RA KHỎI HÔN MÊ

“Ngài không được phép lấy bà ấy!”

Một thành viên của hội “Những Người Nghiện Rượu Vô Danh” từng gửi cho chuyên mục Ann Landers những lời này: “Chúng tôi uống vì hạnh phúc và trở nên bất hạnh; chúng tôi uống để cảm nhận thiên đường và cảm thấy như địa ngục; chúng tôi uống vì tự do và trở thành nô lệ; chúng tôi uống để xoá bỏ các vấn đề và thấy chúng nhân lên; chúng tôi uống để ra khỏi hôn mê và thấy mình chết thật!”

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến một Hêrôđê ‘hôn mê’ khi ông cưới lấy vợ anh mình.  Lời Gioan đánh thức ông là một hành động xót thương của Thiên Chúa; qua đó, Ngài cho ông một cơ hội để ‘ra khỏi hôn mê’ và nhận ra rằng, linh hồn bất tử của mình sắp chết!

Tiếng Chúa qua lương tâm có thể gây khó chịu; tuy nhiên, hãy cảm ơn Ngài mỗi khi bạn được nhắc nhở.  Sẽ không có gì sai phạm khi bạn ăn mừng những kỷ niệm, những ngày nghỉ; vậy mà như Hêrôđê, chúng ta có nguy cơ tìm kiếm một thú vui nào đó vốn chỉ thao túng đạo đức, mài mòn tính người.  “Đừng quên, trong các cuộc vui, Satan luôn đứng đàng sau những bức màn!”  Vì thế, hãy cho phép mình tìm kiếm những gì lành mạnh mà bạn có thể chia sẻ niềm vui trong chừng mực với người thân.  ‘Chừng mực’, một điều thật đáng kể!  Vì người ta sẽ không biết từ chối những điều cấm nếu đã không học biết chối từ những điều được phép!  Và không phải điều tôi dâng Chúa mới đáng giá, nhưng sẽ đáng giá hơn, điều tôi từ chối vì Ngài!

Khi Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, lương tâm ông cắn rứt.  Ông biết mình đã giết người.  Sự hiện diện của Chúa Giêsu là một ân sủng bổ sung để ông ‘ra khỏi hôn mê.’  Đáng tiếc, đó là một ân sủng mà ông đã không tận dụng như ông đã không tận dụng sự hiện diện của Gioan.  Trong cuộc đời chúng ta, đã bao lần tiếng Chúa nhắc nhở bạn và tôi về ơn gọi nên thánh; bao lần Ngài tỏ cho bạn và tôi lòng xót thương.  Vậy mà chúng ta để nó qua đi!  Hãy tìm kiếm sự hoán cải trong tâm hồn, trong lĩnh vực mà tôi biết mình còn xa lánh Thiên Chúa; hoặc ít nữa biết rằng, mình chưa ‘ra khỏi hôn mê!’

Anh Chị em,

“Ngài không được phép lấy bà ấy!”  Trước lời nhắc nhở của Gioan, Hêrôđê lờ đi.  Tại sao?  Bởi lẽ, Satan đứng đằng sau tất cả những thái độ này.  Nó gieo rắc thù hận nơi người phụ nữ, sự phù phiếm nơi cô gái trẻ và sự thối nát nơi vị vua.  Và trong bối cảnh này, Gioan đã chết một mình trong nhà giam vì tính khí thất thường của một vũ nữ phù phiếm, lòng căm thù của một người đàn bà ác độc và sự thối nát của một vị vua thiếu quyết đoán.  Gioan, “người đàn ông vĩ đại nhất được sinh ra bởi một phụ nữ” đã tự cho phép mình nhỏ lại để nhường chỗ cho Đấng Mêsia.  Cuộc sống chỉ có giá trị khi chúng ta ‘ra khỏi hôn mê’ để biết cho đi trong tình yêu, trong sự thật; khi chúng ta trao nó cho người khác trong cuộc sống hàng ngày.  Ai giữ sự sống cho mình, bảo vệ nó như ông vua tham tàn hay người đàn bà lòng đầy thù hận, hay người con gái hời hợt, hơi giống trẻ vị thành niên, thì vô tình, sự sống chết héo, trở nên vô dụng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tỉnh hay mê?  Đừng để sự sống trong con chết héo!  Để được vậy, giúp con can đảm nghe được tiếng Chúa hầu ‘ra khỏi hôn mê!’ Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

LỄ CHÚA HIỂN DUNG

Theo chu kỳ phụng vụ, hôm nay là Chúa nhật XVIII thường niên, trùng với ngày 6-8 dương lịch, lễ “Chúa hiển dung.”  Ngày lễ này cũng được gọi là “Lễ Chúa biến hình.”  Tên gọi này gợi lại sự kiện Chúa Giê-su biến đổi hình dạng trên núi, trước mặt ba tông đồ.  Sự kiện này được cả ba tác giả Tin Mừng “nhất lãm” thuật lại.  Tuy có một vài chi tiết khác nhau, nhưng cả ba đều nhấn mạnh tới thiên tính của Đức Giê-su và sứ vụ của Người.  Cả ba tác giả đều ghi lại tiếng từ đám mây nói về Chúa Giê-su: “Đây là Con Ta yêu dấu” (Mt 17,5; Mc 9,7), hoặc “Đây là người Ta tuyển chọn” (Lc 9,35).  Đây là lời của Chúa Cha nhằm giới thiệu với các môn đệ sứ mạng thiên sai của Đức Giê-su.  Sự kiện “biến hình” xảy ra vài ngày sau khi Đức Giê-su nói với các môn đệ về cuộc khổ nạn của Người.  Lời tiên báo này gây tâm trạng hoang mang nơi các ông.  Trong bối cảnh ấy, ba môn đệ thân thiết với Chúa Giê-su là ông Phê-rô, ông Gio-an và ông Gia-cô-bê, đã được Chúa dẫn lên núi.  Sự kiện này chắc chắn đã để lại một dấu ấn không phai mờ nơi tâm trí các ông.  Sau này, thánh Phê-rô viết trong thư mà chúng ta đọc trong Bài đọc II như sau: “Quả thế, Người (tức là Chúa Giê-su) đã được Thiên Chúa ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến.”  Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.”

Mục đích của cuộc biến hình là gì?

–  Thứ nhất, Chúa Giê-su muốn củng cố tinh thần của các môn đệ.  Khi loan báo cho các ông biết Người sẽ chịu đau khổ và sẽ bị giết chết, Người cũng nói tới những điều kiện cần phải có để trở nên môn đệ Người.  Những điều này khó hiểu và khó chấp nhận, đến nỗi Phê-rô phải kéo riêng Người ra và trách móc Người.  Qua cuộc biến hình, Chúa Giê-su muốn khẳng định với các ông: dù Người có chịu đau khổ, nhưng Người sẽ sống lại vinh quang sáng láng như các ông nhìn thấy Người.  Dù Chúa đã tỏ mình như thế, các ông vẫn không thể hiểu lời tiên báo của Chúa Giê-su.  Các ông cũng không hiểu ý nghĩa lời dặn của Chúa: đừng nói với ai về sự kiện này, cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại.  Như vậy, các ông chỉ hiểu rõ ý nghĩa của cuộc biến hình sau sự kiện phục sinh.

–  Thứ hai, khi thay hình đổi dạng trước mặt ba môn đệ, Chúa Giê-su muốn các ông thay đổi quan điểm về sứ mạng Thiên Sai của Người, đồng thời thêm niềm tín thác vào quyền năng của Chúa.  Cuộc biến hình của Chúa Giê-su như một sự “lột xác” đối với các ông, giúp các ông hiểu rõ hơn về việc theo Chúa.  Nếu Chúa Giê-su đã trải qua thập giá để đến vinh quang, người môn đệ cũng phải bước đi trên con đường thập giá hằng ngày để theo Chúa và được vinh quang với Người.

–  Thứ ba, khi biến hình trên núi, hai nhân vật trong Cựu ước đã hiện ra đàm đạo với Chúa Giê-su.  Đó là ông Môi-sen, đại diện cho truyền thống lề luật; ông Ê-li-a, đại diện cho truyền thống ngôn sứ.  Là những người Do Thái đạo đức, ba môn đệ dễ dàng hiểu ý nghĩa của sự kiện này.  Chúa Giê-su muốn khẳng định: Người đến trần gian để thực hiện những gì các ngôn sứ đã loan báo từ nhiều thế hệ.  Người cũng đến để chu toàn lề luật Thiên Chúa đã ban cho dân tộc Do Thái qua trung gian ông Môi-sen.  Từ nay, Luật cựu ước không còn chỉ dành cho người Do Thái, mà cho tất cả nhân loại.  Đó là luật yêu thương.  Luật yêu thương bao gồm tất cả những luật khác, vì như thánh Phao-lô nói sau này: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Hành trình của người môn đệ Đức Giê-su đầy gian nan thử thách.  Lễ Chúa Giê-su biến hình, hay lễ Hiển Dung giúp ta thay đổi cuộc đời mỗi ngày.  Hôm nay, Chúa Giê-su đang “biến hình” giữa chúng ta.  Người khẳng định: “Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế,” nhưng chẳng ai trong chúng ta nhận thấy Người bằng mắt thường.  Chúa hiện diện vô hình và huyền nhiệm giữa chúng ta.  Chúa Giê-su cũng đang “biến hình” trong bí tích Thánh Thể.  Người hiện diện trong bí tích này, dù con mắt giác quan của chúng ta không cảm thấy.  Chỉ có Đức tin khẳng định với chúng ta: Người đang hiện diện và đang âu yếm nhìn chúng ta với tình thương vô bờ.  Người hiện diện để cảm thông, nâng đỡ chúng ta khi gánh nặng cuộc đời muốn làm chúng ta gục ngã.  Chúa Giê-su còn đang “biến hình” trong lời Kinh Thánh, trong Giáo Hội và nơi những người đau khổ, cô đơn nghèo nàn không nơi nương tựa, vì ai đón tiếp những người bất hạnh đau khổ này là đón tiếp chính Chúa vậy (x. Mt 25, 31-46).

Khi suy niệm mầu nhiệm thứ bốn mùa Sáng trong kinh Mân côi, chúng ta đọc: Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.  Lý tưởng của người Ki-tô hữu là gặp Chúa Giê-su để nên đồng hình đồng dạng với Người.  Chúa muốn cho chúng ta mỗi ngày sống là một nấc thang tiến tới trọn lành.  Chúng ta chỉ có thể vươn tới sự trọn lành nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nhiều người đã theo Chúa lâu năm mà cuộc đời không biến đổi.  Có người nói, tin Chúa nhưng hành động và lời nói lại ngược lại với lời Người dạy.  Lễ Chúa Biến hình nhắc nhở chúng ta: chúng ta phải biến đổi mỗi ngày.  Một tác giả tu đức đã viết: “chúng ta phải cố gắng vươn lên hằng ngày.  Ngày hôm nay, phải sống tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải sống tốt hơn ngày hôm nay.”  Quả vậy, sống là không ngừng vươn lên, không ngừng khám phá để cảm nhận những điều mới mẻ và diệu kỳ Chúa đang làm xung quang chúng ta.  Khi không ngừng vươn lên, chúng ta sẽ cảm nhận được Thiên Chúa mỗi ngày một điều mới mẻ.  Thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp của ngàn xưa, một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới,” và thánh nhân tỏ ra luyến tiếc: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là Đấng Tuyệt Mỹ từ đời đời đến đời đời; con đã yêu Chúa quá muộn màng.  Và xin Chúa hãy nhìn xem, Chúa chờ đợi con ở bên trong cõi lòng con, nhưng con lại ở bên ngoài cõi lòng mình, và con kiếm tìm Chúa tại đó.”

Nói về sự biến đổi, chúng ta hãy nghe thánh Phao-lô đã nhắn nhủ tín hữu Cô-rin-tô: “Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18).

Xin Chúa biến đổi chúng ta, để mỗi người trở nên hình ảnh của Ngài giữa đời.  A-men!

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TRƯỞNG THÀNH TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ VÀ CẦU NGUYỆN

Vài năm trước, một người bạn kể cho tôi nghe câu chuyện này: là người được giáo dục trong đạo Công giáo La Mã, cốt yếu là trung thành đi lễ, cố gắng sống đạo đức lương thiện, ở độ tuổi ngoài bốn mươi, anh cảm thấy mình có những nỗi nghi ngờ dằn vặt, không thể nào cầu nguyện, và thậm chí không thể nào (khi chân thành tự vấn) tin vào sự hiện hữu của Chúa.

Lo lắng về chuyện này, anh tìm linh hướng, anh đến gặp một linh mục dòng Tên, một vị linh hướng nổi tiếng.  Anh nghĩ mình sẽ được nghe các chỉ bảo quen thuộc về đêm tăm tối của tâm hồn và cách thế những chuyện này sẽ làm đức tin được tinh tuyền, và, vì đã quen thuộc với những lời lẽ như vậy, anh cũng không chờ đợi gì nhiều.  Chắc chắn anh không nghĩ mình sẽ nhận một lời khuyên như anh đã nhận.

Cha hướng dẫn dòng Tên không thử giúp anh có bất kỳ một suy tư thần học sâu sắc nào về nỗi nghi ngờ và những đêm tăm tối của đức tin.  Thay vào đó, giống như tiên tri E-li-sa đã làm với Na-a-man, người Xi-ri bị hủi, ông cho bạn tôi một lời khuyên nghe chừng quá sức đơn giản, tới nỗi gây khó chịu hơn là đem lại hy vọng: cha dòng Tên chỉ đơn giản nói với anh ta: hãy tự hứa với bản thân là phải ngồi cầu nguyện thinh lặng nửa giờ mỗi ngày, liên tục như vậy trong vòng sáu tháng.  Tôi bảo đảm nếu anh bền bỉ làm như vậy, thì sau sáu tháng, anh sẽ khôi phục được lòng tin ở Chúa.

Bạn tôi, cực kỳ bối rối với điều anh cảm thấy đây là lời khuyên quá sức đơn giản, đã phản đối rằng phần lớn nhất trong vấn đề của anh chính là anh không thể cầu nguyện, không thể nói chuyện với vị Chúa mà anh nghĩ vị Chúa đó không hiện hữu: Làm sao tôi có thể cầu nguyện được khi tôi không còn tin có Chúa?

Vị linh mục dòng Tên cương quyết: Cứ làm đi!  Hãy nỗ lực vượt bực và ngồi cầu nguyện thinh lặng nửa giờ mỗi ngày, kể cả khi anh cảm thấy mình như đang nói chuyện với bức tường.  Đó là lời khuyên thực tế duy nhất mà tôi có thể cho anh.”

Bất chấp nỗi ngờ vực của mình, bạn tôi nghe theo lời khuyên của cha dòng Tên và bền bỉ ngồi cầu nguyện thinh lặng nửa giờ mỗi ngày trong suốt sáu tháng, và sau sáu tháng, anh đã khôi phục cảm thức vào Chúa, cũng như cảm thức vào cầu nguyện.

Tôi tin rằng câu chuyện này nêu bật lên đôi điều quan trọng: Niềm tin của chúng ta về sự hiện hữu của Chúa gắn bó rất lớn đến việc cầu nguyện liên lỉ.  Tuy nhiên, và đây là điều nghịch lý, khó mà duy trì được đời sống cầu nguyện, lý do chính là vì đức tin chúng ta thường yếu ớt.  Nói đơn giản, cầu nguyện không dễ dàng gì.  Chúng ta nói dễ dàng về cầu nguyện, nhưng chúng ta vất vả lắm mới duy trì được cầu nguyện thực sự, lâu dài trong đời sống.

Cầu nguyện chỉ dễ dàng đối với những người mới bắt đầu và những ai đã thành thánh.  Suốt những năm tháng dài dằng dặc giữa hai mốc đó, thì cầu nguyện là khó khăn.  Tại sao?  Bởi vì cầu nguyện có cùng động lực nội tại như tình yêu, mà tình yêu thì chỉ ngọt ngào ở giai đoạn đầu tiên, khi lần đầu tiên chúng ta phải lòng, và ở giai đoạn cuối, khi đã chín chắn.  Còn ở giữa hai giai đoạn đó, tình yêu là nỗ lực khó khăn, lòng trung thành bền bỉ, và cần phải có quyết tâm mạnh mẽ hơn hẳn những gì mà thông thường cảm xúc và óc tưởng tượng chúng ta thúc đẩy.

Cầu nguyện cũng y như vậy.  Ban đầu khi mới cầu nguyện, cũng giống như khi người trẻ đang yêu, chúng ta có khuynh hướng có một giai đoạn tha thiết, say mê, là thời gian mà cảm xúc và óc tưởng tượng giúp chúng ta cảm thức rằng Chúa tồn tại và Chúa nghe thấy những lời cầu nguyện của mình.  Nhưng khi đi sâu hơn và trưởng thành hơn trong mối quan hệ với Chúa, cũng như trong mối quan hệ với một người chúng ta thương yêu, thì thực tại bắt đầu xua tan đi ảo tưởng.  Không phải chúng ta bị vỡ mộng về Chúa, mà đúng hơn là chúng ta nhận ra rằng quá nhiều những ý nghĩ và cảm xúc sôi nổi mà trước đây chúng ta tin là về Chúa thật ra là về chính chúng ta.  Vỡ mộng là một điều tốt.  Đó là xua tan ảo tưởng.  Cái mà chúng ta tưởng là cầu nguyện thật ra là một phần của trạng thái mê hoặc về chính chúng ta.

Khi ảo mộng bắt đầu tan vỡ, và đó là thời điểm trưởng thành trong đời sống chúng ta, dễ dàng cho rằng chúng ta bị vỡ mộng về người kia, người mà chúng ta đã phải lòng, hoặc trong trường hợp cầu nguyện là Chúa.  Phản ứng dễ dàng nhất là rút lui, từ bỏ, coi toàn bộ sự việc là ảo tưởng, một sai lầm ngay từ đầu.  Trong đời sống thiêng liêng, thường đó là lúc chúng ta thôi không cầu nguyện nữa.

Nhưng đó là lúc cần chính điều ngược lại.  Điều chúng ta cần làm lúc đó là nỗ lực vượt bậc, làm như chúng ta đã từng làm, nhưng trừ đi những suy nghĩ và cảm xúc sôi nổi, chán ngán, nghi hoặc, và gột bỏ mê hoặc về chính mình.  Càng đi sâu vào các mối quan hệ và vào cầu nguyện, chúng ta càng trở nên do dự về bản thân mình, và đây là khởi đầu của sự trưởng thành: Đó là khi tôi nói, tôi không biết làm thế nào để yêu và tôi không biết làm thế nào để cầu nguyện, là tôi bắt đầu hiểu tình yêu và cầu nguyện thật sự là như thế nào.

Vì vậy, chẳng có lời khuyên nào hay hơn là lời khuyên mà vị linh mục dòng Tên nọ đã nói với bạn tôi, người nghĩ rằng mình là kẻ vô thần: Hãy cố gắng vượt bậc!  Ngồi xuống khiêm nhường và thinh lặng thật lâu, cho tới khi nào anh có thể bắt đầu nghe thấy một người nào đó khác, chứ không phải chính mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SỐNG TRONG ÁNH SÁNG

Cách đây vài năm, có một người đàn ông đến xin tôi làm cha hướng dẫn thiêng liêng cho ông.  Ông ấy ngoài bốn mươi và gần như mọi chuyện chung quanh ông chứng tỏ ông là người mạnh khỏe.  Khi chúng tôi ngồi xuống nói chuyện, tôi có nói cho ông biết, tôi thấy mọi thứ xung quanh ông có vẻ đang tốt đẹp.  Ông mỉm cười và trả lời rằng, đúng, bây giờ thì đúng như vậy, nhưng trước đây không thì không vậy.  Hạnh phúc của ông có câu chuyện riêng của nó… và cả tiền sử của nó.  Đây là câu chuyện ông kể:

“Trong đời tôi, không phải khi nào bản thân tôi và mọi thứ xung quanh đều êm đẹp; thực tế là, để được như ngày hôm nay là cả một nỗ lực khó khăn chật vật lâu dài của tôi.  Hơn 20 mươi năm nay, từ lúc tôi rời trường phổ thông trung học cho đến cách đây ba năm, tôi đã vật lộn với hai chứng nghiện: nghiện rượu và nghiện tình dục.  Tôi kiểm soát được chúng ở mức đủ để về căn bản, tôi có thể giấu không cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp biết.  Tôi cũng không bao giờ hành xử lộ liễu nguy hiểm gì cho lắm.  Tôi nghiện, nhưng vẫn kiểm soát được đời mình một cách tốt đẹp.  Vấn đề là tôi sống hai mặt – một mặt là cuộc sống với gia đình, bạn bè và mặt kia là cuộc sống lén lút (rượu, sách báo phim ảnh khiêu dâm, các quán rượu với gái).  Tôi chưa bỏ việc ngày nào và luôn luôn hoàn thành công việc ở mức chuyên nghiệp cao, nhưng cuộc sống của tôi dần dần bắt đầu dính chặt hơn với hai thứ nghiện đó – giấu diếm, nói dối về những gì tôi làm, dữ tợn bảo vệ những thứ riêng tư của tôi, phẫn nộ với bất cứ điều gì hay bất cứ ai đứng ngáng giữa tôi và hai thứ tôi nghiện, và ngày nào tôi cũng bất ổn, tính toán xem tối đến sẽ đi đâu.  Tôi làm việc nghiêm chỉnh và giữ các mối quan hệ nghiêm chỉnh, nhưng tâm trí tôi, và sự quan tâm chú ý thật sự của tôi cứ nhắm vào một thứ khác, những thứ tôi nghiện, chuyện tôi muốn và sắp làm.

Tôi không biết rõ điều gì đã châm ngòi khởi sự, nhưng có một loạt các sự kiện giáng xuống cùng một lúc (cái chết của cha tôi, một vài lần suýt chút bị lộ, một vài chuyện rất nhục nhã, và một vài giây phút sáng tỏ may mắn khi tôi nhận thấy cả cái đạo đức giả của mình lẫn con đường cụt mà mình đang đi), cách đây ba năm tôi tham dự một khóa tu ở một tu viện và thu hết can đảm để nói chuyện rất lâu với cha tu viện trưởng.  Cha gợi ý tôi nên tham gia hai chương trình phục hồi, một là về rượu và một về tình dục.  Tôi theo lời khuyên của cha, và tất cả những gì tôi có thể nói là, điều đó đã xoay chuyển hẳn cuộc đời tôi.  Tôi bây giờ đã “tỉnh táo” được ba năm và nói đúng nhất là bây giờ “tôi đã lại thấy được màu sắc.”  Không có điều gì mang lại cảm giác tuyệt vời hơn là được trung thực chính đáng!  Tôi chưa bao giờ hạnh phúc như thế này.  Tôi giờ đang sống trong ánh sáng!”

Chúng ta được mời gọi sống trong ánh sáng, nhưng chúng ta có xu hướng lãng mạn quá sức về việc sống trong ánh sáng.  Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng sống trong ánh sáng có nghĩa là cần phải có một kiểu ánh sáng đặc biệt trong lòng chúng ta, một ánh hào quang thiêng liêng lấp lánh trong lương tâm, một niềm vui óng ánh trong lòng khiến lúc nào chúng ta cũng muốn ngợi ca Chúa, một không gian ánh sáng thiêng liêng quanh suy nghĩ của chúng ta.  Nhưng đó là chuyện không thật.  Sống trong ánh sáng nghĩa là gì?

Sống trong ánh sáng nghĩa là sống trong trung thực, trong sáng và giản dị, minh bạch, không có mảng tối bí mật giấu diếm nào.

Mọi chương trình chuyển hóa và phục hồi xứng đáng với tên gọi này đều đặt cơ sở trên việc đưa chúng ta trở về với loại trung thực chính đáng này.  Chúng ta có được tình trạng khỏe mạnh về tâm trí chính xác là bằng cách quét phăng đi những bí mật ghê tởm nhất của mình và đưa chúng ra ánh sáng.  Sống tiết độ là sống trong sự trung thực chính đáng và minh bạch, chứ không phải sống không có bất kỳ hóa chất nào, không cờ bạc hay thói quen tình dục.  Chính chuyện giấu diếm điều gì đó, chuyện nói dối, không trung thực, không chính đáng, lừa lọc, hay những phẫn uất mà chúng ta ấp ủ đối với những người đứng ngáng đường giữa ta và các thứ nghiện của ta, mới gây ra tổn hại thật sự tới chúng ta và những người chúng ta thương yêu.

Tình trạng khỏe mạnh về tâm trí là ở sự trung thực chính đáng và sự minh bạch, vì thế chúng ta sống trong ánh sáng khi chúng ta sẵn sàng mở ngỏ mọi mảng trong cuộc sống, cuộc đời mình cho những ai cần tin tưởng chúng ta xem xét.

Sống trong ánh sáng nghĩa là luôn luôn có thể nói cho những người chúng ta yêu thương biết là ta đang ở đâu và đang làm gì.  Sống trong ánh sáng là không phải lo lắng ai đó sẽ truy ra được những trang web nào ta đã truy cập vào.  Sống trong ánh sáng là không chột dạ bồn chồn khi ai đó trong gia đình mình thấy tủ hồ sơ của mình không khóa.  Sống trong ánh sáng là có thể để cho những người chung sống với ta nghe những gì trong điện thoại di động của ta, thấy những gì trong hộp thư điện tử của ta, và biết những ai trong danh sách gọi nhanh của chúng ta.  Sống trong ánh sáng là có một người nghe ta thổ lộ và có thể nói với người đó về chuyện gì chúng ta đang gắng gỏi chật vật mà không phải giấu diếm điều gì.  Sống trong ánh sáng là sống theo cách mà, đối với những ai biết ta, cuộc sống, cuộc đời ta giống như một quyển sách để mở.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHỌN LỰA ƯU TIÊN

Kho báu trong ruộng, viên ngọc quý và chiếc lưới bắt cá, những hình ảnh rất bình dị và gần gũi với đời thường của xứ sở Palestina được Chúa Giêsu sử dụng để truyền đạt giáo huấn của Người về Nước Trời.

Người nông dân hiểu rõ giá trị của kho báu khi ông phát hiện được chôn trong ruộng; người lái buôn kinh nghiệm trong nghề nên đánh giá đúng giá trị của viên ngọc.  Họ đã tìm thấy những vật có giá trị cao và quyết định đánh đổi bằng cả gia sản của mình.  Có người trách họ sao dại thế, vì mua kho báu và viên ngọc mà mất mọi sự thì lấy đâu nhà mà ở, đồ đạc đâu mà sử dụng.  Tuy vậy, họ là những người khôn ngoan biết nhìn xa trông rộng.  Bởi họ chắc chắn rằng, một khi đã tậu được thửa ruộng có kho báu hoặc viên ngọc quý thì họ sẽ có tất cả.  Và một khi đã sở hữu kho báu và viên ngọc quý giá kia thì sẽ được lợi gấp trăm gấp ngàn lần số vốn mà họ đã bỏ ra.  Như thế, họ không phải là những người nông nổi dại dột, mà trái lại, họ là những người khôn ngoan chín chắn, hiểu biết chọn lựa và quyết định của mình.  Họ đã tận dụng cơ hội, nhanh tay sở hữu những tài sản mà họ biết rõ giá trị của chúng.

Nước Trời giống như… Chúa Giêsu thường dùng công thức này để nói về Nước Trời.  Không có hình ảnh nào diễn tả chính xác Nước Trời.  Nếu có sử dụng những hình ảnh đời thường thì đó chỉ là sự so sánh để người nghe dễ hiểu và để đón nhận giáo huấn mà Chúa muốn thông truyền.  Chúa dạy chúng ta, Nước Trời phải là một chọn lựa ưu tiên cho những ai muốn nên trọn lành.  Cũng như người quyết định mua thửa ruộng có chôn giấu kho báu và viên ngọc quý có giá trị cao, người đón nhận Nước Trời cũng phải chấp nhận hy sinh, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống mình.  Nhưng sự hy sinh ấy không phải là vô nghĩa, vì một khi họ đã được sở hữu Nước Trời làm gia nghiệp thì họ sẽ có tất cả.  Họ sẽ có Chúa là Cha, có mọi người là anh chị em.  Họ sẽ tìm được sự than thản trong tâm hồn cùng với niềm vui và hạnh phúc ở đời này và đời sau.  Chúa Giê-su đã khẳng định: “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự bình an của Người.  Còn những điều khác Người sẽ ban sau.”  Lịch sử Giáo Hội nói với chúng ta đã có biết bao người nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo, chấp nhận chọn lựa Chúa bằng sự từ bỏ hy sinh và họ đã chứng minh rằng đó là một chọn lựa đúng.

Nội dung Bài Tin Mừng được diễn tả rõ nét hơn khi nối kết với Bài đọc I của Chúa nhật này: Salômôn là một ông vua còn trẻ tuổi khi nối nghiệp vua Đavít là cha mình.  Trong ngày phong vương, Chúa đã cho ông một ân huệ, đó là ông xin gì thì Chúa sẽ ban.  Salômôn không xin bạc vàng.  Ông cũng chẳng xin mạng sống quân thù.  Ông chỉ xin với Chúa sự khôn ngoan để có thể lãnh đạo Dân riêng của Chúa là dân Israen.   Nội dung lời cầu nguyện của ông đã chứng minh ông là một người khôn ngoan rồi!  Chúa đã chấp nhận lời xin của ông và lịch sử đã chứng minh ông là là người khôn ngoan nổi tiếng, làm cho các vua, hoàng hậu và các nước láng giềng phải thán phục.  Một khi ông được ơn khôn ngoan, Salômôn cũng được bạc vàng, mạng sống quân thù, sự giàu có và phồn thịnh cho quốc gia.  Nhờ sự khôn ngoan của vua Salômôn mà vương quốc được bình an và phát triển.  Ông đã trở thành biểu tượng của sự khôn ngoan trong lịch sử.  Salômôn đã biết xin điều cần thiết cho bản thân và dân tộc mình.  Như người lái buôn và người nông dân biết rõ giá trị của thửa ruộng và của viên ngọc quý, ông hiểu rõ sự khôn ngoan quan trọng thế nào đối với bậc mẫu nghi thiên hạ.

Trong cuộc sống của chúng ta, vẫn luôn có những người khôn sống chung với người dại (xem lại Lời Chúa Chúa nhật trước với dụ ngôn cây lúa và cỏ lùng).  Trong cuộc sống vẫn có những người lại khôn ngoan theo kiểu thế gian, tức là sự mánh lới lọc lừa.  Có nhiều người “khôn lỏi” chỉ nhằm tới lợi lộc ích kỷ mà làm tổn hại tới tha nhân.  Lấy gì làm tiêu chuẩn cho sự khôn ngoan giả và sự khôn ngoan thật?  Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Người bằng hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển để bắt cá.  Người muốn nói với họ: các bạn đừng lo và đừng nản chí trước tình trạng có nhiều người kiêu ngạo và gian ác mà vẫn nhởn nhơ.  Người tốt và người xấu sẽ có lúc được phân biệt.  Lịch sử này sẽ kết thúc như một mẻ lưới mà tất cả các loại cá tốt xấu đểu phải vào lưới đó.  Lúc bấy giờ, các thiên sứ theo lệnh của Chúa mà chọn lọc.  Xấu tốt sẽ được phân biệt rõ ràng.  Lành dữ sẽ được xét xử công minh, vì Chúa là Đấng thẩm phán tối cao của lịch sử.  Gieo nhân nào, sẽ gặt quả nấy, người không tin Chúa vẫn khẳng định: “Ông Trời có mắt!”  Có thể con người không đoán được ý Chúa, chưa biết tương lai và hậu vận của mình sẽ ra sao.  Tuy vậy, cần xác tín một điều: đối với những ai thiện chí sống tốt lành, thì Thiên Chúa không bỏ rơi bao giờ, vì “Ngài làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được kêu gọi như ý Người định” (Bài đọc II).  Điều quan trọng là mỗi chúng ta luôn thận trọng, khôn ngoan và tỉnh thức, vì sẽ có ngày thế giới kết thúc như một mẻ lưới, và Chúa sẽ chọn lọc cá tốt, loại bỏ cá xấu.

Nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã chọn Chúa là lẽ sống và là gia nghiệp của đời mình.  Sự chọn lựa này không chỉ dừng lại ở ngôn từ phát biểu, cũng không phải chỉ được thực hiện lúc lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, nhưng phải được minh chứng qua đời sống mỗi ngày của chúng ta, thể hiện qua lời nói, tư tưởng và hành động.

Đức tin là viên ngọc quý, là kho tàng mà chúng ta phải đánh đổi bằng biết bao cố gắng nỗ lực để giữ gìn.  Chúng ta hãy dành cho Chúa một vị trí ưu tiên trong đời chúng ta, vì một khi có Ngài trong trái tim và tâm hồn, chúng ta sẽ được Chúa ban mọi điều cần thiết cho cuộc sống.

“Am hiểu tự hào vì mình biết quá nhiều; khôn ngoan nhún nhường rằng mình chỉ biết đến thế” (Knowledge is proud that it knows so much; wisdom is humble that it knows no more). (William Cowper -Từ điển danh ngôn Việt Nam).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH GIACÔBÊ (TIỀN) TÔNG ĐỒ

1. Thân thế của Giacôbê:

Giacôbê là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, anh của thánh Gioan Tông Đồ; sống nghề chài lưới ở biển Giênêgiaréth, bạn chài với Phêrô và Andrê. Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Giacôbê và Gioan Tông Đồ nhiều lần.

Họ thuộc nhóm những môn đệ tâm giao của Chúa Giêsu (cùng với Phêrô và Gioan).  Các ngài được chứng kiến:

Việc Chúa cho con gái ông Giairô sống lại.
Sự hiển dung của Chúa ở đồi Thabor.
Lúc Chúa cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

Giacôbê là người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai đã lấy máu đào của mình làm chứng cho Chúa  Giêsu: vua Hêrôđê Antipa đã ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 44 (Cv 12,2; Mt 20,22-23).  Như thế ứng nghiệm lời Chúa tiên báo cho ông: “ông đã thông chia chén của Chúa.”

2. Tính tình của Giacôbê: Giacôbê được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).

Giacôbê được Chúa gọi là “con của thiên lôi,” điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào.  Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích điều đó.  Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đề nghị với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54).

Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).

Cao vọng của người mẹ truyền sang cho người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin.  Bằng chứng là Márcô kể lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).

Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông.  Chúa hoán cải các môn đệ:

Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau, vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).

Bằng cái chết của Người: con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28).  Các Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.

3. Nhận thức và áp dụng:

Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền làm nghề chài lưới vất vả; đàng khác lại có tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa.  Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Kitô quả có sức làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.

Noi gương thánh Giacôbê: người tông đồ không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa.

Đi theo Chúa, Giacôbê vẫn còn có những tham vọng phàm trần, song nhờ sự giáo huấn của Chúa và nhất là gương sống của Chúa đã khiến ông từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hiến mình cho Chúa cách trọn vẹn.

Người tông đồ cần lắng nghe lời Chúa để đón nhận những giáo huấn của Chúa; đồng thời phải biết chiêm ngắm gương sống của Chúa để noi gương bắt chước sống trọn vẹn cho Chúa.

Giacôbê được Chúa dành riêng trong nhóm những người thận cận của Chúa để được chứng kiến những sự việc cần thiết cho sứ mạng làm chứng nhân trong vai trò người Tông Đồ.

Những ai được mời gọi sống đời thánh hiến, cũng được tuyển chọn riêng trong thời gian tu luyện để tìm gặp Chúa, đến với Chúa, ở lại với Chúa và để được biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ tông đồ của mình.

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn: tgpsaigon.net

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA

Quý vị và các bạn thân mến,

Tin Mừng theo thánh Gioan vừa nhắc đến Thánh nữ Maria Mađalêna, vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay.  Bà là người nữ được diễm phúc gặp Chúa Giêsu phục sinh đầu tiên.  Khi gặp được Chúa, bà vui sướng reo mừng, bà đi báo cho các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa.”  Rồi bà kể lại cho các ông những điều Chúa đã nói với bà.  Tuy nhiên thật tiếc thay, bà Maria Mađalêna đã không nhận ra được Chúa phục sinh, ngay từ phút giây đầu tiên khi Chúa xuất hiện trước mặt bà.  Chúa đứng đó nhưng bà đã không nhận ra Chúa, mà phải trải qua một tiến trình với nhiều dấu hiệu, đến khi Chúa gọi tên bà, lúc ấy bà mới nhận ra Chúa.

Chúng ta tự hỏi, điều gì đã ngăn cản cản bà Maria Mađalêna không nhận ra Chúa ngay từ phút đầu tiên ấy.  Thánh Gioan cho chúng ta thấy qua các dấu hiệu:

Bà Maria Mađalêna đến mộ từ sáng sớm, bà thấy dấu hiệu đầu tiên đó là “tảng đá lăn khỏi mộ” bà không còn thấy Chúa.  Với suy nghĩ của loài người, bà chỉ nghĩ được rằng “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ và các bà chẳng biết họ để Người ở đâu?”  Bà không đủ sáng suốt để nghĩ về Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành bà khỏi bảy quỷ, giờ đây hẳn Ngài thực hiện quyền năng của Ngài như đã báo trước.  Bà tối tăm sầu buồn đến nỗi đâu còn nhớ Chúa có đủ quyền năng, làm cho đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim cũng như Lazaro chết chôn trong mồ được sống lại.  Bà chỉ suy nghĩ và lý giải theo cách hiểu, cách nhìn rất trần thế của bà.  Tảng đá được lăn ra, mồ trống, nghĩa là Người ta đem Chúa đi.  Với lối suy nghĩ về Thiên Chúa theo cách suy luận của con người, thật khó để nhận ra Chúa.

Khi bà Maria Mađalêna đến mộ lần thứ hai cùng với hai môn đệ, bà không thấy mọi sự diễn ra như bà suy tính, bà buồn rồi khóc.  Bỗng bà thấy dấu hiệu nữa là: hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Chúa Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.  Thiên Thần hỏisao bà khóc.”  Thấy Thiên Thần, vậy mà bà chưa mở lòng để suy nghĩ thêm: Thiên Thần đâu dễ xuất hiện trong cuộc sống đời thường, phải có điều gì đó rất đặc biệt Thiên Thần mới xuất hiện chứ?  Rồi bà vẫn trả lời một câu y như lần trước, một câu nói như đã lập trình sẵn trong suy nghĩ kiểu loài người của bà.  Bà nói với Thiên Thần: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”  Với lối suy tính và chờ mong mọi sự diễn ra theo ý mình, mà không chịu mở lòng ra với các dấu hiệu Chúa gởi đến trong cuộc đời, chắc hẳn sẽ không nhận ra Chúa.

Và rồi, khi thấy dấu hiệu là chính Chúa Giêsu đứng đó.  Chúa Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc?  Bà tìm ai?”  Bà đang vẽ ra trong đầu suy nghĩ của mình về Thiên Chúa.  Nên bà tưởng Chúa là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.  Bà cứ mải miết bám vào các dữ liệu trần thế theo cách nhìn của bà, rằng đã có ai đó lấy xác Chúa.  Giờ đây bà thấy ông này dáng vẻ người làm vườn, với suy nghĩ không đổi bà trả lời cũng vẫn bằng một câu trả lời không thay đổi, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết...  Với lối tưởng tượng và suy đoán theo cách của con người, làm sao có thể nhận ra Chúa.

Qua ba dấu hiệu của lần đầu tiên Chúa phục sinh hiện ra với bà Maria Madalena, chúng ta rút ra được đôi điều suy niệm.  Trong cuộc đời, nhiều khi:

chúng ta suy luận theo kiểu của loài người,
chúng ta suy tính và chờ mong mọi sự diễn ra theo ý mình,
rồi chúng ta tưởng tượng ra mọi sự.

Vì thế, chúng ta không còn khả năng nhận ra Chúa, rồi khóc lóc than trách.  Đôi khi Chúa muốn thực hiện cho chúng ta điều mới lạ, nhưng tâm trí chúng ta đã mờ tối, không dám mở lòng cho chính Ngài, không nhìn ra được các dấu hiệu Chúa gởi đến, làm sao chúng ta nhận ra Chúa được.  Những lúc ấy, nếu lắng lòng xuống, nếu chú tâm nghe tiếng gọi quen thuộc của Chúa từ sâu thẳm cõi lòng, nếu biết lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ nhận ra Chúa như bà Maria Madalena hôm nay, chúng ta sẽ vui sướng reo lên và đi loan báo rằng “Tôi đã thấy Chúa.”

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
và trong những toan tính của con người,
xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên bà Maria Mađalena ngày ấy.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin thêm sức cho con, để con dám ra khỏi mình,
mà nghe được tiếng Chúa và nhận ra Chúa đang hiện diện bên con,
Chúa đang gọi tên con cách âu yếm và Ngài chờ mong con nhận ra Ngài.  Amen!

Nữ tu Minh Thùy

LÒNG CHÚA BAO DUNG

Phụng vụ hôm nay cho chúng ta nghe một chuỗi ba dụ ngôn, được trình bày trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.  Dụ ngôn “cây lúa và cỏ lùng” là dụ ngôn chính, và được Chúa Giê-su giải thích chi tiết cho các môn đệ.  Xin lưu ý, cũng như Chúa nhật trước, những dụ ngôn được Chúa Giê-su giảng cho đám đông dân chúng, còn lời giải thích dụ ngôn, thì Người lại chỉ giải thích với các môn đệ, như một nhóm nhỏ những người thành tâm theo Chúa và thiện chí thực thi lời Người dạy.

Theo văn mạch, chuỗi dụ ngôn này nằm trong phần những lời rao giảng về Nước Trời, còn gọi là vương quốc của Thiên Chúa.  Vương quốc ấy đã khởi đầu ở trần gian.  Để đón nhận vương quốc ấy, con người phải trải qua nhiều thử thách cam go.  Những ai kiên trung đến cùng, sẽ được vào Nước Trời.

Nếu hình ảnh “Người gieo giống” được nhắc tới trong Tin Mừng Chúa nhật trước là chính Chúa Giê-su, thì Lời Chúa hôm nay cũng giới thiệu Người như ông chủ ruộng.  Người chủ ruộng có tên là Giê-su đã gieo hạt giống tốt nơi lòng con người, nhưng kẻ xấu là ma quỷ (hay ác thần) lại lợi dụng lúc đêm tối để gieo hạt cỏ lùng.  Hạt cỏ là mầm mống của dối trá và hận thù, đại diện cho các thế lực chống lại giáo huấn của Đức Giê-su.  Cuộc sống này cứ thế là trôi đi, luôn hiện hữu người tốt và người xấu, như cây lúa và cỏ lùng.  Nhiều người bức xúc trước khung cảnh này, và họ đã mong Chúa diệt hết những người xấu trên trần gian.  Họ giống như người đầy tớ đến xin phép ông chủ để nhổ hết cỏ lùng trong ruộng lúa.

Nếu con người suy nghĩ thiển cận và tầm thường, thì Thiên Chúa lại bao dung và nhân hậu.  Trong mỗi chúng ta, đều đang tồn tại đồng thời cây lúa và cây cỏ lùng.  Nơi thâm tâm chúng ta, vừa có ánh sáng và bóng tối.  Tâm hồn con người vừa cao cả vừa thấp hèn.  Nếu muốn diệt hết những cây cỏ lùng, vô tình chúng ta mong Chúa tiêu diệt chính chúng ta, vì có những lúc chúng ta yếu đuối, khuyết điểm và còn nặng trĩu những đam mê.  May thay, Chúa không xử như lời người đầy tớ yêu cầu, và nhờ đó, chúng ta vẫn sống, mặc dù đôi lúc chúng ta phạm tội.

Thiên Chúa nhân hậu và khoan dung.  Người để cho cây lúa và cây cỏ lùng cùng lớn lên.  Nhưng những ai bức xúc và buồn phiền hãy an tâm, vì số phận tương lai của người lành và kẻ dữ không giống nhau.  Sẽ có lúc phân biệt người lành và người xấu.  Ai làm tốt sẽ được thưởng và ai làm điều xấu sẽ bị trừng phạt.  Hình ảnh mùa gặt trong Kinh Thánh diễn tả “Ngày của Chúa,” hoặc “Ngày tận thế.”  Lúc đó, lành dữ sẽ rõ ràng phân minh, thưởng phạt sẽ công khai minh bạch.

Nếu cây cỏ lùng không bao giờ thành cây lúa, thì lòng người lại có thể từ xấu biến đổi thành tốt.  Khi ơn Chúa và thiện chí của con người gặp gỡ nhau, thì phép lạ sẽ xảy đến và điều không thể sẽ thành có thể.  Hai dụ ngôn kế tiếp chứng minh với chúng ta điều ấy.  Hạt cải rất nhỏ bé, nhưng khi lớn lên thành cây to.  Men trong bột dường như vô hình, nhưng lại làm cho bột dậy lên, tạo nên những chiếc bánh hương vị đậm đà.  Nước Trời như hạt cải, như chút bột men, rất nhỏ bé và vô hình trong cuộc đời này, nhưng đang tác động mạnh mẽ để góp phần làm thăng hoa cuộc sống của chúng ta.

Bài Đọc I trích sách Khôn ngoan và Thánh vịnh đáp ca, có cùng một nội dung, đó là lòng nhân hậu của Chúa: “Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin.”  “Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con.”

Sống giữa “thửa ruộng cuộc đời” này, mỗi chúng ta hãy cố gắng để trở nên cây lúa tốt, luôn trĩu bông và chắc hạt.  Để được điều đó, chúng ta cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.  Có Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể làm được mọi sự.  Thánh Phao-lô khuyên chúng ta (Bài đọc II), hãy cậy dựa vào Chúa Thánh Thần để Ngài giúp ta cầu nguyện và phân định những đâu là cây lúa, đâu là cây cỏ lùng, nhờ đó chúng ta sẽ nên hoàn thiện, nên muối men giữa cuộc đời còn đầy những gian nan thử thách.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Thiên Chúa Ẩn Mình Và Bóng Tối Của Đức Tin

Khi tôi mới bắt đầu dạy thần học, tôi nghĩ mình có thể viết được một quyển sách về sự giấu mình của Thiên Chúa.  Tại sao Thiên Chúa vẫn giấu kín và vô hình?  Tại sao Thiên Chúa không hiện thân rõ ràng để không một ai có thể phản bác?

Một trong những tiêu chuẩn để trả lời cho câu hỏi này là: Nếu Thiên Chúa biểu lộ mình rõ ràng thì không cần đức tin nữa.  Nhưng như thế lại dấy lên câu hỏi: Ai cần đức tin?  Không phải sẽ tốt hơn nếu như thấy được Thiên Chúa rõ ràng sao?  Tất nhiên còn có những câu trả lời khác cho câu hỏi này, nhưng tôi không biết hoặc không nắm bắt cho đủ sâu để thấy những câu trả lời đó có nghĩa.  Ví dụ như, một câu trả lời cho rằng Thiên Chúa là Thần Khí thuần tính và thần khí đó không thể lĩnh hội được qua ý thức con người bình thường.  Nhưng dường như nói thế này là quá mơ hồ.  Và tôi bắt đầu tìm kiếm một câu trả lời khác hay một diễn giải tốt hơn cho câu hỏi này.  Và cuối đường tìm kiếm, tôi thấy cả một túi vàng, nó đã dẫn tôi đến với thần nghiệm, cụ thể là Gioan Thánh Giá, và các ngòi bút thiêng liêng như Carlo Carretto.

Câu trả lời của họ là gì?  Họ không có câu trả lời nào đơn giản cả.  Những gì họ đem lại cho tôi là những quan điểm khác nhau quy chiếu về sự khôn tả của Thiên Chúa, mầu nhiệm đức tin và mầu nhiệm về nhận thức con người nói chung.  Về căn bản, cách chúng ta nhận thức Thiên Chúa là rất nghịch lý, nghĩa là, càng biết sâu hơn về sự gì đó, thì con người hay khách thể đó bắt đầu bớt rõ ràng hơn về mặt khái niệm.  Một trong những nhà thần nghiệm lừng danh nhất lịch sử cho rằng khi chúng ta đi vào sự thân mật sâu sắc hơn, thì chúng ta đồng thời cũng đi vào một ‘đám mây vô thức’ cụ thể là đi vào một nhận thức quá thâm sâu đến nỗi không thể khái niệm hóa được.  Điều này nghĩa là gì?  Ba ví dụ tương tự dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu.

Thứ nhất: Hình tượng một em bé trong bụng mẹ.  Trong dạ mẹ, đứa bé được người mẹ bao bọc hoàn toàn, nhưng nghịch lý là đứa trẻ không thể thấy được mẹ mình và không có khái niệm gì về mẹ.  Sự bất lực của đứa trẻ không thể thấy được hình ảnh mẹ là bởi người mẹ hiện diện khắp mọi nơi, chứ không phải vì không diện hiện.  Người mẹ quá hiện diện, quá bao bọc, nên không thể nhìn thấy hay khái niệm được.  Đứa trẻ phải sinh ra rồi mới thấy được mẹ mình.  Chúng ta với Thiên Chúa cũng vậy.  Kinh Thánh bảo chúng ta rằng chúng ta sống, và vận động, và thở, và hiện hữu trong Thiên Chúa.  Chúng ta đang trong dạ của Chúa, được Ngài bao bọc, và như một đứa trẻ, chúng ta phải được sinh ra (cái chết cùng là tái sinh) để thấy Thiên Chúa mặt đối mặt.  Đó là sự tăm tối trong đức tin.

Thứ hai: Ánh sáng cực độ là bóng tối.  Nếu bạn nhìn thẳng vào mặt trời với đôi mắt trần, thì bạn thấy gì?  Chẳng thấy gì cả?  Một ánh sáng quá mức khiến bạn bị mù cũng như nhìn vào bóng tối câm vậy.  Và đó là lý do vì sao chúng ta gặp khó khăn trong việc nhìn Thiên Chúa, và là lý do vì sao càng đi vào thân mật với Thiên Chúa, càng đi vào sâu trong Ánh Sáng, thì Thiên Chúa dường như càng biến mất và khó hình dung hơn.  Chúng ta đang bị mù, không phải vì Thiên Chúa không hiện diện, mà vì Ngài là ánh sáng quá mức với đôi mắt trần của chúng ta.  Bóng tối của đức tin là bóng tối của ánh sáng cực độ.

Và thứ ba: Sự mật thiết sâu sắc là đả phá những lối mòn niềm tin.  Càng thân mật với ai đó, thì những hình dung của chúng ta về người đó bắt đầu tan rã đi.  Hãy thử tưởng tượng: Một người bạn nói với bạn rằng: “Tôi hoàn toàn hiểu anh.  Tôi biết gia đình anh, nền tảng của anh, đạo đức của anh, tính khí và tâm tính của anh, các điểm mạnh điểm yếu, và thói quen của anh.  Tôi hiểu anh.” Bạn có cảm thấy mình được người khác hiểu hay không?  Tôi ngờ là không.  Bây giờ hình dung một bối cảnh khác.  Một người bạn nói với bạn rằng: “Anh thật bí ẩn với tôi!  Tôi đã biết anh trong nhiều năm, nhưng anh thật thâm sâu mà tôi không dò thấu.  Càng quen biết anh, tôi càng thấy anh là một điều bí ẩn.”  Trong sự không hiểu này, khi mình là một điều bí ẩn hoàn toàn đối với nhận thức của người bạn này, nghịch lý thay, bạn lại thấy mình được người đó hiểu rất nhiều.  Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng chúng ta càng đi sâu vào sự mật thiết, thì sẽ bắt đầu hiểu bằng cách không hiểu hơn là hiểu.  Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng như thế.  Ban đầu, khi sự mật thiết của chúng ta không quá sâu sắc, thì chúng ta cảm thấy mình hiểu mọi sự và chúng ta có những cảm nhận và ý niệm chắc chắn về Thiên Chúa.  Nhưng chúng ta càng đi sâu, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy cảm nhận và ý niệm của mình sai lầm và trống rỗng, vì sự mật thiết của chúng ta đang mở chúng ta ra với mầu nhiệm trọn vẹn hơn của Thiên Chúa.  Nghịch lý thay, điều này có vẻ như Thiên Chúa biến mất và không tồn tại.

Theo định nghĩa, đức tin hàm chứa một sự tối tăm nghịch lý, càng đến gần Thiên Chúa trong đời, thì Thiên Chúa dường như càng biến mất, bởi ánh sáng cực độ có thể giống như bóng tối vậy.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH BONAVENTURA – CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI

Thánh Bonaventure được sinh ra vào khoảng năm 1217, ngài đã qua đời vào năm 1274; ngài đã sống ở thế kỷ 13, một thời đại đức tin Kitô giáo, sâu xa thấm nhiễm vào văn hóa và xã hội Âu Châu, đã gợi hứng thực hiện những tác phẩm bất hủ trong lãnh vực về văn chương, nghệ thuật về thị giác, triết lý và thần học.  Nổi nang trong số những nhân vật Kitô giáo lớn lao cao cả, thành phần đã góp phần vào việc sáng chế ra mối hòa hợp này giữa đức tin và văn hóa, chính là Thánh Bonaventura, một con người của hoạt động và chiêm niệm, của lòng đạo đức sâu xa và của đức khôn ngoan quản trị.

Ngài được gọi là Gioan thành Fidanza.  Một biến cố bất ngờ đã xẩy ra khi ngài còn là một đứa con trai đã sâu xa ghi dấu vết cuộc đời của ngài, như chính ngài thuật lại.  Ngài đã bị nhiễm một cơn bệnh trầm trọng, đến  nỗi ngay cả cha ngài là một vị bác sĩ cũng không hy vọng cứu được ngài khỏi chết.  Mẹ của ngài bấy giờ xin Thánh Phanxicô Assisi là vị được phong thánh trước đó ít lâu chuyển cầu.  Và cậu bé Gioan đã được chữa lành.  Hình ảnh Người Nghèo Thành Assisi càng trở nên thân thương hơn một năm sau đó, khi ngài ở Paris, nơi ngài đến lo chuyện học vấn của ngài.  Ngài đã lấy được văn bằng Cao Học về Nghệ Thuật, một bằng cấp chúng ta có thể so sánh với cấp bằng của một trường có thế giá hạng nhì trong thời đại chúng ta.  Vào lúc ấy, như nhiều bạn trẻ trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Gioan đã hỏi mình một câu hỏi quan trọng: “Tôi phải làm gì cho đời sống của tôi?”  Được thu hút bởi chứng từ về lòng sốt sắng và tính chất sâu xa về Phúc Âm của Dòng Em Hèn Mọn, những thày dòng đã đến Balê vào năm 1219.  Gioan đã gõ cửa đan viện Phanxicô của thành phố này, và xin được chấp nhận vào đại gia đình của thành phần môn đệ của Thánh Phanxicô.

Nhiều năm sau, ngài đã cắt nghĩa cho biết những lý do về việc chọn lựa này của ngài: Ngài đã nhận thấy hoạt động của Chúa Kitô nơi Thánh Phanxicô cũng như nơi phong trào do thánh nhân khởi xướng.  Ngài đã viết như thế trong một bức thư ngỏ cùng một thày dòng khác: “Tôi tuyên xưng trước mặt Chúa lý do khiến tôi yêu chuộng hơn đời sống của Chân Phước Phanxicô đó là đời sống này giống như nguồn gốc và sự phát triển của Giáo Hội.  Giáo Hội bắt dầu với những con người đánh cá bình dân, và đã trở nên phong phú hơn lập tức với những vị tiến sĩ rất thông giỏi và khôn ngoan; tôn giáo của Chân Phước Phanxicô không được thiết lập bởi sự khôn ngoan của con người, mà là bởi Chúa Kitô” (Epistula de tribus quaestionibus ad magistrum innominatum, in Opere di San Bonaventura. Intoduzione generale, Rome, 1990, p. 29).

Bởi thế, vào khỏang năm 1243, Gioan đã được mặc áo dòng Phanxicô bằng len thô sơ và lấy tên là Bonaventura.  Ngài liền được lệnh học hành và lui tới với phân khoa thần học ở Đại Học Paris, theo đuổi một chương trình bao gồm các môn học rất khó.  Ngài đã chiếm được các tước hiệu khác nhau cần có theo nghề hàn lâm, những tước hiệu “cử nhân thánh kinh” và “bachelor’s in sentences.”  Bởi thế, Thánh Bonaventura đã học hỏi sâu xa về Thánh Kinh, các Câu Nói của Peter Lombard, cuốn cẩm nang về thần học thời bấy giờ, và những tác giả quan trọng nhất về thần học, và trong việc giao tiếp với các vị giáo sư và sinh viên đến Paris từ khắp Âu Châu, ngài đã trưởng thành tâm tưởng của ngài và cảm quan thiêng liêng rất sáng giá là những gì trong giòng thời gian của những năm sau đó, đã cho thấy nơi các tác phẩm và bài giảng của ngài, làm cho ngài trở thành một trong những thần học gia quan trọng nhất của lịch sử Giáo Hội.  Cần phải nhắc lại danh xưng của luận án the licentia ubique docendi, như bấy giờ gọi như thế, được ngài biện hộ để có thể hợp lệ giảng dạy khoa thần học.  Luận án của ngài mang tên “Những Vấn Đề về Kiến Thức của Chúa Kitô.”  Lập luận này cho thấy vai trò chính yếu của Chúa Kitô bao giờ cũng được thấy nơi đời sống và việc giảng dạy của Thánh Bonaventura.  Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng tất cả tư tưởng của ngài đều sâu xa qui về Chúa Kitô nhân trung.

Trong những năm ở Paris đã xẩy ra một cuộc tranh luận dữ dội chống lại Anh Em Hèn Mọn Dòng Thánh Phanxicô Assisi và Anh Em Thuyết Giảng Dòng Thánh Đaminh Guzmán.  Cuộc tranh cãi về quyền giảng dạy của các thày dòng này ở đại học và những ngờ vực thậm chí liên quan tới tính chất chân thực nơi đời sống tận hiến của các vị.  Thật sự thì những thay đổi mang lại bởi các Dòng Hành Khất này nơi đường lối hiểu biết đời sống tu trì rất ư là mới mẻ tới độ không phải hết mọi người đều hiểu được họ.  Ngoài ra, như đôi khi xẩy ra nơi những con người tu trì thành tín, là những động lực xuất phát từ tình trạng yếu đuối của con người, chẳng hạn như thèm muốn và ghen tương.  Thánh Bonaventura, mặc dù bị bủa vây bởi sự chống đối từ thành phần giáo sư đại học, đã bắt đầu giảng dạy với tư cách là khoa trưởng thần học của các thày Dòng Phanxcicô, và để đáp lại những ai đang phê bình chỉ trích các Hội Dòng Hành Khất, ngài đã viết một bản văn tựa đề là “Sự Trọn Lành Phúc Âm.”  Trong bản viết này, ngài cho thấy làm thế nào các Dòng Tu Hành Khất, nhất là Dòng Anh Em Hèn Mọn, khi thực hành các lời khấn khó nghèo, thanh tịnh và vâng phục, là theo đuổi các lời khuyên của chính Phúc Âm.  Ngoài những trường hợp lịch sử ấy, việc giảng dạy của Thánh Bonaventura nơi tác phẩm này của ngài cũng như trong đời sống của ngài bao giờ cũng là những gì hợp thời: Giáo Hội trở thành rạng ngời và tuyệt vời nhờ lòng trung thành với ơn gọi nơi những con người nam nữ của Giáo Hội là thành phần chẳng những mang ra thực hành các chỉ thị của phúc âm, mà còn là thành phần, nhờ ơn Chúa, được kêu gọi để tuân giữ lời khuyên nữa, nhờ đó làm chứng, qua lối sống nghèo nàn, thanh tịnh và tuân phục của mình, rằng Phúc Âm là nguồn vui và trọn lành.

Cuộc xung khắc này chìm xuống, ít là qua một thời gian, và, nhờ việc can thiệp riêng của Đức Giáo Hoàng Alexander IV, vào năm 1257, Thánh Bonaventura đã được chính thức công nhận là tiến sĩ và là giáo sư của Đại Học Paris.  Cho dù là thế, ngài đã từ nhiệm vị thế vinh dự này, vì cùng năm ấy, Đại Công Nghị của dòng ngài đã tuyển bầu ngài làm bề trên tổng quyền.

Ngài đã thi hành công việc này 17 năm trời một cách khôn ngoan và tận tâm, thăm viếng các tỉnh dòng, viết thư cho an hem dòng, có những lúc nghiêm nghị can thiệp vào việc loại trừ những thứ lạm dụng.  Khi Thánh Banaventura bắt đầu phục vụ thì Dòng Anh Em Hèn Mọn đã phát triển một cách phi thường: Bấy giờ đã có 30 ngàn tu sĩ trải rộng khắp phía Tây, với sự hiện diện truyền giáo ở Bắc Phi, Trung Đông và cả Bắc Kinh.  Cần củng cố việc lan rộng này và nhất là cống hiến cho nó mối hiệp nhất về hoạt động và tinh thần, hoàn toàn trung thành với đặc sủng của Thánh Phanxicô.  Thật vậy, trong số thành phần môn đệ của Vị Thánh thành Assisi này có những hình thức khác nhau nơi việc dẫn giải sứ điệp của thánh nhân và thực sự có nguy cơ xẩy ra tình trạng phân ly nội bộ.  Để tránh mối nguy hiểm này, vào năm 1260, Đại Công Nghị của nhà dòng ở Narbonne đã chấp nhận và phê chuẩn một bản văn do Thánh Bonaventura soạn thảo, một bản văn thống nhất các qui tắc chi phối đời sống hằng ngày của Anh Em Dòng Hèn Mọn.  Tuy nhiên, Thánh Bonaventura đã trực giác thấy rằng những bố trí về pháp lý, mặc dù được tác động một cách khôn ngoan và dung hợp, cũng không đủ để bảo đảm mối hiệp thông về tinh thần và tâm can.  Cần phải chia sẻ cùng lý tưởng và cùng động lực sống.  Đó là lý do vị bề trên Bonaventura muốn trình bày đặc sủng chân thực của Thánh Phanxicô, đời sống của thánh nhân và giáo huấn của thánh nhân.  Bởi vậy ngài đã hết sức nhiệt thành thu góp các văn kiện liên quan đến Con Người Nghèo này và chăm chú lắng nghe những hồi niệm của những ai trực tiếp biết thánh Phanxicô.  Từ đó mới có được một tiểu sử, theo lịch sử rất vững vàng, về Vị Thánh Assisi, với nhan đề là Legenda Maior, cũng được viết một cách rất cô đọng xúc tích và bởi thế được gọi là Truyền Thuyết – Legend.  Chữ Latinh, ngược lại với Ý ngữ, (và Anh ngữ, legend), không có nghĩa là hoa trái của việc tưởng tượng, trái lại, Legenda nghĩa là một bản văn có thế giá, “được đọc” một cách chính thức.  Thật vậy, Đại Công Nghị của Dòng Anh Em Hèn Mọn năm 1263, diễn ra ở Pisa, đã công nhận nơi cuốn tiểu sử do Thánh Bonaventura thực hiện là chân dung trung thực nhất về vị sáng lập và vì thế cuốn này trở nên cuốn tiểu sứ chính thức của vị thánh sáng lập dòng.

Hình ảnh về Thánh Phanxicô ra sao khi được xuất phát từ con tim và ngòi bút của người con và là thừa kế viên Bonaventura của mình?  Điểm thiết yếu: Thánh Phanxicô là một Chúa Kitô khác, một con người say mê tìm kiếm Chúa Kitô.  Theo tình yêu thúc đẩy việc noi gương bắt chước, thánh nhân hoàn toàn nên giống Người.  Thánh Bonaventura vạch ra lý tưởng sống này cho tất cả mọi thành phần môn đệ của Thánh Phanxicô.  Lý tưởng này, có giá trị cho hết mọi Kitô hữu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, cũng được ấn định như là một chương trình cho Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba bởi vị tiền nhiệm của tôi là Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II.  Chương trình này, ngài viết trong tông thư “Tertio Millennio Ineunte,” được qui về “Chính Chúa Kitô, Đấng cần phải được nhận biết, yêu mến và bắt chước để sống trong Người sự sống Ba Ngôi, và với Người, biến đổi lịch sử cho tới tầm vóc viên trọn của nó trong Giêrusalem thiên đình” (số 29).

Vào năm 1273, đời sống của Thánh Bonaventura lại xẩy ra một đổi thay.  Đức Giáo Hoàng Gregory X muốn tấn phong ngài làm giám mục và tuyển ngài làm hồng y.  Vị Giáo Hoàng này cũng yêu cầu ngài sửa soạn cho một biến cố rất quan trọng của giáo hội, đó là Công Đồng Chung Lyon Lần Thứ Hai, một công đồng nhắm mục tiêu tái thiết lập mối hiệp thông giữa Giáo Hội Latinh và Giáo Hội Hy Lạp.  Ngài đã dấn thân cho công việc này một cách chuyên cần, thế nhưng ngài đã không thấy được lúc kết thúc của cuộc thượng nghị về đại kết này, vì ngài chết trong khi công đồng đang diễn tiến.  Một công chứng viên vô danh của giáo hoàng đã sáng tác một bản tán dương Thánh Bonaventura, một bản tán dương cống hiến cho chúng ta bức chân dung tóm gọn về vị đại thánh này và là một thần học gia tuyệt vời này: “Một con người tốt lành, niềm nở, đạo hạnh và nhân ái, đầy nhân đức, được Thiên Chúa và loài người yêu thương…  Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho ngài ân sủng như thế, để tất cả những ai thấy ngài đều được xâm chiếm bởi một thứ tình yêu mà tâm can không thể nào giấu diếm” (cf. J.G. Bougerol, Bonaventura, in A. Vauchez (vv.aa), Storia dei Santi e della santita cristiana. Vol. VI. L’epoca del rinnovamento evangelico, Milan, 1991, p. 91).

Chúng ta hãy tiếp tục di sản của vị thánh này, vị tiến sĩ của Hội Thánh, vị nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của cuộc đời chúng ta bằng những lời này” Trên trái đất… chúng ta có thể chiêm ngưỡng cái vĩ đại bao la thần linh bằng lý luận và ngợi khen; ở quê hương trên trời, trái lại, qua việc hưởng kiến, bấy giờ chúng ta sẽ được làm cho nên như Thiên Chúa, và nhờ được ngất ngây – chúng ta sẽ hoan hưởng niềm vui của Thiên Chúa” (La conoscenza di Cristo, q. 6, conclusione, in Opere di San Bonaventura. Opuscoli Teologici /1, Rome, 1993, p. 187).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/3/2010