CHỊ CHỒNG TÔI

Ngày tôi lấy chồng, chị đã bước sang tuổi 31.  Chị ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu.  Chị nói ngọng không thành tiếng.  Chị phá phách mọi thứ người ta làm cho chị.

Bố mẹ chồng tôi luôn tránh cho chị gặp người lạ.  Bố mẹ cũng ái ngại nhìn tôi mà rằng:

– Bố mẹ chỉ đẻ được 2 đứa con.  Dù nó điên dại thì con cũng gắng giùm bố mẹ.

Nói đến đây mẹ nức nở thành tiếng.

Tôi chỉ  biết chấp nhận chứ sao dám cãi lời.  Nhưng thực lòng tôi cứ thấy sờ sợ cái người đàn bà ấy.

Vậy mà ngày tôi cưới, chị lẻn ra ngoài đi hái những bông hoa dại rồi ngang nhiên lên trao cho tôi trước mặt bao nhiêu khách sang trọng của tôi và chồng.  Tôi đã rơm rớm nước mắt mà ôm chị vào lòng.

Đêm hôm ấy, tôi cùng chồng xuống phòng chị chơi.  Căn phòng ấy nhỏ và bẩn quá.  Tôi thấy lạ là trên tường dán rất nhiều ảnh của chị và chồng tôi ngày nhỏ, ảnh gia đình.

Ngày nhỏ, chị thật xinh.  Gương mặt trái xoan với nước da trắng ngần, đôi mắt đen láy và hàng mi cong vút.  Tôi cứ băn khoăn về câu chuyện cuộc đời chị nhưng không dám hỏi vì sợ, sợ những giọt nước mắt của mẹ chồng.

Sau đám cưới được một tuần vợ chồng tôi lên thành phố.  Cuộc sống với những bộn bề lo toan khiến tôi quên mình có một người chị chồng như thế để hỏi han, chăm sóc.

Rồi một ngày bố mẹ chồng tôi đem chị lên thành phố chữa bệnh.  Căn nhà hạnh phúc của vợ chồng tôi có thêm một người đàn bà điên.  Chị phá phách mọi đồ vật trong nhà.

Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc mệt mỏi, tôi sợ không dám trở về căn nhà của chính mình.  Tôi sợ cái cảm giác gần gũi chị, ghét cái cười ngờ nghệch của chị, cho dù nụ cười ấy chứng tỏ chị rất yêu quý tôi.

Có lần, tôi không hiểu sao nhưng chị tìm được cuốn nhật kí của mẹ tôi ngày trước để lại.  Chị xé hết, xé cho vụn ra từng mảnh.  Tôi không còn kìm nén được nên buông lời nói sỗ sàng.  Chị khóc lóc, cứ nắm tay tôi xin tha thứ nhưng tôi không chịu buông.  Làm sao có thể tha thứ cho người ngang nhiên phá phách kỉ vật duy nhất mà người mẹ thân yêu của tôi để lại.

Đêm hôm đó, chị bỏ đi lang thang khiến vợ chồng tôi một phen hú hồn đi tìm.  Dù không dám trách nhưng tôi biết chồng tôi đang đau lòng lắm.

Chúng tôi lo lắng thức trắng cả đêm.  Và chồng tôi bắt đầu kể về chị…

Chị từng là một đứa trẻ thông minh, đáng yêu hơn bất cứ đứa trẻ nào ở làng anh ngày ấy.  Chị luôn biết cách làm cho bố mẹ hài lòng, chị thương yêu anh hết mực.  Chị  luôn đứng ra bênh vực anh mỗi khi anh mải chơi bị bố mẹ mắng.  Năm anh 13 tuổi, chị 18.  Chị dự định sẽ học xong đại học rồi nuôi anh học.  Bao giờ anh ổn định chị mới lấy chồng.

Vậy mà trong ngày sinh nhật thứ 18, anh giận bố mẹ bỏ nhà đi theo bọn trai làng.  Chị lao đi tìm trong đêm tối để rồi sáng hôm sau người ta thấy thân thể chị lõa lồ trên đường đê.  Sau ngày ấy, chị trở nên điên dại.

Hơn 12 năm trôi qua, nỗi đau ấy cứ âm ỉ trong tâm can chồng tôi.  Tôi thương chị chồng mình biết mấy…

Sáng hôm sau, vừa mở cửa tôi đã thấy chị nằm co trước cổng nhà, tay ôm một bó hoa dại không hiểu hái ở đâu.  Tôi lay chị dậy mà nước mắt chan chứa: “Chị đi đâu để vợ chồng em tìm cả đêm.  Chị vào nhà đi, bên ngoài lạnh lắm…”

Kim Oanh – trích dantri.com

********************************************

Lạy Chúa, xin cho con yêu mến Chúa hết lòng hết sức và yêu mến tha nhân như chính mình con vậy.  Amen!

NGƯỜI THỢ LÀM VƯỜN NHO

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại dụ ngôn “Người thợ làm vườn nho”. Vườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để giúp người nghe dễ hiểu điều Ngài muốn nói về Nước Trời.

Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thoạt tiên được dùng để chỉ dân Do Thái. Dân Do Thái được Chúa chọn là dân riêng. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Thiên Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai phái các tiên tri đến dạy dỗ họ.

zzQuả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm nom săn sóc từng li từng tí. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng.

Mỗi người chúng ta hôm nay cũng là một tá điền mà Thiên Chúa giao phó cho một vườn nho, đó là những tài năng tinh thần, là của cải vật chất, để ta sinh thêm hoa lợi và mang về cho Người..

Thiên Chúa ban muôn hồng ân, là để ta phục vụ Chúa và anh em, chứ không phải để ta tìm tư lợi, danh vọng, và khoái lạc cho bản thân.

Thiên Chúa kiên nhẫn trước những xúc phạm, lầm lỗi của ta, là để ta có cơ hội hoán cải, chứ không phải để ta ngày càng sa lầy trong tội lỗi.

Thiên Chúa trao phó cho ta các tài năng là để ta sinh lợi cho phần rỗi của mình. Nếu ta không biết sử dụng ơn lành Chúa ban, thì Người sẽ cất đi và trao cho kẻ khác.

Sẽ đến ngày ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó cho ta. Sẽ đến ngày ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Người trông đợi.  Bội thu hay mất trắng là hoàn toàn do công việc ta đang làm hôm nay.

***

Lạy Chúa! Xin cho con biết cộng tác vào vườn nho của Chúa, để làm trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và làm cho Nước Chúa được nhiều người biết đến. Amen

(BĐ1:Is.5:1-7 * BĐ2: Pl.4:6-9 * PÂ: Mt.21:33-43)

GIAN NAN CHO NIỀM TIN

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và Mai Ðệ Liên là một gặp gỡ gian nan.  Một bên là tiên tri, một bên là gái điếm, cả hai đều bị xã hội kết án.  Nếu Mai Ðệ Liên vì niềm tin mà gian nan thì Ðức Kitô cũng sẵn sàng gian nan cho niềm tin của kẻ tin Ngài.

Vì niềm tin mà gian nan

Trên đường đời, hôm nay Mai Ðệ Liên đã đi tìm một địa chỉ rất mới: Ðó là địa chỉ cứu rỗi.  Tôi gọi vì niềm tin mà gian nan vì muốn gặp Ðức Kitô mà người phụ nữ này đã phải chấp nhận những cái nhìn sỉ nhục của người đời.  Hôm nay, bà phải đương đầu với cả xã hội đang kết án bà.  Ði về một địa chỉ mà đám đông là dòng sông ngăn cách, một địa chỉ phải leo qua những cây cầu mà đám đông là kết án.  Cho niềm tin dẫn về địa chỉ ấy, bà chấp nhận gian nan ngược theo chiều gió mà đi.

Gian nan cho niềm tin

Dẫu người phụ nữ can đảm, nhưng sự can đảm này vẫn mang một giới hạn.  Bà đã mang tiếng là người tội lỗi, còn gì danh dự để mà sợ mất, bà chỉ chấp nhận gian nan mà thôi.  Do đó, vì niềm tin mà người đàn bà gian nan thì gian nan đó cũng không thể so sánh với gian nan mà Ðức Kitô sẵn sàng chấp nhận cho niềm tin của bà.

Sự kiện Chúa để cho bà công khai ngồi cạnh mình là thái độ can đảm khác thường.  Nó khác thường đến độ người Biệt phái mời Ngài đã phải tự nói với mình: “Ông này, nếu quả thực là tiên tri, ắt đã biết người đàn bà sờ đến mình kia là ai, và thuộc hạng nào chứ: Một đứa tội lỗi” (Lc. 7:39).

Nhìn vào sự kiện người đàn bà tội lỗi ngồi cạnh Chúa người ta có thể đặt những nghi ngờ về Ðức Kitô như: Nếu không quen biết sao người phụ nữ này lại theo ông ấy đến đây?  Ðã liên hệ từ bao lâu?  Ông ấy có là tiên tri thật không?  Ðức Kitô có thể bị hiểu lầm, bị mất danh dự.  Ðối với kẻ tin Ngài là tiên tri thì giờ này có thể đặt nghi vấn về niềm tin của mình.  Ðối với kẻ dửng dưng thì giờ này là lúc sáng tỏ cho lời xác quyết của Pharisêu: “Chúng ta biết rằng tên đó là một đứa tội lỗi” (Yn. 9:23).  Ðối với kẻ chống đối thì giờ này là lúc vinh quang cho lời bảo chứng: “Nó mê ăn uống, giao du với phường thu thuế và quân tội lỗi” (Mt. 11: 19).

Trong phòng tiệc, tất cả thượng khách được mời đang ngả mình trịnh trọng trên thảm quý chằm chằm nhìn Ngài.  Tại sao Ðức Kitô lại để cho một phụ nữ ngồi bên cạnh xõa tóc xức dầu thơm?  Ngài không mắc cỡ trước biết bao cặp mắt nhìn về mình?  Ngài không sợ mất danh dự vì gặp gỡ người đàn bà như thế?  Phải chăng Ngài cũng ngượng ngùng lắm, phải chăng Ngài cũng sợ bị hiểu lầm lắm.  Nhưng vì một người đã bước trong gió ngược gian nan mà gởi niềm tin thì Ngài cũng sẵn sàng gian nan đi ngược chiều gió đón nhận niềm tin ấy.

***********************************

Lời con cầu nguyện

Ðã có một lần, dân chúng ùa đi theo, giữa đám người đó, có những thái độ theo dõi, có những cặp mắt tò mò, rồi họ ngỡ ngàng khi thấy Chúa dừng lại dưới gốc cây, nói vọng lên: “Giakêu, xuống mau, hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi” (Lc. 19:5).  Hôm ấy, người ta cũng nói về Chúa: “Ông ấy vào ngụ nhà một người tội lỗi” (Lc. 19:7).

Bữa tiệc hôm nay nặng nề làm sao.  Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn nhìn về phía Chúa.  Cái ngày Chúa tắt ngang qua Yêricô, rồi gặp Giakêu cũng vậy, cả đám đông đang theo, rồi bất chợt Chúa bỏ họ, chỉ nói chuyện với một tâm hồn.  Hôm nay cũng thế, các khách tiệc trang trọng, thế mà Chúa bỏ hết, chỉ nói chuyện với một tâm hồn.

Ở cả hai hoàn cảnh, cho dù giữa đám đông, giữa một rừng người nhưng Chúa cứ đi tìm một người.  Giữa một khung trời nhưng Chúa cứ chờ đợi một khung trời.  Ở Chúa như có một cung đàn mà đám đông là lạc giọng.  Khi đám đông đi tìm nguyên tắc thì cung đàn kia lại là lòng xót thương.  Khi đám đông chờ đợi phán quyết thì tiếng lòng nọ lại là nhân từ.  Khi đám đông là nghiêm phạt thì trái tim ấy lại là bao dung.  Cứ như thế, họ lạc nhau.

Lúc Chúa nói với người phụ nữ: “Tội lỗi con đã được tha” (Lc. 7:48).  Ðám đông đã nghĩ trong lòng: “Ông này là ai mà dám tha tội” (Lc. 7:49).  Nhưng Chúa chẳng quan tâm gì đến họ.  Chúa không trả lời họ.  Chúa chỉ nói với người phụ nữ thôi (Lc. 7:50).  Thái độ của Chúa cũng giống như ngày Giakêu đến gặp Chúa.

Người phụ nữ cứ đi gặp Chúa, chẳng bận tâm với đám đông.  Ðám đông cũng chẳng thể làm Giakêu ngại ngùng.  Còn Chúa, Chúa cũng là người không biết mắc cỡ trước những con mắt cợt đùa với lòng thương xót.  Con thấy khi động đến lòng xót thương là Chúa bỏ tất cả những tập tục nghi thức.

Lạy Chúa, niềm tin của con là tiếng gọi tìm lòng thương xót.  Lòng thương xót của Chúa là địa chỉ cho niềm tin con đi về.  Niềm tin và lòng thương xót giao thoa với nhau.  Nếu thế, trong đời sống của con, chỉ có niềm tin mà không có lòng thương xót thì niềm tin ấy lạc lõng biết lối nào đi.

LM Nguyễn Tầm Thường S.J – Trích tập Con Biết Con Cần Chúa

 

CON SỐ MỘT

zzCó những thứ trên đời mình chỉ có thể có một.  Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời…

Chỉ có một người mẹ, một người ông, một người bà… để mà yêu thương.  Chỉ có một trái tim, một cái đầu, một bộ óc… để mà suy nghĩ, mà chứa đựng cuộc sống cả trăm điều vạn điều vào đó.  Chỉ có một lần đầu tiên chui ra từ bụng mẹ để bắt đầu một cuộc thăng trầm.  Chỉ có một lần được nghỉ ngơi một cách êm đềm nhất, bỏ hết những âu lo và cả những yêu thương lại phía sau.

Có những thứ trên đời tưởng chừng rất nhiều nhưng xét cho cùng cũng chỉ có một.  Thời gian là vô tận nhưng mỗi khoảnh khắc chỉ trôi qua một lần.  Chỉ có một ngày sinh nhật tuổi 15, một ngày sinh nhật tuổi 20…  Chỉ có một lần bước chân vào trường tiểu học, một lần đầu tiên gặp một ai đó, một lần sau cùng chia tay ai đó…  Dù là sau này có thể gặp rất nhiều lần đầu tiên nữa nhưng đã là với người khác mất rồi.

Có những thứ trên đời rất nhiều, nhưng chỉ có thể chọn một.  Người ta thường chọn món ăn xong rồi lại thèm món của người bên cạnh, vì một lần chỉ nên ăn một bữa ăn.  Dạ dày con người thường hẹp.  Trái tim con người vốn cũng rất hẹp, chỉ có thể chứa được một người.

Hoàng tử Bé [1] chỉ có một.  Trăm năm ngàn năm sẽ không bao giờ có một hoàng tử bé thứ hai.  Hoa hồng của hoàng tử cũng chỉ có một.  Dù trên thế gian có triệu triệu khu vườn, mỗi khu vườn có trăm ngàn đóa hồng giống hệt nhau, cuối cùng cũng chỉ có một đóa hồng cậu đã chăm sóc, đã yêu thương, đã giận hờn…

Thế gian thì vô cùng.  Ước mơ thì vô tận.  Hoàng tử bé đi chu du khắp các thiên hạ cuối cùng vẫn đau đáu nhớ về cái hành tinh bé nhỏ của mình.

Số một cũng có nghĩa là nhất.  Có cái nhất vì có nhiều.  Có cái nhất vì không thể đồng đều.  Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ quyết định cái nào là nhất.  Có những cái nhất chỉ có trong một khoảnh khắc, bước sang khoảnh khắc khác đã phải nhường ngôi.  Vị trí cao nhất thường là vị trí bấp bênh nhất.

Bạn yêu thương điều gì nhất trong đời?

Cái làm cho tôi tò mò nhất từ bé đến giờ là lý thuyết về lỗ đen vũ trụ.  Cái gì phía sau đó?  Không ai biết.  Đã rơi vào đó, không thứ gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra.

Giả sử, chỉ là giả sử thôi, có ai đó đoan chắc với bạn, rơi vào lỗ đen vũ trụ bạn sẽ không chết mà trở nên hạnh phúc nhất đời, cảm thấy được những niềm vui trên đời này không có, sống được một cuộc sống khác mà mỗi khoảnh khắc cũng đáng giá cả một cuộc đời. Chỉ có điều là vĩnh viễn không thể quay lại được.  Bạn có bước vào đó không?

99,99% sẽ trả lời là không.  Tôi cũng vậy, tôi trả lời không.  Mặc dù cuộc sống bây giờ chỉ tạm bình thường.

Giả sử ngược lại, bạn rơi vào đó người bạn yêu thương nhất sẽ được hưởng cuộc sống thần tiên ấy, niềm hạnh phúc bất tận ấy, bạn có bước vào không?

Tôi gật đầu.  Nhưng rồi tôi phải suy nghĩ xem chọn ai để làm người được hưởng hạnh phúc ấy.

Thật khó.  Hóa ra bạn không thể mang cả cuộc sống mà trao hết cho một người.

Số một là duy nhất, là độc đoán, là bướng bỉnh, là cố chấp.

Mọi thứ bắt đầu ở nó.  Nhưng không thể mãi là nó.

Có khi phải là nó. Có khi tự hỏi vì sao phải là nó.

Cuộc đời chứa đầy những số một.

Trăm ngàn triệu triệu số một chỉ tạo nên có một cuộc đời……

Sưu tầm

*********************************

Lạy Chúa Giêsu, con chỉ có một lần để sống, và cách sống của một lần duy nhất đó sẽ quyết định số phận đời đời của con, là hạnh phúc vĩnh cửu hay nghìn đời tiếc nuối ăn năn.  Cơ hội chỉ đến một lần, dù cuộc đời có nhơ nhuốc hoen ố, xin cho con được một lần biết ăn năn sám hối trở về cùng Chúa vì biết có ngày mai để tạ tội xin ơn thứ tha?  Biết ngày mai trái tim chai đá này có còn xúc động trước những lỗi tội của mình.  Xin cho con biết trân qúy những tháng ngày còn lại dù ngắn hay dài, dù sướng hay khổ.   Chúa ơi, xin nhắc con luôn nhớ rằng con chỉ có một Chúa, một Cha trên trời, một chủ, một quê hương, một mục đích duy nhất trong cuộc sống chỉ có một lần này và một số một vĩnh hằng không đổi chỉ có ở cuộc sống mai sau.  Amen!

[1] Hoàng Tử Bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), được xuất bản năm 1943, là một trong những tác phẩm văn học Pháp nổi tiếng thế giới của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry.

NIỀM TIN VÀO ĐỨC GIÊSU

“Người thu thuế và gái điếm vào Nước Trời trước các ông.”

Lời nói của Đức Giêsu như một trái bom nổ trước mặt các thượng tế, kinh sư và pharisêu, những người đáng kính vì đạo đức và học thức, những người đáng trọng vì chức vụ.

Làm sao những người hư hỏng và tội lỗi lại có thể qua mặt các bậc đáng kính như vậy? Đức Giêsu đã soi sáng cho ta bằng dụ ngôn “Hai Người con” trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:

zzNgười cha sai hai đứa con đi làm vườn nho. Đứa con thứ nhận lời, nhưng sau lại không đi làm. Đứa con cả từ chối, sau hối hận nên lại đi.

Con thứ tượng trưng cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo. Họ tuyên bố mình sống nghiêm chỉnh theo Lề Luật. Tiếc thay chính sự đạo đức của họ lại làm cho họ tự mãn và khép kín đến nỗi không thể tin vào Đức Giêsu và đón lấy Ngài như quà tặng bất ngờ của Thiên Chúa.

Đứa con cả tượng trưng cho những người tội lỗi, những người bị đặt bên lề xã hội và tôn giáo. Đời sống của họ là một sự nhơ nhuốc đáng buồn. Nhưng chính tội lỗi đã làm cho họ khiêm tốn và dễ dàng hoán cải trước lời mời gọi của Gioan. Rốt cuộc, họ lại là những người tin vào Đức Giêsu và gặp được ơn cứu độ trước nhiều người khác.

Đi làm hay không đi làm vườn nho đồng nghĩa với tin hay không tin vào Đức Giêsu. Niềm tin có khả năng biến đổi cuộc sống. Niềm tin thực sự luôn chuyển thành hành động. Tin là một việc làm, một dấn thân nghiêm túc. Niềm tin vào Đức Giêsu đòi hỏi một sự hoán cải và từ bỏ. Kitô giáo là tôn giáo của niềm tin.

Niềm tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).  Niềm tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng nhưng là một tuyên xưng bằng cuộc sống: “Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy” (Mt 7,21).

***

Lạy Chúa! Xin gia tăng niềm tin trong lòng con, để niềm tin vào Đức Giêsu hoán cải và biến đổi đời con được trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn. Amen.

Trích trong “Manna”
(BĐ1: Ed.18:25-28 * BĐ2: Pl.2:1-5 * PÂ: Mt.21:28-32 )

GIÀU CÓ:  PHÚC HAY HỌA???

zzCó một số người nghĩ rằng giàu có là một cái họa khi nghe Chúa Giê-su tuyên bố rằng:

Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi (Lc 6:24).

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! … Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (Mc 10:23,25).

Nói về người giàu, thánh Gia-cô-bê cũng khắt khe với họ không kém: “Hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người” (5:1).

Bạn thấy sao?  Tôi thấy lập luận của những người này cũng có lý đấy chứ!  Giàu có mà sau này không được hưởng Nưóc Trời, không được hưởng phúc nơi Thiên Quốc và phải rên rỉ, than van khóc lóc … thì đúng là… ĐẠI HỌA chứ còn gì nữa???

Thế nhưng!  Đọc kỹ Kinh Thánh, tôi thấy Chúa Giê-su không ghét mấy ngưòi giàu.  Trái lại Ngài đã từng có những mối quan hệ rất tốt đẹp với những người giàu có!

Ngài đã ghé thăm, dùng bữa và ở lại qua đêm ở nhà ông Da-kêu, một viên quan thuế, thuộc loại giàu có nhất nhì ở thành Giê-ri-cô: “Sau khi vào Giê-ri-khô,  Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.  Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có” (Lk 19:1-2).

Ngài đã từng thâu nhận hai đệ tử thuộc loại giàu.  Người thứ nhất là Matthew, (từng là quan thuế) và người thứ hai là một người giàu sang…[ở] thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su (Mt 27:57) người vào xin quan Phi-la-tô cho phép tháo đanh và đem thi hài Chúa Giê-su đi án táng trong mồ.

Ngài cũng đã từng nhận sự giúp đỡ của những người phụ nữ giàu có trong suốt thời gian công khai rao giảng ở miền Ga-li-lê (Mt 27:55).   Trong số đó có một người phụ nữ đã dùng nguyên một bình dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền… [giá hơn ba trăm quan tiền] đổ trên đầu [của Ngài] (Mc 14:3-9).   (Ai dám dùng loại dầu thơm giá tới hơn ba trăm quan, đắt gấp mười lần giá tiền Giu-đa bán Chúa Giê-su, để xức lên đầu người khác nếu không phải là dân nhà giàu?)

Như vậy, giàu có là PHÚC chứ đâu phải là HỌA, phải không?  Được ăn uống, được đồng bàn với Chúa Giê-su, được phục vụ Người, được Ngài binh vực, che chở và được Ngài ở lại trong nhà của mình thì là ĐẠI PHÚC chứ làm gì có chuyện TAI HỌA ở đây?

Như vậy hoá ra giàu có vừa là HỌA mà cũng vừa là PHÚC à?  Bạn có nghĩ vậy không?  Theo tôi, giàu có tự nó không thể là PHÚC hay là HỌA hay là vừa PHÚC lại vừa là HỌA!  Nhưng PHÚC hay HỌA là còn tùy vào thái độ và cách xử dụng tiền bạc, vật chất… của chúng mình.

Thật vậy, sự giàu có, lắm tiền, nhiều bạc… sẽ là ĐẠI PHÚC cho tôi và cho bạn nếu như chúng mình sống quảng đại, rộng rãi, hào phóng và rộng tay trong những việc bác ái.  Biết quan tâm, chăm sóc và nâng đỡ những người cô thế, cô thân, đơn độc, ốm đau bịnh tật trong các nhà thương, trong các viện dưỡng lão…

Còn ngược lại, sự giàu có, lắm tiền nhiều của… sẽ là ĐẠI HỌA cho bạn và tôi nếu chúng mình:

Có thái độ lạnh lùng, không thèm động lòng trắc ẩn, không có lòng thương xót, và nhẫn tâm, dửng dưng trước những nỗi thống khổ và nghèo túng của tha nhân giống y như Người Nhà Giàu đối xử với Anh La-da-rô Nghèo Khó (Lc 16:19-21).

Sống một cách ích kỷ, keo kiệt và tính toán chi li, chỉ biết tích trữ, bo bo giữ lấy của, và tôn thờ của cải vật chất giống hệt như Tên Phú Hộ Ngu Ngốc ở trong Phúc Âm của thánh Luca (Lc 12:16-21).

Chỉ tích trữ trong những két sắt, trong những nén vàng hoặc chỉ lo đem đi giấu trong ngân hàng, trong những cổ phần, trong việc đầu tư… không chịu hoặc ngần ngại, lần lừa trong việc làm phúc, bố thí, giúp đỡ, chia sẻ cho những người kém may mắn, đau khổ, nghèo khó…

Bạn thân mến, nếu bạn nhận tên TRÙM SÒ là anh em họ hàng hay làm cố vấn cho bạn thì chắc chắn Chúa Giê-su sẽ phán với bạn trong ngày phán xét rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời…. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:41-43).

Bạn có muốn sự giàu có của bạn tồn tại và trở nên ĐẠI PHÚC cho bạn hay không?  Nếu bạn muốn thì tôi đề nghị với bạn ba việc sau:

Nộp đơn ra tòa xin từ, xin chấm dứt quan hệ họ hàng với tên TRÙM SÒ ngay lập tức.  Sau đó hãy ăn mừng bằng cách gửi checks hay money orders đến các trại cùi, các trại mồ côi, hoặc gửi cho các cơ quan thiện nguyện như Nhóm Lửa Việt, Hội Bác Ái Teresa, Hội Bác Ái Phan-xi-cô…

Để mắt đến những nhu cầu bức thiết đang sống chung quanh bạn.  Những người đó có thể là ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em hay có khi chính là người vợ, người chồng, hoặc con cái của bạn đấy!  Họ đang túng cực về mặt tinh thần, họ đang thiếu thốn sự quan tâm, sự chăm sóc và những lời thăm hỏi của bạn!  Đừng nhắm mắt làm ngơ như ông nhà giàu đã đối xử với La-za-rô.  Căng đấy!

Quan tâm đến sức khoẻ của người khác, hãy trị bịnh cao máu của ban chấp hành hội đồng giáo xứ, của cha sở, của cha quản nhiệm bằng cách mở bóp của bạn… to hơn một chút để những tờ $5, $10, $20 có cơ hội… nhảy vào trong những giỏ tiền collection mỗi Chúa Nhật.  Bạn hãy hào phóng trong những công việc đóng góp, giúp bảo trì, sửa chữa nhà thờ và quỹ điều hành giáo xứ, hãy sống rộng rãi hơn, đừng chỉ bỏ giỏ mỗi $1!  Không ổn đâu!

Thay cho lời kết, tôi xin gửi đến bạn lời khuyên của thánh Phao-lô: “[Nếu anh chị em là] những người giàu ở trần gian này… [thì hãy lo] làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, [hãy] ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ.  Như vậy [là anh chị em đang] tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1 Tm 16:17-19).

Cuối cùng, xin bạn đừng quên rằng THIÊN CHÚA MỚI LÀ CHỦ của tất cả mọi sự mà chúng mình đang sở hữu như: Tài sản, tiền bạc, trí tuệ, tài năng…  Bạn và tôi chỉ là quản lý của Ngài mà thôi.  Bạn quản lý mà không khéo thì coi chừng!  Có ngày Ngài sẽ nói nhỏ với bạn rằng: “Công việc quản lý của anh [có vấn đề lớn] anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Mt 16:2), thì kể như…toi mạng!  Hãy quản lý cho khéo khéo một chút!  Sống keo kiệt mất chức ráng chịu!

phamtinh@yahoo.com

SƯỚNG – KHỔ

Có một đề thi dành cho các thí sinh đau khổ thuộc mọi lứa tuổi như sau: Bạn hãy chứng minh bạn khổ.

Thí sinh thứ nhất, một người đàn ông chừng sáu mươi, chứng minh: Tôi lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo.  Bố mẹ tôi quanh năm ‘bán mặt cho đất – bán lưng cho trời’.  Vì nhà nghèo nên tôi phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền mưu sinh.  Nghĩ mà tủi thân!…

Thí sinh thứ hai, một phụ nữ trẻ, dẫn chứng: Tôi là người kém sức khoẻ.  Từ nhỏ đã hay đau yếu.  Mỗi lần trái gió trở trời là tôi lại xụt xịt.  Rất khó chịu!…

Thí sinh thứ ba, một thanh niên tuổi chừng hăm mấy, viết ngay không chần chừ: Tôi chẳng có tài cán gì.  Giữa đám đông bạn bè, tôi chẳng biết ca hát.  Mấy đứa bạn cứ trêu chọc bảo tôi giọng ngang như cua bò.  Bực tức và chán ghê!…

Thí sinh thứ tư toan đặt bút xuống viết thì khựng lại.  Rồi anh suy nghĩ có vẻ rất căng thẳng.  Cuối cùng, quyết định nộp giấy trắng.

Kết quả cuộc thi: Ba thí sinh đầu tiên được 1 điểm an ủi vì đã có… công viết.  Còn thí sinh thứ tư thì phải lên gặp thầy để trình bày rõ lý do tại sao lại để giấy trắng.

Trong giờ sửa bài, giáo sư nhận xét chung:

–   Các bạn không được điểm cao vì bài các bạn không thể hiện được tư duy sâu sắc.  Các bạn chỉ liệt kê những điều không như ý xảy ra trong cuộc đời.  Ai cũng làm được như thế.  Thực ra nó không đủ chứng minh rằng các bạn khổ vì góc nhìn đó quá hẹp.

Rồi giáo sư quay sang thí sinh thứ tư và hỏi:

–  Tại sao bạn để giấy trắng?

–  Thưa giáo sư, thoạt đầu tôi cũng có khuynh hướng vội vàng liệt kê như các bạn kia.  Nhưng tôi chợt giật mình…

–  Sao bạn lại giật mình?

–  Dạ, xin cho phép tôi đứng lên trước mọi người để trình bày được dễ dàng hơn.

Thế rồi cậu khập khiễng bước lên trên.  Quay xuống nhìn mọi người, cậu nở một nụ cười thân thiện. Người ta thấy mặt cậu một bên bị nám đen.  Cậu nói:

– Hồi tôi còn nhỏ, bố mẹ phải đi làm ngoài đồng, chỉ có chị tôi và tôi ở nhà.  Một hôm, chị đang nấu cơm thì bị cháy nhà.  Như quý vị thấy, tôi bị phỏng nặng, bây giờ vẫn còn dấu cháy trên mặt.  Năm tôi lên bảy, bố tôi qua đời.  Một buổi tôi đi học, một buổi tôi phải đi bán vé số ở khu chợ gần nhà để phụ mẹ.  Cách đây ít năm, trên đường đi nhà thờ về, có một chú kia nhậu say lái xe tông vào tôi khiến chân tôi bị tật từ hồi đó.  Bây giờ mỗi khi trời trở lạnh, chân tôi cũng khá đau.  Gần đây, tôi thú thật là tôi yêu một người con gái, nhưng tôi thế này thì làm sao xứng với người ta được!

Trong phòng lúc ấy có nhiều người.  Giọng cậu yếu ớt nhưng ai cũng nghe rõ vì bầu khí lặng im đến lạ thường.

–  Nhưng sao bạn không viết những điều đau khổ này vào bài thi?

– Dạ không, vì tôi giật mình. Tôi giật mình khi tôi chợt nhớ lại lời của bạn tôi trong nhà thờ hôm Chúa Nhật.  Anh ấy nói với mấy người nghèo khổ rằng: “Anh em thật có phúc.” Thế là tôi khựng lại để suy nghĩ.  Rồi tôi nhận ra: để chứng minh tôi thực sự khổ thì tôi phải chứng minh cho được rằng tôi không có gì để hạnh phúc.

Mọi người càng chăm chú.  Vị giáo sư lên tiếng:

–  Hay! Xin lỗi bạn, tôi không phải là Kitô hữu, vậy cho tôi hỏi anh bạn gì gì đó của bạn nói như thế nào về việc may phúc khiến bạn thay đổi cách nhìn như thế?

– Dạ thưa giáo sư, bạn tôi tên là Giêsu.  Anh ấy nói: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy những điều đang thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe những điều đang nghe.  Nhiều người mong mỏi được như anh em mà không được.” (Mt 13:16-17)  Thưa giáo sư, lúc ấy tôi chợt nhìn thấy và nghe được nhiều điều may mắn trong cuộc sống của tôi.  Tôi có mẹ có chị.  Nhà chúng tôi tuy chẳng kín cổng cao tường nhưng đùm bọc nhau ấm áp.  Tôi có trái tim biết rung động.  Tôi có lòng quảng đại.  Tôi có lương tâm. Tôi có bạn bè nói chuyện.  Tôi có nhiều người cầu nguyện cho tôi.  Tôi được đi học.  Tôi có trí khôn để nhận ra trong cái xui có cái hên, tức là trong nghịch cảnh có ân sủng.  Ví dụ: Vì lớn lên trong cảnh khó khăn, tôi thấy mình biết cảm thương với người nghèo hơn.  Vì mang tật nguyền trên mình, tôi hiểu được nỗi đau của tha nhân.  Vì thấy mình giới hạn, tôi đặt niềm tin vào Chúa nhiều hơn.  À, cuối tuần nào tôi cũng được cùng mẹ và chị đi Lễ với bà con chòm xóm để nghe Lời Chúa.  Vui lắm!

**************************************

Bạn thân mến, nếu bạn cùng chia sẻ cách nhìn cuộc đời của thí sinh thứ tư này, mời bạn trở lại với lời của Thầy Giêsu khi Thầy nói các môn đệ thật diễm phúc.  Tụi mình đây, so với các môn đệ hồi đó, không chừng còn có phúc hơn các ngài vì tụi mình nghe và nhìn thấy nhiều điều hơn.  Trong những điều diễm phúc thí sinh này nêu lên, mình muốn dừng lại thêm một chút ở diễm phúc được biết Chúa và nghe Lời Chúa.  Tuy tuổi đời còn non trẻ, mình đã được cơ hội nghe nhiều người, đặc biệt những ai đã từng trải qua đau khổ, tâm sự rằng: “Không có Chúa hiện diện, tôi không biết mình sẽ ra sao khi gặp bế tắc.  Không có Lời Người hướng dẫn, tôi không biết sẽ làm gì khi gánh đời trĩu nặng, khi cô đơn lạc lõng, khi vất vả chán chường…. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, tôi nhận ra rằng điều may mắn nhất của tôi trên đời này là được biết Chúa.”

Vâng, biết Chúa là một kho báu vô cùng quý giá mà mình không thể nào diễn tả hết được.  Bản thân mình đây, mình chỉ có thể nói rằng mình được như hôm nay là nhờ được biết Chúa, được Lời Chúa dẫn dắt cho dù nhiều khi mình chẳng trung thành, chẳng vâng nghe, chẳng cộng tác với Người.  Người biết hết những tệ bạc của mình nhưng chẳng bao giờ bỏ mình cả.  Một khi đã biết Người, đã cảm nhận sự đồng hành yêu thương của Người trong đời, mình sẽ không bao giờ dại dột bỏ Người đâu bạn ạ.

Xin được mượn những lời Kinh Thánh sau đây như một tâm tình cầu nguyện để khép lại chia sẻ này:

Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Isaia 55:10-11)

Và một trong những Lời mà mình yêu thích nhất là: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28)

Giuse Việt, O.Carm.

LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM

Dụ ngôn “Người làm vườn nho” trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay làm nhiều người thắc mắc: “Chúa có công bằng không khi ban thưởng cho người làm ít cũng bằng người làm nhiều?”.  Hỏi như thế là chưa hiểu rằng đây chỉ là một dụ ngôn. Dụ ngôn không phải là một chuyện có thật. Nhưng chỉ là một câu chuyện dùng làm hình ảnh để giải nghĩa giáo lý của Chúa. Trong dụ ngôn, Chúa không có ý dạy về những kiến thức trần gian, nhưng muốn nói về những chân lý Nước Trời. Những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua dụ ngôn này là:

zz1) Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được ơn cứu độ. Vườn nho tượng trưng cho Nước Chúa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Người được thuê là người được mời gọi vào Nước Chúa. Tiền lương là sự sống trong Nước Chúa. Hình ảnh ông chủ ngày ngày ra chợ tìm thuê thợ là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải ta đi tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm ta. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, bị thiệt thòi trong xã hội. Việc Chúa thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, tất cả nói lên lòng yêu thương của Chúa. Chúa muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.

2) Hạnh phúc Nước Trời là ân huệ Chúa ban. Nếu Chúa không kêu gọi thì không ai có thể được vào vườn nho của Chúa, được vào Nước Chúa. Nếu Chúa không ban hạnh phúc Nước Trời thì chẳng ai có thể tự mình chiếm lấy được. Việc Chúa ban thưởng cho những người được thuê mướn cuối cùng trước những người được thuê mướn đầu tiên làm nổi bật chân lý này: “Nước Trời là ân huệ Chúa ban”. Ân huệ phát xuất từ tình thương của Chúa chứ không do công đức của ta. Vì thế chẳng ai có quyền đòi hỏi. Hơn nữa, ơn Chúa ban vượt quá sức, quá lòng mong ước của ta. Hiểu biết điều này, ta sẽ không ngừng tạ ơn Chúa.

3) Chúa yêu thương và mong ta biết yêu thương như Chúa. Những người thợ làm từ sáng sớm không có gì để kêu trách Chúa về tiền lương, vì đã được thỏa thuận từ trước. Họ chỉ kêu trách vì thấy người làm ít cũng được như mình. Họ kêu trách lòng nhân từ của Chúa. Đó là điều vô lý. Và Chúa đã nêu rõ điểm vô lý đó: Tại sao kêu trách vì tôi tốt bụng? Phần mình đã được rồi, tại sao không vui mừng vì những anh em kém cỏi, kém may mắn cũng được ân huệ vào phút chót. Qua điều này Chúa muốn dạy ta hãy biết yêu thương những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn. Một xã hội muốn tốt đẹp phải biết giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội chỉ thực sự văn minh khi biết quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật đẹp đẽ vì chan chứa tình người.

***

Qua dụ ngôn “Người làm vườn nho”, ta thấy tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người. Cách cư xử của Nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Không tìm lợi lộc cho bản thân nhưng lo tìm hạnh phúc cho người khác. Không trọng sang khinh hèn, nhưng để ý yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim, một con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người. Chúa mong con cái Chúa cũng hãy có tư tưởng của Chúa, cư xử như Chúa và yêu thương như Chúa. Như thế mới có thể làm cho Nước Chúa mau lan rộng.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu được đường lối Chúa, và giúp con luôn đi trong đường lối của Ngài. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt.
(BĐ1:Is.55: 6-9 * BĐ2: Pl.1:20-24.27 * PÂ: Mt.20:1-16 )

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi được kính nhớ liền ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá.  Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình khi suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, không được quên một hình ảnh sống động đứng dưới chân Thánh Giá là Mẹ Maria.  Dĩ nhiên dưới chân Thánh Giá còn có những môn đệ khác, nhưng Mẹ là người hiệp thông sâu xa nhất với cuộc thương khó của Chúa Giêsu, con mình.  Nhưng tại sao lại gọi ngày lễ hôm nay là lễ Đức Mẹ Sầu Bi.  Hiểu thế nào là sự “sầu bi” nơi Đức Mẹ ?

Đức Mẹ “sầu” mà không “thảm”

Sầu mà thảm là cái sầu của ngưới thất bại chua cay, cái sầu của người tuyệt vọng, thê lương; cái sầu của người bị bồ đá, bị vỡ nợ chẳng hạn.  Đây là những cái sầu thường dẫn đến tự vẫn.

Cái sầu nơi Đức Mẹ là sầu thương.  Sầu vì thương Chúa Giêsu đã quá yêu nhân loại nên phải chết đớn đau trên thánh giá, phải bị lưỡi dòng đâm thâu…  Sầu vì thương nhân loại yếu đuối, bất trung bội phần và đã sa vòng tội lỗi của ma quỷ.

Đức Mẹ “bi” mà không “lụy”

Người bi lụy là người khi đối diện với đau khổ đã sụt sùi, rũ rượi và quỵ ngã.

Cái bi nơi Đức Mẹ là bi hùng.  Trong đau khổ tột cùng Mẹ vẫn đứng anh dũng dưới chân thánh giá (tư thế mà Gioan mô tả).  Mẹ đứng để hiệp thông đau khổ với con mình hầu cứu chuộc nhân loại.  Mẹ đứng để dâng con mình làm hy lễ một lần nữa lên Chúa Cha.  Mẹ đứng để lãnh nhận sứ mạng làm mẹ Gioan, Mẹ nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ trăn trối.  Mẹ đứng để ôm ẵm con mình khi người ta hạ xác xuống trao cho Mẹ.

Có thứ đau khổ khiến người ta sợ, có thứ đau khổ thấy người ta tội nghiệp, cũng có thứ đau khổ khiến người ta ngưỡng mộ kính trọng…

Tôi nhìn đau khổ thế nào?… Thái độ của tôi thế nào khi đối diện với đau khổ, với thánh giá?

Xin được mượn bài thơ của nhà thơ Trầm Thiên Thu với nhan đề “MẸ SẦU BI” để gợi ý trả lời cho những câu hỏi trên :

Dưới chân Thập tự
Mẹ nhìn Con yêu
Tử nạn tiêu điều
Đau đớn lòng Mẹ
Loài người thật tệ!
Cớ sao đành tâm?
Mẹ thầm ghi nhớ
Lời Si-mê-on:
“Gươm đâm thấu lòngzzHéo hon lòng Mẹ”
Nhìn Con tắt thở
Trong nỗi hàm oan
Đắng cay Mẫu Tâm
Hiệp công Cứu chuộc
Xin giúp con vượt
Mọi bước gian truân
Vì kiếp phàm nhân
Luôn đầy yếu đuối
Sớm chiều tội lỗi
Nhưng vẫn tin yêu
Con muốn noi theo
Gương Mẹ ngời sáng
Hy sinh thầm lặng
Vâng Ý Chúa Trời.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

 

TỪ HẬN THÙ ĐẾN THA THỨ

Tháng 9 năm 1940, sau khi ký kết với quân Đức-quốc-xã, Nhật Bản bắt đầu đem quân xâm chiếm toàn vùng Đông Nam Á.  Ngày 15-2-1942, Singapore – cứ điểm quan trọng cuối cùng – rơi vào tay Nhật Bản.  Quân đội đồng minh bị bắt buộc đầu hàng.  Sáng sớm hôm sau, quân Nhật chiến thắng, hiên ngang đi vào thành phố.

Từ đó, Nhật dùng các tù binh của họ – trong đó có trung úy Eric Lomax, thuộc ngành truyền tin quân lực hoàng gia Anh – vào việc xây đường xe lửa dài 400 cây số nối liền hai nước Thái Lan và Miến Điện, tức Myanmar ngày nay.

Bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, một nhóm tù binh nghĩ ra phương thế chế tạo máy thu thanh.  Trung úy Lomax nằm trong số tù binh có nhiệm vụ ráp máy này.  Công việc thành công sau vài tuần tỉ mỉ làm việc.  Các tù binh bắt đầu nhận tin tức phát đi từ New Dehli, thủ đô Ấn Độ.

Cuộc sống tại trại tù quá khổ.  Cái chết luôn rình rập bên cạnh.  Ngoài cái khổ do việc làm quá nặng, ăn không no, ngủ không được, còn thêm cái khổ khủng khiếp do các lính cai tù Nhật mang lại.  Họ hành hạ tù nhân bằng trận đòn chí tử.  Hành hạ đến chết.  Chết thảm thương trước cái nhìn bất lực và khiếp sợ của các bạn đồng tù.  Ý nghĩ trốn trại nẩy sinh từ đó.  Trung úy Lomax tự nhủ:

–  Nếu muốn sống, thì bằng mọi giá phải vẽ bản đồ trong vùng để tìm đường thoát thân.

Tuy nhiên, chàng biết rõ, ngày nào lính Nhật phát giác ra chàng có bản đồ, cũng là ngày tận số.

Và chuyện phải đến đã đến.  Trong cuộc lục soát đồ đạc, lính Nhật khám phá ra máy Radio thô sơ và cái bản đồ.  Trung úy Lomax cùng một số tù binh khác bị chuyển đến trại Kanchanaburi, nằm gần biên giới Thái Lan.  Và những cuộc hành hạ khủng khiếp nhất bắt đầu.

Kể từ giây phút này, hình ảnh một người Nhật bắt đầu đi vào tâm tư trung úy Eric Lomax và ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của chàng.  Đó là viên thông dịch Nhật tên Takashi Nagase.

Năm đó Takashi Nagase là sinh viên 25 tuổi, thông thạo tiếng Anh.  Chàng còn là tín hữu Kitô sùng đạo và hết lòng yêu mến quốc gia Nhật Bản.  Thế chiến thứ hai bắt buộc chàng bỏ học, gia nhập quân ngũ, phục vụ trong ngành thông dịch.  Tháng 9 năm 1943, chàng được chỉ định làm việc tại trại Kanchanaburi, nơi trung úy Eric Lomax, thuộc quân đội hoàng gia Anh bị giam giữ.

Một ngày, trung úy Lomax bị mang ra hỏi cung về tội mà Nhật gán cho chàng: Chống lại người Nhật và làm gián điệp.  Lý do dễ hiểu vì chàng cộng tác vào việc chế tạo máy Radio và có tấm bản đồ trong vùng.

Trước mọi câu hỏi, Lomax hoàn toàn giữ im lặng.  Chàng tuyệt đối không tiết lộ chi tiết, danh tánh có thể làm hại bất cứ bạn đồng tù nào khác.

Trong các cuộc hỏi cung cũng như trong những lần bị tra tấn vì từ chối không trả lời, trung úy Lomax luôn luôn đối diện chàng thông dịch Nagase.  Vì thấy Lomax bị hành hung quá sức chịu đựng, Nagase khuyên chàng chấp nhận lời buộc tội.  Lomax chỉ đưa đôi mắt nẩy lửa nhìn chàng thanh niên Nhật, đang đứng trước mặt chàng.  Đối với Lomax, chàng thông dịch thấp-lùn tượng trưng cho tất cả tội ác của toàn dân Nhật.  Nagase đi vào ký ức và ám ảnh Lomax suốt cuộc đời còn lại.

Cuộc hỏi cung và tra tấn kéo dài cả tuần lễ.  Lomax gần như sắp chết.  Nguồn lực duy nhất giúp chàng can đảm đối phó với cuộc hành hung là lời cầu nguyện và tình yêu gia đình.  Trong giây phút đau đớn nhất, Lomax nhớ đến mẹ cha và vị hôn thê bé nhỏ của mình.  Nhất là, chàng cầu nguyện.  Chàng cảm thấy ghi ơn thân mẫu vì dạy chàng biết cầu nguyện cùng Thiên Chúa, ngay từ khi còn là cậu bé hồn nhiên vui sống.

Tháng 10 năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt.  Eric Lomax được trả tự do và trở lại Anh quốc. Chàng lập gia đình và sống cuộc đời bình thường.  Nhưng tâm hồn Lomax bị vết thương chiến tranh hằn sâu.  Chàng không thể nào quên gương mặt viên thông dịch nhỏ bé người Nhật tên Nagase.  Chàng tự hứa với lòng:

– Ngày nào gặp lại Nagase, ta sẽ ăn tươi nuốt sống cho hả cơn hận thù, luôn nung nấu trong lòng ta!

Trong khi đó, chàng thông dịch Nhật vô cùng ân hận vì thụ động cộng tác vào vụ hành hung dã man tàn ác!  Chàng bị mặc cảm tội lỗi dày vò.  Hình ảnh viên trung úy trẻ người Anh bị hành hung đau đớn cứ bám sát chàng.  Chàng khẩn cầu Thiên Chúa cho có ngày gặp lại trung úy Eric Lomax để xin tha thứ!

Thiên Chúa Quan Phòng thu xếp cho hai người có cơ hội gặp nhau, để giải tỏa mối thù hận cũng như niềm ray rứt canh cánh bên lòng.

Ngày 21-3-1993 – đúng 50 năm sau – Eric Lomax cùng với hiền thê lấy máy bay đi Bangkok.  Sau đó vợ chồng đến viếng trại tù Kanchanaburi, giờ trở thành bảo tàng viện chiến tranh.  Bất ngờ tại đây, ông Lomax chạm trán với người đàn ông Nhật cao tuổi.  Sau giây phút ngỡ ngàng, cả hai nhận ra nhau tức khắc!

Sau nhiền lần gặp gỡ giải tỏa nỗi lòng, ông Lomax thành thật tha thứ cho người từng thụ động chứng kiến cuộc hành hung mình.  Cả hai như trút được gánh nặng ngàn cân từng đè nặng trên vai mỗi người!

Từ đây hai người sống trong an bình, niềm an bình sâu xa đến từ thú nhận lầm lỗi và tha thứ cho kẻ thù.  Ông Eric Lomax cảm nghiệm thế nào là quyền lực vô biên của tha thứ.

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt