CÂY ROI TRONG MỤC VỤ

Sáng nay mình dâng lễ tại nhà ông Hai Hiếu. Ông Hai ở giữa lương dân, thậm chí cả vợ và con cháu của ông cũng là lương dân. Ông “nghỉ đạo” 70 năm rồi. Trong chuyến viếng thăm lần trước, mình đã tìm hiểu nguyên nhân nghỉ đạo của ông.

– Tại sao ông Hai nghỉ đạo lâu thế ?

– Hồi xưa con ở Trà Lồng. Có một lần con đi lễ trễ, bị ông Cố Quimb-rôtz bắt nằm xuống, đánh một trận chảy máu đít. Con sợ, con giận, con bỏ đạo luôn cho tới bây giờ. Hồi ấy con mới có 19 tuổi.

– Tại sao ông Hai đi lễ trễ vậy ?

– Thì nhà con ở sâu trong ruộng, con đi sớm không được.

– Bây giờ ông Hai còn giận không ?

– Hết rồi.

– Bây giờ ông Hai trở lại nhá.

Ông Hai xưng tội nhệu nhạo cùng với dòng nước mắt.

Cha Quimb-rôtz là một linh mục có tài kinh bang tế thế. Chính cha đã từng có mặt trên mảnh đất Cái Rắn này vào cuối thập niên hai mươi và đầu thập niên ba mươi. Chính cha đã mua lại căn nhà lầu của ông Tòa Sửu để làm nhà xứ Cà Mau, nơi mình đã ở 19 năm trời. Cuộc đời của cha được thế hệ đàn anh đúc kết như sau : năng nổ và nóng nảy như ông Lỗ Trí Thâm trong “Thủy Hử”. Chính vì thế, cha Quimb-rôtz đã cai trị bằng ngọn roi. Với ngọn roi mây, cha tạo được những họ đạo nề nếp, trật tự, rất đẹp mắt.

Nhưng cũng với ngọn roi mây ấy, cha đã đánh bật một tin đồ ra khỏi nhà thờ. Người tín đồ ấy đi lang bạt kỳ hồ từ năm 19 tuổi cho tới năm 89 tuổi mới có cơ may trở về với Chúa. Ngọn roi mây có điểm ưu và khuyết, nhưng bên nào nặng, bên nào nhẹ, thì mình chưa dám khẳng định. Mình liên tưởng đến những công trình lớn như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc và Kim Tự Tháp của Ai Cập.

Ngày nay khách du lịch trầm trồ khen ngợi những công trình sư vĩ đại của thời xưa ấy, mà quên phắt đi rằng : để đạt được công trình vĩ đại, các công trình sư đã phải trả giá bằng hằng triệu lần vi phạm nhân quyền và chà đạp nhân phẩm. Người ta đã phải dùng tới hàng triệu ngọn roi, để xây Vạn Lý Trường Thành và Kim Tự Tháp. Vậy thì lời hay lỗ ?

Nếu lấy sự nghiệp làm trọng, thì thế là lời, lời lớn. Nếu lấy con người làm trọng, thì thế là lỗ lớn, là phá sản.

* * * * *

Hôm nay là ngày Chúa nhật : cha phó dâng lễ sáng. Mình đi qua đi lại xung quanh nhà thờ, để tạo bầu khí trang nghiêm cho giờ lễ. Nhà thờ chưa đầy người, thế mà có một chú bé đứng chầu rìa ở bên cửa hông. Mình vỗ vai em :

-”Con vô đi, trong kia còn chỗ”

Em quay ngoắt một cái, chạy vọt xuống cửa phía dưới. Lại đứng chầu rìa. Lòng tự ái lãnh đạo bốc lên tới lỗ mũi. Mình dằn cơn nóng xuống, thủng thỉnh đi theo em. Mình lại vỗ vai em :

-“Trong kia còn nhiều chỗ lắm”.

Em chuồn. Mình nắm tay em kéo vô. Em dạng chân chống chỏi. Nhân đức hiền lành xì ra ngoài hết. Mình nghiến răng lại, hai bàn tay sắt siết hai vai em :

 -“Vô không ?”

Em tỉnh queo, nhỏng mỏ :

-”Con đi lễ chứ có làm gì đâu mà cha làm hung làm dữ” .

Mình thả lỏng hai tay. Em bước ra cổng, rồi biến mất trong dòng người.

Có lẽ em sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mình nhìn lên bàn thờ, nhìn lên nhà tạm, rồi nhìn lên cây thánh giá. Ánh mắt của mình không dừng lại được ở bất cứ nơi nào. Nó đành nhắm lại, vì xấu hổ.

Em đã cho mình một bài học xứng đáng. Em là thầy của mình. Thầy ơi, vì con mà thầy đã từ giã thánh đường; vì con mà có lẽ thầy sẽ bỏ đạo. Xin thầy hãy trở lại, để lương tâm của con tìm được sự bình an.

Trích “Nhật Ký Truyền Giáo”, Người viết Lm. Ngô Phúc Hậu

* * * * *

Lạy Chúa! Đã nhiều lần vì quá năng nổ và hăng hái trong việc tông đồ nên con đã đóng vai của một người phá hoại thay vì người xây dựng cho nước Chúa, con đã cản đường cản lối làm cho nhiều người phải xa Chúa thay vì dẫn dắt họ đến gần với Ngài … Xin cho con luôn biết dành thời giờ để xét mình, để hồi tâm tưởng nhớ đến lời nói việc làm của con, và nhất là, xin cho con luôn biết kết hợp với Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện để  được Chúa hướng dẫn dắt dìu, Amen .

HÃY GỌI TÔI LÀ SƠ NUÔI HEO!

Ở cái tuổi ngoài bảy mươi, có lẽ, trên đời này hiếm ai chọn cho mình “cách sống” bằng việc ngày ngày lặng lẽ chăm sóc, nuôi dưỡng những người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối như bà…

Sống là cho

Mười năm trước, khi còn đang tu ở nhà dòng, bà gặp lại người chị gái sau bao năm lưu lạc.  Niềm vui chưa trọn thì nỗi buồn đã ập đến, khi bà biết chị mình đã nhiễm căn bệnh thế kỷ ở giai đoạn cuối. Bà mang chị gái về chăm sóc, trong lúc cuộc sống của chị chỉ còn được tính bằng ngày.  Đang lúc khổ nhất thì bà được người quen cho mượn mảnh đất với ba căn nhà lá lợp tạm để trú thân.

Hàng ngày nhìn chị gái người ngợm lở loét, đau đớn, thương chị nên từ đó cái tâm của bà nhen nhóm ý định sẽ nhận chăm sóc những người nhiễm HIV.  Đến khi tận mắt chứng kiến cái chết đớn đau, lặng lẽ của chị mình, thì cái dự định ban đầu ấy càng bùng lên mãnh liệt.  Và bà quyết định xin ra khỏi nhà dòng.  Người bạn trước kia cho chị em bà mượn nhà, nay cũng đồng ý cho bà tiếp tục mượn để làm chỗ nuôi người bệnh.

Bà “nhặt” được bệnh nhân đầu tiên ngoài vỉa hè.  Anh thanh niên ấy mới ngoài 20 tuổi, nhiễm HIV giai đoạn cuối.  Về với bà chưa đầy ba bữa thì anh qua đời.  Đêm hôm ấy, một mình trong căn nhà lá, dưới ánh nến lập lòe, cứ ngủ được nửa giấc, bà lại lần ra phía bờ tường thắp nhang cho anh.

Bà tâm sự: “Chị (bà vẫn có thói quen xưng chị – PV) chẳng thấy sợ, chỉ thấy có gì đó bồn chồn.  Cứ nghĩ đến cảnh cậu ấy chết lạnh một mình ở nhà ngoài, chị không yên được. Và thế là lại lọ mọ trở dậy thắp nhang, lòng mong trời mau sáng”.  Sáng hôm sau, một mình bà chạy vạy lo tang ma, chôn cất cho người thanh niên phận mỏng.

Sau ngày ấy, tiếng lành đồn xa, có rất nhiều người đã tìm đến với bà.  Người vô gia cư cũng có, người có gia đình nhưng bị ruồng bỏ cũng có.  Nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền nằm viện cũng đến.  Có đợt cao điểm, bà nhận nuôi hơn 10 người.  Và bà đã làm công việc đó, suốt 5 năm nay. Khó mà hình dung được sức quán xuyến của một phụ nữ ngoài bảy mươi khi hàng ngày, trên chiếc cúp 50 đã quá cũ, bà bươn bả khắp nơi mua cơm khô, nước gạo, thức ăn thừa về nuôi heo, nuôi gà – nguồn thu nhập chính của cả “đại gia đình”.

Cũng trên chiếc xe ấy, bà đèo tất tật những người bệnh, từ người già yếu đuối cho tới thanh niên sức rộng vai dài đến các bệnh viện, trung tâm phát thuốc miễn phí để xin thuốc hoặc khám định kỳ.  Chính những ngày tháng rong ruổi đến khắp các trung tâm cũng giúp bà “lượm lặt” được không ít bệnh nhân đem về.  Cô N.T.H. người quê Long An hiện đang ở nhờ nhà bà để chăm sóc cậu con trai mới ngoài 20 tuổi bị nhiễm HIV nói: “Không có sơ (soeur) giúp, chẳng biết mẹ con chị sẽ thế nào.  Nhà chị nghèo lắm, lấy đâu ra tiền cho nó vào bệnh viện”.  Hai lần trong tuần, sơ lại chở hai mẹ con họ đến trung tâm khám bệnh, lấy thuốc.

Người đàn bà đáng bị ném đá hay xứng được vinh danh ?

“Nhà bà ấy thuộc phường 13, chứ nếu ở phường 11, tôi đã cho bà ấy “lên đường” từ lâu rồi !”.  Câu trả lời dứt khoát của ông Phạm Văn Hồng, trưởng ban điều hành khu phố 6, phường 11 quận Bình Thạnh – làm lòng tôi nhói lại.  Ông cho biết căn nhà bà dùng để chăm sóc người bệnh vốn là một khoảnh đất nằm trong xóm lao động nghèo.

Với những người dân lao động, phải ngày ngày đầu tắt mặt tối lo toan cơm áo, gạo, tiền, mà cuộc sống cũng chẳng hề dễ thở thì việc nhìn thấy bà cứ hết đưa người (chết) cửa trước, rước người (bệnh) cửa sau, khiến cho cuộc sống của họ “đã khó khăn lại càng thêm bất an, sợ hãi”.  Họ nhăn mặt mỗi khi thấy bà đem một người bệnh mới về, bịt mũi quay lưng khi bà đem một xác chết trở ra.  Người ta đồn thổi bà đang “kiếm tiền” trên những xác chết. Người ta còn dọa ném đá vào bà !

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, làm việc tại Trung tâm Tham vấn và xét nghiệm miễn phí số 53 Vũ Tùng quận Bình Thạnh – thì hiện nay có quá nhiều bệnh nhân cần được giúp đỡ nhưng chẳng phải ai cũng đủ điều kiện để đến các trung tâm nuôi người nhiễm HIV.  Mặc dù biết sơ quá nghèo, không đủ điều kiện vật chất để chăm sóc người bệnh nhưng trung tâm vẫn giới thiệu họ đến với sơ.  Và ông thực sự thấy “rất cảm kích trước một mạnh thường quân ít tiền nhưng giàu lòng thương người như bà ấy !”.

Khi tôi rụt rè mang những thắc mắc đó chêm vào giữa câu chuyện đang nói với bà, bà cười buồn: “Bây giờ, mỗi khi có bệnh nhân qua đời, chị phải lén lút gọi nhà hòm đến chuyển đi trong đêm.  Hồi trong Tết, dồn dập trong vài ngày mà có đến 4 người “đi” khiến chị rối bời bời.  Dạo này, chị không dám nhận nhiều bệnh.  Chỉ những người cùng khổ, chị mới đem về.  Người nào yếu quá, liệu bề không qua, chị phải chở tới nhà thương để nhỡ họ có chết cũng chết ngoài nhà, hàng xóm đỡ sợ khi thấy xác…”.

Tôi dừng lại, không dám hỏi thêm, sợ mình quá toan tính khi nghĩ về những điều nhân ái. Cuối cùng, thì bà cũng đã có “chiêu thức” để đối phó với những điều tiếng chung quanh mình (lòng tốt cũng phải ngụy trang – bài học mới thật là xót xa).  Máu, mủ, lở loét của người bệnh, những xác chết chuyển âm thầm trong đêm, những chuyến xe chở nước cơm dư, một cái quần ống thấp ống cao, một buồng ngủ tuềnh toàng khai nồng mùi phân lợn (do đặt cạnh chuồng lợn) và sự tận hiến với đức tin.  Đó là tất cả những gì mà bà có, cho mình.  Nó cho phép tôi chữa lại ít nhiều lời đồn thổi về bà: không phải bà đang “kiếm sống” mà là “kiếm tìm lẽ sống” – một lẽ sống tốt đạo đẹp đời, đáng được nâng niu, trân trọng.

… Xuôi đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, rẽ vào ngõ chùa Giác Quan, hỏi thăm sơ nuôi heo, sẽ gặp một căn nhà không số, một ngõ phố không tên, một người đàn bà lặng lẽ không thích xưng danh mà chỉ nói: “Hãy gọi tôi là sơ nuôi heo !”. Chúng tôi tôn trọng ý nguyện của bà. Đó là lý do trong cả bài viết, bà không hề được nêu tên.

Thanh Dung – Mai Hương
http://memaria.org/

ĐỒNG CỎ XANH, DÒNG SUỐI MÁT

Dương Ân Điển là đứa trẻ bị bỏ rơi, người ta nhặt được nó ở một quầy bán thịt, trong cái chợ nghèo vùng núi miền Nam, đảo Đài Loan.  Câu chuyện thương tâm này xảy ra năm 1974, ấy là lúc vừa lọt lòng, em đã không có hai cánh tay, chân phải thẳng đơ không thể co duỗi.

Thế mà, 25 năm sau, đứa bé tàn tật bất hạnh ấy đã trở thành nhà danh họa tài ba, chuyên vẽ tranh bằng chân và miệng.  Cô đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ và Nhật, và là thành viên của Hiệp Hội quốc tế những người vẽ tranh bằng chân và miệng.

Cuộc đời cô thay đổi nhanh chóng như thế, thành công rực rỡ như thế, cũng là nhờ mục sư Dương Húc và vợ ông là Lâm Phương Anh nhận nuôi.  Đặc biệt là ông Tưởng Kinh Quốc đã cho cô đi giải phẫu chỉnh hình cột sống, nắn chân phải, sửa đường làm cầu cho cô dễ dàng đi tới trường.  Ông đã nói với cô:

– “Cháu không có tay, nhưng còn chân, và có thể làm được rất nhiều việc”.

Chính tình thương, sự chăm sóc, và lời động viên của ông Tưởng Kinh Quốc đã thay đổi số phận của một con người.

************************

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).  Thiên Chúa là chủ chiên nhân lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu bao bọc của Chúa; mỗi người chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trái tim yêu thương của Người.  Tấm lòng quảng đại yêu thương của ông Tưởng Kinh Quốc dành cho cô bé Dương Ân Điển chỉ là hình bóng tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con chiên của Người.

Vâng, chiên của Chúa thì nghe Chúa, biết Chúa và theo Chúa.

Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng trong tâm hồn mình.  Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người.  Thánh Phaolô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17).

Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phân cho duy một mình Người.  Theo Chúa cũng chính là từ bỏ, từ bỏ con người cũ, nếp sống cũ, đường lối cũ: Các môn đệ đã bỏ mọi sự, Mađalêna đã bỏ đường tội lỗi, Augustinô đã bỏ đời trụy lạc, để đi theo Người.

Nghe Chúa, Biết Chúa và Theo Chúa để được những gì? Đức Kitô đã trả lời: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Đoàn chiên đi theo chủ chiên nhân lành thì đồng cỏ xanh với dòng suối mát chắc chắn phải là đích đến của chúng, vì chủ chiên Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người không những ban cho chúng ta sự sống đời đời mà còn bảo đảm sự sống ấy chắc chắn không thể mất được.

Không chỉ Chúa Con mà cả Chúa Cha cũng gìn giữ, bảo vệ chúng ta trong bàn tay yêu thương của Người: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10,29).  Chúa Cha đã trao ban đoàn chiên cho Chúa Con như quà tặng quí giá nhất, nên Chúa Con cũng gìn giữ và yêu mến đoàn chiên như Chúa Cha đã yêu mến và gìn giữ vậy.  Như thế, chúng ta được bảo vệ an toàn tuyệt đối trong cả hai bàn tay, của cả cha lẫn mẹ, còn hình ảnh nào đẹp hơn thế nữa!

************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên bé nhỏ đơn sơ để chúng con được nằm gọn trong bàn tay yêu thương của Chúa. Giữa một thế giới ồn ào vì tranh giành quyền lực, của cải, ảnh hưởng, xin cho chúng con lắng nghe được tiếng Chúa. Giữa một thế giới chỉ biết tôn thờ vật chất, xin cho chúng con hiểu biết Chúa thật sâu xa để yêu mến Người thiết tha. Giữa một thế giới chỉ biết chạy theo danh lợi lạc thú, xin cho chúng con luôn đi theo Chúa là chủ chiên nhân lành của cuộc đời chúng con. Amen!

Thiên Phúc

CHÚA KHÓC…

Trong tuần qua cả nước Mỹ đã bàng hoàng xúc động khi nghe tin một chàng trai 23 tuổi gốc Nam Hàn tên là Cho Seung Hui, sinh viên năm thứ 4 của trường đại học kỹ thuật Virgina thuộc tiểu bang Virgina, Hoa Kỳ.  Vào lúc 7 giờ 15 phút sáng thứ Hai vừa qua (16/4/2007),  anh đã cầm súng đột nhập vào khu cư xá sinh viên và đã bắn chết 2 người.  Gần hai giờ sau, anh lại cầm súng đi vào các lớp học và bắn chết 5 thầy giáo và 25 sinh viên khác. Sau cùng, anh đã quay súng vào chính anh và bóp cò tự tử …Biến cố đau thương này đã cướp đi tổng cộng 33 mạng người và gây thương tích cho 26 người khác

* * * * *

Bạn thân mến, Ngay khi có tiếng súng nổ và 33 mạng sống con người bị cướp đi, các mạng lưới internet, các đài truyền thanh truyền hình đã đồng loạt đăng tải tin tức và hình ảnh về biến cố đau thương này. Các nhà thờ trong vùng đã liên tiếp tổ chức các buổi cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt nhất là trong sân vận động của trường đại học Virgina, nơi xảy ra biến cố đau buồn này, đã có hàng chục ngàn người đến thắp nến cầu nguyện cho các sinh viên bị giết hại. Trong những tin tức và hình ảnh được truyền đi, có hình ảnh của các bạn trẻ sinh viên ôm nhau khóc tức tưởi, có hình ảnh các bậc phụ huynh và gia đình của họ đang sụt sùi than khóc, và hình như cũng có cả hình ảnh Thiên Chúa  Yêu Thương, Ngài cũng đang khóc …

Thiên Chúa đang khóc với các bậc phu huynh và gia đình của họ, những người đã dành biết bao năm tháng hy sinh vất vả cho con cái, đã dành biết bao yêu thương săn sóc và ước mơ hy vọng vào người mình yêu thương …nay tất cả bị sụp đổ và chia lìa chỉ vì những viên đạn và lòng ích kỷ thù hận . Nguyện xin cho những giọt nước mắt đau buồn tiếc thương của các bậc phụ huynh và gia đình của họ được lau khô bằng nguồn trợ lực thiêng liêng trong niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa Tình Yêu.

Thiên Chúa cũng đang khóc với các bạn trẻ sinh viên của trường đại học kỹ thuật Virgina, những người đã tận mắt chứng kiến hình cảnh chém giết kinh hoàng nơi trường lớp của mình và đã gánh chịu những chia lìa mất mát nơi bạn bè thân yêu… Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu lau khô  những giọt nước mắt đang tuôn trào nơi khuôn mặt ngây thơ hồn nhiên của các bạn, và cũng xin cho những giọt nước mắt của các bạn được Thiên Chúa thánh hóa để trở nên chứng tích của tình yêu thương trong cuộc sống hôm nay.

Và Thiên Chúa cũng đang khóc cho sự “tự do” của con người mà chính Ngài đã trao ban. Ngài không phải là 1 ông vua luôn ép buộc thần dân sống trong khuôn khổ và quy định của mình. Ngài cũng không phải là cảnh sát công an, luôn canh chừng và nghiêm trị những con người vượt ra khỏi luật lệ đã định sẵn, nhưng Ngài là Đấng Yêu Thương , luôn tôn trọng con người, coi con người như một “người lớn”. Chính vì thế, Ngài đã ban tặng cho con người món quà cao qúy, đó là sự tự do. Nhưng tiếc thay, khi có tự do trong tay, con người đã xử dụng tự do một cách bừa bãi , đã vượt qua những khuôn khổ trật tự.  Con người đã phá hủy những chương trình kế họach mà Thiên Chúa đã gầy dựng và ấn định cho mình… Tiếc thay, con người đã xử dụng tự do để làm hại người khác và làm hại chính mình bằng cách lấy đi mạng sống của người khác và mạng sống của chính mình … Tiếc thay con người đã biến “tự do” thành “tội ác”… và Thiên Chúa lại tiếp tục khóc…

Thiên Chúa đã khóc trong ngày hôm qua. Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục khóc trong ngày hôm nay. Còn ngày mai thì sao nhỉ ? Thiên Chúa có còn tiếp tục khóc trong ngày mai nữa hay không ? Tôi và bạn, chúng ta phải làm gì trong ngày hôm nay để ngăn lại dòng nước mắt của Thiên Chúa đang chảy dài trên khuôn mặt của Ngài ? Tôi và bạn phải làm gì hôm nay để Thiên Chúa thôi đừng khóc nữa trong ngày mai ?

* * * * *

Lạy Chúa! Sự tự do là món quà cao qúy Chúa đã ban tặng cho con người, là chứng tích của tình yêu Thiên Chúa … Xin cho chúng con biết xử dụng tự do chúa ban trong khuôn khổ và trật tự để làm vinh danh Chúa trong cuộc sống hôm nay và cũng để mưu cầu lợi ích thiêng liêng cho chúng con trong cuộc sống đời đời mai sau . Amen

LỜI NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG

Có một thầy ẩn sĩ nọ nổi tiếng thánh thiện nhất trong vùng và hay làm phép lạ.  Tin đồn rằng:  Bất cứ điều gì Thầy xin đều được Chúa nhậm lời.

Một hôm, dân làng kéo đến xin Thầy cầu nguyện cho trời mưa, nhưng thay vì mưa thì trời nắng hạn hơn.  Một người mẹ vẫn nuôi hy vọng nơi đứa con bịnh nặng của mình đến xin thầy cầu nguyện cho đứa con trai được mau lành bệnh, nhưng đứa con lại chết sau đó vài ngày.  Vài người khác đến xin Thầy làm phép lạ cho đá trở thành bánh mì nhưng đá vẫn trơ ra đó.   Sau ba lần thử thách mà không được gì cả, dân làng nổi giận đuổi Thầy ra khỏi phạm vi của làng, nhứt định không cho Thầy trở lại trong vùng nữa.  Thầy ẩn sĩ tìm một hang đá khác, nơi rừng vắng, Thầy than thở với Chúa như sau:

“Lạy Chúa, con không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy.  Con cầu xin Chúa cho mưa thì Chúa lại cho nắng hạn lâu hơn.  Con xin cho đứa trẻ được mau lành bệnh thì Chúa lại cho nó chết.  Con xin Chúa cho dân chúng bánh ăn, thì Chúa cứ để những viên đá trơ trơ ra đó.  Vì thế, Chúa xem đó, con bị mọi người xua đuổi, xem con như một người tội lỗi ghê gớm.”  Bấy giờ có tiếng từ trời đáp rằng:   “Này con yêu quí của Cha, Cha ban cho con những gì con đã xin Cha trước đó”.

Thầy ẩn sĩ không còn nhớ những gì mình đã cầu xin trước đó nên mới hỏi thêm:  “Nhưng lạy Chúa, lời cầu nguyện trước đó là những lời nào?”  Tiếng lạ đáp:  “Trước đây con đã xin Cha cho con được sống khiêm nhường”.

*******************

Quý vị và các bạn thân mến,

Con đã xin Cha cho con được sống khiêm nhường.  Nhưng khi được như ý thì Thầy ẩn sĩ lại than phiền.  Phải chăng lời cầu xin cho được sống khiêm nhường chỉ là một lời cầu nguyện khiếm diện?  Thầy ẩn sĩ không nghĩ gì đến sự nghiêm chỉnh của những lời cầu nguyện trước kia, vì ham danh lợi mà bị dân làng lèo lái, lợi dụng, muốn Thầy cầu nguyện cho được những lợi lộc cho riêng họ, thay vì cầu nguyện theo ý Chúa để ý Chúa được thể hiện.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong tập sách Đường Hy Vọng đã định nghĩa:  Cầu nguyện là mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu của Thiên Chúa Cha và Ngài đã khuyên như sau:  Chúa Giêsu dạy con cầu nguyên đầy lòng tin tưởng, mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu của Thiên Chúa Cha:  “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Tin tưởng nơi Lời của Chúa Cha, như một đứa con đến xin bánh, xin cá, càng suy ngắm, con càng thấy lời cầu nguyện của người Kitô chủ yếu lại làm cho mình sẵn sàng đón nhận ơn của Chúa sắp đến, nước của Chúa sắp đến.  Khi con cầu nguyện chân thành, con khao khát Chúa đến, khi con lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Ngài là ơn cao cả của Thiên Chúa Cha, ơn tình thương của Thiên Chúa Cha là nước Trời, được nước trời là được tha tội với điều kiện là con phải  yêu thương và tha thứ cho anh chị em.  Đọc kinh Lạy Cha, con khám phá ra rằng:  Yêu mến Chúa là được Chúa yêu thương chúng con, chính vì thế mà con phải sẵn sàng trông chờ Chúa.”

Sống khiêm nhường đích thực không gì hơn là mở lòng để đón nhận ý Chúa, mở lòng để sống theo ý Chúa.  Lời nguyện khiêm nhường là một lời nguyện đẹp nhưng ý thức để sống lời nguyện đó trong mỗi giây phút, mỗi biến cố của cuộc sống hiện tại không phải là dễ.

*******************

Lạy Chúa, xin dạy con biết cách sống khiêm nhường, khiêm nhường thẳm sâu từ trong tâm hồn để biết đón nhận ý Chúa cho dù có gặp thất bại khốn khó.  Một đứa con thơ chóng quên những gì nó đã thủ thỉ với cha mẹ trong những lúc vui vẻ.  Lạy Cha nhân ái, xin nhắc nhở những lúc con quên lãng, xin dạy dỗ những lúc con tối tăm, xin chăn dắt con từng bước để sống theo thánh ý Ngài.

R. Veritas

BIỂN HỒ CUỘC ĐỜI

Câu chuyện năm xưa

Vào một buổi chiều mùa xuân, mấy bạn chài xứ Ga-li-lê quyết định ra khơi.  Sau mấy năm làm môn đệ của vị tôn sư người Na-za-rét, cuộc sống họ đã ít nhiều thay đổi.  Vài tuần trước đây, họ đã gặp khủng hoảng khi người thầy yêu quý của họ bị kết án tử hình trong dịp lễ Vượt Qua.  Thấy thầy mình bị bắt bị giết, họ trốn tránh trong hoang mang lo sợ.

Nhưng trong lúc họ đang co quắp với nỗi sợ hãi của mình, Chúa Ki-tô Phục Sinh đã đến với họ.  Ngài chúc bình an và ban sức mạnh cho họ.  Ngài đã vượt thắng sự chết như lời kinh thánh đã tiên báo.  Ngài đang sống.  Đây không phải là ảo giác.  Họ đã cùng ăn uống với Ngài.

Đi trong niềm tin và hy vọng, họ trở về với cuộc sống thường nhật.  Chiều nay, họ cùng nhau ra khơi trên Biển Hồ quen thuộc.  Tuy có khác biệt về tay nghề, kiến thức, và ngay cả tính tình, họ liên kết với nhau trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.  Một nhóm ngư phủ mới đang chập chững thành hình.  Một nhóm bạn hăng hái và đầy ắp lý tưởng.  Cả đêm đó, họ cùng nhau làm việc, cùng hy vọng rồi thất vọng.  Những lần thả lưới rồi kéo lên, mà khoang thuyền sao vẫn trống vắng.

Sáng sớm tinh mơ, mặt hồ đầy sương.  Một tiếng vọng từ bờ hồ vang ra: “Này các chú, không bắt được gì ăn sao?”  Họ thở dài:  “Không có gì cả!”  Tiếng bên kia vẫn mời gọi: “Thử thả lưới bên mạn phải của thuyền xem sao, sẽ bắt được cá.”  Họ nhìn nhau, lòng ấm lại.  Lời khuyên của người khách bên bờ hồ làm bừng lên một tia hy vọng.  Vất vả cả đêm rồi nhưng không bỏ cuộc.  Họ cố thử thêm một lần nữa xem sao.

Quả nhiên, Trời không phụ lòng người.  Lưới không còn nhẹ tênh nhưng trĩu nặng đầy cá.  Từ ngạc nhiên đến vui mừng.  Họ thầm cám ơn người khách lạ trên bờ hồ đã chỉ cho họ thấy điều họ không thấỵ

Tuyệt vời hơn nữa, khi lên đến bờ người khách lạ đang chờ họ bên bếp lửa hồng, với bánh và cá nướng thơm lừng.  Vị khách mời họ ngồi xuống quanh bếp, lấy bánh và cá trao cho họ.  Không ai bảo ai, nhưng họ đều cảm nghiệm được vị khách ngồi trước mặt chính là Thầy mình.  Quanh bếp hồng, kỷ niệm trào dâng.  Làm sao quên được họ đã từng ăn một bữa bánh và cá rất no nê, từ năm chiếc bánh và hai con cá ít ỏi.  Làm sao quên được mẻ cá lạ năm xưa và lời mời gọi lên đường. 

****************************

Câu chuyện hôm nay,

Năm xưa các môn đệ cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, và sẵn sàng làm chứng cho tình yêu ấy.  Hôm nay, Chúa Ki-tô Phục Sinh vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trong dòng đời.   Nhưng trên Biển Hồ của cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.  Dòng đời thường có những khúc quanh bất ngờ.  Có những lúc, bạn cũng như tôi, chúng ta đối diện với những vất vả lên ghềnh xuống thác.  Có lúc đau khổ và mất mát ngập tràn phủ lấp niềm vui Phục Sinh.  Có những lúc mất lý tưởng và lạc lõng cô đơn.  Có lúc niềm tin bị chao đảo trước những thử thách của cuộc sống.  Có những lúc chúng ta giật mình hoảng hốt không còn nhận ra đâu là bến bờ.  Những lúc đó không dễ gì bạn và tôi nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.  Nhưng chính những lúc đó là lúc Chúa Phục Sinh âm thầm đứng bên Biển Hồ hỗ trợ và cổ võ chúng ta.

Khi chúng ta chán nản với những gánh nặng của cuộc đời, khi chúng ta thất vọng với chính mình hay với những người chung quanh, khi chúng ta nhìn đời với đôi mắt hoài nghi, chua chát, khoan! xin đừng bỏ cuộc buông trôi bánh lái.  Đấy là những lúc chúng ta đang gặp khủng hoảng và bị lạc hướng.  Những lúc này là lúc chúng ta cần đặt niềm tin vào lời mời thả lưới của Chúa Phục Sinh.  Ngài đang trao cho chúng ta tia sáng hy vọng.

Niềm tin căn bản của người Ki-tô là niềm tin vào một Thiên Chúa cùng đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống, ngay cả trong những lúc thất vọng và trống vắng nhất.

Điều quan trọng là cố gắng sống lạc quan.  Dù cả đêm vất vả, các môn đệ đã tiếp tục thả lưới vì họ nhớ lại những mẻ cá năm xưa.  Những lúc chúng ta chao đảo và trống vắng, xin nhớ lại những niềm vui đã có, những hồng ân đã nhận để xác tín rằng “sau cơn mưa trời lại sáng.”  Những nghi ngờ và thất vọng dễ làm cho chúng ta quên đi hình ảnh của một Thiên Chúa quan phòng.  Nếu chỉ dìm mình vào việc than thân trách phận thì chẳng những vấn đề chẳng được giải quyết, mà tinh thần chúng ta cũng suy xụp theo.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận phép lạ của cuộc sống hằng ngày.

Niềm tin Phục Sinh là xác tín của sự hy vọng.  Mẻ lưới đầy cá là phép lạ của sự tỉnh thức.  Đức Kitô không đổ cá vào thuyền của các môn đệ, Ngài bảo họ thả lưới ở bên kia mạn thuyền.  Người mở mắt họ để họ thấy mẻ cá đằng sau lưng.  Trong tình thế rối ren, đôi lúc chỉ cần ai đó cho chúng ta một chút ánh sáng, một chút hy vọng, và rồi mọi việc sẽ được giải quyết.

****************************

Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong dòng đời.  Trong những lúc con chao đảo thất vọng, xin khích lệ con.  Trong những lúc vất vả muộn phiền, xin nâng đỡ con. Trong những lúc con muốn buông xuôi tất cả, xin củng cố đức tin của con bằng phép lạ của sự tỉnh thức. Lạy Chúa, xin cho con niềm tin yêu và hy vọng nơi Chúa, vì Chúa là kim chỉ nam định hướng đời con. Amen.

Bảo Lộc

NIỀM VUI PHỤC SINH

Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo, hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm. Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua. Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không còn chảy máu và làm đau như xưa.

* * * * *

Chúng tôi đã được thấy Chúa“… Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ. Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, đã chết và được chôn cất, nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi. Thấy Thầy vẫn như ngày xưa, có khác chăng là Thầy có thêm những vết sẹo của dấu đinh và vết đâm.

Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ, Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.

Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo, dù điều đó chẳng đẹp gì. Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem. Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh. Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã. Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của chính mình. Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích. Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành. Có những vết thương tưởng  chẳng thể nào thành sẹo. Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?

Cuộc khổ nạn của Thầy hôm nào đã làm các môn đệ bị thương. Nhưng các vết sẹo của Thầy hôm nay đã chữa lành những vết thương đó. Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một tình yêu. Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại. Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân. Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Phúc cho ai không thấy mà tin” Chúng ta vẫn tin vào rất nhiều điều mà mình không bao giờ thấy. Các bạn trẻ vẫn tin vào tình yêu, tình bạn. Các đôi vợ chồng vẫn tin vào sự chung thủy của nhau, dù chẳng ai thấy rõ hết lòng dạ của nhau. Tin không phải là một hành vi mù quáng, phi lý. Tin chẳng hề làm hạ giá con người. Trái lại, chỉ con người mới biết tin và dám tin. Nhờ tin, tôi không còn bị giam hãm trong thế giới chật hẹp của cân đo đong đếm, nhưng được đưa vào một thế giới phong phú hơn nhiều: thế giới của những ngôi vị tự do, của chính Thiên Chúa. Tin là chấp nhận bấp bênh, là có thể bị lừa.

Tin bao giờ cũng đòi hỏi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác. Cần tập thấy Chúa để rồi tin. Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới, để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau. “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, và phúc cho những ai “biết thấy nên tin”.

Ðể thấy được Chúa Phục Sinh, cần có đức tin. Ai tin thì mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng than khóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cứng lòng cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho các môn đệ bên bờ hồ năm xưa.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con “con mắt đức tin” để được nhìn thấy Ngài, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con mỗi ngày. Amen.

Vietnamese Missionaries in Asia

KẾT HỢP VỚI CHÚA

Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn Độ Rabindranath Tagore đã viết như sau:

“Trên bàn tôi là một sợi dây Guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả.  Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nẩy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào.  Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn Guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gẩy nhẹ vào sợi dây và lạ thay một âm vang nổi lên hầu như du dương.  Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc.

Cũng thế, trong cách trồng cây cà chua, cây yếu ớt ngã xoài trên mặt đất, nhiều khi lá bị héo úa dập nát.  Nhưng nếu cây được cột vào một cọc dựng đứng, mọi phần tử của cây được phơi ra ánh nắng, cây sẽ mơn mởn và đâm nhiều bông trái.  Chính vì bị ràng buộc mà cây đã có nhiều triển vọng sinh hoa kết quả.

**************************

Ràng buộc là một sự cần thiết.  Sợi dây Guitar chỉ tạo ra âm nhạc khi nó gắn bó với cây đàn, cây cà chua chỉ sai trái khi được nương tựa vào cây cọc nâng đỡ.  Trần gian này không có tự do hoàn toàn, cũng chẳng có ai có quyền lợi tuyệt đối.  “Không ai là một hòn đảo”.  Trái lại, mọi người phải liên đới với nhau, hành động của người này ảnh hưởng tới công việc của người kia.  Vì thế, muốn hưởng tự do của mình, ta phải tôn trọng tự do kẻ khác.  Nói cách khác, tự do của mỗi chúng ta ràng buộc lẫn nhau.

Là Kitô hữu, sự ràng buộc này còn chặt chẽ hơn nữa, vì chúng ta là con một Cha.  Chúng ta có bổn phận yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; chúng ta phải nhường nhịn và tha thứ cho nhau; đồng thời cùng hợp lực chống lại cám dỗ của sa tan luôn rình rập gây chia rẽ và xúi ta phạm tội, nhất là phải chấp nhận hy sinh từ bỏ tính ích kỷ để chăm lo cho nhau như lời Chúa Giêsu đã phán:  “Nếu hạt lúa mì có mục nát đi trong lòng đất thì mới trổ sinh nhiều bông hạt” (x Ga 12.24).

Chúa Cứu Thế chính là tấm gương tuyệt hảo về sự từ bỏ chính mình để lo cho hạnh phúc của con người.  Tác giả thư Do Thái đã viết:  “Dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân mình đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9).

**************************

Lạy Chúa, con sẽ hoàn toàn vô dụng khi sống xa cách Chúa.  Như cây đàn Guitar, con chỉ vang lên bài ca tôn vinh khi con kết hợp cùng Chúa mà thôi.  Xin thên ơn can đảm để con dám từ bỏ chính mình mà sống theo thánh ý Chúa.  Xin đừng để con lìa xa Chúa bao giờ.  Amen!

Thiên Phúc

NGÔI MỘ TRỐNG

Đầu tháng 3/2007, kênh truyền hình Discovery đã cho trình chiếu một phim tài liệu mang tựa đề “Ngôi Mộ Thất Lạc của Chúa Giêsu”.  Nội dung xoay quanh việc khám phá khảo cổ năm 1980 ở khu Talpiot, phía đông Giêrusalem.  Mười hộp đựng cốt đã đưọc khai quật, trong đó có một hộp khắc tên Yêsu (Yeshua) con ông Yôseph.  Phải chăng đoàn làm phim đã kiếm được bằng chứng khảo cổ về con người Yêsu thành Nazarét?  Phải chăng đây là chứng cớ làm lung lay niềm tin vào Đấng Phục Sinh?

Các chuyên gia khảo cổ Do thái đã không cho là như thế.  Vì chín phần trăm đàn ông Do thái ở thế kỷ thứ nhất mang tên Yêsu; mười bốn phần trăm mang tên Yôseph, đây không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng những hộp đựng cốt như thế này xuất hiện.  Ít ra là đã có hai hộp mang tên Yêshua con ông Yôseph được khai quật từ năm 1930.  Câu chuyện tìm được hài cốt của Chúa Giêsu chỉ là giả tưởng.

Các tôn giáo lớn trên thế giới đều rất trân trọng những thánh tích thuộc về vị giáo chủ của mình, như ngọc xá lợi (xương cốt) của Phật Thích Ca, hoặc những lọn tóc của giáo chủ Môhamét.  Điều lạ lùng là người Kitô chẳng có một vật kỷ niệm gì thuộc về Chúa Giêsu.  Người chẳng để lại cho chúng ta một điều gì ngoài “ngôi mộ trống” và chứng từ của những môn đệ đầu tiên rằng Người đã sống lại.

************************************

Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta tuyên xưng rằng: đằng sau câu chuyện “Ngôi Mộ Trống” là sự hiện diện đích thực của một “Đấng Phục Sinh”, của một quyền năng có sức mạnh biến cải những trái tim đang đau buồn thất vọng thành bừng sáng tin yêu, biến những con người yếu đuối nhát sợ nên mạnh mẽ tuyên xưng đức tin dù phải lấy cái chết mà “làm chứng” Thầy mình đã sống lại và đang sống.

Vâng, câu chuyện “Ngôi Mộ trống”, ”Đức Kitô phục sinh” mãi mãi, muôn đời, khắp nơi, là câu chuyện của niềm tin căn bản của Kitô giáo.  Bởi vì câu chuyện nầy, biến cố nầy lại không là một sự kiện đột xuất, tình cờ của lịch sử, nhưng là một công trình vĩ đại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và sự cứu độ là gì nếu không phải là đem lại cho chúng ta niềm hy vọng nơi một Thiên Chúa luôn trung tín với tình yêu của Người?

Niềm tin Phục Sinh căn bản là một niềm tin vào một Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai tín thác vào Người.  Niềm tin Phục Sinh là xác tín rằng cuộc đời không phải chỉ đầy dẫy những thất bại khổ đau.  Chúa sống lại có nghiã rằng đêm đen dù có dài đằng đặc nhưng sẽ có một ngày mai tươi sáng.

Cuộc sống nào mà lại không có những nhọc nhằn và phiền muộn? Ai trong chúng ta mà lại chẳng có lần thất vọng? Mà lại chẳng có lần thấy mình khổ đau?

Đường thánh giá là đường để đi, không phải là nơi dừng lại.  Điểm hẹn phải là biến cố Phục Sinh… Chúng ta không thể ở mãi trong than khóc của thứ sáu tuần thánh, nhưng phải bước vào niềm vui của Chủ Nhật Phục Sinh.

Chúa đã Phục Sinh!  Nhưng sự kiện Chúa Sống Lại có ích gì cho chúng ta, nếu như chúng ta không cảm nghiệm được tin mừng Phục Sinh?  Nói một cách khác, liệu chúng ta đã sống, đã chuẩn bị tâm hồn cho Chúa Phục Sinh vào ngự trị?  Hay bóng tối vẫn còn đầy?  Và Thần Chết vẫn còn thống trị?

Như vậy, điều quan trọng là làm sao để chúng ta có thể sống tin mừng Phục Sinh một cách trọn vẹn.  Làm sao cho tin mừng này chi phối mọi nẻo đường phục vụ và sống. Làm sao cho sứ điệp Phục Sinh đó, niềm vui đó, sức sống đó lan toả, chi phối đời sống cộng đoàn cũng như cuộc sống mỗi người.  Làm sao để gương mặt, lời nói, cách ứng xử của chúng ta luôn phản ảnh niềm vui phục sinh. Để rồi chúng ta có thể xác tín như Đức cố Hồng Y  F.X.  Nguyễn Văn Thuận rằng: “Trong tự điển của Kitô hữu, không có từ buồn”.

Mỗi lần chúng ta tiếp tục yêu thương dù bị từ chối, mỗi lần thất bại mà vẫn cố gắng, mỗi lần tiếp tục hy vọng dù hy vọng đã tan vỡ, mỗi lần lau khô dòng lệ và khởi sự lại, là chúng ta  tham dự vào mầu nhiệm và quyền năng phục sinh.

Như thế tin mừng phục sinh là không có gì có thể hủy diệt chúng ta, dù đau khổ, tật nguyền, tội lỗi, hay sự chết. Vì Đức Kitô đã chinh phục tất cả thì chúng ta cũng sẽ chinh phục tất cả nếu chúng ta đặt trọn niềm tin vào Người. Chúng ta hãy hoan hỉ vui mừng trong niềm tin đó.

Antôn Bảo Lộc

************************************

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Trích Manna năm C

NGÔI MỘ TRỐNG – DẤU CHỈ PHỤC SINH

Con người ở đời thường khởi sự bằng cái “có” : có địa vị, có quyền thế, có bằng cấp, có tiền của, có sức mạnh, có tài năng. Nhưng Thiên Chúa lại thường khởi sự bằng cái không. Trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa khởi sự từ cái hoang vu trống rỗng, không không Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước” ( St 1, 1 – 2 ).

Cái hoang vu trống rỗng của “ngày thứ nhất” trong công trình sáng tạo trời đất sẽ lại xuất hiện trong một “ngày thứ nhất” khác: “Ngày Chúa Ki-tô sống lại từ cõi chết”. Ðó là cái hoang vu trống rỗng của Ngôi Mộ Trống mà Ma-ri-a Mác-đa-la đã chứng kiến và đau buồn thốt lên “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi”, Phê-rô ngạc nhiên trong hoài nghi, Gio-an đã thấy và đã tin.

Tất cả được khởi đầu bởi một sự kiện lạ lùng. Các phụ nữ ra mồ thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. sau đó Phê-rô, Gio-an không còn thấy xác Ðức Giê-su trong ngôi mộ mở toang. Có lẽ lúc này Phi-la-tô còn đang ngủ, các Thượng Tế, Kinh Sư, Kỳ Mục cũng thế. Họ ngủ thật say, sung sướng vì đã dẹp yên được một chướng ngại từng làm họ ghen tức, mất ăn mất ngủ. Mọi sự đã được giải quyết đúng như sự sắp đặt khéo léo của họ. Cái tên Giê-su rồi sẽ bị quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới. Tảng đá to đã niêm phong cửa mộ. Giê-su Na-da-rét đã đi vào lòng đất lạnh.

Ðối với những người vẫn thương mến Chúa Giê-su thì kể như đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phũ phàng trĩu nặng nỗi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi cùng với Giê-su Na-da-rét. Sáng nay, mấy chị em phụ nữ ra mộ thì cũng chỉ có mục đích là ướp lại cái xác không hồn chưa kịp thối rữa. Họ đi tìm một cái xác, một kẻ chết nhưng họ đã đối diện với Ngôi Mộ Trống. Ma-ri-a Mác-đa-la đau khổ thốt lên “người ta đã đánh cắp xác Chúa tôi rồi”. Các Thiên Thần hiện ra cắt nghĩa Chúa đã sống lại. Không biết các bà đã tin hay chưa, họ vội chạy về báo tin cho các Tông Ðồ. Phản ứng của Phê-rô là thinh lặng, Ông đang phân vân. Nếu có kẻ lấy trộm xác Thầy thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải cách thứ tự và gọn gàng như thế ? Ông vẫn còn bàng hoàng về những lỗi lầm chối Thầy với niềm ăn năn thống hối, Ông chưa hiểu sống lại nghĩa là gì. Còn Gioan ông đã thấy và đã tin. Ông đã thấy gì ? Thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gio-an đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giê-su cho La-da-rô sống lại, khi La-da-rô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gio-an nhớ lại lời Chúa Giê-su: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Nhờ ghi nhớ Lời Chúa mà đức tin đã đến với Gio-an sớm hơn Phê-rô.

Trước mọi phản ứng đó, Ðức Ki-tô Phục Sinh đã biểu lộ một sự chiến thắng âm thầm, không rình rang giữa tiếng kèn trống, reo hò của toàn dân. Ðức Ki-tô đã chiến thắng tử thần, thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài hôm nay đã được “Thần Khí Hoá” và từ đây Người sống hoàn toàn bởi Thần Khí, vì chỉ “Thần Khí mới làm cho sống, còn xác thịt thì có ích gì” ( Ga 6, 36 ).

Ðức Ki-tô đã sống lại thật trong vinh quang. Ngài không mặc lấy một thân xác khác, thân xác Phục Sinh của Ngài vẫn chính là thân xác trước đây chịu khổ hình, chết thập giá, nay thân xác đó được biến đổi, thân xác tâm linh không hư nát. Sự Phục Sinh của Ðức Ki-tô không chỉ là phục hồi sự sống như trước mà còn chuyển qua thể thức hiện hữu mới. Thân xác của Ngài được Thần Khí hóa không bị vật chất cản trở. Ðấng Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các Tông Ðồ để củng cố đức tin cho họ chuẩn bị tâm hồn các ông đón nhận Chúa Thánh Thần, trở nên chứng nhân rao truyền sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa.

Ngày nay nếu muốn làm chứng cho Ðức Ki-tô Phục Sinh, chúng ta cũng cần khởi đi từ Ngôi Mộ Trống như các Tông Ðồ ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ tu đức thì chúng ta trở về với đời sống thanh bạch, đó là đời sống trong sạch, ngay lành và có tinh thần nghèo khó.

Thế giới hôm nay không thiếu những dấu chỉ của Ðấng Phục Sinh. Nhưng người ta không nhận thấy được Ngài vì thiếu tâm hồn ngay thẳng trong sạch “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” ( Mt 5, 8 ). Nói khác đi, mỗi tâm hồn chúng ta là một ngôi mộ trống. Ngôi Mộ Trống là ngôi mộ không còn xác Chúa nhưng còn dấu chỉ Ðấng Phục Sinh, đó là khăn liệm và khăn che mặt. Tất cả những gì nhân loại dùng để trói buộc Chúa Giê-su, che mặt Người, cần phải cởi ra và xếp gọn một bên. Gio-an đã đi vào Ngôi Mộ Trống, Ông nhìn với cặp mắt trong sạch nên đã thấy và đã tin. Ông không thấy Chúa, nhưng thấy dấu chỉ của Phục Sinh, dầu vậy ông vẫn tin. Chúng ta không thấy Chúa mà vẫn tin vì “Phúc cho ai không thấy mà tin” ( Ga 20, 29 ). Chúng ta không thấy Chúa nhưng chúng ta thấy Ngôi Mộ Trống là cái thế giới bao la đầy dấu chỉ sự hiện diện của Người. Ta cũng có thể thấy Chúa trong trong tâm hồn khiêm nhu, tự hạ, quên mình, trong sự bình an thanh thản của nội tâm. đó là những dấu chỉ mà Ðấng Phục Sinh ban tặng.

Không có Phục Sinh, đức tin chúng ta chỉ là hảo huyền, cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì nếu không có gì sau hết, nếu tất cả chỉ dừng lại ở đời này ? Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục Sinh, rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục Sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự Phục Sinh sao ? Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường…

Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Ðấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

(Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN)

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiến thắng sự chết bằng chính sự phục sinh của Ngài. Xin  cho con cảm nhận được niềm vui “ơn phục sinh” và luôn nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện giữa cuộc sống của con hôm nay để mai này con cũng được phục sinh với Ngài, Amen .