ĐỨC CHÚA Ở CÙNG BÀ

zzCon người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã.  Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.

Kính Mừng Maria đầy ơn phúc.

Đây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin, lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến.

Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương.  Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.

Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội.

Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.

Đức Chúa Trời ở cùng Bà.

Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị.

Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Đền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ, vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị em.

Kitô hữu là người có Đức Kitô ở cùng và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.

Đó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42) vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Đấng Mêsia. Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc 11, 27).

Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45).

Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.

Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ, để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29)

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời.

Chỉ Thiên Chúa là Đấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.

Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.

Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Đức Giêsu, nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của Ngài: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống, chúng ta sinh Đức Giêsu cho nhân loại hôm nay.  Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế.

Chẳng có gì Đức Maria được hưởng cách viên mãn, mà Hội Thánh và từng người lại không được dự phần.

Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.

**********************************

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.  Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.  Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.  Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.  Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.  Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm. Nguyễn Cao Siêu

MẶC ÁO CƯỚI

zzĐọc dụ ngôn “Tiệc Cưới” trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Ngài. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.

Đó là một tình yêu nhưng không. Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.

Đó là tình yêu chia sẻ. Thiên Chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người còn mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một mặc lấy bản tình loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng thần thánh trên trời.

Chẳng có gì có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

Tôi phải mặc áo cưới tới dự. Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.

Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng. Nâng lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.

Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương, Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa.

Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24).

Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi. Amen

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Is.25, 6-10a  * BĐ2: Pl.4:12-14. 19-20  * PÂ: Mt.22:1-10 )

SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG

“Anh nghĩ gì về tự tử?”, một giọng nữ yếu ớt cất lên ở đầu dây bên kia.

Tôi không trông chờ một cuộc gọi báo tự sát lúc tám giờ năm mươi chín phút sáng, một phút trước khi Văn phòng Đường Dây Giúp Đỡ mở cửa.  Bình thường những cuộc gọi thông báo tự tử hay đánh thức tôi dậy là lúc nửa đêm.  Người gọi đến thường mong chờ được nói chuyện trực tiếp với nhân viên văn phòng hơn là với một tình nguyện viên vừa tan ca về nhà như tôi.

Trong kì huấn luyện của chúng tôi, chúng tôi học cách lắng nghe hơn là trả lời một cách không nghiêm túc như: “Tôi phản đối nó”.  Tôi chỉ việc chờ và người gọi sẽ tiếp tục.  Trong khi bà ta nói, tôi kiểm tra lại hồ sơ của bà ta.

“Tôi sống ở một bệnh xá gần thành phố”, bà nói.  “Tôi bảy mươi sáu tuổi… và tôi đang chết”. Giọng của bà như lạc đi khi bà cố lấy hơi tiếp theo.  “Tôi bị ung thư và khí thũng.  Chẳng có hy vọng gì là tôi sẽ khỏi cả.  Tôi không muốn là gánh nặng cho cả gia đình nữa.  Tôi chỉ muốn chết thôi”, bà cụ vừa nói vừa khóc.

Mặc dù tôi đã trả lời cho Đường Dây Nóng Giúp Đỡ này trong nhiều năm rồi, nhưng những cuộc gọi như thế này vẫn làm tôi sợ.  Cuộc sống rất quý giá.  Tôi chắc chắn rằng không có một lúc nào đó tôi có thể nghĩ tới tự tử như là một giải pháp.

“Bà đã nói chuyện với ai đó ở bệnh viện về điều này chưa ạ?”, tôi hỏi thăm.

Bà cụ trả lời: “Khi tôi đề cập điều này với những người y tá ở đây, họ sợ hãi và gọi cho bác sĩ của tôi và gia đình tôi.  Mọi người vội vã chạy đến, nhưng không có ai… không ai lắng nghe cả.  Vì vậy tôi mới gọi cho anh.”  Một lần nữa, giọng nói yếu ớt của bà lại ngưng một lúc.

“Cháu vẫn đang nghe đây”, tôi nói nhỏ.

“Ông nhà tôi đã mất chín năm rồi.  Khi tôi bảo với chúng nó là tôi rất nhớ ông ấy, chúng bảo chúng hiểu”, bà tiếp tục. “Nhưng chúng không thể hiểu được.  Khi tôi nói về sự đau đớn, chúng lại hứa sẽ tăng thêm liều thuốc cho tôi.  Thuốc chỉ làm tôi thêm mệt mỏi thôi.”  Dừng một lúc để ho, bà tiếp tục một cách ngập ngừng.  “Tôi nói với chúng tôi sẵn sàng về nhà để gặp Thượng đế.  Chúng nói tự tử là tội lỗi, vì thế tôi đã hứa là sẽ không nghĩ đến việc tự giết mình nữa, nhưng tôi vẫn nghĩ đến nó… mọi lúc.  Tôi chẳng còn lý do gì để sống nữa.”

Tôi bối rối và cố lựa lời để nói với bà, tôi tự hỏi: Mình nên nói với bà cụ này như thế nào đây để giúp được bà?  Trước đây tôi chưa bao giờ nghi ngờ rằng tự tử là sai.  Tuy nhiên tôi lại cảm thấy lí do của bà cụ đó rất đáng thương.  Chắc chắn rằng cuộc sống của bà ấy không thể khá hơn được nữa.

Tôi nhớ đến một chàng trai đã từng gọi cho tôi trong đêm Giao thừa với một khẩu súng trên tay. Sau khi chúng tôi trò chuyện hết buổi đêm cô đơn ấy, anh ta nói anh đã thấy được một tia hy vọng. Niềm hy vọng nào tôi có thể mang lại cho người gọi đang tuyệt vọng này?  Tôi tự hỏi.

Tôi quyết định lảng tránh chủ đề một lúc. “Bà kể cháu nghe về gia đình bà đi.”

Bà cụ nói một cách âu yếm về những đứa con và cháu của bà.  Chúng đến thăm bà thường xuyên tại bệnh viện.  Bà rất muốn được gặp chúng, nhưng lại cảm thấy có lỗi khi bắt chúng tách khỏi gia đình và những hoạt động riêng của chúng.

Andrew, đứa con giữa bất trị của bà, đã rất gần gũi với bà trong lúc bà bệnh.  Khi nghe được tin mẹ sắp chết, anh đã xin lỗi vì quãng thời gian thiếu suy nghĩ suốt những năm tuổi trẻ.

Khi bà cụ đang nói, tôi nhớ lại lần tôi đến thăm Ngoại Florence của tôi.  Vào một buổi tối, ngay khi vừa về đến nhà, tôi nhận được một cuộc gọi.  Sức khỏe của Ngoại Florence đang chuyển biến xấu và họ muốn tôi quay trở lại ngay lập tức.  Khi tôi ngồi bên Ngoại, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má tôi.  Người y tá cố an ủi tôi: “Bà đã sẵn sàng ra đi rồi.”

Tôi giận dữ vặn lại: “Nhưng tôi chưa sẵn sàng để bà tôi ra đi!”  Ngoại tôi mất sáu tuần sau đó.  Lúc đó tôi đã sẵn sàng để bà ra đi và tôi thấy vui khi Thượng đế đã để Ngoại ở lại với tôi thêm một lúc.

Có lẽ ai đó trong cuộc đời của bà cụ này đang cần thêm thời gian, tôi nghĩ.  Tôi kể cho bà nghe kỉ niệm của tôi và nói: “Có lẽ Thượng đế đang cho ai đó trong nhà bà thêm một chút thời gian.”

Bà cụ im lặng trong vài giây trước khi bà kể tiếp về Andrew. “Tôi vui là tôi đã không chết sáu tháng trước đây, mặc dù lúc đó tôi cũng định tự tử.”

Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi nhận ra rằng trong những tháng sau khi bà biết mình bị ung thư, Andrew, một thợ mộc tài giỏi, đã làm cho bà một bình đựng tro rất đẹp.  Mặc dù bà cụ chưa bao giờ nghi ngờ về tình yêu của Andrew, anh ta vẫn cần những ngày tháng đó để cho bà thấy anh quan tâm đến bà như thế nào.  Nhưng bây giờ chiếc bình đã được làm xong và anh đã có thời gian để cảm thấy thanh thản.

“Có thể Thượng đế sẽ cho bà sống lâu hơn như ý nguyện của một ai đó trong gia đình bà”, tôi giả định.

“Ừ, dĩ nhiên rồi… nó phải là Sarah”, bà nói một cách buồn bã.

Tôi không nhớ là bà đã nói đến Sarah. “Sarah là ai vậy?”, tôi hỏi.

“Nó là cháu ngoại của tôi.  Nó vừa mới bị sinh non.  Tôi rất lo cho con bé.  Sự mất mát của nó quá to lớn.  Có lẽ Thượng đế biết Sarah sẽ không chịu nổi thêm một cái chết nữa bây giờ đâu.”

Giọng nói của bà cụ đã trở nên mạnh mẽ hơn.  Theo những gì tôi được học từ khóa đào tạo, đây là dấu hiệu cho thấy người ta bắt đầu tìm được một tia hy vọng.  Niềm hy vọng của bà cụ này không phải đến từ viễn cảnh về sự khá hơn của cuộc đời bà, mà là từ cảm nhận của bà rằng bà có lý do để tiếp tục sống trên cõi đời này.  Có một người cần sự giúp đỡ của bà trên trái đất này lâu hơn một chút.

Ellen Javernich