HAI BÀN TAY – ĐIỀU KỲ DIỆU BÊN DƯƠNG CẦM

Mỗi chúng ta là thiên thần chỉ có một cánh, và chúng ta chỉ có thể bay nếu dính lại cùng nhau.  Mùa xuân năm 1983, Margaret Patrich tới trung tâm Sống Tự Lập để tập vật lý trị liệu.  Khi Millie Meltugs – một nhân viên kỳ cựu – giới thiệu Margaret với mọi người ở trung tâm, và chợt nhận ra vẻ mặt đau khổ của Margaret Patrich khi nhìn thấy cây đàn dương cầm, Millie liền hỏi:

– Bà làm sao thế? Ðau chỗ nào vậy?

Margaret Patrich nói nhỏ:

– Không sao đâu mà! Chỉ vì khi nhìn thấy cây đàn dương cầm, tôi nhớ lại trước khi bị chấn thương, âm nhạc là tất cả đối với tôi!

Millie liếc nhìn bàn tay phải vô dụng của Margaret trong khi người đàn bà da đen nhỏ nhẹ thuật lại thời vàng son của một nghệ nhân âm nhạc.  Ðột nhiên Millie nói:

– Xin bà đứng đợi ở đây nhé! Tôi sẽ trở lại ngay thôi!

Lát sau Millie trở lại, theo sau là một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc bạc trắng với cặp kính cận dầy cộm.  Bà còn dùng gậy tập đi nữa.  Millie mỉm cười giới thiệu hai người:

– Bà Margaret Patrich, hãy làm quen với bà Ruts Eisenbery đi. Bà Ruts cũng chơi dương cầm, nhưng cũng như bà, bà ấy cũng không thể chơi dương cầm nữa sau khi bị chấn thương.  Bà Ruts Eisenbery có tay phải còn lành, và bà thì còn tay trái.  Tôi có ý nghĩ:  Nếu hai bà phối hợp lại sẽ làm nên điều gì tuyệt vời đấy!

Bà Ruts hỏi bà Margaret:

– Bà có biết bản Waltz cung Re trưởng của Chopin không?

Bà Margaret gật đầu.  Thế là họ ngồi cạnh nhau trên ghế chiếc đàn piano, một bàn tay đen với những ngón dài thanh tú, và bàn tay kia với những ngón trắng, ngắn và mập… cùng nhau lướt trên những phím ngà.  Từ ngày đó, họ ngồi lại bên nhau hàng trăm lần để bay bổng theo cung nhạc:  Bàn tay liệt của Margaret quàng qua lưng bà Ruts, và bàn tay bất động của bà Ruts đặt trên đầu gối Margaret.  Trong khi bàn tay lành mạnh của bà Ruts chơi phần giai điệu và tay lành của Margaret giữ phần hoà âm.

Chương trình biểu diễn của họ đã làm hài lòng khán thính giả truyền hình tại thánh đường, trường học, nhà hưu dưỡng, và các trung tâm phục hồi.  Trên ghế biểu diễn dương cầm, hai bà còn chia sẻ với nhau không chỉ âm nhạc mà còn nhiều điều chung: Cả hai đều lên chức “Bà Cố” vì đã có chắt, đều góa bụa, đều mất các con trai, cả hai đều có rất nhiều để cho đi nhưng không thể cho đi được nếu không có người kia!

Trên ghế đàn dương cầm, bà Ruts nghe lời Margaret tâm sự:

– Âm nhạc của tôi bị lấy đi, nhưng Chúa lại cho tôi Ruts.

Bà Ruts cũng đồng ý:

– Quả là một phép lạ Chúa đã làm để nối kết hai chúng ta nên một.

Margaret Patrich

***************

Lạy Chúa, điều Chúa làm thật kỳ diệu!  Xin cho con nhìn ra những công trình tuyệt mỹ Chúa đang làm nơi bản thân con và anh em con, dù là phúc hay họa.  Xin cho con nhìn ra cái ưu điểm của anh em con để lắp vào sự thiếu sót con và ngược lại cho con biết đem khả năng, ưu điểm của mình lấp đầy vào sự thiếu sót của anh em con.  Tất cả sẽ hài hoà làm nên một bức tranh tuyệt vời trong tình yêu thương của Thiên Chúa.  Amen!

MẤT TRƯỚC ĐƯỢC SAU

Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất.  Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm.  Vì không phải cứ thu vào là được.  Không phải cứ buông ra là mất.  Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau.  Mất nhỏ để được lớn.  Mất ít để được nhiều.

Hầu như  đó là qui luật trong đời sống hằng ngày.  Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay.  Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư.  Vốn lớn thì lời mới lớn.

Muốn được phải chịu mất trước.  Đời sống đạo đức không đi ra ngoài qui luật đó. Đức Giê su dạy ta: ”Ai muốn theo Thày, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.(Mt.16:24)

Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.  Con đường của Chúa là con đường từ bỏ.  Cuộc đời Đức Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng.  Từ bỏ trời cao để xuống đất thấp.  Từ bỏ địa vị Thiên chúa để làm người.  Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng.  Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Thiên Chúa Cha.  Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình.  Đó là một cuộc chiến khốc liệt, khiến Người phải toát mồ hôi máu nơi vườn Cây Dầu.  Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ.  Hình ảnh Người chết treo trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng.  Không còn một chút hơi thở.  Không còn một giọt máu.  Không còn một chút danh dự.  Không còn gì cả.

Con đường của Chúa là con đường thánh giá.  Người đã ôm lấy thánh giá mà vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người.  Thánh giá kiếp người.  Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người muốn chối bỏ.  Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.

Nhưng nếu đường của Đức Giêsu chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Đức Giêsu kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong.  Không! Con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Định mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.

Khi mời gọi ta bước đi theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn.  Nên Người nói tiếp:” Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt.16:25)

Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội.  Mất hiện tại để được tương lai.  Mất đời này để được đời sau.  Mất phàm tục để được thần thiêng.  Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ : “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

* * * * *

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của đời con. Amen

GM. Ngô Quang Kiệt

KHÔNG CÓ GIỜ

Tôi quì cầu nguyện, nhưng không lâu,
Có quá nhiều việc phải làm,
Phải vội tới sở làm,
Và các giấy nợ tiền sắp hết hạn,
Nên tôi phải cầu nguyện vội vã,
Và vội chạy.

Bổn phận Công giáo tôi đã làm xong,
Linh hồn tôi cảm thấy dễ chịu.
Suốt cả ngày tôi không có giờ,
Để nói một lời vui vẻ,
Không có giờ để nói với Chúa một câu.
Người ta cười tôi, tôi sợ.

Khi tôi đến trước tòa Chúa,
Tôi đứng cúi mặt xuống đất.
Ngài cầm cuốn sách trong tay:

Cuốn Sách Sự Sống
Chúa nhìn vào sách và nói:
“Ta không tìm thấy tên con,
Ta định viết tên con vào đó,
Nhưng rất tiếc KHÔNG CÒN GIỜ NỮA

Vô Danh

**************************************************

Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình
lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.

Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa :
hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.

Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.

Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.

Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.

Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vĩnh cửu của Chúa. Amen.

RABBOUNI

**************************************************

NO TIME

I knelt to pray but not for long:
I had so much to do.
Must hurry off and get to work,
For bills will soon be due.
And so I said a hurried prayer,
And jumped upon my knee:

My Christian duty now was done,
My soul could be at ease.
All through the day I had no time
To speak a word of cheer.
Not time to speak a word for God;

They’d laugh at me, I feared.
And when before The Lord I came
I stood with down cast eyes.
Within his hand He held a book:

The Book of Life.
God looked into his book and said:
“Your name I cannot find,
I once was going to write it down,
But never found the time”

Anonymous

NGƯỜI THỢ GỐM TÂM LINH

Khi đến xem một xưởng làm đồ gốm, nơi sản xuất chén, dĩa, bình đựng… Tôi nhớ mãi hình ảnh một người thợ gốm, ông cầm lấy nắm đất sét đặt vào bàn quay để nhào nặn cho đến khi đất trở thành nhuần nhuyễn. Với đôi tay lành nghề, với con mắt thẩm mỹ trời ban, và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi làm việc, mớ đất sét trong tay người thợ gốm, nay đã có hình dáng của những chiếc dĩa, những chiếc bát ăn cơm, những chiếc bình đựng …. Trong khi nhào nặn, có lúc ông không bằng lòng với chiếc chén méo mó, không vừa ý với những chiếc dĩa có nhiều chỗ lồi lõm không đẹp mắt, ông liền ngưng tất cả, vo tròn miếng đất sét và làm lại từ đầu cho đến khi ông vừa ý, bằng lòng… Và rồi một chiếc chén đẹp, một chiếc dĩa đúng kích thước, một chiếc bình đẹp mắt được hình thành.

Công việc cuối cùng là người thợ mang tất cả những chiếc bình, những chiếc chén chiếc dĩa vào lò nung. Với nhiệt độ thật cao trong lò, miếng đất sét đã chết đi để hóa thân trở thành những miếng sành, miếng sứ cứng chắc, hữu dụng và mỹ thuật.

* * * * *

Bạn thân mến!  Miếng đất sét muôn đời chỉ là đất sét vô dụng, nếu nó không chịu để cho người thợ gốm nhào nặn, uốn nắn để trở thành những chiếc bình, những chiếc chén chiếc dĩa hữu dụng …Miếng đất sét sẽ chỉ là những vật dụng thô kệch, méo mó không đúng kích thước nếu nó không chịu để cho người thợ gốm vo tròn làm lại từ đầu… Và miếng đất sét mãi mãi sẽ chỉ là đất sét sần sùi, nó sẽ không bao giờ có thể hóa thân để trở thành những miếng sành, miếng sứ nếu nó không chịu để cho người thợ đặt vào lò nung.

Tương tự như vậy, trong đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa cũng nhào nặn và uốn nắn con người như thế.  Ngài là một người “thợ gốm tâm linh”.  Vì tình yêu thương, Ngài bỏ thời giờ và công sức để nhào nặn, uốn nắn, có khi Ngài đã phải “vo tròn” làm lại từ đầu.  Ngài muốn mỗi người chúng ta là mỗi tác phẩm mỹ thuật qúy giá của Ngài

Thông thường, chúng ta chẳng muốn được uốn nắn nhào nặn, chẳng muốn bị vo tròn làm lại từ đầu …và nhất là chúng ta chẳng muốn bị mang vào lò nung để được tôi luyện, để được thăng tiến hóa thân.  Nhưng lúc nào Chúa cũng làm việc sửa chữa trong cuộc sống chúng ta, lúc nào Chúa cũng ra tay nhào nặn uốn nắn con người chúng ta, để khuôn đúc mỗi người chúng ta theo đúng ý Ngài.  Cứ như thế cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, cho đến khi Ngài gọi chúng ta về với Ngài.

Trong cuộc sống, khi phải đối diện với những khó khăn áp lực của cuộc đời, với những đau khổ chia lìa, với những ngược suôi chao đảo…. Chúng ta hãy nhớ rằng tình thương yêu kỳ diệu của Chúa đang nhào nặn uốn nắn chúng ta, để biến đổi chúng ta thành tác phẩm mỹ thuật quý giá của Ngài.  Nếu chúng ta khước từ, không chịu làm một cuộc thay đổi toàn diện, chúng ta không bao giờ trở thành một vật quí giá tuyệt vời trong tay Ngài.  Hãy để cho Chúa uốn nắn nhào nặn, bạn nhé!

* * * * *

Lạy Chúa!  Chỉ vì yêu thương, Chúa đã ra công uốn nắn nhào nặn cuộc đời của mỗi người chúng con, chỉ vì muốn chúng con được thăng tiến, được hóa thân thành tác phẩm tuyệt vời của Ngài, Chúa đã ra tay sửa chữa, khuôn đúc con người của chúng con theo Thánh Ý Ngài… Xin cho chúng con nhận ra tình yêu thương kỳ diệu đó và luôn luôn biết phó thác cuộc sống trong vòng tay yêu thương của Ngài. Amen.

Linh Xuân Thôn

THẦY LÀ AI?

Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. (Mt.16:16).

Bạn thân mến!  Trên đây là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đối với Chúa Giêsu. Và đây cũng là lời tuyên xưng hùng hồn nhất, sâu sắc nhất và trang trọng nhất.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tường thuật rằng:  Thầy trò Đức Giêsu đi bên nhau, đối thoại với nhau, Ngài tế nhị dẫn dắt và nhắc nhở các môn đệ bằng những câu hỏi để gây ý thức nơi các ông. Trước hết Ngài nói: “Người ta nghĩ Thầy là ai?” (Mt.16:13).  Và dần dần Ngài  dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai? ” (Mt.16.15)

Đức Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Ngài đã không làm thế.  Ngài muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Ngài, Ngài muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Ngài.

Là môn đệ Đức Kitô, mỗi người phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của chính mình.  Người môn đệ phải biết căn tính của thầy mình, phải biết mình đang theo ai và người mình theo từ đâu đến.  Có như thế, người môn đệ mới có thể đi sâu vào trong tình thân mật với thầy mình,  mới tin tưởng những điều thầy mình dạy, mới can đảm thi hành những giáo huấn mà thày mình đã trao ban.

Phêrô đã trả lời câu hỏi này cho phần của ông:  “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống”.  Còn bạn và tôi, chúng ta trả lời câu hỏi này ra sao? Nếu Đức Giêsu đến và hỏi tôi và bạn hôm nay “Thày là ai”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? Nếu người ta hỏi tôi “Đức Giêsu là ai”, tôi sẽ giải thích cho họ như thế nào?

Được biết Đức Giêsu, được nói về Đức Giêsu, được làm chứng cho Đức Giêsu, được  tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu … Đó là một ân phúc, ân phúc từ trời cao đổ xuống cho con người vững lòng tin vào Đức Giêsu, vì “không phải phàm nhân mặc khải cho điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt.16: 17)

Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Hội thánh của Ngài : “Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày” (Mt.16:18).  Với lời nói này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh trên trần gian.  Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh.  Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng được vững bền.  Phêrô giữ chìa khoá nhưng chính Chúa gìn giữ toà nhà.

Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô làm người lãnh đạo và cai quản Giáo hội.  Còn tôi và bạn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong vai trò gì? Chúng ta phải làm gì cho Hội Thánh mà Ngài đã thiết lập?

* * * * *

“Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày” (Mt.16:18).

Lạy Chúa!  Lời Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô con cứ nghĩ là Ngài chỉ nói với những vị mà Ngài chọn làm giáo hoàng mà thôi.  Nhưng nghĩ sâu xa và phổ quát hơn, con nhận ra Ngài nói với tất cả mọi người, mọi Ki-tô hữu.  Ngài mời gọi họ trở nên đá tảng để xây dựng căn nhà Giáo Hội.  Lạy Chúa! Xin giúp con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy. Amen.

Trích từ R. Veritas

CHỒNG EM ÁO RÁCH EM THƯƠNG

Chủ nhật, nhỏ bạn cũ ghé thăm nhà Mai.  Khá lâu không gặp, Mai ngỡ ngàng thấy bạn mình thay đổi rất nhiều.  Đẹp hơn, mô-đen hơn, sang trọng và sành điệu hơn… Chồng Mai bước ra chào khách, hỏi thăm mấy câu xã giao rồi vào sau nhà sửa cái quạt máy cũ.  Câu chuyện của hai cô bạn cũ bỗng rôm rả xoay quanh đề tài chồng con.

Bạn của Mai hào hứng kể:  “Chồng của mình rất phong độ, hào hoa lịch thiệp, lại giỏi kiếm tiền.  Mình sống rất thoải mái, chẳng lo nghĩ gì, không phải đi làm, việc trong nhà đã có “ô-sin” lo.  Dịp lễ tết nào ông chồng cũng mua hoa, mua quà cho vợ.  Khi thì nữ trang, khi thì mỹ phẩm, khi thì váy áo… Rồi đi ăn nhà hàng, nghỉ resort, nghe nhạc ở phòng trà…”   Mai chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng xen vào vài tiếng trầm trồ, vài câu “hỏi thêm cho rõ”.  Không thấy Mai nói về mình, bạn Mai buột miệng hỏi: “Còn chồng của Mai thế nào?”.

Thế nào ư? Chồng Mai là người đàn ông có đôi bàn tay thô ráp.  Những đêm nóng bức, anh thức và dùng đôi bàn tay đó để xoa cái lưng đầy rôm cho con gái dễ ngủ. Anh rất yêu chiều con, chăm sóc con chu đáo.  Chồng Mai chỉ mặc bộ đồ vest một lần duy nhất vào dịp cưới, và Mai mỗi khi nhớ lại vẫn thấy buồn cười với hình ảnh anh vụng về, bức bối trong bộ đồ đó.

Hàng ngày đi làm, anh mặc đồ công nhân, về đến nhà là xỏ cái áo thun cũ rồi lăn xả vào công việc.  Nấu cơm khi vợ về trễ, tắm cho con, giặt giũ, lau nhà, rửa chén, sửa chữa các thứ linh tinh trong nhà… một tay anh chu toàn không chút so đo.

Chồng Mai chưa bao giờ tặng hoa cho cô, chưa lần nào nói trọn câu “anh yêu em” với Mai.  Anh cũng chưa từng đưa Mai đến những nơi sang trọng mà bạn cô vừa kể.

Nhưng anh đã từng chạy đến cổng cơ quan làm việc của Mai trong mưa gió chỉ vì sợ cô quên áo mưa sẽ bị ướt và bệnh.  Anh đã từng nhường cho Mai từng chút thức ăn ít ỏi trên mâm cơm khi gia đình còn thiếu thốn… Anh cũng chưa từng mua cho Mai thứ gì xa xỉ, đắt tiền.  Có chăng là bịch nước mía khi anh tan ca làm về nhà, là cái vành gắn thêm vào nón bảo hiểm để cô đỡ nắng, là mấy cây đinh mới để đóng lại đôi guốc cũ bị sứt quai mà Mai ưa thích…

Anh không hút thuốc, không la cà sau giờ làm việc, không thích sắm sửa gì nhiều cho bản thân.  Nhưng anh lại rộng rãi với vợ con. Dù nguồn thu nhập của hai vợ chồng chỉ tạm đủ sống, nhưng con gái của họ đi học cũng tinh tươm gọn gàng như bao đứa trẻ khác.

Khi bạn đã về.  Buổi tối hôm đó, Mai cảm thấy anh có vẻ trầm ngâm hơn mọi ngày.  Rồi bỗng dưng anh ngập ngừng hỏi: “Làm vợ anh em bị thiệt thòi nhiều quá, phải không?”.  Mai bất ngờ đến sững sờ.  Vì đó là câu nói có vẻ “văn chương” và khách sáo nhất mà Mai nghe anh nói ra.

Nhẹ nhàng,  Mai dụi đầu vào lòng chồng, nhỏ nhẹ: “Không, em rất vui với những gì mình đang có“. Vì cô biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ phải tiếc nuối khi chọn anh.

(trích từ Internet)

* * * * *

Lạy Chúa!  Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, con phải đối diện với bao khó khăn níu kéo mời gọi; với biết bao cám dỗ đẩy đưa trước mặt… Xin cho con biết trân qúy những gì con đang có trong cuộc sống hôn nhân mà Chúa đã mời gọi con bước vào .… Xin cho gia đình con biết noi gương bắt chước gia đình Thánh Gia để luôn có Chúa hiện diện bên cạnh, vì chỉ có Chúa mới mang lại an lành và hạnh phúc đích thực cho gia đình con. Amen

ÐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Nói về Mẹ, viết về Mẹ là một hạnh phúc lớn lao.  Tiếng Mẹ sao dịu êm, sao mát dịu đến thế.  Mẹ trần thế đã là một tặng phẩm quí giá.  Mẹ thiêng liêng lại càng cao quí hơn thế nữa.  Mẹ có tên là Maria.  Tiếng nói ngắn gọn, nhưng bao trùm, gói trọn tất cả.  Giáo Hội mừng lễ Ðức Mẹ lên trời.  Trong niềm hân hoan của ngày lễ Mẹ, ta thử suy nghĩ về:

  • Tại sao Maria hồn xác lên trời?
  • Maria hồn xác lên trời có ý nghĩa gì cho ta?

TẠI SAO MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI?

Người nữ trong sách Khải Huyền trích đọc hôm nay, tượng trưng cho Mẹ Maria.  Ðức trinh nữ Maria ngay từ giây phút ban đầu đã được Thiên Chúa bảo toàn, gìn giữ và tuyển chọn.  Nên tâm hồn và thể xác của Mẹ luôn thuộc về Thiên Chúa, không mang vết tỳ ố, không nhuốm tội lỗi, tâm hồn tinh trong, thánh thiện, tinh tuyền, xứng đáng là đền thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị.  Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ, đã tuyển chọn Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa, làm Mẹ Ðấng cứu thế Giêsu.  Hậu quả của tước vị làm Mẹ Thiên Chúa: Maria đã được chọn lựa riêng, được đặc ân vô nhiễm nguyên tội.  Thân xác và tâm hồn của Mẹ đã được dành riêng cho Thiên Chúa.  Con Mẹ cưu mang trong cung lòng là do bởi phép Chúa Thánh Thần.  Mẹ sinh con mà vẫn còn trinh khiết vẹn tuyền.  Ðó là đặc ân chỉ có một không hai trong lịch sử cứu rỗi, Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ và chỉ có mình Mẹ được ơn cao quí ấy.  Hình ảnh người nữ thánh Gioan diễn tả: mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao là hình ảnh của chính Mẹ Maria và Giáo Hội Chúa Kitô.  Maria là hình ảnh vẹn toàn nhất của Giáo Hội ngày mai, là bình minh của Giáo Hội khải hoàn.  Bài ca Magnificat mà Ðức Mẹ cất cao giọng trong Tin Mừng Lc 1, 39-56 là lời cảm tạ viên mãn Thiên Chúa dành cho Maria.  Chính niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa đã khiến Maria trở nên vững mạnh và đáng được chúc tụng muôn đời.  Sự tinh ròng của thể xác và tâm hồn khiến Maria được đặc ân riêng biệt.  Maria đã biến phút giây tuyệt vời khi sứ thần Gabrien truyền tin cho Mẹ và lời xin vâng của Mẹ đã biến giây phút hiện tại ấy trở thành niềm vui vĩnh cửu, trở thành hạnh phúc trường tồn vì chính phút giây ấy đã thay đổi cuộc đời của Mẹ cách hoàn hảo nhất.  Ðó là giờ của ơn cứu độ.  Sự vô tì tích của tâm hồn và thể xác của Mẹ, đã được Thiên Chúa chúc phúc cho hồn xác Maria về trời hưởng vinh quang vĩnh cửu với Thiên Chúa Ba Ngôi và triều thần thánh trên trời.

MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI CÓ Ý NGHĨA GÌ CHO TA?

Ngày 6/11/1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Maria hồn xác về trời.  Ðây là biến cố lịch sử trong lịch sử cứu độ và mặc nhiên xác nhận niềm tin Kitô giáo vào con người trinh trong, vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria, niềm tin này đã bàng bạc trong Giáo Hội từ nhiều thế kỷ qua.  Tín điều ấy có giá trị vĩnh viễn và tuyên bố cho mọi người rằng Maria có liên hệ mật thiết với nhân loại, với mọi người chúng ta.  Nhờ sự tinh ròng, vô tì tích của tâm hồn và thể xác của Maria, mọi người có lòng tin được hưởng nhờ đặc ân cứu độ của Thiên Chúa và tin vào sự giải thoát tội lỗi, Thiên Chúa dành cho Mẹ Maria cũng chính là tin vào Ðức Kitô đã chết và sống lại cho phần rỗi mọi người.

Maria đã lên trời cả hồn lẫn xác.

Maria đã được diện đối diện với Thiên Chúa.  Maria lên trời là hình ảnh của Giáo Hội khải hoàn và vinh quang của thập giá là vinh quang của Mẹ.  Tin vào thập giá sẽ được ơn cứu độ.  Vì thế, tin vào Ðức Kitô đã giải thoát Mẹ khỏi sự chết của tội lỗi, tức là tin vào sự bất diệt của tâm hồn và thể xác Thiên Chúa dành cho Maria, cũng như cho nhân loại và cho Giáo Hội khải hoàn.

***************

Xin Chúa ban cho chúng con lòng tin sâu xa để chúng con tin mai ngày chúng con cũng được sống lại hiển vinh.  Xin Mẹ Maria hồn xác lên trời chuyển thay cầu giúp cho chúng con để chúng con biết xa lánh tội lỗi và sống kết hợp với Chúa luôn mãi.  Xin Mẹ ban cho chúng con biết mau mắn nói lời xin vâng tuân theo thánh ý Chúa trong đời sống của chúng con .

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

NIỀM TIN SẮT SON

Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!  Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”.(Mt.15:22)

Bạn thân mến! Trên đây là lời năn nỉ nài van của người phụ nữ Canaan nói với Đức Giêsu.  Bà là một người mẹ có đứa con gái bị quỷ ám.  Bà là dân ngoại đến cầu xin Đức Giêsu là một người Do Thái .  Lời cầu xin của bà trao đi nhưng không một lời lên tiếng đáp trả.  Im lặng bao trùm.  Sự im lặng đến khó hiểu.  Nhưng biết làm sao được.  Bởi mục đích bà tìm gặp Đức Giêsu và năn nỉ Ngài ra tay cứu giúp chính là cô con gái yêu quý của bà đang ngày đêm khổ sở vì bị quỷ ám.  Tình mẫu tử đã hối thúc bà,  đã giúp bà có thêm can đảm để vượt qua mọi cản ngăn để đến gặp Đức Giêsu với hy vọng Ngài sẽ cứu giúp con bà.

Nhưng  Đức Giêsu đã chẳng mặn mà gì với bà.  Còn các môn đệ của Ngài xem ra cũng khó chịu khi có sự hiện diện của bà.  Họ đã hối thúc thầy mình đuổi bà ấy về cho khỏi chướng tai gai mắt.  Mặc dù vậy, bà vẫn kiên trì nài van, vẫn một lòng tin tưởng.  Bà chẳng ngã lòng trước sự thinh lặng và chối từ của Ðức Giêsu. Bà cứ đi sau mà kêu, kêu hoài, kêu mãi.  Rồi bà trực tiếp giáp mặt Ngài, và nài xin Ngài cứu giúp.

Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”.  Một lần nữa tiếng của bà lại vang lên và toàn thân bà phủ phục bái lạy Đức Giêsu với hy vọng Ngài sẽ đoái thương.  Nhưng thật phũ phàng .  Câu trả lời của Đức Giêsu như gáo nước lạnh xối vào mặt bà. “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. (Mt.15:26)

Bàng hoàng trước sự thật phủ phàng, người phụ nữ Canaan không mảy may dao động hoặc tức giận tháo lui. Trái lại, bà còn dùng ngay chính sự thật phũ phàng này để trả lời Đức Giêsu một cách hết sức khôn khéo và tế nhị. “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. (Mt.15:27)

Người phụ nữ Canaan ơi ! Lời nói của bà không chỉ là câu nói hay nhất, tế nhị và khôn khéo nhất mà còn là một lời tuyên xưng niềm tin của bà đối với Đức Giêsu, Người mà bà đang đối diện và cầu xin.  Chính niềm tin sắt son và mãnh liệt của bà đã làm cho Chúa Giêsu kinh ngạc:

Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt.15:28). Đó là lời nói của Chúa Giêsu dành cho bà, đó không chỉ là lời tán thưởng,  lời ban bình an và xua đuổi tà thần mà đó còn là lời xoá bỏ mọi ngăn chia cách trở, là lời phá đi mọi thứ lề luật nhỏ nhen thấp hèn do con người tạo nên.

Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn. Tin không phải là đòi hỏi. Tin là chờ đợi tất cả từ tay Chúa, và đón lấy tất cả như hồng ân nhưng không.

* * * * *

Lạy Chúa! Trong cuộc sống trần thế đầy khó khăn vất vả.  Con chạy đến với Chúa để tìm nguồn an ủi đỡ nâng, để nài van tình thương yêu của Chuá … Nhưng nhiều lúc con chỉ thấy thinh lặng …  và cũng nhiều lúc con khắc khoải tự hỏi : Chúa có nghe gì không? Chúa có thấy gì không?

 Xin cho con biết noi gương bắt chước người phụ nữ Canaan,  biết luôn kiên trì cầu nguyện, luôn khiêm tốn nài van và vững tin vào tình thương yêu của Chúa.  Amen.

Trích R. Veritas

NÓI VỚI CHÚA

Trời đã về khuya.  Tiếng quạt máy chạy rì rì vỗ giấc ngủ hai cậu con trai nhỏ.  Cuối một ngày hè, khí trời mát dịu lại, tâm hồn tôi cũng bắt đầu lắng xuống, dịu đi, phẳng lặng hơn.  Một ngày của tôi bây giờ thường thì quanh quẩn với cơm nước, nấu cháo cho con, giặt giũ, rửa chén bát, rửa bình sữa, ủi quần áo, chợ búa, tã sữa… và cầu nguyện.  Thiết tưởng vài phút đồng hồ ngắn ngủi bên Chúa ấy chẳng là bao, nhưng đó lại là sức mạnh để tôi sống tiếp một ngày rồi một ngày nữa.

Sanh cậu con trai thứ hai mới được một tuần lễ, tôi đã phải dậy làm việc nhà.  Phụ nữ nào gặp tôi cũng khuyên và lấy làm lo ngại vì tôi đi lại sớm và chạm nước nhiều, sau này sẽ đau lưng và bị nổi gân tay.  Tôi biết, nhưng chẳng làm gì hơn được ngoài việc đeo bao tay vào mà rửa.  Xa bố mẹ, không anh chị em bên cạnh lúc sanh nở, tôi bắt đầu có triệu chứng “buồn hậu sản” những tuần lễ sau khi sanh xong.  Những buổi chiều đến thật buồn, tôi bắt đầu ôm con khóc và nhớ nhà khủng khiếp.  Tôi thấy mình sắp nổ tung và có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào mỗi khi ông xã nặng nhẹ một chút, mỗi khi cơm không lành canh không ngọt… Và tôi dần phát hiện ra rằng chẳng ai có thể gánh vác công việc chăm hai con dại của tôi lúc này, chẳng ai nấu cơm rửa chén cho tôi ngủ thêm một tẹo hay làm nhẹ đi những cực nhọc của mình.  Những lời như “Tội nghiệp quá, sau này yếu lắm cho coi, giá mà tôi giúp được cho em…” càng làm tôi thấy tinh thần mình xuống, càng làm tôi muốn chạy trốn cái mà người có đạo hay gọi: “Thập giá Chúa gởi.”  Và thay vì gọi phone than thở, khóc lóc tỉ tê để được nghe những lời xoa dịu của người thân và bạn bè, tôi quyết định bỏ xó cái phone vì cảm thấy nó chẳng giúp ích gì được cho tôi lúc này cả.  Tôi nói với Chúa.

Nói với Chúa đi!  Đó luôn luôn là lời mà Chúa mời gọi tôi, mỗi ngày.  Trong những cực nhọc của mình, tôi dần nghiệm ra một điều:  Càng khổ Chúa càng thương.  Và tôi bắt đầu nhớ lại hình ảnh bà nội tôi.  Bà đã chín mươi ba tuổi vậy mà ngày nào cũng dậy sớm để sắt hành hương cay xè cả mắt, nấu xôi để bán nuôi con, nuôi cháu.  Rồi mẹ tôi, một nách sáu đứa con, bị người ta túm tóc đè đầu bôn ba trên những chuyến tàu Nha Trang – Sài Gòn để chị em tôi có cơm ăn trong những năm bố đi tù.  Và cứ nhìn gương Chúa Giêsu thì thấy, không mảnh vải che thân, không nơi gối đầu, nhục nhã ê chề…  Tôi đọc Phúc âm và phát hiện ra rằng, sống trên đời này tôi phải sống làm sao mà đến khi về gặp Chúa, với thân thể xấu xí, ngực xệ teo tóp do cho con bú, tay chân gân guốc chai cứng, hay mắt mờ, lụm khụm, run rẩy… tất cả, tất cả đều như một món quà thật đẹp, một của lễ thật đắt giá để tôi hãnh diện trao lên cho Chúa và nói rằng, “Chúa ơi, con đã sử dụng hết thân xác xinh đẹp mà Chúa ban cho con, giờ đây con xin trao lại cho Chúa, thân xác này, hơi tả tơi.”  Phụ nữ ai mà chẳng muốn đẹp, muốn trẻ, nhưng giờ đây tôi thấy cái đẹp ở tấm lòng mình khi tôi biết xả thân, biết hi sinh, biết chết đi cái tôi to tướng của mình và biết yêu người hơn yêu mình mới là cái mà tôi phải vươn đến, là điều mà Thiên Chúa mong đợi nơi tôi.

Tôi thấy khó khăn của mình giờ đây nhỏ tẹo và thật cỏn con so với cực nhọc mà bà tôi, mẹ tôi đã trải qua.  Đặc biệt cứ mỗi lần nhìn hình ảnh Chúa Giêsu trên Thánh giá, tôi lại thấy cái mà trước nay tôi gọi là cực khổ, thật hèn hạ và chẳng thấm thía gì.  Và tôi quay ngược lại, khùng khùng xin Chúa ban cho tôi nhiều khó khăn hơn nữa, xin Chúa cho tôi khổ thêm, để tôi hiểu được, cảm nghiệm được chút nào đó Thánh giá của thầy Giêsu.

***************

Nói với Chúa đi!
Những khi đêm về
Trời khuya,
Trăng sáng,
Và bầu trời đầy sao…

Nói với Chúa đi!
Chúa ngay đây thôi,
Trong tiếng thở dài,
Trong giọt nước mắt
Hay nỗi cô đơn …
Dòng đời xuôi ngược,
Chúa vẫn lặn lội,
Tìm con mãi hoài

Nói đi con ơi!
Cả khi té ngã, va vấp đường đời
Cả khi sỏi đá, vướng mắc chông gai
Cả khi mắt mờ, răng rụng, sói đầu…
Gian lao trần thế
Chúa biết hết mà…

Nói với Chúa đi!
Trang thánh kinh mở…

Bạch Thu Hiền

CHÂN LÝ VỀ CUỘC ĐỜI

Nữ ca sĩ Madona (nữ hoàng nhạc pop) đã gửi lên mạng lưới Internet một bức thư trong đó cô tâm sự về những nỗi nghi ngại và sự thiếu an toàn mà cô phải hứng chịu từng ngày.  Madona khẳng định như sau: “Thật là sai lầm khi cho rằng tôi là một người may mắn”.

Sau đây là nguyên văn lời tâm sự của Madona:

“Mọi người dựng nên một thế giới màu hồng ảo tưởng rồi nghĩ rằng tôi hẳn là nhân vật chính trong đó.  Cũng đúng thôi, bề nổi cho thấy tôi rất nổi tiếng và giàu có.  Tôi kết hôn với một người đàn ông tài năng và hoàn hảo.  Tôi sinh được hai đứa trẻ xinh xắn.  Nhưng đàng sau bề nổi ấy, cuộc sống của tôi rất mong manh, tựa như chỉ một cơn gió thị phi thoảng qua cũng đủ để làm sụp đổ hoàn toàn.  Lúc nào tôi cũng phải phấn đấu gồng mình để tồn tại.  Mọi người bình phẩm về tôi cho nên tôi phải cố gắng, mỗi lần chuẩn bị cho một cuộc trình diễn tôi phải cố gắng, mỗi lần làm phim với chồng tôi phải cố gắng, cứ bình thản đi dạo phố tôi cũng phải cố gắng.  Dường như chẳng bao giờ tôi được thả lỏng tâm hồn cũng như cơ thể của mình.  Lý do tôi viết thư này cho các bạn là muốn nhận được sự cảm thông từ phía những người hâm mộ và đồng thời qua đây tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm sống của tôi.  Trải qua nhiều sóng gió, tôi cảm nhận được rằng điều làm ta thanh thản nhất chính là hãy cho đi chứ đừng bao giờ mong đón nhận lại điều gì.  Khi bị tuyệt vọng hoặc bế tắc, hãy làm điều tốt cho bạn bè và người thân của mình.  Ðó chính là liều thuốc hữu hiệu để xóa tan sự u buồn lo lắng và ám ảnh”. 

***************

Những lời khuyên thốt ra từ miệng của một người đã từng trải qua không biết bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời như Madona hẳn có giá trị.  Có người khuyên chúng ta hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống.  Kỳ thực, dễ gì trút bỏ được gánh lo của cuộc đời.

Cuộc đời của chúng ta chẳng khác nào một giếng nước.  Một giếng nước không còn được người ta đến kín múc nước sẽ không chóng thì chày trở nên khô cạn.  Có biết bao nhiêu mạch nước nhỏ tiếp tế cho cái giếng, càng múc nước thì nước càng tuôn chảy vào giếng, nếu nước giếng không còn được múc lên nữa thì mạch nước ắt sẽ bị bịt kín và tắt nghẽn và phần nước còn lại trong đáy giếng sẽ dần dần bị bốc hơi, và như vậy giếng sẽ khô cạn.

Chúa Giêsu chính là giếng nước không bao giờ cạn mà Thiên Chúa đã mở ra cho nhân loại. Từ cạnh sườn Ngài khi bị một người lính La Mã chọc thủng, nước hằng sống đã tuôn trào để xoa dịu bao nỗi khát khao của con người.  Mạch nước có được mở ra để trao ban thì nguồn nước mới tuôn trào.

Cái chết của Chúa Giêsu là tuyệt đỉnh của một cuộc đời hướng về tha nhân và tiêu hao vì tha nhân. Ðó cũng là chân lý về cuộc đời.  Càng trao ban, càng dốc cạn, càng được múc lấy càng tiêu hao, càng mất chính mình con người càng trở nên phong phú, con người càng trở nên chính mình.  Gánh lo của cuộc đời sẽ không tự nhiên mà vơi đi.  Nó chỉ có thể nhẹ bớt khi con người biết ra khỏi bản thân và tìm đến với người khác.

***************

Lạy Chúa,  Chúa biết chúng con đang khao khát sự bình an trong tâm hồn. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ khi nào chúng con biết ra khỏi bản thân tìm đến với tha nhân và sống cho tha nhân, chúng con mới có được sự bình an đích thực ấy.

R. Veritas