THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN

Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, đều trình bày Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn.  Ngài giáo dục con người với một lối sư phạm đặc biệt, đó là sư phạm của tình thương.  Không chỉ ở thời xa xưa, mà hôm nay, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sửa dạy chúng ta, với mục đích cho chúng ta đạt tới tầm mức hoàn hảo, nhờ đó chúng ta được hưởng hạnh phúc.  Sách Sử Biên Niên trong Cựu ước gồm hai cuốn, được viết vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và không rõ tác giả, nó là một nhân chứng quí báu về niềm hi vọng và về quan điểm thần học của Do Thái giáo trong gian đoạn đen tối sau lưu đày.  Có thể nói, Sử Biên Niên là một lối giải thích về lịch sử của vương quyền theo cái nhìn của các Lê-vi (các tư tế) sau thời lưu đày.  Đoạn sách chúng ta đọc trong Chúa nhật 4 mùa Chay, là một suy tư về những tai họa xảy đến trong quá khứ.  Đó là biến cố dân Do Thái bị lưu đầy ở Ba-by-lon.  Biến cố này xảy ra năm 587 trước Công nguyên.  Nguyên nhân của sự kiện đau thương này, theo góc nhìn của tác giả, là do vua cũng như dân đã bất trung phế bỏ Lề Luật của Thiên Chúa.

Nếu sử gia nói đến sự kiện lưu đày đau thương, thì ông cũng nhắc đến những biến cố huy hoàng.  Đó là việc hồi hương của người Do Thái sau gần 50 năm lưu đày.  Vua Ky-rô đã ban sắc lệnh chấm dứt thời lưu đày và cho dân Do Thái trở về cố hương.  Tác giả đã viết: “Chính Thiên Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư.”  Như thế, Thiên Chúa là Đấng giải phóng Dân Ngài.  Nếu tội lỗi dẫn đến kiếp lưu đày, thì tình thương đem lại sự tự do.  Biến cố trở về cố hương được ghi đậm trong lịch sử Do Thái, đồng thời là đề tài suy tư đạo đức áp dụng cho mọi thế hệ Do Thái cho đến hôm nay.

Nếu vua Ky-rô đã có công phóng thích người Do Thái khỏi cảnh lưu đày, thì Đức Giê-su đã đến trần gian để cứu độ nhân loại khỏi ách tội lỗi.  Trong lời ngợi khen của ông Da-ca-ri-a, là phụ thân của thánh Gio-an Tẩy giả, ông đã hát: “Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi…” (Lc 1.73).  Các tác giả Phúc âm đã thuật lại giáo huấn và những phép lạ của Chúa Giê-su, nhằm giải thoát con người khỏi tối tăm của tội lỗi và ách thống trị của ma quỷ.

Đoạn Tin Mừng được đọc trong Chúa nhật này được coi như trọng tâm của Tin Mừng Gio-an.  Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, là thành viên Công nghi Do Thái – tương đương với đại biểu quốc hội ở Việt Nam – Chúa Giê-su đã mạc khải về tình yêu thương và chương trình cứu độ của Chúa Cha.  Chúa Cha sai Chúa Con xuống trần gian để diễn tả tình yêu của Ngài đối với nhân lọai.  Tất cả những gì Chúa Con làm đều nhằm tới vinh quang Chúa Cha và ơn Cứu rỗi con người.

Nếu Chúa Cha sai Chúa Con xuống thế để đem hạnh phúc cho con người, thì con người phải thể hiện thiện chí của mình, để xứng đáng đón nhận hạnh phúc ấy.  Thiện chí ở đây được hiểu là đức tin.  Chúa Giê-su đã nói đến đức tin như một điều kiện để được sống đời đời: “Ai tin vào Con của Người (Chúa Cha), thì không bị lên án.”  Sống giữa thế gian, chúng ta bị giằng xé giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những điều lương thiện và những điều xấu xa.  Ai cố gắng nỗ lực vươn tới ánh sáng, sẽ dần dần thoát khỏi vòng cương tỏa của bóng tối.  Ánh sáng đích thực chính là Chúa Giê-su.  Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.  Người là Ánh sáng thế gian, như chính Người đã tuyên bố.  Ai đi trong Ánh sáng huyền diệu này thì không còn phải đau khổ, vì họ được chiếu soi để biết đường đi nước bước và cách đối nhân xử thế, trở nên người vẹn toàn.

Mùa Chay là thời điểm để chúng ta nhìn lại việc theo Chúa.  Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Đức Giê-su là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.  Nhiều người mang danh Ki-tô hữu những có cuộc sống trái ngược với lý tưởng Ki-tô giáo, thậm chí còn là phản chứng của Tin Mừng.  Lòng thương xót của Thiên Chúa là nền tảng giúp chúng ta sống ngay lành.  Thánh Phao-lô giáo huấn các tín hữu Ê-phê-xô về lòng thương xót của Chúa Cha, và ngài khuyên: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa.  Chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Bài đọc II).

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Hãy nhận ra lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với các tội nhân và đối với bản thân chúng ta.  Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn đối với chúng ta thì chúng ta cũng phải kiên nhẫn bao dung đối với những người xung quanh mình.  Làm như thế là chúng ta phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa trong mọi môi trường sống của trần gian.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

PHƯƠNG PHÁP CHAY

Thánh François de Sales cảnh báo: “Người thích ăn chay nghĩ mình là người rất đạo đức khi ăn chay, mặc dù tâm hồn họ đầy những giận ghét.  Họ quan tâm đến vấn đề điều độ, không dám đụng lưỡi đến rượu bia, thậm chí cả nước lã, nhưng lại không ngần ngại uống cạn máu người khác bằng việc gièm pha hoặc vu khống.”  Thật đáng giật mình!

Trai Tịnh là từ Hán Việt.  Chữ “trai” đồng nghĩa chữ “chay,” khác ở chỗ là người ta chỉ nói “ăn chay” chứ không nói “ăn trai.”  Chay Tịnh đồng nghĩa với Trai Tịnh, nhưng từ Chay Tịnh được liên kết bởi một chữ Nôm và một chữ Hán, còn từ Trai Tịnh thì cả hai chữ đều là chữ Hán.

Sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh dùng chữ “trai tịnh” [CGKPV xuất bản năm 1995, tr. 377], còn Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh dùng chữ “chay tịnh.” [Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt xuất bản năm 1973, quyển 1, trang 210]  Cả hai cách dùng đều được chấp nhận.

Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng Mùa Chay khởi đầu từ Thứ Tư Lễ Tro.  Và Mùa Chay là Mùa Sám Hối, Mùa Hồng Ân, Mùa Cứu Độ.  Tuy nhiên, BIẾT là một chuyện, còn SỐNG là một chuyện khác.

Một chút tro được bỏ lên đầu (hoặc vẽ dấu + lên trán), gọi là xức tro, là cách thể hiện lòng ăn năn sám hối, vì ai cũng chỉ là tội nhân bất xứng trước Tôn Nhan Thiên Chúa: “Chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10:18; Lc 18:19).  Tuy nhiên, xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn!

Chúng ta là đầy tớ mà cũng chẳng làm nên trò trống gì, chỉ vô dụng mà thôi (x. Lc 17:10).  Thế nhưng chúng ta PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Lv 11:44; Lv 20:7).  Động từ “phải” là một mệnh lệnh, không thể không thực hiện, không làm không được.  Do đó, chúng ta phải ăn chay, ăn chay để sám hối, sám hối để được tha thứ, được thứ tha là được trong sạch, trong sạch là công chính, công chính là nên thánh.  Chuỗi liên kết tuyệt vời quá!  Việc ăn chay ví như chiếc hàm thiếc tra vào mõm ngựa để kiềm chế các thói xấu, không cho nó “chứng.”

Nói đến ăn chay, ai cũng biết là nhịn ăn và nhịn uống.  Nhưng đó mới là ăn chay phần xác.  Vấn đề quan trọng hơn là phải ăn chay tinh thần.  Ăn chay có vẻ đơn giản mà lại không hề đơn giản, thậm chí có gì đó nhiêu khê chứ không như chúng ta tưởng.  Cái gì cũng cần có bí quyết, ăn chay cũng vậy, tức là phải biết cách.  Cũng giống như ăn kiêng – một dạng ăn chay, nếu áp dụng không đúng cách sẽ “lợi bất cập hại,” có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Ăn chay thế nào mới đúng cách?  Ăn chay thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa?  Chữ “trai tịnh” hay lắm.  Chữ “trai” là ăn chay, chữ “tịnh” là không nói (tịnh khẩu).  Nghĩa là ăn chay cả phần xác lẫn phần hồn.  Để ăn chay đúng cách và làm đẹp lòng Thiên Chúa, ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết bí quyết ăn chay qua trình thuật Is 58:1-10.  Trong trình thuật này, “cách ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa” được phân ra hai phần SAI và ĐÚNG.

I. CÁCH ĂN CHAY SAI

Sai nghĩa là không đúng.  Chắc chắn Thiên Chúa không thích và loại trừ “cách ăn chay sai.”  Nhưng Ngài ghét cách ăn chay như thế nào?  Sách Isaia cho biết mấy cách này:

  1. Ăn chay mà vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.
  2. Ăn chay mà vẫn đôi co cãi vã, nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.

Ngôn sứ Isaia thẩm vấn: “Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?  Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58:9).

Mỗi chúng ta tự trả lời thế nào?  Đừng biện hộ hoặc viện cớ: Vì, bởi, tại,…  Nhịn ăn, nhịn uống đến nỗi mệt mỏi, lả người, thế mà miệng vẫn chửi rủa, thấy ai làm gì không vừa ý mình thì giận hờn, tức tối, rồi xỉa xói, mỉa mai, ngồi lê đôi mách, thêm chút hành và thêm chút tỏi cho câu chuyện “đậm đà gia vị,”…  Ăn chay không khéo sẽ hóa “phi ăn chay,” tốt lành chẳng thấy đâu mà chỉ thấy nguy hại, phúc đức chẳng thấy đâu mà lại thấy tội lỗi gia tăng.  Khủng khiếp quá!

II. CÁCH ĂN CHAY ĐÚNG

Chắc chắn Thiên Chúa ưa thích và chấp nhận “cách ăn chay đúng.”  Nhưng Ngài ưa thích cách ăn chay như thế nào?  Sách Isaia cho biết mấy cách này:

  1. Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm.Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
  2. Không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.

Nếu chúng ta ăn chay hợp ý Chúa, chúng ta không chỉ được xá tội mà còn được hưởng nhiều thứ khác: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.  Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’ Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 5:8)

Chắc chắn chỉ khi nào chúng ta thực hành như vậy thì Thiên Chúa mới vui lòng và chấp nhận lời cầu xin của chúng ta: “Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.  Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.” (Is 58:11).

Lạy Thiên Chúa, xin mau đến cứu giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ, (Tv 70:1) xin hướng dẫn con biết cách ăn chay hợp với Thánh Ý Ngài, trong Mùa Chay này và suốt đời con.

Trầm Thiên Thu

CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆM

Cầu nguyện chiêm niệm, đã có từ lâu và được thực hành phổ biến, ngày nay lại là chủ đề khá bị hoài nghi với nhiều nhóm người.  Ví dụ như, phương pháp cầu nguyện thường được gọi là Quy thần niệm, được nhiều người như Thomas Keating, Basil Bennington, John Main, và Laurence Freeman phổ biến, giờ lại bị nhiều người hoài nghi xem như một thứ gì đó gắn với phong trào “New Age,” Phật giáo, phong trào “Tìm Bản ngã” hay thậm chí là vô thần.

Phải thừa nhận, không phải tất cả người tán thành và thực hành kiểu cầu nguyện này đều tránh được những xung lực đó, nhưng chắc chắn, những người cầu nguyện đích thực sẽ không vướng phải.  Hiểu và thực hành đúng đắn phương pháp cầu nguyện với nhiều biến thể này, chính là điều mà các Đan phụ Sa mạc, Gioan Thánh Giá, và tác giả quyển Đám mây Vô thức [Cloud of Unknowing] gọi là Chiêm niệm.

Theo truyền thống Kitô giáo kinh điển, Chiêm niệm là gì?  Với những biện giải theo truyền thống của thánh Inhaxiô thành Loyola, chiêm niệm là cầu nguyện mà không có hình ảnh hay tưởng tượng, nghĩa là cầu nguyện mà không cố tập trung suy nghĩ và cảm giác vào Thiên Chúa hay những sự thánh thiện.  Chiêm niệm là cầu nguyện một mình với ý hướng hiện diện với Thiên Chúa mà thôi, và bỏ qua mọi thứ khác, kể cả những suy tư sốt sắng hay những cảm giác thánh thiện, để rồi đơn giản ngồi trong bóng tối, trong một sự vô thức có chủ ý sao cho không thúc đẩy hay tận hưởng mọi suy nghĩ, tưởng tượng và cảm giác về Thiên Chúa, và mọi suy nghĩ cảm giác khác nữa.  Trong quyển Đám mây Vô thức, chiêm niệm là sự đơn thuần vươn thẳng tới Chúa.

Trong cầu nguyện chiêm niệm, sau một hồi tĩnh tại, một hành động nội tâm để tập trung bản thân vào trong cầu nguyện, người ta cứ thế ngồi yên, với ý định vươn thẳng đến Thiên Chúa trong một không gian vượt ngoài cảm giác và tưởng tượng, chờ đợi hiện thực không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa đến với mình theo một cách mà những cảm giác, suy nghĩ và tưởng tượng chủ quan không tài nào đem lại được.

Và đây chính là điểm mà người ta thường hiểu lầm và chỉ trích cầu nguyện chiêm niệm.  Họ đặt vấn đề rằng: Tại sao ta không cố thúc đẩy và chìu theo những suy nghĩ thánh thiện và cảm giác sốt sắng.  Đấy không phải là điều ta cố làm khi cầu nguyện hay sao?  Làm sao ta có thể cầu nguyện khi cứ ngồi yên đó, chẳng làm gì?  Đây có phải là một dạng của thuyết bất khả tri không?  Làm sao ta gặp được một Thiên Chúa thực thể yêu thương khi cầu nguyện như thế?  Chẳng phải đây đơn thuần là một dạng suy niệm biến thể kiểu như yoga tinh thần hay tìm kiếm bản ngã?  Trong việc cầu nguyện như thế, Chúa Giêsu ở đâu?

Tôi sẽ để tác giả quyển Đám mây Vô thức trả lời điều này: “Khi thực hành trong bóng tối và đám mây vô thức này, khi chỉ có nơi mình một xung lực yêu mến dành cho Thiên Chúa, thật không thích hợp và đầy chướng ngại để người ta nhìn nhận bất kỳ suy nghĩ hay suy niệm nào về những ơn ban, sự nhân từ và công trình của Thiên Chúa, để nâng lòng lên nhằm ghép chặt bản thân với Chúa, dù cho đó là những suy nghĩ rất thánh thiện đem lại hạnh phúc và an ủi rất nhiều cho người đó.  Bao lâu linh hồn còn chìm trong thân xác sẽ chết này, thì sự rõ ràng trong nhận thức của ta khi chiêm niệm mọi sự thiêng liêng, nhất là chiêm niệm về Thiên Chúa, luôn luôn bị xáo trộn với một dạng tưởng tượng khác.”  Ta không thể tưởng tượng Thiên Chúa, ta chỉ có thể biết Thiên Chúa.

Về căn bản, ý niệm này nghĩa là đừng bao giờ nhầm lẫn hình tượng với thực tế.  Thiên Chúa là không thể dò thấu, và do đó mọi sự ta nghĩ hay tưởng tượng về Thiên Chúa đều là một hình tượng, mà ngay cả những lời trong kinh thánh cũng chỉ là những lời về Thiên Chúa chứ không phải là hiện thực của Thiên Chúa.  Phải thừa nhận, các hình tượng là tốt đẹp, miễn sao chúng ta hiểu cho đúng về chúng, miễn sao chúng hướng chúng ta về một hiện thực cao hơn chúng.  Nhưng nếu chúng ta xem chúng là hiện thực, một cám dỗ mà ta luôn vướng phải, thì hình tượng trở thành ngẫu tượng.

Sự khác biệt giữa suy niệm và chiêm niệm là thế này: Trong suy niệm, chúng ta tập trung vào hình tượng, vào Thiên Chúa, hay đúng ra là Thiên Chúa trong suy nghĩ, tưởng tượng, và cảm giác của ta.  Trong chiêm niệm, các hình tượng được xem là ngẫu tượng, và chúng ta ngồi đó trong bóng tối, bên dưới đám mây vô thức, cố gắng đối diện với một hiện thực quá lớn lao mà ta không thể nắm bắt cho dù có dùng đến tưởng tượng.  Suy niệm như một hình tượng, là điều gì đó hữu dụng trong một thời gian, nhưng đến cuối cùng, chúng ta đều được kêu gọi hướng đến chiêm niệm.  Như quyển Đám mây Vô thức đã nói: “Chắc chắn, ai tìm kiếm để có trọn Thiên Chúa sẽ không nghỉ lại nơi việc nhận thức về bất kỳ thiên thần hay các các thánh trên trời nào.”

Karl Rahner cũng đồng ý rằng: “Ta đã cố gắng để yêu mến Thiên Chúa trong những lúc không cuốn theo ngọn sóng xuất thần trào dâng, những lúc không thể nhầm lẫn bản thân mình với xung lực sự sống hướng đến Thiên Chúa, những lúc chấp nhận chết đi vì một tình yêu có vẻ như cái chết và hoàn toàn tiêu cực, khi chúng ta kêu lên từ sự trống rỗng và vô thức tột cùng?”

Nói tóm lại, đấy chính là cầu nguyện chiêm niệm, cầu nguyện thật sự hướng về Thiên Chúa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch