HAI MẸ CON

Tiếng của H., nhà tôi, vang lên bên kia đầu dây điện thoại:

–      Anh có thể giúp em một chút được không ?

Tôi trả lời:

–      Hơi bận một chút, nhưng em cần gì ?

–      Anh mua cho em một bình hoa và mang gấp đến văn phòng của em .

–      Bình hoa? và mang đến văn phòng của em?  Tôi ngạc nhiên hỏi.

–      Vâng đúng rồi, một bình hoa …  Thôi anh khỏi mua làm gì cho mất công, lấy bình hoa ở nhà mình và mang lại gấp cho em, và nếu có thể được anh cùng đi với em.

–      Anh chẳng hiểu em muốn nói gì cả: mua bình hoa, mang lại văn phòng của em, và nếu có thể thì cùng đi với em?

–     Ồ, em xin lỗi là không giải thích rõ cho anh….  Hôm nay em gọi điện thoại cho bà Ruth, một bệnh nhân của văn phòng mà em không gặp bà ta đã hơn mấy tháng nay.  Bà đang bị bệnh nặng, bị ung thư (cancer) và có thể đang ở giai đoạn cuối cùng…  Anh đến văn phòng của em rồi em sẽ nói rõ hơn.

Tôi vội vã lái xe về nhà lấy bình hoa để mang lại cho H. Gặp tôi H. giải thích ngay:

–     Em muốn đến bệnh viện Bascom để thăm cô Debbra, con gái của bà Ruth. Debbra đang bị tiểu đường (diabete), người ta đã cưa mất một chân của cô ta, và cái chân còn lại có thể cũng bị cắt ngay ngày hôm nay …

–     Như vậy em biết cả hai mẹ con của bà Ruth?

–     Không, em chỉ biết bà Ruth mà thôi vì bà là bệnh nhân của văn phòng.  Còn Debra, thì em chưa bao giờ gặp mặt cô ta cả …

Tôi hơi do dự:

–    Không hiểu Debbra có vui lòng để gặp anh và em vì chúng ta không quen biết với cô ta?  Hay là chúng ta đến thăm bà Ruth, vì ít nhất em cũng quen biết với bà ta.

–    Em nghĩ không có sao đâu, vì đây là sự yêu cầu của bà Ruth.  Đây anh xem, bà ta cho em điạ chỉ bệnh viện và số phòng của Debbra.  Thôi đi ngay đi anh, vì em phải trở lại làm việc sau giờ ăn trưa.

Bệnh viện Bascom cách văn phòng của H. chưa đầy 10 phút lái xe .  Thật ra tên của bệnh viện không phải là Bascom, mà là Santa Clara Valley Medical Center.  Bệnh viện này nằm ngay trên đường Bascom,  và có lẽ vì thế nên dân Việt Nam ở San Jose gọi nó là bệnh viện Bascom cho dễ nhớ và dễ tìm!  Bãi đậu xe không còn một chỗ trống vì người ta hay dùng giờ ăn trưa để đi thăm người thân hay bạn bè đang bị đau yếu, vì thế phải hơn 5 phút lái xe lòng vòng tôi mới kiếm được một chỗ đậu xe khi có một người rời khỏi bãi đậu .

Trước khi vào cầu thang máy để kiếm phòng của Debbra, tôi đã cẩn thận cho nước vào bình để giữ hoa được tươi.  Phòng của Debbra ở ngay tầng thứ 4, và chẳng có khó khăn gì để kiếm ra  phòng của cô ta, chỉ khổ là không biết mặt của Debbra như thế nào.  Khi tìm ra được phòng, H. và tôi đều ngạc nhiên vì có một giường thì trống, và giường còn lại có một người Á đông đang nằm ở đó và chắc chắn không phải là Debbra, vì Debbra là người Mỹ .

May thay có một cô y tá ở đó, và H. hỏi ngay:

–    Tôi muốn gặp Debbra .  Xin cô vui lòng cho tôi biết là có Debbra ở đây không?

Cô y tá quay sang hỏi người bệnh nhân trên giường: “Cô tên là gì ?” và đương nhiên câu trả lời không phải là Debbra.  H. và tôi đi đến phòng làm việc của các y tá trực để hỏi thăm là Debbra đang ở đâu.  Một cô y tá cho biết là Debbra vừa chuyển đến trung tâm săn sóc người bệnh White Blossom khoảng 10 phút trước.  Hơi thất vọng,  H. và tôi lững thững đi lại cầu thang máy để đi về…  Lại đổ nước ra khỏi bình hoa vì sợ nước đổ ra ngoài khi lái xe, và chúng tôi lưỡng lự là không biết có nên tiếp tục đi thăm Debbra nữa hay không… H. đề nghị với tôi:

–    Theo lời cô y tá thì trung tâm này nằm trên đường Fruitdale, như vậy cách chỗ này khoảng chừng vài phút thôi… Hãy thử đến thăm Debbra một lần nữa đi.

Khi chúng tôi đến trung tâm săn sóc bệnh nhân White Blossom thì Debbra vừa được đưa vào một phòng của trung tâm này.  H. và tôi phải đứng đợi trước phòng khoảng 10 phút để y tá thay áo quần và thuốc men cần thiết cho Debbra .  Trong khi chờ đợi để được thăm Debbra, tôi nghe những tiếng rên siết của một vài bệnh nhân ở những phòng bên cạnh.  Những tiếng rên siết nghe đau đớn và não nùng! Nhìn vào một vài phòng, tôi bắt gặp những cặp mắt mệt mỏi, buồn phiền của một vài bệnh nhân .  Hình như họ đang mong đợi một người thân, hay đang chờ một cái gì đó  … Tôi thầm nhủ trong lòng : “Có lẽ một ngày nào đó tôi cũng như những bệnh nhân nhân kia, nằm trên giường đếm ngày tháng trôi qua, và mong một người thân đến thăm …”

Cô y tá ra hiệu cho chúng tôi biết là có thể vào phòng để thăm Debbra .  H. giới thiệu ngay với  Debbra:

–      Chào cô Debbra . Tôi tên là H. và đây D., chồng của tôi .  Mẹ của cô, bà Ruth, là người mà tôi quen .  Mẹ của cô có nói nhiều về cô, về bệnh tật mà cô đang gặp phải và hôm nay chúng tôi đến thăm cô …

Debbra nhoẻn miệng cười và rồi những giọt nước mắt trào ra trên mắt của cô. Debbra còn trẻ, tôi không đoán được tuổi của cô ta, nhưng tôi ước chừng dưới 40.. Cơn bệnh tiểu đường (diabete) đã tàn phá thân thể của cô ta .  Bàn tay của cô sần sùi với những vết sẹo  nỗi lên . Một chân của cô đã bị cắt đi, và chân còn lại lẽ ra cũng bị cắt nốt ngày hôm nay … nhưng không hiểu vì lý do gì mà người ta đã trì hoãn (chúng tôi không dám hỏi vì tế nhị, vì sợ cô buồn).  Sau cơn xúc động, Debbra lấy lại bình tĩnh:

–   Mẹ của tôi như thế nào, bà vẫn khoẻ chứ?

H. trấn an:

–    Vâng, bà ta vẫn khoẻ.  Mẹ của cô lo lắng cho cô nhiều lắm! Như Debbra biết là mẹ của cô không thể đến thăm cô được, và vì vậy bà muốn chúng tôi đến đây để thăm cô.

–    Ô, đừng lo lắng cho tôi .  Xin anh chị vui lòng nhắn với mẹ tôi là đừng lo lắng cho tôi . Anh chị xem đây, tôi “khoẻ mạnh” mà. Vâng tôi “khoẻ mạnh” thật mà ! Tôi có thể tự lo cho tôi …  Điều mà tôi lo lắng là không ai lo cho mẹ tôi, lo cho cơn bệnh ung thư của mẹ tôi…”

Có một cái gì đó nghèn ngẹn trong cổ của tôi … Tôi không thấy Debbra “khoẻ mạnh” chút nào cả .  Lẽ ra giờ này cô phải chạy nhảy, phải đi đó đây, phải làm việc này, việc nọ … nhưng bây giờ phải nằm trên giường, tay chân cử động khó khăn cho đến nỗi không tự mình thay áo quần …

–    Cám ơn Chúa đã săn sóc cho tôi … Nếu không có Chúa thì làm sao mà tôi có thể sống được đến ngày hôm nay . Chúa đã săn sóc và yêu tôi từng giờ, từng phút …

Tôi sững sờ trước câu nói của Debbra … Một con người thiếu thốn từ vật chất và đau đớn về thể xác, sống được bằng sự trợ giúp, săn sóc của người khác, thế mà vẫn ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa .

–    Chúa đâu có sinh ra tôi như thế này… Lúc trẻ tôi rất khoẻ mạnh, nhưng chính tại tôi không biết tự lo cho mình cho nên mới sinh ra như ngày hôm nay .  Những lúc thân thể tôi đau đớn là những lúc tôi cầu nguyện cùng Chúa, dâng những đau đớn của tôi lên ngài để cầu nguyện cho những người đau khổ, những bện nhân khác..

Ôi tuyệt vời!  Tôi không ngờ có một người đau đớn về thể xác như Debbra mà không một lời trách móc, không một lời oán than Chúa, nhưng lại cầu nguyện cho kẻ khác qua sự đau đớn của mình. H. rưng rưng nước mắt rồi cầm tay Debbra và nói:

–   Xin Debbra hãy cầu nguyện cho chúng tôi, đặc biệt cầu nguyện cho chị của tôi đang bị bệnh ung thư và cuối tuần này tôi sẽ đến Washington D.C. để săn sóc cho chị ấy.  Xin cầu nguyện cho chị tôi có nghị lực và biết phó thác, biết cậy trông vào Chúa . Và nhất là cầu nguyện cho chị được biết Chúa vì gia đình của chị chưa biết Chúa…

Debbra, H. và tôi cùng cầm tay nhau và chúng tôi cầu nguyện với nhau qua lời kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạỵ

Rời khỏi trung tâm White Blossom mà lòng vấn vương .. Tạ ơn Chúa đã cho H. và tôi có cơ hội để được thăm Debbra, được cơ hội để chứng kiến nhiều cảnh thương tâm, và nhất là học được bài học ngợi ca Thiên Chúa của Debbra .

Chiều hôm đó bà Ruth, mẹ của Debbra,  goị điện thoại cho H. với giọng nghẹn ngào:

–   Debbra vừa gọi cho tôị  Debbra bảo là nó đã khoẻ .  Nó bảo là nó sẽ khiêu vũ khi gặp tôi ! Nó sẽ nhảy về hướng phải, nó sẽ nhảy về hướng trái !  Nó sẽ khiêu vũ trên xe lăn của nó !

Và bà ta kết thúc: “Dù sao đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn sáng ngời trong tôi”

Hai mẹ con: người mẹ đang bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối cùng, các xương tủy đã bị khoét rỗng và  không thể đi lại được;  người con bị bệnh tiểu đường, chân đã bị cắt,  nằm trên giường, không tự săn sóc một mình.  Hai mẹ con chỉ cách nhau khoảng 10 phút lái xe, thương yêu nhau vô cùng, nhưng không thể gặp mặt nhau vì bệnh tình . Hai mẹ con lo lắng cho nhau, lo hơn chính bản thân mình, và chỉ biết trấn an với nhau qua đường giây điện thoại là họ đều “khoẻ mạnh”.  Hai mẹ con đều đau đớn vì bệnh tật, không biết ngày mai mình sẽ như thế nào .. thế mà không một lời than thân trách phận, nhưng miệng lưỡi luôn ngợi ca Thiên Chúa.

Còn tôi, tôi có lý gì để oán trách Thiên Chúa?  Tôi có ngợi ca Ngài vì rằng Ngài đã cho tôi qúa nhiều, cho hơn những gì mà tôi có thể có được?

Diễn Dương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *