HÃY ĐẶT LÒNG MÌNH VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT!

Năm 1931, một nữ tu người Ba Lan tên Faustina Kowalska, tuyên bố rằng chị đã được nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với mình.  Người mặc áo trắng, tay phải với lỗ đinh giơ lên như đang chúc lành, tay trái chạm vào trái tim nơi có hai luồn ánh sáng trắng và đỏ chiếu tỏa ra, và Người truyền cho thánh nữ vẽ lại những gì đã thấy với dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” (Trích Nhật ký Lòng Thương Xót Chúa nơi linh hồn tôi – Faustina)

Gần bảy mươi năm sau, ngày 30/4/2000, vào Chúa nhật sau lễ Phục sinh, Đức giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng phong thánh cho chị Faustina, và ấn định Chúa nhật II Phục sinh hằng năm là ngày “Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót.

Lòng Thương Xót của Chúa dành cho con người không dừng lại ở những gì Chúa Giêsu đã nói đã làm khi còn sống, hay chỉ trong cuộc khổ nạn của Người mà thôi.  Lòng thương xót ấy vẫn hằng ngày được tiếp diễn trên cuộc đời mỗi người chúng ta.  Dù biết đức tin của con người còn yếu kém, thế nhưng lòng thương xót ấy vẫn bao phủ và chở che con người qua mọi nơi mọi thời.

Các tông đồ ngày xưa ai cũng hoan mang, lo lắng về cái chết của Chúa Giêsu, nên khi hay tin Người sống lại phần lớn các ông đều tỏ thái độ bán tín bán nghi.  Suốt trong tuần Bát Nhật Phục Sinh vừa qua, ta được nghe những tường thuật về những lần hiện ra sau khi sống lại của Chúa Giêsu qua các trang Tin Mừng của các thánh sử.  Mỗi người diễn tả một hoàn cảnh khác nhau về sự Phục Sinh của Người, và trong những lần hiện ra ấy, ta lại thấy các môn đệ đón nhận với một hoàn cảnh, một thái độ khác nhau.  Nhưng tất cả đều mang chung một tâm trạng của sự hoài nghi.

Thế nhưng, khi nhắc đến vấn đề lòng tin thì người ta lại nghĩ ngay đến Tôma và gắn liền tên ông với “Kẻ kém lòng tin.”  Thật tội nghiệp cho Tôma khi phải mang lấy biệt danh không mấy tích cực ấy.  Chỉ vì trước đó ít hôm, vì một lý do nào đó mà ông không thể có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra, và vì ông mạnh mẽ cho một câu nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.” (Ga 20,25)

Với tôi, Tôma là một người sống thực tế theo kiểu “trăm nghe không bằng một thấy.”  Nhưng nếu công bằng hơn, ta sẽ thấy Tôma còn là một người sống rất tình cảm.  Chắc chắn ông đã buồn và buồn rất nhiều về những gì Chúa Giêsu phải chịu, và tình cảm ông dành cho Thầy cũng rất sâu nặng.  Chắc có lẽ ông đã lẩn đâu đó trong đám đông khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, mới có thể chứng kiến và biết những vết thương của Thầy.  Ông đã không bỏ trốn đến một nơi thanh vắng nào đó cho an toàn, nhưng cách nào đó ông âm thầm bước theo Chúa Giêsu để rồi đã phải “ám ảnh” và tự vấn lương tâm mình rất nhiều vì những vết thương Thầy mình phải chịu.  Nên những dấu đinh trên tay hay vết thương nơi cạnh sườn Người, là điều đầu tiên ông muốn thấy.  Nó đã ám ảnh, đã dằn vặt cõi lòng ông suốt thời gian qua, giờ đây ông đã rất can đảm để đối diện với nỗi buồn trong lòng mình.

Chúa Giêsu đã trách ông kém lòng tin (x. Ga 20, 27), nhưng lời trách ấy không chỉ dành riêng cho Tôma mà nó còn cho mỗi người chúng ta.  Đạo Công giáo là đạo của đức tin.  Nhưng người Công giáo đã giữ và sống đức tin của mình như thế nào?  Giữa một trào lưu xã hội chạy theo lối sống thực dụng, việc giữ đức tin đã khó và sống đức tin ấy càng khó hơn bội phần.  Nói lời hay, giảng điều đẹp vẫn cần, nhưng xã hội ngày nay người ta cần hơn những chứng nhân thực tế, liệu rằng một đời sống đạo gương mẫu bằng những hành động cụ thể từ những lối hành xử hằng ngày đã được người Kitô hữu áp dụng như thế nào?

Nhìn lại tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người, ta mới thấy nó cao cả và huyền nhiệm làm sao.  Dù biết con người qua mọi thời luôn hời hợt với tình yêu của mình, nhưng Người vẫn yêu thương ta và yêu đến cùng.  Người còn muốn tình yêu ấy bao phủ và xâm chiếm trái tim tội lỗi của con người, để bảo vệ, chở che và nâng con người lên một tầm mức cao hơn.  Lòng thương xót của Người vẫn ngày đêm không ngừng len lỏi vào tâm hồn ta bằng sự dịu dàng, để rồi nó sẽ được tỏa ra cách mạnh mẽ như Tôma: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) và từ đây một cuộc cách mạng nội tâm diễn ra và nó đã nhấn chìm mọi ngờ vực vào “đại dương lòng Chúa thương xót.

Lạy Chúa, con tin lòng thương xót của Chúa luôn ấp ủ tâm hồn con, xin cho con biết ra khỏi con người hiện tại với những bộn bề lo toan, những hơn thua, hờn giận.  Để con biết sống lại con người mới trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa.  Và xin cho con biết loan truyền lòng thương xót của Chúa đến với những người xung quanh không chỉ qua lời nói mà còn bằng chính những hành động yêu thương cụ thể hằng ngày của con.  Và qua con, mọi người cảm nhận cách cụ thể hơn mối phúc sau cùng Chúa để lại: “Phúc cho những ai không thấy Chúa mà tin có Chúa hiện diện nơi con.”

Step. Phạm Ngọc Duy

TIN VÀ KHÔNG TIN

Trong thời đại 4.0 này, việc tin một người đã chết rồi ba ngày sau sống lại được coi là điều nhảm nhí và điên rồ.  Điều đó chẳng có chi lạ.  Bởi lẽ, vào thời các tông đồ, các quan chức Rô-ma và những người lãnh đạo Do Thái Giáo cũng đã cho việc các ông khẳng định Đức Giê-su đã chết và đã sống lại là điều tào lao.  Các tông đồ không vì thế mà nhụt chí, vì các ông không thể không nói ra những điều mình được mắt thấy tai nghe (x. Cv 4,21).  Hơn thế nữa, các ông còn lấy mạng sống mình đề đảm bảo những gì các ông nói.

Hai mươi thế kỷ đã qua, có rất nhiều người tin vào Đức Giê-su Phục sinh, nhưng cũng có rất nhiều người phủ nhận Người.  Thống kê mới nhất của Tòa Thánh cho thấy, Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000 (Bảy tỷ, bảy trăm tám mươi lăm triệu bảy trăm sáu mươi chín ngàn người) trong đó số tín hữu Công giáo là 1.375.852.000 (Một tỷ ba trăm bảy mươi lăm triệu tám trăm năm mươi hai ngàn người).  Như vậy, tỷ lệ người Công giáo trên toàn thế giới ở mức 17,67%.  Đó là chưa tính những tín hữu Ki-tô thuộc các giáo phái khác.

Một người đã chết nay sống lại là điều khó tin, ngay cả với ông Tô-ma, một trong mười hai tông đồ.  Ông đặt ra những điều kiện cho niềm tin của mình, mặc dù trước đó, ông đã tận mắt chứng kiến những phép lạ ngoạn mục Chúa Giê-su đã làm.  Ông đại diện cho trường phái hồ nghi, ở thời nào cũng có, nhất là trong thời đại của chúng ta hôm nay.  Trường phái này chỉ tin vào những gì cảm nhận bằng giác quan.

Tuy vậy, khi đặt ra những điều kiện để tin như ông Tô-ma, là chúng ta đặt Thiên Chúa ngang hàng với người phàm.  Nói cách khác, khi đòi phải có điều kiện, thì không còn là đức tin nữa, vì tin là chấp nhận những thực tại vô hình hay những thực tại mình không cảm nhận bằng giác quan.  Hơn nữa, nếu đặt để niềm tin của mình nơi quyền năng của Thiên Chúa, thì cần xác tín: “không có gì mà Chúa không làm được.”

Mặc dù ông Tô-ma chẳng có lý do gì để thách thức Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su Phục sinh vẫn chấp nhận lời thách thức đó.  Vào ngày thứ tám sau sự kiện phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, có cả Tô-ma.  Cuộc gặp gỡ này đã chứng minh những lời các tông đồ nói trước đó là xác thực.  Đức Giê-su nhắc lại những thách thức của ông Tô-ma trước đó.  Trước những lời này của Chúa, ông Tô-ma chẳng còn nói được điều gì.  Ông chỉ có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Đây là lời tuyên xưng đức tin.  Đây cũng lời sám hối, đồng thời diễn tả niềm xác tín vào Đấng Phục sinh.  Chúng ta lưu ý: ông Tô-ma không còn gọi Chúa Giê-su là Thày như trước đó, mà ông tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa.  Những danh xưng này cho thấy ông đã thực sự tin vào Đức Giê-su.  Đây cũng là lời tuyên xưng đức tin của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.

Trong cả ba năm A,B,C, của Chúa nhật thứ hai Phục sinh, Phụng vụ đều cho chúng ta nghe cùng một bản văn, đó là trình thuật về sự cứng lòng của ông Tô-ma trong Tin Mừng theo thánh Gio-an.  Mặc dù Chúa Giê-su Phục sinh là nhân vật quan trọng nhất, nhưng xem ra ông Tô-ma lại dành một vị trí đặc biệt trong trình thuật này.  Phải chăng Phụng vụ muốn lưu ý chúng ta: vẫn còn đó những Tô-ma, trải qua mọi thời đại.  Rất nhiều người giống như Tô-ma, chủ trương học thuyết thực nghiệm.  Họ chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe.  Các tông đồ, là những chứng nhân mắt thấy tai nghe và kể lại cho chúng ta sự kiện Chúa sống lại với niềm xác tín.  Trước Công nghị Do Thái, các ông tuyên bố: Đức Giê-su, vị ngôn sứ thành Na-gia-rét, là người có quyền năng trong lời nói và hành động, đã chết và đã sống lại.  Các ông sẵn sàng lấy mạng sống để làm chứng cho điều các ông nói.  Một điều kỳ diệu, là các tông đồ vốn là những người dân chài chất phác ít học, nhưng lại uyên bác và trích dẫn Thánh Kinh để minh chứng rằng các lời ngôn sứ xưa kia đã thành hiện thực.

Chúa Giê-su Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta.  Tác giả sách Tông đồ Công vụ diễn tả sức sống kỳ diệu của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi: cộng đoàn đông đảo “chỉ có một lòng một ý.  Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”  Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy?  Thưa, Đấng Phục Sinh.

Thời nào cũng thế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào Đức Giê-su.  Tuy vậy, khi tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và sống lại, các Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa.  Thánh Gio-an tông đồ viết: “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.”  Đó là cuộc sinh hạ trong đức tin và ân sủng.  Họ cũng sẽ chiến thắng thế gian như Đức Giê-su đã chiến thắng.  Các Ki-tô hữu cần thường xuyên ý thức về sức sống mới trong tâm hồn và cuộc sống của mình, để củng cố đức tin và thực sự nên giống Đức Giê-su Phục sinh.  Chúng ta thấy đó là lý do tại sao Phụng vụ nhấn mạnh và cầu nguyện cho những người tân tòng, trong mùa Phục sinh.

Chúa nhật II Phục sinh cũng là Chúa nhật kính Lòng Chúa thương xót.  Xin cho chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giê-su nơi trần thế, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người.  Xã hội hôm nay rất thiếu vắng lòng thương xót.  Đó là nguyên nhân dẫn tới bạo lực, hận thù và xung đột chia rẽ.  Khi cảm nhận lờng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn và dễ dàng thực thi lòng thương xót đối với tha nhân.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

MUỐN NHIỀU HƠN

“Đừng giữ Thầy lại!”

“Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tuỳ thích!  Chúa Kitô trao chìa khoá kho tàng vào tay bạn.  Nếu một người được phép vào kho vàng thỏi của ngân hàng, lấy bao nhiêu tuỳ thích; nhưng anh ấy chỉ lấy mấy cắc, thì lỗi tại ai mà anh ta nghèo?  Hãy muốn thật nhiều!  Và đừng quên, Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!” – Alexander MacLaren.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Kitô luôn ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn!”  Đó cũng là những gì Ngài muốn cho Maria trong Tin Mừng hôm nay.  Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho cô với dáng vẻ một người làm vườn.  Cô muốn ôm chân Ngài; Ngài nói, “Đừng giữ Thầy lại!”  Tại sao?  Ngài muốn cô thay đổi cách nhìn, lối xử với Ngài một cách hoàn toàn khác!  Ngài ‘muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là cô có mặt dưới chân thập giá; hoặc do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô!  Mặc dù sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu đẹp đẽ và rất thanh khiết – tuy chưa hoàn thiện – Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn.  Vì lý do đó, Ngài bảo, “Đừng giữ Thầy lại!”

Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, “Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn.  Nó không còn ở cấp độ con người!  Ta sẽ không chỉ là bạn của con; Ta ‘muốn nhiều hơn’ cho con.  Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực;” Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta; Ta sẽ ở trong tim con, nên một với con, và trở thành Lang Quân của con cho đến đời đời!”  Đây là ‘một cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất,’ ‘một hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa,’ ‘một tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với tội nhân.’  Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên;’ và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh trên dương thế!

Sẽ rất bất ngờ khi bạn và tôi đọc lại những lời này – “Đừng giữ Thầy lại!” – với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được giữ lại’ hơn bao giờ hết!  Ngài muốn ‘được ôm chặt’ với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha!  Ngài muốn chúng ta ‘ôm chặt’ Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân.  Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở của mình; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người để biến đổi từng người theo cách thức riêng của Ngài.  Maria đang tận hưởng hạnh phúc này; và quà tặng đó cũng đang được trao cho bạn và tôi ngay hôm nay chứ không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Đừng giữ Thầy lại!”  Chúa Phục Sinh ‘muốn nhiều hơn’ cho bạn và tôi!  Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi,” chứ không chỉ nhặt “mấy cắc.”  Ngài muốn chúng ta yêu Ngài tha thiết hơn từng ngày, từng giờ; từ đó, sống cho Ngài từng phút, từng giây.  Ngài không chỉ ‘muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, cả những tội lỗi cùng những gì ‘hơi hướng thế tục’ nơi mỗi người.  Đó là tất cả những gì Ngài đang chờ, và đang muốn nhất.  Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá.  Phải, cả thập giá!  Thú vị thay, thập giá đó là sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và cả tội lỗi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con khôn ngoan ôm lấy ‘vàng thỏi,’ đừng nhặt ‘tiền cắc!’  Để con yêu Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ cho Đấng hằng yêu con từng giây!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế