THÁNH GIUSE THỢ

Thánh Giuse, Cha Nuôi Đức Kitô.  Ngài đã sinh sống và nuôi vợ con với đôi tay và sức lao động của chính mình bằng nghề thợ mộc.  Chúa Giêsu lớn lên cũng theo nghề của dưỡng phụ ngài, và đã trở thành một anh thợ mộc: “Đây không phải là ông thợ mộc sao?  Không phải là con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?  Chị em của ông không ở đây với chúng ta sao?  Và họ xúc phạm đến Ngài” (Marcô 6:3).   

Dù chỉ là một người thợ mộc bình dân, âm thầm, và nghèo nàn, nhưng theo huyết thống, Thánh Giuse thuộc hoàng tộc David.  Ở vào thời ngài, dòng dõi David tuy không còn lừng lẫy như xưa, Thánh Giuse vẫn cho thấy ngài là người có tâm hồn cao thượng và thánh thiện.  Thánh Kinh kể lại sau khi kết hôn với Maria, do nhận ra Maria có thai, nhưng vì “là người công chính và không muốn công khai tố cáo người bạn mình” (Matthêu 1:19), nên Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria một cách kín đáo.  Hành động của ngài đã khiến Thiên Đàng phải can thiệp.  Thiên thần Chúa đã được sai đến và cho ngài hay con trẻ đó là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đây được hòai thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

Sau khi được thiên thần báo mộng, Thánh Giuse đã đón nhận Maria, hoàn thành sứ mạng làm chồng và làm cha của mình một cách hết sức tận tụy, chu đáo, trách nhiệm, và thánh thiện.  Thử thách đầu tiên đến với ngài, cũng theo Thánh Kinh thuật lại, sau khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bethlehem thuộc Judaea, và sau cuộc đón tiếp ba vị Đạo Sỹ, một lần nữa thiên thần lại báo mộng cho ngài đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập để tránh cảnh lùng bắt Hài Nhi của vua Herod.  Và sau cùng, cũng từ Ai Cập, ngài lại được thiên sứ báo mộng đem gia đình trở về Do Thái sau khi Herod băng hà.

Không muốn trở lại Bethlehem vì sợ người kế vị Herod còn nuôi ý định lùng bắt trẻ Giêsu, Thánh Giuse đã đem gia đình tới định cư tại Nazareth (Matthêu 2:22-23) thuộc Galilee.  Ngài đã sống và làm việc âm thầm ở đây cho đến khi qua đời.  Sự xuất hiện cuối cùng của ngài được thánh sử Luca ghi lại trong biến cố gia đình ngài lạc và tìm thấy trẻ Giêsu lúc bấy giờ đã 12 tuổi trong Đền Thờ (Luca 2:41-49).  Hoàn cảnh, thời gian Thánh Giuse qua đời không được ghi lại, ngoại trừ theo suy luận, nó xảy ra vào trước thời gian Chúa Giêsu công khai sứ mạng rao giảng Tin Mừng và chịu tử hình trên Thánh Giá (Gioan 19:26-27).

Những lý do các nhà giải thích Thánh Kinh dùng để suy đoán về thời gian cái chết của ngài, đó là Thánh Giuse không được nhắc đến trong tiệc cưới Cana, thời gian khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngài cũng không được nói đến trong cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa.  Người hạ xác và mai táng Chúa là Giuse thành Arimathea.  Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng không trao Mẹ Ngài cho ai nhưng cho Tông Đồ Gioan, lúc đó đang đứng dưới chân thập giá: “Hỡi Gioan, này là mẹ con” (Gioan 19:27).[1]

Sống nghề thợ mộc

Thánh Giuse được diễn tả như một “tekton” (τέκτων), dịch theo Anh ngữ là người “thợ mộc,” tuy nhiên, từ ngữ này không chỉ gói gọn trong nghề thợ mộc.  Theo tiếng Hy Lạp thì nghề này còn liên quan đến những sản phẩm được làm bằng sắt hoặc đá.

Ở vào thời của Thánh Giuse, Nazareth là một ngôi làng ẩn khuất trong miền Galilee, khoảng 130 Km (81 mi) cách Thành Thánh Giêrusalem, và rất ít được nhắc đến trong những sách vở của người ngoài Kitô giáo, cũng như các tài liệu khác.  Nhân số trong ngôi làng này có vào khoảng 400 người.

Theo một số tài liệu cho rằng cuộc sống của người Nazareth lúc bấy giờ lệ thuộc nhiều vào các tỉnh lân cận, và nhiều nhà sử học tin rằng Thánh Giuse và cả Chúa Giêsu có thể hằng ngày đã phải đi về để làm việc trong ngành tái thiết. [2]

Một trong những thành phố đang phát triển lúc bấy giờ là Sepphoris tiếng Do Thái gọi là Tzipori và tiếng Ả Rập gọi là Saffuriya từ thế kỷ thứ 7.  Trung tâm vùng Galilee, cách 6 Km về phía bắc-tây bắc Nazareth. [3]  Vào thời kỳ của Chúa Giêsu, thành này được phát triển rộng lớn thu hút nhiều nhân công thợ xây.  Cũng theo truyền thống xa xưa cho rằng Đức Maria được sinh ra ở Sepphoris, và cha mẹ ngài là Gioakim và Anna. [4]

Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng Thánh Giuse là một người thợ mộc trong làng, những công việc của ngài bao gồm chế tác, sửa chữa những đồ đạc bằng gỗ, đá, và kim loại. [5]  Năm 2019, người viết cũng đã có diễm phúc thăm Nazareth, viếng xưởng mộc của Thánh Giuse ở đây, và rất cảm động về sự nghèo nàn, đơn sơ của gia đình ngài.

Ngày nay Nazareth là một thành phố Ảrập lớn nhất ở Do Thái gồm 30 thánh đường, tu viện cũng như đền thờ Hồi Giáo và các hội trường cổ.  Thống kê năm 2021 cho biết hiện nay Nazareth có khoảng 77.925 dân cư, trong đó 69% là người Hồi Giáo, và 30,9% thuộc Kitô Giáo. [6]

Lòng sùng mộ  

Thánh Giuse được biết đến qua Thánh Kinh là “cha trần thế” của Chúa Giêsu và là chồng của Đức Trinh Nữ Maria.  Ngài là Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Cuộc đời ngài đã được ghi trong Tân Ước, đặc biệt là Phúc Âm Thánh Matthêu và Luca.

Lòng sùng mộ Thánh Giuse được xem như bắt đầu từ Ai Cập.  Theo truyền thống Tây Phương khởi đi từ trước thế kỷ thứ 14, lòng sùng mộ này được phổ biến khi một dòng tu chiêm niệm có tên là Các Tôi Tớ Đức Maria (The Servite Order) mừng lễ kính ngài vào 19 tháng Ba, ngày được cho là  ngày ngài qua đời.  Trong số những người có lòng sùng kính Thánh Giuse là Đức Giáo Hoàng Sixtus IV, người đã phổ biến lòng sùng mộ này tại Roma vào khoảng năm 1479.  Thánh Nữ Teresa D’avila, một nhà thần bí của thế kỷ 16 cũng là người rất có lòng yêu mến Thánh Giuse.

Mặc dù là Bổn Mạng của nhiều quốc gia, năm 1870, Đức Giáo Hoàng Pius IX đã đặt ngài Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Giáo Hội Việt Nam cũng nhận Thánh Giuse là Bổn Mạng.  Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã thiết lập lễ kính ngài với danh hiệu Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng 5.  Đời sống lao công của Thánh Giuse đã dạy chúng ta rằng ngài làm việc một cách âm thầm cho Chúa Giêsu.  Không chỉ có Thánh Giuse, Mẹ Maria cũng là người chu toàn trách nhiệm mình với lòng yêu mến Thiên Chúa một cách thánh thiện, chăm chỉ, và siêng năng nhất.  Ý nghĩa tôn giáo của Lễ Thánh Giuse Thợ nhằm thánh hóa quan niệm do chủ nghĩa Cộng Sản khi họ chọn ngày này làm ngày Lao Động Thế Giới với một chủ đích thế tục. [7]

Kinh cầu Thánh Giuse  

Lời kinh kết thúc Tông Thư PATRIS CORDE của Đức Phanxicô kỷ niệm 150 năm Thánh Giuse được tôn vinh là Bổn Mạng Hội Thánh.

Kính chào Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế,
Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa Cha đã trao Con Một của Chúa cho Ngài,
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài,
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.
Lạy thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin cầu cho chúng con ơn thánh, lòng thương xót và can đảm.
Và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen
. [8]

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph
  3. https://en.wikipedia.org› wiki › Sepphoris
  4. https://www.deseret.com› sepphoris-the-ornament-of-th.
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph
  6. https://en.wikipedia.org/wiki/Nazaret
  7. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph
  8. https://www.vaticannews.va/en/prayers/prayer-to-st-joseph.html

ĐÊM TỐI NGÕ CỤT

Chuyện gì xảy ra khi chúng ta trải qua đêm tối linh hồn?  Chuyện gì đã xảy ra và chúng ta phản ứng như thế nào?

Số lượng sách vở viết về chuyện này có thể chất đầy thư viện, mỗi quyển sách hay mỗi bài viết đều có cái lý riêng của nó, nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ một thấu suốt độc nhất vô nhị của nữ tu dòng Cát Minh Constance FitzGerald, là người được nhiều ngòi bút thiêng liêng trích dẫn khi nói về đêm tối linh hồn.

Sơ dùng từ “ngõ cụt” để diễn tả điều thường được gọi là đêm tối linh hồn.  Với sơ, đêm tối linh hồn là khi chúng ta đi đến một ngõ cụt trong cuộc đời về mặt tình cảm, trí tuệ và tưởng tượng.  Mọi cách thức chúng ta từng hiểu, từng tưởng tượng, từng cảm nhận trước đây, nhất là những điều liên quan đến Thiên Chúa, đức tin và cầu nguyện, giờ đây không còn hiệu quả nữa.  Có thể nói chúng ta bị tê liệt, không thể trở lại như trước, không thể tiến tới.  Và một phần sự tê liệt chính là do chúng ta không thể suy nghĩ, cảm nhận hay tưởng tượng để thoát ra khỏi chuyện này.  Chúng ta rơi vào ngõ cụt, không lùi được mà cũng không tiến được.  Vậy chúng ta phải làm gì?  Làm sao để đi ra khỏi ngõ cụt?

Con đường để đi ra không đơn giản cũng không nhanh chóng.  Chúng ta không thể tưởng tượng, suy nghĩ hay cảm nhận để thoát ra khỏi nó, bởi vì tầm nhìn, những biểu tượng, những câu trả lời và cảm giác chúng ta cần thì chưa có, hoặc ít ra là chưa có cho chúng ta.  Chính vì thế mà chúng ta rơi vào ngõ cụt và bị tê liệt về tình cảm và trí tuệ.  Tầm nhìn và những cảm giác mới có thể thiết lập lại tầm nhìn, những suy nghĩ và cảm giác, những điều phải được thai nghén và khai sinh thông qua đau đớn và hoang mang.

Ở giai đoạn này, không có câu trả lời, ít nhất là không có câu trả lời cho chúng ta.  Có lẽ bạn đã đọc chuyện về những người đã gặp ngõ cụt, bây giờ họ khuyên cách trải qua đêm tối linh hồn.  Những điều này có thể hữu ích, nhưng lòng bạn, trí tưởng tượng và trí tuệ của bạn mới là những gì đang được thử lửa.  Biết người khác từng trải qua ngọn lửa đó thì có thể giúp bạn có được tầm nhìn và sự an ủi trong cơn tê liệt, nhưng ngọn lửa đó vẫn phải đi qua đời bạn để bạn thiết lập lại trí tưởng tượng, suy nghĩ và cảm giác của bạn.

Với nữ tu FitzGerald, ở trong trạng thái này chính là ở ngưỡng của giới hạn mà chúng ta có thể tìm ra bản ngã.  Đây là lò lửa thanh tẩy trong lòng chúng ta.  Và với sơ, lối thoát chính là đi xuyên qua nó.  Lối thoát ra khỏi đêm tối dạng này là qua “chiêm niệm,” cụ thể là ở lại trong ngõ cụt, kiên nhẫn chờ đợi với nó, chờ Thiên Chúa phá vỡ ngõ cụt bằng cách biến đổi trí tưởng tượng, trí tuệ và tâm hồn chúng ta.

Cho nên, xét tận cùng, ngõ cụt này là thách thức chúng ta trở nên nhà thần nghiệm, không phải là chúng ta bắt đầu tìm kiếm trải nghiệm tôn giáo phi thường, mà là chúng ta để những ảo tưởng, những biểu tượng rạn vỡ và ý nghĩa mất mát của chúng ta trở thành một không gian để Thiên Chúa có thể thiết lập lại đức tin, cảm giác, tưởng tượng và trí tuệ của chúng ta bên trong một chân trời mới, với mọi sự đều được diễn giải lại triệt để.

Cụ thể chúng ta làm thế nào?  Chúng ta chiêm nghiệm thế nào?  Bằng cách ngồi xuống trong căng thẳng, bất lực nhưng kiên nhẫn, cởi mở, chờ đợi, và ở lại đó bao nhiêu lâu cần thiết để từ trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta nhận được một cách tưởng tượng, suy nghĩ và cảm nhận mới về Thiên Chúa, đức tin, cầu nguyện để vượt ra khỏi ngõ cụt.

Hơn nữa, những biểu tượng rạn vỡ, ảo tưởng và bất lực không thể suy nghĩ hay cảm nhận lối thoát ra khỏi ngõ cụt, chính nó là điều khẳng định với chúng ta, tầm nhìn mới chúng ta được ban, chính là điều phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, của phóng chiếu hay tư lợi của bản thân chúng ta.

Một trong những phê phán sâu cay nhất về trải nghiệm tôn giáo là của triết gia Friedrich Nietzsche, ông tuyên bố mọi trải nghiệm tôn giáo, tất cả, xét tận cùng đều là sự phóng chiếu của con người.  Ông lập luận chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh và hình tượng của mình vì lợi ích của mình, vì thế mà nhiều đức tin và tôn giáo chân thành có thể giả hình và sai lầm.  Trả lời cho lập luận này, triết gia, thần học gia Dòng Tên Michael Buckley đã phản bác: Nietzsche đúng 95%.  95% của những điều tự nhận là trải nghiệm tôn giáo thật ra là sự phóng chiếu của con người.  Nhưng Nietzsche sai 5%, và 5% đó làm nên sự khác biệt, bởi vì trong 5% đó, sự mặc khải của Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta một cách nguyên tuyền, không bị ô nhiễm.

Và 5% đó xảy ra chính xác vào lúc chúng ta đang ở trong đêm tối linh hồn, khi các biểu tượng của chúng ta rạn vỡ, trí tuệ bất lực, tưởng tượng trống rỗng và tâm hồn lạc lối.  Chính vào lúc đó, khi chúng ta bất lực không thể tự giúp mình, thì chúng ta cũng bất lực không thể đánh lận hay làm ô nhiễm cách thức Thiên Chúa đi vào chúng ta.

Thiên Chúa có thể đi vào cuộc sống chúng ta một cách thuần khiết, không chút ô nhiễm khi chúng ta đang ở ngõ cụt, không thể lấy tầm nhìn của mình để thay thế tầm nhìn của Thiên Chúa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HIỆP THÔNG VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

Mỗi Chúa nhật trong mùa Phục sinh, Phụng vụ Giáo Hội giới thiệu với chúng ta một khía cạnh, có liên quan đến Đấng Phục sinh.  Chúa nhật thứ nhất, Phụng vụ chứng minh với chúng ta: Đức Giêsu đã sống lại thật chứ không phải câu chuyện cổ tích.  Người sống lại vì Người là Thiên Chúa quyền năng.  Chúa nhật thứ hai, qua câu chuyện ông Tôma, Giáo Hội dạy chúng ta xác tín vào Đấng Phục sinh, mặc dù con mắt thể lý không nhìn thấy Người.  Chúa nhật thứ ba, với lệnh truyền của Đấng Phục sinh cho các môn đệ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy trở thành chứng nhân của Đấng Phục sinh giữa đời.  Chúa nhật thứ bốn, chúng ta suy tư về cuộc khổ nạn của Chúa như một mục tử hy sinh mạng sống vì đàn chiên.  Và, hôm nay là Chúa nhật thứ năm của mùa Phục sinh, Phụng vụ nhắc chúng ta: sức sống của Đấng Phục sinh như dòng chảy phong phú nơi mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn tín hữu.  Dòng chảy ấy bắt nguồn từ Chúa Cha, thông qua Chúa Giêsu, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và đến với các tín hữu, qua sự hiệp thông gắn bó với Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng đang sống và hiện diện giữa chúng ta.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả sức sống siêu nhiên nơi người tín hữu.  Chúa Cha là người trồng nho, Chúa Giêsu là cây nho, người tín hữu là cành nho.  Đây là một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu, giúp người nghe dễ lĩnh hội giáo lý cao siêu là sự hiệp thông với Chúa.

Nếu Chúa Giêsu là cây nho và người tín hữu là cành nho, thì như chúng ta thấy trong thực tế, có những cành xanh tươi tràn đầy nhựa sống, vừa có những cành héo úa cằn khô.  Hình ảnh này muốn diễn tả đời sống người tín hữu.  Thời nào cũng vậy, có những người đạo đức siêng năng, nhưng cũng có những người dửng dưng hờ hững.  Người tín hữu không gắn bó với Chúa giống như cành khô, chỉ dùng làm củi.  Trong khi đó, những tín hữu gắn bó, giống như cành nho gắn liền với thân, luôn an vui hạnh phúc, khi cầu nguyện họ được Chúa nhận lời.  Hình ảnh gắn bó ấy được Chúa diễn tả qua lời mời gọi: “Hãy ở lại trong Thày.”  Động từ “ở lại” trong Tin Mừng Thánh Gioan mang ý nghĩa đặc biệt.  “Ở lại” là gắn bó, là hiệp thông, là yêu mến, là chia sẻ, là đồng cảm, là trung thành.  Chúa Giêsu đã nói đến việc Người ở lại trong Chúa Cha, để mời gọi chúng ta ở lại trong Người.  Đó là sự gắn kết thân mật đến nỗi nên một với Chúa.  Chúa Giêsu đã khẳng định: Tôi và Cha Tôi là một.  Như thế, những ai kết hợp với Chúa Giêsu là được kết hợp với Chúa Cha, được chia sẻ và thông phần sự sống siêu nhiên cũng như hạnh phúc viên mãn từ Chúa Cha.  Sự kết nối này chính là mối hiệp thông thân tình giữa ta với Chúa.  Nhờ hiệp thông với Chúa, chúng ta được chia sẻ sức sống thần thiêng của Người, được biến đổi mỗi ngày nên giống Chúa, để rồi chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô:  “Tôi sống, mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Chúa Giêsu sống trong tôi.”

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về thái độ sống của mỗi người, với tư cách là tín hữu.  Quả vậy, có những lúc chúng ta giống như cành nho bị lìa khỏi thân cây, vì chúng ta dửng dưng đối với Thiên Chúa.  Một khi không còn gắn kết với thân nho, chúng ta cũng lìa xa các cành nho khác là anh chị em đồng loại.  Không liên kết với Thày Giêsu, chúng ta cũng khó mà liên kết với tha nhân.  Thánh Gioan tông đồ đã nhấn mạnh đến điều này, khi đặt tình yêu thương lên hàng đầu của các thực hành Kitô giáo (Bài đọc II).  Khái niệm “ở lại trong Chúa” cũng được tác giả nhấn mạnh: “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ.”  Đây là sự hòa quyện giữa tâm hồn chúng ta với Chúa Ba Ngôi, nhờ việc Ngài đến ở trong chúng ta, như chúng ta được ở trong Ngài.  Theo Thánh Gioan, ở lại trong Chúa còn là trung thành tuân giữ những lời Người truyền dạy.  Nhờ việc tuân giữ lời Chúa, chúng ta được tiếp nối sự sống siêu nhiên, như chất nhựa sống thiêng liêng tuôn chảy từ thân nho đến với mọi cành nho, làm cho cành sinh hoa kết trái.

Cây nho muốn sinh hoa kết trái thì phải được cắt tỉa hằng năm.  Sự cắt tỉa ấy làm cho cây rỉ máu vì đau đớn, nhưng thật cần thiết, vì nếu không cắt tỉa, cây sẽ cằn cỗi, vô dụng.  Mỗi năm, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, các tín hữu cũng được mời gọi chết đi với con người cũ để sống lại với Đấng Phục Sinh.  Sự “chết đi” ấy không phải chỉ là lý thuyết suông, nhưng là những hy sinh cố gắng để vác thập giá cuộc đời, để được gắn bó hơn với Đấng đã hy sinh đến cùng vì yêu thương chúng ta.

Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã để cho Chúa “cắt tỉa” đời mình.  Từ một người hăng say tìm giết các tín hữu, cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đức Giêsu trên đường đi Đa-mát đã làm thay đổi cuộc đời ông và biến ông thành một nhân chứng trung kiên loan báo Tin Mừng.  Tác giả sách Công vụ Tông đồ cho thấy Phaolô đã sớm hòa nhập với các tông đồ để thực hiện sứ mạng Chúa trao phó.  Ông sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm đe dọa tính mạng để làm chứng cho Chúa (Bài đọc I).  Ông thực sự gắn bó với Đức Giêsu, đến nỗi sau này ông viết: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).

Thông thường, chúng ta không thấy chất nhựa sống trong thân cây.  Cũng vậy, chúng ta không nhìn thấy Đấng Phục sinh bằng con mắt giác quan.  Giáo Hội sống động, lớn lên và phát triển là nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.  Giáo Hội được so sánh như cây nho vĩ đại.  Cành của cây nho ấy bao trùm trái đất, và đang không ngừng sinh hoa kết trái.  Mỗi cá nhân người tín hữu là một cành nho, vừa hiệp thông với Chúa Giêsu là cây nho, vừa hiệp thông với anh chị em mình, liên đới cộng tác với nhau để đem hoa thơm trái ngọt cho đời.  Nhờ liên kết với nhau, chúng ta giới thiệu một hình ảnh sinh động tươi đẹp về Giáo Hội của Chúa Kitô.  Thánh Gioan khuyên chúng ta: “Anh chị em đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng những việc làm cụ thể.”  Đúng vậy, tình yêu chân thật sẽ vững bền và có sức lan tỏa đến mọi môi trường cuộc sống.  Tình yêu ấy cũng phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Cha nhân hậu và là nguồn mạch yêu thương.

TGM Vũ Văn Thiên

LỜI CẦU NGUYỆN THINH LẶNG, MỘT TRUYỀN THỐNG ÍT ĐƯỢC BIẾT CỦA KITÔ GIÁO

Theo Linh mục Jean-Marie Gueullette, thần học gia Dòng Đa Minh, tiến sĩ y khoa, kinh nghiệm lời cầu nguyện thinh lặng của các nhà thần nghiệm Kitô giáo là một gia tài ở trong tầm tay của tất cả mọi người.  Đó là chủ đề của quyển sách mới nhất của linh mục, Axixi và sự hiện diện (Assise et la présence, nxb Albin Michel).

Hiện nay rất nhiều người cho rằng sự mến chuộng chiêm niệm có gốc rễ trong truyền thống Đông phương.  Hinđu giáo với yoga, phật giáo Tây tạng với zen qua tư thế ngồi trong các buổi chiêm niệm; qua các tư thế ngồi họ tìm cách nào thuận tiện nhất để ngồi thiền.  Qua các truyền thống này, có phải đây là dấu hiệu của một giai đoạn không thể tránh được cho người Tây phương khi họ tìm cách phát triển cách chiêm niệm này không?  Người ta thường trả lời ‘đúng’ vì họ nghĩ rằng Kitô giáo không có một truyền thống nào trong lãnh vực này và vì thế không có gì để mang lại.

Nếu các tín hữu Kitô ngày nay chiêm niệm trong thinh lặng, đó là nhờ họ được các thầy từ Đông phương đến dạy.  Một xác quyết loan truyền rõ ràng như vậy cần xem lại, vì di sản Kitô giáo rất phong phú trong lãnh vực cầu nguyện trong thinh lặng, phong phú nhưng phần lớn lại ít đạt tới được, vì từ cuối thế kỷ 17, việc thực hành này đã dần dần bị lãng quên.

Ngay từ các thế kỷ đầu tiên, dưới nhiều tên gọi khác nhau, các Kitô hữu đã thinh lặng ngồi chiêm niệm và lời cầu nguyện của họ thường rất đơn sơ.  Chúng ta có thể xem đó là hình thức ngồi cầu nguyện của Kitô hữu: cầu nguyện trong quan hệ giữa mình với Chúa mà người tín hữu xem Chúa như một nhân vị và họ cầu nguyện với tên của Ngài.  Trong các hình thức cầu nguyện của Kitô giáo mà chúng ta nói ở đây có hình thức cầu nguyện thinh lặng, người cầu nguyện chỉ đơn giản đặt mình trước mặt Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Ngài, mà không xin một điều gì đặc biệt.

Một truyền thống kín đáo nhưng rất mạnh

Điều cần thiết là phải làm cho gia sản này đến được tầm tay của mọi người, một di sản to lớn của lời cầu nguyện thinh lặng Kitô giáo, trải dài từ thế kỷ thú 3 đến thế kỷ 17.  Các tài liệu còn rất nhiều.  Tuy nhiên rất nhiều tín hữu thực hành lời cầu nguyện này và không để lại một dấu vết nào, vì hình thức cầu nguyện này quá đơn giản nên cũng không cần phải triển khai thành một tài liệu để giảng dạy, và vì thế về mặt lịch sử không có tài liệu quy chiếu.

Trong nhiều chứng từ có thể có được của hình thức cầu nguyện đơn giản này, một lời cầu nguyện dẫn từ thinh lặng đến thờ lạy, có chứng từ của chân phước Jean-Joseph Lataste, tu sĩ Dòng Đa Minh Pháp ở thế kỷ 19, cha là người rao giảng trong tù.  Trong thời trẻ của mình, cha đã bỏ nhiều thì giờ để sốt sắng cầu nguyện, nhưng cha nhận thấy lời cầu nguyện thành mờ nhạt trước sự thinh lặng và trước sự đơn sơ chú tâm vào Chúa: “Tâm hồn tôi không ngừng hướng về Chúa, qua hành vi yêu thương liên tục, hơi mơ hồ, hơi ngấm ngầm nhưng mạnh hơn cả chính tôi.  Trong tôi là một lòng thờ lạy Chúa liên lỉ qua hành vi đơn sơ của tâm hồn tôi, luôn giống nhau và luôn mới, không có đoạn bắt đầu, không có đoạn giữa, không có đoạn cuối” (“Các phụ nữ này là chị của tôi…” Đời sống của cha Lataste, tông đồ các nhà tùVie du père Lataste, apôtre des prisons Jean-Marie Gueullette, Cerf, 2008).

Một kinh nghiệm như vậy không phải chỉ dành riêng cho các thánh hay các nhà thần nghiệm đặc biệt có được một sự kết hiệp sâu đậm với Chúa.  Rất nhiều tín hữu Kitô, tu sĩ hoặc giáo dân đã biết con đường đơn giản, con đường cốt yếu đặt lời cầu nguyện của mình trước sự hiện diện của Chúa, trong thinh lặng.  Và chúng ta dựa trên kinh nghiệm của họ nếu chúng ta muốn cầu nguyện như vậy, một kinh nghiệm đòi hỏi sự đơn sơ của nó!  Và đó là điều hữu ích!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

***************************

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Rabbouni

TÌNH YÊU MANG THƯƠNG TÍCH

“Chúa Giêsu kêu gọi mọi người sống tình yêu vô điều kiện, đến mức yêu cả kẻ thù của mình.”  Lời kêu gọi ấy xem ra phi lý, nhất là với những ai hiểu tình yêu như một tình cảm, cảm xúc.  Thế nhưng tình yêu là điều gì lớn lao hơn thế.  Đó là không gian yêu thương và đón nhận để chúng ta có thể khám phá sự thật về chính mình, phát triển những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta.  Nhưng tình yêu luôn luôn là bước đi mạnh bạo và liều lĩnh.  Bất cứ ai yêu thương đều có nguy cơ thất vọng và bị tổn thương.

Chính ở đây mà tôi có thể trả lời câu hỏi về tương lai của đức tin tôn giáo.  Tôi tin vào một đức tin mang thương tích.  Ở tâm điểm niềm tin Kitô giáo là một cảnh đặc biệt trong Tin Mừng thánh Gioan, về cuộc gặp gỡ giữa thánh Tôma và Chúa Kitô Phục sinh.  Trong tâm hồn Tôma cũng như trong tâm trí nhiều người ngày nay, đức tin và nghi ngờ xung đột nhau.  Chỉ khi Chúa Giêsu cho xem những thương tích của Ngài thì Tôma mới kêu lên: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.

Thế giới của chúng ta đầy rẫy những thương tích.  Tôi xác tín rằng những ai khép mắt lại trước những thương tích của thế giới, thì người ấy không có quyền nói: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!  Một tôn giáo mà không biết gì đến những nỗi đau và khốn cùng của con người, thì tôn giáo ấy chỉ là thuốc phiện của nhân dân.  Một Thiên Chúa không mang thương tích là Thiên Chúa đã chết.  Khi ai đó ngỏ ý tặng cho tôi Thiên Chúa của họ, tôi hỏi: Đó có phải là Thiên Chúa tình yêu, mang thương tích vì những đau khổ của thế giới không?  Tôi không muốn tin vào bất cứ Thiên Chúa nào khác.”

Những suy tưởng trên được rút ra từ bài phát biểu của Đức Ông Tomas Halik khi nhận giải Templeton danh giá 2014.  Ông nhắc đến hình ảnh Chúa Kitô phục sinh cho Tôma xem những thương tích của Ngài để làm nổi bật dung nhan Thiên Chúa là Tình Yêu mang thương tích.  Có sự trùng hợp đầy ý nghĩa ở đây vì câu chuyện này (Ga 29,19-31) cũng là Tin Mừng được công bố trong Chúa nhật tôn vinh Lòng Chúa thương xót.  Tuy nhiên cần phải đọc lại toàn bộ trình thuật để hiểu rõ hơn về lòng thương xót.

Trước hết, những thương tích trên thân mình Đấng Phục sinh phơi bày tội lỗi của con người.  Những thương tích ấy từ đâu mà có?  Lại chẳng phải vì những âm mưu thâm độc của hàng ngũ lãnh đạo Do Thái, sự thỏa hiệp của Philatô, sự hung dữ của quân lính và sự đồng lõa của đám đông hay sao?  Không chỉ thế, có cả những tội lỗi của các môn đệ Chúa Giêsu nữa: sự phản bội của Giuđa, sự hèn nhát của Phêrô, sự sợ hãi của các môn đệ bỏ Thầy mà chạy trốn!  Ngày nay trong lòng Hội Thánh đang có khuynh hướng nhân danh lòng  thương xót để ngó lơ tội lỗi, coi như không có!  Thế nhưng lòng thương xót đích thực đâu phải thế: không phải là phủ nhận nhưng là mời gọi mỗi người nhìn nhận nỗi cùng khốn của mình do tội lỗi gây ra.  Không nhìn nhận sự cùng khốn của mình thì cần chi đến lòng thương xót?

Một đàng, những thương tích của Đấng Phục sinh phơi bày tội lỗi nhân gian, nhưng đàng khác phơi bày mà không trả đũa, trái lại Ngài thanh tẩy tội lỗi chúng ta bằng tình thương tha thứ: “Bình an cho các con.”  Chính ở đây lòng thương xót phá vỡ vòng xoáy của hận thù.  Mô-típ quen thuộc trong phim ảnh là sự trả thù và mô-típ ấy vừa phản ánh vừa cổ võ cách hành xử quen thuộc của thế gian: tố cáo nhau về đủ thứ tội – trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, và kèm theo sự tố cáo là trả thù.  Rồi đối phương cũng lại trả đũa như thế!

Những ai cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ trở thành những sứ giả của lòng thương xót: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.  Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha” (20,22-23).  Đã hẳn những lời này được dành riêng cho các linh mục khi cử hành Bí tích Hòa Giải, nhưng cũng có thể hiểu rộng ra cho mọi Kitô hữu: đã cảm nhận được lòng Chúa thương xót thì hãy chia sẻ lòng thương xót ấy cho anh chị em của mình: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19).

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net

MỤC TỬ NHƯ CHÚA

Kết quả hình ảnh cho Chúa Chiên Lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh.  Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất.  Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được câu hỏi duy nhất đó là câu gì, bởi vì tất cả những ứng viên nào mà rớt cuộc thi, đều phải uống một viên thuốc do chính Viện Phụ chế ra, công dụng làm cho các ứng sinh dự thi quên mất câu hỏi được đặt ra.  Chính vì thế mà việc chiêu sinh của Tu viện đã trải qua nhiều năm rồi mà chưa ai có thể biết câu hỏi đó là gì.  Thế là cậu Ramin là tỏ ra quyết chí hơn cả.  Cậu dành dài năm cố gắng đọc và học qua thật nhiều sách: lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học, v.v…  Rồi mùa thi đến, Ramin vào thi và tin chắc mình sẽ trả lời được câu hỏi mà Viện Phụ sẽ hỏi.  Hồi hộp bước vào phòng thi, Ramin được Ngài hỏi câu duy nhất này là: Con hãy tự hỏi: Tôi là ai?  Và trả lời cho ta biết.  Tôi là ai?  Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, bèn rút lui không bao giờ trở lại Đan viện nữa.

Tôi là ai?  Ðây là câu hỏi căn bản nhất, để bắt đầu mọi cuộc dấn thân thực hiện chương trình sống của đời Kitô hữu.  Nhất là cuộc sống tu luyện bản thân, trở nên mục tử tốt.  Như vậy rõ ràng những vốn liếng trí thức không mà thôi thì chưa đủ để trở nên mục tử tốt lành mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta tham dự vào chức tư tế (chức linh mục cộng đồng) của Đức Kitô, tham dự vào sứ mạng Ngôn sứ, và vương đế của Ngài (GLHTCG, số 1267).  Vì thế, thánh lễ này Giáo Hội muốn kêu gọi mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện và thực hành sứ mạng mục tử được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta giữa lòng thế giới hôm nay theo mẫu gương Mục Tử Nhân lành Giêsu.  Người là Mục tử nhân lành, còn chúng ta là đoàn chiên của Người.  Người chăn giữ đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết.  Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Thứ nhất, tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết.  Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí hay do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu.  Chẳng hạn, một đứa trẻ đang chơi ngoài đồng, chạy vào xin mẹ cho con mượn con dao.  Mẹ nói: con lấy để làm gì?  Nó nói: con làm cái này.  Mẹ nói không cho nhưng nài nỉ hoài mẹ nó đưa cho nó nhưng theo dõi nó làm cái gì?  Nó cầm dao chạy ra đồng và nhặt một trái lựa đạn 79 mà nó tưởng là trái ô ma, nó vừa cầm lên thì mẹ nó nhào tới chụp ngay con dao nó định cắt ra để ăn.  Vâng, chỉ tình yêu xuất phát từ trái tim, người mẹ mới biết trước được rủi ro hay chăm sóc kỹ lưỡng từng hành động đứa con, làm cho nó nên hoàn thiện.  Chúa Giêsu hôm nay nói: “Ta biết chiên Ta,” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta, biết rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, biết rõ tâm tư tình cảm của ta.  Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh.  Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu.  Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta.  Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta.  Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta nên Ngài luôn luôn muốn làm cho ta vơi được nỗi sầu, nhẹ đi âu lo sợ hãi bằng việc hiến mình cho ta và cư ngụ nơi tâm hồn ta mọi nơi mọi lúc khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Ngài.  Vì vậy, Ngài luôn mời gọi chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc.  Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc.  Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu.  Có yêu mới quan tâm.  Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu.  Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc.  Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhút nhát, yếu ớt nhưng là để giúp ta trưởng thành, mạnh mẽ tự tin.  Người chăm sóc ta không phải theo kiểu Mẹ con Sáng-Sang trong phim truyền hình Việt Nam “Hoa hồng không dành cho em”, bà chăm sóc con quá đến độ mà mẹ con bị bệnh tự kỷ.  Ngược lại, Chúa Giêsu chăm sóc ta bằng cách cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh đó là đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha.  Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh.  Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu.  Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều.  Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được.  Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).  Chính Người đã thực hiện điều ấy.  Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên.  Người đã tự hiến mạng sống vì ta.  Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Chúng ta hãy trở thành mục tử nhân lành theo gương Người.  Cha mẹ là mục tử của con cái, thầy cô giáo là mục tử của học sinh, giám đốc là mục tử của công nhân, y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân, anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ, linh mục là mục tử của giáo dân, tu sĩ là mục tử của tha nhân… hãy thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Ngày Thế giới cầu cho ơn Thiên Triệu 2015 rằng hãy ra khỏi chính mình, đi ra khỏi sự thoải mái và cứng nhắc của cái tôi để đặt trọng tâm đời sống mình nơi Đức Giêsu Kitô, có nghĩa rằng phải lấy Tình yêu Chúa Giêsu là tiêu chí và lẽ sống cho đời Kitô hữu chúng ta.  Mà tình yêu Chúa cố ở điểm này là hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa.  Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong giáo xứ, trong khu phố và xã hội hôm nay hầu làm cho cuộc sống thêm phong phú và hạnh phúc hơn.  Amen!

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

SỰ THINH LẶNG CỦA THIÊN CHÚA TRƯỚC SỰ DỮ

Các thần học gia đôi khi cố gói gọn ý nghĩa sự sống lại của Chúa Giêsu bằng một câu: “Trong sự phục sinh, Thiên Chúa chứng thực cho Chúa Giêsu, cho cuộc sống, sứ điệp và lòng trung tín của Ngài.”  Như vậy nghĩa là gì?

Chúa Giêsu đi vào thế gian để rao giảng về đức tin, tình yêu và sự tha thứ, nhưng thế gian không đón nhận.  Thay vào đó, thế gian đóng đinh Ngài trên thập giá, và hành động đó dường như cũng là chế giễu thông điệp của Ngài.  Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất nơi thập giá, khi Chúa Giêsu bị sỉ nhục, chế giễu và thách thức: Nếu ông là con Thiên Chúa thì xuống khỏi đó đi!  Nếu thông điệp của ông là đúng, thì để Thiên Chúa xác nhận ngay đi!  Nếu lòng trung tín của ông không phải chỉ là sự cứng đầu và ngu muội của con người, vậy tại sao ông lại chết trong tủi nhục?

Thiên Chúa đáp lại thế nào với những lời chế nhạo này?  Dường như Ngài chẳng có đáp lại gì, chẳng có bình luận, biện hộ, biện giải, phản bác gì, chỉ có thinh lặng.  Chúa Giêsu chết trong thinh lặng.  Cả Chúa Giêsu lẫn Thiên Chúa mà Ngài tin đều không cố gắng lấp đầy hố thẳm ghê gớm đó bằng một lời an ủi hay giải thích nào, không thách thức con người nhìn vào bức tranh tổng thể hay nhìn vào những mặt tươi sáng hơn.  Hoàn toàn không có gì.  Chỉ có thinh lặng.

Chúa Giêsu chết trong thinh lặng, trong thinh lặng của Thiên Chúa và trong vô tri của thế gian.  Và chúng ta bực bội trước sự thinh lặng này, cũng như chúng ta bực bội bởi cái dường như chiến thắng của sự dữ, đau đớn và thống khổ nơi trần gian.  Thiên Chúa dường như thinh lặng trước sự dữ và cái chết, điều này có thể làm chúng ta bực bội mãi: như trong cuộc diệt chủng Do Thái, những cuộc diệt chủng sắc tộc, những cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo, trong những trận động đất và sóng thần cướp đi hàng ngàn sinh mạng và tàn phá nhiều quốc gia, trong cái chết của vô số người vì ung thư và vì bạo lực, trong những bất công của cuộc đời, trong lề thói của những người vô lương tâm có thể hủy hoại cả một lãnh vực cuộc sống mà không chịu hậu quả gì.  Trong mọi chuyện này, Thiên Chúa ở đâu?  Câu trả lời của Ngài là câu trả lời nào?

Câu trả lời của Thiên Chúa là sự phục sinh, sự phục sinh của Chúa Giêsu và sự phục sinh mãi mãi của sự thiện trong chính sự sống.  Nhưng sự phục sinh không nhất thiết là sự giải cứu.  Thiên Chúa không nhất thiết giải cứu chúng ta khỏi những tác hại của sự dữ, hay thậm chí là sự chết.  Sự dữ làm việc của nó, thiên tai là thiên tai, và những kẻ vô lương tâm có thể hủy hoại khi họ đang bị ngọn lửa thiêng của sự sống thôi thúc.  Thông thường, Thiên Chúa không can thiệp.  Biển Đỏ rẽ làm đôi không phải là chuyện chúng ta thấy hàng ngày.  Thiên Chúa để những người Ngài yêu thương chịu đau khổ và chết, cũng như Chúa Giêsu để cho Lazarô bạn của Ngài chết và Thiên Chúa để cho Chúa Giêsu chết.  Sau đó, Thiên Chúa cứu chuộc, nâng chúng ta lên, trong một chứng thực sâu sắc hơn, trường tồn hơn.  Hơn nữa, sự thật của tuyên bố này còn có thể được kiểm nghiệm.

Bất chấp mọi thể hiện ngược lại, đến cuối cùng, tình yêu chiến thắng hận thù.  Hòa bình chiến thắng hỗn loạn.  Tha thứ chiến thắng chua cay.  Hy vọng chiến thắng yếm thế.  Trung tín chiến thắng tuyệt vọng.  Đức hạnh chiến thắng tội lỗi.  Lương tâm chiến thắng nhẫn tâm.  Sự sống chiến thắng cái chết, sự thiện chiến thắng sự dữ, luôn là vậy.  Mohandas K. Gandhi đã viết: “Khi tôi tuyệt vọng, tôi nhớ lại mọi chuyện đã trải qua suốt dòng lịch sử, chân lý và tình yêu luôn chiến thắng.  Có những kẻ sát nhân và bạo chúa, và chúng dường như bất khả chiến bại suốt một thời gian.  Nhưng đến tận cùng, chúng luôn sụp đổ.  Cứ nghĩ đi, luôn là thế.”

Sự phục sinh đã chứng thực điều đó một cách mạnh mẽ nhất.  Đến cuối cùng, Thiên Chúa là người phán quyết.  Sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là phán quyết đó.  Từ tro tàn của hổ thẹn, của cái dường như là thất bại và cái chết, một sự sống bất diệt mới thâm sâu hơn tuôn trào vĩnh viễn.  Đức tin của chúng ta bắt đầu từ chính lúc mọi sự dường như kết thúc, từ trong cái dường như là sự thinh lặng của Thiên Chúa trước sự dữ.

Và điều này yêu cầu chúng ta điều gì?

Trước hết, đơn giản là yêu cầu chúng ta tin vào sự thật của sự phục sinh.  Sự phục sinh yêu cầu chúng ta tin vào điều mà Gandhi đã xác nhận, cụ thể là, đến cuối cùng, sự dữ sẽ không có quyền phán quyết.  Nó sẽ thất bại.  Sự thiện cuối cùng sẽ chiến thắng.

Cụ thể hơn nữa, sự phục sinh yêu cầu chúng ta đánh cược vào tin tưởng và sự thật, tin tưởng rằng lời Chúa Giêsu dạy là đúng.  Đức hạnh không ngây dại, kể cả khi bị sỉ nhục.  Tội lỗi và yếm thế mới ngây dại, kể cả khi chúng có vẻ đang chiến thắng.  Những ai đã dùng lương tâm mà cúi mình trước Thiên Chúa và tha nhân, thì sẽ tìm được ý nghĩa và niềm vui, kể cả khi họ bị tước đi một số lạc thú thế gian.  Những ai vô lương tâm múc lấy và thao túng sinh lực thần thiêng thì sẽ không tìm được ý nghĩa sự sống, kể cả khi họ đã nếm trải lạc thú.  Những ai sống trung thực bằng mọi giá, thì sẽ tìm được tự do.  Những ai dối trá và lý luận sẽ thấy mình bị cầm tù trong sự ghét mình.  Những ai sống trong tin tưởng thì sẽ tìm được tình yêu.  Có thể tin tưởng sự thinh lặng của Thiên Chúa, kể cả khi chúng ta chết trong đó.  Chúng ta cần phải giữ vững sự thành tín trong tình yêu, tha thứ và lương tâm, bất chấp tất cả đang cho rằng chúng ta làm thế là ngây dại.  Chúng sẽ cho chúng ta điều sâu thẳm nhất trong sự sống.  Đến cuối cùng, Thiên Chúa chứng thực cho đức hạnh.  Thiên Chúa chứng thực cho tình yêu.  Thiên Chúa chứng thực cho lương tâm.  Thiên Chúa chứng thực cho sự tha thứ.  Thiên Chúa chứng thực cho sự trung tín.  Đến tận cùng, Thiên Chúa chứng thực cho Chúa Giêsu và chứng thực cho cả chúng ta nếu chúng ta vẫn giữ lòng trung tín.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

BIỂN TRONG ĐÊM

“Thầy đây.  Đừng sợ!”

Trong tác phẩm “When All Hell Breaks Loose,” tạm dịch, “Khi Tất Cả Đổ Vỡ,” Steven J. Lawson viết, “Có thể bạn đang ở trong một cơn bão.  Chúa có mục đích khi dẫn bạn vào đó.  Ngài thừa sức bảo vệ bạn qua cơn bão; và Ngài có một kế hoạch, để cuối cùng, dẫn bạn ra khỏi đó.  Hãy hướng mắt về Ngài!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy hướng mắt về Ngài!”  Thông điệp của S. J. Lawson được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu muốn bạn và tôi đặt niềm tin vào Ngài, “khi tất cả đổ vỡ,” khi hỗn mang chụp xuống như đã chụp xuống con thuyền các môn đệ giữa ‘biển trong đêm.’

Vậy thì điều gì khiến chúng ta sợ hãi?  Với một số người, nỗi sợ xuất hiện vì bất an tài chính, sức khoẻ suy yếu, quan hệ vỡ vụn, tương quan hỏng hóc, tội lỗi giày vò…  Và đôi khi, cả những ‘dòng lưu’ bên trong dậy sóng bởi những cảm xúc vô kiểm soát, những kiêu hãnh, phù phiếm hay những ý tưởng lăng loàn… khiến chúng ta mất phương hướng.  Lúc bấy giờ, dường như việc chèo chống ‘thuyền lòng’ đều trở nên vô ích giữa ‘biển trong đêm.’  Bên cạnh đó, nỗi sợ lớn nhất là sợ chết.  Vậy mà, Đức Kitô, Chúa chúng ta, đã vượt qua cái chết để phục sinh vinh hiển – trở nên Chúa kẻ sống và kẻ chết – thì không gì có thể khiến chúng ta sợ hãi, dẫu sự chết là ‘biển trong đêm’ hãi hùng nhất!

Tin Mừng tường thuật bi kịch của các môn đệ: gió nổi, sóng gào, thuyền sắp chìm.  Nhưng kìa Giêsu, Đấng “Đi Trên Nước” đang đến!  Và dẫu những ngư dân dày dạn ấy đã trải qua bao bão tố, nhưng Thầy của họ lại chọn lúc này để đến, không phải để đưa họ vào bờ nhưng để nói với họ rằng, bất kể ‘cơn bão’ nào trong cuộc đời, Ngài vẫn có đó theo một cách thức kỳ diệu nhất!  Ngài muốn bạn và tôi tin rằng, bất kể chúng ta phải vật lộn với loại hình bão tố nào, Ngài vẫn luôn có đó, gây ngạc nhiên, an ủi và đầy yêu thương.

Niềm tin vào Chúa không mở ra cánh cửa dẫn đến mọi việc sẽ thông suốt và thuận lợi; nó không cứu bạn khỏi những cơn bão, nhưng bảo đảm về một sự ‘Hiện Diện’ của Đấng khuyến khích bạn vượt qua những thử thách hiện sinh, chỉ cho bạn con đường phải đi, cả khi tối tăm nhất.  Giáo Hội sơ khai đã trải nghiệm điều này.  Khi các tín hữu kêu trách lẫn nhau vì giữa họ có sự kỳ thị, thì Hội Thánh hướng về Chúa Phục Sinh.  Các phó tế đầu tiên ra đời.  Giông bão qua đi! – bài đọc một.  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài!”

Anh Chị em,

“Thầy đây. Đừng sợ!”  Hãy nghe cho được những lời này, bởi lẽ, cuộc đời chúng ta như một hải trình, nhiều ngày êm đềm; nhưng không ít lúc gặp những ‘cơn dông’ cả trong lẫn ngoài!  Chúa Phục Sinh luôn ở với chúng ta, Ngài không cất thánh giá, nhưng ban sức mạnh để bạn và tôi vác nó, ôm nó một cách ý nghĩa.  Vậy, đừng sợ bất cứ điều gì!  Chúa biết hết, không gì nằm ngoài kế hoạch yêu thương của Ngài.  Ngài “đưa chúng ta vào cơn bão; và đem chúng ta ra khỏi đó.”  Điều quan trọng, dù ở đấng bậc nào trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn và tôi vẫn vững tin để nghe được tiếng Ngài, ngay giữa ‘biển trong đêm!’

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, có Chúa, bến bờ xa xôi đến mấy của con cũng sẽ ngắn lại, vì Chúa là ‘bình an giữa bão’ cho thuyền đời con ‘cập bờ bên kia!’” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 BÌNH AN CHO CÁC CON

Cuộc đời luôn bao trùm biết bao sự dữ.  Sự dữ nhiều đến độ làm cho con người luôn bất an lo sợ.  Người ta sợ thất bại.  Sợ rủi ro.  Sợ mất an ninh.  Sợ nghèo đói.  Sợ bị trả thù.  Sợ phải đối diện với sự thật.  Có cái sợ làm người ta “ăn không ngon, ngủ không yên.”  Có cái sợ làm người ta đánh mất niềm tin nơi bản thân và tha nhân.  Có cái sợ dẫn đến tuyệt vọng và buông xuôi.

Tâm trạng của các tông đồ sau biến cố tuần thương khó là tâm trạng buồn sầu và lo sợ.  Họ sợ liên luỵ vì từng là đồ đệ của tử tội Giê-su.  Họ sợ phải về quê làm lại cuộc đời từ đầu.  Họ sợ đường trở về còn nhiều bóng tối nghi nan.  Từ sợ hãi dẫn đến đánh mất niềm tin.  Dù đã được báo trước sau ba ngày Thầy sẽ sống lại.  Thế mà, vì quá sợ mà quên hết mọi sự.  Các ông không còn dám tin vào ai.  Dù rằng các người phụ nữ đã kể rõ ràng họ đã gặp Chúa.  Dù rằng hai môn đệ đi làng Emmau đã từng kể về cuộc hàn huyên với Chúa.  Dù rằng Gioan và Phê-rô cùng chạy ra mồ, nhưng chỉ có Gioan thấy và tin còn Phê-rô thì không.  Sợ hãi đã làm cho các ông hoa con mắt đến nỗi “nhìn cò ra quạ,” nhìn thấy Chúa lại tưởng là ma.

Chúa đã quở trách các ông “sao lại hoảng hốt thế!  Ma đâu có xương có thịt như vầy!”  Chúa chỉ cho các ông biết nguyên do của sợ hãi là thiếu lòng tin.  “Sao lòng anh em còn ngờ vực?”  Đã bao năm sống với Thầy.  Đã nhiều lần chứng kiến những phép lạ Thầy làm.  Đã từng được nghe lời Thầy tiên báo “Sau ba ngày Thầy sẽ sống lại.”  Thế mà các ông vẫn không tin.  Từ không tin dẫn đến sợ hãi.  Sợ bóng đêm của cuộc đời.  Sợ những điều mới lạ.  Sợ hãi dẫn đến chia đàn xẻ nghé.  Mỗi người một nơi.  Đường ai ai nấy đi.  Sợ hãi nên đâu dám nhìn đời, nhìn người.  Sợ hãi nên chỉ biết co ro nơi phòng tiệc ly.  Cửa đóng then cài trong tâm trạng nặng nề đầy u ám và sợ hãi.

Nỗi sợ hãi của kẻ thiếu lòng tin vẫn còn đó nơi con người hôm nay.  Có người sợ cho tương lại ngày mai, vì ngày mai đâu biết sẽ ra sao?  Có người sợ những nguy nan, khốn khó của giòng đời sẽ xảy đến với mình.  Có người sợ thế giới đời sau, biết có hay không nên buông mình theo đam mê xác thịt!  Có người vẫn còn mang nặng mặc cảm lo âu sợ hãi về một lầm lỗi của quá khứ.  Vì sợ hãi nên đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa.  Họ tìm kiếm thế lực trần gian.  Họ bám vào quyền thế vua quan để sống.  Họ cố vun quén tiền tài để hưởng lộc.  Họ quên rằng điều quan yếu của cuộc đời là chính sự bình an tâm hồn.  Không có bình an thì cho dù có tiền, có quyền vẫn là đánh mất cuộc đời.  Cuộc đời cần bình an như cá cần nước để sống.  Cuộc đời không có bình an là sự bất hạnh, là cuộc đời đáng thương hơn cả người nghèo khó mà có bình an tâm hồn.

Thế nhưng, sự bình an chỉ ngự trị nơi tâm hồn có Thiên Chúa.  Có Thiên Chúa thì chẳng sợ gian nguy, vì hết lòng tin tưởng cậy trông Thiên Chúa.  Có Thiên Chúa thì không toa rập với sự dữ để làm hại đồng loại, để bán rẻ lương tri để rồi luôn lo sợ bị trả thù, trả đũa.  Có Thiên Chúa sẽ mang lại hoa trái là niềm hoan lạc, tươi vui, bình an và hy vọng.  Đánh mất Thiên Chúa mới là điều đáng sợ.  Thế giới không có Thiên Chúa sẽ khiến con người hành xử theo ý mình, theo bản năng, theo tự do cá nhân.  Đó là thế giới loạn lạc, đầy bất an và lo sợ.  Con người sống với nhau nhưng luôn phải cảnh giác, phải đối phó, phải e dè, sợ thanh toán lẫn nhau.  Đánh mất Thiên Chúa con người sẽ chẳng biết bám víu vào đâu khi giòng đời xô đẩy biết bao sóng gió tư bề, biết bao gian nan thử thách.

Người ta kể rằng: có một cậu bé 5 tuổi vừa thức giấc trong một đêm giông tố bão bùng.  Cậu mở mắt, thấy cảnh vật tối tăm.  Ngoài trời giông tố, sấm chớp rợn rùng.  Từng đợt gió rít lên tạo thành những âm thanh gầm thét như đang giận dữ đạp đổ nhà cửa và cây cối.  Bốn bề xao động.  Cậu sợ hãi, hốt hoảng và cầu cứu cha:

– Cha ơi, cha ơi!  Con sợ quá!

– Cha đây, cha đây!  Cậu nghe tiếng cha vọng lại.

– Cha đâu sao con không thấy?  Con sợ quá!  Cậu giơ tay ra phía trước quờ quạng.

– Cha đây, Cha đây! Người cha bước lại ngồi xuống bên cậu.  Cậu ôm lấy cha, áp đầu vào ngực cha.

Người cha đỡ cậu nằm xuống và vỗ về cậu.  Cậu bé yên lặng nắm lấy bàn tay Cha dìu dịu đi vào giấc ngủ an lành.  Bên ngoài mưa bão vẫn còn, nhưng sự sợ hại nơi cậu bé đã tan biến trong lòng của Cha.

Vâng, Chúa Phục sinh vẫn tiếp tục đến bên cuộc đời chúng ta như xưa Ngài đã từng đến với các tông đồ.  Ngài vẫn đến với chúng ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của giòng đời.  Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa.  Cho dù cuộc đời có nghiều nghi nan.  Cho dù giòng đời có nhiều bất trắc và giông tố.  Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa.  Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa.  Hãy lấy lòng mển để vâng theo thánh ý Chúa.

Xin Chúa Giê-su phục sinh luôn ở lại với chúng ta theo như lời Người đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”  Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng ta.  Amen!

Lm. Tạ Duy Tuyền

ĐẤU TRANH ĐỂ KHAI SINH HY VỌNG

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với các phụ nữ.  Tại sao lại thế?  Một lý do rõ ràng có lẽ là vì chính những phụ nữ này đã đi theo Ngài trong hành trình thương khó ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trong khi đa phần những người đàn ông khác lại bỏ rơi Ngài.  Còn nữa, những phụ nữ này lên đường đến mộ Chúa vào tảng sáng ngày Phục Sinh với ý định xức dầu thơm cho xác chết, nên họ là những người ở trong vườn đầu tiên khi Ngài xuất hiện.  Nhưng tôi tin rằng, còn có một lý do mang tính biểu tượng và sâu sắc hơn nữa.  Những phụ nữ này là các bà đỡ.  Thường thì phụ nữ góp phần trong việc sinh hạ và là những người tinh thông nhất về việc dưỡng nuôi sinh linh mới.

Bà đỡ là sự giúp đỡ thiết thực trong bất kỳ việc sinh hạ nào.  Khi một đứa trẻ ra đời, thường là đầu sẽ ra trước, mở đường cho cơ thể ra sau.  Trong thời điểm này, rất cần một bà đỡ giỏi, giúp thuận tiện hóa việc sinh nở và bảo đảm đứa bé bắt đầu thở, đồng thời giúp bà mẹ bắt đầu cung cấp dưỡng chất cho sinh linh mới ngay lập tức.  Đôi khi, bà đỡ là mấu chốt định đoạt giữa sống và chết, và bà luôn giúp cho việc sinh nở thuận tiện hơn và lành mạnh hơn.

Sự tái sinh của Chúa Giêsu khai sinh ra sự sống mới cho thế gian, và trong thời điểm ban đầu đó, sự sống này phải được hỗ trợ nhờ các bà đỡ, cả về tính khẩn cấp của tình huống lẫn những hơi thở đầu tiên trong thế gian này.  Sự tái sinh đã khai sinh nhiều thứ, và chúng cần có bà đỡ, ban đầu là nhờ những phụ nữ được Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên, rồi đến các tông đồ đã kể lại cho chúng ta lời chứng thấy tận mắt của họ, rồi đến giáo hội tiên khởi, nhờ các bậc tử đạo, nhờ đời sống đức tin của vô số người qua nhiều thế kỷ và đôi khi là nhờ các thần học gia và ngòi bút thiêng liêng.  Và hiện giờ, chúng ta vẫn cần làm bà đỡ cho điều khai sinh ra từ sự phục sinh.

Và biến cố phục sinh đã khai sinh ra nhiều điều, một biến cố tận căn không khác gì sự tạo dựng nguyên thủy.  Sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là “ngày đầu tiên” thứ hai, là lần thứ hai ánh sáng chia tách với bóng tối.  Thật vậy, thế giới xác định thời gian theo biến cố phục sinh.  Chúng ta đang ở năm thứ 2024 kể từ biến cố đó.  (Kitô giáo được khai sinh từ biến cố đó.  Thời đại mới bắt đầu từ đó.  Nhưng các học giả đã tính toán rằng Chúa Giêsu đã 33 tuổi khi Ngài chết, nên họ thêm 33 năm để thời gian được tính từ khi ngài ra đời).

Trong những gì mà sự phục sinh đã khai sinh, một điều nổi bật và vẫn cần được chúng ta làm bà đỡ, chính là hy vọng.  Sự phục sinh khai sinh hy vọng.  Các phụ nữ lần đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh chính là những người đầu tiên được trao cho lý do đích thực để hy vọng và họ là những người đầu tiên làm bà đỡ cho sự khai sinh mới này.  Chúng ta cũng phải như thế.  Chúng ta cần trở thành bà đỡ cho hy vọng.  Nhưng hy vọng là gì, và nó được khai sinh thế nào trong sự phục sinh?

Hy vọng đích thực không bao giờ lẫn lộn với kiểu ý nghĩ mơ tưởng hay kiểu lạc quan nông nổi.  Không như hy vọng, ý nghĩ mơ tưởng chẳng hề có căn cứ gì.  Nó chỉ là mơ tưởng mà thôi.  Còn sự lạc quan thì bắt nguồn từ sự nông nổi tự nhiên (kiểu “Tôi luôn thấy mặt tốt của vấn đề”) hoặc theo bản tin tối mỗi ngày, nhưng chúng ta biết tình hình đó có thể thay đổi hàng ngày.  Hy vọng lại có một căn cứ khác hẳn.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: Pierre Teilhard de Chardin, nhà khoa học gia đầy đức tin, có một lần trình bày với ý định thể hiện rằng câu chuyện lịch sử cứu độ khớp hoàn toàn với những thấu suốt của khoa học về nguồn gốc vũ trụ và sự tiến hóa.  Cha Teilhard lấy ý từ câu 3-10, chương 1, thư gửi Tín hữu Êphêsô mà gợi ý rằng cái kết của toàn bộ tiến trình tiến hóa sẽ là sự hiệp nhất mọi sự trong một bản hòa âm tận cùng trong Đức Kitô.  Một đồng nghiệp vô thần đã thách thức cha rằng: Những gì cha đưa ra là một giản đồ lạc quan tuyệt vời.  Nhưng nếu như chúng thổi bay thế giới bằng bom nguyên tử thì sao.  Lúc đó thì giản đồ lạc quan của cha sẽ thế nào?  Cha Teilhard trả lời thế này: Nếu chúng ta thổi bay thế giới bằng bom nguyên tử, thì đó sẽ là một bước lùi, có khi là lùi hàng triệu năm.  Nhưng điều mà tôi đưa ra sẽ thành sự, không phải vì tôi ước mơ nó hay vì tôi lạc quan.  Nó sẽ thành sự vì Thiên Chúa đã hứa như thế, và trong biến cố phục sinh, Thiên Chúa cho thấy rằng Thiên Chúa có quyền năng để thực hiện lời hứa đó.

Điều mà những phụ nữ gặp Chúa Giêsu đầu tiên đã trải nghiệm chính là hy vọng, dạng hy vọng dựa trên lời hứa của Thiên Chúa sẽ đứng về phía sự thiện trước sự ác, sự sống trước sự chết, bất kể hoàn cảnh, bất chấp chướng ngại, bất kể tình hình, bất chấp cả cái chết và bất chấp chúng ta lạc quan hay bi quan.  Họ là những bà đỡ đầu tiên đã giúp khai sinh hy vọng đó.  Và bây giờ đó cũng là nhiệm vụ của chính chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI