KINH MÂN CÔI – LỜI KINH KẾT NỐI (Lc 1,26-38)

Chiều qua ghé mừng bổn mạng Phanxicô Khó Khăn của một người bạn là cha của một gia đình một vợ ba con.  Đúng lúc gia đình vừa đi lễ về.  Đang khi tay bắt mặt mừng, đứa gái út đã nhanh nhẩu chỉ cho tôi chiếc áo mới màu xanh nước biển đang mặc và khoe rằng hôm nay nó là Việt kiều Úc Châu đấy.  Tôi còn chưa hiểu ất giáp gì thì nó đã liến thoắng đố tôi hôm nay trong gia đình nó có gì lạ.  Tôi đảo mắt nhìn một vòng nhưng chẳng thấy có gì khác nên đành chịu.  Con bé lí lắc đã chẳng giữ kín được câu đố của mình nên đã nhanh chóng bật mí cho tôi.  Nó nói: gia đình nó hôm nay mỗi người mặc một màu áo: bố màu trắng người Châu Âu, mẹ màu vàng người Châu Á, chị hai màu đỏ người Châu Mỹ, còn anh ba màu xanh lá người Châu Phi.  Cả gia đình là năm châu, là thế giới.

Thấy tôi vẫn ngẩn người chưa hiểu, anh bạn tôi đã phải giải thích: chả là vào tháng Mân Côi, má xấp nhỏ muốn làm một chuỗi kinh sống trong gia đình nên phân bổ mỗi người mỗi ngày đọc một chục, năm người thành năm chục, năm chục năm màu năm châu là sáng kiến của Đức Giám Mục Fulton Sheen đã lâu ở bên Mỹ, còn năm màu áo minh họa là sáng kiến của con út nhà này.  Con bé đỏ mặt hãnh diện, mọi người cười vui.  Và khởi đi từ niềm vui ấy, tôi miên man suy nghĩ: Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.

1. Kết nối với Đức Maria

Bởi Kinh Kính Mừng là nối kết lời thiên thần Gabriel chào Đức Maria trong buổi Truyền Tin với lời mừng của bà Êlisabet trong ngày Thăm Viếng, nên mỗi lần được lặp lại đã trở thành lời chào mừng chính thức cho sự kết nối giữa con người với Đức Maria.

Sự kết nối ấy là kết nối với một cá nhân khi đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa chỉ dám nhận mình là một tôi tớ, nhưng đã được cất nhắc lên vinh quang làm Mẹ Thiên Chúa.  Đó là một dung hòa tuyệt hảo giữa một đàng là hồng ân của Thiên Chúa và đàng khác là nỗ lực của con người, nghĩa là nơi Đức Maria, người ta hiểu rằng tất cả khởi đi từ ơn phúc Chúa ban nhưng còn ở trong tình trạng tiềm ẩn, chỉ đến khi có sự đáp trả cộng tác bằng lời “xin vâng” thì ơn phúc kia mới lộ hiện.

Nhưng “xin vâng” không chỉ bằng lời mà là bằng cả một đời đánh đổi: vừa bền lòng thực thi ý Chúa, vừa bền chí chấp nhận những thử thách cam go vốn không thiếu trên hành trình đức tin bên cạnh Chúa Giêsu.

Sự kết nối ấy là một sự “nối mạng”, nghĩa là kết nối vào một vận mạng.  Đức Maria trong vinh quang hiện tại không những không xa cách mà còn gần gũi nhân loại hơn cả bao giờ.  Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã nên Mẹ Giáo Hội để qua Kinh Kính Mừng, một tâm tình hiệp thông gắn bó nảy sinh, rất linh động như dòng chảy hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người, và giữa con người lên với Đức Maria, rất tự nhiên như tình mẫu tử, đằm thắm khi yên ổn nhưng cũng đầy trách nhiệm những khi kêu cầu.

2. Kết nối với Chúa Giêsu

Nếu đối tượng trực tiếp của Kinh Mân Côi là kết nối với Đức Maria qua những chặng đường mầu nhiệm đời Mẹ, thì hành trình cùng với Mẹ, từng bước, người ta sẽ được dẫn tới đích điểm là kết nối với Chúa Giêsu.

Có một điều ngạc nhiên đến thú vị là nếu có ai hỏi ta Đức Maria có lần hạt không, ta sẽ trả lời khẳng định: Đức Maria cũng lần hạt.  Hiện ra ở Lộ Đức hoặc ở Fatima, Mẹ đều lần hạt với con cái mình.  Điều này cho thấy người ta không chỉ lần hạt kết nối với Mẹ nhưng còn cùng với Mẹ lần hạt kết nối với Chúa Giêsu nữa.

Chính kết cấu của Kinh Kính Mừng cũng muốn nói lên điều ấy.  Trong Kinh Kính Mừng chỉ có hai danh xưng Maria và Giêsu được xướng lên, mở đầu bằng Maria và kết thúc bằng Giêsu: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ,nghĩa là kết nối với Mẹ để được nối kết với Con của Mẹ, kết nối với Đức Maria để rồi nối kết với Chúa Giêsu.  Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.

Nhưng kết nối với Chúa Giêsu được thấy rõ nhất là qua những mầu nhiệm Mân Côi mùa Vui, Thương, Mừng như cách gọi truyền thống: Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể Đức Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người; Thương trong mầu nhiệm Tử Nạn Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại và Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai cho mọi sinh linh.

Đây là sự kết nối nền tảng và là đỉnh cao.  Thiếu nó, kết nối với Đức Maria dẫu có vẫn còn lỏng lẻo, chưa có nó kết nối dẫu đậm đà vẫn chưa vươn tới đẫy đà cần thiết.

3) Kết nối với mọi người trong Chúa Kitô nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria

Thực ra đây là hệ lụy tất nhiên của hai mối kết nối nói trên.  Một khi liên đới với Đức Maria để hiệp thông với Đức Kitô, tất nhiên mọi người là anh chị em hiệp thông với nhau, nhưng chính ở đây lại mở ra một nhãn giới đầy lạc quan tin tưởng hy vọng cho tất cả những ai lần hạt Mân Côi.

Với Kinh Mân Côi, tín hữu nhận biết người Ấn Độ là anh em của mình, người Châu Âu sung túc cũng nhận ra người Somali đói nghèo là chi thể của mình, người Kinh cảm nhận hơn nữa người Thượng gần gũi với mình.  Tại sao ta lần hạt ở nhà thờ, gia đình, trên đường…… ?  Tại sao ai cũng lần hạt được, từ giáo sĩ đến giáo dân, từ trí thức đến nông dân, từ em thơ đến các cụ?  Thưa bởi vì Kinh Mân Côi bình đẳng phổ cập, chẳng những phù hợp với mọi người mà còn củng cố hiệp thông với mọi người.  Buồn hay vui người ta đều lần hạt, đám cưới thì lần hạt xin hạnh phúc đời này, còn đám tang thì lần hạt xin hạnh phúc đời sau.

Nếu Kinh Mân Côi có được xem là vũ khí thì vũ khí ấy lại là tình thương san sẻ có sức mạnh gắn hàn liên kết hiệp thông.  Bằng Kinh Mân Côi, người ta san sẻ cho nhau sứ điệp Tin Mừng như lễ Mân Côi hôm nay theo lịch sử là ghi dấu chiến thắng Lépante năm 1571 giữa Hồi Giáo và Công Giáo, nhưng theo tinh thần lại là ghi dấu một sức mạnh khi mọi người hiệp thông trong Kinh Mân Côi.

Trình bày Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối không có tham vọng đem lại cái gì mới mà chỉ muốn lặp lại ý muốn của Đức Maria và Giáo Hội ở một hòa âm mới hơn trong mối hiệp thông.  Để với những ai đã quen lần hạt hằng ngày, xin được kiên trì.  Kinh Mân Côi giúp nối mạng tâm linh cho tâm tình bộc bạch thành tâm sự dễ dàng, nhanh chóng.  Kinh Mân Côi còn là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Một lần làm phép xâu chuỗi cho bà cụ và cô gái, thấy họ kính cẩn trong cách trao và nhận, tôi chỉ vào túi mình và nói với hai người: tôi cũng có chuỗi kinh.  Tất cả đều cười vui.  Mong rằng không chỉ có chuỗi kinh để lần hạt chu toàn nhiệm vụ, mà còn có chuỗi kinh biết hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau.

ĐGM Vũ duy Thống (Trích trong ‘Nút Vòng Xoay’)

VƯỜN NHO CUỘC ĐỜI

Cha mẹ sinh con bao giờ cũng đặt niềm kỳ vọng nơi con cái, với ước mong chúng sẽ thành đạt và là người có ích cho xã hội.  Có những người cha mẹ được toại nguyện và tự hào về con cái mình; nhưng cũng có những người cha mẹ đau khổ vì những đứa con bất hiếu, thậm chí còn là nỗi hổ nhục cho bậc sinh thành.  Thiên Chúa là Cha của hết thảy mọi người.  Cũng như những bậc cha mẹ ở trần gian, Ngài luôn muốn cho chúng ta được những điều tốt lành.  Khi tạo dựng con người và vũ trụ, Thiên Chúa muốn san sẻ cho họ một phần vinh quang và sự tốt lành của Ngài cho mọi tạo vật.  Có nhiều người đã cậy dựa vào ơn Chúa, cố gắng vượt qua những cám dỗ thử thách để nên thánh, như những đứa con sống đẹp lòng cha mẹ, hiếu thảo với đấng sinh thành; nhưng cũng có những người khước từ lời mời gọi của Ngài, cố tình sống trong ích kỷ và tội lỗi, giống như những người con bất hiếu phản nghịch.  Tình trạng này được diễn tả trong đoạn trích sách ngôn sứ Isaia.

Israen là một đất nước nghề trồng nho phát triển, vì thế những chi tiết liên quan đến cây nho, cành nho, vườn nho, người trồng nho, việc cắt tỉa chăm sóc cây nho được nhắc tới nhiều lần trong Cựu Ước.  Đây là Chúa nhật thứ ba liên tiếp, Phụng vụ dùng hình ảnh vườn nho để giáo huấn chúng ta về lòng thương xót của Chúa.  Đặc biệt trong Chúa nhật XXVII này, Bài sách thánh thứ nhất và bài Tin Mừng cùng nói về vườn nho.  Trước hết chúng ta thấy Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia, vừa như một lời than vãn, vừa như một lời trách móc giận hờn.  Quả vậy, Thiên Chúa giống như người trồng nho, thế gian này là một cánh đồng nho mênh mông rộng rãi.  Người trồng nho chăm bẵm chuyên cần, mong thu được những hoa thơm trái ngọt.  Tuy vậy, khi đến mùa hái nho, trái ngọt đâu chẳng thấy, chỉ thấy nho dại và trái đắng.  Tâm huyết và kỳ vọng của chủ vườn nho đã trở nên vô nghĩa.  Người trồng nho thất vọng và sẽ để cho vườn trở thành tan hoang tiêu điều.  Ngôn sứ Isaia đã được sai đến để chuyển tải cho người Do Thái một thông điệp: họ là những kẻ bất trung.  Họ không đền đáp cân xứng tình yêu thương và bao dung nhân hậu của Chúa.  Họ sẽ phải lãnh lấy những án phạt xứng với tội ác họ đã phạm.  Đất nước sẽ ra hoang vu, vì tội lỗi và bất trung của dân phản nghịch.

Tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, Đức Giêsu trong Tin Mừng Thánh Matthêu cũng dùng hình ảnh vườn nho.  Dụ ngôn nhấn mạnh đến mối tương quan giữa ông chủ vườn và những người thợ làm vườn, cũng gọi là những tá điền.  Trong câu chuyện này, những tá điền được diễn tả như những người bất lương, tham lam mưu mô chiếm đoạt tài sản của ông chủ, là người đã cưu mang và tạo việc làm cho mình.  Từ thân phận người làm thuê, họ muốn thay ngôi đổi chủ để trở thành người giàu có.  Họ cố tình chiếm hữu tài sản không phải là của mình.  Họ vừa cướp của, vừa giết người.  Mà người bị giết là con của ông chủ, tài sản bị cướp là tài sản của ông chủ, người rất tốt với họ, sẵn sàng đón nhận họ kể cả ở giờ thứ mười một và trả lương cho họ cách hào phóng (Tin Mừng chúa nhật trước).  Những chi tiết này của câu chuyện đã nêu bật sự gian ác bất lương của họ.

Với một dụ ngôn ngắn, Chúa Giêsu đã phác họa toàn bộ lịch sử cứu chuộc với những can thiệp của Thiên Chúa, vào những giai đoạn khác nhau nhằm đem lại cho con người hạnh phúc.  Tuy vậy, con người đã khước từ tình thương của Thiên Chúa.  Đối lại với những lời giảng dạy nhằm thiết lập tình bác ái, những thượng tế, luật sĩ,biệt phái và một số người Do Thái đã lên án tử cho Chúa.  Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa, đã bị kết án tử hình thập giá và đã chết ngoài thành Giêrusalem, như người con thừa kế bị giết bên ngoài vườn nho.

Nếu Thiên Chúa luôn luôn ban ơn và hướng dẫn hầu đem lại cho con người hạnh phúc, thì con người lại khước từ và phản bội Chúa.  Thái độ của những người tá điền cũng là thái độ của con người nói chung, nhất là của những tội nhân.  Nhiều lần chúng ta khước từ lời mời gọi của Chúa.  Thay vì làm theo ý Chúa thì chúng ta lại làm theo ý mình, thậm chí làm những điều trái ngược với lời dạy của Người.

Như thế, hình ảnh vườn nho diễn tả cuộc sống trần gian của chúng ta.  Thiên Chúa đã đặt chúng ta trong “vườn-cuộc-đời.”  Ngài thường xuyên chăm sóc, tỉa cảnh để chúng ta đem lại những hoa thơm trái ngọt cho đời..  “Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại…  Chúa chỉ mong con người sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Bài đọc I).

Cả bài Sách Thánh trích ngôn sứ Isaia cũng như bài Tin Mừng của Chúa nhật này đều có phần kết không mấy sáng sủa: đó là những lời cảnh cáo và trừng phạt vì một lối sống bất nhân, thiếu đạo đức, lỗi công bằng.  Phải chăng cả hai bài đọc Lời Chúa này đều diễn tả thực trạng của xã hội hôm nay: đó là sự bất trung và coi nhẹ Thượng đế cũng như các giá trị thần linh.  Giống như những tá điền bất lương, con người hôm nay muốn thay thế vị trí của Thiên Chúa.  Họ còn dám coi mình là thượng đế, có thể giải đáp được mọi vấn nạn và đáp ứng mọi nhu cầu của con người.  Những thông tin thời sự gần đây cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục thi hành chiến dịch đập phá nhà thờ, xúc phạm các nơi thiêng thánh của các tôn giáo, trong đó có những nơi thờ tự thiêng liêng của Phật giáo đã tồn tại trên ngàn năm.  Theo một nguồn tin cho biết, trong năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã triệt hạ khoảng 900 nhà thờ Kitô giáo.  Họ còn báng bổ tôn giáo đến nỗi xây nhà vệ sinh trên những nền cũ của nhà thờ, nhà chùa, đốt sách vở tôn giáo và đập phá ảnh tượng.  Những hành động phỉ báng thần linh chắc chắn sẽ phải lãnh nhận hậu quả.

Nếu cuộc đời này được sánh như một vườn nho, thì mỗi chúng ta, dù ở địa vị xã hội hay trình độ văn hoá nào, thì cũng đang là người tá điền trong vườn nho đó.  Có những tá điền bất trung nhưng chắc chắn cũng có những tá điền tốt lành, nhân hậu, lắng nghe ý kiến và trung thành với chủ của mình.  Quả vậy, Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ chúng ta vào lúc cuối đời, để đón tiếp chúng ta như một người Cha.  Tuy vậy, một người sống tội lỗi và đầy mưu mô phản loạn không thể xứng đáng ra trình diện trước nhan Chúa.  Cũng như ông chủ vườn nho sai con mình đến thu hoa lợi, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến để phán xét chúng ta vào ngày tận thế.  Chúa Giêsu đã nói về ngày phán xét chung ở tận cùng của lịch sử.  Lúc đó, mọi người sẽ bị xét xử về những công việc họ đã làm cũng như về thái độ đối với anh chị em mình, khi họ còn sống trên dương gian.

Ngẫm chuyện xưa để học những bài học cho đời nay, Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cố gắng sống tốt lành, năng cầu nguyện cùng Thiên Chúa và chuyên tâm thực hành lời Ngài dạy.  Thánh nhân nêu cụ thể những thực hành đạo đức như sau: “Những gì chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý thực hành.”   Khi thực hành như thế, sự bình an của Chúa sẽ ở với chúng ta.  Những thực hành đó sẽ giúp chúng ta kết hợp với Đức Giêsu và sẽ đạt được sự bình an đích thực là quà tặng của Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài (Bài đọc II).

Kính thưa anh chị em, chúng ta vừa bước vào tháng Mân Côi.  Mỗi khi Đức Mẹ hiện ra tại một nơi nào, Mẹ thường gửi đến cho nhân loại thông điệp sám hối và lời mời gọi đọc kinh Mân Côi.  Đó cũng chính là thông điệp của Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng lời mời gọi sám hối.  Khi đọc kinh Mân Côi là chúng ta cùng với Đức Trinh nữ Maria suy niệm cuộc đời và giáo huấn của Chúa Cứu thế.  Vì vậy, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi kinh Mân Côi là cuốn Tân Ước rút gọn.  Vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng quả quyết: Kinh Mân Côi là kinh cầu nguyện mà ngài ưa thích nhất.  Vào thế kỷ 13, nhờ kinh Mân Côi, mà Giáo Hội được cứu khỏi cơn khủng hoảng và những mâu thuẫn.  Trong tháng này, chúng ta hãy suy niệm kinh Mân Côi với tâm tình của Đức Mẹ, để qua Đức Mẹ, chúng ta đến với Chúa Giêsu.  Hai mươi mầu nhiệm Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, đồng thời học hỏi nơi Người sự khiêm nhường, vâng lời và phó thác nơi Thánh ý Chúa Cha.  Trong tất cả các mầu nhiệm ấy, Đức Trinh nữ luôn hiện diện để lắng nghe, suy niệm và thực thi Lời Chúa.  Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đã thông phần đau khổ và đã đạt được ngành thiên tuế của phúc tử đạo.  Ước chi mỗi chúng ta biết sống các mầu nhiệm Mân Côi như Đức Mẹ, để cùng với Mẹ hưởng vinh quang Thiên quốc.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NĂM SỰ THẬT VỀ THIÊN THẦN BẢN MỆNH CỦA CHÚNG TA

“Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này: vì Thầy bảo cho anh em biết, thiên thần của họ ở trên trời hằng chiêm ngắm thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10).

Giáo Hội Công Giáo dành ngày 02/10 hằng năm để mừng kính các Thiên thần Bản mệnh.  Vào năm 1670, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X đã thiết lập lễ này cho toàn thể Giáo Hội để tôn kính các đấng vô hình luôn ngày ngày bảo vệ chúng ta.

Trong khi đa số chúng ta chỉ chú ý đến các Thiên thần Bản mệnh cá nhân, truyền thống Giáo Hội (được các nhà thần học như Thánh Tôma Aquinô giảng dạy) cho biết rằng các quốc gia, các thành phố, các giáo phận, các giáo xứ đều có Thiên thần Bản mệnh riêng, có những người, những nơi còn có nhiều vị Bản mệnh.

Các ngài là những thụ tạo đẹp đẽ của Thiên Chúa, được ẩn giấu trong một mầu nhiệm kỳ vĩ.  Báo chí nhiều khi tường thuật chuyện có một người huyền bí xuất hiện để giúp đỡ trong các vụ tai nạn rồi sau đó không bao giờ xuất hiện lại nữa.  Chúng ta mắc nợ Thiên thần Bản mệnh của chúng ta rất nhiều, người hằng bảo vệ, chỉ dẫn chúng ta mà chúng ta không biết.  Các ngài can thiệp vào đời sống chúng ta cách âm thầm, hoàn thành tác vụ của mình cách khiêm tốn nhất có thể.

Để chúng ta hiểu sâu sắc về các “người hỗ trợ từ trời” của chúng ta, hãy tìm hiểu 5 sự thật này về Thiên thần Bản mệnh.

1. Mỗi một người trên thế giới đều có một Thiên thần Bản mệnh (dù là Kitô hữu hay không)

Giáo lý, như được trình bày trong YOUCAT, dạy rằng “Mỗi một cá nhân đều nhận một Thiên thần Bản mệnh từ Thiên Chúa” (s. 55).  Điều này phù hợp với lời dạy của Kinh Thánh, của các Thánh như Tôma Aquinô, Basiliô và Giêrônimô, thậm chí phù hợp cả với kinh nghiệm của những người ngoài Kitô giáo có cảm nhận về một sự giúp đỡ vô hình từ một vị thiên thần (người Việt Nam ta hay nói trẻ em có một bà mụ nâng đỡ).

Mike Aquilina, một nhà giáo sử nổi tiếng, viết về những kinh nghiệm của bạn ông liên quan đến thiên thần giúp đỡ như sau:

“Một người bạn của tôi, một nhà triết học nổi tiếng từng học ở Harvard, là người vô thần từ trẻ.  Một hôm, khi anh ta đang bơi ngoài biển thì bị sóng cuốn ra khơi.  Anh ta biết mình đang chìm xuống, không hy vọng được ai cứu nữa.  Đột nhiên, một cánh tay mạnh mẽ nắm lấy anh và kéo vào bờ.  Người nắm lấy anh là một chàng trai vạm vỡ.  Anh bạn vừa chết hụt định cám ơn người thanh niên kia thì anh thanh niên cười và biến mất.  Từ lúc đó, anh bạn của tôi bắt đầu con đường quay trở về đức tin.”

2. Thiên thần Bản mệnh được ban ngay từ đầu đời

Giáo lý dạy rằng: “Từ khởi đầu đến kết thúc, cuộc đời con người được vị chuyển cầu và săn sóc cẩn thận bao bọc” (số 336).  Thánh Anselmô tin rằng các thiên thần được gửi đến ngay từ giây phút đầu tiên khi linh hồn hiệp vào thân xác con người trong dạ mẹ.  Tuy nhiên điều này chưa được tuyên tín và vẫn còn có nhiều tranh luận.  Nếu đúng vậy, người phụ nữ mang thai có hai Thiên thần Bản mệnh, cho mình và cho thai nhi của mình.

3. Thiên thần Bản mệnh có tên, và chỉ mình Thiên Chúa biết tên của các vị

Giáo Hội hướng dẫn chúng ta rằng: “Thói quen đặt tên cho các Thiên thần nên bị loại bỏ, trừ những vị được đề cập rõ ràng trong Kinh Thánh như Gaprien, Raphaen và Micaen” (Thánh bộ Phụng tự, Huấn thị về Lòng đạo đức Bình dân, số 217, năm 2001).

Lý do cho điều này đó là tên họ chứa ẩn một quyền lực nào đó trên một người.  Ví dụ, nếu tôi biết tên bạn và gọi tên bạn khi tôi muốn, bạn bị bó buộc nghe tôi, và tôi có một chút quyền lực trên bạn (khi thư yếm người khác, phù thuỷ cũng phải gọi tên người bị thư yếm).  Ngược lại, chúng ta không có quyền gì trên các Thiên thần.  Các ngài chỉ phải thưa chuyện với duy nhất Vị Chỉ Huy của mình: Thiên Chúa.  Chúng ta có thể nhờ các vị giúp đỡ, nhưng đừng nghĩ các ngài đứng đó khi ta vẫy tay và gọi.

Giáo Hội bác bỏ thói quen gọi tên các Thiên thần Hộ thủ vì có nhiều người có thói quen đặt tên cho các vị và kêu cầu, nhưng đó không phải là điều được linh hứng.  Nó thậm chí có thể là do tác động của ma quỷ.  Chỉ những danh hiệu được mặc khải rõ trong Kinh Thánh mới đáng tin tưởng, và những cái tên khác thì không thể biết chắc có đến từ Thiên Chúa hay không.

4. Chúng ta sẽ không trở thành Thiên thần sau khi chết

Nhiều người tin rằng chúng ta sẽ biến thành các Thiên thần sau khi chết, nhưng sự thật ngược lại, đó là chuyện không thể.  Sau khi chết, con người rời khỏi thân xác mình một thời gian, và sẽ hiệp nhất lại vào thời tận cùng.  Chúng ta sẽ không trở thành các Thiên thần vô hình.  Tất cả các Thiên thần Bản mệnh đã được sáng tạo ngay từ khởi thuỷ công trình tạo dựng.

Hãy nhớ lời Chúa phán cùng tiên tri Giêrêmia: “Trước khi Ta tạo thành ngươi trong dạ mẹ ngươi, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi.” (Gr 1,5)  Thiên Chúa đã biết bạn và đã chỉ định một vị Thiên thần Bản mệnh cho bạn trước khi Người tạo dựng vũ trụ này.

5. Thiên thần Bản mệnh luôn ở đây để giúp đỡ chúng ta

Giáo lý gọi các Thiên thần Hộ thủ là các mục tử luôn muốn bảo vệ và dẫn dắt con người vào sự sống đời đời.  Công tác duy nhất của các vị là giúp chúng ta vào Thiên đàng, nên chúng ta hãy cầu nguyện cùng các vị mỗi ngày, xin các vị giúp đỡ chúng ta trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Giáo Hội cung cấp cho tất cả chúng ta một bản kinh tuyệt vời để cầu xin cùng Thiên thần Bản mệnh của mình:

Lạy Thiên thần Chúa là Thiên thần Bản mệnh yêu dấu của con.  Nơi ngài Chúa ban tình yêu của Người cho con.  Mỗi ngày, xin ngài hãy ở cạnh bên con để soi sáng và canh giữ, để điều khiển và hướng dẫn con.  Amen.

Gioakim Nguyễn dịch