CÙNG CHẾT VÀ SỐNG LẠI VỚI ÐỨC KI-TÔ

Ðức Cha Fulton J. Sheen trong tác phẩm “Trên đỉnh cao Thập Giá” đã kể rằng: Sau khi bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Ðịa Ðàng và gánh chịu hình phạt lao dịch, A-đam đã phải vất vả khổ cực tìm kiếm của ăn.

Một lần kia, trên đường ra nương rẫy, A-đam vấp phải thân xác bất động của A-ben. A-đam nâng dậy vác con lên vai đưa về nhà đặt trong vòng tay E-và. Ông Bà lay gọi nhưng A-ben không đáp trả. Trước đây A-ben là đứa con ngoan, lanh lợi, không có trầm lặng như vậy. Ông Bà nâng tay A-ben lên, bàn tay lại rơi xuống đất bất động, trước đây A-ben không hề như thế. Ông Bà nhìn vào đôi mắt của con: lạnh lùng, trắng dã, vô tư một cách bí mật, trước đây đôi mắt của A-ben có vô tình như vậy bao giờ đâu. Ông Bà kinh ngạc, nỗi kinh ngạc tăng dần lên. Thế rồi hai Ông Bà chợt nhớ lời Thiên Chúa: “Ngày nào ngươi ăn trái cây này, ngươi sẽ phải chết”. 

* * * * *

Cái chết của A-ben là cái chết đầu tiên của nhân loại. Khi Nguyên tổ phạm tội, Ðịa Ðàng đã đóng ngõ cài then. Ðau khổ và sự chết đã tràn vào thế giới và chảy dọc theo thời gian.

Thiên Chúa đã sinh ra sự sống, nhưng tội lỗi đã khởi phát ra sự chết. Sống và chết là hai thái cực đối chọi nhau. Sự sống và sự chết là một kỳ công của Thiên Chúa. Con người không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào ngăn cản được sự chết. Thế giới càng văn minh thì Tử Thần càng xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng khác nhau. Có cái chết êm đềm thư thái, có cái chết đau đớn khốn khổ, muốn chết không được, muốn sống không yên. Càng chạy trốn Tử Thần, thì Tử Thần càng đến gần. Càng tránh đau đớn thì đau đớn càng nhiều.

Ở mọi thời đại, cái chết vẫn là một mầu nhiệm thách thức lý trí con người. Tại sao con người lại phải chết ? chết là gì ? Ðó luôn luôn là những câu hỏi làm xao xuyến tâm não con người trong mọi không gian và thời gian. Sự chết là một đề tài suy niệm phong phú. Mỗi tôn giáo, mỗi con người nhìn và hiểu một cách tuỳ theo quan niệm của mình, tuỳ theo niềm tin, tuỳ theo chọn lựa và thái độ cuộc sống.

Ðối với Ki-tô giáo chúng ta, Thiên Chúa là Chúa của sự sống, ý định của Người là thông ban sự sống chứ không phải sự chết. Vậy sự chết bởi đâu mà có ? Kinh Thánh trả lời rằng: sự chết là hậu quả của tội lỗi ( Rm 5, 12; 6, 23 ). Nhưng Thiên Chúa, “vì quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ) và lời tuyên bố của Chúa Giê-su trước khi làm cho La-da-rô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất: Thầy là sự sống lại và là sự sống.

Lời mặc khải này có nhiều người tin vào Chúa, nhưng cũng không ít người nghi ngờ, không tin. Bài Phúc Âm hôm nay kể về phái Xa-đốc không tin có sự sống lại, họ đặt ra những vấn nạn vô lý để chất vấn Chúa Giê-su. Họ trích sách Ðệ nhị luật 25, 5 6 để hỏi Người: Nhà kia có 7 anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Mô-sê, người em phải lấy chị goá để có con nối dõi, và cả 7 anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị goá đó sẽ là vợ của ai ?

Nhưng câu trả lởi của Ðức Giê-su đã vén mở phần nào bức màn đời sau. Ðời sau khác đời này. Người ta không lấy vợ gả chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, chỉ lo phụng sự và ca ngợi Chúa. Ðời sau không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì Ðức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống.

Qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh sắp tới, Ðức Giê-su sẽ hoàn tất măc khải này. Ðức Giê-su đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã sống lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Ðấng Phục Sinh. Chính bởi sự yêu mến, vâng phục và dâng hiến nên cái chết của Chúa Ki-tô là một sự chiến thắng, bẻ gãy mũi nhọn của thần chết ( 1 Cr 15, 14 ). Thánh Phê-rô đã nói một cách sâu sắc: “Tội lỗi của chúng ta, chính Ðức Ki-tô đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội lỗi, chúng ta được sống cuộc đời công chính” ( 1 Pr 2, 24 ).

Vì Ðức Giê-su đã thắng được những xao xuyến, thắng được những tuyệt vọng, nên Người đã biến cái hố thẳm hay biển cả mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa thành biển cả tình thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người. Ðức Ki-tô đã trở nên con đường giao hoà và Thập Giá Ðức Ki-tô đã trở thành như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp Thiên Chúa và loài người. Yếu tính sự chết đã được biến đổi. Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Từ nay Ðức Giê-su không còn lệ thuộc vào thân xác vật chất nữa, những gì thuộc về thân xác vật chất đều đã chết trên Thập Giá. Chúa Ki-tô đã được Thần Khí hoá ( Rm 8, 11; 1 Pr 3, 18 ), và sự sống của Người thuộc về Thiên Chúa ( Rm 6, 10 )

Niềm tin vào Ðức Giê-su, Ðấng đã chết và sống lại là niềm tin cao cả nhất. Khi trái tim một người Ki-tô hữu ngừng đập thì chuông Nhà Thờ vang lên báo tin cho mọi người biết linh hồn một người đã được Chúa gọi về. Nghe chuông báo tử, mọi người đến tang gia để thăm viếng, phân ưu, đọc kinh cầu nguyện, tham dự nghi thức tẩm liệm, cùng đưa người chết đến Nhà Thờ. Linh cữu được đặt ngay trước Nhà Tạm của Chúa Giê-su. Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho sự sống lại của Chúa và của những ai theo Ngài được thắp sáng lên đặt cạnh quan tài. Thánh Lễ được cử hành để hiệp thông cầu nguyện cho người chết, nói lên việc Giáo Hội trân trọng với cả xác chết. Ðại diện cho Giáo Hội là Linh Mục tiễn đưa người quá cố từ Nhà Thờ đến Ðất Thánh, làm phép huyệt để thánh hoá nơi người chết an nghỉ và nói lên niềm hy vọng tuyệt vời: “Chúng ta gởi thân xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại gặp nhau trên Thiên Ðàng.”

Sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô không những đã chuộc lại được cho con người những gì nó đã mất vì tội lỗi, nhưng còn là một cuộc sáng tạo, bởi vì nhờ sự chết và sống lại của Người không những là nhịp cầu liên kết giữa Thiên Chúa và con người mà còn thiết lập một tương quan mới, đó là tương quan Cha Con. Nhờ cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, con người được tha thứ, được gội rửa sạch tội lỗi, khỏi án chết đời đời và trở nên con cái Thiên Chúa. Từ nay con người được gọi Thiên Chúa là Áp-ba, Cha ơi ( Rm 8, 15 ).

Tin và sống trong ân tình của Chúa Ki-tô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống đời đời: “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” ( Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14 ). Không bao giờ chết chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu,  khi ra thăm nghĩa địa,  khi vào viếng phòng hài cốt, con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao mới dám nghĩ một ngày nào đó những thân xác hư hoại này sẽ sống lại. Con người trở về bụi tro, nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người, vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trần gian này quá đẹp khiến con mải mê, quên mình là lữ khách. Thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con. Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân, như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất. Xin khơi dậy nơi con niềm khát khao những điều cao cả. Xin đừng để con mãn nguyện với những cái tầm thường. Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao, khi con quên mình để sống cho anh em trên mặt đất.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và chúng con còn khắc khoải mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa.  Amen

 LM. NGUYỄN HỮU AN

NGƯỜI VỪA CHẾT

(Nén hương lòng dâng người quá cố…)

Mọi người sinh ra từ bụi tro rồi lại trở về tro bụi.  Như mây hợp rồi tan, không một ai có thể thoát khỏi qui luật đơn giản mà nghiệt ngã này.  Mẹ tôi cũng thế, không thể thoát khỏi vòng sinh bệnh lão tử.  Sau gần mười năm trời ốm đau liệt giường, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng, linh hồn mẹ lìa khỏi xác.  Mẹ đã nhắm mắt vĩnh viễn từ giã cõi đời này!

Mẹ ra đi, việc đầu tiên là gia đình con cháu họp nhau lại bàn việc lo tang ma cho mẹ.  Mọi người đều đồng thanh nhất trí phải tổ chức đám tang cho thật to, thật linh đình.  Phải sắm cho mẹ cỗ áo quan đẹp nhất, bằng gỗ quí nhất.  Mẹ ơi, liệu mẹ có cảm nghiệm được lòng thảo hiếu của con cháu lúc này, khi mà mẹ chỉ còn là một “xác ma không hồn”?  Xưa mẹ đau ốm, để đỡ phải giặt giũ nhiều, con cháu đã có “sáng kiến” khoác cho mẹ tấm nilon lạnh giá thay cho quần áo vải ấm áp.  Nay mẹ chết, mẹ được nằm trong cỗ áo quan bọc nhung thắm, mẹ có thích không?  Hôm nay, mẹ mất, con cháu kéo đến đông đủ cả, không thiếu một ai, vòng trong vòng ngoài, khóc lóc vật vã thảm thiết, có đứa vì than khóc nhiều quá đến nỗi mất cả tiếng.  Dân làng bảo: “Con cháu có hiếu quá! Có hiếu quá!”  Xưa mẹ đau ốm, con cháu đùn đẩy nhau, đứa nào cũng ngại ngùng khi phải nuôi mẹ.  Thế là chúng phải mở một cuộc họp, rồi bốc thăm, cắt phiên nhau nuôi mẹ.  Có đứa đến phiên nuôi mẹ mà lại bận đi thẩm mỹ viện cả ngày, không nhờ ai được, vẫn lạnh lùng để mẹ nằm đói chỏng chơ.  Kệ mẹ!  Sắc đẹp muôn năm!  Mẹ chết, hai con lợn cũng chết theo, lại còn bao nhiêu là xôi gà, măng miến nữa chứ.  Chả ai tiếc tiền cả.  Ông con trưởng tuyên bố: “Mẹ chết có một lần, phải làm cỗ thật to!”  Vậy mà xưa mẹ đau ốm, có khi mẹ thèm một bát canh cũng không được.  Con cháu bảo: “Cho mẹ ăn ít thôi, cho ăn uống lắm vào, cụ lại ỉa đái nhiều, chỉ tổ khổ công dọn dẹp!”

Và rồi tin báo tử được loan đi đã làm thay đổi cả bầu khí gia đình và thái độ của mọi người đối với mẹ.  Mọi người đến phúng viếng đông quá; dòng người cứ nối đuôi nhau hết đoàn thể này đến hội đoàn kia, ai cũng thành kính đốt nhang vái mẹ.  Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có thấy gì chăng?  Cả đời mẹ gian lao vất vả.  Gần mười năm trời nằm ốm liệt trong nhà, mẹ thèm có người nói chuyện, mà nào có mấy người đến thăm.  Thỉnh thoảng có người đến, nhưng lại nhanh chóng rời khỏi, có lẽ họ không thích thú gì khi ngồi bên người ốm liệt giường, mùi mẽo tanh hôi.  Có người vào thăm mẹ mà cứ nhăn mũi, nhăn mặt lại.  Con nhớ có lần, đứa cháu nội lân la đến vuốt tóc bà và định hôn má bà, thì mẹ nó nhanh tay kéo giật nó lại.  Mẹ nó sa sầm nét mặt, lầm bầm:  “Ngu quá con ạ!  Mày muốn lây bệnh hả?”

Mọi người mang đến phúng viếng mẹ nhiều hoa quá, gần 100 vòng hoa, đủ các loại, đủ kích cỡ to nhỏ, có thể nói là cả một rừng hoa.  Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có thưởng thức được hoa không?  Khi còn sống, mẹ thích hái những đoá hoa dại cài mái tóc; mẹ cùng bạn bè đi hái những đóa hoa dại nhỏ xinh về dâng kính Mẹ Maria.  Thế nhưng, cả đời mẹ quê, chưa ai tặng mẹ một đoá hoa nào.  Mẹ thấy cuộc sống sao cằn khô quá!

Đoàn thể nào đến viếng mẹ cũng có người đại diện đọc điếu văn phân ưu.  Bài điếu văn nào cũng bảy tỏ niềm tiếc thương vô hạn, ca ngợi mẹ hết lời, mong sao giá mà mẹ còn sống.  Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có nghe thấy gì không?  Lúc mẹ còn sống, người khen mẹ nào có mấy ai, chỉ thấy người chê là nhiều.  Cái người đang ao ước mẹ sống lại cũng chính là người xưa đã từng nguyền rủa mẹ, mong cho mẹ sao không chết sớm đi!  Ôi, mẹ cảm thấy mình bị chết ngay khi còn sống bởi sự cay độc của người đời.

Mọi người còn phúng viếng mẹ phong bì nữa chứ.  Cơ man nào là phong bì.  Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có còn tiêu được tiền nữa không?  Xưa mẹ đau ốm, nhà mình nghèo túng, nhưng chẳng có ai giúp đỡ.  Mẹ bảo con liều đi vay xem sao, nhưng ai cũng nói khó khăn, ngại ngần né tránh.  Họ không muốn cho vay vì sợ mình đau ốm thế này lấy gì mà trả.  Mẹ con chỉ còn biết nghẹn ngào nhìn nhau, khóc thương cho thân phận.

Ôi, “nghĩa tử là nghĩa tận” – người ta thường nói thế.  Nhưng tại sao chúng ta không sống tốt với nhau ngay từ khi còn sống mà cứ phải đợi đến khi chết mới đối xử tử tế với nhau?  Sao ta không sống yêu thương, giúp đỡ nhau ngay khi còn sống, nhất là trong những lúc khó khăn, cô đơn, đau ốm mà cứ phải đợi đến khi chết rồi mới đến phúng viếng?  Liệu người đã chết rồi, ta có thực sự yêu họ được nữa hay không?

Xin hãy cho nhau một nụ cười, một lời thăm hỏi, khích lệ động viên.  Hãy sẵn lòng thực thi những nghĩa cử yêu thương cụ thể để giúp nhau ngay khi còn sống.  Chứ đợi đến khi chết rồi thì cả một rừng hoa phúng viếng cùng những điếu văn ca ngợi cũng chẳng có nghĩa gì.

Ước chi, mọi người hãy đối xử tử tế, hãy sống hết mình với nhau như đối xử với NGƯỜI VỪA CHẾT.

Nguyễn Xuân Trường

BÓNG CÂU CỬA SỔ

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.  (TV 103, 1516).

Vào ngày 31 tháng giêng năm 2000, một hung tín được loan ra:  chuyến bay 261 của hãng Alaska với 83 hành khách và 5 nhân viên phi hành đoàn, cất cánh từ Mễ Tây Cơ để đi Seattle, tiểu bang Washington, đã rớt xuống Thái Bình Dương, cách Los Angeles chừng 20 dặm đường chim bay. Khoảng 10 xác chết đã được vớt lên, số còn lại đã bị tan nát trong lòng biển cả.  Trong số nạn nhân nầy, có một bé gái thiên thần mới được bốn tháng.  Vì thân mẫu là người gốc Mễ Tây Cơ, cha mẹ đã đưa em về quê ngoại để được rửa tội.

Chỉ trong năm 1999, ba cánh chim sắt đã lao xuống biển cả.  Đêm 16 tháng bảy năm 1999, máy bay do Kennedy, 38 tuổi, con trai duy nhất của cố Tổng Thống John Kennedy, chở vợ là Carolyn Bessette và chị vợ là Lauren Bessette, đi dự lễ cưới cháu mình, đã bị rớt xuống Đại Tây Dương.  Một tuần sau, đoàn cấp cứu đã vớt được các thi hài.

Mấy tháng sau, chiếc máy bay của Ai Cập với trên 200 hành khách, đã rớt xuống Đại Tây Dương và không một xác nào được tìm thấy.

Vào sáng thứ ba (11-09-2001) một đại họa khủng khiếp đã làm chấn động thế giới:  nhóm khủng bố Osama Bin Laden đã cướp giựt bốn máy bay và chỉ trong một giờ đồng hồ đã làm nổ tung hai ngọn tháp chọc trời của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở NữuƯớc và sau đó đánh sập một cánh của Ngũ Giác Đài ở Hoa Thịnh Đốn.  Tổng số thương vong khoảng trên ba ngàn người, trong số đó không thiếu những chuyên gia lỗi lạc về kinh tế, tài chánh, ngân hàng, kỹ thuật và quân sự…

Trong huấn từ nhân cuộc triều yết chung vào sáng thứ tư (ngày 12-09-2001), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đã mô tả đại họa đó là “một ngày đen tối nhất trong lịch sử loài người, một xúc phạm ghê gớm cho phẩm giá con người.”

Tôi mới có dịp nói chuyện với một người bạn rất khỏe mạnh, nhưng ba hôm sau, người bạn đó đã được khâm liệm vì bị ngã gục dưới họng súng tấn công của một địch thủ.

Ngay cả hôm nay đây, biết bao người đang nối tiếp nhau lìa đời bằng sự chết chóc để đi vào nơi vĩnh cửu.  Những trường hợp ra đi vĩnh viễn được nêu ra đây quả rất thông thường, nhưng cũng đủ cho chúng ta hiểu rằng tử thần sẽ đến viếng chúng ta một cách bất ngờ không một lời báo trước.

Khi quan sát một số người đang cuồng nhiệt theo đuổi danh vọng, thú vui hay của cải vật chất thì chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên với ý nghĩ là họ đang sống mà không chút ưu tư về cuộc sống đời đời.  Con người trong thời đại văn minh tiến bộ nầy dường như đang sống theo lý tưởng quá ư trần tục.

Tuy nhiên, sách  GiảngViên đã nói rõ ràng: “Có thời để sinh ra, có thời để lìa đời.” (GV 3: 2).

Kinh Thánh cũng cho biết ông ADong sống đến chín trăm tuổi rồi mới qua đời.  Ông Sết hưởng thọ chín trăm mười hai tuổi rồi từ trần.  Ông Hênóc sống chín trăm lẻ năm tuổi rồi cũng phải từ giã cõi đời. Hơn sáu tỷ người đang sống trên mặt đất hiện nay rồi cũng sẽ ra đi trong vòng một trăm năm nữa, không ai sẽ thấy ánh mặt trời của thế kỷ hai mươi hai.

Trong thư gởi tín hữu DoThái, Thánh Phaolô đã viết:  “Thân phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (DT, 9: 27).

Mặc dầu khoa học đã tiến bộ, sau khi vượt qua giới hạn của không gian địa cầu và đang tiến sâu vào không trung, nhưng trên cương vị con người, chúng ta luôn luôn bị ràng buộc bởi cuộc sống trên mặt đất.  Có rất ít bài giảng luận về sự chết, thiên đàng, hỏa ngục.  Tuy nhiên, chân lý bất biến là tất cả mọi người trên mặt đất đều phải kết thúc bằng sự chết và vấn đề chuẩn bị cho cuộc sống trong đời sau rất là hệ trọng, như lời Thánh Kinh:  “Nếu con luôn luôn suy gẫm về sự chết, sự phán xét, thiên đàng, hỏa ngục thì con sẽ không bao giờ phạm tội.”

Ở Âu Mỹ, có một thành ngữ như sau: “Ở đời nầy, chỉ có hai việc chắc chắn không ai thoát khỏi là sự chết và nộp thuế.”  Chúng ta thường lo lắng dành tiền dể nộp thuế mà quên mất vấn đề quan hệ hơn là sự chết.  Ta cần phải ý thức hơn về việc tử thần đang tiến gần mỗi người chúng ta một cách nhanh chóng.  Lời Chúa đã căn dặn:  “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22: 21).

Người giàu không thể nhờ tiền bạc xin sửa đổi hình phạt đang chờ đợi mình thành một án treo; người nghèo cũng không thể nói với sự chết cho mình sống thêm một ngày nữa vì nó đã chiếm hữu con người từ lúc mới lọt lòng mẹ cho tới khi đi vào mồ mả.  Sẽ có lúc sau khi mọi người đông đảo họp nhau cầu nguyện thì đã ra về và “còn lại một mình tôi” trong nơi hoang vắng…!

Thánh Giacôbê đã viết: “Anh em không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao.  Thật vậy, anh em chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi.” (Gc 4: 14).  Như đám sương mù buổi sáng, rất mong manh, bốc thành hơi nước dưới ánh chiều dương rồi biến mất giữa ban ngày, đời người cũng giống như giọt sương mai hiện ra chốc lát rồi lại tan ngay.

Thật vậy, sự sống chẳng khác gì cái thoi dệt cửi:  “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa và chấm dứt, không một tia hy vọng” (Gióp 7: 6).  Một văn sĩ đã viết: “Chỉ khi nào thời gian, với một bàn tay không biết chán, xé hết phân nửa số trang sách của đời mình để nung đốt lò dục vọng, lúc ấy con người mới bắt đầu nhận thấy những trang còn lại của đời sống mình không còn bao nhiêu nữa”.

Tiên tri I-Sai đã suy ngắm: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.” (Is 38: 12).  Sách Biên Niên Sử quyển I cũng viết:  “Ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết.” (1 Sb 29: 15).

Khi William Russel lên đoạn đầu đài, ông đã lấy đồng hồ trong túi áo ra rồi trao cho vị y sĩ săn sóc ông và nói: “Xin ông làm ơn giữ hộ cái đồng hồ nầy vì tôi không cần đến nó nữa.  Bây giờ tôi sắp bước vào cõi đời đời.”

Thánh Gióp cũng đã từng than thở: “Vì tuổi con người đã được Ngài ấn định, sống được bao năm tháng là tùy thuộc ở Ngài.  Ngài định giới hạn rồi, sao có thể vượt qua.” (G 14: 5).

Tác giả ThánhVịnh cũng đã nói: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103: 15,16).

Ngày nầy nối tiếp ngày khác, trôi qua với một tốc độ tăng dần mãi dường như theo nhịp tiến của chúng ta tới tuổi già.  Những ngày của chúng ta trên mặt đất nầy giống hệt kiếp hoa:  “Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội.  Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua.” (Is 40: 6,7).

Trong những giờ phút cuối cùng đời mình, Cesar Bergia đã nói: “Trong suốt đời sống của tôi, tôi đã tiên liệu mọi sự, trừ sự chết, và bây giờ, ôi! thật khốn nạn cho tôi, tôi phải chết mà không chuẩn bị được gì trước cho sự chết của tôi.”

Một thanh niên mới hai mươi bốn xuân xanh, suốt đời mạnh khỏe, nhưng bất thình lình lâm trọng bệnh.  Trước khi sắp từ giã cõi đời, anh đã rên rỉ, than van và quằn quại trên giường bệnh với những lời gào thét sau dây: “Ôi, tôi đã phung phí những ngày xanh của tôi, tôi đã làm khánh tận đời tôi. Tôi sẽ thưa gì với Đức Chúa, khi tôi phải ứng hầu trước mặt Ngài?”

Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Do Thái, đã cảnh cáo:  “Và nếu mọi vi phạm cũng như bất tuân đều bị phạt đích đáng, thì làm sao chúng ta thoát khỏi, nếu chúng ta thờ ơ với ơn cứu độ cao quý như thế?” (Dt 2: 3).

Một văn thi sĩ khuyết danh đã viết những câu sau đây, trong bài thơ ‘Sách Sự Sống’:

“Tôi quì cầu nguyện, nhưng chẳng lâu được; tôi có nhiều việc phải làm.  Tôi phải cấp tốc đi làm vì hóa đơn đòi tiền chồng chất.

Vì vậy, tôi quì gối, đọc vội một kinh và nhảy đứng dậy.  Việc bổn phận Kitô hữu của tôi đã làm xong và tâm hồn tôi thanh thản, bình an.

Suốt ngày tôi không có thời giờ để buông một lời chào hỏi vui vẻ hoặc nói về Chúa Kitô với bạn bè vì sợ họ cười nhạo tôi.

Tôi luôn miệng la lớn:  Không có thời giờ, không có thời giờ, nhiều chuyện phải làm quá! Không có thời giờ để lo cho việc rỗi linh hồn, nhưng cuối cùng giờ chết đã đến.

Tôi trình diện trước mặt Đức Chúa; tôi đứng với đôi mắt cúi xuống, vì Đức Chúa đang cầm trong tay một quyển sách, sách sự sống.

Đức Chúa nhìn vào trong sách và nói: ‘Cha không tìm thấy tên con, vì có lần Cha dự tính viết xuống, nhưng Cha chẳng lúc nào có thời giờ.”

Khi thể xác của chúng ta chết và sự sống của chúng ta ở trên mặt đất nầy chấm dứt, phần linh hồn của chúng ta vẫn tiếp tục sống động trong cõi đời đời.

Victor Hugo, một đại văn hào Pháp đã nói: “Tôi cảm biết có sự sống tương lai trong tôi.”  Cyrus cũng đồng ý kiến: “Tôi không thể nghĩ rằng linh hồn chỉ sống khi còn ở trong một thân thể hay chết.”  Chính Emerson cũng nói: “Bằng chứng hiển nhiên về sự bất diệt của linh hồn là chính nơi sự bất mãn của chúng ta đối với mọi kết luận trái ngược.”  Mark Twain đã viết: “Tôi không bao giờ tìm thấy mảy may sự thật có thể chứng minh về đời sống tương lai, nhưng tôi có khuynh hướng chờ đợi nó.”

Xưa kia Đức Chúa đã phán với vua Hezekiah:  “Hãy lo thu xếp việc nhà, vì ngươi chết, chứ không sống nổi đâu.” (2 V 20: 1).  Do môi miệng của tiên tri Amốt, Đức Chúa cũng tuyên phán cho mọi người: “Ngươi hãy chuẩn bị đi gặp Thiên Chúa của ngươi.” (Am 4: 12).

John Bunyan, tác giả cuốn “Thiên lộ lịch trình”, đã nói lúc ông gần qua đời: “Các bạn đừng than khóc cho tôi, nhưng hãy than khóc cho chính các bạn.  Tôi sẽ về nhà đời đời nơi có Đức Chúa Trời là Cha Đức Giêsu Kitô: Ngài sẽ tiếp rước tôi dù tôi là một tội nhân bởi công lao cứu chuộc của con Ngài.  Tôi tin rằng chúng ta chẳng bao lâu nữa sẽ gặp nhau trên nước sáng láng của Chúa để hát bài ca mới và sống sung sướng trong cõi đời đời.”

Chúng ta hãy lợi dụng những giây phút chóng qua của đời người để chuẩn bị cho cuộc sống đời đời: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gio 3: 16).

“Sinh ký tử qui” (sống gởi thác về).  Người có Đức Tin đặt niềm tín thác trọn vẹn nơi Chúa Quan Phòng trong cuộc sống cũng như giờ phút lâm chung, như lời Thánh Phaolô đã nói:  “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi.” (Pl. 1:21).

Trong tinh thần phó thác tuyệt đối đó, các Anh Chị trong dòng Tiểu Muội và Tiểu Đệ, mỗi ngày đã đọc kinh “Dâng Mình” của Cha Charles de Foucauld như sau:

“Lạy Cha, con phó thác mình con cho Cha.  Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha.  Cha làm gì  mặc lòng, con cũng cám ơn Cha.  Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, miễn ý Cha được trọn vẹn trong con, trong tất cả loài Cha tạo dựng.  Con chẳng ước muốn chi khác nữa.  Lạy Cha là Chúa Trời con, con phó thác linh hồn con trong tay Cha.  Con dâng linh hồn con cho Cha.  Lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con mến Cha và vì mến Cha nên con thấy cần phải hiến thân con, phó trót mình con trong tay Cha, không do dự đắn đo song vô cùng tin cậy, vì Cha là Cha của con.  Amen!”     

Đỗ Tân Hưng