KHÁT KHAO NHỮNG GÌ ĐÁNG KHAO KHÁT NHẤT

“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi!”

Hôm nay, thế giới vẫn hướng về Rôma, nơi vừa cử hành Lễ An Táng của Đức Bênêđictô, một triết gia, một nhà tư tưởng và nhà thần học.  Ấy thế, ngài còn được gọi là vị “Giáo Hoàng khiêm nhượng.”  Trong di chúc, ngài viết, “Từ tận đáy lòng, tôi cầu xin sự tha thứ của tất cả những ai tôi đã từng sai phạm cách nào đó.”  “Chúa Kitô thực sự là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống – và Giáo Hội, bất kể những khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Ngài!”  Lời cuối cùng của ngài được ghi nhận là, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”  Khi nói, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”, Đức Bênêđictô đã tiết lộ nỗi ‘khát khao những gì đáng khao khát nhất’ của mình!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không nói đến một giáo hoàng, nhưng nói đến một vị tiền hô, cũng là một người yêu mến và khát khao Chúa Kitô hết lòng!  Gioan Tẩy Giả đêm ngày khao khát “Đấng đến sau” mà Gioan không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép Ngài.  Như Gioan, như Đức Bênêđictô, bạn và tôi cũng hãy khao khát Chúa Kitô như ‘khát khao những gì đáng khao khát nhất!’

Gioan, con người của sứ mệnh!  Mọi khía cạnh cuộc đời của Gioan dành trọn cho việc dọn đường cho Đấng Thiên Sai; mọi thớ thịt của Gioan đều khao khát được thấy ngày Ngài đến.  Bằng việc ẩn mình trong sa mạc để sám hối, hay ra khỏi đó để kêu gọi ăn năn, Gioan đã làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho người đương thời đón chào Chúa Cứu Thế.  Vì lòng khao khát Chúa Kitô, nên mọi hành động, mọi lời nói của Gioan đều phản ánh cơn khát cháy bỏng trong tâm hồn.  Và Gioan đã vui mừng biết bao, như Marcô viết, “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giorđan.”  Cuối cùng, ngày mà Gioan chờ mong cũng đã đến!  Thật tốt biết bao khi bạn và tôi, như Gioan, thực sự ‘khát khao những gì đáng khao khát nhất’, chính Chúa Kitô, và sau đó đạt được Ngài!

Hãy khao khát Chúa Kitô bước vào cuộc sống mình!  Thế nhưng, chúng ta không cần nhìn đâu xa.  Qua phép Rửa, Chúa Kitô đã nắm lấy tay chúng ta, bạn và tôi đã thuộc về Ngài!  Phép Rửa cho chúng ta xác tín rằng, Chúa Kitô ở đây, Ngài đã đến trong cuộc đời tôi, chiếm lấy linh hồn tôi và sẽ ở lại với tôi, trừ khi tôi cố tình quay lưng lại với Ngài khi phạm tội.  Thậm chí sau đó, Ngài vẫn chờ đợi và theo đuổi tôi để khôi phục lại tình bạn nghĩa thiết với Ngài.  Vậy tôi có đánh giá cao món quà Rửa Tội không?  Tôi có tích cực làm việc để hạt giống đó đơm hoa kết trái trong đời mình không?  Nói cách khác, tôi có ‘khát khao những gì đáng khao khát nhất’ không?

Khi chúng ta thực hiện những cam kết của phép Rửa, thế giới sẽ biến đổi!  Những ý thức hệ bạo lực, khuynh hướng tham ô, cơn đói quyền lực và của cải sẽ rơi rụng.  Thay vào đó, mắt chúng ta sẽ mở ra trước nhu cầu của người khác; họ cũng khao khát Chúa Kitô, ‘khát khao những gì đáng khao khát nhất!’  Món quà lớn nhất chúng ta trao cho họ, như Gioan, là chỉ cho họ Chiên Thiên Chúa, dẫn họ đến với Ngài – vì chỉ Ngài mới có thể thoả mãn cơn khát của mọi tâm hồn!

Anh Chị em,

“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi!”  Ai trong chúng ta không muốn thấy cuộc đời mình được biến đổi bởi tình yêu và quyền năng của “Đấng đến sau” đó!  Ai trong chúng ta không muốn trở nên khí cụ bình an, lòng thương xót và sự công chính của Ngài!  Hãy xét xem sự khiêm nhường của chính Đấng ấy và cầu xin Thánh Thần rèn giũa trái tim bạn.  Một khi làm như thế, thiên đường cũng sẽ mở ra cho bạn.  Chúa Kitô sẵn sàng đổi mới chúng ta trong Thánh Thần của Ngài và xức dầu để chúng ta ra đi thi hành sứ mạng; Ngài đã làm điều đó ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy.  Vậy hãy ‘khát khao những gì đáng khao khát’ nhất, chính Chúa Kitô; và với Ngài, bạn cũng có thể chiếu toả niềm vui Tin Mừng cho những người khác!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khoảnh khắc con chịu phép Rửa là khoảnh khắc Chúa mở cửa thiên đàng cho con. Xin cho con một chỉ khao khát Chúa, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

LÊN ĐƯỜNG

Trong lịch sử Cứu độ, có những biến cố xảy đến, thường được coi là ngẫu nhiên, nhưng thực ra là do Chúa Quan phòng định liệu, hầu cho lời ngôn sứ từ ngàn xưa được ứng nghiệm.  Con người được cộng tác để làm cho chương trình Cứu độ yêu thương của Chúa thành hiện thực.  Và như thế, cần có những cuộc lên đường.

Trước hết, đó là cuộc lên đường của cặp vợ chồng trẻ, là ông Giuse và bà Maria.  Ông Giuse quê ở Belem, miền Nam, nhưng lại đang sinh sống ở Nagiarét, miền Bắc.  Trong khi đó, lời ngôn sứ lại tiên báo Đấng Cứu thế sẽ sinh tại Belem.  Đấng Quan phòng đã soi sáng và thúc đẩy cho hoàng đế Augustô khởi xướng một cuộc tổng điều tra dân số, để rồi, ai quê hương ở đâu thì phải về đó để làm sổ kiểm tra.  Để thi hành bổn phận người công dân, ông bà phải lên đường về thành của vua Đavít.  Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ về nơi sinh của Đấng Cứu thế.  Khi lên đường, ông bà đã phải chấp nhận nhiều hệ luỵ, vì bà Maria đang mang thai gần đến ngày sinh.  Hơn nữa, thân phận nghèo nàn không thể có phương tiện hoặc những tiện nghi cho việc lưu trú.  Con Thiên Chúa đã chấp nhận cảnh nghèo nàn này, và đã sinh hạ tại nơi làm trú ngụ cho chiên bò vào ban đêm.

Đó cũng là cuộc lên đường của các mục đồng tại Belem.  Họ là những người dân quê nghèo nàn chất phác.  Tin Mừng Giáng sinh đã được loan báo cho họ trước hết, không phải do con người, mà do chính các sứ thần.  Họ đã tin ngay rằng Chúa đã nói với họ.  Những mục đồng bảo nhau: “Chúng ta hãy sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã cho chúng ta biết.”  Họ đã hối hả lên đường, theo chỉ dẫn của các thiên sứ.  Họ là những người đầu tiên chứng kiến Hài Nhi mới sinh.  Những người đơn sơ này sẵn sàng bỏ lại chiên bò, chấp nhận nhiều hệ luỵ có thể sẽ bị kẻ gian đánh cắp, để đến thờ lạy Đấng Cứu độ mới sinh.

Đó còn là cuộc lên đường của các nhà đạo sĩ.  Cũng có bản văn gọi họ là những nhà chiêm tinh.  Truyền thống vẫn cho là họ có ba người, nhưng Thánh Mátthêu chỉ ghi là “có mấy người chiêm tinh.”  Chuyên môn nghề nghiệp của họ là quan sát các vì sao để đoán vận mạng thế giới.  Các ông đã thấy ngôi sao lạ xuất hiện ở phương Đông và đã lên đường.  Chúng ta không biết hành trình của các ông mất bao nhiêu thời gian và vượt qua bao nhiêu cây số, nhưng chắc chắn đó là một hành trình dài.  Có lúc các ông không còn thấy ngôi sao nữa, nhưng không vì thế mà các ông nản lòng.  Việc dừng chân khảo sát tại Giêrusalem của các ông đã làm cho cả thành xôn xao, và làm cho vua Hêrôđê bối rối.  Ông bối rối và nghi ngờ, ghen tỵ vì nghĩ rằng vị vua mới sinh sẽ đoạt ngai vàng của mình.  Hành trình gian nan vất vả của các nhà chiêm tinh đã được thưởng công.  Cuối cùng, các ông cũng tới được Belem để thờ lạy Hài Nhi mới sinh, dâng lên Người những lễ vật mang tính biểu tượng của văn hoá đông phương: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Cũng nên nhắc tới một cuộc lên đường khác, đó là cuộc lên đường của quân lính theo lệnh của ông vua gian ác đến sát hại các hài nhi mới sinh ở Belem và vùng phụ cận.  Cuộc lên đường này đằng đằng sắt khí, được thúc đẩy do sự ghen tương và thù hận.  Hệ luỵ của cuộc tàn sát này thật ghê rợn: bao trẻ thơ vô tội đã bị giết tang thương.  Các em đã chết vì Chúa Giêsu.

Những cuộc lên đường nhắc tới trên đây đều hướng về một nhân vật: đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Đấng Emmanuel.  Người là Vua các vua và là Chúa các chúa.  Lễ Hiển linh giới thiệu với chúng ta Đức Giêsu là Đấng Cứu độ và là Ánh sáng muôn dân.  Ba nhà chiêm tinh đại diện cho thế giới ngoài Do Thái giáo, cũng gọi là dân ngoại.  Ngôn sứ Isaia được chiêm ngưỡng thành thánh Giêrusalem tỏa sáng đến khắp cùng thế giới.  Mọi nguồn sung mãn đều quy hướng về đây.  Thành thánh Giêrusalem là hình ảnh của Giáo Hội.  Vì nhận từ Chúa Giêsu sứ mạng thánh hóa con người, Giáo Hội trở nên Ánh Sáng Muôn Dân, không phải nhằm mục đích quy hướng về chính mình, nhưng là để chiếu soi và dẫn đường cho nhân loại đến gặp Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.  Tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, Giáo Hội quy tụ mọi dân tộc, để “nhờ Tin Mừng, các dân ngọai được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô” (Bài đọc II).

Mừng lễ Giáng sinh, mỗi chúng ta cũng được mời gọi lên đường.  Như các mục đồng, chúng ta lên đường để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng để rồi sau đó trở về vui mừng kể lại cho những người xung quanh câu chuyện Chúa Giêsu.  Như các nhà chiêm tinh, chúng ta lên đường thờ lạy Vua các vua, tôn vinh Người là Đấng Cứu độ và là Đấng đang sống giữa chúng ta.  Cầu nguyện bên hang đá máng cỏ trong những ngày cuối mùa Giáng sinh, xin Chúa Hài Đồng ban cho chúng ta nghị lực kiên cường, để vững vàng trông cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc gian nan thử thách.  Chúa sẽ thưởng công xứng đáng cho những ai trung tín với Ngài.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên