá của đường hầm; đường này dẫn ra một lối đi đã được bào phẳng nhờ bước chân của hàng ngàn Kitô hữu trong thời kỳ bị bắt bớ ở Roma.  Thế là các chú bé lần theo những dấu chân các vị thánh xưa và tìm được lối thoát khỏi hang sâu tối tăm và bình yên đến vùng có ánh mặt trời.

*******************************

Chúng ta có hai lý do để suy nghĩ về câu chuyện trên:

Thứ nhất, nó cho ta thấy cái giá khủng khiếp mà tổ tiên những Kitô hữu chúng ta phải trả giá cho đức tin của họ.  Nếu các ngài đã không trả giá đắt như thế, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không được làm Kitô hữu như ngày hôm nay.

Thứ hai, câu chuyện các cậu bé trong hang toại đạo giống như một loại dụ ngôn cho ta thấy các vị thánh ngày xưa vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời chúng ta như thế nào.  Nhiều người trong chúng ta giống những chú bé trong các hang toại đạo: Chúng ta bị lạc lối, hoang mang vì những ý kiến xung đột nhau, chúng ta chả biết điều gì đúng điều gì sai, giống như chúng ta đang bị lâm vào bóng tối, không biết rõ đường đi nước bước.  Câu chuyện các chú bé trong hầm mộ quả là một dụ ngôn cho chúng ta.

Các chú bé đã tìm ra con đường trên nền hầm được bước chân các vị thánh bào phẳng hằng bao thế kỷ trước.  Nhờ đi thoát khỏi bóng tối trong hang để tới được ánh sáng ban ngày.  Một cách tương tự, chúng ta cũng có thể bước theo các vị thánh để tìm ra con đường dẫn chúng ta khỏi vùng tối tăm và hỗn độn của thời đại chúng ta hầu đến được ánh sáng ban ngày.

zzVà như thế, là mừng CÁC THÁNH đem lại hai mục đích cho chúng ta:

Trước hết, lễ này nhắc nhở chúng ta công ơn rất lớn lao của các thánh thời xưa là những người đã bảo tồn đức tin Công giáo cho chúng ta.

Thứ đến lễ này nhắc chúng ta nhớ nếu chúng ta biết bắt chước các thánh và noi theo gương các ngài chúng ta cũng sẽ tìm ra lối đi dẫn chúng ta từ vùng tăm tối của trần thế bước vào ánh sáng huy hoàng của Chúa.

Các thánh chẳng phải là những người khác thường gì, các ngài cũng bình thường như chúng ta, nhưng đã sống cuộc đời bình thường của các ngài một cách phi thường.  Chúng ta hãy dùng đoạn thơ nhan đề The Way (Con đường) của John Oxenham để kết thúc; đoạn này tóm tắt lời mời gọi và sự thách đố mà ngày lễ các Thánh hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta:

“Ở đó, có hai con đường mở ra trước mặt mỗi người; Một con đường cao và một con đường thấp.  Những linh hồn cao thượng thích leo lên con đường cao mà đi, còn những linh hồn thấp kém lần mò theo con đường thấp mà đi.  Giữa hai con đường ấy là những linh hồn còn lại trôi vật vờ trên những vùng sương mờ vô định.  Nhưng mỗi người phải quyết định xem trong hai con đường ấy linh hồn mình sẽ đi con đường nào”.

Lễ Các Thánh mời gọi chúng ta hãy can đảm bắt chước các thánh chọn con đường cao để một ngày kia chúng ta cũng sẽ được xum họp với các ngài trên trời để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.

Lm Mark Link, S.J.

MỒ MẢ:  MỘ NGƯỜI CHẾT HAY TÂM HỒN NGƯỜI SỐNG?

Qủy nhập là điều có thật.

Giáo Hội xác tín điều đó.  Giáo Hội đã có mục vụ đặc biệt cho những trường hợp này.  Các Giám Mục trong địa phận phải chỉ định cách riêng một linh mục nào đó để khi chuyện xảy ra, có kẻ trừ tà.  Không  gì rõ bằng trong Kinh Thánh.  Phúc Âm xác nhận quỷ nhập vào người ta, Kinh Thánh cũng nói đến trừ quỷ.  Chúa Kitô trừ quỷ.  Các môn đệ trừ quỷ.

zzHiện tượng quỷ nhập rất phức tạp, có thể lẫn lộn với bệnh tâm thần.  Phức tạp không có nghĩa là không có quỷ thật sự nhập vào người ta.  Vì thế phải rất cẩn thận khi đề cập đến.  Tôi không dễ tin những chuyện này.  Không dễ tin, nhưng có những chuyện tôi phải tin.

Tôi bắt đầu để ý về những hiện tượng quỷ nhập khi đọc tờ báo National Catholic Reporter số ra ngày 1 tháng 9 năm 2000.  Tờ National Catholic Reporter dành nguyên một số báo đề cập đến hiện tượng quỷ nhập.  Theo điều tra của tờ National Catholic Reporter, trong vòng hai trăm năm vừa qua, Giáo Hội khá lặng im về vấn đề này.  Bỗng dưng đầu thế kỷ này, hiện tượng quỷ nhập xảy ra nhiều nơi.  Theo thống kê, cha Gabriele Amorth, người được bổ nhiệm trừ quỷ của địa phận Roma, cũng là một trong những người sáng lập International Association of Exorcists, vào trung tuần tháng bẩy năm 1993 trong đại hội những người trừ quỷ tại Roma chỉ có sáu người tham dự.  Vào năm 2000, con số tăng lên 200 người.  Vẫn theo tờ National Catholic Reporter, tại Roma vào năm 1986 chỉ có 20 người làm mục vụ trừ quỷ.  Hiện nay toàn nước Ý con số lên tới 300 người.  Theo kinh nghiệm mục vụ, cha Gabriele Amorth viết một cuốn sách mang tên: An Exorcist Tells His Story – Câu Chuyện Của Kẻ Trừ Tà.  Ngài cho biết quỷ có thể làm cho người bị nó nhập mửa ra những đụm tóc người.  Ta cũng có thể khám phá ra quỷ nhập bằng cách trộn Nước Phép vào đồ ăn rồi xem nó phản ứng ra sao.  Cũng trong số báo này cho biết, cha James LaBar, được Đức Hồng Y John J.O’Conner bổ nhiệm làm kẻ trừ quỷ của địa phận New York, cho hay trong năm 1999, ủy ban của ngài đã phải đương đầu với 25 trường hợp quỷ nhập.  Theo ngài, nhu cầu mỗi ngày một gia tăng. Ngài nổi tiếng là “kẻ trừ quỷ” sau vụ trừ tà ở Florida năm 1991 và được chương trình 20/20 của đài truyền hình Mỹ ABC phát hình.  Tờ Atlanta Journal Constitution, 1999 làm một cuộc điều tra, cho biết 50% người Mỹ tin rằng cuộc sống ít nhiều cũng có lúc bị quỷ nhập vào.  Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trừ quỷ cho một người đàn bà Ý tên là Francesca Fabrizzi, Ngài gọi nó là kẻ sát nhân và là vua gian dối của vũ trụ.  Theo Cha Amorth, Đức Giáo Hoàng đương kim đã trừ quỷ ba lần trong điều đại của ngài.  Phúc Âm Mátthêu và Luca tường thuật, Đức Kitô cũng trừ quỷ (Mt. 2:63, Lc. 8:26-40).  Theo tờ National Catholic Reporter, nhiều thần học gia tại Hoa Kỳ cho rằng quỷ nhập là một sự kiện phải nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh.

Với những sự kiện trên, tôi đặt dấu hỏi cho những tò mò của tôi.  Tại sao thời đại này lại có nhiều hiện tượng quỷ nhập như thế?  Đời sống con người trong thời đại này thế nào?  Niềm tin tôn giáo?  Sự công bình xã hội?  Giá trị luân lý?  Giá trị gia đình?  Đang lúc tôi muốn tìm hiểu vấn đề này, tôi bắt gặp câu chuyện quỷ nhập một người ở Ba Tri, thuộc tỉnh Bến Tre, Việt Nam.  Tôi không dễ tin, nên tôi muốn gặp tất cả đương sự, kẻ làm chứng, nhất là giáo quyền, linh mục trừ tà để kiểm điểm sự kiện.  Điều tôi mong muốn đã xảy ra.

Câu chuyện xảy ra đã hơn hai mươi năm về trước.  Trong số những chứng nhân, chỉ có thân sinh của nạn nhân là qua đời.

Tôi gặp chính cô Hồng, người bị quỷ nhập.  Ngày đó mới hai mươi hai tuổi, hôm nay cô bốn mươi bẩy.

Tôi gặp cô Chi, người sống bên cạnh cô Hồng mấy tháng trời, nuôi cô.  Người giảng viên giáo lý tên Chi này là nhân chứng biết nhiều chuyện về cô Hồng nhất.

Tôi gặp mẹ cô Hồng, bà cụ cũng già yếu rồi.

Tôi gặp các giáo dân, những người trong ca đoàn cùng tuổi cô Hồng của nhà thờ Cái Bông.

Tôi gặp cha phó nhà thờ Cái Bông, lúc đó là thầy giúp xứ.

Tôi gặp chính cha quản nhiệm Nguyễn Văn Quang, người đã trừ quỷ cho cô Hồng.

Một trong những điều làm tôi tò mò là tại sao quỷ hay chọn mồ mả làm nơi cư trú. “Khi Đức Giêsu sang qua bờ bên kia, và đến miền Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả gặp Ngài.  Chúng rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy” (Mt. 8:28).  Đức Giêsu và các môn đệ tới vùng đất của dân Ghêsarê, “từ mồ mả có một kẻ bị thần ô uế ám ra gặp Ngài.  Người này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích.  Nhiều lần bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh ta vẻ gẫy xiềng xích, đập tan gông cùm.  Không ai có thể kiềm chế anh được.  Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình” (Mc. 5:2-5).  Bốn Phúc Âm đều nói đến mồ mả.  Tôi có thể chia ra ba loại mồ mả sau đây:

  • Quỷ thường sống ở mồ mả.
  • Người ta cũng là một thứ mồ mả. “Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.  Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt. 23:27).
  • Chúa phục sinh từ mồ mả.

Trong những thứ mồ mả trên chỉ có ngôi mộ của Chúa Kitô có sự sống.  Về câu chuyện cô Hồng, vào những đêm cô trốn nhà  người ta thường bắt gặp cô ở nghĩa địa gần đó.  Cách nhà thờ không xa có một nghĩa địa lâu đời.  Chị Kim Chi đã dẫn tôi đến nghĩa trang này chụp hình, chị cho tôi biết, nhiều đêm cô ta biến mất, đổ đi tìm thì thấy cô đang nằm ngoài nghĩa địa trên các mồ mả cỏ rậm um tùm.  Ma quỷ gần với sự chết.  Nó yêu thích sự chết.  Căn nhà cư trú của nó là sự chết.  Không phải những người nằm dưới đó là bạn bè nó.  Nhưng nghĩa trang là nơi dành cho sự chết.  Ngoài nghĩa trang chỉ còn một nơi nữa nó có thể cư ngụ là lòng con người.  Như Đức Kitô đã nói, lòng con người có thể là một “mồ mả tô vôi”.  Trong ý nghĩa ấy, có biết bao ngôi mộ đang đi ngoài đường, đi trong chợ, ngồi ở tiệm ăn.  Theo lời Đức Kitô nói, có biết bao mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ mà bên trong toàn xương người.  Có thể ngôi mộ ấy là người bạn của chính mình.  Họ ở cạnh nhau.

Bà mẹ cô Hồng kể cho tôi biết cô ta có dấu hiệu khác người từ hồi lên năm tuổi.  Tính đến ngày cô được trừ quỷ vào năm cô hai mươi hai, nghĩa là dòng dã mười bẩy năm.  Bà cụ cho biết trong gia đình không người con nào mặc bệnh tâm trí.  Riêng cô Hồng lúc năm tuổi thì bắt đầu đau yếu.  Khoảng mười tuổi thì bỏ nhà đi làm nhiều điều phi thường ai cũng sợ.  Bà kể cô ta ăn hết một chiếc nồi đất để luộc bánh tét.  Một chiếc nồi đất to thế mà cô cứ ngồi nhai rau ráu, ăn chỉ chừa có cái vành nồi.  Rồi bà tự hỏi:

– Ông cha coi đó, nó ăn như vậy mà không sao, bụng đâu mà chứa hết một cái nồi đất to như vậy.

Tôi nghe bà kể, rợn người.  Bên cạnh bà, trước mặt ống kính máy thu hình, chị Hồng cũng ngồi bên cạnh. Tôi giả bộ, lại bào chữa cho hành động phi thường ấy. Tôi bảo bà:

– Thưa cụ, người bị bệnh tâm thần cũng có thể làm như thế.

Chưa để bà cụ trả lời, cô Hồng lên tiếng ngay:

– Thưa cha không mà, con bị quỷ nhập thật mà cha ơi!

Chị Kim Chi cũng đang trước ống kính thu hình, kể thêm:

– Thưa cha người tâm thần gì mà treo lơ lửng trên trần nhà, lúc con nhân danh Chúa truyền cho nó ra, nó thả cô ta rơi đánh bịch cái xuống mà không hề bị gì.

Cô Kim Chi lúc ấy là giảng viên giáo lý, gặp cô Hồng ngoài đường, dẫn về nhà thờ.  Theo lời cô Kim Chi thuật lại, lúc tới cổng nhà thờ cô Hồng bỏ chạy. “Nó sợ nhà thờ”.  Cô Chi nói vậy.  Sau này đem cô Hồng về nhốt trong căn nhà thuộc đất nhà xứ.  Đó là phòng họp dành cho hội Legio Mariae.  Bên cạnh nhà có một giếng nước khá to.  Khi quỷ nhập vào, cô nhảy xuống giếng, nằm nổi trên mặt nước hằng giờ.  Những cô trong ca đoàn bấy giờ cũng chỉ độ hai mươi, bây giờ đã mấy mặt con rồi, họ là chứng nhân còn sống.  Tôi gặp một nhóm sáu người, phỏng vấn họ:

– Tại sao các chị cho rằng cô Hồng bị quỷ nhập mà không phải là bệnh thần kinh?

– Thưa cha, thần kinh làm sao biết được những chuyện kín?  Một hôm chúng con đang ngồi xem cô ấy lên cơn.  Nó bảo: “Đấy, thằng Quang vừa đi tìm cách để chống lại ta.”  Không ai hiểu nó nói gì.  Sau này mới biết khi nó nói thế chính là lúc cha Quang ở nhà thờ lái xe lên toà giám mục xin đức cha làm phép giây Stola trừ quỷ đem về.  Thần kinh gì mà khi hú nghe rợn người.  Nó hú nghe ghê lắm cha ơi.  Bây giờ mà con còn rởn da gà lên đây nè.  Lúc lên cơn trốn chạy, nó chỉ về ngủ ở nghĩa trang.

Lúc tôi phỏng vấn mấy chị này, trời đã xế trưa.  Tôi sẽ ra nghĩa trang chụp mấy tấm hình.  Tôi lại liên tưởng đến Phúc Âm hay nói về quỷ và mồ mả.  Nếu đời sống mà linh hồn là ngôi mộ tô vôi, bên trong chất chứa sự dữ, chỉ giả hình bên ngài thôi thì đấy chính là quê hương của nó trú ngụ.  Lời Chúa nói về mồ mả trong Phúc Âm Mátthêu lại vẽ trong tâm trí tôi một thứ quê hương của ma quỷ. Một thứ mồ mả nơi con người sống đang biết đi, đang mặc áo đẹp.

“Các người giống như mồ mả tô vôi, bên   ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.  Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt. 23:27).

Phải chăng nếu sống mà linh hồn là nơi nó cư trú thì khi chết chôn xuống lòng đất nó sẽ tìm về ngôi mộ đó.

L.M Nguyễn Tầm Thường, S.J

LÀ ANH EM VỚI NHAU

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể làm cho ta bị sốc. Đức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy, vì chỉ có một Thầy là chính Ngài.  Cũng đừng gọi ai là cha, vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời. Vậy mà ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh là cha, là Đức Thánh Cha, là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ… Ta có làm sai lời Chúa dạy không? Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Đức Giêsu không?

Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen. Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu, đã gọi họ là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19).  Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28), và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8). Vậy đâu là điều Đức Giêsu muốn nhắn nhủ ta?

Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh, Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành. Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên là : “mọi quyền bính trong Hội Thánh đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa.”

Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo, thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Đức Giêsu. Nếu họ được gọi là cha, thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa. Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh, tôi cũng không được quên chân lý này: tất cả đều là anh em với nhau, đều là con một Cha trên trời.

Chỉ có một vị Thầy là Đức Giêsu.  Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn bè của các môn đệ, như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50), và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28). Đức Giêsu mãi mãi là gương sáng cho các nhà lãnh đạo. Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thuật lại sự giả hình của một số người pharisêu.  Họ có quyền giảng dạy về Lề Luật.  Giả hình vì họ không làm điều mà họ dạy người khác, họ dễ dãi với chính mình, nhưng lại khắt khe với người khác. Giả hình vì họ biến việc thờ phượng Thiên Chúa thành thờ phượng chính con người của họ. Khi làm việc tốt, họ muốn người ta nhìn thấy và thán phục chính họ.

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi ta: Hãy nhìn rõ khuôn mặt của mình.  Hãy nhận ra những chiếc mặt nạ mà ta đang mang ? Ta phải làm cách nào để cởi bỏ những chiếc mặt nạ ấy ?  

***

Lạy Chúa Giêsu!  Khi đến với nhau, con thường mang những mặt nạ. Con sợ người khác thấy sự thật về mình. Con cố giữ uy tín cho bộ mặt, dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa, con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi miệng, nhưng không có chỗ trong tâm hồn.

Con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ con đang mang.

Lạy Chúa Giêsu, Xin giúp con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ đã ăn sâu vào da thịt, để con không còn đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và đánh lừa chính mình. Amen

Trích trong ‘Manna’
(BĐ1: Ml. 1,14b – 2,2b.8-10 * BĐ2: 1Tx. 2, 7b-9.13 * PÂ: Mt. 23, 1-12)

TRỞ NÊN NHƯ ĐỨA TRẺ

Trong nhà hàng hôm ấy, gia đình chúng tôi là những vị khách duy nhất có trẻ em đi cùng.  Tôi đặt Erik ngồi bên cạnh mình, trên một cái ghế cao dành cho trẻ con.  Mọi người đều ăn uống trong im lặng…

Thình lình, Erik kêu ré lên với vẻ rất hân hoan, “Xin chào, chào ông!” và nó đập hai bàn tay nhỏ xíu mũm mĩm lên cái bàn nhỏ trước mặt.

zzMắt nó cứ nhắm tít lại mà cười, trông rất hào hứng.  Cái miệng nhỏ xíu cứ thế mà nhe ra cười vui vẻ vô cùng.  Tôi nhìn quanh và phát hiện thủ phạm làm cho nó trở nên phấn khích như vậy.

Đó là người đàn ông mặc chiếc quần rộng thùng thình, mấy ngón chân thì lòi cả ra khỏi cái gọi là “đôi giày”.  Ông ta mặc chiếc áo sơ-mi dơ dáy, đầu tóc thì không chải mà cũng chẳng gội.  Khuôn mặt ông đầy râu ria, lỗ mũi ông nhìn thật xấu xí.  Chúng tôi ngồi xa ông nên chẳng thể ngửi được, nhưng tôi nhìn bộ dạng thì chắc chắn ông ta hôi hám lắm.

Ông vẫy vẫy tay, rồi vỗ tay, “Chào nhóc biu, chào cháu” ông ta nói với Erik.  Hai vợ chồng tôi nhìn nhau, “Mình phải làm gì bây giờ?”  Erik thì vẫn tiếp tục cười đùa vui vẻ và trả lời ông ta, “Chào ông, cháu chào ông.”

Mọi người trong nhà hàng đều đã chú ý đến sự việc đang xảy ra, họ hết nhìn chúng tôi rồi lại nhìn người đàn ông nọ.  Ông già ấy đang làm phiền đến con trai nhỏ xinh xắn của chúng tôi.

Khi thấy món ăn của chúng tôi được mang đến, ông ta bắt đầu kêu to đến nỗi ai trong nhà hàng cũng nghe, “Bé con ăn bánh ngon nhỉ? …Ú.. ùmmm… ú ..ùmmm…”

Ông ta cũng biết “ú…ùmm” với con nít!  Không có một ai, đặc biệt là hai vợ chồng tôi, có thể nghĩ rằng ông già đó dễ thương đến như vậy.  Ông ta rõ ràng là một kẻ vô công rỗi nghề và say xỉn.

Cả hai vợ chồng tôi đều cảm thấy xấu hổ ghê gớm.  Chúng tôi ăn trong im lặng; mọi người đều im lặng, trừ Erik.  Nó vẫn tiếp tục cái màn cười nói vui vẻ với ông già vô công rỗi nghề kia, cả hai cứ thế mà đùa giỡn với nhau.

Cuối cùng, chúng tôi cũng ăn xong và chuẩn bị rời khỏi nhà hàng.  Chồng tôi đi tính tiền và bảo rằng anh sẽ đợi ngoài bãi đậu xe.

Trong lúc ấy, ông già ngồi ngay giữa đường từ chỗ tôi ra cửa.  “Chúa ôi, xin cho con đi ra khỏi chỗ này trước khi ổng nói chuyện với con hoặc với Erik,” tôi đã cầu nguyện như vậy.

Khi tôi đi đến gần ông ta, tôi quay lưng về phía ông và bước vội qua, cốt để tránh ngửi phải hơi thở của ông.  Khi tôi vừa quay lại như thế, Erik chồm người qua tay tôi, giơ hai tay về phía người đàn ông nọ như đòi ông ta bế nó.

Trước khi tôi kịp làm gì, Erik đã chồm tuột khỏi tay tôi qua tay ông ta.  Bất ngờ, một ông già hôi hám và một đứa trẻ dễ thương kia tạo nên một mối quan hệ yêu thương gắn bó.  Erik trong một hành động hoàn toàn tin cậy, đầy tình yêu thương và giao phó trọn vẹn đang tựa chiếc đầu mình lên đôi vai người đàn ông.

Đôi mắt người đàn ông nhắm lại.  Tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má già nua của ông. Bàn tay chai sần mang dấu ấn của những công việc lao động nặng nhọc, với đầy những vết thẹo lớn nhỏ, đang nâng niu đứa con trai bé bỏng của tôi, vỗ vỗ lưng nó với một tình thương tôi không thể nào diễn tả được, nhưng tôi cảm nhận được điều đó một cách rất rõ ràng.

Chẳng có ai có thể thương mến nhau sâu đậm như vậy chỉ sau một khoảnh khắc ngắn ngủi như họ.  Và tôi đứng chết trân ở đó.

Người đàn ông nọ bồng Erik, ru nó trên tay thật âu yếm, và ông nhìn tôi không chớp.  Cuối cùng ông cất giọng nói như ra lệnh cho tôi, “Bà hãy chăm sóc đứa bé này.”  Không hiểu sao, tôi cũng đã thốt ra được từ chiếc cổ đang bị tắt nghẹn, “Vâng, tôi sẽ chăm sóc nó.”

Người đàn ông gỡ Erik khỏi ngực mình và trao cho tôi trong nỗi niềm bịn rịn luyến tiếc…  Tôi nhận lại con mình, trong khi người đàn ông nọ nói bằng giọng rất cảm động: “Xin Chúa ban phước cho bà.  Bà đã tặng tôi một món quà rất ý nghĩa trong mùa Giáng sinh này”.  Tôi không thể thốt được gì, chỉ lí nhí trả lời “Cảm ơn ông” và vội vã ôm Erik bước nhanh ra xe.  Chồng tôi ngạc nhiên khi thấy tôi vừa ôm chặt Erik trong tay vừa khóc, vừa lẩm bẩm suốt “Chúa ôi, xin tha thứ cho con, xin hãy tha thứ cho con.”

Hôm ấy, tôi đã được chứng kiến một tình yêu thương đơn sơ, tin cậy hoàn toàn, không xét đoán ai qua chính đứa con trai bé nhỏ của mình.  Một đứa trẻ nhìn thấy được một tấm lòng của một con người, trong khi mẹ nó chỉ nhìn thấy được những quần áo bên ngoài mà thôi!

Món Súp Tâm Linh

XIN CHO CON NHẬN RA CON LÀ AI?

Thầy yêu mến!

Cả ngày hôm nay tâm hồn con xao xuyến chẳng có chút bình an.  Con không thể tập trung nổi trong những giờ kinh dâng cho Ngài.  Bởi vì con mải miết suy nghĩ, băn khoăn.  Con không hiểu hết Thánh ý Ngài trong đời con, con không hiểu hết về chính con, và thế giới này.  Xin cho con lặng thinh trong khiêm hạ để tìm kiếm Thánh ý Ngài.  Xin cho con khiêm nhường để cúi xuống hiểu tha nhân, xin Thầy cũng ban cho con biết nhận ra chính con để con tìm lại chính con người của mình, Ngài nhé!

zzMấy ngày hôm nay trên các trang mạng đang bàn tán về câu chuyện bé gái Yue Yue hai tuổi người Trung Quốc bị hai xe tải cán rồi bỏ chạy.  18 người qua đường phát hiện em nằm bên vũng máu be bét nhưng đã nhẫn tâm bỏ đi.  Bảy phút sau, em được cứu nhờ một người phụ nữ quét rác ở chợ.  Con muốn khóc, con thương em nhỏ đó, con thương những người bỏ rơi sự đau đớn của em mà đi qua, con thương chính con vì nhiều khi con cũng quên đi nỗi đau của những người xung quanh mà sống một cách vô tư; con chẳng đáng nhận tình yêu vì khi có tình yêu con đã chẳng biết cho đi.  Xin Thầy đừng chấp tội này của con.

Thầy yêu mến!

Con xin nhớ đến câu chuyện của Thầy – “Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành” (Lc10, 29-37).  Con là ai trong những người đã đi qua nạn nhân trong dụ ngôn của Thầy?  Con là thầy tư tế, hay là một thầy Lê-vi?  Tự đáy lòng mình, con không dám trả lời câu hỏi này.

Hình như ngày hôm nay chẳng còn mấy người tin rằng có một người Sa-ma-ri như câu chuyện của Thầy nữa, có lẽ bởi vì công việc; tiền tài; danh vọng làm họ bị cuốn theo vòng xoáy của sự nghi ngờ, toan tính.  Người phụ nữ quét rác cứu bé Yue Yue có lẽ là một người Sa-ma-ri còn xót lại trong thế giới của chúng con ngày hôm nay.  Con buồn vì người ta hỏi người phụ nữ quét rác mù chữ đó rằng: “Có phải bà làm việc đó vì muốn được nổi tiếng?” Con buồn vì người ta không tin thời đại này con có một người Sa-ma-ri tốt lành.

http://www.zing.vn/news/chuyen-la/nguoi-nhat-rac-cuu-be-gai-o-trung-quoc-phai-bo-ve-que/a130583.html

Thầy biết không.  Hôm nay ngồi suy nghĩ những chuyện này con thấy lòng mình bất an.  Con điện thoại cho người bạn của con nhiều lần mà không thấy trả lời, tự nhiên con lo cho bạn ấy.  Con nhắn tin cho bạn rằng bạn đã làm con cảm thấy lo lắng.  Nhưng bạn con nói bạn không tin trên đời này còn sót lại một người tốt như thế.  Tại sao?  Nếu có thể được thì xin cho con biết là tại sao bạn ấy hỏi con như vậy, hay bạn ấy cũng như bao nhiêu người khác không còn tin trên thế giới này có sự hiện diện của Tình Yêu Thương?

Con biết khi chúng con chẳng còn gắn kết đời mình vào tình yêu, thì sẽ chỉ có nghi ngờ, đau khổ và oán ghét.  Câu hỏi “Có phải bà làm việc đó vì muốn được nổi tiếng?” như đang cấu xé tâm hồn con một cách dữ dội.  Xin Chúa ngự đến trong tâm hồn con để con có bình an, xin ban cho thế giới này thêm những người Sa-ma-ri nhân hậu như gương nhân lành của Thầy, xin Chúa đánh thức con tim vô cảm của con.

Và lạy Chúa con là ai trong số những người đã đi qua nạn nhân trong “Dụ ngôn nguời Sa-ma-ri tốt lành?”

Gửi Thầy Giê-su yêu mến!

Con DomStone.

LUẬT YÊU MẾN

Người Do Thái có quá nhiều luật lệ.  Họ lại có thái độ duy Lề Luật. Nên tỉ mỉ tuân giữ tất cả mọi điều.  Không còn biết điều nào là chính điều nào là phụ nữa.  Hôm nay, nhân một câu hỏi. Chúa Giêsu đã cho ta biết chỉ có một điều luật quan trọng: LUẬT YÊU MẾN. Luật này có 2 khía cạnh.

1) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là yêu mến hết khả năng, hết sức lực. Ta phải yêu mến Chúa như thế thật hợp tình hợp lý.

Vì Chúa đáng yêu đáng mến vô cùng. Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Ngài là toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.  Nơi Ngài không có một tì vết, khuyết điểm nào. Trong đời sống ai cũng yêu thích những gì tốt đẹp. Chúa là Đấng vô cùng tốt đẹp. Yêu mến Ngài là điều tự nhiên. Ai hiểu biết cũng đều yêu mến Chúa.

Hơn nữa Chúa còn là Đấng sinh thành ra ta. Chính Chúa ban cho ta tất cả. Ta có mặt ở đời này là do ý định của Chúa. Tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là đều bởi Chúa. Chúa là vị ân nhân lớn nhất của ta. Yêu mến Chúa là việc làm không những tự nhiên mà còn là bổn phận nữa.

2) Yêu người thân cận như chính mình. Đó là điều răn thứ hai mà Chúa Giêsu nói cũng giống như điều răn thứ nhất. Thực ra đó chỉ là một điều răn vì những lý do sau:

Yêu Chúa và yêu người là hai khía cạnh của một tình yêu. Tình yêu chân thật là tình yêu không có giới hạn, không có loại trừ. Vì thế đã yêu Chúa thì phải yêu người. Nếu tình yêu bị giới hạn, có loại trừ thì sẽ trở thành giả tạo.

Tình yêu đối với tha nhân kiểm chứng tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ nơi Người: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).

Còn hơn thế nữa. Ai yêu anh em là yêu chính Chúa. Vì Chúa ở trong anh em. Hơn thế nữa, Chúa ẩn thân trong những anh em bé mọn nhất. Vì thế trong ngày phán xét Chúa nói với ta rằng: “Ta bảo thật cho các người: mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25-40).

Tất cả mọi điều răn khác đều quy về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn Lề Luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới mới, thế giới chan hòa yêu thương, chan hòa tình người. Và đó chính là khởi điểm của thiên đàng mai sau.

TGM. Ngô Quang Kiệt

AI NGU DỐT ĐÂY

zzChuyến xe lửa tốc hành từ Francfort đi Bâle chạy qua một xóm đạo mới xây dựng ngôi nhà thờ với ngọn tháp vươn cao.  Một hành khách trẻ, có vẻ là một sinh viên, lớn tiếng phát biểu :

–  Lũ dân ở đây không biết sử dụng tiền bạc vào công việc hữu ích hơn mà đi xây cất nhà thờ. Đúng ra họ nên xây hội trường, thế mới tiến bộ chứ.

Một ông khách ngồi bên anh bỡ ngỡ hỏi :

–  Sao lại không nên xây nhà thờ? Chắc cậu có cái gì không ưng cái đó?

–  Ồ, thời đại này chỉ có bọn ngu dốt mới đi tới nhà thờ.

–  Ra thế đấy, vậy tôi nằm trong số người ngu dốt đó.

Một ông khách khác tiếp lời :

–  Tôi cũng thế. Mặc dầu bận dậy Đại học Leipzig, tôi vẫn đi lễ các ngày Chúa Nhật.

Một ông có vẻ vị vọng tiếp :

–  Tôi cũng xin xếp vào hàng với bọn ngu dốt, tôi hiện là Cố Vấn Tư Pháp của Tòa Hoà Giải Rộng Quyền Tỉnh X.

Một vị nữa nói :

–  Còn tôi, giáo sư Đại Học Berne, tôi cũng vào hàng bọn ngu dốt.

Bốn vị khách chào nhau, bắt tay thân mật, trò chuyện vui vẻ làm quen với nhau.  Chàng trẻ mặt đỏ nhừ ngồi thu hình trong một góc không dám nói nửa lời.

*************************************

Thánh đường là bộ mặt chính của một cộng đoàn, tất cả mọi thành phần Kitô Giáo trong cộng đoàn họ thể hiện niềm tin của mình, bằng cách cùng chung nhau góp công sức, tiền của để xây dựng lên ngôi Thánh Đường khang trang, tôn nghiêm để xứng đáng làm nơi tôn vinh – kính thờ Thiên Chúa.  Nơi đây chính là nơi ban phát mọi ân sủng của Thiên Chúa cho con người.  Qua những Bí Tích cộng đoàn được lãnh nhận, đặc biệt với Bí Tích Thánh Thể được lưu truyền qua Thánh Lễ Misa, mỗi khi tham dự cộng đoàn được kết hợp mật thiết với Chúa, để làm cho phần tâm linh ngày thêm phong phú hơn.

Khi thời điểm con người không còn tin vào tín ngưỡng tôn giáo nữa, đối với thành phần Kitô giáo, một khi không còn giữ vững được niềm tin, sẽ là lúc con người không còn đến nhà thờ để thờ phượng tôn kính Thiên Chúa.  Sống trong một thế giới khoa học tiến bộ một cách không ngừng, Thiên Chúa đang hé mở cánh cửa qua công trình sáng tạo của Người.  Con người ngày càng tỏ ra tự kiêu đến lạ kỳ, họ cứ nghĩ rằng tất cả những gì con người làm được là do công của chính họ.  Chẳng mấy ai nghĩ tới công trình đó chính Thiên Chúa đã dùng trí khôn, bàn tay con người để cộng tác khám phá ra những công trình còn nằm trong bí ẩn, qua chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Trong việc sống đạo đôi khi tôi có tâm trạng giữ đúng theo luật là đủ: “Dâng lễ ngày Chúa nhật cùng những ngày lễ buộc”, chỉ “xưng tội trong một năm ít là một lần” vì đây là luật buộc của Hội Thánh, người tín hữu nếu không đi lễ ngày Chúa nhật, một năm không xưng tội thì sẽ mắc tội. Vì sợ luật đôi khi việc đến nhà thờ, chỉ đến trong tâm trạng hiện diện cho có mặt, còn tất cả nghi thức trên bàn tiệc thánh chẳng màng quan tâm.  Thân xác tuy hiện diện trước bàn thờ Chúa, nhưng tâm trí đang lởn vởn những suy tính mông lung đâu đâu… Thậm chí, vừa đi lễ về cũng không nhớ nổi bài Phúc Âm hôm nay đề cập về nội dung gì, Linh mục chủ tế giảng giải ra sao!

Cuộc sống ngày nay, mọi người ai cũng vì kế sinh nhai, đầu tắt mặt tối từ sáng đến tối để kiếm tiền chi tiêu cho gia đình, từ chuyện lo tiền học hành ăn mặc cho con cái, tiền điện nước xe cộ và rất nhiều việc phải lo để trang trải.  Cuộc sống mải mê lo cho vật chất đã làm cho đức tin mỗi ngày dần mai một, ví như hạt giống rơi vào sỏi đá, vào bụi gai (Mt 13,5-7).  Để không còn thời giờ đến nhà thờ, từ đó ngày càng bê trễ nguội lạnh xa dần Thiên Chúa là Đấng mình đã nhận tôn thờ. Vì vật chất đã đè nặng lên cuộc đời, tiền tài và danh vọng là thực tại trong cuộc đời.  Việc thờ phượng Thiên Chúa quá hờ hững và việc lĩnh nhận ân sủng của Người đôi khi quá trừu tượng xa vời.

*************************************

Lạy Chúa, xin cho con biết trung thành với Chúa trong từng ngày sống của con, cho con biết phụng sự và làm chứng nhân cho Chúa trong hành động cũng như lời nói, như những nhà trí thức đã công khai tuyên xưng đức tin của mình, xin cho con biết chia sẻ với tha nhân những hồng ân Chúa đã ban.

Xin cho những ai đang nguội lạnh, đang sống xa dần Chúa, cho họ biết hồi tâm quay trở về với Chúa, biết mạnh dạn thưa với Chúa: “Thưa Cha, con thật đắc tội với trời với cha” (Lc 15,21b).

Pet PBH

KÍNH MỪNG MARIA

zzHoàng hậu Blanche xứ Castille nước Pháp đã phải đau buồn cùng cực vì bà thành hôn mười hai năm rồi mà vẫn không có con.  Khi đến thăm thánh Đaminh, Ngài khuyên hoàng hậu đọc kinh Mân Côi hàng ngày để xin Thiên Chúa ban diễm phúc được làm mẹ.  Hoàng hậu trung thành theo lời khuyên của thánh nhân.  Năm 1213 hoàng hậu hạ sinh hoàng nam đầu lòng.  Đó là hoàng tử Philip.  Nhưng con trẻ chết ngay khi còn trong trứng nước.

Trước nỗi bất hạnh này, hoàng hậu vẫn không ngã lòng, không chút nao núng niềm tin.  Trái lại, bà tha thiết van xin Đức Mẹ cứu giúp.  Hoàng hậu cũng phân phát nhiều tràng hạt Mân Côi cho các triều thần cùng dân chúng trong cả nước, và xin tiếp lời cầu nguyện cho bà.

Năm 1215, qua sự bầu cử của Đức Mẹ, Chúa đã nhận lời cầu xin của bà, một vị hoàng tử chào đời.  Hoàng tử này đã trở thành vinh quang cho nước Pháp, và là gương mẫu cho tất cả các hoàng đế Công giáo.  Vị hoàng đế này sau đã trở thành một vị thánh.  Đó là vua thánh Louis.

***********************************

Kể sao cho hết những ơn lành Mẹ Maria đã ban xuống cho nhân loại qua kinh Kính Mừng.  Bởi vì kinh Kính Mừng là kinh mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ rất ưa thích.

Qua mỗi lời kinh “Kính Mừng”, chúng ta nhắc lại niềm vinh hạnh lớn lao mà Thiên Chúa đã ân ban cho Mẹ khi người gửi sứ thần Gabriel đến kính chào Mẹ là “Đấng đầy Ơn phúc”.

Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thường thi ân cho cả những kẻ nguyền rủa Ngài, thì làm sao các Ngài có thể từ chối ban ơn lành cho những người con thảo hiếu hằng chúc tụng, tôn vinh và  yêu mến các Ngài qua kinh Kính Mừng.

Thánh Bonaventura nói rằng:  “Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng, thì Mẹ sẽ đáp lại ta bằng muôn ơn phúc”.  Thật vậy, ngay  khi thánh nữ Elizabeth nghe lời Mẹ chào, thì lập tức bà được đầy tràn Chúa Thánh Thần, và Gioan, con trong lòng bà liền nhảy mừng.

Nếu chúng ta hằng ngày đọc kinh Kính Mừng cách thành kính sốt sắng để chào kính và chúc tụng Đức Mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ được ơn phúc chan hoà, và niềm an ủi thiêng liêng sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.

***********************************

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp con biết siêng năng lần hạt Mân Côi hằng ngày, cho con được gia nhập đạo binh con cái hiếu thảo của Mẹ, để con không ngừng tôn vinh, chúc tụng và yêu mến Mẹ bây giờ và mãi mãi.  Amen!

Thiên Phúc

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA

Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:

Thứ nhất:  Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.

Thứ hai:  Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.

zzHình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.

Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh hồn mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.

Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách của vua chúa, đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.

Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.

Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.

Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).

Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.

Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.

Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.

Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (Mt 18,21-22).

Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.

                                                        *********

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt.
(BĐ1: 1Tx1,1-5b * BĐ2: Is 45,1.4-6 * PÂ: Mt 22,15-21)

NỤ CƯỜI CỦA BÀ SARAH

zzKinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!

Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: Một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!… Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!

Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười.  Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười.  Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống… Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười…

Cười, cười một cách lạc quan: Có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn… Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.

Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: “Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền”.

Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài.  Thánh nhân đã nói: “Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát…”

Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai…

Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: “Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột”.

Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: Khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.

Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.

Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.

Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: Những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.

Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: Ðó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết.  Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.

R. Veritas