VIRUS MÁY TÍNH

Phần đông những người sử dụng máy tính đều đã có ít nhiều “kinh nghiệm thương đau” với những con virus quái ác: mấy cái phím không còn “dễ bảo” như trước nữa, mình đánh một đường chúng nó ra một nẻo, mình ra lệnh này nó làm theo lệnh khác, nó như con ngựa bất kham muốn chạy đi đâu thì chạy, tựa như cái giống “viên tâm mã ý” mà các bậc tiền bối thời xưa đã nói.  Cuối cùng thì chủ nhân của nó đành chấp nhận chào thua, phải format dĩa cứng và cài đặt lại tất cả.  Thiệt là bó tay!

Tôi cũng từng là nạn nhân của virus máy tính, không chỉ một mà đến mấy lần.  Lần nặng nhất khiến tôi đâm ra bực bội và xém bị stress!  Phải vận đến mấy “thần công lực” tôi mới bình tĩnh trở lại để thanh thản mà làm việc.  Tôi có “ngẫu hứng lý qua cầu” viết một bài than vãn ngắn như sau:

Chỉ là hoặc “có” hoặc “không”,
Hại nhau chi để lòng thòng dây dưa.
Phím này chẳng giống phím xưa!

Hồi mới bắt đầu dùng máy tính, tôi chẳng hiểu con virus là gì mà tác hại ghê gớm đến thế: nó phá được máy của mình, rồi còn “lây” qua những máy khác nữa chứ.  Thiệt là dễ sợ! Không biết nó có “bà con cô bác” gì với mấy con virus gây bệnh gây dịch nơi người hay không?  May thay tôi được mấy anh bạn trong công ty giải thích nên nỗi “ám ảnh” của virus máy tính đã được giải toả êm thấm.

*****

Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại, tôi thấy con virus máy tính đầu tiên sao mà có nét tương tự với “tội nguyên tổ” đến thế:  Khi loài người phát minh ra được máy tính, ai nấy đều mừng rỡ vì quả thật “một kỷ nguyên mới” đã ra đời.  Một kỷ nguyên hoàn toàn mới mẻ “trinh nguyên” so với những thời đại trước đó.  Máy tính quả thật đã giúp cho nhân loại tiến những bước nhảy vọt trong hầu khắp mọi lãnh vực, nhất là khi hệ thống internet toàn cầu ra đời.  Một chân trời mới rạng rỡ ánh huy hoàng đang mở ra trước mắt nhân loại, có thể nói ví von: như cảnh huy hoàng an lạc của “vườn địa đàng” trong thời Sáng Thế.

Vậy mà không dưng có một ai đó ngứa ngáy tay chân “chế” ra một con virus, rồi thả nó đi lang thang để quấy nhiễu kẻ khác, làm cái “thế giới máy tính” đang an bình hoan lạc bỗng rối tung cả lên.  Con virus đầu tiên này đã kích thích máu “anh hùng” trong thiên hạ, thế là “người ta” đua nhau “đẻ” ra đủ loại virus, mỗi ngày một tinh vi hơn, mỗi ngày một tàn phá dữ dằn hơn, tương tự như tội lỗi của Ađam-Eva đã dẫn đến vô số tội lỗi của con cháu sau này, mỗi một lúc thêm trầm trọng hơn.  Cứ nhìn vào danh sách virus được các chương trình antivirus liệt kê thì thấy rõ mức độ bành trướng kinh khủng của con cái “sự dữ” này!

Thì ra con người không khi nào chịu bằng lòng với cuộc sống thanh bình an lạc mà trời đất đã ban cho. Đang ở yên, người ta lại “ngứa ngáy tay chân” quậy lung tung tứ phía, không sinh ra cái này thì cũng đẻ ra cái nọ cho thoả mãn máu “anh hùng”.  Kết cuộc là con người đâm ra làm hại chính mình và phá hoại cả sự bình yên của những người khác.  Thiên đàng hạ giới, nếu có, thì cũng không thể tồn tại được lâu dài!

*****

Virus máy tính do con người tạo ra đã tai hại đến thế.  Còn những virus do Satan “chế” ra thì lại càng tác hại hơn nhiều.  Chúng thâm nhiễm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người, chúng làm đảo lộn mọi quan hệ tốt lành giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với chính mình và giữa con người với nhau.  Làm thế nào để diệt trừ mọi thứ virus “made by Satan” đang phá hoại sự an lành trên mặt đất?  Làm thế nào để xây dựng và duy trì được cuộc sống bình an hoan lạc?  Thưa: chỉ có cách là nối kết liên tục với Đấng là Thủ Lãnh Hoà Bình.  Chúa Giêsu là Nguồn Bình An Vĩnh Cửu.  Nếu nói theo ngôn ngữ computer thì Ngài là Máy Chủ chuyên trị virus trong linh hồn con người, là Server Antivirus.  Muốn thoát khỏi virus của Satan, chúng ta phải online 24/24 với Chúa Giêsu để nhờ ơn soi sáng của Ngài mà phát hiện được đòn phép của ma quỷ, nhờ sức mạnh và quyền năng của Ngài – nhất là qua bí tích Giải Tội – mà diệt trừ và tẩy xoá được những tác hại mà “virus tội lỗi” gây ra trong linh hồn chúng ta.  Nếu chúng ta giữ vững mối kết hiệp với Chúa Giêsu trong mọi giây phút của ngày sống, thì chúng ta sẽ thoát khỏi những nguy hiểm do ma quỷ giăng mắc tứ phía và chúng ta sẽ được sống bình yên hoan lạc trong vòng tay che chở của Ngài.

*****

Lạy Chúa Giêsu là Server AntiSatan của con, xin Chúa giúp con luôn kiên trì online với Chúa để con tránh được mọi cạm bẫy của ma quỷ trong cuộc sống hằng ngày, hầu con khỏi bị huỷ hoại bởi “virus tội lỗi” cũng như khỏi trở thành nơi phát tán chúng ra làm hại đến anh chị em chung quanh. Amen./.

Trầm Tĩnh Nguyện

ĐỨC GIÊSU LÀ BÁNH HẰNG SỐNG

Ai trong chúng ta chắc hẳn đã từng ăn một bữa nhớ đời.  Nhớ đời chưa hẳn vì bữa ăn đó gồm những cao lương mỹ vị, hay là vì được ăn chung với các bậc vị vọng.  Đôi lúc đó chỉ là một bữa ăn đơn sơ đạm bạc, nhưng đã để lại một ấn tượng khó quên.  Khó quên là bởi vì trong bữa ăn đó, ta được cảm thấy no thỏa, được chăm sóc, hay có được một sự thân mật đậm nét tình người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể lại phản ứng của dân chúng sau khi được ăn một bữa no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6:1-15).  Cả bốn Phúc âm đều thuật lại biến cố đầy ấn tượng này.  Ở nơi đồng không mông quạnh mà Đức Giêsu đã cho trên 5000 người được ăn no nê, còn dư đến hơn 12 sọt bánh vụn, thì quả là một kỳ tích rất đáng phục.  Thế nên ta sẽ không ngạc nhiên khi dân chúng, đa số là những người nghèo khó, tìm thấy nơi Đức Giêsu một vị lãnh đạo tài tình.  Họ kỳ vọng Ngài sẽ giải thoát họ khỏi sự nghèo đói.  Thấy Đức Giêsu có phép màu, họ muốn tôn Ngài lên làm lãnh tụ.

Thế nhưng Đức Giêsu không chiều lòng họ.  Ngài dư biết họ chỉ quan tâm đến những quyền lợi vật chất.  Ngài bảo cho họ biết họ hãy cố sức tìm thứ thực phẩm bền bỉ đem lại sự sống vĩnh cửu thay vì lo tìm thứ thực phẩm ăn rồi lại đói.  Ở đây chúng ta thấy một thách đố tương tự như câu chuyện Ngài đã gặp gỡ người đàn bà xứ Samari bên bờ giếng (Ga 4, 1-42).  Người đàn bà khao khát thứ nước uống vào sẽ không khát, và Đức Giêsu tỏ lộ cho bà thấy Ngài chính là Nước Hằng Sống, là nguồn sinh lực đem lại tình yêu bền bỉ trường tồn.

Trong câu chuyện tin mừng hôm nay cũng thế.  Đang khi quần chúng chỉ nghĩ đến việc được ăn no, thì Đức Giêsu nghĩ đến phúc trường sinh thiêng liêng Ngài muốn chia sẻ với họ. Ngài chính là bánh từ trời ban sức sống.  Năm xưa Thiên Chúa nuôi dân Người trong hoang địa Sinai bằng bánh manna cũng từ trời xuống (Xh 16, 4-5, 14-36).  Sách Xuất Hành thuật lại rằng khi con cái Israel đói khát trong sa mạc, Thiên Chúa đã không bỏ rơi họ.  Mỗi sáng có lớp sương phủ quanh lều trại của họ, và sau khi sương tan thì trên mặt đất đầy thứ bánh nho nhỏ mịn màng.  Và cứ như thế trong 40 năm lưu lạc trước khi vào được Đất Hứa, Thiên Chúa đã chăm sóc họ như thế đó.

Trong trình thuật của Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu tỏ cho dân chúng biết Ngài chính là bánh thần lương đó.  Ngài là manna mới, là bánh từ trời xuống, đem lại sự sống cho thế gian.  Nhưng khác với manna tổ tiên họ được ăn, Ngài là bánh trường sinh, ai ăn sẽ sống muôn đời.  Đây quả là một câu nói khó được chấp nhận.  Làm sao một con người có thể trở thành bánh nuôi kẻ khác sống?  Làm sao có thể được trường sinh?  Không phải Đức Giêsu đang mị dân sao?  Nhiều người nghe Ngài nói cảm thấy khó chấp nhận, và họ đã từ từ bỏ đi.

Điều này chỉ có thể hiểu được trên bình diện đức tin.  Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến để chăm sóc cho dân Người, như Người đã làm cho tổ tiên họ năm xưa. Ai tìm đến Ngài sẽ không còn đói; ai tin vào Ngài sẽ không còn khát.  Đức Giêsu không chỉ thỏa mãn cơn đói khát thể lý mà còn là sự khát khao tinh thần của họ.  Khát vọng được nâng đỡ, được chăm sóc, được thông cảm, được tôn trọng, được thương yêu, mãi mãi vẫn là sự khao khát của con người hôm qua và hôm nay.

+ + + + +

Khi tuyên bố Ngài là bánh cho nhân loại, Chúa Giêsu đã hé mở thân phận và sứ mạng của Ngài – Emmanuel – Ngài chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Năm xưa Thiên Chúa ban manna từ trời xuống cho dân Israel. Tình yêu ban phát từ trời xuống. Ân huệ trao ban để cứu vớt dân Ngài.  Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy Ngài không đến từ bên trên, không chỉ ban phát ân huệ, mà Ngài ước ao được ở cùng với con người, ở trong con người.  Khi trở thành bánh, Ngài muốn đồng hóa với sự sống từ bên trong.  Khi trở thành bánh, Ngài muốn ở cùng người ăn bánh, chia sẻ vào cuộc sống của họ.

Tình yêu là thế đó. Tình yêu không phải là ban phát, trao tặng, nhưng là “ở cùng.”   Ở cùng đúng nghĩa là tình yêu trọn gói.  Khi cho ai một món quà là trao bao một phần sở hữu.  Khi cho đi chính mình là cho hết.  Ở cùng là chia sẻ thân phận với người mình yêu mến.  Ở cùng là hiện diện (being) với một ai đó, chứ chưa chắc là làm được (doing) điều gì cho họ.  Khi người mẹ ngồi bên giường bệnh chăm sóc cho con, bà không có năng lực làm cho con khỏi bệnh, nhưng bà hiện diện với con của mình, chia sẻ nỗi mệt nhọc của con.  Bà lấy nỗi đau của con làm nỗi đau của mình.

Trong cơn đau, con người thường mong Thiên Chúa làm một cái gì đó để cất đi chén đắng cuộc đời. Người ta thường cho rằng Chúa thương tôi thì Chúa phải làm điều gì đó cho tôi.  Tình yêu thì phải cụ thể hóa bằng hành động chứ.  Nói suông thì được ích gì?  Thế nhưng, con đường của Đức Giêsu lại không như thế. Thay vì cứu cho tôi khỏi chết thì lại chết cho tôi.  Thay vì chữa tôi khỏi đau thì lại cùng đau với tôi.  Đó chính là ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm Thánh Thể mà Tin Mừng Gioan muốn truyền đạt lại cho chúng ta trong Chương 6.

Không giống như các sách Tin Mừng khác, Gioan đã không đặt trọng tâm của phép Thánh Thể vào bữa tiệc ly, nhưng ông khai triển giáo lý về bí tích Thánh Thể ngay sau bữa ăn kỳ diệu bánh hóa nhiều.  Theo Gioan bí tích Thánh Thể phải được hiểu không phải như một dấu ấn của kỷ niệm, không phải như một bữa ăn chia tay của người sắp ra đi, nhưng phải được hiểu trong bối cảnh của một bữa ăn thấm đậm tình người, một bữa ăn sẻ chia những thực phẩm ít oi đã được thánh hóa.

Như thế, bí tích Thánh Thể là tình yêu đi vào cuộc sống.  Khi tôi ăn Bánh trường sinh và uống Chén cứu độ, tôi trở nên một với Đấng Hằng Sống.  Và Ngài nên một với tôi.

Hôm nay, khi chúng ta quây quần bên bàn tiệc Thánh, chúng ta lại một lần nữa xin ơn để nhận ra dấu chỉ của tình yêu, của một Thiên Chúa muốn cùng hiện diện với chúng ta trong cuộc sống.  Và rồi cũng như bàn tiệc năm xưa, cuộc sống chúng ta cũng cần được bẻ ra, trao ban cho người khác.  Có thể chúng ta không làm được gì nhiều để ủi an, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của kẻ khác. Nhưng ít ra, khi hiện diện với ai đó với hết cả tâm tình của mình, chúng ta đang đi vào cuộc đời của nhau.

Ân cần hiện diện, ân cần chăm sóc, ân cần chia sẻ, phải chăng đó chính là mầu nhiệm Thánh Thể đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta?

Antôn Phaolô, SJ

KÍNH NHỚ

Hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán, tôi vẫn cùng gia đình tham dự Thánh lễ đón mừng xuân mới, trong đó mùng 2 tết được Giáo hội Việt nam dành riêng để kính nhớ ông bà tổ tiên.  Ở họ đạo tôi, nghi thức kính nhớ được thực hiện trước Thánh lễ theo phong cách cổ truyền.

Trong trang phục áo dài khăn đống truyền thống, một vị niên lão và hai em nhỏ đứng hai bên, tay chắp 3 nén hương chậm bước đến trước bàn thờ tổ tiên dâng hương tưởng nhớ đến công ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, sau đó vái lạy rồi cắm nhang vào lư hương trong tiếng đàn nhẹ nhàng dìu cả nhà thờ cùng hát “Ngày chúng con sinh vào đời, nhờ có công ơn mẹ cha, là thái sơn bao la, bao la……trong giọt mồ hôi có vương cả máu đào, ôi tình mẹ cha nói lên tình Chúa.”  Theo làn hương trầm tỏa bay, lòng tôi cũng xốn xang tưởng nhớ về một cõi xa xăm vô định, đan xen là cảm xúc xao xuyến nghẹn ngào về một thời thơ ấu êm đềm, bên cha mẹ, anh chị em cùng ơn nghĩa sinh thành, hòa quyện vào đại dương bao la của tình yêu Thiên Chúa.  Trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng và tâm tình biết ơn sâu lắng, tôi chợt nghĩ, theo năm tháng thì tôi cũng là ông bà cha mẹ được con cháu kính nhớ, giật mình tôi tự hỏi “Hôm nay mình làm gì để mai sau con cháu gọi là công ơn?”  Tôi nghĩ mình chẳng có gì để gọi là công ơn với con, suy cho cùng là một chuỗi tình yêu được nối kết từ Thiên Chúa.  Thánh  Phaolô nói “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì trừ ra tình thương mến” không biết có đúng trong trường hợp này không?

Thời đại này sống thiên về chủ nghĩa cá nhân, thực dụng.  Càng khoa học mọi thứ càng được tính toán kỹ, tính từ khi sinh con “mỗi gia đình chỉ sinh 1-2 con”.  Tôi cảm giác con cũng là một quyền lợi, hạnh phúc của tôi chứ có công gì đâu.  Con cũng là một trong những mộng ước của tôi trong gia đình tương lai!  Và con còn là lý do để kiếm tiền, ai làm ra bao nhiêu tiền cũng nói để cho con, ông bà ta lại có câu “có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn” giàu nghèo gì nuôi con cũng lớn được hết.  Hơn nữa, cuộc đời ngắn ngủi về già lại phải cậy nhờ con.  Công sinh thành nuôi dưỡng là thế, chỉ còn dạy dỗ là nặng công nhất, thế mà tôi có bao nhiêu kiến thức để dạy dỗ cho con thành người được đâu.  Nếu ngoại trừ tình yêu gia đình huyết thống ra thì chẳng có gì là công ơn cả.  Thời đại này con cái hay gọi cha mẹ là ‘ông già, bà già” cho có vẻ mình là người lớn, không còn phụ thuộc.  Còn nhiều người trong chúng ta có thể suy nghĩ “tôi không cần con cháu kính nhớ”.  Theo thời đại này thì con cháu cũng sẽ kính nhớ theo kiểu thủ tục, tính toán cho khoa học.  Như vậy gia đình chúng ta chưa mắc nợ tình yêu với nhau, chúng ta mới nghĩ đến thế giới vật chất chứ chưa nghĩ đến sự vĩnh cửu và liên đới của tình yêu.

Thế gian đang níu kéo con người xuống chỉ để bằng với vật chất mà thôi.  Thế giới hiện đại công nhận con người là vốn quý, thế nhưng chỉ khai thác sử dụng vốn quý theo kiểu vật chất hóa, lợi nhuận hóa thỏa mãn ích kỷ cá nhân.  Xây dựng Thiên đàng trần thế với một tình yêu sòng phẳng, hạnh phúc có giá cả, có điều kiện, dựa trên giàu sang vật chất nên sẽ mau chóng tàn lụi, vì bản chất của nó là phù vân, tận cùng của hưởng thụ là hủy diệt, thân xác con người chỉ là cát bụi.  Trong khi các giá trị đạo đức nâng cao con người lên khỏi vật chất đang bị đảo lộn, đức khó nghèo, giữ gìn trinh tiết, bao dung, nhận hậu, vị tha, phục vụ trở thành lạc lõng, lỗi thời và lội ngược dòng.  Hành động bạo lực, sex, scandal, lập dị trở thành đẳng cấp trong giới thanh thiếu niên, mầm mống của đẳng cấp là kiêu ngạo, ganh ghét và loại trừ lẫn nhau, tình yêu của đẳng cấp là nỗi hận thù xăm trên cánh tay.

Thanh thiếu niên đang bị thời đại giành dựt, lường gạt, lựa chọn, phân loại, mất cả định hướng, chẳng còn tuổi thơ, chẳng còn là chính mình, nhào nặn với internet, quảng cáo, phim ảnh, truyền hình, trả giá cho mong muốn trở thành ngôi sao, thiên tài, nổi tiếng.  Cả tôi, những người đang làm cha mẹ cũng bị cơn sóng thời đại cuốn theo khi dạy con theo thời đại, dao động hoang mang trước những mời gọi chọn lựa hào nhoáng của trần thế, ham muốn tiền tài, địa vị, vì không có tiền con cũng bị thua thiệt, mặc cảm với đời.

Con đường Chúa dành cho con thích hợp với những khả năng Chúa ban cho nó chứ không phải con đường cha mẹ muốn.  Nhiều khi chúng ta cũng muốn điều tốt lành cho con nên đã hướng dẫn con theo ý muốn riêng của mình và đạt điều mình mơ ước, vì vậy chúng ta có thể làm cho con cái ngã lòng khi la mắng, nói oan, nặng lời, so sánh con với người khác, hoặc chê trách con, có khi ép con theo ý muốn của mình làm cho con buồn giận và nản lòng khi vô tình xem con như là tài sản trong tay.  Một lỗi lầm vô cùng tai hại mà chúng ta thường mắc phải là không có gương sáng, giả dối trong cách sống và cư xử với người chung quanh, ham mê của cải, coi trọng danh giá, con cái chúng ta sẽ nhìn thấy điều đó và cũng sẽ bắt chước sống giả dối .

Tôi không biết làm gì hơn trước cơn sóng thời đại và sự bất toàn yếu đuối của mình là dâng gia đình cho Chúa và cậy dựa vào sự quan phòng trợ giúp của Chúa để Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc nuôi dạy con.  Chúng ta có thể có nhiều lỗi lầm trong việc dạy con, nuôi con, nhưng nếu chúng ta nỗ lực tìm kiếm Chúa cho con cái, chúng ta mới là những bậc cha mẹ xứng đáng cho con kính nhớ và vâng phục.

Giêsu – Maria – Giuse  Con mến yêu, con xin dâng gia đình con trong tay Ba Đấng giữ gìn.

Chiều Thu

 

CĂN PHÒNG TỐI

Một lần Đức Giêsu vào thành nọ, Thánh Luca thuật rằng dân chúng tuốn ra đón Chúa đông lắm, trong số đó có một người tên Dakêu, có địa vị và giàu có cũng muốn gặp gỡ Chúa (Lc 19:1-10).  Đứng đầu những người thu thuế thì chắc phải lớn tuổi rồi.  Chỉ phải cái tội là ông lùn quá, mà đám người thì lại quá đông nên ông không thể thấy được Chúa.  Thiên hạ không ưa gì ông vì ông là trưởng ban thu thuế, là tay sai của những kẻ đô hộ La-mã để áp bức dân nghèo phải đóng thuế nặng nề, nên chẳng ai thèm nhường lối cho ông đến gần lối đi của Đức Giêsu.

Nếu lối đi của Chúa gần nhà, ông có thể đứng trên ban-công nhìn xuống thì chắc sẽ thấy rõ Chúa.  Tiếc nỗi con đường Chúa đi ngang qua không gần nhà ông, ông nhìn đám đông mà không biết có cách nào khả thi để có thể thấy được diện mạo của Chúa.  Ông đảo mắt nhìn quanh và bắt gặp một cây sung đang có một đám con nít đang leo lên, chúng nó ngồi trên cây như bầy khỉ.  Vì quá ao ước được thấy diện mạo của Đức Giêsu, ông đã làm một điều mà chẳng ai dám nghĩ đến.  Đó là leo lên cây.  Ông đã leo lên cây thì cũng có nghĩa là ông đã phải cởi bỏ thân phận của một người có địa vị, giàu có, và lớn tuổi, vì chẳng ai có thế giá mà lại leo cây ngồi như khỉ, chẳng có người giàu nào mà lại leo cây, và cũng chẳng có ông già nào mà lại leo cây.  Ông đã bỏ lại phía dưới cây “cái áo” địa vị, giàu sang và tuổi tác, thì ông mới leo lên cây được.  Vì lòng ao ước gặp Chúa, ông đã lướt lên trên những gò bó của phong tục, tập quán, và lề luật, vượt lên trên những tiếng xầm xì chung quanh.  Ông ngồi cùng đám con nít như con khỉ già giữa bầy khỉ con đong đu trên cây.

Đức Giêsu vào thành tới ngay chỗ cây sung ấy và Ngài nhìn lên cây, mọi người nhìn lên cây theo và họ ngạc nhiên khi thấy có một con khỉ già mà họ chẳng ưa đang ngồi trên đó.  Đức Giêsu ngắm nhìn Dakêu ở trên cây khi ông đang mặc chiếc áo truyền thống Do-thái, loại áo Anba/Alb trắng mà linh mục mặc ở trong cùng với áo Lễ mặc bên ngoài.  Đứng ở dưới nhìn lên Dakêu trong lớp áo phùng phình đó, chắc hẳn Đức Giêsu thấy hết cả bên ngoài lẫn bên trong con người Dakêu.  Dakêu trở nên trần trụi trước Nhan Chúa và ông đã để cho Chúa ngắm ông trọn vẹn.  Ông bắt gặp một ánh mắt mà đã lâu lắm rồi ông không được thấy – Ánh mắt nhân từ trái tim giàu lòng thương xót.

“Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”  Từ kinh ngạc đến ngỡ ngàng, một vị tiên tri, một đấng thánh, mà lại đến nhà một tên tội lỗi như mình sao!  Dakêu mừng rỡ, hạnh phúc cùng tột.  Ông sung sướng đến độ dám cho cả nửa gia tài của ông.  Ông mời Chúa Giêsu về nhà, ngôi nhà rộng lớn có đến mấy chục phòng với đầy đủ tiện nghi và hàng tá đầy tớ.  Dakêu dẫn Chúa đi một vòng giới thiệu căn nhà rộng lớn của mình, nào là phòng ăn, phòng ngủ, phòng đọc sách, phòng kế toán, phòng thể dục, phòng tắm với bể bơi rộng lớn,… khi đến trước một căn phòng lớn kín mít mà lại có ổ khóa to tướng, Dakêu ngại ngùng: “Thưa Thầy, phòng này là phòng riêng của tôi, từ xưa tới nay chỉ có một mình tôi được vào, con tôi, vợ tôi cũng không được vào.” “Thế ông có cho phép tôi vào không?”  Đức Giêsu nhìn Dakêu một cách trìu mến và hỏi.  Ngần ngại một chút và rồi Dakêu mở cửa mời Chúa bước vào.

Căn phòng tối đen như mực, nó được thiết kế để không một ánh sáng nào có thể lọt vào, Dakêu thắp một cái đèn dầu để giới thiệu với Chúa: “Trong phòng này có nhiều ngăn lắm, và ngăn nào cũng tối đen như vậy, … đây là ngăn chứa tiền của mà con thu góp được, còn ngăn này thì con đặt tên cho nó là ngăn Ô Nhục, mỗi lần con đến gặp các quan đô-hộ La-mã thì con phải quỵ luỵ, lạy lục van xin, để có thể trông nhờ kẻ quyền hành bảo vệ con, nhiều lúc chúng đối xử với con như con chó của chúng vậy, mỗi lần gặp họ xong thì con về nhà và vào ngay cái ngăn này để giũ bỏ những điều cay đắng bỉ ổi đó ở đây.  Còn đây là ngăn Nhục Nhã, mỗi lần đi ra đường là con lại thấy những con mắt nhìn con khinh bỉ, những tiếng xì xầm chửi rủa, con lại về vứt bỏ sự ê chề đó vào cái ngăn này.”  Chúa Giêsu ngắm nhìn Dakêu và lắng nghe ông tâm sự, ông cảm thấy Chúa không lên án ông như những người khác nên an tâm, ông đọc được trong ánh mắt của vị khách này lòng thương xót và sự đón nhận, ông tiếp: “Thưa Thầy, còn đây là ngăn Mơ Mộng, mỗi lần bực dọc điều gì hay chán nản, trống rỗng, thì con lại vào đây, con ngồi mơ mộng với những gốc xoài, gốc mít đồi trụy của cõi lòng con.  Còn đây là ngăn ‘Giải Quyết’, tuy đôi khi con cũng thấy bất nhân thất đức nhưng vẫn cứ ra lệnh cho bọn đàn em vô loại hành hạ những kẻ không đóng thuế cho con.  Con còn nhiều ngăn lắm…” và Dakêu đã dẫn Chúa đến từng ngăn tăm tối của cuộc đời mình.

Đức Giêsu vẫn âm thầm lắng nghe từng lời từ tận đáy lòng của Dakêu, và đây cũng là lần đầu tiên Dakêu dẫn một người vào căn phòng tối tăm của mình và chia sẻ tất cả nỗi lòng buồn vui.  Khi Chúa đến viếng thăm, Chúa tha thứ, ủi an, và ban phát bình an và ân sủng.  Dakêu mở lòng tới đâu thì bình an và ân sủng của Chúa tràn ngập vào đến đấy.  Dakêu rơi lệ sung sướng vì cảm nhận được sự chúc phúc và bình an của Thiên Chúa.  Cả đời ông chưa một lần được hạnh phúc ngập tràn như vậy, ông oà khóc sung sướng như em bé trước mặt Chúa.  Từ những giọt nước mắt mặc cảm tội lỗi, biến thành những giọt nước mắt của tình thương, ân sủng, và tha thứ.

Ngày hôm nay Thiên Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta: “Này con, hôm nay Cha phải ở lại nhà con!” Tôi có đón Chúa đến nhà tôi không?  Tôi có dẫn Chúa đi thăm từng ngõ ngách căn nhà tâm hồn của tôi không?  Đâu là những căn phòng tối đen của lòng tôi mà lâu nay chỉ có một mình tôi vào thôi, mà ngày hôm nay Chúa muốn tôi cho phép Ngài cùng vào với tôi?  Cái gì cản trở tôi không cho Chúa vào những căn phòng ngập tràn bóng tối đó?

*****

Lạy Chúa, căn phòng tối của con có nhiều ngăn lắm, nào là ngăn tiền tài, ngăn chức vụ quyền lực, ngăn địa vị danh giá.  Con lại còn có những ngăn hận thù, ngăn dục vọng, ngăn thành kiến, ngăn chỉ trích, ngăn tự ti mặc cảm, ngăn sợ hãi, ngăn đam mê lướt web, chat, games online, email, di động, ngăn phim bộ, ngăn shopping, ngăn mộng mơ, ngăn thất bại, ngăn tuyệt vọng.  Con có một cái ngăn con kể cho Chúa nghe nhưng xin Chúa đừng cười nghe, đó là ngăn khóc lóc.  Khi tức tối, uất hận với ai điều gì thì con lại vào đây ngồi xụt xịt một mình trong một góc cô đơn tăm tối.  Có những cái ngăn tối lắm, con chẳng dám cho ai vào xem bao giờ, và con đã chưa một lần thắp đèn lên vì nó dơ bẩn và hôi hám.

Lạy Chúa, xin hãy đến, xin Chúa đừng chỉ đến nhà con, mà xin Chúa nhắc con mời Chúa đến căn phòng tối nhiều ngăn của con, để con cho Chúa đồng cảm với con, để con chia sẻ với Chúa nỗi bất lực vì con không có sức để tự thoát ra khỏi vũng bùn nhơ, để con cảm nhận ánh mắt hiền từ và tha thứ của Chúa.  Xin Chúa ban Thần Khí Chúa cho con để con tin tưởng, can đảm và an tâm mở hết các ngăn trong căn phòng tối của tâm hồn con ra, để ánh sáng sự sống và sự sống lại tràn vào tâm hồn con, để con được sống hạnh phúc và tự do làm con Thiên Chúa. Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
July 18, 2009

ĐÀO TẠO TRÁI TIM

Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”.  Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”.  Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn.  Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân.  Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.

Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương.  Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về.  Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ.  Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán.  Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát.  Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân.  Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người.  Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.

*****

Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt.  Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ.  Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối.  Lòng cảm thương ai cũng có.  Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm.  Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện.  Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc.  Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm.  Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua.  Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực.  Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa.  Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người.  Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư.  Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa.  Chúa có thể làm được mọi sự.  Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người.  Người có thể biến đá thành bánh.  Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé.  Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết.  Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc.  Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc.  Hãy đóng góp phần của mình.  Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”.  Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết.  Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn.  Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có.  Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại.  Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé.  Có lẽ em đi bán bánh.  Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa.  Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.

Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm.  Đói khát và thừa mứa.  Thiếu thốn và phung phí.  Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới.  Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa.  Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa.  Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm.  Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban.  Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người.  Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn.  Tiết kiệm để chia sẻ.  Tiết kiệm vì công bình.  Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại.  Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.

Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng.  Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại.  Nhưng vật chất không phải là tất cả.  Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được.  Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời.  Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác.  Đó là nạn đói văn hóa.  Đó là nạn đói đạo đức.  Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng.  Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng.  Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt.  Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực.  Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện.  Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.

Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta.  Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại.  Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em.  Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa.  Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.

Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen!

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

 

BÀI TẬP THEO GIÁO ÁN

Hôm đó là một ngày bình thường.  Học trò đến trường trên xe buýt cùng với sự ồn ào nhộn nhịp thường ngày khi chúng chào hỏi nhau.  Tôi nhìn vào sổ giáo án và cảm thấy tốt hơn hết nên sẵn sàng cho một ngày làm việc.  Tôi biết hôm nay là một ngày đẹp trời và tôi phải hoàn thành thật nhiều việc.  Chúng tôi ngồi đúng vị trí của mình xung quanh bàn học được sắp xếp thật đẹp cho một lớp tập đọc.  Việc đầu tiên trong sổ tay của tôi là kiểm tra tập bài làm để xem những bài tập cần thiết có được làm xong chưa.

Khi tôi đến bên Troy, cậu bé cúi đầu xuống khi đẩy bài tập chưa kịp làm ra trước mặt tôi.  Troy cố gắng thu người lại sau ánh mắt của tôi vì đang ngồi sát cạnh tay phải tôi.  Đương nhiên tôi nhìn vào bài tập đang dở dang và nói: “Troy, bài này chưa làm xong”.

Cậu bé nhìn lên tôi với cặp mắt van nài khẩn thiết nhất mà tôi chưa từng thấy ở một đứa trẻ và nói: “Đêm qua em không thể làm bài được vì mẹ em đang hấp hối.”

Tiếng nức nở bắt đầu nối tiếp nhau rộ lên trong toàn lớp học.  Thật may làm sao khi Troy ngồi gần bên tôi, vì tôi có thể vòng tay ôm lấy cậu ta và để cậu tựa đầu vào ngực mình.  Không ai có thể không tin rằng Troy đang bị tổn thương, sự tổn thương nặng nề đến nỗi quả tim nhỏ bé của cậu có thể vỡ tan ra.  Tiếng nức nở của Troy vang vọng khắp phòng và nước mắt tuôn rơi không ngơi.  Tất cả học sinh ngồi chết lặng, lệ ứa đầy mi.  Chỉ còn tiếng thổn thức của Troy phá đi sự tĩnh mịch của buổi sáng hôm ấy.  Một cậu bé chạy nhanh tới đưa hộp khăn giấy khi tôi siết chặt Troy vào lòng.  Tôi có thể cảm thấy được chiếc áo tôi ướt đẫm những giọt nước mắt quý báu đó.  Thật bất lực làm sao, tôi đã không ngăn được dòng lệ tuôn rơi trên đôi má của cậu bé.

Đứng trước câu hỏi: “Tôi có thể làm gì cho một đứa trẻ bị mất mẹ?” Chỉ có một ý nghĩ duy nhất đến trong tâm trí tôi, đó là: “Yêu thương cậu bé… tỏ cho cậu thấy sự quan tâm của mình… cùng khóc với cậu ta”.  Dường như tai họa to lớn đang chụp xuống cuộc đời non trẻ của cậu bé và sự giúp đỡ của tôi thật nhỏ nhoi.  Cố ngăn dòng lệ, tôi bảo cả lớp: “Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho bạn Troy và mẹ bạn”.  Những lời cầu nguyện thật tha thiết cùng vang lên tận trời cao.  Một lúc sau, Troy nhìn lên tôi và nói, “Em nghĩ mình có thể bình tâm lại được rồi”.  Kiệt sức vì khóc, cậu bé đã trút bớt được gánh nặng trong tim.  Chiều tối hôm đó, mẹ của Troy qua đời.

Khi tôi đến viếng đám tang, Troy chạy ùa đến chào đón tôi.  Có vẻ như cậu đang chờ tôi, người mà cậu mong rằng sẽ đến.  Troy ngã vào vòng tay tôi và ở lại đó một lúc.  Cậu dường như đã lấy lại được sức mạnh và lòng can đảm.  Sau đó cậu dẫn tôi lại bên quan tài.  Nơi đây, cậu đã có thể nhìn vào mặt mẹ mình, đã có thể đối diện với cái chết mặc dù cậu có thể chẳng bao giờ hiểu được sự thần bí của nó.

Đêm hôm ấy, khi lên giường ngủ, tôi tạ ơn Chúa đã ban cho tôi sự khôn ngoan để bỏ qua bài tập theo giáo án đã soạn ra mà ôm trái tim tan vỡ của Troy vào lòng.

Sister Carleen Brennan – Lưu Dung biên dịch

*****

Chúa ơi, đã bao lần con vô tình trước những nỗi đau và những giọt nước mắt thầm lặng của những người anh em xung quanh con.  Xin cho con biết bỏ qua những dự định, những toan tính của mình trong cuộc sống để biết dừng lại an ủi, chia sẻ, để được cùng khóc với những người mà Chúa đã cho con gặp gỡ trên đường đời.  Xin cho con biết mở rộng trái tim để ôm ấp họ vào lòng như Chúa đã từng ôm con vào lòng.  Amen!

CHIẾC ÁO

Sau khi ăn trái táo, Evà thấy mình trần truồng nên kết lá vả che thân (Stk. 3:1-7). T rong hình ảnh này, tội liên hệ tới áo che thân.

*****

Những chiếc áo

Nhiều người tạo giá trị đời mình bằng cách sắm sửa quần áo đắt tiền.  Nhiều kẻ đánh giá sai một người cũng chỉ vì áo quần người đó che thân.

Nhiều lần Chúa khó chịu vì các thầy tư tế thích trang phục cho mình những áo tua rộng, ngồi chỗ nhất trong hội đường.  Có “áo tua rộng”, khuynh hướng tự nhiên là thích “ngồi chỗ nhất trong hội đường” để được chú ý.  Bằng ấy năm theo Chúa, chẳng thấy Chúa may cho các môn đệ lấy bộ áo đồng phục.  Chúa cứ bảo dấu hiệu người ta nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau. Bây giờ thì khác, giáo phái nào cũng có đồng phục.  Ðoàn thể nào cũng thích có áo đồng phục.  Không có đồng phục, sợ rằng người ta không nhận ra mình là ai.

Bác ái vô hình quá, chứng nhân bằng bác ái khó hơn làm nhân chứng bằng manh áo.  Ðối với manh áo, cứ có tiền là sắm được.  Cứ mặc lên là xong, người ta nhìn thấy ngay.  Có khi càng có đồng phục đẹp, càng nghĩ mình là chứng nhân trung thực. Có khi càng nghèo nhân đức càng cần tấm áo thật đẹp. Chứng nhân bằng bác ái khó lắm.

Cả đời Ðức Kitô, có một lần Phúc Âm nhắc đến áo, lại là lần mất áo. “Chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau” (Mt.27:35).

Chúa lấy nghèo khó, làm nhân chứng lòng thương xót.

Lấy can đảm, cắt nghĩa sự quý trọng chân lý.

Lấy đau khổ, diễn giải lòng trung thành.

Chúa không lấy tấm áo làm biểu hiệu chứng nhân. Biết đâu những tấm áo tôi mặc hôm nay chẳng làm tôi thành nhân chứng mà chỉ là tấm áo ẩn náu, che đi những yếu đuối vì tôi không có khả năng làm chứng nhân.

*****

Có tội, Ađam – Evà mới tìm áo che thân.  Như vậy, áo che thân cũng là áo che tội. Theo câu chuyện thiếu áo che thân của nguyên tổ trong địa đàng thủa xưa, áo và tội liên quan với nhau.  Biết đâu, hôm nay cũng có những tấm áo chỉ để làm nổi bật sự quan trọng mà thực sự họ chẳng có.  Hoặc để che đi những gì họ có mà chẳng tốt lành.

*****

Người nghèo thường phải mặc áo rách.  Kẻ nghèo hơn nữa thì không có áo.  Hình ảnh những nô lệ, không thấy họ mặc áo.  Nghèo là sự trần trụi của con người.  Ai cũng cần tấm áo để che đi cái trần trụi ấy.  Cái áo làm đẹp con người.  Thiếu áo, khổ thật.  Nó là dấu chỉ của thấp hèn, của túng thiếu.  Chả ai muốn nghèo.

Ở quê hương tôi có nhiều người thiếu áo.  Có những bà mẹ lam lũ mà không sắm được cho con tấm áo vào ngày đầu năm.  Dì tôi ngồi ở hiên nhà nhặt những hạt đậu sâu. Bàn tay đen sậm, cáu ghét vì đồng áng lam lũ.  Nắng hầm hập trên mái tôn thấp.  Những sợi tóc muối tiêu vương vãi trên lưng áo im lặng.  Tôi nhìn chiếc áo, áo của dì rách quá.  Cái áo ấy không bằng chiếc giẻ lau ở đây.  Cũng là con người, nhưng hai miền đất, hai hạnh phúc khác nhau.  Tôi ở một nơi rất xa nơi dì tôi ở.  Sự giàu có ở đây làm tôi khó nhớ tới những manh áo rách nơi đó.

Nếu Evà vì tội phải cần tấm áo che thân, thì mỗi manh áo tôi che trên mình đều có ý nghĩa.  Manh áo ấy có nhắc tôi về tội tôi đang giấu giếm?  Những tương quan của manh áo này với manh áo nọ trong cuộc đời chắc hẳn cũng có những ý nghĩa.  Ðâu là ý nghĩa chiếc áo của những người nghèo như dì tôi đang mặc?  Nó liên hệ thế nào với chiếc áo của tôi nơi phương trời này trong thân thể Chúa Kitô, nơi mọi người đều là anh em?

*****

Chiếc áo đẹp nhất

Câu chuyện người con hoang đàng trong Phúc Âm Luca kể rằng: Anh ta còn ở đàng xa, người cha đã trông thấy.  Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh, hôn lấy hôn để.  Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ: “Mau mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu…” (Lc. 15:20-22).

Bỏ nhà, anh ta phải đem những áo tốt nhất đi theo.  Vậy sao lại còn cái “áo đẹp nhất”?  Dựa theo mạch văn của bài tường thuật, ta có thể biết được nguồn gốc của cái áo ấy.

Người cha sai đầy tớ về bắt con bê đã “vỗ béo” ăn mừng.  Theo bản văn, không phải bắt con “bê béo” mà con bê đã “vỗ béo”.  Bê đã “vỗ béo” khác con “bê béo”.  Vỗ béo là con bê đã được săn sóc cách riêng cho béo.  Nó là con bê được nuôi nấng từ lâu cho một mục đích chờ sẵn.

Bắt con bê béo làm tiệc cũng là quý rồi, nhưng việc ấy chỉ nói lên phần đãi ngộ khi người con trở về.  Còn con bê “vỗ béo” là đãi ngộ ngay khi người con chưa trở về.  Có nghĩa là khi còn trong tội lỗi, người cha đã cưu mang một lòng bao dung thương nhớ con mình.  Chưa trở về đã đãi ngộ bằng sửa soạn một con bê.  Hai điều đó khác nhau, diễn tả hai ý nghĩa rất khác biệt.

Nếu người cha nuôi con bê cách riêng cho béo, hy vọng là có ngày người con về, thì chiếc áo kia hẳn phải là áo ông may sẵn.

Ra đi, nó không để lại những đôi giầy quý, bỏ lại những cái áo hảo hạng.  Lúc ông bảo đầy tớ về lấy áo, người đầy tớ không thắc mắc chiếc áo nào, áo của ai, không thắc mắc áo của người anh hay áo của chính ông chủ, người đầy tớ hiểu đích xác chiếc áo nào.  Qua cách truyền lệnh ấy, dường như giữa người đầy tớ và ông cha già đã có những lần nói chuyện về cái áo và mục đích của nó để làm gì.  Bởi thế, khi nói lấy chiếc áo đẹp nhất, người đầy tớ không cần hỏi han chi, họ biết ngay áo nào rồi.

*****

Sau khi bảo đầy tớ về bắt bê đã vỗ béo ăn mừng, Phúc Âm Luca kết luận: “Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (Lc. 15:24).  Lời kết luận trên đây nói về một cuộc sống mới, về bình minh của phục sinh.  Sự phục sinh là chiếc áo mới.  Không phải đợi con về mới có chiếc áo mới.  Chiếc áo ấy đã may sẵn.  Như thế, trong lúc tôi phạm tội, khi tôi trong bóng tối sự chết,  Chúa đã gieo mầm phục sinh cho tôi.

Lạy Chúa, nói chiếc “áo đẹp nhất”, con muốn hiểu không phải đẹp trong ý nghĩa tơ lụa, mà là ngày tháng nối những ngày tháng, người cha cứ nghĩ đến đứa con. Ông nhớ nó trong những đường may nối những đường may.  Con muốn hiểu tình thương của Chúa trong chiều sâu đó.

Ngày xưa, trưa hè vắng, mẹ ngồi vá áo cho con.  Ngón tay mẹ đưa những mũi chỉ.  Tuổi thơ chỉ thích nô đùa làm rách áo.  Nhìn lại tháng ngày thơ bé ấy, bây giờ con biết mỗi mũi chỉ là mỗi tình thương.  Với cái chết khổ nạn, Chúa may áo mới cho con.  Biết công ơn của mẹ thì nay đã xa, con muốn cầu nguyện báo hiếu cho những ngày tuổi thơ ấy.

*****

Lạy Chúa, con muốn gìn giữ chiếc áo cứu rỗi Chúa ban cho con.  Tiếc làm sao nếu rách chiếc áo linh hồn.

Trong cuộc sống giữa đời thường, xin cho con thông cảm giá lạnh của những người thiếu áo.

Con cũng xin ơn đừng vì tấm áo mà làm hoen ố Giáo Hội, áo tu sĩ, áo trí thức, áo quan tòa, áo đoàn thể, áo chủ tịch.  Những tấm áo chức vị ấy, những chiếc áo đồng phục kia có cần thiết để biến con thành nhân chứng?  Hay nhiều khi chỉ làm hoen ố những chứng nhân.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J – Cô Ðơn Và Sự Tự Do

 

 

CẦU NGUYỆN VÀ KIỂM ĐIỂM

Các đệ tử hăng say tranh cãi về nguyên nhân dẫn đến đau khổ của nhân loại. Người này bảo là do tính ích kỷ.  Người kia thì nói là do ảo tưởng.  Kẻ khác thì cho là không biết phân biệt giữa hiện thực và không hiện thực.

Khi được hỏi ý kiến, Minh Sư trả lời: “Mọi đau khổ đến từ sự việc con người không thể ngồi thinh lặng một mình.”

 ***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến sự thịnh lặng một mình nơi thanh vắng: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút ” (Mc.6:31).  Đó chính là lời mời gọi của Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi các ông tụ họp chung quanh Chúa Giêsu sau một chuyến đi thực tập truyền giáo trở về.  Các ông đã sung sướng kể lại cho Thầy mình những thành quả tốt đẹp, những công việc mà các ông đã làm.  Nghe xong, Chúa Giêsu đã mời các ông đi vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, để cầu nguyện và cũng để kiểm điểm những biến cố mà các ông đã gặp và đã sống.

Cầu nguyện thật quan trọng biết bao, vì cầu nguyện là kết hợp mật thiết với Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài.  Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành việc của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh.  Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém.

Cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp ta chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa.  Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Con người ngày nay biết được nhiều sự, nhưng có một sự cần biết hơn cả thì con người lại mù tịt, đó là “biết chính bản thân mình”.  Con người ngày nay cũng khám phá ra nhiều thứ, từ những bí mật dưới lòng biển cho đến những tinh tú trên trời cao, nhưng cái cần khám phá hơn cả thì con người lại quên lãng, đó là “khám phá chính tâm hồn của mình.”  Kiểm điểm đời sống giúp ta biết rõ bản thân của mình, giúp ta khám phá chính tâm hồn mình.

Từ ngàn xưa, người ta đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc biết mình. Vì không biết mình thì khó mà khiêm nhường, không khiêm nhường thì khó mà nhân đức, không nhân đức thì khó mà được vào nước trời. Không biết những lỗi lầm sai sót của mình thì làm sao có thể uốn nắn mà trở nên hoàn thiện.

***

Giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công; ê chề của thất bại…Bạn và tôi, chúng ta hãy dành một chỗ rất riêng tư cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muốn; những trói buộc của sợ hãi và âu lo… Bạn và tôi, chúng ta hãy dành một chỗ rất riêng tư cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời khước từ, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm tối mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa… Bạn và tôi, chúng ta hãy dành một chỗ rất riêng tư cho Giêsu, hãy trở về  bên Ngài, một mình ta với Ngài trong trầm lắng và bình an.

Giữa những ngược xuôi chao đảo của giòng đời…Lạy Chúa! Xin cho con biết dùng những giây phút thinh lặng để nghỉ ngơi và cầu nguyện, để tính sổ cuộc đời, và để nhìn lại chính mình.  Xin giúp con biết quay về bên Chúa, để gặp gỡ Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa trong Kinh Thánh;  nhờ đó con được lãnh nhận sức mạnh Chúa ban để tiếp tục lên đường trong yêu thương và phục vụ. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

TIỀN

Sức mạnh của tiền quả thật đáng sợ.  Vậy mới nói: Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý.

Tiền có thể là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại trở thành ông chủ xấu.  Tiền có thể xây dựng, nhưng cũng có thể phá đổ.  Có thể phát triển nhưng cũng có thể huỷ diệt mọi công trình vật chất cũng như tinh thần.  Ham tiền là tôn vinh tiền lên làm chủ lòng mình.  Tiền sẽ làm mê hoặc lòng người.  Tiền có thể biến con người trở nên bất hiếu, đánh mất nhân cách, giảm đi nhân phẩm, có khi trở thành bất trung và bất nghĩa nữa.

Vì thế, “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền bạc được” (Lc 16,13).

Ta vẫn nghe nói, có tiền mua tiên cũng được.  Nhưng chưa chắc, vì:

Tiền có thể mua được lương thực, nhưng không mua được no ấm.
Tiền có thể mua được mái nhà, nhưng không mua được mái ấm.
Tiền có thể mua được giường, nhưng không mua được giấc ngủ.
Tiền có thể mua được đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.
Tiền có thể mua được đồ dùng, nhưng không mua được niềm vui
Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được sức khoẻ.
Tiền có thể mua được bằng cấp, nhưng không mua được tri thức.
Tiền có thể mua được kiến thức, nhưng không mua được nhân cách.
Tiền có thể mua được phương tiện, nhưng không mua được mục đích.
Tiền có thể mua được quyền, nhưng không mua được trân trọng.
Tiền có thể mua được hưởng thụ, nhưng không mua được bình an.
Tiền có thể mua được phục vụ, nhưng không mua được chăm sóc.
Tiền có thể mua được bạn bè, nhưng không mua được tình nghĩa.
Tiền có thể mua được máy nghe, nhưng không mua được chia sẻ.
Tiền có thể mua được trái tim, nhưng không mua được tình yêu.
Tiền có thể mua được thân xác, nhưng không mua được tâm hồn.
Tiền có thể mua được đời này, nhưng không mua được đời sau.
Tiền có thể mua được hoả ngục, nhưng không mua được thiên đàng.
Tiền có thể mua được con người, nhưng không mua được Thiên Chúa.

Tiền có thể mua được, nhưng lại không mua được.  Được hay không tuỳ thuộc vào cách sử dụng tiền bạc của mỗi người.  Nhưng hãy cẩn thẩn, vì:

Tiền có thể làm cho trí khôn u mê.  Để đề phòng, Chúa Giêsu đã căn dặn các tông đồ kỹ lưỡng: “đừng mang theo hai áo, bánh, bị, giày dép, hay tiền dắt lưng” (Mc 6,8).  “Phải cẩn thận xa rời mọi hình thức tham lam”.  Kết quả: “Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con” (Lc 10,17). Tham lam được trá hình bằng cách tích góp để…xây dựng công trình này, dự án kia; gây quỹ cho hội này hội nọ.

Tiền có thể làm cho tâm hồn vô cảm.  Giuđa là một điển hình.  Anh thản nhiên khi Chúa Giêsu loan báo về sự phản bội của một người trong nhóm.  “Anh lạnh lùng giơ chân cho Chúa rửa” (Ga 13,6). Anh đổi cái hôn tình nghĩa để lấy tiền.  “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ trao nộp Người cho các ông” (Mt 26,15).  Thiên Chúa đã thành vật sát tế cho tính tham lam của con người.

Thánh Phaolô nói: “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin” (1Tm 6,10).  Tham tiền dập tắt mọi thứ tình cảm quý giá: bác ái, đức độ nhân cách, và tự lòng trọng v.v…  Tham tiền là ta sống nhưng tâm hồn đã chết.

Tiền có thể làm cho ý chí chai lì.  “Ai ham thích nên giàu có dễ sa vào lưới ma quỉ, mắc nhiều đam mê vừa bất lợi vừa nguy hại, nhận chìm họ xuống chốn hư vong” (1Tm 6,9).  Biển báo đỏ bảo ta đừng lại: “Giuđa đã đi thắt cổ” (Mt 27,5).

Tiền có thể làm cho ta trở nên tham lam.  Bằng cách đầu tư tích trữ, thu gom cho riêng mình, lấy của chung bỏ túi riêng, mà không phục vụ hay chia sẻ cho ai.

Ta hãy nhớ, con người có trách nhiệm phải làm cho vũ trụ giàu có và phồn vinh; xanh tươi và phát triển; thăng tiến và hoàn hảo hơn về mọi mặt.  Nghĩa là của cải vật chất phải được chia sẻ, làm lợi cho tha nhân chứ không dành cho bản thân.  Vì ta không phải là chủ của vật chất mà chỉ là người đón nhận ân phúc rồi tiếp tục chia sẻ ân phúc cho người khác mà thôi.

Sách Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp, và phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.  Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực.  Còn mọi loài dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực” (St 1, 28-30).

Thanh Thanh – VietCatholic

 

YÊU THƯƠNG ĐỜI

Ngày xưa, có lần một cậu học trò nói với tôi: ”Thầy ạ, em thích nhạc Lê Hựu Hà, nhưng có một câu hát em không đồng ý.” Tôi hỏi, ”Em không đồng ý câu gì?”  Cậu học trò đáp: ”Đó là câu: Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương đời…  Em nghĩ, yêu là một tình cảm rất tự nhiên, yêu là tự lòng mình yêu, tự trái tim mình rung động. Yêu mà lòng phải ép uổng, yêu mà bảo trái tim phải cố gắng rung động, em nghĩ không phải là yêu nữa!”

Tôi đã nhìn thật sâu vào đôi mắt cậu học trò để cố tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra cho cậu, khiến cậu không muốn ”cố gắng yêu thương đời” như thế.  Cậu học trò người miền Trung, hiếu học và đa tài, cha mất sớm chỉ còn mẹ.  Bà mẹ quê muốn con có tương lai mà không biết phải làm gì với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, bà để mặc cho con tự định liệu.  Cậu bé rời bỏ miền Trung khô cằn tìm đến Sài Gòn hoa lệ xin vào sống trong cô nhi viện Lâm Tì Ni do các ni cô Phật giáo coi sóc, rồi chạy vạy kiếm tiền đi học trường tư.  Cuộc sống đặc biệt hơn những bạn bè cùng lớp khiến cậu trưởng thành sớm, hay suy tư và thường có những câu hỏi về ý nghĩa đời người.  Tôi biết chắc rằng cậu đã gặp nhiều đắng cay, chua chát trong cuộc sống.

Ngày hôm ấy, tôi không trả lời cậu học trò.  Tôi cảm thấy phần nào đó cậu có lí.  Mới hai mươi mấy tuổi, tôi không đủ kinh nghiệm trường đời để trả lời cho cậu học trò chỉ kém mình bảy, tám tuổi về một vấn đề sâu xa của kiếp người.  Tôi rủ cậu đi uống cà phê, và để cho câu nhận xét về chuyện ”cố gắng yêu thương đời” của cậu bé theo những giọt cà phê đắng thấm vào tâm can tôi.

Chuyện xảy ra đã hai mươi năm.  Bây giờ tôi đã lớn, đã sống cuộc sống của tôi, qua bao nhiêu đoạn đường, bao nhiêu thăng trầm trôi nổi, bao nhiêu ngọt ngào cay đắng, bao nhiêu thương ghét, vui buồn… và tôi khám phá ra rằng có thứ tình yêu tự nhiên, nhưng bên cạnh đó, cũng có thứ tình yêu phải cố gắng.  Cả hai thứ tình yêu này đều có giá trị riêng và đều đáng quí.  Người biết yêu là người không từ chối, hay nói đúng hơn, không để lòng mình hạn hẹp ở trong một thứ tình yêu nào cả.

Yêu cha, yêu mẹ, với tôi là một tình yêu tự nhiên, không có vấn đề cố gắng hay không cố gắng. Yêu cha mẹ, điều ấy đương nhiên quá.  Nhưng nếu phân tích ra, thì tình yêu ấy đương nhiên, trước hết vì Thiên Chúa đã đặt một mối dây thân tình ruột thịt giữa cha mẹ và con cái.  Sợi dây ấy vô hình nhưng ràng buộc cha mẹ, con cái một cách bền chặt, sâu đậm.  Thứ nữa, vì cha mẹ tôi yêu tôi quá, tốt với tôi quá hi sinh cho tôi nhiều quá… làm sao tôi không yêu cha mẹ tôi cho được.

Rồi khi có người tình, tôi yêu người tình say đắm, yêu khi người ấy dễ thương với tôi, và cả khi người ấy dễ ghét.  Tôi như khám phá ra tôi, tìm được chính bản thể tôi trong người ấy.  Lắm khi tôi lạ lùng tự hỏi, tại sao mình yêu người ấy đến như thế, dù người ấy không gần gũi tôi như cha mẹ tôi, không có một thời gian sống cạnh nhau lâu dài để mà biểu lộ lòng hi sinh cao độ như cha mẹ tôi đã biểu lộ, cũng chưa từng chia sẻ với tôi một cách tận cùng những khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống. Thế mà tôi vẫn cứ yêu, yêu đắm say, cuồng nhiệt.  Sau này, tôi biết được trong tình yêu nam nữ, có ba loại tình.  Thứ nhất là tình ”nếu”.  Tôi yêu người ấy, nếu người ấy thế này hay thế khác. Tình “nếu” chỉ là thứ bánh vẽ, thực ra thì tôi không yêu, bởi vì người ấy có như thế đâu?  Thứ hai là tình ”vì”.  Tôi yêu người ấy, vì người ấy thế nọ, thế kia.  Tình ”vì” là thứ tình có điều kiện, và thường là vụ lợi.  Nếu người ấy không còn những cái mà ”vì ” nó, tôi yêu người ấy, thì có nghĩa là khi người ấy mất những cái đó, tôi không còn yêu nữa!  Thứ ba là tình ”mặc dầu”, tôi yêu người ấy, ”mặc dầu” người ấy sẽ như thế nào đi nữa.  Tình ”mặc dầu” là tình vô điều kiện, tình quảng đại và vững bền.  Tôi nghĩ tình của tôi dành cho người tình là thứ tình “mặc dầu” ấy.

Tôi yêu vợ con, với thứ tình vừa nồng nàn vừa êm đềm gắn bó của tình nghĩa.  Một thứ bổn phận, trách nhiệm ràng buộc tôi với vợ con.  Tôi mang bổn phận, trách nhiệm ấy như mang một thứ ”ách êm ái, nhẹ nhàng” khiến cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa.  Tôi là một người cần thiết, là chỗ tựa nương cho người khác, mà những ”người khác” ấy lại chính là những người tôi rất mực yêu thương, trân trọng.  Điều ấy làm cho tôi vui và hãnh diện.  Tình tôi dành cho vợ con đúng là thứ tình ”mặc dầu” trọn vẹn nhất.

Và tôi yêu thương bạn bè.  Tình bạn là một tặng phẩm quí giá Thiên Chúa dành cho tôi.  Tôi có nhiều bạn và rất quí bạn.  Tôi cũng thích chiều bạn và vui khi thấy bạn vui.  Chiều bạn và không đòi hỏi điều gì quá đáng nơi bạn, đó là nguyên tắc giúp tôi giữ được tình bạn lâu dài.  Tôi có bạn đồng tâm và bạn đồng chí.  Bạn đồng tâm là người bạn mà tôi có thể kể hết những khúc mắc trong lòng, những bí mật của cuộc sống một cách tự nhiên, tín cẩn, không hề e ngại, không sợ bị hiểu lầm, phản bội.  Tôi cũng sẵn lòng nghe bạn tâm sự và sẵn lòng cảm thông với bạn.  Bạn đồng chí là những người bạn gần tôi trong lí tưởng.  Chúng tôi nương vào nhau để cùng hướng về đích điểm, cùng đạt mục tiêu.  Chúng tôi chia sẻ với nhau những gian lao vất vả, cùng nắm tay nhau tiến bước, nâng đỡ, khuyến khích nhau trong hành động.  Cũng có khi bạn đồng chí sau này trở thành bạn đồng tâm và ngược lại.  Là bạn đồng chí, chúng tôi có thể cười với nhau, nhưng khi là bạn đồng tâm, chúng tôi còn có thể khóc với nhau. Tôi thấy yêu bạn thật là dễ, không mấy khi phải cố gắng.

