Kitô giáo thời sơ khai có những người trở lại từ Do Thái giáo, là những người vốn vẫn trông đợi Đấng Mesia tới. Một trong những công việc của các nhà rao giảng Kitô giáo là cắt nghĩa cho những người Do Thái ấy Cựu Ước đã nhắm nói về Đức Giêsu như thế nào.
Họ đã thực hiện công việc ấy bằng cách chứng tỏ rằng những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu Ước đều là những hình bóng của những nhân vật chính yếu và của những biến cố then chốt trong Tân Ước.
Chẳng hạn họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào:
Isaac là con trai độc nhất, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac bị dâng làm hy lễ, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Chúa Giêsu cũng thế.
Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Chúa Giêsu cũng thế.
Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, Ngài đã so sánh giữa Adam và Chúa Giêsu Ngài viết: “Con người đầu tiên là Adam, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adam sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống… Adam thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra…còn Adam thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời”(1Cr.15,45-49)
**************************
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn đưa ra một cặp song đôi khác giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ngài nói: “Môisê đã treo con rắn đồng lên trụ cột nơi hoang mạc, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để tất cả kẻ tin vào Ngài sẽ được sống vĩnh cửu”
Chúa Giêsu đang hình dung nơi tâm trí Ngài biến cố xảy ra trong Cựu Ước được sách Dân số mô tả. Biến cố này thuật lại sự kiện dân Israel đang gay gắt phàn nàn Thiên Chúa và Môise về những khó khăn họ gặp phải nơi hoang mạc. Vì lời kêu ca phàn nàn ấy, lũ rắn đã xuất hiện và tấn công dân chúng. Thấy sự việc này xảy ra, đám dân khóc lóc với Môisê. “Chúng tôi đã phạm tội vì đã nói lời phản nghịch với Chúa và với Ngài. Giờ đây xin Ngài hãy cầu xin Chúa xua đuổi lũ rắn này đi”. Vì thế, Môisê đã cầu nguyện cho dân chúng. Chúa truyền cho Môisê đúc một con rắn bằng kim loại và treo nó lên một chiếc trụ, để cho bất cứ ai bị rắn cắn cứ nhìn vào con rắn ấy thì sẽ được chữa lành. Vì thế, Môisê đã đúc một con rắn đồng và treo nó lên một cái cột. Bất cứ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì đều được chữa lành” (Ds 21 : 7-9). (Y khoa đã chọn hình ảnh con rắn cuộn tròn quanh cây trụ làm biểu tượng cho nghề chữa bệnh.)
Đức Giêsu đã so sánh biến cố Cựu Ước này với việc Ngài bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Canvê.
Ngài giải thích rằng bất kỳ ai tin tưởng nhìn lên Ngài thì sẽ được chữa lành về mặt tâm linh, cũng như dân Do Thái đã được chữa lành khi ngước nhìn lên con rắn cuộn vòng quanh cây trụ.
Trong câu 16 của bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan cũng ám chỉ hình bóng đó khi nói về việc Đức Kitô bị tử hình trên thập giá. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3: 16)
Và câu 17 viết tiếp: “Thiên Chúa đã không sai con Ngài đến thế gian để luận phạt, mà là để cứu độ” (Ga 3: 17)
Hai câu này, nằm trong chương ba của Phúc Âm thánh Gioan, được gọi là bản tóm tắt Kinh Thánh chúng ta hãy nghe lại lần nữa. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài ngõ hầu tất cả những ai tin vào Con Ngài, sẽ không phải chết nhưng được sống lại đời đời. Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến thế gian để luận phạt mà để cứu độ”.
Cách đây ít năm, rất nhiều người đọc Kinh Thánh gán cho hai câu ấy một ý nghĩa hết sức đặc biệt (câu Ga 3 : 16-17). Anh chị em hãy nhớ lại thời kỳ thế giới bắt đầu có những chương trình phi hành không gian, các kỹ sư điều nghiên không gian đã thiết kế những bộ quần áo đặc biệt dành cho các phi hành gia trong phi thuyền điều hành và phi thuyền đổ bộ mặt trăng. Bản thiết kế của mỗi bộ quần áo đó có một phần dành cho việc thiết kế sợi dây cung cấp dưỡng khí, gồm một ống dài có khả năng co giãn được. Mục đích của sợi dây này là cung cấp khí Oxy cho các phi hành gia khi họ di chuyển trong không gian, hay đi từ phi thuyền này sang phi thuyền khác. Sợi dây cung cấp dưỡng khí cho phi hành gia điều hành được nối với một bình tiếp nạp nằm trong bộ y phục, bình này được gọi là J 3: 16. Còn bình tiếp nạp nằm trong bộ y phục của phi hành gia đổ bộ mặt trăng được gọi là J 3: 17. Nhà thiết kế Frank Denton nói rằng ông đã đặt tên cho hai bình tiếp nạp trong bộ y phục ấy dựa theo hai câu Tin Mừng Ga 3, 16 và 3, 17.
Ông đã lập luận cho việc đặt tên ấy như sau; Bình tiếp nạp J. 3, 16 và J.3, 17 cung cấp cho các phi hành gia những gì họ cần để tồn tại trong hành trình di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia trong không gian. Tương tự như thế, hai câu Tin Mừng Ga 3, 16 và Ga 3, 17 cũng cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta cần để tồn tại trong cuộc hành trình di chuyển từ dương thế về quê trời của chúng ta.
Bài Phúc Âm này hôm nay vì thế thực là phong phú ý nghĩa. Trước hết, nó chứa đựng bản tóm lược tuyệt hảo của toàn bộ Kinh Thánh, thứ đến, nó cho chúng ta thấy bức minh hoạ tuyệt vời về sự tương hợp giữa Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước. Và sau hết, nó chứng tỏ cho thấy Chúa Giêsu là mạch sống của chúng ta trong hành trình từ dương thế về quê trời, tựa như dây cung cấp dưỡng khí là mạch sống cho các nhà du hành vũ trụ khi họ di chuyển từ trạm này qua trạm kia.
Nói cách khác, dây chuyền dưỡng khí cung cấp cho các phi hành gia khí oxy cần thiết cho sự sống thế nào, thì Đức Giêsu cũng cấp cho chúng ta ân sủng ban sức sống như thế.
Để kết thúc, chúng ta hãy nhớ lại những lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay. Những lời này đưa chúng ta đến đỉnh cao thích hợp với những gì chúng ta đã bàn đến. Ngài nói: “Chính nhờ ân sủng Thiên Chúa mà anh chị em được cứu rỗi. Khi chúng ta kết hợp với Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được sống lại cùng với Con Ngài và cùng người Con ấy cai trị thiên giới…chính nhờ ơn sủng của Thiên Chúa mà anh chị em được cứu rỗi qua đức tin chẳng phải do kết quả những nỗ lực riêng của anh chị em mà do ân huệ của Thiên Chúa… Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được như hiện nay”.
Lm. Mark Link