MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì,
Trong đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi đến dòng nước trong lành,
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính,
vì danh dự của Người.

Lạy Chúa! Dầu qua lũng âm u,
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Người bảo vệ,
con vững dạ an tâm.
Lòng nhân hậu và tình thương của Chúa,
ấp ủ con suốt cả cuộc đời,
và con được ở bên Người,
những ngày tháng… những năm dài triền miên.

(Thánh Vịnh 23)

***

Bạn thân mến!  Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến người mục tử và đàn chiên.  Ðức Giêsu tự ví mình như người “Mục Tử Nhân Lành”.  Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

Nét khác biệt lớn nhất giữa Mục Tử Nhân Lành và người chăn thuê chính là tình yêu. Tình yêu đã tạo nên mối dây tương quan mật thiết, gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi “ (Ga.10:14).  Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều: Mục tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc. Chiên nghe tiếng của mục tử và đi theo.  Như thế giữa mục tử và đoàn chiên có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng, một sự trân trọng gắn bó và quý mến nhau đặc biệt.

Vì tình yêu mà Mục Tử Nhân Lành đã phải quan tâm săn sóc, đã không quản ngại khó khăn nguy hiểm, đã phải lặn lội vất vả để tìm kiếm những con chiên đi lạc và mang chúng về đàn: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về.” (Ga.10:16).

Và cũng chính vì tình yêu và sự gắn bó mật thiết bên nhau nên “…chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga.10:16).  Đó cũng là đức tin mà ta vẫn thường tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “…Tôi tin có một hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền..

Bạn thân mến! Hạnh phúc cho ta vì được làm chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta.  Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta.  Ta sung sướng vì Người yêu thương ta đến nỗi hy sinh mạng sống của Người vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho người khác.  Người muốn ta lớn lên để chính ta cũng trở thành mục tử nhân lành theo gương của Người: Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y tá và bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ..v..v..

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn ta trở nên giống Người như một mục tử nhân lành,  để tiếp tục công việc của Người, để chăm sóc đời sống tâm linh cho đàn chiên mà Người sẽ trao phó.  Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục.

Hôm nay, Người mời gọi ta hãy lên đường bước đi theo Người, nối tiếp công việc của Người.  Người mời gọi ta hãy nhìn thấy đám đông bơ vơ không ai chăn dắt, nhìn thấy những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố, những người lầm lỡ sống vất vưởng bên lề xã hội… Hãy nhìn họ bằng trái tim yêu thương, để rồi đáp trả lời mời gọi yêu thương luôn vang vọng từ trời cao: ”Hãy theo ta”.

***

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Mục Tử Nhân Lành… Xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Và cũng xin biến đổi chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong giáo xứ và trong môi trường và khu phố mà chúng con đang sống. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

TINH THẦN VÂNG PHỤC

Thế giới ngày hôm nay của chúng ta đặt nặng về kinh tế và sản xuất.  Dù không nói ra nhưng quan niệm thông thường là già cả không còn đi làm ra tiền được nữa thì một cách nào đó bị loại ra ngoài xã hội.  Người già bên Mỹ sợ nỗi cô đơn của tuổi già vì con cháu đưa vào nhà dưỡng lão ám ảnh ngày đêm, ở Việt Nam thì người già đỡ bị cô đơn và bị ruồng bỏ hơn vì con cháu nuôi ở nhà.  Con cháu nào còn kính mến và kính trọng thì phúc cho các ông bà cụ già đó, nhưng cũng không ít gia đình con cháu khinh thường làm các cụ ngậm đắng nuốt cay.

Tôi đến thăm bà cụ Tám đã gần 90 tuổi.  Cụ ăn trầu cả ngày và thường thích lui cui dưới bếp dù chẳng làm được gì nữa, hoặc cụ ra trước hiên ngồi với mấy cụ hàng xóm nói chuyện trời mây cho hết buổi.  Tôi ghé thăm thì cụ khoe là đang học… In-Lít (English) với mấy đứa cháu, cụ đọc mà tôi chẳng hiểu được lấy một chữ!  Cụ nói mấy cháu học thì cụ ngồi nghe ké để cùng học với cháu để cho cháu vui, cháu vui là cụ vui rồi, còn cụ học được hay không thì đâu có gì phải lo.  Mấy cháu nói cụ hát cho tôi nghe đi, thì cụ hát liền: “Khi Chúa thương gọi con về, con nói rằng con không về đâu, con bảo rằng ở đây vui lắm, Chúa đến mà xem với con nè.”  Mấy cháu và mấy cụ hàng xóm nghe cả trăm lần rồi mà cũng vẫn phì cười với tôi.  Theo một góc cạnh thì hát như vậy phản thần học quá tải, nhưng vấn đề ở đây là một cụ già gần đất xa trời mà vẫn sống trong hoan lạc, và là niềm vui cho những người chung quanh thì quả thật tôi hiếm khi gặp.

Thường tôi gặp các ông bà cụ già thì các đấng hay lắc đầu than thở là con cháu thời bây giờ không giống như hồi xưa của họ, biết vâng lời, kính trọng ông bà, cha mẹ.  Hết than cháu thì đến chê con, hết chê con thì đến kêu trời, rồi đến than thân trách phận hết bịnh này đến bịnh nọ triền miên.  Cụ Tám thì chẳng than với thở, cụ vẫn vui và yêu đời như thuở hai mươi, mấy cụ hàng xóm nói vậy.  Cụ Tám là niềm vui cho mấy cụ quanh đó, cụ làm niềm vui cho gia đình con cháu.

Tôi thấy cụ Tám đang sống đích thật với Tinh Thần Vâng Phục.  Cháu nói cụ học hoài không thuộc thì cụ chỉ nói “ờ” rồi cười, cụ biết đón nhận đầu óc quên trước quên sau của tuổi già.  Mỗi khi trở trời thì các cụ ai cũng rên nhức mỏi, cụ Tám thì đón nhận thân phận làm người già yếu của mình mà chính Thiên Chúa đã tác thành nên chẳng than thở gì chỉ làm thêm gánh nặng cho con cho cháu.  Cụ thích ngồi phệt dưới đất lắm nhưng con gái cụ trách hoài vì hơi lạnh nền gạch làm cụ dễ bịnh, muốn làm con vui nhưng cụ cứ quên hoài vì cả đời son trẻ nghèo khổ cụ có được mấy lần ngồi ghế đâu.  Ngày nào con cũng nhắc cụ ngồi ghế, mỗi lần con gái nhắc là cụ lại lên ghế ngồi vui vẻ chẳng tự ái chi cả.  Đã gần 90 mà cụ biết đón nhận và vâng phục đặc biệt là với con với cháu.  Tôi cảm thấy như Chúa đang dùng cụ Tám để dạy tôi biết sống đích thật với tinh thần vâng phục, là biết chấp nhận những cái yếu đuối mỏng dòn của tôi và đón nhận thì hiện tại.

Ở trong dòng Tu thì có khuynh hướng hiểu Lời Khấn và Đức Vâng Phục là tuân lệnh bề trên, ở trong gia đình thì con cái vâng phục ông bà cha mẹ, tôi thiết nghĩ Tinh Thần Vâng Phục Chúa mời gọi người môn đệ của Chúa đi xa hơn như vậy.  Tinh Thần Vâng Phục là biết lắng nghe, đón nhận, đối thoại và hợp tác.  Nếu tôi là bề dưới và chỉ đón nhận và tuân lệnh bề trên mà thôi, còn bề ngang và bề dưới thì tôi chẳng coi ý kiến của họ ra gì thì tôi chẳng biết gì về tinh thần vâng phục.  Cha mẹ nghĩ rằng con cái thì phải vâng phục trưởng bối mà cha mẹ không biết quan tâm lắng nghe những thao thức và ý kiến của con cái thì cha mẹ cũng chẳng hiểu tinh thần vâng phục tí nào.  Hội họp với nhau mà tôi chỉ thấy ý kiến của tôi mới là hay còn những ý kiến đóng góp của người khác là dở hết thì tôi khó mà đối thoại và hợp tác được với ai vì tôi không có khả năng lắng nghe, và cũng đồng nghiã là tôi thiếu khả năng lãnh đạo.

Bản chất con người là hay so sánh, phân bì và ganh tị.  Tôi nhớ hồi nhỏ khi tôi được cái bánh thì vui lắm và ăn ngon lành, nhưng khi thấy đứa bên cạnh có cái bánh to hơn, mắc tiền hơn, ngon hơn thì tự nhiên tôi không còn cảm thấy cái bánh tôi đang ăn là ngon nữa và tôi cảm thấy buồn bực.  Lớn dần cái tính này bớt đi.  Trong lớp Nhà Tập Dòng Tên của tôi có nhiều người học giỏi lắm, có những thầy chỉ học qua loa thôi là đã lấy được điểm A dễ dàng.  Hồi đầu tôi bực bội lắm và hay nói với Chúa sao bất công vậy: “Con gắng học hết trang này đến trang khác mà cuối cùng cũng chỉ được điểm B, sao Chúa không cho con thông minh hơn một chút cho bằng người ta.” Càng tâm sự với Chúa thì tôi càng hiểu Ngài hơn.  Chúa cho tôi nén bạc nào thì tôi hãy vui đón nhận nén bạc đó thì tôi hạnh phúc.  Kinh nghiệm gặp Chúa này làm tôi hết so sánh, phân bì, ganh tị, và bắt đầu sống hạnh phúc và bình an trong Chúa.  Nghe anh em chia sẻ với nhau người lấy thêm bằng cao học này, người dự tính lấy bằng tiến sĩ nọ, thì tôi lại vui khuyến khích anh em có khả năng thì ráng học hỏi thêm để đóng góp xây dựng Giáo Hội, còn tôi thì chịu, dốt quá thì học bao nhiêu cũng vậy thôi.  Tôi vui nhận món quà nhỏ bé Chúa ban cho tôi.

Một lần tôi đi từ Phước Long về Sàigòn thì có một người thanh niên khoảng 35 tuổi đón xe đi về Đồng Xoài.  Hai chân anh ta bị co rút nên anh đi “cà khệu” tưởng chừng như có thể sụm xuống bất cứ lúc nào.  Anh ta khó khăn lắm mới leo lên được xe trước những đôi mắt lo ngại của hành khách, lên xe rồi thì anh ngồi cười nói rất vui tươi với mọi người.  Hỏi thăm về anh thì anh kể là anh mới đi làm phụ hồ về làm ai nấy trên xe cũng ngạc nhiên, thầm nhủ người như anh thì ai mà mướn.  Anh vui vẻ kể nhà anh ở Đồng Xoài, nhà nghèo có mẹ và ba anh chị em, anh là út, khi mẹ bị tai biến nằm bất toại thì hai anh chị bỏ đi biệt tăm, nên anh gồng mình để nuôi mẹ, ngày nào anh cũng đón xe lên vùng trên khoảng năm, mười cây số để làm phụ nề và mỗi ngày kiếm được 50 ngàn. Ai nghe cũng hiểu là chủ thầu xây dựng thương xót nên nhận anh làm mà thôi, chớ bình thường thì chẳng ai mướn anh đâu.  Anh tươi cười kể chuyện đời anh và móc tiền ra trả tiền xe mà bà chủ xe cũng thấy bùi ngùi quá nên miễn lấy tiền của anh.  Tới Đồng Xoài anh đã xuống rồi mà hình ảnh của anh cứ đọng lại trong tâm hồn tôi nhiều ngày.  Gặp anh đã hơn tháng rồi mà hình ảnh của anh vẫn rõ nét trong trí óc tôi.  Tôi đã nghe nhiều câu chuyện thương tâm như thế, nhưng với một người bịnh tật như anh mà vẫn vui vẻ được thì tôi hiếm khi gặp.  Mang thân phận sinh ra là đã bị hai chân co rút như vậy mà anh vẫn vui đón nhận, mẹ bị tai biến nằm bất toại làm hai anh chị lo sợ quá bỏ đi biệt tích mà anh cũng không trách, anh ráng làm gì được thì làm để nuôi mẹ.  Càng nghĩ về anh thì tôi càng cảm phục vì anh đã và đang vui sống trọn vẹn với tinh thần vâng phục.

***************************************

Lạy Chúa, hở một chút là chúng con than vãn; trái ý một tí là chúng con bực bội, chúng con ít khi biết vui vẻ đón nhận những điều bất ưng xảy ra trong cuộc sống của chúng con để làm cho đời thêm tươi.  Xin cho chúng con biết kết hiệp cùng Chúa luôn trong Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến để chúng con biết đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối của mình mà chính Thiên Chúa đã mặc lấy để chia sẻ cuộc sống và dạy cho chúng con cách sống đẹp lòng Chúa hơn.  Lạy Chúa, xin tiếp tục dạy dỗ con để con sống đúng với Tinh Thần Vâng Phục mà Chúa mong mỏi con và mỗi người Kitô hữu noi theo. Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

April 5, 2009

TÂM HỒN KHIẾT TỊNH

Khi đọc câu chuyện Đức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc (Lc 4:1-13), thông thường chúng ta nghĩ đến đói của ăn vì bị quỷ cám dỗ: “Hãy biến hòn đá này thành bánh đi,” mà quên những yếu tố khác trong cơn cám dỗ của Đức Giêsu.  Là Thiên Chúa nhưng chấp nhận mang thân phận con người, Đức Giêsu đã sống trọn một kiếp rất ư là “người.”  Là người, nghĩa là có những thèm muốn, đói khát về tiền của sang giàu, quyền lực và danh vọng, Đức Giêsu không ngoại lệ và Ngài đã phải chống trả với những cơn cám dỗ đó.  Giáo Hội mời gọi các Kitô hữu chống trả các cơn cám dỗ này bằng cách sống với ba nhân đức Khó Nghèo, Vâng Phục và Khiết Tịnh.  Trong bài này tôi xin chia sẻ về một góc cạnh của Đức Khiết Tịnh.

Thường thì ai cũng nghĩ Lời Khấn hay Đức Khiết Tịnh chỉ áp dụng cho người đi tu, còn giáo dân thì không.  Ai cũng hiểu nôm na là giữ mình đồng trinh, nên ai sống bậc hôn nhân thì không có Đức Khiết Tịnh.  Đây là cách hiểu về bề ngoài, trong khi Chúa Giêsu mời gọi mỗi Kitô hữu sống với đời sống bên trong, là tâm hồn/tinh thần của đức Khiết Tịnh.

Năm nay anh Ba trúng được vụ mùa cà-phê nên sắm ngay một chiếc xe Honda đắt tiền.  Chiếc xe đẹp hết ý, anh Ba quý nó lắm.  Anh không dám để xe ngoài sân vì sợ bị ăn cắp, anh dựng nó trong phòng khách.  Con cái chạy chơi hơi gần chiếc xe là anh mắng ngay vì sợ xe bị trầy; anh không cho chị dùng xe mới vì sợ vợ đi xe mới dễ bị vẹt xe.  Lần nào anh đi xe về cũng mang nước mang khăn ra lau, hôm nào trời mưa thì anh không dám dùng xe vì sợ dơ xe.  Lúc nào anh nghĩ về chiếc xe, ăn cơm thì bàn chuyện chiếc xe, giờ đọc kinh cũng phải dòm chừng chiếc xe, ngủ cũng mơ thấy nó.  Anh Ba cầu nguyện: “Cảm tạ Chúa cho gia đình con làm ăn nên để có được chiếc xe này, chiếc xe đẹp tuyệt vời Chúa ơi, con hả dạ lắm, chẳng còn thèm thứ gì khác, chiếc xe Honda là quá đủ cho con.  Lạy chiếc xe, … ủa lộn, Lạy Chúa…”  Cái gì đầy thì tự nó trào ra, tâm hồn anh chỉ còn chứa đựng cái xe.  Chúa trong anh bây giờ là thứ yếu, vợ và con cái cũng là thứ yếu, tâm hồn anh chỉ còn có mỗi cái xe, cuộc tình của anh bây giờ là cuộc tình với chiếc xe.  Chúa tạo dựng tâm hồn anh với một mối tình giữa Chúa và anh, mà nay anh đã “ngoại tình” rồi, vì tâm hồn anh nay chỉ chứa mối tình chiếc xe.

Khi tôi đam mê một tạo vật nào đó là tôi đã “ngoại tình” trước Tình Yêu của Chúa rồi.  Khi tôi làm nô lệ cho một cái gì đó ngoài Thiên Chúa như ghiền thuốc, nghiện rượu, mê shopping, ghiền lên mạng, nghiện Game online, luyện phim bộ ngày đêm v.v…, thì tôi đã phản bội tình Ngài rồi.  Tôi lại một lần lỗi đức Khiết Tịnh rồi, và mỗi lần tôi đến hòa giải với Chúa là mỗi lần tôi lại trở nên một “trinh nữ” trước Thiên Nhan.  (Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trinh nữ” ám chỉ loài người và “chàng rể” là Thiên Chúa).  Nhìn qua lăng kính này thì đâu phải Đức Khiết Tịnh là chỉ giữ thân xác đồng trinh, mà rộng hơn thế nữa, là giữ tâm hồn trinh trắng trong mối tình giữa con với Chúa, đây mới thực sự là sống với tinh thần và đức Khiết Tịnh.  Tinh thần này chẳng lệ thuộc tôi còn trinh hay không, mà là mối tương quan giữa tôi và Chúa trong tâm hồn tôi.  Tâm hồn người sống trọn cuộc tình với Chúa thì tự nó sẽ muốn giữ luôn cả thể xác bên ngoài được trọn vẹn, chớ không phải ngược lại.  Và đây là một trong các lời chúc phúc của Đức Giêsu trong bài giảng trên núi: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8).

Chị Loan hát hay lắm nên ai ai cũng khen, chị thích được khen lắm, hằng đêm chị cứ nâng niu những lời khen tặng.  Tuần nào hát ca đoàn mà không được ai khen thì chị buồn bực, nhiều bữa ăn thấy mất ngon, ngủ cũng không yên giấc.  Hát hay được người khác khen là chuyện bình thường, nhưng với chị Loan thì khác nhiều lắm, vì bây giờ chị đang làm tôi mọi, làm nô lệ cho lời khen.  Bây giờ chị hát không còn hát là để ca tụng Chúa là chính nữa, mà là để nuôi cái tôi, cái danh tiếng của mình.  Người có khả năng thì được giao nhiều công việc và trách nhiệm, đi kèm với nó là chức là quyền và danh tiếng.  Tôi làm được việc nên được bầu chọn làm trưởng nhóm, chánh chương, đoàn trưởng v.v… mà tôi không làm nô lệ cho những cái chức cái danh đó thì tôi vẫn phục vụ đắc lực, nhưng khi tôi đã bị cuốn hút vào cơn xoáy mê mẩn với chức này danh nọ thì tôi bắt đầu làm nô lệ cho nó, và nó giết chết lòng hăng say nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn của tôi.

Một trong những cách để trắc nghiệm xem tôi bị lôi cuốn bởi những cái chức cái danh như thế nào thì thử nhìn lại mỗi khi tôi bị chê thì tôi cảm thấy tâm hồn bị ảnh hưởng như thế nào.  Được khen thì khoái, bị chê thì bực, đó là lẽ thông thường.  Nếu tôi được khen mà thích bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa là khi tôi bị chê thì cảm thấy bực bội dường ấy, vì lòng tôi còn đang quá say mê những lời khen tiếng chê của người đời.  Tâm hồn tôi sống hay chết do ảnh hưởng của những tiếng bên ngoài, còn ảnh hưởng của tình Chúa trong tôi thì phai mờ, vì tâm hồn tôi thèm khát danh tiếng trước mặt người đời hơn lời chúc phúc của Chúa.  Lại một lần nữa, tôi đã lầm lỡ chọn chức chọn danh cho cuộc tình trong tâm hồn tôi, và liệt Thiên Chúa của tôi vào hàng thứ yếu.  Và một lần nữa, tôi đã “ngoại tình” vì đã chiều theo cơn cám dỗ, ngụp lặn trong danh vọng.

Mỗi lần tôi dâng Thánh Lễ là lại mỗi lần tôi thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa vì con đã ‘ngoại tình’ từ tư tưởng, lời nói, việc làm, mấy chục lần trong ngày hôm nay, xin Chúa dủ lòng thương xót tha thứ cho đứa con bất trung, hoang đàng và bất xứng.” Mỗi lần hối nhân quay trở về hòa giải với Chúa, là mỗi lần Chúa dủ lòng thương tha thứ trọn vẹn tội lỗi và người ấy lại trở nên “trinh nữ” trước mặt Thiên Chúa.

***********************************

Lạy Chúa, con mang trên người chức Thánh Chúa thương trao ban, nhưng con thì chưa thánh thiện tí nào, con vẫn đam mê hết cuộc tình Trái Mít thì lại đến cuộc tình Gốc Mơ rồi lại sang cuộc tình Cây Me, Trái Táo.  Lạy Chúa, con yêu Chúa, theo Chúa, nhưng vẫn nhiều yếu đuối, mỏng dòn, bất trung, mỗi lần con làm nô lệ cho những cây mít, trái mơ, gốc táo là mỗi lần con bội lời giao ước với Chúa.   Mỗi lần con bất trung, là lại một lần con chọn cuộc tình khác ngoài cuộc tình với Chúa trong tâm hồn con, con lại một lần nữa lỗi đức Khiết Tịnh.  Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm Tình Yêu Chúa thật sự, để tâm hồn con chỉ còn một mối tình duy nhất là Chúa mà thôi.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

April 7, 2009

NGÀI CÓ ĐÓ

Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn, Ngài nghe con khi chẳng ai đáp lời. Ngài yêu con khi mọi người lìa bỏ xa con, khi tình đời là mối dây oan, ân tình Ngài hằng luôn chan chứa”.

Nhạc sĩ LM. Ân Đức, Trích từ bài “Ngài Có Đó”

***

Bạn thân mến,

“Ngài có đó”, một trong những chủ đề của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.
Ngài có đó, vào những ngày tang tóc khi môn đồ phải ủ dột then cài, cửa đóng.
Ngài có đó, với hai người lê bước về Emmaus, lòng đau như cắt, khi bóng ngả chiều tà.
Ngài có đó, khi hình ảnh người anh em Juda còn treo lơ lửng cuối vườn hoang.
Ngài có đó lúc Tôma, bán tín bán nghi rời bỏ cộng đoàn còn vất vưởng nơi phương trời nào.

Thế nhưng,

chính lúc mây đen phủ kín khung trời hy vọng của nhóm mười hai, chính lúc bão tố dập vùi con thuyền cộng đoàn môn đệ non trẻ, thì ngay lúc ấy, Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, người về từ cõi chết bằng xương bằng thịt đang có đó; Ngài có đó, sừng sững giữa họ, “Bình an cho anh em!”, “Bình an cho anh em!”, một lời chào mà với Ngài, tưởng chừng như không có chuyện gì xảy ra.

Thì ra,

Ngài có đó, giữa những ký ức đắng cay về người thầy loang máu chiều tử nạn,
Ngài có đó, giữa những ký ức ngọt ngào nơi phòng tiệc yêu thương.
Ngài có đó, bao dung, tha thứ, thật dịu hiền,
Ngài có đó, chẳng vẻ gì chì chiết hay khiển trách.
Ngài có đó, chữa vết thương lòng, ban thêm sức mạnh,
Ngài có đó, biến tuyệt vọng thành hân hoan.
Ngài có đó, củng cố niềm tin, ban sức sống,
Ngài có đó, hồi sinh và ban thần lực.

Cả chúng ta hôm nay, cũng không ít lần đã phải trải qua đêm tối, đêm tối tâm hồn, đêm tối đức tin và đêm tối ngoại cảnh.

Chúa ở nơi đâu?

Khi ta chết lặng nhìn người thân nhắm mắt lìa đời;
khi nói lời vĩnh biệt với người mình yêu thương;
khi đắng cay cảm nếm đổ vỡ của một mối tình;
khi nghẹn ngào ngao ngán trước bất hiếu của một người con;
khi mất việc làm và kinh tế gia đình khủng hoảng;
khi thất bại trong làm ăn buôn bán;
khi học hành biết bao gian khổ mà đi thi lại bị lạc đề…

Ước gì, với những trải nghiệm yêu thương từng có trong đời ít là một lần với Đấng Phục Sinh, những lúc ấy ta vẫn vững tin rằng: Giêsu, Ngài đang có đó.

Ngài có đó, khi mất mẹ mất cha, bầu trời sụp đổ.
Ngài có đó, lúc cha mẹ mất con ngay khi con cái ở trong nhà.
Ngài có đó, khi mái ấm trở nên quán trọ, dửng dưng thờ ơ.
Ngài có đó, khi bữa ăn gia đình chỉ còn là bữa cơm bụi bên đường, lạnh lùng hờ hững…

***

Giữa bao sóng gió cuộc đời, chớ gì mỗi chúng ta vẫn mãi nghe được tiếng thì thầm yêu thương của Đấng Phục Sinh Hằng Sống:

“Này Thầy đây, khi con cô độc lẻ loi
Này Thầy đây, khi con kinh khiếp hãi hùng
Này Thầy đây, khi con bị loại trừ, tẩy chay
Này Thầy đây, khi con thấy trì trệ chẳng chút tiến bộ nào
Này Thầy đây, khi con thất vọng, sầu buồn
Này Thầy đây, khi con lắng lo, sợ hãi
Này Thầy đây, khi mọi người những muốn lánh xa con
Này Thầy đây, khi giữa con với bạn bè là một bức tường dựng đứng
Này Thầy đây, khi con bồi hồi và thức trắng
Này Thầy đây, khi ai đó làm con tổn thương
Này Thầy đây, khi nguy hiểm khôn lường
Này Thầy đây, khi con ốm đau cần được chăm sóc
Này Thầy đây, khi một mình con không đủ sức gánh nổi u sầu
Này Thầy đây, khi thế giới của con tan tành từng mảnh
Này Thầy đây, khi con cần được yêu và sẵn sàng chia sớt
Này Thầy đây, khi con trải qua cơn đau khốn cùng
Này Thầy đây, khi con không còn được ai lắng nghe
Này Thầy đây, khi con không thể đứng thẳng vì kiệt lực
Này Thầy đây, khi lương tâm con đã chai lì hư hỏng
Này Thầy đây, khi con gọi đến Thầy
Này Thầy đây, cả khi con lìa đời
Này Thầy đây, như thiên thần chở che lúc nguy khốn
Này Thầy đây, như mặt trời đem cho con hơi ấm và niềm vui
Này Thầy đây, như một người cha khiến con vững dạ
Này Thầy đây, như một người mẹ cùng con thổn thức
Này Thầy đây, như một trái tim luôn cùng con nhịp bước
Này Thầy đây, như đôi mắt luôn dõi theo trông chừng
Này Thầy đây, như cánh tay luôn nâng đỡ
Này Thầy đây, như áng mây phủ kín yêu thương
Này Thầy đây, như bàn tay chỉ đường
Này Thầy đây, như ánh thiều quang làm diệu vợi lối bước
Này Thầy đây, như tiếng nói thân thương: Ta luôn ở với con”

LM. Minh Anh (Giáo phận Huế)

TIẾNG HÁT ALLELUIA

Một người Nga sau khi mãn tù đã kể tâm sự của mình như sau: dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không ai muốn đến gần tôi.  Trong thời gian lao động cải tạo, thay vì làm việc chung với các trại viên khác tôi đã tự giam mình dưới hầm.  Tình cờ có một tai nạn xảy ra khiến tôi gù lưng.  Một ngày kia, một cậu bé nhìn tôi thật lâu, rồi hỏi một cách ngây thơ: ” Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế.  Tôi nghĩ rằng cậu bé có ý nhạo tôi, dù vậy, tôi bình thản trả lời: “Cục bứu đấy cháu ạ. “ Tôi chờ đợi cậu bé sẽ tiếp tục trò chơi gian ác của nó…  Nhưng không, cậu nhìn tôi một cách trìu mến và nói: “Không phải thế đâu chú ạ, Chúa là tình yêu, Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả.  Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó.  Trong cái hộp có dấu đôi cánh thiên thần…  Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó.  Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.

***************************

Tôi viết bài này khi Giáo Hội Hoàn Vũ đang mừng đại lễ Phục Sinh và truyền thống Công Giáo thường dành cả một tuần trước để tưởng niệm những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu trên trần gian, đau thương và tử nạn.  Ðó là tuần thánh.  Tôi viết bài này cũng trong thời gian dài tôi phải chịu đựng một căn bệnh ngặt nghèo, tưởng cuộc đời đang bước tới một ngõ cụt không còn lối thoát.  Câu truyện trên kia giúp tôi một chút ánh sáng từ những ngáy đen tối, đau thương, cho tôi lòng tin và niềm cậy trông nơi Chúa vì Chúa và tôi đang cùng chung một định mệnh.  Khổ giá tôi đang mang như một cái bứu đè nặng trên vai cuộc đời.  Nhiều khi tôi không còn thấy ánh sáng Chúa muốn chiếu giãi trên cuộc đời tôi.  Nản chí và bất nhẫn là tâm trạng chung của những người mang bệnh lâu ngày.  Có ai nói cho tôi là tôi đang mang đôi cánh có thể bay bổng.  Chẳng có ai có thể giải thích được đau khổ là gì và tại sao mọi người đều phải vác thập giá đời mình?  Chỉ biết rằng chính Con Thiên Chúa cũng đã sinh xuống trần gian để chịu đựng đau thương rồi kết thúc cuộc đời của Ngài là chịu đóng đinh và chịu chết trên thập hình.  Nhưng chúng ta đừng quên rằng Ðức Kitô từ cõi chết đã phục sinh, nhờ đó những khổ đau đời này mới có một ý nghĩa.  Ðức Kitô đã chẳng sống lại nếu Ngài đã không chết đau thương,  nhục nhã.  Nhân vật của câu truyện trên kia cũng không thể có đôi cánh có thể bay lên tận trời cao (thiên đàng), nếu đã không mang trên vai cái bứu chứa đựng đôi cánh.  Cuộc đời càng sóng gió đau thương, đôi cánh hy vọng càng có khả năng bay bổng .

Trong đau thương ta cảm nghiệm cuộc khổ nạn của Chúa.  Một điều thường làm cho ta chán nản, khi đau bệnh, đến gặp bác sĩ, chúng ta kể lể đủ điều mà hình như bác sĩ chẳng chú ý nghe, vì nghề nghiệp bác sĩ đã quen nghe kể lể như vậy.  Ðàng khác bác sĩ chỉ học bệnh lý trong lớp học và qua sách vở, ông ta không có kinh nghiệm về những đau đớn chúng ta muốn kể cho ông nghe.  Nhiều khi chúng ta kể bệnh đã đời, mà bác sĩ sau cùng lại để chúng ta ra về, không viết đơn cho chúng ta một chút thuốc: “quan cần mà dân chưa vội”.  Bởi vậy chúng ta chỉ nghe về lý thuyết của đau thương và thánh giá, làm sao chúng ta có thể cảm thương với Chúa khi ta suy niệm sự đau thương của Ngài Cho đến khi chúng ta phải chịu đau thương, mới cảm nghiệm được những khổ đau Chúa đã chịu đựng cho chúng ta và cả nhân loại và chúng ta mới thấy sự kết hợp đau thương của chúng ta với thập giá của Chúa mới đích thực có một ý nghĩa.  Khi đau thương tôi mới cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đối với tôi.  Ðọc Phúc Âm, chúng ta được nghe Chúa nói: “Thày cần phải lên Giêrusalem.”  Thày lên Giêrusalem để ở đó Thày chịu chết cho nhân loại và cho tôi.  Tôi có thể cảm nghiệm được chuyến đi đinh mệnh của Thày.  Chuyến đi sẽ đem Thày tới chân tướng của bất hạnh.  Lúc này tôi cũng đang bước đường cùng của tương lai, cuộc đời như không còn lối thoát.  Cho nên lời cầu nguyện liên lỉ của tôi lúc này là xin Thày cho một ánh lửa ở cuối đường hầm của cuộc đời, cho cuộc đời tôi một niềm tin vì được kết hợp với đau thương của Thày.  Ý nghĩa đau thương tôi đang ghé vai vác chính là lúc này, cuộc đời đau thương của tôi có Thày Chí Thánh cùng đồng hành.  Thày cũng đang mang thập giá như tôi, Thày còn đội vòng gai trên đầu và gương mặt Thày đẫm máu nhiều hơn tôi, Thày đang bước đi bên cạnh tôi. Nhờ đau thương mà tôi cảm nghiệm được sự gần gũi với Thày.

***************************

Lạy Chúa, này con đây để thực thi ý Chúa.  Con đang có vinh dự được Chúa chọn để đồng hành với Chúa.  Chúa đã phán không có tình yêu nào lớn hơn là tình yêu của người đã chết vì người mình yêu.  Chúa đã yêu con bằng tình yêu vĩ đại.  Chúa đã chết cho con, người yêu của Chúa.  Trong đau thương con nghe tiếng Chúa gọi con để chết dần mòn cho Chúa.  Xin cho con biết cảm nghiệm tiếng gọi yêu thương và cao cả của Chúa để tự đáy lòng con, con biết xin vâng trước tiếng gọi của Chúa:  Lạy Chúa, Chúa chẳng yêu gì xính lễ, của hy lễ vật chất, thì đây con đến “vì Thày gọi con”.   Này con xin đến để thực thi thánh ý Chúa.  Tiếng hát Alleluia của con trong mùa Phục Sinh này là tiếng Fiat quả quyết : con xin vâng thánh ý Chúa.

L.M Bình Giang, SSS

 

SAO CON LẠI KHÓC

Trong đời, ai cũng có lúc khóc.  Khóc thầm lặng.  Khóc cho vơi niềm đau.  Kinh cầu tuyệt vọng là kinh cầu trong nước mắt.  Kinh cầu mong hy vọng cũng là lời kinh khao khát đẫm lệ.

Vũ trụ dường như đã có dan díu với tiếng khóc trước khi hình thành hay sao mà bây giờ ở đâu cũng thấy có nước mắt.  Có tiếng thở dài trên đường, có tiếng thở muộn phiền lúc nghỉ ngơi.  Tiếng than bên đời là buồn nhiều hơn vui.

Những trang Kinh Thánh thưở xưa cũng đong dài nhiều dòng nước mắt.  Nhưng câu chuyện nước mắt của Mađalena thật đặc biệt.  Bà khóc hai lần, hai lần khác nhau.

Ngày đó, Mađalena khóc bên chân Chúa, nước mắt và hương thơm.  Trong buổi chiều ấy, Chúa không nói gì.  Chúa cứ để Mađalena khóc.  Chúa nhận nước mắt như nhận quà tặng ân tình.  Còn Mađalena muốn đem nước mắt hòa vào hạnh phúc dầu quý cho bay đi những cơn mưa phùn của linh hồn rêu phong năm xưa.  Chiều đó, người đàn bà ấy không nòi gì.  Thinh lặng và nước mắt thôi.

Thế rồi, cũng người đàn bà ấy, một sáng nọ bà khóc, buổi sáng đến mộ đá tìm xác Chúa. Nhưng tiếng khóc lần này không như tiếng khóc thuở xưa.

“Bà Maria  đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc, vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt xác của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.  Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, lền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Yn 20:11-15).

Một Mađalena, mà hai khung trời, hai dòng nước mắt khác nhau.  Một con tim mà hai nhịp đập, hai thổn thức khác biệt.

–   Ở nhà Biệt phái: Ngày ở nhà ông Simon Biệt Phái, nước mắt bà Mađalena rơi xuống chân Chúa, nhưng chảy ngược vào tâm hồn.  Mađalena khóc thầm lặng không tiếng nói.  Bên mộ đá: Hôm nay, bên mộ đá Mađalena oà vỡ khóc thành lời nói.  Bà thổn thức báo tin cho Phêrô và Yoan.  Bà vội vã hỏi “Người làm vườn”.  Bà quả quyết với thiên thần: “Người ta lấy mất Chúa tôi rồi” (Yn 20:13).

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Simon, Mađalena kín đáo tìm cách vào tận phòng tiệc cho nước mắt rơi trên sàn nhà.  Bên mộ đá:  Hôm nay, Mađalena đứng ở ngoài mộ mà thôi, tiếng khóc vang bên phía ngoài.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, nước mắt Mađalena rơi trước mọi người, rơi trên chân Chúa.  Bên mộ đá: Hôm nay, nước mắt rơi trong cát bụi.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa để Mađalena ngồi cạnh mình lấy tóc cùng nước mắt mà lau chân.  Bên mộ đá: Hôm nay, Chúa không cho nước mắt kia chạm tới Ngài.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong tiếng khóc, Mađalena bị người ta kết án. Bên mộ đá: Hôm nay, Mađalena kết án người khác trong tiếng khóc của mình. Không bằng chứng mà Mađalena dám báo tin cho Phêrô bằng cách đổ tội cho người khác rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Yn 20:2).

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong dòng nước mắt, Mađalena nhìn rõ Chúa. Bên mộ đá: Hôm nay, cũng là nước mắt, Mađalena nhìn Chúa nhưng ngỡ là ông làm vườn. “Thưa ông, nếu ông đem Người đi thì cho tôi biết ông để Người ở đâu?” (Yn 20:15).

–   Ở nhà Biệt Phái:  Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa thương dòng nước mắt ấy thiết tha.  Bên mộ đá:  Hôm nay, Chúa chất vấn: “Bà kia, sao lại khóc?”.

*******************************

Lạy Chúa, cũng một con người được Chúa yêu, mà sao một lần khóc thì Chúa như bùi ngùi, một lần khóc thì Chúa nhìn dòng nước mắt mà hỏi: “Bà kia, sao bà lại khóc?”.  Câu trả lời của Chúa như ngạc nhiên  về dòng nước mắt ấy.  Câu hỏi như từ chối, như nói rằng dòng nước mắt ấy không cần thiết.  Tại sao vậy Chúa?

Tiếng khóc nào cũng có ý nghĩa.  Nước mắt nào mà không chứa đựng nghẹn ngào.  Càng nguyện vọng, nước mắt càng mặn cay, nước mắt ấy phải quý lắm chứ.  Vậy tại sao Chúa lại hỏi: “Bà kia, sao bà khóc?”

Chỉ có một lần Chúa khóc, đó là trước cái chết của Lazarô.  Cái chết nào mà không mất mát, nghẹn ngào, chính Chúa mà còn khóc.  Vậy tại sao hôm nay Chúa lại bảo Mađalena đừng khóc nữa. Nhờ Chúa khóc trước cái chết của Lazarô, nên hôm nay, con phải suy nghĩ về nước mắt, tiếng khóc, nỗi đau của Mađalena trước mộ đá.

Khi Chúa khóc trước cái chết của Lazarô thì người chung quanh nói với nhau rằng: “Kìa, nhìn xem Ngài thương Lazarô dường bao” (Yn 11:36).  Như vậy, nước mắt của Chúa hôm Lazarô chết không phải là nước mắt tiêu điều.  Cái khóc của Chúa không là tuyệt vọng mà là tình thương.

Còn nước mắt của Mađalena bên mộ Chúa, có thương đó mà cũng có xót xa.  Chúa sống lại, nhưng Mađalena phao tin rằng người ta lấy xác Chúa.  Bà không nhìn thấy, nhưng bà nghi ngờ và đổ lỗi cho việc Chúa không còn trong mộ đá là xác Chúa đã bị đánh cắp!  Nước mắt chúng con trước cái chết của người thân yêu có lẽ cũng mang dáng dấp cả hai.  Có thương nhưng lại thương trong xót xa, và nỗi xót xa ấy nhuốm màu đau tuyệt vọng như của Mađalena.  Vì chưa hiểu niềm tin Phục Sinh, nên không thấy xác Chúa thì Mađalena cảm thấy ngày một mất mát lớn lao.  Nỗi mất mát ấy là của Mađalena, cho nên thương Chúa mà xót xa cho mình.  Xót xa và tuyệt vọng làm Mađalena nghi ngờ và đổ lỗi cho nhiều người.

Vì xót thương trước cái chết của người thương yêu, nhiều khi chúng con cũng không tránh khỏi những phàn nàn, trách nhiều nguyên nhân, có khi trách cả Chúa.  Xin Chúa cho chúng con hiểu hơn về mầu nhiệm Phục Sinh trong sự chết.

Nước mắt bên mộ đá đã đưa Mađalena vào những vùng mây mờ không chứng cớ.  Đấy là nước mắt thiếu ánh sáng Phục Sinh.  Trong nước mắt xúc cảm nhạt nhoà, bà không nhìn rõ Chúa đứng ngay bên cạnh.  Chính Chúa đó mà bà lại hỏi ông để xác Chúa tôi ở đâu.

Chúng con cũng thế thôi, vào những giờ đau đớn quá, chúng con không bình tâm nhìn thấy Chúa bên cạnh mình nữa.  Nước mắt đau đớn làm nhoà cái nhìn về sự sống đời sau.  Mađalena đã bừng tỉnh khi Chúa gọi tên bà.  Vậy con xin Chúa cũng gọi tên con trong những giờ chán nản tuyệt vọng để hồn con được an ủi.

Chúa khóc trước cái chết của Lazarô chỉ vì thương.  Xin cho nước mắt chúng con trước nỗi biệt ly cũng chỉ có một tình cảm ấy mà thôi, là chúng con hãy thương mến nhau.  Người chung quanh nhìn trước mắt Chúa mà nói: “kìa Ngài thương Lazarô  biết bao”.  Chớ gì nước mắt chúng con hôm nay cũng như vậy, để một người ra đi là đem yêu thương về đầy giữa chúng con, những kẻ ở lại.

Tình thương thì đem chúng con gần lại, còn nỗi tuyệt vọng sẽ làm đời sống chúng con rã rời.  Con hiểu, cũng trước cái chết, Chúa đã khóc.  Mà cũng trước cái chết, Chúa không muốn Mađalena khóc.  Chúa muốn tiếng khóc của tình thương thôi chứ không muốn tiếng khóc tuyệt vọng.  Vì Chúa là Phục Sinh.

“Vì sao con lại khóc?”  Con mong lời Chúa hỏi Mađalena thưở xưa cũng là lời Chúa hỏi con hôm nay trong nỗi buồn này.  Con hiểu lời ấy như một an ủi nhắc con về niềm tin Phục Sinh đằng sau nỗi chia ly vĩnh biệt.  Con hiểu vì sao Chúa đặt câu hỏi ấy, vì trước giờ từ biệt Chúa đã căn dặn con: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Yn 14:3).  Chúa mong chúng con ở bên Chúa như vậy thì khi người thân yêu của chúng con ra đi là giây phút Chúa chờ đón.

Mađalena chỉ nhìn vào mộ đá, vì thế nước mắt chỉ là trời sương buồn nản phủ xuống hồn.  Chúa đã không muốn nước mắt ấy.  Xin cho nước mắt của chúng con hôm nay không bám víu vào nỗi mất mát cho vơi niềm đau.  Nhưng qua nước mắt, chúng con cho rơi đi những gì thiếu sót chúng con đã đối xử với nhau những ngày còn sống, để nước mắt hôm nay rửa tâm hồn chúng con cho đẹp hơn.

Xin Chúa cho nước mắt của chúng con hôm nay không kéo về những chiều hoàng hôn tuyệt vọng, mà rửa niềm tin chúng con sáng hơn để chúng con thấy người thân yêu đang ở bên Chúa và đang cầu bầu cho chính chúng con. Amen.

Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA

Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử: “Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?”

Người đệ tử trả lời: Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của con người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi con người làm theo ý muốn của Thượng Đế .

(Anthony de Mello – Trích trong ” One Minute Wisdom”)

***

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thuật lại phép lạ Đức Giêsu đã làm khi Ngài từ cõi chết sống lại và đi thăm các môn đệ: Ngài đến giữa các ông trong khi cửa phòng đều đóng kín (Ga:20.19). Ngài đến giữa các ông và ban bình an cho các ông (Ga:20.19,21, 26); thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động. Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, đưa các ông ra khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u. Ngài cho các ông xem các vết thương (Ga:20.21).  Qùa tặng mà Ngài mang đến cho các ông là: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”, và Ngài mời gọi các ông tham dự vào sứ mạng của Ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga:20.21)

Chúng tôi đã được thấy Chúa“… Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ. Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, đã chết và được chôn cất, nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ… thật gần gũi…thật yêu thương .

Các môn đệ vui mừng vì được xum họp với Thầy mình, nhưng chỉ có một người không vui, đó là Tôma.  Ông vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5). Chẳng rõ vì sao ông bị hụt không gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.  Chỉ biết ông đã “không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến.  Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn: “Chúng tôi đã thấy Chúa.” Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan của mình. ” Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin đâu.” (Ga:20.25). Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.

Chúa Giêsu Phục Sinh đến với nhóm, nhưng Ngài không quên một ai.  Ngài muốn gặp Tôma và cho Tôma được toại nguyện. Tám ngày sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài lại hiện đến. Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga:20.27). Trước lời nói đầy yêu thương và chân thật của Thầy mình, sự cứng lòng của Toma đã trở nên mềm nhũn, ông đã không nói thêm được điều gì khác ngoài việc tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga:20.28).

“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga:20.29).  Đó là lời nói mà Chúa Giêsu Phuc Sinh đã nói với Tôma xưa kia. Lời nói ấy cũng là lời nói mà Chúa Giêsu Phục Sinh nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Ðức tin của ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, đã dám hy sinh mạng sống của mình để rao truyền về Chúa Giêsu Phục Sinh.

Nhờ Tôma mà ta có được mối phúc thứ chín: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga. 20: 29). Mối phúc này nghe như có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy.  Và mối phúc này cũng vang lên lời mời gọi tha thiết: Tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin.

Chúa Giêsu đã cho Tôma được “thấy và chạm” đến Ngài và ông đã tin. Tôi và bạn cũng được mời gọi cộng tác với Chúa Giêsu, với các môn đệ của Ngài để rao truyền về Chúa Giêsu Phục sinh, để đức tin của ta và những người chung quanh ta cũng được thay đổi và kiên vững như Tôma xưa kia.

Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa. Nhưng trước hết, ta phải nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).

***

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã sống trọn vẹn cuộc Vượt Qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc “vượt qua” mỗi ngày trong đời con:

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhọc nhằn của thân xác.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn trong đời sống thiêng liêng.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh, xin ban cho con sức mạnh và ơn can đảm để “vượt qua”, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa Giêsu Phục Sinh, luôn gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

CÂU TRẢ LỜI CỦA NGÔI MỘ TRỐNG

 (Ga 20,1-9)

“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Hai hôm sau ngày Chúa Giê-su chịu chết và được táng xác trong huyệt đá, trời vừa hửng sáng, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đi ra thăm mộ Chúa Giê-su và thấy tảng đá đậy cửa mộ đã bị lăn đi, còn mộ thì trống không.

Bà chạy về báo tin cho ông Si-mon Phê-rô và người được mệnh danh là “môn đệ Chúa Giê-su thương mến”. Cả ba cùng hối hả chạy ra mộ.

Họ đã cùng chứng kiến cảnh ngôi mộ trống không, khăn liệm xếp lại gọn gàng.  Nhưng trong thâm tâm, mỗi người lại có những suy nghĩ khác nhau:

Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na cứ đinh ninh rằng xác Chúa Giê-su đã bị đánh cắp (Ga 20,13-15).

Ông Phê-rô thì rất đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra (Lc 24,12).

Còn “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” thì tin chắc rằng Chúa Giê-su đã sống lại như lời Ngài đã tiên báo (Ga 20,9).

Cùng một sự kiện, nhưng lại có nhiều thái độ đức tin khác nhau.

Điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống của mỗi Ki-tô hữu.

*******************************

Sống đức tin là biết nhìn tất cả mọi việc theo quan điểm của Thiên Chúa và trong ý hướng của Thiên Chúa
Sống đức tin là xác tín rằng Thiên Chúa đang thực hiện chương trình của Ngài xuyên qua mọi biến cố trong cuộc đời.
Nhưng làm thế nào để biết được ý Chúa?
Cách thế duy nhất và hữu hiệu nhất là sống bằng chính Lời của Ngài.
Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta biết rõ ý Chúa, sẽ giúp chúng ta củng cố, phát triển và kiện toàn đức tin.

*******************************

Chúa Ki-tô đã sống lại, chỉ còn ngôi mộ trống không.
Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì lúc chúng ta gặp thấy ngôi mộ trống này.
Đó là những lúc chúng ta kiếm tìm một dấu chứng để củng cố lòng tin đang bị lung lay của mình.
Nhưng thay vì một chứng cớ rõ ràng, Chúa Ki-tô lại chỉ đưa ra cho chúng ta một biến cố tạo nghi vấn.
Thay vì trả lời, Ngài lại bắt chúng ta tự đặt ra câu hỏi cho chính mình:
“Như thế nghĩa là gì?”
Quả thật lắm lúc chúng ta đã bối rối phân vân trước câu hỏi bỏ ngỏ ấy.
“Chúa muốn nói gì?”
Thật khó mà xác tín được!

*******************************

Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta trả lời câu hỏi ấy:

Cũng như cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su đã được tiên báo trong Kinh Thánh, sứ mạng của mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa tỏ lộ bằng cách này hay cách khác trong chính cuộc đời chúng ta.
Thiên Chúa cũng đã mở sẵn cho chúng ta một tương lai bằng cách chuẩn bị cho chúng ta những bước đường trong quá khứ.
Xuyên qua những hỗn độn trong cuộc sống, Thiên Chúa đã tỏ ý của Ngài cho chúng ta bằng những biến cố bỏ ngỏ, những “ngôi mộ trống” mà Ngài đặt trước mắt chúng ta.
Muốn biết được những “ngôi mộ trống” ấy muốn nói gì, chúng ta phải duyệt xét lại quãng đời đã qua của mình, để nắm bắt những dữ kiện chính và xếp đặt chúng lại dưới ánh sáng của Tin Mừng.
Với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ nhận ra được thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

*******************************

            Lạy Chúa Giê-su,
            Chúa đã sống cuộc sống trần gian, đã chịu chết và đã sống lại để mở ra cho nhân loại đường về cõi trường sinh.
            Con tin chắc một điều là Chúa cũng muốn con sống, chết và sống lại như thế.
            Nhưng để được sống lại như Chúa, con phải theo con đường nào để hiến tế bản thân con?
            Đâu là đỉnh núi Sọ của con?
            Xin Chúa dạy con biết nhìn để thấy được điều Chúa muốn con thi hành.
            Và xin Chúa trợ giúp để con đủ nghị lực hoàn thành điều Chúa muốn.
            Những lúc Chúa cho con xem thấy “ngôi mộ trống”, thì xin Chúa cũng cho con luôn nhớ rằng Chúa đã phục sinh. A-men!

Trầm Tĩnh Nguyện

BA CÁCH ĐÓN NHẬN CÁI CHẾT KHÁC NHAU

Chúa Giêsu đã từng nói: “Được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, nào có ích gì”.  Thực vậy, có những người khi sống đã được cả thế gian, nhưng cuối đời họ đã đánh mất tất cả.  Mất cả danh dự.  Mất cả bổng lộc.  Mất cả người thân và cuối cùng là mất cả mạng sống.

Cuối năm 2006, toàn thể thế giới đều nghe nói về ba cái chết của ba nguyên thủ ba quốc gia.  Ba người ba cá tính, ba cung cách lãnh đạo khác nhau.  Trước cái chết của họ, có kẻ khóc, có người vui. Có kẻ ngậm ngùi thương tiếc, có kẻ khai rượu ăn mừng.  Điểm chung của họ là được cả thế gian nhưng rồi họ cũng ra đi tay trắng như bao người khác.

Người thứ nhất đó là tổng thống Chilê, Ausgusto Pinochê đã qua đời ngày 10/12/2006.  Ông đã cai trị nước Chi Lê từ năm 1973 đến 1990.  Các tổ chức nhân quyền của Chi Lê đã ước lượng dưới quyền thống trị của ông, có ít nhất 2,100 người bị xử tử vì lý do chính trị, hơn 1,100 tù nhân bị mất tích và khoảng 10,000 tù nhân bị tra tấn trong những trại tù bí mật ở trong nước.  Ông đã bị toà án quốc tế truy tố năm 1998 về tội diệt chủng.  Ngày an táng của ông, Đức Hồng Y Karmelic đã cầu xin Thiên Chúa “quên đi những lầm lỗi của Augusto Pinochê”.

Người thứ hai đó là tổng thống Geral Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ.  Ông đã an nghỉ vĩnh viễn vào ngày 26/12/2006.  Cuộc đời ông không có gì vẻ vang, không có chiến tích đánh đông dẹp tây, nhưng ông được nhìn nhận là người ôn hoà.  Ông đã có một hành động thật phi thường là tha thứ cho cựu tổng tống Nixon khỏi bị truy tố.  Ông đã nói rằng: Ông tha thứ cho Nixon vì quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải vì bản thân Nixon.

Cuối cùng là cái chết của nhà độc tài Sadam Hussen, cựu tổng thống Iraq.  Ông đã bị kết án treo cổ tử hình vì tội giết người vô tội.  Ông là một người đã được trời ban cho mọi vinh hoa phú qúy trần gian, nhưng khi chết chỉ có một dây thòng lòng quốn quanh cổ.  Dù rằng, ông không chấp nhận bản án, không chấp nhận cái chết nhục nhã này, nhưng định mệnh đã lấy đi mạng sống của ông khỏi trần gian.

****************************************

Ba nhân vật này đã đi vào cái chết khác nhau.  Có người bình thản ra đi.  Có người ra đi nhưng vẫn ôm trong lòng những ray rức lương tâm.  Có người ra đi trong bất mãn tột cùng.  Và như vậy, cuộc đời chỉ có giá trị khi mình biết sống để phục vụ sự sống.  Cuộc đời sẽ bị người đời khinh chê nếu chỉ biết gieo vãi sự chết chóc và kinh hoàng.  Sự ra đi trong thanh thản bình an hay lo âu sợ hãi cũng tùy thuộc vào cuộc sống của chúng ta: nhân đức hay tội lỗi, công bình hay giả dối, hiền lành hay gian ác.

Cách đây hơn hai ngàn năm, trên đồi Golgôtha, có ba tử tội đã bị kết án tử hình trên thập tự giá.  Ba tử tội, tuy sinh không cùng năm nhưng lại chết cùng ngày, cùng tháng.  Ba tử tội đã đi vào cái chết thật khác nhau.

Người thứ nhất bên tả đã oán hận phận số của mình.  Cuộc đời của anh chỉ biết giết người và cướp của.  Cuộc đời anh chỉ lo gom góp cho bản thân, chỉ nhằm phục vụ bản thân, cuối cùng anh đã ra đi tay trắng trong uất hận đau thương.

Người thứ hai bên hữu đã đón nhận cái chết trong khiêm tốn, ăn năn. Anh đã hoang phí cuộc đời để chạy theo ảo ảnh trần gian. Thế nhưng, anh đã kịp ăn năn về cả một quá khứ lầm lạc.  Anh đã chấp nhận cái chết khổ hình như một hình phạt xứng với tội lỗi của mình.  Anh ra đi trong an bình của người biết sám hối ăn năn.

Ở chính giữa là thập giá Chúa Giêsu.  Chúa đi vào cái chết như của lễ đền tội cho nhân sinh. Chúa chấp nhận cái chết vì loài người và để cứu rỗi loài người.  Chúa đã chịu khổ hình không do lầm lỗi của mình mà vì vâng phục thánh ý Chúa Cha.  Chúa đã chết vì tình yêu đối với nhân loại, đến nỗi đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tình yêu.  Vì “không có tình yêu nào cao qúy hơn tình yêu dám chết thay cho bạn hữu”.

****************************************

Hôm nay thứ sáu tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu.  Khi mang thân phận của một con người như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một đời để phục vụ con người, và Ngài cũng đón nhận cái chết vì con người.  Thế nên, tình yêu của Ngài đã thành bất tử trên trần gian.  Thập giá không còn là nỗi ô nhục mà là một cuộc khải hoàn vinh quang.

Đó chính là sứ điệp ngày thứ sáu tuần thánh mà Chúa đang mời gọi chúng ta, muốn trở nên môn đệ của Chúa hãy vác khổ giá mà buớc theo Chúa.  Hãy sống một đời biết cho đi.  Hãy biết dùng khả năng của mình mà phục vụ sự sống cho đồng loại.  Và hãy biết hiến thân mình để đem lại hạnh phúc cho tha nhân, vì chưng: “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”  Amen!

Trích từ Veritas

CHÚA ÐÃ SỐNG LẠI, HA-LÊ-LUI-A !

Ðã hơn hai ngàn năm, ngôi mộ trống vẫn là những vấn nạn hóc búa cho nhiều người, nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ và chắc chắn những câu hỏi đó vẫn còn được nhiều người lập đi lập lại mãi mãi, lập lại không ngừng. Ngôi mộ trống xẩy ra trong ngày thứ nhất trong tuần có liên quan tới ngày đầu khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, thế giới và con người ( St 1, 1 – 2 ). Thiên Chúa vẫn thích đi từ cái không không, từ số Zérô để tạo dựng nên tất cả vì nếu tất cả đều đã có sẵn thì việc tạo thành quả không kỳ diệu. Câu chuyện Chúa Phục Sinh bắt đầu từ ngôi mộ trống.

Ngôi mộ trống: Nếu ngày thứ nhất trong tuần sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh và được chôn cất trong mồ, nắp mồ đá được niêm phong cẩn thận. Ðối với những nhà lãnh đạo Do-thái, các thượng tế, ký lục, biệt phái và những người Do-thái căm ghét vì ghen tỵ với Chúa Giê-su, đã tưởng rằng đóng đinh được Chúa, chôn Chúa vào trong mồ thế là hết. Họ không còn sợ một Giê-su sẽ lên ngôi nữa và thế là đi đời Giê-su rồi.

Nếu ngày thứ nhất trong tuần, xác Chúa vẫn còn nguyên vẹn và nắp mồ vẫn niêm phong, đậy kín thì Tin Mừng Phục Sinh sẽ không có và niềm tin vào Chúa sống lại cũng tiêu tan, lịch sử cứu độ sẽ chấm dứt và nhân loại chẳng có gì để nói, để thuyết trình, để biện bác. “Thiên Chúa đã chết” như một ông văn sĩ nào đó đã viết. Không đâu, câu chuyện lại xảy ra hết sức ly kỳ và hấp dẫn: Ma-ri-a, người Mac-đa-la ra thăm mộ từ sáng tinh mơ, sau đó Phê-rô và Gio-an cũng ra mộ ( Ga 20, 1 và 3 ). Ma-ri-a đã về báo cáo với Phê-rô và Gio-an rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?” ( Ga 20, 2 )

Phê-rô và Gio-an đi ra mộ và chứng kiến xác Chúa không còn và ngôi mộ đã mở toang từ bao giờ. Câu chuyện Chúa chết vẫn còn nóng hổi: các người có thiện cảm, yêu mến Chúa Giê-su giờ đây vẫn còn bàng Hoàng, như tỉnh như mê, Ma-ri-a Mac-đa-la và mấy phụ nữ quý trọng Chúa Giê-su thì đi tìm Ngài với cái xác để họ ướp dầu thơm cho Chúa. Tất cả đều chỉ có thể nghĩ như thế và tất cả chỉ có ước mơ như vậy. Chúa chết thật rồi. Phi-la-tô, Hê-rô-đê và các nhà lãnh đạo Do-thái lúc đó đang trong giấc ngủ say, họ hả dạ vì đã loại trừ được một địch thủ có hạng, có ký.

Vâng, câu chuyện nếu chỉ có thế thì chấm dứt, nhân loại chẳng còn gì để bàn cãi, nhưng tất cả sự kiện xoay quanh ngôi mộ trống.. Ngôi mộ trống làm nên lịch sử !

Cô Ma-ri-a Mác-đa-la trong Tin Mừng hôm nay khi nhìn thấy mộ trống, không có xác Chúa còn nằm ở đó, bà đã nghĩ ngay đến việc người ta ăn trộm xác Chúa và đem đi mất.  Bà không dám bước vào. Phê-rô và Gio-an lật đật đi ra mộ theo lời loan báo mất xác của bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Gio-an tới trước vì còn trẻ, chạy nhanh hơn, ông cúi nhìn và thấy các băng vải còn đó, nhưng không vào ( Ga 20, 5 ). Phê-rô tới và vào mộ, ông thấy các băng vải để ở đó, và khăn che đầu Ðức Giê-su.. ( Ga 20, 6 – 7).  Gio-an cũng tới liền sau Phê-rô, ông đã thấy và đã tin (Ga 20, 8 ). Thánh Gio-an đã nghiệm ra lời Kinh Thánh và ông đã nhận ra những dấu chỉ của Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh: Ðối diện với mồ trống, Ma-ri-a Mác-đa-la và các người phụ nữ khác ( Mt 28, 8 -15 ) đã nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng Phục Sinh, và là khởi điểm cho niềm hy vọng, cho dù các bà có âu lo, hoang mang, sợ sệt, nhưng các bà đã chóng vánh về loan báo cho các Tông Ðồ. Khi hay tin Chúa sống lại các bà phụ nữ lại có sự nhạy bén tuyệt vời, các bà đã loan báo cho nhiều người: “Chúa đã sống lại”.

Trước mộ trống, những người lính canh cũng đã thấy, nhưng họ không tin, con tim của họ đã chết thực, họ sợ cấp trên, họ sợ cho danh vọng, chỗ đứng của mình bị lung lay, họ tìm kiếm lợi lộc, hư danh, nên đã không hiểu được Chúa đã sống lại rồi. Gio-an đã tin và sau đó Phê-rô cũng đã tin. Tin Mừng Phục Sinh đã được các Tông Ðồ làm chứng cách mãnh liệt. Từ tình trạng lo âu, sợ sệt khi nghe tin Chúa sống lại, các môn đệ vẫn ẩn mình trong phòng đóng kín cửa ( Ga 20, 19.26 ), các Ngài sẽ hăng say làm chứng cho Chúa Phục Sinh khi Chúa Thánh Thần biến đổi và nhất nhất, mọi Tông Ðồ khi được Chúa Thánh Thần thay đổi, đã hiên ngang loan báo Tin Mừng Phục Sinh dẫu có phải hy sinh tới cả mạng sống của mình.

Tin Mừng ấy, ngày hôm nay và muôn thời vẫn được trao phó cho mọi người. Lời chứng của người có niềm tin chắc chắn sẽ có giá trị lớn lao vì họ đã được nhận lãnh sức sống của Chúa Phục Sinh. Liệu ta và mọi người có dám làm chứng cho Chúa Phục Sinh hay như các tên lính canh vì lợi lộc, vì hư danh mà xa rời niềm tin và sống phản Tin Mừng ?

***

LạyChúa Giêsu Phục Sinh, xin cho con biết can đảm giữ vững Ðức Tin để con luôn nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện giữa cuộc đời của con, giữa mọi biến cố của đời sống.  Xin giúp con biết hiên ngang làm chứng cho Chúa sống lại bất chấp mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Amen

LM. Nguyễn Hưng Lợi, DCCT