Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn
 
Mẹ nó qua đời khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa noZZ
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ
 
Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng Tư con Tám hôm qua trên phố lê la
 
Miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi ! Con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ

Lê Minh Bằng

*****************************************

Nhạc phẩm “Nó” của nhạc sĩ Lê Minh Bằng được sáng tác vào thuở đất nước còn chinh chiến điêu linh, cái thưở “miền Bắc điêu tàn” đã một thời đánh động trái tim bao người.  Mấy mươi năm cuộc nội chiến đẫm máu đã qua đi, những “thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ” ngày xưa trong thời chiến ấy, nay đã trưởng thành trong xứ sở hòa bình, cuộc sống chắc không đến nỗi “đói rách bơ vơ,” hay phải “sống kiếp lang thang” nữa.  “Nó” đã đi vào quên lãng theo dòng thời gian.  Chắc đã hết rồi những “Nó” đói khát côi cút bơ vơ của thời chiến tranh loạn lạc phân ly.  Khi nghe lại nhạc phẩm “Nó” trong hoàn cảnh đất nước thời kinh tế thị trường, hội nhập với WTO, với chính sách “vươn ra biển lớn,” tôi muốn hỏi thăm số phận “Nó” ngày nay ra sao?  “Nó” đang sống cuộc đời như thế nào trong hoàn cảnh mới?  “Nó” ngày nay có khá hơn “Nó” ngày xưa không?

… và “Nó” thì thầm kể cho tôi nghe về những khuôn mặt của “Nó” trong xã hội mới.

Nhiều con hẻm, “ngõ nhỏ” ngày xưa bây giờ không còn nhỏ nữa, nhưng “Nó” vẫn còn đó, những mảnh đời bất hạnh vẫn ngày đêm tiếp tục “sống kiếp lang thang” trên những đường phố rộng lớn hơn.  Bộ mặt xã hội ngày nay đã khác xưa nhiều, những tòa nhà cao ốc mọc lên như nấm, nhà hàng, vũ trường nhiều hơn, dòng xe cộ bóng loáng tấp nập hơn xưa… xã hội xuất hiện nhiều người giàu hơn.  Nhưng riêng “Nó” thì vẫn thế, vẫn “cuộc sống đói rách bơ vơ,” với “một manh chiếu rách co ro.”  Tuổi thơ của “Nó” vẫn là những tháng ngày dài “mang nhiều âu lo,” làm bạn với những “chuỗi ngày tăm tối bơ vơ.” “Nó” không còn “âm thầm đi vào ngõ nhỏ” côi cút một mình như xưa, bên cạnh “Nó” là cả một đám bạn bụi đời, ban ngày túa nhau đi ăn xin, nhặt rác, đánh giầy, bán vé số, lượm bao nylon… đêm xuống từng đàn, từng lớp, ùn ùn kéo về tụ bên những lều tranh rách nát, hoặc bên lề đường, góc chợ, xó cầu… để lây lất sống qua ngày đoạn tháng.

Bước chân bé nhỏ của “Nó” ngày nay không chỉ dừng lại ở hình chữ S quê Mẹ, mà còn lưu lạc sang nước láng giềng Campuchia.  Để làm gì thì nào “Nó” có biết, “Nó” chỉ biết rằng “Nó” khờ dại tin người.  Và mở mắt ra “Nó” đã thấy cuộc đời mình đổi thay, người lớn thay phiên nhau chà đạp tấm thân bé nhỏ còm cõi chưa kịp phát triển của “Nó,” “Nó” chẳng hiểu họ đang làm trò đồi bại gì. “Nó” chỉ biết rằng “Nó” đau lắm, cuộc sống sao giống một con thú bị nhốt mà “Nó” không biết làm sao để thoát ra.  Ngày xưa có “nhiều lúc nó khóc trong mơ,” giờ những tiếng “khóc trong mơ” đã bật thành những tiếng thét hãi hùng giữa thanh thiên bạch nhật!  Ngày xưa đời “Nó” khổ, “Nó” có thể kêu cứu bằng tiếng Việt.  Ở xứ người, “Nó” có thể kêu cứu với ai?  Ai nghe được tiếng kêu của “Nó”?

Ngày xưa “Nó” “một thân côi cút không nhà,” “như chim xa đàn” nên đã quen rồi cái cảnh “một chén cơm chiều nên lòng chưa no,” nhưng bây giờ “Nó” có cha mẹ anh em, nhưng cảnh “một chén cơm chiều nên lòng chưa no” là cảnh đời quen thuộc của anh chị em nó.  Quê “Nó” nghèo, hết bão đến lụt, hết hạn hán đến mất mùa, hết chiến tranh đến bị chèn ép.  Thanh niên thiếu nữ ùn ùn bỏ xứ ra đi, đi đâu và làm gì thì “Nó” nào có biết. “Nó” cũng chẳng biết “bao giờ cho đến bao giờ” “Nó” và gia đình mới thoát khỏi cảnh nghèo truyền kiếp này?

“Nó” ngày nay lạ quá!  Lại chấp nhận bán thân đi làm dâu xứ người để giúp gia đình thoát khỏi bịnh nghèo kinh niên.  Nơi đất khách quê người, “Nó” ngỡ ngàng nhìn ra cảnh đời nô lệ cho cả gia đình chồng không cùng dòng giống và ngôn ngữ.  Chồng “Nó” là những bô lão bị sứt mẻ, những bậc cha chú sồn sồn mất tính người, là những chàng trai quá lứa cộc cằn, ít học không đủ khả năng cưới vợ ở nước họ.  Bạn bè đồng cảnh với “Nó” đã có đứa tự tử, đứa bị giết, còn “Nó” thì không biết đến bao giờ?  Bỏ trốn ư?  “Hỏi ai ai cho nương nhờ, chuỗi ngày tăm tối bơ vơ,” “Nó” hát lại điệp khúc năm xưa mà không có câu trả lời.  “Nó” cứ ngỡ làm cuộc đổi đời, đâu ngờ lại tiếp tục một giấc mơ hãi hùng khác nơi xứ lạ.  Ôi, một giấc mơ hão huyền của Con Rồng Cháu Tiên.

“Nó” ngày nay biến hình đổi dạng nhiều quá!  Ôm trong mình căn bịnh oái ăm của thế kỷ, tấm thân “Nó” nằm quắt queo bên ống cống đầu đường chờ ngày người ta xúc đi.  “Nó” biết trách ai bây giờ?  Tại chồng “Nó” trăng hoa, tại chính “Nó” một phút ham vui, tại cha mẹ “Nó” ăn chơi, hay tại “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen?”  Trách ai thì cũng thế thôi, án tử “Nó” đã mang, thôi thì nằm đó chờ đợi thần chết, chờ đợi lòng xót thương của gia đình và xã hội. “Nó” chỉ xin người ta đừng xa lánh khinh bỉ “Nó,” xin cho được chết như một con người.

Thưở đó “Nó” khổ, “thằng Tư, con Tám” khổ, thì ai ai cũng có thể hiểu, và lý giải được tại sao chúng nó khổ.  Bởi vì “miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ,” “mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ, vì sinh nhầm thế kỷ ở một đất nước loạn lạc mới có những “thân côi cút không nhà.”   Những “Nó” ngày nay khổ mà chẳng hiểu vì sao mình khổ!  Miền Bắc đã hết điêu tàn, đất nước đã thanh bình rồi, thế sao đời “Nó” vẫn khổ?  Ba mẹ “Nó” vẫn còn đó nhưng sao lại bán “Nó” đi để kiếm tiền nuôi đàn em nhóc nheo?  Sao ba mẹ nó lại quá nghèo để “Nó” không thể đặt chân chân tới trường?  Làng quê Việt Nam đẹp đẽ là thế, sao bước chân “Nó” lại lưu lạc qua tận xứ người để làm nô lệ tình dục?  Quê cha đất tổ thân thương là thế, sao “Nó” lại liều mình bán thân đi làm dâu xứ người?  Sao người đồng loại lại quay lưng với “Nó”?  Sao Đấng Tối Cao lại không nghe được tiếng kêu tuyệt vọng của “Nó”?

“Nó” thôi không kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện của “Nó” nữa, những câu chuyện “Nó” kể trong bóng đêm thanh tịnh khi tôi ngồi đối diện với Đấng Tối Cao khiến tôi giật mình tỉnh giấc.  Thì ra “Nó” vẫn còn đó cho dù đất nước có hết chinh chiến.  Nhưng sao “Nó” lại nhiều và đa dạng đến thế?  Tại sao “Nó” lại kể cho tôi nghe những câu chuyện phiêu bạt đời “Nó” khiến tôi phải bối rối?

Tôi có thể làm được gì cho “Nó” đây?  Những mảnh đời bất hạnh ngày càng nhiều hơn trên quê hương tôi, và bàn tay tôi thì bé nhỏ, sức tôi hạn hẹp.  Trong đêm khuya, Lời của Chúa Giêsu vang lên trong ký ức: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).  “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”  (Mt 25:35-36).  Chúa Giêsu đã không nói rõ cho ăn cái gì: cao lương mỹ vị, hay một chén cơm thừa.  Ngài cũng chẳng nói rõ cho uống loại nào mới được tính điểm: sâm hảo hạng, hay một ly nước lạnh.  Một chén nước lã cũng là thức uống, một bộ quần áo cũ mèm để quên trong tủ lâu ngày cũng là cho mặc, một lời thăm hỏi không tốn tiền mua cũng là hỏi han, vài phút dừng chân nơi nhà người bịnh cũng là thăm viếng…  Giữa những câu chuyện buồn của “Nó,” phải chăng đây là Tin Mừng cho tôi, và những kẻ đi theo Ngài, vì những cái Chúa Giêsu đòi hỏi không nằm ngoài vòng tay có thể cho đi của tôi?

Người nghèo thời nào cũng có, “Nó” thời nào cũng còn đó cho dù xã hội có đổi thay, chiến tranh hay hòa bình, nhưng làm sao để nhìn ra “Nó” muôn màu muôn sắc trong xã hội hiện đại hôm nay?  Làm sao để nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa nơi “Nó?”  Quả thực, nếu không có cái nhìn của Giêsu chắc chắn tôi sẽ không thể nhìn ra “Nó” vẫn đang âm thầm đi bên cạnh tôi mỗi ngày.  Nếu không có trái tim của Giêsu, chắc hẳn trái tim tôi không thể rung động nổi với “thằng Tư, con Tám trên phố lê la” đang bán vé số, hay đang thất thểu ăn xin bên lề đường, mà tôi nghĩ đó có thể là cảnh gạt gẫm của bọn lưu manh.  Nếu không kết hợp với Con Một Thiên Chúa thì một chén cơm thừa, một ly nước lã, một cánh tay mở rộng của tôi chẳng làm nên tích sự gì trong xã hội hiện kim này.

Thiên Chúa quyền năng có thể làm “Nó” biến mất khỏi cuộc đời mà không cần đến sự trăn trở của tôi, nhưng Chúa vẫn để “Nó” tồn tại, phải chăng để tôi có cơ hội sống yêu thương như Ngài đã sống?  Hay vì “Nó” là biểu tượng của Nước Thiên Chúa?  Ba năm cuộc đời rao giảng, Giêsu chẳng có gì để cho “Nó,” Ngài chỉ cho “Nó” một vòng tay ôm và lời chúc phúc.  Vâng, Chúa Giêsu đã yêu thương ôm “Nó,” từng đứa trẻ vào lòng, và “đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10:16).  Chỉ thế thôi!

****************************************

Chúa ơi, con biết con không thể yêu được nếu không có ơn Chúa, xin ban cho con một trái tim mới và thần khí mới để con có thể yêu thương hết những đứa trẻ với “tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo.”  Xin cho con là cánh tay nối dài của Chúa để có thể ôm hết những “Nó,” những “thằng Tư, con Tám trên phố lê la,” và những đứa trẻ đang “khóc trong mơ” vào lòng mình.  Xin cho con cái nhìn của Chúa để có thể nhìn ra hết những thằng bé/con bé thời đại bất hạnh đang “âm thầm đi vào ngõ nhỏ,” ở những ngóc nghách khác nhau trong cuộc đời này.  Amen!

Lang Thang Chiều Tím
October 2009

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *