THIÊN ĐÀNG VÀ HOẢ NGỤC

Con người sống ở đời luôn luôn phải lựa chọn.  Làm thế nào để khôn ngoan chọn lựa cho mình những điều tốt đẹp và hạnh phúc lâu dài.  Bối cảnh xã hội, cùng với những nguyên nhân, chủ quan và khách quan, nhiều khi làm cho người ta lầm lạc.  Có những khi tưởng là chắc chắn vững bền mà thực ra chỉ là đuổi mồi bắt bóng.  Đối với người tin Chúa, cuộc sống luôn là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa Thiên đàng và hoả ngục.  Vì con đường hạnh phúc là con đường hẹp, còn con đường hư hỏng lại rộng rãi thênh thang, nên sự chọn lựa này nhiều khi rất cam go, khiến chúng ta phải hy sinh mất mát vật chất cũng như tình cảm.

Bài Tin Mừng hôm nay như một tổng hợp nhiều bài học giáo huấn trong một đoạn văn ngắn.  Tác giả Luca chắc hẳn đã thu góp sưu tập những lời giảng dạy của Chúa, rồi đặt chúng bên cạnh nhau theo một lối hành văn cô đọng có chủ ý gửi gắm những thông điệp cụ thể.

Trước hết, Chúa Giêsu dạy chúng ta về tình liên đới hài hoà để chống lại sự ghen tị chia rẽ.  Đây cũng là giáo huấn mà chúng ta đã nghe trong Lời Chúa Chúa Nhật trước.  Tông đồ Gioan khó chịu khi thấy những người khác nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ.  Lập luận của ông thuần tuý trần tục, với tư tưởng phe cánh: ai không cùng nhóm với các môn đệ Thày thì không thể nhân danh Thày.  Gioan cũng như một số môn đệ khác tự cho mình là được ưu tuyển, là chính danh, để coi thường những người khác và muốn phủ nhận những điều tốt lành họ đang làm.  Chúa Giêsu không quan niệm như thế.  Người khẳng định: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.  Sự ganh tị cũng được nhắc tới trong Bài đọc I. Ông Giosuê, người sau này sẽ trở thành thủ lãnh kế vị ông Môisen, cũng ghen tương với những người khác và không chấp nhận cho họ nói tiên tri, trong khi chính Chúa ban cho họ khả năng ấy.  Điều đó cho thấy sự nhỏ nhen của con người.  Họ muốn giành quyền Thiên Chúa để phán xét theo cái nhìn thiển cận và ghen tương của mình.  Chúa dạy chúng ta hãy có cái nhìn công bằng hơn.  Bất cứ ai làm điều tốt, dù họ thuộc về phe phái chính trị hoặc về tôn giáo nào, đều đáng trân trọng.  Thiên Chúa là nguồn gốc của Chân, Thiện, Mỹ, nên những ai làm những thiện hảo và tốt đẹp đều đang hướng về Chúa, và mặc dù không ý thức điều đó, họ vẫn đang diễn tả vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài.

Từ khái niệm hài hoà yêu thương, Đức Giêsu nhắc đến tình liên đới của những ai muốn làm môn đệ Chúa.  Hình ảnh một chén nước lã quá đơn giản, mà khi được trao tặng với tư cách là môn đệ của Chúa, sẽ mang lại những lợi ích lớn lao.  Trong bài giảng về ngày phán xét chung (x. Mt 25,31-46), Chúa Giêsu còn nhắc tới giáo huấn này.  Hơn nữa, Người còn đồng hoá mình với những người bé mọn, cô thế cô thân và bất hạnh đau khổ.

Chọn lựa Thiên đàng chính là chọn lựa tình liên đới và yêu thương.  Hoả ngục là nơi dành cho những người ghen ghét hận thù.  Lời giáo huấn của thánh Giacôbê mang âm hưởng của vị Thẩm phán trong ngày cánh chung.  Tác giả nghiêm khắc khiển trách những người giàu, vì họ chỉ lo tích trữ của cải mà vô cảm với những người nghèo xung quanh.  Một cách đặc biệt, thánh Giacôbê lên án những người làm giàu bất chính, thu lợi từ những hành vi gian lận của người nghèo.  Họ sẽ phải nhận được hậu quả do những việc ác họ đã làm.

Sống ở đời, con người không phải là những ốc đảo riêng rẽ cô đơn, nhưng liên đới với nhau trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ.  Mỗi hành vi cử chỉ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn liên luỵ hoặc làm dịp cho người khác vấp phạm.  Đối với Chúa Giêsu, những người làm gương xấu thật đáng lên án, đến nỗi thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển.  Điều đó có nghĩa những việc xấu gây nên những hậu quả vô cùng tai hại cho những người xung quanh, nhất là đối với những người đơn sơ và trẻ em.

Như đã nói ở trên, cuộc sống là sự chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối, cái thiện và cái ác, sự thánh thiện và tội lỗi, Thiên đàng và hoả ngục.  Chân, tay, mắt là ba phương tiện chính yếu để thực thi mối tương giao với người khác.  Vì vậy, cần phải có con mắt trong sáng, và phải có những hành vi thiện lành. Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta phải chặt chân, chặt tay hay móc mắt, nhưng Chúa muốn chúng ta dành cho Chúa một tình yêu ưu tiên, vượt lên trên mọi tình cảm và quyền lợi trần gian, nhờ đó chúng ta sẽ đạt được gia nghiệp vĩnh cửu Chúa dành cho ai trọn tình yêu mến Ngài.

Một tác giả đã viết: Người quân tử khắt khe với bản thân và rộng rãi với người khác.  Ý tưởng này được nhấn mạnh trong giáo huấn của Chúa Giêsu.  Cách nói tạo hình ảnh gây ấn tượng như chặt chân, chặt tay, móc mắt… diễn tả sự chọn lựa cương quyết giữa hạnh phúc đời này với hạnh phúc đời sau, giữa sự thanh thỏa nội tâm với những bổng lộc trần thế.  Đây cũng là cách khẳng định mạnh mẽ về sự dứt khoát từ bỏ những nguyên nhân gây nên tội ác, để trung tín với Đấng đã hy sinh mạng sống vì yêu thương chúng ta.

Tương lai của chúng ta là Thiên đàng hay hoả ngục?  Đó là kết quả do sự lựa chọn của chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

MỘT THẤT BẠI TUYỆT VỜI

Đâu là sự công bằng trong đời sống?  Vì sao một số người diễm phúc dường như không xứng đáng trong thế giới này, trong khi một số người khác lại như bị nguyền rủa?  Vì sao mưu mẹo, tham vọng ích kỷ, lợi dụng người khác, lưu manh lại thường được đền thưởng?  Các câu hỏi này không có câu trả lời nhanh được.

Trong quyển sách Thất bại Tuyệt vời (The Magnificent Defeat), tiểu thuyết gia và nhà thuyết giảng nổi tiếng Frederick Buechner đưa ra câu hỏi này và tập trung vào ông Gia-cóp, nhân vật của Thánh Kinh.  Như chúng ta biết, ông đánh lừa anh Ê-xau hai lần.  Thừa lúc anh mình đói và yếu, ông mua quyền trưởng nam của anh mình với giá một bữa ăn.  Còn nặng hơn, ông đóng giả Ê-xau, lừa cha và đánh cắp lời chúc phúc và quyền thừa kế của Ê-xau.  Tất cả các chuyện này là sai và phải bị trả lẽ, nhưng cuộc đời của ông Gia-cóp dường như ngược lại.  Ngược với người anh bị lừa, Gia-cóp có một đời sống sung túc, được Chúa và những người khác yêu mến.  Đâu là bài học?  Chúa của sự sống thật sự có đứng về phía người làm những chuyện này không?

Tác giả Buechner xây dựng câu trả lời của mình bằng cách chuyển từ thực dụng và tầm ngắn hạn qua thiêng liêng và tầm dài hạn.

Đầu tiên, từ quan điểm thực dụng, câu chuyện của ông Gia-cóp dạy cho chúng ta bài học của riêng mình, biết rằng trong đời sống thực tế, những người như ông Gia-cóp là những người thông minh, xảo quyệt, và tham vọng thường là những người được thưởng theo cách mà những người chậm chạp như ông Ê-xau thường không được.  Rõ ràng đây không phải như Bài giảng Trên núi, các lời dạy khác của Sách Thánh, kể cả một số lời dạy khác của Chúa Giêsu, luôn thử thách chúng ta phải thông minh, làm việc cực nhọc và đôi khi phải mưu mô.  Chúa không nhất thiết phải giúp đỡ những người tự giúp mình, nhưng Chúa và cuộc sống dường như thưởng cho những người dùng tài năng của mình.  Nhưng có một con đường đạo đức tốt ở đây và Buechner mô tả một cách xuất sắc.

Tác giả hỏi: khi ai đó làm những gì ông Gia-cóp làm và mang lại cho họ giàu có trong cuộc sống này, thì hệ quả đạo đức ở đâu?  Câu trả lời đến từ Gia-cóp nhiều năm sau đó.  Một đêm nọ, khi Gia-cóp ở một mình, có một người lạ nhảy vào, cuối cùng hai người lặng lẽ vật lộn nhau suốt đêm.  Ngay khi bình minh ló dạng và dường như Gia-cóp sẽ thắng, mọi thứ đột nhiên đảo ngược.  Với một sức mạnh ưu thế, dường như cố kiềm giữ cho đến lúc đó, người lạ mặt chạm vào khớp xương hông của ông làm cho ông bất động.  Một cái gì đó biến đổi sâu đậm nơi Gia-cóp, ông cảm nhận mình bất lực.  Cuối cùng bây giờ ông biết ông bị đánh bại, ông không còn muốn thoát khỏi sự kiềm kẹp của người lạ, thay vào đó ông bám vào kẻ thù của mình như người chết đuối.  Vì sao?

Đây là lời giải thích của Buechner: “Bóng tối đã mờ đi vừa đủ để lần đầu tiên ông có thể lờ mờ thấy đối thủ của mình.  Và những gì ông thấy còn khủng khiếp hơn khuôn mặt của tử thần – đó là khuôn mặt của tình yêu.  Bao la và mạnh mẽ, bị hủy hoại một nửa vì đau khổ và niềm vui dữ dội, khuôn mặt của người chạy trốn tất cả bóng tối của đời mình để cuối cùng thốt lên: “Tôi không để ngài ra đi, trừ khi ngài chúc phúc cho tôi!”  Không phải lời chúc mà bây giờ ông có thể có bằng sức mạnh của mưu mẹo hay sức mạnh của ý chí, nhưng lời chúc ông chỉ có thể có như món quà.”

Có cả một linh đạo ở đây.  Lời chúc phúc mà chúng ta mãi chiến đấu chỉ có thể đến với chúng ta như một món quà, chứ không phải là cái gì chúng ta có thể giành lấy nhờ tài năng, mưu mô hay sức mạnh của mình.  Nhờ trí óc và mưu mô, ông Gia-cóp trở thành người giàu có được ngưỡng mộ ở thế gian này.  Nhưng trong cuộc chiến để có tất cả sự giàu có này, ông đã vật lộn với một lực mà trong vô thức ông xem đó là một người hay một cái gì ông phải vượt lên.  Cuối cùng, sau nhiều năm chiến đấu, ông thức tỉnh.  Ánh sáng chợt lóe lên, qua thất bại của sự què quặt.  Và trong ánh sáng của sự thất bại này, cuối cùng ông thấy trong những gì ông đã đấu tranh trong suốt thời gian này không phải là một ai đó hay một cái gì mà ông phải vượt qua, mà là tình yêu mà ông đã hết sức vật lộn để đạt được và đi tới đàng trước.

Với nhiều người trong chúng ta, đây cũng là sự thức tỉnh thực sự trong cuộc sống, ý thức được trong tham vọng và trong tất cả các kế hoạch mà chúng ta đưa ra để tiến lên, chúng ta không chiến đấu với một ai đó hay một cái gì để vượt lên bằng sức mạnh và trí thông minh của mình; chúng ta chiến đấu với cộng đồng của mình, với tình yêu và với Chúa.  Và chắc chắn nó sẽ đánh bại sức mạnh của chính chúng ta (bị đi khập khiễng mãi mãi) trước khi nhận ra những gì chúng ta đang chiến đấu.  Và rồi chúng ta sẽ từ bỏ nỗ lực giành chiến thắng, thay vào đó là bám víu như người chết đuối vào khuôn mặt của tình yêu, xin được chúc phúc, một sự chúc phúc mà chúng ta chỉ có thể nhận như món quà.

Tin rằng phúc lành của chúng ta đến từ chiến thắng, chúng ta cố gắng chiến đấu để cuộc sống của mình xa cuộc sống người khác, cho đến một ngày, nếu chúng ta có đủ may mắn để bị đánh bại, chúng ta bắt đầu cầu xin người khác giữ lấy chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ

Ít có ai chuộng người thu thuế.  Vào thế kỷ thứ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối.  Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân.  Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội.  Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêô không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế.  Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

“Đi ngang qua, Ngài thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Ngài nói: ‘Hãy theo Ta’ và ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mc 2,14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (Mc 1,16t).  Dầu vậy Lêvi không có tên trong danh sách mười hai (Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113).  Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêô (Mt 9,9t).  Như vậy tông đồ đồng hoá mình với Mathêô có trong danh sách các tông đồ.  Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêô với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau.  (Chẳng hạn anh em Macabê, 1Mcb 2, 2-5).  Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêô như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêô bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (Mt 6, 25t).  Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (Mt 8,20).  Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêô.  Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêô bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa.  Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quỹ của nhóm (Ga 13, 29).

Sau khi được gọi, Matthêô biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị tông đồ.  Ngài đã ra thế nào?  Chúng ta có được một câu văn của giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêô viết một tường thuật có thứ tự về lời Chúa, theo năng khiếu của Ngài” (Eusebiô lịch sử Giáo hội III, 39).  Cuốn Tin Mừng Matthêô viết bằng tiếng Aramêô cho người Do thái trở lại.  Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêô bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo thánh Matthêô.”

Theo bản văn tiếng Hy lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha, và có lẽ 7 mối phúc thật.  Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách.  Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chánh như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mác-cô và Luca hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân…

Như vậy Matthêô đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng.  Thật không ngạc nhiên gì khi một mình Ngài ghi lại lời này của Chúa: “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13, 52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của thánh Matthêô được Giáo hội ưa chuộng.  Nhưng công cuộc tông đồ sau này của Ngài lại bị mai một.  Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo hội III, 24, 265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên Ngài với thánh Matthias (Cv 1,26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau.  Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: Ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất.  Điều chắc chắn là Ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ.  Đối với chúng ta Ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

VÔ TƯ PHỤC VỤ

Ngày 12 tháng 3, năm 1930, Mahatma Gandhi cùng 78 thành viên với y phục trắng cổ truyền bắt đầu đi bộ, phản đối đạo luật “Thuế Muối” của đế quốc Anh, cấm người Ấn Độ sản xuất và buôn bán muối, dành độc quyền cho chính phủ Anh bóc lột.

Đi tới đâu, ông đều diễn thuyết chỉ trích và lên án đạo luật phi nhân này.  Dân chúng nồng nhiệt ủng hộ và tiếp tế rau quả, cùng gia nhập theo hành trình nối dài 386 cây số.  Cả thế giới truyền thông đều hướng về “người đàn ông gầy gò nhỏ bé,” đang được một đoàn người dài 3 cây số nhập dòng, từ mỗi làng xã và mỗi ngày một tăng.  Tay không, chân đất họ tiến về bờ biển Ấn Độ Dương.

Sau 23 ngày, đoàn người lên đến trên 50000 người, đã đến bãi biển làng Dandi.  Hôm sau, Gandhi bốc một nắm muối và công khai cùng với người dân Ấn, thể hiện hành động bất tuân đạo luật muối.  Từ đó, Gandhi là ngọn cờ đầu, phục vụ cho công cuộc giành lại độc lập với chiến thuật bất bạo động và bất hợp tác.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay có chủ để về phục vụ.  Trước tiên Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Người, cũng như phương cách phục vụ cho Ơn Cứu Độ.  Nhưng thấy thái độ của các Tông đồ khá tiêu cực, Chúa bèn giảng dạy về ý nghĩa hai chữ Phục Vụ.

1) Phục vụ bản thân

Khuynh hướng con người luôn muốn vinh thân phì gia, quyền cao chức trọng.  Các Tông đồ khi ấy cũng chưa thoát khỏi cái bã vinh hoa phù phiếm.  Chỉ muốn lo cho thân phận, phục vụ bản thân, mới tranh giành nhau cái ghế lãnh đạo.  “Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (Mc 9, 33-34).

2) Phục vụ tha nhân

Chính vì xấu hổ, các Tông đồ mới đành phải lặng thinh, không dám tường trình lại cuộc bàn cãi sôi nổi tranh chấp ngôi thứ.  Chúa Giêsu đã nghe và biết rõ, chẳng la mắng chi, mà chỉ ôn tồn dạy bảo: “Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35).

Mahatma Gandhi đã đích thân đi bộ 386 cây số, khởi xướng cuộc hành trình muối.  ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã đích thân lội nước, đến thăm dân chúng bị lũ lụt tại Hà Nội.  ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh đã lặng lẽ nhặt rác, ngay sau thánh lễ tại linh địa Đức Mẹ Măng Đen, Kon Tum.  Đó là những tấm gương của người lãnh đạo âm thầm phục vụ mọi người.

3) Phục vụ vô tư

Không chỉ dạy bảo những nhà lãnh đạo tương lai, phục vụ như thế nào, Chúa Giêsu còn dạy cho mọi người về thái độ phục vụ một cách vô tư.  “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó mà nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9, 37).

Khi tiếp đón em bé thì đâu có được trả ơn nghĩa gì, như người lớn.  Đó chính là điều Chúa Giêsu muốn mọi người đón nhận nhau, hoàn toàn trong sáng vì danh Chúa.  Vô điều kiện, vô vị lợi, vô tư, không mong đền ơn đáp nghĩa, hay nhằm mục đích nào khác, mà chỉ vì họ là hình bóng Thiên Chúa, vì yêu mến và vinh danh Thiên Chúa.

4) Phục vụ Ơn Cứu Độ

Phục vụ cao quý nhất là quy hướng vào Ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các Tông đồ, chuần bị tinh thần hiệp thông vào sứ vụ cao cả.  “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại.” (Mc 9, 31).

Tuy nhiên, các Tông đồ chưa sẵn sàng để chia sẻ, hơn nữa còn tỏ vẻ sợ hãi tránh né: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ, không dám hỏi lại Người.” (Mc 9, 32).

Lạy Chúa, xin dạy con biết cư xử tốt lành vô tư với mọi người vì danh Ngài, để có thể xứng đáng làm môn đệ Ngài.

Lạy Mẹ Maria, xin nhắc nhủ con luôn khiêm hạ, tận tụy giúp đỡ, chia sẻ với tha nhân vì lòng kính mến Chúa, để luôn được Mẹ che chở, chúc lành. Amen.

 Alphonse Marie Trần Bình An

CHIÊM NGẮM TÌNH YÊU

Đối với người đời, hình ảnh thập giá là một điều gì đó đau đớn tột cùng và một sự thất bại thê thảm.  Tuy nhiên, với người Công giáo thì khác, thập giá là biểu tượng của hy sinh, của tình yêu và vinh quang.

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cùng nhau suy tôn Thánh giá, tức là chiêm ngắm tình yêu tự hủy của Thiên Chúa dành trọn cho con người.  Chính nơi thập giá ấy, ơn cứu chuộc đã đến với con người và cánh cửa trong thân phận làm con Thiên Chúa được rộng mở.

Chúa Giêsu đã không chỉ tự hạ mình để đến với nhân loại trong thân phận con người.  Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã tự hiến thân mình trên cây thập giá để tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn đổ trên con người.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự ô nhục và thất bại thì ngang qua cái chết của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự chiến thắng tội lỗi và đem lại vinh quang cho con người bằng một tình yêu vô vị lợi.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự đau khổ và vô cảm, thì ngang qua sự hiến thân của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự hòa giải và tình liên đới với Thiên Chúa bằng một tình yêu khiêm hạ.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự hận thù và chết chóc, thì ngang qua việc hy sinh mạng sống của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của một Đức tin tinh tuyền và một tình yêu son sắt mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại.

Thật thế, mỗi một người Công giáo luôn xác tín rằng, thập giá không phải là một kết thúc, nhưng là một sự bắt đầu.  Thập giá không phải là sự yếu đuối nhưng là sức mạnh của tình yêu đến nỗi thí mạng sống cho người mình yêu.  Và thập giá không phải là sự chết, nhưng hơn thế đó chính là sự sống mới của con người trong tư cách làm con Thiên Chúa.

Suy tôn Thánh giá là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa – Người là cội nguồn của tình yêu.  Đây cũng là giây phút thiết thực để mỗi chúng ta nhìn lại hành trình sống chứng nhân tình yêu của mình đối với Chúa và tha nhân.

Trong một thế giới đang mải mê tìm kiếm vật chất như hôm nay, tình yêu dường như đang trở nên khan hiếm và rẻ mạt.  Khi mà mọi thứ xung quanh đang được cung cấp một cách đầy đủ và tiện nghi hơn, thì xem ra tình yêu lại đang bị thiếu hụt và xem thường một cách trầm trọng.

Tình người đang được cân đong đo đếm bằng những lợi lộc vật chất và địa vị.  Tình yêu nam nữ đang được xây dựng trên những quy chuẩn của tiền tài và dục vọng.  Do đó, sự khủng hoảng đời sống gia đình đang trở nên báo động hơn bao giờ hết.  Sự thờ ơ vô cảm trở nên lối sống chung của con người thời hiện đại.  Và xã hội trở nên như một chiến trường của sự tranh giành, đấu đá và chỉ biết nghĩ cho riêng mình.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những đổ vỡ đó chính là sự thiếu vắng tình yêu.  Và cốt lõi của đó chính là sự đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa – Đấng đầy tình yêu thương.

Lễ Suy tôn Thánh giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô tận của Thiên Chúa.  Một tình yêu tự hạ để đến và sẻ chia với thân phận con người.  Một tình yêu tự nguyện để đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của phận người.  Một tình yêu tự hiến để hàn gắn tình nghĩa phụ tử của Thiên Chúa với con người.

Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày.  Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quặn mình trong đau khổ và tội lỗi.

Dẫu biết rằng dòng đời vẫn còn đó lắm vất vả gian truân, nhưng sẽ đẹp biết mấy nếu mỗi chúng ta biết dành tình thương cho nhau.  Xã hội sẽ trở nên giá trị và bình yên hơn nếu mỗi chúng ta biết tôn trọng phẩm giá con người bằng tình liên đới và sẻ chia trong cuộc sống.  Và tất cả điều đó sẽ được bắt đầu khi mỗi chúng ta biết nhìn lên Thập giá Đức Kitô, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và thực hành tình yêu đó mỗi ngày trong đời.

J.B Lê Đình Nam

TRÊN ÐƯỜNG VỀ

Trên đường về với Chúa, tôi đã bao lần cất cánh bay lên, nhưng có mưa phùn làm đôi cánh lạnh giá.

Ðã bao lần tôi muốn đi tới, nhưng lối về có gai góc cản ngăn.
Ðã bao lần muốn giang tay ra, cho đi nhiều hơn, nhưng có nuối tiếc bảo đừng.

Vì thế, trong mơ ước có gian nan.  Và, trên đường về với Chúa vẫn là khúc đường xa xăm.

************

Trong cuộc sống, những giấc mơ chưa trọn vẹn là những giấc mơ buồn.  Vì không trọn vẹn nên mới buồn.  Nhưng đặc tính của những giấc mơ buồn lại thường là những giấc mơ lớn.  Vì lớn nên mới khó trọn vẹn.  Bởi đó, cái buồn của giấc mơ không trọn vẹn dường như vẫn là cái buồn giá trị, giá trị vì nó mang một hoài bão rất cao.

Cái không trọn vẹn đó thúc bách, mời gọi đi tới.  Con đường tình yêu không bao giờ có giới hạn thì giấc mơ tình yêu không bao giờ cùng.  Do đấy, sự chưa được trọn vẹn trong ước mơ đi về với Chúa là sự chưa trọn vẹn dễ hiểu trong thân phận làm người của tôi nơi trần thế này.  Ðường tình yêu càng dài thì giấc mơ tình yêu càng sâu.  Tình yêu càng sâu thì trên đường ấy, tôi cần miệt mài đi mãi.

Trên đường về với Chúa, tôi chỉ hỏi lòng tôi là tôi đã đi xa tới đâu, đã bay cao thế nào.  Chứ không thể có câu hỏi tôi đã yêu Chúa trọn vẹn chưa.  Từ ngàn xưa, Ngài đã biết hồn tôi là dang dở, những lời thề của tôi là những lời đoan hứa dập gẫy.  Bởi đấy, tôi không thể yêu Ngài trọn vẹn nhưng Ngài đòi tôi đi về trọn vẹn.

Trọn vẹn là một mơ ước.  Dang dở vì chưa trọn vẹn có chiều sâu của nó là nó làm cho mơ ước tiếp tục còn là ước mơ.  Tôi có thể cầu Chúa cho tôi đạt được mọi mơ ước không?  Khi đạt được mọi mơ ước rồi thì tôi không còn mơ ước nữa.  Không còn mơ ước thì còn gì để mà đi tới, còn gì để mà bay lên.  Trong ý nghĩ ấy, đường về với Chúa nếu còn dang dở chỉ là lời gọi tôi đi tới.  Mỗi lần sa ngã chỉ là bảo tôi nhìn lên cao.  Tôi không thất vọng vì chưa đạt được mơ ước.

Mơ ước đã được rồi là hạnh phúc đã được đóng khung trong một bến bờ.  Tôi muốn thứ hạnh phúc vô cùng.  Tôi muốn hoài hoài mơ ước.  Tôi muốn vào một không gian hạnh phúc mà càng bay cao thì càng bắt gặp trời thênh thang tự do.  Càng bắt gặp thì càng si mê, càng si mê thì càng nuôi mộng đi tới nữa.  Tôi tin rằng hạnh phúc ấy có thật.  Ðó là chính Chúa.  Bởi tôi biết, tôi không bao giờ uống cạn được ân sủng của trời cao.  Vì thế, tôi không xin cho tôi đạt được điều tôi mơ ước mà chỉ xin cho tôi được mãi mãi, hoài hoài đi về Ngài, sống trung thành với mơ ước đó thôi.

Và vì thế, linh hồn tôi có vì bất toàn mà lầm lỗi, thì đấy chẳng thể là lý do làm tôi thất vọng, xuôi lòng. Trên đường về nhà Cha, nếu vì yếu đuối mà dừng nghỉ.  Thì, đường về nhà Cha có xa xăm thật.  Xa xăm ấy vẫn là xa xăm có Chúa.  Nếu vì sa ngã mà làm cho giấc mơ gian nan.  Thì, đường về nhà Cha có gian nan thật, gian nan ấy vẫn là gian nan ấm lòng.

**************

Lạy Cha,
Cha cầu xin cho con không thuộc về thế gian, nhưng Cha đã chẳng đem con ra khỏi thế gian.  Ngày nào con còn trong thế gian thì con còn nghe thấy tiếng dỗ dành của những rung cảm đam mê.  Từ trong bào thai của mẹ, con đã là lỗi phạm.  Con có thể vấp ngã vì bóng đêm, nhưng con có thể không thuộc về đêm tối.  Con không thất vọng vì những đám mưa phùn làm con ướt cánh.  Con không ủ dột vì bờ đá chênh vênh giữ chân con đi tới.  Vì con biết, khi Cha dìu con, thì tình trời sẽ sưởi ấm chiều mưa lạnh ảm đạm, và ân sủng sẽ gieo trên gai nhọn.  Khi Cha dìu con thì ước mơ sẽ nên tha thiết, và dù có vất vả cánh ong vẫn bay về được với mật ngọt của hoa.  Khi Cha dìu con thì con có thể trung thành. Khi Cha dìu con thì thánh giá sẽ là sức sống.

Lạy Cha,
Ðấy là mơ ước và cũng là lời cầu nguyện của con trên đường về.
Có giấc mơ nào đẹp mà không phải trả giá bằng thương đau?  Có giấc mơ nào lớn mà không phải trả giá bằng thử thách?  Có thập giá nào lên đồi Golgotha mà không quỵ ngã?  Có chiều nào trong vườn Giệtsimani mà không lo âu rướm máu.  Những áng mây trời chỉ bay trên đỉnh đồi.  Gió lộng chỉ ở ngoài biển khơi.  Tôi phải đi lên. Tôi phải miệt mài bước tới.  Và Ngài đã nói với tôi: “Cha ở cùng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28: 20).

Tiếng gọi của trời cao là bảo tôi trung thành với ước mơ.  Cho dù lầm lỗi có làm tôi đau khổ vì mất giá trị nhưng chẳng vì thế mà Người chê trái tim tôi nghèo nàn xấu xí.  Ðôi cánh con chim sẻ sẽ chẳng bay cao được như con phượng hoàng.  Nhưng một ly nước nhỏ mà đầy thì ý nghĩa hơn một ly nước lớn mà vơi.

Dù có yếu đuối cản đường.  Dù có lầm lẫn che lối.  Dù ngày tôi chết, tôi vẫn chưa leo được tới nửa đồi của thập giá, nhưng nếu tim tôi vẫn hồng lửa ước mơ, hồn tôi vẫn vất vả đi tìm cõi vô biên thì đấy là đường mở lối vào vườn hạnh phúc rồi.

Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một con chiên què mà cứ xiêu vẹo trèo lên.  Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một đôi cánh đang lầm than vì gió lạnh, mưa ướt, mang thương tích vì gai rậm mà cứ nhất quyết tìm đường về.  Và vì đó, dù trong yếu đuối của tôi, tôi vẫn thấy biển rộng, trong dòng xót thương của Cha, tôi tới đồi cao.

Lm.  Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”

MỘT CON NGƯỜI HAI TƯ TƯỞNG

Tin mừng hôm nay cho ta thấy ông thánh Phêrô tuy một nhưng hai tính cách: một Phêrô Kitô hữumột Phêrô Satan.  Một Phêrô nói Thầy là Đấng Mêsia mà dân Israel đã cưu mang từng bao đời.  Một Kitô hữu Phêrô rất đẹp nhưng bên cạnh đó có một con quỷ Satan đội lốt Phêrô để can dặn Chúa Giêsu chớ có dại dột mà lên Giêrusalem, Chúa Giêsu quay lại mắng một lời rất nặng mà ít thấy trong Tin mừng.  Vâng, Phêrô cũng là hình ảnh của mỗi một người chúng ta đây và tất cả những ai mang danh Kitô hữu có một tính cách rất tốt mà cũng có những tính cách rất Satan.

Thử hỏi hôm nay có người Công giáo nào dám vỗ ngực và bảo rằng tôi đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu và không có một Satan nào trong tôi cả.  Nhưng mỗi một con người đều pha lẫn ánh sáng và bóng tối, vừa pha lẫn tính chất Kitô hữu và lại có tính cách của quỷ Satan ở đấy.  Cho nên, trong bài đọc hai, Thánh Giacôbê nói: “Có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15).

Vậy thì, vấn đề ta phải suy nghĩ với nhau đó là cái gì mà làm cho ta là Kitô hữu mà lại mang tính chất Satan đó?  Có thể là nhiều lý do nhưng mình có thể dựa vào Tin mừng hôm nay đó là chúng ta quen tính toán suy nghĩ và chọn lựa đường lối của loài người mà mình quên mất những suy nghĩ vào đường lối của Thiên Chúa.  Không có ai và không có cộng đoàn nào mà không đi tìm cho mình sự sống thật và con đường nào dẫn đến sự sống thật?  Nhiều khi mình đi tìm sự sống nhưng là một sự sống giả và là con đường tính toán với thế gian.  Chẳng hạn, khi hoàng đế Nêron muốn làm thơ về thành Turoa cho nên ông đốt cả thành Rôma, rồi ông đổ tội cho người Công giáo, thế là một cuộc bách hại tàn sát rất dã man đổ lên trên đầu Hội thánh Công giáo.  Phêrô tìm cách thoát ra khỏi thành Rôma.  Bởi vì Ngài sợ rằng nếu bây giờ mà vị lãnh đạo Giáo hội bị đế quốc Rôma giết chết thì còn ai lãnh đạo, và cả đoàn chiên của Chúa mất đầu, sẽ tan tác hết cho nên Ngài phải thoát ra khỏi thành để duy trì sự sống cho Hội thánh.  Nhưng không ngờ rằng trên đường đi ra khỏi thành lại gặp Chúa Giêsu đi ngược lại, và khi Phêrô lên tiếng hỏi Thầy đi đâu, Chúa Giêsu trả lời Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh thêm một lần nữa.  Phêrô hiểu và quay trở lại Rôma.  Ngài hiểu ngay việc Ngài thoát ra khỏi thành Rôma là sự khôn ngoan, nhưng nó lại là sự khôn ngoan của loài người chứ không phải sự khôn ngoan của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Chúa muốn cho con người được hạnh phúc.  Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người bằng cái chết trên thập giá và sống lại vinh quang.  Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng, và mau qua theo kiểu thế gian hay Satan.  Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa.  Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn.  Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình.  Đó là yêu thương, tha thứ nhất là từ bỏ xu hướng của Satan ham muốn xác thịt… để chỉ sống thanh cao phần tinh thần.

Đúng thế, người Kitô hữu qua lời nói, qua việc làm và nhất là qua cuộc sống của mình phải là một câu hỏi cho những người chung quanh.  Dù âm thầm nhỏ bé đến đâu chăng nữa, thì đời sống của người Kitô hữu phải làm cho những người chung quanh nhìn ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô.  Vì vậy, là Kitô hữu luôn mang một tính cách của Chúa là: chứng nhân giữa một xã hội đầy giành giật và bon chen, đầy bạo lực và bất công; thực thi tinh thần nghèo khó, chấp nhận thua thiệt mất mát hơn là bán đứng lương tâm của mình để chạy theo những lợi lộc bất chính, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù địch, và bước theo Chúa cho đến cùng, biết sống lạc quan, tin tưởng vào một Đấng có tình yêu thương trải dài trong suốt lịch sử con người, và sống tử tế, cư xử tốt đẹp với mọi người.  Vì vậy, kết thúc thông điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới”, Đức Thánh Cha Gioan 23, đã viết như sau: “Mỗi người Kitô hữu trong thế giới là một mảnh sao băng, một tụ điểm của tình yêu, một thứ men sống động giữa những người anh em của mình.  Người Kitô hữu sẽ đóng trọn vai trò ấy hơn khi họ còn sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.”

Xin cho Lời Chúa hôm nay luôn thanh tẩy tư tưởng Satan trong trí lòng chúng ta để chỉ còn tư tưởng và đường lối của Chúa trong cung cách sống đạo của chúng ta hôm nay. Amen.

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

MẸ MARIA LÀ EVÀ MỚI

Sự sống là điều quý giá mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.  Việc tổ chức mừng sinh nhật cho chính mình cũng như cho người khác là dịp nhắc nhở ta về sự quý giá đó để tạ ơn Thiên Chúa qua sự hiện hữu của mình hay của người khác.

Hôm nay, cùng với toàn thể nhân loại, chúng ta mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria.  Ngài là Mẹ Đấng Cứu Chuộc và qua thiên chức cao cả đó, Mẹ cũng là mẹ các chi thể của Đức Kitô là chính chúng ta.  Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hiệp cùng Giáo Hội ca tụng, tung hô Mẹ: “Lạy Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, vì bởi lòng Mẹ, mặt trời công chính là Đức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người sẽ kéo chúng con ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu.”  Và cùng với chính Mẹ, chúng ta ca tụng Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!  Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 49-50).

Thật vậy, ngày Mẹ sinh ra, cả Triều Thần Thiên Quốc và mọi loài mọi vật dưới đất hân hoan, vui mừng, hy vọng.  Bởi vì Mẹ sinh ra báo hiệu thời cứu rỗi đã đến, là Rạng Đông đi trước Mặt Trời Công Chính là Đức Kitô.  Mẹ chính là Sao Mai soi sáng và dẫn đưa nhân loại đến với Đức Kitô.  Mẹ đến để phục hồi vai trò làm Mẹ Chúng Sinh mà Evà đã đánh mất do tội bất tuân.  Mẹ chính là Evà mới, nghĩa là sự sống và là Mẹ của các người sống.  Bởi vì như Evà đầu tiên đã được rút ra từ cạnh sườn của Ađam, để trở nên một con người sống động thế nào, thì cũng vậy, Đức Maria, với tất cả rạng ngời của sự sống và vô nhiễm nguyên tội, Mẹ bước ra từ trái tim của Ngôi Lời vĩnh cửu là chính Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch sự sống.

Mẹ Maria chính là ưu phẩm; là bảo vật mà Thiên Chúa đã giấu kín từ lâu; là hình ảnh đã được tiên báo trong Tiền Tin Mừng.  Mẹ cũng là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.  Nơi Mẹ, Mẹ vừa là Nữ Tỳ của Thiên Chúa, vừa là Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, và Mẹ của toàn thể chúng sinh.  Việc tuyển chọn Mẹ để trở thành Mẹ Thiên Chúa là một mầu nhiệm cao cả, bởi vì liên hệ trực tiếp đến công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.  Chính trong vai trò này, mà Mẹ đã góp phần của mình nhằm hoàn tất vai trò cứu độ loài người của chính Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta tôn kính Mẹ bởi vì Mẹ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua lời “xin vâng.  Khi Mẹ đón nhận thánh ý Chúa như thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đã Nhập Thể trong cung lòng Mẹ.  Đây chính là một vai trò trọng yếu trong công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi nhiệm cục cứu độ của Người.

Nhưng khi tôn kính những ơn huệ của Mẹ không thôi thì chưa đủ, mà còn noi gương những nhân đức của Mẹ mới là những người con thảo hiếu của Mẹ trên trời.

Quả thật, Công đồng Vaticanô II đã nói: “Lòng sùng kính chân chính… phát sinh từ một đức tin chân thật.  Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Noi theo mẫu gương của Mẹ, chính là bắt chước những gương sáng của Mẹ để lại.  Những mẫu gương nổi trội nơi Mẹ chính là: đức tin, đức ái, lòng khiêm nhường, tinh thần ngoan ngùy với Thiên Chúa trong vai trò là Nữ Tỳ của Người.

Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Đức Giêsu Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.  Amen! 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

CHÚNG TA CẦN BÌNH AN LÚC NÀY

Qua người bạn tôi nghe được câu chuyện thật buồn: khi biết mình nhiễm Covid-19, em đã chọn cách tự tự để thoát khỏi nỗi sợ này. Rồi hung tin ấy lan đến quê em, nhiều người nơi ấy cũng mất bình an và thêm phần lo lắng. Mợ tôi cũng đã nhiễm virus với rất nhiều hoang mang lúc ban đầu. Mợ chia sẻ: “Khi được đưa vào khu cách ly, mợ cảm giác khó thở vì sợ hãi đã xảy ra. Mợ đã cố lấy lại bình tĩnh và cầu nguyện để biết mình cần làm gì lúc này. Sau đó, nỗi sợ cũng qua và sức khỏe cũng dần dần tốt lên từng ngày.” Tiếc rằng nỗi sợ, bất an là thực tế mà không ít người mắc phải. Chút chia sẻ dưới đây hy vọng mỗi người tìm lại chút bình an trong những ngày khó khăn này.

Bạn thân mến,

Con người luôn có tính xã hội và thường bị ảnh hưởng của đám đông. Đó là điều rất tự nhiên mà chúng ta thấy khi đại dịch xuất hiện, ngày càng có nhiều người hoang mang. Nhất là khi gia đình có người là nạn nhân của con virus này, sự buồn bã và lo âu chắc tăng lên gấp bội. Làm sao để cho tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là điều không dễ chút nào. Ai cũng thuộc lòng câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng… Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”, nhưng mấy ai làm được?

Chắc hẳn ai cũng có cách để thích nghi với dịch bệnh. Khi ở nhà, mỗi người đã có những sáng kiến để giữ cho bầu không khí gia đình được bình an. Khi ở khu cách ly, mỗi người cũng cố gắng đón nhận hoàn cảnh và làm theo những hướng dẫn của bác sĩ y khoa. Thậm chí trên giường bệnh, nhiều người cũng cố gắng lạc quan để cộng tác với bác sĩ trong tiến trình chữa trị. Dù virus có đảo lộn mọi thứ, tác động khủng khiếp đến mọi khía cạnh của đời sống, nhưng chúng ta cần trấn an, nâng đỡ và cầu nguyện cho nhau, để mong cùng nhau vượt qua thách đố này trong an bình. Bình an là khao khát muôn thuở của con người, nhất là những lúc khó khăn. Không chỉ trong đại dịch lần này, nhưng mọi bôn ba của kiếp người chẳng phải để tìm được bình an đó sao?

Chắc ai cũng hiểu bình an là sự yên ổn, êm đềm của cuộc sống, là khỏe mạnh và thoát khỏi dịch bệnh. Ở đó không có hận thù, sợ hãi và hoang mang. Bình an trong tiếng Do Thái còn có nghĩa là an lạc, hạnh phúc. Người Do Thái thường chào nhau với hai chữ: Bình an (Sa–lom). Chào như thế vì họ không chỉ thể hiện tương quan với nhau, nhưng quan trọng hơn, họ có chung một Thiên Chúa là nguồn bình an cho con người.

Chúng ta thấy khung cảnh lúc Đức Giêsu chết cũng không khác nhiều bối cảnh lúc này. Các môn đệ hoang mang cực độ. Nơi các ông ở lúc đó đều cửa đóng then cài. Phần vì các ông buồn bã trước cảnh tượng người ta giết thầy Giêsu, phần vì sợ người ta có thể ám hại cả các ông nữa. Tính mạng của các ông không mấy an toàn lúc này, nếu ở những nơi công cộng. Các ông buộc phải cách ly trong hoang mang! Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông.

Chúng ta sẽ ngạc nhiên với câu nói đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19) Đó không chỉ là lời chào thăm, nhưng còn là nguồn động viên, “xốc” lại tinh thần của các ông. Đức Giêsu biết lúc này các ông thực sự cần bình an. Dù ngoại cảnh có nhiều nguy hiểm, nhưng một khi tâm hồn được bình an, người ta có thể đón nhận được mọi thứ trong thanh thản. Kết quả là các ông đã mở toang cửa để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho toàn dân. Các ông đến nơi đâu, cũng nói về câu chuyện Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại. Chính Tin Mừng ấy trao rất nhiều bình an cho thính giả thời bấy giờ. Bởi thế mà Giáo hội sơ khai tuy chịu nhiều bách bớ, nhưng người con của Chúa luôn cảm thấy bình an để làm chứng cho Tin Mừng này.

Thật đẹp khi trong cảnh khốn cùng này, ước sao nhiều người thốt lên với Đức Giêsu Phục Sinh: “Lạy Chúa xin ban bình an cho chúng con và toàn thế giới.” Thiên Chúa là nguồn của mọi bình an (Ep 2,14). Bình an của Thiên Chúa không như thế gian ban tặng. Đó là bình an của tâm hồn, của niềm vui nội tâm và của tình yêu giữa thụ tạo với Đấng Tạo Thành. Đó là quà tặng của Thiên Chúa cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và tự do. Đừng quên bình an nội tâm là nền tảng của sự bình an trong gia đình, trong xã hội và trên thế giới.

Chắc hẳn khi ở nhà quá lâu, sống trong cảnh dịch bệnh kéo dài, nguy cơ mất bình an là có thật. Bởi đó, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều lời hướng dẫn hữu ích để tạo cho mình được bình an. Là người Công giáo, chúng ta may mắn có Thiên Chúa luôn trao bình an cho mỗi người. Dĩ nhiên bình an ấy không dành cho những ai lười biếng ngồi chờ sung rụng. Thiên Chúa đòi con người cộng tác một chút, Ngài hứa sẽ ban bình an thật nhiều. Bằng cách nào?

Trong câu hỏi trên, tôi tin ai cũng có câu trả lời cho riêng mình. Giáo hội mời gọi con cái mình cầu nguyện, hướng đến đời sống nội tâm nhiều hơn lúc này. Mỗi ngày dành cho Thiên Chúa chút không gian và thời gian, để cùng với Chúa vun đắp bình an cho tâm hồn mình. Thực ra bất kỳ ai liên kết với Thiên Chúa, người ấy đều có được bình an đích thực. Khi có bình an, người ta sẽ biết mình nên làm gì và cần phải làm gì trong thời gian đại dịch. Hãy để sự bình an của Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình và để Ngài cất bỏ những lo âu phiền muộn. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Hẳn là chúng ta được an ủi trước câu hỏi này: “ Thiên Chúa có định cho con người phải đau khổ và phải chết không?” An ủi vì: “Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ và phải chết. Từ khởi thủy Thiên Chúa đã muốn cho con người sống nơi Địa Đàng, được sống mãi mãi, bình an giữa Thiên Chúa, mọi người, và vạn vật chung quanh. Bình an giữa nam và nữ.” (Youcat số 66). Tiếc là khi rời Vườn Địa Đàng, người ta luôn có nguy cơ mất sự bình an này.

Với chủ đề trên đây, hy vọng mỗi người nhắc mình cần bình an lúc này. Thực tế là nhiều người quên mất mình đang sống trong bất an. Cảm giác ấy khó chịu vô cùng! Hãy dừng lại đôi chút để đọc xem điều gì đang diễn ra trong tâm hồn mình lúc này? Nhiều nhà thiêng liêng chỉ cho chúng ta cách để tìm lại được bình an: “Hãy giữ tâm hồn bạn bình an. Hãy để Thiên Chúa hành động trong bạn. Hãy đón nhận mọi tư tưởng nâng tâm hồn bạn lên tới Chúa. Hãy mở rộng cửa tâm hồn bạn.” (Thánh Inhaxiô Loyola). Nếu bạn đang thực sự bình an, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục vui sống với hồng ân của Chúa. Nếu lòng bạn đang biến động giữa xáo trộn vì Covid–19, thử áp dụng vài phương cách như thế cùng với Chúa xem sao?

Chúng ta cùng cầu chúc cho nhau để mỗi người đón nhận được lời chúc lành của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em! Hy vọng bình an nội tâm sẽ là sức mạnh để mỗi người, cùng với Chúa và với nhau, vượt qua những khó khăn, bức xúc và phức tạp của hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta cần bình an lúc này và ở đây!!!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net

CÂM ĐIẾC TÂM LINH

Một phụ nữ kia có người bạn bị điếc.  Ngày nọ bà ta hỏi người bạn muốn được tặng gì vào ngày sinh nhật.  Người bạn ấy đáp lại thật bất ngờ: Xin bạn hãy vui lòng viết thư cho Ann Landers yêu cầu bà ta in lại bảng kinh cầu nguyện cho người điếc.  Bà ấy đã từng in nó trước đây vào mục của bà trong một tờ báo, nhưng tôi đã đánh mất bản sao mục đó rồi!”  Thế là người phụ nữ đã viết thư cho Ann Landers.  Và vào ngày 1.6 ngày sinh nhật của cô bạn, bà Ann đã in lại lời cầu nguyện đó trong cột báo của mình.  Một đoạn trong lời cầu đó như sau:

“Lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là đa số thiên hạ xem họ như những người chuyên làm phiền người khác.  Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc.  Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín” (William Barclay).

 Lời kinh trên cho chúng ta thấy một nỗi niềm, một uẩn khúc nào đó của người điếc mà chúng ta thường ít người nhận ra được.  Đa số chúng ta đều cho rằng mù thì tệ hại hơn điếc.  Thế nhưng Helen Keller vừa bị mù lẫn điếc thì cho rằng bị điếc không nghe được, thì quả là phần lớn những cánh cửa trong cuộc đời ta đã bị khép chặt lại, chẳng hạn: mở radio thì chả hiểu gì, xem truyền hình cũng chả thú vị gì mà còn phát chán, và hầu như không thể trò chuyện với ai được cả.  Vì thế, sau một thời gian chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi.

***************************************

Câu chuyện về người điếc nói trên giúp ta hiểu rõ hơn bài Phúc Âm hôm nay.  Nó giúp ta hiểu được người câm điếc vui sướng như thế nào sau khi được Chúa Giêsu chữa lành. Lần đầu tiên trong cuộc đời anh ta cảm nếm được một phần nào vui thú của cuộc sống.

Điều này dẫn chúng ta đến một vài câu hỏi:

–    Tại sao Chúa Giêsu đã chữa lành người câm điếc ấy?

–    Tại sao Ngài đã khai thông lỗ tai người ấy?

–    Tại sao Ngài đã phục hồi miệng lưỡi người ấy?

Câu trả lời nằm trong bài đọc thứ nhất ngày hôm nay.  Trong lời mô tả vài dấu chỉ sẽ xảy ra khi Đấng Mêsia đến, tiên tri Isaia đã nói: “Kẻ điếc sẽ được nghe, ai không nói được sẽ mừng rỡ reo lên…”  Qua việc chữa lành người câm điếc trên, Chúa Giêsu đã hoàn tất hai dấu chỉ mà tiên tri Isaia đã nói để giúp dân chúng nhận ra Đấng Mêsia.  Vậy, một trong những mục đích của việc chữa lành ngày hôm nay là xác nhận rõ hơn Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.

Tuy nhiên, việc chữa lành ngườì câm điếc kia còn tỏ lộ một điều ẩn kín nào đó nơi bản thân Đức Giêsu.  Nó cho ta thấy Đức Giêsu là một mẫu người giàu lòng thương xót.  Điều này đặc biệt biểu lộ qua cung cách Ngài tách biệt anh chàng câm điếc ra khỏi đám đông.  Như ta biết, người điếc thường hay mặc cảm nên lúng túng trước tình cảnh của mình.  Họ không hiểu ất giáp gì cả khi nghe người ta hỏi, nên họ luôn cảm thấy mình như ở ngoài rìa.  Vì thế khi dẫn anh chàng câm điếc ra khỏi đám đông, Chúa Giêsu đã biểu lộ lòng xót thương thực sự của Ngài đối với anh, Ngài rất nhạy cảm đối với tình cảnh đáng thương của anh.  Như thế ngoài việc tỏ cho ta biết Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, việc chữa lành người câm điếc còn cho ta thấy rõ lòng thương xót của Đức Giêsu.

Cuối cùng, việc Đức Giêsu chữa lành cho người câm điếc đã tạo nên nguồn hy vọng cho chúng ta là những kẻ đang sống ở thời đại ngày nay.

Trạng thái của người câm điếc không giống trạng thái của riêng chúng ta.  Nhiều người trong chúng ta không điếc về thể lý nhưng lại điếc về tâm linh.  Chúng tôi muốn ám chỉ gì đây? Hãy dùng một ví dụ để làm sáng tỏ.

Mới đây một bà mẹ và ông bố đến thăm đứa con gái của họ đang lâm trọng bệnh ở nhà thương.  Ngay khi họ lái xe rời bệnh viện, bà mẹ bắt đầu vừa khóc vừa nói; Anh Ron ơi, em chả biết rõ điều gì đang xảy đến cho em, lẽ ra 10 năm trước em có thể cầu nguyện với tất cả tấm lòng cho con gái chúng ta.  Lẽ ra em có thể trình bày với Chúa về nó, và lẽ ra em có thể nghe lời Chúa dặn dò em “Đừng lo.”  Thế nhưng em không còn làm điều ấy được nữa.  Em không còn cầu nguyện được nữa, em không thể nói chuyện với Chúa như em đã thường làm.  Hình như về mặt thiêng liêng em đã trở nên như câm như điếc.”

Câu chuyện trên mô tả tình trạng của nhiều người trong chúng ta.  Chúng ta đôi lúc cũng cảm thấy khó cầu nguyện khác với chúng ta ngày xưa.  Chúng ta cũng cảm thấy khó đối thoại với Chúa và chúng ta cũng cảm thấy khó khăn trong việc nghe Chúa nói với chúng ta.  Vậy trong trường hợp này, chúng ta phải làm gì?  Câu trả lời đã nằm sẵn trong bài Phúc Âm hôm nay.  Chúng ta có thể bắt chước người câm điếc trên, nghĩa là tìm kiếm Chúa Giêsu, cùng Ngài bước ra khỏi đám đông và tận hưởng đôi chút thời gian bên sự hiện diện có khả năng chữa lành của Ngài.

Bài Phúc Âm hôm nay khuyên chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho Chúa Giêsu để Ngài mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài đặt ngón tay của Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta.  Nói cụ thể hơn, Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm lại những gì chúng ta đã từng có thói quen hay làm, tức là bỏ ra ít phút mỗi ngày để cầu nguyện, để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta điều Ngài đã làm cho người câm điếc ấy, nghĩa là bài Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc của chúng ta.

Như thế, câu chuyện người câm điếc trên nói với chúng ta 3 điều:

–  Thứ nhất, nó mặc khải cho chúng ta Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia của Israel đã được mong đợi từ lâu.  Đức Giêsu đã thực hiện điều mà Isaia tiên báo Đấng Mêsia sẽ làm, tức là cho người điếc được nghe và người câm nói được.

–  Thứ hai, câu chuyện người câm điếc mặc khải cho ta biết Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng xót thương.  Ngài đưa người điếc ra khỏi đám đông để chữa lành cho người ấy.  Ngài không biến người ấy thành trò cười cho thiên hạ mà muốn tiếp xúc thân mật riêng tư với người ấy.

–   Cuối cùng, bài Phúc Âm mặc khải cho chúng ta phương pháp giải quyết các vấn nạn mà nhiều người trong chúng ta đang gặp phải ngày hôm nay. Đó là chúng ta không còn cầu nguyện được nữa, không còn thưa chuyện với Chúa, lắng nghe lời Ngài nói trong tâm hồn chúng ta được nữa. Về mặt thiêng liêng quả thực chúng ta đang bị câm điếc.

Để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề khổ tâm này, chúng ta hãy bắt chước người câm điếc, là tìm kiếm Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành chúng ta.  Cụ thể hơn, chúng ta hãy để riêng vài phút mỗi ngày tiếp xúc với Chúa Giêsu ngõ hầu Ngài sẽ chữa lành và làm cho chúng ta hoàn toàn khoẻ mạnh trở lại.

Cha Mark Link, S.J.

***************************************

Lạy Chúa Giêsu, nỗi bất hạnh của người điếc là nghe mà không hiểu và từ từ họ cảm thấy bị tách biệt xa lạ với thế giới bên ngoài.  Còn nỗi bất hạnh của con là theo Chúa nhưng không hiểu Chúa muốn nói gì, không biết Chúa muốn gì nơi con, nhưng bất hạnh hơn là con không biết mình đang bị câm điếc tâm linh để xin Chúa chữa lành.  Lạy Đấng giàu lòng xót thương, xin cho con nhận thức căn bịnh tâm linh thời đại mà con đang mang và xin chữa lành tâm hồn con.  Xin cho con biết sống thân mật với Chúa hơn, biết bỏ ra vài phút mỗi ngày để tiếp xúc với Chúa, để nghe mà hiểu Chúa muốn nói gì, để dễ dàng nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống con.  Amen!