KHOẢNH KHẮC AN BÌNH

‘‘Trong đời, có hai ngày không nên quá lo âu, đó là ngày hôm qua và ngày mai  ’’.

Tôi đọc dòng suy tư ấy từ một mảnh giấy vất trên bàn học trong thư viện sáng nay.  Không biết ai là tác giả của một tâm tình đơn sơ mà sâu sắc quá.  Nhẹ nhàng mà mãnh liệt biết bao!  Khát vọng sống trọn giây phút hiện tại của một ai đó đã để lại trong tôi một niềm an ủi sâu lắng.  Nó đong đầy cả một chân lý sống:  sống cho hiện tại, sống với món quà Thượng đế trao ban trong giây phút này.  Ngày hôm qua đã thuộc về lịch sử, và ngày mai thì vẫn luôn là bí ẩn.  Rồi sẽ có một ngày trong đời không có ngày mai!

Tôi không thể thay đổi quá khứ, tôi cũng chẳng có thể sống cho ngày mai.  Một quá khứ hạnh phúc, làm tôi nuối tiếc.  Một quá khứ tội lỗi khiến tôi băn khoăn.  Một tuơng lai mù tối, làm tôi lo âu.  Một tương lai hứa hẹn, khiến lòng mình xôn xao.  Quá khứ hay tương lai đều không cho tôi hạnh phúc trọn vẹn.  Chỉ có ngày hôm nay, giây phút này, tại địa điểm này, và công việc này mới là sứ mạng đích thực, mới là lời mời gọi và đáp trả trong yêu thương.

Tôi gặp nơi mảnh giấy ấy cùng một tâm tình của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận lúc Ngài còn ở tù.  Cảm nghiệm sâu sắc của phút giây hồng ân, Ngài viết lên những tâm tình thiết tha như thế:  ‘‘Giây phút đẹp nhất là giây phút hiện tại.  Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.  Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.  Sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh.   Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.  Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng’’ (Đường Hy Vọng)

Cả hai tâm tình ấy đến với tôi khi cả nước đang xôn xao về cuộc khủng bố tuần qua.  Mở một trang báo hôm nay, lắng nghe một mẫu tin từ truyền hình, tôi băn khoăn tự hỏi: Không biết cuộc chiến tranh đang diễn ra hôm nay rồi sẽ ra sao?  Người ta đang đe dọa một cuộc chiến tranh hoá học trên đất nước này.  Đất Mỹ có còn là nơi an toàn cho cuộc sống?

Có người thì hớn hở cho cuộc đánh trả ở Trung đông.  Người khác thì lại lo âu cho một tương lai ảm đạm, hậu quả của trả thù trong nay mai.  Nhiều người chuẩn bị, mua sắm thức ăn và nhiên liệu cần thiết dự trữ.  Mẹ tôi cũng vội vã mua sắm những thức ăn cần thiết, chuẩn bị như cuộc chiến mùa Xuân 75 ở Việt Nam.  Bà con ở quê nhà thì gọi phone khuyên mẹ nên về quê hương một thời gian cho an toàn.

Ai cũng mong an toàn.  Nhưng ở đâu là an toàn?  Đã có lần tôi ra đi khỏi đất nước để mong có chút an toàn.  Bây giờ người ta khuyên trở về nơi đó để tìm sự an toàn.  Mâu thuẫn quá!  Nó giống câu chuyện hài hước của một Cha dòng Tên Ấn độ mà tôi vẫn mãi tâm đắc.  Ngài kể :

Người đàn ông hối hả bước lên xe Bus.  Vừa ngồi xuống, anh đặt ngay cái hộp lên đùi của mình.  Thấy thế,  anh tài xế hỏi ngay:

–      Cái hộp gì trên đùi của anh vậy ?

Anh ta ngây thơ đáp:

–     Dạ trái bom chưa nổ ạ .

Người tái xế tái mặt, mắng anh:

–      Sao anh khờ vậy!  Đừng để nó trên đùi.   Dấu nó ngay dưới ghế đi … lẹ lên !!!

Cất trái bom  dưới ghế, mong được an toàn.

Một an toàn tưởng tượng quá!  Một an toàn đánh lừa!  Thực tại của cuộc sống không cho tôi sự an toàn tuyệt đối.  Dù đó là quê hương hay đang sống tha phương.  Đời lữ hành không bảo đảm cung cấp nơi dừng chân an toàn mãi mãi.  Sống là đi!  Đi mới mong có sự sống.  Đời là một chuỗi ngày du mục.  Dù đi trong hy vọng, hay đi trong lo âu, tôi luôn phải đi.

–    Nhưng đi đâu bây giờ? Tôi tự hỏi.

–    Đi cho trọn ngày hôm nay !

–    Thế còn ngày mai ?

–    Đức Kitô đã bảo đảm ngày mai cho tôi:

‘‘Lòng anh em đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.. . Thầy sẽ không để anh em mồ côi.  Thầy đến cùng anh em’’ (Ga :14,18).

Đức Kitô đã đi qua những ngày bất an của thân phận làm người, và Ngài đọc được trong tôi những nỗi niềm băn khoăn.  Tôi dường như tìm được niềm an bình từ lòng yêu thương săn sóc ấy. Trong dòng suy tư, tôi chợt thoáng nhớ những lời khôn ngoan trong kho tàng Ấn giáo mà các Guru dạy cho môn sinh của họ rằng:

Khi bạn hít một hơi thở dài, hãy ý thức mình đang hít một hơi thở dài.  Khi bạn hít một hơi thở ngắn, hãy ý thức  mình đang hít một hơi thở ngắn.  Khi bạn hít một hơi thở vừa vừa, hãy ý thức  mình đang hít một hơi thở vừa vừa.  Luôn ý thức mình đang ở trong hiện tại’’

Những tâm tình ấy giúp tôi trở về với hiện tại.  Đón nhận những gì mình đang có hôm nay.  Hít thở cái bầu khí hôm nay như một hồng ân, và dâng trao ngày mai cho Đấng đang làm chủ tương lai. Rồi trong niềm tin tưởng phó thác, tôi mượn lời kinh xin ơn bình an để thì thầm trong Chúa:

Chúa ơi, xin ban cho con ơn bình an để chấp nhận những gì con không thể thay đổi – đó là thời tiết, thiên tai, là chiến tranh, là già nua bệnh tật, là mất mát rủi ro, v.v… Cho con ơn can đảm để sửa đổi những gì con có thể đổi thay – như lòng ích kỷ, như đố kị ghen tương, như lười biếng ươn hèn hay đời sống tội lỗi với những đam mê, v.v… Nhưng cũng xin cho con ơn khôn ngoan để  phân biệt điều gì con có thể thay đổi, và điều gì con không thể thay đổi, để rồi sống từng ngày, từng phút giây – an vui và trọn vẹn.

Nguyễn Thảo Nam

HẠT LÚA MÌ MỤC NÁT

Cha Dieudonne Bourgignon, người Bỉ, đã từng bị Đức Quốc Xã bắt giam trong trại tập trung Dachau thời Đệ Nhị Thế Chiến kể lại:

Vào một đêm cuối tháng Bảy, một tù nhân khu trại 4 thuộc trại giam Auschwitz đã trốn thoát.  Phòng hơi ngạt của trại này đã từng thủ tiêu 6 triệu người Do Thái: 1/3 dân Do Thái trước Thế Chiến.  Sáng hôm sau, viên sĩ quan hằn học tuyên bố: “Tất cả những người có mặt phải đứng nghiêm trong hàng ngũ”.  Đoàn tù nhân phải đứng chân trần, không mũ nón dưới ánh nắng đổ lửa của mùa hạ miền nam Ba Lan.  Buổi chiều khi các tù nhân khu giam khác đi làm về.  Viên sĩ quan nói: “Mười trong số những người này phải trả nợ”.  Lập tức tên sĩ quan duyệt qua hàng tù nhân chỉ ra mười người, trong đó có một người đàn ông kêu rên thảm thiết vì thương người vợ trẻ và đàn con thơ dại.

Masimilien Kolbe nghe lời ai oán của bạn tù đã thốt lên: “Tôi xin chết thay cho người này”.  Đoàn người sững sờ!  Tên sĩ quan không ngờ diễn tiến của biến cố.  Hắn tò mò muốn hiểu rõ: “Tại sao muốn chết?”  Maximilien Kolbe điềm tĩnh trả lời: “Tôi là linh mục Công giáo, tôi muốn chết thay cho người này vì anh ta có vợ dại con thơ cần đến sự chăm sóc của anh ta.”

Mười tử tội tiến chầm chậm vào cõi địa ngục.  Người ta bỏ rơi họ trong phòng tối không ăn không uống cho đến chết.  Những giờ phút tăm tối lê thê.  Ngày 18-8-1941, mười người còn lại bốn, đang thoi thóp hấp hối.  Một người trong đó là Kolbe.  Tất cả được nhận mũi thuốc độc ân huệ.

*********************************

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).  Để có một quyết định anh hùng như cha Maximilien Kolbe quả không dễ dàng chút nào.  Tại sao tôi phải chết đi để người khác được sống?  Đành rằng chết để sinh nhiều bông hạt, nhưng có ích gì khi chính tôi bị tan rã?  Vì thế, chúng ta không muốn chết như hạt lúa, chúng ta chấp nhận trơ trọi một mình.

Vậy sức mạnh nào thúc đẩy chúng ta dám chết cho anh em?  Động lực nào thúc dục chúng ta hiến thân cho đồng loại?  Chính Đức Giêsu đã cho ta giải đáp: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15,12).  Tình yêu cao qúy hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết.  Cái chết của Đức Giêsu đã nên lời yêu thương cho con người.  Chính vì Người đã không xuống khỏi thập giá nên không ai có thể nghi ngờ tình yêu của Người.  Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Người trở nên một thách đố.  Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.

Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Đức Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức.  Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức:  “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì đây?  Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12,27).  Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: “Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này” (Ga 12,27)

Cái chết của cha Kolbe và tất cả những cái chết hiến thân cho tha nhân đều nói lên lời yêu thương con người và tôn vinh Thiên Chúa.  Tác giả Anthony Padovano viết: “Chúng ta được cứu rỗi không chỉ vì cái chết thể xác của Đức Giêsu, nhưng vì tình yêu vô biên của Người sẵn sàng chấp nhận cái chết”.

Chúng ta không thể thuyết phục cái chết dời xa cánh cửa đời ta, nhưng chúng ta có thể đón tiếp cái chết như vị ân nhân đưa ta vào ngưỡng cửa vĩnh hằng.

Chính lúc Đức Giêsu gục đầu tắt thở thì cây thập tự trổ nụ đơm bông mùa cứu rỗi.  Và khi người tín hữu hiến dâng cái chết như lời tạ ơn cao đẹp cuối cùng thì mùa hoa nhân ái tỏa hương thiên đàng.

*********************************

Lạy Chúa, chúng con sợ nói về cái chết và tất cả những gì dính líu tới cái chết, nhưng chúng con cũng hiểu rằng sẽ có một ngày chúng con giáp mặt Chúa trong phút định mệnh.  Xin giúp chúng con sống can đảm từng ngày, để chúng con dầy dạn với thử thách quyết liệt sau cùng của cuộc đời.   Amen!

Thiên Phúc

BÌNH AN

Một tướng cướp nọ muốn trút bỏ tội lỗi đang đè nặng trên lương tâm, ông đã tìm đến với một linh mục. Nhưng vừa nghe xong những lời khuyên thẳng thắn của vị linh mục, ông ta liền nổi giận và tuốt gươm giết chết người của Chúa.

Một thời gian sau, cảm thấy hối hận, ông lại tìm đến một linh mục khác, nhưng lần này vị linh mục cho biết để được ơn tha thứ của Chúa, ông phải đến toà thánh. Cũng như lần trước, cảm thấy bị xúc phạm, ông liền tuốt gươm sát hại người đại diện Thiên Chúa.

Vị linh mục thứ ba mà tướng cướp tìm đến xưng tội sẵn sàng ban phép giải tội cho ông, và việc đền tội vị linh mục này yêu cầu là ông hãy đi chôn cất tất cả những người chết mà ông gặp, đồng thời ông phải khóc lóc như đó chính là người thân của ông. Vị linh mục trao cho ông một cái chai nhỏ để hứng những giọt nước mắt của ông.

Tên cướp ra về, nghe bất cứ nơi nào có đám tang ông liền tìm đến, nhưng mắt ông vẫn luôn khô ráo, ông không nhỏ bất cứ một giọt nước mắt nào.

Cho đến một hôm, tình cờ ông đứng trước một cây thập giá, trên đó Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang khóc, ông liền thổn thức với Chúa về nỗi khổ đau không hề biết khóc là gì! Chính lúc đó, nước mắt ông trào ra, ông đã hứng đầy cái chai nhỏ mà vị linh mục đã trao cho ông. Bấy giờ, ông mới hiểu thế nào là SÁM HỐI và tìm đến sa mạc để  sống những ngày còn lại.

**************************

Có tự do là có tất cả, nhưng bị lương tâm dày vò cắn rứt, không có được một tâm hồn thanh thản, đó phải chăng là nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc sống con người.

Hơn ai hết, có lẽ tên tướng cướp hiểu được thế nào là sức nặng của tội lỗi trong tâm hồn. Gánh nặng tội lỗi đã được trút bỏ, lương tâm không còn dày vò cắn rứt, giờ đây anh đã cảm nhận được thế nào là bình an, là tự do.

Đây cũng là cảm nghiệm của các tín hữu Kitô mỗi khi họ lãnh nhận được ơn tha thứ, được giao hoà với Chúa và Giáo hội qua Bí tích Hoà giải. Đó là điều may mắn và niềm hạnh phúc lớn lao nhất của các tín hữu Kitô.

Không ai thoát khỏi những dày vò cắn rứt của lương tâm, không ai tránh khỏi gánh nặng của tội lỗi, nhưng chỉ có những ai cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa mới có thể  tìm lại được sự bình an trong tâm hồn: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em.” (2Cr 13,11).

Còn gì quí giá trong cuộc sống cho bằng có được sự thư thái và niềm an vui trong tâm hồn nhờ lòng Chúa thương xót thứ tha.

**************************

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con Bí tích Giao hoà là phương thế  kỳ diệu để  con  hưởng được ơn tha thứ của Chúa và hòa giải với anh chị em con.  Xin ban cho con ơn can đảm để  quay về với Chúa, và xin cất khỏi tâm hồn con những gì đang đè nặng trên lương tâm con.

Thiên Phúc

HAI MẸ CON

Tiếng của H., nhà tôi, vang lên bên kia đầu dây điện thoại:

–      Anh có thể giúp em một chút được không ?

Tôi trả lời:

–      Hơi bận một chút, nhưng em cần gì ?

–      Anh mua cho em một bình hoa và mang gấp đến văn phòng của em .

–      Bình hoa? và mang đến văn phòng của em?  Tôi ngạc nhiên hỏi.

–      Vâng đúng rồi, một bình hoa …  Thôi anh khỏi mua làm gì cho mất công, lấy bình hoa ở nhà mình và mang lại gấp cho em, và nếu có thể được anh cùng đi với em.

–      Anh chẳng hiểu em muốn nói gì cả: mua bình hoa, mang lại văn phòng của em, và nếu có thể thì cùng đi với em?

–     Ồ, em xin lỗi là không giải thích rõ cho anh….  Hôm nay em gọi điện thoại cho bà Ruth, một bệnh nhân của văn phòng mà em không gặp bà ta đã hơn mấy tháng nay.  Bà đang bị bệnh nặng, bị ung thư (cancer) và có thể đang ở giai đoạn cuối cùng…  Anh đến văn phòng của em rồi em sẽ nói rõ hơn.

Tôi vội vã lái xe về nhà lấy bình hoa để mang lại cho H. Gặp tôi H. giải thích ngay:

–     Em muốn đến bệnh viện Bascom để thăm cô Debbra, con gái của bà Ruth. Debbra đang bị tiểu đường (diabete), người ta đã cưa mất một chân của cô ta, và cái chân còn lại có thể cũng bị cắt ngay ngày hôm nay …

–     Như vậy em biết cả hai mẹ con của bà Ruth?

–     Không, em chỉ biết bà Ruth mà thôi vì bà là bệnh nhân của văn phòng.  Còn Debra, thì em chưa bao giờ gặp mặt cô ta cả …

Tôi hơi do dự:

–    Không hiểu Debbra có vui lòng để gặp anh và em vì chúng ta không quen biết với cô ta?  Hay là chúng ta đến thăm bà Ruth, vì ít nhất em cũng quen biết với bà ta.

–    Em nghĩ không có sao đâu, vì đây là sự yêu cầu của bà Ruth.  Đây anh xem, bà ta cho em điạ chỉ bệnh viện và số phòng của Debbra.  Thôi đi ngay đi anh, vì em phải trở lại làm việc sau giờ ăn trưa.

Bệnh viện Bascom cách văn phòng của H. chưa đầy 10 phút lái xe .  Thật ra tên của bệnh viện không phải là Bascom, mà là Santa Clara Valley Medical Center.  Bệnh viện này nằm ngay trên đường Bascom,  và có lẽ vì thế nên dân Việt Nam ở San Jose gọi nó là bệnh viện Bascom cho dễ nhớ và dễ tìm!  Bãi đậu xe không còn một chỗ trống vì người ta hay dùng giờ ăn trưa để đi thăm người thân hay bạn bè đang bị đau yếu, vì thế phải hơn 5 phút lái xe lòng vòng tôi mới kiếm được một chỗ đậu xe khi có một người rời khỏi bãi đậu .

Trước khi vào cầu thang máy để kiếm phòng của Debbra, tôi đã cẩn thận cho nước vào bình để giữ hoa được tươi.  Phòng của Debbra ở ngay tầng thứ 4, và chẳng có khó khăn gì để kiếm ra  phòng của cô ta, chỉ khổ là không biết mặt của Debbra như thế nào.  Khi tìm ra được phòng, H. và tôi đều ngạc nhiên vì có một giường thì trống, và giường còn lại có một người Á đông đang nằm ở đó và chắc chắn không phải là Debbra, vì Debbra là người Mỹ .

May thay có một cô y tá ở đó, và H. hỏi ngay:

–    Tôi muốn gặp Debbra .  Xin cô vui lòng cho tôi biết là có Debbra ở đây không?

Cô y tá quay sang hỏi người bệnh nhân trên giường: “Cô tên là gì ?” và đương nhiên câu trả lời không phải là Debbra.  H. và tôi đi đến phòng làm việc của các y tá trực để hỏi thăm là Debbra đang ở đâu.  Một cô y tá cho biết là Debbra vừa chuyển đến trung tâm săn sóc người bệnh White Blossom khoảng 10 phút trước.  Hơi thất vọng,  H. và tôi lững thững đi lại cầu thang máy để đi về…  Lại đổ nước ra khỏi bình hoa vì sợ nước đổ ra ngoài khi lái xe, và chúng tôi lưỡng lự là không biết có nên tiếp tục đi thăm Debbra nữa hay không… H. đề nghị với tôi:

–    Theo lời cô y tá thì trung tâm này nằm trên đường Fruitdale, như vậy cách chỗ này khoảng chừng vài phút thôi… Hãy thử đến thăm Debbra một lần nữa đi.

Khi chúng tôi đến trung tâm săn sóc bệnh nhân White Blossom thì Debbra vừa được đưa vào một phòng của trung tâm này.  H. và tôi phải đứng đợi trước phòng khoảng 10 phút để y tá thay áo quần và thuốc men cần thiết cho Debbra .  Trong khi chờ đợi để được thăm Debbra, tôi nghe những tiếng rên siết của một vài bệnh nhân ở những phòng bên cạnh.  Những tiếng rên siết nghe đau đớn và não nùng! Nhìn vào một vài phòng, tôi bắt gặp những cặp mắt mệt mỏi, buồn phiền của một vài bệnh nhân .  Hình như họ đang mong đợi một người thân, hay đang chờ một cái gì đó  … Tôi thầm nhủ trong lòng : “Có lẽ một ngày nào đó tôi cũng như những bệnh nhân nhân kia, nằm trên giường đếm ngày tháng trôi qua, và mong một người thân đến thăm …”

Cô y tá ra hiệu cho chúng tôi biết là có thể vào phòng để thăm Debbra .  H. giới thiệu ngay với  Debbra:

–      Chào cô Debbra . Tôi tên là H. và đây D., chồng của tôi .  Mẹ của cô, bà Ruth, là người mà tôi quen .  Mẹ của cô có nói nhiều về cô, về bệnh tật mà cô đang gặp phải và hôm nay chúng tôi đến thăm cô …

Debbra nhoẻn miệng cười và rồi những giọt nước mắt trào ra trên mắt của cô. Debbra còn trẻ, tôi không đoán được tuổi của cô ta, nhưng tôi ước chừng dưới 40.. Cơn bệnh tiểu đường (diabete) đã tàn phá thân thể của cô ta .  Bàn tay của cô sần sùi với những vết sẹo  nỗi lên . Một chân của cô đã bị cắt đi, và chân còn lại lẽ ra cũng bị cắt nốt ngày hôm nay … nhưng không hiểu vì lý do gì mà người ta đã trì hoãn (chúng tôi không dám hỏi vì tế nhị, vì sợ cô buồn).  Sau cơn xúc động, Debbra lấy lại bình tĩnh:

–   Mẹ của tôi như thế nào, bà vẫn khoẻ chứ?

H. trấn an:

–    Vâng, bà ta vẫn khoẻ.  Mẹ của cô lo lắng cho cô nhiều lắm! Như Debbra biết là mẹ của cô không thể đến thăm cô được, và vì vậy bà muốn chúng tôi đến đây để thăm cô.

–    Ô, đừng lo lắng cho tôi .  Xin anh chị vui lòng nhắn với mẹ tôi là đừng lo lắng cho tôi . Anh chị xem đây, tôi “khoẻ mạnh” mà. Vâng tôi “khoẻ mạnh” thật mà ! Tôi có thể tự lo cho tôi …  Điều mà tôi lo lắng là không ai lo cho mẹ tôi, lo cho cơn bệnh ung thư của mẹ tôi…”

Có một cái gì đó nghèn ngẹn trong cổ của tôi … Tôi không thấy Debbra “khoẻ mạnh” chút nào cả .  Lẽ ra giờ này cô phải chạy nhảy, phải đi đó đây, phải làm việc này, việc nọ … nhưng bây giờ phải nằm trên giường, tay chân cử động khó khăn cho đến nỗi không tự mình thay áo quần …

–    Cám ơn Chúa đã săn sóc cho tôi … Nếu không có Chúa thì làm sao mà tôi có thể sống được đến ngày hôm nay . Chúa đã săn sóc và yêu tôi từng giờ, từng phút …

Tôi sững sờ trước câu nói của Debbra … Một con người thiếu thốn từ vật chất và đau đớn về thể xác, sống được bằng sự trợ giúp, săn sóc của người khác, thế mà vẫn ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa .

–    Chúa đâu có sinh ra tôi như thế này… Lúc trẻ tôi rất khoẻ mạnh, nhưng chính tại tôi không biết tự lo cho mình cho nên mới sinh ra như ngày hôm nay .  Những lúc thân thể tôi đau đớn là những lúc tôi cầu nguyện cùng Chúa, dâng những đau đớn của tôi lên ngài để cầu nguyện cho những người đau khổ, những bện nhân khác..

Ôi tuyệt vời!  Tôi không ngờ có một người đau đớn về thể xác như Debbra mà không một lời trách móc, không một lời oán than Chúa, nhưng lại cầu nguyện cho kẻ khác qua sự đau đớn của mình. H. rưng rưng nước mắt rồi cầm tay Debbra và nói:

–   Xin Debbra hãy cầu nguyện cho chúng tôi, đặc biệt cầu nguyện cho chị của tôi đang bị bệnh ung thư và cuối tuần này tôi sẽ đến Washington D.C. để săn sóc cho chị ấy.  Xin cầu nguyện cho chị tôi có nghị lực và biết phó thác, biết cậy trông vào Chúa . Và nhất là cầu nguyện cho chị được biết Chúa vì gia đình của chị chưa biết Chúa…

Debbra, H. và tôi cùng cầm tay nhau và chúng tôi cầu nguyện với nhau qua lời kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạỵ

Rời khỏi trung tâm White Blossom mà lòng vấn vương .. Tạ ơn Chúa đã cho H. và tôi có cơ hội để được thăm Debbra, được cơ hội để chứng kiến nhiều cảnh thương tâm, và nhất là học được bài học ngợi ca Thiên Chúa của Debbra .

Chiều hôm đó bà Ruth, mẹ của Debbra,  goị điện thoại cho H. với giọng nghẹn ngào:

–   Debbra vừa gọi cho tôị  Debbra bảo là nó đã khoẻ .  Nó bảo là nó sẽ khiêu vũ khi gặp tôi ! Nó sẽ nhảy về hướng phải, nó sẽ nhảy về hướng trái !  Nó sẽ khiêu vũ trên xe lăn của nó !

Và bà ta kết thúc: “Dù sao đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn sáng ngời trong tôi”

Hai mẹ con: người mẹ đang bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối cùng, các xương tủy đã bị khoét rỗng và  không thể đi lại được;  người con bị bệnh tiểu đường, chân đã bị cắt,  nằm trên giường, không tự săn sóc một mình.  Hai mẹ con chỉ cách nhau khoảng 10 phút lái xe, thương yêu nhau vô cùng, nhưng không thể gặp mặt nhau vì bệnh tình . Hai mẹ con lo lắng cho nhau, lo hơn chính bản thân mình, và chỉ biết trấn an với nhau qua đường giây điện thoại là họ đều “khoẻ mạnh”.  Hai mẹ con đều đau đớn vì bệnh tật, không biết ngày mai mình sẽ như thế nào .. thế mà không một lời than thân trách phận, nhưng miệng lưỡi luôn ngợi ca Thiên Chúa.

Còn tôi, tôi có lý gì để oán trách Thiên Chúa?  Tôi có ngợi ca Ngài vì rằng Ngài đã cho tôi qúa nhiều, cho hơn những gì mà tôi có thể có được?

Diễn Dương

MẠCH SỐNG

Kitô giáo thời sơ khai có những người trở lại từ Do Thái giáo, là những người vốn vẫn trông đợi Đấng Mesia tới. Một trong những công việc của các nhà rao giảng Kitô giáo là cắt nghĩa cho những người Do Thái ấy Cựu Ước đã nhắm nói về Đức Giêsu như thế nào.

Họ đã thực hiện công việc ấy bằng cách chứng tỏ rằng những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu Ước đều là những hình bóng của những nhân vật chính yếu và của những biến cố then chốt trong Tân Ước.

Chẳng hạn họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào:
Isaac là con trai độc nhất, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac bị dâng làm hy lễ, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Chúa Giêsu cũng thế.

Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, Ngài đã so sánh giữa Adam và Chúa Giêsu Ngài viết:  “Con người đầu tiên là Adam, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adam sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống… Adam thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra…còn Adam thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời”(1Cr.15,45-49)

**************************

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn đưa ra một cặp song đôi khác giữa Cựu Ước và Tân Ước.  Ngài nói: “Môisê đã treo con rắn đồng lên trụ cột nơi hoang mạc, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để tất cả kẻ tin vào Ngài sẽ được sống vĩnh cửu”

Chúa Giêsu đang hình dung nơi tâm trí Ngài biến cố xảy ra trong Cựu Ước được sách Dân số mô tả. Biến cố này thuật lại sự kiện dân Israel đang gay gắt phàn nàn Thiên Chúa và Môise về những khó khăn họ gặp phải nơi hoang mạc.  Vì lời kêu ca phàn nàn ấy, lũ rắn đã xuất hiện và tấn công dân chúng. Thấy sự việc này xảy ra, đám dân khóc lóc với Môisê. “Chúng tôi đã phạm tội vì đã nói lời phản nghịch với Chúa và với Ngài. Giờ đây xin Ngài hãy cầu xin Chúa xua đuổi lũ rắn này đi”.  Vì thế, Môisê đã cầu nguyện cho dân chúng. Chúa truyền cho Môisê đúc một con rắn bằng kim loại và treo nó lên một chiếc trụ, để cho bất cứ ai bị rắn cắn cứ nhìn vào con rắn ấy thì sẽ được chữa lành. Vì thế, Môisê đã đúc một con rắn đồng và treo nó lên một cái cột. Bất cứ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì đều được chữa lành” (Ds 21 : 7-9).  (Y khoa đã chọn hình ảnh con rắn cuộn tròn quanh cây trụ làm biểu tượng cho nghề chữa bệnh.)

Đức Giêsu đã so sánh biến cố Cựu Ước này với việc Ngài bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Canvê.

Ngài giải thích rằng bất kỳ ai tin tưởng nhìn lên Ngài thì sẽ được chữa lành về mặt tâm linh, cũng như dân Do Thái đã được chữa lành khi ngước nhìn lên con rắn cuộn vòng quanh cây trụ.

Trong câu 16 của bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan cũng ám chỉ hình bóng đó khi nói về việc Đức Kitô bị tử hình trên thập giá.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3: 16)

Và câu 17 viết tiếp:  “Thiên Chúa đã không sai con Ngài đến thế gian để luận phạt, mà là để cứu độ” (Ga 3: 17)

Hai câu này, nằm trong chương ba của Phúc Âm thánh Gioan, được gọi là bản tóm tắt Kinh Thánh chúng ta hãy nghe lại lần nữa.  “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài ngõ hầu tất cả những ai tin vào Con Ngài, sẽ không phải chết nhưng được sống lại đời đời. Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến thế gian để luận phạt mà để cứu độ”.

Cách đây ít năm, rất nhiều người đọc Kinh Thánh gán cho hai câu ấy một ý nghĩa hết sức đặc biệt (câu Ga 3 : 16-17). Anh chị em hãy nhớ lại thời kỳ thế giới bắt đầu có những chương trình phi hành không gian, các kỹ sư điều nghiên không gian đã thiết kế những bộ quần áo đặc biệt dành cho các phi hành gia trong phi thuyền điều hành và phi thuyền đổ bộ mặt trăng. Bản thiết kế của mỗi bộ quần áo đó có một phần dành cho việc thiết kế sợi dây cung cấp dưỡng khí, gồm một ống dài có khả năng co giãn được.  Mục đích của sợi dây này là cung cấp khí Oxy cho các phi hành gia khi họ di chuyển trong không gian, hay đi từ phi thuyền này sang phi thuyền khác. Sợi dây cung cấp dưỡng khí cho phi hành gia điều hành được nối với một bình tiếp nạp nằm trong bộ y phục, bình này được gọi là J 3: 16. Còn bình tiếp nạp nằm trong bộ y phục của phi hành gia đổ bộ mặt trăng được gọi là J 3: 17.  Nhà thiết kế Frank Denton nói rằng ông đã đặt tên cho hai bình tiếp nạp trong bộ y phục ấy dựa theo hai câu Tin Mừng Ga 3, 16 và 3, 17.

Ông đã lập luận cho việc đặt tên ấy như sau; Bình tiếp nạp J. 3, 16 và J.3, 17 cung cấp cho các phi hành gia những gì họ cần để tồn tại trong hành trình di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia trong không gian.  Tương tự như thế, hai câu Tin Mừng Ga 3, 16 và Ga 3, 17 cũng cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta cần để tồn tại trong cuộc hành trình di chuyển từ dương thế về quê trời của chúng ta.

Bài Phúc Âm này hôm nay vì thế thực là phong phú ý nghĩa.  Trước hết, nó chứa đựng bản tóm lược tuyệt hảo của toàn bộ Kinh Thánh, thứ đến, nó cho chúng ta thấy bức minh hoạ tuyệt vời về sự tương hợp giữa Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước. Và sau hết, nó chứng tỏ cho thấy Chúa Giêsu là mạch sống của chúng ta trong hành trình từ dương thế về quê trời, tựa như dây cung cấp dưỡng khí là mạch sống cho các nhà du hành vũ trụ khi họ di chuyển từ trạm này qua trạm kia.

Nói cách khác, dây chuyền dưỡng khí cung cấp cho các phi hành gia khí oxy cần thiết cho sự sống thế nào, thì Đức Giêsu cũng cấp cho chúng ta ân sủng ban sức sống như thế.

Để kết thúc, chúng ta hãy nhớ lại những lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay. Những lời này đưa chúng ta đến đỉnh cao thích hợp với những gì chúng ta đã bàn đến. Ngài nói: “Chính nhờ ân sủng Thiên Chúa mà anh chị em được cứu rỗi. Khi chúng ta kết hợp với Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được sống lại cùng với Con Ngài và cùng người Con ấy cai trị thiên giới…chính nhờ ơn sủng của Thiên Chúa mà anh chị em được cứu rỗi qua đức tin chẳng phải do kết quả những nỗ lực riêng của anh chị em mà do ân huệ của Thiên Chúa… Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được như hiện nay”.

Lm. Mark Link

TỈNH THỨC

Chuyện kể rằng, một thầy dòng nọ đọc đâu được trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ mách bảo cho biết rằng: “Tận cùng chân trời của trái đất là nơi trời với đất gặp gỡ nhau”.

Phấn khởi vui mừng, thầy lên đường tìm kiếm nơi trời mới đất mới gặp nhau và sẽ không trở về nhà cho tới khi tìm được.  Ngày tháng trôi qua, thầy vẫn kiên nhẫn rảo bước khắp nơi với hy vọng mãnh liệt trong tâm hồn, bất chấp mọi khó khăn gian khổ và thử thách, những lần phải chịu đói khát, giá rét và không gì có thể lay chuyển được ý định của thầy.

Trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ ấy chỉ có thêm rằng: “Khi tới chỗ đất với trời gặp nhau sẽ thấy có một cánh cửa, chỉ cần gõ nhẹ cánh cửa sẽ mở ra và người ấy sẽ gặp thấy Thiên Chúa”.

Thật vậy, sau nhiều ngày tháng trời đi tìm kiếm đó đây khắp mặt đất, cuối cùng thầy dòng đã tới trước cánh cửa.  Thầy vui mừng gõ cửa bước vào, lúc đó thầy dòng mới hoảng hồn nhận ra đó là Tu Viện cũ của thầy, là cửa của căn phòng mà thầy đã từng sống bao nhiêu năm qua.

************************

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hứa với dân chúng rằng: “Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho”. Ðời sống trần thế là thời gian tìm kiếm Chúa với hy vọng vững chắc là sẽ được gặp Ngài, nhưng cần phải tìm kiếm Chúa ở đâu?

Thật sự không cần phải đi tìm kiếm Chúa ở tận nơi xa xôi hoặc mãi nơi chân trời nào cả, Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mỗi người, cùng đồng hành với mỗi người trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ của cuộc sống. Vấn đề quan trọng là có biết nhận ra những giờ, những nơi hẹn mà Chúa đang chờ đợi ta hay không?

Chúng ta biết tỉnh táo và chuẩn bị sẵn sàng là thái độ của mỗi người đầy tớ trung tín, chứ không phải là thái độ cần thiết của những người gác cổng mà thôi.  Tỉnh thức có nghĩa là các đầy tớ sẽ làm công việc khác nhau của mình một cách ý thức, là tiến hành công việc mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ thực hiện. Tỉnh thức là biết mình đang làm gì đến nỗi vừa làm việc, vừa có thể nghe được hơi thở của mình. Sự ý thức lựa chọn mà mỗi người làm trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận vĩnh hằng của mình sau này.

Giáo Hội như người mẹ hiền nhắc nhở con cái là những người có lòng tin sẵn sàng chờ đợi ngày trở lại sau cùng của Chúa Giêsu, ngày trở lại đó ai cũng biết là chắc chắn mặc dù không ai biết trước được khi nào ngày giờ đó sẽ xảy đến.  Cũng là điều tốt cho chúng ta khi không biết chắc chắn lúc Chúa chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng trong công việc của mình cho Chúa Kitô, hoặc tệ hại hơn nữa là tiếp tục ngồi lỳ trong con đường tội với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng.

Tỉnh thức và sẵn sàng, tức là lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị bất cứ lúc nào ông chủ về bất thình lình, Người vẫn thấy chúng ta có mặt thay vì ngủ mê hoặc lêu lổng với công việc bổn phận.  Ðể được thế, chúng ta cần luyện tập, làm việc cách trung thành với công việc Chúa đã ban cho chúng ta trong giây phút hiện tại, cũng đừng để cho trí tuệ tinh thần của chúng ta ra u mê, sống buông thả hay sự mù quáng đuổi theo các đam mê điên rồ hoặc để cho các lo âu đời sống đè bẹp, trói buộc chúng ta mãi.

************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán bảo chúng con hãy luôn tỉnh thức kẻo sa chước cám dỗ, xin ban ơn sức mạnh cho chúng con để chúng con luôn bền tâm trong công việc thiện, trong khi chờ ngày Chúa đến. Ước chi mỗi lần Chúa đến gõ cửa nhà tâm hồn chúng con, Chúa sẽ hài lòng thấy chúng con luôn tỉnh thức trong cầu nguyện, vui mừng ca tụng Chúa và nhiệt thành thực thi bác ái với mọi người. Amen.

R. Veritas

CHỖ ĐỨNG CỦA THÁNH GIUSE

Một họa sĩ trứ danh nọ đã cho Đức Giáo Hoàng Piô IX xem một bức tranh về thiên đàng.  Vị Giáo Hoàng trầm trồ ca ngợi bức tranh:  Nào là Chúa Ba Ngôi, Đức Trinh Nữ Maria, nào là các vị tông đồ, các thánh nam nữ và muôn cơ binh thiên quốc.  Bỗng Ngài chợt chau mày và lên tiếng hỏi:

– Thế còn Thánh Giuse ở đâu?

Tác giả của bức tranh vừa chỉ vừa giải thích:

– Con đã đặt Ngài vào trong góc nhỏ này đây.

Đức Giáo Hoàng Piô IX đã cắt lời người họa sĩ và ra lệnh với ông như sau:

– Không được, con phải đặt Thánh Giuse ngay bên cạnh Đức Maria.

Đức Giáo Hoàng có lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh cả Giuse đã đặt Ngài vào đúng địa vị của Ngài:  Thánh Giuse không thể bị tách lìa khỏi Chúa Giêsu và Mẹ Maria.  Cũng chính vị Giáo Hoàng này năm 1870 đã công bố Thánh Giuse làm Quan Thầy của Giáo Hội.

Thánh cả Giuse là vị Thánh của âm thầm nhưng là cái âm thầm trong một chương trình vĩ đại.  Trong suốt Tin mừng, Thánh Giuse chỉ được nhắc đến năm ba lần.  Có lần tên Ngài được nêu lên để nói đến nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu:  “Ông ta không phải là con của bác thợ mộc Giuse sao?”  Thánh Giuse dường như cũng không có để lại một câu nói nào đáng ghi nhớ, cả cuộc đời của Ngài, cả sự thánh thiện của Ngài, đó là sự công chính trong tâm hồn.  Tuy nhiên, nếu không có tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria thì có lẽ con Thiên Chúa sẽ không nhập thể làm người.  Cũng thế, nếu không có sự vâng phục âm thầm của Thánh cả Giuse thì có lẽ Chúa Giêsu sẽ không được lớn lên trọn vẹn như một con người.  Giêsu Maria Giuse, đó là ba tên gọi gắn liền với nhau trong chương trình cứu rỗi.

*****************************

Quý vị và các bạn thân mến,

Mỗi năm, vào ngày 19 tháng 3, Giáo hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo Hội và là bổn mạng của Giáo hội tại Việt Nam.

Chúng ta hãy nhìn lên bất cứ bức ảnh nào của Ngài, Thánh cả Giuse trông có vẻ như một cụ già, trên tay lại cầm một nhánh huệ.  Nếu quả thực có một chiêu quân cho cô Maria thì hẳn trong số những chàng trai đến trình diện, Thánh Giuse cũng phải là một chàng thanh niên trẻ trung khoẻ mạnh.  Nếu không là một người đàn ông trẻ trung đầy nghị lực thì liệu Thánh Giuse có đủ can đảm và sức mạnh đem vợ con vượt nghìn dậm trốn sang Ai cập không?  Nếu không phải là một chàng trai trẻ trung khoẻ mạnh, Thánh Giuse có đủ sức chịu đựng, có đủ tháo vát để gánh vác gia đình Nazarét không?

Thánh Giuse đã được đặt làm Quan Thầy của Giáo hội.  Trước tiên, Ngài phải là Quan Thầy của các thanh niên.  Chúng ta hãy tạm tưởng tượng Thánh Giuse, một chàng trai trẻ, khoẻ, trên tay không phải cầm một cành huệ ẻo lả, mà là búa rìu tượng trưng cho ý chí, sức mạnh và sự cương quyết.

Thánh Giuse là Quan Thầy của người chồng trong gia đình, một người chồng yêu thương vợ và sẵn sàng dẹp bỏ tự ái của mình để sống trọn vẹn cho vợ.

Thánh Giuse là Quan Thầy của người cha trong gia đình, một người cha âm thầm hy sinh, miễn là con cái của mình được nên người.

Thánh Giuse là Quan Thầy của mỗi một tín hữu Kitô, người tín hữu Kitô lúc nào cũng biết lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng sống theo thánh ý của Ngài.

Chúng ta hãy chạy đến với Ngài bằng tất cả những hình ảnh ấy.

R. Veritas

*****************************

Lạy Thánh Cả Giuse, Ngài đã sống suốt một cuộc đời âm thầm lặng lẽ bên vợ con, đã là cột trụ của một gia đình bé nhỏ hạnh phúc mà không một lần lên tiếng.  Xin cho chúng con, những người cha biết noi gương Ngài chăm lo hạnh phúc gia đình, biết sống đơn sơ âm thầm chu toàn chức năng mà Chúa giao phó.  Xin cho chúng con bớt cau có, chửi mắng vợ con để nêu gương một người cha gương mẫu trong gia đình.  Và xin cho chúng con ý thức rằng, một người cha tốt lành thánh thiện hiền hoà ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống đạo hạnh của vợ con.

GIÊSU HIỀN LÀNH?

Hai ni sư đến thăm mình.  Tu phục màu xám tro.  Honda 50 màu xanh xám.  Hai ánh mắt và hai nụ cười giống như hai giọt nước: hiền từ và trong trắng.

Mình thì vừa đon đả vừa tếu táo. Hai ni sư thì hồn nhiên và vui vả.  Nội dung buổi giao lưu đánh đua từ nhà thờ sang nhà chùa, từ Đức Phật sang Đức Giêsu, từ ni sư sang bà phước, từ Tân ước sang kinh Vêda.

Hai ni sư gọi mình là cha và xưng con ngọt xớt. Một trong hai ni sư nũng nịu :

Cha ơi ! Cha đừng buồn con nhá.  Con cũng nhận Đức Giêsu là một chân sư, hiền từ và nhân ái vô cùng, đến độ tha thứ hết mọi tội độc ác  của kẻ thù.  Nhưng con vẫn thấy Người còn thua xa Đức Phật, Người không tự chủ khi đánh đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ, xô đổ bàn của người đổi tiền; đá lồng chim cu chim gáy.  Chúa không “tham”, không “si”, nhưng vẩn còn “sân”.

Để minh hoạ cho ý tưởng trên đây, ni sư thứ hai kể chuyện :

“Đức Phật đang ngồi thiền.  Có ai đó đến chém ngài, máu tung toé.  Đó là kẻ thù.  Sau đó có một người vội vàng chạy đến băng bó cho ngài.  Đó là người bạn.  Kẻ thù chém ngài bị thương.  Ngài không buồn không ghét, nét mặt vẫn bình thản.  Người bạn đến băng bó cho ngài, ngài không yêu hơn kẻ thù kia, nét mặt cũng vẫn bình thản như thế. “Sân” bị giệt hoàn toàn trong Đức Phật.

*********************************

Mình ghi nhận lời và ý của hai ni sư để suy nghĩ về sau. Còn trước mặt hai ni sư, mình chỉ cười vô tư.

Uống cạn chén trà, hai ni sư cáo từ ra về.  Mình cảm thấy nhà thờ và chùa chiền gần nhau như hai cái căn phòng của một ngôi nhà.  Tình người chan chứa.

Khi màn đêm buông xuống, thì mùng lưới của mình cũng sập theo.  Ngoài trời không một ánh sao.  Mưa lất phất. Trong nhà không có đèn trong đêm. Tối thui. Mình nằm ngửa, gác chân chữ ngũ, suy nghĩ sự đời, ngẫm suy chuyện Đức Giêsu còn “ sân” đầy mình.

Quả thật có một cái gì đó không ổn.

Chúa quá nóng giận. Nóng giận như điên khùng : xô bàn ghế đổ kềnh càng, đá lồng chim lăn long lóc, đánh đuổi chiên dê bò chạy tán loạn. Đúng là không biết tự chủ. Đúng là còn “ sân” đầy mình thật.

Kết án thương buôn “ biến nhà Cha Ta, nơi cầu nguyện, thành hang ổ trộm cướp” là quá đáng, là bất công.  Việc buôn bán này là hợp pháp, hợp tình, hợp lý.

  • Hợp pháp vì thượng tế chia lô cho họ buôn bán và nộp thuế cho đền thờ.
  • Hợp lý vì nơi buôn bán tọa lạc trong sân người ngoại, còn rất xa nơi cầu nguyện là sân tư tế. Phải qua một sân phụ nữ, một sân Israen nữa mới tới sân tư tế.  Cái ồn ào, cái hổ lốn của sân người ngoại không làm ai chia trí khi cầu nguyện cả.
  • Hợp tình vì khách từ phương xa tới, muốn mua một con bò, một con bê để dâng lễ thì có ngay đó. Tiện quá. Lợi quá.  Mừng quá.  Do Thái kiều từ nước ngoài trở về, muốn dâng tiền thì phải là tiền đền thờ.  Thì có người đổi tiền ngồi ở đó.  Gọn quá.  Sướng quá.

Người ta thường nói “tham, sân, si”.   Còn Chúa thì chỉ không “tham” thôi, chứ “sân si” thì còn nhiều quá.  Vậy là Đức Phật hơn Chúa ba lần !

Mình không muốn đưa các vị siêu phàm ra để so sánh và xếp hạng. E rằng như vậy là thất lễ.  Nhưng tại sao một Ngôi Lời làm người lại còn “sân si “ như thế ?

Vấn đề trở thành nghiêm trọng. Mình không dám gác chân chữ ngũ để suy nghĩ nữa.  Phải quỳ lên mà cầu nguyện thôi.

Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha.  Người dùng lời để trình bày Ý và TÂM của Chúa Cha.  Nhưng lời rất hạn chế, nên không đủ để diễn tả Ý và TÂM. Trong trường hợp đó, Chúa phải vận dụng giọng nói, hành động, ánh mắt, nét mặt, thì Ý và TÂM  của Chúa Cha mới được sáng tỏ. Ví dụ :

LỜI nói rằng : “ tôi buồn lắm” thì cái buồn chưa lớn.  Nhưng nếu LỜI ấy lại có thêm nước mắt đầm đìa nữa thì cái buồn ấy mới thật thấm thía.

Đứa bé đang đi về phía vực thẳm mà không hay biết. Nếu lời của mẹ chỉ ôn tồn rỉ rả : “Con ơi ! Con sắp rơi xuống vực thẳm rồi đấy”, thì nguy hiểm có thể không tránh được.  LỜI của Mẹ lúc ấy phải được suy bằng cách gào thét, hớt hải chạy và kéo giật đứa bé.  Mẹ la hét không phải vì bản chất hung dữ.

Đức Giêsu sống trong một thời mà đường lối mục vụ Do Thái giáo chỉ còn là ngôi mộ tô vôi, tôn giáo chỉ còn là phương tiện mưu danh và lợi.  Sự giàu có của đền thờ Giêrusalem đã làm hư giới tư tế.  Đạo bị thương mại hoá. Đó là một trọng tội mà LỜI không thể nói hết được.  Phải có những cử chỉ hung dữ để mạc khải  Ý  và TÂM của Chúa Cha.  Cái nóng nảy, cái hung dữ của Đức Giêsu chỉ xảy ra một lần ấy để nói rằng : Lợi dụng tôn giáo để làm kinh tế là làm nhục Thiên Chúa một cách khủng khiếp.

Đó là vở tuồng mà Đức Giêsu phải diễn.  Sau đó Người lại trở về với bản chất của mình là hiền lành và khiêm nhường từ trong thẳm sâu của tâm hồn.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

THANH TẨY ĐỀN THỜ

Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn Độ, trong nhật ký tự thuật của mình, ông kể rằng khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất thích đọc KinhThánh, đặc biệt là “Bài giảng trên núi”.  Ông xác tín rằng Kitô giáo chính là giải đáp cho hệ thống đẳng cấp đã gây thương tổn cho đất nước Ấn Độ của ông từ bao thế kỷ.  Ông thực sự nuôi ý định trở thành Kitô hữu.

Ngày kia, ông vào một nhà thờ để dự lễ và nghe giảng.  Người ta chặn ông lại ở cửa nhà thờ và nhẹ nhàng cho ông hay rằng nếu ông muốn dự lễ, xin mời ông đến một nhà thờ dành riêng cho người da đen.

Ông ra đi và không bao giờ trở lại.

**********************************

Tin Mừng hôm nay thuật lại Đức Giêsu xua đuổi những người bán chiên bò, chim câu và những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ.  Chắc chắn Người không hề xua đuổi những con người thành tâm thiện chí.  Nhà thờ là nơi tôn nghiêm, qui tụ các tín hữu, cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, mọi người chung một niềm tin, một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa.  Nhà thờ chính là Hội Thánh thu nhỏ, không phải là ngôi nhà kín rào lũy cấm, trái lại phải mở rộng để đón tiếp mọi người.

Hôm nay Đức Giêsu phải xua đuổi người ta ra khỏi Đền Thờ, vì Người không muốn nơi thánh thiêng trở thành cái chợ, Người không muốn nhà Cha Người bị xúc phạm.  Người thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ.  Thái độ quyết liệt của Đức Giêsu đòi chúng ta phải xét lại chính mình.

Dường như không khí chợ búa vẫn vương vấn đâu đây:  Người ta hẹn hò vào các giờ lễ, họ đi nhà thờ nhưng mắt trước mắt sau, họ lo trình diễn áo quần kiểu tóc.

Có kẻ đến nhà thờ để thắp sáng hào quang cho chính mình hơn là cho Chúa.

Có những đám cưới yêu cầu bật sáng mọi bóng đèn trong thánh đường.

Có những đám ma nhà thờ phải treo cờ tang phướn rũ như một biển tím, một rừng tang.  Đồng tiền đã che mờ nét tôn nghiêm nhà Chúa.

“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”. (Ga 2,16). Lời bất bình đó của Đức Giêsu vẫn như còn đang nói với chúng ta hôm nay.  Người muốn các nhà thờ phải là nơi thờ phượng, nơi tĩnh lặng để con người gặp gỡ Thiên Chúa.  Không cần ồn ào, nặng phần trình diễn, cũng không nên máy móc, buồn tẻ khi cử hành các nghi thức phụng vụ.

Nếu mỗi thánh lễ là tái diễn Hy lễ Thập Giá của Đức Giêsu, Đấng đã yêu cho đến cùng, thì mỗi thánh lễ cũng mang một sức sống mới của Đấng Phục Sinh.  Người chính là Đền Thờ mới, nơi nhân loại sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha cách đích thực.

**********************************

Lạy Cha, Mùa Chay là mùa thanh tẩy các đền thờ: đền thờ vật chất là những thánh đường và đền thờ thiêng liêng là mỗi người chúng con.  Xin giúp chúng con biết thanh tẩy những nhơ nhớp trong tâm hồn, hầu xứng đáng đến thờ phượng Cha trong Đền Thờ mới là Đức Giêsu, con cha.  Amen!

Thiên Phúc

GƯƠNG SOI

Hằng ngày tôi vẫn soi gương nhiều lần, có khi nhiều hơn tôi tưởng. Mỗi lần soi gương, ít nhiều nó cũng để một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái.  Nhưng rồi gần đây, một chiều lặng lẽ bên dòng suối, khi soi mình dưới mặt nước, tôi thấy gương mặt mình giao động, hình dạng thay đổi và trông khác với khuôn mặt mà mình thường soi trong gương mỗi ngày.  Một ý nghĩ chợt đến, một thắc mắc gợi về.  Đâu là khuôn mặt thật của tôi?

Cuộn theo dòng tư tưởng nối tiếp, một kỷ niệm ngày xưa trở lại.  Nhớ có lần bạn bè thốt lên: “Sao dạo này mặt cậu ốm thế?”  Tôi tự tin phản ứng: “Đâu có, vẫn tròn trĩnh như ngày xưa chứ có gì thay đổi đâu.  Vẫn soi gương và thấy mình khỏe mạnh”

Sau này khám phá ra, mới biết chính cái gương soi mỗi ngày đã tạo cho khuôn mặt của mình luôn ú mập, chứ thật ra má đã hóp và mắt đã sâu.  À, thì ra có loại gương khi soi vào ta thấy mặt mình dài ra như toa xe lửa, nhưng cũng có loại gương cho ta một khuôn mặt tròn trĩnh như cái bánh tét ngày xuân.  Còn có loại gương khi soi vào mà giật mình đánh thót, tưởng mình như ông cụ đến tuổi “thất thập cổ lai hy”.  Rồi cũng loại gương mà khi soi vào, nó cho ta cảm giác thấy đời xuân vẫn còn phơi phới.  Phức tạp quá!  Có chuyện soi gương mà cũng lắt léo làm sao!

Soi gương một đời mà chưa bao giờ trông thấy chính xác khuôn mặt thật của mình.  Có mỉa mai làm sao không chứ!  Rồi trách gương dối trá không phản ánh sự thật, dù sự thật đang sững sờ trong gương.  Trách gương dối trá lại tội nghiệp cho gương, có phải gương dối trá hay lòng người quanh co?  Biết đâu người sản xuất vì vô tình hay hữu ý đã tạo cho gương méo mó trong phản ánh.  Vì pha chất không chính xác hay bất cẩn trong cân đo để tạo nên mặt thủy tinh lừa gạt?  Đâu là nguyên do của méo mó, hay chấp nhận méo mó như một thực tại tương đối của cuộc sống?  Thật khó mà đánh giá.

Chỉ là chuyện tí tẹo giữa khuôn mặt với gương soi.  Chỉ là chuyện bên ngoài, thật ngoài của một con người mà lắm khi cảm thấy quanh co méo mó.  Mà cuộc sống đâu chỉ là chuyện đầu tóc dáng vóc, đâu chỉ là chuyện mặt tròn mặt méo, mũi cao mũi tẹt, hay cặp mắt với hàng mi.  Ẩn sâu trong ánh mắt nụ cười ấy còn cả một cuộc sống muôn màu của một con người mà ta thường gọi là nhân cách nữa chứ.

Muốn biết nhân cách của mình ra sao tôi cũng phải nhờ đến gương soi. Không phải dùng tấm thủy tinh tráng sơn một mặt, rồi trông vào đó nổi lên nhân cách của mình.  Mà tôi phải dùng đến một loại gương phức tạp hơn, tinh tế hơn.  Gương cuộc đời.

Môi trường của tôi đang sống, hoàn cảnh tôi đang chung đụng, bạn bè tôi đang giao du hay vợ chồng con cái tôi đang gắn bó.  Tất cả là tấm gương diệu kỳ phản ánh toàn bộ con người của tôi.  Nó cho biết nhân cách của tôi ra sao, lối cư xử của tôi thế nào.  Tôi là người dễ thương hay đáng ghét, là người rộng mở hay khép kín, chân thành hay gian dối?  Tôi phải soi vào tấm gương diệu kỳ ấy để thấy rõ chính mình.  Khi được nhiều người thương yêu, bạn bè quý mến, xóm giềng viếng thăm, tôi biết mình đang an vui trong vòng tay rộng mở của cuộc đời và niềm vui được gia tăng trong từng quan hệ.

Khi mọi người “phớt tỉnh ăng lê”, xóm giềng qua lại thưa dần, người thân thì ngại đến, vậy là tôi cũng linh cảm phần nào về nhân cách của mình rồi đó.  Chắc có gì không ổn đây!  Tín hiệu cho biết có những vết nhăn nheo đang làm cho khuôn mặt tâm hồn của tôi mất duyên.  Có lẽ tôi phải rà lại đâu là nguyên nhân đã làm cho sợi dây quan hệ rỉ sét.  Lắm khi tôi muốn người khác quan tâm, nhưng tôi lại chẳng bao giờ muốn cầm “phone” để gọi.  Muốn nhận được nhiều cánh thư nhưng chẳng bao giờ muốn viết đôi dòng gửi đi.  Muốn có ai đó chân thành, nhưng lòng thì vẫn luôn khép kín.  Muốn có thật nhiều bạn tốt, nhưng lòng tôi thì cứ mãi lắt léo quanh co.

Gương cuộc đời cho tôi cái nhìn thật rộng trong từng quan hệ, nhưng cũng cho tôi cái nhìn thật sâu trong nhân cách của mình.  Dù vẫn lắm lúc bất toàn trong phản chiếu, vẫn méo mó khi rọi soi, nhưng dù sao nơi đó tôi cũng đọc được đời tôi trong từng tương quan với cuộc sống.  Cũng như khuôn mặt phải soi gương mỗi sớm, phải ngắm nghía mỗi chiều thì nhân cách của tôi cũng phải được rọi soi mỗi ngày để cái nhìn thêm sáng, để cư xử thêm tươi.

Gương thủy tinh phản ánh trọn vẹn bên ngoài của một khuôn mặt.  Gương cuộc đời chiếu lên toàn bộ của một nhân cách.  Vậy gương gì phản chiếu cái thâm sâu của một tâm hồn?  Cái độc đáo và giá trị của một con người không chỉ dừng lại nơi mái tóc hàm răng, hay ánh mắt bờ mi.  Nó cũng không dừng lại nơi cái thế giới đa dạng của nhân cách, cho dù nó phong phú đến đâu đi chăng nữa. Nhưng còn có cái gì đó sâu thẳm hơn, giá trị hơn, và trường cửu hơn.

Ẩn sâu dưới khuôn mặt và đôi mắt, khuất lấp sau bề dày của nhân cách, có một thế giới huyền nhiệm, đó chính là tâm hồn. Vì tâm hồn quá sâu, quá huyền bí nên tôi không thể lấy gương thủy tinh để rọi, cũng chẳng có thể lấy gương cuộc đời để soi.  Tôi phải nhờ đến chính Chúa là tấm gương nhiệm mầu có thể soi rọi mọi ngõ ngách thầm kín sâu xa của hồn mình.

Để muốn biết rõ tâm hồn tôi ra sao, đời sống đạo tôi thế nào? Để có thể thấy được niềm tin của tôi còn đủ thắp sáng cho cuộc lữ hành trần thế hay không?  Tôi phải soi gương.  Gương Giêsu.

Tôi không thể chạy đến cha xứ hỏi, “Cha ơi, cha thấy tâm hồn con dạo này ra sao?” Tôi cũng chẳng thể chạy đến ông trùm rồi nói, “Ông thấy đời sống đạo của tôi dạo này thế nào?”  Mà tôi phải chạy đến chính Chúa, để chính Ngài soi cho tôi biết tình trạng tâm hồn của mình.  Có thể lâu nay tâm hồn tôi bất an, khuôn mặt tôi u buồn, tôi tìm đủ mọi loại gương để ngắm nghía, tôi tìm đủ mọi loại người để hỏi han, nhưng có khi tôi lại quên tìm đến gương Giêsu để khám phá ra mọi nguyên nhân xáo trộn.  Có khi hồn tôi đang vương vấn, tim tôi đang đi hoang, óc tôi đang xao xuyến trăm bề, thì dù tôi có soi gương trăm lần mỗi ngày, có bỏ công trang điểm “full-time”, thì nụ cười tôi vẫn gượng gạo, ánh mắt tôi vẫn u uẩn nét buồn.

Khi soi gương Giêsu mỗi ngày, tâm hồn tôi có sự bình an, tôi tìm được niềm vui và niềm tin giữa muôn xáo trộn của cuộc sống.  Và thế là hiện lên ánh mắt rạng rỡ và nụ cười hân hoan.  Không điểm trang nhiều mà đôi mắt vẫn đẹp, không ngắm nghía nhiều mà nụ cười vẫn tươi.  Phải chăng đó là điều kỳ diệu của cuộc sống con người khi liên kết đời sống thể lý với cuộc sống tâm linh?  Khi dìm mình trong gương soi Giêsu, không những tôi tìm cho mình được câu trả lời về vấn nạn của cuộc sống, mà còn đem lại cho tôi một sức biến đổi diệu kỳ.  Rồi sự biến đổi ấy toát ra nơi ánh mắt nụ cười đưa tôi đến gần với con người, đến gần với cuộc sống như dòng suối mát chan tưới cả đồng xanh.

Trong thinh lặng chiều nay, tôi tự hỏi: bấy lâu tôi soi gương thật nhiều, tôi điểm trang thật công phu, có bao giờ tôi nghĩ đến gương Giêsu nhiệm mầu đang đóng vai trò quyết định cho vẻ đẹp thanh thoát của tôi.  Tôi tự nhủ với lòng mình, có lẽ phải bắt đầu từ hôm nay, mỗi tinh sương trong nắng ấm hay cô quạnh khi đêm về, tôi phải dìm sâu trong gương soi Giêsu, để đời mình thêm đẹp và hồn mình thêm vui.  Rồi trong đêm vắng, tôi thổn thức thì thầm như lời kinh sám hối.

Chúa ơi, lâu nay con vẫn một đời mê mãi điểm trang cho khuôn mặt để tìm cái đẹp trong ánh mắt của người khác, nhưng con lại quên tìm vẻ đẹp trong ánh mắt Chúa.  Con có ngờ đâu, khi con tìm được vẻ đẹp hồn con trong cái nhìn của Chúa, thì con cũng có được vẻ đẹp thanh thoát dịu dàng trong cái nhìn của những người xung quanh.  Khi con trở về với Chúa, con nếm cảm được sự bình an để rồi con có niềm vui chan chứa khi đến với con  người.  Ước gì mỗi lần soi gương để điểm tô khuôn mặt, con cũng biết thì thầm: “Chúa ơi, xin thánh hoá hồn con!”

Nguyễn Thảo Nam