HÃY GỌI TÔI LÀ SƠ NUÔI HEO!

Ở cái tuổi ngoài bảy mươi, có lẽ, trên đời này hiếm ai chọn cho mình “cách sống” bằng việc ngày ngày lặng lẽ chăm sóc, nuôi dưỡng những người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối như bà…

Sống là cho

Mười năm trước, khi còn đang tu ở nhà dòng, bà gặp lại người chị gái sau bao năm lưu lạc.  Niềm vui chưa trọn thì nỗi buồn đã ập đến, khi bà biết chị mình đã nhiễm căn bệnh thế kỷ ở giai đoạn cuối. Bà mang chị gái về chăm sóc, trong lúc cuộc sống của chị chỉ còn được tính bằng ngày.  Đang lúc khổ nhất thì bà được người quen cho mượn mảnh đất với ba căn nhà lá lợp tạm để trú thân.

Hàng ngày nhìn chị gái người ngợm lở loét, đau đớn, thương chị nên từ đó cái tâm của bà nhen nhóm ý định sẽ nhận chăm sóc những người nhiễm HIV.  Đến khi tận mắt chứng kiến cái chết đớn đau, lặng lẽ của chị mình, thì cái dự định ban đầu ấy càng bùng lên mãnh liệt.  Và bà quyết định xin ra khỏi nhà dòng.  Người bạn trước kia cho chị em bà mượn nhà, nay cũng đồng ý cho bà tiếp tục mượn để làm chỗ nuôi người bệnh.

Bà “nhặt” được bệnh nhân đầu tiên ngoài vỉa hè.  Anh thanh niên ấy mới ngoài 20 tuổi, nhiễm HIV giai đoạn cuối.  Về với bà chưa đầy ba bữa thì anh qua đời.  Đêm hôm ấy, một mình trong căn nhà lá, dưới ánh nến lập lòe, cứ ngủ được nửa giấc, bà lại lần ra phía bờ tường thắp nhang cho anh.

Bà tâm sự: “Chị (bà vẫn có thói quen xưng chị – PV) chẳng thấy sợ, chỉ thấy có gì đó bồn chồn.  Cứ nghĩ đến cảnh cậu ấy chết lạnh một mình ở nhà ngoài, chị không yên được. Và thế là lại lọ mọ trở dậy thắp nhang, lòng mong trời mau sáng”.  Sáng hôm sau, một mình bà chạy vạy lo tang ma, chôn cất cho người thanh niên phận mỏng.

Sau ngày ấy, tiếng lành đồn xa, có rất nhiều người đã tìm đến với bà.  Người vô gia cư cũng có, người có gia đình nhưng bị ruồng bỏ cũng có.  Nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền nằm viện cũng đến.  Có đợt cao điểm, bà nhận nuôi hơn 10 người.  Và bà đã làm công việc đó, suốt 5 năm nay. Khó mà hình dung được sức quán xuyến của một phụ nữ ngoài bảy mươi khi hàng ngày, trên chiếc cúp 50 đã quá cũ, bà bươn bả khắp nơi mua cơm khô, nước gạo, thức ăn thừa về nuôi heo, nuôi gà – nguồn thu nhập chính của cả “đại gia đình”.

Cũng trên chiếc xe ấy, bà đèo tất tật những người bệnh, từ người già yếu đuối cho tới thanh niên sức rộng vai dài đến các bệnh viện, trung tâm phát thuốc miễn phí để xin thuốc hoặc khám định kỳ.  Chính những ngày tháng rong ruổi đến khắp các trung tâm cũng giúp bà “lượm lặt” được không ít bệnh nhân đem về.  Cô N.T.H. người quê Long An hiện đang ở nhờ nhà bà để chăm sóc cậu con trai mới ngoài 20 tuổi bị nhiễm HIV nói: “Không có sơ (soeur) giúp, chẳng biết mẹ con chị sẽ thế nào.  Nhà chị nghèo lắm, lấy đâu ra tiền cho nó vào bệnh viện”.  Hai lần trong tuần, sơ lại chở hai mẹ con họ đến trung tâm khám bệnh, lấy thuốc.

Người đàn bà đáng bị ném đá hay xứng được vinh danh ?

“Nhà bà ấy thuộc phường 13, chứ nếu ở phường 11, tôi đã cho bà ấy “lên đường” từ lâu rồi !”.  Câu trả lời dứt khoát của ông Phạm Văn Hồng, trưởng ban điều hành khu phố 6, phường 11 quận Bình Thạnh – làm lòng tôi nhói lại.  Ông cho biết căn nhà bà dùng để chăm sóc người bệnh vốn là một khoảnh đất nằm trong xóm lao động nghèo.

Với những người dân lao động, phải ngày ngày đầu tắt mặt tối lo toan cơm áo, gạo, tiền, mà cuộc sống cũng chẳng hề dễ thở thì việc nhìn thấy bà cứ hết đưa người (chết) cửa trước, rước người (bệnh) cửa sau, khiến cho cuộc sống của họ “đã khó khăn lại càng thêm bất an, sợ hãi”.  Họ nhăn mặt mỗi khi thấy bà đem một người bệnh mới về, bịt mũi quay lưng khi bà đem một xác chết trở ra.  Người ta đồn thổi bà đang “kiếm tiền” trên những xác chết. Người ta còn dọa ném đá vào bà !

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, làm việc tại Trung tâm Tham vấn và xét nghiệm miễn phí số 53 Vũ Tùng quận Bình Thạnh – thì hiện nay có quá nhiều bệnh nhân cần được giúp đỡ nhưng chẳng phải ai cũng đủ điều kiện để đến các trung tâm nuôi người nhiễm HIV.  Mặc dù biết sơ quá nghèo, không đủ điều kiện vật chất để chăm sóc người bệnh nhưng trung tâm vẫn giới thiệu họ đến với sơ.  Và ông thực sự thấy “rất cảm kích trước một mạnh thường quân ít tiền nhưng giàu lòng thương người như bà ấy !”.

Khi tôi rụt rè mang những thắc mắc đó chêm vào giữa câu chuyện đang nói với bà, bà cười buồn: “Bây giờ, mỗi khi có bệnh nhân qua đời, chị phải lén lút gọi nhà hòm đến chuyển đi trong đêm.  Hồi trong Tết, dồn dập trong vài ngày mà có đến 4 người “đi” khiến chị rối bời bời.  Dạo này, chị không dám nhận nhiều bệnh.  Chỉ những người cùng khổ, chị mới đem về.  Người nào yếu quá, liệu bề không qua, chị phải chở tới nhà thương để nhỡ họ có chết cũng chết ngoài nhà, hàng xóm đỡ sợ khi thấy xác…”.

Tôi dừng lại, không dám hỏi thêm, sợ mình quá toan tính khi nghĩ về những điều nhân ái. Cuối cùng, thì bà cũng đã có “chiêu thức” để đối phó với những điều tiếng chung quanh mình (lòng tốt cũng phải ngụy trang – bài học mới thật là xót xa).  Máu, mủ, lở loét của người bệnh, những xác chết chuyển âm thầm trong đêm, những chuyến xe chở nước cơm dư, một cái quần ống thấp ống cao, một buồng ngủ tuềnh toàng khai nồng mùi phân lợn (do đặt cạnh chuồng lợn) và sự tận hiến với đức tin.  Đó là tất cả những gì mà bà có, cho mình.  Nó cho phép tôi chữa lại ít nhiều lời đồn thổi về bà: không phải bà đang “kiếm sống” mà là “kiếm tìm lẽ sống” – một lẽ sống tốt đạo đẹp đời, đáng được nâng niu, trân trọng.

… Xuôi đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, rẽ vào ngõ chùa Giác Quan, hỏi thăm sơ nuôi heo, sẽ gặp một căn nhà không số, một ngõ phố không tên, một người đàn bà lặng lẽ không thích xưng danh mà chỉ nói: “Hãy gọi tôi là sơ nuôi heo !”. Chúng tôi tôn trọng ý nguyện của bà. Đó là lý do trong cả bài viết, bà không hề được nêu tên.

Thanh Dung – Mai Hương
http://memaria.org/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *