TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Trong cuộc chiến khốc liệt giữa Pháp và Đức năm 1870, tại một bịnh viện Pháp, có một thương binh vốn là sĩ quan người Đức đang bị bắt làm tù binh.  Một hôm, bác sĩ cho biết anh sẽ không qua khỏi vì vết thương ngày càng trầm trọng.  Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái chết.

Chị y tá nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn vốn chăm sóc anh từ lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh nên xin gặp một vị linh mục để dọn mình trước khi chết.  Anh nhận mình là người Công giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu, nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.

Chị nữ tu vẫn dịu dàng nói:

– Nếu vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Người.

Viên sĩ quan mỉa mai:

– Chỉ cực nhọc vô ích mà thôi!

Chị nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục:

– Thú thật với ông, đã 16 năm nay, các chị em trong Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho một người trở về cùng Chúa.

Viên sĩ quan ngạc nhiên:

– 16 năm rồi cơ à? Thế người được các chị cầu nguyện chắc phải là ân nhân của nhà Dòng?

Chị nữ tu trả lời:

– Cách đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ Nam tước người Đức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ, bà Nam tước biết tôi là nữ tu nên đã xin cầu nguyện cho con trai bà.  Anh đã mất đức tin, sống phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực.  Đã 16 năm qua, tôi và cả nhà Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho anh.

Người sĩ quan gặng hỏi:

– Thế mẹ của chị có phải là bà Béate không?

Chị nữ tu vô cùng ngạc nhiên:

– Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi?

Đến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận:

– Thưa chị, tôi chính là Nam tước Charles, con trai của nữ Nam tước mà mẹ chị đã tận tụy hầu hạ bấy lâu. Chính tôi là người mà chị và Nhà Dòng đã cầu nguyện cho suốt 16 năm qua.

**********************************

Có nhiều người sống như không bao giờ phải chết.  Có nhiều người sống như thể trái đất sẽ vô tận.  Có nhiều người sống như thế gian này đã là thiên đàng.  Họ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế.  Trái tim họ “ra nặng nề, vì chè chén say sưa”.

Họ bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống hiện tại, mà quên tìm lẽ sống thật.

Họ bị cuốn hút bởi đam mê danh vọng, quyền lực mà quên đi có những cái bất ngờ sẽ đến. Viên sĩ quan trong câu chuyện trên đây là một điển hình. Cuộc sống con người không thiếu những bất ngờ:

Có những bất ngờ thú vị làm cho chúng ta vui sướng khôn nguôi.

Có những bất ngờ bi thảm khiến chúng ta đau khổ tột cùng.

Mùa Vọng nhắc lại lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người.  Ngày đó khi nào xảy đến, chẳng ai biết được.  Nó đến bất ngờ như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21,35).  Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Người bất ngờ đến.  Đó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.

Mùa Vọng là mùa Tỉnh thức

Nếu chúng ta luôn “Tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36), luôn sẵn sàng và thanh thoát, thì việc Người đến sẽ là một bất ngờ thú vị.  Ngày đó, chúng ta sẽ không phải “lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25), chúng ta sẽ không “sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc” (Lc 21,26), nhưng sẽ “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ.

**********************************

Lạy Đức Kitô, ngày Chúa đến như vị Thẩm Phán, vũ trụ này sẽ xáo trộn sâu xa; nhưng xáo trộn kinh khủng nhất lại chính là xáo trộn trong cõi lòng.  Xin cho chúng con biết “tỉnh thức và cầu nguyện”, để tâm hồn luôn sẵn sàng và thanh thoát, hầu khi Chúa đến sẽ là giây phút được mong đợi, và là một cuộc hạnh ngộ đầy hoan lạc và yêu thương.  Amen!

Thiên Phúc

THI HÀNH THÁNH Ý THIÊN CHÚA

Khi danh tiếng của Minh Sư đã lan rộng khắp vùng, Có một thanh niên thiện chí đã băng rừng vượt suối đi tìm gặp Minh Sư để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đã đồn đãi về Ngài. Người Thanh niên tìm đến tu viện và hỏi một đệ tử:

– “Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?”

Người đệ tử trả lời rằng:

– “Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ của bạn, có lẽ người ta cho rằng phép lạ xảy ra khi Thiên Chúa làm theo ý muốn của một người.  Còn trong xứ chúng tôi, người ta tin rằng phép lạ xảy ra khi một người thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa”

( Anthony de Mello – trích trong One Minute Wisdom)

* * * * *

Bạn thân mến, thi hành thánh Ý Thiên Chúa là “yêu mến Chúa”, là “sống ơn gọi của đời mình”, là “nên thánh”, là “mưu cầu hạnh phúc đời đời”, là “rỗi linh hồn”, là “lên thiên đàng”… Nhưng làm sao có thể thi hành Thánh Ý Thiên Chúa khi chúng ta không biết hoặc chưa biết được Thánh Ý của Ngài? Làm sao chúng ta có thể thấu hiểu được chương trình kế họach của Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình ?

Chúng ta không có thể tìm Ý Chúa một cách trực tiếp, qua giọng nói của Ngài, qua chữ viết của Ngài, bởi vì ngày nay chẳng ai có thể gặp gỡ Thiên Chúa một cách trực tiếp như vậy cả.

Chúng ta tìm Ý Chúa trong các kinh nghiệm sống, trong các biến cố thăng trầm của cuộc đời mình. Không biết Thiên Chúa dành cho chúng ta những gì trong tương lai, nhưng mỗi khi nhìn lại những năm tháng cuộc đời đã đi qua, chúng ta khám phá ra một kế hoạch kỳ lạ, một công trình đầy khôn ngoan tinh tế, chúng ta tin rằng đó là chương trình kế hoạch Thiên Chúa đã xắp đặt cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta tìm Ý Chúa qua thinh lặng và cầu nguyện. Tìm Ý Chúa là luôn luôn mở lòng cho Ngài bước vào, là sống trong tình thân mật với Ngài.  Khi mối liên hệ giữa Thiên Chúa và chúng ta là một liên hệ thân mật và sống động, chúng ta sẽ nhận thấy những tác động vui buồn nội tâm. Qua những tác động nội tâm đó chúng ta sẽ dễ nhận ra Thiên Chúa mong muốn chúng ta làm gì, và làm như thế nào.

Chiêm ngắm Chúa Giê-su treo trên Thánh Gía giúp chúng ta trong việc tìm hiểu và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta noi theo. Lời khẩn thiết cầu xin của Ngài trong vườn cây Dầu là dấu tích của sự vâng phục và quyết tâm thực thi Thánh Ý Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, Xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, mà vâng theo Ý Cha” (Mt 26:39).

Chiêm ngắm cuộc đời của Ðức Mẹ cũng giúp chúng ta trong việc tìm hiểu và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa, vì Mẹ cũng là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta noi theo. Mẹ không biết rõ Thiên Chúa dẫn Mẹ đi đến đâu, nhưng trong mỗi hoàn cảnh và biến cố cuộc đời, Mẹ luôn lắng nghe và “suy đi nghĩ lại” trong lòng để thấu hiểu chương trình kế họach của Thiên Chúa dành cho cuộc đời của Mẹ.  Mẹ đã đón nhận và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa qua hai tiếng ”Xin vâng”.

Nhưng làm sao chúng ta có thể xác định chúng ta thực sự làm theo Ý Chúa chứ không phải theo ý mình?  Nếu thiếu cầu nguyện liên lỉ, thiếu tình thân mật với Thiên Chúa, chúng ta dễ nhận định các vấn đề sự việc theo ý riêng, theo quan niệm bản thân. Tưởng rằng đang phục vụ Thiên Chúa, đang thực thi Ý Chúa nhưng thực ra chúng ta có thể đang nhen nhúm những ích lợi danh vọng, những chương trình kế họach cho riêng mình.

Khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta mới nhận ra đường lối chúng ta đang theo, công việc chúng ta đang làm và động lực đang thúc đẩy chúng ta là do “tình yêu Thiên Chúa” hay do “tự ái, kế họach riêng tư”.  Khi gió thổi mạnh và nước tuôn đến chúng ta mới có thể biết ngôi nhà được xây dựng trên cát hay trên tảng đá.  Lúc thành công, mọi người đứng vững, hăng hái hoạt động. Nhưng lúc gặp hiểu lầm, thất bại và bị sỉ nhục… Chỉ có những kẻ yêu mến và phục vụ một mình Thiên Chúa mới tiếp tục hoạt động, bình tĩnh và tiếp tục dấn thân.

Khi chúng ta thực thi Ý Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta bình an và niềm vui nội tâm. Khi chúng ta làm theo ý của riêng mình và từ chối lời kêu mời của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy u buồn chán nản như người thanh niên giàu có trong Phúc Âm, không dám “nghe và làm theo” lời mời gọi của Chúa Giêsu.

Linh Xuân Thôn

* * * * *

Lạy Chúa, Ngày xưa trong đền thờ, Samuel đã thưa với Chúa: “Lạy Ngài, xin hãy nói, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe”.  Trên đường đi Damas, Thánh Phaolô cũng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.  Trong cuộc sống của con hôm nay, xin cho con biết bắt chước thánh I-Nhã (Inhaxiô Loyola) để luôn biết thân thưa cùng Chúa:

Lạy Chúa ! Xin hãy nhận lấy,
Tất cả tự do, trí khôn, và cả ý chí của con,
Tất cả những gì con có và đang làm chủ,
Chúa đã ban cho con, 
Nay con xin dâng lại Chúa,
Vì tất cả là của Chúa,
Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo Ý Chúa,
Lạy Chúa! xin ban cho con,
 Tình yêu và ân sủng Chúa,
Đối với con, thế là đủ.

ĐỨC GIÊSU KITÔ, VUA VŨ TRỤ

Đại Hội Trẻ Thế Giới tại Pháp, hàng trăm ngàn thanh thiếu niên nô nức, tiến về thủ đô Paris dự Đại hội, để gặp gỡ, lắng nghe, và hiệp thông với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đấng thay mặt Đức Kitô ở trần gian.

Hệ thống xe điện ngầm Métro nổi tiếng của Paris dường như lúc nào cũng chật ních người.  Hôm ấy, một cụ già ăn xin mù lòa cũng cố chen lên một toa xe nhờ chú chó dẫn đường.  Cụ vừa đi vừa chìa cái đĩa nhôm để kêu gọi lòng hảo tâm của giới trẻ.  Tuy ồn ào nhưng người ta cũng nghe được những tiếng kêu loảng xoảng của những đồng cắc rơi vào đĩa.

Đi ngược chiều với cụ, một cô bé xanh xao gầy còm cũng ngửa nón xin mọi người giúp đỡ.  Khi hai người bất hạnh ấy gặp nhau, cô bé tránh qua một bên cho người hành khất mù lòa tiến bước.  Và đầy kinh ngạc, các bạn trẻ đã không thể tin vào mắt mình, cô bé đã dốc hết số tiền kiếm được của mình đổ tất cả vào cái đĩa nhôm kia.

*******************************

Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm thế giới: gồm 6 tỉ người đang sống trên đó.  Với bao cảnh thất nghiệp, nghèo đói, lạc hậu, bất công.  Với bao tệ nạn tham nhũng, ma túy, mafia, HIV.  Với bao thiên tai lũ lụt, động đất, cháy rừng…  Thế lực của sự dữ và tội lỗi đang tung hoành khắp nơi.

Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên vị Vua của chúng ta.  Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng treo trên thập giá.  Một vị vua không cai trị bằng quyền uy vũ lực, nhưng dựa trên tình yêu thương.  Một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người.

Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của Sự thật:  “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.  (Ga 18,37).  Sống theo sự thật chẳng dễ chút nào, vì người thành thật thường thua thiệt, và kẻ dối trá lại được coi là khôn ngoan.  Nhưng chỉ có những ai dám nói sự thật, chấp nhận sự thật, và sống theo sự thật mới được sống trong vương quốc của Người.

Vương quốc của Vua Giêsu còn là vương quốc của Tình yêu:  “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ hiến mạng sống cho nhiều người” (Mc 10,45).  Yêu mình, yêu thân nhân bạn bè thì dễ dàng; yêu người xa lạ, yêu kẻ thù, mới thật là khó.  Nhưng Chúa chính là vua Tình yêu, nên chỉ những ai sống yêu thương mới đích thực là thần dân của Người.

Cô bé ăn xin trên xe điện ngầm trong câu chuyện trên đây, đã biết cho đi tất cả những gì mình có, những gì cần thiết để sống mà không tính toán, so đo.  Đó mới thật là công dân của Nước Trời, là thần dân đích thực của Giêsu, Vua Tình yêu.

Đối với người tín hữu, công dân tương lai của Nước Trời, thì yêu thương là lẽ sống của mọi cá nhân, gia đình, và cộng đoàn.  Dường như sống yêu thương sẽ thấy đời đơn giản, cuộc sống nhẹ nhàng thênh thang.  “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”.  Có Chúa trong tâm hồn họ luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc.  Còn mọi thứ khác chỉ là kiểu cách, rườm rà, câu nệ, phô trương, là thanh la, não bạt, là tiếng muỗi vo ve.

*******************************

Lạy Chúa, chúng con là cánh tay và đôi chân của Chúa, là miệng lưỡi và trái tim yêu thương của Người.  Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa, xây dựng một thế giới yêu thương và chân thật, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến trong vinh quang là một ngày vui trọn vẹn, một ngày hội lớn cho toàn thể nhân loại.  Amen!

Thiên Phúc

NGƯỜI  DẪN ĐƯỜNG CÓ THẨM QUYỀN

Một người đàn bà đi xe lửa lần đầu tiên nên rất bỡ ngỡ, sợ lầm tàu và lạc đường. Bà quay sang hỏi một hành khách ngồi bên cạnh:

– Thưa ông, tàu này có phải tàu đi Roma không?

Ông ấy trả lời ngay:

– Vâng, đây là tàu đi Roma. Bà đừng lo, vì Roma là nhà của tôi, tôi phải về đó.

Nhưng bà ấy vẫn chưa thỏa lòng, cứ miên man nghĩ ngợi: Nhỡ ông kia cũng lầm tàu thì sao? Làm sao mà mình biết được? Vừa lúc ấy người tài công bước vào, bà hỏi:

– Bác tài công ơi, tàu này là tàu đi Roma phải không?

Người tài công trả lời:

– Vâng, đây chính là tàu đi Roma. Tàu sẽ chạy trong vài phút nữa. Bà cứ việc ngồi thoải mái đừng lo lắng gì cả, sẽ tới Roma an toàn.

Tới lúc ấy bà mới yên tâm, vì bà đã hỏi người có “thẩm quyền” trên tàu. Bà ấy đã nhận được câu trả lời từ một người có thẩm quyền nên không còn lo sợ nữa.

* * * * *

Mỗi người chúng ta cũng đang đi trên hành trình đời sống, một hành trình dẫn đưa vào cõi vĩnh hằng. Đôi khi chúng ta đi qua những chặng đường lạ, rất dễ lo sợ về ngày mai. Nên cũng như người hành khách trên đây, chúng ta chỉ có thể tin vào lời hướng dẫn có thẩm quyền nhất, và nhờ đó chúng ta sẽ yên tâm tiến bước.

Vị có thẩm quyền nhất cho hành trình đời sống của mỗi người chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô. Vì Ngài đã nói: “Ta là con đường là sự thật và là sự sống”.(Ga 14:5)

Chính Chúa là Ðấng hướng dẫn cuộc đời mỗi người chúng ta vào cõi vĩnh hằng. Khi tin Chúa chúng ta không còn nghi ngại về tương lai nữa. Vì Ðấng dẫn đường cho chúng ta chính là Chúa Vĩnh Hằng, Người nắm giữ tương lai của ta.

(Giọt Nước Mắt Cuối Cùng 48 – Vietnamese Missionaries in Asia)

* * * * *

Lạy Chúa, trên đường đời con đi, có biết bao con đường chằng chịt trước mặt, nó luôn là một hấp dẫn và lôi kéo mời gọi con bước vào: Nào là con đường của “tiếng tăm chức quyền”; nào là con đường của “tiền bạc danh vọng”; nào là con đường của “kiêu căng và nhục dục”… Xin Chúa giúp con biết nhận ra con đường nào là con đường thật và con đường nào là con đường giả; con đường nào dẫn đến trường sinh vĩnh phúc và con đường nào dẫn đến trầm luân đời đời … 

Xin cho con biết qúy trọng và siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, và coi đó như là những “trạm dừng chân” mà chúa đã thiết lập trên đường đời con đi, để con được nghỉ ngơi bên Chúa, để con có thêm sức lực tiếp tục bước đi.  Xin cho con biết chạy đến với Chúa và luôn tin tưởng chấp nhận Chúa như là người dẫn đường chỉ lối cho con trong hành trình dương thế này. Amen

NGƯỜI THẦY VÀ NHỮNG TỜ TIỀN CŨ

Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học.  Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra.  Nó đã không “cảnh giác” thừa.  Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về.  Sau đó thầy chuyển công tác.  Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)…  Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.  Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”.  Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết.  Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”. Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về…

Trúc Nguyễn

******************************

Khi nhớ lại hình ảnh thầy cô, bạn bè, kỷ niệm xa xưa nơi học đường, tôi không thể nhớ được bài học của cô giáo hôm xưa, nội dung bài giảng của ông thầy dạy toán hôm ấy.  Điều tôi nhớ được là một lời thăm hỏi thân tình của cô giáo khi biết gia đình tôi đang gặp sự khó, cái nhìn rộng lượng tha thứ của thày khi bắt gặp đám học trò phá phách mà không bắt phạt, cái xoa đầu êm dịu của cô khi đi ngang sân trường, sự nhiệt tình “thấy ghét” của cô chủ nhiệm khi bắt lũ học trò ôn thi.  Tất cả vẫn còn in đậm trong tim một hình ảnh đẹp về một vị thầy, người cô đã qua trong đời.  Bài học không nhớ được bởi lời giảng hùng hồn nhưng bằng một cử chỉ sống thật rất sinh động.

Bên cạnh tầng lớp giáo viên chuyên nghiệp được đào tạo chính quy, hưởng lương của xã hội, tôi còn thấy đây đó trong xã hội bon chen hình ảnh một tầng lớp giáo viên không chuyên nghiệp mà người ta gọi họ là “Giáo lý viên”.  Họ đi làm vất vả như bao người và đến trường vội vã trong ngày cuối tuần để rao truyền Lời Chúa, tiếng Mẹ đẻ cho các em nhỏ lớn lên trên đất khách quê người.  Họ không hề được ăn lương dù ít, cũng chẳng được đào tạo qua trường lớp.  Họ yêu mến Chúa, yêu mến các em nhỏ, họ đang rút tỉa từ sức sống, kiến thức, đức tin đơn sơ của họ để truyền giao lại cho các em như người thầy gởi gắm những đồng bạc nhỏ cho đứa học trò phương xa.  “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52:7)

******************************

Lạy Thầy Chí Thánh Giêsu, nhân ngày Hiến chương các nhà giáo 20 tháng 11, xin Chúa ban phúc lành cho tất cả các thầy cô biết theo gương Thầy Giêsu để rao giảng những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người cho những tâm hồn bé bỏng đơn sơ.  Xin cho các thầy cô không chỉ truyền dạy những kiến thức khoa học, mà còn chú ý đến việc đào tạo con người theo hình ảnh Chúa nơi học đường.  Xin ban thêm sức mạnh và lòng can đảm cho các thầy cô để họ không chỉ dạy mà còn sống những điều mình dạy cho dù đồng lương có ít ỏi.  Lạy Chúa, xin ban bình an và chúc phúc cho tất cả các thầy cô trong ngày lễ tưởng nhớ đến công ơn thầm lặng của những “kỹ sư tâm hồn”.  Amen!

Langthangchieutim

MAY MẮN ĐƯỢC SỐNG SÓT

Bộ phim Occurrence at Owl Creek Bridge (biến cố xảy ra ở cầu Owl Creek) kể lại chuyện một người đàn ông sắp bị treo cổ. Bọn lính địch của anh dẫn bộ anh ra một chiếc cầu bắc ngang qua sông Owl Creek. Chúng lấy một tấm ván đặt một phân nửa lên cầu còn phân nửa kia để lòi ra khỏi thành cầu. Đoạn một tên lính đứng lên nửa tấm ván trên thành cầu, còn người tử tội bị dẫn ra đứng trên nửa tấm để lòi ra khỏi thành cầu. Kế đó, người ta cột chặt tay chân người tử tội, đoạn thòng một sợi dây từ đỉnh cầu xuống quấn vào cổ anh ta. Khi mọi sự đã sẵn sàng, viên chỉ huy sẽ ra hiệu lệnh thì người lính sẽ nhảy ra khỏi tấm ván, lập tức người tử tội bị hất xuống phía dưới với sợi dây siết vào cổ anh.

Ngay bấy giờ một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sợi dây bị đứt và người tử tội rơi tỏm xuống lòng sông. Anh ta chìm sâu dưới nước. Lúc bấy giờ anh ta ý thức được mình vẫn còn sống và anh cố gắng tháo gỡ dây trói nơi tay và chân ra. Thật kỳ diệu thay, anh đã tự cởi trói cho chính mình được. Thế rồi khi nhận ra mình có cơ may sống sót, anh ta bắt đầu lặn sâu xuống. Sau đó, anh bơi ngang qua một cành cây đang bềnh bồng trên mặt nước. Anh xúc động vì vẻ đẹp của những tàu lá cây. Anh sững sờ vì những đường gân phức tạp nơi tàu lá. Một lúc sau, anh nhìn thấy một chú nhện đang giăng lưới. Anh lại xúc động trước vẻ đẹp của nàng nhện và những giọt nước bám vào đó lấp lánh không khác gì những hạt kim cương. Anh cảm thấy mình sũng nước, anh liền ngước lên nhìn vào bầu trời xanh biếc, đối với anh, chưa bao giờ thế giới lại xinh đẹp thế!

Bỗng nhiên đám lính đứng trên đầu cầu bắt đầu nhả đạn xuống. Anh liền cố gắng lướt tới dưới làn mưa đạn, bơi nhanh nhẹn như một chú rắn nước băng qua nhiều ghềnh thác. Cuối cùng, anh cũng bơi được vào bờ và hoàn toàn kiệt sức. Anh ngã xuống cát, lăn qua lăn lại. Khi ngước nhìn lên anh trông thấy một bông hoa. Anh liền bò tới đưa mũi ngửi và thầm nhủ: Ôi! Mọi sự sao mà đẹp thế! Được sống sót quả là một điều vĩ đại biết bao! Nhưng ngay sau đó có tiếng đạn rít qua các tàng cây; anh vội đứng lên và bắt đầu co giò chạy tiếp. Anh chạy hoài chạy mãi tới khi đến được một căn nhà có hàng rào trắng bao quanh. Những cánh cổng bỗng mở ra một cách kỳ diệu. Anh không thể nào tin vào mắt mình: thế là anh đã về được đến nhà bình an. Anh gọi tên vợ anh và nàng vội chạy thật nhanh ra cổng giang tay chào đón anh.

Ngay khi họ vừa ôm nhau, máy quay phim mang chúng ta trở lại chiếc cầu Owl Creek. Bây giờ, chúng ta lại không thể tin được vào mắt mình khi nhìn thấy xác của chính anh ta bị treo thòng xuống đang đong đưa qua lại với sợi dây siết quanh cổ. Thì ra anh đã chết rồi!

**********************************

Quả thực ai cũng cảm thấy sững sờ: thế là mọi nỗ lực trốn chạy và cơ may được sống sót chỉ là sản phẩm thuần tuý của trí tưởng tượng thôi. Người đàn ông ấy không chạy thoát được. Anh ta chỉ tưởng tượng ra điều ấy trước giây phút cảm thấy cái chết cận kề. Anh mơ thấy mình có cơ may được sống lần thứ hai. Và bỗng dưng anh cảm nhận sự sống ấy bằng đôi mắt hoàn toàn mới lạ.

Lần đầu tiên, người tử tội cảm thấy thế giới này quả là một nơi tuyệt hảo. Lần đầu tiên anh ta thấy cuộc sống quả là món quà quí báu mà anh và những người thân yêu của anh cũng được hưởng. Phải chi anh đã thực sự trốn thoát được và có một dịp may được sống sót lần thứ hai. Lúc đó chắc hẳn anh sẽ sống cuộc sống mới này một cách khác thường biết bao!

Điều này gợi lên cho ta một câu hỏi. Tác giả bộ phim đã nghĩ gì trong trí ông dựng một câu chuyện này. Ông muốn nói gì với khán giả? Nói cách khác tại sao tác giả đã cố ý phỉnh gạt chúng ta? Tại sao ông lại dựng nên một sự thất vọng khủng khiếp đến thế? Tại sao ông lại làm cho chúng ta tưởng rằng người tử tội ấy có được cơ may sống sót?

Theo tôi, điều nằm trong tâm trí tác giả bộ phim cũng chính là điều nằm trong tâm trí Chúa Giêsu qua bài Phúc Âm hôm nay. Tác giả cuốn phim nói với chúng ta: “Người tử tội trong câu chuyện của tôi là chính các bạn. Anh ta đã không có may mắn được sống sót, nhưng nhờ chia xẻ kinh nghiệm của anh ta mà các bạn chắn chắn sẽ có được cái cơ may đó”. Tác giả nói tiếp: “Rồi một ngày nào đó các bạn cũng sẽ phải chết giống như người tử tội trên. Không ai biết được bao giờ mình sẽ chết, nhưng chắc chắn giờ đó sẽ đến cũng như nó đã đến với người tử tội trên”.

Cách đây vài năm, bà bác sĩ Kubler-Ross thuộc trường Đại học Chicago có viết cuốn sách nhan đề: Chết và Hấp Hối (Death and Dying). Cuốn sách được viết ra là vì bà thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân sắp chết. Bàn về những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống lúc họ nhìn ngược lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết: Khi phân tích mọi sự cách tận cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi: Tình yêu đối với tha nhân, và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng, chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín, quyền lực, thì đều là vô nghĩa“. Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với điều Chúa Giêsu dạy bảo lúc Ngài còn ở dương trần. Ngài nói: “Con Người không đến để được phục vụ, mà Người đến để phục vụ” (Mc 10: 45) và Ngài cũng nói: “Các con hãy yêu thương nhau như ta yêu thương các con” (Ga 15: 12)

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến lúc chúng ta sẽ phải gặp Chúa Giêsu vào cuối đời chúng ta hoặc vào lúc tận cùng thế giới – bất kể lúc nào xảy ra trước. Bài Phúc Âm này mời gọi chúng ta tự vấn chính mình xem liệu vào lúc ấy, tinh thần phục vụ và tình tình yêu của chúng ta có được kể là thoả đáng không?

Không giống như người tử tội trong câu chuyện, chúng ta có được dịp may còn sống để chuẩn bị cho giờ phút ấy, bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta sẽ làm gì với dịp may này của chúng ta? Chúng ta có chân thành nỗ lực yêu thương như Chúa Giêsu đã làm không? chúng ta có chân thành nỗ lực phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu đã làm không?

Chỉ chúng ta mới có thể tự trả lời cho câu hỏi ấy, câu trả lời rất quan trọng, có thể là quan trọng nhất trong tất cả những câu trả lời của con người.

Trước khi kết thúc, tôi xin đọc một đoạn văn trích trong tác phẩm God’s Trombones (Tiếng Kèn Của Chúa) của tác giả Weldon Johnson, trong đó ông mô tả cái chết của một phụ nữ thánh thiện.

“Chị đã thấy những gì mà chúng ta không thấy được.  Chị đã thấy Thần Chết.  Chị đã thấy ông ta đến như một ngôi sao băng.  Nhưng cái chết đâu có làm cho chị nữ tu Caroline sợ hãi.  Chị đã nhìn Thần Chết như một người bạn thân, như một vị khách qúi.  Chị đã thì thầm nói với chúng tôi: ‘Tôi đang trở về nhà tôi’. Rồi chị mỉm cười nhắm mắt lại”

Lm Mark Link, S.J

**********************************

Lạy Chúa, xin cho con biết trân trọng yêu qúy sự sống!  Xin cho con ý thức rằng con chỉ có một lần để sống.  Cuộc sống mai sau của con sẽ lệ thuộc vào cách con sống hôm nay.  Khi biết sống con sẽ biết chết và không bao giờ phải nuối tiếc vì những tháng ngày đã qua, không bao giờ xót xa vì đã quên sống.

NGƯỜI THỢ GỐM TÂM LINH 

Khi đến xem một xưởng làm đồ gốm, nơi sản xuất chén, dĩa, bình đựng… Tôi nhớ mãi hình ảnh một người thợ gốm, ông cầm lấy nắm đất sét đặt vào bàn quay để nhào nặn cho đến khi đất trở thành nhuần nhuyễn. Với đôi tay lành nghề, với con mắt thẩm mỹ trời ban, và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi làm việc, mớ đất sét trong tay người thợ gốm, nay đã có hình dáng của những chiếc dĩa, những chiếc bát ăn cơm, những chiếc bình đựng …. Trong khi nhào nặn, có lúc ông không bằng lòng với chiếc chén méo mó, không vừa ý với những chiếc dĩa có nhiều chỗ lồi lõm không đẹp mắt, ông liền ngưng tất cả, vo tròn miếng đất sét và làm lại từ đầu cho đến khi ông vừa ý, bằng lòng… Và rồi một chiếc chén đẹp, một chiếc dĩa đúng kích thước, một chiếc bình đẹp mắt được hình thành.

Công việc cuối cùng là người thợ mang tất cả những chiếc bình, những chiếc chén chiếc dĩa vào lò nung.  Với nhiệt độ thật cao trong lò, miếng đất sét đã chết đi để hóa thân trở thành những miếng sành, miếng sứ cứng chắc, hữu dụng và mỹ thuật.

* * * * *

Bạn thân mến, miếng đất sét muôn đời chỉ là đất sét vô dụng, nếu nó không chịu để cho người thợ gốm nhào nặn, uốn nắn để trở thành những chiếc bình, những chiếc chén chiếc dĩa hữu dụng …Miếng đất sét sẽ chỉ là những vật dụng thô kệch, méo mó không đúng kích thước nếu nó không chịu để cho người thợ gốm vo tròn làm lại từ đầu… Và miếng đất sét mãi mãi sẽ chỉ là đất sét sần sùi, nó sẽ không bao giờ có thể hóa thân để trở thành những miếng sành, miếng sứ nếu nó không chịu để cho người thợ đặt vào lò nung.

Trong đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa cũng nhào nặn và uốn nắn con người như thế.  Ngài là một người “thợ gốm tâm linh”.  Vì tình yêu thương, Ngài bỏ thời giờ và công sức để nhào nặn, uốn nắn, có khi Ngài đã phải “vo tròn” làm lại từ đầu.  Ngài muốn mỗi người chúng ta là mỗi tác phẩm mỹ thuật qúy giá của Ngài

Thông thường, chúng ta chẳng muốn được uốn nắn nhào nặn, chẳng muốn bị vo tròn làm lại từ đầu …và nhất là chúng ta chẳng muốn bị mang vào lò nung để được tôi luyện, để được thăng tiến hóa thân.  Nhưng lúc nào Chúa cũng làm việc sửa chữa trong cuộc sống chúng ta, lúc nào Chúa cũng ra tay nhào nặn uốn nắn con người chúng ta, để khuôn đúc mỗi người chúng ta theo đúng ý Ngài. Cứ như thế cho đến khi Ngài gọi chúng ta về với Ngài.

Trong cuộc sống, khi phải đối diện với những khó khăn áp lực của cuộc đời, với những đau khổ chia lìa, với những ngược suôi chao đảo…. Chúng ta hãy nhớ rằng tình thương yêu kỳ diệu của Chúa đang nhào nặn uốn nắn chúng ta để biến đổi chúng ta thành tác phẩm mỹ thuật quý giá của Ngài. Nếu chúng ta khước từ, không chịu làm một cuộc thay đổi toàn diện, chúng ta không bao giờ trở thành một vật quí giá tuyệt vời trong tay Ngài.  Hãy để cho Chúa uốn nắn nhào nặn, bạn nhé !

* * * * *

Lạy Chúa, chỉ vì yêu thương, Chúa đã ra công uốn nắn nhào nặn cuộc đời của mỗi người chúng con, chỉ vì muốn chúng con được thăng tiến, được hóa thân thành tác phẩm tuyệt vời của Ngài, Chúa đã ra tay sửa chữa, khuôn đúc con người của chúng con theo Thánh Ý Ngài….Xin cho chúng con nhận ra tình yêu thương kỳ diệu đó và luôn luôn biết phó thác cuộc sống trong vòng tay yêu thương của Ngài.  Amen.

Linh Xuân Thôn

SỰ CHẾT LÀ THẦY DẠY TA

Nhạc sĩ Tôn thất Lập viết một câu rất hay : “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về một rừng cây”. Tại sao vậy ?  Thưa bởi vì rừng cây là một hình ảnh gần đúng về đời người.  Trong một khu rừng có cây non, cây già.  Lá cây thì khi xanh khi vàng rồi rụng xuống.  Rõ ràng rừng cây là hình ảnh về cuộc đời con người.

Đây là một nhận định thực tế.  Cuộc đời con người cho dẫu sống đến trăm năm, rồi cũng có lúc phải dừng lại, rồi cũng kết thúc nơi phần mộ. “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Nguyễn Du).

Thánh Âu tinh khi suy nghĩ về sự chết đã gọi sự chết là “thầy”.  Thế “thầy sự chết” sẽ dạy chúng ta những bài học nào?

1. Thầy dạy sự khôn ngoan: Như lời Tv 90 (89), 12 : “Xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”.

Tuổi đời chúng ta có khi đang được đếm ngược rồi đó !

Sự khôn ngoan dạy cho ta biết rằng đến một lúc nào đó rồi cũng phải dừng lại: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục; mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90 (89), 10).

Hồi xưa tôi thường nghe người ta hát như thế này : “Em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời”.   Nếu câu hát này không đúng với ai thì ít nhất cũng đúng với tác giả đây. Ông đã ra đi vào lúc tuổi đời sáu mươi.

Còn bài PA Luca diễn tả thật hay : hai môn đệ đi về Emmau, càng đi thì càng đụng phải ánh hoàng hôn và phải dừng lại.  Đó phải chăng là hình ảnh về cuộc đời mà Giáo Hội, cách kín đáo, muốn dùng Lời Chúa mà nhắc nhở ta ?

2. Thầy dạy ta biết kiếp người mong manh: Lời của bài hát trong lễ an táng ta thường nghe: “Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”. Vâng, chỉ có Chúa là vĩnh cửu, trường tồn bất diệt, còn con người chỉ như hoa cỏ ngoài đồng, sớm nở tối tàn.

3. Thầy dạy ta hãy tìm kiếm những gì là bất diệt: “Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không đào ngạch, khoét vách lấy đi” (Mt 6, 20).

4. Thầy dạy ta hãy làm những việc lành phúc đức như của cải gởi về đời sau.

**********************************

Xin kể một câu chuyện của người Nga, nhan đề “đồng bạc nhân nghĩa”, để kết thúc.

Chuyện rằng : “Có nhà phú hộ kia gần chết mà lòng vẫn chỉ nghĩ đến tiền của, một động lực đã thúc đẩy ông lao lực suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn còn lại, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo giấu ở cổ, lấy chiếc chìa khoá trao cho người tớ gái trung tín nhất, ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và bảo cô lấy những túi tiền vàng bỏ vào quan tài của ông.

Khi chết xong, ông sống cuộc đời mới ở thế giới bên kia, nơi đó người ta cũng ăn uống và tiêu tiền như trên trần gian vậy. Đứng trước một chiếc bàn dài đầy những cao lương mỹ vị, ông hỏi người bán hàng : “Món hàng này bao nhiêu vậy cô ?”.

Cô bán hàng trả lời : “Một xu, thưa ông”.

“Thế còn hộp cá mòi kia ?”.

“Cũng một xu, thưa ông. Tất cả những thứ được bày bán ở đây, cái nào cũng giá một xu”.

Nhà phú hộ thầm nghĩ : “Thế này thì bao giờ mới tiêu cho hết số vàng ta mang theo ”. Ông chọn một đĩa thức ăn lớn với nhiều món ăn ngon nhất, rồi lấy một đồng tiền vàng ra trả, nhưng cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói : “Thưa ông, ông đã học được quá ít trong cuộc sống”.

Nghe thế, nhà phú hộ ngạc nhiên hỏi : “Thế đồng tiền vàng của tôi không đủ trả cho đĩa thức ăn này hay sao ?”.

Cô bán hàng trả lời : “Không phải, ở đây, chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ở trần gian người ta đã dùng để làm việc lành phúc đức, giúp đỡ những kẻ nghèo khó túng cực mà thôi”.

Lm Đỗ Quyên

**********************************

Buông Tay – Lời Dâng 99

Targo

Khi buông tay chèo.
Ta biết ngươi sẽ thay ta cầm lái.
Cái gì cần làm sẽ được làm ngay.
Vật lộn thế này vô ích lắm.

Lòng ta hỡi! Thôi buông tay ra!
Lặng im cam chịu mình thất bại,
và nên nghĩ số phần may mắn
là ngồi tại chỗ, lặng thinh hoàn toàn.

Đèn này bên ta tắt hoài mỗi lần gió nhẹ lướt qua;
cố gắng châm đèn, ta bẵng quên tất cả.

Nhưng lần này, ta sẽ khôn ngoan;
trải thảm trên nền nhà, ta ngồi chờ bóng tối.
Thần chết ạ, lúc nào mà thấy vui vui,
đến với ta nhé, âm thầm thôi
và ngồi xuống đây chơi.

ĐỒNG XU QUẢNG ĐẠI

Chúng ta thường nghe câu “Của cho không bằng cách cho”.  Giá trị của quà tặng không phải ở nơi món quà mà ở tấm lòng của người tặng quà.  Quà tặng quý giá nhứt là những món quà “dốc túi”, là những món quà mà người tặng phải chắt bóp hy sinh.

Hai đồng tiền kẽm của bà góa nào có đáng gì so với những nén bạc dâng cúng của người thừa tiền lắm bạc.  Dưới con mắt người đời, hai đồng xu của bà góa chỉ để cho ăn mày.  Ai lại dâng cúng số tiền ít ỏi như thế.  Vậy mà Chúa Giêsu lại khen bà.  Tại sao vậy?  Vì đây là một bà góa nghèo.  Không chỉ nghèo, nhưng là nghèo lắm lắm, nói theo kiểu Việt Nam là nghèo “rớt mồng tơi, rơi lá hẹ”.  Nghèo đến mức cả gia sản của bà chỉ có “hai đồng tiền kẽm (lepta), trị giá một phần tư đồng xu Rôma,” (Mc 12:42) chưa đủ để mua một con chim sẻ (theo Mt 10:29, 2 con chim sẻ bán một xu Rôma).

Thế nhưng bà đã dâng cúng tất cả vào hòm tiền của Đền Thờ.  Bà không cho đi phần dư giả, nhưng cho đi tất cả những gì bà đang cần để sống, để nuôi thân. (Mc 12:44). Khi dâng cúng hai đồng xu cuối cùng, không biết bà có nghĩ đến bữa ăn tới không nhỉ?  Mặc kệ, bà cho đi đến đồng cuối cùng; bà “xả láng” hết với Chúa.  Bà cho Chúa không chỉ tài sản của bà, mà chính là toàn thể cuộc sống của bà.

************************

Ở vùng Bình Phước Lộc Ninh cũng có một người dám sống xả láng hết với Chúa.  Đó là một tu sĩ phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, được họ ưu ái gọi là “Bố Tân”.  “Bố” Tân nói ít nhưng làm nhiều.  Ông rất thương các anh chị em người sắc tộc.  Có bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo, ai xin ông đều cho hết.  Châm ngôn của ông là “Cho đến đồng bạc cuối cùng”.  Mỗi lần có được tí viện trợ nào là chỉ vài hôm sau, tất cả đều được chia cho những người nghèo khổ bất hạnh.  Có lần tôi hỏi ông sao không để dành một ít những tặng phẩm phòng khi đau yếu, thì ông cười xoà: “Để Chúa lo! Mình tính không bằng Trời tính.  Người Kinh mình mà nghèo thì còn biết xoay sở, chứ đồng bào sắc tộc mà nghèo thì còn khổ hơn người Kinh gấp trăm lần.”

Tôi thật cảm phục tấm gương quảng đại của một người đã gần 60 tuổi mà còn dám đi xe máy vượt cả trăm cây số đường rừng để đến ủy lạo và thăm viếng những gia đình người sắc tộc cùng khổ ở những vùng xa xôi hẻo lánh, không có phương tiện đi lại.  Bố Tân chia sẻ với tôi rằng tuy nghèo, nhưng họ rất quảng đại.  Cả nhà nhiều khi có một lon gạo, nấu một bữa ăn không đủ, nhưng ai đi qua cũng kêu vào ăn cho vui.  Ăn một hai muỗng cơm, dù không no, nhưng vẫn thấy ấm áp tình người.

************************

Nghe những chuyện này tôi thấy hình như người nghèo quảng đại hơn tôi nhiều.  Có lẽ vì họ sống thiếu thốn đã quen, nên dễ thông cảm với hoàn cảnh của người khác, sẵn sàng mở rộng vòng tay với người khác.  Còn tôi, tôi tính hơn tính thiệt nhiều quá.  Làm gì nhiều khi cũng đắn đo.  Đôi lúc tôi so đo tính toán ngay cả với Thiên Chúa.  Tôi đi nhà thờ, dự lễ, làm chuyện bác ái, chẳng qua cũng để mua bảo hiểm vào Nước Trời.  Tôi chỉ dám cho Chúa, cho người khác, những phần dư thừa, chứ chưa bao giờ dám cho Chúa, cho người khác, cái gì cần thiết cho cuộc sống của tôi.

Có nhiều cách trao ban.  Tôi có thể trao ban cách miễn cưỡng, để khỏi bị làm phiền hay vì chu toàn bổn phận.  Tôi có thể trao ban cách nhiệt tình, nhưng để khoe khoang hay để được khen tặng.  Hoặc là tôi có thể trao ban cách hy sinh quảng đại, vì tôi thật sự mến Chúa yêu người.  Tình yêu thật thì không so đo tính toán, không lo hơn thiệt, lo được mất.  Khi tôi trao ban với lòng hy sinh quảng đại là lúc tôi sống giới luật yêu thương một cách trọn vẹn.  Khi tôi trao ban với lòng yêu mến, là lúc tôi cho đi chính mình, chứ không phải chỉ cho đi những gì mình sở hữu.

Lời Chúa hôm nay xoáy mạnh vào một điểm, Chúa đánh giá cao tấm lòng của chúng ta hơn là những gì chúng ta có thể làm cho Chúa hay cho người khác.

Lời Chúa mời gọi bạn và tôi, chúng ta cùng xét lại cách sống của mình, bạn nhé.  Chúng ta trao ban vì bất đắc dĩ, vì bổn phận, vì mưu tìm tư lợi, hay là vì chúng ta yêu mến?  Thông thường người khác đánh giá lòng tốt của chúng ta qua những cử chỉ bề ngoài.  Nhưng Chúa nhìn chúng ta từ phiá bên trong.  Chúa biết chúng ta làm vì mục đích gì.  Và Chúa thấu hiểu những công khó, những vất vả lao nhọc của chúng ta, khi chúng ta dám trao ban vì yêu mến.

Lối sống hy sinh quảng đại là lối sống của Tin Mừng.  Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Ngài. Ngài luôn trao ban tất cả, trao ban cho đến giọt máu cuối cùng trên thập giá.  Chúng ta cần cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể trở nên giống Ngài mỗi ngày một hơn.

Anton-Bảo Lộc

************************

Lạy Chúa,

Xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu mà không ngại thương tích,
biết lao nhọc mà không tìm an nghỉ,
biết dốc sức mà không đòi thưởng công
và không tìm gì khác ngoài việc chu toàn ý Chúa.  Amen.

Kinh Quảng Đại của thánh Inhã Loyola

THƯA THẦY! CON PHẢI THEO AI?

Một khách hành hương, sau những ngày thinh lặng tĩnh tâm tại tu viện, ông đến nói với vị Minh Sư rằng:

– “Thưa Thầy ! Con muốn “theo thầy” để tu tập, xin thầy nhận con làm học trò của thầy”

Vị Minh Sư đáp lại rằng: “Này bạn! Bạn có thể sống với tôi, nhưng bạn đừng bao giờ trở thành người theo tôi.”

– “Thưa thầy ! Như vậy, con sẽ theo ai? ”

– “Bạn không theo ai hết… Ngày nào bạn theo một ai đó thì bạn không còn theo Chân Lý nữa.”

( Anthony de Mello – trích trong The Song Of Bird)

* * * * *

Qúy vị và các bạn thân mến, Trong xã hội mà chúng ta đang sống, con người đã tự tạo cho mình qúa nhiều thần tượng, đã nhận qúa nhiều người làm lý tưởng, làm mẫu mực để sống, để noi theo. Nào là ca sĩ hoặc diễn viên điện ảnh nổi tiếng, nào là nhà thể thao tài ba, nào là nhà cách mạng xuất chúng ..v..v… Con người đã ao ước được trở nên giống họ trong phong cách ăn mặc đi đứng, trong lối sống hằng ngày và ngay cả trong cách suy nghĩ nữa … Con người đã thần thánh hóa họ, nhiều khi đã đặt họ ngang hàng với thần thánh trong khi họ chỉ là một con người, một tạo vật .

Nếu chúng ta lấy tạo vật làm thần tượng, làm lý tưởng và làm mẫu mực cho cuộc sống là chúng ta đã tự hạ thấp phẩm giá con người của mình, là chúng ta đã không nhận ra hoặc quên đi một Đấng vì yêu thương đã tự hy sinh thân phận của mình là Đấng Tạo Hóa để trở thành tạo vật như con người, mang thân phận mỏng dòn như con người, sống kiếp con người để mang con người về với chân lý vĩnh phúc đời đời.  Đấng ấy phải là lý tưởng của cuộc sống chúng ta, phải là mẫu mực cho đời sống chúng ta noi theo… Đấng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, ngài là chân lý, là đường và là sự thật cho cuộc lữ hành trần gian này của mỗi người chúng ta.

Để trả lời Philatô khi ông tra hỏi Ngài, Chúa Giêsu đã quả quyết về sứ mệnh của chính mình: “Tôi đã sinh ra và đến trong thế gian vì mục đích này. Ðó là để làm chứng cho chân lý. Ai đứng về phía chân lý thì nghe tiếng tôi” (Ga.18:37).

Tiếng của Chúa, Lời của Chúa là chân lý ngàn đời không thay đổi. Chân lý ấy là ánh sáng, là hy vọng và là con đường dẫn đến trường sinh vĩnh phúc cho những ai lắng nghe và mang ra thực hành.

Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh, chứa đựng những chân lý cứu độ mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người. Chúa mạc khải những chân lý đôi khi vượt trên sự hiểu biết tự nhiên của chúng ta. Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô đơn lạc lõng. Chính vì điều này mà người Kitô đôi khi phải đi ngược dòng đời.  Đôi khi điều người đời cho là bất bình thường, lại là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, đôi khi lại là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi lại là lẽ khôn ngoan của người Kitô.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu, Lời Ngài là chân lý, là ánh sáng soi dẫn đường đời con đi. Lời Ngài là sức sống, là hạnh phúc, là chứa chan hy vọng cho cuộc đời.  Xin cho con biết lắng nghe và mang Lời Ngài ra thực hành . Amen