SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI

“Niềm vui” là ý tưởng xuyên suốt các Bài đọc Lời Chúa cũng như Thánh vịnh đáp ca của Phụng vụ Thánh lễ hôm nay.  Trước hết là niềm vui trong thông điệp của ngôn sứ Isaia.  Đây là lời tiên báo cho biết thời kỳ lưu đày của dân Do Thái sắp hết.  Dân sẽ được trở về xứ sở quê hương của mình.  Những tủi nhục của thời lưu đày không còn nữa, thay vào đó là sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài.  Sự chăm sóc này được ví như người mẹ hiền chăm sóc và an ủi con thơ, với tâm tình thiết tha trìu mến.  Những hình ảnh vị ngôn sứ sử dụng rất cảm động và thân thiết: Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.”

Những gì được diễn tả trong lời ngôn sứ Isaia, cũng đang thực hiện đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.  Quả vậy, trên từng bước đường đời, Chúa vẫn chăm sóc an ủi chúng ta.  Chúa vẫn cùng chúng ta đi trên mọi nẻo đường.  Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng ân sủng.  Ngài ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.  Trong thời gian đại dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm, nhiều bệnh nhân phải có máy trợ thở liên tục.  Nếu rời máy trợ thở, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.  Một bệnh nhân cao tuổi, sau những ngày dùng máy trợ thở và được khỏi bệnh, đã nói: Trong mấy tuần qua, tôi sống nhờ máy trợ thở.  Vậy mà trong suốt 80 năm của cuộc đời, Chúa đã cho tôi một máy trợ thở miễn phí, tức là một không gian tự nhiên đầy sinh khí, vậy mà tôi không nhận ra quà tặng cao quý của Ngài.  Vâng, Chúa luôn chiều chuộng chúng ta, và cung cấp cho chúng ta những nhu cầu cần thiết cho thân xác cũng như linh hồn.

“Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.”  Đó là lời Thánh vịnh 65, được hát trong phần Đáp ca của Thánh lễ.  Tác giả Thánh vịnh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu đang diễn ra hằng ngày xung quanh mình: đó là đại dương mênh mông, là đất liền màu mỡ, là núi cao chập trùng, là sông sâu uốn khúc.  Đó còn là muôn vật cỏ cây, là ngàn ngàn sinh vật.  Người vô tín ngưỡng cho đó là tự nhiên, người tín hữu tin đó là những thụ tạo Chúa dựng nên để phản ánh vinh quang của Ngài.

Tôn vinh Chúa là hành vi thuộc đức thờ phượng.  Chúng ta tôn thờ Chúa vì Ngài đáng yêu mến suy tôn. Tôn vinh Chúa cũng là hành vi của lòng hiếu thảo và biết ơn, giống như người con biết ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục mình.  Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn vật muôn loài.  Mỗi chúng ta hiện hữu trên đời, là nhờ cha mẹ và nhờ ơn Chúa.  Vì vậy mà chúng ta phải cảm tạ tri ân Ngài.

Cảm nhận niềm vui trong cuộc đời, người tín hữu cũng được mời gọi trở nên sứ giả của niềm vui.  Như Ông Môisen trong Cựu ước chọn bảy mươi vị kỳ lão, Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ, để cộng tác với Người trong công cuộc loan báo Tin Mừng.  Chân dung người loan báo niềm vui được chính Chúa Giêsu phác họa.  Họ không phải là nhà doanh nghiệp, không phải chính trị gia hay chuyên viên kỹ thuật.  Họ đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống.  Món quà họ đem đến cho mọi người là sự bình an.  Nội dung sứ điệp họ loan báo rất đơn giản: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”  Đây cũng chính là nội dung sứ điệp từ thời ngôn sứ Isaia: “Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết.”  Điều các môn đệ đem đến cho mọi người, trước hết là niềm vui nội tâm do đức tin đem lại.  Nhờ niềm vui thiêng liêng đó, mọi người nghe sẽ được thuyết phục và đón nhận Lời Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa cũng vẫn gọi và sai chúng ta đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống.  Thừa sai là bản chất của Giáo Hội.  Mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi sống ơn gọi thừa sai phù hợp với hoàn cảnh sống và điều kiện cụ thể của mình.  Đây là điều ít được chúng ta chú ý.  Một bệnh nhân ốm đau liệt lào; một người già yếu không mấy khi ra khỏi nhà; một người sống trong môi trường công nhân thợ thuyền… tất cả đều là những tông đồ đang được Chúa sai đi để loan báo Tin vui.  Nội dung của lời loan báo rất đơn giản, đó là Chúa yêu con người và Ngài khuyên họ hãy sống ngay lành thánh thiện.  Người được sai đi có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, kể cả trong trường hợp bị khước từ và xua đuổi.  Giống như người gieo hạt cần mẫn miệt mài làm tròn bổn phận mình, còn Chúa sẽ làm cho hạt ấy nảy mầm và lớn lên.

Người nhiệt thành loan báo niềm vui, sẽ được nhận lại niềm vui, là phần thưởng Chúa ban.  Thánh Luca kể lại: nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở khoe với Chúa về những thành quả lao công mà các ông đã đạt được.  Nhân danh Chúa Giêsu, các ông làm được những việc chính Chúa đã làm, như trừ quỷ, chữa bệnh.  Các ông có lý để vui mừng và để khoe với Chúa.  Tuy vậy, Chúa Giêsu muốn hướng các ông tới một niềm vui lớn lao hơn nhiều, đó là tên các ông đã được khắc ghi trên trời.  Đây mới là phần thưởng cao quý và là niềm vui lớn lao nhất.  Những sứ giả của niềm vui sẽ được ghi tên ở trên trời.  Tên của họ cũng được khắc ghi trong chính trái tim của Chúa.

Người loan báo niềm vui phải trải qua nhiều gian nan thử thách.  Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ, khi Người sai họ lên đường.  Hành trang của các môn đệ không phải là những phương tiện trần thế, nhưng là lòng tín thác cậy trông và nhiệt huyết tông đồ.

Ở một góc nhìn khác, thánh Phaolô nói với chúng ta về niềm vui của ngài.  Dưới góc độ trần gian, quan niệm của thánh nhân xem ra có phần nghịch lý: niềm vui và niềm tự hào của ngài là Đức Giêsu chịu đóng đinh.  Phải thực sự đạt tới đỉnh cao của sự gặp gỡ gắn bó với Đấng chịu đóng đinh mới có thể khẳng định được như thế.  Phaolô đã từng trải, đã chiến đấu và kiên trung trong mọi nghịch cảnh.  Vào lúc cuối đời, ông khẳng định: Chúa vẫn là trên hết.  Đấng chịu đóng đinh là niềm tự hào duy nhất của đời ông.  Ông đã chọn lựa Người và sẽ xác tín vào sự chọn lựa ấy.  Thánh nhân cũng mong muốn và cầu chúc cho chúng ta có cảm nhận sâu sắc như ngài.

Mỗi Kitô hữu đều là sứ giả của niềm vui.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng như sau: “Người loan báo Tin Mừng không bao giờ mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về!… và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (Số 10).  Quả vậy, khi bản thân không cảm nhận được niềm vui của Chúa, thì không thể trở nên sứ giả của niềm vui đích thực là Tin Mừng.

Hãy reo mừng Thiên Chúa!  Hãy tôn vinh Ngài, không chỉ trong nghi thức phụng vụ, mà trọn vẹn cả đời sống của chúng ta.  Buồn sầu và bi quan, chán nản không thể có chỗ trong đời sống của những ai tin cậy tín thác nơi Chúa.  Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch của ân sủng và hạnh phúc chúc lành cho chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA LÒNG SÁM HỐI

Phêrô và Phaolô là hai khuôn mặt vĩ đại ở thượng nguồn niềm tin Công giáo, là hai cột trụ vững chắc nâng đỡ Giáo hội dọc dài thời gian, và là hai vị thánh “cả” trong mắt nhìn của mọi tín hữu. Nhưng chỉ tập trung vào những nét cao cả, người ta dễ nghĩ rằng các ngài ở quá xa trong thời gian, ở quá cao trong gương mẫu và có nguy cơ đặt các ngài ở bên lề Giáo hội, trong khi đời sống và ơn gọi của hai đấng lại rất gần với đời kẻ tin. 

Phêrô và Phaolô là hai vị thánh của lòng sám hối.

1. Các ngài đã trải qua kinh nghiệm tội lụy

Phêrô qua trang Tin mừng xuất hiện dưới bộ mặt dễ thương ở đỉnh cao tuyên tín đến nỗi đã được Chúa Giêsu khen tặng và tín nhiệm trao gởi chìa khóa Nước Trời.  Nhưng đời sống của ngài cũng có những vực thẳm vấn vương tội lỗi.  Chỉ sau phút tuyên xưng đức tin để đời, ngài đã bị Chúa Giêsu quở là “Satan hãy xéo đi” khi có ý ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem thụ nạn.  Rồi khi đang ung dung bước trên ngọn sóng để đến với Chúa Giêsu thì vì yếu tin ngài đã bị ngập chìm.  Nhất là trong thảm kịch Thương khó của Đấng Cứu Thế, Phêrô đã xuất hiện trong một dáng dấp khó thương hơn mọi tông đồ khác.  Ngủ vùi trong vườn cây dầu lúc Chúa hấp hối, đó có phải là tội quên Chúa?  Rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế, đó có phải là tội không làm theo ý Chúa?  Sợ quá bỏ trốn nhìn Chúa bị bắt, đó có phải là tội xa Chúa?  Và chối Chúa 3 lần trước người đầy tớ gái là một điều mà truyền thống xem như phản bội Chúa.  Rõ ràng Phêrô là người đã biết đến kinh nghiệm sa ngã.

Phaolô cũng thế, trước khi là tông đồ nổi tiếng, ông đã là một người khét tiếng trong dư luận cộng đoàn tín hữu sơ khởi đến nỗi nghe đến tên ông mọi người phải chạy trốn như chạy tà.  Ông là kẻ bách hại đạo Công giáo trước bất cứ ai.  Thời trẻ ông săn lùng các tín hữu.  Thế giá ông đe dọa họ và bàn tay ông đã từng vấy máu thánh tử đạo tiên khởi.  Ông ghét đạo đã đành lại còn tự nguyện xin lệnh đi bắt đi ruồng đi bố ráp những người theo đạo nữa.  Quả thật Phaolô cũng là người trải qua kinh nghiệm tội lụy.

2. Các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó

Nhưng điều quan trọng không phải là kể tội các ngài cho đủ cho nhiều cho nặng, mà là khởi đi từ tình trạng tội lụy ấy, nhận ra một khi đã được Chúa đánh động, các ngài đã quyết chí tìm về và hết mình sống cho sứ mạng được trao phó.

Phêrô sau biến cố Phục sinh dường như đã là một Phêrô khác hẳn.  Được biến đổi.  Nên mới, nên mạnh, nên lành, nên sạch, nên đẹp, nên tốt hơn làm điều kiện cần thiết để nên thánh hơn.  Ông đã thể hiện vai trò tông đồ trưởng với một độ cao của tinh thần trách nhiệm và đã chu toàn sứ mạng thủ lãnh Giáo hội Công giáo với nét đẹp của dạ can trường.  Để rồi cuối cùng chịu án đóng đinh tại Rôma làm sáng lên hình ảnh của một niềm tin bất khuất vào Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống.  Nhờ sám hối Phêrô đã nên thánh.

Còn Phaolô thì sau biến cố xảy ra trên đường Damas, ông không còn giữ lại điều gì cũ nữa, mà tất cả đã được biến đổi.  Nếu trước đây lòng nhiệt thành và ngu dốt về đạo đã trở thành phá hoại và gây khó khăn không ít cho Giáo hội thì sau này chính lòng nhiệt thành ấy với ơn thánh và tìm hiểu, Phaolô đã trở nên mẫu người không ai theo kịp về việc xây dựng Giáo hội.  Nhiệt thành yêu Chúa, nhiệt thành yêu mến Tin mừng và nhiệt thành đến ngổ ngáo trong việc truyền giáo.  Tung hoành ngang dọc trên những cánh đồng dân ngoại để mỗi ngày đem về cho Chúa các tâm hồn.  Cuối cùng, cũng tại Rôma, Phaolô đã bị xử trảm để mãi còn âm vang tiếng nói của một lòng nhiệt thành đến sẵn sàng dâng hiến mạng sống vì Tin mừng.  Nhờ sám hối Phaolô cũng đã nên thánh.

3. Các ngài đã kêu gọi sám hối

Nghiêng mình trước hai vị thánh đáng kính, người tín hữu bỗng hiểu ra rằng: cái cao cả hai đấng có được hôm nay không phải là điều tất nhiên, nhưng đã được đánh đổi bằng cả cuộc sống sám hối không ngừng: từ bỏ cái cũ và xây dựng cái mới.  Nếu trong thư, Phêrô có lần viết “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn cho người khiêm nhu”, thì đó là vì ông đã từng kinh nghiệm trong vai trò của nhà lãnh đạo sám hối tự nhìn vào mình, và chắc chắn đó là rút ruột tâm sự của một đời cầm chìa khóa Nước Trời, luôn tỉnh táo vật lộn với chính mình để vươn lên trong ơn thánh của Chúa.  Và nếu trong thư, Phaolô đã nhiều lần kêu gọi “hãy giũ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới” thì đó chẳng phải là lời khuyến thiện bờ môi chót lưỡi, nhưng chính là khởi đi từ một chuyện lòng rất riêng của một con người đã kinh qua chặng đường sám hối đi từ cái cũ kỹ tội lỗi để bước sang cái mới mẻ trẻ trung tuyệt vời.

Thì ra cái cao cả là cái phải trả giá bằng dò tìm trong sám hối, là cái phải khổ công trong thắng vượt mà vươn lên, là cái phải kiểm tra xây dựng chỉnh đốn không ngừng.  Không biết có nên phát biểu rằng: Hôm nay Phêrô và Phaolô cao cả bao nhiêu là vì hôm qua đã sám hối bấy nhiêu.  Giống như những ngôi nhà cao tầng đứng vững là vì móng đã được chôn sâu và những tòa nhà chọc trời không nghiêng ngả ắt là vì móng phải sâu nền phải rộng…

Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh trong sạch hoàn toàn để đứng đầu Giáo hội.  Tạ ơn Chúa đã không gọi những vị thánh chưa kinh nghiệm tội lỗi để rao giảng Tin mừng mà đã gọi Phêrô và Phaolô, hai vị thánh của lòng sám hối để hôm nay nên hai thánh “cả” tuyệt vời.

4. Các ngài mãi gần gũi với đời kẻ tin:

Ý nghĩ ấy, những tâm tình ấy đã nên nguồn cổ vũ đời sống tín hữu:

–  Để thêm tin tưởng: Tại sao tôi phạm tội hoài?  Tại sao trong Giáo hội vẫn đầy dẫy những tội nhân? – Bởi vì bản chất Giáo hội là thánh, nhưng trong cuộc lữ hành vẫn cưu mang trong lòng mình những tội nhân.  Điều quan trọng là biết sám hối tìm về vươn lên.  “Không vị thánh nào mà không có dĩ vãng, nên chẳng tội nhân nào mà chẳng có tương lai.”

–  Để thêm hy vọng: Tội lỗi quá làm sao nên thánh?  Đừng lo.  Bằng dạn dày kinh nghiệm, Phêrô và Phaolô sám hối đã “đầu xuôi” để ta hôm nay nếu biết sám hối cũng “đuôi lọt” và nhờ lời chuyển cầu của hai vị cột trụ Hội thánh, ta thêm chí bền mà thắng lướt.  “Không phải vì mạnh mẽ mà người ta trỗi dậy, nhưng vì biết trỗi dậy người ta trở nên mạnh mẽ.”

–  Để thêm yêu mến: Phêrô và Phaolô hai gương mặt cao cả, nhưng không ở cao ở xa ở ngoài để lạnh lùng nhìn vào đời sống tín hữu.  Trái lại mãi mãi các ngài vẫn ở trong Giáo hội để ân cần gần gũi với mọi tâm hồn.

Phêrô với chìa khóa miệt mài đóng lại những quá khứ tội lỗi để mở ra tương lai ân sủng cho những ai chân thành muốn biến đổi đời mình trong niềm tin đạo giáo, và Phaolô với thanh gươm khai phá không ngừng khai quang tâm hồn cho kẻ thiện chí đón nhận Phúc âm cứu rỗi.

GM. Giuse Vũ Duy Thống

TRÁI TIM NGƯỜI MẸ

Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ, hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.  Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.  Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.  Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.

Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ, cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.  Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.  Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.  Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con, vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc, nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.

Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.  Kinh nghiệm mất – tìm kiếm – tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.  Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.  Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ, thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.  Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.

Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?  Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).  Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi, đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?  Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao?” (c.49).  Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?

Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.  Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.  Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.

Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).  Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.  Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).

Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.  Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.  Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.  Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.  Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.  Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.

Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40), từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi, và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).  Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.  Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.  Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.  Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ, và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.

Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.  Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.

************************************

Lạy Mẹ Maria,

Khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.  Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.  Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.  Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.  Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.  Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.  Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.  Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.  Chẳng phải con đường nào cũng là thảm họa.  Có những con đường đầy máu và nước mắt.  Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.  Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

“SỨ MỆNH CUỘC ĐỜI”

Mỗi chúng ta sinh ra ở đời đều có một sứ mệnh.  Bổn phận của chúng ta là phải khám phá ra đâu là sứ mệnh mà Chúa gửi gắm cho cá nhân mình.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” như sau: “Sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi hay một cái phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ; nó không phải một cái gì “phụ thêm” hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc đời.  Trái lại, nó là cái mà tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình.  Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này” (số 273).  Sứ mệnh này đến từ Chúa, là ơn gọi Ngài gửi đến mỗi người.  Phân định đúng ơn gọi của mình và chuyên chăm thực thi sứ mệnh cuộc đời, sẽ đem cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc lâu bền.  Nhiều người không nhận ra sứ mệnh đích thực của mình, mà thích “đuổi hình bắt bóng” chạy theo người khác.  Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha trích dẫn gương sáng của vị Chân phước trẻ Carlo Acutis và câu nói của vị Chân phước này: “Ai cũng được sinh ra như là bản gốc, nhưng nhiều người lại chết đi như những bản sao” (số 106).  Đức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ: “Con hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần và tin tưởng tiến về mục tiêu cao cả là nên thánh.  Như thế, con sẽ không trở thành một bản sao.  Con sẽ hoàn toàn là chính mình” (Sđd, số 107).

Các Bài đọc Lời Chúa trong Phụng vụ đều nhấn mạnh đến lời mời gọi của Chúa.  Êlia là một trong bốn gương mặt của các “ngôn sứ lớn” của Cựu ước.  Ông đã thi hành sứ mệnh trong một bối cảnh vô cùng phức tạp.  Ông đã chiến đấu với 450 tiên tri của thần Baal trên núi Carmel và đã chiến thắng (x. 1 V 18,20-40).  Êlia cũng đã can đảm tố cáo những hành động của vua Akháp và hoàng hậu Giêzabel, trước hành động bất công đã gây ra cho Nabốt (x. 1V chương 21).  Để có người tiếp nối, ông tuyển mộ một môn sinh là Elisa.  Sau khi ông Êlia được cất về trời, ông Êlisa đã nhiệt thành với sứ vụ và đã làm nên những kỳ công, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta trở nên những môn đệ của Chúa Giêsu.  Người tín hữu không bị “bứng” ra khỏi môi trường và bối cảnh cuộc sống, nhưng lại được Chúa sai đến làm chứng cho Ngài tại nơi mình đang cư ngụ.  Mặc dù đang sống tại chính gia đình và quê hương, người tín hữu vẫn có ơn gọi “thừa sai”, tức là sứ mạng được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng.  Khi nói về sứ mạng thừa sai của người tín hữu, Đức Thánh Cha đã viết: “Tôi muốn nhắc lại rằng không cần phải làm một khoá đào tạo dài hạn để biến người trẻ thành những nhà truyền giáo.  Ngay cả những người yếu kém nhất, bị giới hạn và nhiều thương tổn, cũng có thể là những nhà truyền giáo theo cách riêng của mình” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 239).  Theo Đức Thánh Cha, bất kỳ ai, dù trong hoàn cảnh nào, cũng có thể thi hành nhiệm vụ thừa sai, tức là làm chứng cho Chúa.

Chúa vẫn luôn gọi chúng ta, nhưng lại để cho chúng ta tự do đáp trả.  Bởi lẽ lời mời gọi xuất phát từ tình yêu, mà nếu bó buộc thì chẳng còn phải là tình yêu nữa.  Thánh Luca kể lại ba trường hợp xin theo Chúa để làm môn đệ của Người.  Xin lưu ý là Chúa không từ chối bất cứ trường hợp nào.  Câu trả lời của Chúa “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” có thể được hiểu như là một gợi ý Chúa đưa ra để người đó suy nghĩ và quyết định.  Ba trường hợp được kể lại trong Tin Mừng như muốn nói với chúng ta, người nào muốn theo Chúa phải dành cho Người một chọn lựa ưu tiên.  Chọn lựa ấy là lý tưởng sống, vượt lên mọi tình cảm và mọi mối liên hệ khác.  Khi dốc quyết theo Chúa, chúng ta trở thành người tự do, thanh thản nhẹ nhàng trong niềm tin yêu và tín thác.

Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta về sự hy sinh và lòng trung thành với chọn lựa của mình.  Thánh Luca đã diễn tả điều đó khi ngài viết: “Người nhất quyết đi lên Giê-su-sa-lem.”  “Đi lên Giêsusalem” đồng nghĩa với việc đi vào chốn đầy nguy hiểm chống đối, thậm chí là bước vào cái chết.  Vì cớ Người đi Giêsusalem mà dân làng người Samari khước từ việc đón tiếp Người.  Chúa Giêsu đã can đảm bước đi, trong niềm phó thác nơi Chúa Cha.  Trong hành trình lên Giêrusalem, trước sự khước từ của người đời, Chúa không hành xử theo đề nghị của anh em ông Giacôbê và Gioan muốn “xử” người dân Samari theo luật giang hồ.  Như thế, cùng với sự can đảm trung thành, Đức Giêsu còn nhắc nhở những ai muốn trở thành môn đệ phải kiên nhẫn và bao dung trước những lập trường và quan điểm khác biệt với mình.

Trong thư gửi giáo dân Galát, thánh Phaolô lên án bạo lực, cổ võ tình yêu thương.  Thánh nhân khẳng định: anh em được gọi để hưởng tự do.  Đây là tự do của các con cái Chúa.  Tự do này đồng nghĩa với sự thanh thoát, thánh thiện và bình an.  Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn giúp chúng ta sống hoàn thiện và nối kết chúng ta trong tình huynh đệ thân thương.  Chúng ta chỉ có thể chu toàn sứ mệnh cuộc đời, nếu chúng ta biết thành tâm lắng nghe và tuân theo sự chỉ dạy của Chúa Thánh Thần.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CHÚA HẠNH PHÚC

Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo cuối cùng đều tin cùng một Thượng đế.  Điều thú vị là, trong tâm trí bình dân, tất cả đều có khuynh hướng quan niệm Chúa theo cùng một cách, cụ thể là nam giới, sống độc thân, và đặc biệt không hạnh phúc.

Chắc chắn giới tính của Chúa là điều chúng ta không bao giờ khái niệm được.  Thượng đế không đàn ông cũng không đàn bà, cũng không phối hợp nam tính nữ tính của giới tính.  Vì thế làm sao chúng ta có một khái niệm về giới tính của Thượng đế được?  Chúng ta không thể, thuần túy và đơn giản.  Theo kiểu cổ điển, chúng ta nói Thượng đế là nam giới, dù chúng ta biết điều này hoàn toàn không đúng, vì về mặt giáo điều chúng ta khẳng định, Thiên Chúa là khó tả nên lời, không bao giờ có thể đặt Ngài trong một khái niệm nào được.  Điều này cũng áp dụng cho quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa độc thân, không có vợ.  Kết hợp nam tính và nữ tính nơi Chúa cũng không thể tả nên lời được, không thể nhận thức nhưng chúng ta biết Chúa không chỉ đơn giản là một đấng nam nhi độc thân.

Nhưng còn quan niệm phổ biến khác, cụ thể là Chúa đặc biệt không hạnh phúc, nhất là với chúng ta?

Ở đây chúng ta có một câu trả lời rõ ràng: Chúa hạnh phúc.  Làm thế nào Chúa không thể hạnh phúc?  Nếu Chúa là Đấng trọn hảo duy nhất, trọn hảo lòng lành, chân lý trọn vẹn, đẹp toàn mỹ, viên mãn trọn vẹn về mọi mặt, thì làm sao Chúa lại không thể hạnh phúc trọn vẹn được?  Một Chúa không hạnh phúc sẽ không phải là Chúa vì như vậy Chúa không có quyền năng để làm cho mình hạnh phúc trọn vẹn được sao.  Không có một bất cập nhỏ nào với Chúa.  Vì thế một Thượng đế hoàn hảo cũng là một Thượng đế hoàn toàn hạnh phúc.  Nhưng đó là lời tuyên bố siêu hình.  Chúng ta vẫn có thể hỏi, Chúa có hạnh phúc về mặt tình cảm và Chúa có hạnh phúc với chúng ta không?  Hẳn đôi khi Chúa cũng phải nhíu mày và lắc đầu thất vọng trước hành vi của chúng ta đó sao?  Chắc chắn Chúa không thể hài lòng với rất nhiều điều đang xảy ra trong thế giới.  Chúa không thể hạnh phúc trước tội lỗi.

Và cũng giống như mọi điều khác về Chúa, có những điều ở đây chúng ta không thể hiểu được.  Tuy nhiên, cần phải khẳng định điều này, cả từ điều sâu sắc nhất được mặc khải trong Sách Thánh và trong chứng từ của vô số người tốt: Chúa hạnh phúc!  Chúa không quen thất vọng về chúng ta, không nhíu mày trước các yếu đuối của chúng ta và đưa đa số chúng ta xuống địa ngục.  Nhưng ngược lại, Chúa như cha mẹ yêu thương đứa con bé bỏng của mình, Chúa luôn hướng chúng ta đi về phía trước, vui với năng lượng của chúng ta, muốn chúng ta thăng tiến, buồn khi chúng ta cư xử không tốt với người khác và với chính chúng ta, nhưng Ngài thông cảm yếu đuối của chúng ta hơn là tức giận và không hạnh phúc.

Nhà thần nghiệm danh tiếng Julian de Norwich mô tả Chúa theo cách này: Chúa ở trên thiên đàng, mỉm cười, hoàn toàn thoải mái, gương mặt giống như bản giao hưởng kỳ diệu.  Cách đây vài năm khi đọc đoạn này lần đầu tiên, tôi đã sửng sốt vừa về khái niệm Chúa mỉm cười vừa hình ảnh Chúa “thoải mái.”  Tôi chưa bao giờ nghĩ Chúa “thoải mái.”  Với tất cả những gì xảy ra trong thế giới, và chắc chắn với tất cả các phản bội lớn nhỏ trong cuộc sống chúng ta, Chúa hẳn căng thẳng, thất vọng và lo lắng.  Hình dung Chúa đang cười (ít nhất là đôi khi) thì khó nhưng còn dễ hơn, nhưng cực kỳ khó để hình dung Chúa thoải mái, không căng thẳng về tất cả những gì không ổn với chúng ta và thế giới chúng ta.

Và đây là hành trình của tôi trong việc đấu tranh với điều này.  Tôi đã được ân phước vô cùng trong môi trường tôn giáo của tôi.  Từ cha mẹ và gia đình, từ cộng đoàn giáo xứ tôi lớn lên, từ các nữ tu Dòng Ursuline đã dạy tôi ở trường, quý vị không thể nào có một môi trường đức tin lý tưởng hơn.  Tôi đã trải nghiệm đức tin và đời sống tu trì trong đời sống thực, và nó đã mang đến lòng tin tưởng cho tôi và trở nên hấp dẫn.  Việc đào tạo ở chủng viện và nghiên cứu thần học của tôi đã củng cố mạnh mẽ cho điều này.  Nhưng, trong suốt quá trình, bên dưới vẫn có bức tranh của một vị thần không được hạnh phúc cho lắm và người chỉ mỉm cười trong trường hợp xứng đáng và điều này cũng không thường xuyên cho lắm.  Hậu quả là trong đời sống của tôi luôn có khuynh hướng lo âu để ở tầm cao, để khá tốt, để không làm Chúa buồn và để được Chúa chấp thuận và yêu mến.  Nhưng chắc chắn, chúng ta không bao giờ có thể đủ tốt, không bao giờ ở tầm cao và vì thế, thật tự nhiên khi chúng ta nghĩ Chúa chẳng bao giờ thực sự hài lòng với chúng ta và Ngài cũng không bao giờ thực sự hạnh phúc.

Dĩ nhiên về lý thuyết chúng ta biết rõ hơn.  Chúng ta thường có khái niệm lành mạnh hơn về Chúa; nhưng trái tim không dễ dàng để ở bên cạnh.  Thật khó để tôi cảm nhận trong tôi Chúa hạnh phúc, hạnh phúc với chúng ta, hạnh phúc với tôi.  Tôi đã mất bảy mươi năm để nhận ra, chấp nhận, an ủi và cuối cùng đắm mình trong sự thật, rằng Chúa hạnh phúc.  Tôi không chắc điều gì đã khơi trong tôi tất cả yếu tố thúc đẩy bên trong giúp tôi thay đổi, nhưng thực tế, bây giờ mỗi khi tôi cầu nguyện hết lòng, trần trụi và chân thành, tôi cảm nhận Chúa hạnh phúc.  Và đó cũng là điều xảy đến với tôi khi tôi nhìn các vị thánh trong cuộc đời tôi, các thánh nam nữ tôi tôn kính nhất trong đức tin, những người phản ánh khuôn mặt của Chúa cho tôi.  Họ vui vẻ, thoải mái và ít khi nhíu mày vì không hài lòng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHA-CON

Lâu nay,  hình ảnh tốt lành của người cha đã trở thành nguồn cảm hứng cho mỗi cuộc đời, mỗi con người.  Những tảo tần, vất vả của cuộc sống mưu sinh đều in hằn trên khuôn mặt dấu yêu của cha.  Những nếp nhăn, mái tóc bạc, bàn tay thô ráp và đôi vai gầy guộc là những chứng tích thành lời của một cuộc đời hy sinh.  Dẫu quy luật “tre già măng mọc có gì lạ đâu!”, nhưng không có tre già che chở thì làm sao măng có thể thành hình?  Chắc hẳn cuộc đời mỗi người con nếu không có đôi tay người cha thì làm sao khôn lớn thành người.  Cha đã chuyển trao cuộc sống, sức trẻ và cả những mơ ước cho con.  “Ngày của cha” cho ta cơ hội để ngẫm nghĩ về cha, để tình yêu và nỗi nhớ luôn chất chứa trong lòng mỗi người con.

Tiếng nói bập bẹ đầu tiên của trẻ nhỏ là “ba ba, ma ma…”  Tiếng gọi ấy khởi phát từ niềm tin và tình yêu của trẻ nhỏ vào người cha, người mẹ.  Qua đó ta thấy được vai trò khơi mào nhân cách của cha mẹ nơi con cái.  Tâm hồn con trẻ như trang giấy trắng để cha là người họa sĩ vẽ lên những đường nét đầu tiên trong bức tranh cuộc đời của người con.  Khi mới bập bẹ biết nói, cha dạy con hai tiếng cám ơn.  Khi chập chững những bước đầu đời, cha dạy con nghị lực đứng dậy.  Rồi cha dạy con bài học yêu thương, chia sẻ khi cùng con trên đường đến lớp.  Cha chỉ cho con chữ tín trong đời trước khi con bước vào cuộc sống xa quê.  Rồi khi con lầm lỗi, cha sửa dạy nhưng không loại trừ, cha trừng phạt nhưng không ghét bỏ, cha đồng cảm chứ không thoả hiệp với lỗi lầm của con.  Để rồi từng ngày, tình thương của cha đã cho con nghiệm được tình yêu con người là gì.

Cha đã vun trồng cuộc đời cho chúng con.  Những mầm cây non cần được chăm sóc kỹ lưỡng.  Chúng cần những mảnh đất tơi sốp, cần đến ánh nắng mặt trời.  Chúng cũng cần được che chắn khỏi những cơn giông tố, khỏi cái nóng gay gắt.  Chúng cần một chế độ tưới bón kỹ càng.  Chúng cần được cắt tỉa, phong ngừa những dịch bệnh.  Để rồi, hy vọng rằng, chúng sẽ trở thành những tán cây vững i giữa sóng gió cuộc đời.  Cha ơi, cuộc đời chúng con như một tán cây có thể đứng vững là nhờ được chăm sóc khi còn thơ dại.  Gia đình là mảnh đất tơi xốp để cây non nớt bám vào hút nhựa mà sống.  Như ánh mặt trời, cuộc sống cho chúng con những mục tiêu để vươn lên.  Thế nhưng, không có đôi tay chăm ẵm, không có sự lao nhọc xới bón của cha thì cuộc đời non yếu của chúng con sẽ bị dập nát dưới sự tàn phá của những cơn giông tố.  Cha là người tuyệt vời vì đã ươm trồng cuộc đời chúng con trong mảnh đất yêu thương của tình cha.

Không cho con sự giàu sang phú quý, nhưng cái quý nhất cha cho con là tình yêu.  Thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII kể lại rằng: khi còn nhỏ, cha là người hay dẫn ngài đi tham dự các nghi lễ tại nhà thờ.  Một ngày kia, hai cha con phải lặn lội một ngày trời để có thể tham dự lễ hội tại nhà thờ chính tòa.  Đến nơi, ngài đã thất vọng vì đoàn người tham dự rất đông, mà ngài lại thấp bé.  Ngài chẳng trông thấy gì cả!  Không ngần ngại, người cha đã cõng ngài trên vai, và ngài đã nhìn thấy toàn bộ khung cảnh của buổi lễ.  Ngài vui mừng khôn xiết!  Sau này, trong cuộc đời giáo hoàng, khi vất vả hay khó khăn, ngài nhớ lại hình ảnh đôi vai ngày nào của người cha.  Qua đó ngài có thể cảm nhận tình yêu sống động của Thiên Chúa.  Thiên Chúa cũng đang nâng ngài lên như cha ngài ngày xưa.  Bằng chính cuộc đời và tình thương thầm lặng, cha đã chỉ cho con Thượng Đế là ai, và tình yêu của Ngài cao cả biết chừng nào!  Cha không giảng thuyết hùng hồn, không suy tư sắc sảo, nhưng cha đã định hướng cuộc sống tâm linh của con bằng giờ kinh gia đình, bằng niềm tin, sự phó thác và tình yêu nơi Thiên Chúa.  Là thầy dạy Đức Tin, cha đã cho con điều quý giá nhất mà cha xác tín.

Những khó khăn, vất vả của cuộc sống gia đình đổ dồn lên đôi vai cha.  Nuôi nấng con cái thành người đã bào mòn sức lực của cha.  Cha bương trải với đời để cho con miếng cơm manh áo.  Cha đánh đổi sức lực của mình để dành lấy cho con một tương lai rạng ngời.  Cha đã quên những đam mê thời trai trẻ, đã xa rời thời kà kê ở chốn ăn chơi.  Nhờ đó, sự khôn lớn từng ngày của chúng con được cha hết mực quan tâm.  Gác lại những dự tính cho riêng mình, cha đã hy sinh cuộc đời cho chúng con!

Lời tri ân dành cho cha nói sao cho xứng.  Cuộc đời con có thể vươn xa trên con đường hạnh phúc là vì con đang tựa vào bờ vai vững chãi của cha.  Cám ơn cha đã cho con sự sống; tri ân cha đã cho con cuộc đời; biết ơn cha đã dẫn con đến với Thiên Chúa và chúc tụng Chúa đã cho con có cha!

Chúc cha luôn bình an và hạnh phúc trong cuộc đời!  Đặc biệt ngày hôm nay, Chúa nhật thứ 2 của tháng 6, cha của con và con của cha luôn nhớ nhau trong lời cầu nguyện!

Mừng ngày của cha,
Giuse Bùi Thế Dũng, S.J.
Nguồnhttps://dongten.net

“ĐÂY LÀ MÌNH THẦY”

Thánh lễ chúng ta dâng được gọi là “cử hành Thánh Thể” hay Hy tế tạ ơn (Eucharistie).  Trung tâm của Phụng vụ Thánh lễ là việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể.  Những lời của Chúa Giêsu được linh mục chủ tế lặp lại cách khoan thai, rõ ràng và trân trọng: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là mình Thầy… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy.”  Trong ngôn ngữ bình dân, những lời này được gọi là “lời truyền phép.”  Bởi lẽ, sau khi linh mục chủ tế đọc những lời này, thì bánh trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu và rượu trở nên Máu Thánh Người.  Thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu được Đức Thánh Cha Urbano IV thiết lập từ năm 1264, một năm sau khi phép lạ Thánh Thể xảy ra tại Tiệp Khắc vào năm 1263.  Trong Tông sắc thiết lập ngày lễ này, Đức Thánh Cha đã viết: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.  Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.  Hiện nay, vì lý do mục vụ, hầu hết các địa phương đều dịch ngày lễ này vào Chúa nhật kế tiếp.

“Đây là Mình Thầy.”  Lời nói của Đức Giêsu đi cùng với cử chỉ trao bánh cho các môn đệ trong bữa tiệc ly đã diễn tả tình thương mến của Chúa đối với các ông và đối với các tín hữu ở mọi thời đại.  Thánh Gioan đã khẳng định: “Người đã yêu thương các môn đệ, và đã yêu thương đến cùng” (Ga 13,1).  Ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa nhắc lại cho chúng ta tình yêu kỳ diệu ấy.  Đây là tình yêu có một không hai.  Bởi lẽ trên đời này không ai có thể trao tặng cho người khác chính bản thân mình.  Mầu nhiệm Thánh Thể là sự nối dài của mầu nhiệm Nhập Thể.  Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người và cự ngụ giữa chúng ta.  Qua mầu nhiệm Thánh Thể, Con Thiên Chúa phó trót thân mình để ở với chúng ta cho đến tận cùng thời gian.  “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).  Việc hiến trao trót thân mình cho các môn đệ chính là bằng chứng của tình yêu cao cả nhất của Chúa Giêsu đối với nhân loại.

“Đây là Mình Thầy.”  Cử chỉ hiến thân của Chúa nhằm mục đích trở nên lương thực thiêng liêng cho các môn đệ và cho các tín hữu.  Trong hành trình Đức tin là hành trình về quê trời, người tín hữu không chỉ được nuôi dưỡng bằng lương thực vật chất, mà còn bằng lương thực thiêng liêng.  Ngôn sứ Êlia trong Cựu ước (x 1V 21,1-29) trên đường đến núi của Thiên Chúa (núi Horeb), đã được nuôi dưỡng bằng bánh và nước, nhờ đó ông đủ sức để tiếp bước trong hành trình chạy trốn sự săn đuổi của vua A-cáp và hoàng hậu Giêzabel, người tín hữu trong hành trình về Quê Trời được tiếp sức bằng Thánh Thể để có thêm nghị lực thiêng liêng chống lại những cám dỗ đang bao bọc tư bề.  Thánh Thể cũng là linh dược, tức là thuốc thiêng đối với đời sống người tín hữu.  Nhờ linh dược này, mà những tổn thương tâm hồn được chữa lành, những tội lỗi được tha thứ, buồn sầu sẽ được thay thế bằng niềm vui.  Vì vậy, Mình Thánh Chúa những bệnh nhân đón nhận cùng với Bí tích Xức dầu, chúng ta thường gọi là “Của Ăn Đàng.”  Đó là nguồn trợ lực siêu nhiên giúp người tín hữu đi đến đích điểm trong bình an.

“Đây là Mình Thầy,” Giáo Hội Công giáo tin rằng lời của Chúa Giêsu luôn có hiệu lực, mỗi khi các linh mục cử hành Thánh Thể.  Chúa vẫn hiện diện trong hình Bánh và hình Rượu, kể cả khi thánh lễ đã kết thúc.  Nghi thức cung nghinh Thánh Thể ra ngoài thánh đường chính là khẳng định Đức tin vào sự hiện diện thánh thiêng ấy.  Trong cuộc cung nghinh này, Chúa Giêsu đi đến với mọi người mọi nhà, để chúc lành và nâng đỡ phận người giữa những đau khổ chông gai của cuộc sống.  Hành trình cuộc đời – cũng là hành trình thập giá – của con người không còn đơn lẻ, nhưng có Chúa đồng hành và nâng đỡ.  “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).  Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta đến với Người.

“Đây là Mình Thầy.”  Cử chỉ trao ban chính bản thân của Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về chia sẻ.  Thánh Thể chính là sự cho đi vì người khác.  Trước nỗi thống khổ về tinh thần cũng như thể xác của bao người xung quanh, Chúa mời gọi chúng ta hãy quảng đại chia sẻ.  Khi chia sẻ và cho đi, chúng ta sẽ có được niềm vui, vì “cho đi là còn mãi” như người ta thường nói.  Hơn thế nữa, đối với Kitô hữu, giúp người bất hạnh cơ nhỡ là giúp chính Chúa Giêsu, vì Người đồng hoá với họ (x. Mt 25,31-46).

Chúng ta hãy đến tôn thờ Thánh Thể.  Nơi Bí tích này, Thiên Chúa hiện diện với loài người, thiên đàng ở giữa nơi trần thế.  Nhờ lĩnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, con người được ăn bánh các thiên thần và được thần linh hoá, nên giống Đức Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TRÒ CHUYỆN THÂN MẬT VỚI THIÊN CHÚA

Chúng ta thấy trong sách châm ngôn: “Ta vui thích ở cùng con cái loài người” (Cn 8,31).

Vậy có thể nói rằng thiên đàng của Thiên Chúa chính là tấm lòng con người.  Thiên Chúa yêu thương anh em, nên anh em hãy yêu mến Người.  Người vui thích ở cùng anh em: ước chi anh em cũng vui thích được ở với Người.  Anh em đã hy vọng được sống đời đời bên Chúa, thì hãy sống ngay cuộc sống này bên cạnh Người đi.

Hãy tập trò chuyện riêng với Người, cách thân mật, tin tưởng và mến yêu, như với người bạn thiết thân nhất, kẻ yêu thương mình hơn hết vậy.  Thật là một sự sai lầm to lớn khi trò truyện với Thiên Chúa trong sự sợ hãi, muốn ra trước mặt Người như một tên nô lệ nhút nhát, xấu hổ, run sợ trước chủ nhân.  Nhưng sẽ còn sai lầm hơn nữa, nếu cho rằng trò chuyện với Thiên Chúa là điều phiền chán, gây khó chịu đắng cay.  Không phải thế : “Với Người chẳng có gì là đắng cay, khó chịu, chung sống cùng Người chẳng gây phiền chán đâu, mà luôn luôn thích thú, hân hoan” (Kn 8, 16).  Anh em cứ hỏi những ai thật lòng yêu mến Thiên Chúa, và họ sẽ nói với anh em rằng giữa những đau khổ của cuộc đời, họ chỉ tìm thấy sự nâng đỡ ủi an đích thật và tuyệt hảo trong cuộc đối thoại đầy yêu thương với Thiên Chúa mà thôi.

“Không ai đòi anh em phải luôn luôn cầm trí, đến quên cả công việc và mất thoải mái.  Anh em cứ lo công việc của mình, và chỉ cần làm cho Thiên Chúa những gì anh em vẫn thường làm trong mọi hoàn cảnh, cho những người yêu mến anh em; và những người mà anh em yêu mến.

Thiên Chúa anh em luôn ở gần anh em, và còn ở ngay trong anh em nữa.  “Trong Người, chúng ta được sống, được cử động, được có” (Cv 17 28).  Muốn thưa chuyện với Người, không cần phải qua anh gác cổng, Thiên Chúa thích anh em trò chuyện thân mật với Người hơn.  Hãy bày tỏ cho Người mọi công việc, dự tính, mọi buồn phiền, lo ngại của anh em, tất cả những gì anh em đang quan tâm đến.  Và tôi xin nhắc lại, hãy làm việc đó với lòng cậy trông cởi mở, vì Thiên Chúa không có thói quen ngỏ lời với ai chẳng muốn trò chuyện cùng Người, nếu kẻ ấy không tập quen trò chuyện cùng Thiên Chúa, thì họ sẽ chẳng hiểu gì bao nhiêu khi Người ngỏ lời với họ…

Khi Thiên Chúa ban ơn cho anh em được cảm nghiệm sự hiện diện của Người, và muốn anh em trò chuyện với Người như với bạn thân, thì anh em hãy nói lên những tâm tình của mình một cách thật tự do và tin tưởng.  Người đi trước để đến với những ai ao ước Người và tỏ mình ra cho họ trước:

“Người rảo quanh tìm kiếm.  Trên các nẻo đường họ đi, Người niềm nở xuất hiện.  Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Người đều đến với họ”(Kn 6 15-16).  Người không đòi anh em đến với Người nhưng lại đi bước trước khi thấy anh em ước ao được Người yêu mến, và Người đến với anh em, mang theo những ân huệ và phương dược mà anh em cần.  Người chỉ đợi anh em nói một lời để chứng tỏ rằng Người luôn ở bên anh em và sẵn sàng lắng nghe, an ủi anh em :

“ Tai Người chú ý lắng nghe mọi lời khẩn nguyện” (Tv 33, 16).

Bạn hữu ở thế gian này có những giờ để trò chuyện cùng nhau, còn những giờ khác thì họ xa nhau; nhưng nếu anh em muốn, thì Thiên Chúa và anh em sẽ chẳng xa nhau bao giờ.

Tác giả: Thánh Anphongsô Ligôri – Trích sách: “Ai là anh em tôi?”
Chuyển ngữ: Nữ Đan Viện Biển Đức

HomePage

THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ

Thánh Barnaba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái.  Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài là Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36).  Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Barnaba cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.  Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26).  Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37).  Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24).  Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).

Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Barnaba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô.  Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26).  Thánh Barnaba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á.  Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem.  Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất đưa ra quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cho cả người Do-thái lẫn người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Barnaba vì vấn đề liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy định của Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), cũng như vì vấn đề của Gio-an Mác-cô, em họ của Barnaba.  Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau.  Sau đó, Thánh Barnaba cùng với Thánh Mác-cô đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39).  Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, thì Thánh Barnaba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân.  Cũng theo truyền thuyết, Thánh Barnaba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I.  Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này.  Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài được phúc Tử Đạo với việc bị ném đá đến chết.

Một số chuyên gia đã coi Thánh Barnaba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.  Có một bức thư mang tên Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng các sách Ngụy Thư.  Bức thư này muốn chứng minh những giáo thuyết của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi là thành phần của quy điển Tân Ước.  Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên nó không được công nhận là của Thánh Barnaba.  Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền.  Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn.  Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Barnaba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái.  Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.

Tương truyền về việc Thánh Barnaba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn.  Nếu đúng thế thì Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp).  Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết ngay trên ngôi mộ của Ngài.  Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó.  Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Barnaba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài.  Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy.  Khi khai quật ngôi mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, lúc Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài với một cách thức hết sức trang trọng.  Trên ngực của Thánh Barnaba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Barnaba chép lại.  Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật.  Với việc đó, vị Tổng Giám mục của Giáo hội Sýp đã thành công trong việc thuyết phục nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Sýp được thành lập bởi Thánh Barnaba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó.  Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay.  Nguồn suối ấy được cho là có khả năng chữa lành cũng như có nhiều khả năng kỳ diệu khác, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da.  Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Barnaba.

Các Thánh Tích của Thánh Barnaba đã được bảo quản và tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, cũng như tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).

Từ năm 1530, Hội Dòng do Thánh Anton Maria Zaccaria thành lập đã đến đóng đô tại Tu Viện Thánh Barnaba ở Mi-lan.  Người ta cũng gọi Hội Dòng này là Dòng Thánh Barnaba.

Vào năm 1521, người Pháp muốn đánh chiếm thành phố Logroño của Tây-ban-nha.  Nhưng sau hơn 6 tuần vây hãm, người Pháp vẫn không sao chiếm được thành phố ấy, nên đành phải rút quân.  Ngày lui binh của quân đội Pháp rơi đúng vào ngày 11 tháng 06 cùng năm.  Vì thế, ngay sau khi quân Pháp thoái triệt, Thánh Barnaba đã được thành phố Logroño nhận làm Bổn Mạng.  Trong ngày mừng Bổn Mạng của mình, người dân thành phố Logroño luôn sử dụng cá để làm món ăn chính, vì trong suốt hơn 6 tuần bị người Pháp vây đánh, dân chúng trong thành phố này đã sống sót nhờ vào việc ăn cá được bắt từ hồ Ebro.

Ngay từ thế kỷ thứ IX, Thánh Barnaba đã được Giáo hội Rô-ma mừng kính vào ngày 11 tháng 06 hàng năm, nhưng các Giáo hội Phương Đông thì lại cử hành Lễ kính Thánh Nhân vào ngày 11 tháng 04.

Giáo hội Tin Lành và Giáo hội Anh giáo cũng cử hành Lễ Kính Thánh Barnaba vào ngày 11 tháng 06.

Còn các Giáo hội Chính thống thì cử hành hai ngày để kính Thánh Barnaba, đó là ngày mồng 04 tháng Giêng và ngày 11 tháng 06.

Riêng tại Giáo hội Armenia thì Thánh Barnaba được mừng kính tới 4 ngày, gồm: mồng 09 tháng 04, 11 tháng 06, 29 tháng 10, và thứ Năm sau Chúa Nhật Suy Tôn Thánh Giá.

Giáo hội Cóp-tít cử hành hai ngày Kính Thánh Barnaba: 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

Giáo hội Chính Thống Syria cử hành ba ngày kính Thánh Barnaba, gồm: 11 tháng 05, 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

Lm Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist

“NGỠ NGÀNG”

“Ngỡ ngàng” là tâm trạng của một người khi đứng trước một công trình hay một biến cố kỳ diệu.  Trước công trình kỳ diệu đó, người chiêm ngắm thốt lên lời khen ngợi và cảm phục.  Sự ngỡ ngàng thường đi liền với lòng yêu mến tri ân.  Ngày lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ ngỡ ngàng thán phục tôn vinh sự kỳ diệu của Thiên Chúa.  Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi.  Đây là một trong ba “Mầu nhiệm cả” của Đức tin Kitô giáo.  Thánh Gioan tông đồ khẳng định: Thiên Chúa là Tình Yêu.”  Đã là tình yêu, thì phải có đối tượng được yêu.  Mặc dù Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người lại không phải đối tượng tương xứng của tình yêu cao cả nơi Thiên Chúa.  Thiên Chúa không đơn độc.  Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con nồng thắm và diệu kỳ đến nỗi từ tình yêu này phát xuất Chúa Thánh Thần.  Công đồng Rôma năm 382 đã viết: “Đây là ơn cứu rỗi của các Kitô hữu: tin vào Chúa Ba Ngôi, tức là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; được thanh tẩy trong Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải tin vững vàng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng, vinh quang và hằng hữu.”

Nội dung Bài đọc I là sự ngỡ ngàng của Đức Khôn Ngoan khi nói về Đức Chúa.  Đức Khôn Ngoan ca tụng Đức Chúa đã thực hiện công trình sáng tạo.  Trong công trình kỳ diệu ấy, Đức Khôn Ngoan là tác phẩm đầu tay.  Dưới lăng kính Kitô giáo, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu.  Người đã có tự muôn thuở, “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.”  Người ở với Chúa Cha từ trước khi vũ trụ được khai nguyên.  Cùng với Chúa Cha, Đức Khôn Ngoan thực hiện công trình sáng tạo, Người “hiện diện bên Chúa Cha như người thợ cả.”  Như thế, Đức Khôn Ngoan ngang hàng với Chúa Cha, và cùng với Chúa Cha hoạt động không ngừng để làm cho vũ trụ thêm huy hoàng đẹp đẽ.

Là người tin Chúa, chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vũ trụ, đồng thời chúng ta tuyên xưng Chúa là Đấng làm nên vẻ đẹp đó.  Sự huy hoàng của vũ trụ được tác giả Thánh vịnh 8 ca ngợi: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài.”  Trong tất cả các loài thụ tạo, con người được Chúa ưu ái nhất, và con người “chẳng thua kém thần linh là mấy, vì được Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên.”  Theo sách Sáng thế, sau khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa trao đất đai cho con người canh tác và làm cho đất phì nhiêu màu mỡ.  Thiên Chúa đã đặt con người thay Ngài lên cai quản vũ trụ.

Nhìn lại lịch sử Cứu độ, chúng ta ngỡ ngàng trước quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa.  Ngài đã hướng dẫn lịch sử bằng cánh tay uy quyền của người cha, và bằng tình yêu thương dịu dàng của người mẹ.  Con người nhiều lần phản nghịch lỗi phạm giới răn của Chúa, nhưng Ngài luôn tha thứ bao dung.  Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến trần gian.  Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, có sứ mạng hoà giải Thiên Chúa với con người và nối kết con người với nhau trong tình huynh đệ thân thương.  Dân chúng nghe lời giảng dạy của Người đều ngỡ ngàng trước sự khôn ngoan của Người.  Qua Đức Giêsu, họ nhận ra “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài.”  Họ tung hô: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.”

Nếu dân chúng ngỡ ngàng trước sự khôn ngoan của Đức Giêsu, họ cũng hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng trước cái chết của Người trên thập giá.  Vị sĩ quan người Rôma, khi chứng kiến cái chết của Người, đã thốt lên: “Quả thực, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).  Vì oán hận ghen tương, con người đã giết Con Thiên Chúa.  Con Thiên Chúa đã mang lấy án phạt để nhân loại được hạnh phúc.  Con Thiên Chúa đã trở nên nô lệ để con người được tự do.  Ngước nhìn thập giá, người tín hữu tôn thờ Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại và hy sinh vì hạnh phúc của con người.

Ông Phêrô cùng với các tông đồ và những khách hành hương ở Giêrusalem ngày lễ Ngũ Tuần đã ngỡ ngàng trước điều kỳ diệu Chúa Thánh Thần đã thực hiện.  Ngài ngự trên các ông như hình lưỡi lửa, đồng thời ban cho các ông sức mạnh thần linh.  Các ông mở tung cánh cửa đang đóng kín, mạnh mẽ rao giảng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Đấng Cứu độ.  Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật, là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ (Bài đọc II).  Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động giữa Giáo Hội và thế giới hôm nay, để giúp cho Giáo Hội phát triển và cho Sự Thật được thực thi trong đời sống con người.  Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và thân thưa với Ngài: Áp-ba!  Cha ơi!

Câu chuyện sáng tạo và câu chuyện cứu độ do Thiên Chúa thực hiện không chỉ là câu chuyện xa xưa, nhưng vẫn đang là câu chuyện của hôm nay và là câu chuyện của cá nhân mỗi người.  Khi tôn vinh Chúa Ba Ngôi, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra bản thân mỗi người là một công trình kỳ diệu của Chúa Ba Ngôi.  Ba hoạt động: sáng tạo, cứu độ và thánh hoá luôn đan xen hoà quyện trong chính mỗi người chúng ta.  Quả thật, nhờ ơn Chúa chúng ta sống động và hiện hữu; nhờ ơn Chúa chúng ta được giải thoát và thứ tha; nhờ ơn Chúa chúng ta được thêm sức và thánh hóa.  Một số nhà Thần học có khuynh hướng “phân công” ba hoạt động này như sau: Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân và thánh hoá.  Thực ra, mỗi tác động này đều là tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng ở trong nhau và cùng nhau hoạt động.  Và, kỳ lạ thay, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, dù bé nhỏ nghèo hèn, chúng ta cũng được tham dự vào dòng chảy tình yêu tuyệt vời nơi cung lòng Ba Ngôi, như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”  Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng.  Bởi lẽ là thụ tạo nhỏ bé hèn mọn, mà chúng ta lại được tái sinh nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời nhân danh Chúa Ba Ngôi trong mọi hành động.  Nhân danh Chúa để làm việc, để suy tư, để dùng bữa và nhất là để cầu nguyện.  Khi nhân danh Chúa mà làm việc, chắc chắn những việc chúng ta làm sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.

Ngỡ ngàng trước những điều kỳ diệu cao cả ấy, chúng ta cùng cất lời tôn vinh: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen”.

TGM Vũ Văn Thiên