KHIÊM TỐN

Cách đây ít lâu tại Florida, tờ St Petersburg Times (Thời báo St Petersburg) có đăng một câu chuyện thú vị về Don Shula huấn luyện viên đoàn cá heo ở Miami.  Ông đang cùng gia đình nghỉ hè tại một thị trấn nhỏ miền bắc tiểu bang Miami.  Vào một buổi chiều nọ vì trời mưa nên Shula cùng vợ và 5 đứa con quyết định đi xem một xuất phim chiếu tại rạp hát duy nhất của thị trấn.  Khi họ đến thì các ngọn đèn trong rạp vẫn còn mở sáng.  Chỉ có 6 khán giả khác ngoài họ thôi.  Khi Shula và gia đình ông bước vào, tất cả 6 người đó liền đứng dậy vỗ tay.  Shula liền vẫy tay chào lại vừa mỉm cười đáp lễ.  Sau khi ngồi vào chỗ, Shula quay sang bà vợ và nói:

– Chúng ta từ Miami cách xa cả ngàn dặm đến đây thế mà họ tiếp đón anh nồng nhiệt đến thế. Chắc hẳn là đám cá heo được đem trình chiếu trên truyền hình đã lan tận đến cả ngõ ngách này!

Ngay lúc đó có một gã đàn ông tiến đến bắt tay Shula.  Shula tươi cười nói:

– Làm sao bạn nhận biết tôi?

Gã đàn ông trả lời:

– Thưa ông, tôi chả hề biết ông là ai cả, chẳng qua là ngay trước khi ông và gia đình ông bước vào rạp hát, viên quản lý rạp có bảo chúng tôi là nếu không có thêm 4 khán giả nữa thì ông ta không thể chiếu xuất phim này.

********************************

Tôi thích câu chuyện trên vì nó làm sáng tỏ lời huấn dụ trong các bài đọc hôm nay, nghĩa là: sự dấn thân làm Kitô hữu mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, mời gọi chúng ta bắt chước kiểu mẫu Kitô hữu nơi con người Don Shula qua câu chuyện nêu trên.  Đây là một người tiếng tăm lan rộng khắp nước không chỉ là một huấn luyện viên xuất sắc, mà còn là một con người tuyệt vời nữa.  Thật là  tự nhiên khi Shula nghĩ rằng gã đàn ông đến bắt tay ông đã nhận biết ông là ai.  Đến khi hay gã ấy chả hề biết ông là ai, thì Shula là người đầu tiên tự chế giễu mình.  Thực thế, ông rất lấy làm vui thú về sự kiện ấy nên ông mới kể chuyện đó với kẻ khác.  Và chỉ có người nào đủ khiêm tốn mới làm được như Shula mà thôi!

Điều đó nêu ra một câu hỏi.  Vậy sự khiêm tốn là gì?  Thế nào mới được gọi là khiêm tốn?  Phải chăng khiêm tốn là tự hạ mình xuống?  Cho rằng mình kém cỏi?  Phủ nhận giá trị thực của mình hay giảm thiểu nó đi?  Không phải thế!  Đức khiêm tốn mang chiều kích sâu xa và tốt đẹp hơn thế nhiều.  Khiêm tốn không phải là ít nghĩ về mình, mà là không nghĩ gì về mình hết.  Trong ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp nhất, khiêm tốn tức là làm y hệt Chúa Giêsu, Đấng đã từng nói: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật lòng” (Mt 11 ; 29). Và “Con người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10 ; 45)

Như thế, khiêm tốn có nghĩa là bắt chước sống như Chúa Giêsu – sống không cho riêng mình mà là cho kẻ khác.  Khiêm tốn nghĩa là dùng tài năng của mình giống như Chúa Giêsu – để phục vụ không phải cho bản thân và vinh quang riêng mình, mà là cho tha nhân và cho nhu cầu của họ.

********************************

Chúng ta hãy kết thúc bằng cách khẩn khoản suy nghĩ về những lời đầy cảm xúc bàn về đức khiêm nhường trong bài đọc thứ nhất hôm nay:

“Hỡi các con trai và con gái của ta
hãy thi hành công việc của các con một cách khiêm tốn
thì các con sẽ được yêu mến hơn khi các con đem quà tặng cho kẻ khác.
Càng khiêm tốn thì các con càng cao cả, và các con sẽ được Chúa ủng hộ cho.

Trích lược LM. Mark Link S.J

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *