ĐÔI ĐIỀU SUY TƯ NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN

Ở Việt Nam khoảng ba năm trước đây người ta thấy rộ lên những tin tức về một nhà ngoại cảm nữ ở Hà Nội.  Báo chí trong nước đua nhau ca tụng thành tích của nhà ngoại cảm này về việc nhờ khả năng giao tiếp được với người “cõi âm”, chị ta đã tìm được nhiều ngôi mộ bị thất lạc hay là xác định được nơi chôn cất của những chiến binh bị chết trong chiến tranh.  Qua lời tường thuật của chính đương sự thì năm 1990 khi vừa thi đậu vào đại học, chị ta bị chó dại cắn và qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chị ta thoát chết.  Từ đó chị ta nhận thấy mình có khả năng tiếp xúc được với người chết nghĩa là có thể nhìn thấy người chết và nói chuyện được với họ.  Nói chuyện trước đông đảo cử tọa tại Hà Nội và trả lời phỏng vấn, nhà ngoại cảm nữ này- đã tốt nghiệp đại học, hiện công tác tại trường đại học Quản Trị Kinh Doanh Hà Nội và cũng là thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học – cho rằng chết không phải là hết, và rằng người “cõi âm” rất sợ bị lãng quên, họ mong mỏi sự quan tâm của người thân.

Nêu lên chuyện này chỉ muốn nói lên rằng chính người cộng sản vô thần càng ngày càng tin tưởng có một thế giới khác sau cuộc sống hiện tại, và họ cũng tin rằng người đã qua đời vẫn cần đến người còn sống.  Trong khi đó, thật đáng buồn, không ít người Kitô hữu vốn có niềm tin vào cuộc sống đời sau lại chạy theo cách sống như là chết là hết, và vì vậy họ đã dễ dàng lãng quên những người quá cố.

Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó một mẩu chuyện kể rằng một ngày nọ một bà mẹ hối thúc người con trai đi lễ cầu nguyện cho thân phụ của anh vào ngày giỗ của thân phụ anh.  Nhưng người con trai lười biếng không muốn đi lễ đã tìm cách thoái thác cho rằng “Lên thì đã lên rồi, xuống thì cũng đã xuống rồi.  Câu nói của anh thanh niên này cho thấy anh không hề quan tâm đến người cha đã chết, và cũng không hiểu rằng lời cầu nguyện của người còn sống có sức cứu thoát những Linh Hồn khỏi Luyện Ngục.  Nếu anh ta đọc những sách nói về cuộc sống đời sau kể về một số trường hợp các Linh Hồn ở Luyện Ngục được Chúa cho phép trở về trần gian để xin người còn sống cầu nguyện cho họ, thì anh ta sẽ thấy việc cầu nguyện cho người chết là khẩn thiết đến chừng nào.  Nhiều Linh Hồn đã phải ở Luyện Ngục hàng mấy chục năm trời vì thiếu lời cầu nguyện của người còn sống.

Lúc còn ở Việt Nam tôi biết có một gia đình thường xin Lễ và tổ chức đọc kinh cho bà mẹ trong mấy năm liên tiếp sau khi bà cụ mất.  Nhưng rồi đến một năm, gia đình thôi không xin Lễ nữa và những lời kinh cầu nguyện cho bà cụ cũng không còn nữa.  Hỏi ra mới biết những người trong gia đình cho rằng bà cụ đã được lên Thiên Đàng rồi nên không cần phải xin Lễ hay đọc kinh cầu nguyện cho cụ nữa.

Tôi thật sự kinh ngạc và không thể nào đồng ý với lập luận này nhưng là chuyện của gia đình người ta mình đâu có quyền xen vào.  Không biết phải làm gì, tôi đem câu chuyện trình bày với một vị có uy tín với hy vọng tìm được người đồng minh với mình.  Nào ngờ, trái với những gì tôi trông đợi, vị này đã cho tôi câu trả lời cộc lốc: lên Thiên Đàng rồi thì còn cầu nguyện làm gì.

Ai chả biết những Linh Hồn đã được lên Thiên Đàng tức là đã được làm Thánh.  Mà đã làm Thánh thì còn cần ai cầu nguyện cho nữa.  Nhưng vấn đề là làm sao người phàm có thể biết được một Linh Hồn nào đó đã được lên Thiên Đàng.  Căn cứ vào đâu để xác định được rằng bà cụ đã được lên Thiên Đàng.  Điều tôi muốn nói đến là liệu gia đình kia có đúng không khi họ bảo rằng bà cụ đã lên Thiên Đàng?  Bởi vì ai cũng biết một Linh Hồn được lên Thiên Đàng là quyền của Chúa chứ không phải con người có thể định đoạt.  Một Linh Hồn được cứu rỗi là nhờ vào lòng từ bi, nhân hậu và thương xót của Chúa chứ không phải là do công trạng của Linh Hồn đó.

Tôi cũng tin rằng khi ta cầu nguyện cho một Linh Hồn mà Linh Hồn đó đã được lên Thiên Đàng rồi thì vì ở trong một Giáo Hội hiệp thông, một Linh Hồn khác sẽ được Chúa cho hưởng lời cầu nguyện đó.  Và rồi Linh Hồn này khi được lên Thiên Đàng sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta.  Do đó lời cầu nguyện không bao giờ là vô ích mà lúc nào cũng cần thiết và có ích cho phần rỗi các Linh Hồn.

Có nhiều người rất quan tâm đến việc cầu nguyện cho các Linh Hồn, nhất là những Linh Hồn mồ côi.  Linh Hồn mồ côi theo cách hiểu thông thường là những Linh Hồn bị lãng quên hay là ít được cầu nguyện cho.  Trong ý nghĩa này có ý kiến táo bạo cho rằng những linh mục cao tuổi sau khi qua đời cũng dễ trở thành Linh Hồn mồ côi.  Là vì đến khi đó thì ông bà cố đều đã mất, anh chị em nhiều khi cũng không còn, linh mục lại không có con cái, giáo dân thì cứ nghĩ linh mục dễ lên Thiên Đàng và thế là linh mục bị rơi vào tình trạng… mồ côi.

Viết đến đây tôi nhớ đến một mẩu chuyện liên quan đến cha Francis Holland, một linh mục người Mỹ được mọi giáo dân trong cộng đoàn của chúng tôi yêu mến.  Một lần cha đến nhà quàn để cùng với giáo dân Việt Nam cầu nguyện cho một giáo dân trong cộng đoàn mới qua đời.  Tại đây cha đã có dịp tham dự một buổi cầu nguyện cho người qua đời theo kiểu Việt Nam.  Buổi cầu nguyện gồm có hát thánh ca, đọc sách Thánh, cầu kinh và cuối cùng thì tất cả những người hiện diện xếp hàng và lần lượt tiến đến trước quan tài rảy nước thánh cho người quá cố.  Cha cũng đi trong hàng người rảy nước thánh cho người quá cố.  Sau đó khi trở về ghế ngồi cha đã nói bằng một giọng rất chân thành rằng cha rất thích buổi cầu nguyện hôm nay và cha mong muốn khi cha chết cũng sẽ có được một buổi cầu nguyện như vậy.  Có phải khi thấy mình tuổi đã già sức đã yếu cha đã mơ hồ nghĩ đến cảnh… mồ côi?

Có một số ý kiến không chấp nhận có Linh Hồn mồ côi.  Những ý kiến này cho rằng không có Linh Hồn nào là mồ côi theo ý nghĩa là không được cầu nguyện cho.  Lý do là vì trong Thánh Lễ hàng ngày ở phần Kinh Nguyện Thánh Thể, linh mục chủ tế đều “Xin Chúa cũng nhớ đến… mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa, xin cho các Linh Hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.  Mặt khác khi lần hạt Mân Côi sau mỗi chục kinh đều có lời cầu “Lạy Chúa Giêsu… xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng” hay trong kinh Vực Sâu “Lạy Chúa con, xin ban cho các Linh Hồn được nghỉ ngơi đời đời, và được sáng soi vô cùng.  Lạy Chúa con, xin cứu lấy các Linh Hồn cho khỏi tù ngục mà được nghỉ yên.  Hàng ngày có biết bao nhiêuThánh Lễ được dâng trên địa cầu và có biết bao nhiêu người lần hạt Mân Côi trên thế giới đều nhớ đến mọi Linh Hồn thì không có Linh Hồn nào bị bỏ rơi hay là không được cầu nguyện cho.

Tuy nhiên, thiết tưởng cũng không cần phải đặt nặng vấn đề có hay không có Linh Hồn mồ côi.  Thực tế vẫn có những Linh Hồn cần được cầu nguyện nhiều hơn những Linh Hồn khác như đã được xác nhận trong lời cầu nguyện được Đức Mẹ dạy tại Fatima “…. xin đưa các Linh Hồn lên Thiên Đàng, nhất là những Linh Hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.  Trong tháng các Linh Hồn chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn cho những Linh Hồn đó.

Giáo Hội đưa tháng Các Linh Hồn vào lịch Phụng Vụ là muốn nhắc nhở người tín hữu nhớ đến và cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta.  Đồng thời Giáo Hội cũng muốn cảnh giác chính người tín hữu về cuộc đời chóng qua ở trần gian này.  “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro.  Một mai người sẽ trở về bụi tro”. 

Trong cuộc sống ai cũng có những điều để ưu tư, lo lắng, chuẩn bị… nhưng có lẽ ít ai ưu tư, lo lắng và chuẩn bị cho cái ngày ra đi mà không có ai tránh khỏi.  Cái ngày ấy chẳng ai biết trước được.  Xin Chúa cho con luôn biết sẵn sàng để lúc nào cũng có thể cất lên lời hát:

Khi Chúa thương gọi tôi về,
hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ.
Miệng tôi nức vui tiếng cười,
lưỡi tôi vang lời ca hát.
Ngàn dân tung hô, tôi thật vinh phúc
.
(Ngày Về: Kim Long)

Lại Thế Lãng (VietCatholic)

NGƯỜI KHÔN KẺ DẠI

Tỉnh thức trong tình yêu

Chắc chắn rằng dụ ngôn mười trinh nữ hướng tới thời cuối cùng, tương tự như các dụ ngôn trong đoạn trước và tiếp liền sau dụ ngôn này (chủ nhà, người đầy tớ trung tín, những nén vàng). Các dụ ngôn này có một ý nghĩa rõ ràng và được nhắc đi nhắc lại, đó là sự tỉnh thức. Người ta không biết giờ nào Chúa sẽ đến, và rất có thể Người sẽ “đến trễ”, nên phải
chuẩn bị sẵn sàng và kiên trì trước mọi tình huống.

Riêng về dụ ngôn mười trinh nữ, có lẽ không nên để ý đến những chi tiết có vẻ như giả tạo của câu chuyện: dụ ngôn không phải là một phóng sự hay một bài mô tả phong tục đám cưới, đúng và đủ mọi tình tiết. Trái lại, nên chú ý đến bài học của dụ ngôn, đó là sự khôn ngoan, biết phòng xa.

Điều dễ nhận thấy trong dụ ngôn này là bài học về sự  “tỉnh thức”. Bài học này làm người đọc liên tưởng đến lời cảnh giác của thánh Phao-lô: “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx 5,2). Trong mười trinh nữ đi đón chàng rể, có năm cô khôn và năm cô dại.

Các cô khôn là những người biết phòng xa và chuẩn bị đầy đủ, cũng giống như người xây nhà trên đá (Mt 7,24), hay người quản gia biết chăm sóc gia nhân lúc vắng chủ (Mt 24,45). Các cô là hình ảnh của những người biết “lắng nghe và thi hành” những lời Đức Giêsu nói, những người có óc phê phán đúng đắn và tế nhị về thực tại của cuộc sống, kèm theo một ý chí cương quyết hành động.

Ngược lại, các cô dại là những cô không biết dự trữ phòng xa, không biết trù liệu trước hoàn cảnh bất trắc. Các cô là hình ảnh tiêu biểu cho những người lơ là, thiếu đầu óc thực tế, thiếu phán đoán, gây ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống, nhất là đời sống vĩnh cửu.

Quả thật, các cô khôn đã chuẩn bị dầu đèn đầy đủ, lại còn mang theo bình dầu dự trữ, đề phòng trường hợp phải chờ đợi lâu. Các cô đã được vào dự tiệc cưới, như là phần thưởng cho thái độ sẵn sàng của mình. Trong khi đó, các cô dại, đã không mang dầu, lại còn mất thời giờ chạy đi mua, nên
trở về quá trễ và không được vào dự tiệc cưới. Các cô đã bị ngăn lại, vì đèn của các cô hết dầu, và các cô đến quá trễ: dựa theo lời thánh Âu-gút-ti-nô, các cô đã thiếu điều quan trọng là dấu chỉ tình yêu và đã không sẵn sàng đáp ứng trước tình yêu.

Người ta có thể ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Tại sao các cô khôn lại xử sự có vẻ như thiếu đức ái, đó là không giúp đỡ chị em mình đang gặp khó khăn. Thật ra, ở đây không chú trọng đến đức bác ái, nhưng muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa mỗi người phải chịu trách nhiệm về tự do và hạnh kiểm của mình,
không được nông nỗi nhẹ dạ. Hơn nữa, sự kiện các cô trinh nữ phải chờ đợi lâu và chú rể chậm đến có thể cho thấy rằng lòng thương xót được gia hạn thêm một thời gian dài, rất dài, và đến một ngày, giai đoạn này sẽ chấm dứt. Thời gian chờ đợi có kéo dài thêm gợi lên tính cách nghiêm trọng của lời mời,
đồng thời cũng bao hàm ý nghĩa: Đấng Cứu Thế không phải là sản phẩm theo sự suy đoán của con người. Đàng khác, nên hiểu thời gian này như một hồng ân được ban tặng để mỗi người kịp sửa chữa những thiếu sót và sai lầm của mình. Mỗi người đều có cơ hội để đáp ứng bằng chính tình yêu của
mình.

Và như vậy, dụ ngôn không chỉ nói đến sự tỉnh thức. Hay nói cách khác, tỉnh thức chính là phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc lữ hành “trên mặt đất đầy đau thương, bi tráng và kỳ diệu này” (Chúc thư của ĐGH Phao-lô VI). Mỗi người phải mang theo đèn, và phải dự trữ dầu, nguồn đem lại ánh sáng, tức là phải có lòng hiếu khách, phải có tình yêu và niềm vui (ý nghĩa của dầu theo Kinh Thánh). Không có dầu, ngọn đèn sẽ tắt, người ta sẽ chìm trong tối tăm, và không được vào dự tiệc cưới.

Giữ ngọn đèn luôn cháy sáng

Nếu có ai được mời đi gặp một nhân vật họ vẫn mong đợi, hẳn là họ sẽ chuẩn bị rất kỹ càng, có khi tỏ ra nóng nảy, bồn chồn. Nếu họ vốn là người thờ ơ, hẳn họ sẽ phải thu xếp để có mặt đúng giờ, có khi còn đến sớm hơn giờ hẹn. Nếu nhân vật được mong đợi lại là người có khả năng làm thay đổi cuộc đời, thì người ta lại càng náo nức chờ đợi, và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Chàng rể trong dụ ngôn chính là Đức Giêsu. Với lòng yêu thương vô bờ, Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người trọn vẹn vận mạng của tất cả nhân loại cũng như của mỗi người. Người đã đến trần gian để dẫn đưa nhân loại đến tham dự sự sống và niềm vui vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Chính Người đang đến gặp nhân loại và nhân loại phải tiến về với Người, bởi vì Người là sự sống, sự sống đời đời. “Mà sự sống đời đời chính là nhận biết Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

Chàng rể có thể đến trễ, nhưng người ta vẫn phải chờ đợi, vẫn phải sẵn sàng. Ngọn đèn của mỗi
người luôn phải có đủ dầu để đi đón chàng rể. Người ta có thể ngủ quên, nhưng vẫn có thái độ sẵn sàng: khi nghe tiếng kêu vào lúc nửa đêm, họ cũng đủ dầu đèn để đi đón chàng rể và dự tiệc cưới. Như thế, dầu đèn chính là khát vọng tìm gặp Thiên Chúa. Khát vọng này cần được nuôi dưỡng để khỏi phai tàn trong cuộc chờ đợi. Các cô trinh nữ đi đón chàng rể, lúc khởi đầu tất cả đều vui mừng. Nhưng trong lúc chờ đợi, năm cô đã để cho lòng nhiệt thành của mình nguội dần, và khi chàng rể đến, các cô đâm bối rối, khát vọng của các cô đã tắt lịm. Có biết bao cuộc gặp gỡ đã bị vỡ tan bởi vì ngọn đèn khát vọng đã tắt ngúm.

Đúng vậy, đôi khi cuộc chờ đợi có thể kéo dài và biến thành một thử thách khắc nghiệt, nhất là với những người phải bước đi trong đêm tối, tiến bước rất lâu với cảm tưởng rằng không bao giờ gặp được chàng rể mình vẫn ước mong. Thật ra, tình trạng này là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn khoét sâu tâm hồn con người, để rồi ngày mai hay một lúc nào đó, Người sẽ bước vào. Phần con người, họ phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành bằng lòng tin, bằng việc cầu nguyện. Thiên Chúa sẽ không để cho kẻ chờ đợi Người phải thất vọng.

Sự nghèo khó nội tâm

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Đây là chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong suốt diễn từ loan báo ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Ở đây, Đức Giêsu đã bày tỏ rõ ràng Người là Đấng Cứu Thế trước khi Người chịu khổ nạn và phục sinh.

Người mong muốn chúng ta chờ đón Người, và không được bỏ cuộc; Người mong muốn chúng ta chuẩn bị dầu đèn để khi Người trở lại, mặc dù bất thình lình, và chúng ta đang thiếp ngủ, chúng ta sẵn sàng đến gặp Người như Người cũng nhận ra chúng ta.

Phải chuẩn bị dầu đèn! Đây là một trách nhiệm nhưng chúng ta hãy yên lòng: Nếu Thánh Thần sử dụng dầu, thì chính Người cũng sẽ quan tâm không để chúng ta thiếu dầu.
Chúng ta nhớ lại câu chuyện bà goá ở Xa-rơ-phát: “vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán” (1 V 17,16). Bà goá này đã đặt tất cả niềm tin vào vị sứ giả của Thiên Chúa, nên vò dầu của bà đã không cạn.

Thật vậy, khi phục vụ Thiên Chúa và người khác, chúng ta vẫn phải khôn ngoan, dự phòng, nhưng cũng cần phải nhớ rằng sự khôn ngoan đích thực và cao cả nhất chính là sự nghèo khó trong tâm hồn, là lòng tin tuyệt đối, là xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang ở bên cạnh chúng ta và nâng đỡ sự yếu hèn, sự mỏi mệt của chúng ta. Chính Người vẫn bao bọc chúng ta trong tình yêu thương của Người để chúng ta luôn trở thành ánh sáng cho thế giới, thành anh em của mọi người, thành người cứu vớt những gì đã hư mất và thành chứng tá sống động của niềm vui.

Giếng nước trong khu vườn,
ngọn đèn tạo ánh sáng,
kho báu trong ngăn tủ,
Man-na trong Hòm Bia.
Lạy Chúa, Ngài là Chúa của con. H. Suso.

Lm. G. Nguyễn Cao Luật

SỐNG HÔM NAY NHƯ NGÀY CUỐI CỦA CUỘC ĐỜI

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!  Câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất quen thuộc với chúng ta.

Chẳng có ai đi mà chẳng mỏi mệt cả.  Một lúc nào đó, với một biến cố nào đó ta sẽ dừng lại để nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, nhìn lại cuộc đời của mình còn lại ở phía trước.  Dù cho cố quên đi sự thật nhưng sự thật vẫn là sự thật và sự thật đó không bao giờ chối bỏ được.

Con chim ở trọ cành cây, con cá ở trọ trong khe suối nguồn, tôi nay ở trọ trần gian…  Cũng là cảm nghiệm về phận con chim, phận con cá và cả con người ở cái cõi tạm này.  Đã gọi là cõi tạm thì chúng ta biết rằng cái gì nó cũng có ngần, có hạn chứ chẳng có gì là bất h cả.

Sách Giảng viên gợi lên cho ta điều này.  Giảng viên đã nói: Phù vân trên mọi phù vân: phù vân trên mọi phù vân, và mọi sự đều là phù vân.  Ích lợi gì cho con người làm lụng vất vả dưới mặt trời?  Một thế hệ qua đi, một thế hệ khác lại đến: nhưng địa cầu vẫn đứng vững muôn đời.  Mặt trời mọc lên rồi lại lặn xuống, trở về chỗ cũ nơi nó lại mọc lên.  Gió thổi về hướng nam, rồi quay về hướng bắc; nó thổi xoay chiều khắp bốn phương, rồi quay về vòng cũ.  Mọi sông ngòi đều chảy ra biển mà biển không đầy tràn: nước sông trở về chỗ cũ rồi lại chảy đi.  Muôn vật đều phải làm việc vất vả, và không ai có thể cắt nghĩa tại sao.  Mắt xem mãi cũng không chán, tai nghe hoài cũng không thỏa.  Sự đã qua là gì?  Chính nó là sự sẽ có.  Sự đã xảy ra là gì?  Chính nó là sự sẽ xảy ra.  Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời, cũng chẳng ai nói được rằng: “Ðây cái này mới.”  Vì nó đã có từ lâu đời trước chúng ta.  Người ta cũng chẳng còn nhớ đến tổ tiên và những con cháu sau này; cũng chẳng nhớ đến những người sẽ đến sau.

Tất cả rồi cũng qua đi!  Thế nhưng, chẳng lẽ cuộc đời này nó vô vị và nó nhạt nhẽo như vậy sao?  Như vậy chẳng lẽ cuộc đời là vô nghĩa?

Tùy quan niệm của mỗi người, mỗi dân tộc về cái chết.  Có những người coi chết như là hết như là chấm hết mọi sự ở cuộc đời này nhưng với niềm tin của người Kitô hữu thì chết không phải là hết nhưng chết chỉ là cái ngưỡng cửa để bước qua cõi tạm này để vào cõi vinh quang của Thiên Chúa.  Sách Khôn Ngoan vừa xác tín đến niềm tin của những ai tin vào Chúa: Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.  Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt.  Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an.  Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết.  Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau.  Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời.  Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Vấn đề lớn là sống công chính để được Thiên Chúa ghé mắt nhìn.  Thiên Chúa ghé mắt nhìn để rồi Thiên Chúa sẽ ngự trị trong những người công chính hay nói khác đi là những người công chính ở trong cung lòng của Thiên Chúa.

Lời hứa những ai đi theo Chúa đó không phải là lời hứa suông nhưng chính là lời cầu nguyện, lời mà Chúa Giêsu luôn tha thiết nài xin Chúa như tâm tình của Chúa Giêsu được Thánh Gioan ghi lại.  Tâm tình đó hết sức hay: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian.  Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con.  Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa.”

Thật tuyệt vời!  Những người mà Thiên Chúa trao cho Chúa Giêsu rồi thì Chúa Giêsu muốn rằng khi mà Chúa Giêsu ở đâu thì những người mà Thiên Chúa Cha trao cũng ở đó với Ngài.

Những ai được Thiên Chúa tuyển chọn nghĩa là được chịu phép rửa, phép thanh tẩy trong Đức Giêsu nghĩa là chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Giêsu thì cùng chịu mai táng với Chúa và rồi như lời Thánh Phao lô nói: Để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế.  Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.

Niềm tin của người Kitô hữu là như vậy.
Chẳng ai lột da để sống đời cả!
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi, *
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo:
Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai, *
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.  (Tv 89)

Ngày mỗi ngày qua đi lại là một ngày mà ta gần với Chúa hơn.  Đó là câu nói thường ngày mà người ta vẫn thường nói để diễn tả niềm tin sau cái chết.  Thế nhưng, muốn gần Chúa thì phải sống cuộc đời công chính như lời sách Khôn Ngoan đã nói.  Và, Chúa Giêsu đã hơn một lần nhắc nhớ các môn đệ cũng những người theo Chúa: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Công chính là sống một đời trong sạch không có gì vương bẩn trước mặt Chúa.

Này là dòng dõi những người tìm Chúa, đây là những người mong bệ kiến Ngài, một đời lòng ngay không hề gian dối… (Tv 23)

Vẫn là con người mang trong mình phận con người yếu đuối và rất cần ơn của Chúa để sống trong cuộc lữ hành trần thế này.

Hôm nay, nhớ lại những hình ảnh thân thương của ông bà cha mẹ, những người thân thương cũng nhắc nhớ cho phận người ở trọ của chúng ta.  Để được hưởng nhan Thánh Chúa ắt hẳn phải sống công chính, phải sống trong sạch thì mới được hưởng nhan thánh Chúa như Chúa đã nói.

Cuộc đời này rất vắn và rất vội.  Hãy sống ngày hôm nay như là ngày cuối đời của mình và hãy sống hết sức công chính để đến giờ Chúa gọi ta thưa vâng để ra trước tòa của Chúa và hầu mong được hưởng nhan thánh của Ngài như lòng ta hằng mong ước.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

LUYỆN HÌNH – NƠI CHỐN VẪN CÒN TÌNH YÊU

“Hãy chiếu soi lửa hồng vào đêm tối sâu thẳm hồn con, lửa tình yêu, lửa huyền siêu, Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân” (Phanxicô).

Vâng, đây là Điệp khúc của bài hát, do nhạc sĩ Phanxicô sáng tác, mà ai cũng biết.  Để gợi hứng cho bài chia sẻ Lễ Các Linh Hồn, xin được mượn lời bài hát ý nghĩa nầy.  Thật ra, lời bài hát là về Chúa Thánh Thần, nhưng cảm nhận phù hợp với lễ các Linh Hồn, vì chính Chúa Thánh Thần tác động đến.  Vâng như vậy có thể minh định rằng: “Lửa tình yêu, lửa huyền siêu” nầy đang tác động đến luyện hình, nơi các linh hồn đang được thanh luyện vì chính Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân.  Vâng Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân cho người trần thế, và nơi các linh hồn trong luyện hình.  Để minh chứng cho điều nầy chúng ta hãy cùng suy niệm về “Luyện Hình.”

“Luyện hình” là nơi dùng hình thực thanh luyện, có nghĩa là “bị phạt.”  Nhưng “phạt” có thời gian, không như hỏa ngục, nơi “phạt” đời đời.

Như vậy, nơi “phạt” luyện hình vẫn còn tình yêu.  Thiên Chúa vẫn yêu thương các linh hồn nơi luyện hình, như yêu con người dương thế.  Bởi vì luyện hình mặc nhiên không phải là nơi luận phạt vĩnh viễn.  Như chúng ta biết Giáo Hội Công Giáo có ba thành phần, Chiến Đấu (Lập Công), Chiến Thắng (Khải Hoàn), Đau khổ (Đền Tội).  Như vậy chỉ có thành phần Giáo Hội Khải Hoàn mới hoàn toàn chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Quốc.  Còn thành phần Giáo Hội Lữ Hành và Giáo Hội Đền Tội là hai thành phần chưa được chiêm ngắm Thánh Nhan Thiên Chúa.  Bởi vì hai thành phần nầy chưa hoàn toàn tẩy trắng áo mình trong Máu Con Chiên vì vậy thành phần Giáo Hội Đau Khổ cũng như thành phần Giáo Hội Lữ Hành đều có chung một niềm khao khát như nhau, đó là còn xa cách Thánh Nhan Thiên Chúa.  Chỉ khác nhau ở một điểm là: Giáo Hội Lữ Hành là thành phần còn điều kiện lập công, còn giáo hội Đau Khổ thì mất “quyền” lập công.  Vì vậy các ngài cần đến sự trợ giúp của chúng ta, nói cách khác, các ngài là những cầu thủ bị “việt vị”, tức “liệt vị”, không còn “cựa quậy” gì nữa.  Nên chi từ đó “sự chết” theo tín lý công giáo là như vậy, một là lên Thiên Đàng, hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa, đó là các thánh, Giáo Hội Chiến Thắng.  Hai là vào luyện hình, nơi chờ đợi để thanh luyện.  Xin miễn bàn nơi thứ ba.  Vì vậy, Lửa thánh luyện cũng chính là: “Lửa Huyền Siêu, Lửa Tình Yêu”, do chính Thánh Ân của Chúa Thánh Thần.  Theo đó, lửa luyện hình vẫn là hình thức yêu thương, nhưng nơi đó, tình yêu “bị động”, có nghĩa là chỉ hưởng nhờ , chứ không được chủ động “lập nên” như chúng ta, ví dụ như đọc kinh, lần hạt, hay làm việc bác ái, v.v…  Nên chi lửa tình yêu, lửa huyền siêu chiếu vào chỉ một việc là thanh luyện.  Dù là Thánh Ân, nhưng giống như “mất quyền tự do”, nên chi các ngài phải chịu thua thiệt.  Tình yêu của Thiên Chúa nơi các linh hồn cũng là vô biên, nhưng hữu nhiên tình yêu Thánh Ân không phải là “hai chiều” giống như trần thế.  Đó là lý do, người ở trong luyện hình cần đến chúng ta, Giáo Hội lập công.

Như vậy, trần gian không phải là Thiên Đàng, cũng vậy, không phải là Luyện Hình.  Nhưng trần gian có vị thế của trần gian.  Theo đó, trần gian thì hạnh phúc hơn Luyện Hình, Thiên Đàng hạnh phúc hơn trần gian.  Hiểu như vậy, chúng ta phải yêu mến các Đẳng linh hồn, bằng cách cầu nguyện, dâng việc lành, hy sinh để đền thay, cầu thay cho các ngài, đó là bác ái Kitô giáo cho người đã khuất mà chưa được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa.  Đây là một hành động cao đẹp, đồng thời là nghĩa cử cứu độ.  Mặc nhiên, quyền xét đoán là duy mình Thiên Chúa, nhưng việc bác ái đối với các linh hồn thì chính là như việc truyền giáo vậy.  Thương người có 14 mối, thì bảy mối thương linh hồn, như vậy, hồn xác bằng nhau.  Nay các linh hồn không còn trong thân xác, thì các ngài được yêu thương trong linh hồn.  Vì linh hồn mà được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa, thì không gọi là linh hồn, mà được gọi là thánh.  Khi các ngài được cứu độ trọn vẹn thì các ngài ở trên thiên đàng, thì mặc nhiên các thánh là các ngài sẽ cầu bàu cho chúng ta.  Theo đó, Luyện Hình là nơi được “Lửa Hồng” chiếu soi, lửa huyền siêu, lửa tình yêu, Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều Thánh Ân.

Dù rằng lời ca từ không dành cho các linh hồn trong Luyện Hình, nhưng từng lời ca từ trong bài hát cho chúng ta một sự kết nối đầy ý nghĩa Công Giáo.  Vì vậy lễ các linh hồn, xin chia sẻ theo ý tưởng nầy, hầu mang đến tính hiệp thông trong Giáo Hội.  Nếu như khi còn trên dương thế, trong thân xác hữu hạn, nhưng ý thức được tính huyền siêu bởi lửa tình yêu thì hạnh phúc cho tất cả chúng ta.

Mong rằng “Lửa Huyền siêu” mà Thánh Linh Thiên Chúa luôn chiếu soi trên các linh hồn nơi Luyện Hình chính là “Lửa Tình Yêu” duy nhất, mà Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều xuống trên các linh hồn.

Chúa Giêsu Kitô đã dùng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người để cứu rỗi các linh hồn, thì chính là các linh hồn trong Luyện Hình.  Vì phàm nhân nơi trần thế hoặc sẽ là các thánh, hoặc sẽ là các linh hồn.  Còn nếu ở trong Hỏa Ngục, thì xin miễn bàn.

Vì, “Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện cho họ để được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh (2 Mcb 12, 45).  Chúng ta hãy dâng thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.”  (Trích Lịch Phụng Vụ).

Lạy Chúa Thánh Linh, Ngôi Ba Thiên Chúa xin tiếp tục tuôn đổ Thánh Ân trên các linh hồn nơi Luyện Hình, để chính lửa hồng mà Chúa chiếu soi là “Lửa Tình Yêu, Lửa Huyền Siêu trên các linh hồn.  Vì các linh hồn cũng chính là thành phần đáng được hưởng công nghiệp Máu Cứu Chuộc của Đức Giêsu Kitô.  Amen!

Trần Đình Phan Tiến

LOẠI NHÀ NÀO CÁC CON MUỐN XÂY CHO TA?

Điều gì đúng và điều gì không đúng?  Chúng ta đấu tranh rất nhiều về các vấn đề đạo đức, thường là với một biện minh cho mình.  Và đa số chúng ta rơi vào tình trạng tự cho mình là đúng mỗi khi tranh luận về tội.  Điều gì cấu thành tội và điều gì cấu thành tội trọng?  Các phái Kitô giáo và các trường phái tư tưởng khác nhau dựa trên nhiều loại lý luận Kinh Thánh và triết học để cố gắng giải quyết vấn đề này, thường là có các bất đồng gay gắt và tạo ra nhiều tức giận hơn là đồng thuận.

Phần nào đó là chuyện hẳn nhiên, vì các vấn đề đạo đức phải tính đến sự bí ẩn của tự do con người, các hạn chế vốn có trong tình huống ngẫu nhiên và số lượng các tình huống tồn tại khác nhau giữa người này với người kia.  Trong bất kỳ tình huống cụ thể nào cũng không dễ dàng phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, thậm chí còn khó hơn để phân biệt đâu là tội và đâu là không.

Dù không có ý định xúc phạm đến các tiếp cận các vấn đề đạo đức một cách kinh điển của các giáo hội và các nhà tư tưởng đạo đức của chúng ta, tôi nghĩ rằng có một cách tốt hơn để tiếp cận lành mạnh hơn, xét đến tự do, đến các giới hạn của con người và hoàn cảnh hiện sinh đặc biệt của từng cá nhân.  Cách tiếp cận không phải của riêng tôi, mà là cách tiếp cận được tiên tri Isaia đưa ra, ngài đưa ra câu hỏi này của Chúa cho chúng ta: Các ngươi sẽ xây cho Ta ngôi nhà nào?  (Isaia 66, 1) Câu hỏi này là nền tảng cho tinh thần môn đệ và tất cả các lựa chọn đạo đức của chúng ta.

Các ngươi sẽ xây cho Ta ngôi nhà nào?  Giáo dân có đức tin nói chung đã hiểu điều này theo nghĩa đen, và vì vậy từ thời cổ đại cho đến ngày nay, họ đã xây đền thờ, nhà thờ chính tòa, vương cung thánh đường, các đền thánh nguy nga tráng lệ để thể hiện đức tin của họ vào Chúa.  Điều đó thật tuyệt vời, nhưng lời mời mà tiên tri Isaia nói, trước hết và quan trọng nhất, là loại ngôi nhà mà chúng ta có ý định xây dựng bên trong lòng mình.  Làm thế nào để chúng ta giữ hình ảnh và sự giống Chúa trong cơ thể, trong trí tuệ, trong tình cảm, hành động của chúng ta?  Loại “nhà thờ” hay “thánh đường” nào trong con người chúng ta?  Đó là câu hỏi sâu hơn về lối sống đạo đức.

Vượt lên trình độ sơ đẳng, việc chúng ta có quyết định về mặt đạo đức không còn được hướng dẫn bởi câu hỏi đúng hay sai, điều này có tội hay không.  Thay vào đó, nó nên được hướng dẫn và thúc đẩy bởi một câu hỏi cao hơn: Các ngươi sẽ xây cho Ta ngôi nhà nào?  Tôi muốn sống hết nhân tính và tư cách môn đệ của tôi ở mức độ nào?  Tôi muốn tự phục vụ bản thân nhiều hơn hay tôi muốn quảng đại hơn?  Tôi muốn hèn hạ hay cao quý?  Tôi muốn tự thương hại hay có tâm hồn cao thượng?  Tôi muốn thực hiện các cam kết của mình hoàn toàn trung thực hay tôi cảm thấy thoải mái khi phản bội người khác và chính tôi một cách ẩn giấu?  Tôi muốn nên thánh hay muốn tầm thường?

Ở mức độ trưởng thành trong tư cách môn đệ (và trong sự trưởng thành của con người), câu hỏi không còn đặt ra nữa, điều này có đúng không?  Đó không phải là câu hỏi của tình yêu.  Câu hỏi của tình yêu là, làm thế nào tôi có thể đi sâu hơn?  Tôi có thể sống tình yêu, sự thật, ánh sáng và lòng chung thủy ở mức độ nào?

Tôi xin đơn cử một ví dụ đơn giản dễ hiểu để minh họa điều này.  Chúng ta hãy xem vấn đề khiết tịnh tình dục: thủ dâm có sai và tội không?  Tôi đã từng nghe một giáo sư đạo đức có quan điểm về điều này, ông phản ánh sự thách thức của tiên tri Isaia.  Ở đây, trong một cách diễn đạt, ông đã đưa ra vấn đề: “Tôi không nghĩ việc ngữ cảnh hóa câu hỏi này, cũng như các văn bản thần học đạo đức cổ điển là hữu ích, khi nói rằng đó là một rối loạn nghiêm trọng và tội nghiêm trọng.  Tôi cũng không nghĩ sẽ hữu ích khi nói những gì nền văn hóa và phần lớn tâm lý học đương đại đang nói, rằng đó là sự thờ ơ về mặt đạo đức.  Tôi nghĩ, một cách hữu ích hơn để tiếp cận vấn đề này là không nhìn nó qua lăng kính của đúng hay sai, tội hay không.  Thay vào đó, hãy tự hỏi mình câu hỏi: tôi muốn sống ở mức độ nào?  Tôi muốn thực hiện đức khiết tịnh, lòng trung thành và sự trung thực của tôi ở mức độ nào?  Vào lúc nào trong cuộc đời, tôi muốn chấp nhận gánh thêm căng thẳng mà trong tư cách môn đệ và nhân tính của tôi đòi hỏi tôi?  Tôi muốn trở thành người như thế nào?  Tôi muốn trở thành người hoàn toàn minh bạch hay người có những thứ phải che giấu?  Tôi có muốn sống trong sự tiết độ hoàn toàn không?”  Tôi muốn là “đền thờ” nào?  Tôi có thể xây loại nhà nào cho Chúa?

Tôi tin đây là cách lý tưởng mà chúng ta nên có, trước các lựa chọn đạo đức trong cuộc đời.  Chắc chắn đây không phải là linh đạo dành cho những người có sự phát triển đạo đức quá kém hoặc bị suy giảm đến mức họ vẫn còn đấu tranh với các đòi hỏi căn bản nhất của Mười Điều Răn.  Những người như vậy cần trợ giúp khắc phục và điều trị và đó là một trách vụ khác (dù rất cần thiết).

Và một điểm nữa, sự lựa chọn luân lý này đến với chúng ta, cũng như tất cả các lời mời từ Chúa, như một lời mời, chứ không như một mối đe dọa.  Chính qua tình yêu chứ không qua đe dọa mà Chúa mời gọi chúng ta vào đời sống và làm môn đệ, Ngài luôn nhẹ nhàng hỏi chúng ta: loại nhà nào con muốn xây cho Ta?

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TIẾNG NÓI CỦA SỰ THINH LẶNG

Sự gì phải đến sẽ đến.  Sự thinh lặng là điều tất nhiên phải đến với bất cứ ai.

Tôi đón chờ nó.  Thánh ý Chúa muốn vậy.
Tôi đón chờ bằng tâm tình tạ ơn.

Tôi tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho tôi.  Một trong những ơn tôi phải tạ ơn đặc biệt, đó là ơn sống đức tin.

Đức tin mà tôi đã lãnh nhận cũng giống đức tin Chúa ban cho mọi con cái Chúa.  Nhưng tôi sống đức tin ấy trong nhiều tình tiết khó khăn.  Những khó khăn ấy xem ra nhiều tín hữu cũng đã trải qua.  Nhưng họ không nói ra.

Nếu hôm nay, tôi nói ra đôi chút, thì thiết tưởng đó cũng là tiếng nói chung của sự thinh lặng.  Sự thinh lặng như một hiện diện làm chứng và hiệp thông của tôi và của nhiều người.

Nhìn lại con đường sống đức tin trong lòng Quê Hương và Hội Thánh, tôi thấy đức tin của tôi và của nhiều người đã mang mấy điều sau đây.

1. Một đức tin mang dấu ấn sự sợ hãi

Sự sợ hãi trong đời sống đức tin của nhiều người chúng tôi là một sự thật nên nói ra.  Bởi vì tin trong sợ hãi là điều xấu.

Ta hãy nhớ lại sự sợ hãi của Tiên tri Êlia.  Vì sợ bà hoàng hậu Ideven, Tiên tri Êlia đã đi trốn.  Ban đầu ông trốn vào sa mạc, rồi đi suốt 40 ngày đêm cho tới núi Khôrep.  Lúc thì ông ngủ dưới gốc cây, lúc thì ông ngủ trong hang (x. 1 V 19,3-9).  Êlia là tiên tri, mà còn sợ hãi đến mức đó.

Nếu cần thêm một minh chứng nữa về sự sợ hãi trong đức tin, chúng ta có thể nhìn lại các Tông đồ Chúa Giêsu.  Ở vườn cây dầu, khi thấy Thầy mình bị bắt, các ngài quá sợ, đã chạy thoát thân (x. Mc 14,50).  Sau khi Chúa phục sinh, các Tông đồ vẫn còn sợ.  Họ họp nhau trong phòng đóng kín cửa (x. Ga 20,19).

Còn chúng ta, khi gặp nhiều trường hợp khó khăn, có người như cảm thấy mất hết các điểm tựa quen thuộc.  Đức tin bấy giờ như chiếc xuồng nhỏ trôi giữa biển cả sóng cao gió mạnh.  Trong sợ hãi đức tin chúng tôi đã chỉ còn biết tìm về một mình Chúa mà thôi.  Và Chúa đã đến như Đấng Cứu Độ đầy tình thương xót.

2. Một đức tin mang dấu ấn sự đau khổ

Đức tin của chúng tôi không những đã trải qua nhiều sợ hãi, mà cũng đã nếm nhiều đau khổ.  Những đau khổ lớn nhất là do thử thách về sự vâng phục ý Chúa.

Để dễ hiểu khía cạnh này, chúng ta có thể nhắc đến trường hợp ông Abraham.  Ngài được Chúa dạy phải sát tế con mình là Isaac (x. St 22,1-19).  Một gương vâng lời nữa gây nhiều đau khổ là trường hợp Đức Mẹ Maria.  Mẹ vâng lời Chúa, nhưng vâng lời đó sẽ là một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ (x. Lc 2,35).

Vâng lời của nhiều người chúng tôi cũng đã gây nên những mất mát.  Chúng tôi vâng lời, mà không biết sự gì sẽ xảy ra, và mình sẽ được lợi gì.  Phép lành của Chúa không được hứa hẹn.  Cái hợp lý không xuất hiện với những lý luận tự nhiên.  Sự vâng lời như dồn mình tới tận cùng giới hạn sự am hiểu, mà mình cho là sáng suốt.

Nhưng khi đức tin chịu vâng phục ý Chúa với sự chấp nhận hy sinh, thì con người chúng tôi đã khám phá ra rằng: Đời sống đức tin không thể tách rời khỏi sự vâng phục ý Chúa.  Đó là một mầu nhiệm.  Chính ở điểm đó mà nhiều người chúng tôi mới trở thành chứng nhân âm thầm của đức tin.

3. Một đức tin mang dấu ấn sự cô đơn

Ngoài đau khổ và sợ hãi, đức tin của chúng tôi còn mang dấu ấn của sự cô đơn.

Hình ảnh sống động nhất về sự cô đơn là hình ảnh Chúa Giêsu trên Thánh giá.  Lời Người kêu thảm thiết: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34) diễn tả một sự cô đơn khủng khiếp.

Trong các người tin theo Chúa, không thiếu người đã trải qua những trường hợp cô đơn ghê sợ.  Hoài nghi tiếp nối hoài nghi.  Nhưng hoài nghi lại nuôi đức tin.  Rồi đức tin lại nở sinh những hoài nghi mới.  Con người sống đức tin như bị rơi vào con đường hầm tăm tối.  Họ cầu nguyện, nhưng cảm thấy quá khô khan.  Họ tìm Chúa, nhưng cảm thấy như Chúa vắng mặt.  Họ nhìn xung quanh xem có ai tin được, nhưng hình như mọi người đều dửng dưng xa tránh.

Nếu ai hỏi họ tại sao đức tin họ lại cô đơn, thì họ không cắt nghĩa được.  Và đó là cảnh cô đơn mênh mông rùng rợn.  Nếu hỏi họ cô đơn nào nguy hiểm nhất?  Thì đôi khi họ chỉ nói trống là: Từ nội bộ.  Và đó là sự nghịch lý chua chát, mà Thánh Gioan đã nói ngay ở đầu Phúc âm của Ngài (x. Ga 1,11).

Xã hội và Giáo hội là chiến trường giữa thiện và ác.  Khi não trạng coi trọng của cải danh vọng hơn đức tin đức ái phát triển mạnh ở đó, thì những ai đi ngược lại sẽ bị cô đơn.  Sự cô đơn của đức tin thường hay bén nhạy.  Nó cũng dễ đưa con người tới những suy tư về ý nghĩa cuộc đời và các biến cố.  Những suy tư như thế là cửa mở ra về cõi đời đời.

Với “Tiếng nói của sự thinh lặng” trên đây, tôi muốn nói lên cảm tưởng này của tôi là: Đức tin ví được như một viên ngọc quý Chúa ban.  Viên ngọc quý này sẽ phải được giữ gìn, và sẽ được sáng lên nhờ những thử thách.  Có nhiều thử thách, nhưng nên để ý nhiều hơn đến sợ hãi đau khổ và cô đơn.  Vì thế, việc mà Chúa muốn chúng ta thực hiện không phải là tránh được những thử thách đó.  Hành trình sống đức tin như thế sẽ phác họa lại lời Thánh Tông đồ Phaolô xưa:

“Kho tàng ấy, chúng ta lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.  Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.  Chúng tôi luôn mang trong thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống cũng biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,7-10).

Với nhận thức trên đây, tôi xin tạ ơn Chúa vì hành trình đức tin.  Dù trong thing lặng, hành trình ấy chính là những vượt qua, nhờ cuộc thương khó của Chúa Giêsu là mục tử nhân lành.  Người luôn ở trong đời sống chúng ta.

Xin âm thầm tạ ơn Chúa trong cõi thinh lặng.
Xin âm thầm tạ ơn Chúa với những người thinh lặng.

Gm. G.B. Bùi Tuần

TÌNH YÊU LÀ LẼ SỐNG

Đã có lần Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận từng nói với Bill Gate rằng: “Sự văn minh đích thực là không để ai ở lại phía sau”. Và Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng nói: “Sự văn minh đích thực là phục vụ sự sống”. Thế nhưng, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Một thế giới quá chênh lệch giầu nghèo. Một thế giới quá đề cao đồng tiền mà quên cả lương tri con người. Một thế giới lấy kinh tế làm đầu nên đã làm đảo lộn biết bao thuần phong mỹ tục, và những giá trị đạo đức truyền thống của các tiền nhân. Khoa học tiến bộ, nhưng đạo đức và phong hoá xuống cấp trầm trọng. Sự tiến bộ của khoa học dường như đang giúp sức cho sự dữ gia tăng. Khoa học tiến bộ đang phục vụ cho văn hoá sự chết hơn là phục vụ cho văn hoá sự sống. Người ta tìm muôn nghìn cách thức để lừa đảo, gian manh và truỵ lạc. Đứng trước viễn cảnh đen tối của xã hội hôm nay, Sĩ Phu Bắc Hà đã đúc kết thành bốn câu thơ:

Nhân phẩm từ đây giảm giá rồi
Chỉ còn lương thực tăng giá thôi
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực
Chân lý chân giò một giá thôi!

Một thế giới thượng vàng hạ cám đã làm lệch đi rất nhiều những giá trị của cuộc sống. Một thế giới xem ra những nghĩa cử yêu thương thật hiếm hoi. Đó chính là một thách đố cho người ky-tô hữu chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám sống triệt để giới răn mến Chúa yêu người giữa một xã hội loại trừ Thiên Chúa và thiếu thốn tình người hay không? Liệu rằng chúng ta có dám chịu thiệt thòi để người khác hưởng thụ trên lòng quảng đại của chúng ta hay không? Liệu rằng chúng ta có dám yêu người khi mà người ta đang chơi xấu, đang lợi dụng, đang làm hại chúng ta? Đây là một thách đố và cũng là đòi hỏi triệt để, vì căn tính của người môn đệ Chúa là “yêu mến tha nhân như chính mình”. Vì tình yêu là lẽ sống, là hơi thở của người ky-tô hữu. Không có tình yêu thì sức sống của người tín hữu đã không còn. Không có lòng quảng đại thì không còn là nhân chứng cho Tin mừng Nước Trời của Chúa. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà trong lòng vẫn còn thù ghét anh em của mình. Chúng ta phải vượt lên trên lòng ích kỷ, sự hẹp hòi của nhân thế để làm chứng cho một tình yêu nhân ái, bao dung và vị tha.

Đây chính là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng đến nỗi “dám chết cho người mình yêu”. Ngài đã chọn thập tự giá làm biểu tượng cho tình yêu tự hiến của mình. Với thanh dọc, Chúa chấp nhận cực hình để tôn vinh Chúa Cha. Với thanh ngang, Ngài muốn ôm trọn nhân loại trong tình thương của Chúa. Người ky-tô cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu khi chúng ta sống tôn vinh Chúa Cha, và yêu mến anh em như chính mình.

Chính tình yêu đó sẽ giúp chúng ta vượt thắng những tham lam bất chính, những thói hại người hại đời để tìm tư lợi riêng cho bản thân mà người đời vẫn đang sống. Có thể là người, chúng ta cần địa vị, cần danh vọng nhưng vì lòng yêu mến Chúa chúng ta không thể bán rẻ lương tậm, không làm hại đồng loại. Có thể chúng ta cũng cần của cải để sinh sống, nhưng vì Chúa, chúng ta biết sống quảng đại để mua lấy hạnh phúc Nước Trời. Có thể đồng loại, vẫn mưu toan làm hại chúng ta, nhưng vì Chúa chúng ta nhịn nhục và nhẫn nại với nhau trong yêu thương và tha thứ.

Như vậy, chỉ có ở trong tình yêu Chúa, chúng ta mới dám sống yêu thương đồng loại như chính mình. Chính nhờ tình yêu Chúa, sẽ giúp chúng ta trao ban sự sống sung mãn cho nhân thế qua những nghĩa cử yêu thương, bác ái và vị tha. Chính tình yêu đối với Chúa, sẽ giúp chúng ta sống nhân ái và bao dung với tha nhân là hình ảnh của Ngài.

Ước gì giữa một thế giới đang băng hoại về tình người, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của yêu thương, để sưởi ấm cho những ai đang cô đơn, thất vọng vì thiếu vắng tình thương, sự cảm thông và nâng đỡ của anh em. Ước gì giữa một thế giới đang bán rẻ lương tri, người ky-tô hữu hãy biết sống tôn trọng lẫn nhau, biết sống cho tình người cao quý, hơn là những của cải vật chất tầm thường. Ước gì người ky-tô hữu chúng ta, đừng vì danh lợi thú mà đánh mất nhân phẩm con người là hình ảnh Thiên Chúa. Ước gì giữa một xã hội mà chân lý bị vùi giập, chúng ta dám sống cho sự thật, cho dẫu rằng, có bị nghi kỵ, hiểu lầm, kết án và tẩy chay. Giữa một thế giới mà người ta có thể nhân danh quyền lợi của mình để giết hại người khác một cách phi nhân, ác đức, đặc biệt là các thai nhi vô tội, chúng ta hãy sống theo gương Thầy Giêsu dám chết cho người minh yêu, dám sống mình vì mọi người, và dám trở nên mọi sự cho mọi người như Thầy Giêsu.

Nguyện xin Chúa là tình yêu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim yêu thương của Chúa. Amen.

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền (Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

CHÚA CÓ THIÊN VỊ KHÔNG?

Chúa có thương một số người nào đó nhiều hơn những người khác không?  Chúa có thiên vị không?

Đây là vấn đề tranh cãi từ hàng thế kỷ nay: Liệu có một chủng tộc nào được Chúa chọn?  Có phải một số người nào được định trước sẽ lên thiên đường hay xuống địa ngục không?  Có phải Chúa thương người nghèo hơn người giàu?  Có phải Chúa thương người có tội hơn người ngay thẳng?  Có phải Chúa thương người trinh tiết hơn người lập gia đình?  Ít nhất là nhìn bề ngoài, có vẻ như thánh kinh nói rằng Chúa thương một số người hơn những người khác.  Nhưng có đúng như vậy không?

Khó mà trả lời được câu hỏi này, vì phần nào đó là một câu hỏi sai lầm.  Thông thường, bất cứ khi nào chúng ta dựng lên những kiểu đối lập như thế (Có phải Chúa thương người này hơn người kia?), thì chúng ta đang lập ra một lối đi trên một con đường sai:

Ví dụ, khi Chúa Giê-su nói cả thiên đàng vui mừng khi có một người trở lại hơn là vui với chín mươi chín người không cần hối cải; thì không phải Chúa khẳng định thương người có tội sâu đậm hơn người ngay thẳng.  Đối với Chúa Giê-su, khi nói trong hoàn cảnh cụ thể này, là không hề ngụ ý nói tới người ngay thẳng.  Chỉ đang nói với kẻ có tội (những người cảm thấy cần phải trở lại) và những người tự cho là mình ngay thẳng (những người có tội nhưng chưa hiểu mình cần ăn năn hối lỗi).  Hối cải, ít nhất trong bối cảnh đặc biệt này, không phải là một điều kiện tiên quyết cho đời sống Ki-tô hữu.  Không hề có ngụ ý về người ngay thẳng ở đây, chỉ những người có tội, và hành trình Ki-tô luôn luôn là một hành trình của trở lại, một sự quay về ràng, như đàn chiên quay về chuồng.  Chúng ta mở lòng ra để nhận tình thương yêu của Chúa bất cứ lúc nào chúng ta nhận ra điều đó.  Chúa thật sự thiên vị những kẻ có tội, nhưng những kẻ có tội bao gồm tất cả chúng ta.

Điều này cũng đúng đối với chuyện có phải Chúa thương người nghèo hơn người giàu hay không.  Một cách xác quyết, Giê-su nói rằng Chúa ưu ái người nghèo, nhưng như vậy có phải là Chúa thương người giàu ít đi không?

Thêm một lần nữa, chúng ta phải cẩn trọng trong cách chúng ta đặt những phạm trù này tương phản với nhau: nghèo tương phản với giàu.  Điều được khẳng định ở đây không phải là khi chúng ta nghèo thì Chúa thương chúng ta hơn so với khi chúng ta giàu.  Mà đúng hơn, ý ở đây là Chúa thương chúng ta trong cái nghèo nàn của chúng ta, và khi chúng ta chấp nhận mình nghèo thì dễ dàng mở lòng ra để được yêu thương và dễ dàng bày tỏ lòng biết ơn hơn.  Đối với Chúa Giê-su, chỉ có hai loại người: những người nghèo và những người chưa tiếp xúc với cái nghèo nàn của mình.  Và cũng không phải là Chúa thích chúng ta nghèo và thương chúng ta hơn khi chúng ta nghèo.  Mà đúng ra, chính là khi chúng ta nghèo và tiếp xúc với cái nghèo của mình thì chúng ta dễ dàng mở lòng ra với tình thương hơn, kể cả tình thương của Chúa lẫn tình thương của người khác.  Chúa thật sự thiên vị người nghèo, nhưng, giá như chúng ta hiểu đúng tình trạng của mình, rằng những người nghèo bao gồm tất cả chúng ta.

Nguyên tắc này cũng cần được áp dụng đối với các vấn đề chung quanh vấn đề thiêng liêng và vấn đề tình dục.  Có phải Chúa thương chúng ta hơn khi chúng ta chưa trọn vẹn về mặt tình dục so với khi trọn vẹn không?

Phúc âm nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su sinh ra từ một trinh nữ, được chôn trong một nấm mồ chưa từng chôn ai, và vì thế, chúng ta được mời gọi để có một trái tim trinh trắng.  Bởi điều này mà trên con đường thiêng liêng Ki-tô cũng như trong các truyền thống linh đạo của mọi tôn giáo lớn trên thế giới, từ xưa đến nay vẫn luôn luôn có một dòng tư tưởng cho rằng cách nào đó Chúa ban phước cho những ai sống đời độc thân hơn những người lập gia đình, rằng sự trinh trắng là tình trạng tinh thần được ưu ái hơn.  Có phải Chúa thương chúng ta hơn nếu chúng ta là những người trinh trắng?

Chúng ta lại phải cẩn trọng trong cách đặt những phạm trù này tương phản với nhau: trinh trắng và không trinh trắng.  Lời dặn ở đây là Chúa thương những gì là trinh trắng trong bản thân chúng ta.  Mối quan hệ tương phản ở đây không phải là giữa những ai ngủ một mình và những người không ngủ một mình, mà là giữa những người bảo vệ những gì trinh trắng trong bản thân, và những người không làm như vậy; giữa những người có thể đổ mồ hôi máu để tiếp tục chịu đựng căng thẳng khi sống mà không tuyệt đích thoả mãn (tất cả mọi loại) và những người không làm như vậy.  Chính khi chúng ta bảo vệ những gì trinh trắng trong bản thân và khi chúng ta không bỏ qua những giai điệu thầm kín chính đáng của cuộc sống vì những căng thẳng của mình là lúc chúng ta mở lòng ra hơn để tiếp nhận tình thương yêu, tình thương yêu của Chúa và tình thương yêu của con người.

Chúa thật sự thiên vị những người trinh trắng, nhưng, nếu chúng ta sống với lòng khiêm cung và nhẫn nại đúng mực, thì những người trinh trắng đó gồm tất cả chúng ta.

Cũng có thể nói như vậy về việc Chúa Giê-su trân trọng trẻ con như những con người lý tưởng.  Không phải Người dạy rằng Chúa thương trẻ con hơn người lớn.  Sự tương phản này không phải là giữa trẻ con và người lớn, mà là giữa những ai, giống như trẻ con, biết họ cần được giúp đỡ, và những người vì kiêu căng hay vì tổn thương đã không còn thừa nhận họ cần Chúa hay cần ai khác.  Chính khi chúng ta thừa nhận sự thật sâu xa rằng chúng ta không thể tự mình mà đầy đủ thì chúng ta mới mở lòng ra để Chúa và người khác ưu ái.  Chúa thật sự thiên vị những ai giống như trẻ con, nhưng, hy vọng là trẻ con bao gồm tất cả chúng ta.

Chúa có đối xử thiên vị hay không?  Có, nhưng không phải là giữa những người khác nhau, mà là giữa những trạng thái khác nhau trong chính tâm hồn chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HÌNH AI ĐÂY?

Mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài có lý trí, có ý chí.  Có lý trí để hiểu biết và có tâm tình để yêu mến.  Trước khi dựng nên loài người, Thiên Chúa phán: “Ta hãy dựng nên con người như hình ảnh Ta và giống Ta… và Thiên Chúa đã thực hiện dự định ấy: Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa.”  Cái hình ảnh ấy con người mang trong mình từ khi được thụ thai trong lòng mẹ, con người có những đức tính giống Thiên Chúa, nếu mỗi ngày biết trau dồi phát triển thêm, thì con người càng trở nên giống Chúa hơn.  Tư tưởng ấy Chúa Kitô đã nhắc lại cho chúng ta hôm nay trong dịp tranh luận với nhóm Pharisêu.

Chúa là sự thật hiện thân, là chân lý vĩnh cửu, nên Ngài rất ghét những kẻ giả hình: bề ngoài thơn thớt nói cười mà bề trong nham hiểm giết người không gươm.  Họ định đến gài bẫy để bắt lỗi Chúa thế mà họ chỉ dùng toàn những lời tâng bốc xu nịnh: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật… chẳng vị nể ai…”  Chúa không thể chịu được cái giọng dối trá ấy, vì đối với Ngài thì “có phải nói là có, không thì nói là không, còn những cái quá trớn đều là xấu xa.”  Vì không thể chịu được nên Chúa đã phải gọi họ là bọn giả hình, và Ngài đã cho họ biết những mánh lới quỷ quyệt của họ không làm gì nổi Ngài.  Chúa bảo họ cho Ngài xem một đồng tiền vẫn đóng thuế.  Thời ấy ở Palestine, dân chúng tiêu dùng hai thứ tiền: khi đóng thuế vào đền thờ thì bắt buộc phải dùng tiền Do Thái, bởi vì theo luật Do Thái, không một hình ảnh sinh vật nào được đưa vào khu vực đền thờ, mà tiền ngoại quốc lại thường có hình người hay vật, còn tiền Do Thái chỉ có số và niên hiệu mà không có hình ảnh gì.  Trái lại, khi nộp thuế cho chính phủ bảo hộ thì phải dùng tiền Rôma, tiền của Xêda.  Ai đổi lấy tiền ấy, tức là bằng lòng đóng thuế.  Chúa bảo đưa Chúa xem không phải là Chúa không biết thứ tiền ấy, mà Ngài chỉ muốn đưa họ vào chính cái bẫy mà họ đã gài định mưu hại Chúa.  Nghĩa là Chúa làm cho họ thú nhận bằng lời nói và việc làm rằng họ muốn hay ít nữa bằng lòng đóng thuế cho Xêda rồi.  Chúa sẽ không trả lời câu họ hỏi có nên hay không nên nộp thuế mà Ngài chỉ nói: “Của Xêda thì trả về Xêda”, nghĩa là các ông đã có tiền của Xêda tức là các ông đã sẵn sàng đóng thuế cho Xêda rồi, còn hỏi làm gì nữa?  Hãy đưa cái của nợ ấy mà hoàn lại cho Xêda, thế là xong.  Câu trả lời của Chúa còn bao hàm một ý nghĩa về quyền lợi của chính phủ hay chính quyền hợp pháp, “Quyền hành hợp pháp là do Thiên Chúa.”

Thánh Phaolô đã viết như thế cho giáo đoàn Rôma và Ngài còn thêm: “Những gì ta nợ ai thì phải trả cho người ấy”, mắc sưu thì trả sưu, mắc thuế thì trả thuế, mắc tôn trọng thì trả tôn trọng, mắc yêu mến thì trả yêu mến.  Những cái đó cũng là những món nợ: nợ vật chất và tinh thần.  Chúng ta phải thanh toán tất cả những món nợ ấy với những ai có quyền đòi hỏi ở chúng ta.  Nhưng không phải chúng ta chỉ nợ nhau, nợ loài người mà thôi, mà còn nợ cả Thiên Chúa nữa.  Để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng, Chúa Giêsu đã không ngần ngại thêm: “Và hãy trả về Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.”  Chúng ta nợ Chúa những gì?  Chúng ta nợ tất cả.  Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Ngươi có cái chi mà ngươi đã không nhận được?  Nếu ngươi đã nhận được ở chỗ khác thì sao lại hãnh diện như là không.”  Ngoài những đức tính, những khả năng tự nhiên của bản tính loài người: linh hồn, lý trí, ý chí, những cái chúng ta nhận được khi thụ thai, những cái làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa một phần nào, Chúa còn in vào trong tâm hồn chúng ta, trao cho chúng ta nhiều hình ảnh, nhiều vốn khác nữa.

Lúc chịu phép rửa tội, Chúa đã in vào trong tâm hồn chúng ta một hình ảnh Con Chúa, hình ảnh Chúa Kitô, một hình ảnh thật tốt, không thể tẩy xoá đi được, nhưng chưa được rõ lắm.  Không những chúng ta có nhiệm vụ bảo tồn hình ảnh ấy được nguyên vẹn, mà chúng ta còn có bổn phận tô điểm bức ảnh ấy cho thêm rõ ràng, tươi đẹp.  Hình ảnh ấy không thể chỉ là bức hoạt họa hay hí họa.  Bức họat họa chỉ làm trò cười cho thiên hạ thôi.  Bức hình ấy phải là bức ảnh truyền thần tô mầu, đúng chân dung Chúa Kitô: Chúa là Đấng đáng yêu mến, quý trọng… thì hình ảnh của Ngài cũng phải gợi lên được những tâm tình ấy, nghĩa là chúng ta phải làm thế nào để người khác trông vào nơi chúng ta là hình ảnh của Chúa, họ phải cảm thấy sự đáng yêu mến quý trọng của Ngài, nếu không, chúng ta chỉ là bức hí họa của Chúa.

Những người mới tập vẽ hay những họa sĩ kém khi vẽ một bức chân dung xong, cho dù cố gắng mấy vẫn còn phải đề tên người được vẽ ở dưới, không thì người xem bức hình ấy sẽ không biết là ai.  “Hình này là hình ai đây?”  Câu ấy có thể là một câu mà Chúa muốn đặt ra cho chúng ta chăng?  Có biết bao tín hữu đều là những bức hình cần phải đề tên rõ ở dưới, nghĩa là nếu không có một mẫu ảnh, một tấm áo hay một huy hiệu nào trên người họ thì người khác không thể biết được họ là tín hữu.  Trên cổ họ có lẽ lúc nào cũng cần phải đeo một tấm bảng nhỏ ghi: “Đây là một tín hữu”, bởi vì họ không mang trên mình họ, trong con người họ, trong tư tưởng, trong lời nói, trong hành động của họ một nét nào là nét Chúa nữa.

Hôm nay, Chúa đòi và mong muốn chúng ta sẽ mang lại cho Chúa hình ảnh mà Chúa đã trao cho chúng ta khi chúng ta được thụ thai cũng như khi chúng ta chịu phép rửa tội, và không những chỉ một hình ảnh y nguyên như lúc chúng ta nhận được nơi Chúa, mà còn phải là một hình ảnh đẹp gấp bội nữa, bởi vì nén vàng nén bạc trao cho chúng ta cần phải sinh lời ra nữa, bức hình trao cho chúng ta cần phải tô điểm thêm nữa.  “Hình ai đây?”  Hằng ngày chúng ta hãy tự cảnh tỉnh mình như thế: tôi làm việc này, tôi nghĩ ngợi như thế, tôi ăn nói như vậy có giống Chúa không?  Hành động này, tư tưởng ấy, lời nói kia là hình ảnh ai đó?  Chúa hay Xêda?  Hãy trả ngay cho Xêda những gì là của Xêda.  Và nhất là hãy giữ lại để trao về cho Chúa những gì là của Chúa.

Sưu tầm

THEO ĐẠO NHỜ GƯƠNG SÁNG

Trong bộ phim Tiểu Sử Thánh Têrêxa thành Lisieux đạo diễn đã chọn nữ diễn viên Lindsay Younce thủ vai Têrêxa.  Điều đáng nói là sau khi hoàn thành bộ phim, nữ diễn viên ngoại đạo này đã xin theo đạo Công Giáo.

Cô nói: “Quá trình trở lại đạo công giáo của tôi đã bắt đầu ngay trước lúc tôi khởi sự cuốn phim, tuy nhiên tôi đã đợi cho xong phim rồi mới hòan thành quá trình đó.  Tôi nghĩ rằng việc được biết thánh Têrêxa đã dẫn tôi tới nhiều khía cạnh của đức tin công giáo mà tôi chưa được làm quen, đặc biệt là niềm vui phát sinh từ đau khổ khi bạn dâng nó lên Thiên Chúa như một của lễ.  Bạn xin cho được đau khổ, bạn thấy vui trong đau khổ và đó có thể là những điều nhỏ mọn mà bạn tiến dâng lên mỗi ngày.

Điều mà cô cảm phục chính là thái độ sống nhịn nhục và phục vụ ân cần của thánh Têrêxa với nữ tu già Augustine.  Một người nữ tu rất khó thương, thế mà thánh nữ vẫn yêu thương và biến hành vi ấy thành của lễ cứu độ trần gian để rồi thánh nữ đã có thể nói: “Nếu có tình yêu thì dù cúi xuống nhặt một cái kim cũng đủ cứu độ thế giới.  Và ngài cũng nói: “ơn gọi của ngài là tình yêu.

Ở đời người ta rất cần gương sáng.  Gương sáng của người vợ có thể biến đổi người chồng nghiện ngập sa đọa thay đổi đời sống.  Gương sáng của cha mẹ sẽ dẫn dắt con cái đi trong chân thiện mỹ.  Gương sáng của người tín hữu có thể biến đổi người lương dân và giúp họ đón nhận tin mừng.

Nữ diễn viên Younce đã được ơn theo đạo Công Giáo nhờ đọc tiểu sử và nhập vai thánh Têrêxa, và có lẽ đời sống của chúng ta nếu sống đúng tinh thần Kitô hữu là sống cho tình yêu thì chắc chắn sẽ mang về cho Chúa biết bao linh hồn.

Nhưng đáng tiếc, vì cuộc sống phản chứng của chúng ta đã khiến bao người lương dân ngã lòng, thất vọng khi chúng ta sống thiếu công bình, bác ái, yêu thương.  Đôi khi chúng ta còn gây nên những bất đồng, khổ đau cho tha nhân như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã từng đại diện cho toàn thể Giáo hội xin lỗi anh em lương dân vì đời sống phản chứng Tin Mừng.

Hôm nay lễ khánh nhật truyền giáo là dịp cho chúng ta xác định ơn gọi của chúng ta là truyền giáo.  Giáo hội Chúa Kitô thiết lập để sai đi truyền giáo.  Người Kitô hữu là chi thể của Giáo hội cũng phải biết cộng tác vào chương trình truyền giáo theo khả năng và hoàn cảnh của mình.  Mỗi người có thể là tay chân, là môi miệng, là mắt, là tai… đều phải tỏa sáng Tin mừng trong khả năng của mình.

Có thể bạn là người nghèo thì hãy sống khó nghèo, đừng vì nghèo mà sinh đạo tặc hay sống xa lánh Giáo hội.  Hãy làm chứng cho thế giới biết rằng cuộc đời chỉ là một hành trình tiến về thiên quốc là nơi không còn đau khổ bởi đói, bởi hận thù chiến tranh, thế nên chúng ta hãy tin tưởng và bước đi trong hoàn cảnh của mình.

Có thể bạn là người giầu có, quyền thế hãy biết tận dụng ơn huệ Chúa ban để tôn vinh Chúa qua đời sống chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh.

Có thể bạn là người bệnh tật, hay già nua, hãy dâng nỗi đau phần xác của mình để cầu nguyện cho Giáo hội, hãy cầu cho Giáo hội của Chúa có nhiều thợ lành nghề để mở mang Nước Chúa.

Có thể bạn là người khỏe mạnh, hãy cảm tạ Chúa bằng chính đời sống dấn thân cho Tin Mừng tùy theo khả năng của mình.

Người ta nói rằng bạn chỉ có thể làm gương sáng nếu biết đặt tình yêu vào công việc của mình.  Không có tình yêu sẽ không có những nghĩa cử đẹp cho đời.  Không có tình yêu chúng ta sẽ biến môi trường sống của mình thành một sa mạc khô cằn.  Chỉ có trong tình yêu chúng ta mới hết lòng quan tâm, chia sẻ và làm điều gì đó cho tha nhân.

Ước gì chúng ta luôn biết yêu mến Giáo hội, yêu mến công việc của Giáo hội để tùy theo hoàn cảnh chúng ta trở thành chứng nhân cho Nước Chúa.  Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền