Khoảng 60 năm sau khi Chúa Giêsu ra đời, một cơn hoả hoạn khổng lồ đã xảy ra ở thành Rôma. Đám cháy kéo dài hơn một tuần lễ. Người ta đồn rằng Hoàng đế Neron đã ra lệnh phóng hoả. Ông ta muốn tiêu huỷ thành phố Roma cổ xưa, xây dựng lại một thành mới và đặt bằng tên của chính ông ta.
Neron đã cố gắng hết sức để ngăn chận tiếng đồn ấy, nhưng nào có được. Cuối cùng trong cơn thất vọng, ông ta vội tìm một đối tượng để trút lên đó mọi lời nguyền rủa của dân chúng. Ông ta liền vu khống cho cộng đoàn Kitô hữu ở Roma là đã gây ra cơn hoả hoạn. Lời tố cáo của Neron khai mào cho cuộc bắt bớ tôn giáo kéo dài gần 300 năm. Một sử gia Rôma đã mô tả cuộc bắt bớ dưới thời Neron như sau: “Các Kitô hữu bị đối xử tàn bạo khác thường. Nhiều người phải khoác lên mình một tấm da thú để rồi bị đàn chó dữ cắn xé ra từng mảnh. Nhiều người khác bị treo lên thập tự giá và ban đêm bị dùng làm bó đuốc đốt sáng soi cho bóng đêm”.
Để tự vệ và duy trì đời sống tôn giáo của mình, nhiều Kitô hữu đã thực sự chui xuống sinh hoạt dưới lòng đất. Họ đào được hệ thống đường hầm tỉ mỉ trong lòng đất ở vùng có núi lửa tại Roma. Một số trong những đường hầm nổi tiếng này dài đến nhiều dặm và được thiết kế như những mê lộ để gây khó khăn cho các nhà cầm quyền đương thời.
Hiện nay, một số những hang động này (được gọi là hang toại đạo), là những trung tâm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách đi đến Rôma. Chính trong những đường hầm này, các Kitô hữu đã từng tổ chức Thánh lễ, rửa tội các cháu bé và chôn cất những người chết. Trong các tác phẩm của mình, thánh Jerôme cho biết: Khi còn là một chú bé, ngài và các bạn thường hay chơi trong các hang toại đạo. Sau thánh Jerôme nhiều thế kỷ, các chú bé Roma cũng vẫn thường vui chơi trong các hang toại đạo. Một ngày nọ, một nhóm các cậu bé đang đi lang thang qua các mê lộ, dưới đường hầm, đột nhiên chiếc đèn pin duy nhất của chúng bị hỏng. Các chú hoàn toàn lâm vào bóng tối, không biết lối ra, đang khi cả đám bị kinh hoàng cực độ, thì một chú bé cảm thấy như có một đường rãnh bằng phẳng nơi nền đá của đường hầm; đường này dẫn ra một lối đi đã được bào phẳng nhờ bước chân của hàng ngàn Kitô hữu trong thời kỳ bị bắt bớ ở Roma. Thế là các chú bé lần theo những dấu chân các vị thánh xưa và tìm được lối thoát khỏi hang sâu tối tăm và bình yên đến vùng có ánh mặt trời.
*******************************
Chúng ta có hai lý do để suy nghĩ về câu chuyện trên:
Thứ nhất, nó cho ta thấy cái giá khủng khiếp mà tổ tiên những Kitô hữu chúng ta phải trả giá cho đức tin của họ. Nếu các ngài đã không trả giá đắt như thế, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không được làm Kitô hữu như ngày hôm nay.
Thứ hai, câu chuyện các cậu bé trong hang toại đạo giống như một loại dụ ngôn cho ta thấy các vị thánh ngày xưa vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời chúng ta như thế nào. Nhiều người trong chúng ta giống những chú bé trong các hang toại đạo: Chúng ta bị lạc lối, hoang mang vì những ý kiến xung đột nhau, chúng ta chả biết điều gì đúng điều gì sai, giống như chúng ta đang bị lâm vào bóng tối, không biết rõ đường đi nước bước. Câu chuyện các chú bé trong hầm mộ quả là một dụ ngôn cho chúng ta.
Các chú bé đã tìm ra con đường trên nền hầm được bước chân các vị thánh bào phẳng hằng bao thế kỷ trước. Nhờ đi thoát khỏi bóng tối trong hang để tới được ánh sáng ban ngày. Một cách tương tự, chúng ta cũng có thể bước theo các vị thánh để tìm ra con đường dẫn chúng ta khỏi vùng tối tăm và hỗn độn của thời đại chúng ta hầu đến được ánh sáng ban ngày.
Và như thế, là mừng CÁC THÁNH đem lại hai mục đích cho chúng ta:
Trước hết, lễ này nhắc nhở chúng ta công ơn rất lớn lao của các thánh thời xưa là những người đã bảo tồn đức tin Công giáo cho chúng ta.
Thứ đến lễ này nhắc chúng ta nhớ nếu chúng ta biết bắt chước các thánh và noi theo gương các ngài chúng ta cũng sẽ tìm ra lối đi dẫn chúng ta từ vùng tăm tối của trần thế bước vào ánh sáng huy hoàng của Chúa.
Các thánh chẳng phải là những người khác thường gì, các ngài cũng bình thường như chúng ta, nhưng đã sống cuộc đời bình thường của các ngài một cách phi thường. Chúng ta hãy dùng đoạn thơ nhan đề The Way (Con đường) của John Oxenham để kết thúc; đoạn này tóm tắt lời mời gọi và sự thách đố mà ngày lễ các Thánh hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta:
“Ở đó, có hai con đường mở ra trước mặt mỗi người; Một con đường cao và một con đường thấp. Những linh hồn cao thượng thích leo lên con đường cao mà đi, còn những linh hồn thấp kém lần mò theo con đường thấp mà đi. Giữa hai con đường ấy là những linh hồn còn lại trôi vật vờ trên những vùng sương mờ vô định. Nhưng mỗi người phải quyết định xem trong hai con đường ấy linh hồn mình sẽ đi con đường nào”.
Lễ Các Thánh mời gọi chúng ta hãy can đảm bắt chước các thánh chọn con đường cao để một ngày kia chúng ta cũng sẽ được xum họp với các ngài trên trời để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.
Lm Mark Link, S.J.