BÁNH TRƯỜNG SINH

Ở nước ta, trong nạn đói năm Ất Dậu 1945, hằng triệu người miền Bắc lâm vào cảnh túng thiếu, đến nỗi củ chuối trong vườn cũng chẳng còn để mà ăn, khiến cho họ phải bỏ nhà cửa, làng mạc lên đường đi kiếm chút của ăn nuôi thân.

Thời gian đó, tại một số giáo xứ may mắn, không bị nạn đói hoành hành, người ta tổ chức phát chẩn cho những người bị đói.  Mỗi ngày giáo xứ nấu những nồi cơm lớn, rồi nắm thành những nắm nhỏ, được gọi là nắm cơm chim phân phát cho hằng trăm người đói lả.  Đàn ông, đàn bà và trẻ nít đứng xếp hàng để chờ được nhận nắm cơm chim của mình.

Nhìn những kẻ sa cơ thất thế nhận phần ăn ít ỏi, ta thấy mỗi người nhận và ăn một cách khác nhau: Có người khi nhận nói lên lời cám ơn, có kẻ thì mắc cỡ giật lấy nắm cơm rồi lẩn mất.  Có người ăn vội vàng rồi ra đi, có kẻ cầm nắm cơm tới một bụi tre hay một khóm trúc rồi mới ăn. Có người chỉ ăn một nửa, còn một nửa thì gói lại để dành.  Có người làm dấu Thánh Giá trước khi ăn, nhưng cũng có kẻ không làm vì có lẽ họ là người ngoại đạo .

***

Bạn thân mến! Cách thức những người bất hạnh đến xin ăn phần nào giống như cách thức những người nghe và đón nhận lời Chúa trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy đến với Giêsu và tin vào Ngài.  Hãy đến để được Ngài nuôi dưỡng bằng Bánh Trường Sinh, Bánh Bởi Trời, Bánh Ban Sự Sống Đời Đời .  “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta ban chính là thịt Ta cho thế gian được sống.” (Ga.6:51)

Đời sống của ta là một hành trình đi về nhà Cha trên trời.  Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất khó khăn nguy hiểm.  Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi.  Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm Bánh Trường Sinh. Bánh Trường Sinh mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con Một của Người.  Món quà của Chúa Cha ban cho ta được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể.

Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ trong cơn cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện.  Nhờ Lời của Thiên Chúa mà vũ trụ được tạo thành. Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Chúa là lẽ sống.  Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.

Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể.  Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời.  Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh.  Lương thực thần linh ban sự sống thần linh.  Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm.  Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu.  Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc:  Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.  Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta.  Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Thiên Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời.

Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người.  Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi.  Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống.  Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi.  Lời Chúa là con đường đưa ta tới sự thật và sự sống.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng.  Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa.  Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận với Thiên Chúa.  Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để vượt thắng những thử thách trong cuộc đời.  Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng trở nên giống Người hơn. Hãy cảm nếm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.

***

Lạy Chúa là Cha yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm Bánh Trường Sinh nuôi dưỡng và dẫn đưa chúng con vào sự sống đời đời. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

VỊ KỶ – SÒNG PHẲNG – VỊ THA

Ba hành khách cùng đi trên một chuyến tàu tới ga Tình yêu:  Sòng phẳng, Vị Kỷ và Vị tha.  Cả ba đều mang theo mình hai gói đồ:  Nhận và Cho, nhưng độ nặng nhẹ khác nhau:

Sòng phẳng: Cho = Nhận
Vị kỷ:             Cho < Nhận
Vị tha:            Cho > Nhận

Trong lúc rỗi rãi ba người tán gẫu về hành lý của mình.  Sòng phẳng lên tiếng:

– Tôi thấy hành lý của các anh lệch lạc, thật khó mang theo. Còn tôi luôn cân đối Cho và Nhận nên mang đi dễ dàng.

– Anh làm thế nào cho cân được? Vị kỷ hỏi.

–  Thì tôi phải tính chớ. Tôi chỉ cho đi khi tôi chắc có thể nhận về một lượng tương đương. Cho không hay nhận không của ai cái gì, tôi đều không thích.  Tính tôi là vậy, không muốn mắc nợ hay mang ơn.

Vị kỷ:

–  Anh nói nghe như thể đi mua hàng vậy: Tiền nhiều mua được nhiều, tiền ít mua được ít, không tiền không mua.  Nhưng tình cảm đâu thể đong đếm theo cách đó.

Sòng phẳng cười phá lên, rung cả hai vai.  Vị kỷ ngạc nhiên:

–  Tôi nói vậy không đúng à?

–  Quá đúng là khác. Tôi chỉ buồn cười là trông 2 gói hành lý của anh bên Cho thì nhẹ bên Nhận thì nặng, vậy mà anh cũng nói được câu đó.

Vị kỷ nhìn lại 2 gói đồ của mình, gật đầu.  Sòng phẳng thoáng bâng khuâng:

–  Không phải lúc nào tôi cũng sòng phẳng cả đâu.  Có những người cho tôi nhiều mà tôi không cho lại được là mấy.  Ví như tình yêu cha mẹ cho tôi gần như vô hạn, chẳng kể tôi có đáp lại hay không. Vậy là tôi Nhận nhiều hơn Cho.  Với con cái thì tôi Cho chúng nhiều hơn Nhận về.  Cũng nhờ có sự bù trừ như vậy mà 2 gánh hành lý của tôi thường cân nhau.

Vị kỷ tán thành:

– Tôi thấy kiểu hành lý của anh giờ đang thịnh hành. Nhiều người thích sòng phẳng cả trong tình yêu theo kiểu:  “Ông rút chân giò, bà thò chai rượu”.

Sòng phẳng trầm ngâm:

– Đôi khi tôi cũng không thích sống thế này đâu. Luôn phải tính toán nhiều – ít, luôn phải dừng gánh để sẻ từ bên này sang bên kia.  Tôi thấy mệt mỏi và nhiều lúc trống rỗng, vô cảm.

Vị kỷ:

– Tôi cũng giống anh, luôn phải so đo tính toán. Nhưng tôi phải tính sao cho Nhận về mình nhiều hơn.  Tôi chỉ thích nghĩ cho mình thôi mà.

– Nhận nhiều như thế anh có hài lòng không? Sòng phẳng hỏi.

– Chả mấy khi tôi vừa lòng. Tôi luôn canh cánh trong lòng: Mình có bị mất mát gì không?  Cho như thế có nhiều quá không?

– Anh có người yêu không?

– Có chứ. Tôi rất yêu người yêu tôi là đằng khác.  Nhưng tôi luôn lo sợ.  Tôi sợ mình cho nhiều quá lỡ tình yêu bỏ tôi đi thì tôi chẳng được gì.  Tôi không muốn nhận về tay trắng.  Đó là nỗi ám ảnh của tôi.

Tàu qua cầu vượt sông Âu Io.  Tiếng xình xịch của đầu máy át lời tâm sự của Vị kỷ.  Qua khỏi cầu, tiếng ồn dịu lại, Vị kỷ và Sòng phẳng lúc này mới nhớ tới người bạn đồng hành thứ ba.  Vị tha nãy giờ vẫn yên lặng lắng nghe.  Khi thấy hai bạn hướng mắt về mình mới khẽ khàng cất lời:

– Hai anh đều có lý lẽ của mình. Lập luận của anh Sòng phẳng thuần túy là của bộ óc, không có mấy liên hệ đến trái tim.  Chính vì vậy anh luôn thấy căng thẳng, mỏi mệt và đôi khi trống rỗng.  Còn anh Vị kỷ yêu ghét rõ ràng, nhưng tình yêu của anh là “vì mình, cho mình”.  Bởi yêu mình quá mà anh thường trực lo sợ.  ôi nói vậy có phải không hai anh?

Vị kỷ và Sòng phẳng đang mải nghĩ ngợi nên không trả lời.  Vị tha nói thêm:

– Anh Sòng phẳng nói đúng: Hành lý của tôi không cân – Cho nhiều hơn Nhận. Ấy là vì tình cảm xuất phát tự đáy lòng thì rất chân thành và giản dị.  Nó thấy rằng Cho là lẽ tự nhiên, không gì vui bằng làm cho người mình thương yêu được hạnh phúc.  Niềm vui khi dâng tặng làm vơi gánh nặng của tôi, cho tôi sự thanh thản, đủ đầy.

– Đủ đầy? Sòng phẳng và Vị kỷ cũng thốt lên.  Cho là mất chứ, cho nhiều thì phải còn ít đi mới phải.

Vị tha mỉm cười:

– Đấy là về mặt vật chất, là quy luật trong Toán học thôi. Quy luật của tình yêu thì khác.  Lát nữa đến nơi, tôi sẽ chỉ cho các anh.

Vị kỷ và Sòng phẳng nhìn gánh hành lý của Vị tha, lại nhìn hành lý của mình, lòng chưa hết băn khoăn.  Cũng vừa lúc tàu đến ga Tình yêu.  Tàu chạy chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn.

Ngước nhìn vào sân ga, Sòng phẳng và Vị kỷ đều trông thấy dòng chữ có nội dung Vị tha vừa nhắc đến.  Hai người rất đỗi ngạc nhiên vì họ đi trên chuyến tàu nhiều lần, đến ga Tình yêu đã nhiều mà chưa bao giờ thấy hàng chữ đó.  Thực ra quy luật của Tình yêu luôn có ở đó, nhưng chỉ những ai có trái tim nhạy cảm mới thấy và thấu hiểu.

Tôi sẽ không nói hàng chữ trên sân ga Tình yêu nói gì vì tôi chắc bạn cũng đoán ra được.

Để kết thúc câu chuyện, tôi chỉ xin tiết lộ về những người sẽ đón 3 hành khách của chúng ta cùng hành lý Cho và Nhận của mỗi người:  Đón Sòng phẳng là Khô khan, Vị kỷ sánh đôi cùng Bất an, và người đón đợi Vị tha chính là Hạnh phúc.

Trích:  Hoathuytinh.com

*****

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình!