TÂM SỰ CỦA MẸ TRONG NGÀY SA-BÁT

Trong tâm tình làm mẹ, rất nhiều lần em đã gặp khó khăn khi cầu nguyện để hiểu Mẹ Maria.  Trong sự dằng co giữa tình thương của một người mẹ, luôn luôn sẵn sàng chết để bảo vệ con mình, và một tình thương ở mức độ cao hơn, đó là ngắm nhìn con mình đau khổ và hát lên bài Magnificat, nếu đó là ý Chúa…  Rất nhiều lần em tự hỏi, Mẹ Maria đã làm gì trong ngày thứ bảy tuần thánh?  Mẹ mang tâm tình như thế nào?  Làm sao để em có thể noi gương Mẹ, yêu thương con mình theo thánh ý Chúa chứ không níu giữ, bám víu kiểu người đời?  Và bài viết này là những gì mà em cảm nghiệm được, nó rất riêng và cũng có thể rất thô thiển.  Nhưng như một lời hát vào một buổi chiều thứ bảy tuần thánh của riêng em, dành cho Mẹ:

*********************

Thế là xong!  Ma chay mồ mả đã yên, mọi người ai về nhà nấy, con trai Mẹ đã nằm yên trong mộ huyệt lạnh giá!  Trời chiều thứ bảy gió nhiều con à.  Bầu trời âm u xám xịt như thể nó đang chực chờ một đám mây đen nhỏ xíu kéo tới để trút hết những giọt mưa nặng trĩu mà nó hằng mang nặng và tích tụ bấy lâu.  Mẹ về lại Bê-ta-nia cùng Maria và Marta.  Hai chị sợ Mẹ một mình cô đơn nên bảo Mẹ về đây nghỉ vài ngày rồi hãy về quê.  Tự nhiên Mẹ nhớ con nhiều Giêsu à, Mẹ biết ai cũng lo cho Mẹ, cả con nữa, nhưng sao Mẹ chẳng nuốt nổi miếng gì, cứ miên man nghĩ đến con hoài.  Giêsu ơi, soi sáng cho Mẹ, để Mẹ thêm sức mạnh và nghị lực sống!

Mẹ còn nhớ lúc có mang con, sao khi đó Mẹ khỏe và nhiều năng lực.  Cứ nhớ mãi tâm tình lúc bấy giờ, vui chi lạ vì có con trong lòng.  Mẹ tự nhiên chẳng sợ hãi, chẳng lo lắng bất cứ một điều gì, như một người lính ra trận và biết rằng mình đã được trang bị kỹ càng, dù sống hay chết, cũng đều có Thiên Chúa ở bên…  Mẹ cứ thế mà trèo đèo vượt suối, mang tâm tình ca ngợi Thiên Chúa của mình đến cho mọi người.  Nhớ những lúc sáng sớm dậy lo cơm nước cho dì, vừa hát nho nhỏ những bài Thánh Vịnh cho con trong bụng nghe, vừa nấu cháo cho dì ăn sáng, vừa hít thở cái mát lạnh tinh mơ của một ngày mới…  Thật hạnh phúc.  Cảm ơn con nghe, Mẹ luôn luôn muốn nói cảm ơn con vì con đã cho phép Mẹ có mặt trong cuộc đời con.  Cảm ơn con đã đi bên Mẹ.  Kể từ khi con đến trong cuộc đời Mẹ, Mẹ như hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự vâng phục, nghèo khó, và khiêm nhu.  Từ một cô bé ngây thơ hồn nhiên, Mẹ dần trở nên nhạy cảm hơn trước tình thương của Thiên Chúa, trước quà tặng của Người, và trước cả những mất mát đau khổ.  Mẹ học được thật nhiều từ con, con biết  không?  Ngay khi còn ở trong lòng Mẹ, con đã dạy cho Mẹ học cách yêu thương và chăm sóc người khác theo Thánh ý Chúa.  Cho đến cuối cuộc đời, gồng mình đau đớn thở hơi thở cuối cùng trên thập tự mà môi con vẫn mấp máy lời nguyện cầu thứ tha…  Bài học cho đi, cho đi chính bản thân mình của con, Mẹ nghiệm mãi trong lòng.

Mẹ thỉnh thoảng vẫn có tánh níu giữ con à.  Càng ở bên con, càng hiểu rõ sứ mệnh cuộc đời mà Chúa Cha trao phó cho con, Mẹ lại càng sợ ngày này đến gần.  Có đôi khi Mẹ đã muốn yêu con một cách ích kỷ.  Mẹ chỉ muốn ôm con vào lòng, như lúc con còn bé; chỉ muốn che chở bảo bọc cho con.  Chiều nay thật buồn.  Mẹ thỉnh thoảng lại có cảm giác đi cùng con đến chỗ tăm tối nhất của cuộc đời…  Bao nhiêu hình ảnh của con tràn về, mắt cứ nhòa đi trong dòng lệ nóng…

Giêsu của Mẹ ơi,
Mẹ ngồi đây
Ngày Sa-bát thật buồn
Ngồi nhớ, thương đứa con của Mẹ

Giêsu của Mẹ ơi,
Mẹ còn nhớ lần đầu nhìn thấy con
Mẹ chẳng biết mình đang khóc hay cười
Chỉ biết cả vũ trụ như thể ngừng quay,
Lúc Mẹ ẵm bế con trong lòng
Giữ ấm cho con – Bầu sữa Mẹ
Chút lạ lẫm nhưng lại rất thân quen

Bé cưng ơi,
Mẹ nhớ Mẹ chẳng có gì cho bé
Chẳng có áo mới, tã sạch, nôi thơm
Chỉ hơi ấm, tình Mẹ, và bầu sữa nóng
Sưởi ấm con yêu trong giá lạnh gian trần !
Thương thật nhiều cậu bé con của Mẹ
Tuổi thơ con cơ cực đủ điều
Nay bôn ba xứ người,
Mai lam lũ kiếm sống
Mẹ còn nhớ bàn tay nhỏ của con Mẹ
Không trắng trẻo múp míp chi hết cả…

Giêsu ơi,
Đôi vai gầy, con gánh tội trần gian.
Đường Thánh giá
Con cất bước chẳng nghi nan
Mẹ cầu xin, thầm chấp bước con đi
Để chim hót, hoa nở, ơn Chúa tràn ngập lối
Đường Thánh giá
Mẹ tiếp bước cùng con

Giêsu ơi,
Quê Trời, con có biết
Mắt nhạt nhòa, Mẹ nhớ con khôn tả
Rồi như chợt nghe con gọi: “Mẹ ơi, con đây”

Rồi chợt như bắt gặp ánh mắt con nhìn Mẹ, có cái gì đó dũng cảm dày sức chịu đựng, có chút gì đó đau khổ mong manh, và cũng trong ánh mắt ấy Mẹ thấy sức sống tràn đầy.  Giêsu của Mẹ ơi, lắm lúc trên đường đời, Mẹ đã mãi vui với niềm tự hào khi nhìn ngắm con, và Mẹ lại đau buồn như bao người nhiêu người mẹ khác khi đau khổ, tang thương chết chóc ập đến cho con trai yêu dấu của Mẹ.  Chợt ánh mắt con nhìn đã nhắc nhớ Mẹ rằng, con không thất bại, con đã chiến thắng, tình yêu đã chiến thắng sự chết.

Giêsu ơi,
Ngày đoàn viên, Mẹ nghẹn ngào lệ nóng
Ôm lấy con, ôm hết cả nhân loại
Bài hát xưa Mẹ ê a cất tiếng:

Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người .
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng .
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có lại đuổi về tay trắng.

Mẹ của con – Maria
Ngạo

ĐỒNG CẢM VỚI CHÚA

Chuyện kể rằng khi quân Mông Cổ mở mang bờ cõi đến vùng Ba Tư, họ bắt được một tu sĩ công giáo.  Quân Mông Cổ giải vị tu sĩ đến gặp Thành Cát Tư Hãn.  Thấy người tù binh đeo một cây thánh giá trước ngực, vị đại hãn hỏi về ý nghĩa của dấu hiệu này. Thế là vị tu sĩ nhân cơ hội ngàn vàng kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu cho cả triều đình Mông Cổ nghe.  Vị đại hãn tỏ ra thích thú, cho đến khi nghe đoạn thương khó.

Khi nghe đến chuyện Chúa Giêsu bị phản bội, bị bắt, bị đánh đòn, rồi bị đóng đinh, càng lúc khuôn mặt của đại hãn càng lộ vẻ tức giận.  Đến lúc vị tu sĩ nói: “Chúa Giêsu kêu lớn: Elôi, Elôi lamma sabác thani” (Mc 15:34), Thành Cát Tư Hãn gầm lên: “Rồi sao nữa?”  Sau khi nghe chuyện Chúa Giêsu gục đầu tắt thở, màn đền thờ xé làm đôi, rồi viên đại đội trưởng tuyên bố “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:38), đại hãn trầm ngâm một lúc rồi hỏi: “Thế Thượng đế của các ngươi đã làm gì?”  “Ngài có sai quân binh trên trời xuống tàn sát những kẻ giết con của Ngài không?”

Khi thấy vị tu sĩ lắc đầu, Thành Cát Tư Hãn khoát tay đuổi ông ra và không muốn nghe thêm nữa.  Đại hãn bình luận: “Một chủ tể mà không bảo vệ được con của ngài, một quân vương mà không trả thù cho con của ngài, thì có gì mà đáng kính phục.” Và dĩ nhiên là Thành Cát Tư Hãn không theo đạo.

****************************

Tội nghiệp vị đại hãn chưa có dịp nghe đoạn kết câu chuyện, vì nếu đã được nghe, có lẽ ông đã có một kết luận khác. Còn chúng ta, dĩ nhiên là chúng ta biết hết câu chuyện thương khó của Chúa Giêsu. Chúa chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại và ba ngày sau Ngài sẽ sống lại.  Nhưng chúng ta có thật sự hiểu câu chuyện này không? Chúng ta có thực sự hồi hộp theo dõi từng tình tiết một, như vị đại hãn đã làm không?

Có lẽ vì chúng ta nghe quá nhiều lần nên có khi đã không còn tâm tình cùng đi với Chúa Giêsu trên con đường tử nạn.  Có lẽ vì chúng ta biết Chúa sẽ sống lại nên khó cảm nghiệm được cảm giác của người nghe câu chuyện lần đầu. Bi thương, hùng tráng, giận dữ, chua xót, mất mát, đau buồn, v.v…  Những cảm giác đó mới chính là những gì chúng ta cần được cảm nghiệm trong Tuần Thánh này.  Kể từ hôm nay, chúng ta được mời cùng đi với Chúa Giêsu, với Mẹ của Ngài, từng ngày một, từng bước một, vào trong câu chuyện Thương Khó.

Cuộc Thương Khó giúp tôi ý thức sự giới hạn của lý trí khi tôi không có câu trả lời cho những vấn nạn của cuộc đời:  Tại sao tôi mất việc?  Tại sao gia đình tôi đổ vỡ?  Tại sao con cái tôi hư hỏng?  Tại sao em tôi bị bạo bệnh?  Tại sao bạn tôi chết khi còn quá trẻ?  Tại sao và tại sao?  Đó là những vấn nạn, đôi khi không có câu trả lời.  Nhìn lên Chúa, Chúa im lặng.  Nhìn sang Phật, Phật nhắm mắt.  Hỏi những người thông thái, họ lắc đầu: Không biết!  Phải chăng lúc đó tôi cũng kêu lên rằng: Lạy Chúa sao Chúa bỏ con?

*********************************

Bạn thân mến,

Đau khổ là một thực tế không thể chạy trốn trong kiếp người. Tôi chỉ có thể trực diện với nó khi tôi biết Con Thiên Chúa cũng đã đi qua cái chung cuộc tồi tàn nhất của kiếp người. Bị bạn bè bán đứng, bị người thân chối bỏ.  Thân phận Ngài còn thua xa tên tội phạm Barabba.  Con Thiên Chúa đã chết một cách thầm lặng trần truồng trên thập giá.  Đứng dưới chân thập giá, có mấy người nhỏ lệ?  có bao nhiêu người hả hê?  Nếu Con Thiên Chúa, Đấng vô tội mà còn bị người đời đối xử thế đó, thì làm sao tôi là môn đệ Ngài có quyền đòi hỏi cái gì khác hơn.  Nếu Thiên Chúa đã im lặng khi Con của Ngài bị giết, thì làm sao tôi có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải lên tiếng khi tôi gặp đau khổ.

Chúa Giêsu đã mang lấy một số phận nghiệt ngã hơn chúng ta nhiều lắm.  Thế nên khi gặp đau khổ hoạn nạn, tôi đừng vội trách Chúa sao lại gửi cho con thập giá quá nặng nề.  Không, Thiên Chúa không phải là tác giả của hình phạt dã man độc ác đó.  Chính con người chúng ta nghĩ ra những trò độc ác, những hình phạt dã man để hại nhau, giết nhau. Và rồi chính con ngưòi đóng đinh cả Con Thiên Chúa trên đó nữa.

Nhưng phần Ngài, sao Ngài lại chấp nhận như thế?  Phải chăng khi chọn chén đắng của cuộc đời, Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy đau khổ và sự chết không phải là tiếng nói sau cùng?  Phải chăng Ngài muốn chia sẻ thân phận mỏng dòn yếu hèn của chúng ta?  Đúng như lời thánh Phaolô tuyên bố: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8).  Quả thế, Con Thiên Chúa đã cúi mình xuống để nâng chúng ta lên với Ngài.  Dù chúng ta phải đi qua con đường khổ giá, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta không đi một mình.  Qua những người chung quanh, Chúa Kitô ghé vai cùng vác thập giá cùng chia sẻ cuộc đời với chúng ta.

Chủ Nhật Lễ Lá hôm nay cũng còn gọi là Chủ Nhật Thương Khó.  Đây là chủ nhật đặc biệt nhất trong năm vì có đến hai bài Phúc âm được đọc.  Một bài Phúc âm về reo hò mừng vui của việc đón rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem… và sau đó là bài Phúc âm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, bắt đầu từ âm muu nộp Chúa của Giuđa cho đến lúc táng xác Chúa.

Hai bài Phúc âm với hai tâm tình trái ngược.  Dân chúng hôm trước thì tung hô, mấy hôm sau thì đả đảo. Các môn đệ hôm trước thì hãnh diện đi với Thầy, vài hôm sau trốn chui trốn nhủi.  Các kinh sư và Biệt phái hôm trước thì e dè, vài bữa sau thì hả hê.  Tâm tình của con người là thế đó.  Và Chúa Giêsu biết điều đó.  Ngài chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả.

Thật dễ dàng để suy tư về ý nghĩa của Tuần Thương Khó, nhưng không thật dễ dàng để cảm nghiệm được những đau đớn của Tuần Thương Khó.  Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy để những cảm giác đau đớn, giận dữ, khó chịu, kinh sợ, v.v… nổi lên trong lòng chúng ta.  Những cảm xúc này thật cần thiết để mỗi khi bị phản bội, bị bỏ rơi, bị lăng mạ hay bị kết án, bị trù dập hay bị sỉ nhục, bị chế diễu, bị lột trần hay bị đóng đinh, chúng ta có thể nhìn lên thập giá với một niềm an ủi.

Ước gì mỗi người chúng ta bước vào Tuần Thương Khó với tâm tình cuả Chúa Giêsu, để rồi khi chúng ta cùng chết đi với Ngài, chúng ta cũng cùng sống lại với Ngài.

Xin cầu chúc bạn một Tuần Thánh được cử hành trong niềm tin và ân sủng của Đấng đã chịu chết vì chúng ta. Amen.

Antôn-Phaolô

 

 

CON ÐƯỜNG CHÚA ÐI

Lễ Lá có một khởi đầu vui nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi đầu Ðức Giêsu long trọng vào thành Giêruxalem.  Kết cục, Ðức Giêsu chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá.  Con đường vào thành của Người là con đường vinh quang vương giả. Nhưng con đường lên Núi Sọ lại là con đường của kẻ tội đồ.

Ðám rước tưng bừng ngày Lễ Lá mời gọi ta cùng tiến bước theo Chúa.

Tiến bước theo Chúa để hiểu rằng hành trình không kết thúc tại cổng thành Giêruxalem với đám đông ngưỡng mộ, với cành lá và quần áo trải thảm đường đi, nhưng kết thúc trên Núi Sọ với thập giá, với  những lời nhục mạ, với hai tội nhân đồng hành.  Ðức Giêsu không xưng vương trước đám đông cuồng nhiệt nghênh đón, nhưng lại xưng vương trước mặt Philatô, khi tay đã bị trói, khi thân thể đã tan nát không còn hình tượng con người, khi đã mất hết uy tín, đứng trước vành móng ngựa như một phạm nhân. Danh hiệu là Vua chỉ được chính thức ghi bằng chữ viết khi Người bị treo trên thập giá.

Hành trình của Chúa là một hành trình gian khổ.  Ðích điểm chỉ đạt tới sau khi đã từ bỏ tất cả, không phải chỉ là nhà cửa, y phục mà cả những người thân, cả thành công, cả danh dự, cả mạng sống.

Tiến bước theo Chúa để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.  Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa vung tay vung chân hoan hô Chúa, hôm sau đã vội vung tay vung chân kết án Chúa.  Cũng đám đông ấy hôm trước vừa reo hò chúc tụng Chúa, hôm sau cũng vẫn reo hò, nhưng để buộc tội Chúa. Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa chen lấn nhau để nghênh đón Chúa, hôm sau đã xúm đông xúm đỏ để hành hạ Chúa. Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa cởi áo, chặt cành lá lót đường Chúa đi, hôm sau đã lột áo Chúa, chặt cành gai cuốn lên đầu Chúa.

Tiến bước theo Chúa để dứt khóat lựa chọn cho mình một con đường.  Ðường vào Giêruxalem chỉ có một và rộng thênh thang.  Mọi người đều tụ tập và cùng chung lối bước.  Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia ra muôn ngả.  Mỗi người đi theo con đường của mình. Ðường vào Giêruxalem đông vui và phấn khởi vì mọi người ca hát tưng bừng.  Nhưng đường lên Núi Sọ thật buồn thảm, chỉ có tiếng roi vọt, tiếng than khóc, tiếng chửi rủa.  Ðường vào Giêruxalem mọi người đều theo Chúa, mọi người đều là môn đệ Chúa.  Nhưng đường lên Núi Sọ chỉ còn ít người theo Chúa. Có những người đã phản bội.  Có những người đã trốn chạy. Có những người đã chối bỏ Thày. Ðường vào Giêruxalem có con lừa chở Chúa.  Nhưng đường lên Núi Sọ Chúa phải vác thánh giá.

Ði theo Chúa trên đường vào Giêruxalem thì dễ dàng và vui vẻ.  Nhưng theo Chúa trên con đường Núi Sọ mới thật chông gai.

Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ dễ dàng hoà nhập vào đoàn người cầm cành lá đón rước Chúa.  Nhưng khi Chúa đi lên Núi Sọ, tôi sẽ rẽ sang đường nào ? Tôi sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa ?  Tôi sẽ rẽ sang con đường chối Chúa của Phêrô ?  Tôi sẽ rẽ sang những con hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ ?  Tôi sẽ phụ hoạ với đám đông kết án Chúa ?  Hay tôi cũng theo quân lính đánh đập Chúa ?  Trước sau gì tôi cũng phải lựa chọn một con đường.

***

Lạy Chúa, xin cho con luôn tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đi.  Xin thêm sức cho con để con kiên trì theo Chúa trên đường lên Núi Sọ.  Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt