VÀI CÁCH CỤ THỂ GIÚP TẬP TRUNG CẦU NGUYỆN

Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện, có thể có bất kỳ sự xao lãng nào khiến chúng ta không thể trò chuyện thân mật với Chúa của chúng ta.  Điều đó có thể là một sự gì đó bên ngoài chúng ta, như một con chó sủa bên cạnh hoặc một người nào đó trong nhà nguyện đang thờ phượng lại đùa chơi với chuỗi hạt Mân Côi của họ.  Hoặc sự chia trí có thể là một điều gì đó bên trong tâm trí hoặc trong cõi lòng, như những suy nghĩ vẩn vơ, hoặc “danh sách những việc cần phải làm” liên tục hiện ra trong tâm trí chúng ta.

Dù đó là gì đi nữa, chúng ta nhận thấy rằng hầu hết các sự chia trí trong khi cầu nguyện đều thuộc bốn loại:

Địa điểm (ví dụ không thể cầu nguyện tại một địa điểm cụ thể)

Thời gian (ví dụ liên tục nhìn vào đồng hồ)

“Danh sách những việc cần phải làm” (ví dụ liên tục nghĩ về tất cả những việc cần phải hoàn thành)

Suy nghĩ lang thang (ví dụ thấy mình đang nghĩ về bộ phim đã xem hôm qua)

Vì mục đích giúp cầu nguyện đích thực, chúng ta sẽ đề cập đến những thứ gây mất tập trung rơi vào bốn nguồn cơn do “con người” này.  Thông thường những sự xao nhãng này có nguồn gốc từ con người hoặc “tự nhiên”, chứ không phải là nguồn gốc ma quỷ.  Tuy nhiên, ma quỷ có thể lợi dụng những sai lầm của con người chúng ta và sử dụng những điều xao lãng này để làm hại chúng ta.  Chúng ta cũng sẽ cần phải đề cập đến những trở ngại đối với việc cầu nguyện có nguồn gốc siêu nhiên hơn và sẽ xem xét cách phân biệt, liệu điều gì đó đến từ Thiên Chúa hay từ Thần dữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ những phiền nhiễu “do con người” này vì chúng có thật và ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta.  Hầu hết chúng ta gặp khó khăn trong khi cầu nguyện, và rất ít người ngay lập tức được rơi vào trạng thái ngây ngất và bị cuốn hút vào sự hiện diện của Chúa trong nhiều giờ liên tục.

Yếu tố ngoại cảnh đầu tiên giúp ta cầu nguyện đích thực có tầm quan trọng cơ bản đó là “địa điểm.”  Điều ta nhận thấy là nơi cầu nguyện của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa.  Chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện ở một số nơi mà chúng ta thấy tốt hơn những nơi khác, và vì vậy điều quan trọng là phải xác định những đặc điểm chính có thể giúp thúc đẩy đời sống cầu nguyện của chúng ta ở những địa điểm khác nhau này.

“Nhà nguyện nhỏ”

Nơi cầu nguyện của chúng ta được gọi là “nhà nguyện của chúng ta.”  Từ “oratory” xuất phát từ từ ngữ “orare” trong tiếng Latinh, có nghĩa là “cầu nguyện” và được sử dụng phổ biến nhất để chỉ một nhà nguyện nhỏ.

Nơi chốn phổ biến nhất để cho một người tín hữu cầu nguyện là tại nhà.  Người ta thường không sống đối diện với nhà thờ hoặc nhà nguyện, và không thích ghé qua nhà thờ hàng ngày.  Điều này có nghĩa là lời cầu nguyện cá nhân thường được thực hiện tại nhà.

Thật không may, việc cầu nguyện trong nhà hoặc “nhà nguyện nhỏ” có thể là một thách thức.  Khả năng có một phòng dành riêng cho việc cầu nguyện là cực kỳ hiếm, có nghĩa là việc cầu nguyện thường diễn ra trong phòng ngủ hoặc phòng khách.

Những thách thức chính của việc cầu nguyện tại nhà là sự tập trung và bắt đầu cầu nguyện như thế nào.  Thật không dễ dàng để cầu nguyện khi bạn ngồi xuống chiếc ghế dài và nhìn chằm chằm vào chiếc TV đã tắt hoặc nhìn loanh quanh, và thấy tất cả đồ chơi trẻ em nằm rải rác trên sàn nhà.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải dành một phần của ngôi nhà, của căn hộ hoặc phòng của bạn để cầu nguyện.  Đây thường được gọi là “chỗ cầu nguyện.”  Ngay cả Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo cũng khuyến nghị thực hành này:

Để cầu nguyện riêng, có thể chọn một “chỗ cầu nguyện” trong nhà, có ảnh tượng và Sách Thánh; ở đó chúng ta “đóng cửa lại cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6).  Trong các gia đình Kitô hữu, một chỗ cầu nguyện đơn sơ như thế rất thuận lợi cho việc cầu nguyện chung” (GLGHCG 2691)

“Chỗ cầu nguyện” của bạn về mặt vật chất có thể là một góc trong một trong các căn phòng của bạn, hoặc đơn giản là một nơi thoát khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của ngôi nhà.  Trên thực tế, các lựa chọn là vô tận và chỉ bị hạn chế bởi sự sáng tạo của chính bạn.  Khi dự định dành một phần cụ thể trong ngôi nhà của bạn để cầu nguyện, hãy tìm cách kết hợp các mục sau:

Bàn thờ tại gia:

Nếu bạn có đủ không gian để dành một chiếc bàn phụ để cầu nguyện, thì việc biến nó thành “bàn thờ tại gia” sẽ rất hữu ích.  Đó là một nơi mà bạn có thể đặt các vật dụng khác nhau, chẳng hạn như nến và một cuốn kinh thánh, để nhắc nhở bạn về bàn thờ ở nhà thờ.  Thậm chí ích lợi hơn khi bạn dùng khăn phủ bàn và có thể thay đổi tùy theo màu của mùa phụng vụ hiện tại.

Tác phẩm nghệ thuật tôn giáo:

Một khía cạnh quan trọng trong góc cầu nguyện của bạn là có tác phẩm nghệ thuật tôn giáo để đưa bạn vào trạng thái cầu nguyện.  Bạn nên sử dụng một hoặc hai tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, hoặc biểu tượng truyền cảm hứng cho bạn.  Thông thường, người ta sẽ đặt hình ảnh nổi bật của Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm, và đặt hình ảnh các thánh ở hai bên để gây cảm hứng cho người ta sống đời sống thánh thiện.

Nến & Hương;

Tầm quan trọng của nến và hương trong cầu nguyện thường bị bỏ quên.  Bằng cách đó, “mùi hương và ánh nến” của Thánh lễ có thể được mở rộng đến tận nhà và giúp nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện.  Nến rất tốt trong việc giữ sự tập trung của một người và thường được kết hợp với suy niệm.

Khi lập kế hoạch cho “buổi cầu nguyện nhỏ” của bạn, điều quan trọng là phải cân nhắc kỹ lưỡng về điều đó.  Hãy coi đó là cách mời Chúa vào nhà của bạn.  Việc có “chỗ cầu nguyện” này là một khía cạnh phổ biến của các Giáo hội Công giáo Đông phương, và được gọi là “nơi chốn biểu tượng.”

Nếu bạn quan tâm đến những ý tưởng thiết thực hơn về cách sắp xếp thứ tự “buổi cầu nguyện nhỏ” của mình, bạn nên tìm một cuốn sách Kinh Hướng Dẫn Cầu Nguyện: hướng dẫn cho người mới bắt đầu cầu nguyện tại nhà.  Đây là một nguồn tài liệu cần thiết cho những ai đang tìm kiếm sự chọn lựa một chỗ cầu nguyện.

“Nhà nguyện di động”

Bên cạnh việc cầu nguyện tại nhà, một cuộc chiến đấu lớn đối với nhiều người trong chúng ta là cầu nguyện khi đang đi trên đường.  Điều này có thể là bạn đang làm việc trên tàu điện ngầm, trong văn phòng khách sạn, hoặc thậm chí tại nhà của người thân trong kỳ nghỉ.  Chúng ta không thể đoán trước được những nơi này sẽ như thế nào và chúng ta không thể mong đợi sẽ có một “nhà nguyện nhỏ”, như chúng ta vừa nói đến ở trên, ở bất cứ nơi nào chúng ta đến.

Đó là lý do tại sao việc mang theo bên mình một “nhà nguyện lưu động” có thể giúp khơi dậy trong chúng ta một thái độ cầu nguyện là điều có ích.  Kiểu nhà nguyện này có thể bao gồm một cây thánh giá đơn giản mà bạn mang theo trong túi hoặc một số các ảnh về Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh mà bạn luôn để kèm theo trong sách cầu nguyện của mình.

Một ý tưởng khác khi nghĩ về “nhà nguyện di động” là:

“Nhà nguyện chung”

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, điều quan trọng là phải tận dụng các “nhà nguyện chung” khác nhau xung quanh chúng ta.  Đây có thể là những nhà thờ hoặc nhà nguyện thờ phượng khác nhau mà chúng ta có thể dừng chân để cầu nguyện.  Dù chúng ta cầu nguyện hầu hết là tại nhà, nhưng thành thật mà nói thì những nơi tốt nhất để cầu nguyện cho chúng ta là trong nhà thờ và nhà nguyện.

Lợi ích rõ ràng của “nhà nguyện chung” là sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.  Đó không phải là thứ chúng ta có thể có được tại nhà.  Hiện nay các nhà nguyện có giờ Chầu Thánh Thể liên lỉ nằm rải rác nhiều nơi trên khắp đất nước, và là những thiên đường cầu nguyện tuyệt vời.  Vấn đề là chúng ta có muốn ghé vào những nơi đó không?

Để bổ sung cho lời cầu nguyện của chúng ta ở nhà, bạn nên dành một giờ (hoặc nửa giờ) chầu thánh thể hàng tuần tại một nhà nguyện, hoặc đơn giản là tại một nhà thờ có mở cửa.  Rất ít người có điều kiện làm việc này hàng ngày, vì vậy bạn nên dành thời gian để cầu nguyện tại một “buổi cầu nguyện chung” ít nhất một lần một tuần.  Có lẽ những khoảnh khắc cầu nguyện mạnh mẽ nhất của chúng ta thường diễn ra trước Thánh Thể.

Tóm lại, tất cả chúng ta đều là con người và nơi chốn cầu nguyện ảnh hưởng đến cách thế chúng ta liên hệ với Thiên Chúa.  Để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện, chúng ta nên cân nhắc và thiết kế các địa điểm cầu nguyện trong nhà của mình, mang theo “nhà cầu nguyện di động” và đến những nơi cầu nguyện chung cộng đoàn thường xuyên bất cứ khi nào chúng ta có thể.

Đây chỉ là những mẹo đơn giản giúp loại bỏ một số trở ngại ban đầu trong việc chúng ta chuyện vãn với Chúa và lắng nghe những lời Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta.

Phêrô Phạm Văn Trung
dựa theo Aleteia.com

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

Status

Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị chính quyền cộng sản bắt khi ngài đang tiến hành những công việc của Giáo phận như mở Đại Chủng viện, các Dòng tu, các khoá huấn luyện…  Ai sẽ là người kế nhiệm để lo những công việc mục vụ quan trọng này?  Ở trong tù, ngài lo lắng và ưu tư từ ngày này qua ngày khác.  Rồi đến một ngày, ngài nhận ra rằng: “Tất cả những gì tôi đang lo lắng là việc của Chúa.  Còn lúc này đây, Chúa muốn cho tôi tìm chính ý Chúa.  Tôi đang làm việc cho Chúa thì tại sao lại lo lắng những công việc của Chúa.  Nếu đã đạt được ý Chúa thì công việc của Chúa khắc có người lo.”  Và từ lúc ấy, ngài tìm được bình an.  Ngài chỉ tìm ý Chúa, còn công việc của Chúa thì người này lo, người khác lo và Chúa quan phòng luôn tiếp tục.  Ngài nhận định: “Không phải Maria ngồi yên dưới chân Chúa vì làm biếng.  Phúc Âm không phong thánh cho người làm biếng.  Maria chọn phần tốt nhất: nghe Chúa nói, để Lời Chúa thấm tận tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình.  Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy?” (ĐHV 147).

Tin mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách.

Maria ngồi bên chân Chúa với tâm thế lắng nghe.  Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe.  Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất.

Matta lo việc bếp núc, phục vụ ăn uống.  Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: “Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?  Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.  Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: “Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá!  Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”  Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất.  Chọn phần tốt nhất không phải là chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu và làm theo ý Chúa.  Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa.

Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao chiêm niệm trên hoạt động.  Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động, lo lắng về những nhu cầu vật chất.  Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện.  Trên thiên đàng người ta chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu.  Như thế, Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu.  “Phần hơn” của cô là ở chỗ đó.  Có Chúa rồi, “chiếm hữu” được Chúa rồi thì còn gì hơn nữa!

Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ ân cần của Matta và đưa ra bậc thang giá trị, cần “chọn phần tốt nhất.  Chọn Lời Chúa và lắng nghe.  Đó chính là “phần tốt nhất” như lời Tv 119: “Lạy Chúa, con đã nói, phần của con là tuân giữ Lời Ngài.”  Lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên đá (Lc 6, 47-49).  Lắng nghe Lời giúp tâm hồn trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15).  Hạnh phúc của Đức Maria là “lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,27-28).

Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau.  Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta là: việc cốt yếu đối với người môn đệ là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.  Nhiều lần, Chúa nói về điều cốt yếu ấy: “Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28); “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21; Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35).  Điều cốt yếu ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm “việc Chúa” nhiều, làm “việc đời” ít)… nhưng ưu tiên về giá trị.  Khi làm việc gì, nếu mình tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì mình vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì mình vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình.  Thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).

Hoạt động và cầu nguyện là nhịp sống đời Kitô hữu.  Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện.  Cầu nguyện làm nền tảng cho mọi hoạt động.  Nhờ cầu nguyện nên việc phục vụ tha nhân được tốt hơn.  Mẹ Têrêxa Calcutta và các Nữ tu dù bận rộn công việc hằng ngày vẫn luôn dành thời giờ tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể.  Mẹ luôn là gương sáng cho các Nữ tu, cầu nguyện trước khi hoạt động.  Mỗi ngày dành một giờ chầu Mình Thánh Chúa, sau đó mới đến các nơi nghèo nàn ở Calcutta để chăm sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các căn nhà tồi tàn giúp những người hấp hối được chết lành.

Tham dự Thánh lễ chính là lúc chúng ta như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài.  Đến với Chúa, xin đừng dè sẻn cò kè thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước, xin đừng dự lễ kiểu “đạo gốc cây,” “đạo vòng vòng” ở ngoài sân nhà thờ.  Xin đừng đến với Chúa chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ tội.  Hãy đến với Chúa như một người con thảo, đến để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đến là vì lòng yêu mến Chúa và muốn sống hiếu thảo với Ngài mà thôi.

Thánh lễ cũng chính là lúc Chúa đến thăm và ban ơn sủng cho chúng ta.  Hãy quý trọng sự hiện diện của Chúa.  Hãy tham dự tích cực, linh động, cầu nguyện sốt mến, thưa chuyện với Chúa.  Lời Chúa và Thánh Thể ban thêm cho chúng ta đức tin, tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ để chúng ta dấn thân phục vụ anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.  Amen!

(Mana)
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

VIỆC CHÚNG TA LÀM TRONG RIÊNG TƯ

Không ai là một hòn đảo, thật vậy, không ai thật sự cô độc.  Nếu là một người có đức tin hoặc thậm chí chỉ cần là người có nhạy cảm trực giác sắc bén, bạn sẽ biết trên đời này không hề có hành động riêng lẻ thật sự, dù tốt hay xấu.  Mọi việc chúng ta làm, dù riêng tư đến thế nào, cũng ảnh hưởng đến người khác.  Chúng ta không phải là những đơn tử với những suy nghĩ và hành động không có tác động gì đến bất kỳ ai.  Chúng ta biết như thế, không phải chỉ qua đức tin, mà còn trực cảm được nó qua những gì trong đời mình.

Làm sao chúng ta cảm nhận được những gì ẩn trong riêng tư cuộc đời người khác?  Ngược lại, những chuyện xảy ra trong riêng tư của cuộc đời chúng ta tác động đến người khác như thế nào?

Chúng ta không có khoa siêu hình học, hiện tượng học, hay khoa học nào để xác định rõ ràng chuyện này.  Nhưng chúng ta biết nó là sự thật.  Việc chúng ta làm trong sâu kín riêng tư tâm hồn và tâm trí có thể được người khác cảm nhận theo một cách nào đó.  Mọi tôn giáo thật sự đều dạy như thế, cụ thể là chúng ta đang trong tương giao cộng sinh, huyền bí và thật sự với nhau, hoàn toàn không có cái gọi là riêng tư thật sự.  Mọi tôn giáo lớn trên thế giới, về căn bản, đều tin như thế, bao gồm Kitô giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Lão giáo, và các tôn giáo bản địa ở châu Mỹ và châu Phi.  Không một tôn giáo nào nói rằng tội riêng không ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng.

Và điều này giải thích một vài giáo huấn của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu dạy rằng không chỉ hành động bên ngoài của chúng ta giúp đỡ, hay làm hại người khác, ngay cả những suy nghĩ trong lòng cũng vậy.  Với Ngài, không chỉ là chúng ta không được hại người mình ghét, mà còn không được có những suy nghĩ thù ghét thầm kín về người đó.  Cũng thế, giữ kỷ luật về tình dục để không phạm tội ngoại tình là không đủ, chúng ta còn phải kỷ luật cả những suy nghĩ dâm dục về người khác.

Tại sao lại thế?  Những suy nghĩ riêng tư thầm kín thì có hại gì?  Đó là, nếu chúng ta có những suy nghĩ xấu xa về người khác, cuối cùng chúng ta sẽ thực hiện chúng (và có lẽ đúng là thế).  Vấn đề ở đây là một chuyện sâu sắc hơn, một chuyện nội hàm rõ ràng trong khái niệm Kitô giáo về Nhiệm thể Chúa Kitô.

Là tín hữu Kitô, chúng ta tin rằng hết thảy đều là thành phần của một cơ thể sống, Nhiệm thể Chúa Kitô, và sự hiệp nhất này của chúng ta không chỉ mang tính ẩn dụ.  Nó là thật, thật như vật chất thể lý của một cơ thể sống.  Chúng ta không phải là một đoàn thể, mà là một cơ thể sống, nơi mọi phần đều ảnh hưởng đến nhau.  Do đó, trong một cơ thể sống, các chất xúc tác (enzyme, men tiêu hóa có tác dụng làm chất xúc tác) lành mạnh giúp cho toàn bộ cơ thể khỏe mạnh, cũng như những tế bào ung thư đe dọa sức khỏe của toàn cơ thể, thì trong Nhiệm thể Chúa Kitô cũng vậy.  Việc chúng ta làm nơi riêng tư vẫn nằm trong thân thể này.  Do đó, khi chúng ta làm việc nhân đức, kể cả trong riêng tư, thì cũng như các chất xúc tác lành mạnh, chúng ta giúp tăng cường hệ miễn dịch trong toàn bộ cơ thể.  Ngược lại, khi chúng ta bất tín, ích kỷ, phạm tội, dù là chỉ trong riêng tư, thì như một tế bào bị nhiễm độc hay ung thư, chúng ta góp phần phá hệ miễn dịch của cơ thể.  Cả chất xúc tác lành mạnh và tế bào ung thư có hại đều hoạt động một cách thầm lặng, ẩn kín.

Và quan niệm này có hệ trọng với cuộc sống riêng tư của chúng ta.  Nói đơn giản, không việc gì chúng ta suy nghĩ hay thực hiện trong riêng tư lại không ảnh hưởng đến người khác.  Những suy nghĩ và hành động riêng tư của chúng ta, như chất xúc tác lành mạnh hay tế bào nhiễm độc, đều ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể, hoặc tăng cường hoặc làm suy yếu hệ miễn dịch.  Khi chúng ta thành tín là chúng ta giúp đem lại sức khỏe cho cơ thể, khi chúng ta bất tín, chúng ta là tế bào nhiễm độc gây trở ngại cho hệ miễn dịch trong cơ thể.

Dù chúng ta thành tín hay bất tín trong riêng tư, nó vẫn tác động đến người khác, và đây không phải là một chuyện trừu tượng hay huyền bí.  Ví dụ như, một người vợ sẽ biết khi chồng mình không chung thủy, dù cho chuyện ngoại tình chưa bị bại lộ.  Hơn nữa, người ấy biết chuyện không phải do có những biểu hiện thiếu chung thủy trong hành vi và ngôn ngữ cơ thể người kia.  Không, người ấy biết ở mức độ linh tính, huyền bí, mơ hồ, vì người ấy cảm nhận được sự phản bội đang kìm kẹp sự lành mạnh và toàn vẹn của cuộc hôn nhân.  Chuyện này nghe vẫn có vẻ ẩn dụ hơn là thật, nhưng tôi mong các bạn cứ thử kiểm nghiệm trong đời thực mà xem.  Chúng ta cảm nhận được sự phản bội.

Có chuyện chúng ta biết cách có ý thức và có chuyện chúng ta biết một cách vô thức.  Có chuyện chúng ta biết được nhờ quan sát, và có chuyện chúng ta biết được nhờ trực cảm.  Chúng ta nhận thức bằng cái đầu, trái tim và linh tính, và qua cả ba yếu tố này, đôi khi chúng ta biết được chuyện gì đó bởi vì chúng ta cảm nhận nó đang gây căng thẳng hay xoa dịu linh hồn mình.  Không hề có hành động riêng tư.  Hành động riêng tư của chúng ta, cũng như hành động công khai, sẽ đem lại sức khỏe hoặc bệnh tật cho cộng đồng.

Tôi xin kết lại bài này bằng hai câu thơ góp nhặt:

Nếu thành tín, ta đem lại mối phúc lớn lao. (Parker Palmer)
Nếu bất tín, ta đem lại mối hại lớn lao.  (Rumi)

Rev. Ron Rolheiser, OMI

RẤT AN ỦI NHƯNG CŨNG RẤT ĐÁNG SỢ

“Không có gì che giấu mà không bị thố lộ; không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết!”

Tiến sĩ tâm lý Bernie Zilbergeld nói, “Không chung thuỷ gần như chắc chắn sẽ phá huỷ hoàn toàn sự tin tưởng và thân mật.  Người có một cuộc tình bí mật sẽ lừa dối như một điệp viên.  Người ấy không thể về nhà, kể lại các sự kiện trong ngày; nhưng phải nói điều này, giấu điều kia, sao cho thật an toàn!  Vì vậy, cả khi không chung thuỷ không được phát hiện, nó vẫn thay đổi con người bạn.  Từ một con người thẳng thắn, cởi mở, sang một con người bí mật, lén lút!”

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mở rộng ý tưởng của Zilbergeld; Chúa Giêsu nói, “Không có gì che giấu mà không bị thố lộ!”  Câu nói của Chúa Giêsu khiến chúng ta phải suy nghĩ!  Đó là một câu nói ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ’; điều này tuỳ thuộc những gì chúng ta che giấu hoặc giữ bí mật trong trái tim mình.  Lương tâm bạn đang giấu giếm điều gì?  Điều mà chỉ một mình Chúa biết!

Trước hết, đó là những người mà bên ngoài xem ra thật tốt lành, nhưng phía sau cuộc sống công khai, họ bí mật sống một cuộc sống rất khác!  Họ sống một nhân cách giả, sống hai mặt, giả hình.  Thật đáng sợ nếu phải sống như thế!  Đáng sợ, vì họ không bao giờ thực sự bình an!  Họ bị cuốn vào những gì người khác nghĩ về họ và lo lắng về hình ảnh công khai của mình trong mắt người khác; đang khi nội tâm của họ phải bị giày vò bởi những nỗi buồn, lo lắng và sợ hãi.

Dạng thức thứ hai, đó là những người sống nội tâm một cách kín nhiệm.  Đây là cuộc sống ẩn giấu của một vị thánh!  Chẳng hạn, Đức Trinh Nữ Maria.  Maria được coi như một phụ nữ ‘hoang thai’ từ rất sớm và “hình ảnh công khai” này của Maria xem ra không thể chấp nhận.  Bằng cách nào khác mà Maria có thể thụ thai?  Nhiều người nghĩ!  Thế nhưng, sự thật, linh hồn Maria là một sáng tạo đẹp đẽ, thuần khiết và thánh thiện chưa từng được thực hiện.  Và bây giờ, vẻ đẹp nội tâm của Maria được thể hiện trước các thần thánh và được ‘biểu lộ cho tất cả sự vĩnh cửu!’

“Không có gì che giấu mà không bị thố lộ” là tất cả những gì trong trái tim và lương tâm chúng ta vốn sẽ ‘được biểu lộ cho tất cả sự vĩnh cửu!’  Do đó, những người thực sự sống một đời sống thánh thiện, khiêm tốn và chân thành đối với các nhân đức ngay bây giờ, sẽ luôn được nhìn thấy trong ánh sáng này, ánh sáng vĩnh cửu; đang khi những cuộc sống đen tối vẫn có thể nhìn thấy vĩnh cửu theo một cách nào đó tuỳ vào lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa!

Bài học quan trọng chúng ta rút ra là, hãy đào tạo cho mình một trái tim thực sự thánh thiện và thuần khiết ‘ở đây và lúc này.’  Không thành vấn đề khi không ai nhìn thấy sự thánh thiện của bạn, chỉ cần Thiên Chúa thấy nó!  Mục tiêu là cho phép Ngài hình thành một cuộc sống nội tâm đẹp đẽ cho bạn và cho phép Ngài làm cho tâm hồn bạn thật đẹp đẽ đối với Ngài.  Thật trùng hợp, điều đã xảy ra với Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay!  Một điều gì đó ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ!’  Trước một Thiên Chúa Toàn Thánh, Isaia khiếp sợ vì thấy mình ô uế; thế nhưng, Đấng Toàn Thánh ấy cũng là một Thiên Chúa ủi an, xót thương; Ngài đã sai Thần Sốt Mến gắp hòn than đỏ thanh tẩy lưỡi Isaia, “Lỗi ngươi được xoá bỏ, tội ngươi được thứ tha!”

Anh Chị em,

“Không có gì che giấu mà không bị thố lộ!”  Chúa biết rất rõ tâm hồn chúng ta; cả khi “miệng chưa thốt nên lời, Ngài đã am tường hết.”  Sự thật này ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ!’  An ủi vì Chúa biết hết mọi kín ẩn trong trái tim chúng ta, nhưng Ngài biết để thấu cảm, bao bọc và ngăn ngừa, thay vì tố cáo; đáng sợ, vì tâm hồn chúng ta là đền thờ của Ba Ngôi, là cung điện của Thánh Thần.  Vì thế, sẽ thật bất xứng nếu chúng ta để tâm hồn, lẽ ra phải là “nhà cầu nguyện” hóa thành nơi hoen ố, nếu không nói là “đã trở thành hang ổ trộm cướp!”  Vậy, hãy giữ cho con tim tinh tuyền, giữ cho lương tâm trong sáng, hầu xứng với nơi Thánh Thần và Ba Ngôi ngự trị.  Đừng quên, tâm hồn chúng ta là bình đựng Mình Thánh Chúa và là Nhà Tạm di động; hãy luôn là “một con người thẳng thắn, cởi mở” với Chúa và tha nhân, thay vì “bí mật, lén lút!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, Đấng ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ’, xin cho con luôn làm vui lòng Chúa với bất cứ giá nào; để từ trái tim con, vinh quang Chúa được ‘biểu lộ cho tất cả sự vĩnh cửu!’ Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NGƯỜI THÂN CẬN

Khi nói đến Thiên Chúa hoặc Thượng Đế, người ta liên tưởng tới vị Thần Linh thống trị và cách biệt hoàn toàn thế giới loài người.  Kinh Thánh nói với chúng ta: nếu Thiên Chúa cao cả và chí thánh, thì Ngài lại rất gần gũi và yêu thương con người.  Giáo huấn của Ngài bao gồm những điều cụ thể, giúp con người dễ dàng đón nhận và thực thi.  Tác giả sách Đệ nhị Luật (Bài đọc I) khẳng định: “Luật của Chúa rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”  Thiên Chúa là Đấng giàu lòng nhân hậu.  Ngài cảm thương nỗi khốn khổ cơ hàn của con người.  Do tội lỗi, nhân loại ở bên bờ vực thẳm của sự chết.  Thiên Chúa đã ra tay cứu vớt con người và giúp họ phục hồi.

Sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa được diễn tả trong câu chuyện Người Samari nhân hậu. Người Samari là hình ảnh của Đức Giêsu. Người bị đánh bầm dập nửa sống nửa chết là hình ảnh của nhân loại đáng thương do tội lỗi. Người Samari đã săn sóc người bị nạn đưa anh vào quán trọ, dặn dò chủ quán chu đáo. Tất cả những cử chỉ đó đều diễn tả sứ mạng của Đấng Cứu thế nơi trần gian. Người mang trên thân mình mọi tội lỗi nhân loại để nhân loại được tự do. Thánh Phaolô đã diễn tả với chúng ta trong Bài đọc II: “Đức Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo…. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.

Câu chuyện người Samari nhân hậu hàm chứa những bài học sâu sắc đối với chúng ta.

Nhân vật mở đầu câu chuyện là một người tiến sĩ luật. Ông đại diện cho giới trí thức và thượng lưu. Cuộc đối đáp giữa ông và Chúa Giêsu chứng tỏ ông chỉ hỏi để thử Chúa Giêsu. Chính tác giả cũng xác định điều này, khi ông viết: “Có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu, mới đứng lên hỏi Người rằng…”.  Với nghệ thuật trình bày rất hấp dẫn, câu chuyện cho chúng ta thấy sự hoán đổi của những vấn đáp rất tài tình, để rồi người hỏi lại là người trả lời:

“Thưa Thày, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Đây là câu hỏi của vị tiến sĩ Luật. Sau đó, chính ông ta là người đưa ra những gợi ý để trả lời cho câu hỏi của mình: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Trong phần này, người tiến sĩ Luật đã trích dẫn sách Đệ nhị Luật (6,5) và sách Lêvi (19,18). Đây là giáo huấn cốt lõi của Lề Luật. Sau này Chúa Giêsu cũng nhắc lại để trả lời một vị kinh sư, khi ông này hỏi: “Thưa Thày, trong mọi điều, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28). Vị tiến sĩ Luật đã đặt câu hỏi, rồi chính ông ta lại trả lời.

“Nhưng ai là người thân cận của tôi?” – vị tiến sĩ Luật đã đặt câu hỏi. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi, mà Người kể một câu chuyện về người Samari nhân hậu. Cuối câu chuyện này, Người hỏi lại vị tiến sĩ: “Vậy, theo ông nghĩ, trong ba người đó (tư tế, Lêvi và người Samari) ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp? Và, vị tiến sĩ đã trả lời: “Chính là kẻ đã thực lòng thương xót đối với người ấy”. Trong câu trả lời này, những danh xưng, chức vụ và dòng dõi xem ra đã trở thành vô nghĩa, mà điều quan trọng là sự cảm thương, lòng nhân hậu. Chỉ có lòng nhân hậu mới đáng kể. Lòng nhân hậu vượt lên tất cả mọi danh xưng và chức vụ. Hai người đi qua, thày tư tế và Lêvi, chỉ quan tâm đến lý thuyết, mà họ quên thực hành. Họ dửng dưng trước nỗi đau của người bị nạn. Câu hỏi được vị tiến sĩ đặt ra là: “Ai là người thân cận của tôi?” đã được đảo ngược thành: “Tôi là người thân cận của ai? Giá trị giáo huấn là ở chỗ đó. Đối với người Samari, ông chỉ thấy trước mắt ông là một con người bị nạn. Ông không bận tâm xem người đó thuộc dòng tộc nào. Ông cũng không tìm cách khoe khoang việc mình làm. Hành động của ông âm thầm khiêm tốn và đậm tình người.

“Ông hãy đi và làm như vậy” – Vị tiến sĩ vừa khoe khoang sự hiểu biết và lòng đạo đức của mình ở trên kia, giờ đây được Chúa giáo huấn: ông mới chỉ thông thạo về lý thuyết thôi. Ông cần phải thực hành những gì ông hiểu biết. Ông hãy cố gắng để trở nên người thân cận với người khác, như thế ông mới thực sự đạt tới sự hoàn thiện.

“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Tác giả Luca bỏ lửng câu chuyện ở đây để độc giả tiếp tục suy tư và cảm nhận mình có thể là nhân vật vị tiến sĩ Luật trong câu chuyện. “Hãy làm như vậy”, tức là có tâm tình bao dung quảng đại như người Samari. Chúng ta biết, giữa người Do Thái và người Samari có mối thù truyền kiếp. Người Do Thái thường coi người Samari là người ngoại đạo. Khi tranh luận với Chúa Giêsu, những người Do Thái nói một cách khinh miệt: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao” (Ga 8,48). Vậy mà dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, người Samari lại có tâm hồn nhân hậu, hơn cả tư tế và Lêvi, vì ông này đã dừng chân cứu giúp người bị nạn.

“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” – Câu kết rất đơn giản, cũng là câu trả lời cho câu hỏi ở đầu trình thuật: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (câu 25). Đó cũng là thông điệp mà Phụng vụ muốn gửi đến mỗi người chúng ta.

TGM Vũ Văn Thiên

NGAY CẢ MẸ TÊRÊXA CŨNG SUÝT TỪ CHỐI TIẾNG CHÚA GỌI

Khi nhìn vào những vị thánh, chúng ta thường có khuynh hướng xem đó là những người với vầng hào quang thánh thiện, chứ không phải những người với những đấu tranh chật vật như mọi người chúng ta.  Cách nghĩ như thế khiến các thánh ít giống con người, và có vẻ quá xa vời đến nỗi chúng ta không thể noi gương các vị được.

Quyển Tình yêu làm nên thánh Têrêxa của David Scott muốn đảo ngược chuyện này . Ông suy ngẫm về những khía cạnh cuộc đời của Mẹ Têrêxa thành Calcutta vốn thường bị bỏ qua, chẳng hạn như 18 năm mẹ sống trong Nhà kín Loreto ở Calcutta, và không thấy được những cảnh khốn cùng bên ngoài bức tường nhà kín.  “Sự biến đổi của mẹ hướng đến người nghèo, là một tiến trình chậm rãi,” ông Scott xác nhận.

Và đặc biệt hơn nữa là những chi tiết mà ông Scott đưa ra về đêm tối tâm hồn hơn 50 năm của mẹ, và thị kiến vào năm 1947 khi Mẹ Têrêxa thấy Chúa Giêsu và Đức Mẹ khiến Mẹ dấn thân cho người nghèo và người hấp hối.  Dù cho Mẹ đã hủy các ghi chú và nhật ký của mình, nhưng một tập các lá thư Mẹ gửi cho các linh hướng của mình trong năm 1947 đã cho thấy có những lúc Mẹ kháng cự lại yêu cầu của Chúa Giêsu khi Ngài muốn có “các Nữ tử Bác ái, ngọn lửa yêu thương của Ta giữa những người nghèo, người bệnh, người hấp hối, những đứa trẻ trên đường phố.”

Chúa Giêsu đã bảo Mẹ là “người bất tài nhất, yếu đuối và tội lỗi, nhưng chính vì thế Ta muốn dùng con cho vinh quang của Ta!  Chẳng lẽ con từ chối sao?”  Mẹ Têrêxa mô tả việc Mẹ phản đối yêu cầu khẩn thiết này và “bảo Chúa Giêsu tìm một người khác, nói rằng Mẹ sợ những khó khăn và lời chế giễu Mẹ sẽ phải chịu.  Mẹ hứa sẽ trở thành một nữ tu tốt nếu Ngài để Mẹ ở yên bình trong nhà kín.  Nhưng Ngài cứ tiếp tục nài nỉ Mẹ, thách thức Mẹ: “Con từ chối làm việc này cho Ta sao?”

Tất cả những chuyện này khiến chúng ta thấy thật không tương hợp với hình ảnh cảm tính của mình về sự thánh thiện.  Nhưng nó cho thấy các vị thánh rất giống chúng ta, và đôi khi các vị phải rất vất vả trong việc đón nhận lời mời gọi của Chúa.  Và chúng ta hẳn cũng nghĩ một chuyện này: Liệu Mẹ Têrêxa đã nói “không” với Chúa?  Biết bao nhiêu người đã từ chối những thúc đẩy của Thần Khí hay của chính Chúa Kitô, chống cự lại công cuộc cứu độ?

Từ năm 1957, những năm đầu tiên Mẹ bắt đầu cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi, dù cho sau đó Mẹ vẫn bắt đầu hoạt động sứ mạng của mình, Mẹ Têrêxa có viết cho một linh hướng của mình rằng: “Họ nói những người trong hỏa ngục chịu đựng đau khổ muôn đời vì mất Chúa…  Trong lòng con cũng đang cảm giác nỗi đau mất mát khủng khiếp đó… cảm thấy Thiên Chúa không hiện hữu… cảm thấy như mình chối bỏ Chúa.  Xin cầu nguyện cho con để con không trở thành một Giuđa với Chúa Giêsu trong đêm tối đau đớn này.”

Mẹ đã xin những người khác hủy các lá thư của Mẹ đi.  Nhưng tôi mừng vì có những người đã không làm theo ý Mẹ.  Vì nhờ như thế, chúng ta mới thấy Mẹ Têrêxa anh hùng đến thế nào, và cũng con người đến thế nào.

Francis Phillips
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Catholic Herald

CHÂN DUNG THÁNH THOMAS TÔNG ĐỒ

Ngày 3 tháng Bảy hằng năm là ngày mừng kính Thánh Tôma, vị Tông đồ “nổi tiếng” là có lòng cứng như sáp nguội.  Thánh Tôma có biệt danh là “Tôma Đa Nghi,” và còn được gọi là Điđymô (nghĩa là “sinh đôi”), phiên âm theo Việt ngữ là Thọ-mai.

Có lần Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.  Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.  Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.  Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14:1-4).  Thánh Tôma hồn nhiên hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14:5-6).  Và rồi Chúa Giêsu nói câu nổi tiếng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.  Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6).

Khi nghe các Tông đồ khác kể lại việc họ đã tận mắt gặp Chúa Giêsu phục sinh, Thánh Tôma đã không tin.  Khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa, cũng có mặt Thánh Tôma ở đó, Chúa Giêsu bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20:27).  Chắc chắn Thánh Thomas không dám sờ vào, mà chỉ còn biết cúi đầu, sụp lạy và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con!  Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28).  Câu này trở thành câu tuyên tín minh nhiên trong Tân ước.

Tội nghiệp Thánh Tôma!  Ngài bị “chết tên” với cái nickname “Tôma Đa Nghi.”  Nhưng nếu ngài không nghi ngờ thì ngài cũng tin.  Câu tuyên xưng đức tin của Thánh Tôma đã cho các Kitô hữu một lời cầu nguyện mãi mãi đến tận thế.  Thánh Tôma cũng gợi ra một lời khen của Chúa Giêsu dành cho các tín hữu: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).  Có thể coi đó là mối phúc thứ chín.

Truyền thống nói rằng Thánh Tôma đã ra khỏi biên giới Đế quốc Rôma để rao giảng Tin Mừng, đi xa tới tận Ấn Độ.  Ngài tới Muziris (Ấn Độ) năm 52, và rửa tội một số người mà ngày nay vẫn gọi là “Kitô hữu của Tôma” (Saint Thomas Christians, tiếng Ấn Độ là “Mar Thoma Nasrani” hoặc gọi tắt là “Nasrani”).  Sau đó, Thánh Tôma bị đâm chết bằng cây thương dài ở Ấn Độ, thi hài ngài được đưa tới Mesopotamia hồi thế kỷ III, và rồi lại được chuyển tới nhiều nơi khác.  Năm 1258, người ta đưa hài cốt ngài tới Abruzzo, thuộc Ortona (Ý), trong một nhà thờ, và người ta gọi là Nhà thờ Thánh Tôma Tông đồ.  Thánh Tôma được tôn vinh là Thánh bổn mạng của Ấn Độ, và tên ngài vẫn “nổi tiếng” trong số các “Kitô hữu của Tôma” ở Ấn Độ.

Truyền thống cho biết rằng Thánh Tôma bị đâm chết tại Mylapore, gần Chennai, lúc 72 tuổi.  Thánh Tiến sĩ Ephrem nói rằng Thánh Tôma bị giết ở Ấn Độ, thi hài ngài được thương nhân Khabin đem đi an táng tại Urhai (Edessa).

Thánh Tôma có tiếng là người “cứng lòng” nhưng lại rất can đảm, vì dám rủ các bạn cùng chết với Sư Phụ.  Có thể điều ngài nói là mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng có thể ngài chỉ do bộc phát, do thẳng tính, nghĩ sao nói vậy, chứ chưa hẳn ngài đã dám liều mạng thật khi bày tỏ sự sẵn sàng chết với Chúa Giêsu – vì khi Thầy Giêsu bị bắt thì cũng chẳng thấy tăm hơi Thánh Thomas đâu.  Nhưng dù sao cũng thật đáng khen, vẫn xứng đáng làm gương cho chúng ta.

Cơ hội là khi Chúa Giêsu đề nghị đi tới Bêtania sau khi Ladarô đã chết, các Tông đồ không trở lại Giuđê, vì người Do-thái tìm cách ném đá Chúa Giêsu.  Bêtania gần Giêrusalem, nghĩa là phải đi bộ ngay giữa lòng quân thù và hầu như là chết chắc!  Nhận ra điều này, Thánh Tôma đã nói với các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16).  Thánh Tôma can đảm lắm nên mới động viên các bạn như vậy!  Tuy bản tính đa nghi, nhưng một khi đã tỏ tường thì Thánh Tôma tin thật, không gì lay chuyển.  Cứng lòng tin có thể mang hai ý nghĩa: Cứng lòng không chịu tin – chai cứng, hoặc cứng cáp lòng tin – vững tin.

Thiết tưởng cũng nên biết điều này: Thánh Tôma là bổn mạng của những người đa nghi, những người mù, các kiến trúc sư, các thợ xây, và các nhà thầu xây dựng.

Lạy Thánh Tôma Tông Đồ, xin cầu thay nguyện giúp để chúng con cũng vững tin vào Đức Giêsu Kitô đến hơi thở cuối đời. Amen.

Trầm Thiên Thu

CHỮ TIN

[Tín khúc Ga 20:19-29 ≈ Mt 28:16-20; Mc 16:14-18; Lc 24:36-49]

Nói gì thì nói, mặc ai
Tô-ma nhất quyết một lời: Không tin!
Tưởng là đá cứng khó mềm
Ai dè đá ấy lại liền chảy tan!
Người tin – giải thích không cần
Không tin – giải thích chẳng còn ích chi [1]
Tin là phần phúc diệu kỳ
Đâu có dễ gì không thấy mà tin!
Tin là không có dị đoan
Vẫn cần lý trí cân phân rạch ròi
Cũng không nhẹ dạ tin người
Nói gì nghe nấy, tức thời gặp nguy!
Tin là điều rất diệu kỳ
Được nên công chính là nhờ đức tin [2]
Vững tin vào Chúa uy linh
Vì Ngài là Đấng nhân lành, xót thương.
Chúa ơi, xin hãy đỡ nâng
Vì con yếu kém về lòng kính tin
Biến con dẫu cứng cũng mềm
Tô-ma ơi, chớ bỏ quên phận này!

Trầm Thiên Thu
[1] Thánh Bernadette: “Với người tin thì không cần giải thích, với người không tin thì giải thích cũng vô ích.”
[2] Rm 5:1; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:6.

SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI

“Niềm vui” là ý tưởng xuyên suốt các Bài đọc Lời Chúa cũng như Thánh vịnh đáp ca của Phụng vụ Thánh lễ hôm nay.  Trước hết là niềm vui trong thông điệp của ngôn sứ Isaia.  Đây là lời tiên báo cho biết thời kỳ lưu đày của dân Do Thái sắp hết.  Dân sẽ được trở về xứ sở quê hương của mình.  Những tủi nhục của thời lưu đày không còn nữa, thay vào đó là sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài.  Sự chăm sóc này được ví như người mẹ hiền chăm sóc và an ủi con thơ, với tâm tình thiết tha trìu mến.  Những hình ảnh vị ngôn sứ sử dụng rất cảm động và thân thiết: Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.”

Những gì được diễn tả trong lời ngôn sứ Isaia, cũng đang thực hiện đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.  Quả vậy, trên từng bước đường đời, Chúa vẫn chăm sóc an ủi chúng ta.  Chúa vẫn cùng chúng ta đi trên mọi nẻo đường.  Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng ân sủng.  Ngài ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.  Trong thời gian đại dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm, nhiều bệnh nhân phải có máy trợ thở liên tục.  Nếu rời máy trợ thở, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.  Một bệnh nhân cao tuổi, sau những ngày dùng máy trợ thở và được khỏi bệnh, đã nói: Trong mấy tuần qua, tôi sống nhờ máy trợ thở.  Vậy mà trong suốt 80 năm của cuộc đời, Chúa đã cho tôi một máy trợ thở miễn phí, tức là một không gian tự nhiên đầy sinh khí, vậy mà tôi không nhận ra quà tặng cao quý của Ngài.  Vâng, Chúa luôn chiều chuộng chúng ta, và cung cấp cho chúng ta những nhu cầu cần thiết cho thân xác cũng như linh hồn.

“Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.”  Đó là lời Thánh vịnh 65, được hát trong phần Đáp ca của Thánh lễ.  Tác giả Thánh vịnh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu đang diễn ra hằng ngày xung quanh mình: đó là đại dương mênh mông, là đất liền màu mỡ, là núi cao chập trùng, là sông sâu uốn khúc.  Đó còn là muôn vật cỏ cây, là ngàn ngàn sinh vật.  Người vô tín ngưỡng cho đó là tự nhiên, người tín hữu tin đó là những thụ tạo Chúa dựng nên để phản ánh vinh quang của Ngài.

Tôn vinh Chúa là hành vi thuộc đức thờ phượng.  Chúng ta tôn thờ Chúa vì Ngài đáng yêu mến suy tôn. Tôn vinh Chúa cũng là hành vi của lòng hiếu thảo và biết ơn, giống như người con biết ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục mình.  Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn vật muôn loài.  Mỗi chúng ta hiện hữu trên đời, là nhờ cha mẹ và nhờ ơn Chúa.  Vì vậy mà chúng ta phải cảm tạ tri ân Ngài.

Cảm nhận niềm vui trong cuộc đời, người tín hữu cũng được mời gọi trở nên sứ giả của niềm vui.  Như Ông Môisen trong Cựu ước chọn bảy mươi vị kỳ lão, Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ, để cộng tác với Người trong công cuộc loan báo Tin Mừng.  Chân dung người loan báo niềm vui được chính Chúa Giêsu phác họa.  Họ không phải là nhà doanh nghiệp, không phải chính trị gia hay chuyên viên kỹ thuật.  Họ đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống.  Món quà họ đem đến cho mọi người là sự bình an.  Nội dung sứ điệp họ loan báo rất đơn giản: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”  Đây cũng chính là nội dung sứ điệp từ thời ngôn sứ Isaia: “Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết.”  Điều các môn đệ đem đến cho mọi người, trước hết là niềm vui nội tâm do đức tin đem lại.  Nhờ niềm vui thiêng liêng đó, mọi người nghe sẽ được thuyết phục và đón nhận Lời Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa cũng vẫn gọi và sai chúng ta đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống.  Thừa sai là bản chất của Giáo Hội.  Mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi sống ơn gọi thừa sai phù hợp với hoàn cảnh sống và điều kiện cụ thể của mình.  Đây là điều ít được chúng ta chú ý.  Một bệnh nhân ốm đau liệt lào; một người già yếu không mấy khi ra khỏi nhà; một người sống trong môi trường công nhân thợ thuyền… tất cả đều là những tông đồ đang được Chúa sai đi để loan báo Tin vui.  Nội dung của lời loan báo rất đơn giản, đó là Chúa yêu con người và Ngài khuyên họ hãy sống ngay lành thánh thiện.  Người được sai đi có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, kể cả trong trường hợp bị khước từ và xua đuổi.  Giống như người gieo hạt cần mẫn miệt mài làm tròn bổn phận mình, còn Chúa sẽ làm cho hạt ấy nảy mầm và lớn lên.

Người nhiệt thành loan báo niềm vui, sẽ được nhận lại niềm vui, là phần thưởng Chúa ban.  Thánh Luca kể lại: nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở khoe với Chúa về những thành quả lao công mà các ông đã đạt được.  Nhân danh Chúa Giêsu, các ông làm được những việc chính Chúa đã làm, như trừ quỷ, chữa bệnh.  Các ông có lý để vui mừng và để khoe với Chúa.  Tuy vậy, Chúa Giêsu muốn hướng các ông tới một niềm vui lớn lao hơn nhiều, đó là tên các ông đã được khắc ghi trên trời.  Đây mới là phần thưởng cao quý và là niềm vui lớn lao nhất.  Những sứ giả của niềm vui sẽ được ghi tên ở trên trời.  Tên của họ cũng được khắc ghi trong chính trái tim của Chúa.

Người loan báo niềm vui phải trải qua nhiều gian nan thử thách.  Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ, khi Người sai họ lên đường.  Hành trang của các môn đệ không phải là những phương tiện trần thế, nhưng là lòng tín thác cậy trông và nhiệt huyết tông đồ.

Ở một góc nhìn khác, thánh Phaolô nói với chúng ta về niềm vui của ngài.  Dưới góc độ trần gian, quan niệm của thánh nhân xem ra có phần nghịch lý: niềm vui và niềm tự hào của ngài là Đức Giêsu chịu đóng đinh.  Phải thực sự đạt tới đỉnh cao của sự gặp gỡ gắn bó với Đấng chịu đóng đinh mới có thể khẳng định được như thế.  Phaolô đã từng trải, đã chiến đấu và kiên trung trong mọi nghịch cảnh.  Vào lúc cuối đời, ông khẳng định: Chúa vẫn là trên hết.  Đấng chịu đóng đinh là niềm tự hào duy nhất của đời ông.  Ông đã chọn lựa Người và sẽ xác tín vào sự chọn lựa ấy.  Thánh nhân cũng mong muốn và cầu chúc cho chúng ta có cảm nhận sâu sắc như ngài.

Mỗi Kitô hữu đều là sứ giả của niềm vui.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng như sau: “Người loan báo Tin Mừng không bao giờ mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về!… và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (Số 10).  Quả vậy, khi bản thân không cảm nhận được niềm vui của Chúa, thì không thể trở nên sứ giả của niềm vui đích thực là Tin Mừng.

Hãy reo mừng Thiên Chúa!  Hãy tôn vinh Ngài, không chỉ trong nghi thức phụng vụ, mà trọn vẹn cả đời sống của chúng ta.  Buồn sầu và bi quan, chán nản không thể có chỗ trong đời sống của những ai tin cậy tín thác nơi Chúa.  Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch của ân sủng và hạnh phúc chúc lành cho chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA LÒNG SÁM HỐI

Phêrô và Phaolô là hai khuôn mặt vĩ đại ở thượng nguồn niềm tin Công giáo, là hai cột trụ vững chắc nâng đỡ Giáo hội dọc dài thời gian, và là hai vị thánh “cả” trong mắt nhìn của mọi tín hữu. Nhưng chỉ tập trung vào những nét cao cả, người ta dễ nghĩ rằng các ngài ở quá xa trong thời gian, ở quá cao trong gương mẫu và có nguy cơ đặt các ngài ở bên lề Giáo hội, trong khi đời sống và ơn gọi của hai đấng lại rất gần với đời kẻ tin. 

Phêrô và Phaolô là hai vị thánh của lòng sám hối.

1. Các ngài đã trải qua kinh nghiệm tội lụy

Phêrô qua trang Tin mừng xuất hiện dưới bộ mặt dễ thương ở đỉnh cao tuyên tín đến nỗi đã được Chúa Giêsu khen tặng và tín nhiệm trao gởi chìa khóa Nước Trời.  Nhưng đời sống của ngài cũng có những vực thẳm vấn vương tội lỗi.  Chỉ sau phút tuyên xưng đức tin để đời, ngài đã bị Chúa Giêsu quở là “Satan hãy xéo đi” khi có ý ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem thụ nạn.  Rồi khi đang ung dung bước trên ngọn sóng để đến với Chúa Giêsu thì vì yếu tin ngài đã bị ngập chìm.  Nhất là trong thảm kịch Thương khó của Đấng Cứu Thế, Phêrô đã xuất hiện trong một dáng dấp khó thương hơn mọi tông đồ khác.  Ngủ vùi trong vườn cây dầu lúc Chúa hấp hối, đó có phải là tội quên Chúa?  Rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế, đó có phải là tội không làm theo ý Chúa?  Sợ quá bỏ trốn nhìn Chúa bị bắt, đó có phải là tội xa Chúa?  Và chối Chúa 3 lần trước người đầy tớ gái là một điều mà truyền thống xem như phản bội Chúa.  Rõ ràng Phêrô là người đã biết đến kinh nghiệm sa ngã.

Phaolô cũng thế, trước khi là tông đồ nổi tiếng, ông đã là một người khét tiếng trong dư luận cộng đoàn tín hữu sơ khởi đến nỗi nghe đến tên ông mọi người phải chạy trốn như chạy tà.  Ông là kẻ bách hại đạo Công giáo trước bất cứ ai.  Thời trẻ ông săn lùng các tín hữu.  Thế giá ông đe dọa họ và bàn tay ông đã từng vấy máu thánh tử đạo tiên khởi.  Ông ghét đạo đã đành lại còn tự nguyện xin lệnh đi bắt đi ruồng đi bố ráp những người theo đạo nữa.  Quả thật Phaolô cũng là người trải qua kinh nghiệm tội lụy.

2. Các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó

Nhưng điều quan trọng không phải là kể tội các ngài cho đủ cho nhiều cho nặng, mà là khởi đi từ tình trạng tội lụy ấy, nhận ra một khi đã được Chúa đánh động, các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó.

Phêrô sau biến cố Phục sinh dường như đã là một Phêrô khác hẳn.  Được biến đổi.  Nên mới, nên mạnh, nên lành, nên sạch, nên đẹp, nên tốt hơn làm điều kiện cần thiết để nên thánh hơn.  Ông đã thể hiện vai trò tông đồ trưởng với một độ cao của tinh thần trách nhiệm và đã chu toàn sứ mạng thủ lãnh Giáo hội Công giáo với nét đẹp của dạ can trường.  Để rồi cuối cùng chịu án đóng đinh tại Rôma làm sáng lên hình ảnh của một niềm tin bất khuất vào Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống.  Nhờ sám hối Phêrô đã nên thánh.

Còn Phaolô thì sau biến cố xảy ra trên đường Damas, ông không còn giữ lại điều gì cũ nữa, mà tất cả đã được biến đổi.  Nếu trước đây lòng nhiệt thành và ngu dốt về đạo đã trở thành phá hoại và gây khó khăn không ít cho Giáo hội thì sau này chính lòng nhiệt thành ấy với ơn thánh và tìm hiểu, Phaolô đã trở nên mẫu người không ai theo kịp về việc xây dựng Giáo hội.  Nhiệt thành yêu Chúa, nhiệt thành yêu mến Tin mừng và nhiệt thành đến ngổ ngáo trong việc truyền giáo.  Tung hoành ngang dọc trên những cánh đồng dân ngoại để mỗi ngày đem về cho Chúa các tâm hồn.  Cuối cùng, cũng tại Rôma, Phaolô đã bị xử trảm để mãi còn âm vang tiếng nói của một lòng nhiệt thành đến sẵn sàng dâng hiến mạng sống vì Tin mừng.  Nhờ sám hối Phaolô cũng đã nên thánh.

3. Các ngài đã kêu gọi sám hối

Nghiêng mình trước hai vị thánh đáng kính, người tín hữu bỗng hiểu ra rằng: cái cao cả hai đấng có được hôm nay không phải là điều tất nhiên, nhưng đã được đánh đổi bằng cả cuộc sống sám hối không ngừng: từ bỏ cái cũ và xây dựng cái mới.  Nếu trong thư, Phêrô có lần viết “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn cho người khiêm nhu”, thì đó là vì ông đã từng kinh nghiệm trong vai trò của nhà lãnh đạo sám hối tự nhìn vào mình, và chắc chắn đó là rút ruột tâm sự của một đời cầm chìa khóa Nước Trời, luôn tỉnh táo vật lộn với chính mình để vươn lên trong ơn thánh của Chúa.  Và nếu trong thư, Phaolô đã nhiều lần kêu gọi “hãy giũ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới” thì đó chẳng phải là lời khuyến thiện bờ môi chót lưỡi, nhưng chính là khởi đi từ một chuyện lòng rất riêng của một con người đã kinh qua chặng đường sám hối đi từ cái cũ kỹ tội lỗi để bước sang cái mới mẻ trẻ trung tuyệt vời.

Thì ra cái cao cả là cái phải trả giá bằng dò tìm trong sám hối, là cái phải khổ công trong thắng vượt mà vươn lên, là cái phải kiểm tra xây dựng chỉnh đốn không ngừng.  Không biết có nên phát biểu rằng: Hôm nay Phêrô và Phaolô cao cả bao nhiêu là vì hôm qua đã sám hối bấy nhiêu.  Giống như những ngôi nhà cao tầng đứng vững là vì móng đã được chôn sâu và những tòa nhà chọc trời không nghiêng ngả ắt là vì móng phải sâu nền phải rộng…

Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh trong sạch hoàn toàn để đứng đầu Giáo hội.  Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh chưa kinh nghiệm tội lỗi để rao giảng Tin mừng mà đã gọi Phêrô và Phaolô, hai vị thánh của lòng sám hối để hôm nay nên hai thánh “cả” tuyệt vời.

4. Các ngài mãi gần gũi với đời kẻ tin:

Ý nghĩ ấy, những tâm tình ấy đã nên nguồn cổ vũ đời sống tín hữu:

–  Để thêm tin tưởng: Tại sao tôi phạm tội hoài?  Tại sao trong Giáo hội vẫn đầy dẫy những tội nhân? – Bởi vì bản chất Giáo hội là thánh, nhưng trong cuộc lữ hành vẫn cưu mang trong lòng mình những tội nhân.  Điều quan trọng là biết sám hối tìm về vươn lên.  “Không vị thánh nào mà không có dĩ vãng, nên chẳng tội nhân nào mà chẳng có tương lai.”

–  Để thêm hy vọng: Tội lỗi quá làm sao nên thánh?  Đừng lo.  Bằng dạn dày kinh nghiệm, Phêrô và Phaolô sám hối đã “đầu xuôi” để ta hôm nay nếu biết sám hối cũng “đuôi lọt” và nhờ lời chuyển cầu của hai vị cột trụ Hội thánh, ta thêm chí bền mà thắng lướt.  “Không phải vì mạnh mẽ mà người ta trỗi dậy, nhưng vì biết trỗi dậy người ta trở nên mạnh mẽ.”

–  Để thêm yêu mến: Phêrô và Phaolô hai gương mặt cao cả, nhưng không ở cao ở xa ở ngoài để lạnh lùng nhìn vào đời sống tín hữu.  Trái lại mãi mãi các ngài vẫn ở trong Giáo hội để ân cần gần gũi với mọi tâm hồn.

Phêrô với chìa khóa miệt mài đóng lại những quá khứ tội lỗi để mở ra tương lai ân sủng cho những ai chân thành muốn biến đổi đời mình trong niềm tin đạo giáo, và Phaolô với thanh gươm khai phá không ngừng khai quang tâm hồn cho kẻ thiện chí đón nhận Phúc âm cứu rỗi.

GM. Giuse Vũ Duy Thống

TRÁI TIM NGƯỜI MẸ

Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ, hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.  Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.  Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.  Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.

Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ, cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.  Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.  Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.  Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con, vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc, nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.

Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.  Kinh nghiệm mất – tìm kiếm – tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.  Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.  Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ, thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.  Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.

Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?  Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).  Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi, đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?  Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao?” (c.49).  Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?

Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.  Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.  Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.

Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).  Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.  Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).

Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.  Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.  Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.  Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.  Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.  Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.

Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40), từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi, và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).  Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.  Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.  Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.  Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ, và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.

Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.  Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.

************************************

Lạy Mẹ Maria,

Khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.  Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.  Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.  Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.  Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.  Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.  Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.  Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.  Chẳng phải con đường nào cũng là thảm họa.  Có những con đường đầy máu và nước mắt.  Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.  Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