Và chung quanh tôi còn biết bao nhiêu người đáng yêu đáng mến, những người tôi cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được gần họ.  Những người mà nếu được gặp họ, tôi thấy ngày hôm ấy vui hơn, dễ thương hơn, tươi đẹp hơn.

Nếu thực sự tình yêu là cái gì tự nhiên, không cần rán sức cố gắng gì cả, thì ngần đó người đã đủ cho tôi yêu thương, quí mến.  Nhưng bên cạnh những người ấy, còn có những điều và những người, mà theo sự tự nhiên, không những tôi không yêu, mà còn phải ghét.

Cái đầu tiên, theo lẽ tự nhiên là đáng ghét, chính là cuộc đời.  Đời sống đúng là nỗi ưu phiền cay đắng của tôi.  Tôi hi vọng, cuộc đời làm cho tôi thất vọng.  Tôi ước mơ hạnh phúc, cuộc đời đem lại cho tôi nỗi đớn đau.  Tôi muốn sống bình an, cuộc đời đẩy đưa tôi đi vào sóng gió.  Tôi mong được nếm hương vị ngọt ngào, cuộc đời dâng tặng tôi toàn những đắng cay chua chát.  Tôi muốn được cư xử bình đẳng, cuộc đời đối xử với tôi một cách bất công.  Tôi cần được thông cảm, cuộc đời khắt khe lên án tôi.  Tôi cần được ủi an nâng đỡ, cuộc đời cho tôi sự lạnh lùng và vùi dập.  Tôi thích sống chân thật, cuộc đời đây những giả trá điêu ngoa.  Tôi muốn sống yêu thương, cuộc đời cho tôi hận thù.  Dĩ nhiên, phải công bình mà nói, nhiều khi cuộc đời cũng cho tôi niềm vui và hạnh phúc, nhưng nếu đem ra mà cân thì đĩa cân đựng những buồn phiền bất như ý bao giờ cũng nặng hơn.  Chẳng thế, mà bao giờ người ta cũng nói về cuộc đời, thế gian, trần gian… kèm theo một tiếng thở dài.

Cuộc đời nói cho cùng là những hoàn cảnh sống do chính con người tạo nên.  Và bởi vì có nhiều người không tốt nên có nhiều cảnh đời đáng buồn.  Khi nói rằng ”cố gắng yêu thương đời” thì cũng có nghĩa là “cố gắng yêu thương người’.  Người đáng ghét, người không dễ thương, cho nên muốn yêu thương người, tôi cần phải cố gắng.

Vấn đề là ở chỗ: tôi có nên, có cần phải cố gắng để yêu thương người hay không.  Và yêu một cách cố gắng như vậy tình yêu có giá trị không?

Người ta được sinh ra đời, chia sẻ với nhau kiếp người.  Nghe đến chữ ”kiếp người” hay ”kiếp nhân sinh”, không cần phải hiểu sâu xa cho lắm, ai cũng thấy cái ”kiếp” ấy đầy những đau buồn, đó là một cái ”thấy” vừa do kinh nghiệm vừa do trực giác nên nó đúng lắm.  Muốn cho cái kiếp ấy đỡ đau buồn, chỉ có một cách là có nhiều người sống đẹp, cư xử tốt với những người khác.  Mà ta đừng chờ mong người khác sống đẹp trước, cư xử tốt trước.  Chính ta là người phải thực hiện điều ấy trước người khác.  Ở một xã hội có nhiều người dám đi bước trước trong cách sống đẹp, dám có can đảm chấp nhận thiệt thòi mà không đôi co hơn thiệt, xã hội ấy sẽ đẹp hơn, dễ thương hơn, hay ít nhất là cũng dễ thở hơn.

Sống đẹp, cư xử tốt là cách nói khác của chữ ”yêu thương”.  Trong khi ta yêu thương người, mà người chưa theo kịp ta để cũng sống yêu thương, thì một là ta bỏ cuộc, hai là ta phải cố gắng.  Chuyện rất đơn giản.

Thường người ta cảm thấy người khác khó thương, không tha thứ được, khi cái khó thương của họ ảnh hưởng trực tiếp trên ta.  Một người làm điều xấu cho một người khác, ta có thể thông cảm được, hay ít nhất là chê trách rồi cũng bỏ qua được.  Nhưng khi người ấy làm hại chính ta, ta không thể bỏ qua, không thể chấp nhận được hành động ấy.  Đó là phản ứng chung của con người, và điều ấy biểu lộ lòng thiếu quảng đại.  Người ”cố gắng yêu thương đời” là người tập sống quảng đại, tập sống vượt lên trên cái bản chất bình thường của một con người.  ”Cố gắng yêu thương đời” tức là đang tập sống với thứ tình yêu ”mặc dầu”: mặc dầu đời không yêu ta, mặc dầu đời bao gian dối, mặc dầu đời cay đắng như vôi… thì ta vẫn cứ yêu thương đời như thường!  Sống như thế, yêu như thế tức là chọn thái độ can đảm, không bỏ cuộc.

Yêu thương người đời cũng chính là yêu thương mình.  Bởi vì mình cũng là một sinh vật đầy những khuyết điểm như những con người khác.  Khi ta biết thông cảm với người và yêu thương người, ta cũng dễ thông cảm với chính ta và yêu thương ta.  Thông cảm và yêu thương một cách ý thức, chứ không phải là dễ dàng bỏ qua tất cả những cái xấu xa của mình và tìm tư lợi cho mình chỉ vì tính vị kỉ.

Như thế thì cố gắng yêu thương đời, yêu thương người là điều nên làm lắm và tình yêu ấy cũng có giá trị lắm.  Tôi cảm thấy tình yêu tự nhiên giống như một bông hoa, tỏa hương thơm nhẹ nhàng quyến rũ, còn tình yêu do sự cố gắng giống như một trái cây, trải qua nhiều phen mưa nắng, qua bao đợt trưởng thành từ chát qua chua, từ chua sang ngọt.  Qua bao nhiêu ngày phơi mình dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, trái cây ấy chín, thơm tho ngon ngọt, đem lại khoái cảm cho khứu giác và vị giác con người.

Tôi mong ước một ngày nào đó, được gặp lại cậu học trò cũ, và chia sẻ với cậu về kinh nghiệm “cố gắng yêu thương đời” của mình.  Tôi muốn nói với cậu học trò ấy rằng sự cố gắng trong tình yêu có một giá trị đặc biệt và có vẻ đẹp riêng của nó.  Nhưng, cũng có thể tôi không cần nói gì cả.  Cậu học trò nhỏ ngày nào bây giờ nếu gặp lại, cũng là một người trưởng thành với số tuổi băm lăm, băm sáu. Cậu đã sống cuộc đời của cậu, và tôi nghĩ cậu đã không bỏ cuộc trong đời sống tình cảm con người. Nếu không bỏ cuộc, thì tất nhiên cậu cũng trải qua kinh nghiệm ”cố gắng yêu thương đời” như tôi vậy. Có lẽ thầy trò tôi sẽ ngồi bên nhau, và chúng tôi sẽ cùng lẩm nhẩm với nhau lên hát: ”Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương đời, dù đời không yêu ta…

Chỉ có một điều, tôi muốn chia sẻ với cậu, và nhất định sẽ chia sẻ nếu gặp lại cậu, mặc dầu cậu là một Phật tử và đã có một giai đoạn được các ni cô tại cô nhi viện Lâm Tì Ni dẫn dắt về mặt tâm linh. Điều tôi muốn chia sẻ là lời nói của Chúa Giêsu, khi Ngài giảng cho con người về ý nghĩa và giá trị của lòng yêu thương:  ”Anh em hãy yêu thù địch, hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu cáo anh em.  Như thế, anh em được nên con cái Cha ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ lành và kẻ dữ, cùng làm mưa xuống cho kẻ công chính và kẻ gian ác.  Nếu anh em yêu kẻ yêu mình thì anh em có công phúc gì… Và nếu anh em chào hỏi bà con mình thôi, thì nào có hơn gì người khác? (Mt 5, 44-47)

Tôi sẽ nói với cậu học trò rằng: rõ ràng Chúa Giêsu muốn người ta ”cố gắng yêu thương đời” và yêu thương với thứ tình ”mặc dầu”

Quyên Di – Nhìn Xuống Cuộc Ðời