CHUYỆN CỦA ANH

Anh lớn hơn Nó đến 10 tuổi, khi Nó lớn lên thì Anh đã lớn rồi, Nó chẳng biết nhiều về tuổi thơ của anh, chỉ biết rằng anh là anh lớn trong nhà nên thiệt thòi hơn Nó rất nhiều.  Ngày ấy đất nước còn khó khăn, cánh cửa đại học không mỉm cười với anh, học hết 12 là anh phải bương chải với đời để phụ cha mẹ nuôi em ăn học, anh làm hết nghề này đến nghề khác, vất vả lắm… nhưng anh em nhà Nó sống vô tâm với nhau, chẳng hề quan tâm xem cuộc sống của nhau thế nào, vì thế Nó chẳng biết gì về chuyện của anh.

Cho đến một ngày kia, Nó thấy anh đưa bạn gái về nhà ra mắt cha mẹ và tính chuyện hỏi cưới gì đó.  Chị ấy là người làm chung hãng với anh, chắc quen nhau lâu rồi mà Nó không biết.  Đùng một cái nghe nói chuyện hỏi cưới, Nó ngỡ ngàng, một cảm giác mất mát… Trước giờ anh chị em Nó vẫn đùa với nhau:  không ai được lập gia đình trước, chờ đến năm 2000, khi Nó ra trường, sẽ làm đám cưới tập thể cho sáu cặp luôn một lúc… thế mà bây giờ, hổng lẽ anh lại không giữ lời???  Ghét!  Nó quyết tâm phá cho biết.  Ngày ra mắt chị với gia đình, mẹ làm cơm đãi chị, chị cũng lăng xăng xuống bếp phụ mẹ, chị tình cờ nói với Nó câu gì đó làm Nó không hài lòng, Nó bực mình, quăng đồ đó, không thèm phụ mẹ nữa, bỏ vào phòng, đóng cửa lại, bỏ cả bữa cơm của gia đình, ai bảo gì Nó cũng không chịu ra, mẹ vào năn nỉ, Nó bảo:  Nó ghét chị kia… !!! Làm cả nhà mất vui.

Sau ngày đó, chẳng biết anh chị có chuyện gì với nhau không mà thấy anh có vẻ trầm tư, anh không đi làm một tuần.  Sau này Nó mới được nghe kể lại về chuyện của anh:

Thời anh còn học trung học, anh có quen với một chị trong lớp, hai người chơi với nhau dễ thương lắm, chị T lo cho anh đủ thứ, tập của anh thấy toàn chữ của chị T, hai anh chị cũng sinh hoạt chung một giáo xứ, chị bên ca đoàn, anh bên lễ sinh, chơi với nhau cũng khá lâu, cũng thương nhau… Rồi cuộc sống đẩy anh ra đời, đến khi anh làm chung với chị L, anh bận rộn với công việc ở chỗ làm nhiều hơn ở nhà, thời gian về giáo xứ cũng vơi dần, phần vì công việc, phần cũng do chị L không thích lắm vì chị không cùng tôn giáo nên chẳng hiểu những việc anh làm.  Thương chị L, anh cũng không nói gì, cho đến khi hai bên tính đến chuyện hôn nhân, cha mẹ anh cũng đã sang nhà chị L để nói chuyện định ngày hỏi cưới.  Chẳng biết lý do gì làm anh cảm thấy bất an.  Anh quyết định nghỉ làm một tuần, để lấy thời gian suy nghĩ cho chín chắn.  Anh cho Chúa một tuần để hỏi Chúa một số việc về cuộc đời anh, trong đó có cả… chuyện hôn nhân.  Trong tuần đó, anh không liên lạc với chị L, ngày nào anh cũng đến nhà thờ, rồi còn đến nhà thờ Fatima để cầu nguyện thêm với Đức Mẹ để xin thấy được ý Chúa.

Sau một tuần, anh thấy như được Chúa soi sáng rất nhiều vấn đề, anh quyết định hoãn lại chuyện hôn nhân để lấy thêm thời gian, quyết định quay trở lại việc tông đồ nơi giáo xứ mà anh đã bỏ bấy lâu nay, và vài quyết định gì nữa cho cá nhân anh.  Chính quyết định của anh đã làm cho chị L giận hờn và đòi chia tay…  Không ngờ, một chuyện tình lại kết thúc vội vã như thế!  Anh buồn lắm, nhưng thấy bình an vì đã làm theo ý Chúa.  Quay trở lại với gia đình, với việc tông đồ và những tương quan trong giáo xứ, anh thấy vui và lòng nhẹ nhàng thư thái dù cuộc sống vẫn còn đó với những khó khăn. Ai cũng mừng vì sự trở lại của anh, trong đó, có lẽ mừng nhất là chị T.  Sau này chơi lại với chị, anh mới được biết trong suốt thời gian qua, chị T vẫn âm thầm cầu nguyện cho anh, mỗi tối đều dành hai kinh cho sự trở lại của anh, không phải trở lại với chị nhưng là để anh trở lại với Chúa, và chị đã kiên trì đều đặn như thế trong suốt bốn năm… cho đến khi anh thật sự trở lại.  Anh rất khâm phục tấm lòng và tình thương của chị T dành cho anh, rồi anh quay lại với chị T.  Thời gian bên nhau chẳng được bao lâu thì chị lại theo gia đình xuất ngoại… hai anh chị vẫn giữ liên lạc với nhau dù xa cách nửa vòng trái đất (ngày đó chỉ có viết thư và gọi điện thoại, chứ chưa có chat và e-mail như bây giờ).  Nghe nói đâu chị cũng đặt vấn đề bảo lãnh anh sang, nhưng anh không muốn sang đó, chị thì không thể quay về… Cuối cùng, hai anh chị quyết định: sẽ mãi là bạn!

Với quyết định đó, cả hai cùng buồn… Anh hứa sẽ trả cho chị đúng bốn năm mà chị đã kiên nhẫn cầu nguyện cho anh bằng cách: anh sẽ dành đúng bốn năm để làm theo ước nguyện của chị:  toàn tâm phục vụ các sinh hoạt trong giáo xứ, sẽ không quen ai trong thời gian này mà chỉ lo phục vụ Chúa. Và anh đã làm được chuyện đó.  Còn chị, sau một thời gian, nghe tin đám hỏi của chị, chị đã chọn ngay ngày sinh nhật của anh để làm đám hỏi, rồi đúng một năm sau, cũng ngay ngày sinh nhật của anh, là ngày đám cưới.  Chị đã có một gia đình hạnh phúc… Và họ… vẫn là bạn nhau.

Trả cho chị đúng bốn năm mà anh hứa, anh cũng bắt đầu nghĩ đến tương lai của mình, cũng để ý người này người kia, nhưng dường như sự lựa chọn của anh sao quá khó khăn, hay tại duyên số mà mãi chẳng thấy ai tiến tới được với ai.  Thấy anh buồn buồn, Nó thấy cũng tội nghiệp.  Lần đó, Nó đi Linh Thao với đám bạn sinh viên, hỏi bâng quơ xem anh muốn đi không, ai ngờ đang buồn đời, anh đi thật.  Nó giật mình, vì anh đã … “quá đát” rồi, đâu còn tuổi sinh viên nữa, mà cũng lỡ rủ rồi, nói lại sao được…  Cuối cùng Nó cũng ráng xin Thầy phụ trách để anh được tham gia, may mà Thầy đồng ý.  Sau lần Linh Thao ấy, bỗng thấy anh trầm ngâm nhiều hơn, rồi có lần, lần đầu tiên Nó thấy anh khóc, anh nói : “Chả biết Chúa muốn gì nữa, ý Chúa nhiệm mầu quá !!!”  Nghe xong, Nó cũng chẳng hiểu gì luôn…

Rồi Nó là người đầu tiên rời gia đình.  Gia đình Nó đã quen lối sống “mạnh ai nấy sống, việc ai nấy làm”.  Nên việc Nó rời gia đình cũng chẳng quan trọng gì, chẳng ai hỏi thăm Nó sống ra sao?  Nó cũng chẳng hỏi thăm gì gia đình cả, mấy dịp lễ Tết về nhà gặp nhau ăn uống nói chuyện bâng quơ vui vẻ rồi Nó lại đi…

Hai năm sau, anh báo tin cho Nó là anh vào một nhà dòng kia, nghe tên lạ lắm.  Anh nói: “anh có đến một vài nhà dòng để hỏi, nhưng anh đã lớn tuổi và cũng chẳng có bằng cấp gì nên chẳng đâu nhận anh, và đây chính là “lỗ chó” Chúa dành cho anh sau khi các cánh cửa đều đóng…”

Giờ thì Nó đã hiểu “ý Chúa nhiệm mầu” là thế nào!  Đúng là mầu nhiệm thật.  Chỉ có Chúa mới có thể nghĩ ra và làm được những chuyện như thế…

Sau nhiều năm sống trong nhà dòng ấy, đến nay anh vẫn thấy “happy” với ơn Chúa dù hành trình của anh đầy chông gai… Chẳng biết nơi nửa vòng trái đất kia, chị T có còn dành hai kinh mỗi tối để cầu nguyện cho anh nữa không, nhưng Nó, Nó quyết thay chị, dành một kinh mỗi tối để cầu nguyện cho ơn gọi của anh…

Tuyệt vời thay, huyền nhiệm một ơn gọi…!!!

Sưu tầm

NGÀY VÀ ĐÊM

Sư phụ hỏi các học trò của mình:

– Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu?

Một người học trò nhanh nhảu thưa:

– Thưa thầy, đó là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt được nó là con bê hay con lừa.

Một người học trò khác, sau một  lúc suy tư, cũng xin góp ý:

– Thưa thầy, khi nào ta nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn.

Nhiều câu trả lời khác cũng được đưa ra nhưng dường như vị sư phụ không có một chút hài lòng. Cuối cùng cả đám nhao nhao xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như muốn thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng:

– Khi nào các con nhìn vào tha nhân và nhận ra đó chính là anh chị em mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới.

* * * * *

Các con phải sẵn sàng” (Mt 24:44) vì “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13:12). “Hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” (Is 2:5).

Đó là lời mời gọi cấp thiết khởi đầu cho một năm phụng vụ mới. Thế là một mùa Vọng lại về. Bao tâm hồn lại nao nức chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh sắp đến.

Đêm sắp tàn, ngày gần tới” rồi sao? Nhưng khi nào là đêm và lúc nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm.

Thế ra không phải việc “phân biệt” con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, nhưng là “nhận ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng toả rạng.

Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời tôi cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, vô luân, lừa dối. Còn khi để cho yêu thương dẫn lối cuộc sống, ngày mới cuộc đời đã bắt đầu lên ngôi, nhờ ánh quang soi tỏ mọi lối đường.

Nỗi khát mong đợi chờ cho ánh sáng tình yêu thống trị địa cầu đã bắt đầu thành sự khi Đức Giêsu là “Mặt Trời Công Chính” bừng lên và cũng là “Hoàng tử Bình An” ngự đến.

Ấy thế mà dường như nỗi khát mong đợi chờ ấy vẫn không ngừng lập đi lập lại. Phải chăng vì tâm hồn nhân thế cứ bị bóng đêm của thế gian đe dọa chiếm đoạt, nên ước nguyện ánh sáng chân lý chiếu soi vẫn mãi là đặc tính của mùa Vọng hằng năm?

Ngày xưa, theo truyền thuyết của dân Rôma, tối 24 tháng 12 là ngày sinh của thần mặt trời, để rồi sáng hôm sau vị thần đó vươn mình đứng lên mang lại ánh sáng và sự sống cho nhân gian. Thế nên, khắp cùng đế quốc, người ta mừng lễ Natalis Solis Invicti vào ngày đông chí, tức là ngày 25 tháng 12, khởi đầu thời kỳ thần ánh sáng thắng vượt tối tăm, bước qua giai đoạn ngày dài hơn đêm.

Vào năm 336, Đức Giáo Hoàng Jules I đã ấn định ngày đông chí như ngày kỷ niệm Đức Giêsu – “Mặt Trời Công Chính” – đã giáng sinh cho nhân loại. Thế là ngày lễ ngoại giáo đã được Kitô hoá. Nét truyền thuyết và thần thoại được thay bằng tính chất xác thực của biến cố Nhập thể.

Từ đó trở đi, cứ mỗi lần sắp đến 25 tháng 12, giáo dân khắp nơi nô nức chuẩn bị tâm hồn cho ngày đại lễ Giáng Sinh. Họ không ngừng ăn chay hãm mình, quảng đại thứ tha, đổi mới đời sống, chờ mừng ngày Chúa ngự đến. Dần dần những việc làm đó trở thành “đặc tính căn bản” của mùa Vọng, mùa trông mong ngày sinh nhật Đấng Cứu thế.

Đã bao mùa Giáng sinh trôi qua, nhưng có lẽ “đặc tính căn bản” của mùa Vọng đó đã phai mờ trong lòng nhiều người. Khi xưa, Giáo hội đã Kitô hóa ngày lễ ngoại giáo thành lễ Giáng sinh để hướng con người đến với nguồn sáng và nguồn sống đích thực. Còn hôm nay, không chừng tôi lại đang tục hóa ngày lễ thiêng liêng kia để rồi lòng mình cứ mãi lắng lo trong bao sự đời.

Ngày xưa mùa Vọng đã trở nên lời nhắc nhở canh tân lối sống, sửa sang tâm hồn, dọn lòng mừng Chúa đến. Còn hôm nay, không chừng tôi chỉ nghĩ đến trang hoàng nhà cửa, giăng thêm đèn màu, mua sắm quà cáp chuẩn bị cho những cuộc liên hoan say sưa, cuồng loạn, có khi… còn tội lỗi nữa.

Một lần nữa, lời nhắn nhủ trong thơ của Thánh Phaolô lại thức tỉnh hồn tôi: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn các dục vọng xác thịt”. (Rm 13:12-14)

Thực hành lời khuyên nhủ trên là khởi sự Kitô hoá cuộc đời, là sống trọn vẹn hơn ý nghĩa của mùa Vọng năm nay, và chắc chắn, là bắt đầu cảm nếm niềm vui nhiệm mầu sâu lắng trong lễ Giáng sinh sắp đến.

LM. Bùi Quang Tuấn, CSsR

* * * * *

Lạy Cha, xin cho con biết sống yêu thương, quên mình,  biết cảm thông với những đau khổ và  yếu đuối của tha nhân, để con biết ra tay cứu giúp, biết tha thứ đỡ nâng.  Con nghĩ đó là cách sống trọn vẹn để đón chờ Đức Giê-su. Xin cho con thực hiện được những điều ấy, để “ngày ấy” Cha đến, Cha sẽ hài lòng về con và ngày ấy cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất của đời con. Amen.

SỐNG CHO NƯỚC TRỜI

Một cụ già đã sống đến 82 tuổi, đến khi thấy mình không còn sống thêm được bao lâu nữa, cụ dặn con cháu hãy khắc vào tấm bia trên ngôi mộ mình một hàng chữ: “NƠI AN NGHỈ CỦA MỘT NGƯỜI VỪA TRÒN 80 CỘNG VỚI 2 TUỔI ÐỜI THẬT SỰ”

Ai cũng thắc mắc vì sao lại ghi lạ lùng như thế, cụ mới thuật lại rằng:

“Tôi đã trải qua cả một cuộc đời dài suốt 80 năm hoàn toàn xa rời, thậm chí, ngược hẳn với nếp sống Tin Mừng mà Thiên Chúa đã mời gọi.  Bây giờ thì tuổi già đã tràn đến như sóng thủy triều, tôi đã sức tàn lực kiệt, phải ngồi một chỗ, cũng may mà đầu óc tôi còn khá minh mẫn để đơn độc một mình hồi tưởng về dĩ vãng.  Và vào một hôm cách đây hơn 2 năm, tôi đã có cơ may trở về với chính mình và nghiêm túc tự hỏi: Mình đã từ đâu mà đến trong cuộc đời trần gian này ? Rồi mai đây mình sẽ đi về đâu ? Những điều tôi đã làm được trong cả đời sẽ còn lại gì khi tôi nhắm mắt xuôi tay ?

Và thế là từng ngày lặng lẽ trôi qua, đời sống của tôi như khúc phim chiếu chậm đã từ từ hiện ra trong trí nhớ già nua bằng tất cả sự thật của nó. Tôi nhận ra rằng tôi đã phí phạm cả đời mình, nó chỉ còn để lại cho tôi những lỗi lầm với Thiên Chúa và với vợ con, với mọi người chung quanh ! Chính những suy nghĩ này đã đánh động lòng tôi và giúp tôi kịp thời quay về với nếp sống gần gũi với Tin Mừng, một nếp sống chọn lấy niềm Tin, Cậy, Mến đối với Thiên Chúa và tình yêu thương chân thành đối với tha nhân.

Và với tâm tình như thế tôi đã sống đến hôm nay được hơn 2 năm.  Tôi vui mừng thật sự bởi vì 2 năm ấy chính là 2 năm tôi đã sống trọn vẹn cho Nước Trời…”

(Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI)

* * * * *

Bạn thân mến, trong những ngày cuối cùng của tháng 11, tháng mà Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, những người đã sống như chúng ta trên cõi đời này nhưng ra đi trước chúng ta . Xin mời bạn cùng với tôi, chúng  ta cùng suy tư về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống này là gì ? Tôi từ đâu đến trong cuộc đời này? Rồi mai đây tôi sẽ đi về đâu ? Những điều tôi đã làm trong cả cuộc đời này sẽ còn lại những gì khi tôi nhắm mắt xuôi tay ? Khi giã từ cõi đời này để ra đi, tôi sẽ mang theo được những gì ? …

* * * * *

Lạy Chúa, đời người thật chóng qua, tựa như cơn gió thoảng, nay còn mai mất … Xin Chúa luôn nhắc nhở con biết ý thức chuẩn bị cho ngày con nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời này để ra đi … Xin cho con luôn xác tín rằng con sẽ không mang theo được những gì trong cõi đời này ngoại trừ tội lỗi và công phúc . Amen

CÁC ĐẲNG LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC

Vào năm 1827, tại thủ đô Paris nước Pháp có một thiếu nữ giúp việc nghèo thật nghèo nhưng vô cùng quảng đại.  Cô tên Têrêsa.  Têrêsa có thói quen lành thánh: mỗi tháng xin một thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn trong Luyện Ngục.  Nhưng rồi Thiên Chúa thử thách cô bằng một chứng bệnh hiểm nghèo, khiến cô vô cùng đau đớn.  Têrêsa bị mất việc làm và tiêu tán tiền của.  Ngày cảm thấy kha khá, Têrêsa ra khỏi nhà với vỏn vẹn 20 xu trong túi.  Cô rảo qua các khu phố để tìm việc làm.  Khi đi ngang nhà thờ thánh Eustache, Têrêsa ghé vào cầu nguyện.  Bỗng cô sực nhớ ra là tháng ấy, cô chưa xin lễ cho các đẳng Linh Hồn.  Nhưng Têrêsa thoáng chút do dự.  Số tiền 20 xu cũng là lương thực cho cô trong ngày hôm ấy.  Nhưng Têrêsa không do dự lâu.  Cô biết mình phải làm gì.  Bất ngờ một linh mục bước vào nhà thờ, chuẩn bị dâng thánh lễ.  Têrêsa hỏi cha có bằng lòng dành thánh lễ hôm ấy để cầu cho các đẳng Linh Hồn không.  Cha vui vẻ nhận lời với số tiền dâng cúng 20 xu của Têrêsa.  Thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn chỉ có vị linh mục chủ tế và một giáo dân tham dự.

Lễ xong, Têrêsa ra khỏi nhà thờ tiếp tục đi lang thang tìm việc làm.  Têrêsa thật sự lo lắng vì đi mãi mà không có hy vọng gì hết.  Bỗng một chàng trai dáng vẽ quí tộc tiến đến gần và hỏi:

– Cô tìm việc làm phải không?

Têrêsa nhanh nhẹn trả lời:

– Thưa ông phải.

Người thanh niên nói tiếp:

– Cô hãy đến đường X nơi nhà số Y, chắc chắn cô sẽ có việc làm và sẽ được hạnh phúc.

Nói xong, chàng trai bỏ đi ngay không đợi nghe lời Têrêsa rối rít cám ơn.  Khi tìm được căn nhà đúng số đã chỉ, Têrêsa thấy một cô giúp việc từ trong nhà đi ra, nét mặt cau có khó chịu.  Têrêsa rụt rè hỏi thăm bà chủ có nhà hay không?  Cô kia đáp lửng lơ:

– Có lẽ có .. có lẽ không .. nhưng có hệ gì, vì đâu có dính dáng gì đến tôi.

Nói xong, cô gái ngoay ngoảy bỏ đi.  Têrêsa run rẩy bấm chuông.  Một tiếng nói dịu dàng bảo vào.  Têrêsa bỗng đối diện với một phụ nữ cao niên quí phái.  Bà nhẹ nhàng bảo Têrêsa hãy trình bày cho bà biết cô muốn gì.  Têrêsa nói nhanh:

– Thưa bà, sáng nay cháu hay tin bà cần một người giúp việc. Cháu xin đến nhận chỗ làm này.  Người ta bảo đảm với cháu là bà sẽ tiếp nhận cháu với lòng nhân hậu.

Bà chủ ngạc nhiên nói với Têrêsa:

– Điều cháu vừa nói thật là lạ. Sáng nay bà chả cần ai hết.  Nhưng cách đây nửa giờ bà vừa đuổi một cô giúp việc vì nó chễnh mãng trong việc làm.  Chuyện này chưa hề có người nào biết, ngoại trừ bà và cô giúp việc.  Vậy thì ai đã chỉ cho cháu đến đây?

Têrêsa đơn sơ trả lời:

– Một thanh niên dáng điệu sang trọng, cháu gặp ngoài đường, đã bảo cháu đến đây.

Bà chủ nhà thử tìm cho biết người thanh niên ấy là ai, nhưng vô hiệu.  Bỗng Têrêsa nhìn lên và trông thấy tấm hình một chàng trai treo trên tường.  Têrêsa mừng rỡ kêu lên:

– Thưa bà, bà không cần phải tìm đâu cho xa. Đây chính là gương mặt người thanh niên đã nói chuyện với cháu.  Chính anh ta đã chỉ đường cho cháu đến đây.

Vừa nghe xong, bà chủ nhà kêu lên một tiếng thất thanh, như muốn ngã xuống bất tỉnh.  Xong, bà bảo Têrêsa tỉ mỉ kể lại cho bà nghe, bắt đầu từ chuyện cô có lòng thương mến các đẳng Linh Hồn, đến Thánh Lễ sáng hôm ấy, rồi chuyện gặp gỡ chàng thanh niên.  Khi Têrêsa chấm dứt, bà chủ âu yếm ôm hôn cô và nói:

– Cháu không phải là đầy tớ giúp việc cho bà, nhưng từ giờ phút này, cháu là con gái bà. Chàng thanh niên mà con trông thấy chính là đứa con trai độc nhất của bà.  Con bà chết cách đây hai năm và ngày hôm nay chính con đã giải thoát nó ra khỏi Lửa Luyện Hình.  Bà chắc chắn như thế.  Bà hết lòng ghi ơn con.  Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những Linh Hồn còn chịu thanh tẩy trong Lửa Luyện Ngục trước khi được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

TÊN TRỘM VÀ NGƯỜI CHỦNG  SINH

Tập san Catholic Digest có mục thường xuyên được gọi là “The Open Door” (Cửa Rộng Mở). Trong mục này thường có hai hay ba câu chuyện do độc giả gởi đến. Những câu chuyện này kể lại sự hoán cải trở lại đạo Công Giáo của độc giả.

Có một câu chuyện thật cảm động về chàng thành niên lớn lên trong một gia đình Công Giáo, từng tích cực hoạt động trong Giáo Hội, và sau đó gia nhập chủng viện.

Rồi đến những năm đầy xáo trộn thời chiến tranh Việt Nam. Trong thời gian này, ba sinh viên ở một đại học Ohio bị giết trong lúc biểu tình phản đối chiến tranh. Những cuộc dấy loạn về sắc tộc như xé nát nhiều thành phố trong nước Mỹ. Các nhà lãnh đạo quốc gia bị ám sát. Mọi sự bỗng dưng trở nên rời rạc.

Chàng thanh niên này rời chủng viện, tham gia phong trào chống chiến tranh, từ bỏ Giáo Hội, và chế nhạo đức tin mà trước đây anh từng ấp ủ.

Gia đình anh bàng hoàng vì sự thay đổi này. Và khi thái độ của anh ngày càng thù nghịch với tôn giáo, họ đã hoàn toàn tuyệt vọng.

Sau đó là Tuần Thánh và trong Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1970, chàng thành niên, lúc ấy 22 tuổi, lái xe ngang qua một nhà thờ Công Giáo. Anh nhận ra tên của cha xứ trên tấm bảng trước nhà thờ. Đó là vị linh mục anh rất kính trọng. Điều gì đó đã thúc đẩy anh dừng xe và đi vào nhà thờ.

Khi bước vào cửa, nghi thức Tôn Kính Thánh Giá bắt đầu. Anh ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Anh theo dõi dân chúng xếp hàng lên hôn thánh giá, trong khi ca đoàn hát bài “Were You There When They Crucified My Lord?” (Bạn có ở đó khi họ đóng đinh Chúa không?)

Và rồi điều gì đó thật lạ lùng đã xảy ra. Anh viết:

“Trong con người tôi, điều gì đó đột ngột xảy ra và tôi bắt đầu khóc. Sau khi dằn được xúc động, tôi nhớ lại sự bình an mà từ lâu tôi đã bỏ lại nơi nhà thờ. Đức tin đơn sơ mà giờ đây tôi đang chứng kiến thì dường như có ý nghĩa hơn là điều tôi tuyên xưng. Tôi bước ra khỏi ghế và quỳ xuống hôn Thánh Giá. Vị linh mục nhận ra tôi, ngài đến ôm lấy tôi.”

“Từ ngày đó trở đi,” anh cho biết, “tôi trở nên một người Công Giáo tái sinh.”

Anh kết thúc với nhận xét sau: “Tại sao tôi dừng xe ở nhà thờ đó vào ngày hôm ấy, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, nhưng tôi biết rằng tôi thật sung sướng với các kết quả.”

* * * * *

Tôi thích câu chuyện này vì nó thích hợp với các bài đọc trong ngày lễ “Chúa Giêsu là Vua” hôm nay.

Vì bài Phúc Âm diễn tả một thanh niên vô tôn giáo cách đây hai ngàn năm, Anh là một tên trộm cướp, với đầy giận dữ trong lòng nhưng anh đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên ấy.

Và điều thay đổi cuộc đời của người thanh niên này cách đây hơn hai ngàn năm cũng chính là điều thay đổi anh chủng sinh trong câu chuyện trên đây. Đó chính là việc đóng đinh Đức Kitô.

Và điều mà Đức Kitô trên thập giá đã nói với người trộm thì Người cũng nói với anh chủng sinh: “Ta hứa với con là hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng.”

Thật khó có bài đọc nào thích hợp hơn để kết thúc năm phụng vụ. Bài đọc đã tóm lược lý do tại sao Chúa Giêsu đến trong thế gian. Chính là để tha thứ cho tội nhân, như tên trộm – và như anh chủng sinh.

Và điều này đưa chúng ta đến việc áp dụng tất cả những điều này vào thực tế đời sống chúng ta. Đó là:

  •  Điều Chúa Giêsu đã làm cho người trộm lành và anh chủng sinh, Người cũng muốn làm cho mỗi người chúng ta.
  •  Người muốn tha thứ tội lỗi chúng ta, bất kể có to lớn đến đâu và lâu đời đến đâu.
  •  Người muốn nói với chúng ta điều mà Người đã nói với tên trộm và anh chủng sinh:
    Ta hứa với con là hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng.”

Đây là tin mừng khiến chúng ta quy tụ nơi đây để mừng lễ Chúa Kitô Vua.

Đây là tin mừng mà Chúa Giêsu muốn đi vào cuộc đời chúng ta và thi hành cho chúng ta điều mà Người đã làm cho tên trộm và anh chủng sinh.

Đây cũng là tin mừng mà Thánh Phaolô đã diễn tả  trong bài đọc thứ hai của Chúa Nhật hôm nay:

[Thiên Chúa] đã cứu chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa chúng ta một cách bình an đến vương quốc của Con yêu dấu của Người, mà nhờ Người chúng ta được tự do, đó là, chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi.

LM. Mark Link, S.J.

TẠ ƠN LÀ MỘT TÂM TÌNH

Mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving, người ta hay nhắc đến chuyện người phung cùi trở lại cám ơn Ðức Kitô trong Phúc Âm Luca.

Trên đường lên Jêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilêa.  Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phung cùi đón gặp Người.  Họ dừng lại đàng xa, và kêu lớn tiếng:  “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi.”  Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ:  “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Ðang khi đi thì họ được sạch.  Một người trong bọn họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.  Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Samari.  Ðức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc. 17: 11-19).

Tôi nghĩ câu chuyện tạ ơn của người phung cùi không dừng lại ở đây.  Không dừng lại ở lời tạ ơn Chúa mà thôi.  Nó gọi ta đến một đường cong sâu hơn và xa xôi hơn.  Tạ ơn là tâm tình đòi hỏi một tấm lòng.  Tâm tình này là bản phiên dịch của một nội tâm.  Chính bản phiên dịch nội tâm này nói trung thực cho ta biết mình là ai.

Tôi muốn nhìn vào nội tâm người phung cùi, để đi tìm chiều kích lời tạ ơn của anh ta với Ðức Kitô. Nó đến từ một đường cong sâu xa nào?

Bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử.

Người Do Thái trong thời Chúa Giêsu không chấp nhận những người phung cùi sống trong làng.  Họ phải sống cô lập ngoài sa mạc, xa xôi ngoài cánh đồng.  Khi gặp Ðức Giêsu, họ cũng đứng “từ đàng xa” chứ không dám lại gần.  Họ bị coi là những kẻ tội lỗi, bị Thiên Chúa giáng án phạt.  Hiểu như thế mới thấy nỗi cô đơn của kẻ mang bệnh tật này.  Trong thời đại ấy, người Do Thái cũng không chấp nhận chung sống với người ngoại giáo.  Họ đối nghịch đến độ thù hận nhau.

Cộng đoàn những người cùi.

Theo mạch văn của đoạn Kinh Thánh, Chúa hỏi: “Còn chín người kia đâu.”  Như vậy chín người kia cộng với anh cùi đến tạ ơn Chúa, tất cả mười người.  Tại sao có mặt người cùi ngoại giáo trong cộng đoàn những người cùi Do Thái?  Tại sao những người cùi Do Thái lại để người cùi xứ Samaria theo mình nhập bọn?  Ðoạn Kinh Thánh trên tường thuật là “một người trong bọn họ.”  Cụm từ “một người trong bọn họ.”  Cho thấy chín người Do Thái Giáo và một người Samaria đã sống chung, đi chung một con đường, là một cộng đoàn.

Chuyện này dường như cũng không xa lạ giữa hoàn cảnh xã hội hôm nay.  Trong những hành trình gian khổ, dường như người ta vượt qua mọi biên giới để sống với nhau.  Có những tình nghĩa vợ chồng, khi nghèo khó, họ sống đời đùm bọc nhau.  Cùng nhau đẩy chiếc xe đạp chở ngô khoai.  Cùng nhau chèo một con đò, buôn thúng bán bưng nuôi con.  Rồi có thể họ mất nhau khi mỗi người có một địa vị, một công ty riêng.  Lúc lâm nạn, người ta vượt qua biên giới chủng tộc, tôn giáo, để cứu nhau. Rồi người ta xây nên những thành trì, những bức tường tôn giáo khi người ta có đền thờ riêng.

Tại sao trong cộng đoàn mười người cùi này lại có một người ngoại giáo.  Tại sao họ chung sống với nhau?

Khổ đau dường như có một giá trị rất sâu trong câu chuyện này.  Rất nhiều trường hợp, khi hết yếu đuối, hết nghèo khó, họ xa nhau.  Trên đường đi tạ ơn này, chín người kia đi về một phía, người Samaria đi về một phía.  Không còn một cộng đoàn những người cùi khác tôn giáo.

Với chín người cùi, họ có thể liên kết lại để cô lập người cùi Samaria.  Nhưng ở đây, họ chung sống, chấp nhận người cùi khác tôn giáo này.  Dường như trong cô đơn tận cùng vì bị xã hội chối bỏ, họ được đốt cháy hết những địa vị, tên gọi, và khi được bóc trần đến phẩm giá sau cùng, họ thấy họ giống nhau ở một tên gọi duy nhất là làm người.

Giá trị cùng đích sau hết vẫn là: Làm người.

Dường như tôn giáo cũng rất cần luôn luôn được thanh tẩy để khỏi bám bụi.  Những giá trị ngoài nhân đức như đền thờ, tổ chức, ảnh hưởng, rất có thể đưa con người xa cách nhau.

Mọi tôn giáo đều tìm cách dạy con người ý nghĩa của cô đơn, đau khổ.  Nhưng ý nghĩa đẹp nhất của đau khổ và cô đơn lại là vượt qua mọi tôn giáo để đùm bọc nhau cho con người bớt cô đơn và đỡ khổ đau.

Rồi tình yêu cũng thế.  Tình yêu cũng cần thanh tẩy.  Những giá trị ngoài nhân đức như nhan sắc, địa vị, vàng bạc, rất có thể sẽ đưa con người xa cách nhau.  Trong đời sống, ai cũng cần chịu ơn nhau.

Phải nghèo một chút để biết xin.

Phải yếu một chút để biết nương tựa.

Nhìn lại, người cùi xứ Samaria, trong “bọn họ”, anh ta là thiểu số, anh chỉ có một thân, một mình.

Tôi nghĩ anh ta trở lại tạ ơn Thiên Chúa vì đời anh quen tâm tình tạ ơn rồi.  Ngay những ngày sống chung với chín người kia, biết mình thiểu số mà được chấp nhận, anh ta đã sống lòng biết ơn đó.  Tạ ơn là một bản phiên dịch nội tâm của anh.

Câu chuyện cộng đoàn mười người cùi được chữa lành rất đẹp vì họ đã sống với nhau.  Nếu sau khi được chữa lành, tất cả đều trở lại tạ ơn Thiên Chúa thì câu chuyện kết thúc quá lý tưởng.  Tại sao chín người kia không trở lại?

Rất có thể chín người kia không quen tâm tình tạ ơn.  Rất có thể họ chấp nhận người cùi Samaria như là cho ơn hơn là lãnh nhận.

*********************

Tôi thụ phong linh mục năm 1989.  Cũng năm này tôi được gởi qua trại Palawan, Philippines giúp đồng bào tỵ nạn.  Những ngày đó, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp, tôi đã viết bài “Palawan Mùa Phật Ðản”, năm 1992, đăng trong báo Ðường Sống.

Năm 1995 tôi rời trại tỵ nạn.  Tôi xa khúc đường trong trại, một bên có hương trầm nhà Chùa, một bên có tiếng chuông nhà Chúa.  Rồi một hôm, mười năm sau, kỷ niệm lại về như nghe tiếng mõ tụng kinh quen thuộc ngày nào đó, bên Chùa.  Ðó là vào ngày 28 tháng 12 năm 2004.  Sau lễ Giáng Sinh, tôi đang giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn các Sơ Ðaminh Việt Nam ở Houston.  Tôi nhận được một lời nhắn trong chiếc phôn cầm tay:

Dạ, kính linh mục Nguyễn Trọng Tước.

Ðây tôi là Thích Thông Ðạt từ San Jose gọi chúc mừng trong mùa Giáng Sinh với New Year.  Chúc mừng linh mục dồi dào sức khỏe.  Happy Merry Christmas.  Happy New Year.  Dạ, kính linh mục.  Khi nhận được message xin cho gặp số phôn 408-926-1998.  Kính chúc mừng linh mục trong mùa Chúa Giáng Sinh cũng như đầu năm mới.

Kính linh mục.

Tôi hết sức ngạc nhiên.  Một Thầy bên Chùa đã mười năm xa cách.  Từ ngày Thầy rời trại tỵ nạn Palawan, bằng ấy năm không hề gặp lại nhau.  Mười năm không liên lạc.  Bỗng dưng Thầy tìm phôn gọi tôi, vì Thầy muốn chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Những kỷ niệm xa xưa.

Kính Thầy Thông Ðạt,

Những ngày ở trại tỵ nan, những ngày ấy chúng ta có nhiều kỷ niệm quá nhỉ.  Vào mùa Phật Ðản và Giáng Sinh, năm nào chúng ta cũng có những món nợ.  Chúng ta cho nhau mượn cái trống, mấy sợi giây đèn.  Các em Thiếu Nhi cho nhau mượn mấy mét vải, cái đầu lân để làm văn nghệ.  Chúng ta đã nợ nhau tình thương mến.

Thời gian đã xa xôi quá, như đang xóa nhòa dần đi.  Bỗng dưng mười năm sau, Thầy tìm điện thoại, gọi chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Mười năm là thời gian dài lắm đó Thầy ạ.  Thế là tôi lại “nợ” Thầy.

Thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu của ngài: “Các con hãy nợ nhau tình thương mến” (Rom. 13: 8).  Bây giờ chúng ta đã xa những ngày tỵ nạn cho nhau mượn cái bát, tô cơm.  Thầy Thông Ðạt có thể nay đã có chùa riêng, có đoàn Phật Tử đông đảo.  Chả ai phải mượn ai.  Chùa của Thầy chăng rợp hoa đèn ngày lễ.  Chả ai cần ai.  Thầy gọi điện không là để mượn gì cả, cũng chẳng hỏi tôi có mượn cái đầu múa lân không, chỉ để chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Thầy gọi điện vì nhớ về khung trời tỵ nạn có những kỷ niệm bên bờ đời sống.  Tình thương mến.

Có những cặp vợ chồng nay mỗi người là một giám đốc.  Chẳng ai phải nhờ ai.  Có những anh em, không ai phải cậy ai.  Xa những ngày nghèo túng rồi.  Không ai phải dựa ai.  Ðầy đủ.  Mà sao cứ như có nỗi vắng trong lòng.

Hay là người ta thiếu nhau món nợ tình thương mến?

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Trích tập suy niệm Ðường Ði Một Mình

CHÚA ĐÃ CỨU ĐỜI TÔI

Tôi là một người ngoại đạo, bản thân tôi trước nay chỉ biết Chúa qua những bức tượng, tranh ảnh, và những đêm Giáng sinh “ăn theo” với các bạn bè Công giáo.

Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi, cuộc đời tôi cứ thăng trầm theo từng biến cố của đất nước.  Năm 1989, tôi lập gia đình với người vợ thân yêu  của tôi ngày hôm nay – người đã mang tôi đến với Chúa sau này.  Năm 1994 cả gia đình bên vợ tôi đi xuất cảnh qua Mỹ theo diện HO.  Vì lí do vợ tôi trên 21 tuổi đã lập gia đình nên không được đi cùng với đại gia đình.

Vợ chồng tôi lần lượt có hai đứa con, một trai và một gái rất xinh xắn dễ thương.  Cuộc sống đầy đủ, tinh thần thoải mái, cộng với sự trợ giúp về vật chất cũng như về tinh thần của cả gia đình bên vợ (đang định cư tại tiểu bang VA), làm cho tôi càng ngày càng sa đà vào những cuộc vui với bạn bè cùng nơi làm việc.  Ban đầu chỉ là vui chơi theo từng trận banh trực tiếp cá độ cho vui: chầu ăn sáng, cà phê, dần dần tôi đã trở thành một con nghiện thật sự của môn “TÚC CẦU GIÁO”.

Cũng vì thú đam mê này của tôi, gia đình nhỏ của tôi phải sống trong cảnh từ sung sướng, thoải mái trở nên khó khăn và nợ nần chồng chất.  Vợ tôi phải bán đi căn nhà để trả nợ cho tôi và luôn luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nợ đòi.

Đầu năm 2007, trước những khó khăn của gia đình (bố mẹ vợ và các em đã gởi về gần bốn chục ngàn đô la để trả nợ cho tôi) vợ tôi đã đến nhà thờ Phú Trung, đến với giờ chầu Thánh Thể lúc ba giờ chiều mỗi ngày; vợ tôi được gặp các chị em trong Nhóm Kinh thánh cầu nguyện, các chị đã chia sẽ và hướng dẫn vợ tôi tìm đến với Chúa Giê-su, đến với Chúa hầu cứu giúp con người tội lỗi của tôi.

Được sự tác động của vợ tôi, tôi cũng miễn cưỡng đi đến giờ chầu, và đi học lớp mười tám tuần tại nhà thờ Thánh Mẫu; quả thật tôi cũng vẫn chưa cảm nghiệm được có Chúa trong tôi.  Tôi vẫn chưa có sự bình an trong tâm hồn; đến bài số tám trong bài học Chuẩn bị đón nhận Chúa Giê-su, một sự việc đã làm thay đổi  trong tôi và thật sự Chúa đã sờ chạm vào trong con người tôi.  Tối hôm đó hướng dẫn viên là một người trước đây cũng từng là người cờ bạc, số đề… phải bán nhà bán cửa; nhưng anh đã được Chúa cứu chữa từ thể xác đến tâm hồn và đang rao giảng Tin mừng cũng như  làm chứng cho Chúa.

Tôi ngồi dưới lắng nghe và bất chợt tôi như bị thu hút vào từng lời nói của người hướng dẫn, ôi lời Chúa sao tuyệt vời quá, vậy mà mãi  đến hôm nay tôi mới cảm nhận được.

Chúa đã mang đến cho con sự tự tin và bình an trong gia đình con.

Sau buổi học đó, mặc dù còn những lời hăm he hay những lần chủ nợ đến nhà đòi; tôi đều đọc kinh và chúc lành cho những người chủ nợ của tôi và kì diệu thay các chủ nợ đều không nặng nhẹ và vui vẻ cho tôi thời hạn để trả nợ – một điều mà trước đây khi chưa có Chúa tôi không bao giờ được nghe.  Tôi tin tuởng vào quyền năng của Chúa, Chúa giúp tôi bằng cách này hay cách khác sẽ thoát khỏi cảnh này.  Tôi vững tin là như vậy.

Con cảm ơn Chúa đã sờ chạm đến con, đã nghe một người ngoại đạo như con cầu xin ơn cứu độ.  Để hôm nay con có thể tự hào nói rằng, con sẽ mãi mãi là con cái Chúa, con là con chiên lạc đàn đang quay về bên Chúa.

Ngày 2-12-2007 này cả gia đình tôi sẽ được làm phép rửa tội sau khi được học giáo lý.  Tôi sẽ đi loan báo tin mừng và sẽ làm nhân chứng cho Chúa về câu chuyện của tôi, một sự giải thoát tuyệt vời của Chúa.

Đây là những lời chân thật nhất của tôi dù tôi không viết được văn hoa nhưng tôi mong tất cả những ai đang thiếu Đức tin Hãy tin tưởng tuyệt đối vào CHA trên Trời và CHÚA nhân từ của chúng ta.

Trần Ngọc Minh
4-11-2007

CHỜ ĐỢI CHÚA TRONG NIỀM TIN

Bạn có kinh nghiệm động đất bao giờ chưa? Ở những nơi có động đất người ta kinh hãi vô cùng.

Trong một làng kia, khi một trận động đất lớn xảy ra, gây thiệt hại nhiều về nhà cửa và nhân mạng. Có một người đàn bà trong làng vẫn tỏ ra bình thản. Mấy người láng giềng của bà rất ngạc nhiên và hỏi:

– Sao chị có vẻ bình tĩnh như vậy? Chị có bí quyết nào cho chúng tôi biết với. Vì sao chị không lo sợ gì cả?

Bà ấy trả lời:

– Không! Tôi chẳng có bí quyết gì đâu. Tôi chỉ mừng là tôi có Chúa, Ðấng quyền uy có thể làm rung chuyển cả quả đất này.

* * * * *

Bạn thân mến, Trong năm vừa qua, hàng ngàn người đã thiệt mạng bởi những tai ương hoạn nạn xẩy ra đó đây trên thế giới. Có nhiều người cho rằng đây là những dấu hiệu của ngày tận thế sắp xẩy ra trong một ngày gần đây. Vì Chúa đã nói khi ngày tận thế đến, “sẽ có những trận động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể” (Lc 21:11). Điều này khiến cho lòng chúng ta phải băn khoăn và tự vấn, phải chăng ngày tận thế đã đến gần? Nhưng trong thực tế, chúng ta sẽ không bao giờ biết rõ ngày giờ Chúa đến, như Lời Chúa đã phán: “Về ngày giờ ấy không ai biết, kể cả thiên thần trên trời, và cả Con Người nữa, chỉ Thiên Chúa Cha biết” (Mt 24:36)

Nghĩ đến ngày tận thế, nhiều người cảm thấy rùng mình kinh khiếp. Cũng trong đoạn Phúc âm hôm nay, Chúa nói: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc thì đừng sợ hãi” (Lc 21:9). Chúa luôn luôn biết chúng ta suy tưởng và cảm nghĩ gì; Ngài biết chúng ta đang sống trong tình trạng lo lắng và sợ hãi. Nỗi lo lắng băn khoăn về tương lai là một chuyệt rất tự nhiên. Theo lẽ thường, bất cứ điều gì chúng ta không thể nắm chắc trong tầm tay đều làm cho chúng ta cảm thấy băn khoăn lo lắng. Trong tâm tư chúng ta có thể có những khúc mắc về tương lai như: Tận thế bao giờ đến ? Nếu ngày tận thế đến, tôi có sẵn sàng chưa?…v.v. Chúng ta không nên lo lắng sợ sệt ngày Chúa đến, nhưng ngược lại hãy nên rộng mở cánh cửa tâm hồn để sẵn sàng đón Chúa. Nếu chúng ta sống trong tâm tình phó thác cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa thì không có điều gì đáng cho chúng ta phải lo ngại. Quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta đều nằm trong vòng tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Lo lắng để dọn mình sẵn sàng cho ngày Chúa đến là điều cần thiết và rất quan trọng; vì Chúa đã nói: “Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày giờ Chủ các ngươi đến. Hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm sẽ vào, hẳn ông đã tỉnh thức và không để chúng đào ngạch khoét vách nhà ông. Vì thế các ngươi cũng vậy, hãy sẵn sàng vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24:42-44). Nhưng tại sao chúng ta lại sợ đến ngày tận thế? Phải chăng vì chúng ta đã chưa ý thức sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố thường ngày của chúng ta? Mỗi người hãy gắn liền cuộc đời của mình với sức sống thần linh của Thiên Chúa; để qua những biến cố hân hoan vui mừng cũng như buồn phiền đau khổ, chúng ta đều nhìn ra bàn tay yêu thương và quyền năng của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Những ai vẫn kết hiệp với Chúa trong cuộc sống hằng ngày cũng sẽ được kết hiệp với Chúa trong ngày Chúa đến. Và Chúa sẽ đến trong vinh quang để đem sức sống của Ngài cho chúng ta như lời Ngài đã phán: “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào.” (Jn 10:10)

Hãy để Chúa dẫn dắt chúng ta trên con đường thánh ý của Ngài. Nếu Chúa cùng đồng hành với chúng ta trên bước đường đời thì dù hôm nay, ngày mai, hoặc năm tới tận thế cũng chẳng sao.

Chúng ta hãy can đảm để sống từng giây phút trong niềm vui và an bình. Hãy phó thác và giữ vững niềm tin nơi Chúa trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống. Để qua những việc hết sức tầm thường của cuộc sống trần thế, chúng ta sẽ nhìn ra sự cao cả phi thường của Thiên Chúa.

* * * * *

Lạy Chúa, cuộc đời con Chúa đã an bài. Con xin phó thác quá khứ, hiện tại, và tương lai đời con trong ân tình Chúa. Lạy Chúa, Chúa là cùng đích và là tất cả của đời con, xin ban cho con một tấm lòng luôn khát khao yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy giữ gìn và ban cho con một tâm hồn trong sạch để bất cứ lúc nào Chúa đến con đều sẵn sàng. Amen

Sr. Vũ Mai Oanh, OP

THOÁT CHẾT

Hôm đó là ngày 30.8.2007.  Tôi đi làm về.  Chiếc xe của tôi chạy bon bon trên quãng đường được cho phép chạy ở tốc độ 50miles/giờ.  Khi chỉ còn cách nhà khoảng 5 phút nữa thình lình tôi thấy đầu óc choáng váng rồi không còn biết và thấy gì.  Tiếp đó tôi nghe tiếng va chạm mạnh giữa chiếc xe của tôi với một vật gì đó.  Lúc này tôi biết tai nạn vừa xảy ra và tôi cũng đoán biết vật mà chiếc xe của tôi vừa đụng chạm là một chiếc xe chạy ngược chiều.  Tôi ngồi bất động nhìn chiếc xe của mình đang lao xuống bờ đường bên tay phải.  Khi chiếc xe đã ngừng lại tôi thấy mình vẫn ngồi an toàn trên ghế. Tôi ngước mắt lên trời cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã cho tôi được bình an.

Ngay lúc đó một người phụ nữ Mỹ mà tôi đoán là bà ta lái xe ngay sau chiếc xe của tôi chạy đến và với vẻ mặt có vẻ lo lắng bà hỏi tôi có sao không.  Tôi cám ơn bà rồi trả lời rằng tôi không sao, chỉ bị rát nơi mặt vì sức bung mạnh của chiếc túi không khí (air bag) đánh vào mặt và bàn chân trái bị đau.  Vừa nói với người phụ nữ Mỹ tôi vừa hơi cúi xuống xem nguyên do nào khiến cho bàn chân trái của tôi bị đau. Nhưng qua ô cửa mà kính đã bị bể nát và bằng một động tác rất nhanh người phụ nữ Mỹ đưa tay ngăn tôi lại rồi đẩy cho người tôi dựa vào thành ghế.  Vừa làm động tác này bà vừa căn dặn tôi phải ngồi yên không được cử động cho đến khi xe cứu thương tới.  Nghe lời bà, tôi ngồi yên không động đậy.

Tựa lưng vào thành ghế tôi nhắm mắt lại và một lần nữa thầm thĩ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã che chở tôi trong tai nạn vừa qua.  Tự nhiên nước mắt trào ra hai bên khóe mắt.  Tôi không hiểu vì sao nước mắt chảy ra nhưng người phụ nữ Mỹ tưởng tôi khóc vì đang lo nghĩ về điều gì đó.  Bà an ủi tôi rằng mọi sự rồi sẽ OK không cần phải nghĩ ngợi gì.  Người phụ nữ tốt bụng đã có mặt giúp đỡ tôi ngay khi tai nạn vừa xẩy ra cho tới khi có nhân viên cứu thương đến nơi.

Trong thời gian nằm trong xe cứu thương trên đường tới bệnh viện cũng như trong lúc ở trong phòng cấp cứu chờ đợi gặp bác sĩ tôi đã suy nghĩ thật nhiều về biến cố vừa trải qua.  Tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi mà không trả lời được.  Nguyên nhân nào làm cho tôi không hay biết gì trong giây lát khiến tai nạn xẩy ra?  Tại sao tôi vẫn được bình an trong một tai nạn như vậy?  Với mức độ hư hại của chiếc xe không ai nghĩ tôi còn sống sót chứ đừng nói đến chuyện được bình an.  Thế mà tôi vẫn được bình an.  Cuối cùng tôi chỉ có thể giải thích rằng Chúa chưa muốn tôi chết.

**********************

Đêm hôm đó nằm trên giường bệnh nhân tôi mơ thấy mình đã chết.  Tôi thấy mình đang nằm trong một quan tài được đặt trong một căn phòng của một nhà quàn nào đó trong thành phố.  Ở đó tôi nghe được những tiếng khóc, nghe được những tiếng thở dài cùng những ngôn từ buồn thảm.  Tôi nhìn thấy những cặp mắt đỏ hoe, đầm đìa nước mắt.  Cũng ở đó tôi còn nghe được những lời kinh sốt sắng để cầu nguyện cho người vừa qua đời.  Trong lúc đó thì linh hồn đã ra đi để đến trình diện trước tòa phán xét.

Trên đường đến tòa phán xét tôi biết rõ sau khi bước ra khỏi tòa phán xét thì linh hồn tôi sẽ đến một trong ba nơi như lời kinh bổn mà tôi đã thuộc nằm lòng ngay từ khi còn bé.  Theo đó thì linh hồn tôi “Hoặc lên Thiên đàng, hoặc xuống Hỏa ngục hay là vào lửa Luyện tội”.  Trong lúc chờ đợi đến phiên mình vào gặp vị thẩm phán, tôi đã tự trấn an để đừng quá lo sợ.

Tôi nhủ thầm rằng suốt một đời theo Chúa và ngày ngày nài nỉ “ Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục…” tôi hy vọng sẽ được Chúa thương xót cho tôi tránh khỏi hỏa ngục nhưng lên thẳng thiên đàng thì tôi không bao giờ dám nghĩ tới.  Vì trước mặt Chúa là đấng toàn thiện, toàn hảo thử hỏi ai là người được coi là tinh tuyền để được vào thẳng nước thiên đàng mà không phải trải qua thời kỳ thanh luyện?  Nói cách khác là đền tội nơi luyện ngục.

Tôi đang suy nghĩ thì có lệnh triệu vào trình diện trước tòa.  Vị chánh thẩm nhân lành nhưng công minh trao cho tôi một cuốn sổ.  Vừa trao cuốn sổ cho tôi Người vừa nói với tôi rằng tất cả công, tội của tôi cũng như thời gian phải ở luyện ngục đều được ghi đầy đủ ở trong đó.  Tôi nhận cuốn sổ bước ra vừa đi tôi vừa mở cuốn sổ.

Tôi xem lướt qua phần ghi công và tôi thật ngạc nhiên vì thấy có những việc rất nhỏ nhặt nhưng đã được ghi ở phần công phúc.  Tôi chưa muốn mở đến phần ghi tội vì nóng lòng muốn biết thời gian tôi phải đền tội ở luyện ngục là bao lâu.  Tôi lật tiếp ít trang nữa và hồi hộp khi nhìn thấy hàng chữ:  THỜI GIAN ĐỀN TỘI Ở LUYỆN NGỤC……

Vừa lúc đó thì có ai đó vỗ vỗ vào vai tôi.  Tôi mở choàng đôi mắt và thấy người y tá đang đứng bên cạnh đầu giường với dụng cụ đo áp huyết.  Người thanh niên trẻ mỉm cười nói xin lỗi đã làm gián đoạn giấc ngủ của tôi nhưng đã đến giờ anh ta phải đo huyết áp cho tôi.  Tôi đưa cánh tay để anh ta làm nhiệm vụ trong lúc đầu óc tôi vẫn còn nghĩ đến giấc mơ.

Khi người y tá đã ra khỏi phòng tôi trở lại với giấc mơ.  Tôi cảm thấy tiếc vì chưa biết được thời gian phải đền tội ở luyện ngục thì người y tá đã đánh thức tôi dậy.  Câu chuyện trong giấc mơ lại được tiếp nối trong thực tại với những suy tư của một người còn đang sống.  Tôi nghĩ đến Luyện ngục.

Theo giáo lý Công giáo thì vào luyện ngục cho dù thời gian là bao lâu cũng có ngày được về Thiên đàng không như hỏa ngục là chốn bị án phạt đời đời không bao giờ được ra khỏi.  Giáo lý cũng dậy rằng từ khi vào luyện ngục thì bản thân các linh hồn không thể làm gì để tự cứu mình.  Nhưng thời gian ở luyện ngục có thể giảm bớt nhờ lời cầu nguyện, thánh lễ hay việc lành phúc đức từ người còn sống.

Những linh hồn ở luyện ngục hoàn toàn trông cậy vào người còn sống.  Nếu người còn sống quan tâm và năng cầu nguyện cho họ thì thời gian thọ hình sẽ được rút ngắn còn nếu người còn sống lơ là với họ thì họ phải chịu hình phạt đúng với thời gian như phán quyết đã định.  Ai đã đọc qua những sách nói về luyện ngục hẳn không khỏi giật mình vì trường hợp các linh hồn phải đền tội mấy chục năm ở luyện ngục không phải là hiếm.  Thậm chí có những linh hồn còn phải đền tội lâu hơn nhiều.

**********************

Sau tai nạn, ngày ngày tôi vẫn lái xe qua lại và nhìn những dấu tích còn sót đọng trên đoạn đường này.  Hôm nay sau gần hai tháng kể từ khi gặp nạn, tôi không còn nhìn thấy dấu tích nào nữa.  Đoạn rào sắt bị sập đã được sửa chữa.  Bỗng dưng nhớ lại chuyện cũ tôi cảm thấy bồi hồi rồi đặt ra cho mình một chữ “Nếu”.

Nếu Chúa định cho tôi chết trong tai nạn ngày hôm đó thì thân xác tôi nay đã nằm yên dưới lòng đất lạnh.  Thân xác tôi giờ đây đang ở trong giai đoạn hư thối để rồi từ tro bụi lại trở về với tro bụi.  Nỗi nhớ thương dành cho tôi có lẽ nay cũng đã vơi bớt và rồi với thời gian, tên tuổi của tôi sẽ dần dần biến mất khỏi ký ức của mọi người.

Tôi không phải là người giàu có, không phải là người học rộng tài cao, không có quyền cao chức trọng trong xã hội….  Nhưng cho dù có thì những thứ ấy cũng chẳng có giá trị gì trong cuộc sống ở thế giới mới.  Tai nạn đã nhắc nhở tôi cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, chẳng có gì là bền vững.

Đó là nói về phần xác còn phần linh hồn cứ tạm coi giống như giấc mơ thì linh hồn tôi đang đền tội ở luyện ngục.  Ở luyện ngục tôi trở thành bất lực không còn có thể làm được gì để giúp mình mà chỉ hoàn toàn trông cậy vào những người còn sống.

Nhưng những người còn sống có sẽ thường xuyên cầu nguyện cho tôi không hay là những lời cầu nguyện của họ sẽ thưa dần theo năm tháng?  Tôi tin là sau thời gian dài chung sống và với tình nghĩa thâm sâu, người bạn đời của tôi chắc chắn sẽ không ngừng cầu nguyện cho tôi.  Còn con cháu? Tôi không hề nghi ngờ lòng hiếu thảo của con cháu nhưng tôi hiểu lối sống trong xã hội ngày nay ở Mỹ.  Với những bận rộn của cuộc sống, nhiều khi người ta còn không có thì giờ để nghĩ đến chính mình thì làm sao có thì giờ để nghĩ đến người khác cho dù là người thân.  Hơn nữa với khuynh hướng giữ đạo ngày càng hời hợt của thời đại hôm nay có mấy ai còn quan tâm và ý thức được sự quan trọng của việc cầu nguyện cho người đã chết.

Tôi không bi quan nhưng quả thật để linh hồn được cứu rỗi, để giảm bớt thời gian đền tội ở luyện ngục.  Nói cách khác để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau là việc của chính mình chứ không thể trông cậy vào bất cứ ai.  Chính ở điểm này tôi càng thấy vui mừng và phải cảm tạ Chúa đã cho tôi còn được sống sau tai nạn.

Còn được sống không có nghĩa là sẽ sống mãi.  Lazarô chết bốn ngày được Chúa cho sống lại rồi cũng phải chết.  Còn được sống không phải để kéo dài tuổi thọ, cũng không phải để có thêm thời gian an hưởng tuổi già.  Nhưng Chúa cho tôi còn được sống để tôi có thêm ngày giờ để làm việc lành phúc đức, phụng sự Chúa, làm những việc có ích cho Giáo hội và tha nhân….. trước khi quá trễ.

Lại Thế Lãng
Tháng Các Linh Hồn 2007

NHỚ ĐẾN TÔI

Nhật báo Bild tại thành phố Ham-burg nước Đức, trong số báo ra ngày 3 tháng 10 năm 1996, có đăng tin như sau: Anh Eduardo Sierra, 35 tuổi, người Công Giáo thuộc nước Tây Ban nha, nhân một chuyến du lịch sang nước Thụy Điển đã ghé thăm một nhà thờ bỏ trống thuộc thành phố Stock-holm. Trong đó có đặt một chiếc hộp đựng xương của một người quá cố nào đó.  Anh Eduardo Sierra quyết định cầu nguyện cho linh hồn người quá cố và viết tên cùng địa chỉ vào cuốn sổ đặt trước chiếc hộp với dòng chữ: “Ai cầu nguyện cho người quá cố này xin ghi tên và địa chỉ vào cuốn sổ”.  Thế rồi sau đó hai tuần khi trở lại nước Tây ban Nha, anh Eduardo Sierra đã nhận được lá thư từ nước Thụy Điển báo rằng anh được hưởng trọn vẹn gia tài người đã chết là ông Jens Svenson, một nhà địa ốc 73 tuổi, không có một ai thân thích.  Ông Jens Svenson đã ghi vào bản di chúc của mình rằng: “Bất cứ ai cầu nguyện cho linh hồn tôi thì sẽ được thừa kế tất cả gia tài của tôi”.

Số tiền anh được hưởng tương đương hai triệu Mỹ kim.  Ông Jens Svenson cả một đời làm việc vất vả, dành dụm được một số tiền khá lớn, nhưng khi nằm xuống, ông chẳng mong ước gì hơn là có người nhớ đến và cầu nguyện cho ông .  Thực ra đối với một người đã chết dù 2 triệu Mỹ kim cũng không ích lợi bằng một Thánh Lễ hay một lời cầu nguyện bé nhỏ đơn sơ.

***************************

Có một loài hoa tên là “Forget Me Not”, người biết thưởng thức hoa thì gọi nó là Lưu Ly Thảo”, còn giới bình dân thì đặt tên cho nó là “Đừng Quên Tôi”.  Đừng Quên Tôi là ba chữ tự nhiên được in sâu trong tâm trí con người.  Ai trong chúng ta cũng ao ước người khác nhớ đến mình.

Mẹ sửa soạn đi chợ thì đứa con nói: “Mẹ nhớ mua quà cho con nhé.”  Anh kia mở một bữa nhậu, bạn bè đánh hơi được thì nói ngay: “ông nhớ gọi tôi đấy nhé.”  Chồng đi làm xa thì vợ dặn dò: “Anh nhớ gọi về cho em nhé.”  Vị linh mục sau khi thăm viếng bệnh nhân thì bệnh nhân thường nói: “Cha nhớ cầu nguyện cho con nhé.”

Chúa Giêsu là Thiên Chúa cũng không ngoại lệ.  Trong phần Truyền Phép là phần quan trọng nhất của Thánh Lễ, chúng ta vẫn nghe câu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

Trong bài Phúc âm người trộm lành cũng bộc lộ tâm tình sâu kín nhất của anh ta với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài khi nào vào Nước Ngài xin nhớ đến tôi “.

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có biết bao cực nhọc, biết bao trăn trở ưu phiền, thế nhưng khi có người gọi điện thoại đến hỏi thăm, hay chúng ta nhận được một lá thư, một món quà nào đó thì lòng chúng ta cũng nhẹ nhõm đi nhiều.  Tại sao vậy?  Thưa, bởi vì họ nhớ đến tôi nên mới gọi điện thoại cho tôi, họ nhớ đến tôi nên mới viết thư cho tôi, họ nhớ đến tôi nên mới gửi quà cho tôi.  “Nhớ Đến Tôi” là ba chữ chúng ta không muốn biến mất trong cuộc đời mình.  Bởi vì nếu nó biến mất thì cuộc đời chúng ta sẽ rất bất hạnh.

Quí vị có biết thân nhân, ân nhân, bạn bè của quí vị đang nằm trong lòng đất cần điều gì nhất không?  Tôi thiết tưởng họ cần đến lòng Thương Xót của Chúa.  Đó là điều chắc chắn.  Ngoài ra họ mong điều gì nhất không?  Cũng chắc chắn là họ mong chúng ta Nhớ Đến Họ.  Nhưng cái thiệt thòi nhất của họ là gì?  Bị quên lãng.  Thời gian thì đồng loã với Quên Lãng.  Dần dần người chết bị quên lãng.  Bởi vì định luật của cuộc đời vẫn là: “Out of sight, out of mind.”  Việt Nam mình có câu rất sát nghĩa: “Xa mặt cách lòng”.  Đó là điều đau đớn nhất của người đã chết.  Một em bé muốn ăn chỉ cần khóc, một người lớn muốn ăn thì lên tiếng nói.  Còn người đã chết chẳng cần ăn, chẳng cần mặc.  Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho họ thì tội nghiệp họ không nói được, không khóc được, không làm dấu hiệu gì được.  Đó mới là nỗi đau khổ vô cùng.  Vì thế văn sĩ Pháp Jean Couteau nói một câu rất hay: “Đối với những người đã chết thì nấm mồ thực sự của họ không phái ở trong nghĩa trang mà ở trong con tim quên lãng của người còn sống”.

Một ngày nào đó tôi sẽ chết.  Tôi muốn người ta đặt trên quan tài tôi không phải chục bó hồng, không phải mười vòng hoa tươi mát, vì hoa đẹp mấy rồi cũng tàn.  Nhưng tôi muốn người ta rải lên thi thể tôi những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những chùm hoa Xin Lễ, những bông hoa hy sinh.  Hãy tặng tôi những bông hoa Forget Me Not.

Hãy để hương hoa “Đừng Quên Tôi” còn phảng phất chung quanh tôi.  Tôi cần thứ hoa đó hơn con thơ cần sữa mẹ, hơn thiếu nữ cần tình yêu, hơn khu vườn cần nắng ấm.  “Hãy làm cho người khác điều mà con muốn người khác làm cho con.”  Đó là lời vàng của Chúa Giêsu.  Hãy tưởng nhớ đến những linh hồn thân nhân ân nhân, bạn bè, mồ côi, nếu chúng ta muốn sau này có nhiều người tưởng nhớ đến mình.  Tình nghĩa thì quan trọng hơn bạc tiền.  Đời sau thì giá trị hơn đời này.  Những đồng tiền Xin Lễ cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.

“Nhớ Đến Tôi” đó là ba chữ quan trọng không những cho người còn sống mà còn quan trọng hơn nữa cho những người đã ra đi trước chúng ta.  Xin cám ơn quí cha và quí vị đã lắng nghe con nói. Con nói thay cho những người không còn tiếng nói.

Lm. Hữu Độ, CMC