NHẬT THỰC

Kể từ ngày 18-05, tại Việt Nam, người ta bắt đầu trình chiếu một bộ phim có cái tên nghe rất “kêu”: Sài Gòn Nhật Thực.

Tôi thì “về vườn” đã lâu, trở thành anh “nông dân Hai Lúa”, chẳng còn đến rạp chiếu bóng nào nữa, nên không quan tâm gì tới bộ phim đang được quảng cáo rầm rộ kia.  Tuy nhiên, hai chữ Nhật Thực trên đây khiến tôi nhớ lại hiện tượng nhật thực toàn phần đã xảy ra tại Sài Gòn vào ngày 24-10-1995:

Lúc đó, tôi đang làm việc tại Xưởng Phim Hoạt Hình trong thành phố.  Mấy ngày trước, thiên hạ bàn tán xôn xao về hiện tượng nhật thực sắp xảy ra.  Vì đây là một hiện tượng hiếm hoi, lâu lắm mới xảy ra một lần, chỉ những ai “may mắn” lắm mới được chiêm ngưỡng nó, nên ai cũng háo hức cả. Trên vỉa hè, những người bán hàng rong bày bán những chiếc “kính” coi nhật thực làm bằng bìa cứng có dán hai tấm giấy gì gì đó “để bảo vệ mắt khi nhìn thẳng vào mặt trời trong lúc nhật thực”.  Tôi cũng hăng hái mua một cái để dành.

Ngày quan trọng đã tới.  Trong xưởng phim, ai nấy thủ sẵn “mắt kính nhật thực” của mình… Đến giờ nhật thực, mọi người đồng loạt ngưng việc, chạy ùa ra sân để nhìn lên mặt trời.  Trời bắt đầu tối sầm lại.  Bỗng một ai đó la lên: “Chạy xuống nhà kho coi, rõ lắm!”

Trong nhà kho của xưởng phim, một nhân viên nào đó nhiệt tình và có đầu óc “khoa học” đã làm một “hệ thống quan sát nhật thực” bằng một thau nước và một tấm gương soi, phản chiếu hình ảnh mặt trời lên bức tường, quan sát rất dễ dàng và rõ ràng!

Cái hình ảnh mặt trăng ăn lẹm vào, rồi che khuất hoàn toàn mặt trời, làm cho mặt trời trở nên mờ mịt, kể cũng “ngồ ngộ”, nhưng không khiến tôi bất ngờ cho lắm, vì đây là điều mà ai cũng mường tượng ra được.  Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là lúc mặt trăng bắt đầu “nhả” mặt trời ra, chỉ để cho mặt trời loé sáng theo một hình lưỡi liềm như kiểu vầng trăng khuyết:  khi nhìn xuống đất, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy đầy dẫy những bóng sáng hình trăng khuyết trên nền nhà kho. Thì ra, các tia sáng phát ra từ mặt trời bị nhật thực, chiếu xuyên qua các lỗ đinh trên mái tôn, đã tạo nên những hình ảnh của một tia sáng “khuyết” thay vì một tia sáng tròn trịa của ngày thường!

***************

Bây giờ, cứ nghĩ về nhật thực là tôi lại giật mình: trong cuộc đời của mỗi người, chúng ta hẳn đã tạo nên rất nhiều cuộc “nhật thực”!

Tôi tạo ra “nhật thực toàn phần” khi tôi để cho “u mê ám chướng” che khuất hoàn toàn “mặt trời chân lý” và tôi sống trong sa đoạ hư hỏng.  Những lúc đó, cuộc đời của tôi trở nên tối sầm lại, không còn soi sáng cho ai được nữa.  Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, mức độ “tác hại” của những lúc này có thể không nghiêm trọng quá, vì những người chung quanh đã biết rõ tôi là “mặt trời đen” và chẳng ai trông cậy gì vào ánh sáng phát ra từ tôi nữa.  Trái lại, họ còn tìm cách để “giải cứu” tôi khỏi tình trạng đáng buồn kia.

Sức “tác hại” dường như xảy ra lớn hơn khi tôi che khuất một cách nhập nhằng theo kiểu “nhật thực một phần”: tôi vẫn để cho mặt trời trong tôi chiếu sáng, nhưng tôi làm cho các tia sáng biến dạng một cách tinh vi khó nhận ra: tôi vẫn phát ra ánh sáng, nhưng ánh sáng này mang nặng các méo mó dị dạng của con người tôi!  Chắc hẳn có những người vẫn đón nhận thứ ánh sáng dị dạng của tôi mà cứ tưởng rằng đó là ánh sáng bình thường, và họ vô tình bị ảnh hưởng bởi thứ ánh sáng tai hại này mà không hay biết.  Thay vì soi sáng, tôi đã làm cho họ bị “mù mờ” đi.  Thay vì dẫn đưa họ tới miền ánh sáng đích thực thì tôi lại đẩy họ vào vùng sai trái lầm lạc!

Thật rất khó để có thể nhận ra những “mập mờ” trong cuộc sống của mình nếu không cậy dựa vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được mệnh danh là “Mặt Trời Công Chính”.  Thông thường, trong nỗ lực hướng thiện, ai cũng cố gắng để sống trong chân lý và phục vụ trong chân lý.  Tuy nhiên, vì “cái tôi” thường rất khó thăm dò và kiểm soát, nên nó rất dễ luồn lách và bành trướng che phủ lên Sự Thật.  Bởi tôi thường chủ quan cho rằng sự thật của mình là đúng, nên nhiều khi tôi đã khiến cho sự thật khách quan bị méo mó đi, dẫn đến những hậu quả dị dạng trong cuộc sống.

***************

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp con thoát khỏi tính chủ quan để con nhận ra và sửa đổi những khuyết tật nơi linh hồn con, hầu con có thể phản chiếu lại trọn vẹn Ánh Sáng Cứu Độ của Chúa cho những người chung quanh. A-men!

Trầm Tĩnh Nguyện

LÀM LẠI CUỘC ĐỜI NHIỀU LẦN TƯƠI ĐẸP HƠN

Theo truyền thuyết, vào năm 1314, vua nước Tô Cách Lan là Robert Bruce lãnh đạo dân quân đánh đuổi quân Anh để giành lấy độc lập cho xứ sở, nhưng bị quân Anh đánh bại liên tiếp nhiều phen. Đến lần thứ sáu, quân lực của Vua Robert Bruce bị quân Anh đánh tả tơi không còn manh giáp và nhà vua phải chạy trốn vào rừng sâu.  Bị thất trận liên tiếp đến sáu lần, nhà vua hoàn toàn tuyệt vọng và không còn mong đợi gì ngoài cái chết.

Nằm một mình trong hang nghe mưa rả rích bên ngoài, Robert chợt nhìn thấy một con nhện đang cố gắng giăng tơ. Con nhện cố sức văng mình từ vách đá bên nầy sang vách đá bên kia để giăng sợi tơ đầu tiên cho mạng lưới của mình, nhưng nó thất bại vì khoảng cách giữa hai vách đá khá xa.  Nó cố gắng lần nữa… lại thất bại.  Sau mỗi lần thất bại, con nhện tiếp tục gắng sức hơn nhưng vẫn thất bại liên tiếp đến sáu lần.

Chứng kiến đến đây Robert tự bảo: “thế là mầy đã nếm mùi thất bại đến sáu lần như tao.  Thử xem mầy còn có đủ kiên nhẫn để văng mình thêm một lần nữa hay không.”

Con nhện lại tiếp tục văng mình lần thứ bảy, và lần nầy nó đã giăng được sợi tơ óng ánh từ tảng đá bên nầy sang tảng đá bên kia. Sự kiên trì của con nhện giúp nó thành công khiến vua Robert Bruce lấy lại tinh thần.  Noi gương con nhện, nhà vua chỗi dậy, quyết tâm mộ quân tiếp tục chiến đấu lần thứ bảy.  Và cũng như con nhện trong hang, lần nầy, nhà vua đại thắng quân Anh cách vẻ vang và giành lấy độc lập tự do cho quê hương đất nước.

***************

Có những người quỵ ngã, thất bại và rơi vào vực thẳm tuyệt vọng không lối thoát như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nhưng cũng có người biết chỗi dậy, đứng lên làm lại cuộc đời nhiều lần tươi đẹp hơn trước như nhân vật Robert Bruce hoặc như hai thánh Phê-rô và Phao-lô mà chúng ta mừng lễ hôm nay.

Có ai ngờ một môn đệ nhiệt thành được Chúa Giê-su ngợi khen là người đại phúc vì được Chúa Cha mặc khải cho biết mầu nhiệm về Đức Ki-tô như Phê-rô, được Chúa Giê-su trân trọng đặt làm Đá Tảng xây dựng Hội Thánh và trao quyền cầm giữ chìa khoá Nước Trời, lại là người không mấy chốc sau đó đứng ra cám dỗ và cản lối Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn và thi hành thánh ý Chúa Cha. (Mt 16, 13-20)

Có ai ngờ một con người hùng hổ như Phê-rô thề nguyền một lòng sống chết vì Thầy (Mt 26, 33.35) mà chỉ ít lâu sau lại hèn nhát chối bỏ Thầy đến ba lần khi bị chất vấn bởi các cô đầy tớ gái! (Mt 26, 69-75).

Thế nhưng Phê-rô không ngã quỵ và chìm vào hố sâu tuyệt vọng không lối thoát như Giu-đa nhưng đã anh dũng đứng lên để làm lại cuộc đời còn đẹp tươi ngàn lần hơn trước.

Thánh Phao-lô trước khi trở lại là một người lầm lạc nặng nề hơn.  Ông “hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã đến gặp các Thượng Tế, xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem” (Cv 9, 1-2).

Thế nhưng sau khi được Chúa Giê-su cảnh báo trên đường đi Đa-mát, Phao-lô mau mắn chỗi dậy, hoán cải thành tông đồ nhiệt thành bậc nhất, tận hiến toàn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.

Dù đã từng sa ngã và lầm lạc như bao nhiêu tội nhân khác, hai thánh Phê-rô và Phao-lô đã biết chỗi dậy, đứng lên và đổi đời theo gương Chúa Giê-su nên đã trở thành hai trụ cột của Hội Thánh và là hai vì sao sáng trong bầu trời đức tin.

Sự chỗi dậy và đổi đời của hai vị thánh cả Phê-rô và Phao-lô là một lời động viên đầy thuyết phục cho bất cứ ai lầm lỡ quỵ ngã trên đường đời vì tội lỗi hay vì bất cứ nguyên nhân nào khác hãy anh dũng đứng lên.

Sau mỗi lần sa ngã, mỗi người chúng ta đều có thể làm lại cuộc đời nhiều lần tươi đẹp hơn trước nếu biết can đảm chỗi dậy và bước theo đường Chúa mời gọi như hai thánh Phê-rô và Phao-lô.

LM Inhaxiô Trần Ngà (Vietcatholic.net)

CHUNG MỘT TẤM LÒNG

Ngày 29 tháng 06 hằng năm Giáo Hội long trọng mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.  Các ngài là nền tảng kiên cố của tòa nhà Hội Thánh.  Các ngài là hai vị thánh lớn đã có nhiều cống hiến cho Giáo Hội thời sơ khai.  Vì Chúa biến đổi con người hai ngài cho nên xứng đáng với sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ.  Ơn Chúa thật sự hoạt động trong cuộc đời của các ngài.  Chính Chúa liên kết hai con người có nhiều điểm khác nhau trong cùng một lòng mến.  Cho nên điểm hẹn cuối cùng và cũng là điểm hẹn quan trọng nhất của cả đời các ngài là cái chết làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh.

Thánh Phêrô là người xuất thân từ nghề đánh cá, ít học, tính khí nóng nảy thẳng thắn và năng nổ.  Một đặc điểm trong cả cuộc đời của Thánh Phêrô là luôn sống chân thật.  Ðiều này thật đáng quý mà con người thời này khó có thể sống được.  Chỉ có Thánh Phêrô dám nói thẳng ra những gì ngài suy nghĩ trong lòng mà không “rào trước đón sau”.  Chính vì thế trong Tin Mừng chúng ta thấy rải rác những lời phát biểu đơn sơ của ngài.  Chỉ có Thánh nhân mới dám nói lên ý định cản ngăn không cho Ðức Giêsu lên Giêrusalem chịu chết. Và lời nói tệ nhất trong cuộc đời thánh nhân là lời phủ nhận mình là môn đệ của Ðức Giêsu.  Có thể Thánh Phêrô là người có nhiều sai phạm hơn so với các bạn đồng môn, thậm chí những lỗi lầm đó rất nặng đến độ đáng phải bị trừng phạt.  Song Chúa Giêsu vẫn yêu thương ngài.  Chúa không từ bỏ ý định đặt thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh.  Ðiều đó cho thấy Thiên Chúa trước sau như một, Ngài không bao giờ thất vọng vì con người, ngay cả với những người tội lỗi, Chúa hằng ngày đợi chờ những người lầm lỗi, sám hối trở về với ngài.  Ðối với Chúa, dù có lỗi nặng hay lỗi nhẹ, nhiều hay ít không là gì cả.  Chỉ có một tấm lòng sám hối chân thành và biết sửa đổi đời sống mới xóa bỏ mọi lầm lỗi.  Vì Thiên Chúa luôn tha thứ cho mọi lầm lỗi của chúng ta.  Khi trao cho Thánh Phêrô vị trí đứng đầu Giáo Hội, Chúa đã hết lòng tin tưởng ở ngài. Còn về phía thánh nhân, từ sự khóc lóc sám hối vì mình đã chối Chúa, thánh nhân đã thay đổi hoàn toàn đời sống. Thánh nhân cũng đặt hết tin tưởng ở Thiên Chúa.  Như thế suốt cuộc đời ngài như là một lời tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống“.  Vì Chúa, thánh nhân có thể mạnh dạn bước vào con đường thập giá mà không một chút sợ sệt.  Với một lòng yêu mến Chúa, ngài có thể làm tất cả mọi sự mà không sợ bị bách hại và sợ bị giết chết.

Cuộc đời thánh Phaolô cũng được tình thương Chúa chở che. Trước tiên Chúa đã yêu thương kêu gọi thánh Phaolô làm tông đồ dân ngoại. Dựa vào tài năng, trí thông minh, vốn liếng kiến thức được học hành và nhất là tâm huyết ngài có thể đem rất nhiều người trở về với Chúa. Ngài có khả năng giảng dạy giáo lý một cách mạch lạc và dễ hiểu đối với mọi người. Kể từ biến cố “té ngựa” trên đường đi Ða-mát đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời thánh Phaolô. Từ một người bắt bớ các Kitô hữu ngài đã trở thành người rao giảng Tin Mừng cứu độ. Ngài sẵn sàng quên mình để đi đến với những người ngoài Do-thái giáo và tiếp xúc với họ. Dù được biết Chúa muộn hơn nhưng những đóng góp của ngài cho Giáo Hội thì không thua kém ai. Lòng yêu mến Chúa chân thành là động lực thúc đẩy ngài đi đến với dân ngoại. Thánh nhân đã ý thức được sự hoạt động của Chúa khi ngài nói; “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Giáo Hội mà ngài xây dựng là cộng đoàn phổ quát gồm nhiều người thuộc nhiều quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, nhưng chung một niềm tin và lòng mến vào Chúa Kitô.

Mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô chúng ta cảm phục Thiên Chúa đã thực hiện một sự kết hợp kỳ diệu giữa hai con người.  Chúa lập nên Giáo Hội từ những sự khác biệt nhưng có thể hợp tác bổ túc cho nhau.

Mỗi người trong Hội Thánh dù khác nhau về trình độ, giai cấp, tính tình nhưng luôn có chung một tấm lòng.  Ðó là tấm lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội. Vì khi biết đồng tâm hiệp lực với nhau làm việc người ta sẽ có thể vượt qua được mọi khó khăn gian khổ.  Chung một tấm lòng để cùng nhau làm việc người ta sẽ làm được những điều kỳ diệu vượt quá sức tưởng tượng. Tình yêu Chúa đối với chúng ta phải là động lực mạnh mẽ nhất giúp chúng ta phục vụ Hội Thánh.

Ngày nay Chúa đang mời gọi mỗi người Kitô đáp lại tình thương của Chúa bằng việc phục vụ Hội Thánh. Chúng ta có thể phục vụ Giáo Hội khi biết tham gia vào những sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ nơi mình đang sống. Những công việc đó dù bị người ta xem là “việc bao đồng” nhưng thực chất là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu.

***************

Lạy Chúa, khi biểu dương gương sáng đời sống của hai thánh Phêrô và Phaolô, Chúa muốn dạy chúng con về tinh thần phục vụ Hội Thánh. Chúng con nhiều khi phải mất thời gian giàn xếp những lộn xộn nội bộ vì không biết cộng tác với nhau để làm việc cho Chúa.  Xin cho chúng con tuy nhiều người nhưng chỉ có một tấm lòng chung đó là lòng yêu mến Chúa nồng nàn. Amen.

Martin Lê Hoàng Vũ

CHẾT CŨNG KHÔNG NÓI RA

René Belbenoit, người tù khổ sai trên đảo Guyane thuộc Pháp, đã vượt ngục trên chiếc thuyền độc mộc của thổ dân.  Ông vượt hàng ngàn hải lý qua biển Antilles, đi bộ xuyên những cánh rừng bạt ngàn ở châu Mỹ La tinh, để sau cùng đến được Mỹ.  Tập nhật ký dầy cộm của ông ghi nhận trung thực số phận bi thảm của tù nhân được các nhà xã hội học và giới văn học Mỹ đặc biệt quan tâm.  Sau khi được sắp xếp, gọt giũa lại, tác phẩm bỗng chốc trở thành một best-seller với hàng triệu ấn bản được tiêu thụ trong thời gian ngắn.  Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc một đoạn sau đây:

***************

Dòng hải lưu đẩy con thuyền nhỏ của chúng tôi lao vun vút hướng về cửa sông Rio Acarouany.  Ánh chiều tà bắt đầu nhợt nhạt để bóng tối chóng dâng lên từ các cánh rừng già mênh mông.  Sau lưng chúng tôi là ngục tù thảm khốc.  Trước mặt là biển Antilles lúc nhúc cá nhà táng, mồ chôn xác những kẻ đánh đu cùng định mệnh tìm đường vượt biển.

Marcel, tên đầu sỏ, ra lệnh cặp thuyền vào bờ, cạnh một trại tù bỏ phế để qua đêm.  Loay hoay tìm một cành khô đốt lửa, chúng tôi bắt gặp một ngôi mộ nhỏ cùng cây thánh giá gọt đẽo sơ sài, vùi dập dưới đám dây leo chằng chịt.  Nơi đây, tù nhân chết thường được vứt cho cá mập đớp gọn.  Ngôi mộ là một hiện tượng bất thường.  Marcel vung thanh mã tấu gọt sạch rong rêu trên cây thánh giá, trầm giọng bảo:

Linh mục Pierre đấy!  Cũng là một tù khổ sai như tớ và các cậu.  Bất chợt, giọng anh ta chùng hẳn lại, hầu như thì thầm:  Một sứ giả của Chúa.

Có thể nói Marcel là tên bất trị trong số những tù nhân hung hãn nhất trong trại.  Thân thể lực lưỡng của hắn xâm đầy hình ảnh thô tục, mặt chằng chịt sau những trận đánh nhau.  Lần đầu tiên trong đời, chúng ta vừa thấy hắn biểu lộ nét tôn kính.

Quây quần bên ngọn lửa bập bùng, bốn đứa chúng tôi nép mình sau làn khói cay sè, xua dạt đàn muỗi đen kịt lượn lờ chung quanh.  Marcel trầm ngâm đảo mắt nhìn cây thánh giá chơ vơ đến tội nghiệp bên ven rừng.

***************

Tớ gặp cha Pierre trên chuyến tàu chở những trọng phạm lưu đày sang quần đảo Guyane.  Chúng tớ không “ngửi” được ông ấy khi biết ông đã nhẫn tâm giết một bà lão góa bụa cư ngụ cạnh giáo đường.  Chúng tớ thường gọi ông là “lão thầy Tu lạc đạo”.  Một sáng, người ta tìm thấy thi thể mụ góa Duval nằm sóng sượt trước nhà, quần áo rắch tươm.  Những vết chân còn lưu lại từ nhà mụ đến cổng giáo đường, đôi giầy và chiếc áo dòng loang lổ máu của cha chôn giấu ở khuôn viên nhà nguyện là bằng chứng cụ thể bọn cướp trưng ra chống lại cha Pierre.  Cha nhận bản án chung thân, dù luôn khẳng định mình vô tội.

Đến đảo, chúng tớ được áp tải ngay đến trại Oraput nổi tiếng là khắc nghiệt.  Tù phải lao động trong đầm lầy, nước ngập đen xì đến tận ngực, trên đầu muỗi vo ve như sáo.  Cha lao động cật lực như chúng tớ và không bao giờ phàn nàn.  Xong việc cha còn cố giúp những bạn tù thương tật khác.  Năm sau cha được phân công đến phòng y tế thay cho tên vừa bị rắn độc mổ chết.  Các cậu hẳn biết đấy là công việc béo bổ: bán thuốc quinine với giá cắt cổ cho những tên đang lên cơn sốt, ăn chận khẩu phần bồi dưỡng của những người ốm nặng… và còn biết bao là những bóc lột khác.  Với cha Pierre không còn cảnh mánh mung trên xác chết.  Đôi khi, cha “dập” chúng tớ một điếu thuốc cũng là để cho một người tù đau ốm khác.  Bọn tớ rất quý cha, cả những tên cai ngục ác ôn cũng phải thay đổi thái độ trước con người trung thực ấy.

Khi trại Oraput được lệnh đóng cửa vì bệnh dịch, cha xin được di chuyển đến đảo Saint-Louis, nơi biệt giam những tên bị hủi, một thế giới hoàn toàn cách ly với xã hội con người.  Hằng tuần, một tên cai ngục đáp ca-nô vứt bừa lên bãi cát một bao thực phẩm rồi chuồn thẳng.  Gầy gò như cây đinh, nhưng cha vẫn chăm sóc bọn người hủi không mệt mỏi.

***************

Một hôm, người ta mang đến cho cha tên Groscaillou.  Nằm dài trên chiếc cáng, coi hắn không còn tí gì là dáng dấp của con người.  Vừa thấy linh mục mang ly sữa đến, hắn hốt hoảng :

– Không, không thể là cha Pierre
– Anh biết tôi à? Cha dịu dàng hỏi.
– Con là Groscaillou, người làm vườn trong nhà thờ lúc trước, hắn đáp.

Cha nhìn hắn thật lâu trước khi thốt nên lời.

– Khốn khổ cho con. Chúa trừng phạt con thật nghiêm khắc.

Bọn hủi xum xít quanh tấm lều đổ nát, háo hức lắng nghe.  Giọng tên tội phạm thì thầm như từ cõi âm vọng lại:

– Chính tôi đã giết mụ góa Duval. Biết mụ vừa nhận một món tiền khá lớn.  Tối hôm đó, tôi khoác chiếc áo dòng đánh cắp của cha và đến bấm chuông.  Thấy tà áo đen thấp thoáng, mụ tin tưởng vội ra mở cổng.  Khi nhận ra rõ mặt, mụ hãi quá định gào lên cầu cứu, buộc lòng tôi phải siết cổ mụ.  Quay lại nhà nguyện tôi chạm mặt ngay với cha Pierre.  Người biết tôi vừa làm một cú dại dột.  Sau khi nghe tôi xưng tội, cha khuyên tôi nên ra đầu thú.  Lúc bọn «cớm» đến bắt cha, dù nắm rõ bí ẩn của vụ án, cha vẫn tuân thủ giới luật im lặng của Chúa.  Chấp nhận một bản án chung thân như một tông đồ tử đạo, không hé răng khai báo.  Các cậu hãy giải oan cho cha để tôi ra đi thanh thản.

– Không cần thiết con ạ ! Hãy thành tâm khấn nguyện và con sẽ được tha thứ.  Cha từ tốn đáp.

Sáng hôm sau, các tù nhân bắt gặp thi thể Groscaillou ngoài bãi cát, bấp bênh theo triều sóng.

***************

Sáu tháng trôi qua, khi quyết định tự do của cha được gởi đến thì đã quá muộn.  Trước khi mất, cha mong sẽ được chôn trên đảo, giữa những người bất hạnh mà cha hằng chăm sóc.  Chính những tên đại bàng đã kính cẩn an táng và dựng cho cha cây thánh giá này.

Marcel ngừng kể, đăm chiêu nhìn ngôi mộ  đơn sơ ở bìa rừng rồi khẽ kết luận: một tấm lòng vĩ đại.

Ngả người trên thảm lá khô, tôi bâng khuâng nhìn ánh sao đêm nhẹ lung linh trên bầu trời nhiệt đới. Gương thánh thiện của cha Pierre hầu như có mãnh lực cảm hóa được bốn tâm hồn đậm nét hận thù và tội lỗi:  chúng tôi có cảm tưởng được cứu chuộc và dung thứ.  Chắn hẳn, với niềm tin vừa tìm lại được, chúng tôi sẽ vững vàng đối mặt với vô vàn hiểm nguy và cái chết bất chợt đón chờ trong chuyến du hành dài đăng đẳng trở lại với xã hội con người.

Trích xuanha.net
http://en.wikipedia.org/wiki/Ren%C3%A9_Belbenoit

KHÔNG THỂ THIẾU ĐƯỢC LINH MỤC TRONG ĐỜI

Thánh lễ truyền chức Linh Mục vừa chấm dứt, ở khu nhà vòm bên hông nhà thờ bắt đầu xôn xao chờ các tân chức ra để chào đón.  Ai nấy đều nôn nao để xem thử “ông thầy xứ mình hôm qua, nay làm cha ra sao?”

Rồi… cha mới cũng xuất hiện.  Với vòng hoa trên cổ, trông cha nhỏ bé quá giữa đám đông vây bủa chung quanh.  Cha như một diễn viên lừng danh giữa các fan hâm mộ và những ánh đèn flash nháy liên hồi…. mỗi người ai cũng đều mong chụp với cha mới một tấm hình, ai cũng muốn bắt lấy tay cha nói một lời chúc tụng… và Cha như bị sâu xé giữa những cánh tay lúc thì kéo về bên này lúc lại bị kéo về bên kia.  Có một câu bông đùa nghe thật thấm thía “Không có gì mau cũ cho bằng… cha mới” và mọi người ai cũng hối hả như sợ rằng cha sẽ “cũ” khi chưa “mới” được bao lâu.  Và bỗng dưng, cha trở thành ngôi sao sáng giữa đám đông chung quanh.

Ôi!  Chức Linh Mục!

Chức Linh Mục là gì mà sao biến đổi một con người bình thường nên cao trọng nhanh như vậy?  Như một phép mầu biến con vịt xấu xí thành con thiên nga kiêu sa lộng lẫy, thiên chức Linh Mục đã khoác vào con người ngày hôm qua một hào quang rực sáng .

Linh Mục là ai và Linh Mục là gì ?

Đã có người bạn hỏi tôi “Linh Mục là gì mà người ta quý trọng như vậy?”  Có bạn khác thì lại nhất quyết “Linh Mục là một cái nghề – rất ngon”

Có thể những người bạn ấy đã thấy Linh Mục trong những ngày lễ Phong Chức được tổ chức trọng thể với kèn tây, đoàn rước dài và những bông hoa cùng những lời chúc tụng.

Có thể những người bạn ấy chỉ thấy Linh Mục trong những cuộc lễ lớn, những bữa tiệc tùng khi thấy Linh Mục đi giữa hai hàng chào, được người ta kính trọng và dành cho Linh Mục quá nhiều những đặc ân mà chỉ có những vị tai to mặt lớn giữa đời mới nhận được

Nhưng Linh Mục đâu chỉ có những ngày được “tung hô vạn tuế ” như thế mãi… mà Linh Mục còn có những đêm Thứ Năm Tuần Thánh trong đời khi mọi người bỏ rơi, khi bị hiểu lầm về những công tác mục vụ, những chiều Thứ Sáu Tuần Thánh Linh Mục chết giữa những đau buồn và tủi nhục.

Linh Mục là hình ảnh của một Chúa Giêsu vác thập hình trên đường đi Núi Sọ… đơn độc và lặng lẽ.

Chỉ có thể là Linh Mục khi Linh Mục biết hy sinh.
Chỉ có thể là Linh Mục khi Linh Mục biết quên mình .
Chỉ có thể là Linh Mục khi làm cho Chúa lớn lên còn Linh Mục thì nhỏ lại.
Linh Mục như thế thì liệu những người bạn đã hỏi tôi có còn ham thích nữa không?

Có người bạn đã ví ngày thụ phong kế đến là những ngày vui Tạ Ơn trong những thánh lễ mở tay, Linh Mục như cô dâu trong ngày cưới, tiếng pháo nổ đì đùng và Linh Mục bước đi hân hoan tràn trề hạnh phúc trên thảm hồng đầy xác pháo.  Rồi những ngày kỷ niệm năm sau, Linh Mục gom những mảnh xác pháo hôm nay làm thành viên pháo mới.  Pháo lại nổ, xác pháo bay tung tóe trên đường hoa…. rồi năm sau nữa, viên pháo bé hơn, tiếng nổ nhỏ hơn nghe không còn âm vang như ngày xưa nữa và cứ như thế, tiếng pháo cứ nhỏ dần.

Con người Linh Mục là một chiến trường khốc liệt giữa những sâu xé nghịch lý không tưởng.
Linh Mục sống giữa đời nhưng không thuộc về đời.
Linh Mục yêu mọi người nhưng lại không yêu riêng một ai.
Linh Mục là một con người – như mọi người nhưng lại khác với mọi người.
Linh Mục đi giữa đám đông nhưng vẫn là kẻ cô độc, nắm được bàn tay nhưng không được cầm giữ, cho đi tất cả khi mình chẳng được nhận lãnh điều gì.
Linh Mục là có và Linh Mục là không.

Thật là một nghịch lý sâu xé trên thân phận con người yếu hèn của Linh Mục.  Nhưng cũng chính sự yếu hèn ấy, Linh Mục trở thành một trung gian giữa con người và Thiên Chúa – vừa gần gũi để có thể đến với những tâm hồn đang đói khát – lại cao sang để có thể thay mặt toàn dân tế lễ .

Nếu không có Linh Mục, những khi tôi thất bại té ngã trên đời, ai mang Chúa đến cho tôi với những phút giây êm đềm bên Thánh Thể để tôi có thể tìm được sự ủi an?

Nếu không có Linh Mục, tòa giải tội trống vắng, ai trả lại cho tôi cuộc đời bình yên?

Nếu không có Linh Mục, trước phút lìa đời, ai sẽ làm cho tôi được yên ủi để thanh thản bước vào cõi vĩnh hằng?

***************

Lạy Chúa , xin ban cho chúng con những Linh Mục có trái tim thuộc về Chúa nên cũng thuộc về con người .
Xin ban cho chúng con những Linh Mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ và bị bỏ rơi.
Xin ban cho chúng con những Linh Mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các Ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những Linh Mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin Chúa ban cho chúng con những LinhMục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là TÌNH YÊU , là NGUỒN SỐNG THẬT.  Amen!

ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
http://ngonnennho.conggiaoviet.net/LM.htm

ĐỪNG SỢ

Một nông dân ngồi trên chiếc ghế đu đưa trước hiên nhà, tay cầm bình trà, tay cầm điếu thuốc lá, trông có vẻ rất nhàn hạ. Một người khách qua đường hỏi thăm:

– Ruộng trồng lúa của ông năm nay có khá không?

Người nông dân trả lời:

– Tôi không trồng lúa vì sợ có nhiều cỏ dại.

Người khách hỏi tiếp:

– Vậy thì ruộng bắp của ông năm nay ra sao?

– Tôi không trồng bắp vì sợ hạn hán.

– Vậy ông có trồng khoai tây không?

– Không, tôi không trồng khoai tây vì sợ sâu rầy phá đất.

Người khách rất ngạc nhiên và lớn tiếng hỏi:

– Vậy thì ông trồng cái quái gì?

– Hổng trồng gì ráo trọi để khỏi phải sợ chi hết….

* * * * * * *

Bạn thân mến! Câu chuyện vui của người nông dân trên đây phản ảnh cuộc sống hằng ngày với bao nỗi sợ hãi cứ quanh quẩn  bên ta:  Ðứa bé sợ xa mẹ, cô gái sợ già, người già sợ chết…  Nỗi sợ xuất hiện dưới muôn ngàn dáng vẻ khác nhau:  Sợ cô đơn, sợ bệnh tật, sợ phụ bạc, sợ tương lai đen tối, sợ thất nghiệp, sợ nghèo đói, sợ thất học, sợ chia ly .v.v.. Nhưng sợ hãi cũng là chuyện bình thường của thân phận con người.  Có ai làm người mà không một lần sợ hãi.  Nỗi sợ làm người ta mất vui, mất bình an và mất tự do.  Sợ hãi không phải là một tội, nhưng đừng để nỗi sợ hãi chi phối đời mình.  Bởi thế, trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Ðức Giêsu khuyên các môn đệ : “Anh em đừng sợ”.

  • Ðừng sợ người đời, cứ mạnh dạn nói Lời Chúa (Mt.10:27)
  • Ðừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn (Mt.10:28)
  • Ðừng sợ vì chúng ta có giá trị trước mặt Thiên Chúa (Mt.10:31)
  • Đừng qúa sợ hãi, vì sẽ làm chúng ta bị tê liệt đến độ không dám làm chứng cho Đức Giêsu, không dám sống cho chân lý, sợ người đời hơn sợ Thiên Chúa … và nếu như vậy, chúng ta sẽ bị từ chối trước mặt Thiên Chúa (Mt.10:32-33).

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng mời gọi ta “Hãy sợ ” cho đúng cách, đúng trật tự và đúng với thánh ý Thiên Chúa:

Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác và hồn của ta trong hoả ngục. (Mt.10:28).  Đấng ấy chính là Thiên Chúa .  Kính sợ Thiên Chúa là một ơn ban.  Khi tiếp xúc với Chúa trong cầu nguyện và chiêm niệm, ta thấy Chúa vô cùng thánh thiện, vô cùng cao trọng, còn ta thì vô cùng tội lỗi, vô vàn bất xứng và hèn mọn.  Nhận thức đó càng ngày càng sâu thì cảm thức kính sợ Chúa cũng càng ngày càng chân thực.

Điều đáng sợ là nếu chúng ta sống không ngay lành, không nghiêm chỉnh, không trong sáng nên phải che dấu, phải chùng lén! Và nếu như vậy thì đáng sợ thực, vì ”không có gì có thể che dấu được” (Mt.10:26)

Một điều đáng sợ nữa là tội lỗi, là từ chối tình yêu của Thiên Chúa, là phá vỡ công trình cứu chuộc của Ngài nơi bản thân con người của mình. Tội làm biến dạng con người của ta, làm ta trở thành xấu xa.

Và điều đáng sợ nhất, vì quan trọng nhất, là sợ xa Chúa, sợ mất Chúa đời đời. Vì Chúa là hạnh phúc và là cùng đích của đời ta.

* * * * * * *

“…ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi…”(Mt.10:30)

Lạy Chúa!  Xin cho con biết phó thác và nương nhờ vào Chúa để con không còn phải sợ ai hết, mà chỉ kính sợ một mình Chúa mà thôi, vì chính Ngài là hạnh phúc và là cùng đích của đời con.  Amen

( Trích từ R. Veritas)

NHỮNG ÁNH SAO ÐÊM

Tối hôm ấy, một chiếc phi cơ cất cánh lên đường băng qua biển Ðại Tây Dương, đang lúc hành khách dùng bữa tối và thoải mái nghe nhạc êm dịu thì bỗng dưng hệ thống truyền thông bị trục trặc, kim chỉ nam ngừng di động và không còn phải biết làm thế nào để tìm ra hướng bay được.  Kỹ sư phi công đã tìm mọi cách sửa chữa nhưng vẫn vô hiệu.  Làm sao có thể tiếp tục bay an toàn qua biển cả giữa đêm tối mà không có mốc điểm chỉ dẫn được?  Lập tức các chiêu đãi viên được lệnh đi tìm xem trong số hành khách trên máy bay có ai là kỹ sư điện tử chăng.  Sau một lúc xớn xác lo lắng, cuối cùng một hành khách đứng dậy tiến vào buồng lái của phi công. Người phi công hỏi:

– Bà có phải là kỹ sư điện tử không?

Người phụ nữ đáp:

– Không, tôi không phải là kỹ sư và tôi cũng chẳng biết gì về điện tử cả.

Phi công bực mình la lên:

– Nếu bà không phải là kỹ sư và cũng không biết gì về điện tử thì bà vào đây làm gì?

Người phụ nữ vẫn bình tĩnh không chút phật lòng.  Bà nói thêm:

– Xin ông cho tôi biết vấn đề khó khăn của ông lúc này là gì biết đâu tôi có thể giúp ông được.

Người phi công tức giận quát lớn tiếng:

– Nếu bà không biết gì về điện tử, xin bà hãy ra khỏi đây ngay, bà không thể làm gì giúp tôi được.

Một lần nữa với giọng bình tĩnh và rất lịch sự, người phụ nữ lập lại:

– Xin cho tôi biết ông cần gì, tôi hy vọng có thể giúp ông được?

Người phi công vùng vằng nói:

– Bà không thấy đó ư?  Hệ thống truyền thông bị hư và ngừng làm việc.  Tôi không biết chúng ta đang ở đâu và đang bị thất lạc trên biển cả mênh mông nào.

Người phụ nữ thản nhiên tiếp:

– Nếu vậy thì tôi có thể giúp ông được.  Tôi biết có một thứ dụng cụ không bao giờ ngưng làm việc, trong quá khứ nó đã không hề sai lầm và cũng luôn chính xác mãi trong tương lai nữa.

Người phi công ngạc nhiên hỏi thêm:

– Bà muốn nói điều gì?

– Tôi muốn nói tới dụng cụ trên bầu trời, đó là những vì sao.  Thật vậy, hãy nhìn xem ngôi sao kia, nó sẽ chỉ hướng cho ông.  Ông hãy cho tôi xem bản đồ của phi lộ trên biển cả và đích điểm chúng ta phải tới.

Người phi công càng ngạc nhiên hơn nữa khi khám phá ra rằng người phụ nữ tầm thường trước mặt ông lại chính là một nhà thiên văn đã quá quen thuộc với những vì sao trên bầu trời mênh mông.  Bà ngồi xuống bên cạnh người phi công với bản đồ mở rộng trên đầu gối và mắt bà chăm chú nhìn lên bầu trời đầy sao sáng.  Với tất cả sự khôn ngoan và lão luyện của người đã từng kinh nghiệm, bà hướng dẫn phi công cầm vững tay lái.  Bình minh vừa ló dạng, máy bay đã đáp xuống đích điểm được an toàn.

***************

Câu chuyện trên đây cũng gợi lên tâm trí chúng ta biến cố kinh hoàng của vụ khủng bố vào tòa nhà Tháp Ðôi, Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế ở New York, ngày 11/9/2001.  Ngày đó đánh dấu sự dòn mỏng của nền văn minh dựa trên khoa học, những phát triển phi thường của điện tử hoặc của trí thông minh loài người.  Tất cả những tiến bộ đó hẳn không đủ và cũng không thể giải đáp được hết mọi vấn đề của đời sống con người.

Ðời sống con người từ lúc chào đời cho tới khi nhắm mắt lìa trần cũng giống như chuyến bay trên biển cả mênh mông và trong đêm tối mù mịt, nhưng chúng ta cũng không cần phải sợ hãi bị lạc đường vì luôn được những ngôi sao sáng của đức tin, niềm hy vọng cậy trông và lòng yêu mến dẫn đường cho để tiến bước an toàn tới đích điểm sau cùng là Nước Trời.

Nền văn minh của khoa học và những phát triển tinh vi của điện tử không đủ để bảo đảm sự an bình của đời sống con người và cũng không thể nào nắm vững vận mệnh cứu độ của con người được. Chúng ta cũng cần đến những người của Chúa, những dụng cụ Chúa dùng để vạch đường như kim chỉ nam nhắm thẳng tới những giá trị bất diệt.  Ðể có thể vững vàng tiến bước, nhiều lúc chúng ta cũng phải dừng lại và ngẩng cao đầu lên nhìn ngắm những vì sao trên trời mà đào sâu những chân lý vô hình bên kia những sự hữu hình, tức là cần phải biết cầu nguyện.  Bao lâu chúng ta còn biết ngước mắt nhìn lên trời, nhìn thẳng tới Chúa với tâm tình con thảo cầu nguyện, bấy lâu chúng ta sẽ không phải lạc đường sai lối, nhưng sẽ luôn tìm thấy những người vạch đường chỉ lối cho, để tới đích trong an bình chắc chắn.

***************

Lạy Chúa Giêsu,

Như tông đồ Phêrô xưa, chúng con sẽ thưa với Chúa: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con sẽ theo ai.  Chỉ nơi Thầy mới có ban sự sống đời đời mà thôi”.  Xin tình yêu và Lời Chúa luôn là ánh sáng soi đường con đi trong tăm tối của cuộc đời, là như những vì sao sáng giúp con tìm lại được hướng đi cả những khi đêm tối xem như dải đất vô tận.

R. Veritas

TÂM SỰ CỦA CHA MẸ

Các con thân yêu…

Các con hãy cố gắng chăm sóc cho ta…
và hãy cố gắng thông cảm cho ta…
cho đến cái ngày mà…
các con thấy ta đã già yếu!

Nếu ta ăn uống có vương vãi…
nếu ta ăn mặc có luộm thuộm…
hãy kiên nhẫn!
Hãy biết rằng ta đã bỏ nhiều thời gian…
để dạy cho con nhiều điều nhỏ nhặt…
khi con còn thơ dại!

Nếu ta có nhắc đi, nhắc lại mãi một chuyện gì,
Cũng đừng có bận lòng!
Mà hãy cố gắng lắng nghe !

Khi  còn nhỏ, các con đã đòi ta
kể đi kể lại cùng một câu chuyện đến hàng ngàn lần…
… ta vẫn chiều và làm theo ý các con !

Nếu ta không còn tự tắm rửa được nữa !
đừng cằn nhằn ta …

Hãy biết rằng ta đã chế ra biết bao trò chơi để dụ cho con tắm …
… khi con còn nhỏ.

Khi thấy ta chậm chạp tiếp cận với công nghệ mới
… đừng chê trách ta ……mà
hãy cho ta thời gian để tìm hiểu…

Ta đã dạy con biết bao điều…
từ chuyện ăn uống…
chuyện ăn mặc… chuyện xử thế…
chuyện chống chỏi với những khó khăn trong cuộc đời…

Nếu ta lãng tai hay nói chuyện chậm chạp,
hãy cho ta chút ít thời gian để tập trung
…đừng nóng nảy hay bẳn gắt !
bởi điều quan trọng nhất đối với ta …
là được ngồi bên cạnh con, và được nói chuyện với con

Nếu ta không chịu ăn, đừng có ép ta !
Ta tự biết, khi nào ta đói  và ta ăn được những gì …
Khi đôi chân khốn khổ của ta
không còn cho ta đi đứng được…
như ngày xưa nữa !
…thì hãy giúp ta giống như cách ta đã nắm tay con,
dìu cho con đi…
những bước chân đầu tiên … trong đời…

Và sẽ đến một ngày, nếu ta có nói với con:
Rằng ta chẳng còn muốn sống nữa !
Rằng ta muốn chết !

Con đừng có giận dữ
Bởi lẽ, đến một ngày nào đó… con sẽ hiểu !
…rằng đến một cái tuổi nào đó,

Chúng ta thật sự không còn … sống nữa !
Cuộc sống của ta chỉ đơn giản là … tồn tại !
Một ngày nào đó, con sẽ hiểu rằng cho dù còn chưa đầy đủ,
ta vẫn muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con,
muốn chuẩn bị cho con thật hoàn hảo khi con khôn lớn

Con không phải tỏ ra buồn bã, bất hạnh, hay bó tay
trước sự già nua của ta!
Con chỉ cần ngồi cạnh ta,
cố gắng hiểu những điều tốt đẹp nhất mà ta đã làm cho con…
ngay từ khi con mới được sinh ra .

Hãy giúp ta bước đi.
Hãy giúp ta kết thúc cuộc đời với sự thương yêu và lòng kiên nhẫn.
Điều quan trọng nhất ta cần cám ơn các con…
đó chính là:

NỤ CƯỜI và TÌNH THƯƠNG YÊU VÔ HẠN…nơi các con …

Chúng ta mãi mãi yêu thương các con…
con trai của ta …
… con gái của ta !

Và mãi mãi theo cùng các con …
ngay cả những lúc khó khăn nhất

Sưu tầm

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

“Đức Giêsu thấy đám đông thì Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt.9:36)

Bạn thân mến! Trên đây là những lời mở đầu của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Đức Giêsu chạnh lòng thương khi nhìn thấy dân chúng, lòng thương bắt nguồn từ con tim biết nhói đau trước nỗi lầm than khổ cực của người khác.  Ðức Giêsu đã làm tất cả để xoa dịu, đỡ nâng và mời gọi các môn đệ cùng cộng tác trong công việc ấy. Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.(Mt.9:37-38)

Trước một thế giới buồn, Ngài sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần đến. Trước một thế giới bệnh hoạn, Ngài cho họ khả năng chữa lành. Trước một thế giới bị nô lệ cho các thần ô uế, Ngài cho họ quyền đem lại sự tự do. Trước một thế giới đầy chết chóc, Ngài cho họ quyền mang lại sự sống.

Ðức Giêsu sai các môn đệ đi vào cuộc đời, đi hai người một để nâng đỡ  nhau.  Ngài không chọn những người giỏi giang, học thức, nhưng chọn những người đánh cá đơn sơ và quảng đại.  Trước hết, Ngài sai họ đến với chính dân tộc của họ, để rồi sau này đến với cả thế giới.  Ðức Giêsu muốn họ cho đi tất cả những gì mà các ông đã nhận mà không đòi hỏi chút quyền lợi hay đặc ân nào.

Hôm nay, Ðức Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta nhìn vào đám đông gần 6 tỉ người trên mặt đất.  Ngài mời chúng ta nhìn thấy hàng ngàn trẻ em chết đói mỗi ngày, hàng triệu người chết đói mỗi năm.  Hàng triệu người sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Hàng triệu người thất nghiệp, mù chữ hoặc bệnh tật ….

Ngài mời gọi chúng ta nhìn thấy những trẻ em bị bệnh Sida- HIV ở Châu Phi, những sa đọa và hưởng thụ, ma tuý và tội ác, những hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và nước nghèo, giữa người giàu và người nghèo.  Ngài mời chúng ta nhìn thế giới này bằng đôi mắt của Ngài, nhìn thấy mà chạnh lòng thương.  Chính cái nhìn đầy tình thương ấy sẽ đưa ta lên đường.

Thế giới hôm nay cũng giống như hôm qua, vẫn là một thế giới mênh mông nỗi đau, tràn ngập sự ác.  Tôi phải làm gì để góp phần chữa lành một thế giới bị thương? Tôi phải nói gì với một thế giới không biết mình nô lệ? Tôi phải làm gì để người nghèo được tôn trọng phẩm giá, và người giàu biết mình phải “mở ra và cho đi” để thấy đời còn có ý nghĩa ?

* * * * * * *

Lạy Chúa, thế giới hôm nay cũng giống như hôm qua:
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế: ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm…
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống…
vẫn có những người sống bên lề xã hội, dù không phải là người bị bệnh phong…
Xin Chúa cho con “con mắt của Chúa” để con có cái nhìn giống Chúa. 
Xin cho con “con tim của Chúa” để con cũng biết chạnh lòng thương như Chúa.  Amen

( trích từ R. Veritas)

TÌNH YÊU VÀ ĐAU KHỔ

Ðau khổ thường bắt đầu bởi yêu thương.  Cũng như thường hiểu thế nào là chia ly khi đã có xum họp.  Cho đi rồi đợi chờ, chờ đợi nhưng chẳng thấy vì thế mới có niềm đau.  Yêu rồi khổ.  Khổ đau đưa tới chân trời của nước mắt và mầu tím của cô đơn.

Nếu không có tình yêu.  Nếu không có người yêu.  Nếu tôi không yêu thì làm gì có khổ đau. Bởi đó, kẻ vì yêu mà đau khổ thì oán trách tình yêu, oán trách người yêu và oán trách chính mình.  Nếu tình yêu tạo nên đau khổ thì muốn tránh đau khổ phải tránh yêu đương.  Nhưng nếu lẩn tránh yêu thương thì đâu là ý nghĩa của cuộc sống?

***************

Con sâu có thể làm cho cánh hoa mang thương tích.  Nhưng nếu giết bầy sâu bằng cách cày nát cả vườn hoa thì là thảm cảnh đáng buồn.  Vết cắn của sâu có làm cánh hoa đau đớn, nhưng nếu nhổ sạch vườn hoa thì khu đất sẽ thành hoang vắng, buồn tênh.  Ðời tôi cũng vậy, có đau khổ vì một tình yêu nhưng tôi vẫn có hạnh phúc vì còn tình yêu.  Ðau khổ của một tình yêu chỉ là một bông hoa bị sâu cắn trong khu vườn khả năng yêu thương của tôi.  Chẳng có năng lực nào cản ngăn một bông hoa khác thắm tươi sẽ trổ sinh.

Tình yêu bàng bạc như thời gian nên tình yêu và cuộc đời là một.  Không có sự sống nào mà không liên hệ tới yêu thương.  Không muốn yêu để tránh đau khổ là không muốn có yêu thương.  Mà không có yêu thương thì tự nó đã là một đau thương rồi.  Không có khả năng yêu thương thì là gỗ đá, củi mục.  Có khả năng yêu thương mà không được yêu thì sự bất hạnh còn đắng cay hơn là đau khổ của tình yêu.  Lẩn tránh đau khổ bằng cách oán trách tình yêu và chối từ yêu thương là đi tìm một khổ đau lớn hơn.

Có một con đường, tuy có vất vả nhưng vô cùng bát ngát, mênh mông là hướng về Ngài, Thượng Ðế, tình yêu trọn hảo để đem những khổ đau của mình hòa vào biển rộng yêu thương ấy.  Nếu tình yêu có gây đau khổ thì biến đau khổ thành sáng tạo để rồi tiếp tục yêu.  Chỉ có tình yêu tuyệt hảo là không nhuốm màu đau khổ.  Ðau khổ của tình yêu đến từ yếu đuối và lầm lẫn.  Bởi vậy, chỉ có tình yêu không lầm lẫn và yếu đuối của Thượng Ðế mới trọn vẹn vô biên.

Vì yêu mà tôi đau khổ thì có thể vì đau khổ mà tôi biết yêu thương?

***************

Kẻ chạy trốn tình yêu, thực ra, là kẻ đang tìm tình yêu mãnh liệt.  Kẻ oán trách tình yêu, thực ra, là kẻ đang yêu vũ bão.  Không ai trốn tình yêu để rồi không yêu mà chỉ trốn tình yêu này để đi yêu một tình yêu khác.

Tình yêu vô hình nên không oán trách tình yêu được mà chỉ có thể oán trách người yêu thôi, nhưng khó mà chỉ oán trách người yêu mà lại không gây thương tích cho mình.  Liên hệ giữa người yêu và kẻ yêu là liên hệ gắn bó, phức tạp.  Khi yêu thì kẻ yêu và người yêu đi chung một con đường.  Bởi đó, không có sự lạc lối nào mà không ảnh hưởng cả hai.  Không có mất mát nào mà chỉ có một người gánh chịu.

Khi nói rằng mối liên hệ ấy bị cắt đứt chỉ có nghĩa là họ không còn đi chung đường.  Không đi chung một đường không có nghĩa là đã thoát được mọi ràng buộc.  Nhiều khi càng cay nghiến thì lại càng nhớ thương mà càng nhớ thương thì lại càng cay nghiến.  Vì thế, khi mối liên hệ bị dập gẫy, bị cắt đứt cũng chưa hẳn là kẻ yêu và người yêu xa cách được nhau.

Khi nào chưa quên được vết thương thì lúc đó vẫn còn là gần gũi.  Khi nào còn thao thức thì vẫn còn liên hệ.  Nếu còn liên hệ thì oán trách người yêu cũng vẫn là oán trách chính mình.  Càng oán trách bao nhiêu thì nỗi đau càng sâu.

Tuy còn ràng buộc, còn thao thức, nhưng vì không đi chung một đường nữa nên cũng có nghĩa là ly biệt.  Khi đã tạ từ, khi người yêu đã đi xa thì chỉ còn mình là gần mình thôi.  Chỉ còn mình biết rõ nỗi đau của mình thôi.  Vì người yêu đã cách xa nên oán trách người yêu cũng chẳng làm cho người yêu đau khổ.  Chỉ riêng mình chịu.  Vì thế, người yêu có thể gây đau khổ, nhưng sau đó chính mình lại là kẻ nuôi dưỡng vết thương khổ đau ấy cho thêm lớn và thêm sâu.

Giã từ.  Xin để cho cánh chim muốn bay hãy bay xa.  Nó chẳng thuộc về mình và cũng chẳng xứng đáng với tình yêu mình ban tặng.

***************

Tình yêu của chủ thể yêu có thể biến đổi khách thể yêu.  Ánh mắt khổ đau nhưng khoan dung và tha thứ của Chúa đã biến đổi đời Phêrô.  Thái độ của khách thể khi đón nhận tình yêu cũng tác động con tim của chủ thể yêu.  Chúa đợi chờ Mai Ðệ Liên.  Nàng đã đáp lại bằng những sợi tóc ăn năn.  Chính vì sự đáp lại ấy mà Chúa đã nói:  Kẻ yêu nhiều thì được tha nhiều.

Chẳng ai sống mà lại không yêu thương.  Nếu không muốn yêu thì họ phải có khả năng yêu để yêu cái không muốn yêu.  Như vậy thì cũng đã là yêu rồi.  Yêu là yêu ai.  Thương là thương người nào. Không có tình yêu trống không . Như vậy tình yêu cần đối tượng.  Ðối tượng là cảm hứng cho tình yêu.  Tuy nhiên, nếu không có chủ thể yêu thì đối tượng cũng là vô nghĩa.

Cả chủ thể yêu và đối tượng yêu đều là con người bất toàn vì tội lỗi.  Bởi tội, con người không còn tuyệt hảo, họ sống trong thiếu vắng.  Không có hạnh phúc vô cùng thì họ không thể chỉ cho đi mà không hao mòn.  Bởi thiếu vắng nên họ cần được đáp lại để đỡ mòn mỏi, khát khao.  Khi yêu, tôi cần được tình yêu đáp trả.  Nếu tôi cần tình yêu của người để sống thì yêu người cũng chính là yêu tôi.  Và nhiều khi tôi yêu tôi hơn là yêu người.  Tôi yêu người, muốn chiếm người để khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng trong tôi.  Như vậy thì tình yêu của con người dù đẹp đến đâu, thơ mộng đến đâu cũng vẫn thường mang mầm ích kỷ.  Nếu có ích kỷ thì làm sao tránh được gây khổ đau cho nhau.

Càng xa ánh sáng càng nhiều lạnh lẽo, càng lắm bóng đêm.  Cũng vậy, càng xa Chúa là tình yêu tuyệt hảo thì tình yêu của con người càng lắm bất hảo.

***************

Con người được dựng nên bằng tình yêu nên đau khổ không có năng lực giết chết được khả năng yêu thương.  Và cái kỳ diệu của cuộc sống là yêu thương có thể nẩy sinh từ đau khổ.  Nhiều nhánh hoa tình yêu đã rộ nở sau những đêm dài của khổ đau.  Sau đau khổ, cây tình yêu có thể tái sinh và tình yêu nào khi đã đi qua lăng kính của đau khổ thì thường bao giờ cũng sâu thẳm, khác biệt.

Nếu chỉ có tình yêu không có đau khổ thì tình yêu không có đối tượng để trang điểm.  Tôi hiểu thế nào là yêu thương bởi trong tôi đã có sẵn khả năng để hiểu thế nào là đau khổ.  Làm sao xác định được ánh sáng nếu không có bóng đêm.  Chối từ khả năng đau khổ thì cũng chẳng còn khả năng yêu thương nữa.  Nếu gọi tình yêu là bông hoa.  Nếu bảo cánh bướm là khổ đau vì bướm chỉ hút mật của hoa.  Nếu bông hoa chối từ cánh bướm thì vườn hoa cũng cô đơn vì chẳng còn ai để đỏm dáng.  Nếu cánh bướm đã làm cho vườn hoa thêm tươi thì có thể bảo đau khổ cũng làm cho tình yêu thêm sâu?

Càng đau khổ tôi càng biết giá trị của yêu thương.  Ðau khổ dạy cho tôi thế nào là lầm lẫn, thế nào là mất mát, thế nào là yếu đuối.  Nhận thức được sự yếu đuối của mình để hiểu sự yếu đuối của người. Có cay đắng của mất mát để đừng làm kẻ khác mất mát.  Khi hiểu sự lầm lẫn của người gây đau khổ cho tôi để biết rằng sự lầm lẫn của tôi cũng gây đau khổ cho người thì đấy là con đường thức tỉnh, là lối đi dẫn tới yêu thương.  Như vậy, đau khổ có là tặng vật trong cuộc đời?

***************

Khi yêu, tôi không chờ đợi một suối đời ngát trong.  Tôi không ước mong một dòng sông thời gian không gợn sóng.  Yêu là tôi biết rằng sẽ có khổ đau.  Ðau khổ có thể làm cây tình yêu rụng lá.  Nhưng sau đó, cây tình yêu có thể trổ sinh mầm non ngọc bạc lấp lánh.  Giá trị đời tôi được xác định do thái độ của tôi đối với đau khổ và tình yêu, chứ tình yêu, đau khổ, tự nó chẳng có ý nghĩa gì.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ.
(Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc)