TÂM TÌNH SAU CƠN SÓNG THẦN 2004

Cơn sóng thần ở Đông Nam Á đã qua đi đến nay gần hai tuần rồi nhưng dư âm kinh hoàng của nó vẫn vang vọng như vừa mới xảy ra, bao gia đình tan nát, chết chóc, chia lìa.  Có những xóm làng, hòn đảo bị quét sạch trên bản đồ không một ai sống sót, có những cặp tình nhân đưa nhau đi nghỉ mát cuối năm, đi hai về một.  Người chết không đủ đất chôn, không kịp thời gian để an táng, không đủ bao nylon để bọc, đành chọn kiểu chôn tập thể.  Những người thoát nạn sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn thiếu uống, lo âu hãi hùng, khủng hoảng tinh thần.  Những nước vốn đã nghèo giờ bị tàn phá kiệt quệ…  Tôi không muốn đưa ra con số chính xác ở đây, vì mỗi ngày đọc tin tức là một con số mới, thay đổi đến chóng mặt, con số ngày hôm nay sẽ lạc hậu so với con số của ngày mai.  Sự mất mát, và thiệt hại quá ZZnặng nề, về vật chất cũng như về tinh thần, cho người đã chết cũng như người còn sống sót.  Nhưng có lẽ sự thiệt hại nặng nhất là sự khủng hoảng về đức tin cho những người đang sống.  Hình ảnh về một Thiên Chúa nhân từ đầy lòng xót thương bị cơn sóng thần bóp méo, con người đâm ra nghi ngờ sự hiện hữu của Đấng Hằng Hữu.  Đó là nỗi buồn vượt trên bao nỗi buồn!  Con người có thể sống khổ sở, vật lộn với cuộc sống, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng nếu vắng bóng đức tin thì con người sẽ sống ra sao?

Cái ngày kinh hoàng đó sẽ là ngày giỗ cho những người đã chết, và là ngày đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời sống hàng ngàn gia đình ở Đông Nam Á còn sống sót.  Đó là ngày Chúa nhật 26 tháng 12 năm 2004, sau ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, và tiếp theo một ngày là lễ kính Các Thánh Anh Hài Tử Đạo.  Câu chuyện về ngày Chúa sinh ra vẫn còn được tiếp nối trong Tuần Bát Nhật.  Đó là một câu chuyện buồn xen lẫn trong những ngày vui.  Sau khi Ba Vua nghe lời Sứ Thần báo mộng đi lối khác mà về xứ mình, còn Hêrôđê chờ hoài… chờ mãi… chờ bóng Ba Vua trở lại để báo cáo tình hình của vị Vua không ngai bé xíu mà không thấy bóng dáng ai đâu.  Ông ta liền nổi giận cho giết hết tất cả những trẻ em sơ sinh từ hai tuổi trở xuống trong vùng Bêlem, và toàn vùng lân cận, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.

