THIÊN THẦN BẢN MỆNH

Một vị linh mục kể lại một chứng từ: “Khi đó ngài làm cha sở ở một xứ đạo hẻo lánh miền quê bên Pháp, vào một đêm được tin một người đau nặng đang hấp hối, muốn xin ngài tới xức dầu.  Trời về khuya, với bổn phận mục tử ngài ra đi làm phận sự của mình.  Từ nhà xứ tới nhà người đau, ngài phải băng qua khu rừng vắng.  Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh, ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với mình.  Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối…

Mười năm sau, ngài được người ta báo: Có người tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cứ một ai khuyên bảo.  Nghe tin, ngài đã tới thăm vì lòng nhân từ mục tử.  Vừa thấy ngài, người tử tù đã muốn phản ứng xua đuổi, không muốn gặp, nhưng khi nhìn trực diện ngài, bỗng anh ta ngừng lại và nói với ngài: “Có phải cha là cha sở họ X không?”  Ngài ngạc nhiên trả lời: “Trước đây mười năm tôi làm cha sở ở đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác…

Thì ra cách đây mười năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người, đang lẩn trốn ở khu rừng mà tôi đi qua và hắn định bất cứ gặp thấy ai, hắn sẽ giết chết để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang, đánh lừa lưới của pháp luật.  Người tử tù kể lại: “Lúc đó y muốn giết tôi, nhưng thấy bên cạnh có người thanh niên lực lưỡng, thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho tôi và người thanh niên ấy đi bình an, vô sự.”

Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên và sực nhớ lại lúc đó tôi dừng lại để cầu nguyện xin Thiên Thần Bản Mệnh giúp đỡ.  Như vậy, người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tôi, đã giữ gìn tôi.”

*************************************

Ngay trong Cựu ước, Thiên Chúa loan báo gửi xuống một đạo binh thiên sứ để giữ gìn loài người: “Này Ta sẽ sai Thiên thần Ta đi trước mặt ngươi và gìn giữ ngươi khi đi đàng, dẫn đưa ngươi đến nơi Ta dọn sẵn cho ngươi” (Xh 23, 20).

Trong hang sâu tù ngục, trước hàm của sư tử, Đanien được các Thiên thần bảo vệ…  Vì không thờ thần dân ngoại, ba cậu bé Khanania, Adaria và Misaen bị bỏ vào trong lò lửa, nhưng các em được các Thiên thần Chúa bảo vệ khi lửa đang cháy mà không bị gì, các thiếu niên này còn vang lời ca tụng Đức Chúa (Đn 3).

Chúa Giêsu sau khi Chúa chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, cũng đã được các thiên thần phục vụ khi, Kinh Thánh ghi lại: “Các thiên thần đến để hầu hạ Người” (Mt 4, 11).

Giữa con người và các Thiên thần có mối dây liên lạc mật thiết.  Các ngài là thụ tạo cộng tác viên với Thiên Chúa nhằm trợ giúp mỗi chúng ta trên con đường lữ hành ở trần thế, sứ mạng của các ngài thực hiện trong âm thầm, lặng lẽ.  Mỗi người có một Thiên thần đồng hành che chở bảo vệ và Thiên thần đó hằng nhìn thấy Thiên Chúa.  Chúa Giêsu diễn tả các Thiên thần với đời sống các trẻ em như sau: “Anh em chớ khinh khi một ai trong những kẻ bé nhỏ này; Thầy nói cho anh em hay: Các thiên thần của họ hằng ở bên ngai Thiên Chúa trên trời!” (Mt 18,10).

Thánh Gioan trong sách Khải huyền còn nói đến mỗi dân tộc cũng có một Thiên thần bản mệnh riêng (x. Kh 2 – 3).  Các thánh Giáo phụ tin là mỗi người từ lúc được tạo dựng trong bào thai đã có một Thiên thần bản mệnh riêng.

Chúng ta đã nhận biết bao ân phúc của các Thiên thần, chúng ta phải tỏ lòng cung kính vâng phục các Ngài.  Niềm tin vào Thiên thần bản mệnh giúp ta lấy lại bình an trong tâm hồn vì luôn có Đấng bảo vệ.  Chúng ta mang niềm vui, nhất là tâm tình phó thác cậy trông vào Thiên Chúa vì như Chúa Giêsu khẳng định: “Các thiên thần của họ hằng ở bên ngai Thiên Chúa trên trời!” (Mt 18,10).

“Chúng ta hãy đặc biệt cầu xin các Thiên Thần, nhất là hôm nay để các đấng canh giữ tôi và các cộng sự viên của tôi” (ĐGH Bênêđictô XVI).

Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

*************************************

Con thân lạy Đức Thánh Thiên Thần, tính thiêng liêng sáng láng, con cám ơn Đức Thánh Thiên Thần giữ con từ thuở mới sinh đến nay cho khỏi tay ma quỷ.  Đức Thánh Thiên Thần là thầy con, mở lòng cho con biết được đạo thánh Chúa trời đất.  Vì vậy, con cầu cùng Đức Thánh Thiên Thần giữ con ban ngày, xem con ban đêm, cho đến trọn đời, kẻo ma quỷ dữ cám dỗ được con.

Con thân lạy Đức Thánh Thiên Thần khấn nguyện cho con thông minh sáng láng, giữ mười sự răn, chừa mọi sự dữ, đến khi con lâm chung, xin cùng Đức Chúa Trời cho linh hồn con được lên ở cùng Đức Chúa Trời và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng.  Amen!

 Kinh Đức Thánh Thiên Thần

GIA ĐÌNH – HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

Gia đình là phần tử nền tảng của Giáo Hội và xã hội.  Gia đình được xây dựng trên tình yêu: tình yêu của vợ chồng với nhau, tình yêu của cha mẹ đối với con cái, và tình yêu của con cái đối với cha mẹ.  Tình yêu, tương quan giữa con người với nhau, cần được trân trọng và vun trồng, để đạt tới mức trọn hảo trong Thiên Chúa.

1. Thật tuyệt vời tình yêu nam nữ

Sách Sáng Thế chương hai cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng con người, đặt con người trong vườn địa đàng, và cho con người được quyền đặt tên mọi sinh vật.  Adam không tìm thấy cái gì thích hợp với mình cho tới khi Thiên Chúa tạo dựng Evà, và dẫn Evà tới gặp Adam.  Adam tìm được niềm vui đặc biệt khi được Evà sống bên cạnh làm bạn đồng hành.  Người nam và người nữ được tạo dựng, để sống bên nhau và nâng đỡ nhau, để cùng nhau tiến bước về với Thiên Chúa.

Thật đẹp tình yêu giữa người nam và người nữ.  Hai người quyến luyến và cảm nghiệm hạnh phúc bên nhau.  Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc.  Họ sống cho nhau và vì nhau.  Con cái là tình yêu của hai người, là điểm nối kết hai người, giúp họ sống triển nở và hạnh phúc.  Tình yêu và hạnh phúc giữa hai người nam nữ, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và chúc phúc cho con người, cụ thể là hai người đang yêu nhau này.  Không ai phá hủy được tình yêu giữa hai người, nếu không phải là chính một trong hai người.  Hành vi tội của một trong hai, có thể phá vỡ hạnh phúc của họ.

Sau khi Evà và Adam phạm tội, Adam đã nhìn Evà với một ánh mắt khác, như nguyên nhân làm cho mình trở nên tệ hơn và xa lìa Thiên Chúa: “chính người đàn bà mà Ngài đã đặt bên tôi, đã hái trái Ngài cấm đưa cho tôi nên tôi đã ăn.”  Adam đã không dám nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho Evà.  Đúng là Evà có cám dỗ Adam ăn trái cấm, nhưng Adam hoàn toàn tự do.  Nếu Adam dứt khoát không ăn, thì Evà đâu có làm gì được ông.  Adam ăn, là do chọn lựa của ông, vì Adam tự do!

2. Điều Thiên Chúa liên kết con người không được phân ly

Tình yêu không chỉ là cảm tính mà còn là hành vi nhân linh.  Để thành vợ thành chồng, hai người nam nữ phải chọn nhau suốt đời.  Họ muốn chọn nhau ngay cả lúc bệnh hoạn yếu đau, họ chọn nhau lúc vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại.  Tuy nhiên, con người là hữu thể tự do, một hữu thể có thể thay đổi chọn lựa của mình.  Hôm nay một người chọn điều này, ngày mai có thể họ lại chọn điều khác.  Hai người nam nữ muốn thành vợ thành chồng, họ cũng ý thức thân phận con người mong manh mỏng dòn đó, nhưng họ vẫn muốn tình yêu của họ thành vĩnh cửu, thế nên họ đã thề nguyền chọn nhau cả đời, thề nguyền trọn đời chung thủy với nhau.

Tội là cố tình làm điều xấu.  Chính hành vi chọn điều xấu này đã làm biến dạng con người phạm tội, đã làm họ ra khác, trở nên “xấu như quỷ.”  Quỷ chính là thiên thần đã muốn độc lập với Thiên Chúa, đã không vâng phục Thiên Chúa, đã từ chối sống trong tình yêu của Thiên Chúa.  Evà đã muốn thành một thần linh không tùy thuộc Thiên Chúa; tuy nhiên không thể là một thần linh mà không tùy thuộc Thiên Chúa vì con người chỉ là tạo vật.  Không chấp nhận thân phận thụ tạo, là không chấp nhận chính mình, là muốn phản kháng chống lại Thiên Chúa.  Một hành vi như vậy không làm con người triển nở và hạnh phúc; Hành vi đó đã làm biến dạng con người, đã làm họ ra xấu, và làm họ không hạnh phúc; Họ không hạnh phúc với chính họ, và không hạnh phúc với người khác.

Không chung thủy, muốn chọn người khác, là một cám dỗ có thể xảy đến trong đầu của một người đã lập gia đình.  Con người được mời gọi để thắng vượt cám dỗ, để là một người vợ, người chồng chung thủy và tuyệt vời.  Muốn những điều mới lạ, đó là khuynh hướng bình thường của con người; tuy nhiên, con người được mời gọi vươn lên thành người tuyệt vời qua việc thắng vượt chính mình, để người bạn đời là người chồng, người vợ, và con cái được hạnh phúc hơn.  Chung thủy trong đời sống gia đình, là dấu chỉ của một người trưởng thành thật sự.

3. Tình yêu cần được vun tưới nuôi dưỡng

Tình yêu là tương quan giữa ngôi vị.  Làm sao để hai người mãi yêu nhau?  Làm sao để hai vợ chồng tin nhau hơn, trân trọng nhau, quan tâm săn sóc nhau hơn?  Có lẽ hai người cần biết rằng tình yêu có thể chết nếu không được vun tưới chăm bón.  Nghĩa là, họ có thể mất nhau nếu họ không cố gắng để đẹp hơn mỗi ngày.  Nét đẹp về thể lý có thể mai một nhưng nét đẹp về tinh thần có thể được tăng lên với thời gian.  Để được vậy, người này phải để ý tới người kia, phải quan tâm đến người bạn mình khi họ vui, khi họ buồn, nâng đỡ họ khi họ gặp khó khăn.

Con người, cần được yêu một cách thật cụ thể, chẳng hạn, cần được yêu qua lời nói, qua sự quan tâm săn sóc.  Con người cần thấy mình được yêu mỗi ngày.  Mỗi người cũng cần cho thấy mình đẹp, mình đáng yêu mỗi ngày.  Để được vậy, mỗi người phải tập quên mình, phải tập sống cho người khác, phải tập quan tâm đến người khác, tập săn sóc và biểu lộ tình thương yêu đối với người khác, tập coi người khác là quan trọng, và rất quý đối với mình.  “Anh (em) cần em (anh) để hạnh phúc” là một câu mà người bạn đời của mình thích được nghe lại, vậy tại sao mình lại tiết kiệm lời này?

Thiên Chúa là tình yêu.  Mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa.  Tình yêu nam nữ cũng có nguồn gốc nơi Thiên Chúa.  Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau đến độ tất cả tùy thuộc lẫn nhau.  Đức Giêsu luôn lấy Ý Cha làm lương thực và lẽ sống cho mình; Ngài luôn cố gắng lấy Ý Cha làm ý mình.  Là một trong thân xác, chưa đủ để duy trì và phát triển tình yêu; con người cần là một trong tâm trí, trong phán đoán, trong chọn lựa giáo dục con cái, trong cách sống…  Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai.  Thiên Chúa Ba Ngôi là nguyên mẫu và phải là nguyên mẫu của tình yêu gia đình.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

CẦU NGUYỆN GIỮA NHỮNG KHỦNG HOẢNG CUỘC ĐỜI

Chúa luôn ở đó với chúng ta, Ngài luôn muốn bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta và an ủi chúng ta, đặc biệt trong những lúc khó khăn, đen tối nhất của cuộc đời.

Hơn bao giờ hết, những lúc gặp khủng hoảng, đau khổ lại là lúc cần thiết nhất để chúng ta tìm đến với Chúa.  Mỗi lần chúng ta kêu lên Chúa: “Lạy Chúa, xin Ngài hãy cứu con!” “Xin Chúa làm ơn cứu con!” “Xin cứu con!” chính là lúc Chúa muốn ở đó với chúng ta.  Chúa muốn chúng ta tìm đến Chúa và cầu xin Người giúp mình cảm nhận được sự thân mật, ủi an và trợ giúp của Người.

Tuy nhiên, giữa những lúc đau khổ, khủng hoảng, nhiều người trong chúng ta lại cảm thấy rất khó cầu nguyện.  Những lúc đó chúng ta thật sự không biết phải cầu xin điều gì.  Muốn cầu xin một phép lạ, thế nhưng, kinh nghiệm của những lần cầu nguyện trước, chúng ta cũng đã cầu xin phép lạ, nhưng phép lạ chẳng bao giờ xảy ra.  Chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc tệ hơn nữa là nghi ngờ không biết có Chúa hay không.  Nếu Chúa có mặt thì tại sao mỗi lần chúng ta thực sự cần đến Ngài, tha thiết cầu xin với Ngài mà Ngài lại chẳng đáp ứng những điều chúng ta xin.  Điển hình là khi tôi cầu xin Chúa chữa lành cho bà nội được khỏi bệnh nhưng Chúa chẳng nhận lời.  Hoặc lúc chúng ta cầu xin cho kết quả sinh thiết của mình được tốt đẹp nhưng cũng chẳng được.  Có khi chúng ta cầu xin nhận được một sự hỗ trợ mà mình đang cần đến nhưng rồi điều đó cũng chẳng xảy ra.  Đã có khi nào chúng ta cầu nguyện cho việc hàn gắn một mối tương quan đã bị rạn nứt mà không được đáp lời chưa?

Thay đổi hình ảnh của Chúa

Nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta thường nhìn Chúa như một nhà ảo thuật – một người hùng vô cùng quyền lực với đầy đủ mọi phép thần thông biến hóa có thể sửa đổi mọi thứ nếu Ngài muốn.  Một trong những lý do khiến chúng ta khó thay đổi hình ảnh này của Chúa là vì chúng ta không biết thay thế bằng hình ảnh nào cả.  Đường dẫn vào đời sống cầu nguyện là đường giúp chúng ta mở lòng đón nhận Chúa là Đấng nhân từ và xót thương.  Đấng đã được Kinh Thánh mô tả trong suốt dọc dài lịch sử cứu độ.  Đồng thời cũng là đường giúp chúng ta biết để cho Đức Giêsu bày tỏ Tin Mừng của Ngài cho chúng ta.  Thiên Chúa không điều khiển thế giới như một người múa rối, cứ giật giây và bắt mọi sự di chuyển theo.  Ngài cũng không phải là Đấng bác bỏ những quy luật tự nhiên để chiều theo và đáp ứng hết mọi lời cầu xin của chúng ta.  Trong đức tin, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Ngài là một vị Thiên Chúa quyền năng ngay giữa những nơi mà Thiên Chúa dường như ít quyền lực nhất.  Trong đức tin, Thiên Chúa đau với nỗi đau của chúng ta.  Trong đức tin, chúng ta được Tin Mừng giải thoát và soi sáng để xác tín rằng Thiên Chúa đã đánh bại quyền lực cuối cùng của chúng ta là tội lỗi và sự chết.  Chúa không ngăn cản tội lỗi và sự chết nhưng khi chúng ta xác tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tin rằng chúng ta được dựng nên cho đời sống vĩnh cửu của Chúa, lúc đó chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự sợ hãi của tội và sự hủy diệt của cái chết vốn làm tê liệt đời sống của chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn vào những khó khăn thường gặp để tìm ra cách thế giúp chúng ta trở về với Chúa ngay trong những khủng hoảng đó.  Từ “khủng hoảng – crisis” bắt nguồn từ chữ “krisis” trong tiếng Hy Lạp, đó là một quyết định – decision.  Nó hàm ý đến sự xác quyết mà chúng ta gọi là một quyết định then chốt trong những thời điểm gay go của cuộc đời.  Đây là một bước ngoặt, là thời điểm khi mà nỗi đau đã đến tột cùng hoặc khi mọi thứ dường như bị đảo lộn, đe dọa sẽ nhấn chìm chúng ta.  Chúng ta cảm thấy mình không biết phải xử lý cách nào và phải bắt đầu từ đâu.  Những lúc đó, sự sợ hãi bóp nghẹt chúng ta.

Nếm cảm về chính cái chết của mình

Dị tật, khiếm khuyết và cái chết đem đến những khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời chúng ta.  Hầu hết trong chúng ta cho rằng cái chết hoặc dị tật của một người thân là một trong những khủng hoảng lớn nhất mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống.  Cái chết cũng như những dị tật của bản thân làm cho chúng ta mất định hướng, làm tê liệt nhuệ khí của mình, làm cho chúng ta mất bình an và thất vọng.  Đôi khi chúng ta thường sống như thể không có cái chết hoặc “từ chối cái chết,” tuy nhiên, việc từ chối sự thật này tạo ra những tổn thương tâm lý trầm trọng trong lòng chúng ta.  Niềm tin vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Kitô đã cho chúng ta niềm hy vọng khi phải đối diện với cái chết hay những khiếm khuyết của mình, mặc dù xét về mặt tự nhiên của con người, điều đó không dễ đón nhận chút nào cả.

Tất cả chúng ta, lúc này hay lúc khác, đều đã trải qua những kinh nghiệm về sự bất lực.  Càng lớn tuổi, chúng ta càng cảm thấy mình bị giới hạn nhiều điều, khi tuổi đã cao, sức đã tàn, thể xác không còn khả năng làm được những thứ mà trước đây mình vẫn làm một cách dễ dàng.  Tuổi càng cao, sức khỏe thể lý cũng như tinh thần lại giảm theo chiều ngược lại.  Điều đó đôi khi làm cho chúng ta cảm thấy suy sụp hoàn toàn.  Tất cả mọi thứ, từ việc thoái hóa xương khớp, đến việc suy sụp tinh thần, tình cảm, hoặc có khi là những chứng nghiện thuốc giảm đau, từ sự mất kiểm soát trong việc tiểu tiện đến cảm giác bất an, sợ hãi, tất cả đều là những hệ lụy bởi sự giới hạn và mong manh của phận người.  Trong cầu nguyện, chúng ta hướng lòng lên với Chúa để xin Ngài giúp đỡ.  Những kinh nghiệm về sự bất lực, một mặt chúng có thể đẩy chúng ta đến chỗ thất vọng, mặt khác đó lại là cơ hội giúp chúng ta sống khiêm tốn hơn và xây dựng một lòng biết ơn sâu xa trước tình thương mà Chúa dành cho chúng ta.  Chính trong giới hạn của phận người, trong sự suy giảm về sức khỏe thể lý cũng như tâm lý, chúng ta lại càng cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu và sự kiên nhẫn của Chúa dành cho mình.  Hơn bao giờ hết, ngay khi chúng ta cảm thấy bất lực, lại là lúc chúng ta cần đến Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài luôn sẵn sàng giang rộng đôi tay của Ngài để ôm lấy chúng ta.

Sự sợ hãi về cái chết tự bản chất là một cú sốc tâm lý.  Sự sợ hãi trước bệnh tật, có thể là một khối u ở vú, hoặc kết quả xét nghiệm kháng nguyên tuyến tiền liệt dương tính khiến chúng ta tê liệt hay suy sụp tinh thần.  Những ngày tháng chờ đợi kết quả có thể là thời gian khiến chúng ta cảm thấy mỏi mệt, lo lắng, bất an.  Tuy nhiên, đó cũng có thể là thời gian giúp chúng lớn lên trong ân sủng của Chúa.  Chúng ta cảm thấy sợ trước những điều vô định, điều đó thật dễ hiểu và cũng rất bình thường.  Tuy nhiên, nỗi sợ này cũng có thể chuyển thành niềm tin, một sự trở về với Thiên Chúa và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa.  Ngoài sự sợ hãi về cái chết, nỗi sợ phải mất người thân hoặc phải từ bỏ một công việc quan trọng cũng khiến chúng ta kiệt sức.  Càng đến với Chúa và nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn, đau khổ, chúng ta lại càng đi sâu hơn vào mầu nhiệm sự chết, và sống sự khiêm tốn thẳm sâu về sự mong manh và bất lực của mình.  Lòng biết ơn về cuộc sống và mối tương quan hài hòa của chúng ta với sự sống luôn luôn được đổi mới.  Chính thái độ này sẽ mang đến cho chúng ta nguồn sinh lực mới.  Như thế, giữa cơn khủng hoảng về sức khỏe thể lý cũng như tâm lý, sự sợ hãi cũng có thể giúp chúng ta có cái nhìn tích cực hơn, cảm nhận được một sự bình an nội tâm, và tin tưởng vững vàng hơn vào Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta.

Khi sự chết viếng thăm chúng ta, thế giới quanh ta dường như ngừng lại, mọi sự như đã kết thúc.  Tuy nhiên, trong đức tin, chúng ta có thể chạy đến với Chúa và cầu xin Chúa ban ơn để giúp chúng ta hiểu được cách Chúa Giêsu ngã vào vòng tay yêu thương của Chúa Cha như thế nào.  Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn sức mạnh để chúng ta dám phó thác cuộc sống của người thân, hoặc của chính chúng ta trong vòng tay yêu thương của Chúa.  Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta biết đặt trọn tình yêu trong từng phút sống của mình.  Và nếu chúng ta sống trọn vẹn từng phút sống của mình thì cuộc sống của chúng ta vẫn còn mãi cho dù có phải trải qua những căn bệnh hiểm nghèo, hay thậm chí cả cái chết đi nữa.  Một trong những khủng hoảng của cái chết là sự chia cắt tương quan.  Trong một số trường hợp, chúng ta không thể mường tượng được cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có người khác, hoặc nỗi đau phải lìa xa người thân là điều không thể chịu được.  Đức tin giúp chúng ta đi vào một mối tương quan mới vượt trên cả những hủy hoại của cái chết về thể lý.  Chúng ta tin rằng, ngay cả sau khi chết, chúng ta vẫn tiếp tục sống trong sự hiệp thông với những người thân yêu của mình.  Khi chúng ta để cho mối tương quan đó tiếp tục lớn lên, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi những rào cản mà đôi khi làm cho cuộc sống của chúng ta bị khập khiễng, đem đến cho chúng ta sự an ủi thật sự và nếm trước sự sống vĩnh cửu.  Nỗi mất mát lớn nhất là không bao giờ được nhìn thấy hay được đụng chạm người thân của mình ở trên đời này nữa. Với đức tin và sự cố gắng, chúng ta có thể lớn lên trong sự hiệp thông sâu xa với những người thân yêu của mình, ngay cả sau khi chết.

Khủng hoảng trong mối tương quan

Khi mối tương quan bị rạn nứt hoặc tệ hơn nữa là vợ chồng phải ly thân hay ly dị, đó quả là một sự khủng hoảng lớn lao.  Trong những lúc đó, chúng ta không chỉ có cảm giác bị mất mát mà còn cảm thấy bị thất bại, bị lừa gạt, hoặc ảo tưởng.  Lòng trí chúng ta ngập tràn những cảm giác đan xen, vừa giận dữ, tội lỗi, thù hận, vô dụng, trầm cảm hoặc bị loại trừ.  Nếu những nỗi đau này lại còn liên quan đến con cái, thì những rối rắm và đau khổ cũng sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ vô tội mà chúng ta hết mực yêu thương và thông thường nỗi đau đó sẽ khó phai hơn.  Khi ở trong những hoàn cảnh này, chúng ta cảm thấy rất khó cầu nguyện.  Có thể chúng ta cảm thấy rất xấu hổ khi đến với Chúa, hoặc cảm thấy lo sợ không biết Chúa sẽ nói gì, hoặc có khi đơn giản chỉ vì chúng ta giận Chúa, hờn Chúa, đổ lỗi cho Chúa vì đã không ra tay ngăn cản hoặc cứu chúng ta thoát khỏi những nỗi bất hạnh đó.  Vì thế, ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần xây dựng một mối tương quan mật thiết với Chúa.  Trở nên bạn thân với Chúa, chạy đến với Chúa bất cứ lúc nào.  Vì nếu trong những lúc vui vẻ, hạnh phúc, mà chúng ta còn không đến với Chúa, lơ là với Chúa thì những lúc khó khăn, khủng hoảng thì lại càng khó để xây dựng mối tương quan với Chúa biết bao.

Chúa muốn yêu thương và an ủi chúng ta

Những lúc khó khăn, đau khổ là lúc chúng ta cần đến Chúa nhất, là thời gian quan trọng nhất để cầu nguyện.  Một điều giúp chúng ta tìm đến với Chúa, đó là chúng ta cảm nhận được sự an ủi nội tâm và tin tưởng rằng Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự.  Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta, hằng ở bên chúng ta trong từng phút giây của cuộc sống, Ngài không ngạc nhiên và cũng không bối rối trước những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.  Điều duy nhất Chúa muốn là an ủi chúng ta khi chúng ta cần đến Ngài, nương tựa vào Ngài.  Ngài tiếp tục dõi theo chúng ta và chất vấn chúng ta khi chúng ta bị cám dỗ rời xa Ngài.  Chúng ta chẳng cần phải giải thích tất cả với Chúa.  Chúng ta chỉ cần thầm thĩ với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Ngài hiểu con.  Con biết Ngài cũng đang đau với nỗi đau của con.  Con biết duy chỉ có Ngài mới giúp con vượt qua được những thử thách này để bước tới tương lai tươi sáng hơn.”  Đây là một lời cầu nguyện rất sâu sắc, xuất phát tự đáy lòng.  Lời cầu nguyện này dẫn chúng ta đi sâu hơn vào tương quan mật thiết với Chúa, phó thác trọn vẹn cho Chúa, và biết phân định mọi tình huống cách chín chắn hơn.  Những khủng hoảng này cũng có thể trở thành những kinh nghiệm sâu sắc về lòng khiêm tốn và chân thành giúp chúng ta thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, những nỗi đắng cay trong cuộc sống.  Những khó khăn, thử thách trong cuộc sống cũng có thể trở thành sức mạnh giải thoát chúng ta, chữa lành cho chúng ta và vực chúng ta dậy để tiếp tục sống một cuộc sống yêu thương và lạc quan hơn.

Có nhiều nỗi khủng hoảng khác trong cuộc sống như sự khủng hoảng về tài chánh, bị mất việc, con hư hỏng vì sự nuông chiều của mình, hoặc những khủng hoảng của người thân cũng làm chúng ta cảm thấy rất khó để cầu nguyện.  Có những cảm giác hoặc những tâm trạng, chưa hẳn là sự khủng hoảng, nhưng cũng làm chúng ta phân tâm, đó là cảm giác không hài lòng, chưa mãn nguyện với những gì mình đang có hoặc đang làm.  Những lúc phải đối diện với những lo âu, hoảng sợ, hoặc cảm giác bất an, đó là thời điểm quan trọng để chúng ta chạy đến với Chúa, cảm nhận tình yêu và sự giải thoát của Chúa.  Không gì có thể cướp mất sự bình an của chúng ta trừ khi chúng ta để cho nó bị cướp đi, hoặc trừ khi chúng ta giải quyết theo những suy nghĩ hơn thua của người đời mà không dựa trên niềm tin, tình yêu, và niềm hy vọng mà Chúa muốn ban cho chúng ta.  Khi chúng ta thưa với Chúa “Lạy Chúa, cuộc sống của con ở trong tay Chúa” là lúc chúng ta tìm thấy ước muốn sâu thẳm nhất và nguồn sức mạnh lớn nhất của chúng ta.  Mọi sự mất mát, mọi suy nghĩ và tình cảm của chúng ta sẽ được biến đổi khi chúng ta sống trong tình yêu của Đấng đã sống và chết cho chúng ta.  Tất cả nguồn sức mạnh của một cuộc sống anh dũng và tình yêu hy hiến được nảy sinh từ một tâm hồn dám sống cái trần trụi của phận người để từ đó xác tín rằng mình là người được yêu và tự do.

Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà
Nguồn:https://onlineministries.creighton.edu/CollaborativeMinistry/OrdinaryTime/Praying-crisis.html

TẠI SAO THIÊN CHÚA CHO PHÉP ĐẠI DỊCH XẢY RA?

Thời nay, dường như một số tín hữu vẫn giữ những hình ảnh rất sai lệch về Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha trên trời hay giận dữ, còn Chúa Giêsu dễ mến, đầy yêu thương…!  Trong khi các tín điều dạy rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị; Ba ngôi ấy là Một trong công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa.  Theo Tin mừng của thánh Gioan, Đức Giêsu đã nói rằng, Người không làm việc một mình (5,30); ‘Tôi và Chúa Cha là một’ (10,30); và ‘ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha’ (14,9).  Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu xuống thế để ứng nghiệm Kinh Thánh Cựu ước; họ cũng tin rằng nên giải thích mọi điều trong Kinh Thánh Cựu ước dưới lăng kính mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Điều này rất quan trọng khi ta muốn hiểu ý nghĩa của dịch bệnh và các thảm họa thiên nhiên khác.  Đối với các dân tộc cổ đại, nếu có lũ lụt, dịch bệnh, thì Thiên Chúa như muốn nói điều gì đó ngang qua những sự kiện ấy.  Nhưng trong các Tin mừng, Chúa Giêsu không bao giờ tạo ra một bệnh dịch, một thảm họa thiên nhiên hay biến ai đó thành cột muối như bà vợ ông Lót xưa.  Nếu Đức Giê su không đi vào cuộc khổ nạn, hay nếu ta không đón nhận lời tiên báo của Người về cái chết ấy, thì Thiên Chúa thật sự là Cha ư?  Đức Giêsu xuống thế để uốn nắn những quan niệm sai lầm về cách thức Thiên Chúa hoạt động trong thế giới này.

Thế nên, cho dù nguồn gốc của Covid-19 vẫn chưa được xác định, nhưng đại dịch này cho ta một lời giải thích tự nhiên, và cách thức vi-rút lây lan khủng khiếp đến giờ là hệ quả của những quyết định yếu kém của con người.  Dĩ nhiên, Thiên Chúa không hề đưa đại dịch đến với nhân loại.

Bất cứ khi nào có một thảm họa, dù lớn hay nhỏ, dù là trận hỏa hoạn thiêu rụi mái nhà thờ Đức Bà Paris, hay sự lây lan của đại dịch AIDS, thì sẽ luôn có một số tín hữu cho rằng những điều ấy là do Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi của con người thời nay.  Có lẽ điều này cho thấy niềm tin vào Thiên Chúa như một nhân vật “siêu quyền lực” cai quản vũ hoàn, “một giám đốc điều hành” có thể chịu đựng những hành vi xấu xa ở một mức độ nào đó.  Nhưng khi mất kiên nhẫn, ông ấy chấm dứt những điều vô nghĩa, và gởi một trận sóng thần hay một trận đại dịch đến để nhắc nhở ta rằng ai mới là ông chủ thực sự.  Trong vai một tên bạo chúa, Người quả là lời lý giải đáng sợ cho những nỗi đau đớn khôn nguôi trong cuộc đời này: những đau khổ của ta phải đến từ một nơi nào đó, và dường như một số người rất dễ dàng tìm thấy lời giải thích trực tiếp từ Thiên Chúa.

Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa việc Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra trong thế giới này, và chuyện Người gây ra những sự ấy.  Giáo Hội dạy rằng, điều đầu tiên là chính xác, nhưng điều thứ hai thực sự sai lầm mặc dù khi nghe một số tín hữu nói về đại dịch Covid-19, ta dễ dàng bỏ qua vì nghĩ rằng nó đúng.  Bởi Thiên Chúa muốn ta được hoàn toàn tự do, ta có khả năng chọn điều dữ; nếu ngược lại, ta cũng chỉ như những con rối.  Đây chính là một thế giới khác xa với việc Thiên Chúa trực tiếp gây ra đau khổ và hủy diệt.

Ta hiểu rằng con người trưởng thành hơn qua những khó khăn, đau khổ nhưng điều này không có nghĩa là Thiên Chúa đã gởi những điều ấy đến như một thử thách.  Đúng hơn, sự trưởng thành minh chứng cho ta rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với ta qua từng giây phút.  Người thôi thúc ta liên đới với anh chị em của cùng một Cha trên trời.  Thế nên, ta cùng nhau đưa ra quyết định tốt nhất trong bóng tối của sự chết và thung lũng của nước mắt, khổ sầu.

Thiên Chúa không gửi bệnh dịch đến để dạy ta về điều gì đó cho dù chúng cho ta nhiều bài học.  Ta đang học được rất nhiều về mối tương quan mong manh của ta với trật tự tạo dựng và hệ lụy từ những lựa chọn sai lầm ở nơi này có thể gây ra những hậu quả tai hại cho những nơi khác.  Ta cũng học được rằng cách ứng phó tốt nhất với những thiên tai, với những tình trạng khẩn cấp về sức khỏe là tính minh bạch, một nhà nước vì dân, những báo cáo trung thực, sự khéo léo của con người, trách nhiệm của công dân, và sự quý trọng lợi ích chung…  Ta cũng học được sự phi thường nơi những con người bình thường khi đối diện với bi kịch, khổ đau.

Làm sao tôi có thể tin chắc rằng Thiên Chúa hằng sống?  Người không bao giờ chết?  Bởi vì Thiên Chúa được tỏ bày trong Đức Giê su Ki tô không phải như một tên bạo chúa, mà là một Đấng đầy tình yêu.  Đó là một Thiên Chúa đã sẵn sàng dấn thân vào bất cứ con đường nào kể cả từ bỏ mạng sống mình trên Thập Giá.  Đoạn thư của thánh Gioan Tông đồ chép rằng, “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.” (1 Ga 1,5).  Nếu đó là sự thật, thì bệnh dịch hay đại dịch không thể là bản án của một Thiên Chúa đầy giận dữ vì tính ích kỉ và thói tham lam của ta được.

Sự tỉnh thức thiêng liêng trong những ngày khó khăn của đại dịch hệ tại ở điều này: trong mọi phút giây của ngày sống Thiên Chúa thực hiện những gì Người đã làm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh – Người không can thiệp để ngăn người ta giết Chúa Giêsu, nhưng không để sự dữ và tuyệt vọng có tiếng nói cuối cùng.  Sức mạnh tuyệt vời của ân sủng cho phép ta tận dụng cơ hội, ngay cả trong những tình cảnh tồi tệ nhất, để giúp đỡ nhau bằng mọi cách có thể, và để cho ánh sáng và cuộc sống có tiếng nói cuối cùng.  Chúa Nhật Phục sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa dành cho Thứ Sáu Tuần Thánh: sự sống thoát ách sự chết.

Cha Richard Leonard S.J.
Lyeur Nguyễn lược dịch
Nguồn: https://jesuit.org.au/why-does-god-allow-pandemics/

THIÊN ĐÀNG VÀ HOẢ NGỤC

Con người sống ở đời luôn luôn phải lựa chọn.  Làm thế nào để khôn ngoan chọn lựa cho mình những điều tốt đẹp và hạnh phúc lâu dài.  Bối cảnh xã hội, cùng với những nguyên nhân, chủ quan và khách quan, nhiều khi làm cho người ta lầm lạc.  Có những khi tưởng là chắc chắn vững bền mà thực ra chỉ là đuổi mồi bắt bóng.  Đối với người tin Chúa, cuộc sống luôn là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa Thiên đàng và hoả ngục.  Vì con đường hạnh phúc là con đường hẹp, còn con đường hư hỏng lại rộng rãi thênh thang, nên sự chọn lựa này nhiều khi rất cam go, khiến chúng ta phải hy sinh mất mát vật chất cũng như tình cảm.

Bài Tin Mừng hôm nay như một tổng hợp nhiều bài học giáo huấn trong một đoạn văn ngắn.  Tác giả Luca chắc hẳn đã thu góp sưu tập những lời giảng dạy của Chúa, rồi đặt chúng bên cạnh nhau theo một lối hành văn cô đọng có chủ ý gửi gắm những thông điệp cụ thể.

Trước hết, Chúa Giêsu dạy chúng ta về tình liên đới hài hoà để chống lại sự ghen tị chia rẽ.  Đây cũng là giáo huấn mà chúng ta đã nghe trong Lời Chúa Chúa Nhật trước.  Tông đồ Gioan khó chịu khi thấy những người khác nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ.  Lập luận của ông thuần tuý trần tục, với tư tưởng phe cánh: ai không cùng nhóm với các môn đệ Thày thì không thể nhân danh Thày.  Gioan cũng như một số môn đệ khác tự cho mình là được ưu tuyển, là chính danh, để coi thường những người khác và muốn phủ nhận những điều tốt lành họ đang làm.  Chúa Giêsu không quan niệm như thế.  Người khẳng định: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.  Sự ganh tị cũng được nhắc tới trong Bài đọc I. Ông Giosuê, người sau này sẽ trở thành thủ lãnh kế vị ông Môisen, cũng ghen tương với những người khác và không chấp nhận cho họ nói tiên tri, trong khi chính Chúa ban cho họ khả năng ấy.  Điều đó cho thấy sự nhỏ nhen của con người.  Họ muốn giành quyền Thiên Chúa để phán xét theo cái nhìn thiển cận và ghen tương của mình.  Chúa dạy chúng ta hãy có cái nhìn công bằng hơn.  Bất cứ ai làm điều tốt, dù họ thuộc về phe phái chính trị hoặc về tôn giáo nào, đều đáng trân trọng.  Thiên Chúa là nguồn gốc của Chân, Thiện, Mỹ, nên những ai làm những thiện hảo và tốt đẹp đều đang hướng về Chúa, và mặc dù không ý thức điều đó, họ vẫn đang diễn tả vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài.

Từ khái niệm hài hoà yêu thương, Đức Giêsu nhắc đến tình liên đới của những ai muốn làm môn đệ Chúa.  Hình ảnh một chén nước lã quá đơn giản, mà khi được trao tặng với tư cách là môn đệ của Chúa, sẽ mang lại những lợi ích lớn lao.  Trong bài giảng về ngày phán xét chung (x. Mt 25,31-46), Chúa Giêsu còn nhắc tới giáo huấn này.  Hơn nữa, Người còn đồng hoá mình với những người bé mọn, cô thế cô thân và bất hạnh đau khổ.

Chọn lựa Thiên đàng chính là chọn lựa tình liên đới và yêu thương.  Hoả ngục là nơi dành cho những người ghen ghét hận thù.  Lời giáo huấn của thánh Giacôbê mang âm hưởng của vị Thẩm phán trong ngày cánh chung.  Tác giả nghiêm khắc khiển trách những người giàu, vì họ chỉ lo tích trữ của cải mà vô cảm với những người nghèo xung quanh.  Một cách đặc biệt, thánh Giacôbê lên án những người làm giàu bất chính, thu lợi từ những hành vi gian lận của người nghèo.  Họ sẽ phải nhận được hậu quả do những việc ác họ đã làm.

Sống ở đời, con người không phải là những ốc đảo riêng rẽ cô đơn, nhưng liên đới với nhau trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ.  Mỗi hành vi cử chỉ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn liên luỵ hoặc làm dịp cho người khác vấp phạm.  Đối với Chúa Giêsu, những người làm gương xấu thật đáng lên án, đến nỗi thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển.  Điều đó có nghĩa những việc xấu gây nên những hậu quả vô cùng tai hại cho những người xung quanh, nhất là đối với những người đơn sơ và trẻ em.

Như đã nói ở trên, cuộc sống là sự chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối, cái thiện và cái ác, sự thánh thiện và tội lỗi, Thiên đàng và hoả ngục.  Chân, tay, mắt là ba phương tiện chính yếu để thực thi mối tương giao với người khác.  Vì vậy, cần phải có con mắt trong sáng, và phải có những hành vi thiện lành. Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta phải chặt chân, chặt tay hay móc mắt, nhưng Chúa muốn chúng ta dành cho Chúa một tình yêu ưu tiên, vượt lên trên mọi tình cảm và quyền lợi trần gian, nhờ đó chúng ta sẽ đạt được gia nghiệp vĩnh cửu Chúa dành cho ai trọn tình yêu mến Ngài.

