KHI CHÚNG TA HOÀI NGHI SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Chúng ta cần cầu nguyện kể cả khi đó là việc thiếu sức sống nhất để làm.  Đó là lời khuyên của linh mục triết gia Dòng Tên Michael J. Buckley về những gì chúng ta cần thách thức bản thân mỗi ngày.  Khi đối diện với đời sống thực tế, lời cầu nguyện thường là việc thiếu sức sống nhất để làm.  Vậy lời cầu nguyện tạo nên được khác biệt gì?

Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn!  Xin nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện!  Chúng ta luôn nói những câu này.  Tôi cho là không ngày nào chúng ta không hứa cầu nguyện cho ai đó.  Tuy nhiên, chúng ta có thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta tạo nên khác biệt không?  Chúng ta thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta có thể chặn đứng được đại dịch, xoa dịu căng thẳng trong cộng đồng, xóa bỏ hàng thế kỷ hiểu lầm giữa các giáo phái, chữa lành căn bệnh nan y, đưa con em chúng ta trở lại với nhà thờ, hay làm cho ai đó tha thứ cho chúng ta không?  Lời cầu nguyện có thể làm gì khi chúng ta bất lực trong một hoàn cảnh nào đó?

Chúa Giêsu nói rằng có những con quỷ chỉ có thể bị xua đuổi nhờ lời cầu nguyện và chay tịnh.  Tôi cho rằng, chúng ta tin câu này theo nghĩa đen như việc trừ quỷ thì dễ hơn là tin lời cầu nguyện có thể xua trừ những con quỷ trần tục như hận thù, bất công, hiểu lầm, chia rẽ, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc, định kiến bất dung và những chứng bệnh thể xác cũng như tâm hồn.  Đây là những con quỷ thật sự đang bủa vây cuộc sống chúng ta và dù chúng ta xin Thiên Chúa giúp đỡ trong lời cầu nguyện, nhưng thường chúng ta không mấy tin tưởng lời cầu nguyện của mình sẽ tạo nên khác biệt.  Sao có thể như thế?

Lịch sử lâu dài của Do Thái giáo và Kitô giáo dạy chúng ta, Thiên Chúa không có thói quen can thiệp trực tiếp vào đời sống tự nhiên và đời sống nhân loại, ít nhất không phải theo cách mà chúng ta thấy được.  Các phép lạ có xảy ra, có thể theo hàng triệu cách mà chúng ta không nhận thức được.  Nhưng nếu chúng ta không thể nhìn thấy phép lạ, thì chúng có thật không?

Hiện thực có những phương thức khác.  Có kinh nghiệm và thần nghiệm.  Cả hai đều có thật, dù chúng ta không xem cả hai như nhau về phương diện hành động của Thiên Chúa trong lịch sử.  Nếu một xác chết đội mồ sống lại (Phục sinh), hay nếu cả một dân tộc bước đi khô ráo qua Biển Đỏ (Xuất hành) thì rõ ràng đó là sự can thiệp của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, nhưng nếu một lãnh đạo thế giới hồi tâm chuyển ý và đột nhiên đồng cảm với người nghèo, làm sao chúng ta biết được điều gì dẫn đến chuyện này?  Với mọi sự chúng ta cầu nguyện cũng vậy.

Điều gì thúc đẩy trí khôn dẫn đến việc tìm ra vắcxin cho đại dịch?  Thuần túy là cơ may sao?  Hay sự can thiệp từ trời cao?  Ta cũng có thể đặt câu hỏi đó với hầu hết mọi điều chúng ta cầu nguyện, từ tình hình thế giới cho đến sức khỏe của mình.  Nguồn nào đem lại hứng khởi, phục hồi sức khỏe, xóa tan cay đắng, biến đổi nhân tâm, giúp đem lại quyết định sáng suốt hay một cơ hội gặp ai đó khiến cả cuộc đời chúng ta tốt đẹp hơn?  Cơ may thuần túy hay ngẫu nhiên tình cờ?  Hay là ơn phúc và sự dẫn dắt của Chúa nhờ lời cầu nguyện, dù là của chính mình hay người khác cầu cho mình?

Tâm điểm của đức tin Kitô giáo là chúng ta đều thuộc về một thân thể nhiệm mầu, Nhiệm thể Chúa Kitô.  Đây không phải là cách nói ẩn dụ.  Cơ thể này là một cơ thể sống, cũng thật như một cơ thể vật chất.  Bên trong cơ thể vật chất, mọi phần đều ảnh hưởng đến nhau, dù tốt hay xấu.  Các enzym (chất xúc tác sinh học) lành mạnh giúp cơ thể duy trì sức khỏe, còn các vi-rút không lành mạnh thì làm suy yếu cả cơ thể.  Nếu đúng là thế, mà đúng là thế thật, thì cái gọi là hành động thật sự cá nhân không tồn tại.  Mọi việc chúng ta làm, dù là trong tư tưởng, có tác động đến người khác, và do đó tư tưởng và hành động của chúng ta hoặc enzym lành mạnh, hoặc vi-rút gây hại cho người khác.  Lời cầu nguyện của chúng ta là enzym lành mạnh tác động đến toàn bộ cơ thể, nhất là đến những người, những sự việc mà chúng ta hướng tới.  Đây là giáo lý đức tin, chứ không phải một ý nghĩ đơn thuần.

Bà Dorothy Day từng có thời không thích Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, nghĩ rằng tách mình vào một tu viện nhỏ và “con đường thần nghiệm nhỏ” là lòng mộ đạo ngây thơ.  Về sau, khi bà Dorothy dốc sức làm những việc lớn lao cho công lý và hòa bình, nhưng bà thấy dường như chúng không thay đổi được đời sống thực tế bao nhiêu, bà đã nhận thánh Têrêxa làm quan thầy.  Điều mà bà Dorothy Day nhận ra qua kinh nghiệm của mình là những hành động dường như nhỏ bé và vô ích về mặt thực dụng cho công lý và hòa bình, lại không vô ích chút nào.  Dù nhỏ, nhưng chúng đã giúp mở ra một không gian, mới đầu thì nhỏ, nhưng dần dần mở rộng thành một thứ lớn hơn và có tác động hơn.  Khi đưa một vài enzym bé xíu vào cơ thể của thế giới, cuối cùng Dorothy Day đã giúp thế giới lành mạnh hơn một chút.

Lời cầu nguyện là một chất kháng sinh kín đáo khó thấy, có khi dường như vô dụng, nhưng lại thật sự cần thiết.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

BÁNH VÀ NƯỚC

 

Chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ người khác chứ không phải để được người khác phục vụ.”

Câu cuối cùng trong bài Phúc Âm ngày hôm nay là một trong những câu hỏi nổi bật nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta hãy nghe lại câu ấy: “CON NGƯỜI không đến để được phục vụ, nhưng để Phục vụ và hiến thân cứu chuộc nhiều người.”  Ít câu nào trong Kinh Thánh tóm tắt được cuộc đời Chúa Giêsu một cách hoàn hảo như thế.

Lần đầu tiên nghe nói về cuộc đời Chúa Giêsu, một Kitô hữu Nhật Bản nổi tiếng tên là Kagawa kêu lên: Lạy Chúa, xin cho con nên giống Đức Kitô của Ngài. Và để nên giống Đức Kitô hơn, Kagawa đã từ bỏ căn nhà tiện nghi để đến sống trong những khu tồi tàn vùng Tokyo.  Ở đó, ông chia sẻ chính bản thân và của cải mình cho bất cứ ai cần sự giúp đỡ.  Trong cuốn sách nhan đề “Quyết Định Nổi tiếng Về Cuộc Đời” (Famous Life Decision), Cecil North Cott viết: Kagawa đã cho đi hết áo quần của mình, và chỉ mặc trên người chiếc áo thụng rách nát tả tơi; vào một dịp khác, dù lâm bệnh rất nặng, ông vẫn tiếp tục thuyết giáo dưới cơn mưa, miệng lập đi lập lại không ngừng, Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa là Tình yêu.  Ở đâu có tình yêu ở đấy có Thiên Chúa.

William Barclay cho chúng ta thấy tâm hồn và trí tuệ của Kagawa qua những lời của Kagawa mà ông trích dẫn như: “Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất, Ngài hiện diện giữa những kẻ ăn xin, Ngài nằm chung với những người bệnh hoạn, Ngài đứng về phía những người thất nghiệp.  Vì thế, ai muốn gặp Thiên Chúa thì hãy đến thăm tù ngục trước khi đi tới đền thờ, hãy đến thăm bệnh viện trước khi đi dự lễ, hãy giúp đỡ kẻ nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh.

Khi đọc về một người như Kagawa, chúng ta nên tự vấn chính mình; chúng ta phải làm sao để có thể sống Phúc Âm một cách nghiêm chỉnh hơn trong đời sống mình?  Phải làm sao để bắt chước đời sống phục vụ của Chúa Giêsu một cách thiết thực hơn?  Phải làm sao để trở thành Kitô hữu đích thực hơn trong chính gia đình và trong môi trường làm việc của mình?

Dĩ nhiên không ai có thể trả lời dùm chúng ta, vì đây là những câu hỏi mà chúng ta phải tự trả lời lấy, nghĩa là mỗi người đang hiện diện ở đây sẽ phải trả lời những câu hỏi ấy theo cách thức của mình.  Tuy nhiên, đừng bao giờ vịn cớ rằng: “Tôi không thể đến những khu tồi tàn ở Tokyo để sống giống như Kagawa đã làm,” để rồi chúng ta chẳng làm gì nữa cả; vì nếu chúng ta không thể làm được một điều thật can đảm, thật anh hùng, thì điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn có thể làm được bất cứ việc gì khác.

Tất cả chúng ta đều có thể làm một điều gì đó dù rất là nhỏ bé và xem ra vô nghĩa, khởi đầu là cho chính những người thân trong gia đình chúng ta, rồi từ đó chúng ta sẽ có những may mắn mở rộng việc phụng sự ra môi trường xa hơn, còn nếu chúng ta không khởi sự ngay từ gia đình mình thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ khởi sự được ở bất cứ nơi nào khác.

Sau đây là một trong những ví dụ hấp dẫn nhất nói về việc phục vụ tha nhân khởi sự từ chính gia đình mình.  Đó là câu chuyện được đăng trong tạp chí Leadership (Giới lãnh đạo) cách đây ít lâu:

Một cậu bé nọ cứ cố tình đi học về trễ hoài mà chẳng có lý do gì chính đáng cả, dù đã có biết bao lời khuyên nhủ răn bảo cậu.  Cuối cùng, vì quá thất vọng, bố cậu bảo cậu ngồi xuống và nói; Lần sau con còn về trễ nữa là con chỉ được ăn tối bằng bánh mì với nước lã thôi, ngoài ra không được ăn thứ gì khác nữa nhé.  Con nghe rõ chưa? Cậu bé nhìn thẳng vào mắt cha và gật đầu.  Cậu đã hoàn toàn hiểu ý bố cậu.

Vài ngày sau, cậu bé về nhà còn trễ hơn bình thường nữa, Mẹ cậu gặp cậu ở cửa song chẳng nói một lời.  Cha cậu gặp cậu trong phòng khách nhưng cũng vẫn chẳng nói lời nào với cậu. Tuy nhiên, tối hôm ấy, khi mọi người quây quần bên bàn ăn, trái tim cậu bé như muốn thót lại khi thấy đĩa cha cậu chất đầy thức ăn, đĩa của mẹ cũng thế, còn đĩa của cậu thì chỉ có một khúc bánh mì, bên cạnh có một ly nước lã, trông hiu quạnh làm sao!  Đầu tiên cậu liếc nhìn miếng bánh, sau đó lại nhìn qua ly nước lã.  Đây chính là hình phạt bố mẹ cậu đã nói trước với cậu, đáng buồn hơn nữa là tối nay cậu lại cảm thấy đói quá chừng.

J. Allan Peterson, tác giả câu chuyện đã mô tả diễn tiến sự việc như sau: Người bố chờ cho bầu khí căng thẳng lắng xuống đoạn lặng lẽ cầm chiếc đĩa của cậu đặt trước mặt ông, rồi cầm chiếc đĩa của ông đặt trước mặt cậu bé…Cậu bé chợt hiểu ngay điều bố cậu đang làm. Bố cậu đã nhận hình phạt mà lẽ ra chính cậu phải chịu vì hành vi bê bối của riêng cậu….  Mãi nhiều năm về sau, chính cậu bé ấy vẫn nhớ đến biến cố và nói: Chính nhờ hành vi bố tôi đã làm tối hôm ấy, mà suốt cả đời, tôi đã hiểu được Thiên Chúa tốt lành biết bao!

Câu chuyện trên giúp ta hiểu thật dễ dàng điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ qua lời Ngài nói trong Phúc Âm hôm nay; “Con Người…. đến… để hiến mạng cứu chuộc nhiều người.”  Đức Giêsu đã đến trong thế gian để làm cho chúng ta điều mà bố cậu bé đã làm cho cậu.  Ngài đến để đền tội lỗi chúng ta bằng chính cái chết của Ngài trên thập giá.

Vậy, để kết thúc, chúng ta hãy nhớ rằng bài Phúc Âm hôm nay đưa ra cho chúng ta một thách thức; Đó là chúng ta phải hiến mạng sống mình để phụng sự tha nhân như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta và nơi chốn tốt nhất để khởi sự việc này là chính gia đình ta và môi trường làm việc của ta.  Nếu chúng ta khởi đầu từ những môi trường này, chúng ta sẽ mở rộng được lòng yêu thương phục vụ của chúng ta sang những môi trường khác nữa.

Biết đâu vào một thời gian nào đó, chúng ta sẽ có dịp phục vụ kẻ khác cũng quảng đại như Kagawa đã làm nơi những căn nhà tồi tàn vùng Tokyo.  Chúng ta sẽ có thể có dịp phục vụ tha nhân cũng quảng đại như người bố trong câu chuyện đối với đứa con hư của mình.  Tuy nhiên, trước khi chúng ta hy vọng có thể bay được thì chúng ta phải tập đi bộ đã.  Và bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta bắt đầu tập đi bộ, mời gọi chúng ta bắt đầu phục vụ lẫn nhau, ngay từ trong gia đình và môi trường làm việc của chúng ta; đó chính là lời mời gọi chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu là Đấng đã phán:

“Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và hiến mạng sống cứu chuộc nhiều người.”

Lm Mark Link

ĐỨC MẸ FATIMA ĐÃ CỨU THẾ GIỚI KHỎI MỘT CUỘC CHIẾN TRANH HẠT NHÂN

http://conggiao.info/duc-me-fatima-da-cuu-the-gioi-khoi-mot-cuoc-chien-tranh-hat-nhan-d-51878

Nữ tu Lucia Fatima, một trong ba thị nhân Đức Mẹ Fatima, đã cho biết rằng Đức Trinh Nữ Maria từng tiết lộ nếu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Đức Mẹ thì một cuộc chiến tranh hạt nhân đã có thể xảy ra.

Ngày 1/9/1983, khi bay từ Anchorage đến Seoul, một máy bay Korean Air Lines Boeing 747 của Hàn Quốc với 269 hành khách đã bị lạc đường và bay nhầm vào không phận một hòn đảo của Liên Xô. Ngay lập tức, một máy bay chiến đấu của Nga đã bắn hạ nó. Hành động bạo lực của Nga khiến các nước châu Âu nhanh chóng đồng ý cho Hoa Kỳ triển khai tên lửa tầm trung vào tháng 11 cùng năm. Không ngần ngại, quân đội Xô Viết cũng thiết lập tình trạng sẵn sàng chiến tranh.

Ít tháng sau đó, vào ngày 25/3/1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria. Ngài mời gọi tất cả các Giám Mục trên toàn thế giới hiệp thông với ngài trong nghi lễ này cũng là ngày kết thúc Năm Thánh Cứu Độ. Ngài cử hành nghi thức dâng hiến tại Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma, khi quỳ cung kính trước bức tượng Đức Mẹ Fatima được mang từ Fatima đến.

Hai tháng sau, đúng ngày 13/5/1984 là kỷ niệm 67 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, một tai nạn xảy ra ở căn cứ hải quân Severomorsk của Nga đóng tại biển Barent, gần Phần Lan. Một tàn thuốc lá đã gây ra vụ nổ nghiêm trọng kho tên lửa. 580 trong tổng số 900 tên lửa phòng không bị cháy rụi, 320 trong 420 tên lửa không đối đất bị phá huỷ, hơn 300 quân lính tử vong. Tổn thất làm suy yếu nghiêm trọng hạm đội bắc Liên Bang Xô Viết.

Vài năm sau, sơ Lucia viết: “Mọi người đều biết rõ rằng chúng ta đã đi qua một trong những khoảnh khắc nguy kịch nhất của lịch sử loài người, khi mà các cường quốc thù địch nhau dự tính một cuộc chiến tranh hạt nhân chắc chắn sẽ thiêu huỷ thế giới, không toàn bộ thì cũng phần lớn. Và điều gì sẽ có thể còn sót lại? Có bao nhiêu phần cơ hội sống sót? Và ai đã có thể can thiệp giữa những người kiêu ngạo với đầy dự tính chiến tranh này? Ai, nếu không phải là Thiên Chúa.”

Năm sau đó, 1985, Đức Mẹ lại hiện ra với chị Lucia trong tu viện của chị. Mẹ cho chị biết rằng nếu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thánh hiến thế giới cho Đức Mẹ, có thể đã xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân kia. Chính vì có cuộc thánh hiến mà chiến tranh đã không diễn ra. Chính nữ tu Lucia đã nói thông điệp này của Đức Mẹ cho 2 Đức Hồng Y Antony Padiyara của Ấn Độ và Ricardo Vidal của Philippines khi hai vị đến thăm tu viện.

Nhìn lại trước năm 1983

Một cuộc chiến tranh hạt nhân đã gần sát giữa Nga và Hoa Kỳ. Chắc chắn nhờ có bàn tay Đức Mẹ Fatima mà sự kiện đáng sợ này đã được ngăn lại trong năm 1983. Bởi vì trước đó, ngày 13/5/1982, tại Fatima, Đức Gioan Phaolô II cũng đã có hành vi tận hiến thế giới nhưng điều này không hoàn thành yêu cầu của Đức Mẹ do nó không được làm trong sự hiệp thông của tất cả các Giám Mục trên thế giới. Ngài đã định như vậy nhưng vì các lá thư được gửi khá trễ nên các Giám Mục không nhận được kịp trước ngày đã định.

Chuyện này lặp lại sự số diễn ra năm 1942 trong thế chiến thứ hai. Ngày 31/10/1942, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dâng hiến thế giới và nước Nga cho Trái Tim Vô Nhhiễm Đức Mẹ Maria Fatima. Nhưng việc dâng hiến này không có sự hiệp thông của các Giám Mục trên thế giới. Đó là lúc phe kẻ thù đang có những leo thang lớn trong chiến tranh. Dù vậy, sơ Lucia cho biết rằng mặc dù sự tận hiến không hoàn thành, Chúa Giêsu cũng vui lòng và hứa chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Không lâu sau đó, quân Đồng minh bắt đầu đạt được những chiến thắng quan trọng.

Như vậy, sự dâng hiến của Đức Gioan Phaolô II năm 1982 tuy không hoàn thành nhưng chắc chắn cũng đã có một hiệu quả nào đó với các sự kiện căng thẳng diễn ra năm 1983.

Theo National Catholic Register
Gioakim Nguyễn lược dịch

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII

Đức Gioan XXIII, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola.

Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh được rửa tội, lấy tên là Angelo Giuseppe, người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu.  Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội, nên sau khi học học bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana.  Ngày 07.11.1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo, nơi đó cậu được xếp vào năm thứ ba của bậc trung học.  Sau một khởi đầu khó khăn vì chưa được chuẩn bị đầy đủ, cậu tiến nhanh trong việc học tập và huấn luyện thiêng liêng, nhờ đó các bề trên đã chuẩn nhận trước khi kết thúc năm thứ mười bốn để thầy được lãnh nhận chức cắt tóc.  Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thì vào tháng Giêng năm sau, thầy được gửi về Roma vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo.  Tuy phải thi hành nghĩa vụ quân sự tại Bergamo từ ngày 30 tháng 11 năm 1901, việc huấn luyện chủng sinh cũng đặc biệt mang lại kết quả tốt đẹp.

Ngày 13 tháng 7 năm 1904, khi còn rất trẻ, mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học.  Với sự nhận xét đặc biệt của các bề trên, ngày 10 tháng 8 năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, dịp này ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo hội.  Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng 2 năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám Mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Radini Tedeschi.  Mười năm làm việc hết mình bên cạnh một giám mục có thẩm quyền, rất năng động và đầy sáng kiến, giúp cho giáo phận Bergamo trở nên một mô hình cho Giáo Hội Ý.

Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác.  Từ năm 1906, ngài còn đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong chủng viện: lịch sử giáo hội, giáo phụ và biện giáo; từ 1910, ngài cũng phụ trách môn thần học cơ bản.  Ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngưng nghỉ, ngài vẫn tiếp tục làm những công việc đó đến năm 1914.  Việc học hỏi về lịch sử đã giúp ngài viết một số nghiên cứu lịch sử địa phương, như xuất bản những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo hoàng.  Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp những Phụ nữ Công giáo.

Cái chết bất ngờ của Đức Giám mục Radini năm 1914 chấm dứt một kinh nghiệm mục vụ tuyệt vời của ngài, mặc dù gặp một vài đau khổ chẳng hạn như những lời buộc tội vô căn cứ chống lại ngài từ chủ nghĩa hiện đại, vị Giáo hoàng tương lai Gioan XXIII luôn xem như điểm quy chiếu chính qua các công việc được trao phó theo từng giai đoạn.  Chiến tranh bùng nổ vào năm 1915, ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ trong việc chăm sóc thương binh tại các bệnh viện ở Bergamo, và ngài đã có những việc làm rất anh hùng.  Vào tháng Bảy năm 1918, ngài sẵn sàng phục vụ cho những người lính bị bệnh lao, dù biết rằng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Hoàn toàn bất ngờ với lời mời của Đức Giáo hoàng về phụ trách công việc của Bộ Truyền giáo tại Ý, trong khi ở Bergamo, ngài mới bắt đầu kinh nghiệm Nhà sinh viên, một nơi vừa nội trú, vừa học viện, và đồng thời ngài cũng làm linh hướng trong chủng viện.  Sau nhiều do dự, ngài đã nhận lời và bắt đầu công việc cách thận trọng và tế nhị đối với những liên hệ với các tổ chức truyền giáo đã có.  Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Roma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.

Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952.  Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Rome vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria với nhiệm vụ giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó.  Khởi đầu công việc và tiếp tục cả hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931.  Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngài đã tái tổ chức được Giáo Hội Công giáo, phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria.  Vào ngày 27 tháng 11 năm 1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican.  Khác với Hy Lạp, nơi mà Đức Roncalli không mang lại một kết quả nào đáng kể, trái lại quan hệ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dần dần có được một sự hiểu biết và sẵn sàng thể hiện được nhờ việc đón nhận những đường lối chính trị độc lập với tôn giáo của chính phủ.  Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một vài lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople, đó là những lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã giữ được một thái độ thận trọng của tính trung lập, nhờ vậy ngài mới thực hiện được một công việc thật hữu hiệu, là giúp cho cộng đoàn Do Thái, cả hàng ngàn người, khỏi bị diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.

Thật bất ngờ với quyết định của Đức Piô XII, ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris, nơi ngài đặt chân đến với nhiều lo lắng vào 30 tháng 12 năm 1944.  Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi ngài.  Chính phủ lâm thời đòi phải thoái vị ba mươi giám mục, bị buộc tội hợp tác với chính phủ Vichy.  Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm.  Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nể trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris, nơi mà Ngài đã thiết lập được những mối quan hệ thân thiện với một số chính khách của chính phủ Pháp.  Hoạt động ngoại giao của ngài cũng mang một ý nghĩa mục vụ rõ ràng qua các lần viếng thăm tại nhiều giáo phận của nước Pháp, kể cả nước Algeria.

Tiếng vang và lòng nhiệt thành tông đồ của Giáo hội Pháp, qua kinh nghiệm của các linh mục thợ, làm cho Đức Roncalli phải chú ý như một nhà quan sát thận trọng và khôn ngoan, ngài cho rằng cần phải có một thời gian để xem xét trước khi có quyết định dứt khoát.

Với lối sống vâng phục của mình, ngài đã sẵn sàng vâng theo lời đề nghị thuyên chuyển về Venice, nơi ngài đã đến nhậm chức vào ngày 5 tháng 3 năm 1953, lúc mới được nâng lên tước vị Hồng y theo quyết định trong Công Nghị cuối cùng của Đức Piô XII.  Thời gian làm giám mục của ngài được mọi người biết đến qua những nỗ lực làm việc và hoàn thành nhiệm vụ giám mục cách tốt đẹp như thăm viếng mục vụ và cử hành Công nghị giáo phận.  Việc ôn lại lịch sử tôn giáo của Venezia giúp ngài thêm những sáng kiến mục vụ mới, chẳng hạn như kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh, làm việc theo gương của vị giáo chủ kỳ cựu, thánh Lorenzo Giustiniani, mà ngài đã long trọng cử hành việc tưởng nhớ trong năm 1956.

Việc bầu một vị Giáo hoàng bảy mươi bảy tuổi vào ngày 28 tháng 10 năm 1958, đó là Đức Hồng y Roncalli, kế vị Đức Piô XII, làm nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp.  Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một lối sống đầy nhân bản và con người linh mục của mình đã chín mùi qua những kinh nghiệm ý nghĩa.  Ngoài việc khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, ngài còn hết lòng cho công việc mục vụ theo sứ mạng của mình, bằng cách nhấn mạnh đến bản chất giám mục với tư cách là Giám Mục Rôma.  Xác tín rằng việc quan tâm trực tiếp đến giáo phận là một phần thiết yếu của sự vụ Giáo hoàng, nên ngài dành nhiều thời gian gặp gỡ các tín hữu qua việc viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù.  Qua việc triệu tập Công nghị giáo phận, ngài muốn bảo đảm chức năng hoạt động của các cơ cấu giáo phận bằng cách tăng cường các giáo hạt và bình thường hóa đời sống giáo xứ.

Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII, chắc chắn là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01 năm 1959.  Đó là một quyết định mang tính cách cá nhân của Đức Giáo hoàng sau khi tham khảo ý kiến với một số vị thân cận và với vị Quốc vụ khanh, là Đức Hồng y Tardini.  Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng mười năm 1962: không phải là để xác định những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm hiện thời.  Trong chiều hướng nhằm có được một sự cập nhật về tất cả đời sống của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời gọi hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, hơn là lên án và phản đối trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội, đón nhận tất cả mọi người.  Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, không thể loại trừ các giáo hội Kitô khác, họ cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn.  Trong giai đoạn đầu tiên, người ta có thể nhận thấy rằng Đức Gioan XXIII muốn một Công đồng có tranh luận thật sự, biết tôn trọng các quyết định sau khi mọi tiếng nói đã được trình bày và thảo luận.

Vào mùa xuân năm 1963, ngài được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, chứng tỏ những việc làm của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như việc nhất quyết can thiệp của ngài nhân cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962.  Uy tín và sự ngưỡng mộ chung, người ta có thể thấy được trong những tuần lễ cuối đời ngài khi cả thế giới đều lo lắng hướng về quanh ngài lúc hấp hối và đau buồn nhận tin ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963.

Phòng Báo chí Tòa Thánh
Linh mục Augustinô chuyển ngữ

TÔI PHẢI LÀM GÌ?

Một bạn trẻ đã đến với Chúa Giêsu và đặt câu hỏi: Thưa Thày, tôi phải làm gì?  Bạn trẻ này là đại diện của số đông những người đang đi kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời.  Quả vậy, cuộc sống là một hành trình liên lỉ kiếm tìm hạnh phúc.  Có điều là quan niệm về hạnh phúc nơi mỗi người lại khác nhau.  Chàng thanh niên trong Tin Mừng được kể là một người đạo hạnh.  Từ thuở nhỏ, anh nghiêm túc tuân giữ những gì Chúa dạy trong luật Môisen: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ.  Anh rất tự tin để khẳng định với Chúa Giêsu về những thực hành đạo đức của mình.  Tuy vậy, Chúa muốn cho anh tiến xa hơn trên con đường trọn lành.  Xem ra Chúa chưa hài lòng về những gì anh đã và đang làm.  Người đặt ra một điều kiện: ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mọi sự.  Khi Người yêu cầu người thanh niên bán hết mọi gia sản, tức là Người đòi hỏi anh phải từ bỏ những gì gắn bó, thậm chí từ bỏ chính bản thân để theo Chúa.

Tôi phải làm gì?  Đó cũng là câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra thường xuyên, để lượng giá những việc mình đang làm, và mục đích mình đang hướng tới.  Câu hỏi này cũng giúp chúng ta nhìn lại bản thân, để nhận ra sứ vụ mà Chúa muốn mình phải thực hiện trong cuộc sống.  Sống trên đời, mỗi người có một sứ vụ phải hoàn thành.  Tuy vậy, để nhận ra sứ vụ đích thực của cuộc đời là một vấn đề khó khăn.  Có nhiều người long đong lận đận, ôm nhiều ảo mộng, nên đã ở tuổi xế chiều vẫn chưa xác định được sứ mạng cuộc đời của mình.

Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?  Thưa cần có ơn khôn ngoan.  Bài đọc I chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết của ơn khôn ngoan.  Tác giả đã nói đến giá trị của sự khôn ngoan như sau: “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không.  Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.”  Theo giáo huấn của Giáo Hội, ơn khôn ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần.  Ơn này giúp chúng ta nhìn rõ bản chất của sự việc hay của một con người, chứ không quan sát theo cảm tính hay theo vẻ hào nhoáng bên ngoài.  Vì những gì bóng bẩy bên ngoài thì hay đánh lừa giác quan.  Giống như cách tiếp thị của dịch vụ quảng cảo trên các phương tiện truyền thông.  Trong số những quảng cáo này, có nhiều sản phẩm là hàng giả hoặc kém chất lượng, nhiều người đã bị lừa và tiền mất tật mang.

Cũng theo giáo huấn của Giáo Hội, sự khôn ngoan đích thực là Thiên Chúa.  Sự khôn ngoan ấy được ngôi vị hoá nơi Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô.  Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Người là Đấng Cứu độ trần gian.  Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống.”  Qua lời tuyên bố này, Người khẳng định những ai tin vào Người sẽ được Người dẫn tới Chúa Cha, là nguồn mạch của mọi ơn phúc.

Tin vào Đức Giêsu Kitô, đó là bí quyết để đạt được khôn ngoan và cũng đạt được hạnh phúc đời này và đời sau.  Khi nghe Chúa Giêsu so sánh việc vào nước trời khó khăn giống như con lạc đà chui qua lỗ kim, thánh Phêrô đã nói với Chúa: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.”  Lời thánh Phêrô diễn tả mối băn khoăn của ông khi theo Chúa.  Đó cũng là mối băn khoăn của chúng ta: theo Chúa thì được gì?  biết bao nhiêu người không theo Chúa mà cũng hạnh phúc sung sướng.  Chúa hứa với thánh Phêrô và các môn đệ: họ sẽ được gấp trăm những gì họ đã từ bỏ vì Chúa.  Thực tế đã chứng minh: đối với linh mục và tu sĩ, là những người từ bỏ mọi sự trần gian để theo Chúa, Chúa ban cho họ gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần.

Cùng với tác giả Thánh Vịnh 89, chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con.”  Giữa thời buổi bất an và tràn ngập những ưu tư lo lắng, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan và nghị lực để chúng ta can đảm chọn lựa Chúa, với xác tín Chúa sẽ thưởng gấp trăm những gì chúng ta dám hy sinh vì Ngài.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI – SỢI DÂY YÊU THƯƠNG

Một linh mục đã kể câu chuyện như sau: buổi tối nọ, có cuộc điện thoại mời ngài đến một bệnh viện gần đó để xức dầu cho một bệnh nhân.  Người bệnh là một bà cụ già trạc tuổi 80.  Khi đến nơi, cụ đang trong cơn nguy kịch.  Vì thế, tay bên trái thì chằng chịt dây truyền nước và thuốc vào cơ thể, nhưng tay còn lại thì cụ không rời tràng hạt Mân Côi.

Vị linh mục nói tiếp: “Tôi có thể ví Tràng chuỗi Mân Côi như là sợi dây truyền mà Mẹ đang truyền nước và thuốc tâm linh vào trong cuộc đời của mỗi chúng ta để tăng thêm sinh lực, nhất là đức tin, cậy, mến nơi Thiên Chúa như Mẹ.”

Hôm nay, mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng sự kết hiệp mật thiết sâu xa của Mẹ Maria nơi Thiên Chúa, cũng như cảm nghiệm được tình mẫu tử nơi Mẹ Maria với con cái.

1. Cuộc đời Mẹ luôn hướng về Thiên Chúa

Có lẽ không ai là người Việt Nam lại không biết bài hát “Xin Vâng” của linh mục nhạc sĩ Kim Long! Bài hát này được gợi hứng từ đoạn tin Mừng Lc 1, 26-38.

Qua bài hát này, chúng ta nhận thấy cuộc đời Mẹ là một cuộc đời xin vâng.

Khởi đi từ việc Mẹ xin vâng lời Thiên Chúa truyền dạy qua thiên sứ: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.”  Chính nhờ lời xin vâng này mà Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại.

Từ đây, Mẹ đã hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối.  Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu độ này cách trung thành.  Nói cách khác: Thiên Chúa có thể tùy nghi sử dụng Mẹ như một nữ tỳ khiêm hạ đầy lòng mến để phục vụ cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trên và trong nhân loại.  Hình ảnh và thái độ của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng này khác hoàn toàn với hình ảnh và thái độ của Evà trong thời Cựu Ước.

Nếu một Evà muốn sống tự do và sử dụng tự do để chống đối lại Thiên Chúa, thì với một Maria, Evà của Tân Ước đã sử dụng tự do để quy phục Thiên Chúa.

Nếu một Evà ham quyền, háo danh trong sự kiêu ngạo, thì với Mẹ Maria, một con người khiêm nhường, và hoàn toàn đón nhận thánh ý Chúa và ra sức làm cho ý Chúa được nên trọn trong thân phận nữ tỳ của Người.

Một Evà là mẹ của chúng sinh, nhưng đã gieo rắc tội chết cho nhân loại, thì với Mẹ Maria, Evà mới, Mẹ đã trở thành Mẹ của một thế hệ mới, thế hệ được ngụp lặn trong ân sủng, tình thương và sự sống nhờ lời xin vâng tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa.

Trong suốt cuộc đời của Mẹ, lời xin vâng ấy được lặp lại rất nhiều, có thể nói là liên lỷ đối với Thiên Chúa qua việc gắn bó với Đức Giêsu – Con của Mẹ.

Từ khi trẻ Giêsu còn thơ ấu đến lúc trưởng thành, từ làng quê Nazareth đến đỉnh đồi Canvê…  Mẹ luôn hướng về con của Mẹ như hoa hướng dương hướng về mặt trời.  Mẹ vui niềm vui của Đấng Cứu Thế.  Buồn nỗi buồn của Đấng Cứu Chuộc.  Cùng lo lắng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Con Chí Ái của Mẹ đang thi hành.

Chính sự kết hiệp với Con Chí Ái của Mẹ cách liên lỷ như vậy, nên Mẹ đã trở thành người phi thường khi can đảm đứng dưới chân thánh giá để đồng công cứu chuộc với Đức Giêsu.

Có thể nói: từ khi đón nhận lời xin vâng, Mẹ đã tuyệt đối trung thành với lời tâm huyết thủa ban đầu.  Vì thế, dù vui, buồn, sướng, khổ, Mẹ luôn tin tưởng phó thác và cậy trông nơi Thiên Chúa.  Cả cuộc đời Mẹ được dệt nên bản tình ca “Xin Vâng” để thánh ý của Thiên Chúa được nên trọn.

Khi gắn bó với Thiên Chúa như vậy, chắc chắn Mẹ được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt.  Hơn nữa, vì Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa, mà Người Con ấy cũng là Thiên Chúa, nên Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa.  Bởi vậy, trước mặt Thiên Chúa, Mẹ Maria là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Thiên Chúa sẽ sẵn sàng đáp lại lời cầu xin của Mẹ cho con cái của mình.

2. Mẹ Maria luôn hướng về con cái

Người Công Giáo chúng ta thật hãnh diện và vui mừng vì có một người Mẹ luôn luôn yêu thương con cái của mình hết mực.

Tin Mừng và Giáo Huấn của Giáo Hội đã vén mở cho chúng ta thấy tình mẫu tử tuyệt vời ấy nơi Mẹ Maria.

Chẳng hạn như: Mẹ đã lên đường viếng thăm và giúp đỡ bà Êlisabét một thời gian; hay như việc Mẹ lên tiếng kêu cứu Đức Giêsu ra tay cứu giúp gia chủ tại tiệc cưới Cana khi trong tình trạng thiếu rượu.

Hơn nữa, chúng ta thật vinh phúc vì được chính Đức Giêsu trao phó cho Mẹ Maria dưới chân thập giá qua thánh Gioan.  Và, hình ảnh thật thắm đượm tình Mẹ – con giữa Mẹ Maria với Giáo Hội lúc sơ khai, đó là Mẹ đã cùng với các môn đệ quây quần bên nhau nơi nhà Tiệc Ly để cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo Hội.

Những hình ảnh đó cho thấy sự kết hợp mật thiết của Mẹ dành cho con cái chốn trần gian.

Một trong những biến cố quan trọng cho thấy Mẹ luôn dõi theo con cái của mình đang lữ thứ chốn trần gian và sẵn sàng ra tay bênh đỡ khi con cái gặp hiểm nguy, đó là:

Vào năm 1571, lúc đó, anh em Hồi Giáo đang làm một cuộc viễn chinh nhằm chinh phục thế giới về cho mình.  Họ đi từ Trung Đông sang Á Châu rồi Ấn Độ và đổ bộ đến Âu Châu.  Tới đâu, thì nơi đó trở nên hoang tàn, chết chóc đến tang thương.  Điểm cuối cùng mà họ nhắm tới, đó là nước Ý, nơi đó có thủ đô của Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng.  Họ muốn san bằng và phá hủy hết tất cả những dấu tích của Giáo Hội.  Vì thế, đội quân viễn chinh đã chuẩn bị đầy đủ vũ khí và một đội quân tinh nhuệ đã sẵn sàng chiến đấu.

Trước tình trạng nguy hiểm đó, họa Hồi Giáo đang đến gần, Đức Giáo Hoàng Piô X rất vững niềm trông cậy, ngài đã giữ được bình tĩnh và phát động chiến dịch cầu nguyện với kinh Mân Côi để xin Đức Mẹ cứu giúp.

Kết quả thật bất ngờ!  Quân Hồi Giáo bỗng dưng bị suy yếu đến lạ thường, và cuối cùng, trái tim Mẹ đã toàn thắng.  Con cái Mẹ hân hoan ca mừng chiến công hiển hách do tình thương của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

Biến cố này rơi vào đúng ngày 7-10, vì thế, ngày này được dâng kính Đức Mẹ Maria dưới tước hiệu Mân Côi.

3. Mỗi người chúng ta hãy gắn bó cuộc đời mình nơi Mẹ Maria

Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ Maria trong việc gắn bó, vâng phục Thiên Chúa.  Chính nhờ sự gắn bó với Thiên Chúa cách tuyệt đối như vậy, mà Mẹ đã trở thành Đấng Đầy Ân Sủng để chuyển cầu cho chúng ta.

Mặt khác, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu thương của Mẹ Maria với Giáo Hội và từng người chúng ta.  Khi chiêm ngắm như vậy, chúng ta hãy noi gương Mẹ để cũng biết sống xót thương anh chị em mình như Mẹ đã thương xót chúng ta.

Cuối cùng, lời mời gọi yêu mến Mẹ Maria cách thiết thực mà Giáo Hội không ngừng tha thiết nhắc lại chính lời Mẹ nhắn gửi khi xưa: “Hãy tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ, ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con xin tạ ơn Cha đã ban cho chúng con một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria.  Xin cho chúng con biết yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ và thực hành Lời Chúa cách tuyệt đối trong sự vâng phục như Mẹ khi xưa.  Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

THIÊN THẦN BẢN MỆNH

Một vị linh mục kể lại một chứng từ: “Khi đó ngài làm cha sở ở một xứ đạo hẻo lánh miền quê bên Pháp, vào một đêm được tin một người đau nặng đang hấp hối, muốn xin ngài tới xức dầu.  Trời về khuya, với bổn phận mục tử ngài ra đi làm phận sự của mình.  Từ nhà xứ tới nhà người đau, ngài phải băng qua khu rừng vắng.  Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh, ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với mình.  Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối…

Mười năm sau, ngài được người ta báo: Có người tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cứ một ai khuyên bảo.  Nghe tin, ngài đã tới thăm vì lòng nhân từ mục tử.  Vừa thấy ngài, người tử tù đã muốn phản ứng xua đuổi, không muốn gặp, nhưng khi nhìn trực diện ngài, bỗng anh ta ngừng lại và nói với ngài: “Có phải cha là cha sở họ X không?”  Ngài ngạc nhiên trả lời: “Trước đây mười năm tôi làm cha sở ở đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác…

Thì ra cách đây mười năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người, đang lẩn trốn ở khu rừng mà tôi đi qua và hắn định bất cứ gặp thấy ai, hắn sẽ giết chết để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang, đánh lừa lưới của pháp luật.  Người tử tù kể lại: “Lúc đó y muốn giết tôi, nhưng thấy bên cạnh có người thanh niên lực lưỡng, thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho tôi và người thanh niên ấy đi bình an, vô sự.”

Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên và sực nhớ lại lúc đó tôi dừng lại để cầu nguyện xin Thiên Thần Bản Mệnh giúp đỡ.  Như vậy, người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tôi, đã giữ gìn tôi.”

*************************************

Ngay trong Cựu ước, Thiên Chúa loan báo gửi xuống một đạo binh thiên sứ để giữ gìn loài người: “Này Ta sẽ sai Thiên thần Ta đi trước mặt ngươi và gìn giữ ngươi khi đi đàng, dẫn đưa ngươi đến nơi Ta dọn sẵn cho ngươi” (Xh 23, 20).

Trong hang sâu tù ngục, trước hàm của sư tử, Đanien được các Thiên thần bảo vệ…  Vì không thờ thần dân ngoại, ba cậu bé Khanania, Adaria và Misaen bị bỏ vào trong lò lửa, nhưng các em được các Thiên thần Chúa bảo vệ khi lửa đang cháy mà không bị gì, các thiếu niên này còn vang lời ca tụng Đức Chúa (Đn 3).

Chúa Giêsu sau khi Chúa chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, cũng đã được các thiên thần phục vụ khi, Kinh Thánh ghi lại: “Các thiên thần đến để hầu hạ Người” (Mt 4, 11).

Giữa con người và các Thiên thần có mối dây liên lạc mật thiết.  Các ngài là thụ tạo cộng tác viên với Thiên Chúa nhằm trợ giúp mỗi chúng ta trên con đường lữ hành ở trần thế, sứ mạng của các ngài thực hiện trong âm thầm, lặng lẽ.  Mỗi người có một Thiên thần đồng hành che chở bảo vệ và Thiên thần đó hằng nhìn thấy Thiên Chúa.  Chúa Giêsu diễn tả các Thiên thần với đời sống các trẻ em như sau: “Anh em chớ khinh khi một ai trong những kẻ bé nhỏ này; Thầy nói cho anh em hay: Các thiên thần của họ hằng ở bên ngai Thiên Chúa trên trời!” (Mt 18,10).

Thánh Gioan trong sách Khải huyền còn nói đến mỗi dân tộc cũng có một Thiên thần bản mệnh riêng (x. Kh 2 – 3).  Các thánh Giáo phụ tin là mỗi người từ lúc được tạo dựng trong bào thai đã có một Thiên thần bản mệnh riêng.

Chúng ta đã nhận biết bao ân phúc của các Thiên thần, chúng ta phải tỏ lòng cung kính vâng phục các Ngài.  Niềm tin vào Thiên thần bản mệnh giúp ta lấy lại bình an trong tâm hồn vì luôn có Đấng bảo vệ.  Chúng ta mang niềm vui, nhất là tâm tình phó thác cậy trông vào Thiên Chúa vì như Chúa Giêsu khẳng định: “Các thiên thần của họ hằng ở bên ngai Thiên Chúa trên trời!” (Mt 18,10).

“Chúng ta hãy đặc biệt cầu xin các Thiên Thần, nhất là hôm nay để các đấng canh giữ tôi và các cộng sự viên của tôi” (ĐGH Bênêđictô XVI).

Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

*************************************

Con thân lạy Đức Thánh Thiên Thần, tính thiêng liêng sáng láng, con cám ơn Đức Thánh Thiên Thần giữ con từ thuở mới sinh đến nay cho khỏi tay ma quỷ.  Đức Thánh Thiên Thần là thầy con, mở lòng cho con biết được đạo thánh Chúa trời đất.  Vì vậy, con cầu cùng Đức Thánh Thiên Thần giữ con ban ngày, xem con ban đêm, cho đến trọn đời, kẻo ma quỷ dữ cám dỗ được con.

Con thân lạy Đức Thánh Thiên Thần khấn nguyện cho con thông minh sáng láng, giữ mười sự răn, chừa mọi sự dữ, đến khi con lâm chung, xin cùng Đức Chúa Trời cho linh hồn con được lên ở cùng Đức Chúa Trời và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng.  Amen!

 Kinh Đức Thánh Thiên Thần

GIA ĐÌNH – HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

Gia đình là phần tử nền tảng của Giáo Hội và xã hội.  Gia đình được xây dựng trên tình yêu: tình yêu của vợ chồng với nhau, tình yêu của cha mẹ đối với con cái, và tình yêu của con cái đối với cha mẹ.  Tình yêu, tương quan giữa con người với nhau, cần được trân trọng và vun trồng, để đạt tới mức trọn hảo trong Thiên Chúa.

1. Thật tuyệt vời tình yêu nam nữ

Sách Sáng Thế chương hai cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng con người, đặt con người trong vườn địa đàng, và cho con người được quyền đặt tên mọi sinh vật.  Adam không tìm thấy cái gì thích hợp với mình cho tới khi Thiên Chúa tạo dựng Evà, và dẫn Evà tới gặp Adam.  Adam tìm được niềm vui đặc biệt khi được Evà sống bên cạnh làm bạn đồng hành.  Người nam và người nữ được tạo dựng, để sống bên nhau và nâng đỡ nhau, để cùng nhau tiến bước về với Thiên Chúa.

Thật đẹp tình yêu giữa người nam và người nữ.  Hai người quyến luyến và cảm nghiệm hạnh phúc bên nhau.  Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc.  Họ sống cho nhau và vì nhau.  Con cái là tình yêu của hai người, là điểm nối kết hai người, giúp họ sống triển nở và hạnh phúc.  Tình yêu và hạnh phúc giữa hai người nam nữ, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và chúc phúc cho con người, cụ thể là hai người đang yêu nhau này.  Không ai phá hủy được tình yêu giữa hai người, nếu không phải là chính một trong hai người.  Hành vi tội của một trong hai, có thể phá vỡ hạnh phúc của họ.

Sau khi Evà và Adam phạm tội, Adam đã nhìn Evà với một ánh mắt khác, như nguyên nhân làm cho mình trở nên tệ hơn và xa lìa Thiên Chúa: “chính người đàn bà mà Ngài đã đặt bên tôi, đã hái trái Ngài cấm đưa cho tôi nên tôi đã ăn.”  Adam đã không dám nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho Evà.  Đúng là Evà có cám dỗ Adam ăn trái cấm, nhưng Adam hoàn toàn tự do.  Nếu Adam dứt khoát không ăn, thì Evà đâu có làm gì được ông.  Adam ăn, là do chọn lựa của ông, vì Adam tự do!

2. Điều Thiên Chúa liên kết con người không được phân ly

Tình yêu không chỉ là cảm tính mà còn là hành vi nhân linh.  Để thành vợ thành chồng, hai người nam nữ phải chọn nhau suốt đời.  Họ muốn chọn nhau ngay cả lúc bệnh hoạn yếu đau, họ chọn nhau lúc vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại.  Tuy nhiên, con người là hữu thể tự do, một hữu thể có thể thay đổi chọn lựa của mình.  Hôm nay một người chọn điều này, ngày mai có thể họ lại chọn điều khác.  Hai người nam nữ muốn thành vợ thành chồng, họ cũng ý thức thân phận con người mong manh mỏng dòn đó, nhưng họ vẫn muốn tình yêu của họ thành vĩnh cửu, thế nên họ đã thề nguyền chọn nhau cả đời, thề nguyền trọn đời chung thủy với nhau.

Tội là cố tình làm điều xấu.  Chính hành vi chọn điều xấu này đã làm biến dạng con người phạm tội, đã làm họ ra khác, trở nên “xấu như quỷ.”  Quỷ chính là thiên thần đã muốn độc lập với Thiên Chúa, đã không vâng phục Thiên Chúa, đã từ chối sống trong tình yêu của Thiên Chúa.  Evà đã muốn thành một thần linh không tùy thuộc Thiên Chúa; tuy nhiên không thể là một thần linh mà không tùy thuộc Thiên Chúa vì con người chỉ là tạo vật.  Không chấp nhận thân phận thụ tạo, là không chấp nhận chính mình, là muốn phản kháng chống lại Thiên Chúa.  Một hành vi như vậy không làm con người triển nở và hạnh phúc; Hành vi đó đã làm biến dạng con người, đã làm họ ra xấu, và làm họ không hạnh phúc; Họ không hạnh phúc với chính họ, và không hạnh phúc với người khác.

Không chung thủy, muốn chọn người khác, là một cám dỗ có thể xảy đến trong đầu của một người đã lập gia đình.  Con người được mời gọi để thắng vượt cám dỗ, để là một người vợ, người chồng chung thủy và tuyệt vời.  Muốn những điều mới lạ, đó là khuynh hướng bình thường của con người; tuy nhiên, con người được mời gọi vươn lên thành người tuyệt vời qua việc thắng vượt chính mình, để người bạn đời là người chồng, người vợ, và con cái được hạnh phúc hơn.  Chung thủy trong đời sống gia đình, là dấu chỉ của một người trưởng thành thật sự.

3. Tình yêu cần được vun tưới nuôi dưỡng

Tình yêu là tương quan giữa ngôi vị.  Làm sao để hai người mãi yêu nhau?  Làm sao để hai vợ chồng tin nhau hơn, trân trọng nhau, quan tâm săn sóc nhau hơn?  Có lẽ hai người cần biết rằng tình yêu có thể chết nếu không được vun tưới chăm bón.  Nghĩa là, họ có thể mất nhau nếu họ không cố gắng để đẹp hơn mỗi ngày.  Nét đẹp về thể lý có thể mai một nhưng nét đẹp về tinh thần có thể được tăng lên với thời gian.  Để được vậy, người này phải để ý tới người kia, phải quan tâm đến người bạn mình khi họ vui, khi họ buồn, nâng đỡ họ khi họ gặp khó khăn.

Con người, cần được yêu một cách thật cụ thể, chẳng hạn, cần được yêu qua lời nói, qua sự quan tâm săn sóc.  Con người cần thấy mình được yêu mỗi ngày.  Mỗi người cũng cần cho thấy mình đẹp, mình đáng yêu mỗi ngày.  Để được vậy, mỗi người phải tập quên mình, phải tập sống cho người khác, phải tập quan tâm đến người khác, tập săn sóc và biểu lộ tình thương yêu đối với người khác, tập coi người khác là quan trọng, và rất quý đối với mình.  “Anh (em) cần em (anh) để hạnh phúc” là một câu mà người bạn đời của mình thích được nghe lại, vậy tại sao mình lại tiết kiệm lời này?

Thiên Chúa là tình yêu.  Mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa.  Tình yêu nam nữ cũng có nguồn gốc nơi Thiên Chúa.  Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau đến độ tất cả tùy thuộc lẫn nhau.  Đức Giêsu luôn lấy Ý Cha làm lương thực và lẽ sống cho mình; Ngài luôn cố gắng lấy Ý Cha làm ý mình.  Là một trong thân xác, chưa đủ để duy trì và phát triển tình yêu; con người cần là một trong tâm trí, trong phán đoán, trong chọn lựa giáo dục con cái, trong cách sống…  Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai.  Thiên Chúa Ba Ngôi là nguyên mẫu và phải là nguyên mẫu của tình yêu gia đình.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

CẦU NGUYỆN GIỮA NHỮNG KHỦNG HOẢNG CUỘC ĐỜI

Chúa luôn ở đó với chúng ta, Ngài luôn muốn bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta và an ủi chúng ta, đặc biệt trong những lúc khó khăn, đen tối nhất của cuộc đời.

Hơn bao giờ hết, những lúc gặp khủng hoảng, đau khổ lại là lúc cần thiết nhất để chúng ta tìm đến với Chúa.  Mỗi lần chúng ta kêu lên Chúa: “Lạy Chúa, xin Ngài hãy cứu con!” “Xin Chúa làm ơn cứu con!” “Xin cứu con!” chính là lúc Chúa muốn ở đó với chúng ta.  Chúa muốn chúng ta tìm đến Chúa và cầu xin Người giúp mình cảm nhận được sự thân mật, ủi an và trợ giúp của Người.

Tuy nhiên, giữa những lúc đau khổ, khủng hoảng, nhiều người trong chúng ta lại cảm thấy rất khó cầu nguyện.  Những lúc đó chúng ta thật sự không biết phải cầu xin điều gì.  Muốn cầu xin một phép lạ, thế nhưng, kinh nghiệm của những lần cầu nguyện trước, chúng ta cũng đã cầu xin phép lạ, nhưng phép lạ chẳng bao giờ xảy ra.  Chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc tệ hơn nữa là nghi ngờ không biết có Chúa hay không.  Nếu Chúa có mặt thì tại sao mỗi lần chúng ta thực sự cần đến Ngài, tha thiết cầu xin với Ngài mà Ngài lại chẳng đáp ứng những điều chúng ta xin.  Điển hình là khi tôi cầu xin Chúa chữa lành cho bà nội được khỏi bệnh nhưng Chúa chẳng nhận lời.  Hoặc lúc chúng ta cầu xin cho kết quả sinh thiết của mình được tốt đẹp nhưng cũng chẳng được.  Có khi chúng ta cầu xin nhận được một sự hỗ trợ mà mình đang cần đến nhưng rồi điều đó cũng chẳng xảy ra.  Đã có khi nào chúng ta cầu nguyện cho việc hàn gắn một mối tương quan đã bị rạn nứt mà không được đáp lời chưa?

Thay đổi hình ảnh của Chúa

Nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta thường nhìn Chúa như một nhà ảo thuật – một người hùng vô cùng quyền lực với đầy đủ mọi phép thần thông biến hóa có thể sửa đổi mọi thứ nếu Ngài muốn.  Một trong những lý do khiến chúng ta khó thay đổi hình ảnh này của Chúa là vì chúng ta không biết thay thế bằng hình ảnh nào cả.  Đường dẫn vào đời sống cầu nguyện là đường giúp chúng ta mở lòng đón nhận Chúa là Đấng nhân từ và xót thương.  Đấng đã được Kinh Thánh mô tả trong suốt dọc dài lịch sử cứu độ.  Đồng thời cũng là đường giúp chúng ta biết để cho Đức Giêsu bày tỏ Tin Mừng của Ngài cho chúng ta.  Thiên Chúa không điều khiển thế giới như một người múa rối, cứ giật giây và bắt mọi sự di chuyển theo.  Ngài cũng không phải là Đấng bác bỏ những quy luật tự nhiên để chiều theo và đáp ứng hết mọi lời cầu xin của chúng ta.  Trong đức tin, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Ngài là một vị Thiên Chúa quyền năng ngay giữa những nơi mà Thiên Chúa dường như ít quyền lực nhất.  Trong đức tin, Thiên Chúa đau với nỗi đau của chúng ta.  Trong đức tin, chúng ta được Tin Mừng giải thoát và soi sáng để xác tín rằng Thiên Chúa đã đánh bại quyền lực cuối cùng của chúng ta là tội lỗi và sự chết.  Chúa không ngăn cản tội lỗi và sự chết nhưng khi chúng ta xác tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tin rằng chúng ta được dựng nên cho đời sống vĩnh cửu của Chúa, lúc đó chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự sợ hãi của tội và sự hủy diệt của cái chết vốn làm tê liệt đời sống của chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn vào những khó khăn thường gặp để tìm ra cách thế giúp chúng ta trở về với Chúa ngay trong những khủng hoảng đó.  Từ “khủng hoảng – crisis” bắt nguồn từ chữ “krisis” trong tiếng Hy Lạp, đó là một quyết định – decision.  Nó hàm ý đến sự xác quyết mà chúng ta gọi là một quyết định then chốt trong những thời điểm gay go của cuộc đời.  Đây là một bước ngoặt, là thời điểm khi mà nỗi đau đã đến tột cùng hoặc khi mọi thứ dường như bị đảo lộn, đe dọa sẽ nhấn chìm chúng ta.  Chúng ta cảm thấy mình không biết phải xử lý cách nào và phải bắt đầu từ đâu.  Những lúc đó, sự sợ hãi bóp nghẹt chúng ta.

Nếm cảm về chính cái chết của mình

Dị tật, khiếm khuyết và cái chết đem đến những khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời chúng ta.  Hầu hết trong chúng ta cho rằng cái chết hoặc dị tật của một người thân là một trong những khủng hoảng lớn nhất mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống.  Cái chết cũng như những dị tật của bản thân làm cho chúng ta mất định hướng, làm tê liệt nhuệ khí của mình, làm cho chúng ta mất bình an và thất vọng.  Đôi khi chúng ta thường sống như thể không có cái chết hoặc “từ chối cái chết,” tuy nhiên, việc từ chối sự thật này tạo ra những tổn thương tâm lý trầm trọng trong lòng chúng ta.  Niềm tin vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Kitô đã cho chúng ta niềm hy vọng khi phải đối diện với cái chết hay những khiếm khuyết của mình, mặc dù xét về mặt tự nhiên của con người, điều đó không dễ đón nhận chút nào cả.

Tất cả chúng ta, lúc này hay lúc khác, đều đã trải qua những kinh nghiệm về sự bất lực.  Càng lớn tuổi, chúng ta càng cảm thấy mình bị giới hạn nhiều điều, khi tuổi đã cao, sức đã tàn, thể xác không còn khả năng làm được những thứ mà trước đây mình vẫn làm một cách dễ dàng.  Tuổi càng cao, sức khỏe thể lý cũng như tinh thần lại giảm theo chiều ngược lại.  Điều đó đôi khi làm cho chúng ta cảm thấy suy sụp hoàn toàn.  Tất cả mọi thứ, từ việc thoái hóa xương khớp, đến việc suy sụp tinh thần, tình cảm, hoặc có khi là những chứng nghiện thuốc giảm đau, từ sự mất kiểm soát trong việc tiểu tiện đến cảm giác bất an, sợ hãi, tất cả đều là những hệ lụy bởi sự giới hạn và mong manh của phận người.  Trong cầu nguyện, chúng ta hướng lòng lên với Chúa để xin Ngài giúp đỡ.  Những kinh nghiệm về sự bất lực, một mặt chúng có thể đẩy chúng ta đến chỗ thất vọng, mặt khác đó lại là cơ hội giúp chúng ta sống khiêm tốn hơn và xây dựng một lòng biết ơn sâu xa trước tình thương mà Chúa dành cho chúng ta.  Chính trong giới hạn của phận người, trong sự suy giảm về sức khỏe thể lý cũng như tâm lý, chúng ta lại càng cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu và sự kiên nhẫn của Chúa dành cho mình.  Hơn bao giờ hết, ngay khi chúng ta cảm thấy bất lực, lại là lúc chúng ta cần đến Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài luôn sẵn sàng giang rộng đôi tay của Ngài để ôm lấy chúng ta.

Sự sợ hãi về cái chết tự bản chất là một cú sốc tâm lý.  Sự sợ hãi trước bệnh tật, có thể là một khối u ở vú, hoặc kết quả xét nghiệm kháng nguyên tuyến tiền liệt dương tính khiến chúng ta tê liệt hay suy sụp tinh thần.  Những ngày tháng chờ đợi kết quả có thể là thời gian khiến chúng ta cảm thấy mỏi mệt, lo lắng, bất an.  Tuy nhiên, đó cũng có thể là thời gian giúp chúng lớn lên trong ân sủng của Chúa.  Chúng ta cảm thấy sợ trước những điều vô định, điều đó thật dễ hiểu và cũng rất bình thường.  Tuy nhiên, nỗi sợ này cũng có thể chuyển thành niềm tin, một sự trở về với Thiên Chúa và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa.  Ngoài sự sợ hãi về cái chết, nỗi sợ phải mất người thân hoặc phải từ bỏ một công việc quan trọng cũng khiến chúng ta kiệt sức.  Càng đến với Chúa và nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn, đau khổ, chúng ta lại càng đi sâu hơn vào mầu nhiệm sự chết, và sống sự khiêm tốn thẳm sâu về sự mong manh và bất lực của mình.  Lòng biết ơn về cuộc sống và mối tương quan hài hòa của chúng ta với sự sống luôn luôn được đổi mới.  Chính thái độ này sẽ mang đến cho chúng ta nguồn sinh lực mới.  Như thế, giữa cơn khủng hoảng về sức khỏe thể lý cũng như tâm lý, sự sợ hãi cũng có thể giúp chúng ta có cái nhìn tích cực hơn, cảm nhận được một sự bình an nội tâm, và tin tưởng vững vàng hơn vào Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta.

Khi sự chết viếng thăm chúng ta, thế giới quanh ta dường như ngừng lại, mọi sự như đã kết thúc.  Tuy nhiên, trong đức tin, chúng ta có thể chạy đến với Chúa và cầu xin Chúa ban ơn để giúp chúng ta hiểu được cách Chúa Giêsu ngã vào vòng tay yêu thương của Chúa Cha như thế nào.  Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn sức mạnh để chúng ta dám phó thác cuộc sống của người thân, hoặc của chính chúng ta trong vòng tay yêu thương của Chúa.  Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta biết đặt trọn tình yêu trong từng phút sống của mình.  Và nếu chúng ta sống trọn vẹn từng phút sống của mình thì cuộc sống của chúng ta vẫn còn mãi cho dù có phải trải qua những căn bệnh hiểm nghèo, hay thậm chí cả cái chết đi nữa.  Một trong những khủng hoảng của cái chết là sự chia cắt tương quan.  Trong một số trường hợp, chúng ta không thể mường tượng được cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có người khác, hoặc nỗi đau phải lìa xa người thân là điều không thể chịu được.  Đức tin giúp chúng ta đi vào một mối tương quan mới vượt trên cả những hủy hoại của cái chết về thể lý.  Chúng ta tin rằng, ngay cả sau khi chết, chúng ta vẫn tiếp tục sống trong sự hiệp thông với những người thân yêu của mình.  Khi chúng ta để cho mối tương quan đó tiếp tục lớn lên, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi những rào cản mà đôi khi làm cho cuộc sống của chúng ta bị khập khiễng, đem đến cho chúng ta sự an ủi thật sự và nếm trước sự sống vĩnh cửu.  Nỗi mất mát lớn nhất là không bao giờ được nhìn thấy hay được đụng chạm người thân của mình ở trên đời này nữa. Với đức tin và sự cố gắng, chúng ta có thể lớn lên trong sự hiệp thông sâu xa với những người thân yêu của mình, ngay cả sau khi chết.

Khủng hoảng trong mối tương quan

Khi mối tương quan bị rạn nứt hoặc tệ hơn nữa là vợ chồng phải ly thân hay ly dị, đó quả là một sự khủng hoảng lớn lao.  Trong những lúc đó, chúng ta không chỉ có cảm giác bị mất mát mà còn cảm thấy bị thất bại, bị lừa gạt, hoặc ảo tưởng.  Lòng trí chúng ta ngập tràn những cảm giác đan xen, vừa giận dữ, tội lỗi, thù hận, vô dụng, trầm cảm hoặc bị loại trừ.  Nếu những nỗi đau này lại còn liên quan đến con cái, thì những rối rắm và đau khổ cũng sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ vô tội mà chúng ta hết mực yêu thương và thông thường nỗi đau đó sẽ khó phai hơn.  Khi ở trong những hoàn cảnh này, chúng ta cảm thấy rất khó cầu nguyện.  Có thể chúng ta cảm thấy rất xấu hổ khi đến với Chúa, hoặc cảm thấy lo sợ không biết Chúa sẽ nói gì, hoặc có khi đơn giản chỉ vì chúng ta giận Chúa, hờn Chúa, đổ lỗi cho Chúa vì đã không ra tay ngăn cản hoặc cứu chúng ta thoát khỏi những nỗi bất hạnh đó.  Vì thế, ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần xây dựng một mối tương quan mật thiết với Chúa.  Trở nên bạn thân với Chúa, chạy đến với Chúa bất cứ lúc nào.  Vì nếu trong những lúc vui vẻ, hạnh phúc, mà chúng ta còn không đến với Chúa, lơ là với Chúa thì những lúc khó khăn, khủng hoảng thì lại càng khó để xây dựng mối tương quan với Chúa biết bao.

Chúa muốn yêu thương và an ủi chúng ta

Những lúc khó khăn, đau khổ là lúc chúng ta cần đến Chúa nhất, là thời gian quan trọng nhất để cầu nguyện.  Một điều giúp chúng ta tìm đến với Chúa, đó là chúng ta cảm nhận được sự an ủi nội tâm và tin tưởng rằng Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự.  Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta, hằng ở bên chúng ta trong từng phút giây của cuộc sống, Ngài không ngạc nhiên và cũng không bối rối trước những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.  Điều duy nhất Chúa muốn là an ủi chúng ta khi chúng ta cần đến Ngài, nương tựa vào Ngài.  Ngài tiếp tục dõi theo chúng ta và chất vấn chúng ta khi chúng ta bị cám dỗ rời xa Ngài.  Chúng ta chẳng cần phải giải thích tất cả với Chúa.  Chúng ta chỉ cần thầm thĩ với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Ngài hiểu con.  Con biết Ngài cũng đang đau với nỗi đau của con.  Con biết duy chỉ có Ngài mới giúp con vượt qua được những thử thách này để bước tới tương lai tươi sáng hơn.”  Đây là một lời cầu nguyện rất sâu sắc, xuất phát tự đáy lòng.  Lời cầu nguyện này dẫn chúng ta đi sâu hơn vào tương quan mật thiết với Chúa, phó thác trọn vẹn cho Chúa, và biết phân định mọi tình huống cách chín chắn hơn.  Những khủng hoảng này cũng có thể trở thành những kinh nghiệm sâu sắc về lòng khiêm tốn và chân thành giúp chúng ta thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, những nỗi đắng cay trong cuộc sống.  Những khó khăn, thử thách trong cuộc sống cũng có thể trở thành sức mạnh giải thoát chúng ta, chữa lành cho chúng ta và vực chúng ta dậy để tiếp tục sống một cuộc sống yêu thương và lạc quan hơn.

Có nhiều nỗi khủng hoảng khác trong cuộc sống như sự khủng hoảng về tài chánh, bị mất việc, con hư hỏng vì sự nuông chiều của mình, hoặc những khủng hoảng của người thân cũng làm chúng ta cảm thấy rất khó để cầu nguyện.  Có những cảm giác hoặc những tâm trạng, chưa hẳn là sự khủng hoảng, nhưng cũng làm chúng ta phân tâm, đó là cảm giác không hài lòng, chưa mãn nguyện với những gì mình đang có hoặc đang làm.  Những lúc phải đối diện với những lo âu, hoảng sợ, hoặc cảm giác bất an, đó là thời điểm quan trọng để chúng ta chạy đến với Chúa, cảm nhận tình yêu và sự giải thoát của Chúa.  Không gì có thể cướp mất sự bình an của chúng ta trừ khi chúng ta để cho nó bị cướp đi, hoặc trừ khi chúng ta giải quyết theo những suy nghĩ hơn thua của người đời mà không dựa trên niềm tin, tình yêu, và niềm hy vọng mà Chúa muốn ban cho chúng ta.  Khi chúng ta thưa với Chúa “Lạy Chúa, cuộc sống của con ở trong tay Chúa” là lúc chúng ta tìm thấy ước muốn sâu thẳm nhất và nguồn sức mạnh lớn nhất của chúng ta.  Mọi sự mất mát, mọi suy nghĩ và tình cảm của chúng ta sẽ được biến đổi khi chúng ta sống trong tình yêu của Đấng đã sống và chết cho chúng ta.  Tất cả nguồn sức mạnh của một cuộc sống anh dũng và tình yêu hy hiến được nảy sinh từ một tâm hồn dám sống cái trần trụi của phận người để từ đó xác tín rằng mình là người được yêu và tự do.

Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà
Nguồn:https://onlineministries.creighton.edu/CollaborativeMinistry/OrdinaryTime/Praying-crisis.html

TẠI SAO THIÊN CHÚA CHO PHÉP ĐẠI DỊCH XẢY RA?

Thời nay, dường như một số tín hữu vẫn giữ những hình ảnh rất sai lệch về Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha trên trời hay giận dữ, còn Chúa Giêsu dễ mến, đầy yêu thương…!  Trong khi các tín điều dạy rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị; Ba ngôi ấy là Một trong công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa.  Theo Tin mừng của thánh Gioan, Đức Giêsu đã nói rằng, Người không làm việc một mình (5,30); ‘Tôi và Chúa Cha là một’ (10,30); và ‘ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha’ (14,9).  Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu xuống thế để ứng nghiệm Kinh Thánh Cựu ước; họ cũng tin rằng nên giải thích mọi điều trong Kinh Thánh Cựu ước dưới lăng kính mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Điều này rất quan trọng khi ta muốn hiểu ý nghĩa của dịch bệnh và các thảm họa thiên nhiên khác.  Đối với các dân tộc cổ đại, nếu có lũ lụt, dịch bệnh, thì Thiên Chúa như muốn nói điều gì đó ngang qua những sự kiện ấy.  Nhưng trong các Tin mừng, Chúa Giêsu không bao giờ tạo ra một bệnh dịch, một thảm họa thiên nhiên hay biến ai đó thành cột muối như bà vợ ông Lót xưa.  Nếu Đức Giê su không đi vào cuộc khổ nạn, hay nếu ta không đón nhận lời tiên báo của Người về cái chết ấy, thì Thiên Chúa thật sự là Cha ư?  Đức Giêsu xuống thế để uốn nắn những quan niệm sai lầm về cách thức Thiên Chúa hoạt động trong thế giới này.

Thế nên, cho dù nguồn gốc của Covid-19 vẫn chưa được xác định, nhưng đại dịch này cho ta một lời giải thích tự nhiên, và cách thức vi-rút lây lan khủng khiếp đến giờ là hệ quả của những quyết định yếu kém của con người.  Dĩ nhiên, Thiên Chúa không hề đưa đại dịch đến với nhân loại.

Bất cứ khi nào có một thảm họa, dù lớn hay nhỏ, dù là trận hỏa hoạn thiêu rụi mái nhà thờ Đức Bà Paris, hay sự lây lan của đại dịch AIDS, thì sẽ luôn có một số tín hữu cho rằng những điều ấy là do Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi của con người thời nay.  Có lẽ điều này cho thấy niềm tin vào Thiên Chúa như một nhân vật “siêu quyền lực” cai quản vũ hoàn, “một giám đốc điều hành” có thể chịu đựng những hành vi xấu xa ở một mức độ nào đó.  Nhưng khi mất kiên nhẫn, ông ấy chấm dứt những điều vô nghĩa, và gởi một trận sóng thần hay một trận đại dịch đến để nhắc nhở ta rằng ai mới là ông chủ thực sự.  Trong vai một tên bạo chúa, Người quả là lời lý giải đáng sợ cho những nỗi đau đớn khôn nguôi trong cuộc đời này: những đau khổ của ta phải đến từ một nơi nào đó, và dường như một số người rất dễ dàng tìm thấy lời giải thích trực tiếp từ Thiên Chúa.

Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa việc Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra trong thế giới này, và chuyện Người gây ra những sự ấy.  Giáo Hội dạy rằng, điều đầu tiên là chính xác, nhưng điều thứ hai thực sự sai lầm mặc dù khi nghe một số tín hữu nói về đại dịch Covid-19, ta dễ dàng bỏ qua vì nghĩ rằng nó đúng.  Bởi Thiên Chúa muốn ta được hoàn toàn tự do, ta có khả năng chọn điều dữ; nếu ngược lại, ta cũng chỉ như những con rối.  Đây chính là một thế giới khác xa với việc Thiên Chúa trực tiếp gây ra đau khổ và hủy diệt.

Ta hiểu rằng con người trưởng thành hơn qua những khó khăn, đau khổ nhưng điều này không có nghĩa là Thiên Chúa đã gởi những điều ấy đến như một thử thách.  Đúng hơn, sự trưởng thành minh chứng cho ta rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với ta qua từng giây phút.  Người thôi thúc ta liên đới với anh chị em của cùng một Cha trên trời.  Thế nên, ta cùng nhau đưa ra quyết định tốt nhất trong bóng tối của sự chết và thung lũng của nước mắt, khổ sầu.

Thiên Chúa không gửi bệnh dịch đến để dạy ta về điều gì đó cho dù chúng cho ta nhiều bài học.  Ta đang học được rất nhiều về mối tương quan mong manh của ta với trật tự tạo dựng và hệ lụy từ những lựa chọn sai lầm ở nơi này có thể gây ra những hậu quả tai hại cho những nơi khác.  Ta cũng học được rằng cách ứng phó tốt nhất với những thiên tai, với những tình trạng khẩn cấp về sức khỏe là tính minh bạch, một nhà nước vì dân, những báo cáo trung thực, sự khéo léo của con người, trách nhiệm của công dân, và sự quý trọng lợi ích chung…  Ta cũng học được sự phi thường nơi những con người bình thường khi đối diện với bi kịch, khổ đau.

Làm sao tôi có thể tin chắc rằng Thiên Chúa hằng sống?  Người không bao giờ chết?  Bởi vì Thiên Chúa được tỏ bày trong Đức Giê su Ki tô không phải như một tên bạo chúa, mà là một Đấng đầy tình yêu.  Đó là một Thiên Chúa đã sẵn sàng dấn thân vào bất cứ con đường nào kể cả từ bỏ mạng sống mình trên Thập Giá.  Đoạn thư của thánh Gioan Tông đồ chép rằng, “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.” (1 Ga 1,5).  Nếu đó là sự thật, thì bệnh dịch hay đại dịch không thể là bản án của một Thiên Chúa đầy giận dữ vì tính ích kỉ và thói tham lam của ta được.

Sự tỉnh thức thiêng liêng trong những ngày khó khăn của đại dịch hệ tại ở điều này: trong mọi phút giây của ngày sống Thiên Chúa thực hiện những gì Người đã làm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh – Người không can thiệp để ngăn người ta giết Chúa Giêsu, nhưng không để sự dữ và tuyệt vọng có tiếng nói cuối cùng.  Sức mạnh tuyệt vời của ân sủng cho phép ta tận dụng cơ hội, ngay cả trong những tình cảnh tồi tệ nhất, để giúp đỡ nhau bằng mọi cách có thể, và để cho ánh sáng và cuộc sống có tiếng nói cuối cùng.  Chúa Nhật Phục sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa dành cho Thứ Sáu Tuần Thánh: sự sống thoát ách sự chết.

Cha Richard Leonard S.J.
Lyeur Nguyễn lược dịch
Nguồn: https://jesuit.org.au/why-does-god-allow-pandemics/