ĐẤU TRANH ĐỂ CÓ LỜI CHÚC LÀNH CỦA CHA

Khi học cấp hai, chúng tôi phải học thuộc lòng một số bài thơ của William Blake.  Chúng tôi chẳng hiểu gì nhiều nhưng chúng có vần điệu quá hay, lại dễ nhớ nên nó vẫn còn trong đầu tôi đến ngày hôm nay.

Một trong các bài thơ đó có bài Nỗi buồn Trẻ con:

Mẹ tôi rên rỉ!  Cha tôi khóc.
Tôi lao vào thế giới hiểm nguy này.
Bất lực, trần truồng, khóc ầm ĩ
Như con quỷ núp trong bóng mây

Vùng vẫy trong tay cha
Giãy đạp phá lớp tã
Mệt và nản, thôi tôi nghĩ tốt nhất
Nên làm nũng trên ngực mẹ cho rồi.

Tất cả mọi quyển sách về nhân loại học, tâm lý học, và thiêng liêng có thể tóm trong bài thơ này: chúng ta đấu tranh để được cha chúc phúc, vui buồn lẫn lộn khi bị xa mẹ, lòng quặn thắt, sự trầm cảm không thể tránh khỏi khi trưởng thành, và tác động của nó trên đời sống tinh thần của chúng ta.  Chỉ vài chữ ẩn dưới vài câu vần điệu đơn giản, Blake đã nắm trọn vấn đề; nhưng, như đã thú nhận, lúc còn nhỏ dù có học thuộc lòng, tôi cũng không thấy được chút gì trong đó cả.

Vài năm về trước, sau một buổi giảng lễ, tôi nhớ lại bài thơ này.  Phúc Âm Chúa Nhật hôm đó nói về phép rửa của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đến sông Jordan để thánh Gioan làm phép rửa.  Thánh Gioan nhận Ngài xuống nước, và khi ra khỏi mặt nước (hình ảnh của sự sinh ra đời), thì trời mở ra, và tiếng Chúa Cha phán: “Này là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con!”

Điểm mà tôi nhắm đến trong bài giảng hôm đó khá thẳng thắn: Tôi chỉ đơn giản nói là khi chúng ta được rửa tội, Chúa Cha cũng nói những lời như thế với mỗi người chúng ta: “Này là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con!”  Bài giảng của tôi như thế là bảo đảm về ngôn từ, nhưng không phải.  Ngay sau khi lễ kết thúc, một thanh niên đến gặp tôi, bực dọc và tỏ ra rất khó chịu về bài giảng của tôi.  Anh chia sẻ, anh vừa được bảo lãnh tại ngoại, và đang chờ tuyên án.  Anh đi lễ Chúa Nhật hôm đó để cố chuẩn bị sẵn sàng đối diện với những gì sắp đến, nhưng tác dụng của buổi lễ lại đi ngược với hy vọng của anh.  Nó làm anh thêm tức giận và kích động, đặc biệt là bài giảng của tôi.  Và anh trình bày sự thất vọng của mình như sau: “Tôi ghét bài giảng của cha vì nó không thật!  Chưa có ai hài lòng về các việc tôi làm, nhất là cha tôi!”

Không có gì ngẫu nhiên khi chàng trai này sắp vào tù; anh không được cha anh chúc phúc.  Cũng như nhân vật trong bài thơ của Blake, anh “vùng vẫy” trong tay cha mình.  Cha anh, không như Thiên Chúa, không như Chúa Cha, không bao giờ chúc lành cho anh, có nghĩa là không bao giờ hiện diện đủ hay thực sự quan tâm đến anh, và ông cũng không đủ khả năng để vui mừng trước nhân cách và năng lực của đứa con trai, do đó anh không phải là một mối lo, cũng chẳng là nỗi thất vọng của ông.  Về căn bản, người con trai này chưa bao giờ là nguồn vui chính cho người cha, và đó là một thiếu thốn đau lòng.

Thèm khát được người cha chúc phúc có lẽ là nỗi thèm khát sâu đậm nhất của thế giới ngày nay.  Ngày nay, câu này đúng cả về mặt thiêng liêng lẫn nhân bản, và sự thật này quá hiển nhiên, bằng chứng là chúng ta thấy rõ nơi ngôn ngữ cơ thể của mọi người, đặc biệt là ở nam giới khi được nghe nhắc về điều này.

Và điều gì xảy ra khi chúng ta không được cha mình chúc lành đủ?  Gần như các hệ quả của nó nằm ẩn dưới bề mặt và không quy lỗi cho người cha, trừ khi người ta đạt đến ở một mức độ ý thức nào đó và nhận ra mình bị thương tổn đến chừng nào.  Đa phần sự thiếu vắng lời chúc lành của người cha chưa được cảm nhận rõ, một cơn khát, một quặn thắt tâm hồn, thiếu niềm vui, một cảm nhận mình chưa bao giờ đủ tốt.  Cảm giác này thường biểu lộ qua sự giận dữ, không tin tưởng bậc thẩm quyền, và ở một tình trạng khủng hoảng nhẹ thường đưa con người đến các hình thức khác nhau của trầm cảm, ám ảnh về thành tựu, và cả tình dục, thứ có vẻ là thuốc chữa bá bệnh cho họ.  Nó cũng có thể có một tác động tiêu cực nghiêm trọng về mặt tôn giáo.  Theo tư tưởng của Freud có một tiền đề cho rằng phần lớn những cơn giận dữ trút xuống thể chế tôn giáo chính là cơn giận nhắm đến người cha hay những người đóng vai trò người cha trong đời bạn.  Điều này giúp giải thích tại sao quá nhiều người có ít hoặc chẳng có bất kỳ một mối liên hệ ý nghĩa nào với các tôn giáo có tổ chức, lại nổi cơn giận dữ với tôn giáo và các giáo hội.

Vậy giải pháp là gì?  Làm sao đẩy cơn quặn thắt tâm can này ra khỏi tâm hồn chúng ta, nếu như chúng ta không được cha mình chúc lành cho đủ?

Linh đạo Kitô giáo dạy chúng ta phải đón nhận bằng cách trao ban.  Như lời Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô, khi cho là lúc nhận.  Chúng ta không thể tự làm cho mình hạnh phúc, nhưng có thể làm cho người khác hạnh phúc.  Do đó, chúng ta không thể buộc bất kỳ ai chúc phúc cho mình, nhưng chúng ta có thể chúc phúc cho người khác.  Sự viên mãn và hạnh phúc nằm ở đó.  Nói một cách đơn giản, khi hành động như Thiên Chúa, chúng ta bắt đầu cảm nhận như Thiên Chúa… và Thiên Chúa không bao giờ phải khốn khổ vì giận dữ và khủng hoảng như thế.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN

Thiên Chúa có hiện hữu không?  Nếu có, tại sao Ngài dửng dưng với nỗi thống khổ của con người?  Đó là câu hỏi nhiều người thường đặt ra, khi đối diện với đau khổ thử thách trong cuộc đời.  Không dễ đưa ra một câu trả lời cho câu hỏi trên.  Đau khổ là một thực tại gắn liền với cuộc sống con người.  Dù cao sang giàu có đến mấy, con người ta không tránh khỏi đau khổ.  Nếu thoát khỏi đau khổ do thiếu thốn vật chất, thì lại vướng vào đau khổ về tinh thần.  Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa luôn hiện diện giữa con người và Ngài sẽ ra tay cứu giúp họ vào lúc Ngài muốn.

Chúng ta còn nhớ rõ buổi chiều ngày 27-3-2020, khi đại dịch Covid-19 đang lên đến đỉnh điểm tại châu Âu và châu Mỹ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự một buổi cầu nguyện chưa từng có trong lịch sử.  Tại quảng trường thánh Phêrô, trong thời tiết mưa và lạnh của Rôma, chỉ mình Đức Thánh Cha với mấy người phụ tá hiện diện.  Đức Thánh Cha đã cùng với cả thế giới Công giáo cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt.  Một buổi cầu nguyện đầy cảm xúc.  Trong giờ cầu nguyện này, Bài Tin mừng theo Thánh Máccô được đọc lên để diễn tả bối cảnh thế giới.  Đức Giêsu ở trên thuyền với các môn đệ.  Bão ập đến.  Chúa đang ngủ.  Các môn đệ kinh hãi kêu với Chúa: chúng con chết mất!  Chúa Giêsu đã dẹp yên bão tố bằng một lời ra lệnh.  Biển trở lại an bình.  Diễn giải Lời Chúa, Đức Thánh Cha trấn an chúng ta: Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện với nhân loại đang gánh chịu đại họa do dịch bệnh.  Như Người ở trên cùng một chiếc thuyền với các môn đệ, nay Chúa cũng đang hiện diện giữa chúng ta.  Sau khi truyền lệnh cho sóng gió và biển yên lặng, Chúa quở trách các môn đệ: “Sao nhát thế! Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”  Từ bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi thế giới hãy tin tưởng vào Chúa, hãy liên đới với nhau trong lúc hoạn nạn và chắc chắn Chúa sẽ giải cứu chúng ta.

Trong truyền thống của một số nền văn hoá cổ xưa, biển là quyền lực của sự dữ.  Biển cũng như một quái vật, nuốt chửng vào lòng những nạn nhân bị đắm tàu thuyền hay đuối nước.  Qua mạc khải của Thánh Kinh, Thiên Chúa quyền năng thống trị biển.  Ngài ra lệnh cho chúng và chúng phải vâng phục.  Điều này được thể hiện trong Bài đọc thứ nhất trích sách ông Gióp: “Ta phán: ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa.”  Thiên Chúa cũng điều khiển mọi thế lực hùng mạnh mà con người thường tôn thờ như các thần linh.  Thánh vịnh 106 được chọn làm Đáp ca trong thánh lễ cũng diễn tả ý tưởng này.  Nội dung Thánh vịnh làm cho ta liên tưởng tới câu chuyện ngôn sứ Giôna: ông đi tàu thuỷ sang một hướng khác để trốn khỏi lệnh truyền của Chúa sai ông đi Ninivê.  Bão tố đã nổi lên và biển chỉ yên lặng khi thuỷ thủ ném ông Giôna xuống biển.  Qua sự kiện này, quyền năng của Thiên Chúa thể hiện, khiến người ngoại tôn vinh và thờ lạy Ngài.

Đại dịch Covid-19 đã hoành hành thế giới từ 2 năm nay. Đ ại dịch ấy chắc chắn sẽ kết thúc, nhờ nỗ lực cố gắng của con người.  Người tín hữu chúng ta tin rằng Thiên Chúa tác động qua các nhà chuyên môn để nghiên cứu ra những loại thuốc phòng chống và chữa trị dịch bệnh.  Dịch bệnh sẽ hết, cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục và như thế sóng gió bão táp vẫn vây bủa cuộc sống của chúng ta.  Thực vậy, đời sống con người được sánh ví như một cuộc vượt biển.  Trong cuộc vượt biển này, có biết bao sóng gió thử thách vây bọc chúng ta.  Có những lúc chúng ta cảm thấy như Chúa vắng bóng trong cuộc đời, giống như các môn đệ kêu van với Chúa: “Thày ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”  Khi kêu lên những lời đó, các ông nghĩ rằng Chúa đang ngủ và bỏ rơi các ông.  Tuy vậy, vào lúc các ông đang gặp gian nguy, Chúa đã can thiệp.  Biển trở lại an bình, và niềm vui cũng trở lai với mọi người.

Thiên Chúa không dửng dưng trước nỗi thống khổ của con người.  Bằng chứng là Ngài đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người và chịu khổ hình vì chúng ta.  Phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi thử thách gian nan, đó là lời khuyên của Thánh Phaolô với giáo dân Côrintô.  Thánh Phaolô đã đạt tới sự viên mãn của Đức tin, khi khẳng định: “Từ đây, chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người” (Bài đọc II).  Tin vào Chúa Giêsu là đoạn tuyệt với quá khứ, cũng là thay đổi quan niệm về Người, để nên giống Người trong suy nghĩ cũng như trong hành động hàng ngày. Đó là lý tưởng của đời sống Kitô hữu chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

LÀM SAO ĐỂ TÌM KIẾM THIÊN CHÚA?

Chúng ta rất dễ hiểu lầm điều này.  Chúng ta luôn mãi tìm kiếm Thiên Chúa, dù cho hầu hết không nhận ra như thế.  Thường thì chúng ta nghĩ tìm kiếm Thiên Chúa là cuộc tìm kiếm có ý thức về mặt tôn giáo, một việc mà chúng ta làm theo khía cạnh tâm linh cuộc sống của mình.  Chúng ta có khuynh hướng nghĩ như sau: Tôi có cuộc sống bình thường và có những mưu cầu của tôi, và nếu có lòng, tôi sẽ thực hiện sự mưu cầu về tôn giáo và tâm linh qua cầu nguyện, suy niệm và giữ đạo để có thể biết Thiên Chúa.  Đáng tiếc thay, đây là một hiểu lầm tai hại.  Cuộc truy cầu bình thường của chúng ta để tìm kiếm ý nghĩa, sự viên mãn, và thậm chí là khoái lạc, thật ra đều là cuộc truy cầu Thiên Chúa.

Trong cuộc đời, chúng ta tự nhiên tìm kiếm những gì?  Theo lẽ tự nhiên, chúng ta tìm kiếm ý nghĩa, tình yêu, người tri kỷ, tình bạn, tình cảm, viên mãn tình dục, tầm quan trọng, sự công nhận, kiến thức, sáng tạo, vui chơi, hài hước và hoan lạc.  Tuy nhiên, chúng ta lại thường không xem những mưu cầu này là tìm kiếm Thiên Chúa.  Khi mưu cầu những thứ này, chúng ta hiếm khi xem chúng là cách để tìm kiếm Thiên Chúa.  Chúng ta nghĩ mình đơn giản chỉ đang tìm kiếm hạnh phúc, ý nghĩa, sự viên mãn và hoan lạc, và cuộc tìm kiếm Thiên Chúa là một việc phải thực hiện theo cách khác, và phải được thực hiện qua những việc thực hành tôn giáo rõ ràng.

