TÂM TÌNH MÙA VỌNG

Mùa Vọng có ý nghĩa gì?

Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”.  Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến.  Mùa vọng được Giáo Hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh (25 tháng 12) để các tín hữu Công giáo chuẩn bị Mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng trần.

Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi Tín Hữu Công giáo 4 nghĩa sau đây:

  • Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm.  Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.
  • Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.
  • Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12.
  • Điều quang trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần “tỉnh thức, sẵn sàng” đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết), để Chúa đưa mình về Nước Chúa muôn đời.

Vòng hoa 4 cây nến, tượng trưng cho điều gì?

Bốn cây nến tượng trưng cho tuần trước lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây.  Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên… vì Chúa đang đến!  Vòng hoa mùa vọng với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời.  Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu.  Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô.

Có 4 cây nến được phân chia ra theo đúng khoảng thời gian của Mùa Vọng.  Mỗi cây tượng trưng cho một trong “4,000 năm” mà Thánh Kinh được trao ban cho chúng ta kể từ khoảng thời gian mà Ông Adong qụy ngã vì tội lỗi cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

Cây nến màu tím (purple) đầu tiên được thắp sáng lên vào ngày Chủ Nhật Đầu Tiên của Mùa Vọng và trong suốt tuần lễ đầu tiên đó.  Màu tím tượng trưng cho khoảng thời gian chuẩn bị, và ăn năn hối cải, cũng như tượng trưng cho sự vương giả.

Vào Chủ Nhật Thứ Ba của Mùa Vọng, vốn được biết đến như là Chủ Nhật Gaudete (Gaudete Sunday), thì cây nến có màu giống như bông hồng được thắp sáng lên cùng với hai cây nến màu tím.  Bông hồng tượng trưng cho sự mừng rỡ, sướng vui và niềm hân hoan sắp tràn dân của mọi người tín hữu.  Đây là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta hồ hởi với niềm vui và sự rạo rực về việc Chúa Kitô sắp sửa đến với chúng ta trong hình hài của một Hài Nhi Bé Nhỏ.

Và cây nến màu tím cuối cùng sẽ được thắp sáng lên trong ngày Chủ Nhật Thứ Tư của Mùa Vọng ám chỉ đến việc chúng ta mãi sốt sắng và kiên trì hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị cả thể xác, tâm hồn lẫn con tim để đón nhận Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh.

Mùa Vọng chính là mùa của Sự Đợi Chờ cùng với niềm Hy Vọng về Ánh Sáng của Chúa Kitô: Ánh Sáng của Cả Thế Giới !

Ý nghĩa của Vòng hoa (Wreath):

Kể từ thời xưa cổ, một vòng hoa là tượng trưng cho sự chiến thắng. Hình tròn của vòng hoa là nhắc nhở cho chúng ta biết về tình yêu thương bất tận của Thiên Chúa, dành cho chúng ta.

Màu xanh lá cây chính là màu chỉ năm phụng vụ, vốn diễn tả về niềm hy vọng trong tình yêu thương bất diệt của Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Những cành của cây thông quanh năm suốt tháng đều có màu xanh lá cây.  Những cành cây lúc nào cũng có màu xanh này cùng gộp lại với nhau để hình thành nên một vòng hoa là nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng:  Thiên Chúa và sự Mạc Khải của Ngài thì không bao giờ thay đổi, cũng giống như cây thông, lúc nào cũng xanh tươi vậy.

Nguyện chúc cho mọi gia đình chúng ta có được một Mùa Vọng thánh thiện và hoàn toàn mới mẻ và sinh động hơn so với những Mùa Vọng đã qua!

Maylangthang
Joseph Minh Nguyen SVD

XIN CÁM ƠN CUỘC ĐỜI

Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến.  Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, “Dân ngoại quốc sao mà… “quởn” quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để có dịp bán thiệp, bán hàng để người ta mua tặng nhau thôi, cũng là một cách làm business đó mà…”

Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó được nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình.

Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.

Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Dược Sĩ.  Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi người làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cười trên môi.

Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley.  Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà.  Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai đoạn cuối.  Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn mười mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại.  Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thường ráng cười vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà.  Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhưng lại bị tật nguyền, rồi từ đó bà bị bệnh trầm cảm (depressed), không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện ung thư.  Mấy người làm chung trong tiệm cho biết là bà hiện sống một mình ở nhà dưỡng lão.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm trước ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cười với tôi và đưa tặng tôi tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi.  Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền đi.

Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:

Cô Thanh quí mến,

Tên tôi là Josephine Smily, nhưng cuộc sống đã không mỉm cười với tôi.  Nhiều lần tôi đã muốn kết liễu đời mình cho đến ngày tôi gặp được cô ở tiệm thuốc này.  Cô là người Duy Nhất luôn mỉm cười với tôi sau cái ngày oan nghiệt về sự ra đi của chồng và con tôi.  Cô đã khiến cho tôi lấy lại hạnh phúc và giúp tôi tiếp tục sống.  Tôi muốn dùng dịp Tạ Ơn này để nói lên lời Tri Ân với cô, Thanh.

Cảm ơn cô rất nhiều về nụ cười của cô…

Rồi bà ôm tôi và bà chảy nước mắt.  Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình ướt, nghe cổ họng mình nghẹn…  Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cười, mà tôi đã có thể giúp cho một con người có thêm nghị lực để sống còn.

Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghĩa cao quý của ngày lễ Thanksgiving.

Ngày Lễ Tạ Ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc trước khi đóng cửa tiệm.  Thì bỗng dưng một cô gái trẻ đến tìm gặp tôi.  Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm trước.  Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving.  Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn ước nguyện sau cùng của bà.  Tôi bật khóc, và nước mắt ràn rụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:

Cô Thanh quí mến,
Tôi đang nghĩ về cô trong những phút cuối đời của tôi.
Tôi nhớ cô và nhớ nụ cười của cô.
Tôi thương cô nhiều lắm, “cô con gái” của tôi…

Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm đó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, người “Mẹ American” đã gọi tôi bằng tiếng “my daughter”…

Trước mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn, dành cho bà, vào mỗi ngày lễ đặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó.

Mãi cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của người bệnh nhân này.  Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã “cảm” được ý nghĩa thật sự của ngày lễ đặc biệt này.

Thông thường thì ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt.  Mọi người đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào đó, đem tặng cho người mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn.  Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây (turkey).  Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm đến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những buổi “Free meals” tổ chức bởi các Hội Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những người không nhà.  Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những người dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, người da vàng cũng có, và có cả người Việt Nam mình nữa.  Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều người không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp… để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm.

Ở nơi đâu trên trái đất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều người đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta…

Nếu nói về hai chữ “TẠ ƠN” với những người mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái list của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều người khác. Chúng ta được sinh ra làm người, đã là một ơn sủng của Thượng Đế.  Như tôi đây, có được ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy…  Cám ơn quê hương tôi – Việt Nam , với 2 mùa mưa nắng, với những người dân bần cùng chịu khó.  Quê hương tôi – nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm cả một thời thơ ấu.  Quê hương tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê người…  Cám ơn Mẹ, đã sinh ra con và nuôi dưỡng con cho đến ngày trưởng thành.  Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn đi, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ qua….  Cám ơn Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên người.  Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học….  Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên người, đã truyền cho con biết bao kiến thức để con trở thành một người hữu dụng cho đất nước, xã hội…  Cám ơn các chị, các em tôi, đã xẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê người, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại…  Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm – buồn vui – những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được . Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì để mà lưu luyến cả…  Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa, đã “nuôi” tôi cả mấy năm trời Đại học, bằng những lon “gigo” cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nhỏ hay những ly trà đá ở căn tin ngày nào.  Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc.  Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật…  Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc…  Cám ơn những người tình, cả những người từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết được cảm nhận thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.  Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương…  Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này là vô thường… để từ đó bớt dần “cái tôi” – cái ngã mạn của ngày nào…  Xin cám ơn tất cả… những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết.

Bởi vì:
“Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau…”

Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng mẹ, tặng chị, tặng những người thân thương, và những người đã từng giúp đỡ tôi. Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói “Con thương Mẹ”, hay một tấm thiệp, một cành hồng.  Tình thương, là phải được cho đi, và phải được đón nhận, bởi lỡ mai này, những người thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?

Xin cho tôi được một lần, nói lời Tạ Ơn: Cám ơn lắm, cuộc đời này….

Hoàng Thanh
Mùa Thanksgiving 2009

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN LUÔN MÃI

Mấy năm trước đây, trên hệ thống truyên hình CNN của Hoa Kỳ có nói về một người tài xế xe buýt đã đạt kỷ lục xuất sắc: “Trong 23 năm làm tài xế, anh lái trên 1.500.000 cây số mà không gây ra một tai nạn nào”.  Khi được hỏi, làm sao anh đạt được kỷ lục ấy, anh trả lời rất đơn giản: “Hãy tỉnh thức”.

*******

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mang đến cho ta một lời khuyên: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn mãi” (Lc.21:36). Tỉnh thức là nhận ra những điềm báo trước để ta có thái độ thích hợp với tình thế mới. Cầu nguyện giúp ta liên kết mật thiết với Đấng Tối Cao, để Ngài ban ơn giúp sức cho ta, để ta tiếp tục bước đi trên đường lữ hành trần gian này

Phụng vụ trong Mùa Vọng luôn luôn là một nhắc nhở ta về “Tỉnh thức và Cầu nguyện”.  Mùa vọng nhắc ta lần đầu tiên Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến trong trần gian cách đây hơn hai ngàn năm về trước.  Mùa vọng cũng là một nhắc nhở cho ta để chuẩn bị cho lần đến cuối cùng của Ngài để xét xử ta và xét xử muôn dân. Ta phải chuẩn bị cho ngày đó ra sao?

Ngày Chúa đến gặp riêng mỗi một người chúng ta, ngày ấy thật bất ngờ, không ai biết trước được.  Đó là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi (Lc.21:26), nhưng đó cũng là ngày cứu độ cho những ai luôn tỉnh thức và cầu nguyện để được chuẩn bị sẵn sàng. (Lc.28:36).

Tỉnh thức là không quá mê mẩn trong những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng.  Tỉnh thức là tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu ở đời sau.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới cảm nếm được nỗi niềm khao khát mong chờ ngày Chúa đến.  Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh.  Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa.  Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên (Lc.21:28).  Có tỉnh thức cầu nguyện, ta mới gặp được Chúa trong ngày hôm nay, và nhất là trong ngày cuối cùng của đời ta.

*******

Lạy Chúa! Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.  Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con. Chỉ cần một chút cố gắng trong tình yêu là con có thể vào sa mạc với Chúa, có thể trò truyện tâm tình với Ngài.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất: khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư, chờ món hàng đang được gói; Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ..v..v… Thay vì bực bội hay nóng ruột, xin cho con được an bình vì có Chúa hiện diện ngay bên.

Lạy Chúa!  Những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm hơn với Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa “mỗi ngày mỗi hơn” để tim con cùng rung một nhịp đập với Chúa trong sa mạc hằng ngày của đời con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(CN 01 MV-C, BĐ1: Gr.33:14-16, BĐ2: 1Tx. 3:12-4,2, PÂ: Lc.21:25-28&34-36)

TRỞ LẠI GẶP CHÚA GIÊSU

Có lẽ Mỹ là một quốc gia duy nhất trên thế giới có ngày quốc lễ Tạ Ơn Thiên Chúa (Thanksgiving Day).  Lễ được quốc hội long trọng đặt vào ngày thứ Năm của tuần cuối cùng tháng 11.  Truyền thống này khởi đầu từ lòng tạ ơn được mùa của đám di dân từ Anh quốc qua Mỹ tìm tự do vào năm 1619.

Bài phúc âm đọc trong thánh lễ Tạ Ơn là truyện mười ông cùi van xin Đức Giêsu cứu chữa.  Sau khi lành bệnh có ông dân ngoại Samari trở lại tìm Đức Giêsu để cám ơn (Luca 17: 11-19).  Giáo hội dùng trình thuật này để đề ‎cao ý thức tạ ơn Thiên Chúa.  Điều chúng ta suy nghĩ ở đây không phải là hình ảnh nước Mỹ, như ông Samari, khi so sánh Mỹ với những nước khác.  Nó cũng không phải là ‎ý tưởng đề cao hành xử của ông Samari.  Vấn đề là việc chín ông Do Thái được chữa lành nhưng chẳng có ai trở lại cám ơn Đức Giêsu.

Sự nghiêm trọng của vấn đề “không trở lại cám ơn” chỉ có thể hiểu được khi chúng ta biết rõ về thực trạng bệnh cùi vào thời đó.  Người cùi là người bị coi như đã chết.  Gia đình họ bỏ rơi họ và không dám nhắc đến tên họ.  Cộng đồng ghê tởm họ vì mọi người tin rằng họ là những kẻ tội lỗi ô uế.  Giáo hội cũng  khai trừ họ và hất hủi đuổi họ đi.  Thánh Luca kể rằng mười người cùi đứng ở đàng xa mà kêu cứu vì luật buộc họ không được lại gần người lành.  Như vậy khi Đức Giêsu cứu họ, không phải Người chỉ chữa lành bệnh thể xác, nhưng hơn thế, Người đã cho họ tái sinh để họ trở về với cuộc sống đầy đủ ‎ý nghĩa đã mất trước đó.

Có một mối xúc động khiến chúng ta chú ‎ý đến việc lặng lẽ ra đi của chín ông cùi, không phải để xét đoán họ, nhưng vì chúng ta thấy hình bóng mình trong đó.  Mỗi một linh hồn Kitô hữu đều biết rõ rằng mình đã chết, nhưng được tái sinh trong phép rửa.  Linh hồn của mỗi Kitô hữu đã được rửa sạch bằng máu của Đức Giêsu.  Nhưng chúng ta có từng bao giờ tìm gặp Đức Giêsu để cảm tạ?

Có người đoán rằng chín ông Do thái trên đường đi chắc đã lên tiếng cám ơn.  Cứ coi là đúng như thế, nhưng đó có phải là những lời cám ơn gửi theo gió.  Đức Giêsu muốn họ trở lại tìm Người nên mới thắc mắc: “Còn chín người kia đâu?”  Câu hỏi này có sức mạnh gieo vào lòng mỗi Kitô hữu cuộc tự vấn “tôi đã trở lại gặp Đức Giêsu chưa?”  Điều này có nghĩa là chúng ta đã thật sự liên kết với Đức Giêsu trong cuộc đời. Chúng ta nhất quyết phải trả lời câu hỏi này.  Nếu chưa, hẳn có nhiều l‎‎ý do, nhưng đàng sau mọi l‎‎ý do, chỉ là cái bản thể bất toàn của cái tôi kiêu ngạo‎.  Cái bản thể bị màng nhện vật chất cột chặt không cho chúng ta nhìn thấy thế giới siêu nhiên.  Bên trong lưới nhện dù chúng ta có mau miệng lên tiếng cám ơn Thiên Chúa về những may mắn lợi nhuận, điều ấy tuy rất tốt đẹp, nhưng chưa trọn vẹn.  Tiếng cám ơn chỉ trọn vẹn khi tâm hồn chúng ta thật sự ‎‎liên kết với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ nằm ngoài thế giới tài vật.

Mười ông cùi được chữa lành nhờ có lòng tin.  Đức Giêsu đã xác nhận như vậy.  Tuy nhiên đó chỉ là sự tin tưởng tự nhiên của suy luận trí óc.  Bước qua tầng siêu nhiên, lòng tin là một phẩm hạnh (virtue) và được gọi là đức tin.  Có một l‎ý‎ do khác khiến Kitô giáo gọi sự tin tưởng là đức tin và sự yêu mến là đức mến. Đức tin và đức mến vượt khỏi sự suy luận của trí óc.  Khi trạng thái của tin và mến được chuyển hóa để cảm nghiệm là đức tin, đức mến, chúng ta đặt mình trong tay của Thiên Chúa, như thánh Phaolô cảm nghiệm “Đấng Kitô sống trong tôi”.  Đó là cuộc gặp gỡ cần có giữa mỗi linh hồn Kitô hữu và Thiên Chúa của mình. Khi lòng tràn đầy đức tin, đức cậy, đức mến, chúng ta không thể làm gì hơn là sống trong sự tạ ơn Thiên Chúa.

Lên tiếng cám ơn thì ai nói cũng được.  Thốt ra một âm thanh vật lý suông ở đâu đó cũng chẳng khó khăn gì.  Tuy nhiên đến với Thiên Chúa để nói “cám ơn” với âm vang rung động tận đáy lòng, với cảm nghiệm đức hạnh siêu nhiên, “cám ơn” trở thành sự thức tỉnh về ý nghĩa hiện hữu của mình.  Ta là một ân sủng được sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Con, và có sự sống bởi Chúa Thánh Thần.

Đỗ Trân Duy

*******

Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã trao ban,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã chối từ,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã lấy đi,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã cho phép,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã bảo vệ con,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã tha thứ cho con,
Tạ ơn Cha vì những gì Ngài đã chuẩn bị cho con,
Tạ ơn Cha vì cái chết Ngài đã chọn sẵn cho con,
Tạ ơn Cha vì một nơi Ngài đã dành sẵn cho con trên Thiên Quốc,
Tạ ơn Cha vì đã sáng tạo nên con để yêu Cha mãi mãi,
Tạ ơn Cha vì tất cả!

LTCT phỏng dịch

CUỘC ĐỜI LÀ GIẤC CHIÊM BAO

Hoàng hậu Isabella qua đời giữa lúc tuổi xuân đang phơi phới.  Khi nhìn tử thi của bà, thánh Phanxico De Borgia thốt lên: “Quyền cao, chức trọng ở đời là thế!”.  Cái xác chết của bà hoàng hậu ấy đã khiến thánh nhân suy nghĩ nhiều.  Và ngài đã quyết tận hiến toàn thân cho Chúa.  Ngài nói: “Tôi chỉ ước ao thờ phượng một mình Chúa và không bao giờ phải đau khổ vì mất Người”.

*******

Hạnh phúc ta hưởng ở đời này là gì?  Vua Đavít trả lời: Đó chỉ là một giấc chiêm bao; khi bừng tỉnh dậy, ta liền thấy mình tay không.

Quả vậy, đến giờ chết thì vinh hoa phú quí, chức quyền…. đối với người ta chỉ là những sự giả dối, mờ mờ ảo ảo như trong mộng thôi.  Bừng tỉnh dậy, giấc mộng liền tan.  Mà mộng đã tan thì cái đã làm cho trí tưởng tượng khoái trá, cũng cùng với giấc mộng mà tan đi.

Một người nọ khi đã hiểu rõ tính chất phù vân giả trá của những sự đời này, liền viết trên một cái đầu lâu vài chữ vắn tắt này: “Đây chính là chỗ mọi sự đời này đều mất cái vẻ sáng lạn mỹ miều”.  Lời đó thật là chí lý!

Quả thế, nếu ta nhìn những sự sung sướng và của cải đời này trong viễn ảnh của sự chết, thì ta buộc phải công nhận chúng chỉ là những sự phù vân giả trá.  Mà đã là sự phù vân giả trá thì chắc chắn sẽ có lúc ta phải từ bỏ nó và nó từ bỏ ta. Vậy ta không thể ham mê mà đặt nó làm Chúa trên đời ta được.

Này bạn, bạn không sống mãi ở đời này đâu.  Nơi bạn đang ở, một ngày kia sẽ phải bỏ.  Nhà bạn đang cư ngụ, một mai bạn sẽ phải ra khỏi đấy, và không bao giờ trở về nữa.  Phòng bạn đang ở, xưa có lẽ đã có nhiều kẻ đã ở, và sau, nhiều kẻ khác sẽ lần lượt đến ở.  Giường bạn đang nằm, xưa đã có người nằm… Bây giờ họ ở đâu?  Họ đã vào cõi đời đời rồi.  Nơi ấy, sớm hay muộn, bạn cũng sẽ tới.  Vậy bạn cố bám víu vào những sự đời này mà từ khước tình yêu của Thiên Chúa để làm gì?

*******

Lạy Chúa Giêsu, xưa nay con đã không kính mến Chúa cho đủ.  Biết bao lần con đã xúc phạm đến Chúa mà đặt thế gian làm Chúa đời mình.  Giờ đây xin dạy cho con biết con phải làm gì để đền bù lại cách ăn ở bất xứng đó.  Con xin vâng trọn vẹn thánh ý Chúa.  Xin Chúa khấng nhận tấm lòng kính mến của con là kẻ tội lỗi.  Con đang chân thành thống hối và xin kính mến Chúa hơn chính mình con.  Xin Chúa thương xót con.  Xin dủ lòng thương xót con.

Anphong Ligouri

ĐỨC GIÊSU: VUA CỦA YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ

Truyện cổ nước Nga thuật lại rằng: Vào thời Trung cổ, Hoàng tử Alexis cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng Alexis rất hiểu nỗi cơ cực của thần dân và cảm thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày một số giờ để thăm họ. Nhưng dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn rười rượi.

Ngày kia, có một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh săn sóc những người già cả, bệnh tật.  Đặc biệt, bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân.  Bác sĩ ấy trở thành người của xóm nghèo, được mọi người yêu mến kính phục.  Bác sĩ trẻ ấy chính là Hoàng tử Alexis, người thừa kế ngai vàng để làm vua nước Nga, và cũng là người đã bỏ cung điện giàu sang đến sống với thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương săn sóc và phục vụ họ.

*****

Bạn thân mến!  Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến chữ “vua”. Đó là lời tra hỏi của Philatô dành cho Chúa Giêsu:“Ông là vua sao ?” (Ga.18:36).  Để trả lời, Chúa Giêsu đã không phủ nhận, Ngài chỉ nói: “Chính quan nói rằng tôi là vua” (Ga.18:36).  Ngài cũng nói với Philatô về nhiệm vụ và mục đích của Ngài nơi trần gian này là: ”Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi“.(Ga.18:37).

Chúa Giêsu là vua vũ trụ. Ngài đã được Chúa Cha ban cho mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt.28:18).  Nhưng Ngài đã sống như một người tôi tớ phục vụ. Ngài biết mình là Con Thiên Chúa. Thế nhưng cả cuộc đời Ngài là một sự phục vụ không ngừng nghỉ. “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân… Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn” (Lc. 22:25-27). Chúa Giêsu tự nhận mình là người phục vụ như một kẻ hầu bàn, chỉ mong cho thực khách được ngon miệng. Kiểu làm vua của Chúa Giêsu là phục vụ, chứ không phải là được người ta phục vụ. Ngài làm vua bằng cách cúi xuống để làm cử chỉ hầu hạ của người nô lệ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga.13:14).

Với Chúa Giêsu, cử chỉ yêu thương phục vụ là một việc làm bình thường gắn liền với quyền bính và cai trị. Quyền bính đích thực đồng nghĩa với phục vụ, và phục vụ cho đến hy sinh mạng sống của mình.  Cử chỉ phục vụ cao cả nhất, khiêm hạ nhất của Chúa Giêsu là cái chết của Ngài trên thập giá.

Cần chiêm ngưỡng vị vua bị đóng đinh trên thập giá để hiểu được cách làm vua của Ngài. Một vị vua lạ lùng! Không ngai vàng, chỉ có thập giá. Không vương miện, chỉ có vòng gai. Không cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không quan quân đứng hầu, chỉ có người qua kẻ lại nhiếc móc, chế giễu, lăng mạ. Một vị vua không có chút quyền lực, cũng chẳng áp bức ai. Một vị vua của vâng phục và yêu thương tha thứ tất cả. Thập Giá vừa đưa Chúa Giêsu xuống vực thẳm của trần gian, vừa nâng Người lên cao chót vót ở trên trời. Chúa Giêsu trở thành vua vũ trụ nhờ đi vào con đường thập giá, con đường tử bỏ mình để khiêm tốn phục vụ, con đường hẹp nhưng lại là con đường dẫn đến vinh quang.

Chúa Giêsu đã dùng thập giá làm ngai vàng, dùng mão gai làm triều thiên.  Nhờ cạnh sườn của Ngài bị đâm thủng mà suối nguồn tình yêu luôn tuôn chảy cho nhân loại đang khao khát tình yêu. Yêu là trao ban và trao ban đến cùng. Tình yêu là món qùa cao qúy  mà Thiên Chúa đã trao tặng con người. Chúa Giêsu đã lấy tình yêu và phục vụ làm quyền bính cai trị. Ngài đã trở nên gương mẫu đích thực cho các nhà lãnh đạo, cho các người cầm quyền.  Ai biết yêu thương và phục vụ như Ngài thì mới được tham dự vào vương quyền của Ngài, vì “Phục vụ là cai trị” vậy.

*****

Lạy Chúa Giêsu!  Ngài là vua của chúng con, là vua của trời đất vũ trụ,  là vua của muôn vua và là Chúa của mọi tâm hồn… Xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước của Sự Thật và Sự Sống, nước của công chính và tình yêu muôn đời.   Xin Chúa đến và ngự trị trong cung lòng tâm hồn của mỗi người chúng con.  Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ I: Đn.7:13-14, BĐ II: Kh.1:5-8, PÂ: Ga.18:33b-37)

BỨC TRANH ÐỜI NGƯỜI

Một họa sĩ vô danh nọ vào thời Trung Cổ đã tóm tắt đời người thành bốn bức tranh xếp bên cạnh nhau.  Bức tranh thứ nhất họa lại tuổi thơ.  Không gì đẹp và thanh thản cho bằng tuổi thơ.  Một em bé hồn nhiên, vô tư ngồi trên một chiếc ghe buồm vừa nhổ neo ra khỏi bờ…  Em bé nhìn theo sóng nước không sợ hãi bởi vì người đang cầm bánh lái là một thiên thần.  Bóng đen đang ngủ một cách dịu hiền đằng sau bánh lái.

Sang đến bức tranh thứ hai, người ta bỗng thấy cậu bé trở thành một trang thiếu niên đang đứng nhìn chân trời xa tắp với những háo hức trước những điều mới lạ…  Vị thiên thần vẫn còn cầm tay lái, nhưng sóng đã bạt đầu và bóng đen đã thức giấc.

Bức tranh thứ ba là cảnh tuổi trưởng thành.  Bầu trời đã trở nên ảm đạm.  Sóng gió ập phủ tứ bề.  Bánh lái đã nằm trong tay của bóng đen.  Vị thiên thần đã bị trói chặt trong một góc.  Người đàn ông đã phải dùng tất cả sức lực của mình để chiến đấu, để chiếc ghe không bị lật úp…

Cuối cùng, trong bức tranh thứ tư, người ta thấy một cụ già đang ngồi ung dung giữa ghe.  Sóng yên, gió lặng, mặt trời xuất hiện trở lại.  Vị thiên thần đã dành lại được bánh lái, còn bóng đen thì bị trói chặt đằng sau.

*******

Ðời là một cuộc hải trình gay go…  Ðích điểm có thể là bến yên hàn mà cũng có thể là vực thẳm của chết chóc.  Ðến nơi yên hàn hay đứt gánh giữa đường: số mệnh ấy không ai có thể định đoạt cho ta, mà chỉ có mỗi người phải biết làm chủ, lèo lái con thuyền của mình…

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quá quen thuộc với trò chơi “Thiên Ðàng Hỏa Ngục” mà các em bé thường tụ tập trước sân thánh đường để cùng biểu diễn…  Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì nhờ ai vụng thì sa… Trả lời được một số câu hỏi thì được vào Thiên Ðàng, trả lời không được thì bị chận lại ngoài cửa.

Trò chơi đơn sơ nhưng cũng có tác dụng gieo vào đầu chúng ta một hình ảnh về cuộc đời.  Ðời là một cuộc ra đi.  Hướng đi của cuộc đời tùy thuộc ở sự định đoạt của mỗi người.  Con đường dẫn đến hư đốn luôn rộng thênh thang.  Con đường dẫn đến sự sống là một con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều chiến đấu…

Sự thánh thiện là một ơn Chúa ban, nhưng phải mất nhiều lao nhọc, vất vả chiến đấu, con người mới đạt được.  Nói đến chiến đấu là nói đến kẻ thù.  Con sư tử lượn quanh tìm mồi cắn xé trong cuộc sống của chúng ta là không biết bao nhiêu cạm bẫy giăng mắc trên lối đi của chúng ta.  Những cạm bẫy đó từ bên ngoài cũng có, nhưng hầu hết đều xuất phát từ trong tâm hồn chúng ta…  Ðó là những dục vọng, đam mê đang cào xé tâm hồn chúng ta.  Chỉ khi nào chúng ta đánh bại được kẻ nội thù ấy và biến chúng thành đạo binh trung thành thì lúc đó chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù đến từ bên ngoài…

Khí giới tiên quyết và chủ yếu giúp chúng ta chiến thắng được nội thù đó là sự cầu nguyện.  Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài:  chỉ có ăn chay và cầu nguyện các con mới chiến thắng được loài quỷ này…

R. Veritas

*******

Hôm nay và ngày mai
Thời gian sao gần gũi
Một thoáng qua nhanh để cuộc đời tàn lụi
Trở về kiếp hư vô
Rồi ngày qua
Khi chiếc lá chiều thu rời cành khô héo
Giọt nắng vàng nhạt nhẽo
Vất vưởng đọng lại niềm thương xót
Cho một kiếp người
Trở về với thiên thu

Ngày hôm nay
Gian trần hiu quạnh
Mảnh băng tan chưa làm quên nỗi nhớ
Chợt thoáng qua như hơi thở ban đầu
Chẳng bao lâu sẽ trở thành huyền thoại

Hôm nay và ngày mai
Như một lời nhắc nhở
Hãy lắng nghe và cửa lòng rộng mở.

La Ngàn

NGÀY LỄ BẠC

Tôi chết được 25 năm rồi.  Hôm nay tôi trở lại tảo mộ lần thứ hai.  Tôi gọi là Ngày Lễ Bạc.

Sau khi chết được ba năm.  Tôi tảo mộ lần thứ nhất.  Lần đó tôi kể trong tập sách Cô Ðơn và Sự Tự Do, đoản khúc số 59.  Ngày đó mộ tôi không có hoa.  Không có ai đến mộ tôi cả.  Tôi đứng đó hồi hộp suốt buổi chiều. Mây xuống thấp, xám một hoàng hôn.  Rồi trời tắt nắng phía sau hàng cây.  Tôi còn nhớ rõ hôm ấy trời không gió.  Nghĩa trang im lìm.  Sau ba năm tôi chết, vẫn còn ít người nhớ và cầu nguyện cho tôi.  Nhưng không ai ra nhìn mộ tôi.

Tôi biết nếu trở lại vào năm sau thì cũng thế.  Thản nhiên như một cánh chuồn chuồn đậu hờ hững trên một bờ giậu thưa nào đó.  Không có gì hồi hộp nữa nên tôi không trở lại. Ðợi 25 năm sau.  Một kỷ niệm đặc biệt hơn.  Ngày Lễ Bạc.

Tôi đang đứng trong nghĩa trang, chỗ tôi đứng lần thứ nhất cách đây hơn 20 năm về trước.

Tên tôi vẫn còn.  Tên được khắc vào mộ đá.  Nhưng rêu lắm rồi, dơ bẩn nữa.  Mộ đá không còn sạch như ba năm sau khi tôi chết.  Bây giờ sần sùi, mốc rêu xanh.  Ngày xưa không có cây cổ thụ ở chỗ này. Họ trồng bao giờ thế?  Cả cái nghĩa trang này bây giờ cũng khác.  Ngôi mộ cạnh tôi không còn.  Họ bốc đem đi hồi nào mà bây giờ có một cái tên lạ hoắc.

Trên cành cây già, một loại côn trùng nào đó rỉ rả tiếng kêu cuối mùa.  Hôm nay cũng không có gió như lần trước.  Những chiếc lá lặng lẽ.  Nghĩa trang cũng yên tĩnh như ngày xưa.

Tôi đến gần mộ, nhìn xác tôi dưới đất sâu.  Chiếc quan tài gỗ mục từ bao giờ?  Ðất sập kín lẫn với xương.  Ðất dưới đó ẩm ướt.  Có bùn sền sệt.  Nước quanh năm.  Tôi không còn hình hài gì cả.  Có những con trùng trườn qua trườn lại trên khúc xương.  Người ta bảo trắng như xương.  Thật không phải thế, xương lấm dơ đen, rỗ những vết bọ ăn, bùn cắn chặt vào những kẽ nứt.  Bọ ăn làm các xương không còn nhẵn nhụi.  Chiếc sọ đầu còn nguyên vẹn hơn cả.  Hai cuồng mắt rất to.  Tôi nhìn xuống, chiếc sọ cũng giống như trăm nghìn chiếc sọ khác.  Tôi không thể phân biệt được.  Ngày còn sống, tôi băn khoăn về làn da.  Nhìn kìa!  Chỉ tuần lễ sau khi chết.  Nó rữa ra.  Ngày còn sống, tôi chải chuốt mái tóc.  Tôi tìm cách nhuộm cho người ta thấy mình trẻ.  Tôi băn khoăn về cái nhìn.  Tôi muốn chinh phục.  Bây giờ cái sọ trọc, rỗng, nhúc nhích loại giun nào trong đó?  Tôi đứng nhìn tôi, tôi nhìn sang tất cả những xác chung quanh và tôi sợ.  Tôi thấy xa lạ với chính mình.  Hình hài thân xác tôi đấy ư? Tôi đang mừng 25 năm, Lễ Bạc sao?  Còn đâu những lúc băn khoăn mùi nước hoa nào, Chanel số 5 hay 8?

Tôi biết chắc là không có ai đến mộ tôi 25 năm sau.  Tôi biết là không có hoa ở mộ.  Tôi không hồi hộp gì cả, tôi không chờ đợi gì cả khi trở về đây.  Kỷ niệm 25 năm ngày tôi chết là của riêng tôi. Hôm nay tôi có thì giờ nhìn ngắm tôi và những gì xảy ra nơi đây.

Ở một góc kia, người ta đang khóc.  Một đám tang đang chôn.  Có linh mục mặc áo lễ.  Lại cũng có ca đoàn hát.  Sao mà giống tôi 25 năm về trước thế.  Hoa chung quanh mộ, rồi mấy hôm nữa hoa sẽ rữa, người được thuê làm vệ sinh lại hốt đổ vào thùng rác.

Có những mộ bia không còn hình dạng.  Họ ra đi trước tôi lâu rồi.  Có người mới chôn vài năm nay, có người mười năm, có người hai mươi năm, có người cả trăm năm.  Ghê nhất là những người mới chôn.  Ngôi mộ này của một người đàn bà.  Chết đã tháng nay.  Áo quần còn mới, nhưng xác rữa rồi, lúc nhúc dòi bọ.  Chiếc quan tài còn cứng, xác trong đó phồng căng, sình rữa.  Tóc bết lại.  Áo nhung và thịt kết dính chặt lại.  Những con dòi trắng cắn loang lổ nhiều vùng vải lỗ chỗ.  Ðấy cũng là hình hài tôi 25 năm về trước.

Ngày còn sống tất cả những người đang nằm đây xum xuê từng ngọn tóc, mà bây giờ thế ư?

Tôi đi tìm xem ai là người trí thức.  Không thấy ai cả.  Chết được vài ngày, tất cả sọ người đều nồng nặc hôi thối.

Tôi đi tìm xem ai là người nổi tiếng.  Tất cả chỉ là những mảnh xương dính bùn đen đủi và toàn dòi bọ ở trong.

Tôi đi tìm xem ai là người giầu có.  Không thấy ai cả.  Tất cả đều trần trụi không còn manh áo che thân.  Tôi không thấy kim cương, vàng bạc.  Tôi tưởng người thân chôn theo, nhưng không, người ta giữ lại hết.  Người ta chỉ chôn xác thôi.

Tôi đi tìm xem ai là người lúc sống họ lên tiếng phải xây dựng Giáo Hội thế này, phải cải tổ Giáo Hội thế kia.  Không thấy ai cả.  Lúc đương thời, họ sống chết, ăn thua đủ với nhau chỉ vì “bảo vệ đức tin.”  Trong cái nghĩa trang này thân xác nào cũng hôi tanh.

Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.

Cái sọ kia ngày xưa đã bao nhiêu suy nghĩ.  Những giấc mơ ấy bay về đâu?  Còn dưới đó không?  Trái tim ôm ấp bao nhiêu tình cảm.  Cái mùi tanh hôi nồng lên khi nó rữa ra.

Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.

Tôi nghe chung quanh tôi, trăm nghìn tiếng động xèo xèo.  Nhiều xác mới chôn đang rữa. Tiếng những con bọ ăn vào xương.  Những xác chết đang xảy ra giống tôi 25 năm về trước.

Ở phía kia, đám tang đã xong.  Nhiều người đứng xa mộ để có thể ra về sớm hơn.  Họ còn nhiều việc phải làm.  Họ rất bận rộn.  Họ không muốn ở đây lâu.  Chiều xuống tối rất mau.  Người ta phải về.  Xác mới chôn nằm đó.  Vài ngày nữa sẽ có ai đó tiếc thương đem hoa ra mộ.  Rồi ba năm sau không còn ai.  Rồi 25 năm sau nếu trở về đây cũng sẽ giống tôi bây giờ.  Lần lượt ra đi theo con đường đó.  Giống nhau.

*******

Bỏ nghĩa trang, tôi đi tìm lại con đường tôi đi năm xưa.  Phần lớn còn đó nhưng chỗ này mới hơn thì chỗ kia cũ kỹ đi.  Nhiều tòa nhà bỏ trống hoang phế.  Tôi không còn gặp mấy người quen.  Một vài người tôi tìm mãi mới thấy.  Vì họ thay đổi quá nhiều rồi.  Họ chậm chạm, đau yếu.  Họ lẩn thẩn. Cái thế giới 25 năm về trước không còn.  Ðất trời còn đó.  Mặt trăng vẫn thế.  Cả gió biển và mầu xanh của sóng nữa.  Nhưng con người và thế giới lúc họ trẻ hết rồi.  Ðời họ bây giờ ai cũng lầm lũi.  Tôi đứng nhìn họ mà không muốn hỏi chuyện vì bắt họ nhớ lại những tháng ngày quá xa.  Bây giờ họ chỉ muốn thầm lặng sống qua ngày thôi.  Vài người sót lại trong viện dưỡng lão, lặng lẽ.  Người tôi quen ngày xưa, chết hầu hết rồi.

Những tờ thư cũ, tấm hình năm xưa sau khi tôi chết, có vài người giữ nó ít năm.  Ðến lúc họ chết thì kẻ sau dọn phòng không biết tôi là ai.  Tất cả vào thùng rác sau khi người đó chết ít ngày. Bây giờ tôi không còn dấu vết là bao.

Tôi đi tìm những chữ nghĩa ngày xưa tôi học.  Vất vả toan tính.  Ngày ấy nuôi bao nhiêu mộng mị ở miếng bằng ra trường. Bám vào tên tuổi muốn xã hội tặng ban.  Cần treo tấm bằng ở nơi làm việc. Chụp chung tấm hình với nhân vật tiếng tăm.  Bây giờ chả còn gì.

Ðã 25 năm rồi, tất cả đồ dùng của tôi đã biến mất.  Chiếc xe ngày xưa tôi đau buồn vì trầy vết sơn.  Ngày ấy không dám cho người khác mượn, tôi lau chùi thật bóng.  Bây giờ là bụi rác ở đâu?  Tôi đứng đây nhìn lại cuộc đời.  Tất cả qua đi như con gió thoảng mà sao ngày ấy lòng tôi bồn chồn, lo lắng, tiếc nuối những thứ này thế.

Tôi đi tìm những công trình tôi để lại.  Người để công trình này, người để công trình kia.  Tôi để lại những bài diễn văn.  Ai còn nhớ?  Họ quên ngay khi tôi rời cái mai-cô-phôn cơ mà.  Ngay khi ra khỏi phòng họp, ngay mấy phút sau.  Vậy mà hôm nay tôi đi tìm nó như một công trình để lại sao? Giật mình.  Tôi thấy mình quá ngớ ngẩn.  Vậy tôi đi tìm gì hôm nay?  Còn gì không?  Ngay cả những người tôi quen biết cũng không còn, thì tôi còn gì?  Ai mà giữ những kỷ niệm của tôi khi họ không biết tôi là ai?

Tôi không ngờ ngày lễ bạc này buồn tẻ hơn ngày tảo mộ lần thứ nhất.  Ngày ấy sau có ba năm tôi chết.  Ðứng một mình ngoài nghĩa trang, không có ai ra mộ tôi như hôm người ta chôn tôi.  Nhưng ngày ấy trở về tôi còn nhìn thấy nhiều bóng hình tôi quen.  Tôi còn gặp vài tờ thư tôi viết cho họ.  Có kẻ còn giữ tấm hình tôi.  Lần này hoang vu quá.  Trống trải.  Ngày 25 năm Lễ Bạc mà vắng thật vắng.

Bây giờ tôi hiểu, Ngày Lễ Bạc là của chính mình.  Một mình mình thôi.

Nhiều điều chết rồi mới thấy rõ.  Lúc sống sao tôi không nhìn thấy.  Chẳng hạn như tôi băn khoăn làm sao để lại công danh cho đời.  Ðời chả cần gì tôi.  Cần hay không, tiếng kêu của một cánh ve trong chiều hè trống trải mênh mông?  Chẳng hạn như tôi lo lắng ngày mai ra sao, tôi phải tích góp bao nhiêu cho đủ?  Bây giờ thấy quá rõ rồi, ngày mai, tức là bây giờ tôi đang đứng đây.  Trong nghĩa trang người ta không còn nhan sắc, người ta không cần chỗ ở.

Nếu bây giờ sống lại kiếp người, tôi sẽ rong chơi, tôi sẽ ca hát với suối xanh, tôi sẽ với mây trời cho trái tim tôi bao dung.  Nhưng trễ quá rồi.

*******

Tất cả những gì nhìn thấy đều không mang theo được khi tôi chết.  Son phấn.  Sự nghiệp.  Cũng không phải tất cả những gì thuộc tinh thần là mang theo được đâu.  Những điều thuộc tinh thần như tình yêu, lòng thù ghét, niềm kiêu hãnh, sự ghen tị, giận dữ, bao dung cũng tùy đó.  Chỉ những gì tinh thần mà thuộc về Ðức Kitô mới tồn tại.

Như vậy cuộc đời người ta phải bỏ lại tới 98 phần trăm.  Chỉ có hai phần trăm mang theo là tình yêu Chúa và bao dung với người đời.

Lúc sống, tôi quá vất vả cho 98 phần trăm cái không mang theo được.  Hôm nay nhìn lại trong ngày kỷ niệm 25 năm tôi chết.  Trở về tìm lại những bến bờ đã đi qua.  Chả còn gì.  Nếu tôi được sống lại, tôi sẽ sống như thế nào?

Hỏi mình vậy thôi, chứ tôi biết, quá trễ rồi.

Ðường tôi đi, bây giờ lại vẫn chỉ một mình, mình đi. Tôi lại nhủ lòng: Ðường đi một mình.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.

TẬN THẾ! TẬN THẾ!

Hầu hết chúng ta đều rất sợ chết, vì chết là sự ra đi vĩnh viễn của một người hay nhiều người – tức là tận thế.  Và mỗi khi tin đồn về ngày tận thế được đăng tải trên các báo chí, hoặc nghe truyền tai nhau, thì hầu như mọi người ai ai cũng hồi hộp và theo dõi một cách rất kỹ.

*****

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng tường thuật về ngày Tận Thế  như sau: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống, và các quyền lực trên các tầng trời sẽ bị lay chuyển” (Mc 13:24-25).

Qua bao thế hệ, Lời Chúa và những gì Ngài nói về ngày tận thế vẫn đúng cho từng người và mọi người. Ngài khẳng định: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xẩy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời ta nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13:30-31). Và như vậy, việc chuẩn bị để mỗi người chúng ta phải đối diện với biến cố tận thế là cần thiết và là một việc phải làm một cách nghiêm chỉnh. Một chuẩn bị tâm linh chứ không phải là những chuẩn bị có tính cách vật chất.

CHẾT : Thật vậy, chết chính là sự tận cùng và là một hành trình vĩnh viễn của một người đi về với vĩnh hằng.  Đây là “tận thế” của một người, vì những gì Chúa Giêsu đã diễn tả về ngày tận thế không những được áp dụng cho người ra đi mà cả người ở lại nữa.

Buồn, chán, thất vọng, sợ hãi, đau khổ, mất mát.  Tất cả những điều này sẽ xẩy ra cho một người trước giờ chết, và ngay sau khi chết; đặc biệt, là cái chết ngoài ơn cứu độ. Giáo lý Công Giáo đã khẳng định rằng chết ngoài ân sủng, ngoài tình yêu Thiên Chúa là một cái chết kinh hoàng, tuyệt vọng và mất mát lớn lao nhất của một người.  Không những bị cắt mất mạng sống thể xác mà còn mất luôn sự sống đời đời.  Bầu trời hạnh phúc, mặt trời hy vọng, mặt trăng thanh bình, những tinh tú lấp lánh trên bầu trời tâm linh trong phút chốc tan biến, nhào lộn, và đẩy đưa linh hồn vào vùng tăm tối ngàn thu. Đời đời trầm luân. Tận thế đã đến với họ.

TẬN THẾ: Nếu cái chết là một tận thế đối với cá nhân của một người, thì ngày chung thẩm, tận thế là cái chết của vũ trụ, của toàn thể nhân loại. Cái chết của một người ứng với lời Chúa nói: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xẩy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời ta nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13:30-31).

Nhưng cái chết của cả nhân loại thì đó vẫn là một mầu nhiệm. Ngài đã khẳng định: “Còn về ngày đó hay giờ đó thì không ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con cũng không biết, chỉ có mình Cha biết” (Mc 13: 32).

CHUẨN BỊ:  Không ai biết được cuộc sống của mình sẽ chấm dứt vào lúc nào. Điều chắc chắn là sẽ có ngày ta nhắm mắt lìa đời, ngày đó cũng là ngày chung thẩm của đời ta.  Hãy luôn luôn tỉnh thức, ăn ở ngay lành, sống bác ái với tha nhân, hòa bình trong tâm hồn, để chờ đón phút cuối cùng đó. Ta phải chuẩn bị một cách cẩn thận và nghiêm chỉnh cho biến cố cuối cùng của cuộc đời mình. Nhưng chuẩn bị bằng cách nào?

Bằng việc thắp sáng ngọn đèn đức tin với dầu yêu mến là lòng mến Chúa và tình yêu tha nhân.

Bằng cách tránh xa những cám dỗ như những cơn gió mạnh có thể làm vụt tắt ngọn đèn đức tin của mình.

Bằng cách không để những gương xấu, những khủng hoảng chung quanh cuộc sống làm cho mình phải băn khoăn, lo lắng, và hoang mang.

Trần Quang Huy Khanh

*****

Lạy Chúa! Xin cho con biết chuẩn bị cho ngày cuối cùng của cuộc đời con, cho con biết sẵn sàng đón chờ ngày đó, cho dù ngày đó đến bất cứ lúc nào cũng được. Cho con biết khao khát Chúa, luôn sống liên kết mật thiết với Chúa, biết phó thác mọi sự trong tay Chúa, vì Chúa là cùng đích của đời con .  Amen

SỰ SỐNG BẤT DIỆT

Hôm ấy, một hoàng tử nọ và ba vị cận thần lên đường kinh lý kiểm tra đất nước rộng lớn của vua cha.  Khi tới trên đỉnh núi cao, hoàng tử đưa mắt nhìn xuống miền đất mênh mông phía dưới.  Một lúc, hoàng tử ngậm ngùi lên tiếng:

– Ôi, quê hương thân mến!  Ôi đất nước dấu yêu!  Ngươi thật xinh đẹp biết bao với những thung lũng êm dịu, những mặt hồ trong xanh đầy ánh sáng, những cánh đồng với đủ thứ hoa muôn màu sắc, những núi đồi hùng vĩ và những khu rừng tĩnh mạc êm đềm.  Thế nhưng, ta sẽ phải chết và sẽ phải từ biệt ngươi, sẽ không bao giờ còn được chiêm ngắm vẻ đẹp của ngươi nữa.  Ôi sự chết, nhưng tại sao lại phải có sự chết?

Rồi hoàng tử buồn sầu nức nở.  Thấy vậy, hai vị cận thần cũng mủi lòng khóc theo.  Họ than thở và tìm cách ủi an hoàng tử.  Trong khi đó, vị cận thần thứ ba chỉ mỉm cười và không một lời phát biểu.  Về tới triều đình, hoàng tử gọi vị cận thần thứ ba đến và trách hỏi:

– Hôm nay, khi đứng trên núi cao, tâm hồn ta buồn sầu khôn tả.  Trong khi hai vị cận thần kia tìm cách an ủi ta, còn ngươi, tại sao ngươi chẳng nói gì mà lại mỉm cười như thế?

Vị cận thần thứ ba khôn ngoan trả lời:

– Tâu lạy hoàng tử.  Xin hoàng tử hãy nghĩ lại xem.  Nếu những vị danh nhân đại tướng từ trước đến nay tiếp tục sống mãi, không ai phải chết, đời sống họ sẽ ra thế nào và vận mệnh thiên hạ sẽ ra sao? Nếu hoàng đế, vua ông nội của hoàng tử không phải chết thì làm sao vua cha của hoàng tử có thể lên ngôi kế vị được?  Nếu vua cha của hoàng tử còn tiếp tục sống mãi thì làm sao hoàng tử có thể cai trị trên ngai vua cha được?  Nếu như tất cả các hoàng tử và các vua chúa trên trần gian này còn tiếp tục sống mãi thì lúc này hoàng tử sẽ thế nào?  Hôm nay, hạ thần đã nhìn thấy một hoàng tử thiếu hiểu biết sự thật về thân phận con người, lại thêm hai vị cố vấn chỉ biết nịnh bợ vuốt ve sự khờ dại của hoàng tử nữa thì làm sao mà hạ thần lại không thấy buồn cười được?

Lời nói khôn ngoan của vị cận thần thứ ba đã làm cho hoàng tử thức tỉnh và cảm thấy hổ ngươi vì sự khờ dại của mình.  Hoàng tử nói thêm:

– Sau này, khi giờ chết đến, ta chỉ muốn một mình ngươi bên cạnh giường ta mà thôi.

*******

Là con người, ai lại không sợ chết.  Bởi vì biết rõ những gì phải bỏ lại đàng sau, nhưng không biết trước mắt sẽ gặp thấy điều gì, chính vì những điều chưa biết đó làm cho con người thêm băn khoăn lo sợ.  Tuy nhiên, trên trần gian này không có chân lý nào chắc chắn hơn là sự chết.  Mỗi người sinh ra trên trần gian đều phải chết, tuy không ai biết được chính xác mình sẽ phải chết khi nào, chết cách nào và chết ở đâu.  Thế nhưng, đâu phải tất cả mọi người đều nghĩ tới cái chết của mình.  Biết bao nhiêu người sống như thể là sẽ không bao giờ phải chết hoặc vì dửng dưng, hoặc vì cố tình muốn gạt bỏ nó sang một bên để khỏi phải bận tâm đến cuộc sống hiện tại của họ.

Chúa Giêsu tuy là Con Một của Thiên Chúa hằng sống và là nguồn mạch sự sống, nhưng đã tự nguyện mặc lấy thân phận con người hay chết, và hơn nữa đã muốn chấp nhận cái chết khổ nhục trên thập giá để nhắc nhở con người thực tại về sự chết là gì và đâu là con đường dẫn tới sự sống hạnh phúc thật, sự sống bất diệt.  Ðó là con đường cứu độ qua mầu nhiệm đau khổ của thập giá và của sự chết.  Ơn cứu độ của Chúa Giêsu tác động trên con người toàn diện, bắt đầu từ trong thâm tâm, từ sự nhận biết và chấp nhận con người thật với tất cả những hạn hẹp của mình.  Ðó là bước đầu tiên tháo gỡ mình khỏi những trói buộc nô lệ, để bắt đầu sự giải thoát.  Con đường cứu thoát đòi hỏi sự chết đi liên tục để bắt đầu con đường sống thực sự.  Ðòi hỏi lòng can đảm và sức mạnh vào lòng tin của Chúa Kitô là Ðấng đã toàn thắng sự chết để mở ra chân trời mới của sự sống bên kia sự chết.

Trong phúc âm, trước khi bước vào con đường khổ nạn, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân cận nhất lên núi cao và cho họ thấy trước vinh quang của Ngài để củng cố niềm tin của họ, để họ không nản lòng thất vọng vì sẽ phải đứng trước cái chết khổ nhục của Ngài, vì biết rằng đó là ngưỡng cửa dẫn vào vinh quang của sự sống bất diệt.  Con đường cứu độ đó không thể nào chỉ dừng lại trong vinh quang của núi Tabor, nhưng là vững bước cùng Chúa vác thập giá tiến lên núi Sọ qua sự chết đi từng ngày trong cuộc sống của mình, Chết đi cho tính kiêu ngạo, cho lòng ích kỷ tự ái và mọi thói hư nết xấu để sống cho Chúa trong tinh thần phục vụ và yêu thương.

*******

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã phán bảo chúng con rằng: “Không có tình yêu nào lớn hơn cho bằng hiến dâng mạng sống vì người mình yêu mến”.  Xin giúp con can đảm chấp nhận chết đi từng giây phút trong con người cũ của con, để bắt đầu sống cho Chúa ngay từ giây phút này, để con biết nhận ra Chúa nơi anh em con.  Và để những người chung quanh cũng nhận ta Chúa trong cuộc sống con.  Amen!

R. Veritas