LẠY THẦY! XIN CỨU CON

Giữa lúc dân chúng định tôn Ðức Giêsu làm Vua,  và sau khi mọi người đã được no nê bánh và cá, thì Ngài lại giải tán họ, và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia. Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.  Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, Ngài chìm sâu trong cầu nguyện.  Ngài  gặp gỡ trong thân mật với Thiên Chúa  Cha.  Nhưng Ðức Giêsu không quên các môn đệ.  Ngài biết họ một mình đang vật lộn với sóng gió.  Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến với họ.  Các môn đệ tưởng Ngài là ma, nên kêu la sợ hãi.  Ðức Giêsu trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”

Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều lĩnh đề nghị: “Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” ( Mt 14,28 ).  Thật là một lời đề nghị làm ta ngạc nhiên.  Thật là một đề nghị đầy nguy hiểm.  Nhưng Phêrô đã chấp nhận nguy hiểm, đã dấn thân nghiêm túc để được gần Thầy mình.  Nếu đó không phải là Thầy mình, thì thật là dại dột.  Nhưng nếu đúng là Thầy, thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.

Ðức Giêsu nói với Phêrô: “Cứ đến”. Thế là Phêrô bước ra khỏi thuyền, ông đi trên mặt nước mà đến với Ðức Giêsu.  Thật không thể tưởng tượng nổi,  mặt nước trở nên cứng như đá, hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.  Phêrô đi được bao xa, ta không rõ,  nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi: “Ðúng là Thầy rồi!”  Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước,  nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì niềm tin mới được trọn vẹn.

Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô, những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.  Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào, lòng tin bị chao đảo với sóng gió, lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển.  Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con.”  Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy bàn tay của ông và đưa ông về thuyền. “Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!” ( Mt 14,31 ).  Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề, và nhận chìm ông xuống.  Phêrô hăng say đó, nhưng lại xìu đó và tỏ ra nhát đảm vì thiếu tin tưởng vào Chúa Giêsu.

Cuộc đời của mỗi người là một cuộc vượt biển đầy cam go, cho dù đi bằng thuyền hay bằng tàu, không ai có thể nói là tuyệt đối bằng an.  Còn bơi trong sóng nước thì vô phương.  Phêrô, một người sành sỏi về bơi bội, sông nước là nghề nghiệp của ông. Thế mà khi bị thụp xuống, lại cuống cuồng la lên: “Lạy Thầy! Xin cứu con“.

Muốn vượt biển đời bình an, thơ thới, chỉ có một cách là cậy trông vào Ðức Giêsu Kitô, chỉ mình Ngài mới có quyền năng đạp sóng, và làm bão tố tan biến đi.  Đưa tay cho Ngài dắt, chúng ta sẽ đi trên bão tố đường đời như đi trên thảm cỏ xanh êm dịu tươi mát.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu! Sống đức tin giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước:

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.  Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.  Sự nặng nề của thân xác cũng kéo ghì con xuống.  Ði trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con gần chìm.  Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.  Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ nhàng mà bước những bước dài hướng về Chúa.  Amen.

Trích từ R. Veritas

CON CẦN CHÚA

Tôi chối từ Thiên Chúa,
Thiên Chúa vẫn hiện diện. Vì Ngài là Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần tôi chứng minh có Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng không cần kẻ khác chứng minh cho tôi biết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thì không cần chứng minh.
Như mặt trời không cần ai chứng minh về ánh sáng cho người mù.
Như người dưới căn hầm, mặt trời không hiện diện với đôi mắt ấy mà thôi, mặt trời vẫn hiện diện với vũ trụ.

Từ đó,
Lạy Thượng Đế, xin cho con biết kêu lên: Con biết con cần Ngài.

***************

Trong các kinh Tiền Tụng của thánh lễ, lời Tiền Tụng Chung IV là kinh rất ít khi giáo dân nghe linh mục đọc.  Hầu hết các thánh lễ chỉ dùng Kinh Tạ Ơn II.  Lời Tiền Tụng Chung IV đọc như sau:

Lạy Cha chí thánh
là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo
và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Thật ra,
Cha không cần chúng con ca tụng,
nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả,
vì những lời ca tụng của chúng con
chẳng thêm gì cho Cha
nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời,
nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Vì thế hiệp với các thiên thần và các thánh
chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển,
và đồng thanh tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Chí Thánh.

Qua lời Kinh Tiền Tụng này, Giáo Hội chỉ rõ cho ta biết bản chất Thiên Chúa như thế nào.

Một thần linh là Thượng Đế thì không cần tiếng ca tụng của người phàm. Vì là Thượng Đế nên lời ca tụng của phàm nhân chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài.

Trong ngôn ngữ con người, chúng ta hay nói, hãy ca tụng Chúa để Thiên Chúa được vinh danh, là lời nói có thể làm hiểu sai lạc về bản chất Thiên Chúa.  Chính Sách Lễ Roma của Giáo Hội đã xác định như trên.

Vậy chúng ta chỉ còn một cách hiểu chính xác theo Sách Lễ Roma là:

Được tạ ơn Chúa là hồng ân cao cả cho chính tôi.
Lời ca tụng của chúng tôi không thêm gì cho Chúa,
nhưng đem lại cho chúng tôi ơn cứu độ.

Từ Lời Tiền Tụng trên, chúng ta hãy xin cho mình lời nguyện là:

– Lạy Thượng Đế, con biết con cần Ngài.

Nhiều người nghĩ rằng mình làm “vinh danh” Chúa bằng lời ca tụng của mình, nên khi bất mãn với Giáo Hội thì ngừng ca tụng Chúa.
Có người nghĩ rằng Chúa cần mình, nên khi “bất mãn” với Chúa thì không ca tụng để Thiên Chúa bị thiệt thòi.
Có ai cứ nhắm mắt lại để mặt trời bớt ánh sáng không.
Có ai xuống hầm tối cho mặt trời thiệt thòi không.

Khi chúng ta hiểu rõ lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa nhưng lại thêm cho chính mình. Khi chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không cần ai ca tụng, nhưng ca tụng Chúa lại là hồng ân cho chính mình thì chúng ta phải nghiêm chỉnh đặt vấn đề về những lời ca tụng của chúng ta.

Thái độ thứ nhất: Ao ước được ca tụng.

Lạy Chúa từ bi và nhân hậu,
Người thanh niên giàu có trong Phúc Âm đến hỏi Chúa đâu là con đường siêu thoát.  Chúa cho anh ta một hồng ân là đến theo Chúa. Anh không muốn từ chối. Nhưng lòng anh quá nặng nề, sau cùng anh cúi mặt bước đi buồn rầu. Rất tội nghiệp cho anh. Tại sao Chúa không năn nỉ anh? Hình ảnh siêu bạo ở đây là Chúa không năn nỉ. Phải chăng vì theo Chúa là một hồng ân đem lại ơn cứu độ cho chính anh. Hôm nay, rất nhiều cha mẹ phải “năn nỉ” con cái đi lễ. Rất nhiều linh mục “năn nỉ” giáo dân đến nhà thờ. Trong các thánh lễ, có rất nhiều thứ “năn nỉ”. Năn nỉ đóng tiền. Năn nỉ làm việc tông đồ. Bởi đâu, lạy Chúa, chúng con có những não trạng như thế. Phải chăng chúng con đã không hiểu rằng những lời ca tụng kia là cần thiết cho chính chúng con.

Thái độ thứ hai: Khiêm tốn trong lời ca tụng.

Vì Chúa là thần linh không cần lời ca tụng của phàm nhân, nên con phải xin Chúa cho con được ca tụng. Lời của phàm nhân tội lỗi, tâm trí phàm nhân u mê, sao chúng con dám ca tụng thần linh. Bởi đó, được ca tụng Chúa là hồng ân, nên chúng con phải khiêm tốn trong mọi công việc tông đồ. Biết đâu có linh mục hôm nay rất tự hào về những công trình của mình. Từ đó, cũng biết đâu, nhiều tín hữu thấy mình quan trọng trong lời ca tụng, và việc dâng cúng. Tất cả chúng con đều lầm lẫn. Xin Chúa từ bi và nhân hậu thương xót chúng con.

Thái độ thứ ba: Chờ đợi được ca tụng.

Lạy Chúa từ bi và nhân hậu,
Vì lời ca tụng Chúa mang ơn cứu độ cho chính chúng con, nên chúng con phải khiêm tốn, ao ước và chờ đợi được ca tụng. Nhiều lần trong Phúc Âm, Chúa gọi các môn đệ theo Chúa.  Chúa truyền cho các ông làm việc này, việc kia. Đấy là hồng ân cao cả chứ không phải Chúa thiếu thốn. Cái thiếu thốn của chúng con là thiếu Chúa.  Cái nghèo của chúng con là không được Chúa sai đi. Khi hiểu thế, chúng con phải hạnh phúc biết bao khi được Chúa kêu mời.

Lạy Chúa từ bi nhân hậu,
Xin cho con biết lắng nghe Chúa sai bảo thật tha thiết, chờ đợi như kẻ cắp rình mồi. Vì con nghèo lắm nếu Chúa không sai con đi. Nếu không được ca tụng Chúa con lấy đâu hồng ân cho hạnh phúc của con.

***************

Bạn thân mến,

Công việc mục vụ của tôi là đi giúp tĩnh tâm.  Có người hỏi tôi, Phúc Âm thì lần nào đọc cũng giống nhau.  Đọc mãi Cha có chán không.

Lời Phúc Âm chỉ có vậy, nhưng tùy cách nghe mà lời đó khác.

Một lần kia, vì lối nói của tôi, phút đầu khai mạc làm một người bất mãn.  Họ không muốn đi tĩnh tâm.  Nhưng vì bị “năn nỉ” quá, sau cùng có mặt trong cuối tuần linh thao.  Một cuối tuần đến retreat house – nhà tĩnh tâm như thế, ít ra cũng hết một trăm năm mươi đô la một đầu người.  Hầu hết những người ngại đi tĩnh tâm là không có thời giờ, và tiếc tiền.  Hầu hết cha mẹ nói với con cái, linh mục nói với giáo dân là “hy sinh” dâng cho Chúa một cuối tuần tĩnh tâm để ca tụng Chúa.  Đối với tôi đấy không phải là hy sinh.  Hy sinh là chịu thiệt về mình cho người khác phần lợi.  Vì cách nói của tôi làm họ bực bội.

– Thưa Cha, nếu không hy sinh, con không đến đây chiều nay được. Còn biết bao công việc ở nhà nếu không hy sinh làm sao bỏ được.

Họ bực với tôi, bực luôn với những ai đã “năn nỉ” họ đi.  Tôi không ngờ buổi tối khai mạc mà bầu khí không êm ả chút nào, tôi cố gắng đưa mọi người vào giờ kinh tối, rồi đi ngủ.  Qua một ngày thinh lặng, tối hôm sau, trước giờ kinh tối:

– Thưa cha, con xin có đôi lời.

Người này cất tiếng.  Rồi tiếp:

– Tôi xin lỗi anh chị em những gì tôi nói tối qua. Sau một ngày thinh lặng, tôi thấy có một cái gì đang xảy ra nơi tâm hồn tôi.  Tôi chưa có bình an, chưa thấy Chúa đâu, nhưng có một chút gì đó làm tôi suy nghĩ.

Nhìn bóng đèn trên trần nhà. Tâm sự với mọi người:

– Có tôi hay không, thì chiều nay bóng đèn này vẫn sáng. Đâu phải thiếu tôi mà bóng đèn bớt sáng đâu.

Rồi quay nhìn ra sân tối:

– Tôi cũng xin lỗi những ai tôi xúc phạm, những ai đã khuyến khích tôi đi khóa linh thao này. Nếu tôi bỏ lò sưởi ra sân đứng thì tôi lạnh, chứ đâu phải thiếu tôi, tôi làm cho lò sưởi bớt sức nóng đâu.  Thiên Chúa là như vậy.  Tôi đến thì tôi ấm, tôi xa Ngài, tôi lạnh, Thiên Chúa cho tôi sức ấm chứ tôi làm sao cho Ngài thêm lửa nóng được.

***************

Bạn thân mến,
Sau cùng, người này đã có những ngày tĩnh tâm – nghỉ ngơi với Chúa rất đẹp.
Chớ gì chúng ta hiểu rõ và thưa với Chúa:  Lạy Chúa, con biết con cần Chúa.

Riêng với bạn đang đọc dòng này, không cùng tôn giáo với tôi.  Tôi cầu chúc bạn hãy nói:

– Lạy Thượng Đế, lạy Trời Phật, con biết con cần Ngài.
Bởi, đó là con đường đi rất đẹp của một phàm nhân.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Trích tập suy niệm ĐƯỜNG ĐI MỘT MÌNH

YÊU CHO ĐẾN PHÚT CUỐI CÙNG

Triết lý sống của tôi là không những bạn phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình, mà với mỗi việc tốt nhất mà bạn làm được bây giờ, bạn sẽ có được chỗ đứng tốt nhất trong tương lai.
Oprah Winfrey

Khoảng tám năm trước, vợ tôi được chuẩn đoán đã mắc phải một căn bệnh ung thư ngực hiếm gặp, đó cũng là lúc tôi học cách cầu nguyện.  Tôi vẫn kiên trì cầu nguyện cho vợ tôi có thể khỏe lại, mặc dù những dự đoán chết tiệt của ngành y tế không thể nào dự đoán Lois sẽ còn sống được bao lâu.

Khi vợ tôi khuyên tôi tham gia vào hội giúp đỡ “những người chồng có những người vợ đang chống chọi với bệnh ung thư ngực”, ban đầu tôi hơi lưỡng lự.  Tôi không muốn chịu đựng nỗi đau này nữa.  Nhưng cuối cùng, khi hiểu đây là điều Lois muốn và hiểu được nỗi đau mà những người chồng như tôi đang mang, tôi đã bằng lòng.

Người ta thường hỏi: “Anh làm việc này như thế nào? Anh không cảm thấy chán nản sao?  Một số người phụ nữ sẽ không qua khỏi.  Anh định sẽ làm gì hay nói gì để tạo nên sự khác biệt?”

Tôi trả lời họ với một câu hỏi khác: “Thế các anh có chịu đựng được khi nhìn vợ, chị, mẹ hay con gái các anh đang chống chọi với căn bệnh quái ác này một cách đơn độc, không có ai trò chuyện và động viên hay không?”

Khi tham gia vào hội giúp đỡ này, tôi được nhiều hơn là mất, được nhận lấy nhiều hơn là cho đi và nhận ra rằng niềm hy vọng luôn tỏa sáng trong một thế giới mà sự tuyệt vọng đang xâm chiếm.

***************

Vài năm trước đây, Sandy, một người phụ nữ năm mươi tuổi hấp dẫn, hỏi vợ tôi liệu bà có thể nói chuyện với tôi trước khi sinh hoạt hội không.  Tôi biết Sandy và chồng bà ta trong những lần gặp trước của hội.  Sandy trông như một người mẫu, hoàn toàn khác với hình ảnh mọi người vẫn nghĩ về một người đang bị ung thư ngực.

Mặc dù Sandy được điều trị bằng phẫu thuật mà không sử dụng hóa trị liệu, bà vẫn phải chịu đựng đau đớn do những cuộc phẫu thuật, của liệu pháp hoóc-môn và sự thật về cái chết của mình.  Bà đã đối mặt với chúng khá tốt, nhưng tôi biết, Mike – chồng của bà, thì không như thế.

Sandy muốn nói chuyện với tôi vì bà đang buồn Mike.  Dạo này ông hay đi ra ngoài hàng giờ sau khi tan sở mà không có một lời giải thích.  Cứ mỗi lần bà tìm cách nói chuyện với ông, ông chỉ nhún vai lạnh lùng và bỏ đi trong im lặng.  Bà lo rằng chồng của bà không thể chấp nhận bà sau khi phẫu thuật, và họ đang dần mất nhau.  Cùng với những giọt nước mắt đau khổ, bà tâm sự:

– Tôi nghĩ anh ấy đang ngoại tình.

– Tôi sẽ cố kéo Mike ra vào cuộc gặp tối nay với ông ấy, tôi hứa, và thêm vào, nhưng nếu ông ấy có kể tôi nghe chuyện gì, tôi sẽ buộc phải giữ bí mật.

Sandy nói rằng bà ấy hiểu và hy vọng tôi có thể giúp ông ấy.

Buổi tối hôm đó, tôi tụ tập năm người đàn ông vào phòng họp của chúng tôi, trong khi vợ của họ theo một tình nguyện viên khác vào phòng riêng.  Sau khi năm người bạn của tôi ngồi thành một nửa vòng tròn lớn, tôi hỏi họ đang sống thế nào.  Mọi người đều có thể bộc lộ cảm xúc của họ thành lời và kể về hoàn cảnh của mình, mọi người trừ Mike, ông vẫn ngồi im.

Tôi đưa ra đề nghị của cá nhân tôi cho cả nhóm về việc làm thế nào tôi vượt qua với căn bệnh của vợ tôi:

– Có những lúc tôi đã bật khóc mà không có lý do gì, như lúc tôi đang lái xe đi làm chẳng hạn. Một lần, tôi đã đãng trí, lái xe đến phòng triển lãm trong khi mình không có ý định tới đó.  Tôi đã bị quấn chặt với những ý nghĩ tuyệt vọng đến nỗi mất cả sự cảm nhận về thời gian.

Sau khi lắng nghe chăm chú, họ bắt đầu kể về sự cố gắng của họ.  Một vài người kể họ đã muốn bỏ nhà đi thật xa như thế nào bởi vì họ không thể đối diện với nó.  Đa số những người đàn ông ấy chấp nhận bị tấn công bởi những nỗi buồn kinh khủng khiến họ phải khóc một mình trong nhiều giờ.  Số khác thì nói về sự tuyệt vọng đang dày vò đến nỗi khiến họ quên cả trách nhiệm đối với những việc trong nhà khi người vợ không còn khả năng làm được chúng.

***************

Mike luôn cúi đầu trong suốt buổi nói chuyện, hai bàn tay siết chặt vào nhau trước vạt áo.  Khi cuộc nói chuyện tiếp tục, tôi hướng câu hỏi về Mike:

– Chúng tôi vẫn chưa nghe anh nói gì, Mike à. Anh đã từng trải qua những điều mà chúng tôi đang nói tới không?

Khi Mike nhìn lên, chúng tôi thấy những vệt nước đọng lên má ông.  Mike nhanh chóng chùi chúng đi, như không muốn mọi người biết rằng ông đã khóc.  Mike nói:

– Tôi không biết nên làm gì nữa. Tôi chỉ lái xe lang thang trong hàng giờ.

Tôi nghĩ: À, có lẽ đây là lý do tại sao anh ấy lại bỏ đi.  Và anh sẽ kể cho chúng tôi nghe chuyện gì nữa đây?  Tôi hỏi:

– Mike à, anh thường làm gì khi lái xe lòng vòng như vậy? Anh có đi ra và khóc, đi uống bia, hay là đến một nơi nào đó và suy nghĩ không?

Dường như Mike đang muốn trả lời, nhưng có cái gì đó đã giữ ông lại.  Cuối cùng, Mike đứng dậy và hét to:

– Tôi đi ra ngoài và gào thét lên. Tôi lái xe đi và gào thét hàng giờ liền, cho đến khi tôi về nhà, tôi không thể nói được nữa vì cổ họng đã khản đặc.

Tôi choáng váng và cố hiểu được những gì mình vừa nghe thấy.  Tôi nói:

– Mike, anh phải kể tất cả những chuyện này cho Sandy biết. Chị ấy rất lo lắng cho anh.  Anh không biết được đâu, nhưng tôi nói thật đấy.  Khi chúng ta ra về, anh cần kể cho Sandy những gì anh đã kể cho tôi.

Khi cả hai nhóm đã kết thúc, tôi thấy Mike tiến đến Sandy.  Ông nói với bà ấy trong một lúc, và sau đó Sandy gục đầu vào ngực Mike khóc.  Tôi biết Mike cũng muốn khóc, nhưng ông vẫn cố tỏ ra cứng rắn như một người đàn ông mẫu mực.  Dù sao, tôi vẫn thấy tự hào về Mike.

Cuối cùng Sandy cũng hiểu là lỗi không phải ở bà ấy, mà là sự bất lực của Mike để phá tan nỗi buồn ghê gớm và không có cách giải quyết về căn bệnh của vợ mình.  Đó là một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng rực rỡ khi Lois nép mình bên cạnh tôi, và chúng tôi thấy Mike và Sandy khoác vai nhau đi chầm chậm về hướng hành lang yên tĩnh nơi bãi đỗ xe.

***************

Trong những tháng tiếp theo, chúng tôi thấy họ thường xuyên sinh hoạt ở những buổi gặp gỡ của nhóm.  Rồi đột nhiên họ không đến nữa.  Qua những người bạn thân, tôi được biết bệnh ung thư của Sandy đã di căn đến bộ phận khác của cơ thể, và bà đã không thể chống đỡ nổi.  Mike đã ở bên cạnh bà đến tận giây phút cuối cùng.

Mọi thứ vẫn còn rõ ràng như chỉ vừa mới xảy ra hôm qua, và tôi vẫn còn thấy Sandy và Mike nắm tay nhau đi trên hành lang.  Ký ức này đã cho thấy và giúp tôi đoan chắc rằng ngay cả trong những ngày quý giá cuối cùng còn ở bên nhau, họ vẫn có thể yêu, chia sẻ và động viên cho nhau.

George S.J.Anderson – Dàng tặng cho Mike và Sandy Sexton
Đông Khê lược dịch