Một tác giả đã viết: Người quân tử khắt khe với bản thân và rộng rãi với người khác.  Ý tưởng này được nhấn mạnh trong giáo huấn của Chúa Giêsu.  Cách nói tạo hình ảnh gây ấn tượng như chặt chân, chặt tay, móc mắt… diễn tả sự chọn lựa cương quyết giữa hạnh phúc đời này với hạnh phúc đời sau, giữa sự thanh thỏa nội tâm với những bổng lộc trần thế.  Đây cũng là cách khẳng định mạnh mẽ về sự dứt khoát từ bỏ những nguyên nhân gây nên tội ác, để trung tín với Đấng đã hy sinh mạng sống vì yêu thương chúng ta.

Tương lai của chúng ta là Thiên đàng hay hoả ngục?  Đó là kết quả do sự lựa chọn của chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

MỘT THẤT BẠI TUYỆT VỜI

Đâu là sự công bằng trong đời sống?  Vì sao một số người diễm phúc dường như không xứng đáng trong thế giới này, trong khi một số người khác lại như bị nguyền rủa?  Vì sao mưu mẹo, tham vọng ích kỷ, lợi dụng người khác, lưu manh lại thường được đền thưởng?  Các câu hỏi này không có câu trả lời nhanh được.

Trong quyển sách Thất bại Tuyệt vời (The Magnificent Defeat), tiểu thuyết gia và nhà thuyết giảng nổi tiếng Frederick Buechner đưa ra câu hỏi này và tập trung vào ông Gia-cóp, nhân vật của Thánh Kinh.  Như chúng ta biết, ông đánh lừa anh Ê-xau hai lần.  Thừa lúc anh mình đói và yếu, ông mua quyền trưởng nam của anh mình với giá một bữa ăn.  Còn nặng hơn, ông đóng giả Ê-xau, lừa cha và đánh cắp lời chúc phúc và quyền thừa kế của Ê-xau.  Tất cả các chuyện này là sai và phải bị trả lẽ, nhưng cuộc đời của ông Gia-cóp dường như ngược lại.  Ngược với người anh bị lừa, Gia-cóp có một đời sống sung túc, được Chúa và những người khác yêu mến.  Đâu là bài học?  Chúa của sự sống thật sự có đứng về phía người làm những chuyện này không?

Tác giả Buechner xây dựng câu trả lời của mình bằng cách chuyển từ thực dụng và tầm ngắn hạn qua thiêng liêng và tầm dài hạn.

Đầu tiên, từ quan điểm thực dụng, câu chuyện của ông Gia-cóp dạy cho chúng ta bài học của riêng mình, biết rằng trong đời sống thực tế, những người như ông Gia-cóp là những người thông minh, xảo quyệt, và tham vọng thường là những người được thưởng theo cách mà những người chậm chạp như ông Ê-xau thường không được.  Rõ ràng đây không phải như Bài giảng Trên núi, các lời dạy khác của Sách Thánh, kể cả một số lời dạy khác của Chúa Giêsu, luôn thử thách chúng ta phải thông minh, làm việc cực nhọc và đôi khi phải mưu mô.  Chúa không nhất thiết phải giúp đỡ những người tự giúp mình, nhưng Chúa và cuộc sống dường như thưởng cho những người dùng tài năng của mình.  Nhưng có một con đường đạo đức tốt ở đây và Buechner mô tả một cách xuất sắc.

Tác giả hỏi: khi ai đó làm những gì ông Gia-cóp làm và mang lại cho họ giàu có trong cuộc sống này, thì hệ quả đạo đức ở đâu?  Câu trả lời đến từ Gia-cóp nhiều năm sau đó.  Một đêm nọ, khi Gia-cóp ở một mình, có một người lạ nhảy vào, cuối cùng hai người lặng lẽ vật lộn nhau suốt đêm.  Ngay khi bình minh ló dạng và dường như Gia-cóp sẽ thắng, mọi thứ đột nhiên đảo ngược.  Với một sức mạnh ưu thế, dường như cố kiềm giữ cho đến lúc đó, người lạ mặt chạm vào khớp xương hông của ông làm cho ông bất động.  Một cái gì đó biến đổi sâu đậm nơi Gia-cóp, ông cảm nhận mình bất lực.  Cuối cùng bây giờ ông biết ông bị đánh bại, ông không còn muốn thoát khỏi sự kiềm kẹp của người lạ, thay vào đó ông bám vào kẻ thù của mình như người chết đuối.  Vì sao?

Đây là lời giải thích của Buechner: “Bóng tối đã mờ đi vừa đủ để lần đầu tiên ông có thể lờ mờ thấy đối thủ của mình.  Và những gì ông thấy còn khủng khiếp hơn khuôn mặt của tử thần – đó là khuôn mặt của tình yêu.  Bao la và mạnh mẽ, bị hủy hoại một nửa vì đau khổ và niềm vui dữ dội, khuôn mặt của người chạy trốn tất cả bóng tối của đời mình để cuối cùng thốt lên: “Tôi không để ngài ra đi, trừ khi ngài chúc phúc cho tôi!”  Không phải lời chúc mà bây giờ ông có thể có bằng sức mạnh của mưu mẹo hay sức mạnh của ý chí, nhưng lời chúc ông chỉ có thể có như món quà.”

Có cả một linh đạo ở đây.  Lời chúc phúc mà chúng ta mãi chiến đấu chỉ có thể đến với chúng ta như một món quà, chứ không phải là cái gì chúng ta có thể giành lấy nhờ tài năng, mưu mô hay sức mạnh của mình.  Nhờ trí óc và mưu mô, ông Gia-cóp trở thành người giàu có được ngưỡng mộ ở thế gian này.  Nhưng trong cuộc chiến để có tất cả sự giàu có này, ông đã vật lộn với một lực mà trong vô thức ông xem đó là một người hay một cái gì ông phải vượt lên.  Cuối cùng, sau nhiều năm chiến đấu, ông thức tỉnh.  Ánh sáng chợt lóe lên, qua thất bại của sự què quặt.  Và trong ánh sáng của sự thất bại này, cuối cùng ông thấy trong những gì ông đã đấu tranh trong suốt thời gian này không phải là một ai đó hay một cái gì mà ông phải vượt qua, mà là tình yêu mà ông đã hết sức vật lộn để đạt được và đi tới đàng trước.

Với nhiều người trong chúng ta, đây cũng là sự thức tỉnh thực sự trong cuộc sống, ý thức được trong tham vọng và trong tất cả các kế hoạch mà chúng ta đưa ra để tiến lên, chúng ta không chiến đấu với một ai đó hay một cái gì để vượt lên bằng sức mạnh và trí thông minh của mình; chúng ta chiến đấu với cộng đồng của mình, với tình yêu và với Chúa.  Và chắc chắn nó sẽ đánh bại sức mạnh của chính chúng ta (bị đi khập khiễng mãi mãi) trước khi nhận ra những gì chúng ta đang chiến đấu.  Và rồi chúng ta sẽ từ bỏ nỗ lực giành chiến thắng, thay vào đó là bám víu như người chết đuối vào khuôn mặt của tình yêu, xin được chúc phúc, một sự chúc phúc mà chúng ta chỉ có thể nhận như món quà.

Tin rằng phúc lành của chúng ta đến từ chiến thắng, chúng ta cố gắng chiến đấu để cuộc sống của mình xa cuộc sống người khác, cho đến một ngày, nếu chúng ta có đủ may mắn để bị đánh bại, chúng ta bắt đầu cầu xin người khác giữ lấy chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ

Ít có ai chuộng người thu thuế.  Vào thế kỷ thứ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối.  Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân.  Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội.  Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêô không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế.  Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

“Đi ngang qua, Ngài thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Ngài nói: ‘Hãy theo Ta’ và ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mc 2,14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (Mc 1,16t).  Dầu vậy Lêvi không có tên trong danh sách mười hai (Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113).  Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêô (Mt 9,9t).  Như vậy tông đồ đồng hoá mình với Mathêô có trong danh sách các tông đồ.  Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêô với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau.  (Chẳng hạn anh em Macabê, 1Mcb 2, 2-5).  Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêô như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêô bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (Mt 6, 25t).  Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (Mt 8,20).  Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêô.  Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêô bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa.  Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quỹ của nhóm (Ga 13, 29).

Sau khi được gọi, Matthêô biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị tông đồ.  Ngài đã ra thế nào?  Chúng ta có được một câu văn của giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêô viết một tường thuật có thứ tự về lời Chúa, theo năng khiếu của Ngài” (Eusebiô lịch sử Giáo hội III, 39).  Cuốn Tin Mừng Matthêô viết bằng tiếng Aramêô cho người Do thái trở lại.  Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêô bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo thánh Matthêô.”

Theo bản văn tiếng Hy lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha, và có lẽ 7 mối phúc thật.  Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách.  Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chánh như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mác-cô và Luca hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân…

Như vậy Matthêô đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng.  Thật không ngạc nhiên gì khi một mình Ngài ghi lại lời này của Chúa: “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13, 52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của thánh Matthêô được Giáo hội ưa chuộng.  Nhưng công cuộc tông đồ sau này của Ngài lại bị mai một.  Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo hội III, 24, 265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên Ngài với thánh Matthias (Cv 1,26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau.  Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: Ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất.  Điều chắc chắn là Ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ.  Đối với chúng ta Ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

VÔ TƯ PHỤC VỤ

Ngày 12 tháng 3, năm 1930, Mahatma Gandhi cùng 78 thành viên với y phục trắng cổ truyền bắt đầu đi bộ, phản đối đạo luật “Thuế Muối” của đế quốc Anh, cấm người Ấn Độ sản xuất và buôn bán muối, dành độc quyền cho chính phủ Anh bóc lột.

Đi tới đâu, ông đều diễn thuyết chỉ trích và lên án đạo luật phi nhân này.  Dân chúng nồng nhiệt ủng hộ và tiếp tế rau quả, cùng gia nhập theo hành trình nối dài 386 cây số.  Cả thế giới truyền thông đều hướng về “người đàn ông gầy gò nhỏ bé,” đang được một đoàn người dài 3 cây số nhập dòng, từ mỗi làng xã và mỗi ngày một tăng.  Tay không, chân đất họ tiến về bờ biển Ấn Độ Dương.

Sau 23 ngày, đoàn người lên đến trên 50000 người, đã đến bãi biển làng Dandi.  Hôm sau, Gandhi bốc một nắm muối và công khai cùng với người dân Ấn, thể hiện hành động bất tuân đạo luật muối.  Từ đó, Gandhi là ngọn cờ đầu, phục vụ cho công cuộc giành lại độc lập với chiến thuật bất bạo động và bất hợp tác.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay có chủ để về phục vụ.  Trước tiên Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Người, cũng như phương cách phục vụ cho Ơn Cứu Độ.  Nhưng thấy thái độ của các Tông đồ khá tiêu cực, Chúa bèn giảng dạy về ý nghĩa hai chữ Phục Vụ.

1) Phục vụ bản thân

Khuynh hướng con người luôn muốn vinh thân phì gia, quyền cao chức trọng.  Các Tông đồ khi ấy cũng chưa thoát khỏi cái bã vinh hoa phù phiếm.  Chỉ muốn lo cho thân phận, phục vụ bản thân, mới tranh giành nhau cái ghế lãnh đạo.  “Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (Mc 9, 33-34).

2) Phục vụ tha nhân

Chính vì xấu hổ, các Tông đồ mới đành phải lặng thinh, không dám tường trình lại cuộc bàn cãi sôi nổi tranh chấp ngôi thứ.  Chúa Giêsu đã nghe và biết rõ, chẳng la mắng chi, mà chỉ ôn tồn dạy bảo: “Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35).

Mahatma Gandhi đã đích thân đi bộ 386 cây số, khởi xướng cuộc hành trình muối.  ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã đích thân lội nước, đến thăm dân chúng bị lũ lụt tại Hà Nội.  ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh đã lặng lẽ nhặt rác, ngay sau thánh lễ tại linh địa Đức Mẹ Măng Đen, Kon Tum.  Đó là những tấm gương của người lãnh đạo âm thầm phục vụ mọi người.

3) Phục vụ vô tư

Không chỉ dạy bảo những nhà lãnh đạo tương lai, phục vụ như thế nào, Chúa Giêsu còn dạy cho mọi người về thái độ phục vụ một cách vô tư.  “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó mà nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9, 37).

Khi tiếp đón em bé thì đâu có được trả ơn nghĩa gì, như người lớn.  Đó chính là điều Chúa Giêsu muốn mọi người đón nhận nhau, hoàn toàn trong sáng vì danh Chúa.  Vô điều kiện, vô vị lợi, vô tư, không mong đền ơn đáp nghĩa, hay nhằm mục đích nào khác, mà chỉ vì họ là hình bóng Thiên Chúa, vì yêu mến và vinh danh Thiên Chúa.

4) Phục vụ Ơn Cứu Độ

Phục vụ cao quý nhất là quy hướng vào Ơn Cứu Độ, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các Tông đồ, chuần bị tinh thần hiệp thông vào sứ vụ cao cả.  “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại.” (Mc 9, 31).

Tuy nhiên, các Tông đồ chưa sẵn sàng để chia sẻ, hơn nữa còn tỏ vẻ sợ hãi tránh né: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ, không dám hỏi lại Người.” (Mc 9, 32).

Lạy Chúa, xin dạy con biết cư xử tốt lành vô tư với mọi người vì danh Ngài, để có thể xứng đáng làm môn đệ Ngài.

Lạy Mẹ Maria, xin nhắc nhủ con luôn khiêm hạ, tận tụy giúp đỡ, chia sẻ với tha nhân vì lòng kính mến Chúa, để luôn được Mẹ che chở, chúc lành. Amen.

 Alphonse Marie Trần Bình An

CHIÊM NGẮM TÌNH YÊU

Đối với người đời, hình ảnh thập giá là một điều gì đó đau đớn tột cùng và một sự thất bại thê thảm.  Tuy nhiên, với người Công giáo thì khác, thập giá là biểu tượng của hy sinh, của tình yêu và vinh quang.

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cùng nhau suy tôn Thánh giá, tức là chiêm ngắm tình yêu tự hủy của Thiên Chúa dành trọn cho con người.  Chính nơi thập giá ấy, ơn cứu chuộc đã đến với con người và cánh cửa trong thân phận làm con Thiên Chúa được rộng mở.

Chúa Giêsu đã không chỉ tự hạ mình để đến với nhân loại trong thân phận con người.  Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã tự hiến thân mình trên cây thập giá để tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn đổ trên con người.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự ô nhục và thất bại thì ngang qua cái chết của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự chiến thắng tội lỗi và đem lại vinh quang cho con người bằng một tình yêu vô vị lợi.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự đau khổ và vô cảm, thì ngang qua sự hiến thân của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự hòa giải và tình liên đới với Thiên Chúa bằng một tình yêu khiêm hạ.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự hận thù và chết chóc, thì ngang qua việc hy sinh mạng sống của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của một Đức tin tinh tuyền và một tình yêu son sắt mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại.

Thật thế, mỗi một người Công giáo luôn xác tín rằng, thập giá không phải là một kết thúc, nhưng là một sự bắt đầu.  Thập giá không phải là sự yếu đuối nhưng là sức mạnh của tình yêu đến nỗi thí mạng sống cho người mình yêu.  Và thập giá không phải là sự chết, nhưng hơn thế đó chính là sự sống mới của con người trong tư cách làm con Thiên Chúa.

Suy tôn Thánh giá là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa – Người là cội nguồn của tình yêu.  Đây cũng là giây phút thiết thực để mỗi chúng ta nhìn lại hành trình sống chứng nhân tình yêu của mình đối với Chúa và tha nhân.

Trong một thế giới đang mải mê tìm kiếm vật chất như hôm nay, tình yêu dường như đang trở nên khan hiếm và rẻ mạt.  Khi mà mọi thứ xung quanh đang được cung cấp một cách đầy đủ và tiện nghi hơn, thì xem ra tình yêu lại đang bị thiếu hụt và xem thường một cách trầm trọng.

Tình người đang được cân đong đo đếm bằng những lợi lộc vật chất và địa vị.  Tình yêu nam nữ đang được xây dựng trên những quy chuẩn của tiền tài và dục vọng.  Do đó, sự khủng hoảng đời sống gia đình đang trở nên báo động hơn bao giờ hết.  Sự thờ ơ vô cảm trở nên lối sống chung của con người thời hiện đại.  Và xã hội trở nên như một chiến trường của sự tranh giành, đấu đá và chỉ biết nghĩ cho riêng mình.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những đổ vỡ đó chính là sự thiếu vắng tình yêu.  Và cốt lõi của đó chính là sự đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa – Đấng đầy tình yêu thương.

Lễ Suy tôn Thánh giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô tận của Thiên Chúa.  Một tình yêu tự hạ để đến và sẻ chia với thân phận con người.  Một tình yêu tự nguyện để đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của phận người.  Một tình yêu tự hiến để hàn gắn tình nghĩa phụ tử của Thiên Chúa với con người.

Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày.  Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quặn mình trong đau khổ và tội lỗi.

Dẫu biết rằng dòng đời vẫn còn đó lắm vất vả gian truân, nhưng sẽ đẹp biết mấy nếu mỗi chúng ta biết dành tình thương cho nhau.  Xã hội sẽ trở nên giá trị và bình yên hơn nếu mỗi chúng ta biết tôn trọng phẩm giá con người bằng tình liên đới và sẻ chia trong cuộc sống.  Và tất cả điều đó sẽ được bắt đầu khi mỗi chúng ta biết nhìn lên Thập giá Đức Kitô, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và thực hành tình yêu đó mỗi ngày trong đời.

J.B Lê Đình Nam

TRÊN ÐƯỜNG VỀ

Trên đường về với Chúa, tôi đã bao lần cất cánh bay lên, nhưng có mưa phùn làm đôi cánh lạnh giá.

Ðã bao lần tôi muốn đi tới, nhưng lối về có gai góc cản ngăn.
Ðã bao lần muốn giang tay ra, cho đi nhiều hơn, nhưng có nuối tiếc bảo đừng.

Vì thế, trong mơ ước có gian nan.  Và, trên đường về với Chúa vẫn là khúc đường xa xăm.

************

Trong cuộc sống, những giấc mơ chưa trọn vẹn là những giấc mơ buồn.  Vì không trọn vẹn nên mới buồn.  Nhưng đặc tính của những giấc mơ buồn lại thường là những giấc mơ lớn.  Vì lớn nên mới khó trọn vẹn.  Bởi đó, cái buồn của giấc mơ không trọn vẹn dường như vẫn là cái buồn giá trị, giá trị vì nó mang một hoài bão rất cao.

Cái không trọn vẹn đó thúc bách, mời gọi đi tới.  Con đường tình yêu không bao giờ có giới hạn thì giấc mơ tình yêu không bao giờ cùng.  Do đấy, sự chưa được trọn vẹn trong ước mơ đi về với Chúa là sự chưa trọn vẹn dễ hiểu trong thân phận làm người của tôi nơi trần thế này.  Ðường tình yêu càng dài thì giấc mơ tình yêu càng sâu.  Tình yêu càng sâu thì trên đường ấy, tôi cần miệt mài đi mãi.

Trên đường về với Chúa, tôi chỉ hỏi lòng tôi là tôi đã đi xa tới đâu, đã bay cao thế nào.  Chứ không thể có câu hỏi tôi đã yêu Chúa trọn vẹn chưa.  Từ ngàn xưa, Ngài đã biết hồn tôi là dang dở, những lời thề của tôi là những lời đoan hứa dập gẫy.  Bởi đấy, tôi không thể yêu Ngài trọn vẹn nhưng Ngài đòi tôi đi về trọn vẹn.

Trọn vẹn là một mơ ước.  Dang dở vì chưa trọn vẹn có chiều sâu của nó là nó làm cho mơ ước tiếp tục còn là ước mơ.  Tôi có thể cầu Chúa cho tôi đạt được mọi mơ ước không?  Khi đạt được mọi mơ ước rồi thì tôi không còn mơ ước nữa.  Không còn mơ ước thì còn gì để mà đi tới, còn gì để mà bay lên.  Trong ý nghĩ ấy, đường về với Chúa nếu còn dang dở chỉ là lời gọi tôi đi tới.  Mỗi lần sa ngã chỉ là bảo tôi nhìn lên cao.  Tôi không thất vọng vì chưa đạt được mơ ước.

Mơ ước đã được rồi là hạnh phúc đã được đóng khung trong một bến bờ.  Tôi muốn thứ hạnh phúc vô cùng.  Tôi muốn hoài hoài mơ ước.  Tôi muốn vào một không gian hạnh phúc mà càng bay cao thì càng bắt gặp trời thênh thang tự do.  Càng bắt gặp thì càng si mê, càng si mê thì càng nuôi mộng đi tới nữa.  Tôi tin rằng hạnh phúc ấy có thật.  Ðó là chính Chúa.  Bởi tôi biết, tôi không bao giờ uống cạn được ân sủng của trời cao.  Vì thế, tôi không xin cho tôi đạt được điều tôi mơ ước mà chỉ xin cho tôi được mãi mãi, hoài hoài đi về Ngài, sống trung thành với mơ ước đó thôi.

Và vì thế, linh hồn tôi có vì bất toàn mà lầm lỗi, thì đấy chẳng thể là lý do làm tôi thất vọng, xuôi lòng. Trên đường về nhà Cha, nếu vì yếu đuối mà dừng nghỉ.  Thì, đường về nhà Cha có xa xăm thật.  Xa xăm ấy vẫn là xa xăm có Chúa.  Nếu vì sa ngã mà làm cho giấc mơ gian nan.  Thì, đường về nhà Cha có gian nan thật, gian nan ấy vẫn là gian nan ấm lòng.

**************

Lạy Cha,
Cha cầu xin cho con không thuộc về thế gian, nhưng Cha đã chẳng đem con ra khỏi thế gian.  Ngày nào con còn trong thế gian thì con còn nghe thấy tiếng dỗ dành của những rung cảm đam mê.  Từ trong bào thai của mẹ, con đã là lỗi phạm.  Con có thể vấp ngã vì bóng đêm, nhưng con có thể không thuộc về đêm tối.  Con không thất vọng vì những đám mưa phùn làm con ướt cánh.  Con không ủ dột vì bờ đá chênh vênh giữ chân con đi tới.  Vì con biết, khi Cha dìu con, thì tình trời sẽ sưởi ấm chiều mưa lạnh ảm đạm, và ân sủng sẽ gieo trên gai nhọn.  Khi Cha dìu con thì ước mơ sẽ nên tha thiết, và dù có vất vả cánh ong vẫn bay về được với mật ngọt của hoa.  Khi Cha dìu con thì con có thể trung thành. Khi Cha dìu con thì thánh giá sẽ là sức sống.

Lạy Cha,
Ðấy là mơ ước và cũng là lời cầu nguyện của con trên đường về.
Có giấc mơ nào đẹp mà không phải trả giá bằng thương đau?  Có giấc mơ nào lớn mà không phải trả giá bằng thử thách?  Có thập giá nào lên đồi Golgotha mà không quỵ ngã?  Có chiều nào trong vườn Giệtsimani mà không lo âu rướm máu.  Những áng mây trời chỉ bay trên đỉnh đồi.  Gió lộng chỉ ở ngoài biển khơi.  Tôi phải đi lên. Tôi phải miệt mài bước tới.  Và Ngài đã nói với tôi: “Cha ở cùng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28: 20).

Tiếng gọi của trời cao là bảo tôi trung thành với ước mơ.  Cho dù lầm lỗi có làm tôi đau khổ vì mất giá trị nhưng chẳng vì thế mà Người chê trái tim tôi nghèo nàn xấu xí.  Ðôi cánh con chim sẻ sẽ chẳng bay cao được như con phượng hoàng.  Nhưng một ly nước nhỏ mà đầy thì ý nghĩa hơn một ly nước lớn mà vơi.

Dù có yếu đuối cản đường.  Dù có lầm lẫn che lối.  Dù ngày tôi chết, tôi vẫn chưa leo được tới nửa đồi của thập giá, nhưng nếu tim tôi vẫn hồng lửa ước mơ, hồn tôi vẫn vất vả đi tìm cõi vô biên thì đấy là đường mở lối vào vườn hạnh phúc rồi.

Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một con chiên què mà cứ xiêu vẹo trèo lên.  Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một đôi cánh đang lầm than vì gió lạnh, mưa ướt, mang thương tích vì gai rậm mà cứ nhất quyết tìm đường về.  Và vì đó, dù trong yếu đuối của tôi, tôi vẫn thấy biển rộng, trong dòng xót thương của Cha, tôi tới đồi cao.

Lm.  Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”