RAO GIẢNG

Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, một ngôi làng bị pháo kích nặng nề. Giữa làng có một ngôi nhà thờ, trước nhà thờ có một tượng Đức Giêsu được đặt trên một cái bệ. Nhưng sau khi khói lửa của trận pháo kích tan đi, người ta chỉ còn thấy cái bệ, còn pho tượng thì biến đâu mất. Những người lính đồng minh cố gắng đi tìm và cuối cùng cũng tìm thấy tượng Chúa bị văng khỏi đó một khoảng khá xa. Tuy nhiên hai cánh tay của Chúa đã bị hỏng mất. Họ cung cấp một chiếc máy bay để chở pho tượng về Mỹ cho thợ làm lại hai cánh tay. Nhưng cha xứ từ chối. Cha bảo cứ đặt pho tượng lên bệ như cũ, phía dưới viết thêm hàng chữ: “Các con thân mến, hãy cho ta mượn đôi cánh tay của các con”.

***

Bạn thân mến! Câu chuyện trên giúp ta hiểu sứ điệp của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: Đức Giêsu kêu gọi các tông đồ tham gia công việc của Ngài. Ngài chia sẻ sứ mạng với họ. Ngài ban cho họ chính quyền năng và uy tín của Ngài. Rồi Ngài sai họ đi loan truyền Tin Mừng. Thực ra, họ chỉ là những người chài lưới, cả tài năng lẫn đức độ đều không có bao nhiêu. Nhưng Ngài vẫn chia sẻ sứ mạng cho họ, vì họ sẽ thi hành sứ mạng không phải bằng sức riêng của họ, mà bằng sức mạnh và ân sủng của Chúa.

Ngày nay, vẫn có những Cha Xứ e dè trong việc mời gọi giáo dân chia xẻ công việc của cộng đoàn giáo xứ. Mặt khác, nhiều giáo dân cũng e dè ngại ngùng không dám lãnh nhận trách nhiệm trong cộng đoàn giáo xứ. Cả hai phía đều tính toán thành công và thất bại dựa trên khả năng của con người. Nhưng đó không phải là tính toán của Thiên Chúa.

Lầm lỗi nặng nề nhất của người môn đệ là quá cậy dựa vào tài năng riêng của mình mà quên mất tác động và sự trợ giúp của Chúa, bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Như lời thánh Phaolô xác quyết: “Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng đem lại kết quả.”

Khi ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, ta trở thành môn đệ của Chúa. Đó cũng là lúc Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp theo Ý Chúa muốn.

***

Các con hãy lên đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời”.

Lạy Chúa ! Đó là một lời mời gọi, một mệnh lệnh đòi buộc con phải lên đường.

Lên đường như các tông đồ xưa kia là từ bỏ nghề nghiệp cũ, từ bỏ quê hương, từ bỏ những người thân yêu… và ra đi như thế có nghĩa là hy sinh.

Lên đường như các vị thừa sai truyền giáo, như các tu sĩ trong cuộc sống hôm nay… Họ rời xa gia đình, từ bỏ bạn bè…và ra đi như thế cũng có nghĩa là hy sinh.

Nhưng từ bỏ và hy sinh những cái bên ngoài mà thôi thì vẫn chưa phải là lên đường đích thực. Lên đường đích thực chính là từ bỏ chính mình, từ bỏ bản thân, từ bỏ những tập quán và những ý riêng để làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Đó là cùng đích mà con phải hy sinh tất cả để đi tới.

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức cho con, để con biết hy sinh từ bỏ để lên đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

LỜI TỰ SỰ CỦA MỘT THÂN CÂY

Hồi còn bé, tôi nào hiểu gì đâu.  Khi lớn lên hơn và nhìn lại chính mình, tôi mới bắt đầu hiểu ra một điều gì đó.  Tôi vốn nhỏ thó, sần sùi, đầy những cục u thô tháp.  Bộ rễ bám chặt vào vách đá, tôi đứng nghiêng nghiêng, xô lệch.  Rõ ràng tôi không to cũng chẳng đẹp bằng chị bằng em ở chung quanh mà mình nhìn thấy được.

Anh Sồi đằng kia uy phong, chắc nịch, với tàng lá rậm rì, phủ rộng.  Chị Linh Sam mảnh dẻ, ngạo nghễ vút cao.  Chàng Sơn thích mỗi độ thu về khoe tán lá vàng rực quý phái.  Bạn hiểu cho, chỗ tôi đứng là một bờ dốc đá.  Từ thuở bé đến giờ, bộ rễ tôi phải lần dò men vào từng khe đá nứt, tìm chút đất ít ỏi lẩn khuất bên trong để làm điểm tựa sinh tồn.  Tôi vẫn thường mơ mộng, ước gì mình cao lên, xõa cành duyên dáng cho gió vờn, cho mưa vỗ, và cho ánh nắng mặt trời vuốt ve.  Nhưng mơ mộng chỉ là mộng mơ suông!

Tôi vẫn vứ thấp bé, vẫn dáng đứng nghiêng lệch khom khom qua bao vòng tuế nguyệt.  Gió đi qua, và cứ đi qua, xô thẳng vào vách núi đá dựng sau lưng và reo lên ở đó.  Gió chẳng bao giờ buồn dừng lại đùa giỡn với tôi, vì cành tôi khẳng khiu và tàng lá tôi thưa thớt đến tội nghiệp.  Mặt trời chỉ ghé lại chút xíu lúc giữa trưa, rồi cũng biến mất thật nhanh đằng sau vách núi.  Tôi nhìn sang thung lũng bên kia, thấy những tầng cây ngập đầy ánh nắng mà nhiều khi không khỏi tủi xót phận mình.  Tại sao số kiếp mình phải đứng ở nơi này?  Một bờ dốc đá cỗi cằn, khuất lấp!  Tôi buồn cho số phận mình hẩm hiu.

Thế rồi, vào một sáng mùa xuân ấm áp, khi hương đất nồng nàn từ thung lũng dưới kia thoang thoảng dâng dâng, tiếng chim hót líu lo chào ánh bình minh tỏa ngợp chân trời, tôi nghe những tia nắng mới lãng đãng hôn lên cành, lên tán lá thưa của mình.  Một cảm giác rạo rực tràn ngập toàn thân tôi, thấm sâu vào tận từng thớ thịt.  Kìa, chung quanh tôi, đất trời sao xinh đẹp quá!  Có lẽ không một cây nào khác có thể có được tầm mắt nhìn xa xuống bao quát cả một vùng thung lũng như tôi.  Và tôi chợt nhận ra vách đá dựng sau lưng mình vẫn đứng đó tự bao đời để che chắn cho tôi khỏi cái lạnh buốt xương của khối núi băng sừng sững cao nghệu phía bên kia.

Từ buổi sáng hôm ấy, tôi bắt đầu tỉnh ngộ.  Tôi hiểu ra rằng mình không xoàng xĩnh hay hẩm hiu như mình vẫn tưởng.  Thân tôi thấp cũn, sần sùi, tích chứa và phô diễn cái phong trần một cách điệu nghệ có một không hai đó chứ!  Cành tôi ngắn, vặn vẹo díc dắc, nhưng rắn chắc cực kỳ!  Bộ rễ tôi dẻo dai, xuyên ngang xẻ dọc, bám chặt vào các khe đá, hun đúc một ý chí sinh tồn lì lợm!  Tôi nhận ra mình đã lớn lên và thích nghi tuyệt vời với chỗ đứng của mình.  Tôi sung sướng tự hào về tôi và chỗ đứng của tôi giữa vũ trụ này.  Thế đấy, bấy lâu nay mình không hề biết mở mắt và nhìn ra giá trị của mình!  Vâng, những anh Sồi, những chị Linh Sam… dưới triền kia vẫn có nét đẹp của riêng mình.  Chỗ đứng đẹp nhất của tôi là đây: Bờ dốc đá hẹp mà xưa nay mình vẫn đứng.  Ồ! Vì sao mãi đến hôm nay mình mới hiểu ra điều này nhỉ?

Theo “Những câu chuyện không để giải trí”

*****

Lạy Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng nên mọi sự, xin cho con biết mang lấy tâm tình tạ ơn như lời tự sự của một thân cây già xấu xí đứng giữa đất trời bao la hùng vĩ.  Xin cho con biết tạ ơn với tất cả những gì con là, cho dù có xấu xí, với những gì con có, cho dù là ít ỏi, để nhận ra món quà đặc biệt mà Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng con.  Đời sống chỉ có ý nghĩa khi con nhận ra cuộc sống là một món qùa qúy giá và mỗi người mang lấy một nét vẻ “độc nhất vô nhị”của Thiên Chúa trên mình.

 

 

 

GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Vua Saapas của nước Ba Tư thời cổ thích dùng dụ ngôn để nói chuyện với các quan chức trong triều đình.

Một hôm, ông hỏi các quan cận thần như sau:

Âm thanh nào dịu dàng nhất? Người thì cho rằng, tiếng sáo là âm thanh thánh thót nhất, người lại thích tiếng đàn lục huyền cầm, người khác thì lại đề cao tiếng vĩ cầm, trong các quan cận thần, chỉ có ông Nasaky ngồi thinh lặng. Nhà vua vẫn chưa tìm được câu trả lời dứt khoát.

Một hôm, ông Nasaky cho tổ chức một bữa tiệc khoản đãi nhà vua và các quan chức trong triều đình. Các nhạc công vận dụng mọi khả năng của mình để chào mừng các quan khách, nhưng hết nhạc khúc này đến nhạc khúc khác mà bàn ăn vẫn còn trống trơn. Không có thức ăn mà cũng chẳng có một giọt nước nào để cầm hơi, lúc đầu các thực khách còn chú tâm để thưởng thức âm nhạc, nhưng càng về khuya bụng càng trống. Lúc đó, không gì khó chịu cho bằng âm thanh dù đó là tiếng nhạc du dương, nhưng vì lịch sự và để giữ thể diện không ai dám lên tiếng thắc mắc.

Vào đúng giữa khuya, ông Nasaky ra dấu gọi người quản tiệc đến, lập tức, một đội quân hầu bàn tiến đến phòng tiệc, mỗi người một mâm đầy của ngon vật lạ, lúc bấy giờ người quản tiệc dùng một chiếc nĩa lớn gõ vào mâm, tiếng kim khí chạm vào nhau tạo thành một âm thanh chát chúa, nhưng tất cả các thực khách đều thở ra nhẹ nhõm. Giờ đã đến, sự chờ đợi của họ đã được đáp trả.  Để khai mạc bữa tiệc, nhà vua liền nói như sau:

Tiếng va chạm muỗng nĩa lọt vào tai của một người đang đói.  Đó là âm thanh dịu vợi nhất.

*****

Một trong những ý nghĩa mà chúng ta có thể tìm thấy trong câu chuyện trên đây hẳn phải là: hãy sống và bằng lòng với giây phút hiện tại. Sống sung mãn thực sự thiết yếu là sống một cách tích cực giây phút hiện tại. Tại Las Vegas, thành phố cờ bạc nổi tiếng của thế giới người ta thường bắt gặp dòng chữ quảng cáo như sau:

“Bạn hãy chú tâm vào hiện tại mới mong thắng cuộc”.

Nền văn minh tiêu thụ ngày nay không ngừng thôi thúc con người tích lũy, lắm khi con người bị chiếm hữu và giam giữ trong những xiềng xích của những thứ mình tích lũy. Chúng ta sợ mất mát, chúng ta sợ thất bại, chúng ta đồng hoá sự đơn giản với mất mát, sự thinh lặng với trống không và chính vì thế mà chúng ta tìm đủ mọi cách để lấp đầy nhà cửa, lấp đầy thân xác và nhất là lấp đầy tâm trí chúng ta với không biết bao nhiêu của cải và trò giải trí, nhưng càng bị vướng mắc trong màng lưới của của cải chúng ta càng nghèo nàn trong tinh thần. Khi tinh thần của chúng ta trở nên nghèo nàn trống rỗng thì dĩ nhiên phút giây hiện tại sẽ chỉ còn là cái độc điệu, buồn chán. Trái lại, khi tâm hồn con người được sung mãn, thì lúc đó mỗi một giây phút hiện tại sẽ là một kho báu độc nhất vô nhị.

Ánh bình minh hay buổi chiều tà của ngày hôm nay sẽ mãi mãi không bao giờ được lặp lại. Tiếng cười của trẻ thơ hay ánh mắt thân ái của một người bạn sẽ không bao giờ đến lần thứ hai. Do đó, hiện diện trong giây phút hiện tại với những người đang có mặt và những gì đang đến là cách thế duy nhất để chúng ta cảm nhận được một cách sung mãn nhất sự diệu kỳ của cuộc sống. Ai đó đã đưa ra bí quyết của hạnh phúc như sau: Hãy xem việc bạn đang làm việc là việc quan trọng nhất và hãy xem người đang ở trước mặt là người quan trọng nhất.  Niềm tin vào tình yêu quan phòng của Chúa luôn đòi hỏi các tín hữu Kitô chúng ta sống giây phút hiện tại với tinh thần ấy.

*****

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần đơn sơ, nhỏ bé, để chúng con nhìn thấy Chúa đang đến trong mọi sinh hoạt và bổn phận hằng ngày của chúng con.  Xin thánh hoá chúng con để chúng con biết đón nhận và sống một cách sung mãn từng giây phút hiện tại.  Xin soi sáng để chúng con tìm thấy thánh ý Chúa trong mọi sự và sống đẹp lòng Chúa.

R. Veritas

 

TRÂN TRỌNG PHẨM CHẤT CON NGƯỜI CỦA HỌ

Tagore (1861-1941) là một đại thi hào của Ấn Độ, đoạt giải Nobel về văn chương năm 1913, có tài làm thơ ngay khi còn nhỏ tuổi.  Lúc còn niên thiếu, thỉnh thoảng Tagore làm một vài bài thơ gửi đăng trên tờ báo do thân phụ của mình đảm trách phần biên tập.  Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, người cha chẳng thèm đọc thơ mà quẳng ngay vào sọt rác vì cho rằng con mình còn nhỏ dại thì biết gì thi ca.  Khi hiểu rõ sự tình, Tagore chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi đăng báo, không ký tên thật của mình nữa mà lấy một bút hiệu khác rồi gửi lại cho toà báo.

Lần nầy, thân phụ của Tagore nhận thấy đây là những bài thơ có giá trị và cho đăng ngay lên báo mà không hề hay biết đó là những bài thơ của con trai mình, những bài thơ mà trước đây ông đã quẳng vào sọt rác.

Đúng là: “Bụt nhà không thiêng”, hay nói như Chúa Giê-su: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4).

*****

Ngay cả Chúa Giê-su cũng phải chịu cùng một số phận đó.  Mặc dù danh tiếng Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều người bệnh tật và nhờ những phép lạ Người làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giê-su, nhìn đến anh chị em họ hàng của Người thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Người trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Người nữa.

Họ xì xào bàn tán với nhau: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao?  Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?  Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6,3)

Bấy giờ Chúa Giê-su nêu lên một nhận định có phần chua xót: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”

Thế là Chúa Giê-su chẳng làm được phép lạ nào tại Na-da-rét (Mc 6, 5) cho người đồng hương.  Người rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.

Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giê-su theo lớp vỏ bên ngoài, dân làng Na-da-rét đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Chúa Giê-su ưu ái dành cho họ.

Việc đánh giá Chúa Giê-su dựa vào gia thế, nghề nghiệp mà không dựa vào phẩm chất của Người đã chứng tỏ cho thấy dân thành Na-da-rét đề cao giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần.

*****

Có giai thoại kể rằng một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya.  Y tháo gỡ miếng giấy ghi giá bán của những mặt hàng có giá trị cao, đem dán vào những mặt hàng rẻ mạt, rồi gỡ miếng giấy ghi giá bán những mặt hàng rẻ mạt gắn vào những món hàng quý báu.  Thế là các món hàng quý báu bị mất giá nghiêm trọng còn những món hàng rẻ mạt thì được nâng cao giá trị gấp trăm lần.  Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên đã mua lầm một cách tai hại (ý tưởng của Frère Phong trong cuốn “mắm muối cho bữa ăn hằng ngày”)

Ngày nay, các giá trị của đời sống con người cũng đang bị đảo lộn y hệt như thế, khiến nhiều người đua đòi chạy theo những điều phù phiếm mà rời xa những giá trị tinh thần và văn hoá cao đẹp.

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên giới trẻ ngày nay đua đòi ăn mặc hợp thời trang, dù phải mặc những loại y phục thiếu nết na và kỳ quái, và cho rằng có như thế mới khẳng định được giá trị của mình!

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào phẩm chất cao đẹp bên trong.

Trước thực trạng đó, Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người”

    *****

Nguyện xin Chúa Giê-su giúp chúng ta đừng theo vết dân thành Na-da-rét ngày xưa, đánh giá con người theo hình tướng bên ngoài, nhưng biết tôn trọng con người vì phẩm chất cao quý của họ và vì họ là chi thể của Chúa Giê-su và là hiện thân của Thiên Chúa.  Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê.

Lm. Ignatiô Trần Ngà