Con số chính xác bao nhiêu em bị giết trong thời đó?  Không ai biết chính xác, chỉ ước chừng trên dưới 1000 em.  Tôi hình dung ra cảnh trên dưới 1000 em bé sơ sinh đỏ hòn hỏn vô tội, ngây thơ, xinh xắn nhưng yếu đuối không biết kháng cự…, đang bị quân lính nhà vua giành lấy từ tay người mẹ, và giơ gươm lên.  Một tiếng “xoạc” ngọt sớt, xác em bé bị chẻ hai!  Tai tôi nghe những tiếng khóc thét, kêu gào đầy sợ hãi của mấy bé thơ nhi không biết chuyện gì xảy ra, hoà lẫn với tiếng khóc than rền rĩ của mấy bà mẹ bị mất con.  Tiếng ngựa hí, tiếng chân của quân lính lùng xục chạy rầm rầm khắp đầu thôn cuối xóm, tiếng binh khí chạm nhau loảng xoảng.  Quả là một cảnh tang tóc, những bà mẹ tóc tai rối bời đang nhào ra, giành giật xác con từ tay mấy tên lính hung hãn.  Bà thì ôm xác con rũ rượi, gục xuống đất mà khóc nấc, có bà bế xác con mình đưa cao lên trời, như muốn hỏi Thượng Đế, tại sao con tôi vô tội mà phải chết?  Bà khác không tìm được xác con, lấy hai tay bịt tai lại, như không muốn nghe lời an ủi của những người xung quanh.  Nỗi đau lớn quá!  Có lời an ủi nào có thể xoa dịu được nỗi lòng người mẹ mới mất con?  Tôi tự hỏi sinh mạng của Đấng Cứu Thế lại được đánh đổi bằng cách này sao?  Có công bằng không?  Tại sao sứ thần Chúa không báo mộng hết cho những bà mẹ ở Belem biết, để họ cùng chạy trốn qua Ai cập?  Mẹ Maria và thánh Giuse trên con đường chạy trốn qua Ai Cập, có nghe được tiếng khóc than văng vẳng sau lưng không?  Gia đình Thánh Gia có biết rằng bao nhiêu em bé đã chết thay cho con mình không?  Bạn đã từng là người mẹ, người cha:  nếu bạn là một người mẹ lúc đó, là người trong cuộc, và được hỏi ý bạn có bằng lòng để cảnh này xảy ra, để đổi lại sự ra đời của Đấng Cứu Thế mà nhân loại hằng mong đợi không?  Câu trả lời chắc chắn là không, không đời nào!  Thế mới biết con người chỉ nhìn gần mà không nhìn xa, chỉ nhìn đến sự sống chóng qua ở đời này mà không nghĩ đến sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Ngước nhìn lên trời cao trong ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, tôi thấy một cảnh khác.  Trên dưới gần 1000 em bé mặt mày dễ thương, bụ bẫm, hào quang sáng chói chung quanh các em.  Có em bò, em lật, em mút tay, em nằm xấp, em nằm ngửa đang xúm xít bu quanh nôi Chúa Hài Đồng.  Còn các em lớn khác thì đang cùng với ca đoàn của các thiên thần trên Thiên Quốc vỗ tay ca hát, nhảy múa chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa.  Các em ngày đêm được chiêm ngưỡng dung nhan Chí Thánh, đang sống một cuộc sống vĩnh cửu hạnh phúc mà bao linh hồn hằng mơ ước.  Tôi tự hỏi 1000 em này nếu không bị giết chết, nếu các em có cơ hội được sống, trưởng thành, có gia đình, rồi có con, phải đi làm nuôi thân, nuôi gia đình, rồi già, rồi bịnh, rồi chết… theo qui luật tự nhiên của con người, thì bao nhiêu em trong số đó sẽ được nên thánh?  Có chắc là 100% số em đó sẽ có cuộc sống hoàn hảo thờ phượng Chúa hết lòng, và được nên thánh hết không?  Tôi nghĩ là không, chắc chắn là không.  1000 em đó nếu có cơ hội sống, sẽ có những em nên tốt, nên thánh thiện, nhưng cũng có những em bị hư đi trong dòng đời.  Và cũng sẽ có những em dở dở ương ương, nóng chẳng nóng lạnh chẳng lạnh, không ai biết số phận đi về đâu.  Vậy cái chết với 1000 em bé đó là phúc hay là họa?  Nếu một gia đình có một vị thánh trên Thiên Quốc ngày đêm cầu bầu cho những người thân trong gia đình, thì đó là phúc hay họa?

Ngày cơn sóng thần lẳng lặng xuất hiện không một tiếng báo trước là ngày Chúa nhật 26 tháng 12 nhằm ngày Lễ Thánh Gia, bổn mạng các gia đình Công giáo.  Trong khi Giáo Hội hân hoan kỷ niệm ngày đầm ấm xum vầy của một gia đình hạnh phúc trong dư âm ngày Chúa Giáng Sinh còn đâu đây, thì đó cũng chính là ngày gây kinh hoàng tang tóc cho hàng trăm ngàn gia đình.  Hai hình ảnh thật trái ngược, Thượng Đế như khéo bày chuyện trêu ngươi người đời!  Nhưng nhìn lại bằng con mắt đức tin thử xem, Phục Sinh và Giáng Sinh là hai ngày lễ lớn và trọng đại nhất của Giáo Hội Công Giáo.  Đối với người Công Giáo có mức sống đạo bình thường, một năm Giáo hội khuyến khích xưng tội hai lần: một vào mùa Chay và một vào mùa Vọng.  Họ cũng rước Mình Thánh Chúa trong hai ngày lễ lớn của năm:  Phục Sinh và Giáng Sinh theo như Giáo Hội yêu cầu.  Vậy được Chúa gọi về với Ngài ngay khi người tín hữu đã chuẩn bị tâm hồn, vừa được rước Chúa vào ngày hôm trước, đó là phúc hay họa?  Hãy cẩn thận, đừng khóc thương cho những người vừa được Chúa gọi về, và đang yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của Ngài, mà hãy khóc than, lo lắng cho chính linh hồn mình, vì ngày Con Người tới, biết mình có được chuẩn bị sẵn sàng như họ chưa?

Có những tấm hình thật khủng khiếp mà những người yếu bóng vía không dám coi.  Thật đau lòng khi đọc tin tức mỗi ngày, con số người chết gia tăng, thi thể của những người chết được chất đống trong những hố đất đào vội.  Những câu chuyện thương tâm của những người sống sót… sự sợ hãi, lo âu đang bị giam hãm trong những thân thể vốn đã gầy gò đói khát ở những nước chậm tiến, giờ đây đang lê lết trong lạnh lẽo, dưới môi trường sống hôi thối, ruồi muỗi, giành giựt, cướp bóc… kể sao cho xiết, nói sao cho đủ!  Thiên Chúa ở đâu rồi?  Ngài có tồn tại hay không?  Tại sao Ngài lại để những cảnh này xảy ra?  Ngài có chứng kiến những cảnh này không?  Tai Ngài có nghe thấy những tiếng khóc than rên rỉ không?  Và đức tin tôi bị khủng hoảng!

Khoan…, khoan đã…!  Hình như tôi đang nghĩ mình nhân từ hơn Thiên Chúa.  Tôi chỉ nghe tin tức, đọc báo, theo dõi hình ảnh trên internet, tivi… và trái tim tôi tan nát trước những hình ảnh thương tâm đó.  Còn Thiên Chúa, Ngài đang sống với những con người đó, Ngài đang chịu đau khổ với họ, đang chia sẻ cảnh sống thương tâm sợ hãi, thiếu thốn sau Tsunami… mà trái tim Ngài vẫn trơ ra, lạnh lùng!!!???  Sự suy nghĩ của tôi đúng hay sai nhỉ?  Tôi có khóc thương những nạn nhân Tsunami thì tôi chỉ biết cầu nguyện cho những người đã chết, nhịn ăn, nhịn mặc chắt chiu vài đồng để gởi cho những người còn sống.  Những đồng tiền bé nhỏ dè xẻn bao lâu nay tính gởi cho người thân bên quê nhà xài tết, bây giờ nó quẹo phải đi về hướng Đông Nam Á, đến với những nạn nhân Tsunami.  Sức của tôi có thế và tôi chỉ làm được thế thôi, chứ tôi nào dám bỏ gia đình bên Mỹ, bỏ công ăn việc làm, bỏ chăn ấm nệm êm trong mùa đông giá buốt để đến với họ, sống với họ, và an ủi họ.  Còn Con Một Thiên Chúa, Ngài đã dám bỏ tất cả vinh quang hạnh phúc từ trời cao xuống thế trong thân phận con người thấp hèn nhất, để chia sẻ những yếu đuối, khổ sở, lầm than của kiếp người.  Có nỗi khổ nào của con người mà Ngài chưa nếm qua?  Có nỗi nhục nhã nào mà Ngài chưa thử tới?  Ngài đã đến với họ, sống với họ, và chết với họ, vậy mà tôi dám cao giọng chất vấn Ngài?

Con người có những qui luật tự nhiên của con người:  sinh ra, lớn lên, bịnh tật, và chết đi.  Tự nhiên cũng có luật của tự nhiên:  hết nắng rồi mưa, hết đông đến xuân, ngày rồi đêm, trái đất tự quay chung quanh nó, và xoay chung quanh mặt trời với một chu kỳ nhất định.  Trong lòng trái đất cũng có những qui luật của riêng nó, lúc nóng lúc lạnh, lúc im ắng, lúc sôi động cựa mình.  Có những qui luật con người hiểu, khám phá ra, và có cách đề phòng.  Nhưng cũng có những qui luật con người chưa khám phá ra, và không biết cách đề phòng.  Rồi khi nó xảy ra gây nên thiệt hại lớn lao, thì mình lại đổ lỗi cho Chúa, Chúa làm nên hết mọi sự!  Thật là tội nghiệp Thiên Chúa biết bao!  Một Thiên Chúa không biết nói, không biết tự biện hộ!  Trong Kinh Thánh chỉ một lần duy nhất Thiên Chúa để nạn lụt hồng thủy xảy ra vào thời ông Nô-ê tiêu diệt loài người tội lỗi.  Sau đó Ngài buồn rầu và hối hận, Ngài lập giao ước với ông Nô-ê, hứa sẽ không bao giờ để nước hồng thủy hủy diệt tàn phá mặt đất nữa (x St 6-9).  Nếu tôi tin vào Kinh Thánh, tôi cũng tin rằng những sự dữ không xuất phát từ Thiên Chúa, đó là qui luật của tự nhiên, và thiên nhiên, mà vì thiếu sự hiểu biết, thiếu sự đề phòng nên con người phải gánh lấy hậu quả của nó.

Ngày xưa, chỉ mới cách đây vài chục năm, khi khoa học còn thô sơ chưa phát triển, tuổi thọ con người trung bình chỉ 40-50, ngày nay khoa học tiến bộ hơn nhiều, tuổi thọ con người lên đến 70-80.  Vậy ngày xưa con khóc cha ở tuổi 40 thì cho Chúa là “ác,” còn ngày nay con chôn cha ở lứa tuổi 90-100 thì gật gù khen Chúa rất nhân từ???  Nhiều khi Chúa “nhân từ” quá mà người con bắt chán, vì phải nuôi cha mẹ già 90-100 tuổi hoặc hơn, mà đợi hoài Chúa cũng chưa chịu kêu về dùm.  Thực sự Thiên Chúa lúc nào cũng thế:  từ bi, nhận hậu, khoan dung, đầy lòng xót thương và chậm bất bình…, đó là bản chất của Ngài, chỉ có khác là mình nhìn Thiên Chúa dưới lăng kiếng nào thôi.

Thời thơ ấu, mỗi khi trốn học đi chơi bị đòn quắn đít, tôi nhìn mẹ bằng ánh mắt giận dỗi, bỏ đi, và trả thù bằng cách không nói chuyện với mẹ.  Mỗi khi bị bịnh, mẹ bắt uống thuốc bắc đắng nghét, bóp miệng ngửa cổ ra rồi thẳng tay đổ ộc chén thuốc đen thùi vô miệng, rồi mẹ nhanh tay bóp chặt miệng lại không cho thuốc có cơ hội thoát ra ngoài.  Lúc đó tôi nhìn mẹ bằng ánh mắt nghi ngờ, thương con là như vậy sao?  Rồi lớn lên thành người tôi mới hiểu được, à thì ra là thế!  Có những lý do đằng sau cây roi, và chén thuốc đắng kia mà lúc nhỏ tôi không nhìn thấy được.  Bây giờ tôi “hiểu” việc mẹ làm tôi mới “tin” mẹ làm vì tình thương, còn ngày xưa, tôi “không hiểu” thì tôi cũng “không tin” mẹ làm vì thương mình.  Tôi cũng tầm thường như bao người khác thôi, bởi thế người ta mới nói nước mắt chảy xuống, khi nào có con, nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ.  Chỉ khi nào tôi “không hiểu” việc mẹ làm, mà tôi vẫn “tin” mẹ làm vì tình yêu, lúc đó tôi mới thực sự là một người con đúng nghĩa.  Chúa ơi, con cũng chỉ là người con đúng nghĩa của Chúa khi nào con “không hiểu” những việc xảy ra, mà con vẫn “tin” vào tình thương của Chúa.  Đó là cái mà Chúa gọi là “đức tin,” và con biết “đức tin” thì cần được thử thách, tôi luyện, nhưng xin đừng thử thách quá sức của con.  Xin cho con biết phó thác vào Chúa những việc con làm không nổi, những điều mà đầu óc con suy không thấu.

Tôi thấy gì sau cơn bão này nhỉ?  Bên cạnh những hình ảnh tang thương, chết chóc là những tấm hình chụp những chuyến trực thăng chở hàng tiếp vận, những kho hàng óc ách đầy hàng hoá, những nhân viên làm việc thiện nguyện ngày đêm để cứu các nạn nhân.  Tiền cứu trợ của các nước Mỹ, Nhật, Úc… tăng lên từ từ, các hội từ thiện trên thế giới lớn tiếng kêu gọi đóng góp với những con số lớn lên mỗi ngày.  Con người bỗng ra hiền hòa, và thế giới cảm nhận được tình nhân ái lâu rồi mới thấy lại.  Tiếng gọi cứu trợ ở khắp mọi nơi: báo chí, internet, đài phát thanh, truyền hình, trong nhà thờ, nhà trường, các hội đoàn, các hãng lớn, xưởng nhỏ, chợ búa, v.v…  Đi đến đâu cũng nghe người ta ơi ới réo gọi nhau, khuyến khích nhau cùng bố thí làm phước.  Hình như những đau khổ trong cuộc sống đẩy con người lại gần nhau hơn và những tang thương chết chóc của người khác là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính mình.  Ước gì con người đừng quên bài học hôm nay để luôn sống trong tỉnh thức và cầu nguyện!

Lang Thang Chiều Tím
January 2005
Viết cho người bạn đang bị khủng hoảng đức tin về cơn sóng thần ở Đông Nam Á