CON NGƯỜI TRỞ NÊN VĨ ĐẠI NHỜ CẦU NGUYỆN

Pascal là một nhà bác học nổi tiếng và cũng là một nhà triết gia lỗi lạc, ông đã có một câu nói thời danh để đời như sau: “Con người chỉ vĩ đại khi họ cầu nguyện.”

Thật vậy, con người là loài thụ tạo cao quý nhất mà Thiên Chúa dựng nên.  Con người có giá trị trổi vượt trên các loài thụ tạo khác.  Tuy nhiên, con người chỉ có thể trở nên vĩ đại nhờ có một mối tương quan mật thiết với Đấng là chủ tể của mình ngang qua đời sống cầu nguyện.  Bởi vì cầu nguyện là chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người.  Cầu nguyện làm cho con người tìm ra được nguồn cội, cùng đích của cuộc đời.  Cầu nguyện cũng giúp cho con người biết mình phải làm gì và khước từ điều gì.

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu ngay từ sáng sớm, người lánh sang một nơi thanh vắng để cầu nguyện sau một ngày làm việc mệt nhọc với sứ vụ và tiếp tục với hành trình rao giảng Tin Mừng mới.  Điều này cho thấy: cầu nguyện là việc vô cùng cao quý và quan trọng trong hành trình loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu cũng như người môn đệ.

1. Cầu nguyện không ngừng

Đã có lần, Đức Giêsu nghe các môn đệ của mình kể về thành tích mà các ông đạt được sau những ngày vất vả vì sứ vụ.  Các ông trở về trong hân hoan và khoe với Ngài về thành tích đạt được: thành công trong việc chữa lành bệnh tật, nhiều người nghe lời các ông giảng và ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục (x. Mc 6, 30-31).

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không khen ngợi các ông, Ngài cũng chẳng đề nghị các ông tiếp tục thi hành.  Và hoàn toàn không mở tiệc linh đình để tuyên dương kết quả!  Nhưng Ngài nói với các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31).  Nghỉ ngơi ở đây có nghĩa là trở về với Thiên Chúa và với bản thân trong sự thinh lặng nội tâm sâu xa.

Còn khi dạy các Tông đồ cầu nguyện, Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); chỗ khác Ngài truyền lệnh: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38).  Hơn nữa, khi nói về giới hạn của con người và tầm quan trọng của cầu nguyện, Ngài mặc khải: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5).  Hay để khơi lên niềm tín thác vào Thiên Chúa là Đấng xót thương, Đức Giêsu khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).

Như vậy, đời sống cầu nguyện là nền tảng để xây dựng đời sống Tông đồ nơi người môn đệ.  Cầu nguyện chính là hồn sống, là thước đo để biết được người Tông đồ thi hành sứ vụ vì ai, cho ai và mục đích gì!  Cầu nguyện còn để xác định rõ: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.”  Nói cách khác, đời sống cầu nguyện được ví cá cần nước, cây cần ánh sáng, con người cần hơi thở.

2. Mẫu gương cầu nguyện nơi Đức Giêsu

Khi thấy được tầm quan trọng không thể thiếu của đời sống cầu nguyện, nên Đức Giêsu không chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện, nhưng chính Ngài đã làm gương về đời sống cầu nguyện.

Thật vậy, Ngài luôn luôn cầu nguyện trước, trong và sau khi làm bất cứ việc gì.  Ngài cầu nguyện trong sa mạc; nơi hội đường; trên triền núi; ngoài bãi biển….

Hôm nay, thánh Máccô một lần nữa cho ta thấy Đức Giêsu coi trọng và ưu tiên hàng đầu trong việc cầu nguyện, tác giả viết: “Sáng sớm lúc trời còn tối, Người đã dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc l,35).

Khung cảnh “sáng sớm” cho chúng ta thấy một đêm dài đã kết thúc và một ngày mới khởi đầu.  Thái độ cầu nguyện ngay từ khi trời còn tối báo cho chúng ta biết, Đức Giêsu chắc chắn tạ ơn, chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa qua những việc Ngài đã làm trong ngày hôm trước như: thăm viếng, chữa bệnh, trừ quỷ….  Mặt khác, trải qua một đêm có lẽ nhiều thao thức, trăn trở và lựa chọn để làm trong ngày mới, nên ngay từ sáng sớm, Ngài đã xin ý của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, để mọi việc được diễn ra trong thánh ý của Người.  Chính vì điều này mà mọi hoạt động của Đức Giêsu đều quy hướng về Thiên Chúa và mang lại vinh quang cho Người.

Như vậy, giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa có một sự gắn kết mật thiết đến độ không thể tách rời đến nỗi đã có lần Đức Giêsu tuyên bố: “Ta và Cha ta là một”; hay “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34 ).

3. Cầu nguyện là nền tảng cho mọi hoạt động

Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều sự rạn nứt qua các mối tương quan như: rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, vợ chồng không còn tin tưởng nhau, thiếu sự chung thủy.  Nạn phá thai diễn ra như cơm bữa.  Lương tâm, chân lý không còn được lưu tâm hay bị lệch lạc.  Con cái vô cảm, bất hiếu và hỗn xược với đấng sinh thành.  Anh chị em trong gia đình loại trừ nhau.  Hàng xóm láng giềng không còn chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau!”  Thầy cô giáo và học trò ít quan tâm đến chuyện: “Tiên học lễ, Hậu Học văn”; vì thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò!  Bạn bè với nhau không còn tính trung thực, mà thay vào đó là lợi dụng nhau, thanh toán nhau bằng nắm đấm, song sắt, lưỡi lê….

Nguyên nhân lớn nhất đó là thiếu hay coi thường hoặc không có đời sống cầu nguyện.  Bởi vì, không cầu nguyện, con người sẽ không nhận ra Thiên Chúa là ai cũng như không biết coi trọng nhân phẩm của mình và của nhau.  Không có đời sống cầu nguyện, người ta cũng không tìm ra lý tưởng và không thể trả lời được về mục đích của sự hiện hữu nơi mình trên trần gian.  Đàng khác, khi đời sống cầu nguyện bị sao nhãng, người ta cũng chẳng cần quan tâm đến sự thật và lòng trung thành, từ đó, họ có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ áy náy!  Họ sẵn sàng “dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt”; hay cả phương tiện và mục đích đều xấu, nhưng lương tâm đã bị trai lỳ, vô cảm nên họ vẫn sẵn sàng làm cho kỳ được để thỏa mãn điều mong muốn một cách bất nhân.

Hơn nữa, nhiều người có cầu nguyện, nhưng sự hời hợt, qua lần chiếu lệ đã làm cho họ chẳng khác gì như hạt giống gieo nơi vệ đường, trên bụi gai và nơi đá sỏi.  Hãy nhớ lại câu chuyện Tổ Tông sa ngã chỉ vì hiểu có một nửa sự thật!

Chính vì thiếu đời sống cầu nguyện sâu xa như thế, nên việc sống đạo của chúng ta bị nhàm chán, hờ hững và hình thức bên ngoài, khiến cho những công việc chúng ta làm bị phản tác dụng khi nó quy chiếu về bản thân mình chứ không hướng về Chúa.

Muốn khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần thật minh mẫn, sốt sắng, vui tươi như thể mình đang chuẩn bị đi gặp “người yêu.”  Phải thực sự có kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa.  Mặt khác, chúng ta phải tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta đang ở bên Chúa, Chúa đang ở bên ta, vì thế, cần có thái độ của đức tin để phó thác, thái độ khiêm tốn để lắng nghe.  Bởi vì: “Cầu nguyện là hô hấp của tâm hồn.”

Chỉ có thế, chúng ta mới có thể xóa đi cái “tôi” ích kỷ, hư ảo, kiêu ngạo, để thay vào đó là sự khiêm tốn, hiền lành và khiêm nhường như Chúa .  Như vậy, nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta mới nhận ra: “Con người vĩ đại nhờ cầu nguyện.”

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt mình bên cạnh Chúa, được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa, được gặp gỡ Chúa, và được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ chúng con ngang qua đời sống cầu nguyện.  Amen.

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

VÀI NÉT TIỂU SỬ CỦA THÁNH GIOAN BOSCO

Gioan Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815, tại xóm Becchi, làng Castelnuovo d’Asti (nay là Castelnuovo Don Bosco), tỉnh Tôrinô; thuộc gia đình nghèo và mồ côi cha khi mới lên hai.

Mẹ Gioan là Bà Magarita. Bà đã sớm dạy con biết lao động ngoài đồng áng và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa qua những hiện tượng thiên nhiên.

Khi lên 9 tuổi, Gioan Bosco đã có một giấc mơ đầy tính tiên tri: nhờ sự hướng dẫn và trợ giúp của Mẹ Maria, ngài sẽ giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng thành người tốt, có ích cho xã hội và Giáo hội.

Mẹ Magarita đã phải rất khổ cực và vất vả để Gioan Bosco có thể đi học và theo đuổi ơn gọi linh mục.

Gioan Bosco chịu chức linh mục ngày 5 tháng 6 năm 1841. Cha linh hướng của ngài là cha Giuse Cafasso đã căn dặn: “Cha hãy rảo khắp thành phố và để ý nhìn chung quanh”. Nhờ đó vị linh mục trẻ đã nhận ra sự cùng khổ của người nghèo, nhất là của thanh thiếu niên.

Hình ảnh về nhà tù đã gây cho Don Bosco một ấn tượng sâu xa và khiến ngài phải suy nghĩ. Bởi thế, sau khi đi thăm nhà tù, ngài đã quyết định: “Tôi cần làm một việc gì đó để thanh thiếu niên khỏi phải vào tù”.

Thời bấy giờ, một số linh mục thường chờ đợi thanh thiếu niên tới nhà thờ hay phòng thánh để dạy giáo lý. Cần phải có những hình thức tông đồ mới: việc tông đồ lưu động, nơi các nhà hàng, nơi cửa tiệm, nơi xưởng thợ, nơi công viên… Nhiều linh mục đã thử nghiệm.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 1841, đứa trẻ đầu tiên đến với Don Bosco là cậu Bartôlômêô Garelli d’Asti. Ba ngày sau, 9 em khác cùng đến với cậu. Ba tháng sau, 25 em. Rồi vào mùa hè 1842, con số là 80 em. Thế là Nguyện xá đã bắt đầu.

Nhưng một số em không biết tìm đâu ra chỗ ngủ, ngoại trừ những nơi công cộng. Don Bosco đã nhận ra công việc cấp bách và quan trọng là lo chỗ ngủ cho những em đó.

Vị ân nhân đầu tiên của Don Bosco không phải là bà Bá tước, nhưng chính là bà mẹ của ngài, một người nhà quê 59 tuổi, nghèo và mù chữ, nhưng đạo đức, đã lên Tôrinô với ngài để lo việc bếp núc và giặt giũ.

Giữa những em sống với Don Bosco, có một số đã bày tỏ nguyện vọng “được trở nên như ngài”. Tu hội Salêdiêng được thành hình, với tên gọi là Tu hội Thánh Phanxicô Salê.

Mùa Thu năm 1853, xưởng thợ đầu tiên được thành lập. Chính Don Bosco đứng ra dạy nghề cho các em.

Ngày 26 tháng 01 năm 1854, Tu hội Salêdiêng chính thức được thành lập.

Ngày 30 tháng 11 năm 1860, “đứa trẻ đầu tiên của Don Bosco”, Micae Rua trở thành linh mục. Vào cuối đời, Don Bosco có thể nói rằng: gần ba ngàn linh mục đã xuất thân từ những con cái của mình.

Tháng 3 năm 1864, Don Bosco đặt viên đá đầu tiên cho Đền Thờ Đức Mẹ Phù Hộ tại Valdocco. Tám năm sau, ngài khởi sự một “Đền Thờ” khác kính Đức Mẹ: Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Tháng 11 tháng 1875, những vị truyền giáo Salêdiêng tiên khởi lên đường đi Nam Mỹ. Cùng năm ấy, các “Cộng Tác Viên”, Dòng Ba Salêdiêng, ra đời.

Trước khi qua đời, Don Bosco đã nói với các Cộng tác viên: “Không có lòng bác ái của các con, cha không làm được việc gì cả; nhờ lòng bác ái của các con, chúng tôi đã lau khô biết bao nước mắt và đã cứu được biết bao linh hồn”.

Nhưng công trình vĩ đại mà Don Bosco để lại cho Giáo Hội là “HỆ THỐNG GIÁO DỤC DỰ PHÒNG”. Bí quyết của Hệ thống này là “Sống với thanh thiếu niên”, nhờ đó nhà trường được biến thành “gia đình”. Toàn thể Hệ thống này có thể được tóm lại trong ba chữ: lý trí, tôn giáo và lòng thương mến. Khi người ta không dọa nạt, nhưng trò chuyện; khi Thiên Chúa là “Chủ Nhà”; khi người ta không sợ hãi, nhưng muốn điều tốt, gia đình sẽ nảy sinh.

Don Bosco qua đời sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1888. Với các tu sĩ Salêdiêng đang đứng chung quanh, ngài đã nói những lời sau đây: “Các con hãy muốn điều tốt cho nhau như là anh em. Hãy làm điều tốt cho mọi người, nhưng không làm điều xấu cho ai cả… Hãy nói với các thanh thiếu niên điều này: Cha chờ đợi tất cả trên Thiên Đàng”.

Carlo Ambrosio, SDB
Nguồn: https://thegioisaledieng.net

KHI CHÚA GIÊSU NGỦ TRONG CƠN BÃO CUỘC ĐỜI CỦA CHÚNG TA

Trong đêm tối của đức tin, Thánh Têrêsa thành Lisieux xác tín Chúa Giêsu vẫn luôn ở với mình, nhưng cũng đau khổ khi Ngài dường như ngủ say và ẩn kín.

Thánh nhân đã miêu tả cảm giác này:

“Linh hồn của tôi giống như một chiếc thuyền mong manh bập bềnh mà không có người lái trong một vùng biển bão tố.  Tôi biết rằng Chúa Giêsu ở đó, ngủ trong thuyền của tôi, nhưng trời quá tối để tôi thấy Ngài.  Tất cả là bóng tối.  Giống như Chúa Giêsu trong cơn đau đớn của Ngài trong Vườn, tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi và không có sự giúp đỡ nào cho tôi trên trái đất hay trên thiên đàng.  Chúa đã bỏ rơi tôi” (Câu chuyện về linh hồn, 61).

Kinh nghiệm của Thánh Têrêsa giống với kinh nghiệm của các môn đệ trong Tin mừng Máccô chương 4 và Matthêu chương 8.

Đây là bản văn kinh thánh trong Macco chương 4:

“Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bờ bên kia đi !”  Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người.  Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.  Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”  Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”  Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.  Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế?  Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ư?”  Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

“Thưa Thầy, Thầy không quan tâm rằng chúng ta đang chết đến nơi rồi?”  Bao lâu trong những cơn bão của cuộc đời chúng ta có cảm giác như Chúa Giêsu đang ngủ như vậy?  Nếu ngay cả một vị thánh vĩ đại như Thánh Têrêsa cũng có thể cảm thấy loại bỏ rơi này, chúng ta không nên mặc cảm tội lỗi nếu chúng ta trải nghiệm điều gì đó tương tự.

Trong câu chuyện phúc âm, mọi thứ trở nên rất thảm khốc trước sự can thiệp của Chúa Giêsu.  Sóng đang đâm vào thuyền và lấp đầy nước, có nguy cơ bị chìm sớm.  Mặc dù vậy, Chúa Giêsu vẫn ngủ.  Các môn đệ trước tiên phải kêu lên với Ngài để được giúp đỡ.  Như Thánh vịnh 18:7 “Trong lúc đau khổ, tôi kêu lên: Lạy Chúa!  Tôi kêu lên với Thiên Chúa của tôi.”  Chúa nghe thấy sự đau khổ của họ.  Tiếng kêu khóc của họ, chứ không phải cơn bão, đã đánh thức Chúa Giêsu dậy.

Có ba điều cần lưu ý về cách Chúa Giêsu trả lời.

Đầu tiên, Ngài có quyền chỉ huy hoàn cảnh.  Chúa không làm cho con thuyền vững chắc hơn, hoặc giảm bớt cơn bão.  Chúa loại bỏ hoàn toàn vấn đề, mang đến một sự bình yên tuyệt vời.

Thứ hai, Ngài biến đổi tình hình qua lời nói của Ngài.  Sức mạnh của Ngôi Lời nhập thể nằm trong lời nói.  Chúa không cần phải cố gắng.  Chẳng hạn, Chúa không nhảy vào vùng sóng đánh dữ dội và kéo thuyền vào bờ.

Thứ ba, tác động biến đổi mà Ngài tạo ra mang tính toàn bộ – từ hoàn cảnh bên ngoài cho đến trái tim của các môn đệ.  Chúa Giêsu muốn các môn đệ có niềm tin rằng sự hiện diện của Ngài là đủ.  Ngài muốn họ có niềm tin rằng Ngài đã nhận thức được tình hình, ngay cả khi Ngài dường như đang ngủ.

Giấc ngủ của Chúa có thể được coi là một bài kiểm tra đức tin của họ.  Nó cũng là một lời xác nhận răng: chỉ sự hiện diện của Chúa là đã đủ an toàn rồi.

Giấc ngủ vĩ đại nhất mà Chúa Giêsu trải qua là giấc ngủ của tử thần.  Cuối cùng, trong trình thuật của phúc âm về giấc ngủ này, chúng ta rút ra sự an ủi lớn nhất.  Như bài giảng cổ xưa rất hay của Thứ Bảy Tuần Thánh:

Chuyện gì đang xảy ra vậy?  Hôm nay có một sự im lặng tuyệt vời trên trái đất, một sự im lặng vĩ đại, một sự im lặng tuyệt vời vì Đức vua đang ngủ; Trái đất vẫn còn bị trong sự kinh hãi, bởi vì Chúa đã ngủ trong xác thịt và nâng dậy những người đang ngủ từ thời xa xưa.  Chúa đã chết trong xác thịt, và âm phủ đã run rẩy.

Bài giảng gợi ý một lời giải thích cho giấc ngủ này: Chúa Giêsu bước vào giấc ngủ của sự chết để Ngài có thể ở cùng với những người đang ngủ say, những người cha thánh của Cựu Ước đang chờ đợi Ngài trong tình trạng lấp lửng.  Giống như Chúa đã lấy xác phàm để ở giữa những người sống, nên Ngài cũng mặc lấy giấc của sự chết mà Ngài cũng có thể ở cùng sự chết như vậy.

Chúa Giêsu không đánh thức chúng ta ra khỏi giấc ngủ tinh thần bằng cách lay chuyển chúng ta từ bên ngoài.  Ngài đi vào chính Ngài để đánh thức chúng ta từ bên trong.  Như bài giảng có nói:

Ta ra lệnh cho ngươi: Thức tỉnh đi hỡi kẻ còn đang ngủ, Ta đã không tạo ra ngươi để bị giam giữ như một tù nhân trong âm ngục.  Trỗi dậy từ cõi chết; Ta là sự sống của kẻ chết.  Trỗi dậy, hỡi con người, công trình của tay Ta làm nên, Trỗi dậy, vì người mang hình ảnh của Ta.  Hãy trỗi dậy, nào chúng ta hãy đi, vì Ta ở trong ngươi và ngươi ở trong Ta, cùng nhau chúng ta nên một mà không thể bị chia cắt.

Bóng tối của Thứ Bảy Tuần Thánh dẫn đến sự tươi sáng của Chúa nhật Phục Sinh.  Sự phục sinh thực sự có khởi đầu không phải trong ngôi mộ, nhưng trong khoảnh khắc linh hồn Chúa Giêsu bắt đầu bay lên từ sâu thẳm địa ngục.  Ngay cả khi Chúa Giêsu ngủ say, lúc đó, Ngài thực sự rất chủ động, trong địa ngục Ngài tuyên bố chiến thắng của thập tự giá, chà đạp ma quỷ và giải cứu những người cha thánh trong tình trạng Limbo.

Nếu Chúa Giêsu đôi khi dường như ngủ trong cuộc đời chúng ta, thì Ngài có thể sống động theo những cách mà chúng ta không thể nhìn thấy.  Chúa đang làm việc trong nhiều trường hợp.  Những kiểu trợ giúp mà chúng ta thường cần có công việc phải được thực hiện ở những nơi mà chúng ta không thể nhìn thấy như trái tim của những người thân bị ghẻ lạnh, tinh thần của một đứa trẻ bị giam cầm trong cơn nghiện, tâm trí và trái tim của các ông chủ, chủ nợ hoặc người thu tiền hóa đơn của chúng ta và trong tất cả những người có sức ảnh hưởng đến an toàn kinh tế của chúng ta.

Nếu sự giúp đỡ mà chúng ta cần nhất là trong việc chữa lành một căn bệnh về thể xác hoặc bệnh tâm thần thì chúng ta chắc chắn sẽ không thể nhìn thấy Chúa Giêsu đang làm việc.

Điều này tạo ra khả năng để chúng ta được ngạc nhiên.  Bởi vì mỗi Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta có thể mong đợi được ‘niềm vui ngạc nhiên” của sự Phục Sinh.

Stephen BealeBro. Giuse Trung Tran, ‎C.Ss.R – chuyển ngữ
Nguồn: https://catholicexchange.com/when-jesus-sleeps-through-our-storms

DIỆT TRỪ SỰ DỮ

Độc giả hôm nay cũng như những người chứng kiến sự kiện mà thánh Mác-cô thuật lại đều ngỡ ngàng và thú vị ở chi tiết: chính thần ô uế công khai tuyên xưng thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu.  Theo khái niệm của Kinh Thánh, thần ô uế vừa tượng trưng cho ma quỷ Satan, vừa là lực lượng đối lập với những gì là thiện hảo, ngay lành và thậm chí còn đối lập với chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.  Thần ô uế đã tuyên xưng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”  Bằng một mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã bắt nó phải buông tha người bị nó ám.  Thánh Mác-cô hay diễn tả uy quyền của Chúa bằng cách ra lệnh cho các thế lực thiên nhiên hay ma quỷ, như trong Mc 4,39 Chúa đe gió và biển: “Im đi, câm đi”; Chúa ra lệnh cho người bại tay (x. Mc 3,5).  Chắc hẳn lời tuyên xưng của thần ô uế đã giúp nhiều người tin vào Chúa Giêsu, nhận ra Người là Đấng đến trần gian để xua đuổi thế lực của tối tăm, diệt trừ sự dữ và xây dựng một vương quốc thánh thiện, nhằm thánh hóa con người.

Thánh Mác-cô cho chúng ta một chi tiết đặc biệt nữa: Hội đường là nơi thánh thiêng của người Do Thái cũng giống như nhà thờ của các Kitô hữu ngày nay.  Vào mỗi ngày Sa-bát, mọi người đều tập trung ở đó để đọc và nghe Lời Chúa.  Chính Chúa Giêsu, khi trở về thăm quê hương Nagiarét, đã vào hội đường và đọc Kinh Thánh trước mặt cộng đoàn (x Lc 4,16-28).  Vậy mà, dưới ngòi bút tường thuật của thánh Mác-cô, nơi ấy cũng có thần ô uế ám ảnh.  Chính nơi thờ phượng thiêng liêng của người Do Thái cũng có sự hiện diện của Satan.  Với những chi tiết này, Thánh Mác-cô có ngầm ý khẳng định với chúng ta rằng, Chúa Giêsu đến để canh tân phụng vụ Do Thái đã trở nên lỗi thời và còn nhiều khiếm khuyết.  Sau này, chính Chúa Giêsu tuyên bố Người là Đền thờ đích thực.  Nền phụng vụ mới mà Chúa Giêsu đề nghị, đó chính là thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý.  Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đền thờ hay hội đường, tình yêu thương của Chúa không phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Đức Chúa Trời.  Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, lời ca tụng tôn vinh Chúa phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và phải đi đôi với thiện chí để nên trọn lành.

Sứ mạng của Đấng Thiên sai là đẩy lui quyền lực của bóng tối đang bao phủ nhân loại.  Chúa Giêsu đã đến trần gian để giải phóng con người khỏi ách kìm kẹp của ma quỷ, là quyền lực của tối tăm.  Người là ánh sáng trần gian đã bừng lên trong tăm tối để dẫn đưa con người về chính lộ.  Những người Do Thái chuyên tâm đọc Sách Thánh sẽ dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ mà Cựu ước đã loan báo.  Sách Đệ Nhị Luật ghi lại những lời giáo huấn của ông Môisen, vị thủ lãnh đã dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Aicập.  Trong những lời trăng trối cuối đời, ông Môisen đã nói đến một vị ngôn sứ Chúa sẽ gửi đến.  Vị này cũng đầy quyền uy để lãnh đạo dân như ông Môisen, và còn hơn cả Môisen nữa.  Sứ mạng của vị Ngôn sứ này là đem Lời Chúa làm lương thực nuôi dân chúng (Bài đọc I).  Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ muôn dân mong đợi.  Ngài đến để thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi, để thiết lập một nền phụng vụ đích thực, không còn những uế tạp trần tục, nhưng có khả năng thánh hóa con người.  Những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.  Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.”

Hơn hai ngàn năm đã qua, Giáo Hội không ngừng loan báo Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Đấng cứu độ và giải phóng con người.  Giáo Hội cũng đang tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, nhằm đem ơn cứu độ đến cho mọi dân tộc.  Loan báo Đức Giêsu cũng là sứ mạng của mỗi Kitô hữu.  Đó chính là nhiệm vụ chúng ta đã lãnh nhận khi được chịu phép Thanh tẩy.  Tuy vậy, trước khi nói đến loan truyền Tin Mừng cho người khác, mỗi chúng ta phải sống Tin Mừng trong cuộc sống cụ thể hằng ngày.  Trong con người của chúng ta, đang hiện hữu vừa ánh sáng vừa bóng tối, vừa hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cũng vừa hình ảnh của Satan.  Chính vì thế mà chúng ta phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày.  Ơn gọi nên thánh không phải là những điều quá sức con người, mà đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống.  Thánh Phaolô đã cụ thể hóa đời sống Kitô hữu bằng cách khuyên mỗi người trong gia đình và trong cộng đoàn hãy chuyên tâm thực thi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với tha nhân.  Người lập gia đình thì chăm lo việc gia đình.  Người tu hành thì chăm lo việc Chúa.  Những công việc đời thường, nếu được chu toàn với thiện ý và với tâm tình Đức tin, thì cũng góp phần làm cho chúng ta nên hoàn thiện (Bài đọc II).

Là Kitô hữu, chúng ta được tham dự vào chức ngôn sứ của Chúa Giêsu.  Mục đích của chức năng này là rao giảng Lời Chúa.  Được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu nhờ bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu cũng đang cùng với Chúa Giêsu để diệt trừ sự dữ, đẩy lui quyền lực của tối tăm và làm cho ánh sáng cứu độ bừng lên nơi mọi nẻo đường của cuộc sống.  Những người dân thành Caphanaum chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm đã đồn ra khắp vùng.  Mỗi chúng ta khi cảm nghiệm những điều lạ lùng Chúa làm cho mình, hãy nỗ lực cố gắng để nói về Chúa cho mọi người xung quanh, để kể lại những kỳ công của Người.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

AI ĐƯỢC CHÚA YÊU THƯƠNG HƠN?

Ai được Thiên Chúa cảm thương?  Chúng ta nên cầu nguyện đặc biệt cho ai?  Chúng ta nên xin Thiên Chúa ban phúc lành cho ai?

Thế giới đang diễn Thế vận hội.  Cái chúng ta thấy là những cơ thể khỏe nhất thế giới, được tô điểm với nụ cười trẻ trung và những bộ đồ thể thao đủ sắc màu.  Thế vận hội là để mừng sức khỏe.  Bất chấp bất kỳ thứ gì bao vây hay lẩn khuất bên dưới những cuộc thi đấu này (buôn bán, tham vọng, sản phẩm cấm dùng, bất kỳ thứ gì), thì có lẽ phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là vui sướng.  “Chà! Đẹp quá!  Điều này nói lên sự tuyệt diệu về cuộc sống và về Thiên Chúa.”

Hơn nữa, cái chúng ta thấy, không chỉ là các vận động viên.  Bao quanh các cuộc thi là ngân sách hàng tỷ đô la, nước chủ nhà đang thể hiện tất cả tinh hoa của mình, các đài truyền hình gởi đi những hình ảnh rực rỡ muôn màu khắp thế giới, và khắp nơi là những màn trình diễn được tính toán cẩn thận của tuổi trẻ, sức khỏe, vẻ đẹp, sung túc, như thể chỉ có chúng mới làm thế giới vận hành.

Đáng buồn thay, sức khỏe, vẻ đẹp và sung túc không phải là những thứ bẩm sinh đã công bằng hay được phân bổ và chia sẻ cách công bằng.  Cứ mở một hai kênh truyền hình khác là sẽ thấy các hình ảnh đối cực, các kênh tin tức liên tục truyền đi những hình ảnh về đau khổ, đói nghèo, bất công, nạn đói, tàn phá, hàng triệu người chạy trốn bạo lực, hàng triệu người sống trong cảnh khổ sở, và hàng triệu người sống với chút ít ỏi hy vọng tại những lằn ranh biên giới.  Và đó chỉ là những gì chúng ta thấy trên bản tin.  Cái chúng ta còn chưa thấy là hàng triệu người thất nghiệp, hàng triệu người là nạn nhân của bạo lực và xâm hại, hàng triệu người gặp vấn đề về thể lý và tâm lý đủ loại, và hàng triệu người mắc các chứng bệnh nan y đang chờ chết.  Những cuộc đời và những cơ thể này có gì tương xứng với những cuộc đời và cơ thể của các vận động viên Thế vận hội không?  Đây là một câu đáng hỏi.

Chúng ta đánh giá sự tương phản đắng lòng này giữa những gì được thấy ở Thế vận hội và những gì chúng ta thấy trên bản tin này như thế nào?  Nó có làm chúng ta suy nghĩ về cầu nguyện và đồng cảm không?  Liệu đau khổ của người nghèo có áp đảo trước sức khỏe của người giàu, đến mức trái tim và lời cầu nguyện của chúng ta chỉ hướng đến người nghèo thôi sao?  Nếu là thế, liệu chuyện này có đem lại cái nhìn tiêu cực về các ơn sức khỏe và sự sung túc tuyệt vời hay không?

Có một số bài học có thể rút ra từ kinh dâng lễ trong nghi thức Thánh Thể.  Trong nghi thức Thánh Thể, linh mục dâng hai bánh và rượu lên Thiên Chúa và chúng ta xin Ngài chúc lành cả hai.  Bánh và rượu đại điện cho hai khía cạnh khác nhau của thế giới và cuộc sống chúng ta.  Đến đây, tôi xin trích lời thần học gia Pierre Teilhard de Chardin: “Thứ thật sự được thánh hiến mỗi ngày chính là sự phát triển của thế giới trong ngày hôm đó, bánh biểu trưng cho những gì được tạo nên, rượu là biểu trưng cho những gì mất đi trong lao công và đau khổ trong tiến trình của nỗ lực đó.”

Về căn bản, lời nguyện dâng lễ xin hai phúc lành.

“Lạy Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, hôm nay chúng con dâng lên Chúa mọi sự trên thế giới này, cả vui mừng lẫn đau khổ.  Chúng con dâng lên Chúa bánh là những thành tựu của thế giới, cũng như dâng lên Chúa rượu là những thất bại của thế giới, là dòng máu đổ ra khi đạt những thành tựu này.  Chúng con dâng lên Chúa những người quyền thế, giàu có, nổi tiếng, các vận động viên, nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh, các doanh nhân, tuổi trẻ, vẻ đẹp và mọi thứ đầy sáng tạo cũng như đầy sức sống.  Chúng con cũng dâng lên Chúa những người yếu đuối, mỏng manh, già nua, tan nát, bệnh tật, hấp hối và những nạn nhân của đau khổ.  Chúng con dâng lên Chúa mọi vẻ đẹp, thú vui và niềm vui ngoại giáo của đời này, kể cả khi chúng con đứng với Chúa dưới thập giá, khẳng định rằng Đấng đã bị loại trừ khỏi thú vui trần thế chính là hòn đá tảng cho cộng đồng nhân loại.  Chúng con dâng lên Chúa kẻ mạnh cũng như kẻ yếu, xin Chúa chúc phúc cho cả hai, và mở rộng tấm lòng của chúng con để chúng con cũng như Chúa, có thể ôm lấy và chúc lành cho tất cả.  Chúng con dâng lên Chúa mọi kỳ công và đau đớn của thế giới này, thế giới của Chúa.”

Chúa thương người nghèo, người đau khổ, người bệnh tật và yếu đuối hơn, và chúng ta cũng phải như thế.  Đức tin của chúng ta khẳng định rằng người nghèo vào nước thiên đàng dễ hơn người giàu có và mạnh mẽ.  Tuy nhiên, dù đúng là thế, nó không ngụ ý rằng khỏe mạnh, sung túc là xấu.  Chắc chắn là chúng đem lại nguy cơ.  Trẻ trung, khỏe mạnh, hấp dẫn và tài năng, thường (dù không phải luôn luôn) là công thức dẫn đến tự phụ, xem đời mình đặc biệt hơn đời người khác.  Ít người có thể xử lý tốt những tặng vật phi thường này.

Tuy nhiên, dù có thế, chúng ta vẫn phải xác định, Thiên Chúa mỉm cười với sự tự hào và hài lòng với những gì sống động, những nơi mà sự sống được thịnh vượng, khỏe mạnh, trẻ trung tài năng và hấp dẫn.  Thiên Chúa mỉm cười với các vận động viên Thế vận hội.  Thiên Chúa thương người nghèo hơn, nhưng không vì thế mà ngăn cản tình yêu của Ngài dành cho người mạnh.  Như một người cha, người mẹ tốt lành, Thiên Chúa tự hào về những đứa con tài năng của mình, kể cả khi Ngài yêu thương đặc biệt những đứa con gặp đau khổ.

Trong mọi nghi thức Thánh Thể, chúng ta ôm lấy cả những vận động viên Thế vận hội và những người tị nạn bên rìa biên giới của chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THẤY – GỌI – BỎ – THEO

Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan, Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét, phải chia tay với người mẹ thân yêu, phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.  Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống, Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.

Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).  Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng (c.15).  Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.  Ngài cần người cộng tác, dù nước Israel chỉ là một nước bé nhỏ.

Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.  Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của Ngài.  Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt cá.  “Hãy theo tôi.  Tôi sẽ làm các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).

Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương.  Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con người của Ngài, chứ không phải theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.  Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.  Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.

Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.  Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với người cha.  Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.  Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly.

Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.  Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.  Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.  Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn, bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn.

Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.  Nhưng bỏ chính là để THEO (c. 18.20).  Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.  Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho người khác, dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương, dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.  Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.

****************************

Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.  Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.  Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.  Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.  Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

VẾT THƯƠNG LÒNG

Ai chưa từng trải qua cơn đau, người ấy thật sự chìm sâu trong cõi đời này.  Người nào chưa hề có một vết trầy xướt trên cơ thể thì chưa hoàn toàn đi vào cõi hiện sinh nhân thế.  Vết thương ngoài da đã đau đớn, vết thương lòng còn nhức nhối biết chừng nào.  Vết thương bên ngoài có thể được nhìn thấy, có thể dễ dàng tìm thuốc chữa trị, chứ vết thương lòng thì ai biết phải xoay sở ra sao.  Chẳng ai biết nó nông sâu thế nào, chẳng ai đo lường được mức tác hại của nó, cũng chẳng ai có thể biết một phương dược chính xác chữa lành, lại càng chẳng biết đến bao giờ thì sẽ không còn vết thương ấy nữa.

Tôi mang trong mình một vết thương, một kiểu đau nhức chẳng diễn tả được thành lời, một nỗi buồn không tên, một nỗi uất ức chôn kín.  Đó là khi tôi đã từng yêu da diết, đã từng trao gửi tất cả nỗi niềm và trọn vẹn con tim cho một người với một niềm hy vọng vô cùng lớn lao.  Để rồi, cái mà tôi nhận được là một sự hụt hẫng vô ngần vô hạn.  Tôi trách người nhưng trách luôn cả mình.  Trách người sao quá vô tâm và tàn nhẫn; trách mình sao quá vội vã, quá cả tin.  Tôi đau một nỗi đau hơn dao cứa, cơn nhức nhối cứ làm cả con người muốn nổ tung.  Tôi muốn chôn vùi nó, dùng sự quên lãng để lấp nó, nhưng đâu đó, những sục sôi trong tâm cảm vẫn cứ trở về.  Máu vẫn cứ rỉ ra từng giọt.  Tôi khóc cho vơi nhẹ tâm can.  Tôi tìm về cô đơn để trốn tránh thực tại.  Tôi cố tưởng tượng là mọi chuyện đã qua đi.  Nhưng tôi không đủ quyền năng để quay ngược thời gian, để biến mọi chuyện như chưa từng xảy đến.

Vết thương ấy làm tôi đau đã đành, nó còn làm cho tôi mất đi niềm tin vào tất cả.  Tôi chẳng còn dám mở con tim mình ra với ai.  Tôi sợ rằng vết thương kia sẽ bị xé toạc một lần nữa, và lần này, nếu chuyện đó xảy ra thật, thì chắc tôi sẽ chết mất thôi.  Người ta nói thời gian sẽ chữa lành tất cả.  Tôi cũng tin vậy, nhưng chẳng biết là sẽ đến bao giờ.  Tôi bỗng nhận ra là thế gian này chẳng có gì đáng mong đợi, chẳng có ai là đáng để cậy nhờ.  Tôi sống một cuộc đời bất chấp.  Ai muốn yêu thì cứ yêu; còn tôi, cứ khép mình là an toàn nhất, để khỏi bị phản bội, khỏi phải thất vọng, khỏi phải dùng nước mắt để xoa dịu vết thương.

Tôi cũng dùng lý trí để tự trấn an mình.  Rằng vết thương ấy làm tôi lớn lên, giúp tôi nhận biết rõ ràng hơn sự phũ phàng của cuộc sống.  Rằng lỗi một phần cũng do bản thân ta, chứ trách ai bây giờ.  Rằng tôi đã sai, tôi hối tiếc lắm.  Rằng tôi phải thật mạnh mẽ để cho người khác biết rằng chẳng có gì có thể quật ngã được tôi…  Nhưng khi đối diện với lòng, tôi chẳng thể che giấu được một con người yếu đuối, mềm mỏng.  Tôi không thể giả vờ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.  Cái giả vờ mà tôi đang cố gắng thể hiện càng chứng tỏ cho tôi thấy mình đang đau biết chừng nào.  Tôi vẫn phải tự nhủ với bản thân “vết thương ơi, cứ tạm thời chợp mắt đi nhé!”

Vết thương lòng là một kiểu vết thương rất kỳ lạ.  Nó làm người ta đau nhức vô cùng, nhưng người ta, trong một phút tủi thân, lại cứ thích nghĩ về nó.  Và cứ mỗi lần nghĩ về, vết thương lại bị khoét thêm một chút nữa.  Ta muốn giải bày ra tất cả những nỗi niềm, nhưng chẳng biết nói cùng ai.  Liệu rằng trên thế gian này, có ai đó trân trọng tình cảm của ta, sẽ lắng nghe, sẽ cảm thông và không bỡn cợt niềm tin của ta như người trước không?  Có ai đó sẵn sàng giang rộng vòng tay đón tiếp ta, ôm lấy ta, ôm lấy cả vết thương trong lòng ta, cùng ta khóc, cùng ta cười, cùng đau chung với ta không?  Nhiều câu hỏi đặt ra như thế, âu cũng chỉ là muốn nói lên khát vọng yêu và được yêu của một hữu thể nhỏ bé giữa dòng đời vạn biến vô thường này.

Một ngày nào đó, tôi lôi vết thương trong lòng ra, nhìn vào nó cách trực diện.  Tôi không trốn tránh nó, không giả vờ quên nó, không cất giấu nó âm ỉ trong lòng.  Tôi không nhìn về nó như một kiểu khơi lại những ký ức nuối tiếc.  Tôi không khoét sâu nó bằng những cảm xúc ủy mị với hai chữ “giá như.”  Tôi không tiếp tục nuôi dưỡng nó bằng một kiểu suy nghĩ trách móc.  Tôi biết rằng thời gian đã trôi qua và dù thế nào chăng nữa, mọi cái cũng chẳng thể quay trở về như trước.  Có biết bao nhiêu khả thể trong cuộc sống này mà tôi không dự đoán được, nhưng cái hiện thể mà tôi biết chính là vết thương mà tôi đang mang đây.  Nó là một phần của tôi, là cái làm nên cuộc đời tôi, là nơi tôi gặp được chính mình, thấy rõ mình, biết mình đang ở đâu, tìm gì, đi đường đúng hay sai.

Lâu lâu gợi nhớ về vết thương ấy, tôi thấy mình chơi vơi đắm chìm giữa dòng chảy thời gian, thấy nhân tình thế thái đổi dời như cơn lốc và tôi chỉ là một phần nhỏ giữa những quay cuồng này.  Tôi ôm vết thương lòng như một hành trang, một chút kỷ niệm, một cái gì nhỏ bé để gợi nhớ cho thời cuồng điên thiếu tự chủ.  Dầu vết thương có lành, nó cũng để lại sẹo.  Cái sẹo ấy trở thành dấu chứng cuộc đời, là cái giúp tôi nhớ rằng mình không phải thần thánh.  Nhìn về cái sẹo ấy, tôi mỉm cười về một thời đã qua, dù đớn đau nhưng cũng ngọt lịm vô cùng.  Tôi đã không sai khi chọn yêu.  Ít là tôi cũng đã được cảm nếm một chút niềm hạnh phúc không trọn vẹn.  Vết thương lòng không còn làm tôi đau nữa, vì tôi đã sẵn sàng chấp nhận cái giá của tình yêu tôi chọn lựa.  Tôi yêu và tôi không hối tiếc, vết thương lòng chẳng qua chỉ là bằng chứng của tình yêu thôi!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

DẠ, CON ĐÂY!

“Dạ, con đây!”  Đó là lời thưa của cậu bé Sa-mu-en trong đền thờ ở Si-lô.  Cậu bé này sau sẽ trở thành ngôn sứ đầu tiên trong lịch sử Israel.  Cậu Sa-mu-en lúc đó đang ngủ trong đền thờ, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa.  Hòm Bia là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài.  Nơi đền thờ linh thiêng này, Thiên Chúa hiện diện để soi sáng và ban sức mạnh cho dân.  Ngài cũng chính là vị lãnh đạo tối cao của dân được tuyển chọn.

Chúa gọi Sa-mu-en ba lần.  Nhưng cậu lại tưởng đó là tiếng gọi của thày tư tế Hê-li, và cậu chạy đến với thày mình.  Theo hướng dẫn của vị tư tế, khi Chúa gọi lần thứ tư, Sa-mu-en đã nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”  Tâm tình lắng nghe đã dẫn vị ngôn sứ sang một ngã rẽ khác của cuộc đời.

Tâm tình sẵn sàng vâng theo ý Chúa cũng được thể hiện nơi phần lớn các ngôn sứ của Cựu ước.  I-sa-i-a, vị ngôn sứ sống vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đã nghe tiếng Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đây?  Ai sẽ đi cho chúng ta,” và ông đã trả lời: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).

Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta.  Tuy vậy, những bộn bề của cuộc sống; những tạp âm của đời thường, làm cho chúng ta không nghe được tiếng Chúa.  Trong lịch sử, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến thế gian.  Người là “Ngôi Lời” đến nói với chúng ta những lời yêu thương, nhưng ít khi chúng ta nhận ra lời ấy.

Để lắng nghe Lời Chúa, cần có tâm hồn rộng mở và sẵn sàng.  Lời Chúa đến với chúng ta, không như âm thanh của chiếc loa phường.  Chiếc loa phường phát cho những người qua lại, mỗi người nghe được một vài câu, thậm chí chỉ một vài từ. T uy vậy, những người qua đường còn mang quá nhiều bận tâm cơm áo gạo tiền, nên cũng chẳng quan tâm những gì họ nghe thấy.  Người tín hữu muốn nghe Lời Chúa, cần phải có một không gian thiêng liêng.  Không gian ấy không chỉ là trong ngôi thánh đường, mà còn trong gia đình, giữa cuộc sống và thậm chí ngay giữa những ồn ào náo nhiệt nơi phố chợ.  Không gian ấy có thể tạo nên bằng tâm tình cầu nguyện và lắng nghe.  Chúa đang nói với chúng ta trước hết qua Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo hội và còn qua những người mà chúng ta gặp gỡ, hay những biến cố xảy đến xung quanh chúng ta.  Người có tâm tình lắng nghe sẽ dễ dàng nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”

Thánh Gio-an tác giả Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta một kinh nghiệm bản thân về cuộc gặp gỡ lần đầu với Chúa Giê-su.  Một ngày nọ, khi thấy Chúa Giê-su đi ngang qua, ông Gioan Tẩy giả nói với các môn sinh của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”  Từ lời giới thiệu này, hai môn đệ của ông Gioan Tẩy giả đi theo Chúa Giê-su.  Một người tên là An-rê, người kia ẩn danh, và theo mạch văn thì hầu chắc đó là tông đồ Gio-an.  Hai môn đệ này đã ở với Chúa, đã lắng nghe lời giáo huấn của Người.  Hai ông đã được Người khai sáng, để rồi hôm sau, khi trở về, ông An-rê nói với em mình là Si-mon rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a – nghĩa là Đấng Kitô.”  Cuộc gặp gỡ này đã dẫn hai ông đi trên một lộ trình mới, lộ trình của người môn đệ Đức Giê-su, luôn gắn bó mật thiết với Người, kể cả lúc hoạn nạn đau thương.

Ngày chúng ta được lĩnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã chọn Chúa Giê-su làm Thày dạy.  Chúng ta đã tuyên thệ trung thành với Chúa và từ bỏ tội lỗi.  Lời tuyên thệ ấy luôn vang lên trong tâm hồn cuộc đời của chúng ta, những Ki-tô hữu đích thực.  Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta hãy nhìn lại cách theo Chúa của mình, để giữ trái tim tươi mới như thuở ban đầu, luôn sẵn sàng thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”  Đương nhiên, lời thưa này phải được chứng minh bằng những thiện chí cố gắng và bằng hành động trong cuộc sống cụ thể.

Thánh Phao-lô muốn chúng ta đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách thực tế hơn.  Đó là những nỗ lực sống thánh thiện và từ bỏ tội lỗi.  Thiên Chúa ngự trong tâm hồn mỗi người.  Ai sống trong sạch, người ấy được nên một với Đức Ki-tô và sẽ tìm được sự bình an nội tâm.  Một tâm hồn và cuộc sống trung thực, ngay thẳng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa.  Đức tin Ki-tô giáo tuyên xưng sự sống lại của thân xác con người.  Vì vậy, phải tôn trọng thân xác khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

“Này con xin đến để thực thi ý Chúa!”  Lời Thánh vịnh 39 được đọc trong phần Đáp ca diễn tả tâm tình vâng phục của người tin Chúa.  Thư gửi giáo dân Híp-ri sau này nhận ra đó là tâm tình của Chúa Giê-su, khi Người vâng lời Chúa Cha để xuống thế làm người (x. Dt 10,8-10).  Chúa Giê-su là gương mẫu cho chúng ta về sự vâng phục, khiêm tốn và yêu thương.  Ước chi mỗi chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời và thành tâm thân thưa với Ngài: “Dạ, con đây!”

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CON NGƯỜI ĐƯỢC NÂNG LÊN TRONG CHÍNH THÂN PHẬN CỦA MÌNH

Cái ước mơ được “đổi đời” trong chốc lát luôn thường trực trong thân phận con người từ khởi thủy đến nay.  Càng khốn cùng, cái ước mơ ấy càng mãnh liệt hơn.  Người ta mong ước được giải phóng khỏi mọi kìm kẹp, khỏi mọi ràng buộc để được bung mình trong tự do.

Chúa Cả trời đất đã tạo dựng con người và cho nó có tự do.  Nhưng con người đã sống tự do cách vô độ để rồi chính mình lại rơi vào sự kìm kẹp của băng hoại, của tội lỗi.  Đấng Tạo Hóa đã không vì thế mà hủy bỏ con người để tạo dựng lại một con người mới.  Nhưng Ngài đã nâng con người dậy, tái tạo nó và làm cho nó nên xinh đẹp từ chính thân phận dòn mỏng đã đổ vỡ của con người.

Tiên báo về ngày con người được giải phóng

Tiên tri Isaia đệ nhị sống vào thời dân Israel đang bị lưu đày tại Babylon vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên.  Ngài đã tiên báo về ngày mà toàn dân được giải phóng bởi một “tôi tớ” của Thiên Chúa.  Dù người ta chưa biết Đấng ấy là ai nhưng một điều chắc chắn là “Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói” (Is 42,3).

Thiên Chúa không xóa bỏ tất cả để tạo dựng lại từ đầu.  Ngài sẽ vực họ dậy dù họ chỉ còn như là “cây lau bị giập” hay như “tim đèn chỉ còn khói.”  Ngài sẽ “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” (Is 42,7).

Cái khát vọng thoát khỏi ách lưu đày tại Babylon của dân Do Thái xưa sẽ được thỏa mãn bởi Hoàng đế Kyro của Ba Tư.  Nhưng cái khát vọng sâu xa của con người mong được giải phóng khỏi cảnh lưu đày trong tội lỗi chỉ có thể được thỏa mãn bởi Đấng Mê-si-a.

Thiên Chúa xuống làm người để nâng con người lên

Những gì mà Thánh Mac-cô mô tả tại dòng sông Gio-đan cho ta thấy những lời tiên báo của Isaia trước đó không phải là một lời hứa suông.  Quả thực Thiên Chúa đã không ruồng bỏ con người, nhưng Ngài đã đi xuống đến tận cùng thân phận tội lỗi của con người để nâng con người lên, giải phóng con người và đưa nó vào quỹ đạo của Tình Yêu Trời Đất.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người.  Ngài đã đi vào giữa dòng người tội lỗi đang ngụp lặn tìm kiếm sự giải thoát.  Ngài đã ngụp lặn xuống với họ, cùng họ bước vào sự tăm tối tột cùng của cảnh nô lệ tội lỗi.  Ngài không bị nô lệ bởi tội lỗi, nhưng ngài đi vào trong sự tăm tối tột cùng của cảnh nô lệ tội lỗi mà con người đang chịu đựng.

Một cách hình ảnh, nơi mà Chúa Giêsu bước xuống với đoàn dân để lãnh nhận phép rửa của ông Gioan là nơi chẳng còn cách Biển Chết bao xa.  Dòng sông Gio-đan chảy từ hồ Galile tới Biển Chết.  Biển Chết là một hồ nước mặn sâu nhất thế giới.  Nó được gọi là Biển Chết bởi chẳng có sinh vật nào sống được trong độ mặn chát của hồ nước.  Hình ảnh này khiến ta liên tưởng đến sự tận cùng của con người.  Họ tuốn đến và bước xuống dòng sông Giođan, và chẳng còn bao xa nữa họ sẽ đi đến Biển Chết.  Thiên Chúa đã hiện diện tại khúc đường cùng ấy của con người.  Chính vào thời điểm cận kề với điểm chết, vào lúc con người đi đến cuối con đường cụt thì Thiên Chúa đã can thiệp và kéo con người lên.

Quả thực, Thiên Chúa đã đến với con người trong chính thân phận của con người để nâng con người dậy.  Ngài đi vào cuộc sống của từng người, vào trong chính tâm tư tình cảm và hoàn cảnh sống của mỗi người để nâng ta lên.

Con người được nâng lên trong chính thân phận của mình

Suốt hàng ngàn năm, dân Do Thái suy ngẫm về Ơn Cứu Độ.  Đi từ chỗ hiểu rằng Ơn Cứu Độ chỉ dành cho Dân Riêng của Thiên Chúa là dân Do Thái, họ đã dần nhận thấy Ơn Cứu Độ còn dành cho mọi dân tộc.  Nhưng dẫu sao thì họ vẫn coi Giê-ru-sa-lem là tâm điểm mà mọi dân tộc phải rời bỏ quê hương của mình để tiến về Giê-ru-sa-lem.  Não trạng ấy vẫn ăn sâu trong tiềm thức của dân.

Trong sách Công vụ Tông đồ được trích trong bài đọc thứ hai của ngày lễ này viết lại lời khẳng định của Thánh Phê-rô Tông đồ: “Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận” (Cv 10,34).

Lời khẳng định của Thánh Phêrô diễn ra trong bối cảnh ngài đến làm Phép Rửa cho gia đình một người dân ngoại tên là Cornelio (Cv 10,1-48).  Thần Khí Chúa đã dẫn lối cho Phêrô đến gia đình này.  Thánh Phêrô đã bỏ qua những tục lệ bắt buộc của người Do Thái để làm Phép Rửa cho gia đình ông Cornelio.  Trước đó, chính Thánh Phêrô cũng đã không thể chấp nhận việc đem Ơn Cứu Độ ra ngoài Do Thái giáo.  Nhưng với sự can thiệp của Thần Khí qua thị kiến thanh sạch hay nhơ bẩn mà Thánh Phêrô đã thay đổi lập trường (Cv 10,9-16).

Quả thực, không phải mọi dân phải rời bỏ quê hương của mình để đến với Giê-ru-sa-lem mà hưởng Ơn Cứu Độ.  Nhưng là Ơn Cứu Độ đến với mọi dân ở trong chính quê hương của họ, trong chính hoàn cảnh sống của họ, trong chính thân phận thực tại của mỗi người, trong lịch sử cuộc đời của bạn, cuộc đời của tôi.

Thiên Chúa đã làm tất cả vì con người.  Đấng Tạo Hóa đã muốn ở trong mỗi chúng ta để tái tạo mỗi chúng ta nên một con người xinh đẹp mỹ miều.  Ngài muốn mỗi người là một công trình riêng biệt, mỗi người mang một vẻ đẹp rất riêng và mỗi người cũng có mối tình rất riêng tư với Ngài.

Tôi và bạn, mỗi người một vẻ, mỗi người một lịch sử, mỗi người một hoàn cảnh sống đã qua và đang sống.  Tôi, một người Việt Nam, không thể vất bỏ lại sau lưng tất cả những gì tôi đã sống, bởi làm thế tôi không còn là tôi, và thực tế tôi cũng chẳng thể làm được.  Thiên Chúa cũng không bắt tôi phải làm thế.  Nhưng Ngài đến với tôi trong chính những khiếm khuyết và nhơ uế của tôi.  Từ chính trong tôi, Ngài tái tạo và nâng tôi lên, cho tôi tiến bước trên con đường thong dong trong Ơn Nghĩa Chúa.

Lạy Chúa, con tin thật Chúa yêu con nhiều.  Xin Chúa ở lại trong con dù đôi khi con lãng quên Ngài.  Xin Chúa tái tạo con để con được trở nên tạo vật mĩ miều trong Vũ trụ xinh tươi.

Lm. Giuse Lê Danh Tường

BÀY MƯU, HOÁN KẾ

Bày mưu, hoán kế là việc làm của đầu óc.  Sống yêu thương và tha thứ là đường lối của con tim.  Đôi khi ta có chung kế hoạch nhưng đạt mục đích của kế hoạch chung lại khác nhau, tùy người.  Bày mưu hoán kế đến từ trong đầu; ước mong đến từ con tim.  Có thể nói Thiên Chúa tạo dựng bộ óc giúp ta nuôi thân nơi trần gian và ban cho con tim để con tim giúp tìm cách vào nước trường sinh.  Vì thế đầu óc thường tìm hết kế này, cách khác tìm lợi nhuận cho riêng mình; trong khi con tim giúp chia sẻ tình thương.  Vì hai đường hướng khác biệt mà có chiến tranh nội tâm.  Một đàng là cách thức của khối óc; đàng khác là đường lối của con tim.  Khi hai con đường đi ngược chiều, nội chiến xảy ra.  Hai con đường đi cùng chiều, tâm hồn bình an.  Khi đường lối đen tối khối óc thắng đường lối trong sáng của con tim thì khối óc biến con tim yêu thương thành con tim sỏi đá.  Khi đường lối yêu thương con tim thắng đường lối khối óc thì khối óc đi theo đường chân lí, ánh sáng Phúc Âm.  Khi không bên nào nhường bên nào thì đường ai nấy đi; óc theo đường của óc và con tim quyết theo đường riêng mình.  Lúc đó chiến tranh lạnh xảy ra, đêm đến nghe tiếng con tim khuyên bảo, kêu gọi trở về con đường yêu thương.  Khi khối óc từ chối, lâu ngày con tim mệt mỏi, tạm yên, nhỏ nhẹ hơn.  Nó tạm đình chiến trong một thời gian, rồi sẽ trở lại.  Đường lối của con tim là thế, kiên trì cho đến khi khối óc phải chào thua, lúc đó nó mới chính thức yên nghỉ.  Tiếng nói nhỏ nhẹ trong tâm hồn đó được nhiều người biết đến là tiếng nói của lương tâm.

Đại diện cho đường lối đen tối và con tim sỏi đá là vua Hêrôdê bởi mục đích tối hậu của vua là tìm lợi ích cho riêng vua mà không loại trừ bất cứ âm mưu tàn ác nào, miễm âm mưu đó có lợi cho cá nhân vua.  Chính vì thế mà vua không quan tâm đến tiếng than khóc nức nở của những người mẹ có con bị vua ra lệnh giết chết.  Cái ngai vàng của vua quan trọng hơn sinh linh trẻ thơ.  Nhà vua sống trong lo sợ, sợ mất ngai vàng, sợ mất chức tước, quyền hành nên vua ra lệnh giết tất cả các trẻ trai hy vọng diệt được ấu Chúa.  Vua sợ một cách vô lí nhưng vì quá sợ nên vua không quan tâm đến dân.  Vua để cho nỗi sợ hoành hành, quyết định.  Vua dối trá với các nhà đạo sĩ đến hỏi vua làm sao để tìm ấu Chúa mới sinh.  Miệng vua nói sẽ đi thờ ấu Chúa, thực tế lòng vua lo sợ và nghĩ kế tìm cách giết ấu Chúa.

Đại diện cho đường lối trong sáng và con tim yêu thương là ba nhà đạo sĩ bởi mục đích tối hậu của họ là đi tìm ấu Chúa để thờ lậy.  Họ không ngại từ bỏ ngai vàng, ra đi, dấn thân tìm ấu Chúa.  Dù ra đi tìm kiếm nhưng tâm hồn họ thanh thản, thân xác có mệt mỏi vì đường xa, xứ lạ nhưng an tâm, ấm lòng, đầy hy vọng.  Họ mang theo lễ vật dâng tiến ấu Chúa nhưng họ nhận nhiều hơn là cho đi.  Nhờ sao lạ dẫn đường họ đã tìm gặp ấu Chúa, thờ lậy xong họ được báo trong giấc mộng hãy theo đường khác mà về.  Con đường đó lại được sao lạ đi trước dẫn đường.  Chúng ta không biết họ đến từ nước nào, vương quốc họ ở đâu.  Họ đến từ nơi xa vì nhận được dấu lạ, sao sáng dẫn đường.  Họ đại diện cho tâm hồn trong sáng, tìm kiếm ánh sáng chân lí và tìm được.  Hêrôđê cũng tìm kiếm nhưng không gặp ấu Chúa bởi lòng ông chai đá, tâm hồn thiếu ngay thẳng, và đầu óc đen tối vì thế không thể nhìn thấy ánh sáng.  Vua sống trong thất vọng, triền miên lo sợ.  Thiên Chúa bằng cách riêng của Ngài, nhẹ nhàng phá tan mọi âm mưu đen tối mong phá kế hoạch của Ngài.  Họ thất bại nhưng mắt vẫn không nhận ra vì thế họ tiếp tục sống trong bóng tối.

Lm. Vũ Đình Tường