LỜI NGUYỆN CỦA MỘT LINH MỤC CHIỀU CHÚA NHẬT

Lạy Chúa, chiều nay, con chỉ có một mình.  Những tiếng động trong nhà thờ lần lần tắt im.  Những người đi dự Chầu đã về hết.

Và con, con trở về nhà Xứ,
Một mình.
Con gặp những người đi dạo chơi về.
Con đi qua những rạp hát chật ních người ra vào.
Con thả bước dài theo các quán cà phê đầy những người có vẻ buồn chán đang gượng gạo kéo dài cuộc vui của ngày Chủ Nhật.

Con gặp thấy nhiều trẻ con đang chơi trên các vỉa hè.  Những trẻ con, lạy Chúa, chúng là con trẻ của người ta, chớ không bao giờ là của con.
Này con đây, lạy Chúa, con chỉ có một mình,
Sự yên lặng làm con khó thở,
Sự cô quạnh đè nặng trên con.
Lạy Chúa, nay con được 34 tuổi,
Con có một thân thể như những người khác
Với những bàn tay gân guốc để làm việc,
Với một quả tim được dành để yêu thương,
Nhưng con đã phó thác cho Chúa hết.
Thật ra Chúa đang cần những thứ đó.
Con đã phó dâng tất cả cho Chúa rồi, nhưng lạy Chúa, dâng vậy thật đau khổ!

Thật đau khổ khi con phải dâng thân xác cho Chúa, bởi vì thân xác đó nó muốn tự hiến cho một người khác.
Thật đau khổ khi phải yêu tất cả mọi người mà không được giữ riêng lại một người nào.
Thật đau khổ khi con bắt lấy một bàn tay mà con không được giữ luôn.
Thật đau khổ khi con gây được một mối tình mà rồi con phải trao mối tình đó cho Chúa.
Thật là đau khổ khi con không được sống cho mình chút nào mà phải hòan toàn sống cho kẻ khác.
Thật là đau khổ khi con phải đi với kẻ khác, mà không hề có một ai sẽ tới với con.
Thật là đau khổ để biết tội lỗi kẻ khác trong khi con không được từ chối việc tiếp đón và nâng đỡ họ.
Thật đau khổ khi con nhận biết những thầm kín của người ta mà không được tiết lộ cho ai.
Thật đau khổ khi thấy cả đời con phải lôi kéo kẻ khác mà không khi nào được ai thúc đẩy con, dầu trong chốc lát.
Thật đau khổ khi con phải luôn ra tay nâng đỡ những người yếu đuối mà con thì không bao giờ được nương dựa vào một người nào.

Này con đây, lạy Chúa!
Này thân xác con
Này trái tim con
Này linh hồn con.

Xin cho con được cao thượng đủ để nâng đỡ thế gian.
Xin cho con trong sạch đủ để ôm ấp thế gian mà không hề muốn giữ nó lại cho con.
Xin cho con được nên như một môi trường gặp gỡ, nhưng là một môi trường tạm thời; để con nên như con đường hướng đến với Chúa, chứ không phải là con đường cụt.

Lạy Chúa, chiều nay trong khi mọi sự đều yên lặng và trong khi trái tim con cảm thấy đau đớn vì khô quạnh.
Trong khi mọi người đang dày vò hồn con và con cảm thấy con bất lực để làm cho họ được thỏa mãn.
Trong khi bao nhiêu khốn nạn và tội lỗi của thế gian là cả một sức nặng đang đè trên vai con.
Thì con xin nói lại với Chúa là con sẵn sàng hy sinh luôn; không phải nói với một giọng cười diễu nhưng nói một cách chậm rãi, suy nghĩ và khiêm nhường.
Lạy Chúa, này con đang một mình trước mặt Chúa, trong sự yên lặng của buổi chiều nay!

Michel Quoist – Prières.

LỜI MỜI GỌI

“- HÃY THEO TÔI ! Ông đứng dậy và đi theo Người” (Mt. 9:9)

Bạn thân mến ! Trên đây là dòng chữ ngắn ngủi tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi Mát-thêu khi Ngài đi ngang qua phòng thu thuế, nơi ông đang làm việc. Khi nghe tiếng Chúa mời gọi,  Mát-thêu đã làm gì ? Ông phản ứng ra sao?  Xin thưa: Ông đã bàng hoàng ngơ ngác, không nói được nửa lời, nhưng đã tức khắc đứng lên, bỏ mọi sự để đi theo Ngài.

Mát-thêu là người thu thuế, ông bị dân chúng khinh chê  xỉ vả, chòm xóm lẩn tránh, những người đạo đức lạnh nhạt với ông, họ lên án và  buộc tội ông là đứa hợp tác với La Mã, là quân ăn cướp, là kẻ bóc lột, lưu manh… nhưng Chúa Giê-su đã tìm kiếm ông, đã chọn và mời gọi ông làm môn đệ của Ngài.

Phải chăng việc Chúa Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, nơi Mát-thêu đang làm việc là chuyện tình cờ ?  Phải chăng Chúa Giê-su mời gọi Mát-thêu là chuyện ngẫu nhiên, không chuẩn bị trước ?  Không phải thế, vì chính Ngài đã lên tiếng nói về Công Trình Cứu Độ của Ngài với các người Pharisêu tại nhà ông Mát-thêu: ”Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt. 9:13)

Khi Mát-thêu được Chúa đến, Ngài lên tiếng mời gọi ông: “Hãy theo tôi”.  Ông đã tức khắc đứng lên đi theo Chúa.  Phải chăng việc đứng lên tức khắc để theo Chúa là một hành động nông nổi không suy tính trước ? Phải chăng việc mau mắn bước đi theo Chúa, rồi mời Chúa về nhà ăn uống và còn giới thiệu Chúa cho bạn bè của mình là một hành động hoang tưởng và không thực tế … Không phải thế.  Vì  “tất cả là tình yêu và do tình yêu”.  Chính tình yêu đã mời gọi và hoán cải ông, tình yêu đã biến đổi phận người. Tình yêu chân thành đã vang lên tiếng mời gọi: “Hãy theo Tôi” và Mát-thêu đã bỏ bàn thu thuế tội lỗi để lên đường.

Tình yêu đã biến đổi ông từ cái tên cũ là “Lê-vi thu thuế” trở thành cái tên mới là “Mát-thêu Tông đồ”. Mát-thêu trong tiếng Do-Thái cũng có nghĩa là “Ân phúc từ Thiên Chúa”.

Tình yêu đã thôi thúc để ông từ bỏ những làm ăn bất chính, từ bỏ cuộc sống sung túc vật chất do những đồng tiền không lương thiện mang lại… Ông phải từ bỏ tất cả để bước đi theo tiếng gọi của tình yêu, bước đi theo Đấng là nguồn mạch của tình yêu.  Đấng ấy chính là Thầy Giêsu của ông.

Khi nhận ra lời mời gọi ”Hãy theo tôi” của thầy Giêsu,  Mát-thêu đã nhanh chóng đứng dậy và bước đi theo Ngài.  Lời mời gọi Chúa nói với Mát-thêu xưa kia vẫn còn tiếp tục vang vọng cho đến ngày nay.  Bạn và tôi, chúng ta có nghe được tiếng mời gọi của Ngài không? Chúng ta sẽ làm gì, sẽ phản ứng ra sao trước lời mời gọi của Chúa ?

Chúa mời gọi ta không phải vì ta xứng đáng hay tài giỏi, không phải vì ta thánh thiện đạo đức hay ngoan hiền,  nhưng vì tình yêu thương và sự quan tâm săn sóc của Ngài dành cho ta, cho mỗi một người trong chúng ta, vì Ngài là Đấng hay thương xót và vì ân sủng của Ngài luôn là quà tặng ban xuống dồi dào trên cuộc đời của ta.

Chúa mời gọi ta vì Ngài luôn tin tưởng ta, Ngài tin người yếu đuối có thể trở nên vững mạnh. Tin người lạc lối có thể trở lại đường ngay. Tin người lầm lỡ có thể làm lại cuộc đời. Vì tin nên Ngài mời gọi và trao nhiệm vụ.  Ngài tin tưởng và mời gọi ta cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Tin tưởng trao vào tay ta cả kho tàng ơn thánh.  Tin tưởng trao cho ta vận mệnh các linh hồn.

Tôi là ai mà được Chúa tin tưởng đến thế? Tôi phải làm gì để đáp lại sự tin tưởng và tình yêu thương mà Ngài đã dành cho tôi ?

* * * * *

Lạy Chúa, Xin cho con biết noi gương bắt chước thánh Mát-thêu, biết lắng nghe và từ bỏ để bước đi theo tiếng Ngài mời gọi.  Amen .

Linh Xuân Thôn

VŨ THỦY, NGƯỜI KHIẾM THỊ VIẾT VỀ CHÚA

Trong số những tác giả gửi bài cho trang Đồng Xanh Thơ, có một người khiếm thị, chị Vũ Thủy.  Tôi chưa được gặp chị Vũ Thủy, nhưng qua những bài thơ đã giới thiệu trên trang Đồng xanh thơ 1 và 2: bài “Món quà của Thượng Đế” và “Hai ngàn năm vẫn đợi”, tôi đã hình dung ra được một Vũ Thủy đầy niềm tin yêu và hy vọng, chấp nhận cuộc sống “khiếm thị” như một món quà của Thiên Chúa.  Nhờ đó, không những chị sống được, mà còn sống vui, còn đi học Anh văn, đi học vi tính, đi công tác bác ái từ thiện… Và hơn hữa, chị còn viết lên những chứng từ sống động về một cuộc sống tin yêu phó thác trong tình yêu thương bao la của Chúa, trong tình bác ái đâm đà của tình người.  Chị Vũ Thủy vừa gửi cho tôi những tâm tình đáng trân trọng trong bài tự tình “Đi Tìm Hạnh Phúc” và bài thơ “Cô gái mù với ly cà phê trắng”- toàn bộ bản văn là nguyên văn do chính chị dùng máy vi tính đặc biệt dành cho người khiếm thị… Xin giới thiệu cùng mọi người chứng từ sống động nầy với ước mong Hãy Cùng Ngợi Khen Thiên Chúa.  (pmcaohuyhoang)

***************

ĐI TÌM HẠNH PHÚC

Nếu một lúc nào đó, bạn thử lấy một mảnh vải đen che mắt mình và thử làm việc trong bóng tối khoảng một tiếng đồng hồ.  Lúc đó bạn sẽ biết cuộc sống của người mù là khó khăn như thế nào. Nhưng chưa hết đâu, bởi lẽ bạn chỉ có một tiếng đồng hồ thôi.  Những người mù phải đối diện với bóng tối cả một đời, với sự thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần và với những nỗi phiền muộn do sự phân biệt đối xử của những người đồng loại.  Nói thế, nhưng không phải là tuyệt vọng, chúng tôi có thể học tập, lao động, ca hát, chơi thể thao, làm thơ… như bao nhiêu người khác, nếu như xã hội đừng quên chúng tôi cũng có cảm xúc, cũng có ước muốn, cũng có những sở thích và có nhân quyền.  Chúng tôi có thể sống vui tươi, vô tư như các bạn khi chúng tôi không bị cô lập (nghĩa là xin mọi người chung quanh đừng nghĩ rằng chúng tôi là người ngoài hành tinh và gạt chúng tôi ra khỏi những công việc bình thường.)  Khả năng chúng tôi có nhưng còn cần sự giúp đỡ của các bạn để phát huy nó.  Không nhìn thấy nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được thế giới xung quanh bằng những giác quan còn lại.

Một điều đáng buồn là chỉ thiểu số người khiếm thị sống lạc quan.  Đa phần còn lại thường sống trong lặng lẽ và cô độc vì hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh sống và sự tự ty mặc cảm.  Họ có vẻ như đang chôn mình trong nấm mồ tăm tối.  Vả lại, thường là cái nghèo đi đôi với người mù.  Có một bạn nữ trong khi tâm sự với tôi đã thốt lên rằng: “cuộc đời của tôi khốn nạn, giấc ngủ của tôi cũng khốn nạn nốt!”  Có người trách móc: “Tại sao cha mẹ tôi lại sinh ra tôi để tôi phải sống trong bóng tối khốn cùng này?”…

Tôi thì may mắn hơn đã trải qua cuộc sống như một người bình thường trong mười mấy năm. Lúc tôi mới trở thành một người mù, tôi đã có những ngày tháng ảm đạm và dài đằng đẵng.  Điều mà trước đây tôi không hề trải qua vì tôi vốn là một cô gái rất tinh nghịch và náo nhiệt.  Khi đó, tôi chỉ còn biết cầu nguyện với Chúa xin cho con biết con phải làm gì để không trở thành người vô dụng.  Và Người đã hành động khi những cơn bệnh trầm trọng của tôi bỗng nhiên lui dần.  Tôi bắt đầu đi học chữ nổi, học sử dụng computer, học cách đi đứng sinh hoạt như người mù.  Tôi bắt đầu tiếp cận với những người mù có vẻ buồn bã, khắc khoải, thầm lặng.  Tôi khuyến khích họ tâm sự, và lắng nghe tất cả những nỗi bực dọc, những nỗi buồn chán, tuyệt vọng…  Giải thích cho họ về những điều rất đơn giản đến không thể ngờ nhưng lại là một khái niệm trừu tượng đối với những người mù bẩm sinh.  Có những ngày tôi phải liên lạc điện thoại suốt mấy tiếng đồng hồ để ngăn cản một người bạn trong cơn tuyệt vọng muốn nhảy lầu.  Rồi tôi viết chữ nổi, đọc băng cát xét để dạy người bạn này học tập cho quên đi những khắc khoải.  Thỉnh thoảng tôi đi thăm người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa và những mái ấm, nhà mở của người khuyết tật trong thành phố…. Tất cả những công việc đó thật là nhỏ bé.  Tôi đã cho những người bạn của tôi chỉ là một ly nước lã, nhưng hiệu quả thật là bất ngờ.  Đôi khi, người bạn trước đây đã cho rằng cuộc đời cô ta thật khốn nạn, nói với tôi rằng: “Nhờ những lời khuyên của chị, bây giờ em cảm thấy cuộc đời em thật là có ý nghĩa.”  Một người bạn sau khi nghe tôi đọc bài thơ: “Cô gái mù với ly cà phê trắng” qua đài phát thanh đã gọi điện thoại cho tôi nói rằng anh ta đang sống thật vô vị và rất ngạc nhiên khi thấy một người mù lại có vẻ tự tin yêu đời như trong bài thơ đó.  Tôi cho anh ta bí quyết của tôi là học tập và làm tất cả những gì mình có thể.  Bây giờ anh ta đã trở thành một người mù khá bận rộn và công nhận rằng:  “Trước đây một năm tôi không biết cười, nhưng bây giờ tôi có thể cười được rồi….”

Tôi cảm thấy thật là hạnh phúc và mong cho những người bạn của mình luôn được vui vẻ mãi. Vậy là khi tôi nghĩ rằng tôi cho họ lời an ủi và sự cảm thông thì chính là họ đã đem đến cho tôi hạnh phúc.  Và cứ thế những phiền muộn trăn trở của tôi đã biến mất nhường chỗ cho con người trước đây của tôi.  Hầu như tôi quên mình là người mù, không gian quanh tôi rộn rã tiếng cười.  Tuy thế, mỗi khi gặp một hoàn cảnh xấu số nào đó, tôi lại cảm thấy đau lòng và tôi lại rơi vào tâm trạng phiền muộn, lúc đó tôi liền chạy đến Chúa để tìm nguồn ủi an.  Cây Thập Giá vẫn còn đó, nó là biểu trưng của sự chiến thắng đau khổ.  Tôi chợt hiểu ra rằng không có đau khổ thì không có hạnh phúc.  Đó là một cặp phạm trù luôn tồn tại bên nhau.

Trong chúng ta chắc không ít người đã từng băn khoăn với câu hỏi: “Tại sao Chúa lại để cho người ta phải chiụ những sự đau khổ; khi mà Chúa có thể giơ tay chữa lành tất cả những nỗi đau khổ đó?”  Tôi cũng đã từng băn khoăn như thế.  Và tôi đã tìm được câu trả lời sau những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.  Tôi bị mù do biến chứng của bệnh tiểu đường.  Một căn bệnh nan y mà tôi đã mắc phải khi mới 17 tuổi với rất nhiều biến chứng như viêm đa thần kinh, viêm xương chậu và thoái hoá cột sống.  Có nhiều đêm cơn đau quằn quại và khó chiụ triền miên tưởng chừng như không thể nào chịu đựng được.  Những lúc ấy, bác sĩ và người thân của tôi chẳng giúp gì được cho tôi.  Nước mắt cứ tự trào ra.  Tôi chỉ biết bám vào một câu kinh thánh: “Hãy đến với Ta! Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi…”  Tôi nghĩ về sự đau khổ của Chúa Giê Su trên Thập tự và thường là tôi thiếp đi qua khỏi cơn đau.  Những lúc ấy, tôi thường nghĩ đến những bệnh nhân đang trải qua cơn đau quằn quại của bệnh ung thư, những bệnh nhân tâm thần sống như một động vật và những người liệt giường từ nhiều năm. Tôi cảm thấy cơn đau của tôi thật là bé nhỏ so với họ.  Và những cơn đau của tôi hầu như không còn nữa.  Tôi bắt đầu hiểu ra rằng Chúa gởi đến trong thế gian những sự đau khổ của loài người cũng như chính sự đau khổ của Chúa là để làm gương cho ta sống vươn lên, vượt qua những thử thách của ta và ý thức được thân phận hèn mọn của con người.

Sau tất cả những cảm nhận ấy tôi hiểu ra rằng hạnh phúc chỉ có được khi ta biết chia sẻ và quan tâm đến người chung quanh ta.  Tôi nghĩ rằng ai cũng có những nỗi khó khăn, khắc khoải, khổ đau của riêng mình, chúng chỉ khác nhau về góc độ; vậy, ta còn chần chờ gì mà không đi tìm hạnh phúc ở chung quanh ta?  Các bạn sẽ tìm thấy chung quanh bạn đang có những người còn đau khổ hơn mình, nhất là những người khuyết tật như chúng tôi.  Họ ở đó chờ một lời an ủi, một cuộc thăm viếng, một sự cảm thông.  Và đó chính là lúc bạn nhận ra cặp mắt đau đáu của Chúa Giê su trên Thập giá.

Phần tôi, Chúa đã ban cho tôi quá nhiều, Chúa mới chỉ lấy lại ở tôi một đôi mắt.  Giờ đây tôi tin rằng Chúa đang làm những điều tốt đẹp cho tôi.  Tôi xin sẵn sàng chấp nhận Thập Giá Chúa trao cho mình.

Tôi thật sự cảm ơn các bạn đã chia sẻ với tôi những kinh nghiệm sống này, chúc các bạn luôn vui vẻ và yêu đời.

Vũ Thủy – 17. 10. 2004

***************

CÔ GÁI MÙ VỚI LY CÀ PHÊ TRẮNG

Không phải ngẫu nhiên mà tôi đã đặt cho một trong những bài thơ của mình cái tựa đề nghe có vẻ kỳ lạ này.  Có lẽ bất cứ một người bình thường nào cũng cảm thấy cái gì đó thật là khủng khiếp hoặc đen tối trước một người mù.  Khi mới trở thành một người mù, không khí trong gia đình tôi có vẻ hơi nặng nề và từ “mù” hình như bị cấm.  Mấy đứa cháu nhỏ của tôi mà nói động đến chữ mù thì mẹ nó: “suỵt – không được nói” nhưng tôi bảo cứ để cho chúng nói thoải mái bởi vì nếu chỉ có từ mù mà tôi không chấp nhận được thì cả một cuộc sống đen tối trước mắt làm sao tôi vượt qua nổi.

Điều thứ hai, ly cà phê thường làm cho tôi cảm thấy sảng khoái trước bất kỳ công việc nào.

Thứ ba, điều khiến tôi viết bài thơ này để nói lên một triết lý sống là:  Mình chọn cách sống chứ không phải cuộc sống đã chọn mình.  Cuộc đời này có nhiều điều u ám và đen tối, tuy nhiên vẫn có những nét chấm phá để ta thấy bức tranh cuộc đời thật là đẹp đẽ.  Những gì khổ cực, nghèo hèn, bất hạnh, lọc lừa… ta thường ví nó với màu đen.  Những gì hạnh phúc, tươi sáng, tốt đẹp, lòng nhân ái… ta thường ví với màu trắng và màu trắng đó như những tảng băng nổi trên mặt nước nhấn chìm tất cả những gì đen tối.  Với những suy nghĩ ấy tôi thấy cuộc đời thật rực rỡ và tươi đẹp và tôi đã không thất bại trong cuộc đời này.  Sự thành công đang chào đón tôi trước mặt.

CÔ GÁI MÙ VỚI LY CÀ PHÊ TRẮNG

Ly cà phê đen trước mặt
Ngụm đắng nhuộm cuộc đời?
Cuộc đời trắng hay đen, thành công hay thất bại?
Hãy hỏi lòng mình chọn trắng hay đen

Cả bầu trời trước mặt…
Đôi mắt con không thấy ánh mặt trời
Nhưng với con cuộc đời đầy nắng ấm
Bởi quanh con đã có những bàn tay
Trao cả con tim, xiết chặt tình người
Đôi chân con bước đi vững chãi
Bởi có những bàn chân đi mở lối tâm hồn
Gieo hy vọng cho người mù tăm tối
Ly cà phê cho con ngọt ngào hơi sữa
Bởi nó như cuộc sống đầy bao dung
Đã cho con ngọt bùi trong cay đắng

Cuộc đời trắng hay đen ?
Riêng cô gái mù thấy ly cà phê trắng
Bởi dòng sữa yêu người, đời đã ban cho
Cô giơ tay hướng về Thượng Đế
“Xin cảm ơn Người, người mãi ở bên con!”

Vũ Thủy – 29. 5. 2002
VietCatholic Network