KHI MÙA GIÁNG SINH ĐẾN…

Đã tới giờ đi ngủ, tôi dắt cu Bí lên giường.  Tôi nằm cạnh nó, vỗ nhẹ vào lưng và kể một câu chuyện thần tiên giản dị, nhưng mãi nó vẫn chưa ngủ, còn quay ra hỏi tôi:

– Bố sắp về chưa mẹ?

– Lúc chiều bố đã nói chuyện phone với con là một tuần nữa bố sẽ về mà.

Trong ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ, cu Bí giơ cả hai bàn tay lên, xòe đủ muời ngón nhỏ xíu ra truớc mặt tôi rồi hỏi:

– Một tuần nữa là mấy ngày? Mẹ đếm đi

Tôi đếm từng ngón tay của Bí:

– Đây này, 1,2,3,4,5,6,7. Tới ngày này bố sẽ về.

Cu Bí reo lên:

– Con thích quá, bố về với mẹ, với con để đi mua cây thông nhé?

– Đúng vậy, mùa lễ Giáng Sinh này chúng ta sẽ có một cây Christmas đẹp ơi là đẹp như những năm truớc. Bây giờ con hãy ngủ đi nhé.

Thằng bé sung suớng mỉm cuời và khép mắt lại.  Tôi tin rằng một giấc mơ đẹp đang đến với nó. Nhưng ngay trong giây phút này một giấc mơ buồn của tuổi thơ tôi hiện ra, khi vừa rồi tôi nhìn thấy con tôi xòe những ngón tay để đếm từng ngày đợi mong bố về sau một chuyến công tác xa nhà…

***************************

Tôi chỉ còn nhớ những hình ảnh mơ hồ, không theo thứ tự, kể từ khi tôi lên 4 tuổi, tôi thấy bố mẹ tôi thường xuyên cãi nhau và có khi đánh nhau, mẹ ném một cái gì đó vào bố và bố cũng ném lại vào mẹ.  Những lúc đó tôi sợ hãi khóc ré lên, nhưng mặc cho tôi gào khóc bố mẹ vẫn tiếp tục cãi nhau. Một lần, khi thấy tôi khóc mẹ đã tức giận tát túi bụi vào mặt tôi, làm tôi sợ hãi thêm và nín khóc ngay, từ đó trở đi tôi không dám khóc nữa, mỗi lần bố mẹ bắt đầu to tiếng thì tôi len lén chui vào tủ quần áo, đóng cửa lại, tôi tìm thấy nơi đó một sự trú ẩn bình an.  Có hôm tôi ngủ quên trong đó, có hôm tôi chờ đợi sự im ắng thì chui ra, hoặc bố hoặc mẹ đã ra khỏi nhà.  Tôi đã biết tự lo cho chính mình, mở tủ lạnh tìm đồ ăn, là một vài miếng cheese khô hay cái hotdog đã mở bọc nằm lăn lóc trong góc tủ.  Vì sau trận cãi nhau chẳng ai ngó ngàng đến tôi, tôi cũng biết thân phận chẳng dám kêu réo hay đòi hỏi gì.

Rồi một ngày tôi thức dậy thì biết mình mất mẹ, bố tôi ngồi thừ người ở ghế.  Mẹ tôi đã ra đi và bỏ tôi ở lại như một trong các món đồ cũ mẹ không cần dùng.  Bố tôi nói dửng dưng như thông báo một chuyện vừa xảy ra ở nhà hàng xóm:

– Mẹ đi rồi, từ nay con ở với bố.

Tôi oà lên khóc, có lẽ vì sợ hãi cô đơn hơn là thương nhớ mẹ, tôi rất ít khi nhận được sự chiều chuộng âu yếm nơi mẹ, thì giờ chính của mẹ ở nhà là uống bia, uống rượu như bố, rồi mẹ ngủ vùi. Những bữa ăn của tôi thường là những lát bánh mì, gà chiên mua sẵn ở tiệm hay hotdog.  Đôi khi bố mẹ vui vẻ tôi được dẫn đi ăn nhà hàng, đó là những ngày hạnh phúc nhất đời tôi, vì được thấy bố mẹ thân thiện và được ăn đồ nóng sốt ngon lành.  Tôi từng cầu mong những giây phút hạnh phúc đó kéo dài vô tận, nhưng thực tế thì quá ngắn ngủi, tôi không hiểu sao mới hôm qua họ còn cười nói, ôm hôn nhau, hôm sau họ đã cãi nhau, chửi nhau đầy vẻ hận thù.  Tôi đã mong lớn mau để hỏi bố hỏi mẹ điều này.

Bố để mặc tôi khóc một lúc rồi gắt:

– Thôi nín đi, đừng làm bố sốt ruột lên đây.

– Tại sao mẹ bỏ đi? Rồi mẹ ở nhà ai?

– Bố không biết! bố tôi trả lời cụt ngủn và lạnh lùng.

Tôi tưởng mẹ đi mấy ngày rồi trở về như vài lần trước, nhưng bố đã nói:

– Mẹ không bao giờ trở về đâu, bố sẽ gởi con cho người giữ trẻ để bố còn đi làm.

Từ ngày mẹ đi, không còn ai để cãi nhau nên thì giờ của bố chỉ để uống rượu bia, hết uống với bạn bè ngoài đường về đến nhà lại uống.  Tôi không chui vào tủ quần áo để trốn nữa mà chỉ ngồi ru rú trong phòng coi ti vi một mình.

Bố gởi tôi cho một gia đình Việt nam, sáng trước khi đi làm bố mang tôi đến, chiều về làm ghé vào đón tôi.  Bác Kha trai làm việc cùng hãng với bố, bác Kha gái ở nhà trông con, họ có một đứa con gái bằng tuổi tôi tên Linh.  Chính ở nơi đây tôi được ăn những bữa cơm ngon lành, được hưởng lây không khí gia đình ấm cúng, hai vợ chồng bác Kha không cãi nhau như bố mẹ tôi nên cái Linh ngạc nhiên khi nghe tôi kể phải trốn vào tủ quần áo.

Vài tháng trôi qua, tôi thực sự yêu thích ngôi nhà êm ấm của bác Kha, nhưng một đôi lần bố không đón tôi đúng hẹn, bác Kha trai đã về đến nhà ăn xong bữa cơm chiều mà bố vẫn chưa đến, tôi đã thấy khi bác Kha trai về, nhà vui vẻ, rộn ràng hẳn lên, khi ấy Linh quên tôi, nó nhảy nhót lên lòng bố, kể chuyện nọ kia, bác Kha gái vừa dọn cơm vừa nói chuyện vói chồng.  Tôi như người thừa, bị bỏ rơi, cảm thấy tủi thân và ganh tị với Linh, chỉ mong mau chóng rời khỏi đây, dù chỉ là về nhà với bố ăn một cái bánh mì nguội kẹp hotdog và uống một ly sữa là xong bữa ăn chiều thường lệ.

Bố thường xuyên đón tôi trễ, tôi càng ngày càng mặc cảm, tủi thân với gia đình bác Kha, mỗi buổi chiều tôi đều ngó ra cửa sổ mong đợi bóng dáng bố đang từ ngoài sân bước vào, tôi vui khi thấy bố, tôi thất vọng khi bóng chiều ngả màu tối mà bố chưa đến.  Thế là tôi lỉnh vào phòng trong vờ coi tivi để khỏi trông thấy cảnh Linh đang hưởng hạnh phúc bên bố mẹ nó.

Bác Kha gái hay nói với tôi:

– Bố cháu có bồ rồi, bố quên đón cháu rồi.

Tôi đã nhìn bác Kha với vẻ tức giận, bố có bồ chỉ là một ý nghĩ bố đang gần gũi một người nào đó, chứ tôi chẳng hiểu “bồ” là gì cả.  Tôi không muốn tin điều bác Kha nói là sự thật.

Tôi hay khóc thút thít mỗi khi bố đón tôi trễ, đó là một sự phản đối, sự trách móc duy nhất tôi có thể làm, vì nếu tôi nói lên một điều gì đó sẽ bị cắt ngang ngay bằng lời gắt gỏng của bố, cho đến khi ăn xong bữa tối với bố ai về phòng nấy tôi lại khóc tiếp trong đống chăn gối quấn quanh tôi và ngủ thiếp đi.

Dù nhà bác Kha vẫn có những bữa cơm trưa ngon lành, vẫn là cảnh gia đình ấm cúng, nhưng tôi biết những cảnh đó không thuộc về tôi, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ đứng bên ngoài, tôi càng ngày càng ganh ghét với Linh, tôi không thích đến nhà bác Kha nữa, dù ở nhà tôi cũng có gì vui đâu!

Một chiều đi làm về, bố sửa soạn quần áo của bố và tôi vào hai cái valy.  Tôi lẩn quẩn bên chân bố và luôn miệng hỏi:

– Chúng ta sẽ đi xa hở bố?

– Ừ, chúng ta sẽ về Texas thăm bà nội và cô Nga.

Tôi ngạc nhiên lẫn tò mò:

– Con không biết là mình có bà nội và cô Nga, con tưởng rằng trên cõi đời này nhà mình chỉ có bố, mẹ và con.

Bố tôi cười buồn:

– Ai cũng có họ hàng gần xa chứ, con có cả ông bà ngoại, nhưng họ đã từ bỏ mẹ con, nên họ chẳng bao giờ biết đến con đâu, còn bên nội con có bà nội và cô Nga, nhưng bố ít khi về thăm họ. Thôi, mai bố sẽ đưa con về.

Đêm ấy tôi đã ngủ vói một giấc mơ thật đẹp, hai bố con tôi về một vùng đất xa xôi nào đó bên Texas, tôi sẽ có bà nội có cô Nga, mọi người sẽ sống gần nhau chắc là vui lắm.  Dù tôi đã mơ thế, nhưng lần đầu gặp bà nội và cô Nga tôi vẫn rụt rè xa lạ.  Tôi luôn nắm lấy áo bố hay bàn tay bố trong khi bà và cô quấn quýt hỏi han bố đủ thứ, rồi bà và cô đều khóc, không biết họ hờn trách hay sung sướng khi gặp bố?  Xong bà nội ôm tôi vào lòng, bà ngắm nghía, vuốt ve từng lọn tóc, từng bàn tay tôi, bà bảo tôi con gái mà giống cha cao ráo.  Bà hôn lên má tôi, tôi cảm nhận được tình thương bà dành cho tôi, cả cô Nga cũng thế, cô trìu mến chăm sóc tôi, nên tôi bớt thấy xa lạ và quen dần với họ.

Hai ngày sau, tôi thấy bố sắp quần áo vào vali, tôi lo âu hỏi:

– Chúng ta lại về chốn cũ hở bố?

– Chỉ mình bố về thôi, con ở lại đây.

Tôi càng lo sợ hơn, tôi nói mà sắp khóc:

– Bố đừng đi, con muốn ở với bố.

– Bà nội và cô Nga thương con, con đừng sợ.

Bố khuyên tôi thế.

– Nhưng con không muốn xa bố. Tại sao chúng ta không sống như thế này mãi?

– Bố phải về đi làm để có tiền nuôi con chứ.

Bà nội tôi nước mắt ràn rụa cầm lấy tay bố tôi:

– Con của con mới 6 tuổi còn bé bỏng, nó đã không có mẹ chỉ còn cha thôi, hãy vì nó mà ở lại, công việc lao động của con ở đâu mà chẳng có, mấy năm nay mẹ cũng không được gần con, đừng đi đâu nữa.

Cô Nga cũng khóc theo và nói:

– Anh hãy ở lại đây, mẹ và em sẽ đỡ đần anh để cùng lo cho cháu.

Nhưng những giọt nước mắt chẳng làm bố tôi thay đổi.  Mới 2 ngày ở với bà và cô, dù tôi đang cảm thấy thân thương, nhưng bố vẫn là người gần tôi nhất.  Tôi đã quen thuộc với bố từng lúc vui buồn, những lần giận dữ, từng câu nói giọng cười, từng bữa ăn ngon, từng ngày bị bỏ đói.  Tôi vui khi ở với bà nội, cô Nga, nhưng tôi vẫn không muốn xa bố, hình như tình máu mủ ruột thịt làm tôi hiểu bố là người thân nhất, là nơi tôi cần nương tựa nhất.  Tôi ôm chầm lấy bố gào lên:

– Con không cho bố đi! Con không cho bố đi!

Bố hất mạnh tay tôi ra, tôi ngã lăn quay trên nền nhà.  Bố thương hại đỡ tôi dậy, giọng dịu lại:

– Rồi bố sẽ về thăm con, bố hứa sẽ về thăm con.

Tôi nghẹn ngào hỏi:

– Bao giờ bố về?

Bố nhìn lên tờ lịch trên tường:

– Bây giờ là tháng Mười, hai tháng nữa bố sẽ về, vào ngày Christmas, con chịu không?

Tôi đã xoè tất cả những ngón tay của mình ra và hỏi:

– Hai tháng là bao nhiêu ngày? Có lâu không?

– Là 60 ngày, mau lắm con. Bố sẽ mang về một cây Christmas để trang hoàng cho con xem, con thích cây Christmas lắm mà.

Mỗi mùa Giáng Sinh đã qua tôi đều say mê thích thú khi được ngắm những cây thông trang hoàng rực rỡ trong những cửa tiệm hay trên đường phố, đôi mắt trẻ thơ của tôi đã mở to ra như muốn mang tất cả những hình ảnh lung linh huyền diệu đó vào trong tâm hồn.  Lúc một vài tuổi thì tôi không biết, nhưng từ khi 4-5 tuổi, tôi chưa bao giờ có một cây Giáng Sinh trong nhà khi mùa lễ đến.  Tôi vừa chùi nước mắt vừa nói:

– Bố nhớ nhé, rồi chúng ta sẽ có một cây Christmas, con sẽ phụ bố để treo đèn. Bố ơi, có phải là đêm Giáng Sinh, ông già Noen sẽ chui từ ống khói để vào nhà và cho quà trẻ con, để dưới gốc cây thông không?

– Có đấy, nhưng bây giờ con phải ngoan để cho bố đi.

Tôi lại chùi nước mắt lần nữa để cho bố vui lòng, vì lời hứa hẹn trở về của bố vào mùa lễ Giáng Sinh với cây thông xinh đẹp.

– Vâng, bố xem này, con không khóc nữa đâu.

Vậy mà chỉ mười phút sau, khi bố vừa xách vali đi ra cửa, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng và sợ hãi trở lại, tôi chạy theo bố, nước mắt lại rơi ra:

– Bố ơi !

– Vào nhà với bà nội đi. Bố tôi gắt.

– 60 ngày nữa bố về nhé?

– Ừ, bố hứa rồi mà.

Tôi vẫn không muốn rời bố:

– Nhưng….nhưng….nếu bố quên, làm sao con nhắc bố được? Bố cho con số điện thoại của bố đi…..

Bố tôi bực mình đặt vali xuống đất, rút túi xé một mảnh giấy trắng nhỏ bằng bàn tay, viết vội vài con số rồi đưa cho tôi:

– Số điện thoại đây, thôi để bố đi.

Tôi nắm chặt tờ giấy như nắm chặt một báu vật, làm như tờ giấy mất thì tôi mất luôn cả bố.  Bà nội đã ôm tôi, cả hai bà cháu đều khóc.

Tối hôm ấy tôi hỏi bà nội: Bây giờ bố về đến nhà chưa?  Bà nói rồi, thế là tôi len lén vào phòng, đóng cửa lại.  Cầm phone lên tôi bấm đủ các số bố đã ghi trên mảnh giấy, với lòng rạo rực được nghe thấy bố nói, nhưng không ai trả lời, cõi lòng mơ hồ thất vọng, tôi nghĩ là bố đang trên đường trở về nhà hay bố đang ngủ nên không biết là tôi đã gọi.

Ngày mỗi ngày tôi đều lén vào phòng gọi phone cho bố, nhưng chẳng lần nào được gặp bố, tôi xấu hổ, sợ bà nội và vợ chồng cô Nga đọc thấy nỗi lòng mong đợi của tôi.  Tôi là đứa trẻ mỏng manh, yếu đuối, không đủ kiên nhẫn chờ đợi 60 ngày sau bố sẽ trở về.

Ngày nào tôi cũng hỏi bà nội còn bao nhiêu ngày nữa là Christmas, hình ảnh bố về với cây thông làm tôi náo nức.  Cho đến ngày cuối cùng thì cõi lòng tôi tan nát như một cái ly thủy tinh vừa bị đánh rơi trên nền gạch.  Bố không về như đã hứa, chỉ có cây thông của vợ chồng cô Nga, cây thông to đẹp, được trang hoàng đủ màu sắc nhưng vẫn không làm tôi vui, tôi cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi.  Tôi vẫn muốn liên lạc được với bố, để nghe bố nói hay giải thích tại sao, miễn là tôi vẫn cảm thấy bố đang ở bên cạnh tôi.  Tôi sợ mình đã không biết cách gọi phone, cuối cùng tôi đưa mảnh giấy ra nhờ bà nội và vợ chồng cô Nga gọi giùm, vẫn biệt tăm biệt tích, không biết bố ở đâu!

Bà nội thở dài:

– Cháu ơi, chắc bố cháu bận làm việc đấy. Thôi đừng gọi nữa, không Christmas này thì Christmas sau bố sẽ về.

Lòng tôi đã bớt náo nức chờ mong vì mùa sau xa xôi quá, 60 ngày qua tôi đã chờ đợi biết bao lâu! Tôi cũng không xoè cả hai bàn tay ra để đếm nữa, dù trong lòng vẫn hi vọng vào lời ước đoán của bà, nhưng mảnh giấy mà bố tôi xé vội để ghi số điện thoại, tôi vẫn giữ kỹ, vẫn tin đó là nhịp cầu duy nhất để nối liền tôi với bố, để tôi có thể gặp bố.

Chẳng phải chỉ mình tôi mong bố về mà bà nội và cô Nga cũng mong.  Nhưng đứa con hư của bà nội chẳng bao giờ trở về, mấy năm trời biệt tăm biệt tích, bà nội mới nhận được tin bố từ một người khác, họ báo tin bố tôi đã chết vì trúng gió, họ chỉ nói đơn giản thế.  Năm ấy tôi mới 10 tuổi, về sau tôi càng lớn càng biết nhiều về bố do bà nội và cô Nga kể lại.

Bà nội chỉ có hai người con là bố và cô Nga, vì bố là con trai nên bà nội rất cưng chiều, bố chẳng lo học hành, chỉ rong chơi cho tới lớn, rượu chè, cờ bạc và bồ bịch với đủ hạng người.  Bố ăn ở với một cô gái dân chơi bụi đời, bà nội ngăn cản không được, đành chịu thua số mệnh.  Bố mang người yêu đi sống ở một phương trời khác và từ đó chẳng hề liên lạc với bà nội cho tới ngày mang tôi về.

***************************

Tôi quả là một đứa trẻ bất hạnh khi có cả cha lẫn mẹ đều hư hỏng, nhưng tôi may mắn có bà nội và vợ chồng cô Nga.  Tôi đã xé nát mảnh giấy năm xưa có ghi số điện thoại của bố, mảnh giấy tôi đã giữ kỹ suốt 4 năm trời.  Đó chỉ là một sự lừa dối khủng khiếp, những con số đó không có thật, do bố bịa đặt ra, những lời hứa hẹn ngon ngọt chỉ để làm xiêu lòng một đứa trẻ lên 6, để bố được thoải mái ra đi, sống theo con đường của mình.

Theo lời chỉ dạy của bà nội, của vợ chồng cô Nga, tôi đã chăm chỉ học hành. Tôi nhận thấy đây là mái ấm gia đình của tôi, vợ chồng cô Nga đã liên tiếp có 2 đứa con, dù chúng cách tuổi tôi khá xa, nhưng chúng tôi vẫn thương yêu gắn bó nhau như chị em ruột.  Mỗi khi rảnh tôi hay ôm bà nội, thủ thỉ:

– Bà ơi, sau này cháu sẽ đi làm nuôi bà, cháu sẽ làm ra nhiều tiền để cho bà sung sướng.

Bà nội vuốt đầu tôi, âu yếm:

– Bà chỉ mong mỗi một điều được thấy cháu ăn học nên người, không hư hỏng như bố cháu, thì chết bà cũng vui.

Bà đã đạt được ước nguyện đó và còn chứng kiến ngày tôi lên xe hoa với một người chồng hiền lành tử tế, anh đến với tôi bằng tình yêu và được cả gia đình tôi hài lòng tin tưởng.  Bà nội tôi từ trần khi con tôi vừa một tuổi, trên gương mặt bà giây phút cuối còn hiện lên vẻ thanh thản mãn nguyện.

***************************

Cây thông tươi xanh được trang hoàng thật đẹp, những đèn đủ màu sắc, những sợi dây kim tuyến lấp lánh, và những tấm thiệp hớn hở treo đầy cành.  Vợ chồng tôi đều thích chưng cây thông tươi vào mỗi mùa lễ Giáng Sinh, như mang cả thiên nhiên vào căn nhà ấm cúng khi ngoài trời gió lạnh đầy. Có lẽ đây là cây Christmas mà thuở lên 6 tôi đã mong mỏi đợi chờ nơi bố, thì bây giờ tôi mang niềm vui và hạnh phúc đó cho con tôi, những gì mà khi xưa tôi không có, tôi đều bù đắp cho con nhiều lên, con tôi đâu hiểu rằng nó đang sống dùm tôi một quãng đời tuổi thơ mơ ước khát khao.

Đêm Chúa Giáng Sinh, hai vợ chồng và con tôi quây quần bên gốc cây thông để mở những gói quà xinh đẹp.  Tôi đọc thấy trong mắt con tôi cả một khoảng trời xanh ngây thơ và hạnh phúc.  Lòng tôi rạt rào niềm vui, niềm hãnh diện, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên quá khứ của tôi, không phải để oán trách bố mẹ, mà để thương cho những cảnh ngộ trẻ thơ như tôi.  Có biết bao đứa trẻ đã bị ghẻ lạnh, bị bỏ rơi trong những ngày lễ tết cuối năm đầy màu sắc tươi vui và nhộn nhịp này!!

Khi treo những cánh thiệp mang đầy lời cầu chúc, lời ước nguyện tốt lành trên cành cây Christmas, tôi đã nghĩ đến chúng.

Nguyễn Thị Thanh Dương

EMMANUEL – THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, cha đã phải hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn.”

Một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: “Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn”. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy.

Ngay hôm ấy, trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu giây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào:

– Alô, Cha John! Con muốn xưng tội với cha.

Vị linh mục tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình để ra đi. Ngài lên tiếng hỏi.

– Chuyện gì xảy ra cho anh vậy?

Nhưng anh ta trả lời:

– Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều.

Vị linh mục ngạc nhiên hỏi thêm:

– Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh?

– Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con.”

Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa:

– Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa?

Anh thanh niên chậm rãi giải thích:

Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình.

* * * * *

Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Trong một Thánh lễ, biết bao lần vị linh mục đọc lên cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị em,” nhưng thử hỏi có mấy lần lòng tôi bồi hồi xúc cảm vì sung sướng trước sự kiện này? Rất nhiều lần tôi nghe, đáp, hát, đọc những lời kinh nguyện có cùng một nội dung như thế, nhưng có mấy lần tôi cảm nhận được Thiên Chúa hiện hữu thật sự trong cuộc đời của mình? Tôi không có, phải chăng vì đã chưa đọc và nghe với tất cả tâm hồn?

Nếu thấu hiểu được thế nào là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” chắc chắn sẽ không có một tác nhân gì có thể làm cho con người phải run sợ bất an hay ưu sầu lo lắng.

Ngày xưa, khi Môisen đang chạy trốn người Ai-cập, tránh né bàn tay ác độc của Pharaô, Giavê đã hiện ra và bảo ông trở về đất Ai cập để giải thoát dân Israel. Trước một trách nhiệm lớn lao cùng bao hiểm nguy cho tính mạng như thế, Môisen can đảm lên đường, vì Thiên Chúa đã nói với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3:12).

Rồi khi Giêrêmia được Giavê kêu gọi ra đi làm tiên tri cho các dân tộc, ông đã tìm cách thoái thác: “Tôi đâu có biết nói năng gì. Tôi chỉ ú ớ như một đứa trẻ con.” Nhưng Chúa nói: “Đừng sợ, vì Ta ở cùng ngươi” (Gr 1:8). Với lời hứa ấy của Giavê, Giêrêmia lên đường.

Trong Tân ước, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi vào thế gian rao giảng Tin mừng. Sứ mạng chất đầy gian nan, không khác chi như chiên con đi giữa sói rừng. Ấy thế mà sự bảo đảm lại chỉ là một lời hứa: “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Vậy rồi các ông ra đi.

Sẽ không lời hứa nào bày tỏ trọn vẹn nỗi lòng yêu thương của một con người cho bằng lời hứa “ở cùng người yêu”, và sẽ không có nỗi lòng khát khao nào mãnh liệt cho bằng được “sống chung với người yêu”. Một chàng thanh niên có thể hứa với người con gái: “Anh sẽ mua cho em một chiếc nhẫn kim cương làm quà Giáng sinh; anh sẽ cố học thành tài để em không phải lam lũ sau này…”, nhưng nếu không có lời hứa “ở cùng em” thì vô ích hết. Cao điểm hạnh phúc trong ngày thành hôn của hai người nam nữ không phải nơi chiếc áo cưới lộng lẫy, cũng chẳng phải nơi chiếc nhẫn cưới hay lời chúc tụng của thân hữu đôi bên, nhưng là nơi giao ước tình yêu đã được thiết lập. Trong giao ước đó họ hứa “ở cùng nhau suốt đời.”

Một linh mục đã nhận xét: “ở cùng” chính là ngôn ngữ của tình yêu, vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở cùng.”

Vì yêu nên mới có việc Thiên Chúa đến “ở cùng” con người, mới có danh hiệu Emmanuel, mới có cảnh Giavê mang kiếp lầm than để thông chia nỗi đau của con người, và chưa hết, mới có danh hiệu Giêsu, nghĩa là Giavê cứu thoát.

Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn cứu thoát. Để cứu thoát, Ngài đã đến ở cùng. Có lẽ không nỗi đợi chờ hay một thoả mãn nào đáng giá hơn hình ảnh của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, hiện thân của tình yêu ở cùng.

* * * * *

Danh hiệu Emmanuel không chỉ gợi lên trong tôi ý thức về ân phúc tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, về những lời cầu chúc được lập đi lập lại trong các Thánh lễ đang cần được nói và nghe với tất cả tâm hồn, nhưng còn là lời mời gọi bạn và tôi hãy ở cùng tha nhân, hãy xích lại gần nhau và sống thân ái hơn trong tình người.

Như Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách, dù đó là sự ngăn cách vô biên–giữa Tạo hoá và loài thụ tạo, giữa trời cao với đất thấp, giữa vô hình và hữu hình–chúng ta cũng được mời gọi hãy phá đổ những ngăn cách giữa con người với con người, để việc tôi “ở cùng” tha nhân trong an hoà sẽ là một phản chiếu rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

LM. Bùi Quang Tuấn, CSsR.

MÁNG CỎ CU TÝ

Cu Tý học trường Lasan Taberd từ lớp hai.  Và ngay từ lớp hai, cu Tý đã được các sư huynh dạy giáo lý.  Tâm hồn tuổi thơ là tâm hồn thánh.  Tâm hồn ấy học những lời thánh thiện thì nhớ mãi và chỉ muốn làm những điều Chúa khuyên răn.  Bố cu Tý không theo tôn giáo nào.  Ông tự cho mình sung sướng và thích nói: “Hồn lưu lạc thờ chưa riêng một Chúa”.  Nhưng ông đã không thích cu Tý để hồn nó lưu lạc.  Trẻ con cần thiết có niềm tin.  Chúa bảo mọi người là anh em, mọi người phải thương yêu nhau, mọi người làm việc lành, tránh điều dữ.  Cu Tý tuân lời Chúa và rất buồn bã nếu bố cu Tý cứ đi đánh bài.  Cu Tý nghĩ rằng bố thua thì mẹ khổ, bố thắng thì mẹ những đứa trẻ khác khổ.  Gây khổ cho người ta là phạm tội.  Hễ ai phạm tội, chết sẽ bị xuống địa ngục.  Cu Tý tưởng tượng ra một địa ngục toàn lũ quỷ độc ác sẽ đánh đập bố.  Đôi bận bố vui vẻ, cu Tý hỏi bố những câu hát liên hệ tới Chúa, bố trả lời tử tế, cu Tý quả quyết bố sẽ lên thiên đường.

– Bố ơi, tại sao Chúa thiên tòa lại giáng sinh thấp hèn?

– Vì Chúa sinh ra đời ở máng lừa.  Chúa không được đặt trên một chiếc nôi êm ái.  Chúa không được bú sữa Guigoz.  Bấy giờ nhằm mùa đông, trời đầy tuyết.  Con biết tuyết chưa?  Giống lớp bông mỏng trong ngăn đá tủ lạnh và lạnh như đá.

– Ai đã sưởi ấm Chúa?

– Những vì sao trên trời.  Đó là mắt của Thượng Đế.

– Ai đã nuôi Chúa?

– Đức Mẹ.

– Nuôi bằng gì?

– Tình thương.  Tất cả những bà mẹ đều nuôi con bằng tình thương.  Ai được nuôi bằng tình thương, lớn lên sẽ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè, người tàn tật, người gặp hoạn nạn, người giúp việc và cả trâu bò, lợn gà, chim muông…  Và biết tha thứ mọi người, tha thứ cả kẻ định giết mình.

– Rồi Chúa có đi học không?

– Bố không thấy nói trong kinh Cựu Ước.

– Kinh Cựu Ước là gì?

– Là sách viết truyện cuộc đời Chúa.  Để bố nói tiếp:  Chúa là con nhà nghèo.  Người ta thường đối xử không tốt với những người nghèo.  Chắc thuở bằng tuổi con, Chúa cũng đi học và bị bạc đãi. Nên Chúa mới phó thác cho các sư huynh, các nữ tu lo việc giáo dục cả trẻ con có đạo lẫn ngoại đạo và làm cho trẻ con bình đẳng bằng cách mặc đồng phục.  Ở sân trường, Chúa muốn thế, trẻ con nhìn bạn bè mình giống mình thì chúng không tủi thân, không buồn bã.  Con nên nhớ rằng, Chúa đã có thời thơ ấu nghèo nàn, khổ sở.

– Chúa có chơi đùa không?

– Có.

– Chúa có đánh lộn không?

– Chắc chắn không.  Chúa chỉ bị đánh chứ không đánh lại.  Nên Chúa dạy:  Kẻ nào tát ta má bên trái, ta chìa má bên phải cho nó tát thêm.

– Con là con tát lại liền.

– Vì vậy mới có một Chúa.  Ngay cả một số linh mục bị người đời bình phẩm còn hằn học phẩm bình lại người đời, nữa là con.

– Bị bắt nạt, hẳn Chúa buồn lắm, bố nhỉ?

– Tuổi thơ của Chúa buồn như tuổi thơ Việt Nam.  Chúa không muốn tuổi thơ buồn bã.  Chúa muốn tuổi thơ hồn nhiên, sung sướng.  Ngày sinh của Chúa đã là ngày vui của trẻ con.  Và người vâng lệnh Chúa đem niềm vui đến cho trẻ con trong ngày Giáng Sinh là ông già Nô-en.

– Ông già Nô-en bao nhiêu tuổi?

– Một tuổi.

– Bố kỳ quá, ông già mà một tuổi!

– Đó là tuổi vui.

– Bố ơi!

– Ơi…

– Có phải Chúa ở khắp mọi nơi, Chúa thương hết mọi người?

– Ừ, Chúa ở khắp mọi nơi nhưng Chúa chỉ thương người thành thật, nghèo khổ.  Chúa ghét bọn giầu sang.

– Sao bố biết?

– Cu Tý thấy cái lỗ kim khâu áo rồi chứ?

– Dạ.

– Cu Tý thấy con lạc đà chưa?

– Ở ti vi, bố ạ ! Nó to gồ ghề.

– À, Chúa nói, con lạc đà có thể chui qua cái lỗ kim (vì nó hiền lành thành thật, chịu khó làm việc) nhưng bọn nhà giầu thì khó lên thiên đường (vì ham ăn diện và lo cách bóc lột nhà nghèo).

– Bố tin Chúa ở khắp mọi nơi không?

– Con tin không ?

– Tin.

– Vậy bố tin con.

– Chúa đang ở trên đầu con, Chúa đã nghe hết chuyện bố kể về Chúa cho con nghe, bố hén?

– Ừ

– Chúa sẽ thương con.

– Cu Tý sẽ lên thiên đường.

Câu chuyện về Chúa của bố con cu Tý khác hẳn những câu chuyện về Chúa của các linh mục.  Và không giống kinh sách.  Điều ấy, cu Tý chẳng cần hiểu.  Cu Tý chỉ biết Chúa là Chúa tể của muôn loài, muôn vật.  Chúa đủ quyền uy, phép Tích.  Chúa ở khắp mọi nơi.  Chúa thương người nghèo và không ghét người giầu.  Chúa thương nhất trẻ con.  Thuở thơ ấu, Chúa nghèo hèn, cô đơn.  Chúa ra đời ở máng lừa, khóc chào đời trên cỏ khô.  Chúa thương người nghèo nên cu Tý thương người nghèo. Cu Tý theo mẹ đi lễ ở nhà thờ thường bỏ vào hộp tiền “cứu giúp người nghèo” mười đồng.  Mẹ cu Tý ngoại đạo.  Đến nhà thờ nào cũng dâng hoa cung kính Đức Mẹ và xin đủ ân huệ.  Cu Tý thì không xin gì.  Chỉ mong được lên thiên đường.  Đó là những năm tháng cu Tý học lớp hai, lớp ba, lớp tư.  Năm nay, cu Tý học lớp năm.  Vẫn bé nhỏ, loắt choắt, khờ khạo và có vẻ… nghệ sĩ.  Vì có vẻ nghệ sĩ, thành thử, tâm hồn thường đi đá cầu, đá dế, đá cá, quên lời mẹ dặn, bị đánh đòn hoài.  Cu Tý bị đánh đòn hay kêu cầu cứu bố thảm thiết lắm.  Nhắc lại, năm nay, cu Tý học lớp năm, đứng hạng bình liên tiếp bốn tháng.  Trường của cu Tý tổ chức cuộc thi làm máng cỏ.  Sư huynh giám học bảo máng cỏ nào đẹp nhất sẽ được phần thưởng và máng cỏ được bầy trong tủ kính ở văn phòng nhà trường.  Cu Tý dự cuộc thi liền.  Dự thi với niềm tin trúng giải một cách ngây thơ và với hy vọng nhìn máng cỏ của mình bầy trong tủ kính và các sư huynh khen giỏi và Chúa mỉm cười trìu mến.

Mê Chúa vô cùng nhưng, buổi tối, khi vào giường ngủ, cu Tý quên cầu nguyện.  Có lẽ, cu Tý mệt với bài vở.  Trường Lasan Taberd bắt trẻ con học thật nhiều.  Tiểu học, học buổi chiều, đến trường lúc hai giờ trưa.  Tối về thường làm thêm, ít nhất, hai bài toán.  Nhiều hôm, cu Tý loay hoay với bài làm ở nhà tới mười một giờ đêm.  Nên vào giường, cu Tý lăn ra ngủ.  Hai đứa em của cu Tý chăm chỉ cầu nguyện hơn cả trẻ con có đạo . Con Ki và cu Đốm học trường nữ tu Công giáo.  Con Ki cầu nguyện Chúa giúp mẹ ngủ được, hết bệnh, hết càu nhàu.  Cu Đốm nghiêng tình thương về bố, cầu nguyện Chúa giúp bố… đánh bài “ăn” và muỗi đừng đốt chân cu Đốm vì cu Đốm sợ chân có sẹo.  Bây giờ mới là mười hai tháng chạp.  Miền Nam không có mùa đông.  Nhưng tuyết đang rơi trong tâm hồn cu Tý.  Hễ hai em cầu nguyện trước giờ ngủ, cu Tý vội bỏ bài vở, vô cầu nguyện với em.  Và nó cầu Chúa giúp nó làm cái máng cỏ đẹp nhất.  Cu Tý đã nhớ cầu nguyện. Vì cái máng cỏ.

Mỗi ngày, bố cho cu Tý hai chục uống nước.  Cu Tý uống chai xá xị mất mười đồng.  Từ hôm “ghi tên dự thi” làm máng cỏ, cu Tý nhịn uống.  Cu Tý dành tiền mua “vật liệu” kiến trúc cái máng cỏ đầu tiên trong đời cu Tý.  Trước hết là những tấm hình in rô nê ô về sự tích Giáng Sinh bán ở nhà sách trong trường.  Cu Tý “thanh toán” bài vở rất nhanh để loay hoay tô mầu lên hình Chúa và các thánh. Cu Tý hỏi bố cách tô mầu.  Bố dốt về mầu sắc.  Cu Tý hỏi mẹ.  Cu Tý có cái tật đáng ghét ghê đi.  Là làm hỏng cái gì thì ngồi khóc.  Cu Tý cắt hình bị lẹm, ngồi khóc.  Y như cu Tý làm bài, học bài.  Bố cu Tý hỏi han, rõ chuyện phải an ủi :

– Con làm đi làm lại nhiều lần mới đẹp.  Giải thưởng thường về tay những người kiên nhẫn.  Nước chảy đá mòn, cu Tý ạ!

Cu Tý lau nước mắt.  Hôm sau, mua về một xấp hình.  Cu Tý ngỏ ý nhờ bố mẹ tô mầu giúp.  Bố nói :

– Bố tô cũng được và sẽ đẹp nhưng con sẽ bớt vinh dự nếu máng cỏ của con trúng giải nhất.  Hãy tự con làm một máng cỏ đẹp nhất như tự bố, bố đã làm lấy cuộc đời bố.

– Chúa có giúp con không?

– Con cứ giúp con trước đã, Chúa sẽ giúp sau.

Cu Tý học lớp năm, sắp lên trung học rồi, nên hiểu lời bố.  Cu Tý không nhờ vả bố mẹ nữa.  Cu Tý thức khuya tô mầu hình Chúa và các vị vua từ phương Đông.  Hỏng.  Xé bỏ.  Khóc.  Nín.  Tô hình mới.  Cuối cùng cu Tý đã có những tấm hình có chân dán tô mầu thật đẹp, cắt thật hay, cần thiết cho sự trang trí bên trong máng cỏ.  Cu Tý hài lòng. Cu Tý cười nói huyên thuyên.  Để đền ơn hai em không phá nghịch, cu Tý mua xí muội tặng cu Đốm và đậu phụng da cá tặng con Ki.  Đã đến lúc cu Tý lo cái nền máng cỏ.  Cu Tý nhờ bố bắc thang leo lên gác xép kiếm miếng gỗ mỏng.  Cu Tý lục lọc tung cả gác xép.  Bị mẹ cho ăn roi.  Mông cu Tý nổi hình con lươn đỏ.  Bố vắng nhà không “can thiệp” kịp.  Cu Tý dấu chuyện ăn đòn.  Chờ bố về, cu Tý tán bố:

– Bố ạ, nhà mình chẳng có miếng gỗ mỏng nào.  Đằng sau cái khung ảnh của con là miếng các tôn dầy cộm, con lén mẹ gỡ ra làm cái nền máng cỏ được không hả bố:

– Rồi lấy gì thay thế?

– Dự thi xong con đem về, gỡ ra, lắp vô như cũ.

– Con sẽ trúng giải nhất mà.

Cu Tý ngây người ra giây lát.  Bố xoa đầu cu Tý :

– Thì gỡ đi.  Bố nhận tội giùm con.

Cu Tý cười:

– Con chịu nổi năm roi, bố ạ!

Cu Tý tháo miếng các tông sau khung ảnh chụp cu Tý đứng ở bãi biển Vũng Tầu làm cái nền máng cỏ.  Cu Tý cuốc bộ lên Tân Định mua giấy bạc làm hang đá, mua cỏ nhuộm nhân tạo làm cỏ máng lừa nơi hang Bê lem.  Cu Tý mua cả cây “sa panh” nhỏ xíu lốm đốm tuyết trắng.  Cu Tý “sáng tác” thêm cái cột trên nóc hang đá và cột thêm nhiều cành để máng sao và các thiên thần do cu Tý vẽ và tô mầu.  Bố cu Tý ngạc nhiên:

– Hang đá và máng cỏ của con lạ thật.

Cu Tý nói :

– Con làm theo bài hát, bố ơi : “Nghe trên không trung, tiếng hát thiên thần vang lừng…”

Bố khen máng cỏ đẹp, mẹ không có ý kiến.  Con Ki chê dở ẹt.  Cu Đốm bảo máng cỏ sẽ chiếm giải bét ăn bánh tét.  Cu Tý buồn lắm.  Khi cu Tý bảo mẹ.

– Con sẽ chiếm giải nhất, mẹ ạ!

Mẹ xua tay:

– Con sẽ chả được cái giải gì đâu.

Cu Tý càng buồn hơn.  Và càng buồn thì buổi tối cu Tý cầu Chúa càng lâu hơn.  Cu Tý tin tưởng máng cỏ của cu Tý sẽ nhất.  Bố đã nói lời Chúa dạy với cu Tý: “Kẻ nào có niềm tin bằng hạt cát sẽ di chuyển được trái núi từ chỗ này qua chỗ khác”.  Cu Tý có niềm tin to bằng cái máng cỏ của cu Tý.

Trước ngày đem máng cỏ nộp sư huynh giám học, cu Tý hỏi ý kiến bố:

– Bố nói thật đi, máng cỏ của con xấu lắm phải không bố?

Bố gật đầu:

– Máng cỏ của con không đẹp.

– Con thôi dự thi nhé?

– Con nên đem dự thi.  Bố có thể nhờ thợ làm hay đi đặt cho con một cái máng cỏ thật đẹp, thật đắt tiền, thật lộng lẫy; bố cũng có thể làm giúp cho con chiếm giải.  Nhưng bố đã nói với con về cuộc đời ấu thơ của Chúa.  Chúa đâu có ra đời ở chỗ giầu sang lộng lẫy.  Mà Chúa ra đời ở chỗ thấp hèn, ở cái máng cỏ đơn sơ hơn cái máng cỏ của con.  Cu Tý, nhà mình không theo đạo Công giáo nhưng mẹ con và các em đều thờ phụng Chúa.  Và con đã làm cái máng cỏ đúng ý Chúa nhất.  Con đã làm cái máng cỏ bằng tấm lòng của con, bằng cả sự… chịu đòn vọt.  Con đã học giáo lý, đã biết Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa đã ở nhà ta, đang ở nhà ta.  Chúa đã nghe bố con mình nói về Chúa, đã theo dõi con làm cái máng cỏ kỷ niệm sinh nhật Chúa, đã thấy con khóc khi tô mầu hình Chúa, đã thấy con cười khi cắt hình Chúa, đã thấy con bị đòn đau vì tâm hồn con để hết vào cái máng cỏ.  Cuối cùng, Chúa thấy một điều làm Chúa sung sướng là, đứa trẻ ngoại đạo làm cái máng cỏ đơn sơ tặng Chúa, đồng thời, nó biết làm sáng danh Chúa.  Và bố tin chắc cái máng cỏ của con sẽ chiếm giải nhất.  Chúa phát giải cho con.

Cu Tý mở tròn mắt, há hốc miệng nghe bố nó.  Cu Tý ngồi bất động.  Tâm hồn cu Tý bay lên trời cùng với chiếc máng cỏ.  Tâm hồn cu Tý gặp thiên thần.  Và các thiên thân dẫn cu Tý mang quà sinh nhật dâng lên Chúa.  Chúa xúc động.  Chúa khóc …

Duyên Anh
13.12.1972

NHỮNG CA KHÚC GIÁNG SINH ĐƯỢC ƯA CHUỘNG

SILENT NIGHT – ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG

Năm 1817 cha Joseph Mohr, lúc đó mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicholas ở miền Oberndorf nước Áo.  Cậu Mohr ngay từ lúc thiếu thời đã say mê âm nhạc, đã được đặt làm người phụ trách âm nhạc tại một nhà thờ nhỏ; có lúc cậu đã sáng tác thơ và đặt lời cho các bài ca trong các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường.  Khi trở thành linh mục, cha Mohr làm việc không biết mệt mỏi trong các công tác từ thiện phục vụ thanh thiếu niên con các gia đình nghèo khó trong vùng.

Một ngày mùa đông năm 1818, cha Mohr đang cố công hoàn thành mọi sửa soạn cho thánh lễ Giáng Sinh, một nghi lễ mà cha đã hoạch định trước cả tháng.  Mọi thứ đều đã xong xuôi, từ bài hát cho đến bài giảng.  Nhưng lúc cha dọn dẹp thánh đường mới khám phá ra một trở ngại tưởng không thể khắc phục được: đó là chiếc phong cầm của nhà thờ bị hư.  Nóng lòng, cha lui cui hàng giờ đánh vật với hàng phím, với bàn đạp của chiếc đàn, có lúc bò cả ra phía sau để mong tìm ra chỗ hư hỏng.  Bất chấp mọi khó nhọc của cha, chiếc đàn vẫn nằm ỳ ra không lên tiếng, im lặng chẳng khác cái lặng lẽ của một đêm đông giá lạnh.

Nhận thấy không thể làm gì hơn được, vị linh mục ngừng lại và cầu nguyện.  Cha cầu xin Chúa cho cha tìm được một giải pháp nào để đem được âm nhạc đến với giáo dân trong một ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm.  Có lẽ cha đã tìm được đáp ứng cho lời cầu nguyện của cha phát sinh từ những sự việc xảy ra cách đấy gần cả hai năm.

Năm 1816, lúc phục vụ tại một thánh đường tại Mariapfarr, cha Mohr đã viết một bài thơ mừng Chúa Giáng Sinh.  Bài thơ gồm 6 khổ, cha cảm hứng sáng tác trên đường đi bộ từ nhà ông nội đến nhà thờ.  Tuy có cho vài người bạn bè xem bài thơ, nhưng cha chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phổ biến hoặc có ý định đem ra phổ nhạc.  Khi được đổi đến xứ đạo Oberndorf, cha mang theo bài thơ cùng với số vật dụng ít ỏi của cha.

Tìm lại bài thơ “Still Nacht! Heilige Nacht!” (Đêm Yên Lặng! Đêm Thánh!) trên bàn viết, cha đọc lại lúc này đã hai năm sau ngày sáng tác.  Từ trước đến nay, những vần thơ đó dường như không mấy quan trọng đối với cha, nhưng lúc này đọc lại, cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hy vọng.  Bỏ bài thơ vào túi áo cha vội vã ra khỏi nhà.  Chỉ còn mấy giờ nữa là thánh lễ nửa đêm bắt đầu, vị linh mục băng qua những đường phố đầy tuyết phủ.

Cũng vào buổi chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học.  Mặc dầu đã theo học phong cầm với giáo sư nổi tiếng Georg Hardobler, Gruber cũng chỉ chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé.  Đang miên man với mấy nốt nhạc trên chiếc đàn thì ông ngạc nhiên nghe tiếng gõ cửa và thấy cha Morh bước vào.  Ông nghĩ thầm giờ này thì cha đáng lẽ phải ở nhà thờ sửa soạn dâng thánh lễ, có đâu rảnh mà dạo quanh thăm viếng bạn bè.

Sau câu chúc mừng Giáng Sinh vội vã, vị linh mục hối hả kéo ông giáo làng tới chiếc bàn nhỏ trong phòng và ra dấu bảo ngồi cạnh mình.  Bằng giọng nói rõ ràng là nản chí, cha kể cho ông nghe nỗi khó khăn trước mặt.  Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:

– Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có đàn thì ta chơi guitar vậy.

Rồi vị linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm:  Không còn nhiều giờ nữa đâu.

Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật dầu.  Ánh mắt và nụ cười của ông chứng tỏ ông chấp nhận thử thách đó. Tin tưởng là Chúa đã sắp đặt mọi sự, cha Mohr vội vã băng qua những đường phố ngập tuyết trở về nhà thờ, bỏ lại Gruber một mình ngồi đó với bao nhiêu ý tưởng, trước một chiếc đồng hồ đang tích tắc kêu và một lời cầu mong xin tìm ra hứng khởi.

Mấy tiếng đồng hồ sau hai người gặp nhau tại nhà thờ.  Trong ngôi thánh đường có ánh đèn tỏa sáng, Gruber đưa cho vị linh mục coi bản nhạc của mình.  Linh mục chấp thuận, dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn đang chờ đợi tập dượt.  Công trình tưởng chừng phải mất cả tuần lễ thì nay chỉ cần mấy tiếng đồng hồ là xong.  Không có nhiều thời giờ tập dượt, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.

Trong thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber đứng trước bàn thờ giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người.  Họ đâu ngờ rằng “Still Nacht! Heilige Nacht!” không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng Sinh năm sau trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được ca hát khắp thế giới gần hai trăm năm sau nữa.

Mấy tuần lễ sau ngày tết dương lịch, anh chàng Karl Mauracher chuyên chế tạo và sửa đàn phong cầm ngụ tại vùng thung lũng Ziller, đến nhà thờ St. Nicholas để sửa đàn cho cha Mohr.  Trong lúc anh lui cui sửa chữa, cha Mohr đem câu chuyện cha đã dùng đàn guitar để chơi một bản nhạc phổ bài thơ cũ để cứu vãn đêm lễ Giáng Sinh vừa qua.  Cha hát cho anh chàng này nghe bản nhạc đó, tin tưởng là Chúa đã nghe lời cha nguyện cầu.  Thích thú vì bản nhạc, anh chàng Karl lấy giấy ghi xuống bài ca và học thuộc lòng các nốt nhạc.  Những năm sau, theo với nghề nghiệp phải đi đây đi đó, anh giới thiệu bản nhạc này với nhiều đô thị và thánh đường.

Vào thế kỷ 19, ở nước Áo và nước Đức có nhiều nhạc sĩ du ca.  Mỗi nhóm du ca gồm các thành viên trong cùng một gia đình thường không chỉ hành nghề ca hát mà còn làm những việc chuyên biệt khác để có tiền chi dụng trong lúc di chuyển từ nơi này sang nơi khác.  Năm 1832, nhóm du ca thuộc gia đình Stasser xuất hiện tại một cộng đồng nhỏ nơi anh chàng Mauracher đang ráp đặt một chiếc phong cầm.  Trong thời gian ở đó, nhóm du ca này học được bài “Still Nacht!.”  Mấy tuần sau, tại một buổi trình diễn tại Leipzig, nhóm du ca này trình bày bản “Still Natch!” trước một đám thính giả rất đông đến coi hội chợ.  Nhận thấy bản nhạc này mang một sứ điệp tinh thần sâu xa, hoàng đế nước Áo William IV truyền cho ca đoàn nhà thờ chính toà của ông ca bản nhạc này trong nghi lễ Giáng Sinh hàng năm.  Một phần cũng vì lòng ưu ái đó của nhà vua mà nhạc bản này lan tràn ra khắp miền đông Âu rồi tràn qua Anh quốc.

Tháng 12 năm 1839 một nhóm du ca khác thuộc gia đình Rainer tới Nữu Ước.  Một phần chương trình của họ là trình bày bản “Still Natch!” bằng Anh ngữ (Silent Night!) trước một cử tọa rất đông đảo tại thánh đường Chúa Ba Ngôi.  Bản nhạc trở thành phổ thông và được rất nhiều ca đoàn hát trong các nhà thờ.  Vào thời kỳ nội chiến ở Mỹ, bản nhạc “Silent Night” trở thành bài ca Giáng Sinh phổ biến nhất.  Trong trận chiến giữa hai miền Nam Bắc, không hiếm thấy cảnh ngưng chiến bốn ngày trong dịp lễ Giáng Sinh, binh sĩ giữa hai miền thù nghịch cùng buông súng, tụ họp lại để dự lễ, đọc Thánh kinh, chia sẻ quà cáp, và cùng ca bài “Silent Night”.

Bài hát càng được phổ biến thì nguồn gốc càng bị phân hoá.  Có nhiều lúc các nhà xuất bản gán cho tác giả bản nhạc này là một trong các nhạc sĩ đại tài như Bach, Beethoven hoặc Handel.  Chỉ mãi tới khi Franz Gruber gửi tới các báo và các nhà xuất bản bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc đích thực mới được công nhận.  Mặc dầu vậy, nhiều giai thoại về lời ca của bản nhạc vẫn còn truyền tụng.

Cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1848 trước khi được công nhận là tác giả bài thơ được phổ nhạc.  Cha mất nên không thể chứng minh câu chuyện, do đó mới có truyền thuyết kể rằng bài thơ đã đuợc viết ra vội vã sau khi khám phá thấy rằng chuột đã cắn hại chiếc phong cầm, chứ không phải thực ra là chiếc đàn đã rất cũ và bị hư hại vì thời tiết quá lạnh.  Truyền thuyết này được nhiều người công nhận, thật ra có vẻ tiểu thuyết hơn là sự thực.

Vào cuối thập niên 1800, bản “Silent Night” đã được phiên dịch ra khoảng hơn 20 ngôn ngữ khác nhau và là nhạc bản không thể thiếu trong các lễ hội Giáng Sinh trên khắp thế giới.  Sang đến thế kỷ 20, nhạc bản này đã đi ra khỏi các giáo đường, hội nhập với những tập tục Giáng Sinh khác.  Vào năm 1905 bản nhạc Silent Night được thu âm lần đầu tiên do ban nhạc Haydn Quartet.  Đó mới chỉ là khởi đầu, sau đó bản nhạc đã được thâu âm cả ngàn lần do các ban nhạc khác nhau trên khắp thế giới. Tới năm 1960, Silent Night đuợc công nhận là bản nhạc được ghi âm nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc.

Mặc dầu với tính cách phổ thông như vậy, trong tâm trí nhiều người, bản Silent Night được viết ra lúc khởi đầu chỉ là một nhạc bản giản dị, một khúc ngợi ca.  Được sáng tác để làm cho nghi thức mừng lễ Giáng Sinh có ý nghĩa hơn, bản nhạc xưa cũ này vẫn còn mạnh mẽ và tươi mát như lần đầu tiên được hát lên trong ngôi thánh đường nhỏ bé nơi nước Áo xa xôi.  Như một lời cầu xin được đáp ứng, Silent Night chỉ với mấy câu thơ ngắn ngủi cũng đủ mô tả được câu chuyện Giáng Sinh của đấng Cứu thế trong máng cỏ nghèo nàn.

Ghi chú:
1. Bản nhạc này đã được nhạc sĩ Hùng Lân “Việt hoá” từ hơn nửa thế kỷ trước tại Việt nam và được hát trong các thánh đường Công giáo cũng như trên các đài truyền thanh truyền hình từ đó đến nay trong mùa lễ Giáng Sinh.  Ông không chuyển dịch bài ca nhưng đặt lời hoàn toàn mới, dùng những từ ngữ văn chương như “xe chữ đồng, ơn châu báu không bờ bến, nhắp chén phiền, vương phong trần, tuyết sương mịt mù…” Sau đây là lời ca do ông đặt:

Đêm Thánh vô cùng, Giây phút tưng bừng, Đất với Trời xe chữ đồng.
Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ.  Canh khuya Giáng Sinh trong chốn hang lừa.
Ơn châu báu không bờ bến, Biết tìm kiếm của chi đền.
Ôi Chúa Thiên đàng, Cảm mến cơ hàn.  Nhắp chén phiền, vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình, Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành.
Ai ham sống trong lạc thú, Nhớ rằng Chúa đang đền bù.
Tinh tú trên trời, Sông núi trên đời.
Với Thánh thần mau kết lời, Cao rao Hóa công đã khéo an bài.
Sai con hiến thân mong cứu nhân loại, Hang chiên máng rêu tạm trú, Bốn bề tuyết sương mịt mù.

2. Bản Anh ngữ:

Silent night, Holy night, All is calm, all is bright.
‘Round yon virgin mother and child!
Holy infant so tender and mild, Sleep in heavenly peace, Sleep in heavenly peace.
Silent night, Holy night
Shepherds quake at the sight
Glories stream from heaven afar, Heavenly hosts sing “Alleluia”
Christ the Savior is born. Christ the Savior is born.
Silent night, Holy night
Son of God, love’s pure light, Radiant beams from Thy holy face .
With the dawn of redeeming grace. Jesus, Lord at thy birth.

Phạm Hoàng Nghị

VỞ KỊCH CÒN DANG DỞ

Nathaniel Hawthorne là một văn sĩ người Mỹ, vào năm 1864 ông mất đi mà trên bàn viết vẫn còn bản phác thảo của một vở kịch mà không may ông chưa hoàn tất được. Vở kịch này tập trung vào một nhân vật chưa hề xuất hiện trên sân khấu. Mọi người đều nói, đều mơ, đều chờ đợi nhân vật này đến nhưng vị ấy chẳng hề đến. Tất cả các nhân vật phụ đều đồng loạt mô tả nhân vật chính ấy. Họ kể cho mọi người nhân vật chính ấy sẽ như thế nào, sẽ làm những gì. Tuy nhiên nhân vật chính ấy đã chẳng xuất hiện.

* * * * *

Bạn thân mến! Toàn bộ Cựu ước cũng giống như vở kịch của Nathaniel Hawthorne bởi vì Cựu ước chấm dứt mà không có đoạn kết.

Trên dòng sông Giôđan có một khúc cạn nước, cách Biển Chết không xa. Như người ta còn ghi nhớ, đây là chỗ băng qua sông thuận tiện cho các đoàn tuần hành có xe ngựa kéo, các thương buôn và các du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ðây cũng là chỗ đại chúng thường gặp gỡ nhau để trao đổi đủ thứ tin tức từ khắp mọi nơi. Chính tại chỗ này, Gioan Tẩy Giả đã rao giảng và rửa tội cho dân chúng. Ông cũng bận áo da thú giống như các tiên tri thuở xưa. Và đám dân bắt đầu thắc mắc: “Ông này là ai vậy? Ông ta có phải là Ðấng Mesia được Chúa hứa không? Hay ông là vị sứ giả dọn đường cho Ðấng Mesia?”

Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu sẽ trả lời cho những câu hỏi này.

Ngài nói với dân chúng: “Gioan là kẻ mà Thánh Kinh đã nói: Ta sẽ sai sứ giả Ta đi trước con để mở đường cho con”. Chúa Giêsu cũng trả lời câu hỏi khác mà đám môn đệ của Gioan Tẩy Giả đặt ra cho Ngài: “Có phải Ngài là Ðấng mà Gioan bảo sẽ phải đến, hay chúng tôi còn phải mong chờ Ðấng khác?” Ðể trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu liền trưng ra những lời của tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Khi nói về Ðấng Mesia, Isaia bảo rằng những dấu hiệu sau đây sẽ là bằng cứ xác nhận lai lịch vị ấy: “Người mù sẽ thấy được và người điếc sẽ nghe được. Kẻ què sẽ nhảy múa và người câm sẽ reo vui”.

Chủ ý của Chúa Giêsu thực là rõ ràng. Ngài trình bày ra những phép lạ Ngài đã làm: cho người mù thấy, kẻ điếc nghe, người què bước, kẻ câm nói được. Ðây là những dấu hịêu mà các lời tiên tri báo trước rằng sẽ phải ứng nghiệm khi Ðấng Mesia đến.

Như vậy, bài Phúc Âm hôm nay muốn nói gì cho anh chị em cũng như cho tôi? Xin thưa đó là một sứ điệp: Chúa Giêsu là Ðấng Mesia đã được các vị ngôn sứ tiên báo và Ngài đã thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên trần gian đúng như các tiên tri báo trước. Tuy nhiên Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta nhiệm vụ hoàn tất vương quốc ấy. Ngài giao phó cho chúng ta việc xây dựng nước Chúa trên trần gian này. Vào lúc thế mạt, Chúa Giêsu sẽ trở lại để phán xét chúng ta về công việc này.

Người Roma xưa có thờ một vị thần tên là Janus. Từ đó chúng ta có danh từ January (tháng giêng). Vị thần này được các họa sĩ mô tả bằng hình đầu người có hai mặt: một mặt nhìn về đằng sau, mặt kia nhìn về đằng trước. Mùa vọng cũng tương tự như thế. Nó nhìn về hai phía: một đàng nhìn lại lần giáng sinh đầu tiên của Chúa Giêsu trong lịch sử, đằng khác là hướng đến cuộc tái giáng lâm của Ngài vào cuối lịch sử.

Anh chị em cũng như tôi đang đứng ở giữa hai biến cố lịch sử trọng đại này. Phận vụ chúng ta không phải là cứ lè phè ngồi chơi trên đỉnh đồi ngoái cổ về đằng sau và ngóng trông về đằng trước, mà phải xăn tay áo lên dấn thân vào công việc Chúa Giêsu đã trao phó cho chúng ta khi Ngài đến lần đầu tiên trong lịch sử.

Nói một cách cụ thể, điều này có ý nghĩa gì? Nghĩa là chúng ta phải xây dựng nước Chúa trên trần gian, phải đem yêu thương lắp đầy ganh ghét, đem thứ tha che phủ hận thù, đem chân lý thay cho giả trá, đem sự cảm thông Kitô giáo thay cho sự vô cảm lạnh lùng. Tóm lại, chúng ta phải xây dựng một kiểu thế giới mà chính Chúa Giêsu sẽ dựng xây nếu Ngài ở vào vị trí chúng ta.

Ðó chính là sứ điệp trong các bài đọc hôm nay. Sứ điệp ấy minh chứng Chúa Giêsu là Ðấng Mesia, Ngài sẽ trở lại vào chung cuộc lịch sử và sẽ phán xét chúng ta về việc chúng ta đã xây dựng nước Chúa trên trần gian này như thế nào.

* * * * *

Vậy chúng ta hãy kết thúc bài chia sẻ này với lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, là Ðấng Mêsia cũng là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa đã đến trần gian đầy ganh ghét này để giúp chúng con xây dựng nó thành thế giới của tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Chúa đã đến với chúng con để giúp chúng con cũng biết đến kẻ khác.

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Chúa hiểu chúng con, ngay cả khi chúng con không hiểu được chính mình.

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Chúa luôn luôn ở với chúng con cho dù chúng con không luôn luôn sống với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Thiên Chúa là Cha chúng con, bởi vì chính Chúa đã đối xử với chúng con như anh chị em của Chúa. Amen 

LM. Mark Link, S.J.

ĐIỀU KỲ DIỆU NHỎ TRONG ĐÊM GIÁNG SINH

Vào Giáng Sinh năm 1914,  giữa cao điểm của trận thế chiến thứ nhất, sau nhiều tuần lễ giao chiến một bên là quân Đức còn bên kia là quân Anh, Pháp và Bỉ, có biết bao quân lính đã ngã gục. Binh lính của hai phe tại mặt trận miền Tây đã hạ súng để cùng nhau ăn mừng đêm Thiên Chúa ra đời.

Bắt đầu chỉ có một giọng ca đơn độc được cất lên : “Stille Nacht, Heilige Nacht… – Silent night, Holy night – Đêm Thánh vô cùng, đêm yên bình…” trên bãi chiến trường đang đẫm đầy máu và đầy khói súng.  Tiếng ca bắt đầu trông thật lẻ loi tội nghiệp.  Không đầy một trăm mét đối diện, dưới các lũy hào, quân Anh vẫn bất động im lặng không phản ứng.  Tuy nhiên bên này chiến hào, quân Đức lại sôi nổi lên: một vài người, hàng trăm, và cuối cùng thì đến hàng ngàn người cùng ngân cao “Stille Nacht, Heilige Nacht… – Silent night, Holy night – Đêm Thánh vô cùng, đêm yên bình…”

Khi âm thanh cuối cùng được chấm dứt, chỉ sau một phút yên lặng bỗng có tiếng vỗ tay cùng những tiếng la hú vang vọng không phải từ một mà đến cả ngàn người từ chiến tuyến quân Anh: “Good, old Fritz” và “Encore, encore” hoặc “More, more” “nữa, nữa”.

Để đáp lại quân Anh cũng hòa mình theo niềm vui mà cùng cất cao tiếng hát “Merry Christmas, Englishme”.  Để chứng minh cho những tiếng la vang: “Chúng tôi không bắn, anh cũng không bắn” quân Anh đã cho đặt những cây đèn sáp được thắp sáng trên khắp chiến hào.

Qua ánh sáng lờ mờ của ánh đèn sáp, bên chiến hào Đức có bóng người đàn ông đứng lên.  Với giọng ca thật mạnh và thật đúng điệu Anh, anh ta vừa đi vừa hát bài ca của Placide Cappeau, bài ca mà ngay cả một đứa bé nhỏ bên Anh cũng biết, nay lại được một người của quân thù, của một người Đức hát cao đã làm quân Anh thật xúc động.  Anh ta  từ từ tiến đến chiến hào của quân Anh:

– Tôi là một Trung Úy của quân Đức, hỡi các bạn, mạng sống của tôi hiện nằm trong tay các bạn. Tôi đã ra khỏi chiến hào và đang đi đến các bạn.  Xin gửi một sĩ quan đến gặp tôi trên nửa đoạn đường.

Dần dần hình bóng của viên Trung Úy càng hiện rõ ra, hàng trăm họng súng chĩa thẳng đến anh.  Bỗng nhiên bên chiến hào Anh lại có một người đàn ông trèo lên chiến hào rồi chui qua hàng rào kẽm gai.  Nay thì không còn mệnh lệnh nào có thể ngăn chận anh người Anh này lại được nữa.  Anh ta tiến thẳng đến viên Trung Úy người Đức.  Họ cùng nhau bắt tay, ôm nhau, miệng nói tay thì vất súng xuống đất.

Quân Đức làm tiếp thêm một việc thật ngoạn mục.  Đem quà sang tặng cho quân Anh:  Một cành thông Giáng Sinh đã được thắp sáng sẵn bởi những ngọn đèn sáp được đem đến tận chiến hào quân Anh.  Súng vẫn không nổ.  Suốt đêm quân lính ca hát những bài Giáng Sinh tùy theo ngôn ngữ của mình, họ chia nhau thức ăn, điếu thuốc lá hoặc ngụm rượu mạnh cho ấm bụng để cùng nhau mừng đêm Chúa ra đời.

Qua ngày hôm sau, họ dành thì giờ để chôn cất quân lính tử trận lâu nay bị tuyết lấp phủ, ngồi tâm sự chuyện gia đình, cho nhau xem hình ảnh của vợ con hoặc cùng nhau đá banh.  Quân lính bỗng nhiên nhận ra và cùng nhau nhất trí : “Chấm dứt chiến tranh”.  Chúng tôi chỉ muốn được sống, muốn được trở về nhà cùng gia đình mà thôi.

Sau hai ngày vui đùa thoải mái thì lệnh trên từ hai phía được truyền xuống: chấm dứt cuộc ngưng chiến.  Ai không thi hành sẽ bị xử lý tại chỗ.  Binh lính lại giao hẹn với nhau là chỉ bắn lướt qua đầu mà thôi.  Tuy nhiên giao hẹn chỉ được thi hành nội trong một ngày duy nhất, sau đó thì đâu lại vào đấy.  Họ tiếp tục chém giết nhau.  Cuộc chiến vô lý đã làm thiệt mạng một triệu người đến năm 1918 mới được chấm dứt.

“Stille Nacht, Heilige Nacht… – Silent night, Holy night  – Đêm Thánh vô cùng, đêm yên bình…” chỉ với bài ca ngắn, không nhiều, chỉ cần một đêm ngắn ngủi nhưng biết bao sinh mạng đã được cứu thoát.  “Stille Nacht, Heilige Nacht… – Silent night, Holy night – Đêm Thánh vô cùng, đêm yên bình…” đúng là một đêm kỳ diệu cho những người lính bé nhỏ vô tội.

“Der kleine Frieden im Grossen Krieg” – Michael Jungs
Phương Tôn chuyển dịch

*************************

Lạy Chúa Hài Đồng, một Mùa Giáng Sinh lại về, trên thế giới đó đây vẫn còn những tiếng súng ầm vang với  những cuộc chiến có lý và vô lý, vẫn còn đó với những người lính bé nhỏ vô tội xa nhà, xa vợ con trong ngày Giáng Sinh huyền nhiệm.  Xin sự bình an ngày Chúa Cứu Thế Giáng Sinh  đến với mọi tâm hồn, xin cho mọi người biết yêu thương nhau, biết chia sẻ miếng cơm manh áo,  miếng kẹo, ngụm rượu, biết hạ súng như những người lính Đức – Anh năm xưa.  Xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết hạ lòng tự ái, từ bỏ những tham lam ích kỷ để nghĩ đến hạnh phúc của tha nhân.

“Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14)

MẸ VÔ NHIỄM

Trên toà giảng, vị linh mục cầm một tờ 20 mỹ kim mới toanh giơ cao trên tay.  Ông nhìn quanh nhà thờ và hỏi: “Ai muốn tờ 20 mỹ kim này?”  Nhiều cánh tay vội vàng giơ lên. “Đợi một chút”.  Nói rồi, vị linh mục vo tờ bạc lại thành một nắm, rồi giơ cao lên và hỏi tiếp: “Ai còn muốn tờ bạc này?”  Vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên.  Ông nhìn quanh rồi hỏi: :”Nếu tôi sẽ làm thế này thì sao?”  Nói xong ông buông tờ giấy bạc nhăn nhúm xuống đất, rồi đưa đôi săng đan chà lên trên, di qua di lại.  Vị linh mục cầm tờ giấy bạc nhàu nát, bẩn thỉu lên và hỏi:  “Có ai còn muốn tờ bạc này?”  Một vài cánh tay vẫn giơ lên.

Ông vuốt tờ bạc cho thẳng lại và nói: “Anh chị em vừa học được một bài học quý giá.  Cho dù tôi làm gì với tờ bạc này, anh chị em cũng vẫn muốn nó, vì giá trị nó không thay đổi.  Nó vẫn là đồng 20 mỹ kim.

*******************************

Bạn thân mến,

Rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng như tờ bạc kia, bị vo tròn bóp méo, bị vứt xuống đất, bị chà đạp đến nhăn nhúm vì những quyết định sai trái của mình hay vì hoàn cảnh đưa đẩy.  Biết bao lần chúng ta đã ngụp lặn trong vũng bùn của tội lỗi.

Nhưng cho dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn không mất đi giá trị của mình.  Dù bẩn thỉu hay sạch sẽ, dù nhàu nát hay thẳng thớm, chúng ta vẫn có giá trị trước mặt Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng nên chúng ta.  Ngài biết rõ chúng ta cả trong lẫn ngoài, và vẫn trân quý chúng ta.  Thiên Chúa không bỏ cuộc với chúng ta.  Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội chứng minh điều đó.  Mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể cũng chứng minh điều đó.

“Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ Trời xuống thế”

Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế để chia sẻ thân phận mỏng dòn, yếu đuối, rách nát, bị chà đạp và hất hủi của những người bé mọn, cùng khổ trong xã hội.  Và qua thập giá, Người đã tái lập lại phẩm giá của chúng ta.

Qua Mẹ Vô Nhiễm, Thiên Chúa ban cho Con Một của Ngài một người Mẹ xứng hợp dưới thế, và ban cho chúng ta một người Mẹ cao cả trên trời.

Mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta không chỉ mừng Mẹ được đặc ân thoát khỏi tội nguyên tổ.  Nhưng qua Mẹ, chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ lộ trong việc giải thoát con người khỏi cạm bẫy của Satan.

Tín điều Mẹ Vô Nhiễm nhắc chúng ta về hai chân lý.  Một là, chúng ta cần ơn cứu rỗi.  Hai là, chúng ta không tự mình làm được.  Chính nhờ công nghiệp của Đấng Cứu Thế, mà Mẹ được gìn giữ khỏi án phạt của tội nguyên tổ.  Và cũng nhờ công nghiệp của Thiên-Chúa-làm-người, chúng ta cũng được trở nên những tạo vật tinh tuyền không kém gì Mẹ trong ngày chúng ta chịu phép Rửa.

Mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta cùng với Mẹ hướng về Đấng Cứu Thế, Đấng đã đến và sẽ đến để đưa chúng ta về Vương Quốc vĩnh cửu.  Nơi đó, chúng ta sẽ cùng với sứ thần Ga-bri-en cất cao lời chào: “Kính mừng Ma-ri-a, Đấng đầy ân phúc.  Đức Chúa Trời ở cùng bà” (Lc 1:28).  Cùng với thánh nữ E-li-za-bét chúng ta tán tụng Mẹ: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.  Và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ” (Lc 1:45).   Ngước lên trời cao, chúng ta hiệp cùng Đức Thánh Cha Biển Đức 16, thân thưa với Mẹ:

Hỡi Đấng đầy ơn sủng, Ma-ri-a, với tiếng xin “ vâng” với kế hoạch của Đấng Tạo Hoá, Mẹ đã mở lối cho chúng con vào nẻo đường cứu độ.  Xin dạy chúng con biết xin “vâng” theo thánh ý Chúa.  Nguyện cho lời xin “vâng” của chúng con hiệp với lời xin “ vâng” của Mẹ, một lời xin “vâng” không ngần ngại không ẩn ý, một lời xin “ vâng” Thiên Chúa Cha đã muốn có để Đức Ki-tô, Con Người mới, Đấng Cứu Độ thế giới và lịch sử được giáng trần.

Xin ban cho chúng con lòng can đảm nói “không” với những dối gạt của quyền lực, tiền tài, nhục dục; nói “không” với việc làm ăn bất chính, hành vi tham nhũng, đạo đức giả; nói “không” với sự ích kỷ và bạo động; nói “không” với Ác thần, thủ lãnh gian dối của thế gian này.  Xin giúp chúng con “xin vâng” với Chúa Ki-tô, Đấng tiêu diệt quyền lực của sự dữ với quyền năng vô biên của tình yêu.  Chúng con biết rằng chỉ khi nào các tâm hồn quay lại cùng Đấng Tình Yêu, là chính Thiên Chuá, thì chúng con mới có thể xây dựng một tương lai xán lạn cho mọi người.

Bảo Lộc

XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE

“Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mt. 3:3)

Tại sao tiếng hô lại được cất lên trong sa mạc mà không phải là thành thị, phố xá hay phòng trà, chợ búa, nơi người ta đang quây quần đông đúc hay vui chơi tội lỗi? Tiếng hô phải được cất lên chính những nơi này mới có người nghe, mới mong có kẻ quay đầu qui chánh, sửa đường bạt lối, làm nên nẻo chính đường ngay cho Đấng Thiên Sai chứ!

Gioan sống trong sa mạc. Tiếng hô của ông vang lên giữa vùng hoang vắng.

Không biết chốn trời không mông quạnh thế kia thì tiếng hô được mấy ai chú ý. Tiếng hô vang, vang lên mãi… Nhưng trong nơi trống vắng thì ai nghe cho!

Phải chăng Gioan đã hô lên cho chính mình ông nghe? Nếu thế thì lời kêu gọi “Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” trước tiên phải là lời nói với chính mình ông.

Nhờ biết hô với chính mình trước hết nên Gioan đã có sức lôi kéo từng đoàn người từ khắp xứ Giuđê đến với ông, để nghe tiếng ông hô, và chịu làm theo lời răn dạy của ông. Nhờ hô với chính mình mà tiếng hô đã vang đến tận khắp các vùng Giêrusalem, xâm nhập tới cõi lòng của bao kẻ sa đọa khô khan.

Không phải chỉ sau khi nghe tiếng hô của Gioan mới bắt đầu có người ăn năn hối cải, chịu thanh tẩy để dọn đường cho Chúa đến. Đúng hơn, từ hoang vắng của sa mạc và trong nơi tịch liêu của cõi lòng, Gioan đã nghe tiếng hô phát ra: “hãy dọn đường cho Chúa đến”. Lời đó vang đi dội lại trong lòng ông, thúc bách ông nối dài tiếng hô bằng cách ra đi “dọn lòng người cho Chúa đến.”

Cho nên, Gioan chính là người đã dọn đường lòng mình trước nhất. Vì biết lắng nghe những điều mình hô nên tiếng hô của mình có người đáp lại. Sự lắng nghe không chỉ bằng thính giác, nhưng còn bằng tâm hồn. Và từ tâm hồn mới phát sinh những thái độ sống. Một đứa trẻ “biết nghe” không nhất thiết phải là một đứa trẻ có thính giác tốt, nhưng là một đứa trẻ biết ghi tâm lời nói của bố mẹ, thầy cô, và mang ra thực hành.

Những gì phát xuất từ con tim cũng đều mang sắc thái của tình yêu và sự sống.

Thế ra, không biết lắng nghe bằng con tim thì con tim sẽ không thể cất lời. Và nếu lời cất lên không phát xuất từ con tim, lời đó sẽ chẳng mang hiệu quả gì.

Thomas Merton đã từng nhận xét:

“Nếu đời ta cứ phun ra những lời vô ích
Chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ điều gì,
Chẳng bao giờ ta thấy bất cứ điều gì,
Chẳng bao giờ ta trở nên bất cứ cái gì.

Thế rồi,
Vì cứ nói mãi trước khi có cái gì để nói,
Ta trở thành người không biết nói.”

Không biết nói hoặc nói điều vô ích mà cứ bắt người khác lắng nghe thì chỉ tạo nên những cực hình, phản kháng.

Nhiều gia đình bất an, nhiều cộng đoàn bất thuận, nhiều quốc gia bất hoà chỉ vì có kẻ không biết nói. Nguyên do là thiếu lắng nghe, sự lắng nghe của tâm hồn. Tâm hồn không nghe được vì còn ngổn ngang đây đó nhiều chướng ngại của tự ái, ích kỷ, kiêu căng, tự mãn…

Lắm khi ta than thở: “Chúa không chịu nghe tiếng tôi”. Nhưng thử hỏi: “Chúa không nghe tiếng tôi hay vì tôi không nghe được tiếng Ngài? Rồi khi nghe được tiếng Chúa, liệu tôi có chấp nhận để tiếng ấy nhồi nắn biến đổi đời mình chăng?”

Nhiều lúc tôi buồn vì người ta không chịu nghe điều tôi muốn nói. Nhưng thử hỏi: họ không nghe tiếng lòng của họ, mà nghe tiếng lòng người khác sao được khi chính tôi lại bịt tai tâm hồn? Âm thanh của lời tôi nói sẽ chẳng truyền lan nếu nó không phải là “Lời” đã vang dội lại trong sa mạc lòng mình.

Có nghe được tiếng nói nơi lòng mình mới mong đổi được đời mình. Có đổi được đời mình mới làm thẳng đường cho Chúa đến. Chúa đến trong đời tôi, để rồi qua tôi Ngài đến với người khác.

* * * * *

Bạn thân mến, “Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi.” Tôi muốn hô vang lời ấy cho mọi người nghe. Nhưng trước hết, tôi phải bắt chước thánh Gioan, đi vào sa mạc cuộc đời, tức là bước vào nơi thanh vắng và tĩnh lặng của nguyện cầu, nơi đó tâm hồn tôi sẽ nghe được tiếng nói của trời cao. Tiếng ấy sẽ dần dần lớn mạnh trong tôi, cho đến khi oà vỡ và tuôn chảy đến muôn tâm hồn.

Phải chăng đó chính là thái độ sống mà Tin Mừng mùa Vọng năm nay muốn tôi mặc lấy.

LM. Bùi Quang Tuấn, CSsR

MANG NẶNG ĐẺ ĐAU

Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau:  Mùa Vọng là mùa của thai nghén…

Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần trải qua thời thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau… Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn lẫn lộn.

Vui vì sự sống và niềm hy vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không lường trước được.  Những đột biến trong người khiến cho người đàn bà mang thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con người.  Tất cả mọi cử động, chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thai… Có nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không?  Có nên dùng một điếu thuốc như trước không?  Có nên dùng cà phê không?  Có nên dùng một chút bia rượu không?  Có nên thức khuya không?…  Tất cả đều được cân nhắc từng ly từng tí.

Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng thêm… Và khi đến ngày khai hoa nở nhụy, như Chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui của người đàn bà khỏa lấp được tất cả chờ đợi trong khi mang thai và những đớn đau trong khi sinh con.

Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình.  Đứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình.  Giờ giấc thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi.  Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.

*************************************

Mùa Vọng là mùa của thai nghén…  Do tiếng thưa xin vâng đáp trả của Đức tin, chúng ta cũng cưu mang chính Chúa.  Như người đàn bà có thể cảm nhận được sự hiện diện mỗi lúc một thêm thân mật và gần gũi với Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Cũng như người đàn bà mang thai có thể nhận ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình, với sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn, khiếm khuyết và tội lỗi của chúng ta.  Ý thức ấy càng mời gọi chúng ta bước đi trong từng cố gắng vươn cao hơn.  Cũng như người đàn bà mang thai cân nhắc từng đường đi nước bước, từng cách ăn mặc đi đứng, người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy tư, hành động, cư xử của mình vào chính Chúa.  Lẽ sống và động lực của người có niềm tin chính là Chúa… Bào thai càng lớn lên thì sự quên mình của người mẹ càng gia tăng.  Người cưu mang Chúa cũng thế.  Thánh Gioan Tẩy giả đã diễn tả đúng đòi hỏi ấy khi Ngài nói về Chúa Giêsu: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”… Càng quên mình, người Kitô càng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn.  Đó là định luật của đời sống Đức tin.  Chính khi quên mình, người Kitô cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và càng gặp được chính mình…

Mùa vọng là mùa của thai nghén:  chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa Giêsu một máng cỏ trong tâm hồn chúng ta.  Cũng như người đàn bà quên mình vì không biết bao nhiêu chuẩn bị cho con, chúng ta cũng hãy hướng trọn cuộc sống của chúng ta về với Chúa Giêsu.  Hãy để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta:  nhỏ lại trong tham vọng, nhỏ lại trong những ước muốn bất chánh, nhỏ lại trong những đố kỵ, ghen ghét ích kỷ, nhỏ lại trong muôn vàn những đốn hèn, nhỏ nhặt trong cuộc sống… Và rồi, với Chúa ngự trị trong ta, tình mến sẽ lớn mãi trong trái tim.

R. Veritas

*************************************

Ðây những tháng cuối trong năm.
Ðây những đêm dài nhất
và những ngày buồn nhất.
Hằng ngày truyền hình và báo chí
đổ tuôn một loạt tin bạo động
làm tuyệt vọng!

Anh hãy thắp cây nến đầu của Mùa Vọng!
để nói trước tiên niềm hi vọng của anh:
Chúa không ngủ,
anh và thế giới được cứu rỗi
nhờ Ngài trước hết.

Anh hãy thắp một ánh sáng!
Giây phút im lặng và cầu nguyện,
hằng ngày đọc Thánh Kinh,
viếng thăm một bệnh nhân,
lắng nghe người bên cạnh,
một cử chỉ mới để chia sẻ,
một lời lành và xác thực,
đáp lại một lời gọi…

Với những người trong gia đình,
con của anh trước hết
đang nhìn anh,
hãy nghiêm trọng, vui vẻ,
thắp cây nến đầu của Mùa Vọng!

Hiền Hoà chuyển dịch