ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN

zzMột người kia rất sợ bóng tối.  Anh đến hỏi vị thầy của mình cách thức làm sao cho hết sợ.  Vị thầy dẫn anh vào một hành lang tối và bảo anh, vừa đi vừa lấy gậy đập vào bóng tối.  Anh ta làm theo , nhưng chẳng mấy chốc, anh quay đầu trở lại.  Vị thầy lại bảo anh, vừa đi vừa la hét om xòm để xua đuổi bóng tối.  Anh đi được một quãng, nhưng khi khản cả cổ không còn la được nữa thì cơn sợ lại đến.  Cuối cùng, vị thầy đưa cho anh que diêm và một cây nến.  Khi thắp lên ngọn nến, ánh sáng tuy yếu ớt nhỏ bé, nhưng đủ để đẩy lui bóng tối chung quanh anh.  Thế là từng bước một anh đi hết hành lang không sợ hãi.  Ánh sáng xuất hiện và đẩy lui bóng tối.

********************************

Nước Thiên Chúa

Bạn thân mến, theo tin mừng Marcô, sau khi mời gọi các môn đệ đầu tiên, Đức Giêsu ghé vào Kêpar-nahum, một thị xã cạnh biển hồ Galilê, nơi dân chúng chuyên về nghề đánh cá.  Ngày Sabát, ngài vào hội đường và giảng dậy.  Có điều gì đó khác lạ nơi vị tôn sư này.  Theo như dân chúng nhận xét: “nội dung thì mới mẻ, cách nói chuyện thì có uy quyền.”  (Mc 1,27).  Chúng ta không biết chi tiết bài giảng trong ngày Sabát ấy, nhưng chắc hẳn nội dung không đi ngoài chủ đề “Nước Thiên Chúa đã gần đến.  Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15).  Thật vậy, trọng tâm sứ điệp rao giảng của Đức Giêsu là loan báo về Nước Thiên Chúa.  Việc Chúa Giêsu trừ tà trong hội đường là dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã xuất hiện, và quyền lực của ác thần đang bị đánh bại.

Đối với nhiều người, cụm từ “Nước Thiên Chúa” hoặc “Nước Trời” vẫn là cái gì khó hiểu, trừu tượng, mơ hồ, cho dù hàng ngày chúng ta vẫn cầu xin cho “Nước Cha trị đến.”  Khác với các kinh sư đương thời, Chúa Giêsu đưa ra một quan niệm mới mẻ về Nước Thiên Chúa.  Thay vì nhấn mạnh về sự công thẩm của Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói về tình thương của Ngài.  Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mô tả không phải là vị thẩm phán, nhưng là người cha giầu tình thương.  Một Thiên Chúa không phân biệt giữa dân tộc này hoặc dân tộc nọ.  Một Thiên Chúa không quan tâm đến của lễ toàn thiêu cho bằng con người thương yêu đùm bọc nhau.  Một Thiên Chúa muốn đối xử với chúng ta trong quan hệ cha-con, chứ không phải là vua-tôi.  Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng là một Đấng trung tín, từ bi và nhân hậu. Ngài chậm giận và chan chứa tình thương.  Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả, sẵn sàng đón nhận tất cả.

Qua sứ vụ rao giảng và chữa lành của Chúa Giêsu, cụm từ “Nước Trời” không còn mang ý nghĩa lãnh thổ hoặc quốc gia, như đế quốc Rôma hay đất nước Palestine.  “Nước Trời” cũng không hẳn là một chế độ hoặc chính thể, như chính thể cộng hoà hay chế độ quân chủ.  Thiên Chúa chẳng cần đất đai, cũng chẳng cần thần dân.  Nói đúng hơn, Chúa Giêsu mô tả Nước Trời là một hình ảnh của sự hoạt động và hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới.  Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm không dễ nắm bắt nhưng cũng không phải là điều mơ hồ, mà chính là thực tại.  Một thực tại xảy ra khi tâm hồn con người mở ra để đón nhận Thiên Chúa.  Nước Chúa ngự đến khi ý Chúa được thể hiện.  Nước Chúa hiện diện khi Thiên Chúa có mặt trong đời sống con người.

Tin Mừng này có nghĩa gì với chúng ta hôm nay?

Có lần người chị của thánh Tôma Aquinô đã hỏi thánh nhân: “Làm thế nào để lên thiên đàng?”  Thánh nhân trả lời vắn gọn: “Hãy ao ước đi!”  Thật thế, khi chúng ta ao ước được Chúa ngự trị trong lòng mình, chúng ta bắt đầu tiến trình thanh tẩy.  Khi chúng ta để Lời Chúa soi rọi cuộc sống chúng ta, thì các thần ô uế đã và đang ám chúng ta phải lung lay.  Những tăm tối, những ô uế, những đam mê tội lỗi sẽ phải bật tận gốc.

Hãy tự hỏi lòng mình xem tôi có muốn lên thiên đàng không?  Tôi có thật sự muốn sống mầu nhiệm “Nước Thiên Chúa” ngay tại cuộc sống trần thế này không?  Nếu muốn chúng ta có thể bắt đầu học “ao ước” từ bây giờ và xắn tay áo lên “sống” mầu nhiệm “Nước Thiên Chúa” ngay từ hôm nay. Bằng cách nào ư?  Một cánh én không làm nên mùa Xuân nhưng một ngọn nến nhỏ với một ánh sáng yếu ớt đủ để đẩy lui bóng tối.

Là tín hữu, chúng ta được mời gọi để chia sẻ vào sứ mạng của Hội thánh, rao truyền một nền văn minh tình thương và sự sống.  Chúng ta cần góp sức nỗ lực, cho dù nhỏ đến đâu, để đẩy lui nền văn hoá bạo lực và chết chóc đang lan tràn chung quanh chúng ta.  Trong lời nguyện cầu, trong những đóng góp vật chất và tinh thần, trong công tác truyền thông, bằng những chữ ký thỉnh nguyện, bằng những buổi thắp nến nguyện cầu, rất nhiều người chúng ta đã và đang gióng lên tiếng nói của lương tâm, tiếng nói cho công lý.

Bóng tối của thế gian sẽ được đẩy lui từ từ nếu tất cả những người Kitô cùng thắp lên một ngọn nến nhỏ, cùng sống tinh thần “Nước Trời” như lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu Kitô.

Đâu có công bình và bác ái, ở đấy có Thiên Chúa.
Đâu có Thiên Chúa, ở đấy là Thiên đàng.

Bảo Lộc

ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc.1:27-28)

 ***

Bạn thân mến!  Trên đây là lời bàn tán của dân chúng khi nghe Đức Giêsu giảng dạy tại hội đường trong ngày Sabát.  Đó cũng là những dòng chữ cuối cùng của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng: Đức Giêsu cùng với các môn đệ đi vào hội đường trong ngày Sabát.  Ngài được mời giảng dạy cho dân chúng. Tin Mừng không cho ta biết Đức Giêsu đã giảng về điều gì. Chỉ biết nội dung của lời giảng thì mới mẻ, và cách giảng dạy thì khác hẳn với các kinh sư.  Ngài giải thích Kinh Thánh với uy quyền.  Ngài chẳng phải dựa vào sách vở, vào truyền thống có sẵn. Hôm nay Ngài vừa là “Thầy Dạy” để dạy dỗ dân chúng những chân lý, những lời vàng ngọc, Ngài vừa là ‘Thầy Thuốc” để chữa lành cho bệnh nhân.

Lời giảng dạy của Đức Giêsu và nhất là sự hiện diện của Ngài trong hội đường ngày hôm ấy đã khiến cho thần ô uế phải khiếp sợ.  Chúng đã  phải lên tiếng kêu than:  “Ông Giêsu Nadarét ơi!  Chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc.1:24).  Nhưng Ðức Giêsu ra lệnh cho nó: “Hãy câm đi và xuất khỏi người này” (Mc.1:25).  Thần ô uế chẳng muốn từ bỏ căn nhà nó đã ở.  Nó chỉ ra đi sau khi đã vật vã người ấy và kiến cho người ấy phải gào thét lên.  Ðức Giêsu đã chiến thắng và đã giải phóng con người khỏi nô lệ, khỏi sự ràng buộc và chi phối của thần dữ.

Qủy thường được diễn tả như một con vật xấu xí đáng sợ.  Nếu thế thì ta rất dễ nhận ra nó, và nó cũng khó lòng cám dỗ được ta.  Nhưng trong thực tế, qủy mang dáng dấp rất xinh đẹp và hấp dẫn.  Nó tấn công ta bằng những thủ đoạn rất tinh tế và ngọt ngào.  Nó nắm rõ yếu điểm của ta.  Nó lèo lái ta mà ta không biết.  Nó phỉnh phờ gạt gẫm ta bằng thứ hạnh phúc giả tạo.  Nó tìm mọi cách kéo ta xa Chúa, kìm hãm ta phải sống trong đam mê tội lỗi.

Con người trong thế giới hôm nay vẫn bị “ám” bởi nhiều thứ khác nhau:  Đam mê và dục vọng,  sợ hãi và oán thù,  ích kỷ và hưởng thụ… và con người cũng bị “ám” bởi những ngẫu tượng của trần thế như:  tiền bạc, tiện nghi, thời trang, chức vị, công danh sự nghiệp,  phim ảnh… Cái “ám” nào cũng làm ta mất tự do, kìm hãm ta trong cuộc sống nô lệ cho vật chất trần thế.  Con người thì thấy mình bất lực.  Ta không thể làm khác đi.  Ta không thắng được những cái “ám” đó với bản năng và thói quen của chính mình.

Bởi vì lẽ đó, ta cần một Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Ta cần sức mạnh và uy quyền của Ngài. Xưa kia Ngài đã chữa lành người bị qủy ám.  Ngài đã lên tiếng xua đuổi tà thần ra khỏi con người: “Hãy xuất ra khỏi người này” (Mc.1:25).  Hôm nay, bạn và tôi, chúng ta ước mong điều gì ở nơi Ngài ? Ta muốn Ngài trục xuất khỏi lòng ta điều gì ? Ta phản ứng thế nào? Ta vui mừng vì được Chúa dạy bảo và chữa lành, hay ngại ngùng vì sợ phải thay đổi?

Hãy đến bên Ngài.  Hãy siêng năng cầu nguyện tâm tình với Ngài. Hãy múc lấy sức mạnh và uy quyền của Ngài. Hãy tin tưởng và phó thác đời ta trong tình thương yêu bao bọc chở che của Ngài, Bạn nhé!!!

***

Lạy Chúa!  Xin cho con luôn biết quay về với chính mình để nhận ra khuôn mặt của “sự dữ“  ẩn hiện trong cuộc sống của con.  Và xin cho con luôn biết cậy trông vào Chúa, biết thân thưa cùng Chúa “…Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ…”  Amen.

Trích từ R. Veritas

NGÀY MỒNG MỘT TẾT – HÁI LỘC ĐẦU XUÂN

zzCó một bộ tộc ở trên miền núi xa xôi, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người, già trẻ lớn bé đều tham dự vào một cuộc thi đi tìm bông hoa đầu tiên của mùa xuân. Ai tìm và hái được bông hoa đó sẽ được xem là người may mắn nhất trong năm.

Một năm nọ, khi tuyết đông vừa tan, ánh nắng xuân vừa ló dạng. Cả làng đều chạy đi tìm bông hoa đầu xuân.  Tìm suốt cả buổi nhưng chưa ai tìm được cánh hoa nào.  Giữa lúc mọi người đang chán nản bỏ cuộc, thì trên một triền núi cao, người ta nghe vang vọng tiếng la mừng rỡ của một cậu bé: “Tôi đã tìm thấy.  Tôi đã tìm thấy”. Cả làng chạy tới nơi cậu bé đang reo lên vì vui mừng.  Thế nhưng, không may cho cậu, vì cánh hoa lại nằm kẹt trong một khe đá dưới vực sâu, muốn lấy phải trèo dây thừng xuống mới lấy được.  Các trai tráng trong làng tình nguyện giữ dây thửng để cậu xuống hái hoa đầu xuân, nhưng cậu vẫn không đủ can đảm trèo xuống, và cậu ta chỉ chờ cho tới khi người cha của mình trực tiếp nắm lấy dây thừng cậu mới dám leo xuống vực thẳm hái hoa.

Ngày đầu xuân, theo thói quen của nhân gian người ta thường rủ nhau đi hái lộc xuân.  Gọi là hái lộc, nhưng thực ra người hái đã có sẵn những ước mơ, những ước nguyện trước khi hái lộc đầu năm. Lộc xuân như là dấu chỉ ân lộc trời ban hay như là sự chúc lành của Đấng hoá công tạo dựng đất trời cho ước nguyện ngày xuân. Khi hái lộc xuân ta cũng gửi tâm tình tín thác vào Đấng tạo thành, như cậu bé chỉ can đảm hái hoa đầu xuân trong sự phó thác vào người cha yêu quý của mình. zz

Bên cạnh đó, ước mơ ngày xuân luôn là những ước mơ chân thật nhất, vì nó là chính nỗi khát khao từ trong sâu thẳm của từng người, là nỗi niềm riêng mà người ta muốn thay đổi cuộc đời hoà nhịp với sự đổi thay của đất trời. Ước mơ ngày xuân có thể là những dự định mà ta muốn thực hiện trong cuộc đời, cho dù nó chỉ là những hoài bão, mong ước nhưng chưa đạt được hay chưa có cơ hội thực hiện.

Ngày xuân chúng ta trao gởi nỗi niềm ước mơ cho Đấng tạo thành.  Đấng càn khôn.  Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa: xuân – hạ – thu – đông.  Ngài là Đấng duy nhất có thể thay đổi vận mạng cuộc đời chúng ta.  Ngài là đấng duy nhất có thể làm cho ước mơ đêm xuân trở thành hiện thực. Người ta nói: “Mưu sự tai nhân – thành sự tại thiên”. Sự toan tính là của con người, nhưng chỉ có thể trở thành hiện thực là do sự quan phòng của Thiên Chúa, là ân bởi của Đấng càn khôn.  Như em bé chỉ có thể chạm đến bông hoa đầu xuân khi em tin rằng, chính cha em đang hỗ trợ cho em đạt được ước nguyện đầu xuân.  Người ky-tô hữu cũng tin rằng, mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, chính Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, là Đấng phù trợ và bảo vệ cuộc đời chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mông lung, nhưng dựa trên chính lời hứa của Thầy Giê-su: Các con đừng lo chi ngày mai sẽ ra sao. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng, chúng không hề lo lắng cho ngày mai sẽ ra sao. Chính Thiên Chúa sẽ lo cho chúng.

Hôm nay, bắt đầu một năm mới, chúng ta vừa vui mừng ăn Tết, nhưng cũng vừa lo lắng cho tương lai: Không biết năm nay sẽ thế nào, gia đình tôi có được bình yên không?  Công việc làm ăn có gì trục trặc không?. .. đủ thứ lo.  Nhưng chúng ta vừa nghe Chúa bảo: hãy để cho Chúa lo tất cả những việc đó. Phần chúng ta, điều duy nhất Chúa để chúng ta lo, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là chúng ta hãy lo tìm biết ý Chúa là Cha chúng ta và cố gắng làm theo ý Ngài.

Năm nay, được gọi là năm con trâu.  Một con vật gắn bó với con người, luôn đi chung với con người, luôn làm theo ý của chủ mình, như ca dao xưa thường nói:

“Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn,dưới đồng sâu,
Chồng cầy,vợ cấy,con trâu đi bừa.

Sự gắn bó, chia sẻ việc đồng áng của con trâu khiến người ta nhân cách hoá con vật như là loài hiểu biết để có thể nói với trâu như nói với bạn:

“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cấy cầy nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Khi nào cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Cầu chúc cho mọi gia đình trong năm mới luôn tìm được niềm vui của sự nâng đỡ, chia sẻ của các thành viên trong gia đình, nhờ đó mà chúng ta có thể vẽ lên bức tranh thanh thản, bình an nơi gia đình như câu ca dao xưa: “chồng cầy vợ cấy, con trâu đi cầy”. Cầu chúc cho mỗi người luôn biết quý trọng gia đình và đặt ưu tiên hạnh phúc gia đình hơn là những niềm vui khác, như cha ông ta vẫn nói: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”.  Cầu chúc cho anh em chị em một năm mới:

“Phước lộc ơn trời tuôn đổ mãi
An bình hạnh phúc chẳng hề vơi”.

Amen.

Lm Jos Tạ Duy Tuyền  trích http://www.vietcatholic.net

 

GIAO THỪA – GIÂY PHÚT LINH THÁNH

Ngạn ngữ Anh có câu: “Let’s learn yesterday – dream tomorrow – but live today”.  Nghĩa là: “Hãy học lấy ngày hôm qua, mơ đến tương lai, nhưng hãy sống với hiện tại”.  Thực vậy, giây phút hiện tại mới quan trọng, giây phút này quyết định vận mệnh đời người.  Quyết định sai sẽ dẫn đến hối tiếc cả đời.  Vì “khôn ba năm dại một giờ” sẽ đánh mất tất cả những gì mình đã chăm nom vun trồng.  Thế nhưng để có thể có những quyết định đúng cần phải có kinh nghiệm của quá khứ, cần có vốn sống để biết đưa ra những nguyên tắc hợp lý trong hiện tại.  Đồng thời cũng cần có một tâm hồn biết mơ ước, luôn hoài bão về tương lai để dấn thân trong hiện tại một cách dứt khoát và quảng đại.

zzĐêm nay, người ta còn gọi là đêm giao thừa, là nhịp cầu chuyển tiếp giữa cũ và mới.  Ai cũng mong trút khỏi lòng mình những lo âu buồn phiền của quá khứ.  Ai cũng mong trút mọi gánh nặng của năm cũ để bước vào năm mới trong hy vọng và tươi vui.  Đêm nay, không ai muốn nhắc tới những rủi ro của ngày hôm qua.  Đêm nay ai cũng thầm mong ước cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời chúng ta.  Đêm nay dân gian thường nói rằng:

“Đêm ba mươi co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một giang tay bồng ông phước vào nhà”

Vâng, đêm nay, ai cũng mong nhận được nhiều phước, nên ai cũng cầu chúc cho nhau nhiều tài lộc, nhiều tiền, nhiều của. Thế nhưng, ơn phước ở đời mà chúng ta cầu chúc cho nhau không chỉ là tiền của, may mắn, phát tài mà còn là hạnh phúc miên trường, hạnh phúc của tâm hồn thanh thoát bình an.

Nhìn lại một năm qua chúng ta thấy: Có những người được hạnh phúc, vì làm ăn thuận buồm xuôi gió, công thành danh toại, ăn nên làm ra.  Có những người hạnh phúc vì tìm được chân lý, tìm được lẽ sống, tìm được bình an trong tâm hồn.  Nhưng vượt lên trên tất cả những phước lộc trời ban chính là sự sống của chúng ta được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ, chở che.  Sự sống luôn ở bên ngoài khả năng của chúng ta.  Sự sống hoàn toàn lệ thuộc nơi Thiên Chúa mà Ngài đã và đang tiếp tục ban tặng cho chúng ta.

Nhìn lại một năm qua chúng ta cũng thấy có biết bao những thiên tai giáng xuống địa cầu, khiến chúng ta cảm thấy nhân mạng bỗng trở nên nhỏ nhoi trong cơn địa chấn ở Trung Quốc đã cướp đi 88 ngàn người và hàng triệu người không còn nhà cửa, hay trong gió bão thảm khốc tại Myanmar đã làm chết 138 ngàn người và 2 triệu người đã mất nhà cửa.  Bên cạnh thiên tai đã phá huỷ sự sống con người còn có những tai hoạ do sự tắc trắc của chính con người gây ra, như ở Việt Nam, giao thông yếu kém, con người lại thiếu ý thức đã dẫn đến hàng năm làm cho hơn 10 ngàn người tử nạn và hàng trăm ngàn người nằm liệt nhiều tháng có khi cả đời.  Rồi chính lối sống coi thường sự linh thánh nơi thân xác con người là nguyên nhân dẫn đến những cái chết oan uổng nơi các thai nhi vô tội.  Người ta coi thai nhi như những vật vô tri, vô giác để rồi loại bỏ không thương tiếc!  Sự sống thật mong manh trước giông tố của trời đất và cũng mong manh trước sự vô nhân đạo của con người thời nay.

Vì thế, tâm tình mà chúng ta cần có trong giây phút này là tâm tình tạ ơn.  Tạ ơn Chúa đã ban cho một năm bình an.  Tạ ơn Chúa vì Ngài luôn bao bọc chở che chúng ta qua những biến cố của cuộc sống.  Có thể đó là những biến cố đầy đau khổ, và nhiều mất mát nhưng chúng ta lại được bàn tay Chúa không chì dẫn dắt mà còn bồng ẵm chúng ta qua những biến cố đau thương đó.  Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta niềm tin tưởng vào Chúa để không rơi vào tuyệt vọng trước những gian nan của dòng đời. Đồng thời, xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng giây phút hiện tại Chúa ban thật hữu ích, đừng để thời gian trôi qua mà lòng lại hối tiếc vì điều đáng làm mà lại không làm, và những việc không nên làm mình lại làm.

Xin cầu chúc cho nhau những giây phút giao thừa thật nồng ấm yêu thương quây quần bên gia đình.  Xin cầu chúc cho mọi người những giây phút linh thiêng an lành của đêm giao thừa Kỷ Sửu hôm nay.  Xin Chúa ban mọi phước lành, bình an trong giây phút linh thiêng chào đón xuân Kỷ Sửu hôm nay.  Amen!

Lm Jos Tạ Duy Tuyền – Trích Vietcatholic.net

 

BƯỚC ĐI THEO CHÚA

Trong bài hát “Theo Chúa”, Linh mục Thành Tâm đã viết lên những dòng nhạc hay nhất, tuyệt vời nhất.  Dòng nhạc với lời ca thánh thót cứ vút cao, bay bổng, hòa quyện lấy con người như thúc giục mỗi người hãy bám chặt lấy Chúa, hãy gắn chặt vào Chúa và hãy luôn bước đi theo Chúa.  “Này Chúa hỡi, con nguyện xin theo Chúa chẳng khi ngơi, dù gian truân con nguyện xin theo Chúa suốt đường đời… Dù lắm lúc tâm hồn cao xao xuyến cay đắng nhiều… Con xin theo Chúa suốt cuộc đời…”.

***

Bạn thân mến!  Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng tường thuật về việc đi theo Chúa Giêsu của bốn môn đệ đầu tiên, đó là hai anh em Phêrô và Anrê cùng hai người con ông Giê-bê-đê là Gioan và Gia-cô-bê. Các ông đã  nhận ra Chúa trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đã nghe được tiếng Chúa mời gọi, và đã bỏ lại mọi sự để lên đường bước đi theo Chúa.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi ta hãy suy tư về mầu nhiệm ơn gọi, về việc đáp trả lời mời gọi của Chúa để lên đường bước đi theo Ngài.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay không chỉ nói về ơn gọi tu trì của các linh mục tu sĩ, nhưng còn nói về ơn gọi của mỗi người Kitô chúng ta. Mọi người Kitô đều được mời gọi bước đi theo Chúa .  Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ. Ngài mời gọi ta đi theo chính con người của Ngài, gắn bó với Ngài và nhất là sống thân mật với Ngài trong tâm tình của người con thảo.

Chỉ vì yêu thương, Chúa đã đến bên ta.  Ngài tìm kiếm ta và tuyển chọn ta làm môn đệ của Ngài. Chúa mời gọi ta bước đi theo Ngài, mời gọi ta cùng cộng tác trong “Công Trình Cứu Chuộc” của Ngài.  Bước đi theo Chúa có nghĩa là không mang theo gì cả ngoại trừ chính con người của mình.  Bước đi theo Chúa là sống trọn vẹn cho Chúa và làm theo Thánh Ý của Ngài.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn đi ngang qua đời ta mỗi ngày giống như xưa kia Ngài đã đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê.  Ngài nhìn thấy ta như Ngài đã thấy bốn môn đệ đầu tiên.  Ngài nhìn thấy ta trước khi ta thấy Ngài.  Ngài nhìn thấy ta khi ta vẫn còn mải mê quăng chài hay vá lưới, khi ta vẫn còn tất bật với những lo toan đời thường, vẫn miệt mài theo đuổi những ước mơ trần thế.  Chính lúc đó, chính lúc ta tưởng mình quá ư ổn định, và đời mình đã được định hướng rõ ràng, thì tiếng gọi của Ngài vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát: “Hãy theo Ta!”. Khi Ngài lên tiếng mời gọi ta bước đi theo Ngài cũng là lúc Ngài muốn chứng tỏ tình yêu thương của Ngài dành cho ta, chứng tỏ Ngài chấp nhận con người của ta, chấp nhận cả những yếu đuối và tội lỗi của ta nữa.

Theo Ngài là cùng chia sẻ với Ngài một sứ mạng, là cùng thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài trong “Công Trình Cứu Chuộc”.  Nhưng muốn nghe được tiếng mời gọi thì thầm của Chúa, ta phải đi vào trong thinh lặng với Ngài.  Ðể bước đi theo Ðức Giêsu, ta phải mang trong lòng tâm tình từ bỏ, từ bỏ mọi sự nhưng quan trọng nhất là từ bỏ chính mình.

***

Lạy Chúa! Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa, biết quyết tâm từ bỏ để mạnh dạn lên đường bước đi theo Chúa, vì Chúa là gia nghiệp; là hạnh phúc và là cùng đích của cuộc đời con.  Amen

Trích từ R. Veritas

LẠY CHÚA, XIN CỨU CON, CON TIN Ở NƠI CHÚA

Một em nữ quậy phá. Tình cờ tôi gặp em trên đường.  Tôi biết em từ lâu, một cô bé quậy phá và chơi hàng trắng.  Hôm nay tình cờ tôi gặp lại em, em cho biết đã bỏ chơi Ma Túy 3 năm.  Tôi rất ngạc nhiên.  Tôi rủ em cùng đi thăm các gia đình có con học Lớp Tình Thương.  Trên đường đi em đã kể lại cho tôi nghe về cuộc chiến của em với Ma Túy.  Tôi gợi ý em chia sẻ cho các bạn khác trên trang báo Ephata Việt Nam.  Em nhận lời và bộc lộ “bí quyết” chiến thắng Ma Túy của em…

Một Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

********************************

Tôi là người sử dụng Ma Túy cách nay đã ba năm.  Tôi đã ba lần cai nhưng không thành, cho tới lần thứ 4 tôi mới thật sự cai được.  Lý do ba lần cai trước không cai được là bởi vì tôi gặp lại bạn bè cũ rủ chơi và sử dụng lại Ma Túy.  Khi tôi nghiện ngập trở lại cũng là những lúc tôi đã hết tiền.  Mỗi lần tới cữ là toàn thân tôi bị đau nhức, đầu thì nặng như đá.  Mỗi lần như vậy tôi lại kiếm tiền rất khó, cho nên tôi quyết định cai.

Lần cai thứ tư đối với tôi thật là khủng khiếp, đau đầu và đau cột sống, đêm thì không ngủ được và sốt lúc nóng lúc lạnh, ngực thì khó thở.  Tôi cũng không dám nghĩ rằng lần này tôi cai được hay không.  Trong lúc yếu đuối cả tinh thần lẫn thể xác, sự cám dỗ của Ma Túy càng mãnh liệt.   Chút nữa là tôi lại ngã lòng.  Tôi rất là căng thẳng trong giây phút này.  Tôi suy nghĩ và đắn đo, nếu tôi không thể vượt qua thì tôi sẽ nghiện ngập trở lại, tôi chỉ có hai cách chọn lựa mà thôi: một là cứu lấy chính mình, hai là buông trôi.  Đang lúc chưa thật sự cắt cơn, Ma Túy lại trỗi dậy trong tôi, tôi thèm có hàng để sử dụng. Tôi không chịu đựng được nữa, tôi phải đi mua thôi.

Trong lúc đi mua, tôi chợt nhớ tới người quen, tôi điện lên hỏi người ấy có cách gì giúp tôi đừng sử dụng Ma Túy nữa không, thì người ấy bảo rằng: “Con hãy cầu nguyện với Chúa, Chúa sẽ cứu con”.  Và người ấy dạy cho tôi đọc lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin Chúa cứu con, con tin ở nơi Chúa”…….

Tôi chào tạm biệt người quen, nhưng tôi lại không về nhà.  Tôi đi mua hàng.  Tôi mua về và bắt đầu sử dụng.  Tôi cầm hàng trên tay mà run.  Nghĩ tới lời người quen vừa mới dạy cho tôi lúc nãy, tôi liền gọi Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa cứu con, con tin ở nơi Chúa“.  Tôi nhìn vào Ma Túy mà miệng thì cứ luôn gọi Chúa, cho đến lúc thật sự hạ cơn.  Thế là tôi cất hàng lại, không sử dụng nữa.

Qua lời nguyện tắt, tôi đã cảm nghiệm được một điều:  Đức Tin đã cứu lấy tôi, và Chúa của tôi không bỏ tôi giữa bầy sói.  Đó là những gì mà tôi thật lòng tâm sự ra đây.  Phải tin tưởng và cầu xin ở nơi Chúa, Chúa sẽ đến chữa lành và mở lối cho tôi bước đi làm lại cuộc đời mình.  Cần nhất là phải luôn luôn cầu nguyện…

THÙY LINH, 30 tuổi trích http://www.trungtammucvudcct.com

****************************************

“Lạy Chúa, xin cứu con, con tin ở nơi Chúa”, Chúa ơi con tin rằng không chỉ những người đang cai nghiện mới cần đến lời cầu xin này, mà chính chúng con những kẻ đang sống trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi phải đối diện với nạn thất nghiệp, lo sợ bị thất nghiệp, lo sợ bị mất nhà, cơm ăn áo mặc, sức khoẻ… cũng cần đến lời cầu xin này.  Xin cho chúng con đừng sợ hãi trước tương lai mà luôn biết tin tưởng phó thác cậy trông vào tình yêu của Chúa.  Xin cho chúng con nhớ đến lời cầu xin này trong những lúc gặp nguy khốn, Amen!

TIẾNG GỌI

Ít nhất phải có một chút hy vọng nào đó thì người gọi mới cất tiếng gọi.  Mong được người đáp trả, đấy là niềm vui của người gọi.  Trong tiếng gọi bao hàm sự có mặt của hai người.  Nếu chỉ có một người lẻ loi thì không có tiếng gọi, vì tiếng gọi không có đối tượng để gửi tới.

Tiếng gọi là một lời mời. Lời mời là một cử chỉ biểu lộ lòng mến yêu.  Không mến thương ai thì chẳng bao giờ gọi người đó.

Thà rằng tôi lẻ loi, cô độc còn hơn là tôi quen biết, còn hơn là tôi có những mối giây liên hệ tình cảm để rồi những quen biết, những mối liên hệ ấy chối từ tôi.  Khi sống một mình thì tôi chỉ đơn độc, còn khi tôi quen biết mà bị từ chối thì tôi sẽ cô đơn.  Bị thờ ơ bao nhiêu thì nỗi cô đơn càng hiu hắt bấy nhiêu.  Và nỗi cô đơn này có thể hoang vu hơn sa mạc.  Chúa không buồn khi chưa có con người.  Khi con người chối từ tình yêu mà Ngài ban tặng, bấy giờ Ngài mới cô đơn (Kn. 6:6).  Chúa không tủi lòng khi chưa quen biết Phêrô, khi chưa gặp mặt Yuđa.  Khi đã gọi tên, khi đã cùng nhau xây đắp mối liên hệ, bấy giờ nỗi cô đơn của Ngài mới thấm thía lúc bị phản bội, bị chối từ.

Khi tôi gởi một cánh thư đi là tôi gởi lòng tôi ở đó.  Gởi nỗi lòng mình đi thì bao giờ cũng có nhớ nhung và hồi hộp, âu lo.  Tôi không viết thư cho gió vì gió không biết tiếng người.  Tôi chẳng gửi thư cho mây vì mây không bao giờ đáp trả.  Tôi chỉ gởi cho người vì chỉ người mới có thể đáp trả lại nỗi lòng tôi.  Nhưng người có tự do nên tôi cũng có thể bị chối từ.  Tiếng gọi của tôi có thể vang lên khô khan rồi hiu hắt trở về với cõi lòng tôi.

Khi Chúa cất tiếng gọi thì Chúa cũng thầm nuôi hy vọng được đáp trả.  Chắc hẳn Ngài cũng ngậm ngùi khi bị khước từ.  Bởi trong tiếng gọi là thầm cho đi tình yêu.  Bởi trong tiếng gọi là thầm nói lên nỗi nhớ thương.

Gọi là dấu hiệu đang còn xa nhau.  Gọi là muốn lại gần.

Trong cuộc đời, tôi có hai tiếng gọi, hai mẫu người lý tưởng để theo.  Tiếng gọi thứ nhất là Chúa Kitô.  Tiếng gọi thứ hai là chính tôi.  Tôi có thể tạo nên cho tôi những tiếng gọi, những giấc mơ và tôi có thể theo đuổi để trở thành mẫu người như tiếng gọi tôi ước mong.  Tôi cũng có thể trở thành mẫu người như Chúa Kitô mong muốn.  Cái khác nhau là một đàng tôi sống ước mơ của tôi, một đàng tôi phải sống tiếng gọi của Chúa. “Thức ăn của Ta là làm theo ý Ðấng đã sai Ta và hoàn tất công việc của Ngài” (Yn. 4:34).  Chúa Kitô đã sống trọn vẹn tiếng gọi của Cha Ngài.

Tôi có thể lầm lẫn thì tiếng gọi của tôi cũng có thể không trung thực.  Nếu tiếng gọi của tôi không trung thực thì lo âu để trở nên mẫu người như tôi mơ ước sẽ là dại dột.

Nếu tôi tin rằng Chúa không thể sai lầm thì tôi cũng phải xác tín rằng tiếng gọi của Ngài phải tuyệt hảo.  Không thể có hai sự tuyệt hảo.  Như thế, khi tôi chối từ sự tuyệt hảo là tôi nhận sự bất hảo.

Có nhiều thứ tiếng gọi.  Gọi để cho một tặng vật.  Gọi để chung một niềm vui.  Gọi để gởi gấm một niềm tin cậy.  Nhưng tiếng gọi cao cả nhất, sâu xa nhất là gọi để theo một người.  Gọi để cho một tặng vật mới chỉ là cho một phần yêu thương.  Còn gọi để theo một người là tiếng gọi cho tất cả.  Vì muốn người khác trở nên giống mình thì phải cho họ biết rõ về mình.  Cách cho họ biết rõ về mình tốt nhất là cho chính mình.  Tôi không thể trở nên mẫu người như Chúa muốn, tôi không thể theo Ngài nếu Ngài không tỏ rõ cho tôi biết Ngài là ai.  Ngài chẳng thể tỏ rõ cho tôi biết Ngài là ai nếu Ngài không cho tôi chính Ngài.  Và thực sự, Thập Giá đã minh chứng sự cho đi trọn vẹn ấy.

Chúa đã viết một cánh thư.  Ở nơi nào đó, Chúa đang mong chờ hồi âm.  Ngài không viết thư cho lá rừng, vì lá rừng và bụi cát chỉ phủ mờ thập giá.  Ngài viết thư cho người vì chỉ có người mới biết quét mạng nhện trong đền thờ, mới biết xóa dịu một nỗi khổ đau.

Có xa nhau thì người ta mới phải gọi.  Khi tôi nghe tiếng Chúa gọi là dấu hiệu tôi còn đang xa Ngài. Khi Ngài gọi là dấu hiệu Ngài muốn tôi lại gần.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J.

KHI CON ĐẾN VỚI NGÀI

Không phải con đã đi tìm Chúa mà con không gặp, nhưng Chúa đã đến tìm con mà Ngài không nhận ra, vì con tội lỗi quá.

Giờ sát hạch triết lý, giữa giám khảo ANDRE và thí sinh NEAM.
A – Anh có tin Thượng Đế không?
N – Không, tôi không tin
A – Thế tại sao anh đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật
N – Thưa, vì Thượng Đế có thật.
A – Ngài có thật! sao anh lại chối từ?
N – Hư vô thì không có gì để tranh luận, chỉ hiện hữu mới có vấn đề tin hay chối.
A – Như vậy, sự từ chối là bằng chứng xác nhận Thượng Đế hiện hữu?
N – Thưa ngài, đúng vậy.  Nhưng không phải tất cả mọi người đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật đều tin Thượng Đế.
A – Rất đúng!!!  Điểm …

************************

Khi tiếng chuông giáo đường ngân vang, con đến nhà thờ để làm gì?
Chúa sẽ buồn khi mỗi ngày Chúa nhật con đến để ca lên điệp khúc sám hối, tuyên xưng điệp khúc niềm tin, hát vang điệp khúc tán tụng.  Rồi ra về, lòng con rỗng tuếch.
Chúa sẽ buồn khi con đến để nói lên sự hiện diện của Ngài, để làm chứng Ngài vẫn còn sống và ra về với trái tim đóng chặt, khô chết.
Chúa sẽ buồn khi con đến chỉ vì khoe bộ áo mới, vì thói quen không đi thì khó chịu, vì con sợ tội, vì con sợ bị người khác cười, vì lợi lộc riêng tư con đang cần giúp… để khi trở về con vẫn hoàn không, không có Chúa.
Chúa sẽ buồn khi con đến với Ngài mà trí con chỉ nghĩ đến nương rẫy chưa làm, mà lòng con đặt ở số hàng ngoài sạp chưa bán, mối hàng dang dở con đang chạy, cuộc tình lý thú con đang hẹn, chuyến ngao du con sắp đi, bữa tiệc ngon con được mời…
Chúa sẽ buồn khi chỉ một giờ con dành riêng cho Chúa, rồi cuối cùng con lại tìm cách đánh cắp đưa về con, và ngày Chúa nhật không có gì là ngày của Chúa mà chỉ là ngày của riêng con.
Và Chúa sẽ thật buồn khi con nghe lời Chúa không như “Lời Hằng Sống” mà là như một câu chuyện cổ tích, nghe lâu cũng chán, giảng lâu cũng nhàm, để rồi chỉ nghe mà không bao giờ con sống.

************************

Hôm nay, Chúa lại xuống khỏi thập giá, quỳ dang tay trước cổng thánh đường, để nhìn xem những con chiên ngoan đạo đoái thương, nhưng:
Với người giàu tìm mãi không tiền lẻ để cho.
Với người nghèo chỉ có mấy đồng lẻ để sống.
Cuối cùng Chúa khốn khổ trở về không.
Đó là thân phận người hành khất trước cổng thánh đường đang ngồi chờ bài giảng của yêu thương phát ra từ bốn phía bức tường.
Chúa nhìn thấy năm này qua năm khác và còn nhiều năm nữa… của mỗi sáng và mỗi chiều Chúa nhật.

NMVST Trích http://hayyeuthuongnhau.org/

 

CÁI NGHÈO

Tôi có dịp ghé thăm giáo xứ Đông Mỹ thuộc tỉnh Phú Yên sau cơn bão zzlụt vì một câu nói: “Mong có bão lụt để được cứu trợ.”  Tôi tưởng đây là một câu nói chơi, nhưng khi đến thăm thì chính tôi nghe có người đã thốt lên như vậy.  Tôi được cha chánh xứ Trương Minh Thái dẫn đi thăm vài gia đình nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo đến độ chỉ dựng được vài tấm nylon để làm nhà, nghèo đến độ không có nổi chiếc xe đạp mà đi.  Những gia đình nào mà có xe honda Trung Quốc ở vùng này thì được coi là khá lắm rồi.

Tôi không hiểu tại sao dân miền Trung đổ xô vào Sàigòn làm ăn nhiều quá.  Cứ mỗi năm tôi về Sàigòn thì lại thấy số lượng xe mỗi ngày một nhiều thấy rõ.  Tôi hay ăn đậu hũ nước đường rong mà hầu hết các chị quẩy gánh đi bán là người miền Trung.  Mỗi lần ăn là mỗi lần tôi hỏi thăm để hiểu thêm và cảm thông với họ.  Họ tâm sự nói ở ngoài Trung khổ lắm nhưng tôi không mường tượng được cái nghèo cái khổ của dân miền Trung như thế nào cho đến khi tôi được tận mắt chứng kiến.

Cha Thái dẫn tôi đến thăm gia đình anh Hà.  Anh Hà bị tật tay phải, nên chỉ lao động bằng tay trái.  Anh chị Hà đã có một cháu gần hai tuổi và chị đang mang thai cháu thứ hai, nên bây giờ anh là lao động chính và chị làm phụ với anh.  Hai anh chị được cấp hai sào đất trồng lúa để sinh sống.  Nếu mưa thuận gió hòa thì tính bình quân mỗi sào đất kiếm được 70 ngàn đồng mỗi tháng.  Số tiền này bằng một ngày công của người phụ nề ở Sàigòn.  Còn nếu bị bão lụt thì cắn răng chịu vậy, mà có năm nào không có bão lụt đâu, chẳng qua là lụt ngập đầu hay ngập tới đầu gối mà thôi!  Nếu người nông dân mà chỉ sống với mảnh đất lúa này thì không cách nào sống nổi.  Họ phải đi làm mướn kiếm thêm tiền.  Anh Hà bị tật nên chẳng ai muốn mướn.  Mỗi ngày anh ra sông bắt ốc nhỏ cho vịt để đem bán, mỗi ngày kiếm được khoảng mười ngàn để sống qua ngày.

Khi đến thăm anh, tôi gặp ba anh, bác Mới năm nay 73 tuổi, bị đau khớp xương sau một đời ngâm mình dưới ruộng để lao động kiếm sống, nên bây giờ mỗi khi trời lạnh thì đau nhức không làm gì được.  Tôi hỏi bác làm gì để sống ngoài hai sào đất của vợ chồng bác thì bác bảo bây giờ được làm “giám đốc” rồi, vì chỉ “dám đốc” người khác làm thôi chớ mình bây giờ không “dám làm” nữa.  Nói thế nhưng giờ nào rảnh bác cũng chẻ tre đan rọ để sống qua ngày.  Cứ hai ngày thì bác vót tre đan được một cái rọ và bán mỗi cái được năm ngàn.  Vị chi mỗi ngày lao động của bác thì kiếm được 2,500 đồng.  Nhưng thực tế thì phũ phàng hơn vì bây giờ không còn tre để chặt nữa mà phải mua, nên cuối cùng khi trừ tiền tre ra thì công đan một cái rọ chỉ được 1,500 đồng mỗi ngày, tương đương với ba viên kẹo nhỏ cho con nít ăn.

Ở vùng này, khỏe mạnh tay chân lành lặn cũng khó tìm được việc làm thêm để kiếm tiền.  Ruộng nương ít quá và lợi nhuận chẳng được bao nhiêu nên đa số người dân tự làm.  Cuốc đất, gieo giống xong thì rảnh mà không tìm thêm được gì để làm nên nhân công thì nhiều mà không có việc.  Nếu có việc đi nữa thì lương cũng chẳng được bao nhiêu.  Người này chê rẻ không làm thì có vạn người khác xin làm.  Thăm một vài gia đình ở miền Trung, tôi hiểu lý do tại sao bà con cứ đổ vô Sàigòn kiếm việc.

*************************************

Càng hiểu cái khổ của dân nghèo, tôi càng thấy thấm thía và cảm thông với người nghèo hơn.  Tôi cám ơn Chúa mở mắt tôi để tôi được cảm nghiệm chút xíu nỗi khổ của người nghèo mà chính Ngài đã trải qua.  Thân phận là Thiên Chúa, là Vua, mà sinh ra trong máng cỏ hôi hám cho súc vật ăn, chưa khôn lớn đủ thì mồ côi cha.  Hai mẹ con Người phải chạy đôn chạy đáo để kiếm từng đồng sống qua ngày trong ách nô lệ của La Mã.  Qua kiếp sống nghèo hèn này, Đức Giêsu đã cảm nghiệm và đồng cảm với ách nô lệ mà xã hội áp đặt lên những con người bần cùng thấp cổ bé miệng.

Nỗi nghèo cùng cực và ách làm nô lệ thì chẳng ai muốn tròng vào cổ mình.  Cái ách là để gắn vào cổ trâu bò mà thôi, nếu trâu bò mà nói được thì chúng cũng đã la lên: “Xin tháo cái ách ra dùm!”  Nhìn những cái ách mà những con người nghèo khổ bị quàng vào cổ làm tôi liên tưởng đến Lời Chúa trong Phúc Âm Thánh Matthêu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).  Chúa mời gọi những con người đang đau khổ vì những cái ách, cái nghèo – cái ách của thân phận yếu đuối đam mê của thân phận con người; cái nghèo của vật chất, tinh thần lẫn tâm hồn – chạy đến với Chúa để Ngài tháo gỡ những cái ách nặng nề đó ra, vì tự chúng ta không có khả năng để tự thoát ra.

Trong cảnh nghèo hèn lại thấy rõ nét những khuôn mặt yêu thương.  Phải chăng Tình Yêu dễ lớn lên nhờ môi trường của cái nghèo vật chất và sự đơn sơ của tâm hồn?  Người nghèo khổ bần cùng thì chẳng có chi nhiều, nhưng tâm hồn họ nhờ môi trường này trở nên đơn sơ, chất phác, và cho đi dễ dàng hơn, ít tính toán hơn, như “em bé” trong phép lạ bánh hoá nhiều đã cho hết phần của em là năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6).  Người giàu thì thường lo lắng tính toán, so đo nhiều quá nên mất đi bản chất đơn sơ của tâm hồn và trở nên ích kỷ.

Sàigòn vẫn náo nhiệt ồn ào, các tiệm bán hàng vẫn vô tư nhộn nhịp đón khách, các tiệm ăn vẫn ngập tràn người ăn với uống, xe mới vẫn nhịp nhàng lả lướt trên đường phố.  Nhìn họ ăn xài thoải mái mà tôi liên tưởng đến các anh chị em nghèo khổ chỉ mong kiếm được một chén cơm mỗi ngày.

*************************************

Lạy Chúa, khi Chúa cho con bữa cơm no đầy hôm nay, xin nhắc nhở con biết ý thức hơn, khi con đang thưởng thức những của ăn của mặc dư đầy Chúa ban tặng, thì cũng giây phút đó, nhiều anh chị em con đang thèm những hạt cơm trên bàn rơi xuống để ăn.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
July 22, 2008

BÊN DÒNG SÔNG NHỎ

Khi Minh Sư trở nên già yếu, bệnh tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa xa cõi trần. Minh Sư bảo: “Giả như thầy không rời xa các con, làm sao các con thấy được?

Các đệ tử hỏi: “Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?

Nhưng Minh Sư không nói lời nào.

Khi ngài sắp lìa trần, các đệ tử lại hỏi: “Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?”

Với một cái chớp mắt, Minh Sư trả lời: “Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông. Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông.

(Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến một dòng sông.  Đó là sông nhỏ mang tên là Giođan, chính tại nơi đây, Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiện diện trong cùng một lúc, nơi đây Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu đã hòa đồng với con người, đã đứng chung với con người tội lỗi để chờ lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan. Nơi đây Ngôi Ba Thánh Thần Thiên Chúa đã hiện diện như hình chim bồ câu, và cũng nơi đây Thiên Chúa Cha  đã đến để chứng dám cho sứ vụ của Đức Giêsu, để sai Ngài đi vào dòng đời và cũng để xác tín Ngài là con Thiên Chúa bằng tiếng nói vang vọng từ trời cao: “ Ðây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”. (Mc.1:11)

Cũng bên dòng sông Giođan này, Gioan đã đi qua đi lại để dạy dỗ dân chúng, ông đã lên tiếng cảnh báo dân chúng hãy mau mau ăn năn xám hối, ông kêu mời dân chúng đến với ông để nhận lãnh phép rửa, để xưng thú tội và lãnh nhận ơn tha thứ. Nhưng có ai ngờ rằng trong những người đáp trả lời mời gọi của Gioan, trong những người xếp hàng chờ đợi đến phiên mình chịu phép rửa của Gioan lại có Ðức Giêsu: Ngài là  Ðấng thánh thiện cao cả, Ðấng mà Gioan tự nhận không đáng cởi giây giày cho Ngài.

Tại sao Ðức Giêsu lại chịu phép rửa của Gioan? Ngài có phạm tội và cần xưng thú tội hay không?  Ngài có cần sám hối để được ơn tha thứ không? Chúng ta tin Ðức Giêsu là Ðấng thánh, hoàn toàn  không vướng mắc tội lỗi, nên việc Ngài chịu phép rửa của Gioan phải có một ý nghĩa thâm sâu khác.

Bước xuống dòng sông để chịu phép rửa, Ðức Giêsu đã bước xuống chỗ thấp nhất, đã đi đến chỗ khiêm nhường nhất. Vì gìm mình vào dòng sông là khiêm nhường quên mình, là chấp nhận đau khổ, chấp nhận hoá thân để chết đi cho chính mình.

Bước xuống dòng sông để Gioan làm phép rửa , Ðức Giêsu đã hòa mình vào dòng người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy Ngài đến để cứu độ con người tội lỗi, nhưng Ngài không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Ngài đã hạ mình xuống ngang hàng với người tội lỗi, liên đới với họ và trở nên anh em đồng hành với họ.  Không ai nhận ra Ngài. Mọi người đều cho rằng Ngài là một trong những kẻ tội lỗi.

Khi chiêm ngắm Ðức Giêsu xếp hàng chung với tội nhân để chờ nhận phép rửa của Gioan, chúng ta hiểu được thế nào là sự liên đới hoà đồng với người khác.  Ðức Giêsu đứng hòa mình trong đám đông dân chúng.  Con Thiên Chúa làm người đã không ngại dìm mình xuống cùng một dòng nước với người tội lỗi.  Ngài mượn dòng nước sám hối để xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người. Ðấng Cứu Ðộ lại sống và hành động như người cần được cứu độ. Ngài muốn đi xuống tận đáy vực thẳm của chúng ta để nâng chúng ta lên với Ngài. Chỉ tình yêu mới giúp ta hiểu được mầu nhiệm nơi dòng sông Giođan hôm ấy.

Ngày nay trong môi trường chúng ta đang sống, chỗ nào cũng có những người bị bỏ rơi vì thiếu may mắn, vì bị chà đạp hay bị sa ngã.  Liên đới là đứng chung với họ, chia sẻ số phận với họ.  Liên đới cũng là nói thay cho người khác tiếng nói của lẽ phải, của sự thật và công lý.  Cần nhiều khiêm nhường và can đảm để dám sống và chết đi vì liên đới hòa đồng với tha nhân như Ðức Giêsu đã nêu gương.

***

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết chạy đến với Chúa và đến với anh em của con bằng sự liên đới và khiêm nhường, bằng sự sám hối và ăn năn. Amen.

(trích từ R. Veritas)