KHIÊM NHƯỜNG

Tại Vatican, trong Đền Thờ Thánh Phêrô có một bức tượng Chúa Chịu Nạn do Thorvaldsen (1770-1844), nhà điêu khắc Đan Mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia một du khách đến viếng bức tượng, ông ta nhìn đi nhìn lại bức tượng nhiều lần rồi lắc đầu nói: “tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm nhưng tôi chẳng thấy có gì là đẹp cả.”

Một người khác quỳ sau lưng ông liền lên tiếng nói: “Ông phải quì gối xuống mà nhìn thì mới thấy đẹp.”

Người du khách liền quì gối xuống. Bây giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa Chịu Nạn.

* * * * *

Bạn thân mến! Muốn gặp gỡ Chúa, muốn đón nhận lòng thương xót của Người, con người cần phải quì gối trong khiêm tốn.

Đức Cha Fulton J. Sheen đã viết: “Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng để nhìn thấy Ngài, nhưng Ngài giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi đầu, khom lưng xuống  để bước vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường.”

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã nói: “Trên thiên đàng không thiếu những người thu thuế và các cô gái điếm, nhưng chắc chắn không có kẻ kiêu ngạo”

Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút kiêu ngạo cũng quá nhiều. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở rộng tâm hồn ra để đón nhận. Tội lỗi hay công đức đều có thể làm ta khép lại hay mở ra. Điều quan trọng là nhận biết mình luôn luôn cần ơn Chúa.

Tội lỗi hay hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn, thói kiêu căng. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi, nhưng hành động khiêm tốn trong việc cúi đầu đấm ngực ăn năn, nhìn nhận mình là người tội lỗi và hết lòng thống hối nên đã được công chính trước Thiên Chúa.

Ai muốn đón nhận Chúa cũng phải trở nên một người khiêm nhường, rất khiêm nhường: Khiêm nhường trong cảm tạ, khiêm nhường trong vâng phục, khiêm nhường trong yêu mến, và còn phải khiêm nhường trong sám hối, ăn năn, trở về.

* * * * *

Lạy Chúa! Mỗi khi con tưởng mình tốt lành thánh thiện, chính là lúc con đang ở trong nguy cơ phạm tội, xa Chúa. Trái lại, khi con mang trong lòng sự khiêm nhường, nhận biết mình tội lỗi bất xứng, chính là lúc con đang lãnh nhận ơn Chúa, đang cảm nếm được sự ngọt ngào của tình Chúa xót thương.

Lạy Chúa Giêsu là đấng hiền lành và khiêm nhường, xin ban ơn giúp sức cho con, để mỗi ngày qua đi là mỗi lần con được trở nên giống Chúa hơn chút, Amen .

Linh Xuân Thôn

CẦU NGUYỆN LÀ CHIẾN THUẬT

Trong cuộc khảo thí tại trường sĩ quan trẻ, vị Thiếu tá giám khảo hỏi một chuẩn uý :

– Trong một cuộc hành quân, đơn vị do anh chỉ huy rơi vào tình huống này : Phía trước và hai bên đơn vị của anh bị quân đich vây chặt, chúng chặn cả lối rút lui của anh, có nghĩa là đơn vị anh bị bao gọn, lúc đó anh xử trí thế nào?

Mọi con mắt của Ban Giám Khảo đổ dồn về phía anh sĩ quan trẻ, anh suy nghĩ một lát rồi đứng nghiêm trả lời quyết định:

– Thưa Thiếu tá và Ban Giám Khảo, tôi sẽ hạ lệnh : CẦU NGUYỆN

Tất cả Ban Giám Khảo nhìn nhau bỡ ngỡ, không ai nghĩ tới câu trả lời như thế. Viên Thiếu tá vỗ vai anh sĩ quan trẻ và nói:

– Anh hãy xử trí đúng như hôm nay nhé!

****************************

Sách Tin Mừng ghi lại cách sống của Chúa, chứa đựng cả một kho tàng về gương cầu nguyện:

  • Sau khi chịu Phép rửa tại sông Giođan, Chúa lên núi ăn chay và cầu nguyện, để bắt đầu cho bước đường truyền giáo sắp tới. 40 ngày đêm (Mt 4,2b), một Vị Thiên Chúa mang thân phận con người cũng phải ăn chay cầu nguyện để xin Thiên Chúa Cha chúc lành cho việc làm Chúa sắp thực hiện.
  • Chúa dạy hãy cầu nguyện nơi kín đáo, đừng huênh hoang chỗ đông người (Mt 5,4-6)
  • Chúa đã dạy các Tông đồ cách cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. (Mt 4,7-14)
  • Chúa cầm 2 chiếc bánh, 5 con cá dâng lời cầu nguyện, chúc tụng Thiên Chúa Cha, để thực hiện một phép lạ vĩ đại: Hoá Bánh ra nhiều cho 5000 người đàn ông, không kể đàn bà, trẻ em ăn, và còn dư 12 thúng đầy. (Mt 14,12-21)
  • Chúa dạy nếu cùng nhau hiệp lời để cầu nguyện, ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó giữa họ. (Mt 18,19-20).
  • Trước khi chịu khổ hình Chúa đem theo một số tông đồ vào vườn Giệtximani để cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Trước sự thử thách Chúa sắp trải qua, mồ hôi hoà lẫn máu nhỏ xuống. Một sự thử thách cao đến tột độ đối với bản tính con người của Chúa. (Mt 26,36-46)
  • Một lời cầu nguyện của Chúa Giêsu gồm 26 câu , đoạn 17 trong Tin mừng Thánh Gioan.
  • Trên Thánh Giá trước khi tắt hơi thở Chúa dâng lên Thiên Chúa Cha lời nguyện cuối cùng :Thế là đã hoàn tất. (Ga 19,30b)

… … …

Tôi còn nhớ có lần tôi đọc trong tác phẩm SỐNG HẠNH PHÚC của TGM Fulton J. Sheen có một câu chuyện kể về tấm gương sáng về cầu nguyện của tổng thống Abraham Lincoln.

Một nhân chứng đương thời với A. Lincoln, kể lại rằng ông ta có sống với A. Lincoln trong ba tuần lễ ngay sau khi trận đánh Bull Rull kết thúc :

– Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì phải nói trước công chúng sáng hôm sau đó. Đã quá nửa đêm, đúng ra là gần hừng đông. Và tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng Tổng Thống ngủ. Cửa phòng hé mở. Theo bản năng. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh không thể nào quên được. Tôi thấy Tổng Thống đang quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi. Tôi đứng lặng một lúc, quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện :

–  “Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Salômon trong đêm khuya, xin cho được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ con. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Salômon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!”

Hình ảnh qua những tấm gương về việc cầu nguyện của anh chàng sĩ quan trẻ, của Tổng Thống A. Lincoln, đặc biệt qua Đức Giêsu đã để lại cho tôi những tấm gương đáng để cho tôi noi theo. Vì cầu nguyện chính là những lúc tôi được diện kiến với Chúa, để hàn thuyên tâm sự. Chính những lúc đó là lúc Chúa đang nghe tôi nói, và Chúa sẽ dẫn đường chỉ lối cho tôi đi. Câu trả lời của anh sĩ quan trẻ cho thấy một niềm xác tín đáng tin cậy nơi anh ta, đó là CẦU NGUYỆN.

Trong cuộc sống, thường tình tôi nghĩ đến Chúa khi gặp những đau khổ, thử thách, ngoài ra khi bình an, phẳng lặng tôi ít khi nào nhớ đến để cám ơn Chúa. Con thật là vô ơn bạc nghĩa quá Chúa nhỉ?

****************************

Lạy Chúa, từ đây xin cho con biết đến với Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Những lúc thư thái bình an, cũng như lúc gặp gian nan thử thách, cho con biết đến với Chúa để cùng hàn huyên tâm sự chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Xin giúp con biết thực tâm tin tưởng, cậy trông, phó thác nơi Trái Tim đầy lòng thương yêu của Chúa.

  • Biết cảm tạ, tri ân Chúa đã ban cho con được sự bình an trong một ngày sống.
  • Biết  tin tưởng, phó thác vào ơn Chúa giúp, để con dùng nghị lực vượt qua những khó khăn. Amen

Pet. PBH

TÌM LẠI SỰ NGẠC NHIÊN

Mấy năm trước, tờ Chicago Tribune (Diễn đàn Chicago) có đăng bài viết của Amelia Bahl nhan đề: “Đi đạo với Bà Tôi”.  Bài được viết theo thể đối thoại như sau;

Ricky hỏi:
– Thưa bà tại sao cây lại thay lá vào cuối mùa hạ?

Bà trả lời:
– Vì những lá cây cũ mèm xơ xác rồi, cần mặc lấy lá mới.
– Những lá mới từ đâu đến vậy?
– Từ sâu dưới lòng đất, bà mẹ thiên nhiên luôn bận bịu chuẩn bị lá mới cho chúng.
– Bà ơi, có bao giờ bà thấy bầu trời giống như một hồ nước úp lộn ngược không?
– Và những áng mây bé tí kia trông giống những chiếc thuyền buồm phải không nào?
– Cháu thắc mắc chả hiểu chúng dương buồm đi về đâu?
– Có lẽ đi dự “hội mây” đó cháu.
– Chúng sẽ làm gì ở đó nhỉ?
– Có lẽ để quyết định xem trái đất có cần mưa thêm không?
– Chà! Chúa lo lắng tất cả mọi sự, bà nhỉ?

******************************

Bà của Ricky thực là một gương mẫu hoàn hảo cho người trưởng thành.  Bà không bị mất cảm thức của mình về những điều ngạc nhiên của trẻ thơ.  Biết ngạc nhiên là biết nhìn thấy sự vật giống như trẻ con nhìn thấy chúng.  Là biết đặt ra những câu hỏi tương tự như trẻ con thường hỏi.  Biết ngạc nhiên là biết nhìn mọi sự như chúng ta nhìn chúng lần đầu tiên, nghĩa là nhìn chúng với sự tươi mát lần đầu, toả ra sự mới mẻ từ đôi tay tạo dựng của Chúa khi chưa hề bị tì ố.  Biết ngạc nhiên là biết nhìn vào một cánh đồng cỏ ướt đẫm sau cơn mưa và nhận ra những dấu chân của Chúa trên đó.  Biết ngạc nhiên là biết nhìn vào đôi mắt trẻ thơ và nhận ra dấu tay của Thiên Chúa ẩn chứa trong đó.

Có một ví dụ thú vị cho vấn đề chúng ta đang bàn được thấy trong quyển sách của Charles Colson tựa đề “Born Again” (Tái sinh).  Colson một trong những người bị kết án trong vụ Watergate của tổng thống Nixon vào thập niên 1970.  Về sau, ông đã trở lại đạo Chúa.  Sự trở lại này đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn ông mãi đến hôm nay.

Trong một đoạn sách của mình, Colson đưa chúng ta lùi về quá khứ 20 năm trước để tham dự một mùa hè thú vị mà ông đã trải qua cùng hai cậu nhóc, con của ông. Ông đã mua cho chúng một chiếc thuyền buồm dài 14 bộ (quãng 4 mét rưỡi) và đem nó ra hồ.  Khi cả ba đến bờ hồ, một cơn mưa phùn nho nhỏ của mùa hạ bắt đầu lất phất.  Tuy nhiên điều này chẳng làm cho họ quan tâm.

Sau khi thuyền rời khỏi bến, họ chỉ còn nghe thấy tiếng nước vỗ mạn thuyền và tiếng chiếc buồm sũng nước vỗ phành phạch trong gió.  Cậu bé Chris, 10 tuổi được giao nhiệm vụ điều khiển chiếc thuyền. Khi nhận thức được vai trò thuyền trưởng của mình, gương mặt cậu bé trông mới rạng rỡ làm sao! Ánh mắt cậu toé lên nỗi hào hứng khi biết rằng cậu đang nắm trong tay quyền điều khiển sức mạnh của gió. Nhìn vào khuôn mặt và ánh mắt cậu con trai, Colson hết sức sửng sốt.  Lúc đó, ông tâm sự với Chúa và ông vẫn còn nhớ mãi những lời tâm sự ấy:

“Lạy Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban cho con đứa con trai này, đã ban cho con giây phút kỳ dịêu này. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt đứa nhỏ này, đời con đã thoả mãn rồi.  Trong tương lai, dù có xảy đến điều gì cho dẫu ngày mai con có phải chết, thì đời sống của con kể cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Tạ ơn Chúa”.

Sau đó, Colson ngạc nhiên vì điều ông vừa làm. Trước đó, ông đâu có tin rằng Thiên Chúa có bản ngã, thế mà trong ngẫu hứng, ông lại thưa chuyện với Ngài như một Đấng có bản ngã.  Trong niềm vui vào giây phút ấy, tim ông đã vượt khỏi trí não để biểu lộ lời xác nhận sự hiện hữu của một Thiên Chúa hữu ngã.  Qua chính những lời cầu nguyện của mình, ông khám phá rằng dù ông chưa tự chứng minh được là có Thiên Chúa, ông vẫn có thể thưa chuyện với Ngài. Làm sao ông có thể thưa chuyện với Ngài được nếu không phải là tận thâm sâu tâm hồn ông vẫn ý thức rằng có ai đó đang lắng nghe ông từ một nơi nào đó. Thực thế, vào buổi trưa hè mưa phùn ấy, Colson đã khám phá ra cho mình điều mà các tác giả linh đạo luôn nhất trí với nhau, đó là: Sự ngạc nhiên là trọng tâm mọi lời khẩn nguyện và thờ phụng.

Điều này dẫn chúng ta đến với sứ điệp thực tiễn của bài Phúc Âm hôm nay.

Nếu chúng ta cảm thấy khó cầu nguyện và thờ phụng Chúa, có thể là vì chúng ta đã để cho cảm thức ngạc nhiên như trẻ con của mình bị khuất sau đám mây: có lẽ vì chúng ta đã không nghiêm chỉnh nghe theo lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm hôm nay; “Ai không biết đón nhận nước Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ chẳng bao giờ vào được đó đâu”.

Có lẽ chúng ta đã đánh mất cảm thức ngạc nhiên như trẻ con của mình về vũ trụ. Có lẽ từ lâu lắm rồi chúng ta không còn đi bộ dạo chơi và trò chuyện với con cháu chúng ta.

Nhà viết tiểu thuyết hiện đại John Updike đã cảnh cáo chúng ta điều có thể xảy ra nếu chúng ta không còn biết tiếp xúc với những thành viên trẻ trong gia đình Thiên Chúa như sau:

“Nếu người lớn chúng ta không biết tiếp tục trò chuyện với trẻ con, chúng ta sẽ không còn là những con người nữa, mà chỉ còn là những cỗ máy biết ăn và biết kiếm tiền”. Nhà thừa sai vĩ đại Albert Schweitzer nói: “Bi kịch của cuộc sống chính là chúng ta đã chết mặc dù vẫn mang tiếng là đang sống”. Khi cảm thức ngỡ ngàng trước vũ trụ bắt đầu lịm tắt thì ý thức về cầu nguyện và phụng thờ cũng bắt đầu tàn lụi theo. Đây là một lời rất quan trọng và thực tiễn mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta qua bài Phúc Âm hôm nay.

******************************

Để kết thúc xin mời anh chị em yên lặng hiệp ý cầu nguyện cùng tôi:

“Lạy Chúa, xin giúp chúng con giữ mãi được cảm thức ngạc nhiên trước cuộc sống, đừng để chúng con trở nên mù loà không nhìn thấy dấu tay Chúa trong vũ trụ quanh chúng con, đặc biệt nơi ánh mắt và khuôn mặt của các trẻ nhỏ.

Xin giúp chúng con biết luôn tiếp xúc với những trẻ em chung quanh chúng con, để đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu truyền dạy; “Kẻ nào không tiếp nhận nước Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ chẳng bao giờ vào được đó”.

Xin hãy giúp chúng con tái khám phá ra cách nào để ngạc nhiên ngõ hầu nhờ đó chúng con có thể tìm lại được cách thức cầu nguyện và phụng thờ Chúa.

Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Giêsu là Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”

Lm Mark Link, SJ

MUỐI CHO ĐỜI

Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta chưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai chưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu.

Muối có đó nhưng không ai thấy muối.  Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi.  Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.

Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng sự hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.

* * * * *

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Đức Giê-su cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối:

  • Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn.
  • Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật khiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ.
  • Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hoà tan trong thực phẩm.

Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối. Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa đã dạy.

* * * * *

Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt