THA THỨ

zzTha thứ là vẻ đẹp, là nét thanh cao của tâm hồn cao thượng.

Tha thứ để làm cho oán thù tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người.

Người khốn khổ nhất trên đời này là người không biết tha thứ.

Tôi phải tha thứ cho anh chị em tôi, vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi.

Phải tha thứ  cho nhau vì con người là bất toàn.

Phải tha thứ cho nhau vì chính ta cũng cần được thứ tha.

Phải tha thứ cho nhau vì đó là điều kiện để ta được thứ tha

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở ta: Hãy tha thứ cho nhau. Hãy tha thứ thật lòng. Hãy tha thứ tất cả. Hãy tha thứ luôn mãi…

***

Lạy Chúa! Tay con đây xin Ngài cầm lấy và dắt con đi …

Dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.

Dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.

Dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ hận thù đến tha thứ.

Xin đổ đầy yêu thương trong trái tim con, để con biết tha thứ cho anh chị em của con, như Chúa đã tha thứ cho con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Hc.27:33-28,9 * BĐ2: Rm.14:7-9 * PÂ:Mt.18:21-35)

LỜI NÓI CỦA MỘT NGƯỜI ĐAU KHỔ

Một ngôi nhà thờ nổi tiếng tại miền Nam California là nhà thờ kính, The Crystal Cathedral. Ngôi nhà thờ nầy chẳng những có một kiến trúc đặc biệt nhưng cũng có những tác phẩm điêu khắc đáng chú ý.  Một trong những tác phẩm điêu khắc đó là bức tượng của ông Gióp, một nhân vật trong Kinh Thánh.  Ông Gióp là một người giàu có và có lòng kính sợ Thiên Chúa, nhưng rồi bao nhiêu tai nạn dồn dập đã xảy ra trên đời sống ông: Con chết, tài sản tiêu tan và chính ông mắc phải một chứng nan y không thuốc thang nào chữa trị được.  Vợ ông trước hoàn cảnh đó chẳng những không thông cảm lại còn lên tiếng chế nhạo, còn những người bạn thì cho rằng ông tội lỗi đầy mình nên mới nên nông nỗi đó.  Trong hoàn cảnh đau khổ và cô đơn tột cùng, ông Gióp đã thốt lên bốn câu nói, bày tỏ đức tin của ông nơi Thiên Chúa.  Ðây cũng là bốn câu khắc chung quanh bức tượng của ông tại nhà thờ kính ở thành phố Garden Grove.  Bốn câu đó như sau:

  1. Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ và tôi cũng sẽ trần truồng mà về, Chúa Hằng Hữu đã ban cho, Chúa Hằng Hữu lại cất đi, đáng ca ngợi Danh Chúa Hằng Hữu

Ðây là phản ứng đầu tiên của ông Gióp trước cái chết của mười người con và của cải tài sản bị mất sạch vì thiên tai và cướp bóc.  Lời nói nầy cho thấy ý thức sâu xa của ông Gióp về thân phận con người.  Thánh Phao-lô trong Thánh Kinh Tân Ước cũng đã nói lên một điều tương tự.  Ông nói: Chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được.  Trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, trần truồng mà về.  Ra đời không đem gì theo, qua đời chẳng đem gì đi được.  Ðây là một thực tế chúng ta đều biết nhưng ít khi nghĩ đến.  Ý thức rằng mình trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, trần truồng mà về cho chúng ta thấy rằng tất cả những gì chúng ta có trên đời nầy đều đến từ Thiên Chúa và những mất mát, nếu có, thật ra không phải là mất mát nhưng chỉ là trở về với tình trạng ban đầu.  Chúng ta chỉ mất những gì chúng ta sở hữu, không sở hữu, không kể là mất được.  Ông Gióp bị thử thách mất mát tất cả của cải, tài sản, con cái, nhưng ông ý thức rằng tất cả những gì ông có đến từ Thiên Chúa và Kinh Thánh cho biết ông Gióp đã không phạm tội và không nói phạm thượng với Ðức Chúa Trời.

Lời nói thứ hai của ông Gióp:

  1. Dẫu Chúa giết tôi, tôi cũng còn nhờ cậy nơi Ngài

Ðây là một lời nói đầy lòng tin tưởng nơi Chúa.  Như chúng ta đã biết, ông Gióp chẳng những bị mất tài sản và con cái nhưng chính ông cũng mắc phải một chứng bệnh ghê gớm.  Kinh Thánh cho biết ông bị chứng bệnh ung độc, từ đầu đến chân, phải dùng một miếng sành để gãi.  Trong cơn đau đớn đó, vợ thì chế nhạo còn bạn bè thì lên án cho rằng vì ông tội lỗi nên mới ra nông nỗi đó.  Chính trong hoàn cảnh nầy, ông Gióp có thể nói, Dù cho Chúa giết tôi, tôi vẫn một lòng nương cậy nơi Chúa.  Ông Gióp có thể nói lên một lời đầy tin tưởng như vậy vì ông biết Chúa và cũng biết chính ông.  Ông biết Chúa là Ðấng yêu thương và công bình, Chúa không xử tệ với ông.

Ông cũng biết ông không làm điều gì sai quấy và những tai nạn đang xảy ra cho ông, chắc chắn phải có một lời giải thích.  Và đúng như vậy, đằng sau những tai nạn dồn dập nầy là thách thức giữa Ðức Chúa Trời và ma quỷ vì ma quỷ cho rằng ông Gióp yêu mến Chúa chỉ vì ông được phước của Chúa.  Nếu Chúa không ban phước cho ông, chắc ông sẽ nói lời phạm thượng.  Nhưng ông đã bày tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối nơi lòng yêu thương và đức công chính của Ngài với câu nói: Dẫu Chúa giết tôi, tôi cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.

Lời nói thứ ba của ông Gióp trong cơn hoạn nạn:

  1. Chúa biết con đường tôi đi, khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng

Ðây cũng là một lời nói đầy tin tưởng nơi chương trình và ý định của Ðức Chúa Trời.  Con đường chẳng nói đến cuộc đời nhưng cũng nói đến những gì xảy ra trên đường đời.  Ðây là con đường Thiên Chúa thiết lập và hướng dẫn.  Thiên Chúa luôn luôn có chương trình tốt lành cho con người nếu chúng ta biết sống trong chương trình đó.  Ông Gióp ý thức rằng những hoạn nạn, khó khăn, bệnh tật xảy ra trong cuộc đời chỉ cốt để rèn luyện ông.  Cần phải có lửa để cho vàng được tinh ròng thể nào thì đời sống con người cũng cần có hoạn nạn thử thách để trở nên tinh ròng như vậy. Nhìn vào những hoạn nạn, khó khăn trên đời như lửa để tinh luyện đời sống sẽ giúp chúng ta tin tưởng và vui sống.  Tác giả Thánh Vịnh 119 cũng đã kinh nghiệm điều đó nên ông viết: Trước khi chưa bị hoạn nạn thì tôi lầm lạc nhưng bây giờ tôi gìn giữ Lời Chúa.  Hoạn nạn là dịp để giúp ta nên người.  Ðây là điều mỗi chúng ta cần tâm niệm và sống với tâm niệm đó.

Lời nói thứ tư của ông Gióp trong những hoạn nạn thử thách:

  1. Tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất. Sau khi da tôi tức xác thịt nầy đã bị tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Ðức Chúa Trời

Ðây là câu nói đầy hy vọng vì hai lý do: (1) Thiên Chúa là Ðấng hằng sống. (2) Có đời sống sau khi chết.  Dù trong hoạn nạn, bệnh tật và tang tóc, ông Gióp biết rằng Thiên Chúa là Ðấng hằng sống.  Ông gọi Ngài là Ðấng Cứu Chuộc hàm ý chính Chúa là Ðấng giải cứu cả hồn lẫn xác.  Và cũng chính niềm tin tưởng nơi cuộc sống đời sau giúp ông có thể thốt lên câu nói sau:  Sau khi da tôi tức xác thịt nầy đã bị tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Ðức Chúa Trời.  Ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Ðức Chúa Trời đó chính là niềm tin và hy vọng của người tin Chúa.  Chúa sống và chúng ta sẽ được cùng sống với Chúa.

Bốn lời nói của một con người đau khổ là ông Gióp cho chúng ta thấy rằng sự sống chúng ta đến từ Thiên Chúa.  Chúa ban cho, Chúa cất đi, tất cả nằm trong tay Ngài. Nhưng Thiên Chúa không phải là Ông Trời oái oăm chúng ta thường than trách.  Ngài là Ðấng yêu thương, dẫn dắt, thử rèn để chúng ta nên người.  Ngài là Ðấng sống và niềm tin của chúng ta nơi Chúa sẽ đưa chúng ta đến chỗ sống với Chúa đời đời.  Cuộc sống dương trần nầy chỉ là tạm, nếu có cái nhìn trọn vẹn vào cõi vĩnh hằng, chúng ta sẽ có thể vui sống và sống một cuộc đời có ý nghĩa.zz

Nếu Bạn sống ở Nam Cali, hôm nào có dịp mời Bạn đến viếng ngôi nhà thờ kính ở Garden Grove, xem bức tượng của ông Gióp, đọc bốn lời tôi vừa nói để hiểu được ý nghĩa của đời sống và sống với ý nghĩa đó.

Nguyễn Thi

 

LẠY CHÚA!  TẠI SAO NGÀI IM LẶNG?

Thầy kính mến!

Hôm nay trong lòng con mang nhiều thổn thức, suy nghĩ miên man về những điều mà con đã nghe, con đã nhìn thấy trong thời gian qua để cảm nhận về nhân tình thế thái.  Để suy nghĩ lại về chính con trong thời gian qua.  Và để con có thể ngắm Thầy một cách cận cảnh trong tình yêu quan phòng của Thầy.

Thầy biết không?  Chúng con ngày hôm nay được thừa hưởng những thành quả của công nghệ kỹ thuật hiện đại, những thứ đó giúp ích cho đời sống của chúng con rất nhiều.  Cần thông tin gì chúng con chỉ cần lướt web là mọi thứ tài liệu; mọi thông tin sẽ hiện ra trước mắt chúng con ngay lập tức.

Nhưng Thầy ơi!

Có một câu hỏi con lướt web hoài mà con vẫn chưa có câu trả lời.  Con viết lá thư này cho Thầy để tìm câu trả lời của Thầy.  Và tận đáy lòng con sẽ thinh lặng để nghe tiếng Thầy.  Trước  những công nghệ hiện đại của ngày hôm nay con vẫn đang thấy khát một thứ:  Đó là tình yêu.  Tại sao vậy?  Khi tình yêu không hiện diện thì thù hận; chết chóc; đau khổ; và bóng tối của sự dữ sẽ bao phủ – sẽ lây lan ngay lập tức đúng không Thầy? Vài bữa trước con có nghe, và con cũng đọc một số câu chuyện về vấn nạn sống thử của các bạn trẻ ngày nay.  Hậu quả của việc đó là việc các thai nhi bị phá hủy sống, trong khi các em chưa thể tự bênh vực hoặc kêu cứu.  Có rất nhiều lý do họ đưa ra để giải thích, nhưng con vẫn chưa có thể đồng tình cho bất kỳ một lý do nào.  Vì dù sao đó cũng là mạng sống của con người – dù sao đó cũng là con cái của Thiên Chúa.  Mỗi lần nghe ai đó nói về chuyện này con thật sự rất shock!  Con cầu nguyện với Thầy để mong tìm được câu trả lời.  Nhưng: “ Lạy Chúa! Tại sao? Ngài im lặng?”  Tại sao, trong khi bao nhiêu tiếng gào thét của các thai nhi đang rên xiết mà Thầy vẫn gục đầu trên thập giá và lặng thinh?  Sao Thầy để cho sự dữ lan tràn vào thế giới của chúng con hả Thầy?

Con xin lặng thinh để tìm câu trả lời của Thầy…

Trong thinh lặng con nhớ tới một câu chuyện con đã từng đọc ở đâu đó:

Có một người nọ rất ngoan đạo, có lòng nhân từ nhưng cũng thích than phiền gắt gỏng.  Một hôm khi đang đi dạo mát ngoài công viên, trước mắt anh ta là từng đoàn người ăn xin lũ lượt bu quanh; bên gốc cây nọ là một em bé gầy gòm ốm yếu thảm thương khóc lóc; đứng cạnh bờ hồ là một ông lão mù đang quờ quạng từng bước; đối diện với công viên đó là một bệnh viện, tiếng xe cứu thương lên inh ỏi, vội vã đưa vào khu cấp cứu những bệnh nhân gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.  Từng mảnh đời đau khổ hiện lên nguyên vẹn trong thân phận làm người.  Anh ta tức giận về nhà, cầu nguyện trách móc Thiên Chúa: “Tại sao Chúa nhân từ dường ấy mà lại để cho những đau khổ đó tràn ngập vào thế giới nhiều như vậy?  Chẳng lẽ Ngài không có tai, không có mắt? Chẳng nhẽ Ngài không thể làm gì để giúp họ hay sao?”. Tiếng Chúa từ sâu thẳm vọng lại: “Có chứ! Ta đã tạo dựng lên con!”.

Vậy đó Thầy ơi!  Thiên Chúa đã tạo dựng lên chúng con để chúng con góp tay với Ngài xoa dịu những đau khổ của mọi người anh em và sẵn lòng khoan dung rộng lượng, tha thứ những kẻ yếu hèn tội lỗi.  Con cứ mở miệng trách móc Thầy tại sao im lặng, trong khi con cũng lặng im bất động.  Con đã quá vô lý.  Con cũng không biết con sẽ phải trả lời thế nào nếu Thầy hỏi con: “Này con yêu dấu!  Tại sao con im lặng?”

Gửi Thầy Giê-su yêu mến!

Stone