MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì,
Trong đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi đến dòng nước trong lành,
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính,
vì danh dự của Người.

Lạy Chúa! Dầu qua lũng âm u,
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Người bảo vệ,
con vững dạ an tâm.
Lòng nhân hậu và tình thương của Chúa,
ấp ủ con suốt cả cuộc đời,
và con được ở bên Người,
những ngày tháng… những năm dài triền miên.

(Thánh Vịnh 23)

***

Bạn thân mến!  Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến người mục tử và đàn chiên.  Ðức Giêsu tự ví mình như người “Mục Tử Nhân Lành”.  Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

Nét khác biệt lớn nhất giữa Mục Tử Nhân Lành và người chăn thuê chính là tình yêu. Tình yêu đã tạo nên mối dây tương quan mật thiết, gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi “ (Ga.10:14).  Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều: Mục tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc. Chiên nghe tiếng của mục tử và đi theo.  Như thế giữa mục tử và đoàn chiên có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng, một sự trân trọng gắn bó và quý mến nhau đặc biệt.

Vì tình yêu mà Mục Tử Nhân Lành đã phải quan tâm săn sóc, đã không quản ngại khó khăn nguy hiểm, đã phải lặn lội vất vả để tìm kiếm những con chiên đi lạc và mang chúng về đàn: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về.” (Ga.10:16).

Và cũng chính vì tình yêu và sự gắn bó mật thiết bên nhau nên “…chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga.10:16).  Đó cũng là đức tin mà ta vẫn thường tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “…Tôi tin có một hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền..

Bạn thân mến! Hạnh phúc cho ta vì được làm chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta.  Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta.  Ta sung sướng vì Người yêu thương ta đến nỗi hy sinh mạng sống của Người vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho người khác.  Người muốn ta lớn lên để chính ta cũng trở thành mục tử nhân lành theo gương của Người: Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y tá và bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ..v..v..

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn ta trở nên giống Người như một mục tử nhân lành,  để tiếp tục công việc của Người, để chăm sóc đời sống tâm linh cho đàn chiên mà Người sẽ trao phó.  Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục.

Hôm nay, Người mời gọi ta hãy lên đường bước đi theo Người, nối tiếp công việc của Người.  Người mời gọi ta hãy nhìn thấy đám đông bơ vơ không ai chăn dắt, nhìn thấy những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố, những người lầm lỡ sống vất vưởng bên lề xã hội… Hãy nhìn họ bằng trái tim yêu thương, để rồi đáp trả lời mời gọi yêu thương luôn vang vọng từ trời cao: ”Hãy theo ta”.

***

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Mục Tử Nhân Lành… Xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Và cũng xin biến đổi chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong giáo xứ và trong môi trường và khu phố mà chúng con đang sống. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

HƯỚNG LÒNG VỀ THƯỢNG GIỚI

Khi con người chỉ biết nhìn xuống…

Người phụ nữ có biệt danh là ‘Bà Năm khòm’ đã trở thành nhân vật quá quen thuộc đối với những ai hay lui tới công viên của thành phố nầy.   Đã lâu lắm rồi, từ sáng tới chiều, ngày nầy qua ngày khác, người ta thấy bà lầm lũi cúi gập người xuống để tìm nhặt những đồng tiền xu mà khách nhàn du đánh rơi đâu đó trong công viên.  Hình như nghề nầy đem lại cho bà nguồn thu nhập tương đối khá, nên ngày nào bà cũng khom người xuống và căng mắt tìm kiếm miệt mài như con kiến cần cù chăm chỉ nhất.

Vì ngày nào bà cũng cúi gập người xuống, đôi mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn sát mặt đất để tìm kiếm những đồng tiền rơi nên rốt cuộc, cần cổ của bà cụp xuống, lưng còng hẳn đi đến nỗi bà không còn ngửng lên nhìn trời được nữa.  Vì thế, người dân quanh đó gán cho bà biệt danh là “Bà Năm khòm.”

Thế là mặc dù kiếm được khá tiền, nhưng bà đã đánh mất cuộc sống.  Bà chỉ biết có mặt đất mà không biết có bầu trời.  Bà chỉ biết ky cóp những đồng tiền xu mà chẳng biết gì đến thế giới bao la muôn màu muôn vẻ chung quanh!

                           *****************************************

Hình ảnh người đàn bà còng lưng trên đây là biểu tượng cho những người chỉ biết có thế giới vật chất mà không màng gì đến thế giới thiêng liêng.

Nếu không được ánh sáng phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Giê-su soi sáng, con người chỉ có thể thấy gần mà không thể thấy xa, chỉ biết chú mục vào cuộc sống phù du đời nầy mà lãng quên cuộc sống mai sau, chỉ biết vun quén của cải vật chất tạm bợ trần gian mà không lo tích lũy cho kho tàng vĩnh cửu, chỉ biết kiếm tìm lạc thú chóng qua mà lãng quên hạnh phúc trường cửu muôn đời…  Họ chối bỏ Trời, quay lưng lại với Thiên Chúa, khước từ thế giới thiêng liêng!

Họ xem mặt đất nầy là quê hương duy nhất.  Họ xem nấm mồ như điểm đến cuối cùng của cuộc sống, như nhận định của thi hào Nguyễn Du:

“Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”

Hãy ngước nhìn lên

ZZSự kiện Chúa Giê-su lên trời mở ra cho loài người một viễn tượng mới: Thế giới loài người không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vật chất nhưng còn mở vào cõi vô biên.  Cuộc đời con người không chấm dứt trong nấm mồ tối tăm nhưng vượt qua đó để tiến vào vĩnh cửu.

Như ấu trùng ve sầu chui ra khỏi những lớp đất tăm tối, lột bỏ chiếc vỏ chật hẹp để đón chào thế giới mới, cất tiếng ca vang dưới ánh nắng mặt trời, con người cũng được mời gọi vượt lên trên thế giới hữu hình, phá bỏ lớp vỏ vật chất bó chặt đời mình để vươn vai trở thành tạo vật mới, sống một đời sống mới.

Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta hãy hướng về đích xa:
“Quê hương chúng ta ở trên trời” (Phi-lip 3, 20)

Thế nên: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Col 3, 1-4)

Sự kiện Chúa Giê-su lên trời kêu gọi chúng ta hướng về đích cao: đừng chỉ lo phần xác mà quên mất phần hồn, không chỉ biết đời nầy nhưng còn phải chuẩn bị cho đời sau.

Chỉ dán mặt xuống đất mà không biết ngẩng lên nhìn trời là đánh mất cuộc sống.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

XIN ĐƯỢC LÀM TÔI TỚ

Robert Morrison, một nhà truyền giáo nổi tiếng, khi đi truyền giáo ở Trung Quốc, đã viết thư cho Hội truyền giáo ở bên Anh, để xin một người trợ giúp.  Để đáp lại, có một thanh niên xin được tự nguyện hiến thân phục vụ.

Sau khi phỏng vấn, các thành viên trong hội truyền giáo quyết định là mặc dù người thanh niên này là một Kitô hữu sốt sắng, nhưng anh chưa hề được chuẩn bị và chưa có đủ yếu tố để ra đi truyền giáo, nên họ đề nghị:

–  Chúng tôi nghĩ rằng anh chưa phù hợp với vai trò của một người truyền giáo, nhưng nếu anh bằng lòng ra đi với tư cách là người giúp việc cho nhà truyền giáo, thì chúng tôi cử anh đi.

Sau khi nghe câu trả lời này, anh nói:

–  Dạ, thưa con xin được sẵn sàng trở thành một người tôi tớ hoặc làm bất cứ việc gì để phục vụ cho mục tiêu làm sáng danh Chúa.

Thế là anh được sai đi trong vai trò của một người lao công, nhưng chẳng bao lâu, anh trở thành một nhà truyền giáo, đó là tiến sĩ Minle, một trong những nhà truyền giáo tốt lành giỏi giang nhất tại Trung Quốc.

trích (3000 Illitrations)

*******************************************

zz–  Đức Maria, một mẫu gương khiêm hạ, khi trả lời sứ thần Gabriel: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”(Lc 1,38)..  Xin vâng!  Mẹ cùng đồng hành với Con Mẹ trong chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa, cùng đồng công với Con Mẹ để cứu chuộc nhân loại.  Xin vâng! Mẹ đã lặng lẽ theo chân Con mình trên bước đường thương khó.  Lời xin vâng của Mẹ đã đi hết cuộc hành trình trần gian, cùng các môn sinh của Con mình trên bước đường truyền giáo với những ngày đầu khai sinh Giáo Hội sơ khai.  Sự khiêm hạ của Mẹ đã được Thiên Chúa thưởng công, cả hồn lẫn xác trên Thiên Quốc.

–  Thánh Gioan Tẩy Giả vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước nói về con người mình : “Còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài” (Mc 1,7b). “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.  Cả cuộc đời của thánh nhân sống trong hoang địa, nhưng lại là vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước được Thiên Chúa sai đến, để dọn đường cho Đấng Mesia đến.

–  Thái độ khiêm hạ, thực lòng thống hối ăn năn của người thu thuế, anh ta không nói nhiều.  Chỉ cúi đầu và thưa với Chúa một câu: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18:9-14). Chính sự khiêm hạ của anh, anh đã nhận được lòng bao dung của Thiên Chúa.

–  Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một vị Thánh đã từng sống với đức khiêm nhường một cách rất nghiêm nhặt, từ những việc nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hằng ngày, sự nhường nhịn đã tạo cho thánh nữ thành một thói quen tốt khi thánh nữ tiếp xúc với các chị em trong đan viện.  Một vị Thánh cả một cuộc đời sống chiêm niệm trong bốn bức tường trong nhà kín, nhưng lại được Hội Thánh tôn vinh và chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Trong dân gian Việt Nam, câu tục ngữ: “một sự nhịn, chín sự lành” đã diễn tả được phần nào đặc tính của đức khiêm nhường.  Người khiêm nhường không có nghĩa là người nhu nhược.  Mà trái lại, trong cuộc sống đức khiêm nhường chính là cánh cửa để giúp con người tiến bước vào ngưỡng cửa trọn lành.  Chính đức khiêm nhường đã hun đúc giúp con người thăng tiến đến sự hoàn thiện nhân cách.  Vì người có đức khiêm nhường thì không bao giờ có tính ích kỷ, kiêu căng, đố kỵ, huênh hoang, tự cao tự đại …

Trên đây, những mẫu gương của đức khiêm hạ của mọi thành phần, mọi thời đại.  Riêng tôi, tôi đã học và thực hành được gì?   Tôi đã thể hiện tinh thần khiêm nhường của mình như thế nào? Trong công việc được trao, tôi đã phục vụ hết mình chưa?  Hay lại hiểu sai về đức khiêm nhường, là đùn đẩy, thoái thác nhường công việc cho người khác, để chọn việc nhẹ nhàng.  Thường khi được trao công việc, nhất lại là công việc chung, mấy ai nhận về mình việc khó khăn và cũng chẳng ai muốn nhận việc thấp hèn. A nh thanh niên Minle đã không quản ngại nhận công việc là một người giúp việc, anh vui vẻ nhận lời để theo chân nhà truyền giáo; trong anh giây phút đó chỉ có một mục đích chính là để phục vụ cho mục tiêu làm sáng danh Chúa.  Rồi từ công việc khiêm hạ là người lao công giúp việc, anh đã thành công trong xã hội với học vị tiến sĩ và với Giáo Hội là nhà truyền giáo nổi tiếng.

***********************

Lạy Chúa, xin cho con biết sống khiêm hạ, biết từ tốn trong thái độ giao tiếp.  Cho con biết vui nhận những công việc nơi bề trên đã tín nhiệm trao cho con.  Biết kính trọng vâng lời với các đấng bề trên; biết tôn trọng anh chị em trong hòa nhã, nhẹ nhàng; biết yêu thương chia sẻ với các em nhỏ.  Đồng thời biết thể hiện liên kết khiêm tốn với lòng nhiệt thành đầy nhiệt huyết.  Để hy vọng trong bất cứ công việc gì, cũng được Chúa hướng dẫn, chúc lành và gặt hái thành quả tốt đẹp. Amen!                                                
Pet. PBH

THINH LẶNG

zzNếu không có những đợt sóng nhấp nhô dưới dòng sông như hoà cùng lời xào xạc của lá trên cao, tôi cứ ngỡ mình đang ở giữa bức tranh rộng lớn, toàn những màu xanh pha trộn đậm nhạt, óng ánh dưới mặt trời.  Những con sóng lao xao, lấp lánh như tô, như vẽ cho nét hài hoà của thiên nhiên tuyệt sắc thêm êm ả, ngút ngàn từ nhánh sông dài, đẹp như giải lụa xanh lam sóng sánh, lăn tăn những nếp bạc gấp bất kỳ, chập chùng theo từng ngọn gió.

Giữa khu vườn rộng bên bờ sông, trải đầy bóng mát của những rặng thông cao, tôi ngồi yên trên chiếc ghế gỗ chơ vơ, nghe thinh lặng nói lời dịu dàng của sóng, của gió, của tiếng thông vi vu reo và cả tiếng chim chíp của con chim nhỏ nào hót mãi điệp khúc ngàn năm.  Hiểu được tiếng nhỏ nhẹ của âm thanh không lời chung quanh, ngỏ cùng một lối chuyện trò với tôi như hôm qua, rất gần, mà tâm trí mỏi mòn cứ tưởng xa lắm trong lối về của ý.

Cảm giác tìm về của tôi tràn đầy như cơn gió lộng, ùa khắp đất trời, xô từng con sóng nhỏ vổ vào gềnh đá tiếng vang của bài hát muôn trùng, cho thinh lặng – người bạn cũ – đến thật gần nhã nhặn tiếp nối câu chuyện dở dang mà đoạn kết vẫn là nỗi hoài mong trong tôi.  Thinh lặng giảng giải cho tôi lời tự tình của gió, người lữ hành không mỏi mệt, mênh mang kể lể về cuộc đời, về phận mình vô định, thổi xuyên năm tháng trong cuộc hành trình xa xăm mang theo bao nhiêu câu chuyện cũ kỹ mà mới mẻ từng ngày.  Gió hát lời reo vui của lá, đùa với cỏ, đong đưa từng nụ hoa cho màu sắc mang hồn sống động.  Gió đưa cánh chim vút bay, nâng cánh diều chao đảo, chuyển ngàn mây đổi mới bầu trời, đem mưa về tưới xanh đồng ruộng.

Ai nghe được tiếng thinh lặng nói về cuộc chuyển hoá của muôn loài, của hạt mầm âm thầm hư thối trong lòng đất để vươn cao mầm mới.  Của con sâu róm xấu xí cuộn mình trong tổ kén tối tăm, để mai ngày thành cánh bướm muôn màu rực rỡ.  Thinh lặng không phải là nỗi trống vắng hư vô, nhưng là một tròn đầy huyền nhiệm như huyệt mộ thâm u ngày thứ bảy sau chiều Thập Tự, để nối kết cái chết đau thương của Đức Giêsu chuyển vào ngày Chúa Nhật rạng ngời ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, trỗi dậy Sự Sống.  Thinh lặng của đợi chờ trong cõi lòng thanh vắng, thay đổi con người ấu trĩ, nông nổi hôm qua, thành con người trưởng thành, điềm đạm hôm nay trong ý thức tràn đầy về một Đấng Chí Thánh âm thầm ở giữa họ, không ngừng đổi mới tâm hồn họ bằng Tình Thương lớn lao của Ngài.

Thinh lặng trở về với chính mình để khám phá một kho báu vô song của Đền Thờ trong tâm hồn mỗi người là nơi ngự trị của Thiên Chúa cao cả, uy linh và tràn đầy thương xót.  Để khi đối diện với Đấng cao cả đó, con người nhận ra rất rõ những mọn hèn, khiếm khuyết của mình trong kinh ngạc vô cùng trước Tình Thương quá lớn lao của Đấng uy linh đã đến, trong thinh lặng, ngự giữa tâm hồn yếu đuối bé nhỏ mà không một lời phiền trách.  Khi nhận ra sự hiện diện cao cả của Ngài trong thẳm sâu tâm hồn là một hiện hữu đích thực của Tình Yêu vô biên, Tình Yêu có sức chuyển hoá cái chết thành sự sống, đau khổ thành vinh quang, nghèo nàn, bất lực của con người thành nguồn sống dồi dào, sung mãn đến phong phú vô tận của tinh thần, thoát khỏi những ràng buộc trong vật chất hư hao.

Thinh lặng thật sâu để đi được vào cõi tĩnh lặng tâm linh, vượt qua vùng cảm xúc thường tình của tình cảm con người gây biết bao sóng gió, bão táp của chao đảo muộn phiền hay âu lo sợ sệt, khi nhận định được rõ Sự Hiện Diện của Chúa là nền tảng yêu thương vững chắc mà không một thách đố nào có thể lay ngã, không một lời nói, hành vi nào có thể gây tổn thương.  Thiên Chúa là tảng đá kiên cố cho linh hồn tôi bám trụ, như con lật đật giữa cuộc đời ngả nghiêng trăm hướng nhưng vẫn tìm lại được thế bình tâm.

Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung vào tận đáy tâm hồn con.
Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà là chính tâm hồn con.
Ngài đã chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên, ngay tận tâm hồn con.
Duy có Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu xuống tận đáy tâm hồn con.
Duy có Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xoá mình đi khi Ngài ở bên con.
Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả, và Ngài là tất cả của con.

(Rabbouni 25, theo Swami Abhisiktananda)

Mai Hoa

 

MỘT BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC

Ông ‘nổi tiếng’ là học rất dốt.  Thi đâu trượt đấy trong nhiều năm trời.  Thế nhưng cuộc đời của ông lại tỏa sáng trên toàn thế giới vì ông đã chạm vào tâm hồn nhiều thế hệ.  Tầm vóc vĩ đại của một người đơn sơ như ông đã đạt đến đỉnh cao khi ông được chọn làm gương mẫu đời sống cho những nhà lãnh đạo tinh thần của Hội Thánh trong vai trò ‘cha chánh xứ’.  Trong những bút tích còn lưu giữ của ông, người ta tìm thấy nhiều điều khôn ngoan dẫn đến hạnh phúc.  Xin được trích lại nơi đây một ‘bí quyết để hạnh phúc’.  Ông viết: “Con người có một điều tuyệt đẹp, đó là khả năng cầu nguyện và yêu thương.  Bạn cầu nguyện, bạn yêu thương, đây chính là hạnh phúc của con người trên trái đất này…. Cầu nguyện là nếm hưởng trước Thiên Đàng.” (Gioan-Maria Vianney)

ZZCầu nguyện là một bí quyết để hạnh phúc.  Ai đã có kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện sẽ hiểu rõ điều này.  Muốn sử dụng hiệu quả một bí quyết thì phải có phương pháp đúng đắn, khoa học.  Phương pháp càng tốt thì càng đạt hiệu quả nhiều.  Cầu nguyện càng tích cực thì hạnh phúc càng kết trái đơm bông dồi dào.

***********************************

Họ là hai người thuộc hai lối sống, hai hoàn cảnh, hai môi trường nghề nghiệp, hai quan niệm khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một mục đích trong đời: đi tìm hạnh phúc.  May thay, cả hai đều biết đến và thực hành ‘bí quyết để hạnh phúc’ trên, nhưng xem ra mức độ hạnh phúc họ đạt được khá khác biệt.

Khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, Cần thu xếp cửa hàng tạp hóa.  Công việc đôi lúc cũng dồn dập đến mệt lả nhưng nói chung làm chủ tiệm thì vẫn chủ động hơn về giờ giấc. T iệm của mình, mình muốn đóng cửa lúc nào tùy mình.  Sau cơm tối, Cần bật tivi lên xem thời sự, nghe ca nhạc hoặc coi một cuốn phim nào đó giải trí.  Thói quen cầu nguyện trước khi ngủ là món quà quý giá mẹ Cần đã để lại cho con.  Quý giá vì nó hỗ trợ tinh thần cho Cần những lúc căng thẳng giữa dòng đời nổi trôi phức tạp này.  Ngồi ngay ngắn, Cần bắt đầu cầu nguyện: “Chúa ơi, hôm nay con mệt quá.  Dạo này kinh tế khủng hoảng, làm ăn khó có đồng lời như hồi trước.  Không biết bao giờ mới đủ tiền xây căn nhà đàng hoàng mà lấy vợ đây?  Xin giúp cho con có thêm khách hàng Chúa nhé.  Xin Chúa cũng chữa cho con cái bệnh nhức đầu, chắc tại con suy nghĩ nhiều quá nên bị stress.  À, xin Chúa soi sáng cho bà chủ tiệm bên cạnh nhận ra lỗi của bà ta sáng nay.  Con không cần lời xin lỗi nhưng…. Con biết Chúa dạy con phải yêu thương cả kẻ thù nữa nhưng bà ta quả là rất khó chịu.  Ngày nào cũng gặp một người như thế thật là dễ mất bình an.…”

Nhờ ít phút cầu nguyện mỗi đêm như thế mà Cần cảm thấy bớt ức chế. Í t ra cũng được giải tỏa phần nào về tâm lý khi có Chúa kiên nhẫn lắng nghe.  Dẫu vậy, phương pháp cầu nguyện này không có khả năng tạo được sự bình an vững chắc trong lòng Cần giữa biển đời.  Con thuyền tâm hồn dễ chòng chành, chao đảo, quay quắt khi sóng gió nổi lên.

Hân rời quê lên thành phố mưu sinh.  Dưới quê việc làm khan hiếm, gia đình chỉ có miếng đất nhỏ nên làm chẳng đủ ăn.  Cha mẹ Hân cũng đã lớn tuổi, lại còn mấy đứa em nhỏ đang học trường làng.  Tụi nó đều muốn nghỉ học nhưng Hân cương quyết không cho.  Hân muốn các em sau này có tương lai sáng sủa hơn mình.  Lên thành phố, Hân tìm hỏi bạn bè và được nhận vào một nhà hàng lớn.  Công việc chính của Hân là rửa chén, lau chùi nhà vệ sinh và làm các việc vặt khác nếu chủ cần đến.  Có những lúc đông khách, Hân làm việc quên cả ăn uống, đến gần nửa đêm mới trở về căn nhà trọ cách đó nửa tiếng đi bộ.  Về đến nhà, tắm rửa một chút thì mệt lắm rồi. Không biết là hên hay xui, Hân không có tivi mà chỉ có cái radio nhỏ nghe tin tức nên không ‘phải’ thức khuya để… luyện phim chưởng.  Trước lúc đi ngủ, Hân có thói quen ngồi nhắm mắt cầu nguyện.  Thỉnh thoảng có ngày mệt mỏi quá thì nằm nói chuyện với Chúa và ngủ lúc nào không biết.  Từ kinh nghiệm của gia đình cũng như bản thân, mặc dù có những cảm thấy khô khan hoặc làm biếng, cầu nguyện đối với Hân là việc quan trọng phải làm mỗi ngày.  Hân thường thủ thỉ với Chúa như thế này: “Cha ơi, một ngày lại đang dần khép lại.  Cảm ơn Cha đã giúp con giữ giờ tâm sự này với Cha để con được bình an.  Cảm ơn Cha vẫn duy trì sự sống và đức tin cho con.  Cảm ơn Cha soi sáng cho con nhận ra sự hiện diện của Cha trong các biến cố ngày hôm nay.  Ui, nếu mà không có Cha giúp con nhanh tay chụp lại cái đĩa thì tiền lương của con lại bị trừ mất một ít!  Cảm ơn Cha giúp con kiên nhẫn với chị nấu bếp khi chị ấy nổi nóng la con.  Cảm ơn Cha cho con biết làm chứng cho Cha qua nụ cười của con.  Có mấy người nói rằng con tuy không đẹp nhưng con có duyên nhờ nụ cười.  Hì hì hì…. Cha cũng khéo giúp con qua mấy lời khen ấy quá nhỉ!  À, Cha ơi, bệnh chị họ của con vẫn chưa thuyên giảm.  Con thấy lòng mình lo lắng nhiều.  Con xin Cha giúp con trông cậy và phó thác nơi Cha nhiều hơn.  Mong sao việc cầu nguyện của con không phải để đòi Cha phải thay đổi theo ý con nhưng để con được biến đổi theo tầm nhìn sâu thẳm và toàn diện của Cha vì cuối cùng chỉ có Cha là người thương chúng con nhất và hiểu rõ chúng con cần ơn gì nhất.  Con xin dâng chứng đau lưng kinh niên của con như một hy sinh nhỏ bé để hiệp thông với người bạn thân đang gặp khủng hoảng.  Và nếu hợp ý Cha, trong những ơn mà Cha ban cho con hôm nay, con nguyện tặng những ơn cần thiết cho người ấy.  Cha, con xin lỗi vì hôm nay có mấy lần con xét đoán người khác trong tư tưởng.  Con thấy mình còn nông cạn, hẹp hòi quá!  À, thế này, xin Cha tiếp tục nhắc con biết sống cầu nguyện thêm trong ngày, đặc biệt là lúc con làm việc, để con gặp gỡ Cha nhiều hơn nữa.  Như thế con sẽ bình an hơn Cha nhỉ!  Bây giờ con đi ngủ đây!  Úi, suýt nữa con quên cầu nguyện theo lời mẹ dạy: Cho những ai không biết tầm quan trọng của cầu nguyện, con xin cầu nguyện thay cho họ.  Cho những ai không biết tạ ơn Cha, con xin tạ ơn thay cho họ.  Cho bản thân con, xin Cha giúp con đừng bao giờ dại dột bỏ cầu nguyện.  Con xin phó thác hết mọi sự cho Cha.  Cảm ơn Cha vẫn luôn yêu con. Con cũng yêu Cha!” Rồi, khò khò khò ò ò ò …

Nhờ thái độ và cách cầu nguyện thực tế, tích cực này mà Hân vững tâm, lạc quan trong cuộc sống.

****************************

Còn nhiều câu chuyện về cầu nguyện hữu ích khác mà ta có thể kể cho nhau nghe.  Vì thời gian có hạn nên xin được khép lại bài này nơi Thầy Giêsu, đỉnh cao và trung tâm của cầu nguyện.

****************************

Trước khi quyết định một việc gì, Thầy đến gặp Cha.  Điều này chứng tỏ cầu nguyện có thể giúp định hướng và soi sáng cho ta.  Bắt đầu một ngày mới, Thầy đến gặp Cha.  Như thế có nghĩa là cầu nguyện giúp ta khởi sự ngày mới trong Thần Khí Thiên Chúa.  Ngày sống bận rộn trăm công ngàn việc của Thầy được đặt hoàn toàn trong sự hiệp thông với Thánh Ý của Cha.  Điều này chứng minh rằng cầu nguyện giúp ta dễ nhận biết và sống đúng hơn thánh ý Thiên Chúa.  Sau một ngày vất vả, Thầy lại dành một không gian và thời gian riêng tư thân mật để gặp Cha.  Như thế cầu nguyện cho ta sự nghỉ ngơi bổ dưỡng an lành.  Những lúc đối diện với cám dỗ, khó khăn, hiểu lầm, chê bai, ganh ghét, vu khống, thù hận, bách hại…, Thầy nắm chặt lấy tay Cha.  Điều này cho thấy cầu nguyện đem lại sức mạnh và vững tâm…. Còn nhiều khía cạnh bổ ích khác về cầu nguyện trong cuộc sống của Thầy mà ta có thể thêm vào đây.

Bạn thân mến, sở dĩ Gioan-Maria Vianney hiểu được “cầu nguyện là hưởng nếm trước Thiên Đàng” là vì ông đã khôn ngoan làm theo  lời Thầy Giêsu dạy: “Anh em hãy cầu nguyện luôn.” (Lc 18:1, 21:36; Eph 6:18; 1 Thes 5:16-18)

Để đời ta bình an và hạnh phúc hơn, mình cùng làm theo lời Thầy dạy, bạn nhé.

Giuse Việt, O.Carm.

 

EMMAUS

Qua đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta thấy được sự chuyển biến tình cảm của hai môn đệ trên đường đi Emmau, chuyển biến đó khởi đi từ chỗ buồn nản đến chỗ phấn khởi và hăng hái.

ZZThực vậy, cũng như các môn đệ khác, các ông bước theo Chúa với tham vọng vật chất và trần tục: Chúa sẽ là vua, vương quốc của Ngài là một quốc gia vừa rộng lớn, vừa hùng mạnh, lại vừa giàu sang, còn bản thân các ông sẽ được giữ chức vụ nào đó trong triều đình của Chúa. Mặc dầu luôn yêu mến Chúa, nhưng cái nhìn của các ông vẫn còn nặng mùi xôi thịt. Vì thế, khi Chúa bị treo trên thập giá, thì ước mơ của các ông tan theo mây khói. Các ông chán nản và thất vọng trở về với quê cũ, nghề xưa.

Như hai môn đệ trên đường Emmau chúng ta cũng hay tin vào chính mình và phán đoán một chiều, cho nên rất dễ sai lầm trong việc nhận định. Như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta cũng hay chán nản và buồn phiền, chỉ vì thiếu tin tưởng vào Chúa hay vì để lòng mình quá vấn vương với những lợi lộc vật chất.

Trong việc tông đồ thường có hai kết quả. Kết quả bên ngoài tức là những lợi ích trần gian và kết quả bên trong tức là cái ảnh hưởng siêu nhiên. Nếu để ý nhiều quá đến những kết quả bên ngoài, chúng ta sẽ tự chuốc lấy cho mình những đắng cay và thất vọng. Trái lại nếu biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa và làm hết sức mình, thì bao giờ chúng ta cũng có đủ lý do để lạc quan, chắc chắn rằng ảnh hưởng thiêng liêng thế nào cũng có, dù không có ngay hoặc không rõ rệt qua bên ngoài.

Giữa lúc các ông đang thất vọng và chán nản như thế, thì Chúa vẫn yêu thương các ông, muốn sửa lại cái quan niệm sai lầm và đem lại cho các ông niềm phấn khởi và hy vọng, nên Chúa đã hiện ra, cùng đi với các ông và cắt nghĩa Kinh Thánh để các ông hiểu rằng: Nước Chúa không phải là ở trần gian và thập giá chính là con đường tiến tới vinh quang.

Trái tim các ông bỗng ngập tràn niềm phấn khởi. Rồi sau đó tại quán trọ, các ông đã nhận biết Ngài khi Ngài bẻ bánh. Lúc ấy các ông thật sung sướng và phấn khởi. Lúc ấy các ông hăng hái đứng dậy, hối hả trở về tìm gặp các tông đồ, không quản ngại đường xa và đêm tối. Các ông không còn nghĩ đến công việc làm ăn ở làng Emmau nữa, mà trái lại các ông chỉ trông mong để được loan đi tin mừng phục sinh: Thầy đã sống lại và chúng tôi đã thấy Thầy.

Chúa Phục Sinh vẫn tiếp tục đến bên cuộc đời ta như xưa Ngài đã từng đến với các tông đồ. Ngài vẫn đến với ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của giòng đời. Ngài vẫn đang mời gọi ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Cho dù cuộc đời có nghiều nghi nan. Cho dù giòng đời có nhiều bất trắc và giông tố. Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa. Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa. Hãy lấy lòng mển để vâng theo thánh ý Chúa.

Ước gì ánh sáng đức tin cũng bùng lên trong ta, để nhờ đó ta cũng sẽ là những chứng nhân cho Tin mừng Phục sinh bằng chính đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.

Xin Chúa Giê-su phục sinh luôn ở lại với con, như lời Người đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

 

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG

Trước khi dâng mình cho Chúa, thánh An-phong-sô là một luật sư lỗi lạc.  Người rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén.  Nhờ tài ba, Người đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc.  Nhưng một hôm, Chúa đã để cho Người phải thất bại.  Trong một vụ án mà Người thấy là đơn giản, dễ dàng, Người đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, Người thấy như cả bầu trời sụp đổ.  Danh tiếng phút chốc tan như mây bay.  Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng.  Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.  Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, Người quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện.  Nhờ ơn Chúa, Người tìm được niềm bình an.  Hơn thế nữa, Người nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn.  Từ đó, Người hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, Người đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế.  Sau này, khi nhìn lại, Người hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa Người về con đường theo ý Chúa.  Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện Người trong đức khiêm nhường phó thác.  Chính bàn tay Chúa đã hạ Người xuống trong danh vọng trần thế để nâng Người lên trong vinh quang Thiên đàng.

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự.  Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Ðức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông.  Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn.  Nhưng đó chính là Ðức Giê-su.  Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an.

Có lần Ðức Giê-su cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì.  Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy.  Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế.  Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi.  Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh.  Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình.  Ðức Giê- su phải trấn an họ.  Cho họ xem những vết thương ở tay chân.  Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ.  Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế.  Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe doạ đời sống ta.  Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa.  Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi.  Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn.  Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được.  Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta.  Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi đức tin các Tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma.  Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Ðức Giê-su là có thực.  Ðức tin của các Tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Ðức Giê-su và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh.

Ðức tin của ta còn rất non yếu.  Ta hãy biết bắt chước các Tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Ðức Giê-su.  zzHãy đến gặp Người trong Thánh Lễ.  Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình.  Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh.  Ðọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn.  Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa.  Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày.

Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh.  Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống.  Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

Lạy Ðức Giê-su phục sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

TGM Ngô Quang Kiệt

 

QUẢ TRỨNG RỖNG

zzJeremy sinh ra với một thân hình co quắp, chậm phát triển trí tuệ kèm với một căn bệnh mãn tính đang giết dần giết mòn sự sống non trẻ của em.  Tuy thế, cha mẹ em cũng cố gắng tạo cho em một cuộc sống thật bình thường bằng cách gởi em đến học trường tiểu học St. Theresa.

Tuy đã 12 tuổi, Jeremy vẫn còn học ở lớp hai, và có vẻ không có khả năng học tập.   Cô giáo Doris Miller thường căng thẳng vì em.  Em loay hoay trên ghế ngồi, mũi dãi chảy ra và lầm bầm không rõ tiếng.  Thỉnh thoảng em nói lên được một câu rõ ràng minh bạch, cứ như là một tia sáng bỗng rọi vào bóng tối của đầu óc em…  Cô giáo cố hết sức để không quan tâm đến tiếng ồn và cái nhìn ngây dại của Jeremy.  Nhưng một hôm em khập khiễng lê chân đi lên bàn cô.  Em nói đủ lớn tiếng cho cả lớp nghe: “Thưa cô Miller, em thương cô.”  Những em khác cười khúc khích, còn cô Doris thì ngượng đỏ mặt.  Cô lắp bắp: “Ờ… Ờ… Tốt lắm Jeremy.  Bây giờ em về chỗ nhé!”

Mùa xuân đến, và các em học sinh phấn khởi nói về lễ Phục Sinh.  Cô Doris kể cho các em nghe chuyện Chúa Giê-su, và để nhấn mạnh đến cuộc sống mới đang nảy sinh, cô đưa cho mỗi em một quả trứng lớn bằng nhựa.  Cô bảo: “Này, cô muốn các em đem về và ngày mai đem trở lại sau khi đã đặt vào đó một cái gì nói lên sự sống mới.  Các em hiểu không?” “Thưa cô, hiểu!”  Tất cả mọi em đều hăng hái trả lời như thế, ngoại trừ Jeremy.  Em chỉ trầm ngâm lắng nghe; mắt em không hề rời khuôn mặt cô.  Thậm chí em cũng không lầm bầm như mọi khi.  Không biết em có hiểu những điều cô nói về Chúa Giê-su không?  Không biết em có hiểu lời cô dặn dò không ?

Sáng hôm sau, 19 em học sinh đến trường, cười cười nói nói khi đặt trứng vào một giỏ mây trên bàn cô Miller.   Sau môn toán là đến lúc mở các quả trứng.  Trong quả thứ nhất, cô Doris thấy một đóa hoa.  Cô bảo: “Vâng phải rồi, hoa là dấu hiệu của sự sống mới.  Khi cây đâm chồi ra khỏi đất thì ta biết rằng mùa xuân đã đến.”  Một bé gái ở hàng đầu đưa tay lên nói to: “Trứng của em đấy, thưa cô!”  Quả kế tiếp chứa đựng một con bướm bằng nhựa, giống như thật.  Cô Doris đưa lên. “Tất cả chúng ta biết rằng sâu biến thành một con bướm đẹp.  Vâng, đây cũng là một sự sống mới.”  Cậu bé Judy hãnh diện mỉm cười và nói: “Thưa cô, trứng đó là của em!”

Cô Doris lại mở quả trứng thứ ba.  Cô chưng hửng.  Quả trứng rỗng tuếch!  Chắc chắn là trứng của Jeremy – cô nghĩ thế – dĩ nhiên rồi, vì nó không hiểu lời dặn dò của cô.  Bởi không muốn làm cho em lúng túng nên cô bình thản để quả trứng qua một bên và cầm lên một quả khác.  Bỗng dưng Jeremy nói rõ: “Thưa cô, cô không nói gì về cái trứng của em sao?”  Cô bối rối trả lời: “Nhưng Jeremy này, trứng của em trống rỗng mà!”  Nó nhìn sâu vào mắt cô và khẽ nói: “Vâng, nhưng mộ Chúa Giê-su cũng rỗng mà!”

Thời gian như dừng lại.  Khi có thể mở miệng lại được, cô Doris hỏi em: “Em biết vì sao mộ lại trống không?”  Jeremy hô lên: “Thưa cô biết!  Chúa Giê-su bị giết và được đặt vào đó.  Rồi Cha của Chúa cho Chúa sống lại!”  Chuông ra chơi chợt reo vang.  Khi các em bé ùa chạy ra sân, thì cô Doris khóc.  Sự lạnh nhạt trong lòng cô đã hoàn toàn tan biến mất rồi.

Ba tháng sau, Jeremy qua đời.  Những người đến nhà xác viếng thăm em đều ngạc nhiên khi nhìn thấy có 19 quả trứng đặt trên chiếc mũ của em… và tất cả các trứng ấy đều rỗng!

Maranatha sưu tầm và dịch

*******************************

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,  Ngài đã làm cho Con Một Ngài sống lại từ cõi chết, xin cho chúng con cũng được sống lại cùng với Đức Giêsu Kitô trong ngày sau hết.  Amen!

CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY CHÚA

Sau khi được phục sinh, Đức Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa, nhưng Ngài vẫn dễ thương như xưa. Nỗi bận tâm lớn nhất của Ngài là các môn đệ. Việc làm quan trọng nhất của Ngài là đi thăm các ông.

Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u. Ngài chúc cho họ bình an ba lần (c.19.21.26), thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động. Đức Giêsu phục sinh cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng của Ngài sẽ mãi mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn.

329Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, vì được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

Chỉ có một người không vui, đó là ông Tôma. Ông này vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5). Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Đức Giêsu phục sinh. Chỉ biết ông đã “không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến. Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn, khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn: “Chúng tôi đã thấy Chúa.”  Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan. “Nếu tôi không thấy… nếu tôi không xỏ ngón tay… nếu tôi không thọc bàn tay… tôi sẽ chẳng tin đâu.”  Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.

Đức Giêsu phục sinh đến với nhóm, nhưng không quên một ai. Ngài muốn cho Tôma được toại nguyện.

Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài hiện đến. Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em, nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng điều ông đòi hỏi. Rốt cuộc Tôma cũng được thấy và tin như anh em.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, đã dám hy sinh mạng sống để nói rằng Ngài sống lại.

Quanh chúng ta vẫn có nhiều người giống Tôma. Họ đòi “thấy và chạm đến” những thực tại vô hình, như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau.

Nếu “thấy và chạm” có nghĩa là “có cảm nghiệm”, thì đòi hỏi trên thật là chính đáng. Đức Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài.

Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác thấy và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật.

Chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa, cần thanh thoát như người đã đụng đến trời cao, cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác như người đã cảm được cái nhẹ bổng của linh hồn.

Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa. Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga.20,18). Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải nói được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga.20,25).

***

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt Qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc Vượt Qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Trích trong “Manna”

CÀ RỐT, TRỨNG HAY CÀ PHÊ?

Cô con gái hay than thở với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình, và cô không biết phải sống thế nào.  Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.

Cha cô vốn là một đầu bếp.  Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp.  Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to.  Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi, không nói một lời.

Người con gái sốt ruột không biết cha cô đang định làm gì.  Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu.  Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.

Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ”, cô gái đáp.  Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê.  Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.

–  Điều này nghĩa là gì vậy cha – cô gái hỏi.

–  Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.

Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.

Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong.  Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.

Hạt cà phê thì thật kỳ lạ.  Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.

Người cha quay sang hỏi cô gái: Còn con?  Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.

Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?

Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay.  Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.

Hay con sẽ giống hạt cà phê?  Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ.  Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.

Cuộc đời này cũng vậy con ạ.  Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả.  Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào?  Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?

****************************

Để thay đổi cái nhìn bi quan, chán nản của cô con gái mình, người cha đã dùng hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà dạy cho con mình bài học vượt qua.

Cũng thế, để thay đổi tâm trạng buồn phiền, chán nản, thất vọng của hai môn đệ trên đường Em-mau, Chúa Giêsu phục sinh cũng dùng những hình ảnh xem ra rất đổi bình thuờng với chúng ta.

Bằng cách xuất hiện như một người khách bộ hành để cùng chia sẻ những ưu tư, những quan tâm mà các ông đang gặp phải.  Cũng như gợi lại cho hai ông nhớ lại những Lời Chúa đã tiên báo và giải thích như xưa Ngài đã từng làm.  Nhờ thế lòng các ông cảm thấy bừng cháy lên bởi Lời Chúa.

Bằng việc ở lại và ngồi vào bàn dùng bữa với các ông như khi còn sống.  Nhất là qua cử chỉ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”.  Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập bí tích Thánh Thể.  Lúc đó mắt họ mở ra và nhận ra Chúa.

Nhờ sống Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, ta sẽ nhận ra Chúa phục sinh hiện diện nơi những người anh em mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày, như hai môn đệ Em-mau xưa.

Nhờ Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ có cái nhìn lạc quan trước những biến cố dưới con mắt người đời bị coi là xui xẻo, mất mát, đau thương, bất hạnh…, bởi chúng ta nhận ra Chúa Phục Sinh hiện diện qua các biến cố ấy.

Xin cho chúng ta biết gắn bó với Lời Chúa và kết hiệp mật thiết với Bí Tích Thánh Thể.  Nhờ đó chúng ta đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

****************************

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tạ ơn Chúa đã liên kết chúng con nên một trong Chúa.  Qua bàn tiệc thánh thể, chúng con được chia sẻ với nhau một bữa ăn huynh đệ mà chính Chúa đã dọn cho chúng con là Mình Thánh Máu Thánh Chúa.  Cũng chính nơi bàn tiệc này chúng con mới nhận ra chúng con là anh em với nhau con một Cha trên trời.

ZZLạy Chúa, năm xưa Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau.  Sự đồng hành này đã nâng đỡ họ và giúp họ tìm lại niềm vui và hy vọng trong cuộc sống.  Xin cho chúng con luôn là những người bạn tốt lành của nhau, bằng cách đồng hành với nhau trên mọi nẻo đường cuộc sống.  Xin giúp chúng con đừng bao giờ dửng dưng như khách lạ với tha nhân, nhưng luôn liên kết, cảm thông và nâng đỡ những rủi ro, bất hạnh của tha nhân.  Xin giúp chúng con đừng bao giờ chỉ tìm niềm vui nơi mình nhưng luôn nghĩ đến thiện ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, sự đồng hành của Chúa trên đường Emmau đã đánh tan thất vọng, lo âu trong tâm hồn các môn đệ, xin cũng ban cho chúng con sự bình an và ơn thánh qua bí tích Thánh Thể mà chúng con vừa được hân hạnh đón rước vào trong tâm hồn. Amen!

Sưu tầm