GẶP GỠ THIÊN CHÚA ĐANG NÓI

Ba Bí Quyết để Nghe Tiếng Thiên Chúa

Cuộc sống đầy dẫy những câu hỏi: Đâu là bí quyết để hạnh phúc?  Tại sao những điều xấu lại xảy đến cho những người tốt?  Mục đích của tôi trên trần gian này là gì?  Tại sao có sự dữ trong thế giới này?

Trong một thế giới đề cao những giải pháp nhanh chóng, người ta có thể lo lắng khi đối diện với những câu hỏi như thế này – những câu hỏi phức tạp không thể được giải quyết bằng những khẩu hiệu đơn giản hoặc những câu trả lời chỉ có một từ.

Đức Giáo hoàng Benedictô XVI nói rằng cho dẫu chúng ta thích những câu trả lời nhanh chóng, chúng ta chỉ có thể hiểu được những điều bí nhiệm của cuộc sống khi chúng ta dành thời gian để đắm mình trong lời của Thiên Chúa.  Vậy chúng ta hãy xem chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu như thế nào, Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa, Lời của Thiên Chúa đã được viết trong Kinh Thánh.  Ba lời khuyên thực tế này sẽ giúp chúng ta nghe được chính tiếng của Thiên Chúa và cảm nhận được sự hiện diện của Người khi chúng ta suy gẫm lời của Người trong Kinh Thánh.

Hãy Đọc Kinh Thánh Hằng Ngày! “Mong sao mỗi ngày sống của chúng ta được hình thành bởi một cuộc gặp gỡ mới với Chúa Kitô,  Lời của Chúa Cha đã thành xác phàm” (Tông huấn Lời Chúa – Verbum Domini, 124).

Bước đầu tiên nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng đó là bước chúng ta thường bỏ qua: sắp xếp thời gian để đọc Kinh Thánh hằng ngày.  Hãy lên lịch việc đó trong ngày sống của bạn.  Hãy làm việc đó trước hết vào buổi sáng.  Hãy làm quen với câu chuyện của Kinh Thánh để bạn có thể thấy cách Thiên Chúa đã làm việc thế nào qua các thời đại.  Hãy tự mình khám phá xem Thiên Chúa làm việc cách kiên nhẫn, dạy chúng ta đường lối của người và chuẩn bị cho chúng ta ngày Chúa trở lại.  Và đừng sợ dùng các sách chú giải và những bài nghiên cứu Thánh Kinh đáng tin cậy để giúp bạn.  Càng hiểu biết về bối cảnh, lịch sử, và ngữ cảnh của Kinh Thánh, bạn càng có thể sắp xếp câu chuyện của Kinh Thánh hơn.

Nhưng hãy bảo đảm rằng lúc bạn đang đọc và nghiên cứu, bạn cũng đang cầu nguyện và tìm kiếm.  Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô  nhấn mạnh, chúng ta có thể gặp Chúa Giêsu trong những lời của Thánh Kinh.  Chúng ta có thể phát triển một mối tương quan sâu sắc với Người khi chúng ta để cho lời Người thấm nhuần vào trong tâm hồn chúng ta.

Điều này không xảy ra trong một sớm một chiều.  Giống như bất kỳ mối quan hệ nào, nó cần có thời gian.  Hãy suy nghĩ về bất cứ tình bạn thân thiết nào của bạn.  Không phải bạn và bạn của bạn ngày càng trân trọng nhau khi các bạn dành thời gian cho nhau sao?  Không phải các bạn đã trở nên gắn bó với nhau khi chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống của các bạn sao?  Các bạn ngày càng yêu nhau bởi nhờ cách các bạn chia sẻ niềm hy vọng và nỗi sợ hãi, ước mơ và những nối thất vọng của mình.

Không có gì có thể thay thế thời gian.  Các mối quan hệ cần thời gian.  Giao tiếp cần thời gian.  Tình yêu cần thời gian.  Vì vậy, chúng ta cần đọc Kinh Thánh mỗi ngày để có thể hiểu biết về Chúa.  Ngài nghĩ như thế nào về mọi việc?  Ngài phản ứng ra sao trước khó khăn hay may mắn?  Điều gì khiến Ngài vui hay buồn?  Những ước mơ và hy vọng của Người là gì?

Hãy Trở Nên Một Phần của Kinh Thánh.  “Lời Chúa lôi cuốn mỗi người chúng ta bước vào cuộc đàm thoại với Chúa: Đấng Thiên Chúa đang nói dạy ta cách để nói với Người” (Tông huấn Lời Chúa – Verbum Domini, 124).

Khi bạn đọc Kinh Thánh hằng ngày, hãy cố gắng tưởng tượng mình đang ở trong bối cảnh mà bạn đang đọc.  Khi đọc các sách Tin Mừng, Thánh Ignatio Loyola thường hình dung chính ngài như một trong các môn đệ của Chúa Giêsu để ngài có thể quan sát tận mắt mọi thứ đang diễn ra.  Ngài tưởng tượng chính ngài là một nhân chứng phụ trong Bữa Tiệc Ly, đang chứng kiến mọi thứ xung quanh ngài khi Chúa Giêsu cử hành Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.  Ngài nhìn kỹ khuôn mặt Chúa Giêsu khi Người tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hoặc khi Người thách thức những người Pharisêu và Nhóm Sađốc.  Ngài đã cùng với chị Maria Mácđala và tông đồ Gioan hiện diện ở đồi Canvariô và chứng kiến những ánh nhìn và những âm thanh trong ngày Chúa Giêsu chịu chết cho ngài.

Việc hòa nhập chính mình vào Kinh Thánh theo cách này không nên là một việc thụ động.  Chúng ta không nên chỉ ngồi phía sau và xem những gì đang xảy ra.  Chúng ta cũng có thể trở thành một phần của cảnh ấy.  Chẳng hạn, khi bạn hình dung chính bạn trên Núi Hôrép với Môsê và bụi gai bốc cháy, hãy cảm thấy tự do để hỏi Môsê như thể bạn nghe được tiếng của Thiên Chúa.  Hãy tưởng tượng ông đang hướng về bạn và chia sẻ với bạn những gì ông đang suy nghĩ khi Thiên Chúa nói với ông đối diện với Pharaô và yêu cầu vua thả cho dân Do Thái đi.  Bạn có thể ngạc nhiên về câu trả lời bạn nhận được.

Hãy bảo đảm rằng bạn không chỉ giới hạn mình vào những câu chuyện trong Kinh Thánh.  Chính Đức Giáo hoàng Benêđictô đã khuyến khích chúng ta làm điều tương tự với các thánh vịnh, được gọi là sách cầu nguyện của Kinh Thánh:

“Trong các Thánh vịnh, ta có thể gặp được mọi tâm tình nhân loại trong cuộc sống, được trình bày một cách khéo léo trước nhan Thiên Chúa…  Theo cách đó, lời con người thưa với Thiên Chúa lại trở thành chính Lời Thiên Chúa… và toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe” (Tông huấn Lời Chúa – Verbum Domini, 24).

Hãy tưởng tượng chính bạn là một trong những thánh vịnh gia khi bạn dâng tâm hồn bạn lên trước Nhan Chúa.  Và giống như các thánh vịnh gia, hãy can đảm đủ để mong đợi câu trả lời từ Thiên Chúa.  Thay vì những mối quan tâm của thánh vịnh gia, bạn hãy dâng chính những nhu cầu và ước muốn của bạn, những khao khát và hy vọng của bạn.  Hãy để cho những lời ca ngợi và tạ ơn của thánh vịnh gia trở thành của chính bạn.  Như Đức Bênêđictô nói, lời Thiên Chúa sau đó sẽ trở thành chính tư tưởng của bạn.  Đường lối của Người sẽ trở thành đường lối của bạn, đặt qua một bên bất kỳ thứ gì trong bạn đối nghịch với cách suy nghĩ của Người.

Hãy Lắng Đọng và Lắng Nghe. “Chỉ trong im lặng, lời Chúa mới tìm được nơi cư ngụ trong ta, như đã tìm được nơi Đức Maria, người phụ nữ của lời nhưng một cách không thể tách biệt, cũng là người phụ nữ của im lặng” (Tông huấn Lời Chúa – Verbum Domini, 66).

Việc đặt mình vào trong Kinh Thánh theo cách này lúc đầu có thể làm bạn cảm thấy giống như chơi trò tưởng tượng.  Làm sao bạn có thể kể lại nếu bạn không biết những điều bạn đang hình dung đến từ sự tưởng tượng của chính bạn hay từ Thiên Chúa?  Bí quyết ở đây là qua sự lắng nghe trong thinh lặng.

Chúng ta đang sống trong một thế giới ồn ào, năng động và tất cả các hoạt động đều có thể ảnh hưởng đến thời gian đọc Kinh Thánh của chúng ta.  Khi đặt mình vào một cảnh trong Kinh Thánh, bạn có thể bị cám dỗ đánh mất mục tiêu và để cho trí tưởng tượng của bạn chạy trốn với bạn.  Bạn có thể kết thúc bằng việc dành toàn bộ thời gian của mình để hình dung khung cảnh cách chi tiết, tưởng tượng phản ứng của mọi người và để cho câu chuyện tiếp tục mở ra.  Nhưng tất cả các hoạt động tưởng tượng này phải được cân bằng với sự thinh lặng và tĩnh lặng.  Bằng cách nào khác bạn sẽ có thể nghe được tiếng Chúa?

Nếu một từ hay một cụm từ hoặc một hình ảnh đặc biệt đánh động bạn, hãy dừng lại và suy gẫm về nó.  Hãy lắng đọng.  Hãy dành thời gian của bạn.  Đừng lo lắng về việc đi đến phần kết thúc câu chuyện hay kết thúc thánh vịnh.  Thay vào đó, hãy nghiền ngẫm nó.  Hãy đợi Chúa nói với bạn, Đó có thể đơn giản là những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy tin vào Thiên Chúa”  (Ga 14,1), hoặc đó có thể liên quan đến lời tuyên bố của Thánh Phaolô rằng mọi người kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu độ (x. Rm 10,13).  Bất kể là gì, bạn hãy dành thời gian để lời đó được mở ra.  Hãy lặp lại lời hay cụm từ đó nhiều lần, hãy hỏi Chúa xem Người muốn nói với bạn điều gì.  Hãy viết lại bất cứ ấn tượng nào bạn có thể có.  Hãy lắng đọng tâm hồn bạn, hít thở sâu và lãnh nhận bất cứ điều gì Thiên Chúa ban cho bạn.

Nếu các tư tưởng đến với bạn làm bạn tràn đầy bình an, niềm vui, hy vọng hay khao khát trở nên giống Chúa Giêsu hơn, bạn có thể bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần đang nói với bạn.  Nếu các ý nghĩ làm bạn cảm thấy lo lắng, thất vọng hoặc chìm đắm trong mặc cảm tội lỗi, thì bạn có thể chắc chằn rằng chúng không đến từ Thiên Chúa.

Nếu các suy nghĩ đến với bạn thôi thúc bạn hành động cách khác biệt, hành động giống Chúa hơn, thì bạn có thể tự tin rằng Thiên Chúa ở đàng sau những suy nghĩ ấy.  Chẳng hạn, bạn có thể cảm thấy được thúc đẩy để thể hiện lòng nhân hậu hơn nữa với một người bạn hay một thành viên gia đình.  Bạn có thể được thôi thúc xưng thú tội lỗi quá khứ đã đè nặng trên lương tâm của bạn.  Bạn có thể thấy sự can đảm mới để dấn thân vào việc phục vụ giáo xứ.  Hoặc bạn có thể cảm thấy cần hàn gắn tình bạn bị tổn thương.  Bất kể điều gì bạn cảm nhận Thiên Chúa đang yêu cầu bạn làm, hãy bước ra và thực hiện nó.  Thông thường, bạn sẽ nhận ra rằng một bước đơn giản dẫn đến bước khác và bước khác –  mỗi bước đều kéo bạn đến gần với Chúa hơn.

Thiên Chúa Đấng Đang Nói.  Đức Giáo hoàng Benêđictô nói: “Không có điều ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên này là: hãy mở ra lại cho con người ngày nay con đường đến với Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa đang nói và chia sẻ với chúng ta tình yêu của Ngài, để chúng ta có được sự sống dồi dào” (Tông huấn Lời Chúa – Verbum Domini, 66).

Với những lời này, Đức Giáo hoàng Bênêđictô đang nói rằng bí quyết để có một cuộc sống bình an, đầy hoa trái và trọn vẹn hệ tại ở việc lắng nghe Thiên Chúa nói lời của Người với chúng ta.  Người đang nói với chúng ta rằng Cha trên trời muốn mở mắt chúng ta ra trước sự hiện diện và tình yêu của Người cách sâu sắc thế nào.  Tất cả những gì chúng ta phải làm là để lời Người bén rễ trong tâm hồn chúng ta.  Cuộc sống đầy dẫy những câu hỏi.  Thật tốt biết bao để biết rằng chúng ta có thể nhận ra những câu trả lời khi chúng ta cầu xin Chúa Giêsu, Ngôi Lời trọn vẹn và hoàn hảo của Thiên, nói với chúng ta!

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo The Word Among Us

TẠI SAO THÁNH MATTHÊU CÓ HAI TÊN TRONG KINH THÁNH?

Người thu thuế nổi tiếng, Matthêu, trở thành tông đồ có thể đã được đổi tên sau khi gặp Chúa Giêsu Kitô.

Thay đổi cái tên rất có ý nghĩa trong Kinh thánh vì chúng thường báo hiệu một sứ mạng mới từ Thiên Chúa.  Ví dụ Ápram trở thành Ápraham và Simon được đổi tên thành Phêrô.

Một nhân vật khác trong Kinh thánh mà nhiều học giả tin rằng đã được đổi tên thành tông đồ Matthêu.  Trong Phúc âm Matthêu, người thu thuế được Chúa Giêsu Kitô kêu gọi trở thành môn đệ được đặt tên là “Matthêu” (Mt 9, 9).

Tuy nhiên, trong Tin Mừng Marcô, người thu thuế đó lại có tên là “Lêvi” (Mc 2,14).

Một số học giả tin rằng người thu thuế đó có hai tên, một tên bằng tiếng Hy Lạp (Matthêu) và tên kia bằng tiếng Do Thái (Lêvi).  Điều này rất có thể xảy ra, vì các học giả chỉ rõ Simon (Phêrô) và Saul (Phaolô) như một ví dụ điển hình, nên nó không biểu thị sự thay đổi cái tên mà là hai cái tên tồn tại trong hai ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên một số học giả khác tin rằng điều này có thể ám chỉ đến sự thay đổi tên.  Từ điển Công giáo có giải thích: “Có thể Matthêu, ‘món quà của Giavê’, là tên được Chúa Giêsu Kitô đặt cho người thu thuế khi Ngài kêu gọi ông làm Tông đồ, và từ đó ông được nhận biết giữa các anh em Kitô hữu của mình, Lêvi là tên ban đầu của Matthêu.”

Trong thực tế, cả hai thuyết này đều có thể xảy ra.  Điều chắc chắn là sau khi ông rời bỏ công việc thu thuế của mình, ông mãi mãi được cộng đồng Kitô giáo đầu tiên gọi là “Matthêu.”

Dù thế nào đi nữa, cả hai cái tên đều có khả năng truyền cảm hứng cho những suy ngẫm mang tính biểu tượng, như có thể thấy trong đoạn văn sau đây từ sách Kim Sử, một văn bản phổ biến thời Trung cổ, nó cho chúng ta biết về ý nghĩa cái tên của các vị thánh.

Matthêu có hai cái tên, Matthêu và Lêvi.  Matthêu (Matthêô) được hiểu là món quà vội vàng, hoặc là người khuyên dạy.  Hoặc tên xuất phát từ magnus – vĩ đại, và theos – Chúa, gọi là vĩ đại đối với Chúa; hoặc từ mamis – bàn tay, và theos, gọi là bàn tay của Chúa.  Thánh Matthêu là một món quà vội vã nhờ sự hoán cải nhanh chóng của ngài, là người đưa ra lời khuyên qua lời rao giảng cứu rỗi của ngài, vĩ đại đối với Thiên Chúa nhờ sự hoàn hảo của cuộc đời ngài và là bàn tay của Thiên Chúa qua việc viết phúc âm của ngài.  Tên Lêvi được hiểu như là được đưa lên, gắn vào, thêm vào, đặt vào.  Vị thánh được kéo ra khỏi công việc thu thuế, được gia nhập cộng đoàn các tông đồ, được thêm vào nhóm các nhà truyền giáo, và được xếp vào danh mục các vị tử đạo.

Trước đây ngài có thể được biết đến với cái tên “Lêvi,” nhưng kể từ khi gặp Chúa Giêsu Kitô, thế giới đã biết đến ngài với cái tên “Matthêu.”

Philip Kosloski
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ – Nguồn: https://aleteia.org/

KẺ THÙ LỚN NHẤT

Khi nhận định về đời người, một tác giả đã viết: “Thông thường, chúng ta dành nửa đầu cuộc đời để đấu tranh để vượt qua người khác, và nửa đời còn lại để đấu tranh vượt qua chính bản thân mình.”  Xem ra nhận định này khá chính xác đối với đa số chúng ta.  Ở một tuổi nào đó, chúng ta không còn tham vọng chiến đấu để chạy đua với người khác, mà đối diện với chính bản thân.  Khi nhận định một cách công tâm và trung thực, chúng ta nhận ra, đối thủ lớn nhất chính là bản thân mình.  Đối thủ ấy luôn thường trực trong chính chúng ta.  Đó là sự cố chấp, ích kỷ, bao biện, hiếu thắng và đam mê.  Những nết xấu này, nếu không được kiểm soát, sẽ gây nhiều hậu quả tai hại, phá vỡ mối tương quan với người khác.  Một chiến sĩ trẻ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường, gắn bó yêu thương như ruột thịt với đồng đội; khi lớn tuổi về hưu, cũng con người ấy lại không vượt qua được những tranh chấp và quyền lợi nhỏ nhoi, để rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn.  Kẻ thù lớn nhất, chính là bản thân chúng ta.  Ki-tô hữu được mời gọi hãy nhận ra điều ấy, để biết mình, biết người, hầu uốn nắn cuộc đời mình nên giống Đức Giê-su.  Người đến trần gian để hiến mạng sống phục vụ con người.  Trên thập giá, Người đã trở nên người nghèo nhất trong số những người nghèo ở thế gian.

Sự ghen tương ích kỷ là nguyên nhân của những xung đột, bạo lực, chia rẽ và cãi vã.  Thánh Gia-cô-bê đã lập luận một cách dễ hiểu.  Ngài cho biết, để có một cuộc sống tương thân tương ái, trước hết phải làm chủ cái tôi trong chính con người của mình (Bài đọc II).  Vị tông đồ cũng viết trong phần kế tiếp: “Anh em đừng nói xấu nhau.  Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.  Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt.  Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,11-12).  Quả thật, ngày nay người ta thích đưa ra kết luận như sau: “mọi tội lỗi đều từ bởi miệng mà ra; mọi bệnh tật lại từ miệng mà vào.

Thanh luyện tâm hồn để sống khiêm tốn và sống vì người khác, đó là thông điệp chính mà Lời Chúa muốn nhắn nhủ với chúng ta trong Chúa nhật này.  Thánh Mác-cô làm chúng ta ngỡ ngàng, khi thuật lại cuộc cãi vã tranh giành của các môn đệ, và cuộc cãi vã này xảy ra ngay khi Chúa vừa nói với các ông về cuộc khổ nạn của Người.  Sự việc đã bị Chúa Giê-su bắt “quả tang” và nhân dịp này Người đã cho các ông một bài giáo huấn, trong đó Người nêu nguyên tắc bất di bất dịch cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Người: Muốn làm lớn, thì phải phục vụ; Hãy có tâm hồn đơn sơ như trẻ em.  Chúa Giê-su không nói suông, mà chính Người làm gương cụ thể cho chúng ta, như tác giả Mác-cô ghi lại lời tuyên bố của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Muốn chiến thắng bản thân, phải nhận diện và gọi tên những nết xấu thường trực trong con người mình.  Vì trong lòng chất chứa những dục vọng và ý đồ ghen tỵ, nên người ta muốn làm hại người khác.  Tác giả sách Khôn Ngoan đã gọi đó là “Phường vô đạo” (Bài đọc I).  Dường như những người này cũng tin vào Thiên Chúa, nhưng ghen tương đố kỵ đã làm cho lòng họ trở nên chai đá.  Họ thù ghét những người tốt bụng và lập mưu để triệt hạ những người công chính.

Đối diện với sự dữ, người tin vào Chúa luôn không hoảng loạn và nhất là không lấy ác báo ác.  Người công chính tin vào đức công minh của Thiên Chúa.  Tác giả Thánh vịnh đã diễn tả niềm xác tín cậy trông của người tín hữu, khi gặp gian nan hoạn nạn và khi bị người đời khinh ghét.  Ai tin vào Chúa, chắc chắn sẽ không phải thất vọng, vì Người là Đấng trung thành.

Trong khi con người luôn quy hướng về bản thân, thì Chúa Giê-su lại hướng chúng ta đến với người khác.  Khi phục vụ, chúng ta tìm được niềm vui.  Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.  Đích điểm của đời sống Ki-tô hữu là cố gắng mỗi ngày để giảm thiểu những đam mê, bớt đi những ích kỷ.  Lúc đó, kẻ thù lớn nhất nơi chúng ta sẽ bị tiêu diệt, và chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CHÚA KHÔNG PHÁN XÉT AI

Có một câu hỏi lâu đời về lòng nhân lành của Chúa, nó lâu đời cũng như tôn giáo chúng ta: Làm sao một Thiên Chúa toàn thiện lại có thể đày người nào đó xuống hỏa ngục muôn đời?  Làm sao Thiên Chúa đầy yêu thương và độ lượng mà lại có hình phạt đời đời?

Đó là một câu hỏi sai.  Thiên Chúa không đày bất cứ ai xuống hỏa ngục và Thiên Chúa cũng không tạo ra hình phạt đời đời.  Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống và lựa chọn thuộc về chúng ta để đón nhận hay từ chối nó.

Đức Giê-su nói cho chúng ta biết Thiên Chúa không phán xét bất cứ ai.  Chỉ có chúng ta mới phán xét nhau.  Thiên Chúa không tạo ra hỏa ngục và  cũng không đày ai xuống hỏa ngục.  Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa hỏa ngục không tồn tại và nó không phải là một khả thể cho chúng ta.  Điều cốt yếu là cách Đức Giê-su giải thích chuyện này ở đây:

Thiên Chúa ban sự sống của Ngài cho thế gian và chúng ta có thể chọn lựa sự sống này hoặc từ chối nó.  Chúng ta tự phán xét mình trong hành động chọn lựa đó.  Nếu chọn sự sống, thì cuối cùng chúng ta sẽ chọn thiên đàng.  Nếu từ chối sự sống, thì chúng ta chết mà vẫn ở bên ngoài sự sống và cuối cùng đó là hỏa ngục.  Nhưng sự lựa chọn thuộc về chúng ta, Thiên Chúa không đày chúng ta đi đâu cả.  Hơn thế, hỏa ngục không phải là một hình phạt tích cực Thiên Chúa tạo ra để bắt chúng ta phải chịu.  Hỏa ngục là sự vắng mặt của một điều gì đó, ấy là, sống trong lòng sự sống dành sẵn cho chúng ta.

Nói lên tất cả điều này không phải là để nói không có hỏa ngục, hoặc hỏa ngục không phải là một khả thể có thật cho mọi người.  Hỏa ngục là có thật, nhưng nó không phải là một hình phạt tích cực Chúa tạo ra để thực thi công lý, trừng trị cái ác hay trừng phạt người cứng lòng không biết ăn năn khi phạm lỗi.  Hỏa ngục là sự vắng mặt của sự sống, tình yêu, sự tha thứ, cộng đoàn, và Chúa không đày bất cứ ai vào đó cả.  Chúng ta có thể kết thúc ở đó, bên ngoài tình yêu và cộng đoàn, nhưng đó là sự lựa chọn của chúng ta nếu chúng ta, một cách đáng trách, đã từ chối nó khi tất cả đều dành sẵn cho chúng ta ngay trong cuộc đời này.  Hỏa ngục, như John Shea từng nói, không bao giờ là một sự bất ngờ phục chờ ai đó đang hạnh phúc, nó là biểu hiện rõ ràng nhất của một cuộc đời từ chối tình yêu, sự tha thứ, và cộng đoàn.

Triết gia Jean Paul Sartre từng phát biểu câu nói nổi tiếng, hỏa ngục chính là người khác.  Nói ngược lại cũng đúng.  Hỏa ngục là những gì chúng ta trải qua khi đặt bản thân mình lên trên đời sống cộng đoàn với người khác.  Đời sống con người có nghĩa là chia sẻ đời sống, chia sẻ sự hiện hữu, góp phần của mình vào trong đời sống cộng đoàn, đời sống bao gồm Ba Ngôi Một Thể.

Kinh Thánh nói, Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở lại trong tình yêu, thì người ấy ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng ở lại trong họ.  Trong bối cảnh này, không nên hiểu tình yêu như kiểu tình yêu lãng mạn.  Bản văn không nói ai rơi vào lưới tình thì đều ở lại trong Thiên Chúa (dù điều này cũng có thể đúng).  Thật sự, bản văn này có thể được nói như sau: Thiên Chúa là hiện thân của sự chia sẻ, và ai chia sẻ đời sống mình với người khác, người ấy sống trong sự sống của Thiên Chúa.

Nhưng ngược lại cũng đúng.  Khi chúng ta không chia sẻ đời sống mình với người khác, chúng ta kết thúc đời sống mình ở bên ngoài sự sống.  Đó, thật sự, chính là hỏa ngục.

Hỏa ngục là gì?  Các hình ảnh trong Kinh Thánh nói về hỏa ngục không cố định và liên tục thay đổi.  Chung chung có khuynh hướng hình dung hỏa ngục là lửa, lò lửa cháy không bao giờ tắt, nhưng đó chỉ là một hình ảnh, và nó không nhất thiết là hình ảnh nổi trội trong Kinh Thánh.  Trong các điều được nói đến, Kinh Thánh nói về hỏa ngục như là nơi gánh chịu cơn phẫn nộ của Thiên Chúa, như ở ngoài tiệc cưới và lễ hội, nơi tang tóc, khóc lóc và nghiến răng, nơi giống như thung lũng Gehenna (chứa rác bên ngoài thành Giêrusalem), nơi bị giòi bọ rúc rỉa, như là lửa, như hụt buổi dạ tiệc, như ở bên ngoài nước trời, như sống với quả tim đau đớn bị bóp méo, như đang hụt sự sống.  Cuối cùng, tất cả những hình ảnh này đều nhắm đến một điểm chung: Hỏa ngục là nỗi đau và cay đắng, thứ lửa, chúng ta phải chịu khi, một cách đáng trách, chúng ta đã đặt bản thân mình ra ngoài đời sống cộng đoàn.  Và luôn luôn là tự mình gây ra.  Thiên Chúa không bao giờ áp đặt nó trên chúng ta cả.  Thiên Chúa không ban sự chết chóc và đày ai xuống hỏa ngục.

Khi Đức Giê-su nói về Thiên Chúa, Người không bao giờ nói Thiên Chúa ban cả sự sống và sự chết, Người chỉ nói Thiên Chúa ban sự sống mà thôi.  Sự chết có nhiều nguyên nhân, từ việc nói dối, hợp lý hóa, cay chua gắt gỏng, cứng lòng, và hỏa ngục.  Khi nói Thiên Chúa không tạo ra hỏa ngục và đày bất cứ ai vào đó thì không có ý phủ nhận sự tồn tại của cái ác, tội lỗi và nguy cơ của hình phạt đời đời, điều này chỉ nhằm xác định các căn nguyên và làm rõ đó là ai, ai hay phán xét, ai hay kết án.  Thiên Chúa thì không; Ngài không tạo ra hỏa ngục cũng không đày ai vào đó cả.  Chúng ta thì làm cả hai.

Như Đức Giê-su nói trong Phúc Âm thánh Gio-an: “Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ.  Ai tin vào Người Con thì người đó không bị luận phạt; ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.  Và đây là án phạt, sự sáng đã đến với thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng… Ta không phán xét ai cả.”

Người không cần phán xét.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HỌC YÊU THÁNH GIÁ

Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá”, từ web: mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-yeu-Thanh-Gia.

Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.
Người nằm giang tay chữ Y.
Là tình yêu, yêu đến tận cùng.
Yêu nhân gian chiều ngang.
Yêu đời mình chiều sâu.
Yêu Chúa là chiều cao.
Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ.  Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng.  Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao.  Ý muốn của con người là thanh nằm.  Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng.  Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y.  Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống.  Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh.  Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh.  Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).  Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá.  Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu.  Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh.  Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô.  Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh.”

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta.”

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây toàn hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon.  Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….  Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình.  Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả.  Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng.  Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta.  Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài.  Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng.  Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn!  (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16).  Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ.  Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984).  Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó.  Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa.  Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).  Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống.  Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ.  Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.  Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình.  Nơi thập giá, Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:  Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa.  Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình.  Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác.  Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô.  Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa.  Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta.  Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.  Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá.  Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá.  Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn.  Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.  Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Đức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ sau khi họ đã ở với Ngài và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14), sau khi họ đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng.

Hôm nay Đức Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho tôi sau khi tôi đã theo đạo một thời gian dài, đã cầu nguyện và tham dự các bí tích…

“Còn anh, anh bảo Thầy là ai?”

Câu hỏi này nhắm thẳng vào tôi, đòi tôi phải trả lời.  Tôi không được trả lời qua loa hay máy móc.

Câu trả lời của tôi phải bắt nguồn từ một kinh nghiệm, kinh nghiệm gặp gỡ và quen biết Đức Giêsu.  Chẳng nên theo một người mà mình không quen và tin tưởng.

Đời tín hữu là một hành trình tìm kiếm không ngừng để khám phá ra khuôn mặt luôn mới mẻ của Đức Giêsu.

Ngài thật là một mầu nhiệm khôn dò và quá phong phú.  Chúng ta chỉ mon men đến gần, nhưng không sao múc cạn được mầu nhiệm ấy.  Phải thanh lọc những hình ảnh ta vốn có về Ngài.

Người làng Na-da-rét cứ nghĩ Đức Giêsu chỉ là bác thợ.  Gioan Tẩy Giả nghĩ Ngài là một Mê-si-a vinh quang toàn thắng.

Phải gột bỏ cái biết cũ về Ngài để đón nhận một Đức Kitô khác, vượt xa điều mình nghĩ.

“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.”

Cần trở nên trẻ thơ để nhận ra khuôn mặt thật của Giêsu.

Hôm nay, chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô,” và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa.”  Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả lời đúng câu hỏi mà còn là sống tận căn thân phận của Thầy.

Ngay sau khi loan báo con đường khổ nạn mình sắp đi, Đức Giêsu loan báo con đường dành cho người môn đệ.  Môn đệ chỉ có một con đường, con đường của Thầy.

Thầy đã sống phận người với tất cả bấp bênh tăm tối, tôi có dám sống phận người của tôi trong niềm vui không?

Thầy đã chịu chết vì làm chứng cho sự thật, tôi có dám hiến mạng tôi vì Thầy và vì Tin Mừng không?

Thầy đã vượt qua đau khổ để vào vinh quang bất diệt, tôi có dám chọn con đường khiêm hạ và nghèo khó không?

“Người ta bảo Thầy là ai?”
Ta cần biết cái nhìn của con người hôm nay về Đức Giêsu.
Nhiều cái nhìn đúng nhưng chưa đủ.
Truyền giáo là giúp người ta biết đúng và đủ về Ngài.  Không phải là cái biết lý thuyết trong sách vở, nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ.

Cuộc sống của ta vén mở căn tính của Đức Giêsu.
Dung mạo của ta phải mang nét đặc trưng của Ngài.
Đức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).
Chúng ta ao ước nói: “Ai thấy tôi là thấy Đức Giêsu.”

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con, nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt, và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây, xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Trích trong ‘Manna’

PHƯƠNG THẾ DUY NHẤT

“Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.”

“Ai không lên núi của Thiên Chúa vào buổi sáng, sẽ hiếm khi tìm thấy Ngài dưới đồng bằng suốt thời gian còn lại!” – John Bunyan.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Bunyan được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện không chỉ buổi sáng, nhưng cả buổi tối và suốt đêm; sáng ngày, Ngài chọn các tông đồ.  Dường như với Ngài, cầu nguyện là ‘phương thế duy nhất’ khi phải chọn lựa!

Hơn các thánh sử khác, Luca miêu tả tính cách của Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện!  Nhìn Ngài, xem ra không ai tất bật với việc rao giảng, chữa lành và thực hành xót thương như Ngài.  Nhưng dẫu bận rộn đến đâu, mỗi ngày, Ngài cũng dành cho mình những giờ phút “lên núi của Thiên Chúa” như một ưu tiên hàng đầu, “Từ sáng sớm khi trời còn tối mịt, Người ra đi đến một nơi hoang vắng và cầu nguyện tại đó;” hoặc trước một biến cố quan trọng, Ngài cầu nguyện suốt đêm.  Với Ngài, cầu nguyện là ‘phương thế duy nhất.’  Chọn lựa càng quan trọng, cầu nguyện càng khẩn thiết và lâu giờ hơn!

Giữa một thế giới dành giật, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc của công việc, kể cả việc học hành hoặc ngay cả việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các lãnh vực, thì chưa bao giờ chúng ta cảm thấy mình ngày càng có ít quỹ thời gian như ngày nay.  Đức Phanxicô cảnh báo, “Hãy cầu nguyện để khỏi mất đức tin.  Ai không cầu nguyện là rời xa đức tin, biến đức tin thành một ý thức hệ chỉ mang tính luân lý; ở đó, không có Chúa Giêsu!”; ngài nói, “Việc cầu nguyện không thể chỉ gói gọn trong một tiếng đồng hồ ngày Chúa Nhật; nhưng mỗi người cần sống mối tương quan thâm tình hằng ngày với Chúa Giêsu; nhờ đó, chúng ta mới có khả năng phân định và chọn lựa giữa bao điều phải chọn lựa!”

Bên cạnh đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là, đừng bao giờ quên rằng, điều nâng đỡ chúng ta nhất, chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho mỗi người.  Ngài xướng cả tên lẫn họ của mỗi người trước Chúa Cha, Ngài tỏ cho Chúa Cha thấy những thương tích của từng người là giá cứu rỗi Ngài sẽ trả.  Vì thế, cả khi lời cầu nguyện của bạn và tôi chỉ lắp bắp – ảnh hưởng bởi một đức tin dao động – và nó chưa là ‘phương thế duy nhất’ của những chọn lựa, bạn vẫn không bao giờ được ngừng tin tưởng vào Ngài.  Tôi không biết cầu nguyện thế nào nhưng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi!

Anh Chị em,

“Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.”  Đức Phanxicô nói, “Được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện nhút nhát của chúng ta đậu trên đôi cánh đại bàng của Ngài và bay lên tận trời.  Ngài đang cầu nguyện cho tôi!”  Cũng thế, Mẹ Giáo Hội đang liên lỉ cầu nguyện cho tôi.  Mỗi ngày Giáo Hội không ngừng “lên núi của Thiên Chúa” – các bàn thờ – cùng Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời cầu và tạ ơn.  Giáo Hội cầu nguyện với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu; và tuyệt vời nhất, Giáo Hội và con cái của Giáo Hội được Chúa Giêsu cầu nguyện cho trước nhan Cha Trên Trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘phương thế duy nhất’ để con có thể chọn lựa mà không hối tiếc là cầu nguyện.  Vì càng nhận lãnh trong im ắng, con càng biết cho đi trong hành động!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CUỐN SÁCH MỘT CHỮ

Người ta kể chuyện rằng: ngày kia một văn sĩ bỗng nảy sinh ra một ý kiến ngộ nghĩnh.  Ông ta muốn viết một cuốn sách.  Mà cuốn sách ấy, ông muốn làm sao cho nó không được dài quá một trang.  Cuốn sách một trang này lại phải làm sao cho nó không được dài quá một dòng.  Dòng ấy phải làm sao cho nó chỉ vỏn vẹn có một chữ.

Chữ độc nhất ấy, cố nhiên, phải làm sao diễn tả được hết mọi tư tưởng cao xa, tốt đẹp của văn sĩ.

Ý nghĩ ấy ngày đêm ám ảnh ông ta, làm cho ông ta mất ăn, mất ngủ.  Làm thế nào viết được cuốn sách một chữ ấy?

Cuối cùng nhà văn kia đành ngồi khoanh tay bó gối, thở dài thất vọng…  Tất cả những danh từ trên thế giới, không đủ cung cấp tài liệu, và ý nghĩa cho công việc ông ta dự định thực hiện.

Nhưng, cuốn sách một chữ ấy Thiên Chúa đã viết được.  Chữ độc nhất, hàm súc mọi ý nghĩa, vừa hùng hồn, sâu rộng, vừa nhẹ nhàng ý nhị để diễn tả được những kỳ công kiệt tác trong vũ trụ.  Tất cả những gì là tươi mát, là xinh đẹp, tất cả những gì là đáng quý chuộng, đáng yêu thương, đáng đòi hỏi, đáng tìm kiếm, đáng ước ao, đáng khát vọng.

Chữ ấy là: Maria, tên của người Trinh Nữ đã được thiên Chúa tuyển chọn và tô điểm cho cân xứng với thiên chức làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, cân xứng để trở nên vườn địa đàng thật hoàn hảo, thật sặc sỡ, thật kiều diễm để trong cung lòng của Maria, Thiên Chúa sẽ cử hành một lễ cưới long trọng, không phải giữa một người với một người, nhưng là giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Ngày hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng ngày chào đời của công trình tuyệt hảo ấy của Thiên Chúa.  Hân hoan vì với tiếng khóc và nụ cười của em bé mang tên Maria này, vầng đông của lịch sử và công trình cứu rỗi của toàn thể nhân loại đã ló dạng.

Một ngày nọ, thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, gặp trong nhà thờ một người đàn bà có vẻ đang đau khổ nhiều.  Bà ta vừa trở thành góa phụ.  Ông chồng đã rơi từ cầu xuống sông và bị chết đuối.  Ông ta đã chết khi chưa kịp ăn năn thống hối.  Do đó, đối với bà, ông chồng chắc chắn đã mất linh hồn.

Cha Vianney đã nhẹ nhàng đến gần, và được Chúa soi sáng, cha đã nói:

–  Chồng bà đã được cứu thoát. Quá ngạc nhiên và tỏ vẻ không tin, bà ta lại hỏi:

 Thưa cha, làm sao lại có thể như vậy?  Cha Vianney cắt nghĩa:

 Có Chúa ở giữa chiếc cầu và dòng sông.  Chồng bà đã cùng rơi với Chúa và khi rơi, ông đã làm hòa với Ngài.

 Nhưng làm sao có thể như vậy được  Bà vợ hỏi lại:

 Ðó là một ơn của Ðức Mẹ.  Cha Vianney trả lời và cắt nghĩa tiếp:

 Vì một hôm, trên đường từ đồng về nhà, chồng bà đã hái một đóa hoa đem chưng trước tượng Ðức Mẹ ở bên đường.  Ðức Mẹ có thể quên được cử chỉ tốt đẹp này sao?

Mừng ngày sinh nhật của Mẹ Maria hôm nay, chúng ta hãy quyết hái nhiều chiếc hoa xinh đẹp dâng kính Mẹ.  Nhất là chúng ta hãy tiếp tục làm những việc đạo đức thông thường dâng kính mẹ, như: lần hạt Mân Côi, đọc kinh truyền tin, nguyện kinh cầu.  Nhưng chúng ta hãy làm những việc đạo đức thông thường ấy một cách phi thường.  Có nghĩa là: miệng đọc, lòng suy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, để cuộc đời của Ðức Mẹ, vốn đã trở nên một với cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng được thể hiện trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.

Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

HÃY CAN ĐẢM LÊN

Một tác giả nào đó đã nói, đại ý: điểm khác biệt nổi bật nơi con người là có ý chí.  Không có ý chí, con người chỉ là khúc gỗ buông trôi theo dòng chảy cuộc đời.  Kinh nghiệm thực tế cho thấy, dù ở bất kỳ bậc sống nào, chúng ta cũng cần có ý chí và nghị lực để vươn lên.  Thời nào cũng có những cậu ấm cô chiêu cậy vào cha mẹ có chức có của, ỷ lại vào người khác.  Những người này, dù có được nâng đỡ cũng không thể thành nhân và thành đạt, nếu bản thân không có ý chí.  Vì thiếu nghị lực, một số người, trong đó có những người còn rất trẻ, đã dễ dàng quyên sinh khi gặp bế tắc.  Giữa dòng đời ngược xuôi bôn ba, đầy những cạm bẫy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy can đảm lên!

Bài đọc I đưa chúng ta về lại thời lưu đày của dân Do Thái.  Họ bị bắt đi đày ở Ba-by-lon vào năm 587 trước Công nguyên.  Vua nước Giu-đa và các quan lại và hầu hết dân chúng đều phải rời quê cha đất tổ, sống cảnh tha hương nhục nhã ê chề.  Họ thường hướng về quê hương, tưởng nhớ quá khứ hào hùng của dân tộc.  Họ cầu nguyện xin Chúa giải thoát.  Và, Chúa đã báo tin vui qua môi miệng ngôn sứ I-sai-a.  Vị ngôn sứ khẳng định: “Can đảm lên đừng sợ!  Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em.”  Thực vậy, vào năm 538 trước Công nguyên, Thiên Chúa đã dùng vua Ba Tư là Ky-rô cho người Do Thái hồi hương để phục hồi xứ sở.  Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài.  Nhờ quyền năng của Ngài, sa mạc sẽ nở hoa, miền khô cạn sẽ thành ao hồ.  Con người sẽ được tự do.

Sống trên trần gian, hết thảy chúng ta đang là những người lữ hành.  Theo nhãn quan Ki-tô giáo, đích điểm của cuộc lữ hành này là Quê Trời, hay còn gọi là Thiên Đàng.  Người Ki-tô hữu tin rằng, họ không đơn lẻ trong hành trình này.  Họ luôn có Chúa đồng hành để nâng đỡ chở che.  Lịch sử cuộc đời cá nhân mỗi người ít nhiều đã chứng minh điều ấy.  Thiên Chúa không để con người ngã quỵ trên dòng đời.  Ngài nâng đỡ những ai kêu cầu và tín thác vào Ngài.

Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để khẳng định: con người là tạo vật được Chúa yêu thương.  Ngài săn sóc họ chu đáo, đến nỗi mọi sợi tóc trên đầu đã được Ngài đếm cả (Lc 12,7).  Trong Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su làm phép lạ cho người vừa điếc vừa ngọng nói được.  Phép lạ của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.  Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”

Tại sao đôi khi trong Tin Mừng, Chúa Giê-su lại cấm không cho mọi người kể lại?  Các chuyên viên chú giải Kinh Thánh gọi đây là “Những bí mật thiên sai.”  Đức Giê-su không muốn cho công chúng biết rộng rãi về Người, vì chưa đến thời của Người.  Hơn nữa, Người không muốn cho người ta nghĩ Người như một nhà ma thuật phù phép, cũng không muốn cho họ mang quan niệm trần tục về sứ vụ Thiên sai.  Người muốn dần dần mạc khải cho công chúng, để họ đón nhận sứ điệp của Người và để họ nhận biết Chúa Cha là Đấng đã sai Người đến trần gian.

Qua phép lạ Chúa Giê-su đã làm, người bệnh được giải phóng khỏi mọi ràng buộc.  Thánh Mác-cô đã nói đến việc anh này được chữa khỏi, giống như có một sợi dây vô hình nào đã buộc lưỡi anh ta lại, và nay lưỡi được mở ra.  Cách nói này muốn diễn tả Đức Giê-su là Đấng đến để giải thoát con người.  Người dẫn đưa họ không phải chỉ thoát khỏi bệnh tật, mà còn thoát khỏi tội lỗi, khỏi những đam mê lôi cuốn và ràng buộc con người trong vòng cương tỏa của quyền lực ác thần.

Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu cùng chết và phục sinh với Đức Giê-su.  Bí tích này làm cho Ki-tô hữu trở thành tạo vật mới, thoát khỏi hậu quả của tội Nguyên tổ.  Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, Đức Giê-su là người chỉ đạo, người Thầy và người Bạn hướng dẫn chúng ta.  Tin vào Đức Giê-su, chúng ta phải thực hành lời Người giáo huấn.  Thánh Gia-cô-bê (Bài đọc II) đã khuyên các tín hữu: anh chị em đã tin vào Đức Giê-su thì đừng đối xử thiên tư, trọng người này và khinh người nọ.  Những gì thánh Gia-cô-bê viết trong thư phản ánh cho thấy vào thời của ngài, đã có sự chia rẽ phân biệt giữa người giàu và người nghèo ngay trong các cộng đoàn đức tin.  Ngày hôm nay, trong xã hội và trong các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, sự phân biệt ấy vẫn tồn tại.  Những chia rẽ và ghen tỵ này làm ảnh hướng không tốt đến hình ảnh của Giáo hội. Đức tin vào Chúa Giê-su phải giúp chúng ta đối xử thân thiện với hết mọi người, vì tất cả là anh chị em của cùng một Cha trên trời, như Chúa Giê-su đã nhiều lần khẳng định.

Giữa cuộc sống còn nhiều âu lo trăn trở trước những khó khăn, thất bại và lo toan cơm áo gạo tiền, xin cho chúng ta biết can đảm phó thác vào Chúa, là Đấng Quan phòng yêu thương chúng ta.  Hãy can đảm lên!  Chúa Giê-su đã dạy: Cha trên trời quyền năng và nhân ái vượt xa những người cha trần thế.  Ngài sẵn sàng lắng nghe và phù trợ chúng ta (x. Mt 7,7-12).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

NỖI SỢ

Nếu không hoàn toàn là một thánh nhân hay một nhà thần nghiệm, bạn sẽ luôn sống trong nỗi sợ cái chết và đời sau.  Đó đơn thuần là một phần nhân sinh.  Nhưng chúng ta có thể và phải, vượt lên nỗi sợ của chúng ta trước Thiên Chúa.

Khi còn là đứa trẻ, tôi sống với nhiều nỗi sợ.  Tôi từng có một tưởng tượng rất sinh động và thường lặp đi lặp lại, hình dung thấy những kẻ sát nhân núp dưới giường mình, rắn độc bò trườn trên chân, những bả thuốc độc trong thức ăn, những kẻ bắt nạt đang tìm nạn nhân để hành hạ, và cả trăm cách khác khiến tôi phải chết, những mối đe dọa đủ kiểu đang lẩn khuất trong bóng tối.  Khi còn nhỏ, tôi thường sợ, sợ bóng tối, sợ chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa.

Khi trưởng thành, những tưởng tượng của tôi cũng trưởng thành, không còn hình dung rắn bò khắp nơi hay có kẻ giết người rình rập.  Tôi bắt đầu thấy mạnh mẽ lên, tự chủ, hình dung những sự vô minh với các góc tối của nó là một cơ hội để lớn lên hơn là một mối đe dọa sự sống.  Nhưng dẹp đi nỗi sợ rắn rết, sợ kẻ sát nhân giấu mặt và sợ bóng tối, là một chuyện.  Còn để vượt qua được nỗi sợ cái chết, sợ đời sau, và sợ Thiên Chúa lại là chuyện khác, khó hơn nhiều.  Những nỗi sợ này là những con quỷ cuối cùng cần phải trừ đi, và phép trừ tà này không bao giờ tiễu trừ hoàn toàn được.  Chính Chúa Giêsu đã run rẩy trong nỗi sợ chết, trước những chuyện vô minh mà chúng ta phải đối diện trong cái chết.

Nhưng Ngài không run rẩy trước Thiên Chúa, và đó là sự khác biệt.  Khi đối diện với cái chết và sự vô minh, Ngài có thể trao trọn bản thân cho Thiên Chúa Cha, với niềm tin của một người con, như đứa bé bám vào cha yêu thương của mình, và chính điều đó cho Ngài sức mạnh và can đảm để tiếp tục đi qua cái chết vô danh, cô độc và bị hiểu lầm, với phẩm giá, trìu mến và tha thứ.

Chúng ta không bao giờ cần phải sợ Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy.  Nhưng tin tưởng Thiên Chúa cũng bao hàm một nỗi sợ lành mạnh trước Thiên Chúa, bởi một nỗi sợ nhất định là một phần tự có của tình yêu.  Kinh thánh nói rằng: Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan.  Nhưng nỗi sợ đó, nỗi sợ lành mạnh, phải được hiểu là một sự tôn kính, một sự kinh đảm yêu thương, một tình yêu sợ mình khiến người yêu thất vọng.  Nỗi sợ lành mạnh là nỗi sợ của tình yêu, sợ mình phản bội, sợ mình không chung thủy với một tình yêu nhưng không.  Chúng ta không sợ người mà chúng ta tin tưởng, không sợ người đó đột nhiên trở nên độc đoán, bất công, ác độc, không thể hiểu nổi, tàn bạo, và không còn yêu thương.  Không.  Mà là chúng ta sợ rằng liệu chúng ta có xứng đáng với niềm tin tưởng được đặt nơi chúng ta không, có thể là niềm tin của ai đó, và có thể là niềm tin của Chúa.

Nhưng chúng ta phải tin tưởng rằng Thiên Chúa thông hiểu con người.  Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta luôn ý thức để tâm đến Ngài.  Thiên Chúa chấp nhận bản tính lang bạt của tâm hồn chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận những mệt mỏi và kiệt nhọc của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận nhu cầu cần lơ đãng và thoát ly của chúng ta.  Thiên Chúa chấp nhận rằng chúng ta thường dễ chìm vào giải trí hơn là cầu nguyện.  Và Thiên Chúa còn chấp nhận sự kháng cự của chúng ta với Ngài, cả nhu cầu muốn kiêu ngạo khẳng định sự độc lập của mình.  Như một người mẹ trìu mến ôm đứa con đang la hét giãy đạp, nhưng lại đang cần được bồng ẵm và nâng niu, Thiên Chúa cũng có thể xử trí những cơn giận, thương thân và kháng cự của chúng ta.  Thiên Chúa hiểu con người, nhưng chúng ta phải đấu tranh để hiểu con người có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa.

Trong nhiều năm, tôi sợ rằng tôi đã quá chìm vào trong những chuyện của đời này, tự nhận mình là một con người có tâm linh, tôi luôn sợ rằng Chúa muốn nhiều hơn nữa nơi tôi.  Tôi cảm thấy tôi phải dành thêm thời gian để cầu nguyện, nhưng thường thì đến lúc đó tôi lại quá mệt để cầu nguyện, quá hứng thú xem một trận cầu trên tivi, hay quá thích thú được ngồi lại với gia đình, đồng nghiệp, hay bạn bè, nói về đủ chuyện ngoài những chuyện tâm linh.  Trong nhiều năm, tôi sợ rằng Thiên Chúa muốn tôi phải tâm linh tuyệt đối.  Có lẽ là thế thật.  Nhưng khi có tuổi, tôi bắt đầu nhận ra rằng hiện diện với Chúa trong cầu nguyện và hiện diện với Chúa trong lòng, thì giống như hiện diện với một người bạn đáng tin cậy vậy.  Trong một tình bạn nhẹ nhàng thoải mái, bạn bè không dành hết thời gian để nói về tình cảm dành cho nhau.  Mà họ nói về đủ thứ chuyện, tán gẫu, thời tiết, công việc, con cái, những cơn đau đầu, những chuyện đau lòng, mệt mỏi, những chuyện vừa xem được trên tivi, đội bóng yêu thích, những chuyện chính trị, và chuyện đùa mới nghe được.  Và dù thế, thỉnh thoảng đôi bạn thân cũng than phiền rằng lý tưởng nhất mình nên nói về những chuyện sâu sắc hơn đi chứ.  Có nên không nhỉ?

Gioan Thánh Giá đã dạy rằng, trong bất kỳ tình thân lâu dài nào, đến tận cùng những chuyện quan trọng nhất bắt đầu xảy ra dưới bề mặt, và những đàm đạo bên ngoài trở thành thứ yếu.  Ngồi lại với nhau, thoải mái với nhau, cảm giác như đang ở nhà, đó là những gì chúng ta trao cho nhau trong tình thân.

Và trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, cũng đúng như thế.  Thiên Chúa tạo dựng chúng ta làm con người, và Thiên Chúa muốn chúng ta, những con người với đủ yếu đuối lơ đãng, hiện diện trong Ngài với sự thanh thản, thoải mái và cảm giác như đang ở nhà.  Nỗi sợ Thiên Chúa có thể là tôn kính mà cũng có thể là nhút nhát, mà tôn kính thì lành mạnh còn nhút nhát là hoang tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI