CHIÊN THIÊN CHÚA

Thánh Gioan Tẩy Giả thấy Đức Giêsu đi ngang qua thì tuyên xưng: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:35), tôi thiết tưởng nếu tôi là người Do Thái đang sống ở thời đại ấy chắc tôi không hiểu từ ngữ “Chiên Thiên Chúa” đó.  Thế giới của tôi chỉ biết con chiêncon chiên tế lễ, còn từ ngữ Chiên Thiên Chúa thì chưa có trong tự điển tôn giáo Do Thái của tôi.

Thân mời các bạn cùng tôi khám phá về đặc tính của con chiên.  Con chiên là một con vật rất hiền lành và chẳng làm hại được ai, người mẹ cho đứa con nhỏ đến chơi với chiên chẳng phải lo sợ vì nó không cắn, không húc, và cũng chẳng đá.  Đứa bé gần con dê thì còn e ngại vì con dê có thể húc và đá, chớ con chiên thì không.  Con chiên không có khả năng hại người, và cũng chẳng có khả năng để tự bảo vệ nó.  Một con sói nhỏ bằng một nửa con chiên cũng đủ khả năng giết được con chiên.  Con chiên nghe tiếng chủ và muốn vâng lời chủ, khổ nỗi nó có nhân đức “hay quên.”  Chủ mới dặn nó nhớ ở trong đoàn chớ có đi lạc một mình, nó mau mắn “dạ dạ”, mà chỉ vài phút sau là nó đã quên lời dặn mất rồi.  Nó có tâm hồn mê ăn uống, cứ thấy chỗ nào có hoa thơm cỏ lạ là nó hoa cả mắt, chẳng nhớ lời chủ dặn.  Đã thế nó lại hay so sánh, phân bì và mộng mơ, đứng ở đồng cỏ này thì mơ mộng đi qua đồi bên kia vì thấy đồi bên ấy có vẻ xanh tươi hơn.  Bản chất của nó đơn sơ nên cũng dễ bị dụ.  Chính về thế mà nó cứ đi lạc hoài và làm mồi ngon cho sói.

Con chiên tế lễ phải hội đủ điều kiện là một con chiên, và phải là con đực một tuổi không tì vết (Ds 6:14).  Trong thế giới tôn giáo của tôi, phái nam lúc nào cũng được trọng vọng hơn phái nữ, nên của lễ dâng Thiên Chúa phải là nam, là đực.  Một tuổi là tuổi vừa mới trưởng thành, chưa biết nhảy đực nhảy cái, vì theo thế giới của tôi, dính dấp đến chuyện tình dục thì trở nên ô uế.  Mà nếu đã không còn tinh tuyền thì bất xứng để dâng Chúa làm của lễ.  Con chiên tế lễ không được có tì vết, nhưng lỡ nó bị lở mồm, long móng hay tai xanh thì sao?  Nói trắng ra là nó đang bị dịch, con người ăn đồ bị dịch thì chết nhưng Chúa đâu thể chết mà lo.  Nếu vậy dùng con vật lở mồm, long móng dâng Chúa được chăng?  Vấn đề ở đây là chẳng lẽ tôi dâng lên Thiên Chúa của lòng tôi cái thứ thừa thãi, cái thứ bị ôn dịch chỉ đáng vất đi hay sao?  Hay tôi muốn tiến dâng lên Thiên Chúa của lễ quý nhất đời tôi?

Con chiên tế lễ là con chiên đền tội cho con người (Lv 14:13).  Nó là con vật vô tội.  Nếu nó nói được tiếng người thì nó đã la lên: “Thả tôi ra, tôi có phạm tội gì đâu mà lại giết tôi.” Con người phạm tội thì phải chết nhưng Thiên Chúa không muốn con người phải chết, nên con người đã dùng máu con chiên thay máu con người để làm của lễ đền tội.

Con Chiên Thiên Chúa thì phải hội đủ điều kiện là con chiên, và con chiên tế lễ.  Con Chiên Thiên Chúa là con chiên để đại diện các con chiên làm của lễ đền tội cho các con chiên, vừa là Thiên Chúa để ban ơn tha tội.  Con Chiên Thiên Chúa giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người, nối lại tình Trời và tình đất.  Con chiên tế lễ thì cứ sát tế hoài, còn Con Chiên Thiên Chúa chỉ tế lễ một lần mà thôi.  Một lần mà là đời đời, vì Thiên Chúa lúc nào cũng ở thì hiện tại: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Jacob” (Xh 2:6).  Con chiên tế lễ thì đền tội cho người dâng của lễ, còn Con Chiên Thiên Chúa thì chuộc tội cho tất cả muôn loài thọ tạo.  Con Chiên Thiên Chúa tự nguyện hiến thân để cứu chuộc nhân loại mà chẳng một lời oán than (Is 53:7).  Ngài đã tự nguyện chết cho tội lỗi của tôi để tôi được sống.  Còn hơn thế nữa, Con Chiên Thiên Chúa tự nguyện hiến mình làm của lễ, và làm thức ăn để nuôi con cái Ngài.

Mời bạn và tôi đi cùng Mẹ Maria tiến dâng con Chiên Giêsu Con Mẹ lên Thiên Chúa Cha.  Như Tổ phụ Abraham tiến dâng của lễ cao quý nhất của ngài là Isaac (St 22:1-19).  Lúc đó Tổ phụ Abraham và Sara đã ngoài trăm tuổi rồi, niềm vui và sự sống của họ là Isaac, trung tâm điểm đời sống của họ là Isaac, khi Isaac vui thì họ vui, khi Isaac buồn thì họ cũng buồn.  Không phải hai ông bà ăn ở với nhau mà được mụn con trai này, mà Isaac là món quà Thiên Chúa ban nhưng không.  Giờ đây Thiên Chúa mời Tổ phụ Abraham tiến dâng cho Chúa của lễ quý nhất của ngài.  Nếu Thiên Chúa phán bảo Abraham dâng cho Chúa một trăm con bò, một trăm con chiên, thì không là gì đối với Abraham vì ngài giàu có lắm.  Nếu Thiên Chúa bảo Abraham dâng cho Chúa đứa đầy tớ đẹp nhất và tài giỏi nhất của ngài, chắc ngài cũng chẳng phải bận tâm chi, vì mất đứa này ngài còn những đứa khác.  Tổ phụ Abraham chỉ có được một đứa con trai nối dõi tông đường mà thôi, là niềm vui, là sự sống, và là sức sống của ngài, nhưng ngài đã xin vâng tiến dâng Isaac con ngài làm của lễ dâng lên Thiên Chúa như lòng Chúa mong muốn.

Đức Mẹ Maria cũng vậy.  Mẹ chỉ có một người con trai duy nhất.  Người con Giêsu của Mẹ là trung tâm điểm đời sống của Mẹ, là niềm vui, là sự sống, và là sức sống của Mẹ.  Mẹ cũng chẳng ăn ở với Thánh Giuse để có người con này, mà đây là một món quà Thiên Chúa ban nhưng không.  Ngày hôm nay Mẹ tiến dâng của lễ Chiên Thiên Chúa, người con yêu quý nhất của lòng Mẹ, lên Thiên Chúa Cha. Cùng với Mẹ Maria, Tổ phụ Abraham cũng tiến dâng điều cao quý nhất của ngài lên Thiên Chúa.

Bạn và tôi cũng được mời đi với Mẹ Maria và Tổ phụ Abraham đến gặp Thiên Chúa Cha.  Đức Mẹ tiến dâng Con Chiên Giêsu Con Mẹ, Tổ phụ Abraham tiến dâng Isaac làm của tế lễ Thiên Chúa. Không lẽ tôi đi dự cuộc tế lễ Trời và đất mà đi tay không?  Tôi đi dự tiệc cưới thì cũng phải có quà hay phong bì gì chứ.  Nếu đi dự tiệc cưới mà tôi còn biết phải mang quà, không lẽ đến dự tiệc tế lễ Thánh mà xách mạng không đến… thì thật khó coi.

******

Lạy Chiên Thiên Chúa, là Thiên Chúa, nhưng chấp nhận hạ mình mang thân phận con người, để cứu chuộc nhân loại, để cứu chuộc chính con.  Ngài là Thiên Chúa của lòng con, con cảm tạ Chúa đã tự nguyện hiến thân làm giá máu cứu chuộc nhân loại.  Ngài đã cứu chuộc con khỏi ách nô lệ của bóng tối sự chết bằng giá máu Thánh.  Ngài đã ban cho con sự sống và sự sống lại của chính Ngài.  Xin Chúa nhắc nhở con mãi cuộc tình Ngài ban tặng cho con nhưng không, để con được cảm hóa và biến đổi trong Tình Yêu của Ngài.  Chúa ơi, xin nhắn tin con, để mỗi lần con đến dự tiệc lễ tế Chiên Thiên Chúa tự nguyện hiến thân cho con, thì con cũng biết dâng lên Chúa, cùng với Mẹ Maria và Tổ Phụ Abraham, cái gì cao quý nhất của lòng con.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
September 1, 2009

TÌNH YÊU VĨ ĐẠI

Nó là một Việt kiều về Việt Nam sinh sống.  Ở nước ngoài nhiều năm nhưng nó chẳng học hành gì, cũng chẳng có nghề ngỗng gì để tự nuôi bản thân, dù đã lớn nhưng nó cứ ăn bám vào gia đình anh chị.  Về sống ở Sàigòn với cha mẹ, nó lại cặp bạn với dân nhậu nhẹt, bài bạc, hút chích.  Thiếu tiền nên nó đi cầm luôn cả passport.  Cha mẹ nó hay tin thì chửi nó như tát nước nhưng nó vẫn dửng dưng.  Cha mẹ nó phải lo đi chuộc cái passport của nó về.  Cha mẹ nó sắm cho nó chiếc xe, khi thiếu tiền nó cũng mang đến tiệm cầm đồ.

Cha nó bực lắm, cứ mỗi lần thấy mặt nó là chửi rủa.  Mà nó bị chửi thì cũng phải, cả ngày nó cứ ở trong phòng, chỉ thò mặt ra để ăn uống mà thôi, ăn xong lại chui rúc vào phòng, mặc ai nấu ăn, dọn dẹp cho nó.  Chiều chiều nó xách xe đi chơi đến khuya hoặc sáng hôm sau mới về, rồi lại chui tọt vào phòng cho đến trưa mới thò đầu ra ăn cơm rồi lại biến mất.  Nhà nó đang ở như là phòng trọ, còn bạn bè mới là gia đình của nó.

Nó là con trai một trong một gia đình nhiều chị nên từ nhỏ quá được nuông chiều.  Bây giờ lớn rồi nhưng nó cứ nghĩ là mọi thành viên trong gia đình phải có bổn phận cung phụng nó.  Cha nó chửi thì có lúc nó nhịn, có lúc nó chửi lại.  Còn các chị của nó mà hơi lớn giọng với nó thì nó chửi cho mà biết.  Và đã có những lần nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với các chị của nó.  Chỉ có mẹ nó la mắng thì nó im mà thôi.  Mà nó im cũng phải, vì cha nó đã tuyên bố từ nó rồi, chỉ có mẹ nó là cứ dúi tiền cho nó xài đều đều.  Đã mấy lần nó mắng vào mặt mẹ vì nó cần “mượn” vài triệu mà mẹ không có.  Mẹ nó chỉ lo nội trợ trong gia đình, làm gì có tiền.  Mẹ nó đã nhiều lần lấy tiền của cha nó để cho con, sau này biết được nên cha nó cất hết tiền vào tủ sắt nên mẹ nó bó tay.  Mẹ nó cứ xin tiền các chị của nó, lúc thì nói cần tiền làm việc này, cần tiền làm việc kia, nhưng trong gia đình ai cũng biết là mẹ chẳng cần gì những thứ đó vì cha đã lo hết rồi.  Chẳng qua mẹ muốn có tiền để cho thằng con “quý tử”, nhưng các chị không nỡ làm mẹ buồn nên cứ cho mẹ hoài.  Thế là nó cứ thẳng tay xài phung phí.

Mỗi lần tôi gặp mẹ nó là mỗi lần bà than thở: “Vất thì thương, vương thì tội!”  Bà cứ xin tôi cầu nguyện cho nó luôn.  Mà thật, tôi dâng lễ cầu nguyện cho nó mãi thôi và cũng cầu nguyện nhiều cho những người lêu lỏng như nó.  Nhiều lúc suy nghĩ về nó tôi cũng đâm bực, có lúc tôi tự nghĩ: “Đuổi cổ nó đi cho nó sáng mắt để biết thân, hết cách ăn bám gia đình thì hy vọng nó sẽ phải đi làm để có thể trưởng thành, sao bà mẹ cứ nuôi nó miết vậy.”  Nhìn lại tư tưởng này thì tôi thấy rõ là tôi không phải là người mẹ và chưa có cái tình yêu như người mẹ.  Chẳng biết bao giờ tôi mới có được tâm tình của một người mẹ!

Người mẹ nhìn đứa con trai quý tử của mình mà xót dạ.  Bà khóc hằng đêm mà có ai biết đâu.  Chồng bà thấy bà khóc không những không thông cảm mà còn mắng cho: “Cũng tại bà nuông chìu nó quá để nó ra như vậy.  Nó không đáng để bà khóc thương đâu, đừng khóc phí nước mắt.”  Bà lại lầm lũi đến xó khác ngồi rầu rĩ râu ri.  Bà cũng không muốn cho các con bà thấy bà khóc làm cho các con thêm bận tâm.  Bà cảm thấy cô độc.  Chẳng ai hiểu bà.  Bà nghẹn ngào cảm thấy tủi thân làm sao.  Ông chồng của bà chẳng những không một lời an ủi, lại nhiếc mắng thậm tệ.  Cái người chia cơm sẻ áo với bà, người mà khi xưa vuốt ve chìu chuộng nay quay lưng lại với bà.  Có đêm nào bà không rưng rưng dòng lệ, có đêm nào bà nằm xuống mà không trằn trọc nhớ đến con trong khi ông chồng đã say giấc điệp, có đêm nào bà không cầu nguyện xin Chúa kéo con bà trở lại.  Ngày nào bà cũng ráng đi lễ, và Thánh Lễ nào tựu trung cũng cầu nguyện cho con.  Lúc nào khuôn mặt bà cũng mang một nỗi buồn khôn nguôi.  Nhiều lúc tôi ghé thăm kể chuyện dí dỏm pha trò cho bà vui nhưng bà cũng chỉ cười được vài phút rồi nỗi buồn lại hằn trên khuôn mặt.

Tình thương người mẹ dành cho con là thế đó.  Nó có tệ đến đâu thì mẹ nó vẫn cứ thương.  Muốn dứt tình mà không nỡ.  Nhiều lúc mẹ chửi, mẹ đánh con tơi tả rồi lại lấy dầu xanh xoa cho con.  Với khả năng giới hạn của con người mà tình thương có thể toả sáng tới mức ấy, huống hồ là tình thương của Đấng vô hạn là Thiên Chúa.

Một câu trong Thánh Vịnh gần như đã nằm trong xương tủy của tôi: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (TV 27:10).  Vâng, cho dù ngay cả cha mẹ tôi có ruồng bỏ tôi đi nữa, thì Chúa vẫn thương tôi, vì tình thương Chúa dành cho tôi vượt trên tất cả những gì tôi và con người có thể hình dung ra được, như cảm nghiệm của Tiên Tri Isaiah: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của Đức Chúa.  Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:8-9).

Càng ngắm nhìn mẹ nó thương che chở cho nó bao nhiêu thì tôi lại hình dung tình yêu Chúa dành cho con người cao trọng và vĩ đại bấy nhiêu và nhiều hơn gấp bội.  Với tuổi đời năm mươi, tôi vẫn chưa thấy tình thương nào giữa con người mà có thể hơn được tình người mẹ.  Nhìn lại quảng đời quá khứ của tôi, tôi thấy tôi tránh xa Chúa vì mặc cảm tội lỗi.  Tôi nghĩ chẳng còn ai thương tôi, tôi nghĩ Chúa cũng chẳng còn thương tôi.  Đời sống của tôi chỉ còn một màu ảm đạm của màn đêm.  Thế mà Chúa thương gọi tôi về, chỉ vì Chúa quá yêu tôi.

Ngẫm nghĩ lại cuộc đời của nó và tình thương của mẹ nó dành cho nó làm tôi liên tưởng đến cuộc đời của tôi và tình thương của Chúa dành cho tôi.  Tôi thấy mình giống nó lắm.  Tôi mau miệng lên án nó mà quên mất là chính mình cũng đã bao lần sống lầm lạc và dửng dưng trong khi Chúa vẫn đau khổ từng ngày ngóng chờ tôi trở về.

******

Lạy Chúa, con vội xét đoán quá, nếu Chúa cũng xét đoán như vậy với con thì chắc con tiêu lâu rồi.  Cảm tạ Chúa đã kiên nhẩn chờ đợi con.  Cảm tạ tình thương của Chúa, vì tình thương mà Chúa đã tự nguyện hiến thân để cứu chuộc con.  Ôi, vĩ đại thay Tình Yêu Thiên Chúa!  Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con, con biết ơn và cám ơn Ngài; con chúc tụng và ngợi khen Chúa đến muôn đời.  Xin Chúa tiếp tục nuôi đứa con còn nhiều yếu đuối này trong Tình Yêu Vĩ Đại của Ngài vì chỉ có Tình Yêu của Chúa mới biến đổi được con người.  Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
August 19, 2009

BIẾN ĐỔI ĐỜI CON, CHÚA ƠI!

Nhà Thần học William Barclay kể lại câu chuyện:  Một kinh sư Do Thái (Rabbi) bị cầm tù ở Rôma. Trong tù, ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm mục đích kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua, vị kinh sư ấy ngày càng yếu dần. Cuối cùng người ta buộc phải mời bác sĩ đến khám bệnh cho ông.  Bác sĩ bảo rằng cơ thể của ông bị thiếu nước. Họ không hiểu nổi tại sao vị Kinh sư ấy lại có thể thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy ít  nhưng vẫn đủ cho ông xử dụng.  Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát người tù này một cách kỹ lưỡng hơn để thử xem ông ta làm gì với số lượng nước ấy.  Cuối cùng người ta đã khám phá ra bí mật: Vị kinh sư Do Thái này đã sử dụng phần lớn số lượng nước để rửa tay theo nghi thức Do Thái giáo trước khi ăn và cầu nguyện.  Như thế đương nhiên ông ta không còn đủ nước để uống.

*****

Bạn thân mến, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay hôm nay tường thuật thái độ bực bội của những người Pharisêu và kinh sư Do Thái  đối với Chúa Giêsu khi họ nhìn thấy các môn đệ của Ngài ăn uống mà không chịu rửa tay theo đúng nghi thức. Ðối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ, người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm.  Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ra ô uế.

Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế” (Mc.7:15).  Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo, bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều luật lệ và cấm kỵ:  không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt;  không được đụng vào xác chết, đụng vào người phong cùi;  không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi… Ðụng vào hay ăn vào là trở nên ô uế ngay.  Ðức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ, đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu và người tốt, dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ,  nô lệ và tự do… Ngài đến với những người bị coi là ô uế để làm cho họ trở nên trong sạch.

Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay, nhưng Ngài thấy nó quá giả hình vì người Do Thái chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim.  Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện, tránh khỏi phải tẩy rửa tâm hồn là điều quan trọng hơn, khó thực hiện hơn.  Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nhất nằm ngay trong trái tim của ta.  Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong mà đi ra. “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc.7:21-23)

Cần trở về với trái tim của mình. Ðó không phải là một cuộc dạo chơi, nhưng là một thách đố dám nhìn vào cái tôi sâu thẳm của long mình. “Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31).  Ðó là lệnh truyền của Ðức Chúa, nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim đổi thịt được. “Ta sẽ thanh tầy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt). Ðổi được trái tim là đổi được tất cả.

Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở cho ta: Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết, nhưng không được quên điều cốt lõi của luật Chúa truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau”.  Điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm mà chính là tình yêu trong trái tim thúc đẩy chúng ta làm. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu.  Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta trở nên thánh thiện trước mặt Chúa.  Bởi chính Đức Giêsu đã trách mắng người Do Thái trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:  “dân này thờ kính Ta ngoài môi ngoài miệng, còn lòng họ thì lại xa Ta.” (Mc.7:6)

*****

Lạy Chúa Giêsu!  Xin giúp con dọn dẹp những bề bộn nơi trái tim con. Xin biến đổi tim con nên đơn sơ hơn, hồn nhiên hơn và tươi thắm hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người, bằng trái tim bao dung của Chúa. Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình, trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn để yêu mến mọi người nhiều hơn. Amen.

NGƯỜI ĐÓ GIỐNG NHƯ TÔI

Trong thế chiến thứ hai, năm 1941, có một vị linh mục bị giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do-thái.  Như bao người khác, cha cũng bị hành hạ và ngược đãi đến tàn tệ, còn hơn cả đối với súc vật. Thế nhưng ngài lại vẫn luôn vui vẻ tìm cách giúp đỡ các tù nhân đồng cảnh ngộ đang rơi vào tâm trạng khủng hoảng tuyệt vọng.

Cha xin cai tù cho được đi lao động thay những người đau yếu.  Ngài nhường khẩu phần bánh mì ít ỏi của mình cho những người thiếu ăn hơn.  Đối với kẻ rách rưới, ngài chia sẻ cho họ chiếc áo cũ nhưng còn tương đối lành lặn…  Trong hoàn cảnh đầy hiểm nguy, cha vẫn lặng lẽ dấu kín lý lịch của bản thân là một người Công giáo, hơn thế nữa, lại còn là một linh mục.  Chỉ có một vài người rất thân thiết mới biết rõ ngài là ai…

Trong số những người được cha giúp đỡ, có một cậu thiếu niên.  Trước đây cậu ta vốn lớn lên ở đầu đường xó chợ, không tin bất cứ ai, ngang bướng, chuyên trộm cắp để bán lấy tiền độ nhật.  Đến khi phải vào tù, cậu cũng luôn cướp giựt, quấy nhiễu mọi người.  Vị linh mục khả ái đã từng bước một tìm cách gần gũi cậu ta, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã hoán cải được tâm hồn tưởng đã hóa ra chai đá của cậu.  Dù vậy, ngài thấy cũng chưa đến lúc nói với cậu ta về Thiên Chúa…

Thế rồi, một hôm, cha được tin mình phải chuyển đi gấp đến trại Auschwitz, một trại tập trung mà ai nghe đến tên cũng kinh hoàng khiếp hãi vì đó là nơi hủy diệt với những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác. Ngài cố giữ bình tĩnh, vội vã chia tay mọi người.  Đến trước mặt cậu thiếu niên vừa mới quyết định hoàn lương, ngài rất muốn giúp em hiểu biết về Chúa, tin Chúa và theo Chúa.

Cha nhìn thẳng vào mắt cậu, nhỏ nhẹ hỏi: “Này cháu thân yêu của bác, cháu có muốn tin vào một người tên là Giê-su không?”  Cậu thiếu niên đứng thẳng người lên, trả lời cha bằng một câu hỏi chân thành: “Nhưng thưa bác, ông Giê-su là ai để cháu có thể tin?”  Biết mình không còn thời gian để cắt nghĩa Kinh Thánh và giới thiệu chi tiết về Đức Giê-su, cha yên lặng một chút, ngẫm nghĩ rồi buột miệng nói với cậu thiếu niên: “Người đó giống như bác!”  Cậu ta đăm đăm nhìn ngài rồi khẳng khái tuyên xưng: “Vâng, nếu ông Giê-su ấy là một người giống như bác, thì cháu tin!”

Sau thế chiến, người ta không còn gặp lại vị linh mục già ấy nữa, nhưng chắc chắn một điều là: câu truyện này được một người sống sót qua các trại tập trung thuật lại như một chứng từ sống động, người ấy chính là cậu thiếu niên năm xưa, một người tân tòng Công giáo đạo hạnh…

Theo Témoignage Chrétien.

******

Lạy Chúa Giêsu, uớc chi cuộc sống của mỗi người chúng con dù là linh mục hay giáo dân, dù ở trong tù hay giữa chợ đời, dù sống với tư bản hay cộng sản đều trở thành một chứng nhân sống động của Chúa Giêsu Kitô như vị linh mục trong trại tù của Đức năm xưa.

NƯỚC MẮT

Nói về nước mắt cũng khó như nói về tình yêu.  Nói về nước mắt cũng khó như nói về đau khổ.

Tình yêu và đau khổ là những ngôn ngữ phải hiểu bằng con tim hơn bằng lời.  Và nước mắt cũng thế.

Làm sao có thể tả được nỗi khổ của người vợ trẻ nghe tin chồng tử trận từ miền xa.  Làm sao có thể nói được nỗi đau của cuộc tình phản bội.  Làm thế nào để diễn tả được nỗi đắng của người con gái gặp trầm luân trên biển cả.  Ðó là nước mắt và đau khổ.  Không có ngôn ngữ nào nói về những dòng nước mắt đó cho đủ.

Nước mắt của đau khổ tự nó là một ngôn ngữ.  Một thứ ngôn ngữ không có văn phạm.  Vì nước mắt là ngôn ngữ không có văn phạm nên ai cũng có thể đọc được.  Người giàu khóc.  Kẻ nghèo cũng thế.  Người trí thức, kẻ quê mùa, ai cũng có lúc khóc.  Nước mắt và đau khổ là ngôn ngữ chung.  Người từ phương đông cũng có thể gặp kẻ từ phương tây, trong ngôn ngữ ấy.  Mình có nước mắt và thấy người khác có nước mắt.

Nước mắt là ngôn ngữ chung.  Nhưng đọc được không có nghĩa là hiểu được.  Từ đọc được đến hiểu được vẫn còn là chặng đường dài.  Dòng nước mắt này không có văn phạm để đọc, nhưng lại có văn phạm để hiểu.  Văn phạm để hiểu những dòng nước mắt của đau khổ là con tim.  Nhìn một người khóc, tôi biết đó là nước mắt.  Tôi đã đọc được.  Nhưng tôi có hiểu dòng nước mắt đó không lại là một chuyện khác.  Ðã bao lần tôi thấy người khóc, nhưng tôi vẫn bình thản.  Ðã bao lần tôi thấy nước mắt chảy, nhưng chẳng có nghĩa gì đối với tôi.  Cũng có những lần tôi không muốn nhìn nước mắt.  Nước mắt đau khổ là ngôn ngữ chẳng cần học cũng nhìn thấy, nhưng chẳng bao giờ hiểu được nếu không học.  Ðể hiểu dòng nước mắt đó phải học bằng con tim của yêu thương và tâm hồn của chia sẻ.

Nỗi đau đã nói bằng nước mắt, thì để hiểu cũng cần trả lời bằng nước mắt.  Nhưng người ta chẳng trả lời được bằng nước mắt nếu người ta không học yêu thương và chia sẻ.  Ðây là bài học khó nhất trong đời.  Nhận ra nước mắt đau thương ở chung quanh mình đã là điều khó.  Học để chấp nhận dòng nước mắt ấy và để dòng nước mắt ấy hòa vào cuộc sống của mình lại càng khó hơn.  “Nơi điều này mà ta biết được lòng mến: là Ðấng ấy đã thí mạng mình vì ta.  Và ta, ta cũng phải thí mạng mình vì anh em” (1Yn 3,16).  Khi Thiên Chúa yêu, Ngài yêu đến cùng.  Bởi đó, yêu thương là bài học không có ngày ra trường, nó giai giẳng cả đời.  Bài học này không có chứng chỉ xác nhận, vì có ai chỉ yêu thương một lần là xong?

Một người khóc với nỗi đau của tôi, tôi thấy bớt khổ hơn khi họ chỉ nói về nỗi đau của tôi.  Họ chẳng nói gì, chỉ im lặng thôi, nhưng nhìn trong đôi mắt cảm thông của họ, tôi có can đảm.  Họ không cho tôi gì cả, nhưng tôi thấy mình lãnh nhận.  Dòng nước mắt của tôi là yếu đuối thì dòng nước mắt của họ lại là sức mạnh cho tôi.  Ðó là sự nhiệm mầu của nước mắt, và ở chỗ đó, nước mắt là ơn thánh. Trong thơ gởi tín hữu Roma, Thánh Phaolô viết:  “Vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (Rom 12,15).  Lời nói thì dễ, quà tặng cũng có thể mua.  Khóc thì thật khó, vì nước mắt là mức độ rung cảm sâu xa nhất của con tim, và cũng chính vì chỗ đó, nước mắt là hồng ân.  Ðể hiểu được nước mắt của người khác và nói với họ bằng nước mắt của mình là một con đường tử nạn Jerusalem.  Người đứng xem thì nhiều, nhưng kẻ khóc thì chẳng có bao nhiêu.

Nước mắt ở đâu?

Trong trại tị nạn, tôi thấy có những tâm hồn lạc lõng, không người thân, không tiền bạc.  Biển chiều là những nỗi vắng khôn nguôi.  Họ ngồi một mình, im lặng, nhìn về biển mà khóc.  Trong khi đó, có người mang theo được vàng bạc, có thân nhân, họ bình thản bên quán cà phê, mơ ngày đi sắm đồ ở Hong Kong, Bangkok.  Họ chẳng thể hiểu được những dòng nước mắt kia.  Vì muốn hiểu, họ phải mời dòng nước mắt đó một ly cà phê, một tấm áo mặc.  “Kẻ nào có của đời này và thấy anh em nó lâm phải túng thiếu, lại khóa lòng dạ lại đối với anh em nó thì làm sao lòng mến của Thiên Chúa lưu lại được trong nó? (1Yn 3,17).  Hai ngàn năm trước, họ đã chẳng hiểu mồ hôi và nước mắt Chúa Kitô trên đường tử nạn vì họ là kẻ đứng bên lề để xem.

Nước mắt ở đâu?

Ở trong những tâm hồn tan nát.  Có những vết thương đau đớn của một đời người.  Những người thiếu nữ gặp trầm luân trên biển cả.  Họ đau khổ.  Trong khi đó, có người đem những chuyện đó để mua vui.  Họ chẳng thể hiểu được dòng nước mắt kia.  Vì hai ngàn năm trước họ cũng đã lột trần Ðức Kitô và cười với nhau.  “Khi chế diễu Ngài rồi, thì họ cởi chiếc nhung y đi, cho Ngài mặc lại áo của Ngài, rồi họ điệu Ngài đi mà đóng đinh trên thập giá” (Mt 27,31).  Ðóng đinh kẻ khác cũng là thú vui của một số người.

Nước mắt ở đâu?

Có những tâm hồn lầm lỡ, chỉ vì yếu đuối mà chua xót.  Họ muốn quên đi cái quá khứ bất hạnh ấy. Nhưng có kẻ biết chuyện lại đem nói cho người khác hay để tỏ ra sự hiểu biết của mình.  Họ chẳng thể hiểu được nỗi đắng cay kia.  Vì, hai ngàn năm trước họ đã muốn ném đá người đàn bà ngoại tình (Yn 8,5).  Ðối với một số người, nói những khuyết điểm của kẻ khác là hình thức để nói mình trong sạch. Họ chỉ thua cuộc khi bị phơi trần trước mặt Ðức Kitô.

Hai ngàn năm trước là thế, hôm nay cũng vậy, tôi thấy nhiều người khóc, nhưng tâm hồn tôi chẳng rung cảm.  Làm sao có thể rung cảm, làm sao có thể hiểu được khi tôi chỉ đứng xem người vác thập giá chứ tôi không vác thập giá.

*******

Trong tình yêu cũng có nước mắt.  Mai Ðệ Liên đã khóc: “Ðứng đàng sau phía chân Ngài, bà khóc nức nở” (Lc 7,38).  Phêrô đã khóc vì chối Thầy: “Và Phêrô nhớ lại lời Ðức Kitô đã báo: Trước khi gà gáy, ngươi đã chối Ta ba lần.  Và ra ngoài ông khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75).  Phêrô không nói gì với Chúa khi Chúa nhìn, nhưng chỉ khóc.  Mai Ðệ Liên cũng vậy.  Họ chẳng nói nhưng nước mắt đã nói tất cả.  Ðó là những giọt nước mắt sám hối.  Những giọt nước mắt khi biết mình lỗi lầm bao giờ cũng có giá trị cứu rỗi.

Eva đã lỗi phạm.  Khi Chúa hỏi thì Eva đổ lỗi cho con rắn.  Bà đã không khóc.

Adong đã lỗi phạm, Khi Chúa hỏi thì Adong đổ tội cho Eva.  Ông đã không khóc.

Tội kế đến xẩy ra trong gia đình đầu tiên của nhân loại là Cain giết em mình.  Khi Chúa hỏi em mình đâu, Cain trả lời: “Tôi không biết! Tôi là người giữ nó à?” (Kn 4,9).  Chàng đã không khóc.

Ôi! Những dòng nước mắt đã hiếm hoi làm sao.  Vì thuở ban đầu đã thiếu nước mắt ăn năn, nên bây giờ nước mắt gian truân ở khắp chốn.

Nước mắt đã làm động lòng Thiên Chúa.  Nước mắt xóa nhòa quá khứ.  Nước mắt mở cửa tương lai.  Nước mắt làm hạnh phúc phục sinh.

Có những dòng nước mắt hiếm hoi bao nhiêu, thì dường như, cũng có những dòng nước mắt dư thừa bấy nhiêu.  Có người khóc vì mất một số của cải, nhưng lại chẳng khóc khi mất Chúa.  Có người khóc vì bị ngăn cản một ước mơ không chính đáng, nhưng lại chẳng khóc khi bỏ lỡ một giấc mơ chính đáng đã đi qua mà không thực hiện.

Lạy Chúa, để hiểu dòng nước mắt đau khổ, con phải học thứ văn phạm của ngôn ngữ đó, đó là một trái tim yêu thương, một cõi lòng có Chúa ngự, một tâm hồn không đứng xem Chúa vác thập giá mà xuống đường vác thập giá với Chúa.

Nước mắt có cần không?

Khóc là một ân huệ.  Những trái tim bằng gỗ không thể khóc.  Những tâm hồn lạnh lùng cũng chẳng thể rung cảm.  Xin hãy dạy con biết khóc như Phêrô, đừng chai đá như Cain.  Nước mắt có thể tha thứ mọi lỗi lầm của con.  Và, Nước Trời đã mở cửa cho con cả hai lối.  Con có thể vào một cách anh hùng như các thánh tử đạo, con cũng có thể vào bằng tiếng khóc như Mai Ðệ Liên.

L.M. Nguyễn Tầm Thường, S.J – trích trong “Nước mắt và hạnh phúc”

 

 

HỌC BẠ CỦA GIÊSU

Cậu Giêsu, học sinh trường Nazaret, đem học bạ về nhà. Thật tình mà nói, kết quả không mấy tốt. Mẹ cậu biết thế nhưng không nói gì, bà chỉ ghi nhớ mọi sự trong lòng mà suy đi nghĩ lại. Nhưng điều gay do nhất bây giờ là phải trình học bạ này cho ông Giu-se.

Người gửi: Trường Simêôn tại Nazaret
Ngưòi nhận: Ông Bà Giuse và Maria David
Nội dung: Học bạ của Giêsu

Toán học: Hầu như chẳng làm được bài toán nào, ngoại trừ nhân bánh và cá lên nhiều lần.  Không biết làm toán cộng: cậu khẳng định rằng mình cộng với Cha thành một.

Tập Viết: Không bao giờ mang tập vở bút viết đến lớp, đành phải viết trên cát.

Địa Lý: Không có khái niệm về phương hướng.  Cậu khẳng định rằng chỉ có mỗi một con đường để về nhà Cha thôi.

Hóa Học: Không chịu làm các bài tập thí nghiệm gì cả, nhưng có lần Cậu đã làm cho nước hóa ra rượu nho khiến người ta cự nự nhau trong đám cưới.

Thể Dục:  Thay vì học bơi như mọi người, lại ngang nhiên biểu diễn đi trên nước.

Văn Học:  Khó có thể nói năng rõ ràng, nói gì cũng bằng dụ ngôn.

Vấn Đáp:  Mới 12 tuổi mà Cậu đã đối đáp với các luật sĩ và kinh sư trong đền thờ khiến họ hết sức ngạc nhiên.

Kỷ Luật:  Đã đánh mất mọi thứ đồ đạc, rồi tuyên bố xoành xoạch rằng mình chẳng có được một viên đá gối đầu!

Hạnh Kiểm:  Có khuynh hướng thích giao du trò chuyện với kẻ lạ, bọn nghèo, hạ cấp và cánh phụ nữ trắc nết.

Vệ Sinh:  Nhổ xuống đất hòa thành bùn rồi bôi lên mắt người ta tức thì họ được sáng mắt.

Sinh Vật:  Dám quả quyết người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Thiên Văn:  Là người duy nhất đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.

Kinh Doanh: Những người được mướn từ sáng sớm cậu trả cho họ một quan tiền, và những người cậu mướn vào xế chiều cậu cũng trả một quan tiền.  Chưa hết, bà góa bỏ một xu vào nhà thờ, cậu nói bà ta bỏ nhiều nhất.

Tâm Lý:  Cậu nói đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.  Đúng hơn, hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.

Lịch Sử:  Cậu sẽ xây Hội Thánh của Cậu, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi vì Cậu đã thắng thế gian.

Đọc xong học bạ, ông Giu-se tự nhủ rằng tình trạng này không được kéo dài thêm, mà cần phải có biện pháp cứng rắn: “Này, Giêsu, đã như vậy thì kỳ Phục Sinh này con đành phải vác thánh giá thôi!” 

*****

Vậy Ngài đã bảo gì với Cha mình ?

Ối trời, Cha Giuse ơi, ngày xưa, con học hành khá hơn nhiều đó chứ! Thế mà giờ lũ trẻ cứ phiên phiến ra như thế!  Con chỉ còn một viên đá gối đầu thật, nhưng đâu phải là con vứt đi các vật dụng, mà là con cho nhà hàng xóm đó chứ.

Khi Mẹ Maria may cho con áo mới mặc vào mùa xuân.  Con thích lắm, nhưng sáng nay, con đi dạo chơi quanh làng, thấy cậu bé ở cuối xóm, mặc bộ quần áo rách bươm, con nghĩ đồ đạc của con còn nhiều, tốt hơn của bạn ấy, thế nên, về nhà, con gói ghém và tặng bạn ấy.  Lần trước, đôi dép mới Cha cho con cũng thế.  Cha thường dạy, chia sẻ như thế là rất tốt phải không Cha?

Con không bao giờ phân biệt kẻ nghèo, người giàu.  Con thích giao tiếp với những người bị khinh bỉ, bỏ rơi.

Nhiều người nghĩ con là người điên, nhưng cha biết con rất tỉnh táo, phải không cha?  Và cha vui vì điều đó.  Cha luôn dạy con phải biết yêu thương mà.

Bây giờ con buồn ngủ rồi, chúc Cha ngủ ngon.  Ngày mai, con sẽ nói tiếp cho các bạn ấy hiểu, con đã học hành như thế nào, cha nhỉ!

Mong rằng học bạ của mỗi người chúng ta, có những phần như vậy.

Sưu tầm

VINH QUANG CỦA ĐỨC MẸ

Đức Maria là người phàm duy nhất được lên trời cả hồn và xác.  Chẳng những thế, Người còn được tôn làm Nữ vương trời đất.  Bởi đâu mà Đức Mẹ được hưởng vinh quang cao cả như vậy?  Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu được lý do.

*****

Ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh kia có một bộ lạc sinh sống.  Năm đó trời hạn hán không mưa nên mùa màng thất bát, cuộc sống khổ cực.  Dân bộ lạc tổ chức một buổi lễ cầu mưa.  Họ cầu nguyện rằng: “Lạy thần linh, xin chỉ cho chúng con biết chúng con đã phạm tội gì để đáng bị trừng phạt như vậy.  Và xin dạy chúng con biết phải làm gì để có mưa”. Họ cầu nguyện như thế suốt 3 ngày nhưng trời vẫn không mưa xuống.

Khi đó những người lớn tuổi rủ nhau lên đồi, vì họ nghĩ rằng lên đó họ sẽ nghe được tiếng trả lời của thần linh trong các luồng gió thổi tới.  Và quả thực họ đã được nghe câu trả lời: Lý do khiến họ bị hạn hán là vì họ quá ích kỷ: bấy lâu nay họ chỉ biết khai thác đất đai mà không ban lại cho đất cái gì để nuôi dưỡng đất.  Vậy, để khỏi bị trừng phạt thì họ phải lấy những thứ quý giá nhất trong nhà đem đốt đi thành tro rồi rải xuống đất.  Mọi người cảm tạ thần linh đã chỉ bảo và hứa sẽ làm theo.  Nhưng khi trở về nhà, nhìn những đồ vật quý giá thì họ lấy làm tiếc.  Vì thế, thay vì những món đồ quý, họ chỉ lấy những thứ xoàng xĩnh mà đốt.  Dĩ nhiên trời vẫn không mưa.

Trong bộ lạc có một cô bé tên là Miriam.  Cô có một con búp bê xinh xắn mà cô quý nhất trên đời.  Cô bé hiểu được lý do khiến trời không mưa là vì người ta đã tiếc không dám dâng hiến cho thần linh những thứ quý giá nhất.  Thế là cô mang con búp bê lên đồi, đốt nó đi, vừa đốt vừa khóc.  Đốt xong, cô lấy tro rải lên mặt đất, rồi ngủ thiếp đi.  Khi cô tỉnh dậy thì cả ngọn đồi đều mọc đầy hoa, những cành hoa mọc lên từ đám tro của con búp bê mà cô bé đã đốt.  Việc làm của cô bé đã khiến dân làng hiểu ý thần linh: họ xấu hổ vì đã không dám hy sinh nghe lời thần linh như cô bé Miriam.  Thế là ai nấy về nhà lấy tất cả những thứ quý giá nhất đem đốt.  Ngay sau đó thì trời đổ mưa.  Mọi người tung hô cô bé Miriam như một vị anh hùng đã cứu sống cả bộ lạc.

*****

Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết và có thể là hư cấu.  Nhưng nó giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.  Cô bé trong câu chuyện tên là Miriam, cũng giống tên Đức Mẹ Maria; Cô bé Miriam được thần linh tôn vinh bằng cách cho bông hoa trổ đầy trên ngọn đồi nơi cô bé ngủ, cô cũng được dân làng tôn vinh như vị cứu tinh của bộ lạc là vì cô đã dám hy sinh món đồ chơi mà cô quý nhất trên đời.  Đức Maria cũng thế, Người được tôn vinh làm Nữ vương trời đất và được lên trời cả hồn và xác là vì Mẹ đã hy sinh tất cả cho Chúa:  Chúa muốn gì Mẹ cũng vâng theo: (1) Mẹ muốn sống cuộc đời đồng trinh, nhưng khi Thiên Chúa muốn Mẹ thụ thai sinh hạ Chúa Giêsu, Mẹ đã thưa “Xin Vâng”; (2) Chúa Giêsu là người con duy nhất của Mẹ, là nguồn hạnh phúc của Mẹ trong gia đình và là nơi nương tựa của Mẹ trong tuổi già, nhưng vì Thiên Chúa muốn nên Mẹ cũng sẵn sàng hy sinh để Chúa Giêsu ra đi rao giảng Tin Mừng và chịu nạn chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội cho nhân loại.  Đúng như lời bà Êlisabét nói, Đức Mẹ có phúc hơn tất cả mọi người vì Đức Mẹ luôn làm theo ý Chúa, luôn “xin vâng” với Chúa.

Gương Đức mẹ dạy chúng ta 2 điều: (1) Chúng ta thường nghĩ rằng hạnh phúc là do “được”, có được những gì mình mong muốn.  Đúng vậy.  Nhưng hạnh phúc cũng còn do hy sinh, do dám cho đi, cho đi những gì mình tha thiết nhất.  Có khi hạnh phúc bởi cho đi còn sâu đậm và cao cả hơn hạnh phúc do nhận được; (2) Đặc biệt trong tương quan giữa chúng ta với Chúa, chúng ta thường chỉ xin Chúa ban cho chúng ta, khi thì xin điều này khi thì xin điều khác, chỉ xin và xin, chỉ nhận và nhận.  Ít khi chúng ta cho Chúa, hy sinh vì Chúa.  Thực ra Chúa không cần chúng ta cho Ngài điều gì cả.  Những thứ mà chúng ta cho Chúa cũng chẳng đáng gì cả.  Nhưng những thứ nhỏ bé mà chúng ta cho Chúa như thế chứng tỏ tấm lòng của chúng ta đối với Chúa.  Và để đáp lại, Chúa sẽ ban lại cho ta gấp bội.

Lm Carolô Hồ Bặc Xái

*****

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha, Ðấng tạo thành trời đất,

Ðã tỏ hiện cho những kẻ khiêm nhu bé mọn.
Chúng con cảm tạ Cha đã muốn giao ước với loài người.
Cha đã yêu thương chúng con trước một cách nhưng-không,
Khi đoái đến một dân tộc mà Cha gọi là “dân nhỏ bé nhất trong muôn dân”.
Tại một thôn xóm vô danh nhất trên miền Ðất Hứa,
Trong số những thiếu nữ vô danh nhất của Ít-ra-en,
Cha đã chọn một cô gái làm Mẹ Chúa Giê-su,
Một cô gái được chúc phúc hơn mọi cô gái,
Một thiếu nữ đã đáp ứng được mọi ân sủng của Cha.
Ðối với muôn thế hệ,
Ðức Ma-ri-a đã trở nên gương sáng phục vụ và khó nghèo cho Hội Thánh.

Vâng, lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha

Ðã gầy dựng nên Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a trong số những kẻ bé mọn.
Cha muốn rằng bởi Mẹ mà Chúa Con trở thành người trong nhân loại,
Kết hiệp chúng con với Cha trong Chúa Thánh Thần.

Robert Guelluy

THỊT TA LÀ CỦA ĂN

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người.  Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.

Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta.  Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.

Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu: Khi ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.”

Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn.  Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình Máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa.  Đây là một biến đổi sâu xa.  Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta.  Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa.  Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống.  Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

*****

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

VẾT THƯƠNG LÂU LÀNH

Là bà con trong dòng họ, chung sống trong một khuôn viên, nên lâu nay Bà con vẫn duy trì sống bên nhau êm ả. Tuy cũng có những lúc sóng gió, xích mích, những lúc vui buồn, nhưng rồi cũng chín bỏ làm mười, bà con dòng họ lại vui vẻ chia sớt cho nhau những biến cố vui buồn trong cuộc sống. Trải qua những năm tháng bên nhau người nào khó tính, người nào dễ tính, cách sống của từng nhà, từng người ra sao ? cũng được mọi người nhìn nhận và nhắc nhau cư xử cho vui vẻ. Cuộc sống cứ trôi qua, những tưởng sau những xích mích chín bỏ làm mười cho êm ả cũng trôi đi. Nhưng không, khi có chuyện gì to tiếng cãi vã thì mọi chuyện trong quá khứ vẫn được nhắc đến như một vết thương lòng chưa thể lành.

Anh Minh vừa làm lại cái mương nước, bị lấn sang phía hàng rào của bà cô một tí, lâu nay bà đã hậm hực, hôm nay vừa mới đi làm về,  bước xuống xe anh đã được bà nghiêm nghị nhắc nhở, vì nóng tính anh đã to tiếng phân trần.  Như giọt nước tràn ly, bà tức tối lôi bao nhiêu thứ xích mích từ khi ba anh còn sống, còn thuở hàn vi, từ hồi anh còn nhỏ, cả nhà phải nhờ vả bà, rồi những bất đồng mới đây phân trần, kèm theo là những lời mắng nhiếc “ đồ mất dạy, đồ vô ơn, thị có tiền của, mới giàu có lên, không coi ai ra gì ….” Anh Minh cũng không vừa, lôi ra bao nhiêu chuyện không đẹp trong cư xử của cô chú, những tính toán hơn thua, rồi cũng nói trả bằng những câu cay đắng “ sống không để cho con cháu tôn trọng, sống ích kỷ…..”  có ai đến can, hai bên cũng giành lấy phân bua, kể lể thêm, để chứng minh mình là người bị hại.  Ngày hôm sau câu chuyện cũng chưa lắng xuống, gặp ai bà cũng kể lại và còn nói thêm những câu dạy đời thâm thúy, anh Minh thì cũng ra vẻ hả dạ vì đã nói hết những xấu xa của bà cô và còn tỏ ra oan ức vì bị bà chửi.  Đứng đó cũng có ông chú, suốt lúc giằng co, ông chẳng nói câu nào để chứng tỏ cho mọi người thấy ông là người am hiểu lẽ đời, hôm sau gặp tôi ông chẳng phân trần ai đúng, ai sai, ông nói với tôi: “Cám ơn Chúa, lúc đó tôi cũng tức, tính nói cho nó mấy câu thật đau, nhớ đời, nhưng tôi đã không nói ra”.

Tôi ngạc nhiên và thấy ông thật là khiêm tốn.  Người ta hãnh diện vì có tài ăn nói sắc sảo hơn người, lý lẽ thâm thúy thuyết phục, thể hiện kiến thức sâu xa…. nhưng con tim chật hẹp.  Những lời lẽ sắc sảo lúc dạy con, răn vợ, răn chồng, dạy đời, nghe đạo đức, thâm thúy mà có khi đến tím ruột người nghe, thơ văn sắc xảo mà có thép như dao ghim vào tim người khác, chẳng phải là vì lời nói cũng có chất độc, có lưỡi dao sao?  Nếu không, làm sao người nghe lại cảm thấy xót ruột, đau tim khi chỉ nghe lời nói thôi?  Những tưởng “lời nói, gió bay” nhưng sao lại “sống để dạ, chết mang theo”?  Vì nó là vết thương lòng, hành động ác thì khó, chứ lời nói ác thì dễ, nhưng hậu quả lại giống nhau.

Câu nói mộc mạc và vô tình của ông dượng làm tôi trăn trở và suy nghĩ hơn về tác dụng của lời nói trong cuộc sống.  Khi tôi nói với ai bằng ý nghĩ hơn người, kiêu ngạo hay ác ý, là lúc người nghe nhận được chất độc, lưỡi dao của lòng nghen ghét, đố kỵ, ích kỷ của tôi.  Đó là lời nói hiểm hóc, lời đay nghiến, lời xét đoán, lời dèm pha, lời chứng gian, lời lường gạt, lời phỉnh nịnh, lời nhân nghĩa giả dối trong lòng tôi.  Cho dù lời nói đó có hoa mỹ và được ngụy trang bằng những từ ngữ gì đi nữa thì vẫn phản tác dụng và một ngày nào đó người nghe sẽ nhận ra và cảm thấy nghê sợ tôi…. Khi tôi nói lời khích lệ, nhìn nhận những điều tốt họ đã làm, sẽ có động lực giúp họ làm nhiều điều tốt hơn.  Tôi cảm nghiệm rằng, mình chỉ dám nói với ai lời sửa dạy, nếu tôi thật lòng yêu thương họ như mình, bằng không thì nên khiêm tốn im lặng, để không gây thêm thương tích trong lòng người khác.

Dòng họ tôi sống với nhau rất êm ả, gia đình tôi sống với nhau rất hòa bình nhưng lạnh lẽo vì thiếu vắng những lời nói rộng lượng, lời nói tình yêu từ trong lòng người này đến con tim người khác.  Lời nói từ con tim yêu thương đâu cần lý lẽ, đâu cần tư duy sâu sắc, nhưng khốn thay lòng người chỉ toàn những tính toán ích kỷ, ước muốn điều xấu cho người khác, thì làm sao có thể có lời nói mang yêu thương?  Muốn yêu thương đời, yêu thương người đích thực tôi phải đến với nguồn tình yêu là chính trái tim Chúa, để được Chúa biến đổi thanh luyện con tim biết yêu người khác.

Mầu nhiệm cứu độ đã được gắn kết với cuộc đời Mẹ, xin mẹ dạy con biết “yêu người” như xưa mẹ đã đến thăm Bà Isave, xin mẹ dạy con biết “ chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng” vì trong lòng con, cũng vốn có những chất độc và lưỡi dao.  Qua chuỗi môi khôi, Mẹ muốn cứu tất cả chúng con ra khỏi gian tà ngay chính trong lòng mình, Mẹ muốn chữa lành những chất độc, những vết thương lòng mà con cứ cố giữ mãi.  Xin mẹ dẫn dắt chúng con đến suy gẫm trái tim Chúa bằng kinh Kính mừng hàng ngày, để trái tim con được mở rộng yêu thương.  Xin dâng Mẹ những Kinh Kính Mừng mầu nhiệm, nhờ ân phúc và quyền phép của Mẹ gởi những bông hồng yêu thương mầu nhiệm đến trái tim những người con yêu thương, những người đang sống quanh con và cả những người con đã thành kiến, ác ý với họ.

Chiều Thu

 

 

 

KHÓC

“Làm người có miệng có môi,
khi buồn thì khóc, khi vui lại cười” (ca dao)

Cười và khóc là chuyện bình thường của kiếp nhân sinh.  Người không cười không khóc là có vấn đề.  Hoặc người ta cười thì mình khóc, hay người ta khóc mình lại cười mới là người bất thường.

Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ này với ai?  Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.  Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo ông ta bị quỷ ám.  Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 16-19).

Thánh Phaolô tông đồ nói: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Cười có bao nhiêu kiểu thì khóc cũng có bấy nhiêu loạiKhóc sướt mướt, khóc nghẹn ngào, khóc da diết, khóc tấm tức, khóc nức nở, khóc nỉ non, khóc tức tưởi, khóc than, khóc thầm, khóc hận, khóc ai oán, khóc xụt xùi, khóc thút thít, khóc lớn tiếng, khóc gầm, khóc gào, khóc…

Nhưng dù khóc kiểu nào cũng luôn xoay quanh hai đối tượng: Khóc cho người khác và khóc vì người khác, rồi khóc cho chính mình và vì chính mình.

Khóc cho người khác và vì người khác

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu đã thương khóc thành sẽ bị phá hủy vì không đón nhận Tin mừng của Ngài.  “Sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.  Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào đè trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41).

Dân chúng đấm ngực và thương khóc khi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá.  Chúa Giêsu nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28).

Khi được tin Lazarô đã qua đời, Chúa Giêsu đến thăm viếng, an ủi hai chị em Macta và Maria:  “Khi thấy cô Maria khóc và những người Do thái đi với cô cùng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến… Ngài liền khóc” (Ga 11, 33-35).

Khóc cho chính mình và vì chính mình

Thánh Luca thuật lại: “Có một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.  Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người.   Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên”(Lc7,37-38).

Thánh Matthêu, Maccô và Luca, cả ba đều nói về nhân vật Phêrô, người đã khóc lóc thảm thiết vì đã chối Chúa, đúng như lời Thầy Giêsu nói: “Gà chưa gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”.  Ông khóc lóc thảm thiết” (Mt 26.75 ; Mc 14,72 ; Lc 22,62).  Theo một truyền thống xa xưa, thánh Phêrô đã lánh vào một cái hang gần đấy mà khóc; ngày nay mới có nhà thờ gọi là Gà gáy (Galicanto).

Khóc cho đức tin của người tín hữu

Giáo hội là mẹ đã sinh ra các tín hữu trong ân sủng.  Và thời gian lữ hành của mỗi người là thời kỳ thai nghén, thời gian chờ đợi được sinh ra.  Là tín hữu, ai cũng biết chết là ngày sinh lại, được về với Chúa. Nhờ cuộc ra đi này mà ta trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa” (Phip 3, 10).

Khi Chúa thương gọi tôi về, thì tôi hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát.  Ngàn dân tung hô tôi thật vĩnh phúc!

Khi tham dự ta hát thật to, nhưng sự việc xảy đến lại không thấy biểu lộ niềm vui ấy trong đức tin.  Nào là  vô cùng thương tiếc báo tin, vô cùng đau đớn, vô cùng mất mát, vô cùng đau lòng, vô cùng đau xót, vô cùng đau buồn… Cái vô cùng ấy không thể hiện được niềm tin cậy vào Chúa.  Ngài không được đặt làm nền để bù đắp những trống vắng vì mất người thân.  Thế hân hoan ở đâu?  Vĩnh phúc ở đâu?  Có cha mẹ nào lại nói là tôi rất đau buồn báo tin: con tôi từ xa về thăm gia đình.  Có khi nào con cái lại thông báo là vô cùng chua xót vì sắp về thăm bố mẹ và người thân.  Về với Chúa là cha là mẹ sao nói như vậy.  Xem ra phải hát là khi Chúa thương gọi AI về thì tôi hân hoan mới đúng…

Biểu lộ đức tin như thế chưa phải là cách sống đạo lý tưởng và trưởng thành.  Càng không phù hợp với tinh thần người con luôn tín thác vào Cha quan phòng.  Mà còn ngược lại ý định Thiên Chúa, ngược lại với giáo lý của Ngài và giáo huấn của Giáo hội.  Đành rằng chia ly người thân yêu dễ làm ta bị tổn thương vì lưu luyến, thương nhớ.

Khóc nào có giá trị cho con người

Người ta khóc mà mình không thật ngại quá.  Người ta khóc thì mình cũng cố sụt sùi, ít là rặn ho rồi nấc, và nếu cần thiết cũng cố gào lên vài tiếng.  Khóc đôi khi còn để che đậy một sự bất hiếu hay một tội ác nào đó.  Hoặc để đánh lạc hướng, xoá đi dư luận về đời sống của mình.  Nếu khóc chỉ để mà khóc, chỉ vì thể diện thì ích chi.  Khóc không giúp ta kiểm điểm, hối cải, không giúp ta hoàn thiện và thăng tiến đời sống thì có lợi gì đâu. Vậy ta:

Hãy khóc vì những tội lỗi đã phạm đến Chúa.
Hãy khóc vì những lỡ lầm gây ra cho nhau.
Hãy khóc vì những chai lỳ, cố chấp và kiêu căng.
Hãy khóc vì những khô khan ươn lười của thân xác.
Hãy khóc vì những gương xấu đã làm cho nguời thân.
Hãy khóc vì những cớ vấp phạm cho người non yếu về đức tin, về kiến thức.
Hãy khóc vì những đam mê dục vọng bất chính gây ra chia rẽ, đổ vỡ.
Hãy khóc vì trái tim xơ cứng trước cảnh bi đát đau thương của đồng loại.
Hãy khóc vì những cơ hội bị bỏ qua khi ta có thể nắm lấy.
Hãy khóc vì những điều tốt lành có thể làm được mà ta lại không.
Hãy khóc vì những lý tưởng cao đẹp mà không cố gắng thực hiện.
Hãy khóc vì những ơn lành Chúa ban lại không sử dụng, sinh lợi.
Hãy khóc vì những hạnh phúc đáng lẽ ta được hưởng thì lại để cho quỷ dữ lấy mất.
Hãy khóc vì những bình an Chúa tặng lại để cho hận thù chiếm chỗ.
Hãy khóc thật nhiều để cảm thông và thương xót, để biến đổi và hoàn thiện như Phêrô, như người phụ nữ ngoại tình, như tên trộm lành…
Hãy khóc thật nhiều để tẩy rửa con người cũ bằng bí tích hoà giải.  Trong đức tin, ta được tắm gội trong ân sủng và mặc lấy con người mới theo hình ảnh Chúa Giêsu.
Hãy khóc đi khóc đi khóc đi….

Chúa Giêsu là người bình thường, vì trái tim rung động, cảm mến và xót thương khiến Ngài rơi lệ. Ngài bộc lộ rất chân thành và đơn sơ chứ không giả vờ.  Ngài hội nhập và đón nhận vào cuộc sống trần gian một cách tự nhiên, và thể hiện bằng trái tim xương thịt của con người.

Hãy sống và biểu lộ tình cảm, lòng vị tha và thương yêu chân thành phát xuất từ trái tim.  Ta sẽ thấy Chúa Giêsu là gương mẫu của một con người bình thường biết vui cùng người vui và khóc cùng kẻ sầu đau.

Thái độ của người có đức tin

Luôn tin vào lời xin của Chúa Giêsu:  “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24).

Luôn tin vào lời hứa của Chúa Giêsu: “Ngay hôm nay, người sẽ ở trên Thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).

Luôn tin tưởng vào Chúa Giêsu, vì Ngài là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ngài thì dù đã chết cũng sẽ được sống. (Ga 11,25).

Luôn tin tưởng rằng một khi “con người cũ nơi chúng ta bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Giêsu, thì tội lỗi bị huỷ diệt, ta không còn làm nô lệ cho tội nữa” (Rm 6,6-7).

Luôn tin tưởng khi vượt qua cái chết, ta sẽ gặp được “trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua đi, không còn sự chết nữa…” (Kh 21, 1).

Luôn tin tưởng khi vượt qua cái chết thì mọi khổ đau, bất công sẽ không còn và “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, không còn tang tóc nữa” (Kh 1,4).

Luôn tin tưởng rằng “nếu chúng ta đã cùng chết với Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.  Thật vậy, một khi Chúa Kitô sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Ngài chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.  Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6,8-10).

Luôn tin tưởng là “tất cả chúng ta sẽ được biến đổi.  Quả vậy, cái thân hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt, vì gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối mà trỗi dẫy thì mạnh mẽ, bất tử…” (1Cr 15,42-43.51-52).

Luôn tin tưởng “Sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa.  Vậy sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

Thanh Thanh