Đâu phải chỉ mình chúng ta nghĩ vậy.  Chuyện này đã tồn tại từ xưa rồi.  Như Thánh Âugutinô đã phải đấu tranh với chuyện này, cho đến một ngày, ngài mới nhận ra.  Là người nhiệt thành truy cầu, Thánh Âugutinô dành 24 năm đầu đời để truy cầu những thứ của trần thế: học tập, ý nghĩa cuộc sống, yêu đương, tình dục, và một sự nghiệp đáng trọng.  Tuy nhiên, trước cả khi trở lại đạo, trong lòng ngài vẫn có một khát khao hướng về Thiên Chúa và những gì thiêng liêng.  Nhưng, cũng như chúng ta, ngài lại xem đó là một khát khao tách biệt với những khát khao của ngài đối với trần thế.  Chỉ sau khi trở lại, ngài mới nhận ra được một điều.  Và đây là những lời trứ danh của ngài để mô tả điều ngài đã cảm nghiệm:

“Con đã yêu Ngài quá muộn màng, ôi Vẻ Đẹp muôn đời ban sơ, muôn đời mới mẻ, con đã yêu Ngài quá muộn màng!  Ngài đã ở trong con, nhưng con lại ở ngoài, và con lại tìm kiếm Ngài bên ngoài.  Khi mình chẳng đáng mến, con lao vào những thứ đáng mến mà Ngài tạo dựng.  Ngài đã ở với con, mà con chẳng ở với Ngài…  Ngài đã gọi, đã hét, đã phá tan sự điếc đặc của con.  Ngài làm chớp lòa, chói sáng và phá tan sự mù tối của con.”

Đây là lời thừa nhận thành thật, Thánh Âugutinô đã sống nhiều năm không yêu mến Thiên Chúa, nhưng đó cũng là lời thừa nhận, trong những năm tháng đó, ngài đã hiểu lầm một điều và chính điều đó dẫn đến thất bại của ngài.  Hiểu lầm đó là gì?

Đọc lời tự thú của ngài, chúng ta thường tập trung vào phần đầu, là việc ngài nhận ra rằng Thiên Chúa ở trong ngài bấy lâu nay mà ngài lại không ở trong chính mình.  Đây cũng là đấu tranh triền miên của chúng ta.  Nhưng trong lời tự thú này và trong cuộc đấu tranh triền miên của chúng ta, có một điều khó thấy hơn, chính là việc ngài công nhận rằng trong bao nhiêu năm tháng đó, khi ngài tìm kiếm đời sống trần thế, một cuộc tìm kiếm mà ngài từng xem là chẳng liên quan gì đến việc tìm kiếm Thiên Chúa, thật ra ngài đã tìm kiếm Chúa rồi.  Điều ngài tìm kiếm bao năm qua nơi những sự trần tục và khoái lạc, thật ra chính là tìm kiếm chính Thiên Chúa.  Thật vậy, lời tự thú của ngài có thể được viết lại như thế này.

Muộn, con đã yêu Ngài quá muộn màng, bởi con chẳng ở trong bản thân khi mà Ngài luôn ở trong con, con chẳng biết khi tìm kiếm trong thế trần là con đang tìm Ngài.  Con chưa hề nghĩ cuộc tìm kiếm đó liên quan gì đến Ngài.  Con cứ nghĩ không phải con tìm kiếm Ngài, mà là con tìm kiếm những gì đem lại cho con ý nghĩa, tình yêu, tầm quan trọng, sự viên mãn tình dục, kiến thức, hoan lạc và sự nghiệp.  Con chưa hề nghĩ khát khao của con với những thứ này có liên hệ với khát khao hướng về Ngài.  Con chẳng biết rằng mọi thứ con theo đuổi, mọi thứ con dốc mình, đều có sẵn trong con, trong Ngài.  Muộn quá, con đã hiểu Ngài quá muộn màng.  Muộn quá, con đã quá muộn để hiểu ra rằng điều con quá khát khao và dốc mình lại ở trong Ngài.  Bao năm qua, con chưa hề nghĩ những khắc khoải, sự vị kỷ và mưu cầu khoái lạc của con lại có liên hệ gì đến Ngài.  Mọi việc con dốc mình lại đang ở trong Ngài và Ngài ở trong con.  Muộn quá, con đã nhận ra quá muộn màng.

“Chúng ta được bắn vào cuộc đời với sự điên cuồng của các vị thần.”  Các nhà khắc kỷ Hy Lạp nhìn nhận như thế.  Họ đã đúng.  Cả cuộc đời chúng ta đơn giản chỉ là cuộc tìm kiếm để phản ứng với sự điên cuồng thần thánh trong chúng ta, một sự điên cuồng mà các Kitô hữu đồng nhất với những khát khao vô tận của linh hồn.  Với những khát khao này, như Thánh Âugutinô chúng ta lao vào thế trần tìm kiếm ý nghĩa, tình yêu, tri kỷ, tình bạn, tình cảm, sự viên mãn tình dục, tầm quan trọng, sự công nhận, kiến thức, sự sáng tạo, và hoan lạc.  Mà có lẽ còn hơn cả những truy cầu tôn giáo rõ ràng của chúng ta, cuộc truy cầu trần thế đó thật sự chính là cuộc truy cầu Thiên Chúa.

Mong chúng ta sớm nhận ra điều này, để không phải viết: “Con yêu Ngài quá muộn màng!”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

MÁU CÙNG NƯỚC CHẢY RA

Status

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn.  Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.  Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu.  Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.  Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.  Tức thì, máu cùng nước chảy ra.  Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.  Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.  Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu.  Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí.  Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân, trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em.  Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ.

Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu, nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất, chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua, khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.  Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn, khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá.  Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên.  Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c.35).

Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản.  Người Do thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống, vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát, cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm.  Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa.  “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.  Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34).

Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết?  Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy?  Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này, và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra, đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng.

Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy, hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.  Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu.  Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.  Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây.  “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).  Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).

Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ.  Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1, 29. 36).  Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53, 7).  Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).

Lễ Thánh Tâm cũng là ngày thánh hóa các linh mục.  Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu, trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai, trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.

*****************************************

Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người.  Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.  Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.  Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.  Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

VƯƠNG QUỐC VÀ GIÁO HỘI

Một ngày kia, bé Sharon, năm tuổi, đến thăm bà ngoại.  Trong cuộc thăm viếng này, bà đã cho cháu một trái dưa leo lớn nằm trong lọ thuỷ tinh.

Bé Sharon rất ngạc nhiên và hỏi: “Ngoại ơi, làm sao trái dưa leo lọt được vào cái chai qua cái miệng nhỏ xíu này?”  Bà ngoại mỉm cười và nói:

“Cháu ơi, nếu bà nói cho cháu nghe bí mật này ngay lập tức, nó sẽ làm hư một bí mật lớn hơn mà bà muốn nói cho cháu nghe sau này.  Hãy suy nghĩ một chút xíu đi.

“Bà biết là cháu sẽ tìm ra câu trả lời.  Và lúc đó, bà sẽ nói cho cháu biết một bí mật lớn hơn.”

Khoảng một tuần sau, bé Sharon thơ thẩn hái bông trong khu vườn của bà ngoại.  Bỗng dưng, nó thấy một cái chai mà trong đó bà ngoại đã nhét vào một nhánh nhỏ với trái dưa leo chút xíu.  Bây giờ nó đã hiểu cách bà ngoại nó làm: bà nhét dưa leo vào cái chai khi nó còn nhỏ và để nó lớn lên ở trong đó.  Nó chạy đến bà ngoại, vừa nhảy nhót vừa nói, “Ngoại ơi, con biết bí mật đó rồi.  Bây giờ ngoại nói cho con biết bí mật lớn đi.  Con không chờ được nữa!”

Bà ngoại nó bắt đầu:

“Bí mật thì như thế này: một thói quen tốt mà cháu tập luyện bây giờ giống như trái dưa leo nhỏ trong cái chai.  Từ từ nó lớn lên và lớn hơn nữa bên trong con người cháu, như vậy khi cháu trưởng thành, không ai lấy đi được đức tính ấy.

“Và như vậy, điều bí mật là thế này: Nếu cháu muốn sau này hạnh phúc thì phải tập luyện một thói quen tốt ngay tự bây giờ.”

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu kể cho chúng ta nghe một bí mật cũng giống như bí mật của bà ngoại cháu Sharon đã kể.

Đức Giêsu gieo một hạt cải nhỏ xíu của Nước Trời trong lòng mỗi người chúng ta.  Nó “đâm chồi và lớn lên” mà không ai biết.

Công việc của chúng ta là nuôi dưỡng nó với sự cầu nguyện và công việc lành cho đến khi nó lớn lên đến độ không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta – dù là những tai hoạ, những bách hại, và ngay cả cái chết.

Ở đây, điều quan trọng cần để ý là sự lớn lên của Nước Trời trong mỗi người chúng ta thì từ từ, thay đổi dần dần.

Cũng giống như cần phải có thời gian để trái dưa leo nhỏ xíu lớn lên trong cái chai, Nước Trời cũng vậy.  Đây là lý do tại sao vẫn còn sự dữ bên trong tâm hồn chúng ta, và nhất là trong thế giới.

Hạt giống của Nước Trời đã được gieo xuống; nó đang mọc lên nhưng chưa đạt đến trọn vẹn.
Đây là lý do chúng ta xin cho “nước Cha trị đến” khi đọc kinh Lậy Cha.
Trong khi đó, “lĩnh vực của Satan” tiếp tục chiến đấu chống với Nước Trời.
Nói cách khác, vương quốc của Satan thì chỉ mới bị kết án tử hình.  Nó chưa bị tiêu diệt.  Và hậu quả là nó vẫn gieo rắc sự thù địch trong thế giới chúng ta.

Điều này đưa chúng ta đến điểm quan trọng thứ hai về Nước Trời.

Không giống như một cây rõ ràng xuất phát từ hạt giống nhỏ xíu, để mọi người đều thấy, Nước Trời thì vô hình và không thể thấy.  Nó là tinh thần.  Đức Giêsu nói:
“Nước Thiên Chúa không đến theo kiểu cách để được thấy.  Không ai có thể nói, ‘Kìa, nó ở đây!  Hay ‘Nó ở kia’; bởi vì Nước Thiên Chúa thì ở trong lòng anh em.” (Luca 17:20-21)

Điều này đưa chúng ta đến với vai trò của Giáo Hội.  Đức Giêsu đã thiết lập Hội Thánh để phục vụ hai mục đích.
Thứ nhất, nó phục vụ như một “hạt giống” mà từ đó Nước Trời sẽ xuất phát.  Thứ hai, nó là một “dấu hiệu” thấy được của vương quốc Thiên Chúa trong thế giới chúng ta.

Cũng giống như Đức Giêsu, Hội Thánh có hai chiều kích: chiều kích thiêng liêng và chiều kích nhân bản.
Chiều kích thiêng liêng thì vô hình.  Không có ai khác hơn là chính Đức Kitô, Người là đầu và là sự sống của Hội Thánh.
Ngược lại, chiều kích nhân bản thì hữu hình.  Đó là các phần tử của Hội Thánh.

Qua đời sống chứng nhân và phụng tự của chúng ta, là các phần tử của thân thể Đức Kitô, chúng ta làm cho Hội Thánh trở nên hữu hình và hoạt động trong thế giới.
Chiều kích nhân bản của Hội Thánh thì giống như bất cứ gì thuộc về con người; nó có khuyết điểm. Điều này không chỉ bao gồm các phần tử, nhưng còn cả giới lãnh đạo: các giám mục và linh mục của Hội Thánh.
Bởi vì có khuyết điểm, nó không luôn luôn trưng ra được “diện mạo của Đức Kitô” cho thế giới thấy như nó phải thi hành.
Nó cũng dễ sa ngã tội lỗi và vẫn phải tranh đấu để trở nên điều mà Thiên Chúa đã mời gọi.
Hậu quả là trong cuộc lữ hành trần thế của Hội Thánh, nó luôn luôn là một sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối.
Sẽ luôn luôn có đủ ánh sáng cho những ai thành tâm muốn được thấy và cũng đủ tối tăm cho những ai không muốn.
Đây là điều nó phải như vậy.  Ánh sáng của Hội Thánh không bao giờ trùm lấp chúng ta.  Nó chỉ mời gọi chúng ta.
Nói cách khác: khi nói đến sự hiện diện của Hội Thánh, nó không bao giờ quá sáng tỏ đến độ chúng ta không cần phải thắc mắc gì cả.
Nó cũng không ẩn giấu quá kín đến độ người thành tâm muốn tìm kiếm phải lầm lạc.  Nó luôn luôn mở rộng cho cả hai điều khả dĩ.
Và đây là điều phải như vậy.  Đức Giêsu tôn trọng sự tự do con người.  Đức Giêsu không ép buộc chúng ta phải đi theo Người.
Hãy để tôi kết thúc với một đoạn trích từ bài thơ thật hay bởi một tác giả vô danh.
Nó hầu như tóm lược những gì mà chúng ta muốn nói.  Bài thơ viết:

Tôi nghĩ không bao giờ tôi thấy được một Giáo Hội đúng như tất cả những gì nó phải là:
Một Giáo Hội mà các phần tử không bao giờ lệch lạc khỏi con đường thẳng và hẹp.
Một Giáo Hội không còn hàng ghế trống trong nhà thờ, và cha xứ không bao giờ phải thất vọng.
Các Giáo Hội tuyệt hảo như thế có lẽ cũng có nhưng tôi chưa bao giờ được biết.
Tuy vậy, chúng ta sẽ làm việc và chơi đùa và hoạch định để làm cho Giáo Hội của chính chúng ta trở nên tốt nhất có thể.

Lm. Mark Link, S.J.

HENRI NOUWEN, MỘT VỊ THÁNH CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Thời nay, làm thánh không thôi thì không đủ, chúng ta phải có sự thánh thiện mà thời điểm hiện tại đòi hỏi.

Triết gia Simone Weil đã viết câu đó, và bà đúng.  Chúng ta cần những vị thánh mà thời điểm hiện tại đòi hỏi và tôi muốn đề xuất một người mà tôi tin rằng phù hợp với mô tả này, đó là linh mục Henri Nouwen, ngòi bút thiêng liêng nổi tiếng đã qua đời năm 1996.  Sự thánh thiện của ngài là gì và tại sao nó đặc biệt thích ứng vời thời hiện tại?

Henri Nouwen được cho là ngòi bút thiêng liêng có sức ảnh hưởng nhất thế hệ chúng ta.  Tuy nhiên, linh đạo của ngài không phát xuất từ lòng sốt mến dễ dàng hay đức tin chưa qua thử thách.  Như tác giả Michael Higgins viết trong quyển tiểu sử Nouwen, ngài là “một thiên tài sinh ra từ thống khổ.”  Nouwen là vị thánh bị lo âu dày vò, một vị thánh lý tưởng cho một thời đại chìm trong lo âu.

Ngài là con người lo âu, đau đớn, phức tạp với một cá tính quá đỗi nhạy cảm.  Ngài có xu hướng ám ảnh trong các mối quan hệ thân thiết, có khi thể hiện những nhu cầu ấu trĩ như trẻ con và dù đã có được biết bao tình yêu thương, được đón nhận và thành công, nhưng ngài luôn mãi bị ám ảnh với ý thức, mình không được yêu thương thật sự và không có nơi nào là mái ấm cho mình.  Ngài còn nuôi dưỡng một vết thương trong lòng mà ngài không bao giờ giải thích cho người khác cũng như không hòa giải với chính mình.  Với biết bao chuyện như thế, ngài lại còn có tính khí của một nghệ sĩ, vừa là một ơn vừa là gánh nặng, và như nhiều nghệ sĩ khác, ngài phải đấu tranh để giữ sự bình thường, thiết thực và cân bằng khi sáng tạo, tận hưởng sự tỉnh táo thực tế và không vượt ra khỏi lời khấn khiết tịnh.  Vì thế, ngài có thể lên sân khấu, tỏa một sức sống mãnh liệt, rồi bước xuống sân khấu và vài phút sau đã bật khóc và xin người khác an ủi mình.  Về tính dục, dù đã có lời khấn độc thân khiết tịnh và vẫn giữ trọn lời khấn, nhưng có những lúc ngài yêu đến ám ảnh một ai đó, đến nỗi ngài chỉ có thể giữ trọn lời khấn và sự tỉnh táo bằng cách tìm đến bác sĩ chuyên khoa.

Đây không phải là những điều mà bạn thường đọc thấy nơi cuộc đời các thánh, ít ra là những thánh đã được chính thức phong thánh và được xem là gương mẫu của thánh thiện, nhưng thật ra, nó chính là chất liệu của sự thánh thiện.  Triết gia Soren Kierkegaard, người mà linh mục Nouwen ái mộ, đã định nghĩa một vị thánh như sau: thánh là người chỉ muốn một điều.  Đó là một việc không dễ dàng gì.  Không phải vì chúng ta khó mong muốn điều đúng đắn, nhưng vì chúng ta còn muốn nhiều điều khác nữa.  Thánh Tôma Aquinô đã xác nhận, mọi lựa chọn là một sự từ bỏ.  Nói thế là nói ngắn gọn.  Mọi lựa chọn là một loạt những từ bỏ, và chính vì thế mà lựa chọn và thánh thiện đều là việc khó khăn.

Trong nhật ký của mình, linh mục Nouwen mô tả sự đấu tranh của mình như thế này.  Tôi muốn làm một vị thánh vĩ đại, nhưng tôi còn muốn trải nghiệm mọi cảm giác mà những người tội lỗi cảm nghiệm.  Tôi muốn rút lui vào thinh lặng của cầu nguyện, nhưng tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ điều gì trên đời.  Tôi muốn chôn mình trong vô danh sống giữa người nghèo, nhưng tôi cũng muốn viết sách, muốn người ta biết đến, muốn đi đây đó, gặp mọi người và làm những việc thú vị.  Đó là những điều mà ngài đã phải đấu tranh, cũng như chúng ta vậy, nhưng cuối cùng, ngài đã tìm được cách để chỉ muốn một điều.

Ngài làm bằng cách nào, làm sao bất chấp tất cả mọi chuyện này, ngài đã trở nên một vị thánh?  Ngài làm được nhờ sự chân thật khiêm hạ không bao giờ chối bỏ những đấu tranh vật lộn của mình.  Ngài làm được như thế nhờ ngài chấp nhận sự phức tạp của mình, bằng cách quỳ gối trong những lời cầu nguyện bất lực, khi sức của ngài không đủ, và bằng cách để người nghèo yêu mến mình.  Và ngài làm như thế bằng cách chia sẻ những vết thương của mình với mọi người, bằng cách tìm sự giúp đỡ của chuyên gia khi suy sụp, bằng cách học lấy từ mọi nỗi đau, ám ảnh và đau lòng, rằng, đến tận cùng, trái tim chúng ta mạnh hơn những vết thương và vì thế chúng ta có thể giữ được những cam kết và cuối cùng có được bình an trong phức tạp, cám dỗ và đấu tranh.

Chắc chắn các vị thánh thời xưa đã có những đấu tranh của riêng họ khi cố gắng chỉ muốn một điều, cố gắng dẫn truyền sinh lực bất kham của họ và phó mình trong tay Thiên Chúa.  Tuy nhiên, những câu chuyện chúng ta nghe về cuộc sống các ngài lại có khuynh hướng làm nổi bật những nhân đức hơn là đấu tranh.  Ví dụ Mẹ Têrêxa cũng là vị thánh của thời đại chúng ta, là vị thánh đã tạo nhiều cảm hứng tích cực.  Với nhiều người chúng ta, cuộc đời và nhân đức của Mẹ dường như quá xa vời với những đấu tranh rối ren và trần tục của chúng ta, đến nỗi chúng ta xem Mẹ như một vị thánh để ngưỡng mộ chứ không phải để noi gương.  Dĩ nhiên như thế là không đúng.  Mẹ cũng có những đấu tranh, và là đấu tranh cực lớn. N hưng khi kể lại chuyện đời của Mẹ, những đấu tranh đó lại không thường được nêu bật.

Câu chuyện của linh mục Henri Nouwen và các tác phẩm của ngài, lại nêu bật những đấu tranh, chứ không chỉ nhân đức và sự khôn ngoan của ngài.  Biết được sự trần tục trong những đấu tranh của ngài, có thể gây nên ấn tượng rằng nơi ngài có ít điều đáng ngưỡng mộ hơn Mẹ Têrêxa.  Có lẽ thế. Nhưng, nơi cha Nouwen, chúng ta thấy một người mà chúng ta dễ noi gương hơn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TÂM HỒN CAO THƯỢNG

Năm 1886, cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của Edmondo De Amicis ra đời; nguyên tác là “Cuore,” nghĩa là “Trái Tim.”  Hơn 130 năm, tác phẩm đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả trên thế giới.  “Cuore” viết theo thể nhật ký thông qua lời kể của Enrico, một cậu bé 10 tuổi, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu đang hoà nhập cùng bạn bè thuộc giới lao động.  Đó là những câu chuyện nhỏ, diễn ra suốt năm học lớp 3, dưới góc nhìn của cậu bé.  Thế giới trẻ thơ ấy có những va đập, bất đồng liên tục.  Thế nhưng, thật bất ngờ, sau những va đập đó, là những mảnh vỡ nhặt được, lại lóng lánh bao giá trị sống; đó là lòng yêu nước, sự chân thành và hơn cả, lòng tốt của mỗi con người.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta mục kích những “tâm hồn cao thượng” không phải vào thời Enrico, nhưng những “tâm hồn cao thượng” thời Cựu Ước và cả thời Tân Ước.  Thế nhưng, Tin Mừng không chỉ dành cho trẻ em, mà còn cho cả người lớn; nên bên cạnh đó, Chúa Giêsu không ngại chỉ ra những tâm hồn rất ít cao thượng; đó là những luật sĩ mà Ngài phải nặng lời khi nói về họ.

Trước hết, những “tâm hồn cao thượng” thời Cựu Ước, đó là cha con ông Tôbia.  Họ đã bàn bạc với nhau, “Chúng ta phải tặng cái gì cho người thánh thiện đã đi với con?”  Rồi cả hai cha con gọi thiên thần đến, đưa người ra chỗ riêng và xin người vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về.”  Thật thú vị, bà Tôbia và cô dâu Sarah không được nghe!  Và nếu chúng ta tò mò muốn biết “những gì đã mang về” ấy, thì sách Tôbia cho biết, có đến 300 ký bạc, chưa nói số lãi trong 20 năm; đó là cả một gia tài.  Và ở đây, chúng ta không thể bỏ qua “tâm hồn cao thượng” của Gabael, người giữ số bạc cho Tôbia, ông sẵn sàng trao lại những gì đã giữ theo khế ước.  Chuyện như mơ đối với người thời nay!  Và này, một “tâm hồn cao thượng” khác đã kịp được tiết lộ trước khi sách Tôbia khép lại; đó là Raphael, Tổng lãnh thiên thần, bạn đồng hành của “Tôbia con.”  Bấy giờ, Raphael mới tỏ lộ danh tánh, tỏ lộ sứ vụ trợ giúp gia đình Tôbia; và rồi, không lấy một xu, vì thiên thần đâu cần tiền như chúng ta!  Ngài nói, “Vậy đã đến lúc tôi phải trở về cùng Đấng đã sai tôi; còn các người, hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Ngài!”  Tâm tình ngợi khen đó được nhắc đi nhắc lại trong câu đáp ca, “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng muôn đời hằng sống!”

Với bài Tin Mừng, thật đặc biệt, đó là “tâm hồn cao thượng” của một bà goá thời Tân Ước.  Bên hòm dâng cúng, Chúa Giêsu đã nhìn thấy bà bỏ nhiều hơn ai hết; Ngài nói, “Bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống.”  “Để nuôi sống” chính là sự sống, là máu.  Chúa Giêsu nhìn thấy những gì không ai khác nhìn thấy, Ngài nhìn thấy bà, một người gần như bị mọi người phớt lờ; Ngài còn nhìn thấy đó là một hành động nhân đức ngời sáng; tính xác thực của món quà bà dâng gấp đôi.  Bà lặng lẽ đưa ra, mà không hề nghĩ đến việc giành được lời khen ngợi; món quà của bà chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.  Và những gì bà cho đi tuy thật nhỏ bé, nhưng thực chất là tất cả của bà.  Bác ái thuần tuý được thực hiện cho Thiên Chúa liên quan đến sự dâng hiến toàn bộ bản thân chúng ta; đó là một sự hiến dâng không dè giữ, sẵn sàng yêu thương, phục vụ; bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.  Đó là bác ái đích thực của một “tâm hồn cao thượng!”

Ngoài những “tâm hồn cao thượng” đáng ngưỡng mộ trên, chúng ta còn chứng kiến những tâm hồn ít cao thượng mà Chúa Giêsu chỉ ra; đó là các luật sĩ giả hình đang “biểu diễn” trước mặt mọi người.  Áo xống họ thùng thình gây sự chú ý; những chức danh, tước vị đi liền sau tên họ, xem ra đang tặng cho họ những giá trị bản thân.  Vị trí lãnh đạo của họ đặt lên vai họ một trách nhiệm lớn lao; tuy nhiên, khác xa với những điều tốt đẹp họ có thể làm, họ đã sử dụng nó để lợi dụng người khác.  Họ không biết họ sống vì ai?  Họ dạy dỗ, cốt để gây ấn tượng; họ cho đi, cốt để tạo danh tiếng; họ cầu nguyện, cốt để biện minh cho tất cả những gì họ đã lấy trộm của người nghèo.  Họ không phải là những con người xấu xa; họ là những “quý ông tốt,” nhưng đã bị cuốn hút bởi việc tìm kiếm hư danh và yêu bản thân.  Điều này giải thích tất cả những gì họ đã làm; ngay cả khi họ tình cờ làm một điều gì đó, giá trị của nó cũng trống rỗng, vì cái họ tìm kiếm là tôn vinh chính mình.

Anh Chị em,
Có tâm hồn nào cao thượng bằng tâm hồn của Thiên Chúa; “tâm hồn cao thượng Giêsu” đã chết, đã sống lại và giờ đây đang âm thầm hiến mình trên các bàn thờ, trong các nhà chầu.  Ước gì lòng bác ái của chúng ta luôn được lặng lẽ kín đáo như Ngài; và sự hiến dâng của chúng ta cũng là một điều gì đó mà chỉ một mình Thiên Chúa biết.  Bởi lẽ, việc tìm kiếm chính mình sẽ giết chết giá trị của sự hiến dâng, ám sát những nỗ lực hình thành các nhân đức, và bóp nghẹt trái tim của một con người hầu kìm hãm, không cho nó có khả năng vươn tới một “tâm hồn thuộc cõi trên.”

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để của cải chiếm hữu con nhưng cho con biết cách sở hữu của cải; xin giết chết thói hư danh nơi con, hầu con có một “tâm hồn cao thượng.”  Xin làm im tiếng sự cho đi của con, để phần thưởng của con chỉ được tìm thấy nơi một mình Chúa”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

TRAO BAN ĐẾN TẬN CÙNG

Tình thương là động cơ chính thúc đẩy người ta ban tặng cho nhau.
Vì tình yêu thương có nhiều cấp độ hơn kém khác nhau nên việc trao ban cũng có nhiều mức độ nhiều ít khác nhau.

1. Trao ban những thứ dư thừa

Khi gặp một người ăn xin xa lạ trên đường phố chìa tay tìm sự giúp đỡ, khách bộ hành dừng lại, tần ngần mở ví, tìm đồng tiền nhỏ nhất trao cho người ấy.  Khi gặp người lỡ bước không chỗ tạm trú qua đêm, người chủ của căn nhà sang trọng chỉ nhường cho người đó một xó nhỏ ngoài hành lang nhà mình.  Khi có nạn nhân những vùng bị lũ quét cuốn trôi hết gia tài sản nghiệp, người dư ăn dư mặc chỉ chia sẻ cho họ những bộ áo quần cũ kỹ, mặc không vừa ý…  Vì tình thương đối với những người hoạn nạn ấy rất nhỏ nhoi nên người ta chỉ trao tặng họ những của dư thừa.

2. Trao ban những điều cần thiết

Khi tình yêu dành cho người khác lớn hơn, người ta sẽ ban tặng cho họ những thứ cần thiết hơn.  Hai người bạn tù thương mến nhau đang sống trong cảnh tù đày thiếu đói, người nầy sẵn sàng bẻ đôi miếng bánh đang ăn để chia sớt cho người kia cùng chịu cảnh tù tội đói khát với mình.

3. Trao ban cả bản thân

Cao cả hơn hết là trao ban chính bản thân mình.  Đó là khi người có đôi mắt tinh tường sẵn sàng hiến một con mắt của mình cho người bị nạn hỏng cả hai mắt; người có hai quả thận hoạt động tốt, hiến cho người bị hư thận hoàn toàn một quả; người có hai lá phổi lành lặn, hiến cho người bị ung thư hai buồng phổi một lá; người có hai cánh tay khoẻ mạnh tình nguyện hiến nguyên cả một cánh tay của mình cho người bị tai nạn nghề nghiệp đứt lìa hai chi trên.

Chỉ khi nào người ta yêu mến nạn nhân hết lòng hết sức, yêu nạn nhân còn hơn cả bản thân mình, người ta mới hiến tặng những chi thể trong thân mình cho họ.  Vì thế, những nghĩa cử cao đẹp đó rất hiếm hoi trên cõi đời ô trọc nầy.  Chỉ có Chúa Giêsu mới trao ban cả thân xác và mạng sống của Người cho chúng ta.

Người đời nghèo thiếu tình yêu nên cũng rất bủn xỉn trong việc trao ban.  Chúa Giêsu yêu thương chúng ta hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự nên Người trao ban cho chúng ta tất cả không tiếc nuối điều gì, thậm chí còn ban cả bản thân và mạng sống của Người cho chúng ta.

Khi nhân loại ngụp lặn trong đại dương chết chóc mong ước có một “Tấm Phao” thần diệu cứu họ khỏi đắm chìm trong biển chết hãi hùng, Chúa Giêsu từ trời gieo mình xuống và trở nên “Phao Cứu Sinh” cho họ.  Khi nhân loại khao khát thứ bánh thần thiêng mang lại sự sống đời đời, Chúa Giêsu hiến ban Thân Mình Người làm bánh trường sinh mang lại sự sống vĩnh cửu cho thế nhân.  Khi loài người cần máu của Con Thiên Chúa đổ ra tẩy rửa tội lỗi ngút ngàn của họ, Chúa Giêsu sẵn sàng trút máu mình ra không tiếc nuối.  Khi con người cần sinh mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa để đổi mạng cho mình, Chúa Giêsu vui lòng dâng hiến mạng sống mình chết thay cho muôn dân…

Chúa Giêsu luôn đáp ứng tất cả những nhu cầu sâu xa nhất, bức thiết nhất của chúng ta cho dù Người phải thiệt mất mạng sống.  Chúa Giêsu trao ban hết tất cả những gì Người có và ban chính bản thân Người vì yêu thương chúng ta.  “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Lạy Chúa Giêsu,
Không ai trên cõi đời nầy yêu thương chúng con bằng Chúa.
Dù chúng con có phản bội, có thờ ơ hờ hững với Chúa thì Chúa vẫn trọn đời yêu quý chúng con.
Vậy mà tiếc thay, nhiều người trong chúng con không nhận ra tình yêu cao vời ấy.
Xin đừng để chúng con trở nên người bội bạc vong ân vì không cảm nhận được tình yêu của Chúa và không biết đáp đền tình yêu trời bể Chúa dành cho chúng con.

Lm. Ignatiô Trần Ngà

MARIA Ở LẠI ĐỘ BA THÁNG

Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria.  Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem, một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho, cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây.  Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh.  Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con.  Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị.

Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai, Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường.  Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.  Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự.  Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria.  Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào, nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ.

Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria, Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44).  Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần.  Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này.  Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất.

Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42), và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45).  Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43).  Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết.

Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai, Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.  Một sự hiện diện mang tính phục vụ.  Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở.  Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất.

Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38), khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43), thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên.  Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc.  Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó.  Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần.  Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị.  Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48).  Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.

Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh.  Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh, vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người.  Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.  Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.  Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.  Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.  Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.  Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.  Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.  Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.  Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.  Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.  Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

LÝ GIẢI TAM VỊ NHẤT THỂ

Các Kitô hữu có khó tưởng tượng có Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là Một Chúa mà lại có Ba Ngôi?

1. Đó là vấn đề

Câu trả lời không dễ, thế nên việc đầu tiên của chúng ta là giải thích lý do tại sao đáng để tìm hiểu. Trước tiên, niềm tin của chúng ta tìm cách hiểu.  Aristotle nói: “Mọi người đều muốn biết” (metaphysics – siêu hình học).  Tuy nhiên, đó không chỉ là niềm tin tìm cách hiểu, đó cũng là lòng yêu mến của chúng ta.  Khi yêu mến ai, người ta muốn biết mọi thứ về người đó.  Quan trọng nhất là người ta muốn biết điều gì làm cho người đó chính là người đó.  Lòng yêu mến của chúng ta dành cho Thiên Chúa mời gọi chúng ta nhận biết Ngài sâu sắc đến tận cùng.

Lý do thứ hai là sự hiểu biết như vậy có sức mạnh giúp chúng ta giải thích niềm tin của chúng ta cho người khác hiểu.  Thứ ba, đào sâu bí ẩn về Thiên Chúa không giúp đỡ nhưng khơi dậy sự thắc mắc của chúng ta và làm cho chúng ta ngạc nhiên về sự uy nghi của Thiên Chúa.  Thần học có thể trợ giúp chúng ta chiêm ngưỡng.  Thứ bốn, cách đánh giá về vẻ đẹp của chân lý sẽ làm sâu sắc lòng yêu mến của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

2. Giáo lý về Chúa Ba Ngôi

Điều chúng ta đang tìm hiểu là giáo lý khá đơn giản: Một Thiên Chúa có Ba Ngôi.  Tín điều Công Đồng Nicê nói: “Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa.  Với lời xác định đó, chúng ta đặt niềm tin vào Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần.  Điều này hoàn toàn có trong Kinh Thánh. Ví dụ:

– Tôi và Chúa Cha là một (Ga 10:30).
– Nơi Đức Kitô, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể (Cl 2:9).
– Chúa Giêsu bảo các môn đệ ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28:19).

Hãy mở rộng một chút.  Chúng ta tuyên xưng có một Thiên Chúa, không có ba Thiên Chúa.  “Ba” đó không là ba bản thể mà là ba ngôi vị.  Có một Thiên Chúa, mỗi ngôi hoàn toàn là Thiên Chúa.  Chúa Cha là Thiên Chúa hoàn toàn, Chúa Con là Thiên Chúa hoàn toàn, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa hoàn toàn.

Điều này có vẻ rắc rối hoặc nghịch lý đối với một số người.  Thế là thế nào?

3. Giải thích không tác dụng

Một trong những cách giải thích hay nhất trong lịch sử Giáo Hội khả dĩ giúp tìm ra điều không tác dụng.  Cách nói ẩn dụ nổi tiếng của Thánh Patrick về cây lá chụm hoa (three-leaved shamrock – cây có ba lá hoặc cây me đất, người Ai-len lấy hình cụm ba lá của cây này làm quốc huy) không còn là nó bởi vì mỗi lá trong cụm ba lá đó tách rời nhau.  Chúa Cha không hiện hữu tách rời với Chúa Con hoặc Chúa Thánh Thần.

Một cách ẩn dụ phổ biến là nước.  Chúng ta có thể nói có một chất nước hiện hữu trong ba trạng thái – băng, lỏng, và khí.  Nhưng cách ẩn dụ này không đạt bởi vì nước không bao giờ hoàn toàn vừa là tảng băng, vừa là chất lỏng, và vừa là chất khí cùng một lúc.  Nhưng Thiên Chúa luôn là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.  Ngài không là Chúa Cha vào một lúc nào đó, Chúa Con lúc khác, và Chúa Thánh Thần lúc khác.  Tách ba ngôi như vậy là tà thuyết Cách Tân (Modalism, cũng gọi là Sabellianism vì do Sabellius khởi xướng hồi thế kỷ II), cho rằng các ngôi vị không là thực thể, mà chỉ là “cách thức” Thiên Chúa hiện ra cho chúng ta.

Một cách ẩn dụ khác là sự sống động của một khối cầu kim loại chiếu sáng.  Nó có một chất – chính kim loại đó.  Nhưng có ba thứ cùng chia sẻ trong chất đó.  Thứ nhất, có trạng thái tròn. T rạng thái tròn đó là thứ bao quanh toàn bộ khối cầu.  Thứ nhì, có màu sắc.  Chúng ta hãy tưởng tượng đó là màu đồng xám mà chúng ta có khi chà xát dầu trên ngón tay.  Toàn bộ khối cầu là màu sắc này.  Thứ ba, khối cầu rất bóng láng.  Giống như hình dạng và màu sắc, sự bóng láng là thứ áp dụng đối với cả chất liệu của khối cầu.  Chúng ta có thể nói rằng có một khối cầu bằng kim loại, tròn, màu đồng xám, và bóng láng.

Nhưng cách ẩn dụ này không còn nữa.  Điều chúng ta đang nói đến là đặc tính của khối cầu, chứ không là bản chất.  Chúng ta có thể vẽ nó bằng màu khác.  Chúng ta có thể đập nó lõm vào, bớt phần trơn láng.  Chúng ta có thể dùng búa lớn để làm cho nó không còn tròn trịa nữa.  Nó là vật chất, có thể thay đổi, và có thể phân chia – khác với Thiên Chúa.

4. Giải thích Thiên Chúa là một và ba

Thánh giáo phụ Augustino có cách giải quyết vấn đề ẩn dụ về Tam Vị Nhất Thể.  Nhìn sâu vào thế giới vật chất, nhìn vào trong trí tuệ phi vật chất.  Ngài hỏi rằng trong chúng ta, có ai thấy cái gì là một và là ba cùng một lúc không?  Thánh Augustino tìm ra câu trả lời là trí tuệ có trí nhớ, kiến thức, và tình yêu của chính nó.

Trí nhớ của trí tuệ là nguồn gốc của kiến thức.  Khi tự ghi nhớ, trí tuệ sinh ra sự hiểu biết về chính nó.  Và khi nó thấy chính nó là gì, thì ở một con người lành mạnh, trí tuệ sẽ yêu quý chính mình.

Toàn bộ trí tuệ ở trong mỗi cái ba này.  Mọi thứ nó là, nó nghĩ, và nó làm bao gồm trong trí nhớ của nó.  Cũng vậy, khi tự nhận biết, nó biết toàn bộ chính nó.  Theo ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói rằng toàn bộ trí tuệ bao gồm trong sự nhận biết của nó về chính nó.  Nó là toàn bộ chính nó mà nó yêu và bao gồm trong tình yêu đó.

Thánh Augustinô chú giải rằng có những cái ba này – trí nhớ, kiến thức, và tình yêu.  Nhưng không có ba trí tuệ, chỉ có một.  Thế nên trí tuệ vừa là một vừa là ba.  Đó là một – trí tuệ, nhưng cũng là ba – trí tuệ, kiến thức, và tình yêu.

Ghi chú: Tôi đơn giản hóa và kết hợp những gì thực sự là hai điều tương tự mà Thánh Augustino đề cập.  Phiên bản đơn giản hóa này cũng được Thánh Thomas Aquino sử dụng.  Cũng có thể đọc tác phẩm “On Trinity” (Về Tam Vị Nhất Thể) của Thánh Augustino, và tác phẩm “Summa Contra Gentiles” của Thánh Thomas (tác phẩm “Summa Contra Gentiles” còn gọi là “Liber de veritate catholicae fidei contra errores infidelium” – Sách về Chân lý Đức tin Công giáo chống lại sai lầm của những người không tin, gồm 4 cuốn, viết trong thời gian 1259-1265).

Chúng ta có thể thấy sự rõ ràng song song giữa trí tuệ và Tam Vị Nhất Thể.  Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần tượng tự trí nhớ của trí tuệ, kiến thức, và tình yêu của chính nó.

Giáo lý Công giáo gọi Chúa Cha là “nguồn gốc và căn nguyên của thần tính” – giống như cách mà trí nhớ của chúng ta là nguồn gốc của kiến thức và tình yêu của chính nó.  Chúa Con kết hiệp với sự tự nhận biết của Thiên Chúa, đó là lý do mà Ngài cũng được gọi là Ngôi Lời và Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Ga 1:1 và 1 Cr 1:24).  Cuối cùng, Chúa Thánh Thần kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 5:5).

Vì thế, sự tương tự của trí tuệ không chỉ giải thích điều có vẻ nghịch lý về cách thức của điều gì đó (hoặc người nào đó) có thể là một và ba, điều đó cũng giải thích cái ba mà chúng ta hiểu – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

5. Giải thích lý do có Ba Ngôi

Có hai vấn đề chưa được trả lời.  Bởi vì chúng ta ở ngoài không gian, các câu trả lời ngắn cũng đủ.  Thứ nhất, tại sao cái ba nơi Thiên Chúa gọi là các ngôi vị?

Hãy nhìn điều này: Thánh Thomas Aquino nói rằng một ngôi là “một thực thể riêng của một bản chất hợp lý.”  Mới đầu nghe có vẻ khá hay.  Nhưng khoan đã!  Có điều gì đó không ổn trong chúng ta khi nghĩ về các cá nhân trong Thiên Chúa.  Chắc chắn Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không là ba ngôi riêng biệt có cùng bản thể Thiên Chúa theo kiểu nói rằng John, Joe, và James là ba con người có cùng một nhân tính.

Thánh Thomas nhận thấy điều bất ổn này.  Ngài nói rằng “cá tính” chỉ xảy ra khi chúng ta nói về vấn đề mà chúng ta có, nhưng Thiên Chúa thì không.  Vì thế, khi nói về Thiên Chúa, chúng ta phải nhận biết rằng chúng ta sử dụng chữ “ngôi” với ý nghĩa khác so với khi chúng ta nói về con người.  Khi nói về Thiên Chúa, Thánh Thomas nói rằng chúng ta phải sử dụng cách định nghĩa của Richard of St. Victor về ngôi vị là “sự hiện hữu không thể hiểu của thần tính” (incommunicable existence of the divine nature).

Nói cách khác, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thực sự hiện hữu, và Ba Ngôi có thể phân biệt với nhau.  Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.  Nhưng Chúa Cha không là Chúa Con, và Chúa Con không là Chúa Thánh Thần.

Theo cách nào đó, ví dụ về John, Joe, và James có thể giúp chúng ta hiểu điều này.  Nếu một người hoài nghi hỏi làm sao có thể có ba ngôi của một bản chất hợp lý thì hãy nói rằng bạn và bạn của bạn, và người thứ ba đang sống để chứng tỏ điều có thể.  Sự khác nhau nhiều giữa Thiên Chúa và nhân loại là “không có các cá nhân.”  Bạn càng hiểu sự thật đó thì bạn càng có thể hiểu rằng Thiên Chúa chỉ có một và có ba ngôi.

Có thể có sự khôn ngoan trong cách nhượng bộ của Thánh Augustino, rằng chúng ta thực sự không thể biết ngôi vị có nghĩa gì khi áp dụng cho Thiên Chúa: “Khi hỏi ‘ba cái gì?’ thì ngôn ngữ loài người gặp khó khăn vì thiếu từ ngữ.  Cho nên chúng ta nói ba ngôi vị, chứ không nói chính xác, mà là để im lặng.

6. Tại sao có Ba Ngôi?

Vấn đề thứ hai là lý do có ba ngôi.  Tại sao không là bốn hay năm?  Trong tác phẩm “Summa Contra Gentiles”, Thánh Thomas chỉ ra sự tương tự về trí tuệ của Thánh Augustino để trả lời.  Khá đơn giản. Không hơn ba lý do là Thiên Chúa nhớ, biết, và yêu chính Ngài.  Không cần bất kỳ ai khác.

Do đó, tín điều Chúa Ba Ngôi là điều chúng ta có thể hiểu được.  Nhưng cách hiểu của chúng ta khá hạn chế, và không thể tránh có lúc chúng ta lặng lẽ thắc mắc về mầu nhiệm cao cả này.

Stephen Beale
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)