TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI

Một người Do-thái sẽ rất khó nhận ra Đấng Mêsia khi đứng trước hang bò lừa ở Bê-lem đêm hôm ấy.  Một đôi vợ chồng trẻ, lúng túng vì không tìm ra chỗ, vất vả với đứa con trai đầu lòng mới chào đời.  Em bé được quấn tã, đặt nằm trong máng cỏ.  Nghĩ đến Đấng Mêsia, người ta nghĩ ngay đến một vị vua, với hoàng cung cao sang và ngai vàng quyền lực.  Khó lòng tin em bé tầm thường này là Đấng Mêsia, Đấng được sai đến để giải phóng Israel.

Một người Do-thái theo độc thần lại càng khó tin em bé này là Thiên Chúa trở nên người phàm.  Giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách vô tận, Thiên Chúa có những phẩm tính siêu việt vô  biên.  Ngài là Đấng quyền năng, cai quản trên trời dưới đất.  Ngài là Đấng vô hình nên không ai tô vẽ được.  Ngài là Đấng tạo dựng muôn loài, Đấng ba lần thánh, Đấng tỏ mình long trời lở đất ở núi Sinai.

Chẳng ai thấy Ngài mà còn sống.  Một Thiên Chúa như thế làm sao thành người được?

Điều con người không dám mơ, thì Thiên Chúa dám làm, vì Tình yêu làm được mọi sự.  Thiên Chúa đã làm vượt quá những gì Ngài đã hứa.  Ngài không chỉ ban một Mêsia hay một ngôn sứ như Môsê,

Ngài còn ban chính Ngôi Lời là Thiên Chúa Con Một, đã trở nên người phàm, đã sống trên trái đất, và đã đảm nhận toàn bộ phận người của chúng ta.  Kitô hữu là người dám tin vào mầu nhiệm lạ lùng này.

Nơi Hài Nhi Giêsu, chúng ta gặp gỡ một Thiên Chúa chẳng những nghe được, mà còn thấy được và chạm được.  Một Thiên Chúa hữu hình, gần gũi, yếu đuối, mong manh.  Thiên Chúa ấy được cưu mang trong lòng một phụ nữ, được sinh ra, biết khóc, biết cười, sống nhờ sữa mẹ, ấm áp nhờ được quấn tã.  Thiên Chúa ấy phải vâng theo lệnh của hoàng đế Rôma, nên chào đời xa nhà, thiếu thốn đủ điều, chỗ nằm là máng ăn của súc vật.

Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giêsu không làm ai sợ hãi.  Không thấy quyền lực uy nghi, chỉ thấy tình yêu dịu dàng.  Thiên Chúa thu hút con người bằng sự buông bỏ thẳm sâu.  Hài Nhi dang hai tay để đón lấy cả nhân loại.

Không thấy Maria và Giuse nói gì trong đêm ở Bê-lem.  Cả hai có nhiều điều cần làm và cần suy nghĩ.  Khi Mẹ Maria sinh con trong sự thiếu thốn tư bề, Mẹ nghĩ đến lời thiên sứ Gabriel xưa báo về Hài Nhi.  Con của Mẹ sẽ thừa kế ngai vàng của vua Đa-vít, sẽ trị vì một vương quốc đến muôn đời muôn thuở.  Vậy mà bây giờ Con của Mẹ không có chỗ để nằm.  Khi các người chăn chiên huyên thuyên kể chuyện về việc thiên sứ hiện ra, loan tin Đấng mới chào đời, kể chuyện đạo binh thiên quốc tưng bừng hát xướng, Maria đã chăm chú lắng nghe và kinh ngạc.  Mẹ nghĩ đến bầu khí yên tĩnh ở Bê-lem đêm nay, có ít ánh sáng và tiếng ca, có nhiều bận tâm và lo lắng.

Không phải biến cố nào cũng dễ hiểu đối với Maria.  Maria có thói quen giữ kỹ mọi chuyện (Lc 2,19.51), và nghiền ngẫm mọi chuyện trong trái tim của mình.  Maria chấp nhận mình không hiểu ngay mọi biến cố, nên lúc nào cũng cần hồi tâm để đọc ra ý Chúa.

Như các mục đồng, chúng ta cũng được mời đến Bê-lem.  Dấu hiệu để nhận ra Chúa đang đến hôm nay vẫn rất đơn sơ và làm chúng ta ngỡ ngàng.  Thiên Chúa đến dưới dạng những người nghèo khổ, không cơm ăn áo mặc, không có chỗ để nằm.  Nơi những phụ nữ không được đi học ở Afghanistan, những trẻ sơ sinh bị phá thai mỗi ngày trên thế giới, những gia đình tan nát vì chiến tranh.

Hãy vội vã đi Bê-lem với tất cả lòng tin đơn sơ, vui sướng vì gặp được dấu chỉ như lời sứ thần báo.  Hãy làm một điều gì đó cho Chúa Giêsu hôm nay.

***************************

Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho nhân loại,
nhưng chúng con thích xung đột và chiến tranh,
Chúa đến để bày tỏ tình thương của Chúa Cha,
nhưng chúng con thích chiếm đoạt hơn chia sẻ,
thích chinh phục hơn trao hiến.
Bởi đó thế giới này còn mang nhiều vết thương.

Xin cho chúng con đừng trách Chúa,
dù Chúa đã đến làm người từ hai ngàn năm qua.
Chúa đã gõ cửa, những chúng con không mở.
Chúa đã đến nhà mình, nhưng chẳng ai ra đón.
Xin cho chúng con nhận ra Chúa
nơi khuôn mặt của kẻ thù,
và nhận ra kẻ thù cũng là anh em cần được yêu thương.
Nhờ đó chúng con được hưởng bình an của Chúa:
“Bình an cho người thiện tâm.” Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

THỜI ĐÃ ĐẾN!

Chúng ta đang tiến dần tới lễ Giáng Sinh.  Lời Chúa của Chúa nhật thứ bốn Mùa Vọng muốn khẳng định với chúng ta: những gì được loan báo trong Cựu ước, nay sắp được thành toàn.  Thời đã đến!  Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công.  Ngài trung thành với lời hứa từ ngàn xưa, là ban Đấng Thiên sai cứu độ trần gian.

Làm thế nào để biết được thời đã đến?  Bài đọc I trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai đưa chúng ta về thời của Đa-vít, tức là vào khoảng năm 950 trước Công nguyên.  Xuất phát từ lòng yêu mến đối với Đức Gia-vê, Đa-vít không an tâm khi mình ở trong cung điện mà Hòm Bia của Chúa lại ở trong lều.  Qua ngôn sứ Na-than, Chúa khẳng định với vua: hiện tại chưa đến lúc xây đền thờ.  Tuy vậy, để đáp lại thiện chí của Đa-vít, Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu trong tương lai, đó là làm cho dòng dõi ông được vinh hiển.  Lời ngôn sứ này trực tiếp nhắm tới Sa-lô-môn, người sẽ kế vị ngai vàng sau khi Đa-vít băng hà.  Lời ngôn sứ còn đi xa hơn, khi hướng về một vị vua đúng nghĩa: vị vua đó là Con Thiên Chúa, và vương quyền của vị vua đó sẽ bền vững muôn đời.  Dưới sánh sáng Tin Mừng, Ki-tô giáo nhận ra vị vua mà ngôn sứ Na-than nói tới chính là Đức Giê-su thành Na-da-rét.  Lời nói và việc làm của Người đã chứng minh lời ngôn sứ mà Chúa đã phán năm xưa.  Vâng, thời đã đến rồi.

Thánh Phao-lô lại nói với chúng ta: mầu nhiệm Thiên Chúa vốn giấu kín từ ngàn xưa, nay được biểu lộ.  Mầu nhiệm ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô.  Đức Ki-tô là một Mầu Nhiệm của Thiên Chúa.  Khái niệm “mầu nhiệm” được hiểu như kế hoạch của Thiên Chúa trong việc cứu độ con người.  Nếu Thiên Chúa là Đấng Vô hình, thì con người có thể được chiêm ngưỡng Ngài qua Con của Ngài là Đức Giê-su.  Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình.  Đấng cao cả đã trở nên gần gũi thân thiện với con người.  Ngôi Lời đến trần gian để nói với chúng ta về Chúa Cha và về tình thương của Ngài đối với nhân loại.  Thông điệp Ngôi Lời mang đến cho trần gian là thông điệp của tình yêu và chân lý.  Ai đón nhận thông điệp này, đúng hơn là ai đón nhận Người Con, thì sẽ được cứu rỗi.  Vâng, thời đã đến rồi.

Thời đã đến!  Thiên Chúa không còn nói với con người qua trung gian giống như thời Cựu ước, mà “Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta” (Ga 1,14).  Từ khởi đầu lịch sử, Thiên Chúa đã dùng lời nói của Ngài mà sáng tạo mọi sự từ hư vô.  Nay, Thiên Chúa cứu độ con người, còn gọi là thực hiện công cuộc sáng tạo mới, qua Con của Ngài.  Từ nay, ai đón tiếp Ngôi Lời, sẽ trở nên tạo vật mới và sẽ được gọi là con Thiên Chúa.  Đây là sự trao đổi kỳ diệu, chỉ có quyền năng và tình thương của Thiên Chúa mới có thể làm được.

Để thực hiện công trình sáng tạo mới, Chúa mời gọi sự cộng tác của con người.  Người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ quê ở thành Na-da-rét, tên là Ma-ri-a, là người được Thiên Chúa đề nghị cộng tác với Ngài.  Trình thuật truyền tin cho chúng ta thấy sự khiêm nhường của Thiên Chúa.  Không ai có thể tưởng tượng một Thiên Chúa lại sai sứ thần đến chào kính một con người!  Sứ thần Gáp-ri-en đã làm như thế.  Sứ thần khiêm cung chào kính Trinh nữ Ma-ri-a, kèm theo những lời ca tụng và chúc phúc.  Lời chào khiêm tốn này khiến Trinh nữ bối rối, vì đây là điều chẳng ai thấy, cũng chẳng ai có thể tưởng tượng ra được.  Ma-ri-a đã đại diện cho cả nhân loại thưa lời “Xin vâng” kỳ diệu.  Gọi là kỳ diệu, bởi lẽ từ lời thưa ấy, Con Thiên Chúa làm người trong lòng Trinh nữ.  Mầu nhiệm Nhập thể là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người nơi một cá vị cụ thể.  Đức Giê-su chính là vị vua mà ngôn sứ Na-than đã loan báo.  Người được gọi là “con vua Đa-vít.”  Danh xưng này vừa được đám đông dân chúng người Do Thái tung hô, khi Đức Giê-su long trọng tiến vào thành Giê-ru-sa-lem.  Danh xưng này cũng được những bệnh nhân kêu cầu với niềm xác tín và với hy vọng được chữa lành.  Người phụ nữ dân ngoại kêu cùng Chúa: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!  Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” (Mt 15, 22).  Người mù ở cổng thành Giê-ri-cô cũng có lời nài xin tương tự: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi” (Lc 18, 38).

Thời của Đấng Thiên sai đã đến, và hôm nay, những Ki-tô hữu như chúng ta cũng đang được mời gọi cộng tác để sứ mạng của Đấng Thiên sai được tiếp tục và mang lại nhiều hiệu quả tốt lành nơi gia đình, xã hội và mọi môi trường cuộc sống.  “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”  Tâm tình và sự sẵn sàng của Trinh nữ Ma-ri-a cũng phải là tâm tình và sự sẵn sàng cộng tác với chương trình của Chúa nơi mỗi tín hữu chúng ta.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

KHÔNG CÒN CHỖ TRONG QUÁN TRỌ

Chúa Giêsu ra đời ở bên ngoài thành phố, bên ngoài bệnh viện hay một ngôi nhà bình thường.  Các sách Phúc âm cho chúng ta biết Chúa Giêsu ra đời ở chuồng bò, bên ngoài thành phố vì không còn chỗ trong quán trọ.

Chúng ta luôn chê ghét người chủ quán trọ xấu tính đã đuổi Đức Mẹ và thánh Giuse đi, và rút ra bài học là cần phải mở lòng ra để có chỗ cho nhiều chuyện khác xảy đến trong đời, chúng ta đừng quá bận rộn, quá bận tâm đến nỗi không có chỗ cho sự thánh thiêng nảy sinh trong đời chúng ta.

Thật ra, còn có một bài học nữa mà tôi nghiệm thấy quá cần thiết cho chính cuộc sống của tôi.  Vì áp lực trong mấy năm qua, tôi chưa có dịp để suy tư sâu về Giáng Sinh.  Hiện giờ trong quán trọ của tôi chẳng còn chỗ!  Và tôi dần thấy thương cho người chủ quán trọ năm xưa, vì biết rằng chúng có thể chồng chất quá nhiều lên cuộc đời mình đến nỗi không còn chỗ để chào đón một vị khách thánh thiêng.

Đấy rõ ràng là một thách thức quan trọng dành cho chúng ta, nhưng đồng thời các học giả kinh thánh cũng nói rằng còn có một bài học sâu sắc hơn trong việc Chúa Giêsu ra đời ở một chuồng bò bên ngoài thành phố vì không còn chỗ cho Ngài trong quán trọ.  Ý nghĩa thật sự trong các sách Phúc âm không phải nhắm đến sự nhẫn tâm của người chủ quán trọ, nhưng đúng hơn là nói đến sự thật, Chúa Giêsu ra đời ở bên ngoài thành phố, bên ngoài những gì tiện nghi thoải mái, bên ngoài danh vọng, bên ngoài những gì được công nhận bởi người giàu có và quyền thế, bên ngoài những gì được thế giới thường nhật chú ý đến.  Chúa Giêsu ra đời giữa sự vô danh, nghèo hèn, không ai để ý ngoại trừ người có đức tin và Thiên Chúa.

Chúa ra đời ở bên ngoài thành phố cũng báo trước về cái chết và mai táng của Ngài.  Cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu sẽ kết thúc như lúc khởi đầu, như một người lạ, một kẻ ngoài cuộc bị đóng đinh bên ngoài thành phố, được chôn cất bên ngoài thành phố hệt như khi Ngài ra đời bên ngoài thành phố.

Thomas Merton từng có một nhận định cực kỳ thấm thía như thế này: Ở thế giới này, ở quán trọ điên loạn này, tuyệt đối chẳng có chỗ cho Ngài, Chúa Kitô là khách không mời mà đến.  Nhưng bởi Ngài không thể cư ngụ ở đó, bởi Ngài không thuộc về nơi đó, thế mà Ngài vẫn ở trong đó, cho nên chỗ của Ngài là ở với những người không có phòng để ở.  Chỗ của Ngài là ở với những người không thuộc về chốn này, những người bị giới cầm quyền loại trừ vì họ bị xem là yếu đuối, không có uy tín, bị chối bỏ tư cách làm người, bị tra tấn, bị ném bom và bị diệt trừ.  Cùng với những người không có phòng để ở đó, Chúa Kitô hiện diện trong thế giới này.  Ngài hiện diện một cách bí nhiệm trong những người dường như là con số không, là cặn bã của thế giới.

Chúa Giêsu ra đời, vào thế giới mà chẳng ai để ý, ở bên ngoài thành phố, bên ngoài mọi con người và sự kiện có vẻ quan trọng vào thời điểm đó.  Hai ngàn năm sau, bây giờ chúng ta công nhận tầm quan trọng của sự hạ sinh này.  Thật ra chúng ta tính thời gian bằng mốc đó.  Chúng ta đang ở năm thứ 2023 từ sau sự hạ sinh không đáng chú ý đó.  Tuy nhiên, hiện giờ, gần như cũng không ai để ý.

Từ đây, chúng ta thấy được bài học gì?  Một bài học, chuyện này phải cho chúng ta một quan điểm khác về những gì là tối quan trọng trong thế giới này và xét tận cùng, ai là người định hình lịch sử?  Những người quyền thế hay những người ở ngoài rìa?

Theo Kinh thánh, hầu hết chúng ta đều sinh ra bên ngoài thành phố, nghĩa là trong đời mình chúng ta sẽ luôn mãi là kẻ ngoài cuộc, vô danh, xa lạ, nhỏ bé tầm thường, những vai phụ trong bức tranh toàn cảnh.  Hình ảnh và câu chuyện của chúng ta sẽ không bao giờ được lên trang nhất.  Tên tuổi của chúng ta sẽ không bao giờ tỏa sáng lấp lánh và chúng ta sẽ chết trong sự vô danh bình thường, chẳng được mấy ai ngoài nhóm thân quen biết đến.

Hầu hết chúng ta sẽ sống đời mình trong âm thầm chẳng mấy ai biết, ở những vùng nông thôn, thành thị nhỏ, ở những phần vô danh trong thành phố, đứng từ xa mà chứng kiến những sự kiện lớn của thế giới xảy ra và luôn thấy người khác quan trọng hơn mình.  Dường như chúng ta sẽ mãi mãi vô danh, tài năng và đóng góp của chúng ta sẽ không được bất kỳ ai chú ý đặc biệt, thậm chí là cả người nhà cũng vậy.  Có thể nói, chúng ta sẽ luôn “ở bên ngoài thành phố.”  Chúng ta sống, làm việc, yêu thương và tạo nên sự sống ở những nơi thấp hèn.

Có lẽ đau đớn nhất là chúng ta sẽ biết được sự chán nản khi không thể đưa tài năng và thiên tư của chúng ta vào thế giới, nhưng vẫn cứ thấy rằng những hòa âm và giai điệu thâm sâu nhất trong chúng ta sẽ không bao giờ được thể hiện gì nhiều ở thế giới ngoài rìa này.  Những ước mơ và sự phong phú sâu sắc nhất nơi chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được một sân khấu ở trần gian.  Sẽ không bao giờ có chỗ trong quán trọ cho những gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta ra đời.  Những sự phong phú sâu sắc nhất trong chúng ta, cũng như sự hạ sinh của Chúa Giêsu, sẽ vẫn “ở bên ngoài thành phố,” rồi cuối cùng chết đi “bên ngoài thành phố,” chết trong đau đớn của kiếp vô danh và không thể tỏ lộ mình cho đủ.

Đức Mẹ đã sinh Chúa Giêsu trong một chuồng bò bên ngoài thành phố vì không còn chỗ trong nhà trọ.  Chuyện này không chỉ là lời trách cứ sự phũ phàng của một chủ quán trọ đang quá căng thẳng vì áp lực.  Bài học quan trọng hơn là cách chúng ta cần phải xác định đến tận cùng, điều gì định hình cuộc sống.  Về căn bản, đó không hẳn là những người có vẻ đang ngự trị ở trung tâm mọi sự (người giàu có, quyền thế, danh nhân, lãnh đạo chính quyền, người nổi tiếng ngành giải trí, chủ các công ty tập đoàn, học giả) những người mà cuộc đời họ thành mốc lịch sử.  Những gì sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất và quan trọng nhất trong đời thường được sinh ra trong vô danh, không được giới quyền thế để ý đến, được trìu mến quấn trong khăn là đức tin, ở bên ngoài thành phố.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

LỚN LÊN TRONG SỰ NHẬN BIẾT

“Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”

“Một trong những lý do tại sao những người trưởng thành ngừng phát triển và không muốn học hỏi, là họ ngày càng ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại hơn.  Họ không còn muốn ‘lớn lên trong sự nhận biết;’ vì thế, họ chóng già!” – John Gardner.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ “chóng già”, không ‘lớn lên trong sự nhận biết’ có thể khiến con người mất ơn cứu độ!  Lời Chúa hôm nay nói đến Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại, được Chúa Giêsu đồng hoá với Gioan Tiền Hô.  Người Do Thái đương thời đã không nhận ra ông, Chúa Giêsu buộc lòng nói lên sự thật này, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”

Bài đọc Huấn Ca nói đến uy tín lẫm liệt của Êlia.  Người Do Thái tin rằng, theo sách Malachia, Êlia sẽ tái thế, chấn hưng mọi sự để dọn đường cho Đấng Messia.  Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi các môn đệ thắc mắc với Chúa Giêsu, “Êlia phải đến trước!”  Ngài trả lời, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!” Ngài cho biết, Gioan là hiện thân của Êlia; Ngài mời họ ‘lớn lên trong sự nhận biết’ vô cùng quan trọng này.

‘Lớn lên trong sự nhận biết’ là một kiểu thức nhận biết sâu sắc bằng trái tim những gì mà với mắt thường, con người không thể nhận thức.  Với ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn nói với người đương thời rằng, họ đã không nhận ra Gioan theo cách thức này.  Gioan chính là Êlia, người mà các nhà tiên tri đã loan báo, sẽ đến để chuẩn bị cho sự xuất hiện của chính Ngài, Đấng Cứu Độ Thế Giới.  Nếu họ nhận ra Gioan là Êlia, hẳn họ đã không “đối xử với ông như ý họ muốn;” Gioan đã bị trảm quyết!

Không nhận ra Gioan, người đương thời cũng sẽ không nhận ra Đấng Gioan dọn đường.  Chúa Giêsu báo trước số phận của Ngài rồi đây cũng sẽ chẳng hơn gì Gioan, “Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ.”  Họ cũng sẽ đối xử với Ngài như họ muốn; Gioan bị chặt đầu, Ngài bị đóng đinh!  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”  ‘Lớn lên trong sự nhận biết’ mang ý nghĩa được phục hồi, biết thống hối, được chữa lành và mở mắt đức tin; một sự phục hồi chuẩn bị cho việc hưởng nhận ơn cứu độ.  Mùa Vọng, còn là mùa ăn năn để hưởng nhận ơn tha thứ hầu hiểu được quà tặng Giêsu, Quà Tặng Cứu Độ!

Anh Chị em,

“Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông!”  Chúng ta có thể tiếp tục không nhận ra Chúa Giêsu. Ngài đang hiện diện với chúng ta trong Lời, các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể.  Ngài hiện diện với chúng ta trong những anh chị em chung quanh; trong những con người yếu đuối và dễ bị tổn thương.  Ngài hiện diện với chúng ta từ sâu thẳm trong trái tim mỗi người qua tiếng lương tâm.  Dẫu Ngài hiện diện theo nhiều cách, dưới nhiều hình thức, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa nhận ra Ngài.  Chưa nhận ra Ngài, chúng ta sẽ đối xử với Ngài ‘theo ý chúng ta muốn!’  Mùa Vọng, mùa xin ơn chữa lành đôi mắt đức tin để ‘lớn lên trong sự nhận biết’ Giêsu, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để ban ơn cứu độ!

Chúng ta có thể cầu nguyện, “Lạy Chúa, không chỉ để khỏi “chóng già,” cho con ‘lớn lên trong sự nhận biết’ Chúa để ‘chóng nên thánh!’” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

TRÚT BỎ HƯ DANH ĐỂ ĐƯỢC RÓT ĐẦY ÂN SỦNG

Vào thời Minh Trị thiên hoàng tại Nhật Bản (1860-1912), Nan-in, một thiền sư Nhật, tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về thiền.

Nan-in mời trà. Ông châm trà đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm như một người đãng trí.

Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cả mặt bàn nên không kìm mình được nữa, liền thưa: “Thưa Thầy, đầy tràn cả rồi.  Xin đừng rót nữa.”

Thiền sư Nan-in thản nhiên đáp: “Giống như tách trà nầy, đầu óc ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng.  Làm sao tôi có thể giải bày thiền cho ông được, trừ khi ông làm cạn cái tách của ông trước.” (Trích: Góp nhặt cát đá của thiền sư Muju, Đỗ Đình Đồng dịch, Lá Bối xuất bản).

Một chiếc ly đã đầy tràn thì không thể rót gì thêm được.  Một cái thùng đầy cát thì không thể đổ thêm gạo, bắp hay bất cứ thứ gì.  Cũng thế, một tâm hồn đầy kiêu căng, tự mãn, tham lam… thì đâu còn chỗ trống cho Thiên Chúa rót thêm ân sủng vào.

Trang Tin Mừng hôm nay mời chúng ta hãy hướng về một nhân vật quan trọng của Mùa Vọng là Gioan Tẩy Giả, một con người sẵn sàng trút bỏ mọi tham vọng và hư danh, trở thành tách trà rỗng không; nhờ đó, ông đã được Thiên Chúa rót đầy.

**********************************

Người đời bị cuốn hút bởi lợi danh và cố làm gia tăng giá trị mình bằng những lớp vỏ bên ngoài.

Tiêu biểu cho hạng người nầy là những biệt phái thời Chúa Giêsu.  “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.  Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.  Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong các hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi.”  (Mt 23, 5-6).

Còn người thời nay thì tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng những đồ trang sức đắt giá, bằng xe hơi sang trọng, bằng dinh thự nguy nga.

Trong khi đó, Gioan chê bỏ những “lớp vỏ” hào nhoáng của người đời.  Người chỉ cần cào cào châu chấu trong hoang mạc làm thức ăn; chỉ cần tấm da thú thô sơ làm áo mặc (Mt 3,4).

Người đời khát khao danh vọng, muốn khoác cho mình nhiều danh hiệu cao sang; còn Gioan thì trái lại, ông tước bỏ hết mọi danh hiệu cao quý mà người đời khoác cho ngài.

Thời bấy giờ Gioan là người tiếng tăm lỗi lạc.  Có luồng dư luận cho rằng ông là Đức Kitô, một tước hiệu cao cả đầy vinh dự.  Gioan trả lời với các tư tế và các thầy Lê-vi từ Giê-ru-sa-lem rằng ông chẳng phải là Đấng Kitô.  Ông đã không nhận vơ cho mình một danh hiệu rất cao quý.

Thế rồi có dư luận cho rằng ông là ngôn sứ Êlia vĩ đại giáng lâm, vì theo kinh thánh thì vị ngôn sứ nầy phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế; Gioan cũng từ chối tước hiệu nầy.  Thế là ông lại trút bỏ thêm một vinh dự thứ hai.

Có một số khác nghĩ rằng nếu ông không là Đấng Kitô, không là ngôn sứ Êlia, ít nữa thì ông cũng là một vị ngôn sứ cao cả nào đó (Ga 1, 21b).  Gioan cũng từ khước luôn cả danh hiệu nầy.

Và đang khi nhiều người coi trọng phép rửa của Gioan, đã tuôn đến với ông đông đảo, xin ông làm phép rửa cho mình, thì Gioan khiêm tốn nói rằng phép rửa của ông chỉ là phần chuẩn bị cho một phép rửa khác quan trọng hơn, do một Đấng rất cao cả cử hành mà ông chẳng đáng cởi quai dép cho Đấng ấy: “Tôi đây làm phép rửa trong nước.  Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.  Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1, 26-27).

Và đang khi danh tiếng của Gioan vang dội, còn Chúa Giêsu chưa được nhiều người biết đến, thì Gioan đã tự xoá mình đi, để cho Chúa Giêsu được tỏa sáng.  Gioan nói: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.” (Ga 3,30).

Thế là Gioan đã trút bỏ hết mọi vinh dự người ta gán cho mình, chỉ nhận mình là tiếng kêu trong sa mạc hoang vu. (Ga 1, 23).

Gioan đã hạ mình xuống, nên đã được Thiên Chúa nâng lên.  Gioan đã trút bỏ mọi thứ vinh quang và của cải, trở thành trần trụi rỗng không, nên Thiên Chúa đã đổ đầy ân sủng cho người.  Nhờ đó, Gioan trở nên vị ngôn sứ rất cao cả.  Chính Chúa Giêsu đã xác nhận sự cao cả của ông.  “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11).

**********************************

Gioan đã tự xoá mình đi nhưng người đã sáng bừng lên như một ngôi sao trên bầu trời Hội Thánh.  Gioan luôn hạ mình xuống nhưng Giáo Hội vẫn hằng ngưỡng mộ người suốt dòng thời gian.  Cuộc đời khiêm hạ của thánh nhân mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho bao thế hệ nối tiếp.

Lạy Chúa Giêsu,

Chiếc ly đời con chất chứa đầy tự mãn, kiêu căng, tham lam, ích kỷ và chúng con vẫn quyến luyến gắn bó với chúng cho đến mãn đời.

Xin thương giúp chúng con có đủ nghị lực và quyết tâm trút bỏ những thứ cặn bã đáng ghét đó đi cho tâm hồn được rỗng không.

Có làm được như thế, chúng con mới trở thành ống sáo rỗng để Chúa tấu lên những khúc hoan ca.

Chỉ khi đó, chúng con mới trở nên một chiếc ly, chiếc bình trống không để cho Chúa rót đầy tình yêu và ân sủng.

Lm Trần Ngà (Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

LỄ ÐỨC MẸ GUADALUPE

I. Ðôi Dòng Lịch Sử

Ðức Mẹ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Nuestra Senora de Guadalupe) còn được biết với tên gọi Ðức Trinh Nữ Guadalupe (Tiếng Tây Ban Nha: Virgen de Guadalupe) là một tước hiệu mà Giáo hội Công giáo Rôma dành cho Ðức Trinh Nữ Maria.

Hai tài liệu, được xuất bản trong thập niên 1640, một bằng tiếng Tây Ban Nha, một bằng tiếng Nahuatl (ngôn ngữ của người dân Aztec), cùng thuật lại một câu chuyện xảy ra trong khi đi bộ từ ngôi làng của mình đến thành phố Mexico vào sáng sớm ngày 9 tháng 12 năm 1531 (Ngày hôm sau là Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Ðế quốc Tây Ban Nha), nông dân Juan Diego thấy trên sườn đồi Tepeyac một cô gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, được bao quanh bởi hào quang ánh sáng.  Nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ địa phương Nahuatl, Bà đã yêu cầu Juan Diego đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ ngay tại nơi đó.  Từ những lời nói của bà, Juan Diego nhận ra đó chính là Maria.  Diego đã kể lại câu chuyện của mình với Tổng Giám mục người Tây Ban Nha, Fray Juan de Zumárraga, người đã yêu cầu ông quay trở lại đồi Tepeyac để nói với người phụ nữ lạ là hãy cho một dấu hiệu để chứng minh.

Dấu hiệu đầu tiên mà bà tỏ ra là việc chữa lành bệnh tật cho người chú của Juan.  Ðức Trinh Nữ nói với Juan Diego hãy leo lên đồi Tepeyac và hái những bông hồng.  Mặc dù lúc đó đang là tháng 12 đã rất muộn so với mùa hoa nở nhưng Juan Diego đã tìm thấy những bông hoa hồng Castilian trên đỉnh đồi cằn cỗi, không có nguồn gốc từ Mexico.  Ðức Trinh Nữ yêu cầu ông sắp xếp những bông hồng vào trong chiếc áo choàng tilma dệt bằng sợi xương rồng của mình.  Ðiều kỳ lạ xảy ra khi Juan Diego mở áo choàng trước sự chứng kiến của Giám mục Zumárraga vào ngày 12 tháng 12, những bông hoa rơi xuống sàn nhà nhưng ở vị trí đó lại xuất hiện hình ảnh của Ðức Trinh Nữ Guadalupe một cách kỳ diệu được in trên vải.

Tấm hình này hiện nay vẫn còn được trưng bày tại Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Guadalupe, một trong những điểm hành hương thu hút nhiều người nhất trong thế giới công giáo.  Hình ảnh này cũng phổ biến trong văn hóa Mêxicô với tên gọi: Nữ Vương Mexico.  Năm 1910, Giáo hoàng Piô XI công bố Ðức Mẹ Guadalupe là Quan Thầy của châu Mỹ Latinh và sau đó của Philippin vào năm 1935.  Năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Đức Maria là Bổn mạng của toàn châu Mỹ, Nữ vương châu Mỹ La Tinh, và người bảo vệ cho những trẻ em không được sinh ra.

II. Sứ Ðiệp Của “Ðức Bà Guadalupe”

Khi Ðức Mẹ hiện ra với ông Juan Diego, ngoài việc cho ông thấy những dấu lạ và bày tỏ ước muốn xây một nhà nguyện ngay trên đồi Tepeyac, cùng lúc, Ðức Mẹ còn mặc khải sứ điệp cho ông, để qua ông, được lan truyền cho toàn thể nhân loại.

Nội dung sứ điệp đó là: Ðức Mẹ mặc khải về Mẹ là Ðức Nữ Trinh Maria Rất Thánh và Hoàn Hảo, là Mẹ của Thiên Chúa thật, là Ðức Bà Guadalupe…  Tiếp đó, Mẹ muốn xây dựng một ngôi nhà nguyện dành cho Mẹ tại đồi Tepeyac.  Từ nơi đây, Mẹ sẽ trình bày về Thiên Chúa cho mọi người, để mọi người được biết và tôn thờ cũng như tán dương Thiên Chúa.

Cũng tại nơi đây, Mẹ sẽ dâng tất cả mọi người với những nỗi lòng của họ lên Thiên Chúa… đồng thời, Mẹ cũng hứa sẽ ban ơn cho những ai đau khổ đến cầu khẩn Mẹ tại nơi này.

Trên đây chính là nội dung sứ điệp bằng lời nói mà Mẹ Maria ban tặng cho nhân loại qua ông Juan Diego.

Ngoài sứ điệp bằng lời, Ðức Mẹ còn mặc khải tình thương của Thiên Chúa cách đặc biệt khi hình dạng của Mẹ lúc hiện ra là một phụ nữ đang mang thai.

Hình ảnh này công bố một sứ điệp của Tin Mừng, đó là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”  Ngài chính là Emmanuel, để qua đó, chúng ta biết đón nhận Ngài với cả tấm lòng yêu mến thì sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu của Thiên Chúa.

Như vậy, qua sứ điệp bằng lời nói và hình ảnh, Ðức Mẹ cho chúng ta thấy: Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn yêu thương hết mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc hay truyền thống, văn hóa… các Ngài yêu thương và ôm ấp mọi dân tộc, mọi hạng người vào trong trái tim của mình.  Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé miệng để bảo vệ và nâng đỡ họ.  Không những thế, chính Chúa và Mẹ cũng đã tự đồng hóa mình với người nghèo, đau khổ, để đem lại cho họ niềm hy vọng.

Chính vì sứ điệp này được lan tỏa cách rộng rãi, nên nơi dân làng này đã được bình an và mọi người biết thương yêu nhau.  Họ tin vào Chúa và Mẹ.  Họ xin được trở thành Kitô hữu qua Bí tích Rửa Tội để phụng thờ Thiên Chúa và tôn vinh Ðức Maria.  Ðiều mà trước đó đối với họ là không thể xảy ra…!

III. Sống Sứ Ðiệp “Ðức Bà Guadalupe”

Mừng lễ “Ðức Bà Guadalupe” hôm nay, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy khám phá ra sứ điệp lời nói và hình ảnh của Ðức Mẹ, để qua đó, biết áp dụng vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Nếu việc Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với ông Juan Diego qua diện mạo là một thiếu nữ thổ dân đang mang thai, để mặc khải cho ông và bộ tộc cũng như đất nước ông hiểu rằng: Mẹ yêu thương hết mọi người và thai nhi trong bụng Mẹ chính là Ðức Giêsu, Ðấng là Emmanuel, đã đến để ở cùng và sống với nhân loại, nhằm cứu chuộc hết mọi người.

Mặt khác, Mẹ cũng muốn mặc khải cho mọi người hiểu rằng: cuộc đời của Mẹ luôn luôn có Chúa, và Chúa luôn luôn kết hiệp mật thiết với Mẹ để yêu thương nhân loại.

Hôm nay, Mẹ cũng dạy cho chúng ta biết rằng: dù chúng ta có là ai, dẫu là một người nghèo hèn, dốt nát và tội lỗi, hay là một người chân lấm tay bùn, hoặc là một người bị loại ra bên lề xã hội, bị mọi người coi dẻ và khinh khi, thì trước mặt Mẹ, chúng ta vẫn là một con người được Mẹ thương yêu và sẵn sàng nâng đỡ mọi nơi.  Ðồng thời, Mẹ luôn mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Ðức Giêsu, vì chỉ có Ngài mới cứu chuộc được nhân loại mà thôi.  Hãy sống tinh thần nghèo khó, hiền lành, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tình thương.  Cụ thể, đó là đứng về phía người nghèo, người vô gia cư, người bị đàn áp, bắt bớ, bóc lột… người bị loại ra bên lề xã hội… người ốm đau, bệnh tật… để bảo vệ và đỡ nâng họ, nhằm giúp họ có một cuộc sống tốt hơn và chứa chan tình huynh đệ, ngõ hầu qua đó, họ nhận ra Thiên Chúa là tình yêu và tin thờ Ngài.

Tiếp theo, sứ điệp tín lý mà Mẹ Maria còn muốn nhắm tới nữa, đó là: qua Mẹ để chúng ta đến với Chúa.  Nhờ Mẹ để lời cầu nguyện của chúng ta xứng đáng được Chúa nhận lời.

Tránh tình trạng chỉ chạy đến cầu khẩn với Mẹ mà quên bổn phận và cốt lõi của chúng ta là phải tôn thờ Thiên Chúa.  Ðiều đẹp lòng Chúa và Mẹ nhất, đó là chúng ta hãy cùng Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, hướng sự tôn thờ, tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Guadalupe, xin Mẹ cho chúng con biết yêu mến và đón nhận sứ điệp tình yêu của Mẹ, để chúng con sống đẹp lòng Chúa và tôn kính Mẹ cho phải đạo, đồng thời biết yêu thương anh chị em chúng con bằng tình yêu chân thành.  Amen!

Lm. Giuse Ðinh Tất Quý
Nguồn: https://tgpsaigon.net

LORETO VÀ PHÉP LẠ THIÊN THẦN CHUYỂN NHÀ

Đức Bà Loreto, được Giáo Hội mừng lễ vào ngày 10-12, là Đức Bà phù hộ các phi công, các lữ khách đi máy bay… và của cả các công nhân chuyển nhà nữa.  Nhưng tại sao lại có sự bảo trợ này?

Gần thánh phố Ancône, trong vùng Marches nước Ý, có một trong những ngôi đền thờ được tôn kính nhiều nhất trong thế giới Công giáo: đền thờ Đức Bà Loreto.

Câu chuyện về nơi này thật lạ lùng và có thật, tuy dù cũng có đôi chút tô điểm cho thêm phần dễ thương.

Tất cả khởi sự từ đầu thế kỷ 14, khi Rôma được tin người ta vừa khai sinh thêm một cuộc hành hương Đức Mẹ, ở một nơi gọi là Loreto, “một cánh rừng nguyệt quế nhỏ”; nơi đây người ta tôn sùng một tượng Đức Mẹ đen cổ kính có nguồn gốc phương Đông được tạc từ gỗ thông tuyết và một ảnh thánh Đức Mẹ được cho là do thánh Luca vẽ.

Đến đây thì mọi chuyện khá bình thường: những đền thờ như vậy thì rất nhiều trong thế giới Kitô giáo nên người ta không thắc mắc lắm về tính lịch sử của những thánh tích được tôn sùng – sự sùng kính của khách hành hương thường phủ một lớp ân điển lên những vật được trưng bày để tôn kính.

Tuy nhiên sự độc đáo của địa điểm này không nằm ở nơi ảnh thánh và bức tượng nói trên, mà ở nơi ngôi nhà đặt ảnh tượng đó. Nếu tin những gì người ta nói tại chỗ thì, ngôi nhà nguyện nhỏ vừa kể thật ra chính là ngôi nhà ở Nazarét, nơi thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria – là nơi ơn cứu độ nhân loại được thể hiện… Đó là lý do tại sao các tín hữu đã tuôn đến và sờ vào những viên đá linh thánh đó một cách thành kính, trào nước mắt xúc động vì còn được đến tận nơi.

Một nỗi đau không thể tưởng tượng

Đến tận nơi ư? Đúng vậy, vì từ năm 1291 với sự thất thủ của thành Saint-Jean d’Acre – cứ điểm cuối cùng của vương quốc La tinh tại Giêrusalem, bị phe đạo Hồi chiếm giữ – Miền Đất Thánh gần như đóng cửa hoàn toàn với khách hành hương và hối nhân. Nhà cầm quyền Hồi giáo chỉ cấp giấy phép nhỏ giọt để vào những địa điểm thánh và những Kitô hữu hiếm hoi dám bước vào đây lại gặp vô vàn nguy hiểm.

Chúng ta ngày nay quá thiếu sốt sắng nên khó đo lường được sự thiếu thốn như vậy nặng nề ra sao đối với những bậc tiền bối của chúng ta. Không còn có hy vọng đến thăm xứ Galilê để cầu nguyện trong căn phòng mà Đức Maria đã thưa lời Fiat (Xin Vâng), không được theo dấu chân Chúa Giêsu, không được quỳ trong vương cung thánh đường Bêlem trên cái ngôi sao đánh dấu nơi đặt máng cỏ, không được tắm trên sông Giođan, không bao giờ được nhìn ngắm Giêrusalem, không được canh thức trong vườn Giêtsêmani, không được vừa đi vừa cầu nguyện vừa khóc trên con đường khổ nạn, không được leo núi Golgotha, không được ôm hôn hòn đá của ngôi mộ trống… mà biết rằng tất cả đều bị giao cho kẻ ngoại đạo, đó là một nỗi đau mà chúng ta không thể hình dung nổi.

Giáo Hội xót xa khi biết điều đó, nhưng làm gì được bây giờ? Thánh chiến thì không còn hợp thời. Do đó, để xoa dịu cái tang của giới Công giáo, Hội Thánh đưa ra những giải pháp khác cho các tín hữu đang than khóc. Trước hết là hướng họ về điều cốt yếu: sùng kính Bí tích Thánh Thể. Không cần thiết phải đi qua đầu kia của thế giới để tìm thấy Chúa Kitô vì Người có mặt hằng ngày trên bàn thờ và trong nhà tạm, dù là ở một nhà nguyện nhỏ bé nhất. Chính trong bối cảnh đó mà lòng tôn kính Mầu Nhiệm Thánh Thể phát triển chưa từng thấy.

Thánh tích và đền thờ thay thế

Một cách khác là khiến người ta chú trọng đến những thánh tích của cuộc Khổ Nạn – có rất nhiều và đôi khi vô giá – như một mảnh của cây Thánh Giá mà nữ hoàng Radegonde đã có được cho tu viện của bà tại Poitiers (Pháp), mão gai được vua Thánh Louis mua, hay Khăn Liệm Chúa được trưng bày ở Lirey vùng Champagne (Pháp), hay những mảnh của máng cỏ đặt tại vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma; những đồ vật này được đưa tới Châu Âu theo dòng thời gian, chủ yếu là đến Pháp vì các vua dòng họ Capet rất xem trọng chúng. Vì không đến Miền Đất Thánh được nữa, nên đi viếng những chứng tích của mầu nhiệm Nhập Thể,  của cuộc Thương Khó và cuộc Phục Sinh của Chúa được xem như tương đương.

Cũng vậy đối với việc cố gắng tìm đến những linh địa khiêm tốn hơn nhiều với chỉ một cục sỏi nhặt được ở Palestine, thậm chí chỉ ít bụi từ nơi này… Có những lãnh chúa hay những giám mục khá giả không ngần ngại xây dựng những đền thờ thay thế – được cho là tái hiện cách chân thật ít nhiều – những kiến trúc ở Miền Đất Thánh, như bản sao của Mộ Thánh ở Neuvy-Saint-Sépulcre, vùng Berry (Pháp), hay tái tạo ở Ý những nơi đáng chú ý nhất của Giêrusalem lúc đó.

Phải chăng đền thờ Loreto chỉ đơn giản là một trong những cách bắt chước mang tính đạo đức sùng mộ như vậy? Hay, như những người sùng kính nơi đó tin tưởng, đây đúng là ngôi nhà ở Nazarét, được mang từ Palestine về, nhờ một phép lạ nào đấy? Vấn đề này đã làm chảy không biết bao nhiêu mực.

Một điều có thực: đền thờ đã mọc lên trên một thửa đất của gia đình De Angelis – một gia đình thương nhân và chủ tàu giàu có thành Ancône, đã làm giàu nhờ buôn bán giữa phương Đông và phương Tây, thời kỳ có mặt người Franc tại Palestine. Cho rằng vương quốc La tinh sẽ tồn tại được ở Giêrusalem – điều này xem ra không phải là ý hay – nhà De Angelis đã đầu tư một phần vốn liếng vào bất động sản ở đây; có thể họ đã mua nhiều miếng đất ở Nazarét, trong đó có đất của ông bà Gioakim và Anna, cùng với đó là căn nhà của ông bà – căn nhà mà vào buổi sáng ngày Truyền Tin, thiên sứ Gabriel đã hiện ra với Đức Maria.

Một ngôi nhà từ trời rơi xuống

Người ta phản bác rằng, vào thời Chúa Kitô, những căn nhà địa phương chủ yếu là nhà hang, nghĩa là được đào trong đá, và mặt khác họ còn chỉ ra cho thấy căn nhà được coi là của Đức Maria ở Nazarét. Tuy nhiên, có thể vào một lúc nào đó, căn nhà ấy đã được cơi nới với một căn phòng ở mặt tiền, có diện tích nhỏ, xây bằng gạch và  bao quanh là ba mặt tường; cái nhà hang nguyên thủy trở thành căn phòng cuối nhà. Chính cái phòng ngoài của căn nhà đã được nhà De Angelis – đang lo ngại vì diễn biến của tình hình và tin chắc vào sự tái chiếm của người Hồi giáo trong nay mai – cẩn thận tháo dỡ và chất lên một trong những tàu buôn của họ đem về cất ở Ý, vào khoảng năm 1290.

Mới đầu, không hiểu vì lý do gì, cái kiện hàng tuy linh thánh nhưng cồng kềnh đó lại cập bến cảng Trast ở Croatia – nơi nhà De Angelis có một cửa hàng thương mại. Đáng lẽ Ngôi Nhà Linh Thánh đó sẽ ở lại đây – ở Trast người ta vẫn còn tôn kính kỷ niệm về lần “dừng chân” đó. Nhưng các chủ tàu vì linh cảm thấy rồi ra đạo Hồi sẽ tràn ngập vùng Balkans nên quyết định chở ngôi nhà về Ý năm 1294 và dựng lại y như cũ trên miếng đất của mình ở Loreto. Sự kiện đã xảy ra như thế. Rất mau chóng, các phép lạ diễn ra hàng loạt, danh tiếng của đền thờ vang xa, còn người hành hương thì ngày càng đông.

Cuối thế kỷ 15, ông Pietro Tolomei de Terramo – “sử gia” đầu tiên của Loreto – trình bày phiên bản của riêng mình về chuyện đó; ông khẳng định ngôi nhà linh thánh này được đưa đến đây trực tiếp từ hành trình trên không qua trung gian của các thiên thần. Thực ra trong tiếng la tinh, De Angelis có thể dịch như vậy (nhờ thiên thần); như vậy thì không phải gian dối mà chỉ là một trò chơi chữ khôn khéo, kiểu đùa nghịch ngoan đạo của các nhà La tinh học uyên bác. Tuy nhiên, có một điều có thể tạo sức nặng nào đó cho phiên bản nói về phép lạ này, khiến người ta phải bối rối, đó là ngôi nhà ở Loreto lại không có nền móng: nhà nằm ngay trên mặt đất, như thể các thiên thần đã đặt nó ở đó và bay đi mất mà không quan tâm gì đến nó nữa.

Nơi Ngôi Lời làm người

Tất nhiên, phiên bản quá thơ mộng này khiến giới Tin Lành, sau cuộc Cải Cách, cười nhạo không ít; mà không chỉ có họ, đến ngay trong lòng Giáo Hội, những bậc tu hành rất thông thái cũng từ chối không tin vào điều đó, cho rằng cái nhà được cho là của Đức Maria, nhờ một sự quảng cáo khôn khéo, đã kịp thời thúc đẩy lại nền thương mại địa phương đang gặp khó vì mất Miền Đất Thánh…

Một số người khác, cũng thông thái không kém, lại ủng hộ sự thật về sự chuyển dịch nhiệm lạ, khẳng định rằng chỉ có một sự kiện khác thường nào đó mới có thể giải thích được sự thành công của đền thờ Loreto. Sự kiện xuất hiện tức thời và siêu việt của ngôi nhà ấy phải chăng là đã được chính các thiên thần đặt xuống ở nơi đó, hay để xây dựng lại ngôi nhà thật ở Nazarét? Vấn đề này còn lâu mới có sự đồng thuận, nhưng có điều chắc chắn là các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những nét giống nhau thật sự giữa ngôi nhà thánh này và địa điểm Truyền Tin tại Nazarét.

Sự sùng kính Đức Bà Loreto phổ biến tới mức rất nhiều nhà thờ và nhà nguyện được đặt dưới sự cầu bầu của Đức Bà Loreto, nhất là tại Pháp, Áo và vùng Bavière, Đức.

Dù sao đi nữa, ngay giữa lúc bùng nổ lòng sùng kính Đức Mẹ, đền thờ Loreto đã được khoác lên một sự tôn vinh toàn cầu.

Năm 1450, Đức Giáo hoàng Phaolô 2 đã tặng cho ngôi nhà nhỏ này một “cái hộp đựng” tuyệt đẹp và giao cho kiến trúc sư Bramante việc dựng lên một đại thánh đường hoành tráng ôm trọn căn nhà. Trước mặt tiền vừa xây xong, Đức Giáo hoàng Sixto 5 cho khắc dòng chữ: “Đây là nhà của Mẹ Thiên Chúa nơi Ngôi Lời nhập thể làm người”.

Năm 1669, lễ mừng sự di dời của ngôi nhà linh thánh Loreto được ghi vào lịch phụng vụ, ngày 10-12, với phụng vụ giờ kinh riêng. Mặc dù từ dạo đó đã có nhiều lời kinh khác do các Đức Giáo hoàng thêm vào để tăng phần phong phú, những kinh cầu cùng Đức Mẹ, được sọan theo hình thức hiện hành chính là tác phẩm của Giám mục Giulio Candiotti – giám quản vương cung thánh đường này – đã soạn chúng năm 1578, lấy cảm hứng từ những phiên bản cổ khác nhau, nên được gọi là những kinh cầu Loreto. Những kinh cầu này được Đức Giáo hoàng Grêgôriô 13 chúc lành và được các tu sĩ dòng Tên đọc để cầu nguyện, đặc biệt là Thánh Phêrô Canisius; thánh nhân xem đây là vũ khí hữu hiệu nhất chống lại cuộc Cải Cách (Tin Lành), và phổ biến những kinh này ra toàn thế giới. Việc sùng kính Đức Bà Loreto phổ biến đến mức rất nhiều nhà thờ và nhà nguyện được đặt dưới sự cầu bầu của Đức Bà Loreto, nhất là ở Pháp, Áo và xứ Bavière, Đức.

Cuối cùng, do truyền thuyết chuyển dời ngôi nhà trên đôi cánh các thiên thần, Đức Bà Loreto trở thành quan thầy của các phi công và tất cả những ai đi máy bay. Và cũng hợp lý thôi khi cũng là quan thầy của những công nhân chuyển nhà.

Anne Bernet (Aleteia)Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/loreto-va-phep-la-thien-than-chuyen-nha-67965

GIOAN, CON NGƯỜI THẬT LẠ LÙNG

Hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm một con người thật lạ lùng.  Lạ lùng từ khi được cưu mang.  Lạ lùng trong cách sống.  Lạ lùng đến nỗi cha ông là Zacaria đã không tin rằng mình sẽ làm cha vào tuổi bóng đã ngả về chiều.  Lạ lùng vì ngay từ trong dạ mẹ ông đã reo lên khi Chúa đến viếng thăm.  Lạ lùng vì ông sống khắc khổ nơi rừng vắng.  Ông chỉ ăn châu chấu với mật ong.  Lạ lùng vì ông được người đời ca tụng nhưng ông đã từ khước tất cả danh vọng chỉ nhận mình là tiếng kêu nơi hoang địa.  Cuộc đời ông luôn khiêm tốn nhỏ bé để Chúa được lớn lên.  Ông có tên gọi thật khiêm nhường là Gioan.

Tin mừng thánh Luca trình thuật về việc làm của ông cũng thật lạ lùng.  “Có tiếng người hô trong hoang địa.”  Tại sao ông lại hô giữa nơi hoang địa?  Hoang địa khô cằn lại lắm hiểm nguy?  Hoang địa làm sao có kẻ qua người lại mà ông đến nơi hoang địa để hô vang dọn đường cho Chúa?  Thế mà tiếng hô của ông lại đánh động lòng người.  Hàng ngàn người đã ăn năn sám hối.  Hàng ngàn người tìm đến với ông để canh tân, sửa đổi cuộc đời.  Như vậy, hoang địa ở đây có thể không mang nghĩa địa lý.

Hoang địa ở đây chính là sa mạc của lòng người.  Cuộc đời đã khô cạn tình người.  Giữa phố xá đông người nhưng con người vẫn cô đơn, thất vọng, chán chường bởi sự ích kỷ, lạnh lùng trong quan hệ giữa người với người.  Đây là “một ngõ vắng xôn xao nằm trong thành phố lớn.”  Dù rằng thành phố có trăm ngàn ngõ ngách nhưng bởi tính ích kỷ và sự vô cảm nên xã hội vẫn đầy những ngõ vắng cô đơn của cuộc đời.  Vâng, cuộc đời trở thành một hoang địa khi tình người đã mất.  Khi người ta sống bên nhau nhưng không còn liên đới, chia sẻ với nhau thì con người vẫn cô đơn giữa lòng nhân thế.  Cuộc đời trở thành một hoang địa khô cằn nên cuộc đời buồn nhiều hơn vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười.

Tiếng hô của ông đi xuyên qua hoang địa lòng người.  Ông đề nghị sửa lại lối sống.  Đường quanh co hãy uốn cho ngay thẳng.  Người quanh co là người sống thiếu chân thật.  Người quanh co thường có lối sống gian dối, điêu ngoa, sống lắc lẻo, lừa bịp.  Ăn không nói có.  Thêm điều đặt chuyện để hại người hại đời.  Lối sống như vậy chỉ là một loại phá hoại sự yên ổn của xóm làng và gây chia rẽ khu xóm, chỉ khiến con người xa rời nhau.  Làm sao có thể tin tưởng và yêu mến nhau nếu trong giao tiếp thiếu sự chân thành, lại còn thêm điều đặt chuyện?  Gioan còn đề nghị phải lấp đầy thung lũng của lòng người.  Vì “sông sâu còn có kẻ dò – Lòng người nham hiểm trùng khơi khôn dò.”  Do vậy, phải lấp đầy thung lũng của những ngăn cách, của những phân biệt giai cấp và nghi kỵ hiểu lầm.  Và cuối cùng là hãy bạt đi núi đồi của kiêu căng, tự mãn để nhờ đó mà con người khắp năm châu sẽ nắm tay nhau hát vang câu hát của thanh bình.  Đây cũng là cách thức duy nhất để Nước Thiên Chúa hiển trị và ơn cứu độ của Thiên Chúa trải rộng đến muôn tâm hồn.

Vâng thưa anh chị em, thế giới hôm nay vẫn còn đó tiếng kêu đơn độc giữa phố phường.  Có biết bao người sống cô đơn lây lất vì thiếu sự cảm thông nâng đỡ của anh em bạn bè.  Có biết bao trái tim đang co thắt trong đau khổ vì sự nghi kỵ, kết án, tẩy chay của anh em.  Có biết bao cuộc đời đang thất vọng buông xuôi vì sự bỏ vạ, cáo gian, vì sự lừa gạt và hãm hại của đồng loại.  Có biết bao giọt nước mắt vẫn rơi rớt trên giòng đời vì vô ơn bội bạc, vì sự bất trung, bất hiếu của những người thân trong gia đình.  Và vẫn còn đó, còn rất nhiều những nỗi đau là hệ quả của một thế giới hoang địa khô cằn tình người.

Mùa Vọng giáo hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để nhận ra tiếng kêu cầu cứu của tha nhân.  Hãy yêu mến tha nhân trong tình yêu chân thành, đừng lường gạt lẫn nhau, hãy sống thật lòng với nhau.  Hãy xóa đi những hố sâu của nghi kỵ, hiểu lầm để sống cảm thông và tha thứ cho nhau, đừng gây chia rẽ và tạo nên những hố sâu của bất đồng, của oán hận hờn căm.  Hãy san bằng những ngăn cách bởi kiêu căng tự mãn bằng một đời sống hoà hợp với nhau trong tình anh em có chung một cha trên trời.

Ước mong mỗi người chúng ta hãy sửa lại lối sống cho phù hợp với Tin Mừng cứu độ, để thiết lập một màu xanh yêu thương và ngập tràn niềm vui và hạnh phúc thay cho sự khô cằn của sa mạc tình người.

Nguyện xin Đấng Emmanuel, là Đường là sự thật và là sự sống dẫn dắt chúng ta đi trong hồng ân của Ngài, ngõ hầu mỗi người chúng ta sẽ được hưởng một mùa xuân của hoa công lý và tình thương nở rộ khắp nhân trần.  Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

VẦNG TRĂNG SÁNG GIỮA MÀN ĐÊM

Mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm là dịp giúp ta nhìn về một con người, chiêm ngắm sự tinh tuyền của con người ấy.  Đức Maria, một con người đã không bị vướng vào tội nguyên tổ.  Mẹ tinh tuyền như vầng trăng sáng giữa màn đêm.  Các bài đọc trong Thánh lễ trọng thể này giúp chúng ta một cái nhìn về sự tương phản giữa vầng trăng sáng và màn đêm đen tối.

Trong bài đọc một kể lại câu chuyện Chúa đến gặp con người.  Trong bài Tin Mừng cũng kể một câu chuyện sứ thần của Chúa đến gặp con người.

Khi Chúa đến gặp Adam và Eva thì hai con người này chạy trốn, không dám đối diện với Chúa.  Lý do là quá rõ.  Họ đã phạm tội.  Sự nhục nhã và xấu hổ đã ngăn cản họ đối diện với Chúa.  Lời mời gọi của Thiên Chúa đã bị họ từ chối.  Khi Chúa hỏi: vì sao mà ngươi không dám gặp Ta.  Câu trả lời là sự thú nhận mình đã phạm tội, đã ăn trái cấm.

Kết thúc cuộc gặp gỡ là sự ra đi của Adam và Eva.  Một cuộc ra đi trong tủi nhục.  Họ bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng, ra khỏi Nhà của Thiên Chúa; Họ không còn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa nữa.  Họ đi vào trong đau khổ.  Những gì diễn ra sau cái ngày phạm tội ấy là sự đổ lỗi cho nhau, nghi kỵ nhau, ghen ghét nhau, làm hại nhau, thậm chí chém giết nhau ngay cả khi là anh em ruột thịt như Cain và Abel.

Họ nhận ra mình trần truồng bởi họ đã bị lột sạch, đúng hơn là họ đã tự trút bỏ toàn bộ y phục mỹ miều, trút bỏ ân sủng của Thiên Chúa.  Một con người trần trụi không còn được ơn Chúa trợ giúp thì hậu quả thật kinh khủng.  Họ co cụm lại để bảo vệ chính mình; họ sẵn sàng đạp lên người khác để bảo toàn mạng sống của mình.  Khái niệm phục vụ người khác trở thành điên rồ đối với họ.

Giữa màn đêm dày đặc bao trùm bởi bóng tối của sự bi quan, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta một khuôn mặt, một ánh trăng rạng ngời, ấy là Maria.

Chúng ta cũng được chứng kiến một cuộc gặp gỡ.  Không hẳn là giữa Thiên Chúa và con người nhưng là giữa sứ thần của Thiên Chúa và con người.  Ở đây Maria không chạy chốn, Maria không ẩn núp, Maria đã đối diện trực diện với Sứ thần.  Lời mời gọi Maria nghe được nơi Sứ thần cũng chính là lời mời gọi của Thiên Chúa với mình.

Adam và Evà không dám gặp Chúa vì mình đã phạm tội, đã ăn trái cấm.  Còn ở đây, Maria đã đối thoại thân tình với Sứ thần, đã thẳng thắn thân thưa: làm sao chuyện có thể xảy ra được, vì tôi chưa biết đến người nam.  Nếu sự nổi bật trong câu chuyện ở vườn Địa Đàng là sự bất tuân thì cao điểm của câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là tiếng thưa Xin Vâng của Maria.

Maria cũng đã ra đi sau biến cố Truyền tin ấy.  Nhưng nếu Adam và Eva năm xưa ra đi trong sự trần trụi, không có ân sủng, thì ở đây Maria ra đi với chiếc áo choàng mỹ miều đầy ân sủng.  Nếu trước đó Adam và Eva ra khỏi vườn Địa Đàng, ra khỏi nhà của Thiên Chúa, thì bây giờ “Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuda.  Lên núi là lên nơi Chúa ngự.  Thành thuộc chi tộc Giuda là thành của Thiên Chúa, là nhà Thiên Chúa ngự.  Maria đã trở về với ngôi nhà của Thiên Chúa.

Những gì diễn ra sau đó với Maria không phải là sự thù ghét, xua đuổi, ghen tương đố kỵ, nhưng là sự yêu thương, gắn bó, phục vụ, trao ban chính mình để phục vụ người khác.  Maria đã ở lại phục vụ bà Isave.  Sự gặp gỡ giữa con người với con người trong hân hoan nhảy múa. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng.  Không chỉ họ vui mừng mà cả những thế hệ tiếp theo, những đứa con trong lòng họ cũng nhảy mừng.

Tất cả những điều ấy đã diễn ra nơi con người Maria.  Mẹ đã không bị vướng vào tội; Mẹ đã được tràn đầy ơn Chúa; Mẹ có Chúa ở cùng.  Cả và Giáo hội khắp năm Châu từ cổ chí kim đều ca tụng Mẹ, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đứng trước Mẹ Maria, dưới Vầng Trăng mỹ miều của Thiên Chúa, những kẻ tội lỗi như chúng ta chẳng còn biết nói gì hơn là:

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ.  Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.”  Amen!

Lm. Giuse Lê Danh Tường

THANH THOÁT

“Phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời!”

“Cuộc sống tôi chỉ là tấm lụa dệt ‘giữa Chúa và tôi.  Tôi không thể chọn màu, Ngài dệt nó đều đặn.  Chúa thường dệt những nỗi buồn; và tôi ngu ngốc tự hào, tôi phát hiện điều này!  Ngài nhìn phía trên; tôi nhìn phía dưới.  Mãi cho đến khi khung dệt lặng yên, kim thoi ngừng bay; Ngài mở khung, giải thích.  Các sợi xám thật cần thiết giữa sợi vàng sợi bạc, trong bàn tay khéo léo của Ngài, theo khuôn mẫu Ngài định!” – Benjamin Malachi Franklin.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúng ta thường chăm nhìn phía dưới ‘bức tranh’ đời mình nên nhiều lúc lòng phải chùng xuống.  Và kìa, thế giới vật chất cũng luôn kéo ghì bạn và tôi xuống!  Lời Chúa ngày cuối năm phụng vụ nâng chúng ta lên, nhắc chúng ta đừng trở nên ươn lười trong đời sống đức tin để có thể ‘thanh thoát’ và khỏi những ngổn ngang bởi “say sưa, lo lắng sự đời.”

“Nặng nề vì chè chén say sưa!”  Điều này trước hết được hiểu ở cấp độ nghĩa đen; tuy nhiên, “say sưa” còn được hiểu ở cấp độ tâm linh, khi chúng ta tìm kiếm một sự thoát ly nhất thời, tìm kiếm những gì cung cấp một cảm giác an toàn giả tạo.  Tôi không nặng nề và say sưa vì chè chén, nhưng có thể tôi đang lang thang tìm kiếm ‘một thứ an thần’ nào đó.  Và mỗi khi thoả hiệp với cám dỗ này, đời sống thiêng liêng của tôi trở nên uể oải.

Thứ đến, tôi có thể quá bận tâm với vật chất và lo lắng sự đời đến nỗi mất niềm tín thác vào Chúa.  Chính những lo lắng thái quá này là nguồn gốc của việc quá tải; và khi quá tải, chúng ta có xu hướng tìm một lối thoát.  Thông thường, những ‘lối thoát’ ấy lại là thứ khiến chúng ta rũ liệt, đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và tự mình chống chọi cho đến khi kiệt sức, đến nỗi mất hết niềm vui và nhuệ khí.  Từ đó, chúng ta không thể chu tất bổn phận và trách nhiệm của mình một cách tập trung và nhiệt huyết.

Đang khi cuộc sống là thời gian chuẩn bị, không chỉ cho một tình bạn với Thiên Chúa, mà còn cho sự “tấn công” của ba thù và những “gian khổ.”  Cuộc chiến tâm linh là có thật, dù nhận thức hay không nhận thức, muốn hay không muốn!  Chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày và trận chiến quan trọng nhất vẫn là trận chiến trong sâu thẳm của trái tim.  Chúa Giêsu muốn chúng ta chiến thắng bằng cách cầu nguyện và tỉnh thức trong đời sống đức tin hầu có thể ‘thanh thoát’ và không trở nên bải hoải, chìm vào u mê.

Anh Chị em,

“Chớ để lòng mình ra nặng nề!”  Hôm nay, thứ Bảy cuối năm phụng vụ, bạn và tôi ngước nhìn lên Mẹ Maria, một con người hoàn toàn ‘tòng thuộc’ Thiên Chúa.  Giữa bao sóng gió cuộc đời, trái tim Mẹ vẫn giữ được niềm vui và sự tự do.  Thử thách, gian truân, những ‘sợi chỉ xám xịt’ màu tối, không chi phối được Mẹ; không gì ngăn cản Mẹ cất cao lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa.”  Trái lại, con tim Mẹ ‘thanh thoát’; vì lẽ, Mẹ đã giao ‘khung lụa đời mình’ để Chúa tự do vẽ và dệt.  Mẹ hiến dâng mọi sự cho Chúa, Đấng đầy ắp Mẹ.  Trái tim Mẹ được dẫn dắt bởi tình yêu và sự tín thác vốn cho phép Mẹ luôn chọn điều tốt nhất và từ chối bất cứ điều gì xấu xa vốn có thể phương hại cho ‘bức tranh’ đời Mẹ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường chọn màu cho bức lụa đời con; đôi khi con dành Chúa để dệt nó.  Cho con tỉnh táo, khôn ngoan, giao mọi sự cho Chúa hầu con được ‘thanh thoát!’” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế